PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 77

 

Thiên thứ 84: THẬP ÁC (Phần Năm)

Phần thứ mười một: XAN THAM

Phần này có hai mục tách biệt: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất: Thuật Ý.

Rằng chúng sanh mắc bệnh mê hoặc bởi vì chấp ngã là đầu mối, phàm phu mê muội tà vạy bơi vì xan tham là gốc rỗ. Vì lẽ đó điều thiện ít ỏi như mảy tóc mà điều ác sâu nặng như núi cao, phước đức ít như băng mỏng mùa Xuân mà nghèo túng nhiều như mưa dần mùa Thu. Mạng lưới cửa sáu tình không dễ dàng có thể thoát ra, bến bờ của ba độc không làm sao có thể vượt qua; thân nặng về thường chìm xuống ví như những loài cá sống trong dòng sông, vỗ đôi cánh muốn bay lên khó giống như những loài chim giữa trời cao. Khiến cho nghèo thêm nghèo tiếp theo nhau không ngừng bức gách xâm phạm, khổ thêm khổ nối liền nhau cứ mãi gây ra tồn hại, giống như bướm qua lửa tự nhận lấy cái chết thiêu thân, giống như tằm làm kén chứ không phải ai khác ràng huộc mình. Bởi vì tham lam keo kiệt làm cản trở mà phải nhận chịu tội lỗi đói lạnh khốn cùng, bốn thí chính là nhân tố luôn luôn làm cho đời sống được vui sướng sung túc.

Thứ hai: Dẫn Chứng

Như kệ trong kinh Phân Biệt Nghiệp Báo nói:

“Thường vui thích tu hạnh trí tuệ,
Mà không hành hạnh bố thí,
Sinh ra thường thông minh hiểu biết,
Mà nghèo túng không có tài sản.
Tuy thích thực hành hạnh bố thí,
Mà không tu tập hạnh trí tuệ,
Sinh ra được tài sản to lớn,
Thường ngu si không hiểu biết gì.
Bố thí-trí tuệ tu cả hai,
Sinh ra đủ tài sản-trí tuệ,
Người không tu dưỡng cả hai hạnh,
Nghèo hèn ngu dốt suốt cuộc đời”.

Vì vậy trong Nhiếp Luận nói: “Keo kiệt là chướng ngại của giàu có, đố kỵ là chướng ngại của tôn quý”. Nhưng chúng sanh dấy khởi tham lam không gì hơn được sắc-tài. Thứ nhất yêu quý sắc đẹp quả thật là tai họa, như trước đã nói, không giống với ý nơi này cho nên nay lại luận bàn sơ lược. Như trong kinh Niết bàn giải thích: “Ví như có người lấy La sát nữ để làm thê thiếp, thì La sát nữ tùy theo những người con sinh ra, sinh ra thì ăn thịt, con đã ăn hết rồi, cuối cùng ăn luôn cả chồng mình. Yêu thích La sát nữ cũng lại như vậy, thuận theo các chúng sanh sanh ra con thiện căn, hễ sanh ra là ăn, con thiện căn đã ăn hết lại ăn luôn chúng sanh, khiến cho rơi vào địa ngục-ngạ quỷ-sáu sanh. Lại như có người tánh yêu thích hoa đẹp, không lấy tai họa rắn độc của cành hoa, liền tiến đến nắm lấy, nắm lấy rồi bị rắn cắn, bị cắn rồi mạng chung. Tất cả phàm phu cũng lại như vậy, tham hoa năm dục không thấy là tai họa rắn độc của yêu thích, ma thường nắm lấy, liền bị độc chất của yêu thích châm vào, sau khi mạng chung rơi vào ba đường ác”. Thứ hao đối với tài lợi sanh ra tham lam, tham lam tài lợi dẫn đến tai họa làm cho phiền muộn khổ đau vô cùng, rời xa đạo tục – mất hết thân sơ. Vì vậy trong luận Trí Độ nói: “Tài vật là các loại phiền não, là nhân duyên của tội ngh; giống như các loại thiện pháp trì giới-thiền định-trí tuệ, là nhân duyên của Niết bàn. Vì lý do này, tài vật hãy còn phải tự mình lìa bỏ, huống gì trong ruộng phước tốt lành mà không bố thí? Ví như có hai người là anh em, cùng gánh 10 cân vàng đi giữa đường, lại không có bạn bè nào khác. Người anh trước tiên dấy lên nghĩ rằng: Tại sao mình không giết em để lấy vàng, nơi này vắng vẻ người giữa đường không có ai biết được. Người em lại nảy sinh ý niệm muốn giết anh để lấy vàng. Hai anh em đều có tâm niệm xấu xa, cử chỉ nói năng ánh mắt nhìn nhau đều khác lạ. Hai anh em liền tự nhiên hiểu ra, lại sanh tâm hối hận, chúng ta không phải là người, so với cầm thú có khác gì đâu, anh em cùng mẹ sinh ra mà vì một số vàng, cố tình để nảy sinh tâm độc ác. Hai anh em cùng đến bên một dòng nước, anh lấy vàng ném vào trong nước, em nói rằng: Tốt lành thay, tốt lành tha! Em lại bỏ vàng trong nước, anh nói rằng: Tốt lành thay, thốt lành thay! Hai anh em lại hỏi lẫn nhau: Tại vì sao nói là tốt lành thay? Cả hai đều tự mình trả lời rằng: Bởi vì số vàng này cho nên sinh tâm bất thiện muốn làm tổn hại nhau, nay có thể vứt bỏ nó cho nên nói là tốt lành thay. Hai người đều nói như vậy, vì nhân duyên này, hãy thường thuận theo mà tự mình xả bỏ”.

Còn trong luận Đại Trang Nghiêm nói: “Xưa tôi đã từng nghe trong nước Xá Vệ, lúc bấy giờ Đức Phật cùng với A-nan đi giữa cánh đồng bát ngát, đến một bờ ruộng thấy có kho tàng ẩn giấu. Đức Phật bảo với A-nan: Là rắn độc to lớn. A-nan thưa với Đức Phật: Là rắn độc hung ác. Bấy giờ giữa thửa ruộng có một người đang trồng trọt, nghe Đức Phật và A-nan nói có rắn độc, bèn dấy lên nghĩ rằng: Mình nên nhìn xem, vì sao Sa môn nói là rắn độc hung ác? Liền đi đến chỗ ấy thì trông đống vàng ròng thật sự, mà dấy lên nói rằng: Sa môn đã nói là rắn độc, đó chính là vàng ròng quý báu. Liền lấy số vàng này đem về đặt trong nhà. Người đó trước đây nghèo túng cơm ăn áo mặc không cung cấp đủ, vì được số vàng cho nên trở thành giàu có, cơm ăn áo mặc tự nhiên đầy đủ. Vương gia và quan binh cảm thấy quái lạ sao người ấy bỗng nhiên giàu có, bèn tra xét thâu lấy tất cả đem giam vào trong ngục. Trước vốn được vàng đã tiêu dùng hết, hãy còn không thể nào tránh khỏi, mà sắp bị gông cùm chịu hình phạt tội chết. Người ấy nói to rằng: Rắn độc A-nan, rắn độc hung ác Thế Tôn. Người bên cạnh nghe vậy bèn đem tình trạng này thưa với nhà vua. Nhà vua gọi người đó mà tra hỏi rằng: Tại sao nói to lên là rắn độc A-nan, rắn độc hung ác Thế Tôn? Người ấy thưa với nhà vua: Thảo dân vào ngày nọ đang trồng trọt giữa ruộng, nghe Đức Phật và A-nan nói rằng là rắn độc-rắn độc hung ác, đến bây giờ thảo dân mới thật sự hiểu ra rõ ràng. Nhà vua nghe giải thích như vậy liền tha cho trở về nhà”.

