PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 79

 

Thiên thứ 84: THẬP ÁC (Phần bảy)

Phần thứ mười ba: TÀ KIẾN

Phần này có 2 mục tách biệt: Thuật ý; Dẫn chứng.

Thứ nhất: Thuật Ý

Bắt đầu đi vào Phật pháp, cần phải lấy tín tâm làm đầu. Vì như có người đi đến nơi hòn núi châu báu, nếu không có niềm tin thì tay không mà trở về, chẳng có ích lợi gì cả. Vì vậy trong kinh nói: “Người ngu si dốt nát không nhận thức được nhân quả, vọng tưởng dấy lên tà kiến bài báng không có Tam Bảo – Tứ Đế, không có họa – không có phước thậm chí không có thiện – không có ác, cũng không có nghiệp báo của thiện ác, cũng không có chúng sanh thọ sanh ở đời này và đời sau. Người như vậy, đạp đổ tư tưởng về pháp thiện pháp ác, đó gọi là đoạn diệt thiện căn, chắc chắn phải rơi vào địa ngục A tỳ.

Thứ hai: Dẫn Chứng

Như kinh Đại Phẩm nói: “Nếu người không tin mà phỉ báng kinh Đại thừa Bát Nhã, thì dứt khoát rơi vào địa ngục A tỳ, nhận chịu khổ đau vô cùng trong vô lượng trăm ngàn vạn ức năm, từ một địa ngục đến một địa ngục, nếu kiếp này hết thì sanh vào trong địa ngục lớn ở phương khác, kiếp ở phương khác hết thì lại sanh trong địa ngục lớn ở phương này. Như vậy lần lượt chuyển vòng khắp nơi mười phương thế giới. Kiếp ở phương khác hết sanh trở lại trong địa ngục lớn nơi này, tội báo địa ngục chấm dứt thì sanh trong loài súc sanh, cũng khắp nơi mười phương thế giới. Tội báo súc sanh chấm dứt, sanh đến nơi không có Phật pháp ở trong loài người, nghèo khó hèn hạ thiếu khuyết các căn, thường ngu si điên cuồng khờ dại không phân biệt hiểu biết được gì. Tuy không ngu dần như loài vật mà cho dù là người thông minh, vọng tưởng nảy sinh cố chấp lạ lùng thì cũng gọi là tà kiến”.

Do đó, trong Thành Thật Luận nói: “Ngu si có sự sai biệt, nguyên cớ do đâu? Bởi vì không phải tất cả ngu si đều là bất thiện, nếu ngu si tăng lên chuyển thành tà kiến, thì gọi là nghiệp đạo bất thiện. Vì vậy từ ngu si tăng lên thành tà kiến, thì trở thành tội lỗi sâu nặng, chắc chắn rơi vào địa ngục A tỳ. Cứ như ngay nơi tà kiến tự nó cũng có nặng nhẹ, nhẹ thì có thể chuyển hóa, nặng thì không thể chuyển hóa”.

Vì vậy trong kinh Bồ Tát Địa trì nói: “Tà kiến có hai loại: Một là có thể chuyển hóa, hai là không thể chuyển hóa. Phỉ báng nhân quả – nói không có Thánh nhân, đó gọi là loại không thể chuyển hóa. Không phải là nhân xem là nhân, không phải là quả xem là quả, loại này gọi là có thể chuyển hóa. Vì thế cho nên ác nghiệp gọi là tà kiến, thiện nghiệp thì gọi là chánh kiến. Loại không bài báng Tứ Đế mà mê muội Thánh đạo, không biết lý của đạo là từ tự tâm sinh ra, chỉ thường làm cho chân đau khổ để mong cầu giải thoát, như con chó đuổi theo viên bi mà không biết tìm đến nơi ban đầu”.

Do đó, trong luận Đại Trang Nghiêm nói: “Ví như sư tử vào lúc bị bắn, mà sư tử kia tìm đuổi theo người chạy. Ví như con chó ngu si có người ném đá, liền đuổi theo hòn đá mà không biết tìm nguồn góc do đâu. Nói sư tử là dụ cho người trí tuệ biết tìm cầu nguồn gốc sự việc mà diệt trừ phiền não. Nói con chó ngu si, tức là dụ cho ngoại đạo dùng năm thứ móng thiêu đốt thân thể mà không biết do tâm làm gốc (bốn phía bày những ngọn lửa, phía trên có mặt trời thiêu đốt, thân mình ở trong chỗ ấy để lấy khổ đau mà cầu đạo). Nhưng các loại phàm phu dốt phần nhiều mê mờ đạo lý chân thật, không biết quán sát thân tâm vô ngã, chỉ bắt chước khổ hạnh mà lấy đó làm đạo, thì giống như ngoại đạo vọng tưởng thực hành tà pháp- sai lầm chấp trước trái ngược chân lý chỉ trở thành ác pháp”.

Vì vậy trong Trí Độ Luận nói: “Tà kiến vốn là tội lỗi sâu nặng, tuy trì giới và nghiệp thân miệng tốt đẹp, nhưng đều thuận theo ác tâm tà kiến. Như Đức Phật tự giải thích thí dụ: Như gieo trồng chủng loại đắng chát tuy là do Đại mà thành nhưng đều tạo thành vị đắng chát; người tà kiến này cũng như vậy, tuy tinh tiến trì giới mà đều trở thành ác pháp, không bằng không chấp trước mà thực hành một ít tuệ thí. Không có chấp trước thì dễ dàng cảm hóa, có chấp trước thì khó mà hóa độ, không phải tự hủy hoại mình thì cũng làm tổn hại người khác”.

Do đó, trong Thành Thật Luận nói: “Thà rằng dừng lại thực hành chứ đừng thực hành tà đạo, đến lúc thân hoại mạng chung sẽ rơi vào ác thú khổ đau”.

Còn trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Diêm La Vương thuyết kệ quở trách sai lầm của tội nhân rằng:

Ngươi tà kiến ngu si dốt nát,
Lưới ngu si ràng buộc con người,
Nay phải rơi vào địa ngục này,
Nằm ở biển khổ đau vô hạn.
Ác kiến dốt cháy mọi thiện căn,
Phàm phu nhất ở trong loài người,
Ngươi sợ hãi địa ngục ràng buộc,
Đây đều là nhà cửa của ngươi.
Nếu như người thuộc về tà kiến,
Thì người kia không phải thông tuệ,
Tất cả hành động của địa ngục,
Do tâm oan gia mà lừa dối.
Tâm chính là kẻ thù thứ nhất,
Kẻ thù này thật là tàn ác,
Kẻ thù này luôn trói chặt người,
Đưa tiễn đến xứ dở Diêm La.
 
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bèn thuyết kệ rằng:

Tâm ngu si như cá trong bùn,
Sinh sống trong căn nhà của ái,
Lúc tạo nghiệp vui cười thích thú,
Lúc chịu khổ gào thét khóc lóc”.

Còn trong Kinh Tu Hành Đạo Địa có kệ rằng:

“Khẩu nghiệp có lời nói ngu si,
Lòng dạ con người luôn tối tăm,
Đã không thể nào nghĩ điều ác,
Cũng không có tâm nghĩ điều thiện.
Đầu óc mê muội thường mù mịt,
Mọi chuyện không thể nào làm được,
Như đun nấu trong lúc nóng nảy,
Không điều gì có thể hoàn thiện.
Người có nhiều tập khí ngu si,
Các căn không hoàn toàn đầy đủ,
Sanh vào trong các loài trâu dê,
Sau đó sẽ rơi vào địa ngục”.

Trong kinh Nguyệt Quang Đồng Tử, cũng gọi là kinh Phật Thuyết Thân Nhật nói: “Lúc ấy có Trưởng giả, tên gọi là Thân Nhật, theo lời của lục sư ngoại đạo muốn thỉnh Đức Phật và chúng Tăng, khiến Trưởng giả ở ngoài cổng chính giữa đào làm hố sâu năm trượng sáu thước, lấy lửa than đổ xuống hơn nửa hố, dùng sắt mảnh làm mành, phía trên phủ một lớp đát mỏng, bày các thứ đồ ăn thức uống, đem chất độc bỏ vào trong đó, hầm lửa không chịu nổi, cơm có độc đủ để sát hại, làm theo kế hoạch này, lo gì không chết? Như lời dạy mà làm, ngoại đạo đều vui mừng. Ngay sau thân đó Thân Nhật liền đi đến chỗ Đức Phật, thiết tha thỉnh cầu Đức Phật và các vị Thánh chúng. Lúc này Đức Thế Tôn thương xót cho sự ngu si điên cuồng ấy, muốn cứu thoát cho họ, Ngài im lặng nhận lời thỉnh cầu. Trong lòng Thân Nhậ vui mừng, quả nhiên giống như kế hoạch. Đâu biết rằng chất độc bằng núi Tu Di, lửa dữ cõi Đại Thiên, dao kiếm sắc nhọn chói lòa, không thể nào đủ sức động đến mảy lông của Đức Phật, nay dùng hầm lửa cơm độc muốn hủy hoại Đức Phật, ví như ruồi muỗi muốn lay động Thái Sơn, cánh của ruồi muỗi muốn ngăn che ánh sáng mặt trời mặt trăng, chỉ tự hủy hoại mình không bằng sám hối trước. Lúc bấy giờ Trưởng giả do tội lỗi bao phủ mà bịt kín tâm tư không hiểu rõ được, Đức Thế Tôn tâm niệm: nay nhận lời thỉnh cầu của Trưởng giả Thân Nhật, không giống như bình thường, hiện bày nhiều uy thần làm chấn động mười phương. Trăm ngàn Thánh chúng cùng các Long Thần, bay trên hư không – đi dưới mặt đất, không thể kể xiết, cùng một lúc đến nhà Trưởng giả để làm lợi ích. Đức Phật dùng uy thần công đức lập tức biến hầm lửc thành hồ bảy báu, đầu đủ tám vị; cơm độc biến thành cam lộ cõi trời, người ăn vào no đủ vui sướng. Lục sư ngoại đạo hoảng sợ đều bỏ chạy tán loạn. Trưởng giả quỳ phục cúi đầu lạy sát đất, than thở ân hận quỳ thẳng dưới chân Đức Phật tự mình bày tỏ, nay đã giác ngộ theo Đức Phật độ thoát. Những người đến pháp hội đều vui mừng đón nhận pháp âm, đạt được phước thiện được dộ thoát không thể kể hết”.

