PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 73

 

Thiên thứ 84: THẬP ÁC (Phần đầu)

Thiên này có 13 phần: Thuật ý, Nghiệp nhân, Quả báo, Sát sanh, Thân đạo, Tà dâm, Vọng ngữ, Ác khẩu, Lưỡng thiệt, Ỷ ngữ, Kiên tham, Sân khuể, Tà kiến.

Phần thứ nhất: THUẬT Ý

Xót thương cho kẻ mê muội nghiệp chướng sâu dày, vất bỏ ba xe mà không thích điều khiển chìm nổi giữa biển cả khổ đau, mặc ý cháy khô mà không hề mệt mỏi, như ruồi nhặng thích bu xác chết thối tha, tựa bướm bay lao vào đống lửa hừng hực. Bởi vì mê mờ chìm đắm nhiều kiếp trải qua đủ mọi đau khổ, nhận chịu đủ mọi đắng cay đến nay còn bị thiêu đốt. Vì vậy Như Lai vô cùng xót thương không đành lòng từ bỏ được, chỉ rõ sự khổ – vui ấy khiến cho sinh lòng mừng chán. Do đó ở thiên này sơ lược trình bày về mười ác và hai việc làm gây ra tội – phước.

Phần thứ hai: NGHIỆP NHÂN

Nghĩ rằng phàm phu tạo nghiệp mới có nhiều loại, từ chỗ có tâm tương ứng với thân miệng, cũng có lúc thân miệng cùng với tâm trái nhau. Dựa vào đây mà luận, hễ thân miệng dấy động đều là do tâm sai sử. Nếu tâm bất thiện thì mới có thể làm hại đến vật, nếu trong tâm có thiện thì mới có thể thuận với phước thiện. Tuy lợi và hại không giống nhau, nhưng mà gốc rễ của ba nghiệp, thì lấy tâm làm nguồn cội. Bởi vì nghiệp dấy khởi không giống nhau, sơ lược cần phải giải thích.

Như trong luận Thành Thật nói: “Có ba người cùng đi vòng quanh tháp, một người là vì công đức niệm Phật, một người là vì trộm cắp, một người là vì sự mát mẻ, tuy là thân nghiệp cùng chung việc làm, mà có ba tánh thiện – ác- vô ký khác biệt, nên biết tội – phước do tâm, tướng của nghiệp thân – miệng thiện ác không nhất định”. Vì vậy trong Tứ phần Luật và Thành Luận đều nói: Nếu như vô tâm, tuy lỡ tay giết hại cha mẹ, nhưng không mong tội ác nghịch. Cũng như trẻ thơ tìm đến bầu vú của mẹ mình, thì không thể nào mang tội, bởi vì không có tâm ô nhiễm. Nếu dựa theo Tỳ Đàm, thì nói rằng sắc y báo dấy khởi sắc phương tiện, lấy làm thân nghiệp, âm thanh là khẩu nghiệp, tâm là Thể của tội phước, kín đạo nên không nói. Nếu dựa vào trong Đại thừa giáo thật sự mà nói, thì thân-khẩu-sắc-thanh luôn luôn không phải là tội phước. Nếu nói đến thiện ác thì đều là do ý, như trong ý suy nghĩ phát động ra nơi thân miệng, tức là ý này suy nghĩ, là Thể của nghiệp thân miệng. Nếu cứ như ý suy nghĩ không muốn phát ra nơi thân miệng, thì chỉ gọi là ý nghiệp. Vì thế trong luận Duy Thức nói: “Như người thế gian cho rằng, giặc cướp đốt cháy núi rừng thôn xóm thành ấp, chứ không nói là ngọn lửa đốt cháy”. Nghĩa này cũng như vậy, chỉ dựa vào tâm cho nên nghiệp thiện ác thành lập. Vì vậy trong kinh có kệ rằng:

“Các pháp lấy tâm làm căn bản,
Các pháp lấy tâm làm hơn hẳn,
Xa lìa tâm không có các pháp,
Tên gọi thân miệng chỉ do tâm”.

Do đó luận giải thích rằng: “Chỉ có tâm thức chứ không có nghiệp của thân miệng; nghiệp của thân miệng chỉ có tên gọi, mà thật sự là ý nghiệp. Tên gọi của thân miệng mà nói, cũng như lâm chung sanh tâm tà kiến thì rơi vào địa ngục, khởi tâm chánh kiến thì sanh đến nơi thiện”.