Còn trong kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Xưa thời Đức Phật tại thế, ở trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả, tên gọi là Bà Đề, ở nhà rất giàu có vô số tài sản, vàng bạc không thể nào tính được. Người ấy tuy giàu nhưng bủn xỉn giữ gìn không dám ăn-không dám mặc, quần áo sử dụng – đồ ăn thức uống rất là nghèo nàn sơ sài, cũng không bề bố thí cho vợ con – quyến thuộc-nô tỳ-tôi tớ-bạn bè quen biết và các vị Sa môn – Bà-la-môn… một thứ gì. Lại dấy lên tà kiến đoạn mất thiện căn, nhưng không có con nối dõi, dau khi mạng chung tất cả tài sản châu báu đều sung vào của ông. Vua Ba Tư Nặc tự mình đến nơi thu nhận tài sản. Thu nhạnc đã xong lại đi đến chỗ Đức Phật, bèn thưa với Đức Phật rằng: Trưởng giả Bà Đề, hôm nay sau khi mạng chung thì sanh đến chỗ nào? Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Trưởng giả bà Đề phước vốn có đã hết mà không tạo những thiện nghiệp mới, bởi vì dấy khởi tà kiến đoạn mất thiện căn, cho nên mạng chung rồi sanh vào địa ngục khóc nỉ non. Vua Ba Tư Nặc nghe Đức Phật giảng giải rồi, đau lòng rơi nước mắt mà thưa với Đức Phật rằng: Trưởng giả Bà Đề, xưa gây ra nghiệp gì mà sanh vào nhà giàu có, lại gây ra điều ác gì mà không được hưởng sự vui sướng rất giàu có như vậy? Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Quá khứ lâu xa có Đức Phật Ca Diếp, sau khi Ngài nhậnp Niết bàn, thì Trưởng giả này sanh trong nước Xá vệ, làm con một người làm ruộng, có vị Bích chi Phật đi đến nhà ấy. Bấy giờ Trưởng giả này liền mang cơm và thức ăn bố thí, vị Bích chi Phật xin được thức ăn bay lên hư không mà đi. Trưởng giả trông thấy rồi phát ra thệ nguyện rằng: Giữ thiện căn này khiến cho con đời đời sinh ra những nơi luôn luôn có nhiều tài sản châu báu chứ không rơi vào ba đường ác. Bố thí rồi sau đó lại sinh tâm hối tiếc, thức ăn trước đây mình nên cho nô tỳ tôi tớ, chứ không nên cho Sa môn trọc đầu. Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Trưởng giả Bà Đề nhờ vào công đức phát nguyện khi ở quá khứ bố thí thức ăn cho vị Bích chi Phật, mà sanh ra những nơi luôn luôn có nhiều tài sản châu báu không thiếu hụt thứ gì? Bởi vì sau khi bố thí lại sinh tâm hối tiếc, ở những nơi sinh ra, tuy cuộc sống giàu sang nhưng không được hưởng sự vui sướng rất giàu có như vậy, keo kiệt tiếc rẻ giữ gìn kỹ càng không tự mình ăn mặc sung túc, lại không bố thí cho vợ con quyến thuộc, cũng không bố thí cho bạn bè quen biếtv các vị Sa môn-Bà-la-môn… Vì vậy người trí, nghe nhân duyên này, nếu có tài vật thì cần phải bố thí chớ sinh lòng keo kiệt bủn xỉn. Lúc bố thí chí tâm tự tay mình chân thành đưa cho, bố thí rồi hoan hỷ đừng sinh tâm niệm hối tiếc. Có thể bố thí như vậy thì cảm được quả báo to lớn vô lượng vô biên”.

Còn trong kinh Xuất Diệu nói: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, trong nước Xá Vệ có một Trưởng giả, tên gọi là Nan Đà, nhà rất giàu có, tài sản vàng bạc rất nhiều, voi ngựa xe cộ, nô tỳ tôi tớ phục dịch, áo quần trang điểm, ruộng vườn cơ nghiệp, không thể nào hạn lượng được, giàu có nhất nước không có ai hơn được. Tuy ở chốn giàu sang mà không có tín tâm, tham lam keo kiệt và đố kỵ, nhà cửa bảy lớp, dặn người canh cổng nếu có người đến xin thì không được cho ai vào nhà. Trên khoảng không giữa sân lắp đặt tấm lưới thưa bằng sắt, sợ có chim chóc bay đến ăn thóc gạo đậu mè. Dưới chân tường rào bốn phía dùng đất sét trắng bao kính, sợ chuột bọ đào hang làm tổn hại đến tài vật. Chỉ có một người con tên là Chiên Đàn Hương, lúc sắp qua đời dặn dò con rằng: Bệnh hoạn của cha ắt phải chết, nếu sau khi cha chết thì tất cả tài sản châu báu đừng làm cho hao phí tùy tiện, đừng giúp cho Sa môn và Bà-la-môn; nếu có người cầu xin thì đừng bố thí cho một đồng, những 2 tài vật này đủ để cung cấp cho bảy đời. Dặn dò xong rồi mạng chung. Sanh trở lại trong bụng bà mẹ mù thuộc gia đình chiên đà la trong thành Xá Vệ. Sau khi sanh ra khỏi thai mẹ, bị mù không có mắt, bà mẹ mù nghi rằng: Nếu sinh con trai, thì mình nay mù mắt, cần phải được giúp đỡ. Nghe con sinh ra bị mù thì bà mẹ thêm phần ưu sầu, rơi nước mắt đau thương nói kệ rằng:

Con mù mà mẹ cũng mắt mù,
Hai mẹ con không có đôi mắt,
Gặp phải hoàn cảnh suy tàn này,
Lòng mẹ cũng ưu sầu đau khổ.

Lúc ấy bà mẹ mù nuôi con đã lớn, năm -9 tuổi có thể đi lại được rồi, đưa cho con một cây gậy và một đồ vật để đựng đồ ăn, mà bảo với con rằng: Con tự xin ăn mà sống chứ không cần phải ở lại nơi này, mẹ cũng không có mắt, lại phải xin ăn để giúp cho mạng sống còn lại. Đứa trẻ mù này đi cầu xin từng nhà, sau đó dần dần đến nhà của Chiên Đàn Hương, đứng ở ngoài cổng, nói to rằng trẻ mù xin ăn. Lúc ấy người canh cổng, giận dữ cầm tay ném vào hố sâu, làm gãy cánh tay trái, lại đánh toạc đầu, thức ăn xin được đều bỏ trên đất. Có người đi đến trông thấy bị thương tổn thật đáng thương xót, đến nói cho bà mẹ ma biết. Bà mẹ mù nghe rồi chống gậy lần đi, đến chỗ đứa con mù ôm vào trên đầu gối, mà nói với con rằng: Con có lỗi lầm gì mà gặp phải tai ách đau khổ này? Con trả lời mẹ rằng: trước đây con đến ngoài cổng nhà của Chiên Đàn Hương mà cầu xin, thì gặp phải người ác đánh và ném như vậy.

Lúc ấy Đức Phật biết rồi bảo với A-nan rằng: Tai họa, thật là tai họa! Trưởng giả Nan Đà, mạng chung đầu thai làm con cho người phụ nữ mù ở nhà Chiên đà la kia, sanh ra không có đôi mắt, xưa vốn ở nơi sản nghiệp giàu có vô lượng, voi ngựa bảy báu không thể tính được, ngày nay lại gặp phải tình cảnh chính mình không có ích gì. Như vậy là do tham lam keo kiệt mà nhận chịu quả báo mù mắt này. Từ đây mạng chung rơi vào địa ngục A tỳ. Đến lúc xế trưa Đức Phật cùng với chúng Tỳ kheo đi vào kinh thành, dân chúng vây quanh đi đến chỗ dứa bé mù trước cổng nhà của Chiên Đàn Hương. Lúc ấy Chiên Đàn Hương nghe Đức Phật đang ở bên ngoài, liền ra ngoài cổng lễ lạy rồi đứng về một bên. Đức Phật biết mọi người tụ tập, lại không thấy Chiên Đàn Hương, nên vì tất cả mọi người thuyết về nghiệp tham lam keo kiệt và đố kỵ nhận chịu vô lượng tội lỗi, Ngài thuyết thêm về hạnh giúp đỡ làm ơn cho người nhận được phước thiện vô cùng tận, muốn khiến cho xa lìa các pháp hữu lậu hướng về đạo lý vô vi. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn làm cho Chiên Đàn Hương bait trừ nỗi khổ địa ngục, liền bảo với đứa trẻ rằng: Ông là Trưởng giả Nan Đà phải không? Đứa trẻ trả lời rằng: Thật sự là Nan Đà. Như vậy đến ba lần, đại chúng nghe điều này ngạc nhiên mà nói: Trưởng giả Nan Đà chính là nhận chịu hình hài này. Lúc ấy Chiên Đàn Hương nghe và trông thấy sự việc này, đau lòng rơi nước mắt không thể nào tự ngăn lại được, lễ lạy Đức Phật cầu cứu giúp nguyện bạt trừ gốc rễ tôi lỗi, bèn thỉnh Đức Phật và chúng Tăng ngày mai đến nhà thọ trai cúng dường. Đức Phật ngày mai đến thọ trai xong thuyết diệu pháp cho Chiên Đàn Hương nghe, lúc ấy Chiên Đàn Hương đạt được quả vị Tu đà hoàn.

Đức Phật bảo với A-nan: Nếu như người tích trữ tiền của không tư mình ăn mặc đầy đủ, lai không bố thí, thì người ấy thuộc loại ngu nhất trong mọi cái ngu. Vì vậy cho nên người trí cần phải thực hành bố thí, cầu mong xa rời sanh tử, đừng sanh lòng keo kiệt bủn xỉn mà nhận chịu vô biên khổ đau”.