Còn trong kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn thưa với vua cha rằng: Trưởng giả Tu Đạt trong thành Xá vệ, có một bà lão tên là Tỳ Đê La, chăm chỉ cẩn thận đối với gia nghiệp, Trưởng giả sai khiến tự tay cầm chìa khóa kho tàng, từ trong lấy ra giao phó tất cả cho bà cụ. Tu Đạt thỉnh Đức Phật và chúng Tăng cung cấp những thứ cần thiết, lúc ấy Tỳ kheo bệnh có nhiều điều yêu cầu chu cấp, bà cụ keo kiệt tiếc rẻ giận dữ chê bai Phật pháp và cả chúng Tăng, mà nói lời rằng:Trưởng giả tôi ngu si mê hoặc tiếp nhận phép thuật của Sa môn, những người xin ăn này cầu mong nhiều thứ không chán, nào có đạo lý gì? Nói lời này rồi lại phát ra ác nguyện: Lúc nào sẽ có thể không nghe tên gọi của Phật, tên gọi của Tăng? Tiếng nói tệ hại như vậy lần lượt chuyển đến khắp thành Xá Vệ, Mạt Lợi phu nhân nghe thấy lời này rồi, mà nói lời rằng:” Trưởng giả Tu Đạt, như đóa hoa sen tươi đẹp, mọi người đều thích gặp mặt, vì sao lại có rắn độc bảo vệ? Liền gọi vợ Tu Đạt mà nói cho biết rằng: Bà lão nhà cô ác khẩu phỉ báng Phật pháp sao không gạt ra ngoài? Lúc ấy vị Tu Đạt quỳ xuống thưa với phu nhân: Người tệ ác như hạng Ương Quật Ma La, Đức Phật hãy còn có năng lực điều phục huống gì bà lão giúp việc? Mạt Lợi phu nhân nghe vậy hoan hỷ nói rằng: Ngày mai Ta thỉnh Đức Phật, cô sai bà lão giúp việc đến. Ngày mai đến giờ ăn, Trưởng giả sai bà lão giúp việc, mang bình đựng đầy vàng giúp nhà vua cúng dường. Mạt Lợi phu nhân thấy bà lão đến bèn cất tiếng bảo rằng: Người tà kiến này, nêu Đức Phật hóa độ thì Ta chắc chắn sẽ được lợi ích. Đức Phật ngay lúc bấy giờ từ cửa chính giữa đi vào, Nan Đà hầu bên trái, A-nan hầu bên phải, La hầu La đi phía sau Đức Phật. Bà lão giúp việc trông thấy Đức Phật trong lòng kinh hãi sởn tóc gáy, nói rằng người ác này đi theo sau mình đến đây, lập tức rút lui, theo lỗ chó chui mà ra ngoài, nhưng cáo lỗ chó chui liền đóng lại, bốn cửa đều khép chặt, chỉ có cửa chính giữa mở ra. Bà lão giúp việc liền trùm kín mặt lấy quạt tự che chắn. Đức Phật ở trước mặt bà lão, khiến cho cái quạt như tấm gương không có gì chướng ngại, quay đầu nhìn lại phía Đông thấy phía Đông có Đức Phật, phía Nam-Tây-Đông cũng đều như vậy, đưa đầu ngước nhìn phía trên thì phía trên có Đức Phật, cúi đầu xuống đất thì đất hóa thành Đức Phật, lấy tay che mặt thì mười đầu ngón tay đều hóa thành Đức Phật. Bà lão giúp việc nhắm mắt, tâm nhãn mở ra trông thấy, hư không hóa thành Đức Phật đầy khắp mười phương thế giới. Lúc bấy giờ trong thành có hai mươi lăm người nữ dòng Chiên đà la, lại có năm mươi người nữ dòng Bà-la-môn, và những chủng loại xen lẫn, cùng với tất cả năm trăm người nữ trong cung của Mạt Lợi phu nhân, đều là người không tin Phật, trông thấy Đức Phật Như Lai đi giữa hư không để hiện bày vô số thân cho bà lão giúp việc thấy, tất cả đều phá bỏ tà kiến đầu đảnh lễ Đức Phật, xưng gọi Nam Mô Phật. Xưng gọi xong trong giây lát thấy Hóa Phật nhiều như rừng, liền phát tâm Bồ đề. Bà lão giúp việc tà kiến sâu dày vẫn chưa sanh khởi niềm tin, nhờ trông thấy Phật cho nên trừ hết tội sanh tử trong tám mươi vạn ức kiếp. Được trông thấy Đức Phật rồi nhanh chóng chạy trở về nhà, thưa với mọi người rằng: Hôm nay tôi gặp phải đối thủ vô cùng ghê gớm, trông thấy Cù Đàm ở cửa Vương cung, làm ra những phép thuật biến hóa kỳ ảo, thân giống như núi vàng, mắt vượt quá sen xanh, tỏa sáng chói lòa. Nói lời này xong vào trong cái hòm gỗ, lấy trăm tấm da phủ trên hòm gỗ, vải bông trắng quấn chặt đầu mà lại nằm nơi tối mù.

Đức Phật trở về Kỳ Hoàn, Mạt Lợi phu nhân thưa với Đức Phật: Nguyện xin cảm hóa người nữ tà kiến đừng trở về tinh xá. Đức Phật với Mạt Lợi phu nhân: Người giúp việc này tội lỗi sâu nặng không có duyên đối với Phật, đối với La Hầu La có nhân duyên to lớn. Đức Phật đã trở về rồi bảo La hầu La, đến nhà Tu Đạt hóa độ bà lão giúp việc ấy. La Hầu La biến hóa làm thân Chuyển Luận Thánh Vương, lúc ấy một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo hóa làm Thiên tử, đi đến nhà Tu Đạt, lấy bà lão giúp việc làm Ngọc Nữ quý báu. Lúc bấy giờ Thánh Vương liền dùng ngọc châu như ý soi chiếu vào mặt người nữ, khiến cho người nữ tự thấy mình giống như Ngọc Nữ quý báu, vô cùng hoan hỷ mà nói lời như vậy: Các Sa môn đều bàn xa nói rộng, tự nói mình có đạo mà không có một chút hiệu nghiệm. Thánh Vương xuất thế làm lợi ích nhiều nơi, khiến cho bà già giúp việc tôi đây giống như Ngọc Nữ quý báu. Nói lời này xong năm vóc sát đất lễ lạy Thánh Vương. Lúc ấy vị quan trông coi kho tạng tuyên đọc mười điều thiện của nhà vua, người nữ nghe mười điều thiện trong lòng vô cùng hoan hỷ, Thánh Vương đã giảng giải ý nghĩa thì không có gì chẳng phải điều thiện, vì thế làm lễ nhà vua và tự trách hối hận về sai lầm của mình, tâm đã được điều phục. Lúc ấy La Hầu La và các Tỳ kheo trở lại hình dáng ban đầu, bà lão giúp việc thấy rồi liền nói lời rằng: pháp pháp thanh tịnh không bỏ chúng sanh, biết mình xấu xa tệ hại mà vẫn còn hóa độ. Liền thọ năm giới thành tựu quả vị Tu đà hoàn, theo đến nơi Phật để làm lễ Đức Phật, sám hối tội lỗi trước đây, cầu xin xuất gia theo Phật, đạt được quả vị A la hán, ở giữa hư không thực hiện mười tám loại biến hóa. Vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi Phu Nhân, trông thấy bèn thưa với Đức Phật rằng: Bà lão giúp việc này đời trước có tội gì mà nay sanh làm thân tôi tớ phục dịch, lại có phước thiện gì mà được Phật xuất gia đắc đạo? Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Quá khứ lâu xa có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Nhất Bảo Cái Đăng Vương. Sau khi nhập Niết bàn, ở trong thời Tượng pháp có vị vua, tên gọi là Tạp bảo Hoa Quang, hoàng tử tên gọi Khoái Kiến, ở trong thời Tượng pháp có vị vua, tên gọi là Tạp Bảo Hoa Quang, hoàng tử tên gọi Khoái Kiến, xuất gia học đạo,tự cậy thế mình là con vua, thường ôm lòng kiêu mạn. Hòa thượng giải thích cho nghe về nghĩa Đại Không của Kinh Thậm Thâm Bát Nhã Ba La Mật. Vương tử nghe rồi hiểu sai thành tà thuyết. Sau khi thầy diệt độ liền dấy lên nói rằng: Đại hòa thượng thầy của ta trống rỗng chẳng có trí tuệ, chỉ ca ngợi nghĩa lý của Không, nguyện cho ta đời sau không thích trông thấy; A xà lê của ta trí tuệ biện tài, nguyện cầu đời đời làm thiện tri thức. Nói lời này rồi dạy cho các đồ chúng đều thực hành tà kiến, tuy trì cấm giới, mà bởi vì bài báng Bát Nhã hiểu sai nói năng tà vạy, sau khi mạng chung đọa vào địa ngục A tỳ, trong tám ngàn ức kiếp nhận chịu vô lượng khổ đau, tội hết ra khỏi địa ngục làm người nghèo hèn, trong năm trăm đời mang thân ngu si nghễng ngãng không có mắt, một ngàn hai trăm đời mang thân luôn luôn làm người đầy tớ.

Đức Phật bảo với Đại Vương: Hòa thượng lúc ấy nay chính là thân Ta, A xà lê lúc ấy nay chính là La Hầu La, Tỳ kheo Vương tử lúc ấy nay chính là bà lão giúp việc, đồ chúng đệ tử lúc ấy nay chính là những người nữ tà kiến phát tâm bồ đề”.

