PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 74

 

Thiên thứ 84: THẬP ÁC (Phần hai)

Phần thứ năm: THÂU ĐẠO

Phần này có 7 mục tách biệt: Thuật ý, Phật vật, Pháp vật, Tăng vật, Hỗ dụng, Phàm vật, Di vật.

Thứ nhất: THUẬT Ý

Nhận chịu hình hài sáu nẻo, không loài nào không lấy tham dục làm nguồn gốc; tiếp nhận tính chất mẹ cha, bất cứ ai cũng lấy tiền tài làm căn bản. Tuy rằng người và vật hai loài khác nhau, nhưng mà tham và tiếc hoàn toàn không khác, vì vậy đứng trước tiền của tùy tiện có được, chẳng gọi là người hiểu biết; trông thấy tài lợi quên hết nghĩa tình, không trở thành người hiền đức. Vả lại, tiền bạc ngọc ngà là cái nương nhờ bên ngoài, cờ hoa Tăng vật là sự cúng dường bên trong; lý nên tỉnh ngộ mình nghèo khiến tùy hỷ với người giàu có, há vì mình nghèo thiếu mà tham giành lấy tài sản của người? Vì lẽ đó, Điều Đạt lấy hoa tức thì rơi rụng, Kiều Phạm bớt thóc lại chịu thân trâu, Ca Diếp xin bánh thường bị chê trách, Tỳ kheo ngửi hương thần hồ trách mắng. Quả là biết tội lỗi của trộm cướp, lẽ không phải là tội lỗi lớn? Vì vậy cơm bữa sáng không chỗ nương nhờ, ngủ buổi đêm không nơi gởi gắm, chim dừng cánh-hươu ngủ bìa rừng, thân thể trần trụi nằm co quắp, ngủ yên giấc bên cạnh đường đi, theo như cũ lang thang kiếm ăn. Liền khiến cho mẹ đuổi theo gà gô mà đi về Nam, con thuận theo ngựa Hồ mà quay lên Bắc, chồng giống như bóng mặt trời mà chạy sang Tây, vợ tựa như dòng suối cạn mà chảy về Đông; không có ai không trông về cố hương mà đứt ruột, nhớ nơi sanh ra mà òa khóc, nước mặt đầm đìa mà tuôn máu, lòng dạ buồn đau mà ủ ê. Khổ sở như vậy, đều do thân đời trước không bố thí mà lại trộm cướp. Vì vậy trong kinh nói: “Muốn biết nhân quá khứ, hãy nhìn quả hiện tại; muốn biết quả vị lai, chỉ nhìn nhân hiện tại”. Vì lẽ đó khuyên nhủ mọi người thực hành, thường cần phải nhắc nhở cố gắng đừng dấy tâm trộm cướp, thậm chí gặp của rơi cũng không tham, huống hồ cố ý trộm cắp vật của người ta!

Thứ hai: PHẬT VẬT (vật của Phật)

Như kinh Niết Bàn nói: ‘Xây dựng chùa Phật dùng ngọc ngà hoa trái tốt đẹp cúng dường, không hỏi gì mà vội vàng lấy đi, hoặc là biết hay không biết đều là tội tìm cách trộm cắp”. Còn trong luận Tỳ Nại Da nói: “Nếu trộm cắp hoa quả phan phướn trong tháp Phật hay tháp Thanh Văn, đều là hướng về thí chủ kết thành tội nặng, bởi vì đoạn mất phước thiện của họ”. Lại trong Thập Tụng Luật nói: “Nếu trộm cắp đồ vật cúng dường trong tháp Phật hay trong tinh xá, nếu như có chủ giữ gìn, thì coi như người chủ phạm vào tội nặng”. Như trong Thập Tụng, trộm cắp xá lợi Phật; trong luận Tát Bà Đa lấy trộm tượng Phật, đều là tâm thanh tịnh cúng dường, tự nghĩ rằng: Họ cũng là đệ tử, mình cũng là đệ tử. Người như vậy, tuy không nói là lấy, mà cúng dường đều không phạm tội. Điều này có nghĩa là tình cảm của thí chủ thông suốt thì không phạm, nếu giới hạn thì phạm tội nặng. Nếu dựa theo luận Ma Đức Lặc Già nói: “Vì chuyển đổi mua bán nuôi sống thân mạng như vậy trộm cắp tượng Phật và xá lợi, thì phạm vào tội rất nặng”.

Thứ ba: PHÁP VẬT (vật của Pháp)

Như luật Tứ Phần nói: “Lúc ấy có người lấy trộm quyển kinh của người khác, Đức Phật dạy: Lời Phật vô giá, tính theo giấy mực phạm vào tội nặng”. Trong Thập Tụng Luật nói: “Mượn Kinh của người ta mà ngang ngược không trả, khiến cho người chủ sanh tâm nghi ngờ, thì phạm vào tội phương tiện (vì tâm chưa quyết định, nếu cự tuyệt thì phạm tội nặng)”. Trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu trộm phương thuốc bí truyền thì phạm tội nặng”. Trong Duy Thức và Quyết Luận nói: “Lén lút lấy kinh luận của người khác mà đọc thậm chí chỉ một câu, cũng phạm vào tội ăn cắp văn chương câu nghĩa (Điều này phải là tâm người chủ cẩn thận giữ kín thì phạm, nếu hời hợp như kinh khác với tình ý thông suốt không tiếc gì, lấy đọc không có gì sai phạm)”. Trong Ngũ Bách Vấn Sự Khẩu Quyết nói: “Không được dùng miệng thổi bụi trên kinh, bởi vì hơi miệng xấu xa, giống như bụi cũng thế thôi. Nếu đốt kinh cũ thì mang tội nặng, giống như thiêu cháy cha mẹ. Không biết có tội thì phạm nhẹ. Có nhiều người xấu lấy trộm tượng Phật bằng đồng, đốt chảy dung nhan bậc Thánh, đem cung cấp cho thân mạng, cùng cực trong sự trái nghịch không gì hơn việc này. Hoặc trộm lấy phan phước đẹp đẽ dùng làm áo quần, hoặc đem bán nuôi sống thân mạng. Những tội lỗi như vậy, đời tương lai nhận chịu tai họa, không có hạn kỳ thoát ra”.

Thứ tư: TĂNG VẬT (vật của Tăng).