Còn trong Kinh Lô Chí Trưởng giả nói: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả, tên gọi là Lô Chí. Nhà đó rất giàu có, tài sản vô số kể, giống như Tỳ Sa Môn. Bởi vì từ thời xa xưa bố thí phước tiền thù thắng cho nên cảm của báo ứng này. Nhưng lúc bố thí ấy không thể nào chí tâm. Cho nên nay tuy giàu có mà ý niệm luôn luôn thấp kém. Mặc thì áo quần rách rưới dơ bẩn, ăn thì cám gạo với rau, để ngăn lại cơn đói, khát chỉ có uống nước, đi thì dùng cỗ xe mục nát, thường xuyên quản lý gia nghiệp, giống như hạng nô bộc, thường bị người đời cười nhạp là đồ ngốc. Sau đó vào một hôm, ở trong thành mọi người cùng nhau mở hội rộn ràng long trọng, nhà cửa trang nghiêm treo cờ phuớn tàn lọng rực rỡ, nước thơm vẩy trên đất và rải các loại hoa đẹp, đủ loại trang nghiêm ca múa âm nhạc tưng bừng, vui sướng đón nhận sự tốt lành, giống như chư Thiên vậy. Lô Chí trông thấy rồi thì này sinh ý niệm rằng: họ đã tụ hội vui vẻ thì mình cũng nên như vậy. Liền nhanh chóng trở về nhà tự mở kho tàng, lấy được năm đồng tiền. Lấy được rồi suy nghĩ: Nếu ăn ở nhà thì mẹ – vợ và quyến thuộc không thể nào đầy đủ được, nếu đến nhà người ta thì sợ chủ nhà đoạt mất. Thế là liền dùng hai đồng tiền mua bột gạo rang, hai đồng tiền mua rượu, một đồng tiền mua củ hành, từ trong nhà lấy được một nắm muối, tất cả bọc trong vạt áo, ôm đi ra ngoài thành, đến dưới một tán cây. Đã đến dưới tán cây thấy có nhiều chim quạ, sợ chúng đến giành ăn mất. Liền đi đến giữa bãi tha ma, lại thấy có heo chó quanh quẩn. Lại tiếp tục tránh đi nơi khác, đến chỗ vắng vẻ yên lặng, bỏ muối vào trong rượu hòa với bột gạo rang mà uống, lúc ấy lại nhấm củ hành. Trước đây không hề uống rượu, nên lập tức say mèm. Say rồi đứng dậy múa may cất tiếng mà ca hát. Lời bài ca ấy rằng:

Hôm nay ta chúc mừng lễ hội, uống rượu rất vui vẻ thoải mái,

Vượt xa Tỳ Sa Môn Thiên Vương, cũng hơn hẳn cả Thiên Đế Thích. Đúng lúc ấy Đế Thích cùng chúng sanh chư Thiên sắp đến nơi Phật, gặp phải Lô Chí say mèm múa mà ca haut nói rằng hơn hẳn cả Đế Thích. Đế Thích im lặng suy nghĩ: Người tham lam keo kiệt này ở nơi che khuất uống rượu chưởi mắng làm nhục đến ta, ta làm cho kẻ kia phải phiền lòng mới được. Liền biến đổi thân mình làm thành hình dạng Lô Chí, đi đến nhà đó, tập trung mẹ-vợ-nô tỳ và quyến thuộc lại, ngồi ở trước mặt mẹ mà thưa với mẹ rằng: Con từ đầu đến cuối có con quỷ rất keo kiệt, đi theo cạnh con khiến cho con keo kiệt tiêc nuối, không ăn không mặc không cung cấp cho quyến thuộc, đều do con quỷ keo kiệt; hôm nay đi ra bên ngoài gặp một Đạo nhân, ban cho con câu chú tốt lành trừ được con quỷ keo kiệt, nhưng mà con quỷ keo kiệt này cùng với con tương tự nhau, nếu nó đến thì cần phải dùng gập mà đánh, nó nhất định giả bộ xưng tôi là Lô Chí, tất cả mọi người đừng tin lời nói đó, hãy nhanh chóng đóng cổng, con quỷ keo kiệt nếu như xuất hiện, thì đợi con làm xong sau đó mới mở cổng. Liền làm những món ăn cả nhà đều ăn no đủ, lại mở kho tàng lấy ra các thứ tài vật châu báu-áo quần-chuỗi ngọc, tặng cho mẹ và vợ cùng quyến thuộc ở trong nhà, cũng bố thí cho những người khác. Xong xuôi rồi trổi nhạc múa hát vui vẻ, không thể nào nói hết. Người ta nghe Lô Chí trừ được con quỷ keo kiệt, đều đến quan sát. Lô Chí tỉnh rượu quay về nhà vào đến cổng, nghe tiếng ca múa thật là kinh ngạc vô cùng, đập cửa kêu gọi cũng không có ai nghe. Đế Thích nghe tiếng gọi bèn nói với mọi người rằng: Kẻ đập cửa kêu gọi ấy có lẽ là con quỷ keo kiệt. Mọi người nghe con quỷ keo kiệt thì mở cửa chạy trốn. Lô Chí vào được rồi, quyến thuộc ở trong nhà, thảy đều không thừa nhận, nói là có quỷ keo kiệt thì lập tức tóm lấy chân, kéo ngã xuống lấy gập đánh, xua đuổi khiến đi ra khỏi cổng. Đến đầu ngõ khóc lớn, cất tiếng than rằng: Quái lạ thay, thân hình mình bây giờ, là khác với trước kia, hay là không khác trước kia, tai sao người nhà thấy mà xua đuổi như vậy, nói mình là quỷ đã không được thừa nhận, giờ đây mình nói như thế nào mới được! Lô Chí bấy giờ giống như điên cuồng, bà con xóm giềng đều đến an ủi nói cho biết: Ông là Lô Chí, tôi là láng giềng thân cận với ông, cho nên đến hỏi thăm ông, ông nên gắng tập trung tâm ý để tìm cách sử dụng làm cho tự nhiên rõ ràng. Lô Chí nghe rồi tâm ý có phần yên ổn, lau nước mắt mà nói: Xin mọi người cùng nhìn lại mặt tôi, nay tôi có thật sự là Lô Chí hay không? Mọi người đều cười và nói rằng: Ông giờ đây thật sự là Lô Chí. Liền nói với mọi người rằng: Mọi người đều có thể làm chứng cho tôi không? Mọi người đều nói: Chúng tôi làm chứng ông thật sự là Lô Chí. Lô Chí trả lời rằng:

Mọi người nếu như vậy thì lắng nghe tôi nói nhân duyên:

Có ai là người trẻ ít tuổi,
Cùng với tôi vô cùng giống nhau,
Cùng chung người vợ tôi yêu quý,
Ngồi chung giường đầu gối liền nhau?
Những người thân cùng với quyến thuộc,
Gặp mặt đánh đuổi ra khỏi nhà,
Người thân đều yêu quý người kia,
Yên ổn ở lại trong nhà tôi.
Tôi chịu đựng đói lạnh khốn khổ,
Dành dụm những tài sản tiền bạc,
Người ta nay tự do sử dụng,
Tôi không có một xu dính túi.
Giống như Tỳ Sa Môn Thiên Vương,
Tự nhiên thoải mái chuyện cơm áo,
Hết thảy mọi người ở trong thành,
Ai cũng nghi ngờ thật quái lạ,
Đều dấy lên nói lời như vậy:
Chuyện này nên giải quyết thế nào?
Trong đó có người trí sáng tỏ,
Mà quyết định nói lời như vậy,
Ở đây có người rất ranh mãnh,
Hình dáng tướng mạo tựa Lô Chí,
Biết Lô Chí tham lam keo kiệt,
Cố tình đến gây ra não loạn,
Chúng tôi cùng nhau chứng minh rõ,
Không nên để cho bị vứt bỏ.