Còn trong kinh Tát Già Ni Kiền Tử nói: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, trong thành Uất Xà Diên có Nghiêm Xí Vương, hỏi Tát Già Ni Kiền Tử rằng: Nếu có người ác không tin Tam Bảo, đốt cháy chùa tháp-kinh sách-tượng thờ, lời tệ hại hủy báng chê bai, nói người tạo tác không có phước đức, người cúng dường như thế hiện tại hao tốn không được gì, vị lai không có ích lợi; hoặc chê bai chùa tháp và những hình tượng, gây trở ngại cho những nơi này, phá hoại trừ diệt đưa đến đặt vào nơi khác; hoặc phá hoại nhà cửa phòng ốc của Sa môn; hoặc lấy vật của Phật – vật của Pháp- vật của Tăng và vườn rừng ruộng đất – nhà cửa-voi ngựa-xe cộ-nô tỳ-vật nuôi-áo quần-đồ ăn thứ uống cùng tất cả châu báu; hoặc bắt Sa môn làm nô dịch sai khiến, chỉ trích xúi giục họ dừng lại khiến phải hoàn tục; có lúc âm khinh thường trêu đùa đủ cách; có lúc hủy báng chê bai mắng nhiếc làm nhục; hoặc dùng gậy gỗ tự tay đánh đập; hoặc dùng đủ loại làm tổn thong đến thân thể họ, người ác như vậy trong phạm vi chúng sanh thì thuộc về loại nào? Đáp rằng: Thưa Đại Vương, thuộc về trong phạm vi chúng sanh ác nghịch, Đại Vương cần phải trị tội ở mức độ cao, vì sao như vậy? Bởi vì gây ra tội lỗi căn bản sâu nặng hết sức. Có năm loại tội lỗi gọi là căn bản. Những gì là năm loại? Đó là: 1- Phá hoại chùa tháp đốt cháy kinh tượng, lấy vật của Tam Bảo, tự mình làm-bày cho người khác làm và thấy làm mà vui lòng giúp đỡ, đó gọi là tội nặng căn bản thứ nhất; 2- Bài báng giáo pháp ba Thừa, nói xấu gây khó dễ, bao che giấu giếm điều tệ hại, đó gọi là tội nặng căn bản thứ hai; 3- Nếu có Sa môn tín tâm xuất gia cạo bỏ râu tóc thân mặc ca sa, hoặc có trì giới, hoặc không trì giới, mà bắt bớ giam cầm xiềng xích trói chặt, bắt làm nô dịch sai khiến mắng nhiếc đưa ra những điều luật trái ngược, hoặc cởi ca sa bức bách làm cho phải hoàn tục, hoặc kết liễu mạng sống của họ, đó gọi là tội nặng căn bản thứ ba; 4- Ở trong năm tội trái nghịch, nếu gây ra một tội trái ngịch, đó gọi là tội nặng căn bản thứ tư; 5- Bài báng không có tất cả nghiệp báo thiện ác, trong cuộc đời tối tăm thường làm mười nghiệp bất thiện, không sợ báo ứng đời sau, tự mình làm và bày cho người khác làm cố chấp không bỏ, đó gọi là tội nặng căn bản thứ năm. Nếu phạm vào tội nặng căn bản như vậy mà không tự mình hối cải, thì nhất định tiêu diệt tất cả mọi thiện căn, hướng vào đại Địa ngục nhận chịu khổ đau không bao giờ ngừng lại, vĩnh viễn không có hạn kỳ thoát ra. Nếu trong đất nước có người ác như vậy, hủy diệt Tam Bảo gây tổn hại cho chúng sanh, thì tất cả La hán-Thánh nhân và chư Phật, đều rời bỏ đất nước mà ra đi, chư Thiên rơi lệ xót thong, Thiện thần thông bảo vệ, mọi người tự giết hại lẫn nhau, giặc cướp nổi lên khắp nơi, Long Vương ẩn kín làm cho mưa nắng thất thường, mưa gió trái mùa lúa mè hoa màu không thành tựu, nhân dân đói kém cướp giật tranh giành lẫn nhau, xương trắng đầy đồng thêm nhiều dịch bệnh, người chết vô số, nhân dân không biết tự mình suy nghĩ đến lỗi lầm này, trái lại oán trách chư Thiên và Thiên thần không linh thiêng”.

Còn trong kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Có bảy loại tội nặng, mỗi một tội có thể làm cho chúng sanh đọa vào địa ngục A tỳ, trải qua tám vạn bốn ngàn Đại kiếp: 1- Không tin nhân quả; 2- Phỉ báng không có mười phương Phật; 3- Không học hiểu Bát nhã; 4- Phạm bốn tội nặng mà ăn không của tín thí; 5- Sử dụng đồ vật của Tăng chúng; 6- Bức bách xâm phạm Tỳ kheo Ni tịnh hạnh; 7- Người trong thân thuộc mà làm hành vi bất tịnh”.

Còn trong kinh Tiểu Ngũ Trược nói: “Ngoài tội Ngũ ngịch còn có tội ngũ nghịch khác, đó là thứ nhất vô lễ với cha mẹ mà tôn thờ quỷ thần, thứ hai ganh ghét với bậc vua chúa, thứ ba con cháu mà khinh bạc, thứ tư coi rẻ thân mạng mà coi trọng tài sản, thứ năm rời bỏ phước thiện mà đi theo tội lỗi”.

Còn trong kinh Trung A Hàm nói: “Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nếu như người phàm trần ngu si gây ra ác hạnh do thân- ác hạnh do miệng-ác hạnh do ý, thì sau khi mạng chung sanh vào trong đường ác địa ngục, nhận chịu khổ đau cùng cực luôn luôn không có niềm vui. Ví như có người phạm tội ăn trộm giao cho nhà vua trừng trị tội lỗi ăn trộm của họ, nhà vua lập tức sai người vào lúc sáng sớm, dùng một trăm cây kích để mà đâm, mạng sống người kia hãy còn, đến buổi trưa nhà vua lại ra lệnh dùng hai trăm cây kích đâm vào, mạng sống ấy vẫn còn; đến lúc sẫm tối nhà vua lại truyền lệnh dùng ba trăm cây kích đâm vào, thân thể người ấy thảy đều rách nát, mạng sống của họ vẫn còn tồn tại. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Ý ông nghĩ thế nào, người này bị kích nhọn đâm nát là đau khổ hay không? Tỳ kheo trả lời Đức Phật: Lúc bị một cây kích đâm vào hãy còn đau khổ, huống hồ ba trăm cây kích đâm vào? Đức Phật liền dùng tay lấy một ít cát sỏi, như những hạt đậu, bảo với các Tỳ kheo rằng: Đá sỏi trong tay Ta so với đá sỏi trên núi Tuyết, đá sỏi nơi nào là nhiều? Tỳ kheo trả lời Đức Phật: Đá sỏi trên núi Tuyết nhiều lắm, không thể làm ví dụ được. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nỗi khổ đau do ba trăm cây kích đâm vào so với nỗi khổ đau trong địa ngục, chỉ giống như một chút đả sỏi, còn nỗi khổ đau của địa ngục thì giống như đá sạn trong núi Tuyết, trăm ngàn vạn lần không thể làm ví dụ được.

Nỗi khổ đau trong địa ngục thì điều ấy như thế nào? Nếu có chúng sanh rơi vào trong chốn địa ngục, ngục tốt lấy rìu đốt khiến cho thật nóng, chặt đứt thân hình thành tám khúc và bỏ ở bốn phía, trải qua trăm ngàn năm khiến cho vô cùng đau khổ, nhưng mà không chấm dứt mạng sống, cần phải khiến cho ác nghiệp kết thúc; lại ngồi trên giường bằng sắt, dùng kiềm sắt kẹp miệng phải nuốt viên sắt nóng, trải qua trăm ngàn năm; lại ngồi trên giường bằng sắt, lấy nước đồng sôi rout vào miệng, trải qua trăm ngàn năm; lại nằm trên đất bằng sắt, dùng đinh sắt nóng đóng vào đầu người ấy, trải qua trăm ngàn năm; lại kéo lưỡi người ấy ra khiến liếm đất bằng sắt, dùng đinh đóng vào lưỡi, như căng tấm da trâu, trải qua trăm ngàn năm; lại kéo gân cổ buộc vào trên xe trải qua trăm ngàn năm. Lại đốt nóng đất bằng sắt khiến đi trên đó trải qua trăm ngàn năm; lại đốt cháy núi lửa khiến ở dưới đưa chân đạp lên-ở trên máu thịt lập tức tiêu hết, đưa chân lên thì sống lại trải qua trăm ngàn năm; lại ở trong vạc sôi trải qua trăm ngàn năm, khiến cho vô cùng đau khổ, nhưng mà không chấm dứt mạng sống, cần phải làm cho ác nghiệp không còn mới được thoát ra mà thôi. Đó là nỗi đau khổ trong địa ngục Nê lê. Tội lỗi địa ngục chấm dứt sanh vào trong các loài súc sanh, thường ở nơi tối tăm cùng ăn thịt lẫn nhau, nhận chịu vô lượng khổ đau không thể nói hết. Tội lỗi súc sanh chấm dứt có thể sanh trong loài người. Nếu từ súc sanh được làm người thì thật là khó, giống như rùa mù gặp bộng cây nổi. Giả sử sanh trong loài người thì nghèo hèn thấp kém, bị người khác sai khiến, hình dáng và dung mạo xấu xa khó coi, hoặc các căn không hoàn chỉnh, hoặc là mạng sống ngắn ngủi. Nếu người gây ra ác nghiệp thì chết đi lại sanh vào trong địa ngục Nê lê, luân chuyển vô cùng tận không thể náo nói hết.

Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Người phàm phu ngu si gây ra ba ác hạnh của thân-khẩu-ý, thì chịu tội báo như vậy. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nếu người trí tuệ thực hiện thiện hạnh do thân-thiện hành do miệng-thiện hạnh do ý, thì mạng chung sanh vào đường thiện trên cõi trời, luôn luôn hưởng thụ vui sướng, như Chuyển Luân Vương, cùng với bảy báu đầy đủ, và bốn điều tuyệt diệu giữa trần gian, Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Ý ông nghĩ thế nào, điều này là vui sướng hay không? Tỳ kheo trả lời Đức Phật: Một thứ báu – một điều tuyệt diệu hãy còn là vô cùng vui sướng, huống hồ ở nơi có bảy thứ báu và bốn điều tuyệt diệu! Đức Phật lại dùng tay lấy một ít cát sỏi, như những hạt đậu, bảo với các Tỳ kheo: Cát sỏi trong tay Ta so với cát sỏi trong núi Tuyết, nơi nào là nhiều hơn? Tỳ kheo trả lời Đức Phật: Cát sỏi trong núi Tuyết quả thật là không thể làm ví dụ. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Sự vui sướng của Chuyển Luân Vương so với sự vui sướng trên cõi trời chỉ giống như một ít cát sỏi, sự vui sướng trên cõi trời thì giống như cát sỏi trong núi Tuyết, trăm ngàn vạn lần không thể ví dụ được. Sự vui sướng trên cõi trời thì điều ấy như thế nào? Nếu sanh lên cõi trời thì sự hưởng thụ sáu trần cảnh không có gì không tùy ý, hưởng thụ vui sướng vô cùng không thể nào nói hết. Nếu từ trên cõi trời mà sanh vào cõi người thì sanh trong dòng dõi Đề Vương, hoặc sanh trong họ tộc cao quý, vô cùng sang trọng giàu có, nhiều tiền bạc nhiều châu báu, danh tiếng vang rộng khắp nơi, đoan chánh tuyệt với hết sức, mọi người ai cũng yêu mến.

Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nếu người trí tuệ thực hiện ba thiện hành của thân-miệng và ý, thì đạt được phước đức như vậy. Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Đây là niềm vui hữu lậu của thế gian, nếu tu thiện căn hồi hướng bồ đề, quả báo tiếp nhận ở trong sanh tử, cho đến niết bàn cuối cùng không có điểm ngừng hết”.

Lại trong kinh Trung A Hàm nói: “Lúc bấy giờ trong nước Tư Hòa Đề, có vị vua tên gọi Ti Tứ, vô cùng giàu có sung sướng tiền của tài sản vô lượng, cùng với cư sĩ Phạm chí trong nước Tư Hòa Đề, đi về phía Bắc đến rừng Thi Nhiếp Hòa, từ xa trông thấy nơi cư trú của Tôn giả Cưu Ma La Ca Diếp, cùng nhau đến chào hỏi rồi lùi lại ngồi một phía, hỏi Ca Diếp rằng: Tôi thấy như vậy, nói như vậy, không có đời sau, không có csd sinh ra. Sa môn Cưu Ma La Ca Diếp bảo rằng: Bây giờ mặt trăng mặt trời này là đời nay hay là đời sau vậy? Nhà vua nói: Tuy là nói như vậy, nhưng mà không có đời nay, không có chúng sanh sinh ra. Ca Diếp ví dụ loại đủ mọi phương tiện để giải thích, nhưng nhà vua cố chấp cách nhìn của mình mà không thể từ bỏ. Ca Diếp lại bảo với Ti Tứ: Ông lắng 2 nghe Ta nói thí dụ, nếu người có trí tuệ, nghe thí dụ thì hiểu rõ điều ấy. Này Ti Tứ! Giống như người nuôi heo, lúc người ấy đi đường, thấy có đống phân rất nhiều mà không có chủ, liền nghĩ thế này: Đống phân này có thể nuôi no bụng cho nhiều con heo, tốt nhất là mình tự lấy thật nhiều mà đi. Liền lấy mà vác đi. Người ấy ở giữa đường gặp trời mưa to, phân chảy tan ra dính đầy thân thể dơ bẩn vô cùng, nhưng vẫn vác đi chứ không chịu vứt bỏ. Người ấy đã tự gánh chịu rất nhiều điều tệ hại, cũng bị mọi người chê bai ghét bỏ. Nên biết rằng Tui Tứ cũng lại như vậy, nếu ông muốn chọn lấy cách nhìn này thì sợ rằng ngu si cuối cùng không bỏ được, ông sẽ nhận chịu vô lượng điều tệ hại, cũng sẽ bị mọi người chê bai ghét bỏ, giống như người nuôi heo kia vậy. Vua Ti Tứ nói: Sa môn tuy nói như vậy, nhưng tôi muốn chọn lấy cách nhìn này mà không oán hận sợ hãi ngu si không thể bỏ được. Tôn giả Ca Diếp bảo rằng: Này Ti Tứ! Tiếp tục lắng nghe Ta nói thí dụ cuối cùng, nếu ông biết thì tốt, nếu không biết thì Ta không tiếp tục thuyết pháp nữa. Này Ti Tứ! Giống như con heo lớn nhất làm chúa tể của năm trăm con heo đi trên con đường đầy hiểm nạn, heo chúa đó ở giữa đường gặp phải một con hổ, bởi vì đã gặp thì dấy lên suy nghĩ mà nói với hổ rằng: Nếu muốn đánh nhau thì có thể cùng đánh với nhau, nếu không như thế thì tránh đường để tôi đi qua. Con hổ kia nghe rồi liền nói với heo rằng: Tùy ý ông cùng đánh nhau chứ không tránh đường cho ông. Con heo lại nói rằng: Này hổ ơi, ông dừng lại một chút, đợi lúc tôi mặc áo giáp của Tổ phụ tôi vào, trở lại sẽ cùng đánh nhau. Con hổ kia nghe rồi bèn dấy lên nghĩ rằng: Con heo kia không phải là đối thủ của mình, huống là áo giáp của Tổ phụ ư? Liền nói với con heo rằng: Tùy ý muốn của ông. Con heo lập tức trở về đến nơi nhà xí của mình, lăn lộn trong phân bôi đầy thân hình đến tận mắt rồi, liền đi đến chỗ con hổ nói rằng: Ông muốn đánh nhau thì có thể cùng đánh với nhau, nếu không như thế thì tránh đường để tôi đi qua. Con hổ trông thấy con heo rồi lại dấy lên nghĩ rằng: Mình thường không ăn sâu bọ nhỏ bé hỗn tạp, bởi vì tiếc cho hàm răng vốn có, huống là phải gần con heo hôi thối này ư? Con hổ nghĩ vậy rồi liền nói với con heo rằng: Ta nhường đường cho ông nhưng không đánh nhau với ông. Con heo đi qua được rồi, liền quay lại hướng về con hổ mà nói tụng rằng:

Này hổ ơi ông có bốn chân,
Heo tôi cũng có đủ bốn chân,
Ông có thể cùng tôi đánh nhau,
Ý gì sợ hãi mà bỏ đi?

Lúc ấy con hổ nghe rồi, cũng lại nói trả lời con heo rằng:

Ông lông lá dựng đứng um tùm,
Thấp nhất trong các loài súc vật,
Heo ơi ông có thể đi mau,
Phân hôi thối không thể chịu được,

Lúc ấy con heo tự khoe khoang, lại nói tụng rằng:

Hai nước Ma Kiệt và Uyên Ương,
Nghe tôi cùng đánh với ông,
Ông có thể cùng tôi đánh nhau,
Vì sao sợ hãi mà bỏ đi?

Con hổ nghe vậy rồi, lại nói tụng rằng:

Toàn thân lông lá đều dơ bẩn,
Heo ông hôi thối ta ngạt thở,
Ông đánh nhau muốn lấy phần thắng,
Nay ta cho ông giành phần thắng.

Tôn giả Ca Diếp bảo rằng: Này Ti Tứ! Nếu ông muốn chọn lấy sự oán hận sợ hãi ngu si mà cuối cùng không bỏ, thì ông sẽ tự mình gánh chịu vô lượng điều xấu xa, cũng bị mọi người đều chê bai ghét bỏ, giống như con hổ kia nhường cho con heo phần thắng vậy. Vua Ti Tứ nghe rồi hoan hỷ vâng mạng tiếp nhận cầu mong trí tuệ tuyệt với trên cao”.

Chánh báo tụng rằng:

Sáu kẻ giặc gian tà giả dối,
Bảy thức hỗn loạn trái chân thật,
Hủy báng chánh lý rất u huyền,
Vọng ngữ làm đầy tớ tham sân.
Ác nghiệp làm tung hoành không ngán,
Lời khuyên thành thực không thích nghe,
Một khi vào địa ngục Vô gián,
Đau khổ tranh nhau trói buộc thân.

Tập báo tụng rằng:

Tà kiến huân tập nghiệp ngu si,
Nhận chịu khổ đau ngục A tỳ,
Kiếp hết sanh vào trong loài người,
Lại cùng tà kiến nối tiếp nhau.
Tà và chánh đã trái ngược nhau,
Tự nhiên thành nịnh hót quanh co,
Tâm này nếu như không thay đổi,
Vòng quanh địa ngục mãi không dừng.

Nhân duyên cảm ứng.

Sơ lược dẫn ra 13 chuyện: 1- Thời Tống có Thẩm tăng Phúc; 2- Thời Tống có Sa môn Tích Đạo Chí; 3- Thời Tống ở Đông Hải có Đường Văn Bá; 4- Thời Tống ở Quảng Lăng có Chu Tông; 5- Thời Tống ở Lang Nha có Vương Hoài Chi; 6- Thời Tống có Tữ Cừ Mông Tốn; 7- Thời Tống có Thôi Hạo; 8- Chu Vũ Đế; 9- Thời Tùy có chú của Sa môn Thích Tuệ Vân; 10- Thời Đường có Thái sử lệnh Phó Dịch; 11- Thời Đường có Hình bộ lang trung Tống Hành Chất; 12- Thời Đường ở Kí Châu có Khương Đằng Sanh; 13- Thời Đường có Diêu Minh Giải.

1/ Thời nhà Tống cở vùng Ngô Hưng có Thẩm Tăng Phúc, cuối thời Tống Đại Minh vùng này mất mùa đói kém, đi tìm miếng ăn mà đến vùng Sơn Dương, ngày vào thôn xóm xin ăn, tối về ở nhờ hai bên nhà cửa trong chùa. Lúc ấy các chùa ở vùng Sơn Dương có rất nhiều tượng bằng đồng cỡ nhỏ, Tăng Phúc cùng mấy người đồng long với mình tụ tập lấy trộm dần dần, thế là mấy chiếc túi và cái hòm nhỏ đều đầy tượng. Vì thế mang trở về nhà cùng nhau đúc làm tiền. Sự việc đã bị phát giác, quan phủ bắt giữ đưa ra khỏi kinh đô. Vào trong thuyền thì nói rằng: Thấy bị người dùng lửa mà đốt. Ngày đêm kêu gào đau đớn, tự mỉnh nói là không thể nào chịu đựng nổi. Chưa kịp xử phạt tự dưng mà chết, toàn thân thể đều tỏa hơi nóng hầm hập, giống như bị lửa đốt. Chu Hưởng ở quận Ngô gần gũi biết rõ Tăng Phúc, trông thấy đầu đuôi sự việc ấy.