Như Ngũ Phần Luật nói: “Mượn vật của Tăng không trả, coi như trực tiếp phạm tội nặng”. Lại trong kinh Quán Phật Tam Muội nói: “lấy trộm vật tốt đẹp của Tăng, còn hơn tội lỗi giết hại tám vạn bốn ngàn bậc cha mẹ”. Còn trong kinh Bảo Lương nói: “Thà ăn thịt thân mình chứ dứt khoát không được sử dụng vật của Tam Bảo”. Lại dựa theo kinh Phương Đẳng nói: “Bồ tát Hoa tự bày tỏ: Tội lỗi ngũ nghịch – tứ trọng tội tôi cũng có thể cứu được, trộm vật của Tăng thì tôi không thể nào cứu được”. Còn trong kinh Đại Tập – phẩm Tế Long nói: “Lúc ấy có các loài rồng đạt được Túc mạng, tâm tự nghĩ đến nghiệp quá khứ mà đau lòng rơi nước mắt như mưa, đi đến trước Đức Phật cùng thưa như vậy: Con nhớ xưa kia, ở trong Phật Pháp có lúc vì nhân duyên thân thuộc với người thế tục, có lúc lại vì nhân duyên nghe pháp, vốn có tín tâm bố thí các loại hoa quả ăn uống, cùng với các Tỳ kheo thứ tự mà ăn. Hoặc có người nói rằng: Con đã từng ăn các thứ hoa quả và đồ ăn thức uống của chúng Tăng bốn phương. Hoặc có người nói rằng: Con đi đến chùa miếu bố thí chúng Tăng, hoặc là lễ bái và ăn uống như vậy, thậm chí từ thời Thất Phật đến nay, từng làm người thế tục có tín tâm, bởi vì cúng dường cho nên bố thí nhiều thứ hoa quả và các loại đồ ăn thức uống, Tỳ kheo có được rồi trở lại bố thí cho con, con có được thì ăn, do nghiệp duyên ấy vào trong địa ngục, trải qua vô lượng kiếp, sống trong lửa vô cùng ác liệt, hoặc đốt hoặc nấu, hoặc uống nước đồng sôi, hoặc nuốt viên sắt nóng, từ địa ngục thoát ra lại rơi vào trong súc sanh, xả thân súc sanh thì sanh vào trong ngạ quỷ, nhận chụi đầy đủ các loại cay đắng khổ đau như vậy. Đức Phật bảo với các loài rồng: Ác nghiệp này cùng với tội lấy trộm đồ vật của Phật, như nhau chứ không có gì sai biệt, Tỳ kheo tạo nghiệp ngũ nghịch thì tội lỗi ấy chỉ bằng một nửa, nhưng mà tội báo này khó có thể thoát được, ở trong kiếp Hiền gặp được Đức Phật sau cuối, danh hiệu là Lâu Chí, ở thời kỳ Đức Phật ấy thì tội lỗi mới được trừ diệt”.

Lời bàn: Vì sao lấy trộm đồ vật của Tăng mà sử dụng thì tội lỗi ấy lại nặng nề vậy? Đáp rằng: hễ lấy trộm một vật, tức là nhằm vào mười phương phàm Thánh, trên đến chư Phật, dưới đến phàm Tăng, tùy theo cảnh giới vô biên, lại kết thành vô biên tội lỗi, bụi nhỏ hãy còn có thể biết được số lượng, nhưng tội báo của người lấy trộm này thì không thể lường tính được. Nguyên cớ vì sao? Bởi vì thí chủ ấy vốn xả bỏ một chút tiền bạc gạo luau muốn cung cấp cho phàm Thánh xuất gia mười phương để dùng làm thức ăn ngày đêm tu đạo đức chứ không muốn cung cấp cho phàm tục, vì vậy một tiếng chuông ngâm vang thì xa gần cùng ăn, phàm Thánh đều giúp đỡ cùng thành tựu đạo ngh, âm thầm giúp đỡ thí chủ có được lợi ích vô biên. Nghĩ rằng công đức phước lợi này sánh bằng pháp giới, chiêu cảm thiện duyên đã nhiều thì chuốc lấy tội lỗi lẽ nào lại ít? Nay thấy chúng sanh nguyên si mê muội, không lựa chọn sang hèn không tin vào Tam Bảo, nếu như tham vật phước thiện lấy sử dụng cung cấp thân mình, hoặc ăn thức ăn của Tăng hay hưởng thụ hoa quả, hoặc sử dụng các loài vật của Tăng hay lấy sức lực của Tăng tùy ý sử dụng, hoặc vay mượn đồ vật vay mượn đồ vật của Tăng lâu ngày không trả, thấy Tăng nhiều lần đòi lấy mà lại sanh ra hủy báng làm nhục, hoặc cậy thế quan quyền chờ đợi tìm sai sót của Tăng. Những loại có hại như vậy nêu ra đầy đủ khó mà hết được, lặng yên suy nghĩ tội lỗi này há không đau lòng ư? Nay tiếc rẻ không giúp đỡ, không phải là ham tiếc keo kiệt không ban ân, mà vì thong xót cho hàng bạch y lo rằng nhận chịu đau khổ đời sau. Nếu đem giúp đỡ thì không những làm hại thế tục, mà cũng gây tội đến người có trách nhiệm, đời sau sanh cùng xứ sở cùng chịu chung tai ương đó. Vì vậy trong kinh Phật Bổn Hạnh nói: “Một niệm ác có thể mở toang cửa bất thiện, đó là: 1- Niệm ác có năng lực đốt cháy thiện căn của người; 2- Từ niệm ác lại sanh khởi điều ác; 3- Bị Thánh nhân quở trách; – Lui sụt đạo quả; – Chết đi vào đường ác”. Đã biết không dễ dàng quả thật là hết sức khuyên nhủ, về sau giữ lấy để tự kiểm điểm mình mà sử dụng!

Thứ năm: HỖ DỤNG (sử dụng lẫn lộn)

Như trong kinh Bảo Lương Ấn nói: “Vật của Phật và vật của Pháp không được sử dụng lẫn lộn, bởi vì không cho phép làm chủ vật của Phật và Pháp, lại không thể hỏi han rõ ràng không giống như vật của Tăng, là vật của Tăng thường trú, sử dụng lẫn lộn có sự hỏi han. Nếu dùng vật của Tăng sửa sang tháp Phật, dựa theo pháp chọn lấy Tăng hòa hợp thì được sử dụng, Tăng không hòa hợp thì khuyến khích người thế tục sửa sang. Nếu tháp Phật có đồ vật, thậm chí đáng giá một đồng bạc trở lên, vì tâm sâu nặng của thí chủ đã hiến cúng, thì chư Thiên và loài người từ trong vật này nên sanh ý tưởng về Phật – ý tưởng về tháp, thậm chí gió thổi rách nát hư hoại, cũng không được đổi vật báu mà cúng dường, bởi vì vật trong tháp Như Lai không có người nào định giá trị được”. Còn trong Thập Tụng Luật nói: “Phật tùy theo phạm vi của Tăng và tháp Phật, nuôi người làm việc và các loại voi ngựa trâu dê…, tất cả có nơi của mỗi loại không được sử dụng lẫn lộn”. Lại trong Tăng Kỳ Luật nói: “Vật cúng dường Phật, hoa nhiều thì tùy theo mà chuyển sang bán đi để mua hương – đèn, giống như vật cũ còn nhiều thì chuyển sang bán đưa vào trong tài sản vô tận”. Lại trong Ngũ Bách Vấn Sự Khẩu Quyết nói: “Cờ phướn cúng dường Phật nhiều, muốn sử dụng làm Phật sự khác thì được. Nếu thí chủ không đồng ý thì không được làm”. Còn trong Tứ Phần Luật nói: “Thức ăn cúng dường tháp Phật, thì người quản lý tháp được ăn”. Lại trong luận Thiện Kiến nói: “Trước Phật dâng cơm cúng Phật, thì Tỳ kheo hầu Phật được ăn. Nếu không có Tỳ kheo thì Bạch y hầu Phật cũng được ăn”. Lại trong kinh Tội Phước Quyết Nghi nói: “Lúc bắt đầu dâng lên Phật, chỗ ngồi bậc thượng-trung-hạ, cần phải chỉ dẫn hàng Bạch y dâng lên Phật và Tăng, dâng lên Phật xong rồi thì cùng với Tăng ăn không phạm. Nếu không như vậy, thì bởi vì ăn cúng Phật, trải qua ngàn ức năm rơi vào địa ngục A Tỳ. Đàn việt không tiếp nhận lời dạy của thầy, cũng chuốc lấy tội báo như trước. Nếu sanh giữa loài người, thì chia trăm vạn năm rơi vào xứ sở thấp hèn. Tại vì sao? Bởi vì của Phật không có người nào có thể bình xét giá trị được”.