Lúc bấy giờ mọi người nghe lời này rồi, thảy đều đồng lòng nói rằng: Lô Chí! Nay ông thế nào? Muốn làm điều gì? Lô Chí nói: Mong làm chứng cho tôi, tôi muốn gặp nhà vua, và mong cho tôi mượn hai tấm vải bông trắng có thể làm cho trị giá hơn bốn lạng vàng, dùng để dâng lên nhà vua. Mọi người đều cười nói: Lô Chí nay chính là Đại thí chủ. Ôm hai tấm vải bông đến cổng cung vua, nói với người canh cổng rằng: Giúp tôi trình bày lên nhà vua, tôi muốn dâng tặng lễ vật. Người gác cổng ngạc nhiên cười, lập tức đi vào thưa với nhà vua. Nhà vua nghe mà nghĩ rằng: Lô Chí keo kiệt bủn xỉn, mang vật bất tử đến, cuối cùng có thể như vậy. Nhà vua liền gọi vào. Đã đến trước nhà vua, lấy tay kéo tấm vải bông, để dâng tặng nhà vua. Nhưng nách kẹp chặt kéo không sao ra được, liền tự xoay người hết sức kéo ra, mới có thể kéo ra được, đã kéo ra được rồi, Đế Thích liền hóa làm hai bó cỏ. Lô Chí trông thấy có xấu hổ ngồi bệt dưới đất, buồn bã sụt sùi không làm sao nói được. Nhà vua thấy thương xót bèn nói rằng: Cho dù là cỏ cũng không có gì khổ tâm, có muốn nói điều gì thì tùy ý ông cứ nói: Lô Chí buồn bã hướng về nhà vua trình bày rằng: Thảo dân trông thấy cỏ này thì hổ thẹn vô cùng, không thể nào làm cho thân mình lún sâu vào trong đất, không biết bây giờ là có thân này, hay là không có thân này, biết nói làm sao đây? Nhà vua nghe mà thương xót nói với người bên cạnh rằng: Người kia đã đau xót tắc nghẹn không thể nào nói được, biết ý người ta thì hãy nói thay cho họ. Người bên cạnh trả lời nhà vua: Không biết người nào, hình dung tướng mạo tương tự, đến trong nhà đó, mạo xưng là Lô Chí, người nhà đều tin, sử dụng tài vật phân tán cho mọi người, thảy đều có ohần và hết sạch kho tàng, người nhà không biết dùng gậy đánh đập đuổi ra khỏi cổng. Lô Chí thật trái lại giống như người ngoài đường, vì vậy mà buồn phiền không thể nào nói được. Nhà vua nghe chuyện liền sai người gọi người tương tự ấy đến, nhà vua nói người đến sau thật là Lô Chí ấy, bèn nói với người đến trước rằng: Nay ông còn muốn nói năng gì nữa không? Lô Chí trả lời rằng: Thảo dân là Lô Chí, người kia không phải Lô Chí. Nhà vua hỏi người đến sau: Lô Chí tham lam keo kiệt mà ông thì thích bố thí ban ơn, tại sao xưng rằng là Lô Chí vậy? Người đến sau liền trả lời nhà vua rằng: Tôi nghe Đức Phật thuyết giảng, người tham lam keo kiệt rơi vào trong chốn ngạ quỷ, trăm ngàn vạn năm nhận chịu nỗi khổ đói khát, sợ hãi nhân duyên ấy cho nên bỏ thói tham lam keo kiệt. Nhà vua nói: Thật sự như vậy, giống như áo bẩn giặt sạch bụi đất thì sạch sẽ, tâm phiền não dơ bẩn nghe pháp liền trừ bỏ. Nhà vua thấy sự việc này rồi, liền tách hai người đưa vào hai chỗ khác nhau, đều khiến nghi chép rõ ràng thân thuộc có bao nhiêu người, các loại tài sản đồ vật thế nào, hãy nhanh chóng ghi chép đầy đủ đem đến. Hai người mang đến thì toàn bộ sự việc bí mật cho đến bút tích, tất cả đều giống nhau, nhà vua không làm sao phân biệt được. Nhà vua gọi bà mẹ đến hỏi, bà mẹ nói với nhà vua rằng: Đây là con tôi, kia không phải con tôi mà là con quỷ keo kiệt. Nhà vua lại hỏi bà mẹ: Có thể thấy trên người có vết thẹo hay nốt ruồi đen hoặc điều gì bí mật, có thể nhận biết hay không? Bà mẹ trả lời nhà vua rằng: Con tôi dưới sườn bên trái có vết thẹo nhỏ, giốn như hạt đậu nhỏ. Nhà vua sai cởi áo đưa cao cánh tay xem xét, thấy hai vết thẽo lớn bé giống hệt nhau. Nhà vua trông thấy cười lớn cảm thấy quái lạ chưa từng có, tự mình hết sức tra hỏi sâu sắc chính mình, tất cả chúng sanh vì ngu tối che phủ, không phân biệt được thật giả, sự việc như vậy chỉ có Đức Phật mới có năng lực hiểu rõ được. Liền đem hai người đặt trên lưng voi, cùng nhau đến chỗ Đức Phật cầu xin giải quyết mối nghi ngờ này.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, đưa cánh tay tướng hảo trang nghiêm lên, nói với Đế Thích rằng: Ông làm chuyện gì vậy? Đế Thích liền diệt trừ thân tướng giả dạng Lô Chí mà trở lại hình tướng của mình, đủ loại ánh sáng, chắp tay hướng về Đức Phật mà nói kệ rằng:

Thường xuyên bị keo kiệt sai khiến,
Không chịu tự mình ăn và mặc,
Lấy năm đồng tiền mua rượu – bột,
Bỏ muối vào trộn lẫn mà uống.
Uống vào rồi thì say ngất ngưỡng,
Cười cợt đùa vui mà ca múa,
Tùy tiện mắng chư Thiên chúng con,
Bởi vì nhân duyên bất thiện này,
Con cố tình gây ra sự việc,
Làm cho khổ não sợ nhân quả.

Đức Phật bảo với Đế Thích: Tất cả chúng sanh đều có lỗi lầm, nên thuận theo buông bỏ. Hóa thân trở lại hình tướng Đế Thích, mà thưa với Đức Phật rằng: Người này tham lam keo kiệt không tự mình ăn mặc đầy đủ, lấy năm đồng tiền mua rượu và bột gạo rang bỏ muối vào hòa lẫn mà uống, uống rượu say mèm ca múa rồi tùy tiện mắng chư Thiên, cho nên con tức giận. Đức Phật bảo với Đế Thích: Tất cả chúng sanh đều có lỗi lầm, nên thuận theo buông bỏ. Đức Phật bảo với Lô Chí: Ông hãy trở về nhà trông coi tài sản đồ vật của ông. Lô Chí thưa với Đức Phật: Tất cả tài sản đồ vật Đế Thích sử dụng hết sạch, trở về nhà làm gì! Đế Thích nói rằng: Ta không làm hại một chút tài sản đồ vật gì của ông cả. Lô Chí nói rằng: Tôi không tin Đế Thích, tôi chỉ tin lời Đức Phật. Bởi vì tin Đức Phật cho nên liền đạt được quả vị Tu đà hoàn. Lúc ấy Thiên Long bát bộ cùng với bốn chúng, tất cả nghe như vậy rồi đạt được bốn đạo quả, có người gieo trồng nguyên Tam Thừa”.

Còn trong kinh La Tuần Du nói: “Thời Đức Phật tại thế, có con trai bạc phước của một Bà-la-môn, thầy xem tướng quan sát không có tướng nảo cả. Đến năm 12 tuổi cha mẹ đuổi ra ngoài, thế là đi xin ăn, bèn đến tinh xá Kỳ Hoàn. Đức Phật vì lòng Đại Từ đưa tay xoa đầu, đầu tóc liền rụng hết – ca sa khoác trên thân, Đức Phật đặt tên cho, gọi là La Tuần Du. Lúc ấy cùng với năm bộ tăng cứ mỗi lần ra ngoài khất thực, mà bộ nào có La Tuần Du thì đành ôm bát không quay về. Đức Phật bảo với các Tỳ kheo phân chia để giúp cho, như vậy không phải là một lần. Mục Liên nghĩ rằng: Do Tỳ kheo này mà Tăng không được ăn. Đức Phật biết rõ ý đó, bèn cùng đi chung với Xá Lợi Phất, bảo Mục Liên và La Tuần Du đều tự phân ra làm một bộ. Đức Phật bảo với Mục Liên: Ta ở chỗ ấy không cần phải đến đó. Mục Liên liền cùng cới La Tuần Du đi chung, vừa sắp đến nơi thì trông thấy Đức Phật và Xá Lợi Phất lại ở tại nhà đó. Như vậy trải qua hơn năm trăm ức cõi nước, vẫn không được ăn. Mục Liên thầm nghĩ: Mình vào hôm nay chắc chắn không có được cơm ăn. La Tuần Du hết sức đói bụng, nên dừng lại ở bên sông Hằng. Mục Liên tức thì đi đến chỗ Phật, trong bình bát của Phật hãy còn có thức ăn thừa lại, liền đưa cho Mục Liên. Mục Liên nghĩ rằng: Nay mình đói lắm muốn nuốt cả núi Tu Di hãy còn nói là không no được, chỉ một ít cơm này sao đủ để ăn nó. Đức Phật bảo với Mục Liên: Chỉ ăn cơm này chớ lo gì không đủ. Mục Liên liền ăn, ăn đã no rồi mà trong bình bát không giảm bớt chút nào. Xá Lợi Phất liền nghĩ rằng: La Tuần Du nay chưa được ăn, đang rất đói khổ. Bèn thưa với Đức Phật rằng: Nguyện xin cơm còn thừa đem cho La Tuần Du. Đức Phật liền bảo cho biết rằng: Ta không tiếc cơm, chỉ vì La Tuần Du vốn có hành động phải chịu quả báo không được ăn, nếu như nói là không đúng thì ông có thể đem cho. Xá Lợi Phất liền lấy cơm, đem cho, La Tuần Du được cơm thì muốn ăn ngay, nhưng bình bát liền đi vào lòng đất sâu trăm trượng. Xá Lợi Phất dùng tay đạo lực, tìm bình bát liền được, lấy đưa lại cho La Tuần Du. Vừa lúc sắp ăn, thì lỡ tay lật úp bình bát, đổ hết cơm và thức ăn, tất cả đều rơi vào trong nước. La Tuần Du trở lại ngồi yên lặng, trong ý tự suy nghĩ rằng: Cứ mỗi lần mình cùng với các Tỳ kheo đi chung, thì không có được thứ gì mà ôm bình bát không quay về, Đức Phật lấy cơm cho mình thì lại đổ mất, đều là do tội báo thì phải nhận chịu. Liền tự mình tư duy, giải trừ phiền não loại bỏ cấu uế đạt được quả vị la hán, tức thì ăn đất mà nhập Niết bàn.