2/ Thời nhà Tống có Sa môn Đạo Chí, là Tăng ở tháp Đa Bảo phía Bắc, đã từng được Tăng sai coi sóc điện tháp, tự mình lấy trộm màn che cùng các vật báu trang hoàng trong chỗ thờ tự, đã lấy rất nhiều thứ. Sau đó thì lấy trộm viên ngọc nơi tướng tốt giữa chặng mày của pho tượng, đã vậy mà còn mở toang cửa xô sập tường giống như người ngoài ăn trộm, vì vậy Tăng chúng không thể nào biết được. Trải qua hơn một tuần mà mắc bệnh, thường thấy người kỳ lạ lấy giáo nhọn đâm vào, lúc đến lúc đi, đến thì kinh hãi kêu gào theo tiếng kêu mà máu chảy ra. Ban đầu giống như vào buổi trưa thì xảy ra một hai lần như vậy. Về sau bệnh nặng thì đâm hơi nhiều, vết thương đầy mình, rên rĩ không thể nào dứt tiếng. Tăng chúng trong chùa rất nghi ngờ là có tội lỗi gì, muốn sám hối nhận lỗi thay cho Đạo Chí, mới hỏi nguyên do nhưng giấu giếm mà không nói. Sắp hết hai ba ngày, mới tự mình kể lại đầu đuôi sự việc mà khóc lóc xin cứu giúp rằng: Tôi ngu si sai trái không hiểu biết, nói là không có đường đau khổ khốn cùng, thất ý gây ra tội lỗi, dẫn đến tai họa tàn khốc này, sống nhận chịu tra tấn khổ đau, chết thì dao sắc vạc nóng quấn quanh, thân đã nát nhừ, chỉ mong rũ lòng thương xót tha thứ, nay không còn sót lại vật gì, chỉ có áo quần chăn màn giày dép, có lẽ đủ để làm một lần trai hội, và nhiều lần thỉnh nguyện sám hối cho đầy đủ, trước kia lấy trộm viên ngọc nơi tướng tốt của pho tượng có hai hạt, một hạt đã thuộc về người của bà lão không thể lấy lại được, một hạt đem cầm lấy tiền ở nhà Trần Chiếu, nay có thể chuộc lấy. Đạo Chí đã chết. Tăng chúng gom góp tất cả chuộc được viên ngọc làm tướng tốt, và tổ chức trai hội sám hối. Ban đầu lúc người thợ gắn lại viên ngọc vào chỗ cũ, xoay qua xoay lại nhiều lần nhưng cuối cùng không sao phù hợp được. Tăng chúng lại thắp hương lễ lạy cầu khấn, mới có thể gắn vào được. Hơn một năm trôi qua mà những người cùng học, ở trong đêm tối nghe giữa hư không phát ra lời nói, lắng nghe kỹ càng chính là tiếng của Đạo Chí. Tự nói rằng: Từ khi chết đến nay nhận chịu đủ mọi sự đau đớn triền miên, còn liên tục bao kiếp chưa có hạn kỳ ra khỏi, nhờ được chúng Tăng thương xót mà cứu hộ, chuộc lại viên ngọc nơi tướng tốt của pho tượng, cho nên ở trong chỗ đau khổ tàn khốc có lúc được dừng lại đôi chút, cảm ân tình không biết làm sao nói hết, vì vậy tạm thời đến tỏ lời cảm ơn như vậy mà thôi. Lúc nghe lời ấy có mùi tanh nồng hôi thối khó chịu vô cùng. Nói xong rất lâu thì mùi thối mới dần dần tản hết. Sự việc này vào năm cuối niên hiệu Thái Thỉ nhà Tống, chùa ấy có việc từ thiện, đã ghi lại rõ ràng đầy đủ.

3/ Thời nhà Tống có Đường Văn Bá, người ở vùng Trang Du- Đông Hải. Có em trai thích đánh bạc cho nên tiền của trong nhà đều hết sạch. Trong thôn có ngôi chùa, người đi ngang qua có lúc đem tiền cúng Phật cầu phước, người em nhiều lần lấy trộm, lâu sau mắc bệnh phong hủi. Người xem bói nói rằng: Nguyên do lấy trộm tiền cúng Phật. Người cha giận dữ nói: Phật là thần thánh gì mà khiến cho con ta đến mức này, ta sẽ thưa tiếp tục chiếm đoạt, nếu như có thể mắc bệnh thì mới chấp nhận. Vợ của Hà Hân quan huyện lệnh trước kia, kéo sợi dệt vải thành bảo cái có được bốn tấm, bèn lấy trộm dùng làm dây lưng, không đến một trăm ngày lại mắc phải căn bệnh quái ác, bắt đầu phát ra vết lở là từ nơi sợi dây lưng. Lúc ấy vào thời Nguyên Gia nhà Tống năm thứ nhất.

4/ Thời nhà Tống có Chu Tông, là người vùng Phì Như – Quảng Lăng. Năm thứ bảy niên hiệu Nguyên Gia đi theo Lưu Ngạn Chi đánh Vương Sư ở phương Bắc không thành công, cùng với sáu người đồng hương đi tách ra mà chạy trốn, vào trong một ngôi chùa vắng vẻ ở phái Bắc của Bành Thành, không có Tăng chúng cư trú, trong chùa có pho tượng, dùng thủy tinh làm thành hình tướng, nhân đó cùng nhau lấy trộm, đem ra thôn xóm đổi lấy thức ăn. Một người trong bọn mắc bệnh, cả bọn khinh thường mà không phân cho người ấy. Tất cả đã trở về nhà, trong vòng ba – bốn năm thì Chu Tông cùng đồng bọn tiếp theo nhau mắc bệnh phong hủi mà chết. Người không được chia phần thì một mình được tránh khỏi tai họa.

5/ Thời nhà Tống có Vương Hoài Chi tự là Nguyên Tăng, người ở vùng Lang Nha. Hết đời này đến đời khác theo đạo Nho mà dứt khoát không tin Phật pháp, thường nói là thân xác và thần thức đều hủy diệt, lẽ nào có ba đời. Trong thời Nguyên Gia nhà Tống làm quan chứ huyện lệnh Đan Dương, 10 năm mắc bệnh hơi thou như dừng lại, không mất chốc trở lại sống tạm một thời gian ngắn. Lúc ấy huyện Kiến Khang là Hạ Đạo Lực, đến thăm hỏi thì mua chóng xuống giường, đúng lúc Hoài Chi nói với Đạo Lực rằng: Mới biết giáo pháp của Phật không giả dối, người chết mà thần thức tồn tại, tin là có bằng chứng rồi. Đạo Lực nói: Rõ ràng thou bình sinh quan phủ không nhìn nhận theo cách như vậy, nay vì sao cách nhìn đổi khác? Hoài Chi nhíu mày đáp rằng: Thần thức thật sự không diệt đi, Phật giáo không thể vào không tin. Nói xong mà qua đời.

(Năm chuyện trên đây trích từ Minh Tường Ký.)

6/ Thời nhà Tống có Thủ Cừ Mông Tốn, lúc ấy có Sa môn Đàm Ma Sấm, là người hiểu rộng biết nhiều, được Mông Tốn tin tưởng và kính trọng vô cùng. Họ sai Lý Thuận bái Mông Tốn làm Lương Vương, nhiều lần cầu cạnh Đàm Ma Sấm, nhưng Mông Tốn cẩn thận mà không đồng ý. Ma Sấm ý muốn đi vào đất Ngụy, nhiều phen đi theo Mông Tốn xin đi, Mông Tốn giận quá mà giết chết. Sau đó tùy tùng thường giữa ban ngày, trông thấy Ma Sấm dùng gươm đánh Mông Tốn, vì thế mắc bệnh mà chết.

(Chuyện trên đây trích từ Oan Hồn Chí.)

7/ Vào năm Bính Tuất là năm thứ 23 niên hiệu Nguyên Gia- Tống Văn Đế, là năm thứ 7 niện hiệu Thái Bình Chân Quân – Bắc Ngụy, Thái Vũ Hoàng Đế tín nhiệm Thôi Hạo nịnh hót quan xảo, tôn sùng kính trọng Khấu Khiêm gọi là Thiên Sư, tàn hại Thích chủng phá hủy chùa tháp, phế bỏ cúng tế quá nhiều. Lúc ấy các quan đều nói: Như Khương Tăng cảm ứng điềm tốt lành Thái Hoàng sáng lập chùa chiền, nếu cũng trừ bỏ thì sợ rằng để lại sự ân hận cho đời sau. Lại ở trong hậu cung đào đất gặp một pho tượng bằng vàng, Thôi Hạo bèn làm cho bẩn thỉu ô uế, thì chỗ kín trên thân nhà vua rất đau đớn lên tiếng kêu là khó chịu nổi. Thái Sử xem qua nói: Bởi vì xúc phạm đến Đại thần linh. Thế là cầu khấn khắp những núi lớn có tiếng và cúng vái nhiều miếu thờ linh thiêng, mà chỗ kín càng thêm khổ sở và bên trong đau đớn càng lắm. Có người tín tâm ở trong cung nhiều lần tìm cách can ngăn rằng: Sự đau đớn của Bệ hạ là do xúc phạm đến tượng Phật, thỉnh cầu Đức Phật thì có thể giảm bớt khổ đau. Thôi Hạo nói: Phật là Đại thần linh ư, thou có thể cầu xem. Vừa thỉnh cầu thì khỏi đau đớn, vui mừng thay đổi tâm địa, bèn dùng ngựa xe đón Pháp sư Khương Tăng Hội, thỉnh cầu sám hối trừ bỏ thuận theo thọ trì năm giới, càng thêm kính trọng hết sức. Thái Vũ Hoàng Đế mới biết Khấu Khiêm ngấm ngầm sử dụng tà thuật làm hại, bèn tiến hành trừng phạt rất nặng, đem đặt ở vùng ngoại thành, chôn thân hình để lộ cái miệng, để cho người đi đường qua lại đều lấy cái miệng đó làm nhà xí, cho đến lúc thân mạng kết thúc. Những kẻ cùng bè đảng đều bị xử chém. Đến năm Canh Dần, Thái Vũ gặp phải bệnh tật, mới bắt đầu cảm xúc hiểu ra, cùng có Thiền sư Đàm Thỉ Bạch Túc, đến khởi phát lẫn nhau, sanh tâm ân hận hổ thẹn, lập tức chém đầu Thôi Hạo. Đến năm Nhâm Thìn thì Thái Vũ Đế băng hà, Tôn Văn Thành lên ngôi, liền xây dựng chùa chiền bị phá hủy trải qua bảy năm trở lại phát triển Tam Bảo. Đến năm thứ ba niên hiệu Hòa Bình, Chiêu Huyền Đô Thống là Sa môn Thích Đàm Điệu, phẫn kích cho sự xúc phạm hủy hoại trước kia nay vui mừng được phát triển trở lại, cho nên ở tại đài cao của chùa Thạch Thất này, quy tụ các Tăng chúng phiên dịch kinh điển lưu truyền, nối thông với hàng tài đức về sau khiến cho pháp tạng trú trì muôn đời không phai. Theo đây thì đào đất gặp được tượng Phật, biết rõ ràng là từ thời Tần – Chu đã có sự ứng nghiệm của Phật giáo rồi.