Nếu nói rộng ra thì nhà trai chủ và ở chùa Tăng trong hai bữa ăn thường ngày, dâng cúng Phật và Thánh Tăng không hạn chế thức ăn, phù hợp với Phật và Tăng thì không cần phải thu dọn chuộc lại, sau khi xướng to là thức ăn còn thừa lại tất cả đều được ăn. Nếu tình ý nêu rõ giúp cho thức ăn, nhất định đưa vào cúng Phật và Tăng, không bao gồm Bạch y, thì phải chuộc lại rồi mới lấy mà ăn.

Hoặc là thí chủ vốn mong làm hình tượng Thích Ca, thay đổi làm Di Đà; vốn làm Đại Phẩm, thay đổi làm Niết bàn; vốn làm phòng Tăng, thay đổi cung cấp thức ăn cho Tăng; vốn cúng dường hai chúng, thay đổi đưa vào một chúng; vốn dự định cúng dường mười phương, trở lại đưa vào hiện tiền; vốn dự định cho đại chúng, trở lại đưa cho người khác; vốn cúng dường chúng Tăng, trở lại đưa vào hàng Bạch y; tất cả như vậy đều trái ngược với ý thí chủ, tính số tiền bao nhiêu mà chịu, đủ phần trở thành nặng, kém hơn phần có thể xem là nhẹ. Do đó trong Tứ Phần Luật nói: “Hứa với nơi này mà lại đem cho nơi kia, đều là phạm tội”. Tội nặng hay nhẹ tùy theo thí chủ trước đó. Theo văn này, kiểm tra so sánh tượng Phật, màu sắc có thừa lại không được làm các hình tượng Bồ tát là Thánh Tăng, bởi vì địa vị thầy trò khác nhau cho nên không được sử dụng lẫn lộn, mà có thể làm các vật dụng trang nghiêm khác, vẫn đem cúng dường Phật thì không phạm. Nếu tình cảm thí chủ thông suốt thì một pho tượng Phật tùy ý trang nghiêm, các loại hình tượng phàm Thánh đạo tục, các thứ cúng dường lẫn lộn, hoa đẹp cỏ cây hay núi sông chim thú, không hạn chế trong tượng Phật thì làm tất cả không mang tội. Do đó trong Ngũ Bách Vấn Sự nói: “Dùng màu sắc làm tượng Phật để tạo hình chim thú thì mang tội, trừ khi làm để cúng dường ở trước Phật, vậy thì không phạm”.

Nhiều lần hỏi thăm đạo tục vùng xa heo hút, không dính gì đến giới luật, tuy có tâm tốt làm việc phụng sự Tam Bảo, mà tùy ý mình sử dụng lẫn lộn vật của Tam Bảo theo tình cảm của thế gian, ngay cả tiền bạc của Thánh Tăng trong trai hội, hoặc lấy tự nhiên đưa vào, có lúc đưa vào của thường trụ, có lúc làm tượng Phật, có lúc họa vẽ các hình ảnh Ca Diếp – A-nan … trên từng nhà; tất cả không sử dụng thích hợp mà mang tội, nói đầy đủ như trong thiên Thọ Thỉnh trước đây. Hỏi: Thời nay trong trai đường có tiền cúng Phật, không biết là tiền này đưa vào sử dụng như thế nào? Đáp: Nếu tâm ban đầu của thí chủ quyết định đưa vào tạo tác hình tượng, vẫn như văn sử dụng lẫn lộn trước đây mà quyết đoán, chỉ được tạo hình tượng Phật chư không được dùng vào việc khác. Nếu như người thiết trai thời nay, sau khi phàm Tăng dùng cơm xong thì cùng đưa ra tiền cúng Phật và Tăng, biết thí chủ không hạn chế rõ gì khác, thì tùy ý lấy mua hương mua dầu – làm cờ phướn – tu tạo điện thờ Phật và các loại cúng Phật, tiếp nhận sử dụng đều được, nhưng không được đưa vào cho Tăng sử dụng riêng biệt từng người. Trên đây sơ lược thuật lại, đều dựa theo văn trong kinh luật mà quyết định, không phải là theo tình cảm của người viết. Nếu không dựa theo pháp thì trái lại kết thêm tội không biết mà không học. Đương nhiên ngoài những điều không biết, thì đầy đủ như trong 10 quyển luật sao của Tăng Ni giải thích rộng hơn. Vì vậy kiểm tra đối chiếu về Tam bảo, sự việc nặng chứ không phải là đơn giản. Tự mình không hiểu rõ ràng về giới luật, tin sâu sắc về nhân quả, thì dụng tâm cẩn thận, sợ hãi nghiệp đạo, thường chịu khó tác ý, không giữ theo tình cảm con người. Người như vậy mới có thể làm tri sự duy trì kỷ cương, đương nhiên người khác không thích hợp để làm.