Muốn biết nghiệp duyên của La Tuần Du, thì vốn vào thời Đức Phật Duy Vệ ở quá khứ, người này là phàm phu, thường ôm lòng tham lam keo kiệt không chịu bố thí, lúc đang muốn ăn cơm thì cởi áo trải trên đất sợ rằng hạt cơm rơi mất. Có Sa môn đi đến nơi ấy khất thực, La Tuần Du trông thấy nói rằng: Nên lấy cái gì để cho đây? Liền dùng tay vốc đất đưa cho Sa môn. Sa môn liền chú nguyện rằng: Quả là ngu si cho nên vậy thôi, nên khiến cho ông sớm được độ thoát. Từ lúc ấy cho đến bây giờ trải qua thời gian lâu xa trôi lăn trong dòng sanh tử, thậm chí đến nay sanh ra nơi nào, thì cũng không thể ăn được. Giờ đây đạt được đạo quả mà ăn đất rồi nhập Niết bàn, chính là bởi vì lấy đất đưa cho Sa môn. Xá Lợi Phất ơi, vì vậy cho nên biết tội phước giờ đây đều phải nhận lấy tai ương”.

Còn trong kinh Di Giáo Tam Muội nói: “La Tuần Du này đời kiếp xưa kia là con trai của một người hiền đức, làm người ôm lòng đố kỵ sâu nặng, thấy Sa môn đến khất thực, thì đứng trước cổng nhà nói rằng: Người lớn không có nhà. Sa môn lại đến nhà khác, lại bày cho nhà khác đóng cổng nhà cũng nói: Người lớn không có nhà. Vì vậy ngày này khất thực không làm sao có được. Đúng vào lúc trông thấy người ta bố thí đồ ăn thức uống, hoan hỷ tổ chức lễ hội, thì lại nghĩ rằng: Mình cũng muốn làm Sa môn. Vì thế ngày nay khốn cùng đến mức như vậy”.

Còn trong kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Lúc ấy có bốn vị Đại La Hán là Mục Kiền Liên-Ca Diếp-A na Luật-Tân Đầu Lô, tập trung ở một nơi mà nói lời như vậy: Chúng ta cùng quan sát trong thành La Duyệt này, có người nào không cúng dường Phật – Pháp – Tăng làm công đức. Lúc bấy giờ có Trưởng giả tên là bạt Đề, tiền của châu báu rất nhiều không thể tích kể được, nhưng tham lam keo kiệt không chịu bố thí cho Phật-pháp-Tăng, không có một chút thiện nghiệp, phước vốn có đã hết lại không đạo thiện nghiệp mới. Trưởng giả ấy có bảy lớp cổng, đều có người canh giữ không để cho người xin ăn đến cổng được. Lại dùng lưới sắt giăng trùm giữa khoảng không trong sân, sợ rằng có chim chóc bay đến trong tâm. Trưởng giả có cô em gái, tên gọi là Nam Đà, cũng rất tham lam keo kiệt, cũng ôm lòng tà kiến chứ không có tâm bố thí làm phước, cũng không lúc nào chọn lấy sự chứng đắc về đạo, cũng có bảy lớp cổng vẫn theo cánh giống như trước, không có ai có thể đến được cổng nhà. Lúc bấy giờ Trưởng giả Bạt Đề vào sáng sớm ăn bánh, lúc này A Na Luật từ trong mặt đất của nhà Trưởng giả bỗng nhiên hiện ra, chìa bình bát hướng về Trưởng giả, lúc ấy Trưởng giả trong lòng vô cùng ưu sầu, liền trao cho A Na Luật một chút bánh. Lúc ấy A Na Luật có được bánh rồi trở về lại chỗ của mình. Lúc này Trưởng giả liền nổi cơn giận dữ, nói với người giữ cổng rằng: ta có dặn dò không để cho người nào đi vào, tại sao có người đến đây? Người giữ cổng trả lời rằng: Cổng đóng chắc chắn, không biết Đạo sĩ này là từ đâu xuất hiện? Lúc bấy giờ Trưởng giả lặng lẽ không nói gì. Lúc Trưởng giả đã ăn bánh xong tiếp đến ăn cá thịt. Tôn giả Đại Ca Diếp bỗng nhiên xuất hiện từ lòng đất ở trong nhà Trưởng giả, chìa bát hướng về Trưởng giả, thì Trưởng giả trong lòng rất ưu sầu trao cho một ít cá thịt. Lúc ấy Ca Diếp có được cá thịt thì ở nơi ấy đi quay trở về trú xứ của mình. Lúc này Trưởng giả lại giận dữ gấp bội, nói với người giữ cổng rằng: Trước đây ta có dặn không để cho người nào đi vào, tại sao lại để chi hai Sa môn đi vào nhà xin ăn? Lúc ấy người giữ cổng trả lời rằng: Chúng tôi không thấy Sa môn này là từ nơi nào xuất hiện.Trưởng giả nói rằng: Sa môn trọc đầu này có sở trường về phép thuật biến hóa kì ảo, lừa dối làm mê hoặc người đời chứ không có đức hạnh chân chính gì đâu. Lúc bấy giờ vị Trưởng giả đang ngồi cách Trưởng giả không xa, nghe vậy liền nói với Trưởng giả rằng: Nên tự mình giữ gìn miệng đừng phát ra lời nói cho rằng là phép thuật biến hóa kì ảo như thế, những Sa môn này có uy thần to lớn, cho nên đến đây là có nhiều điều ích lợi hơn kia. Trưởng giả biết hai vị Tỳ kheo này chăng? Trưởng giả trả lời rằng: Tôi không biết họ. Lúc ấy người vợ nói cho biết rằng: Là con trai của Hôc Phạn Vương tên là A Na Luật, lúc đang sinh ra thì nơi này phát lên sáu thứ chấn động, vòng quanh nhà do tuần có những kho tàng ẩn kín tự nhiền kiện ra. Lúc ấy người vợ nói với Trưởng giả: Con trai của dòng tộc cao quý này, tu hành phạm hạnh đạt được đạo quả A la hán, là vị có Thiên nhãn bậc nhất. Tiếp đến là Tỳ kheo thứ hai, là con trai vị Đại Phạm chí tên gọi Ca Tỳ La ở trong thành la Duyệt này, tiền của châu báu rất nhiều không thể nào kể xiết, nói có chín trăm chín mươi chín con trâu cày ruộng. Con trai người đó tên gọi là Tì Ba La Da Đàn Na, thân có sắc vàng ròng, người vợ tên là Bà Đà, xinh đẹp nhất trong phái nữ, giả sử đưa ra lại vàng Tử Ma đặt ở trước mặt, thì hãy còn đen so với trắng. Lúc ấy Trưởng giả trả lời rằng: Tôi nghe tên gọi của hai người này, nhưng lại không trông thấy. Người vợi nói cho biết rằng: Người đến sau vào lúc trước đây chính là người ấy, bỏ Ngọc Nữ quý báu ấy mà xuất gia học đạo, nay đạt được quả vị A la hán, thường xuyên hành hạnh đầu đà không có lúc nào bỏ. Tôi xem thấy ý nghĩa này cho nên nói như vậy: Cố gắng tự giữ miệng mình đừng báng bổ Thánh nhân và nói là làm phép thuật biến hóa kì ảo, đây là đệ tử của Đức Thích Ca, đều là những bậc thần thánh đức hạnh.

Lúc ấy Tôn giả Mục Liên đắp y ôm bát bay vút lên giữa hư không. Trưởng giả trông thấy ngồi giữa hư không bèn dấy lên nói rằng: Ông là người cõi trời chăng, Càn Đạp Hòa chăng, hay ông là quỷ chăng, ông là quỷ La Sát ăn thịt người chăng? Mục Liên nói cho biết rằng: Ta không phài là quỷ La Sát… Lúc ấy Trưởng giả liền nói kệ này:
 
Là người trời hay Càn Đạp Hòa,
Là quỷ La Sát-thần linh chăng?
Lại nói không phải là người trời,
Hoặc quỷ La Sát hay thần linh,
Không giống như loài Càn Đạp Hòa,
Lang thang đi khắp mọi nơi chốn,
Nay ông tên gọi như thế nào,
Tôi nay mong muốn được biết rõ!