8/ Xưa nhà hậu Chu kế thừa vận mạng của nhà Ngụy, nhà Ngụy tiếp nhận thay thế cơ nghiệp của nhà Tấn, còn những thời đại khác thì chỉ có Vương mà không có căn cứ xác thực; nhưng khoảng thời gian của Tống-Tề-Lương-Trần, đương nhiên có ghi chép giữ lại, mà nước mấtvua bị phế truất, thì theo các tay bút thêm bớt, có thể không như vậy chăng? Tiên tổ của nhà Chu là Vũ Văn Giác, tức là thế hệ con của Hắc Thái nguyên là Đại thừa tướng của Tây Ngụy. Hắc Thái cử Cao Dương Vương làm Ngụy Đế. Tây Ngụy dời về Trường An, thay đổi áo quần cờ phướn thành màu đen, lấy hiệu là Đại Tống nguyên niên. Được mười tám năm, thay đổi niên hiệu phế truất ngôi vua, lập Ngụy Tề Vương lên ngôi, trị vì bốn năm mà băng hà Văn Giác được thay Ngụy nhường ngôi cho, ngay năm ấy bị phế truất, lập Đệ Dục làm Đế, trị vì bốn năm mà băng hà; lập Đệ Ung làm Đế, chính là con thứ ba cũng Thái Tổ. Rộng rãi độ lượng, cai quản tất cả các nước nhỏ, trị vì mười hai năm giết chú là Đại tể tướng, bao che cho mười cha con của Tấn Quốc Công và sáu nhà Đại thần, thay đổi niên hiệu là Kiến Đức. Đến trong năm thứ ba, thu nhận Đạo sĩ Trương sĩ Trương Tân nịnh hót mê hoặc lòng người rằng: Phật pháp không tốt cho đất nước, có thể diệt trừ mới tốt hơn. Đến năm thứ sáu niên hiệu Kiến Đức, tiến về phía Đông san bằng nước Tề, đồng thời hủy diệt chùa tháp công tư của triều đại trước từ mấy trăm năm nay, tiêu diệt không còn sót lại gì, nấu chảy tất cả tượng thờ bằng kim loại, đốt cháy kinh điển; chùa Phật ở các châu huyện có bốn mươi ngàn ngôi lớn nhỏ, đều ban cho hàng Vương công sử dụng; Tăng sĩ ba phương còn lại ba trăm vạn, trở về lại với gia đình. Đế cho rằng Đại Chu là thiên hạ vô địch, không nói là tai họa từ thân mình mà trở thành đại họa, chí hướng to lớn suy nghĩ xa xôi, thay đổi niên hiệu là Tuyên Chính được năm tháng mà băng hà. Thái tử Vân lên ngôi, giết tám cha con của Tề Vương, thay đổi niên hiệu là Đại Thành, hai tháng lập Tử Diễn làm Thái tử, nhường ngôi cho con, thay đổi niên hiệu là Đại Tượng, tự xưng hiệu là Thiên Nguyên Hoàng Đế, lập lên bốn Hoàng Hậu, oai nghi trang phục nhiều gấp bội so với cổ xưa. Tháng năm năm thứ hai niên hiệu Đại Tượng thì Thiên Nguyên băng hà. Tử Diễn lên ngôi, ngày mồng một tháng Giêng thay đổi niên hiệu thành Đại Định, tháng hai nhường ngôi cho nhà Tùy. Triều đại nhà Chu gồm có năm Đế, tồn tại được hai mươi lăm năm, đóng đô tại Trường An.

(Hai chuyện trên đây trích từ Đường Cao Tăng Truyện Ký.)

9/ Năm thứ mười một niện hiệu Khai Hoàng nhà Tùy, Nội thái phủ tướng là Triệu Văn Xương thân không bệnh tật mà đột ngột qua đời, trải qua mấy ngày nhưng trên ngực vẫn còn ấm, mọi người không dám khâm liệm. Sau một thời gian thì nói được, quyến thuộc cảm thấy quái lạ bèn hỏi thế nào. Văn Xương nói rằng: Tôi chết rồi có người dẫn đến nơi vua Diêm La, vua nói với Văn Xương rằng: Ông từ lúc sinh ra đến nay đã làm phước nghiệp gì? Văn Xương trả lời: Nhà nghèo không có vật gì có thể làm công đức, chỉ chuyên tâm tụng kinh Kim Cang bát Nhã. Vua nghe nói vậy thì chắp tay khép đầu gối lại, ca ngợi rằng: Tốt lành thay, tốt lành thay! Ông luôn luôn thọ trì Bát Nhã, công đức rất lớn, không thể nghĩ bàn được. Vua nói với người đã bắt tội nhân rằng: Cần phải đối chiếu chính xác, đừng để sai sót mà bắt người đến đây. Người đi xứ trong chốc lát, đối chiếu chính xác biết là sai sót, liền thưa với nhà vua rằng: Người này thật sự bắt nhầm, tính ra sống thêm phải hơn hai mươi năm nữa. Nhà vua nghe lời này, liền nói với người đi sứ: Ông dẫn Văn Xương đến trong tàng kinh các, lấy kinh Kim Cang Bát Nhã mang đến đây. Người đi sứ tiếp nhận mệnh lệnh, liền dẫn Văn Xương đi về phía Tây khoảng năm dặm thì đến nơi tàng kinh các, trông thấy mấy chục gian nhà, rất hoa lệ hoàn mĩ, trong đó kinh điển xếp đầy mọi nơi, trục vàng hộp quý trang sức vô cùng tốt đẹp. Văn Xương trông thấy rồi thiện tâm càng phát khởi, chấp tay dốc lòng nhắm mắt tin tưởng tự tay rút lấy một quyển, lớn nhỏ giống như quyển kinh tụng trước kia. Văn Xương mãi lo sợ rằng không phải là Bát Nhã, nhờ người đi sứ đổi lại, nhưng người đí sứ không bằng lòng mà thấy được đầu đề nói rằng: Thật là bậc nhất trong mọi công đức. Văn Xương lập tức mở mắt xem thì chính là kinh Kim Cang Bát Nhã. Văn Xương hoan hỷ mang đến chỗ nhà vua. Nhà vua khiến một người cầm quyển kinh đứng bên phía Tây, khiến Văn Xương đứng phía Đông, mặt hướng về quyển kinh, bảo Văn Xương tụng kinh, người đi sứ so sánh thử xem, một chữ không để sót, thảy đều thông suốt rõ ràng. Lúc ấy nhà vua tha cho Văn Xương trở về nhà, nhiều lần dặn dò kỹ càng Văn Xương rằng: Ông thường xuyên thọ trì kinh này đừng làm cho quên mất. Sau đó sai một người dẫn Văn Xương đi theo cửa phía Nam ra ngoài. Sắp đến trước cửa, thì trông thấy Chu Vũ Đế ở trong phòng phía Đông cửa ra vào trên cổ bị trói ba lớp xiềng xích, liền gọi Văn Xương rằng: Ông là người trong đất nước tôi, tạm dừng một chút đến đây, tôi cần nói với ông đôi điều. Văn Xương thấy gọi thì đi đến chỗ Vũ Đế, nhân tiện chào hỏi nhau. Vũ Đế nói: Ông biết tôi không? Văn Xương đáp rằng: Hạ thần xưa kia vốn có bảo vệ Bệ hạ, nên nhận ra Bệ hạ. Vũ Đế nói: Khanh đã là bề tôi trước kia của ta, nay khanh trở về nhà, giúp ta đến chỗ Tùy Văn Hoàng Đế nói đầy đủ những tội lỗi của ta, và muốn biện giải rõ ràng chỉ có tội hủy diệt Phật pháp là nặng nhất không có thể hết được. Lúc đó vì thị vệ Nguyên Tung chỉ bày mà ta hủy diệt Phật pháp, gần đây nhiều lần truy tìm Nguyên Tung không được, vì vậy không rõ ràng tội lỗi do ai. Văn Xương hỏi: Nguyên Tung đi đến chỗ nào mà nhà vua truy tìm không được? Vũ Đế đáp rằng: Lúc đó ta không hiểu ý của Nguyên Tung, sai lầm hủy diệt Phật pháp, Nguyên Tung vốn là người ở ngoài ba cõi, không phải là nơi Diêm La Vương có thể cai quản được, vì vậy mà truy tìm không được. Ông nói với Tùy Văn Đế, xin cho ta một ít đồ vật, tu tạo công đức phước thiện, hy vọng nhờ vào phước thiện giúp đỡ mà được ra khỏi địa ngục. Văn Xương nhận lời nhắn nhủ rồi chia tay mà đi. Lát sau ra bên ngoài cửa phía Nam, trông thấy trong một hầm phân lớn có một người, lộ ra 296 một mảng đầu tóc. Văn Xương hỏi người dẫn đường: Đây là người nào? Người dẫn đường đáp rằng: Đây là Bạch Khởi, tướng của nhà Tần, hãm hại Triệu Tốt, gởi giam vào trong này, tội lỗi hãy còn chưa hết. Người dẫn đường đem Văn Xương đến nhà thì được sống lại. Trải qua ba ngày tai họa của Văn Xương dần dần trừ hết, Văn Xương đem sự việc này tâu bày đầy đủ với Văn Đế. Văn Đế ra sắc lệnh khắp mọi nơi trong nước, mỗi người trích ra một quan tiền, tụng kinh Kim Cang Bát Nhã giúp cho Chu Vũ Đế, và giữ trai tịnh ba ngày. Vẫn ra lệnh ghi chép sự việc này vào trong sử củ triều đại nhà Tùy.