Lại trong kinh Bảo Lương nói: “Đức Phật bảo với Ca Diếp: Ta tùy theo hai loại Tỳ kheo có thể quản lý được các việc. Như thế nào là hai loại? Đó là: 1- Luôn luôn thanh tịnh trì giới; 2- Sợ báo ứng đời sau. Dụ như Kim Cang, lại có hai loại. Như thế nào là hai loại? Đó là: 1- Hiểu biết về nghiệp báo; 2- Có những sự tàm quý và tâm hối hận. Lại có hai loại, như thế nào là hai loại? Đó là: 1- A la hán; 2- Người có năng lực tu tám pháp bối xả. Hai loại Tỳ kheo như vậy,Ta tùy theo cho quản lý mọi việc, tự mình không có tỳ vết thì có năng lực giữ gìn ý của người khác. Vì việc này rất khó cn nói với Ca Diếp, ở trong Phật pháp có nhiều loại xuất gia, nhiều loại tánh tình, nhiều loại tâm địa, nhiều loại giải thoát, nhiều loại đoạn trừ phiền não, hoặc có người thích ở nơi vắng vẻ, hoặc có người hành hạnh khất thực, hoặc có người thích ở chốn núi rừng, hoặc có người thích tiếp cận làng xóm thanh tịnh trì giới, hoặc có người có năng lực xa lìa bốn tai ách, hoặc có người chịu khó tu hạnh đa văn, hoặc có người biện giải trình bày các pháp, hoặc có người khéo giữ gìn giới luật, hoặc có người khéo giữ gìn oai nghi và nghi thức Tỳ Ni, hoặc có người đi qua các thành ấp làng xóm thuyết pháp cho mọi người”. Có những Tỳ kheo Tăng thuộc như vậy quản lý mọi việc Tỳ kheo, khéo léo giữ lấy tâm tướng của mọi người như vậy, cho nên trong kinh nói: “Người ấy quản lý mọi việc của Tỳ kheo cần phải phân biệt rõ ràng, vật của thường trú Tăng không được lẫn lộn với chiêu đề Tăng, vật của chiêu đề Tăng không được lẫn lộn với thường trú Tăng, hai loại đồ vật này không được sử dụng lẫn lộn”. Vật của thường trú Tăng và vật của chiêu đề Tăng, không nên lẫn lộn cùng với vật cúng dường Phật, vật cúng dường Phật cũng không được lẫn lộn cùng với hai vật kia. Nếu vật của thường trú Tăng nhiều mà chiêu đề Tăng có những nhu cầu, thì Tỳ kheo quản lý mọi việc nên tập trung Tăng tiến hành tính toán để lấy ý kiến, Tăng hòa hợp thì nên lấy vật của thường trú Tăng phân chia cho chiêu đề Tăng. Nếu tháp thờ Như Lai, hoặc là có sự cần thiết, giống như sắp bị hư hoại, hoặc là vật của thường trú Tăng, hoặc là vật của chiêu đề Tăng có nhiều, Tỳ kheo quản lý mọi việc nên tập trung Tăng tiến hành tính toán để lấy ý kiến, nói ra lời như vậy: Đúng là tháp Phật bị hư hoại, nay có sự cần thiết, vật của thường trú Tăng và vật của chiêu đề Tăng ở đây có nhiều, Đại đức tăng xem sét quyết định, nếu lúc Tăng đến thì Tăng chịu khó xem xét, hoặc là Tăng không tiếc đồ vật bố thí đã có được, như vật của thường trú Tăng, vật của chiêu đề Tăng, nay tôi lấy sử dụng để tu sửa tháp Phật, nếu Tăng không hòa hợp thì sẽ tìm cách khác. Tỳ kheo quản lý mọi việc nên khuyến hóa người tại gia cầu xin tiền bạc vật dụng để tu sửa tháp Phật. Nếu vật của Phật có nhiều, không được phân chia cho thường trú Tăng và chiêu đề tăng, tại vì sao? Bởi vì ở trong đồ vật này nên sanh khởi ý tưởng Thế Tôn, vật thuộc về Phật thậm chí một chút nhỏ, đều là tín tâm của thí chủ dâng cúng Phật. Vì lẽ đó chư Thiên và người thế gian, ở trong vật này sanh ra ý tưởng tháp Phật, mà ví như vật báu, hoặc là ở trong tháp Phật thà để cho gió thổi mưa tạt rách nát hết, chứ không nên lấy y này trao đổi vật báu. Tại vì sao? Bởi vì vật trong tháp thờ Như Lai không có người nào có thể hình xét được giá trị. Vả lại, Phật không cần đến thứ gì cả, như vậy người quản lý mọi việc, không nên để cho lẫn vật của Tam Bảo, bởi vì tự sử dụng xen tạp thì mang lấy khổ báo to lớn, hoặc nhận chịu một kiếp, hoặc vượt quá một kiếp, chỉ do dùng vật của Tam Bảo không đúng chỗ, tự mình làm thì tự mình chịu vậy thôi.

Lại trong kinh Bảo Lương nói: “Đức Phật dạy: Tỳ kheo quản lý mọi việc nếu như sanh tâm sân giận, ở chỗ của người trì giới thanh tịnh, bởi vì tự do mà cố tình đuổi đi khiến làm kẻ sai sử vất vả, vì thế đọa vào địa ngục. Nếu được trở lại thân người thì làm hạng nô bộc thấp hèn, bị chủ sai khiến vất vả, vì thế đọa vào địa ngục. Nếu được trở lại thân người thì làm hạng nô bộc thấp hèn, bị chủ sai khiến vất vả, còn lại mọi người đánh đập. Vã lại, Tỳ kheo quản lý mọi việc, bởi vì tự do cho nên tạo ra những quy định khắc nghiệt, vượt quá hạn định bình thường của Tăng, trách phạt Tỳ kheo, không phải lúc mà khiến phải làm. Bởi vì căn bất thiện này cho nên đọa vào trong địa ngục nhỏ nhiều đinh nhọn, sanh vào trong chốn này rồi dùng trăm ngàn đinh nhọn đóng lên trên thân thể, thân thể cháy rừng rực như đống lửa lớn. Lại là Tỳ kheo quản lý mọi việc ở nơi có Đại đức trì giới, vì sự việc quan trọng mà sợ hãi, dùng tâm sân giận nói năng cho nên sanh vào trong địa ngục, người đó phải mang chiếc lưỡi dài năm trăm do tuần, lấy trăm ngàn đinh nhọn mà cắm vào lưỡi của họ, trong mỗi một định nhọn phát ra ngọn lửa lớn. Lại là Tỳ kheo quản lý mọi việc nhiều lần được vật dụng được Tăng mà keo kiệt tiếc nuối cất giấu tất cả, hoặc lúc không thích hợp mà đưa cho Tăng, hoặc là không chịu đưa cho, hoặc gặp khốn khó mới dưa cho, hoặc ít khi đưa cho, hoặc là không đưa cho, hoặc có người thì đưa cho, hoặc có người không đưa cho… bởi vì căn bất thiện này, cho nên cố hoài ngạ quỷ dơ bẩn xấu xa thường ăn viên phân, người này mạng chung sẽ sanh vào trong loài đó, ở trong trăm ngàn năm luôn luôn không được ăn, hoặc lúc ăn thì thức ăn biến thành rác rưởi hôi thối, hoặc thành máu mủ. Vì lẽ đó, này Ca Diếp! Tỳ kheo quản lý mọi việc, thà tự mình ăn thịt mình, chứ suốt đời không sử dụng lẫn lộn vật của Tam bảo để làm y bát ăn uống”.

Thứ sáu: PHÀM VẬT (tất cả đồ vật).