Bấy giờ Mục Liên lại dùng kệ trả lời rằng:

Chẳng phải trời hay Càn Đạo Hòa,
Chẳng phải quỷ thần hay La Sát,
Là Thánh được giải thoát ba đời,
Bây giờ ta chính là thân người,
Có thể hàng phục được ma quân,
Thành tựu đạo Bồ đề Vô thượng,
Thầy ta danh hiệu Thích Ca Văn,
Ta tên là Đại Mục Kiền Liên.

Lúc ấy Trưởng giả nói với Mục Liên rằng: Tỳ kheo dạy bảo điều gì? Mục Liên nói cho biết rằng: Ta muốn thuyết pháp cho ông, cố gắng nghĩ nhớ đừng quên. lúc ấy Trưởng giả lại dấy lên nghĩ rằng: Những Sa môn này luôn luôn nặn vào sự ăn uống, nay muôn luận bàn thì chính là luận về cái ăn, nếu theo mình nài xin thì mình nên nói là không có, vậy thì mình nghe người này nói một chút. Lúc bấy giờ Mục Liên biết ý niệm trong tâm Trưởng giả bèn thuyết kệ này:

Như Lai thuyết về hai loại thí,
Đó là pháp thí và tài thí,
Nghĩ rằng nên thuyết về pháp thí,
Hãy một lòng một dạ lắng nghe!

Lúc ấy Trưởng giả nghe sẽ thuyết về pháp thí, thì trong lòng hoan hỷ, nói với Mục Liên rằng: Nguyện diễn thuyết bây giờ, nghe sẽ biết ý nghĩa. Mục Liên nói cho Trưởng giả biết rằng: Như Lai thuyết về năm điều bố thí to lớn, chính là không giết hại – không trộm cắp-không dâm tà-không nói dối-không uống rượu, suốt cuộc đời cố gắng mà tu dưỡng thực hành. Trưởng giả nghe rồi trong lòng hết sức hoan hỷ, nay những lời lẽ đã nói ấy quả là không cần dùng đến vật báu, như mình hôm nay không dám giết hại mạng sống, điều này có thể vâng theo thực hành; lại trong nhà mình tiền bạc châu báu rất nhiều, suốt đời không trộm cắp, điều này mình cũng thực hành được; lại trong nhà mình có đàn bà rất xinh đẹp thì suốt đời không dâm tà, điều này mình thực hành được; còn mình không thích người nói dối, huống hồ tự mình sẽ nói dối hay sao, điều này mình cũng thật sự thực hành được; như mình hôm nay trong ý không nghĩ đến rượu, huống hồ tự mình uống hay sao, điều này thì mình cũng thực hành được. Lúc ấy Trưởng giả nói với Mục Liên rằng: Năm pháp thí này thì tôi có thể vâng theo thực hành, nay tôi nên mời Mục Liên xuống nơi này ăn cơm.

Trưởng giả ngước đầu nói với Mục Liên rằng: Có thể thân thần lực lại mà xuống chỗ ấy mà ngồi. Trưởng giả tự mình mang cơm cho Mục Liên. Lúc ấy đi vào trong kho mà chọn lấy tấm không đẹp thì lại gặp tấm tốt đẹp, bỏ xuống rồi lại lấy, cố ý như thế mà vẫn đẹp hơn. Lúc này Mục Liên biết tâm niệm của Trưởng giả, liền nói kệ này:

Bố thí cùng với tâm trái nhau,
Phước này người hiền đức vất bỏ,
Lúc bố thí khác lúc so sánh,
Lúc thích hợp bố thí tùy tâm.

Lúc bấy giờ Trưởng giả biết thì dấy lên nghĩ rằng: Nay Mục Liên biết những gì nghĩ trong tâm mình. Liền mang tấm vải bông trắng dâng lên Mục Liên. Mục Liên ngay lúc ấy cùng chú nguyện rằng:

Quan sát bố thí là đứng đầu,
Biết rằng có Thánh nhân hiền đức,
Trong bố thí thật là cao nhất,
Ruộng tốt sẽ đơm hoa kết trái.

Lúc ấy Mục Liên chú nguyện rồi nhận lấy tấm vải bông trắng này, khiến cho Trưởng giả được phước vô cùng tận. Trưởng giả đã đến ngồi một bên, Mục Liên từ từ nói cho biết về pháp thí và luận về giữ giới sanh lên cõi trời, chỉ trích tham dục là bất tịnh và mong muốn vượt ra là vui sướng, liền ở trên chỗ ngổi đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Bởi vì được thấy rõ pháp cho nên không còn hoài nghi gì nữa, mà thọ trì năm giới tự quy y Phật-Pháp và Thánh chúng. Lúc ấy Mục Liên thấy Trưởng giả đã đạt được pháp nhãn thanh tịnh, liền nói kệ này:

Kinh pháp Như Lai đã thuyết ra,
Đều đầy đủ tất cả căn nguyên,
Mắt thanh tịnh không có vết bẩn,
Không nghi ngờ-không do dự gì”.

Lại trong kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Lúc bấy giờ có bà lão, tên gọi là Nan Đà, tự mình làm bánh. Lúc ấy Tôn giả tân Đầu Lô liền đến lúc, khóac y ôm bát đi vào thành La Duyệt khất thực, dần dần đến nhà bà lão Nan Đà, từ trong lòng đất bất ngờ hiện ra, chìa tay ôm bát hướng về bà lão Nan Đà khất thực. Lúc này bà lão trông thấy Tân Đầu Lô, trong lòng vô cùng tức giận, phát ra lời nói dữ như vậy: Tỳ kheo nên biết, giả sử mắt ông có lòi ra thì cuối cùng tôi cũng không cho ông ăn. Lúc ấy Tân Đầu Lô liền nhập vào tam muội, làm cho đôi mắt lòi ra. Lúc này bà lão lại càng tức giận, nói rằng: Cho dù Sa môn có treo ngược hư không, thì cuối cùng tôi cũng không cho ông ăn. Lúc ấy Tôn giả lại treo ngược ở giữa hư không. Bà lão lại càng tức giận, nói rằng: Cho dù Sa môn bốc khói toàn thân, thì cuối cùng tôi cũng không cho ông ăn. Lúc ấy Tôn giả lại làm cho toàn thân bốc khói. Bà lão lại càng tức giận, nói rằng: cho dù toàn thân Sa môn bốc cháy, thì cuối cùng tôi cũng không cho ông ăn. Lúc ấy Tân Đầu Lô làm cho toàn thân bốc cháy. Bà lão trông thấy rồi lại nói rằng: Cho dù toàn thân Sa môn tuôn nước, thì cuối cùng tôi cũng không cho ông ăn. Lúc ấy Tân Đầu Lô liền làm cho toàn thân đều tuôn nước. Bà lão trông thấy rồi lại nói rằng: Cho dù Sa môn chết ở trước mặt tội, thì cuối cùng cũng không cho ông ăn. Lúc ấy Tân Đầu Lô lập tức không còn hơi thở ra vào, chết ở trước mặt bà lão. Bà lão thấy không thou ra vào nữa, thì trong lòng kinh hãi, lông tóc đều dựng đứng, mà nói lời như vậy: Sa môn này được nhiều người biết đến, Quốc Vương cũng tôn kính, nghe chết trong nhà mình, chắc chắn gặp phải tai ách quan quyền, sợ rằng không tránh khỏi phiền phức, nếu như sống lại thì tôi sẽ cho ăn. Lúc ấy Tân Đầu Lô liền từ trong Tam muội đứng lên, thì bà lão lại dấy lên nghĩ rằng: Cái bánh này rất to, nên tiếp tục làm cái nhỏ hơn mà cho. Lúc này bà lão lấy một chút bột làm bánh, bánh liền to lên. Bà lão trông thấy rồi nghĩ rằng cái bánh này rất to, nên làm lại cái nhỏ hơn, vậy mà cái bánh tức thì to lên, nên lấy cái bánh làm trước tiên mà cho, nhưng những cái bánh đều dính chặt vào nhau. Bà lão nói với Tân Đầu Lô rằng: Tỳ kheo muốn ăn thì hãy tự lấy mà ăn, tại sao tự làm phiền đến mức như vậy! Tân Đầu Lô trả lời rằng: Đại tì ơi, tôi không cần ăn đâu, chỉ cần có những lời muốn nói với bà thôi. Bà lão trả lời: Muốn khuyên nhắc điều gì? Tân Đầu Lô nói cho biết rằng: Nay mang bánh này đến chổ Đức Thế Tôn, nếo có khuyên nhắc điều gì thì tôi cùng vâng lới thực hành. Bà lão trả lời: Việc này rất nhanh chóng. Lúc ấy bà lão tự mình mang những chiếc bánh này đi theo sau, tân Đầu Lô đến chỗ Đức Thế Tôn, đầu mặt lạy chân Ngài rồi đứng ở một bên, 26 thưa với Đức Thế Tôn rằng: Bà Nan Đà này là chị của Trưởng giả Bạt Đề, tham lam keo kiệt ăn một mình chứ không chịu bố thí cho người, chỉ cầu mong Đức Thế Tôn thuyết cho nghe pháp thành tâm tín ngưỡng khiến được hiểu rõ ràng! Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với bà lão rằng: Nay bà mang bánh bố thí cho Phật và các Tỳ kheo Tỳ kheo Ni-Ưu bà -tắc-Ưu bà di cùng những người nghèo khó, vậy thì bánh vốn có, hãy mang bỏ vào chỗ sạch sẽ và trong nước không có sâu bọ. Tức thì lấy bánh này lần lượt trao cho mọi người, và bỏ vào trong nước sạch, lập tức ngọn lửa bốc lên. Bà lão trông thấy rồi thì trong lòng rất kinh hãi. Đức Thế Tôn từ từ thuyết cho nghe về pháp thí và nói về giới sanh lên cõi trời, khổ và tập đều là đạo. Ngay lúc ấy ở trong chỗ ngồi đạt được pháp nhãn thanh tịnh, tiếp theo thờ kính Tam Bảo và thọ trì năm giới, khiến cho hoan hỷ lễ lạy Đức Phật mà trở về”.