10/ Thời nhà Tùy ở vùng Đông Xuyên có Sa môn Thích Tuệ Vân, là người vùng Phạm Dương. Năm mười hai tuổi xuất gia, đi khắp nơi lắng nghe làm chủ yếu. Đến năm mười tám tuổi, cưỡi con lừa đi đến nhà người chú. Người chú nhìn thấy con lừa thì rất vui, tìm cách giết hại để đoạt con lừa. Vừa lúc cầm dao đến, thấy dưới chân tường phía Đông có người mặc áo vàng, đưa name tay ra trước và mắng rằng: Đạo nhân này mới được thông suốt pháp hành của Đại Sĩ, sao nhẫn tâm muốn làm hại? Người chú sợ hãi nói với vợ, vợ nói rằng: Tâm chàng không cương quyết, hoa mắt mà đến nỗi ấy thôi. Nghe xong lại đi đến, lại thấy dưới chân tường phía Tây người mặc áo vàng nói: Đừng giết hại Đạo nhân, nếu giết hại thì tai họa to lớn sẽ tiếp xảy ra. Người chú kinh hãi bèn dừng lại. Sáng sớm từ biệt đi đến nhà chị gái, người chú lại cầm dao đưa đi, nói với Tuệ Vân rằng: Đường này vắng vẻ nguy hiểm cho nên đưa Sư đi qua nơi hiểm nạn. Tuệ Vân đi ở phía trước, đang ở nơi rất hiểm trở, người chú ở phía sau vung dao sắp chém, bỗng nhiên trông thấy chồng chị gái ở bên cạnh, thế là tránh được tổn hại. Tuệ Vân cũng không hay biết. Về sau sự học vấn của Tuệ Vân có danh tiếng đức hạnh vang xa. Đến giữa niên hiệu Khai Hoàng nhà Tùy, dẫn đồ chúng gồm năm trăm người đi đến nhà người chú. Người chú thấy cảm hóa rõ ràng rất thẹn với sự mê muội xưa kia, bèn dâng tặng mười xấp lụa, vợ chồng bày tỏ ăn năn, Tuệ Vân mới biết sự tình, thế là thuyết pháp cho nghe vĩnh viễn đoạn trừ tâm địa ác độc. Thường lấy sự việc này cứ mỗi lần khuyên nhủ mọi người rằng: Xưa kia ta không sử dụng đồ vật tốt đẹp thì đâu làm liên lụy đến người khác? Đương nhiên người tham dự học hỏi nghe rồi đều thường xuyên tiết kiệm. Với danh tiếng long lẫy không biết tuổi cuối đời là bao nhiêu.

11/ Thời nhà Đường có Thái sử lệnh Phó Dịch, vốn là người vùng Thái Nguyên, những năm cuối triều nhà Tùy dời đến vùng Phù Phong. Thưở trẻ thích học rộng, có sở trường về thiên văn lịch số, biện giải

thông minh có thể bàn luận nhanh nhạy. Từ niên hiệu Vũ Đức đến niên hiệu Trinh Quán, trong hơn hai mươi năm thường làm Thái sử lệnh, tánh không tin vào Phật pháp, đã từng khinh miệt Tăng Ni, còn lấy tượng đá dùng làm gạch xây tường. Đến mùa Thu năm thứ mười bốn niên hiệu Trinh Quán nhà Đường bị bệnh nặng đột ngột mà chết. Ban đầu Phó Dịch cùng đồng bạn là Phó Nhân Quân và Tiết Trách, cùng làm Thái sử lệnh, Tiết Trách trước đó nợ Nhân Quân năm ngàn quan tiền chưa trả, mà Nhân Quân sau khi chết, thì Tiết Trách mộng thấy Nhân Quân, chuyện trò với nhau như lúc bình thường. Tiết Trách nói rằng: Bởi vì trước đây có mắc nợ tiền thì bây giờ nên giao cho ai? Nhân Quân nói: Có thể giao cho người Nê lê. Tiết Trách hỏi: Người Nê lê là ai? Đáp rằng: Chính là Thái sử lệnh phó Dịch. Lát sau tỉnh giấc. Đêm ấy Thiếu phủ Giám Bằng Trường Mạng lại mộng, đã ở một nơi gặp nhiều người quá cố trước kia, Trường Mạng hỏi: Nghe trong kinh văn nói về báo ứng của tội phước, không biết là chắc chắn có hay không? Đáp rằng: Tất cả đều có cả đấy. Lại hỏi rằng: Như Phó Dịch thì lúc còn sống không tin, chết sẽ nhận chịu báo ứng nào? Đáp rằng: Tội phước chắc chắn là có, nhưng mà Phó Dịch đã bị đưa vượt qua châu này, trở thành người Nê lê rồi. (Nói là Nê Lê, dựa theo kinh phiên ra là Đại địa ngục Vô gián). Trường Mạng sáng sớm đi vào công đường gặp Tiết Trách, nhân đó nói lại điều mình mộng thấy. Tiết Trách lại tự nói về sự việc của người Nê lê. Hai người cùng trong một đêm âm thầm mà phù hợp với nhau, cùng nhau than thở xót xa, sự việc tội phước không thể không tin. Tiết Trách đã thấy bằng chứng, vẫn đưa tiền giao cho Phó Dịch, và nói điều đã mộng cho Phó Dịch nghe. Trong mấy ngày sau mà Phó Dịch bỗng nhiên qua đời. Ngày mới mất có nhiều hiện tượng dữ dằn, không thể nói hết được. Đứng ở trước công đường, hai vị quan tự mình trông thấy, nói lại giấc mộng đều giống nhau.