Như luận Thiện Kiến nói: “Canh giữ tài sản đồ vật cho người khác và đồ vật của Tam Bảo, nếu quản lý giữ gìn cẩn thận, khóa chặt cửa kho, mà kẻ cắp lấy trộm từ trong hầm hay trong nhà, hoặc bức bách mà lấy, là sự việc không phải người canh giữ đồ vật có thể ngăn cản được, nhưng nhằm vào chính người ấy mà kết tội, đều không hợp với dấu vết để lộ bên ngoài. Nếu người có trách nhiệm quản lý lơ đãng coi thường không giữ gìn cẩn thận, bị kẻ trộm lấy mất, thì người quản lý đồ vật phải bồi thường, mà nhằm vào người canh giữ để kết tội”.

Vì thế trong Thập Tụng Luật nói: “Nơi xa mà nhận đồ vật gởi gắm của người khác, ở đường đi bị hư hao rách nát, có long tốt giữ gìn vật đã bị hư hao, thì không nên bồi thường, nếu có lòng xấu làm hư hại đồ vật, thì cần phải bồi thường. Nếu mượn đồ vật của người khác, không cần phải hỏi đến lòng tốt hay lòng xấu, nếu như bị hư hoại thì tất cả đều cần phải bồi thường”. Lại trong Thập Tụng Luận nói: “Kẻ cắp lấy trộm đồ vật mang đi, hoặc là có lòng tốt mà bố thí, hoặc vì người khác truy đuổi mà sợ hãi cho nên bố thí thì được nhận. Bởi vì đã trở thành chủ nhân của đồ vật, nhưng không đi theo kẻ cắp mà xin, tự mình mang cho thì được phép lấy. Lấy rồi thay đổi hình dạng màu sắc để sử dụng, nếu có chủ nhân của đồ vật bị mất nhận ra thì nên trả lại”.

Còn trong luận Ma Đức Lặc Già nói: “Nếu người mất trí rự mang đồ vật bố thí, không biết cha mẹ thân thuộc là ai thì được phép lấy. Nếu lấy thịt còn thừa lại của hổ nơi khác thì phạm vào tội nhỏ, bởi vì không từ bỏ mong đợi. Nếu lấy phần còn thừa lại của sư tử thì không phạm, bởi vì đã từ bỏ mong đợi”. Lại trong luận Tát Bà Đa nói: “Lấy trộm phần còn thừa lại của tất cả các loài chim thú thì mang tội nhỏ”. Thời nay thấy thế gian ở nhiều người bình thường hủy hoại hang ổ của loài khác, lấy đi các loại thóc gạo – trái quả tích trữ của chúng, điều này chắc chắn là phạm thôi.

Trong Tứ Phần Luật nói: “Nếu thân thiết muốn lấy, mình có muốn lấy, rách rưới muốn lấy, tạm thời muốn lấy, ý bạn thân muốn lấy…, đều không phạm. Nói về bạn thân, dựa theo luật cần phải có đủ 7 pháp, mới gọi là bạn thân: 1- Việc khó làm có thể làm; 2- Vật khó cho có thể cho; 3- Điều khó nhẫn có thể nhẫn; 4- Việc kín đáo nói cho nhau biết; 5- Che chở lẫn nhau; 6- Gặp khốn khổ không từ bỏ; 7- Nghèo hèn không coi thường. Bảy pháp như vậy, người nào có thể thực hành được, thì đó là bạn tốt thân thiết của mình, lấy mà không phạm lỗi”.

Còn trong kinh Tăng Nhất A Hàm nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Nếu người làm chủ kẻ giặc trộm cướp đồ vật của người ta, bị chủ nhân bắt được, trói chặt đưa đến giao cho nhà vua, trừng trị tội lỗi trộm cắp của họ. Nhà vua lập tức sai người nhốt vào lao ngục, hoặc cắt đứt tay chân, hoặc xẻo tai xẻo mũi, hoặc lột da của họ, hoặc rút gân của họ, hoặc đem treo ngược lên, hoặc có lúc cưa xẻ thịt xương, hoặc dùng lửa đun cháy, hoặc có lúc nấu sôi, hoặc dùng da sống trùm kín đầu họ, hoặc lấy nước sôi mà tưới trên thân thể, hoặc dùng cọc gỗ dài mà đâm vào vổ tay họ, hoặc dùng voi dữ để mà đạp chết, hoặc mổ bụng kéo ruột phơi trên cỏ, hoặc có lúc lại trói chặt đánh trống bêu tiếng xấu, đem đến nơi chợ búa chém đầu dưới cột cờ, hoặc lại cắt xẻ thịt da từng mảnh vụn, hoặc dùng dao phá nát, hoặc có lúc bắn tên. Giết chết bằng các loại đau khổ cùng cực như vậy, chỉ vì phạm tội trộm cướp. Vì nhân duyên của ác nghiệp trộm cướp này, sau khi mạng chung sanh vào trong địa ngục, lửa dữ đốt cháy trên thân – nước đồng sôi rót vào miệng, vạc nóng-lò than-núi dao-cây kiếm, tro bụi-phẫn giải giày vò nung nấu, nhận chịu đủ loại đau khổ như vậy, chua xót khổ sở đớn đau không thể kể xiết, trăm ngàn vạn năm không mong gì thoát ra được. Tội của địa ngục kết thúc thì sanh vào trong loài súc sanh làm thân voi ngựa trâu dê lừa la heo chó …, trải qua trăm ngàn dùng sức đền trả cho người ta. Tội của súc sanh kết thúc thì sanh vào trong loài ngạ quỷ, đói khác khổ não không thể nói hết. Ban đầu không nghe có tên gọi của nước cháo, trải qua trăm ngàn năm nhận chịu khổ đau như vậy. Tội trong đướng ác kết thúc thì sanh vào giữa loài người. Nếu sanh trong loài người thì phải chịu hai loại báo ứng: 1- Bần cùng, áo không che kín thân, cơm không đủ nuôi miệng; 2- Thường bị vua-giặc-nước-lửa và giặc ác cướp đoạt những gì có được”.

Lại trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Sao lại là trộm cướp? Nếu người suy nghĩ, mong muốn làm cho các loại thóc lúa đậu mè của mình được thành tựu, làm cho thóc lúa đậu mè của mọi người không mọc lên được. Thường dấy lên suy nghĩ bất thiện như vậy. Lại vào lúc khác, chúng sanh kém phước nên ruộng đồng cây cối không có gì thu hoạch; người ác như vậy, thấy đời đói kém, tâm sanh ra vui mừng, như mình đã nghĩ, vào chợ mua bán lương thực, tâm cong queo hoa miệng giả dối, cân đong các loại thóc lúa đậu mè, giả dối làm mê hoặc mọi người, cuối cùng thành nghiệp. Nếu tâm suy nghĩ thì gọi là nghiệp suy nghĩ. Nếu lúc làm điều giả dối thì gọi là nghiệp giả dối. Làm thành nghiệp giả dối rồi, gọi là nghiệp của kết quả cuối cùng”.

Thứ bảy: DI VẬT (vật bị rơi mất).