Còn trong Thập Tụng Luật nói: “Đức Phật an trú trong nước Xá Vệ, lúc ấy có Trưởng lão Ca Lưu Đà Di đạt được đạo quả A la hán, ôm bình bát đi vào thành khất thực, đến nhà một Bà-la-môn. Chủ nhân đi vắng, người vợ đóng cửa làm bánh rán, Tỳ kheo Ca Lưu Đà Di liền nhập thiền định phát khời thần thông, từ bên ngoài ẩn vào đất bất ngờ xuất hiện trong sân nhà, bèn dùng ngón tay bật ra tiếng. Người vợ liền quay đầu nhìn lại dấy lên nghĩ rằng: Sa môn này từ nơi nào đi vào vậy, người này chắc chắn vì tham bánh mà đến, mình dứt khoát không cho. Liền nói với Ca Lưu Đà Di rằng: Cho dù mắt ông lòi ra cũng không cho. Ca Lưu Đà Di bèn dùng thần lực làm cho hai mắt lòi ra. Người vợ lại nghĩ: Cho dù mắt lòi ra như cái bát, thì tôi cũng không choo. Ca Lưu Đà Di liền biến hóa đôi mắt giống như cái bát. Người vợ lại nghĩ: Cho dù giống như đứng ngược trước tôi, thì tôi cũng không cho. Ca Lưu Đà DI liền làm cho đứng ngược ở trước mặt. Người vợ lại nghĩ: Cho dù ông giống như chết, thì tôi cũng không cho. Ca Lưu Đà Di liền nhập định diệt thọ tưởng, tâm và tưởng đều diệt không còn sự nhận biết gì nữa. Lúc ấy vợ Bà-la-môn lôi kéo không hề nhúc nhích, thì vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng: Sa môn này thường đi lại với vua Ba Tư Nặc và chính là thầy của phu nhân Mạt Lợi, nếu nghe tin chết ở trong nhà mình, thì nhà mình gặp phải tai họa khôn lường. Liền nói với Tỳ kheo rằng: Nếu ông sống lại thì tôi xin đưa cho một chiếc bánh! Ca Lưu Đà Di liền xuất định. Người vợ liền nhìn xem những chiếc bánh, chiếc bánh rán trước tiên ngon lành nên ý tiếc rẻ không cho, lại cạo hai bên mép chậu được một chút bột, rán lên trở thành ngon lành hơn, bèn lấy chiếc bánh rán đầu tiên đưa cho, vừa lấy ra một chiếc thì những chiếc bánh còn lại đều dính theo nhau. Ca Lưu Đà Di nói rằng: Bà chị cho tôi nhiều ít? Người vợ trả lời: Cả bốn chiếc bánh muốn đem cho. Ca Lưu Đà Di nói rằng: Tôi không cần bánh này đâu, hãy mang cho Tăng trong tinh xá Kỳ Hoàn!

Người vợ này đời trước đã gieo trồng thiện căn, liền tự mình tư duy: Tỳ kheo này thật sự không tham bánh, chỉ thong hại mình cho nên xin vậy thôi. Thế là mang cả rổ bánh, đến trong tinh xá Kỳ Hoàn bố thí cho chúng Tăng xong, ngồi ở trước mặt Ca Lưu Đà Di. Ca Lưu Đà DI quán xét nhân duyên của người ấy bèn thuyết cho nghe về diệu pháp, ngay ở tại chỗ ngồi đạt được pháp nhãn thanh tịnh, làm một Ưu bà di thành tín. Trở về nhà nói cho chồng biết, chồng nghe rồi liền đến nơi Ca Lưu Đà Di. Ca Lưu Đà Di thuyết cho nghe về diệu pháp và đạt được pháp nhãn thanh tịnh, làm một Ưu bà tắc thuần thành, thường dốc hết tài lực cúng dường bậc thầy dẫn lối. Thậm chí thân sắp chết đi hãy còn dặn dò con cái cúng dường khiến cho về sau không đoạn dứt”.

Còn trong kinh Bách Duyên nói: “Đức Phật an trú trong tinh xá Trúc Lâm-Ca Lan Đà tại thành Vương Xá. Lúc bấy giờ Mục Liên ở dưới một tán cây trông thấy một ngạ quỷ, thân hình giống như cây cột khô, bụng như núi Thái, cổ như kim nhỏ, tóc như dao nhọn, trói chặt đâm vào thân thể, giữa các khớp xương thảy đều bốc lửa, đói khác muốn chết – môi miệng cháy khô, muốn đi đến dòng sông thì sông hóa làm khô cạn, giả sử trời tuôn mưa ngọt mà rơi trên thân ngạ quỷ thì đều hóa làm lửa cháy. Mục Liên liền hỏi nghiệp duyên thế nào, ngạ quỷ thưa rằng: Con khát cháy cổ không làm sao trả lời được, Tôn giả hãy tự mình thưa hỏi Đức Phật. Mục Liên liền đến nơi Đức Phật thuật lại đầy đủ sự việc trước đó, hướng về Đức Phật cầu xin giảng rộng ra, đời trước tạo nghiệp gì mà nhận chịu khổ não như vậy? Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với Mục Liên rằng: Nay ông lắng nghe kỹ càng, Ta sẽ giải thích rõ ràng cho ông biết. Hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Ca Diếp. Có một Sa môn đi trên đường xa, rất mệt mỏi vì nóng bức và khát nước. Lúc ấy có người con gái, tên gọi là Ác Kiến, đứng bên giếng múc nước. Sa môn đi đến xin nước uống, cô gái trả lời rằng: Để cho ông khát đến chết, tôi cũng không cho đâu, bởi vì làm cho nước của tôi hao hụt, không thể mang đi được. Lúc ấy Sa môn đã không xin được nước uống theo đường mà đi. Lúc người con gái ấy dấy lên tính tham lam keo kiệt, có người đến xin thì dứt khoát không giúp cho, sau đó mạng chung rơi vào trong loài ngạ quỷ, vì nghiệp duyên này cho nên nhận chịu khổ đau như vậy.

Đức Phật bảo với Mục Liên: Cần phải biết rằng người con gái lúc ấy không cho nước, nay chính là ngạ quỷ này. Lúc Đức Phật giảng về duyên của Ác Kiến này, các Tỳ kheo cùng xả nghiệp tham lam keo kiệt, có người đạt được một trong bốn quả Sa Môn, có người phát tâm Bồ đề Vô thượng, nghe Đức Phật giảng thuyết mà hoan hỷ vâng theo thực hành”.

Còn trong kinh Phú Pháp Tạng nói: “Lúc ấy có La hán Tăng Già Da Xá, có Đại trí tuệ ngôn từ biện giải rõ ràng. Xưa tuy xg nhưng chưa chứng đến dấu tích của đạo, đi lang thang bên bờ biển lớn trông thấy một cung điện, trang nghiêm bằng bảy báu sáng ngời đẹp đẽ vô cùng. Tăng Già Da Xá thấy đã đến giờ ăn, liền hướng đến cung điện ấy nói kệ xin ăn rằng:

Đói khát là căn bệnh thứ nhất,
Đi lại là nỗi khổ thứ nhất,
Người biết rõ pháp vốn như vậy,
Có thể đạt được Niết bàn.
 