12/ Thời nhà Đường có Thượng thư hình bộ lang trung là Tống Hành Chất, người vùng Bác Lăng, tánh không tin theo Phật, có lời báng bổ ngạo mạn, đến tháng năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Huy nhà Đường bị bệnh mà chết. Đến ngày mồng 9 tháng 6, thượng thư đô quan lệnh sử là Vương Thọ đột ngột mà chết, trải qua hai ngày mà sống lại. Tự mình nói rằng: Lúc mới chết thấy có bốn người dẫn đến chỗ ấy nói là quan phủ truy tìm ông. Vương Thọ đi theo vào một cổng lớn, trông thấy công đường rất hùng tráng, làm hướng về phía Bắc. Trong phía Tây trên công đường có một người ngồi, hình dáng to lớn và đen sì; trong phía Đông công đường có một vị Tăng ngồi, tương đương với quan phủ, mặt đều hướng về phía Bắc, đều có giường ghế án thư đầy đủ; đồng tử hầu hạ hơn hai trăm người, có người đội mũ có người thắt bím tóc, dung mạo đều xinh đẹp. Dưới bậc thềm có người lo liệu văn bản vụ án, có một người già mang gông bị trói chặt đứng dưới bậc thềm phía Đông. Vương Thọ đến sân công đường thì cũng bị trói, người cầm giấy bút hỏi Vương Thọ rằng: Năm thứ mười tám niên hiệu Trinh Quán nhà Đường vào ngày nhậm chức Tá sử ở Trường An, vì sao thay đổi quê quán có tên họ là Lý Tu Đạt? Đáp rằng: Vương Thọ trước khi nhậm chức Tá sử ở Trường An, tự năm Trinh Quán thứ mười sáu lọt vào vòng được chọn, đến năm thứ mười bảy được trao cho chức Tư nông tự phủ sử, năm thứ mười tám thay đổi quê quán, không phải là đội của Vương Thọ. Đại quan trên công đường đọc lời biện giải ấy, quay đầu lại nói vơi người tù già ở dưới bậc thềm phía Đông rằng: Tại vì sao tố cáo xằng bậy như vậy? Người tù nói: Tuổi Tu Đạt thật sự chưa đến, bởi vì Vương Thọ thay đổi quê quán, thêm nhiều tuổi vào cho Tu Đạt, lẽ nào dám xằng bậy chẳng? Vương Thọ nói: Vương Thọ đến năm thứ 17, thay đổi chức vụ tự mình trình bày đến nay trông thấy còn, xin truy tìm nghiệm xét điều ấy. Quan lớn gọi ba người dẫn Vương Thọ đi, cởi trói cho Vương Thọ đến lấy văn bản của tự mình trình bày. Văn bản của tự mình trình bày đưa đến quan lớn, tự đọc xong nói với người tù già rằng: Người ta thay đổi chức vụ rất rõ ràng, ông không có lý. Lệnh cho người đưa người tù già ra ngoài cửa phía Bắc, có nhiều khu thành mờ mịt, trên thành đều có bờ tường thấp có những khe ngắm bắn, tựa như là nơi dữ dằn đáng sợ. Quan lớn nhân đó viết trên văn bản, nói với Vương Thọ rằng: Ông không có tội, tha cho ông đi. Vương Thọ bái tạ cáo từ. Có người dẫn đường Vương Thọ đến bậc thềm phía Đông bái tạ cáo từ vị Tăng, vì Tăng đóng dấn vào cánh tay Vương Thọ và nói rằng: Có thể ra đi. Người dẫn đường đưa Vương Thọ đuợc ra phía Đông Nam vượt qua ba lớp cổng, mỗi lớp cổng đều đối chiếu xem xét dấu đóng trên cánh tay, sau đó mới đồng ý cho ra ngoài. Đến cổng thứ tư, cổng này rất to lớn hùng vĩ, tầng lầu màu hồng nhạt có ba cửa đều mở toang, hình dáng giống như cổng cung thành, thị vệ canh gác vô cùng nghiêm ngặt, lại nghiệm xét dấu đóng rồi mới cho ra cổng. Đi về phía Đông Nam mấy chục bước, nghe có người với theo gọi Vương Thọ, Vương Thọ quay đầu lại nhìn thì trông thấy Thị Lang Tống Hành Chất, sắc mặt đen đủi thảm hại, tình cảnh giống như đất ướt, đầu lộ ra mặc áo dài đỏ xưa kia, đầu tóc ngắn rủ xuống, giống như người Hồ vậy, đứng ở dưới bậc thềm, có người dẫn đường chịu trách nhiệm canh giữa. Gần thành phía Tây có một tấm biển lớn bằng gỗ, cao khoảng chừng một trượng hai thước, trên tấm biển có viết chữ lớn rằng: Đây là nơi đối chiếu chính xác quyết định người đi qua Vương phủ. Chữ ấy lớn còn hơn khoảng thước rất rõ ràng. Trên công đường có giường ngồi và bàn ghế, giống như nơi quan phủ, mà không có người ngồi. Hành Chất trông thấy Vương Thọ mà buồn vui lẫn lộn, miệng nói rằng: Vì sao ông có thể đến đây? Vương Thọ nói: Quan truy tìm đối chiếu xét hỏi về việc thay đổi quê quán, không có quan hệ gì nên tha cho trở về. Hành Chất cầm hai tay nói với Vương Thọ rằng: Tôi bị quan tra hỏi về sổ công đức, trong tay tôi không có sổ công đức, vì vậy chịu khốn khổ nơi này, cọng thêm nỗi khổ vì đói khát lạnh lẽo không thể nói hết được, ông có thể cố gắng đến nhà tôi nói cho biết hãy gấp rút làm công đức giúp tôi. Thiết tha dặn dò nhiều lần như vậy, Vương Thọ đến lúc từ biệt mà đi. Đi được mấy chục bước, lại gọi Vương Thọ, còn chưa kịp nói gì thì trên công đường có quan lớn đến ngồi giận dữ quát Vương Thọ rằng: Ta mới đối chiếu tra hỏi sự việc, ông là người nào mà nhất định đến chỗ tù tội? Liền sai quân lính nhét gì vào lỗ tai Vương Thọ rồi đẩy khiến đi ra. Vương Thọ chạy lại đến một cổng, lính canh cổng nói: Ông bị nhét chặt lỗ tai, lỗ tai đang bị điếc, tôi giúp ông lấy vật trong đó ra. Nhân đó đưa tay móc lỗ tai của Vương Thọ, trong tai có tiếng vang mới nghiệm là đúng, liền thả đi ra ngoài cổng tối đen như mực. Vương Thọ không biết là nơi nào, dùng tay mò mẩm từ Tây đến Nam, đều là tường vách, chỉ riêng phía Đông không có gì chướng ngại mà tối mù không thể đi được. Đứng chờ một lát thấy người lính trước đây truy tìm Vương Thọ từ trong cổng đi ra đến nói với Vương Thọ rằng: Ông hãy còn có thể chờ đợi tôi rất tốt, có thể cho tôi xin một ngàn quan tiền được không? Vương Thọ không trả lời mà trong lòng tự suy nghĩ rằng: Mình không có tội tha cho đi, vì sao kiếm cớ để hối lộ? Người lính liền nói rằng: Ông không thể nào không thực hiện, nếu trước đây tôi không sớm dẫn ông đi qua, thì quan ra lệnh chịu trói hai ngày, há không khốn đốn chăng? Trong lòng Vương Thọ cho là không sai, vì vậy hổ thẹn xin lỗi rằng: Đồng ý theo lời. Người lính nói:Tôi không sử dụng tiền đồng của ông, muốn có được tiền bằng giấy trắng kia, hẹn ngày mười lăm đến lấy. Vương Thọ đồng ý, nhân đó hỏi đường trở về. Người lính nói: Chỉ đi về phía Đông hai trăm bước, sẽ gặp một nơi, chọc thủng tường thấy sáng, có thể đẩy sập xuống, tức thì đến nhà ông. Vương Thọ như dấu hiệu làm tin mà tin, đến bức từng đẩy rất lâu, thậm chí dựa vào nơi đổ sụp mà ra, liền đến chỗ ở của mình, nơi cửa Nam phường Long Chính rồi. Ngay sau đó trở về nhà thấy mọi người đang ngồi khóc nỉ non, đi vào cửa mà sống lại. Đến ngày mười lăm Vương Thọ quên giao tiền, ngày mai lại mắc bệnh khốn đốn vô cùng, thấy người lính đến giận dữ nói rằng: Quả nhiên ông không thực hiện, hẹn giao tiền cho tôi mà không chịu giao, bây giờ lại dẫn ông đi. Vì thế liền đuổi đi, ra ngoài ánh sáng chói lòa khiến cho rơi vào hố. Vương Thọ vái lạy nhận lỗi hơn trăm vái, liền thả cho trở về. Lại sống lại, Vương Thọ nói với người nhà mua một trăm tờ giấy làm tiền đưa đi. Ngày mai Vương Thọ lại bệnh khốn đốn, lại thấy người lính nói rằng: Mong ông có thể giao tiền cho tôi, mà tiền không tốt lắm. Vương Thọ nói lời xin lỗi mong làm lại tốt hơn. Lại được sống. Đến ngày hai mươi, Vương Thọ khiên dùng sáu mươi quan tiền mua một trăm tờ giấy trắng làm tiền cùng với rượu thịt, tự mình đến đốt trên mương nước cửa phía tây phường Long Chính, lát sau không thể khỏe mạnh thoải mái, liền niệm tụng không bỏ. Đến hỏi sự việc ấy, lúc đó cùng với Hình bộ thị lang Lưu Yên dời đến ở Đại Lý và Thiếu Khanh-Tân mậu mời mọc, ở Đại Lý thẩm vấn đề nghị Lưu Yên mời Vương Thọ đến, cùng với Thiếu Khanh – Tân Mậu đối diện hỏi han mà nói như vậy.

(Ba chuyện trên đây trích từ Minh Báo Ký.)

13/ Thời nhà Đường ở Kí Châu có Khương Đằng Sanh vốn là người vùng Quán Thành, cuối niên hiệu Vũ Đức bỗng nhiên gặp phải căn bệnh quái ác, liền đi vào vùng Mông Sơn, chữa bệnh nhiều năm không bớt, sau mới trở về nhà, thân thể bở loét nát rữa, ngón tay ngón chân rơi rụng. Đêm ngủ bỗng nhiên mộng thấy một pho tượng đá màu trắng, có thể cao hơn ba thước, nói rằng: Chỉ làm thêm tay cho ta thì khiến cho ông lập tức khỏi bệnh. Đến sáng sớm bỗng nhiên nhớ lại, vào năm đầu niên hiệu Vũ Đức ở trong ruộng kê bắt con chim Tước, vào trong điện Phật của thôn vốn có, lấy kinh Duy Ma xé rách để dùng, buộc con chim Tước vào đầu gậy dọa làm cho sợ. Có người trông thấy nói rằng xé kinh là tội lớn. Đằng Sanh trở lại mắng nhiếc dữ dằn, liền vào trong điện Phật đánh pho tượng đá màu trắng, tay phải cuối cùng bị rời rã. Trong mộng đã thấy giống hệt pho tượng trước kia, liền đến trước Phật đầu mặt cúi lạy sát đất, hết lòng hối hận về sai lầm của mình, mướn thợ làm lại cánh tay của pho tượng ấy, làm lại bốn mươi quyển kinh, xây dựng một tinh xá. Trong một năm thì căn bệnh chữa lành. Người trong thôn gọi là Thánh tượng, điện Phật và pho tượng ấy đều thấy vẫn còn.

14/ Thời nhà Đường có Diêu Minh Giải, vốn là Sa môn ở chùa Phổ Quang, tánh thông minh có văn chương hoa mĩ, giỏi về viết văn tự, có sở trường về hội họa, còn như gảy đàn thì cũng rất tuyệt vời vào lúc đó, nhưng luôn vui với niềm vui phàm tục mà không thích phương pháp học đạo. Vào năm thứ nhất niên hiệu Long Sắc nhà Đường, tất cả mọi người thuận theo chiếu thư, tự mình đi đến Lạc Dương, và thi đỗ phẩm bậc mà trở về thế tục, có thể là có nói điều gì khác, không bao lâu mà chết. Sau đó thác gởi trong mộng cho Tăng Trí Chỉnh ở chùa Tịnh Độ vốn là bạn tương tri rằng: Minh Giải vốn không có phước nghiệp cũng không tuân theo nội giáo, nay nhận chịu tội lỗi sâu nặng rất đói khát, nếu như có tình cảm của bạn cũ, thì có thể tự mình ban ơn cho một bữa ăn hay không? Trí Chỉnh trong mộng đồng ý nhận lời và sau khi tỉnh mộng mới bắt tay làm thức ăn, đến đêm vừa mới ngủ, thì thấy Minh Giải đến hổ hổ thẹn ngỏ lời cảm ơn. Đến giữa mùa Thu năm Long Sóc thứ hai lại thác gởi trong mộng với người thợ vẽ rằng: Vì tôi không tin Phật pháp cho nên bây giờ nhận chịu rất nhiều khổ đau, cố gắng giúp tôi viết mấy quyển kinh. Sau đó cầm tay thiết tha làm thơ nói từ biệt, bảo người thợ vẽ đọc 1 lần khiến cho nhớ kỹ. Tỉnh giấc bèn nhớ lại, thơ ấy nói rằng: Bắt tay không thể nào từ biệt, đấm ngực lại tự làm hai mình, đau đớn quá thời gian ngắn ngủi, xót thương thay nẻo dữ dài lâu, rừng tùng kinh hãi gió lộng thổi, mồ hoang sương lạnh còn lưu lại, nói lời chia ly lấy gì tặng, lưu tâm trong giáo pháp rõ ràng.

Người thợ vẽ ấy xưa nay không biết chữ, bỗng nhiên tĩnh giấc mà nhờ người ghi lại, đem bày tỏ với bạn cũ quen biết với Minh Giải, mọi người đều nói: Đúng là thể văn của Minh Giải không nghi hoặc gì. Người nghe người thấy không có ai là không xót xa rầu rĩ, đạo tục ở kinh sư truyền miệng cho nhau nghe không phải là ít.

Hai chuyện trên đây trích từ Minh Báo Tập Di Ký.