Như kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Nếu thấy vật rơi lại bên đường, hoặc là vàng-bạc cùng các thứ tiền của quý báu…, lấy rồi nói to lên cho mọi người nghe: Đây là vật của ai? Nếu có người nói: Vật ấy là của tôi. Nên hỏi họ về hình dạng của vật ấy, nếu đúng thì hãy trả lại. Nếu không có người nào phân biệt được, thì trong bảy ngày mang đi theo, ngày ngày nói to như thế, nếu không có người chủ nhận lại, thì đem vật báu này giao cho nhà vua – đại thần hoặc quan đứng đầu châu – quận. Nếu nhà vua – đại thần hay quan đứng đầu châu-quận, thấy người phước đức không lấy vật này, thì về sau sẽ hộ trì Phật pháp và chúng Tăng. Đó gọi là không trộm cắp”.

Lại trong Tăng Kỳ Luật nói: “Nếu gặp áo quần đồ vật bị rơi, thì nên nói to để mọi người biết, không có chủ nhân đến nhận thì treo lên chỗ cao đễ nhìn khiến cho người ta trông thấy. Nếu có người nói là vật của họ, thì nên hỏi rằng: vật của ông mất ở chỗ nào? Trả lời thích hợp thì cho lại. Nếu không có ai phân biệt được, thì hãy giữ lại đến 3 tháng rồi tính sau. Nếu nhặt được trong vườn cây quanh tháp thì sử dụng để sửa sang tháp, nhặt được trong vườn cây thuộc phạm vi của Tăng thì sử dụng cho tứ phương Tăng. Nếu vật bị rơi có giá trị, như vàng-bạc-chuỗi ngọc thì không được để lộ rõ ràng, chỉ nói to lên là nhặt được vật báu, người ta nên xem xét chính xác, nhiều lần xem có tướng mạo thế nào rồi sau đó sẽ đưa ra. Lúc người đến nhận trình bày chính xác thì cho lại, đứng trước mọi người đông đủ mà trao lại, không được ở nơi ngăn che mà trao cho, dạy nên Thọ Tam quy và nói rằng: Phật không chế định giới này, ông khoanh tay mà nhìn thì không được. Nếu không có người nào đến nhận thì giữ lại đến 3 năm, như trước mà xử lý thích hợp với phạm vi để sử dụng. Nếu sửa sang tháp gặp được vật báu chôn giấu, thì lấy sử dụng cho tháp; trong phạm vi của tăng cũng như vậy”.

Vì vậy trong Thành Thật Luận nói: “Kho tàng cất giấu lấy sử dụng không có tội. Thời Đức Phật tại thế, Trưởng giả Cấp Cô là Thánh nhân, cũng lấy vật này, cho nên biết là không có tội. Còn tự nhiên nhặt được thì không gọi là trộm cướp”. Lại trong Tăng Kỳ Luật nói: “Người vào trong thôn xóm thấy vật đánh rơi, không được nhặt lấy, đưa cho Tỳ kheo thì được, tức đó là thí chủ. Trong thôn xóm gió thổi bay y không được phép lấy, làm thành phấn tảo muốn lấy thì được. Nếu ở nơi đường đi vắng vẻ không có người thì được phép lấy”. Còn trong Ngũ Phần Luật nói: “Nếu người đưa y trải qua mười hai năm mà không trở lại, thì tập trung tăng chúng bình xét giá trị làm vật sử dụng cho tứ phương Tăng. Nếu sau đó người ấy trở về, thì lấy vật của Tăng để bồi thường, không nhận lại là tốt”.

Chánh báo tụng rằng:

Trộm cướp- cung cấp sử dụng sai,
Một mình rơi vào ngục Nê Lê,
Chim sắt dùng mỏ nhọn Kim Cang,
Mổ não-xé toạc trái tim mình,
Dùng nước đồng sôi sót vào miệng,
Chày sắt – gậy sắt đập nát thân,
Kinh hãi chạy khắp nơi cầu thoát,
Lại lao vào núi kiếm rừng gươm.
Tập báo tụng rằng:
Trộm cướp mà nhận lấy quả báo,
Rơi vào địa ngục bị đun cháy,
Tội hết sanh vào trong loài người,
Đói nghèo mà tự mình nhận chịu,
Chung tài sản bị người hạn chế,
Nào khác gì trong hạng thấp hèn,
Dựa vào lời lẽ ôm phẩm hạnh,
Cần phải suy nghĩ đến tận cùng.

Nhân duyên cảm ứng.

Sơ lược dẫn ra 6 chuyện: 1- Thời nhà Hán ở quận Thương Ngô có đình trưởng Cung Thọ; 2- Thời nhà Hán ở huyện Mi – Kỳ Châu có Li đình trưởng cướp và giết chết con gái người ta; 3- Thời nhà Tùy ở Nghi Châu có người họ Hoàng Phủ tên Thiên; 4- Thời nhà Đường có con gái của Trưởng sử Vi Khánh Thực ở Phủ Ngụy Vương; 5- Thời nhà Đường có con gái của Triệu Thị ở chợ Đông – Tây kinh; 6- Thời nhà Đường có quan chủ bộ họ Chu bị quan nhỏ đánh cướp mà chết.

1/ Thời nhà Hán có Thế hà Thưởng, làm Thứ sử hành bộ vùng Giao Chỉ, đến huyện Cao Yêu quận Thương Ngô, chiếu tối ở lại trong đình Thước Bôn, đêm hãy còn chưa khuya lắm, có một cô gái từ dưới lầu xuất hiện, tự nói rằng: Thiếp họ Tô tên Nga tự là Di Khu, vốn là người xóm Tu ở huyện Quảng Tín, cha mẹ mất sớm, lại không có anh em, chồng cũng mất đã lâu, có 120 xấp tơ lụa lẫn lộn và một người hầu gái, tên là Trí Phú, thiếp cô quạnh và yếu ớt vô cùng không thể nào tự mình phấn chấn lên được, muốn đi đến huyện bên cạnh để bán tơ lụa, nhờ vào người cùng huyện là Vương Bá, thuê một chiếc xe trân, giá tiền phải trả là một vạn hai ngàn, chở thiếp và tơ lụa khiến Trí Phú cầm dây cương, thế là vào ngày mười tháng năm kia đi đến bên ngoài đình này. Lúc ấy trời tối người đi đường đã vắng, không dám tiến về phía trước, vì vậy nên dừng lại, Trí Phú bỗng nhiên đau bụng quằn quại, thiếp đi đến nhà đình trưởng xin nước uống và lấy lửa, đình trưởng là Cung Thọ cầm dao nắm kích, đi đến bên cạnh xe, hỏi thiếp rằng: Phu nhân từ nơi nào đến đây, trên xe chở những gì, chồng ở đâu, tại sao đi một mình? Thiếp trả lời rằng: Tai sao hỏi như vậy? Cung Thọ nhân đó nắn cánh tay thiếp mà nói: Trẻ đẹp đáng yêu tốt nhất là vui vẻ với nhau vậy. Lúc ấy thiếp sợ hãi không chịu nghe theo. Cung Thọ liền lấy dao đâm vào bên sườn một nhát chết liền, đồng thời giết chết Trí Phú, Cung Thọ đào dưới lầu chôn vùi thiếp và người hầu gái, lấy tiền của đồ vật mà đi, giết trâu đốt xe, khung xe và xương trâu giấu trong giếng cạn phía Đông đình này, thiếp chết vô cùng đau đớn không làm sao nói được, cho nên đến tự mình trình bày với sứ quân! Hà Thưởng nói: Nay muốn khai quật thi hài của cô, lấy gì để xét nghiệm? Cô gái nói: Từ trên xuống dưới thiếp đều mặt áo quần màu trắng, giày tơ màu xanh hãy còn chưa mục nát đâu. Khai quật thì quả là như vậy. Hà Thưởng lập tức sai lính bắt Cung Thọ, tra khảo xét hỏi tất cả đều thích hợp. Sau đến huyện Quảng Tín tra xét rõ ràng, cùng với lời Tô Nga nói giống nhau. Bắt cha mẹ anh em của Cung Thọ giam vào ngục, Hà Thưởng dâng biểu trình bày sự việc Cung Thọ giết người, đối với luật pháp thông thường không đến mức giết hết họ hàng, nhưng Cung Thọ làm điều ác giấu kính trải qua năm tháng, phép vua vốn không có thể làm gì được, quỷ thần tố cáo ngàn năm không có một, xin đều chém đầu, để giúp cho người quá cố bị hại, trình bày lên trên xem xét quyết định.