Lúc ấy chủ nhà liền đi ra đón tiếp tôn trọng, trải bày đệm chiếu mời vào chỗ ngồi. Tăng Già Da Xá thấy trong nhà đó có hai ngạ quỷ, thân hình trần truồng đen đúa gầy ốm thật là hãi hùng, thân và đầu của chúng đều bị xích chặt vào một chiếc giường. Lại có một bình bát chứa đầy cơm thơm trong đó, lấy một bình đầy nước đặt bên cạnh chỗ ấy. Lúc bấy giờ chủ nhà liền lấy thức ăn này dâng cho Tỳ kheo, nói rằng: Đại Đức, cẩn thận đừng lấy thức ăn này đưa cho ngạ quỷ ấy! Bấy giờ Tỳ kheo trông thấy đói khổ như thế, liền lấy một ít cơm đưa cho ngạ quỷ. Ngạ quỷ được ăn rồi thì nôn ra máu, chảy đầy trên mặt đất làm bẩn cung điện ấy. Lúc bấy giờ Tỳ kheo cảm thấy quái lạ bèn hỏi, quỷ này vì sao nhận chịu tôi báo này? Chủ nhà trả lời rằng: Quỷ này vào đời trước đây, một là con của tôi, một là vợ của con tôi, xưa tôi bố thí làm các công đức, mà vợ chồng chúng thường ôm lòng tức giận tiếc rẻ, tôi nhiều lần khuyên dạy nhắc nhủ nhưng chúng cũng không tiếp thu, vì vậy lập lời thề rằng: Tội nghiệp như vậy chắc chắn phải chịu ác báo, nếu lúc nhận chịu tội báo ta sẽ trông coi các người. Bởi vì nhân duyên này mà phải chịu khổ não như vậy.

Lát sau lại đi về phía trước đến một trú xứ, nhà cửa trang hoàng đẹp đẽ đủ các loại tuyệt với kỳ lạ, trong đó có chúng Tăng đang kinh hành hoặc ngồi thiền suy tư. Giờ ăn đã đến, tiếng bảng phát ra tập trung ăn cơm, ăn đã sắp xong, thì lúc bấy giờ cơm canh ngon lành biến thành máu mủ, liền dùng chém cùng đánh đạp ném vào nhau, đầu mặt rách tọac máu chảy đầy mình, mà phát ra lời như vậy: vì sao tiêc rẻ thức ăn, nay phải chịu nổi khổ này? Tăng Già Du Xá tiến lên hỏi nguyên cớ tại sao. Trả lời rằng: Trưỡng lão ơi, chúng tôi ờ đời trước đây trong thới Phật Ca Diếp, cùng cư trú một nơi, có Tỳ kheo phương xa đến, chúng tôi đều rất tức tối, cất giấu đồ ăn thức uống mà không phân chia để cùng sử dụng, bởi vì duyên nghiệp này cho nên nay phải chịu nỗi khổ này”.

Chánh báo tụng rằng:

Tham lam thích giả vì đạo đức,
Gọt giữa làm thành nghiệp tinh xảo,
Trong lòng lừa dối muôn vàn cách,
Tâm cầu danh lợi quấn ngàn vòng,
Nhận chịu tội báo trong địa ngục,
Tập khí hãy còn theo bao kiếp,
Dao sắc đan nhau cắt hết thịt,
Xương khô trắng bạc nối liền nhau.

Tập báo tụng rằng:

Bởi vì nhân duyên của tham dục,
Chìm đắm quanh quẩn trong đường ác,
Tội hết sanh vào trong loài người,
Tập khí còn lại vẫn theo thân,
Thường ôm chí thỏa lòng gian ác,
Chẳng người nào thương mến mừng vui,
Suốt đời không hiểu được điều này,
Đáng cười thay người ngu cố chấp!
Nhân duyên cảm ứng.

 

Sơ lược dẫn ra ba chuyện: 1- Tư Mã Tuyên Vương thời nhà Ngụy; 2- Chi Pháp Tồn người Hồ thời nhà Ngụy; 3- Thái thú Trương Thiện thời nhà tề.

1/ Thời nhà Ngụy có Tư Mã Tuyên Vương, công lao sự nghiệp ngày càng tịnh vượng, nhưng sát hạo Tào Sảng là Đại tướng quân của nhà Ngụy, dấu tích cướp ngôi có phần rõ ràng. Vương Lăng lúc ấy làm Thứ sử Dương Châu, vì Ngụy Đế quản thúc, đối với bề tôi kiên cường không thể làm chủ được, Sở Vương Bưu tuổi cao mà lại có tài, muốn đón về lập ngôi vua. Thứ sử Duyên Châu là Hoa Dĩ Lăng âm mưu trình bày với Tuyên Vương. Tuyên Vương tự mình mang Trung quân đánh dẹp Vương Lăng, bất ngờ quân lính ập đến, Vương Lăng tự biết thế cùng bèn một mình bơi thuyền ra đón Tuyên Vương. Tuyên Vương đưa Vương Lăng trở về Kinh Sư, Vương Lăng đến khu thành rập đi qua bên cạnh miếu thờ Giả Quỷ, Vương Lăng gọi to rằng: Giả Lương Đạo, tôi vốn dốc lòng đối với xã tắc của nhà Ngụy, chỉ riêng ông có thần kỳ mới biết rõ điều nay! Vương Lăng liền uống thuốc mà chết, ba họ thân thuộc đều bị chém đầu. Năm đó Tuyên Vương mắc bệnh, ban ngày thấy Vương Lăng xuất hiện, cùng với Giả Quỳ làm điều ám muội, vì thế gọi to tên rằng: Ngạn Vân Hoãn là ta. Thân thể Tuyên Vương cũng có chỗ bị đánh, vài ngày sau liền qua đời.

2/ Thời nhà Ngụy có Chi Pháp Tồn, vốn là người Hồ, sinh ra và lớn lên tại Quảng Châu, có sở trường tuyệt vời về thuật chữa bệnh, tức thì trở thành giàu có, có tám cánh Hấp Đăng, làm trăm loại hình tượng màu sắc ánh sáng rực rỡ làm lóa mắt. Lại có chiếc giường tám thước bằng gỗ tràm hương, chỗ ở thường thơm phức. Vương Đàm là Thứ sử Quảng Châu, con trai lớn là Thiệu Chi nhiều lần nài xin hai vật ấy, nhưng Pháp Tồn không cho. Vương Đàm mượn Pháp Tồn bày ra rồi sau đó giết chết, mà tịch thu gia tài. Sau khi chết thì hình dáng hiện ra ở trong phủ, nhất định là đánh trống ở dưới lầu, tựa như nói là oan hồn. Như vậy trải qua cả tháng. Vương Đàm mắc bệnh nặng, thường trông thấy Pháp Tồn canh giữ, không bao lâu thì chết. Thiệu Chi đến Dương Đô lại qua đời.

(Hai chuyện trên đây trích từ Oan Hồn Chí.)

3/ Thời nhà Tề có Trương Thiện là Thái thú vùng Dương Địch, rất hà khắc và tham lam, tiếng ác vang khắp nơi. Lan Đài phái Ngự sử là Ngụy Huy Tuấn đến quận ngăn chặn và sửa trị làm yên lòng dân, mới điều tra biết được nhiều vụ tham ô hối lộ bừa bãi, tội đáng khép vào chỗ chết. Trương Thiện ở trong ngục sai người tố cáo khắp nơi, vu oan cho Huy Tuấn nhận tiền hối lộ của dân bắt người vô tội giam vào ngục. Văn Tuyên Đế rất giận, cho rằng quan lại hành pháp bức ép không hợp đạo lý, nhất định phải chấn chỉnh lại đến cùng, sai Thượng thư Tả thừa tướng Lô Phỉ điều tra rõ sự việc. Lô Phỉ liền được dịp hiếm có, tạo thành tội trạng của Huy Tuấn dâng biểu trình tấu, chém đầu ở chợ. Huy Tuấn di chúc lại cho Lệnh Sử rằng: Tình lý của tôi thì ông có đủ, sự việc hôm nay có thể khôi phục như thế nào? Nên chuẩn bị nhiêu giấy, mực để cạnh bên thì thể của tôi. Nếu có linh thiêng thì ắt phải báo thù để rửa sạch nỗi oan! Lệnh Sử đau đớn tưởng niệm bán cả quần áo, mai táng cho Huy Tuấn, và mua đầy đủ giấy bút. Sau mười lăm ngày Trương Thiện mắc bệnh nặng, chỉ nói rằng: Rập đầu lạy Ngụy thong thư. Thượng thư là người thế tục gọi đến tên thường gọi là Đài Sử. Chưa được một tuần thì chết. Vừa mới trải qua hai tháng, Lô phỉ ngồi chê Tuần Ngụy sử bị Ngụy Sử bắt mà trình tấu. Văn Đế nổi giận giết chết Lô Phỉ. (Chuyện này trích từ Minh Tường Ký.)