2/ Thời nhà Hán có Vương Đồn tự là Thiếu Lâm, làm huyện lệnh huyện Mi, từ huyện Mi đến Li đình, đình này thường có quỷ, nhiều lần giết người. Vương Đồn ngủ lại trên lầu, trong đêm có cô gái, nói là muốn bày tỏ nỗi oan, không có áo quần tự che thân. Vương Đồn lấy áo quần đưa cho, mới tiến lên nói rằng: Thiếp vốn là thiếp của Bồi Lệnh, muốn đi đến quan phủ, đi qua đình này ở lại, đình trưởng giết hại thiếp, lớn nhỏ hơn mười người, chôn ở dưới lầu, đoạt lấy áo quần tiền bạc và đồ vật, đình trưởng nay là Du Khiếu dưới huyện môn. Vương Đồn nói: Sẽ trả oan cho cô, đừng tiếp tục hại bừa bãi người lòng thiện nữa! Quỷ trả lại áo quần mà đi. Vương Đồn lại bắt Du Khiếu, vặn hỏi liền nhận tội, bắt hơn mười người cùng âm mưu giết hết. Khai quật lấy các thi hài đem về nhà tẩm liệm mà chôn cất chu đáo, ngôi đình mãi mãi yên lành. Mọi người đặt bài vè rằng: Tin thay Thiếu Lâm đời không có ai bằng, khăn bay ngựa chạy cùng chuyện trò với quỷ. Khăn bay ngựa chạy, tách ra thành sự việc khác, nay vốn không ghi lại.

(Hai chuyện trên đây trích từ Oan Hồn Chí.)

3/ Năm thứ tám thời Tùy Đại Nghiệp, hơn bốn mươi dặm về phía Đông Nam thành Nghi Châu có một gia đình, họ Hoàng Phủ, ở nhà anh em có bốn người, anh lớn em nhỏ ai cũng chịu khó lo việc làm ăn, vô cùng nhân từ trung hiếu. Người em trai thứ hai tên là Thiên, giao du với bạn xấu chứ không lo làm việc sinh sống. Sau đó có một lần mẹ còn trong nhà, lấy sáu mươi đồng tiền muốn đến chợ mua đồ dùng, mà đặt nằm trên giường. Mẹ đi ra nhà sau, Thiên từ ngoài đi vào nhà, quay nhìn xung quanh thấy không có người, liền trộm lấy tiền mang ra ngoài riêng mình sử dụng. Mẹ quay vào tìm tiền không có, không biết con mình lấy đi mất, thế là tra xét cả nhà, người sang kẻ hèn đều nói không lấy. Mẹ tức giận vì cả nhà không trong sáng, liền đánh đập từ lớn đến bé, lớn bé đều oán trách. Đến năm sau thì Thiên qua đời, đầu thai vào trong bụng heo mẹ nuội trong nhà, trải qua 1 tháng đẻ ra một con heo con. Đến năm hai tuổi, vào ngày tế thần đất dịp tháng , cần tiền nên bán cho thôn xa tế thần, nhà thu được sáu trăm đồng tiền, quan tế thần bắt đem đi. Vào lúc đầu đêm, liền cảnh báo làm cho cả nhà lớn bé đều tỉnh giấc, trước tiên dùng mũi nhạm vào người vợ, vợ ngủ mộng thấy nói rằng: Tôi là chống của cô, vì lấy của mẹ 60 đồng tiền, làm oan ức đến cả nhà phải chịu tra khảo khổ sở, khiến tôi làm heo, nay đến trả nợ. Nay đem bán cho người tế thần, người tế thần trói chặt tôi sắp giết, cô là vợ tôi, sao nhẫn tâm không nói với mọi người chuộc tôi về? Người vợ ban đầu giống như trong mộng, bỗng giật mình thức giấc trong lòng kinh hãi, nhưng vẫn chưa tin; tiếp tục ngủ lại mộng thấy như vậy, heo lại dùng mũi nhạm vào người vợ, người vợ kinh sợ mặc áo đi đến nhà báo cho mẹ chồng biết. Mẹ chồng đã ngồi dậy, lại mộng thấy như cô con dâu, trai gái cũng cùng mộng thấy, trong một đêm sắp xếp khiến con trai Thiện đến chuộc Thiên về, và anh trai Thiên mang theo một ngàn hai trăm đồng tiền. Mẹ nói cho con trai biết rằng: Quan tế thần nếu như không chịu thả, cầu xin trả cho gấp đôi số tiền, sợ rằng trời sáng sẽ giết nên cỡi ngựa chạy nhanh rất gấp, vì cách xa nhà hơn 30 dặm đường. Người con trai Thiên đã đến nơi ấy, không nói là người thân của mình, sợ rằng bôi xấu gia tộc, chỉ nói không cần phải giết, nay muốn chuộc lại heo. Quan tế thần không chịu, nay đến lúc ta cúng tế thần linh, heo không cho ông chuộc lại. Nhiều lần ân cần năn nỉ nhưng không thả, người anh Thiên sợ nôn nóng mà e rằng tế thần sẽ giết heo, tự mình nhờ một người có hiểu biết và tín kính đã từng nhậm chức huyện lệnh, kể lại đầu đuôi sự tình như vậy, sau mới chuộc được, đã chuộc được heo rồi xua chạy vào thửa ruộng hoang, người anh nói với heo rằng: Ông quả thật là em trai ta, thì ông hãy gấp rút trở về nhà trước. Người con trai cũng nói với heo: Quả thật là cha tôi, cũng nên tự mình trở về nhà trước. Heo nghe lời nói này liền chạy nhanh ở phía trước trở về nhà. Sau trải qua thời gian dài bà con xóm làng đều biết nên trai gái xấu hổ vô cùng, hàng xóm kiềm khích nhau đều lấy heo để mắng nhiếc mỉa mai, trai gái kín đáo nói cho heo biết rằng: Nay cha tạo nghiệp bất thiện nên nhận chịu thân heo như vậy, trai gái trong nhà xuất đầu lộ diện không được, ngày cha còn sống, đã cùng với Từ Hiền Giả kết giao sâu đậm, cha đi đến nhà họ Từ, trai gái trong nhà đem thức ăn đến nơi ấy cung cấp cho cha. Heo nghe nói lời như vậy, rơi nước mắt chạy nhanh đến nhà họ Từ, nhà họ Từ cách nhà họ Hoàng Phủ hơn 0 dặm. Đến trong năm thứ 11 thời Tùy Đại nghiệp, heo qua đời ở nhà họ Từ. Tin và biết rõ nghiệp báo không lựa chọn thân sơ, rõ ràng như ở trước mắt, há không thận trọng hay sao? Pháp sư Tịnh Lâm chùa Hoằng Pháp ở Trường An, là người cùng làng với Thiên, tự mình trông thấy heo ấy, Pháp sư đích thân nói rõ chuyện này.

4/ Trong thời Đường Trinh Quán, Vi Khánh Thực là người vùng Kinh Triệu làm Trường sử phủ Ngụy Vương, có cô gái mất sớm, vợ chồng họ Vi thương tiếc vô cùng. Hai năm sau, Khánh Thực mời tất cả bà con khách bạn và chuẩn bị thức ăn đầy đủ. Người trong nhà mua được một con dê nhưng chưa giết thịt, trong đêm vợ Khách Thực nằm mộng, con gái đã qua đời mặc quần áo trắng, trên đầu tóc có một đôi thoa bằng ngọc, là những thứ thường dùng lúc còn sống, đi đến gặp mẹ rơi nước mắt nói rằng: Xưa con đã từng sử dụng đồ vật mà không nói với cha mẹ, vì nghiệp báo này, nay nhận chịu thân dê, để đền trả cho cha mẹ, mạng con sáng mai sẽ bị giết, chính là con dê đen đầu trắng, chỉ mong ân đức thương yêu rủ lòng xin cứu tính mạng! Mẹ giật mình tỉnh giấc, sáng sớm mà tự mình đi đến xem dê, quả nhiên có con dê đen, cổ và ức đều trắng, trên đầu có hai chấm trắng, tương tự như hình dạng cái thoa cài tóc bằng ngọc. Mẹ đứng trước dê đau lòng rơi lệ, ngăn ngừa nhà đừng giết con dê, chờ Khánh Thực đến thả cho đi. Lát sau Khánh Thực đến thúc giục làm thức ăn, người trong bếp thưa rằng: Phu nhân không cho phép giết thịt con dê đen. Khách Thực giận dữ liền ra lệnh giết dê, người mổ thịt dê treo dê sắp giết, khách bạn có nhiều người đã đến, quả là thấy treo một cô gái dung mạo đoan chánh, nói với những người khách rằng: Tôi là con gái của Trưởng Sử họ Vi, xin cứu mạng tôi! Khách ban đầu kinh ngạc ngăn người mổ thịt dừng tay. Người mổ thịt sợ Khách Thực nổi giận, lại chỉ thấy con dê kêu gào, tức thì giết con dê mổ thịt. Sau đó khách bạn ngồi vào bàn nhưng không ăn, Khách Thực ảm thấy lạ lùng bèn hỏi nguyên do, khách bạn nói rõ đầu đuôi sự việc, Khách Thực đau lòng vô cùng, phát bệnh không ngồi dậy được. Người trong vùng Kinh Triệu sau đó biết rõ sự việc này, đến chỗ Thượng thư Đôn Lễ thuật lại rõ ràng câu chuyện.

5/ Thời nhà Đường ở vùng làng quê chợ búa tại Trường An có phong tục, mỗi khi đến ngày đầu năm, sau đó theo thứ tự làm đồ ăn thức uống mời nhau, gọi là Truyền Tọa. Nhà họ Triệu ở chợ Đông theo thứ tự đầu tiên sẽ tổ chức bữa tiệc. Có người khách đến sớm, đi ra phía sau trông thấy trên cối giã gạo, có bé gái tuổi khoảng 13 – 1, mặc quần xanh áo trắng, bị dây thừng buộc cổ, trói vào cây cột của chiếc cối giã gạo, rơi nước mắt nói với người khách rằng: Tôi là con gái của chủ nhân, trước kia vào lúc chưa chết, lấy trộm của cha mẹ 100 đồng tiền muốn mua son phấn, chưa kịp sử dụng mà chết, số tiền đó nay còn trong góc tường phía Tây Bắc trong nhà bếp, nhưng tôi chưa sử dụng, mà đã lấy trộm tiền, vì vậy phải mang tội, nay cần phải đền bù mạng sống cho cha mẹ! Nói xong hóa thành con dê đầu trắng. Người khách kinh hãi nói cho chủ nhân biết, chủ nhân hỏi về hình dáng dung mạo của cô bé, đúng là con gái bé nhỏ của mình, chết đã hai năm rồi. Vào phía góc tường nhà bếp lấy được 100 đồng tiền, hình như đặt vào chỗ ấy đã lâu. Ngay sau đó đưa con dê đến chùa Tăng nuôi dưỡng, cả nhà không dám ăn thịt nữa. Lư Văn Lệ truyền nhau đi đến thuật lại câu chuyện như vậy.

(Hai chuyện trên đây trích từ Minh Báo Ký.)

6/ Thời nhà Đường có quan chủ bộ họ Chu ở huyện Quán Đào – Kí Châu, nhưng quên mất tên gọi. Đến tháng 11 năm thứ thời Đường Hiển Khánh nhận lệnh đi sứ vào phạm vi của thành Quan Hỗ-Lâm Du. Lúc sắp lên đường, dẫn hai người giúp việc cùng đi theo. Họ Chu mang theo tiền bạc và lụa là hơi nhiều một chút, hai người giúp việc bèn dùng dao đè chặt mà giết chết, tất cả tiền bạc lụa là đều cướp lấy mang đi hết, chỉ có áo quần mặc trên người là không lấy. Đến cuối năm mới báo mộng cho vợ, nói lại đầy đủ tình trạng bị giết hại, và nói nơi chốn che giấu tiền bạc đồ vật đã cướp. Người vợ bèn dựa theo như vậy mà trình bày với quan trên. Quan trên điều tra vụ án, phân rõ đầy đủ được thật trạng của tiền bạc lụa là, và bắt được hai người, đều phải chịu tội chết. Tăng Tuệ Vĩnh ở chùa Trí Lực – Tương Châu nói: Đích thực tự mình được Đạo sĩ Lưu Nhân Khoan ở Đạo quán Minh Đình nói cho biết chuyện này.

(Chuyện trên đây trích từ Minh Báo Thập Di Ký.)