Vì vậy cho nên luận nói: “Xa lìa tâm không có suy nghĩ thì không có nghiệp của thân miệng”.

Lại trong kinh Di Giáo nói: “Phóng túng tâm này, thì làm mất việc thiện của người, giữ tâm lại một chỗ, thì không có việc gì không làm được”.

Lại trong Kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Có năm nhân duyên, tuy giết hại mà vô tội: 1- Nói và làm với tâm vô ký; 2- Vô tâm làm tổn hại mạng sống các loài sâu kiến bò bay máy cựa…; 3- Nếu ném các loại sắt thép vô tình sát sinh mà đoạn đứt mạng sống của vật; 4- Thầy thuốc chữa bệnh vì làm lợi ích nên đưa thuốc người bệnh uống mà làm mất mạng sống của họ; 5- Đốt lửa sâu bướm bay vào mà chết, vô tình giết hại sâu bướm. Năm loại như vậy tuy đoạn mất mạng sống nhưng không mang tội giết hại. Cho nên biết nghiệp đã tạo ra đều do tâm mà phát khởi”. Lại như trong nghiệp giết hại dựa theo tâm cảnh, tâm cảnh không như nhau mà có mức độ cao – trung bình-thấp. Đầu tiên dựa vào cảnh mà nói, như giết hại súc sanh, Tỳ khưu phạm tội Ba dật đề; giết hại phàm phu là người Học, thì phạm tội Ba La Di; giết hai cha mẹ – La hán thì phạm tội nặng ngũ vô gián; giết hại người tà kiến mất hết thiện căn thì phạm tội rất nhẹ, không bằng tội giết hại súc sanh.

Vì vậy trong kinh Niết- bàn nói: “Bồ tát biết giết hại có ba loại, đó là hạ-trung và thượng. Hạ là loài kiến cho đến tất cả các loài súc sanh; chỉ ngoại trừ Bồ tát thị hiện sinh ra, các loài súc sanh này đều có thiện căn nhỏ bé, vì vậy cho nên giết hại thì nhận chịu đủ mọi tội báo. Giết hại hạng Trung, nghĩa là từ phàm phu đến bậc A-na-hàm. Giết hại hạng Thượng, là cha mẹ- La hán-Bích chi-Bồ tát. Nếu có ai có thể giết hạng Nhất xiển đề, thì không rơi vào trong ba loại giết hại này. Ví như đào đất – cắt cỏ-chặt cây, chém dứt xác chết thì không có tội báo, Xiển đề cũng như vậy (nghĩa là không có tội nặng chứ không phải không có khổ báo nhẹ).

Thứ hai dựa theo tâm mà nói, kết thành tội là do tâm, nghiệp có nặng nhẹ, nếu sân hận nặng nề thì tội nặng, sân hận bình thường thì tội nhẹ. Vì vậy trong Thành Luận nói: “Hoặc vì sự việc sâu nặng cho nên có báo ứng chắc chắn. Như đối với Phật và đệ tử Phật, nếu cúng dường hoặc không cúng dường, nếu tâm khinh thường phỉ báng, hoặc vì tâm sâu nặng cho nên có báo ứng chắc chắn. Như người dùng chất độc nồng đượm giết hại sâu kiến, nặng hơn tâm sơ suất giết người. Nếu tâm không sân hận, thì tuy giết hại cảnh giới hạng thượng cho đến cha mẹ, mà cũng không thành phản nghịch (Từ đây về sau các tội ví dụ có nặng nhẹ, văn vừa nhiều vừa rối cho nên không thuật lại, chủng loại gần như có thể biết)”.

Lại trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Sao nói là không giết? Nếu như lúa bắp đậu mè sinh ra sâu bọ nhỏ bé, không trừ không diệt, biết ở đó có sâu bọ, bảo vệ mạng sống loài sâu bọ này, không chuyển cho người, lại không sát sanh. Nếu trong vết thương trên lưng trâu ngựa la lừa có sâu bọ sinh ra, hoặc lúc dùng nước sạch rửa vết thương này, không dùng cỏ thuốc làm hại mạng sống loài sâu bọ này, lấy lông chim chùi rửa gom những sâu bọ này lại, đặt vào trong chỗ thịt thối nát rữa ở nơi khác, khiến cho sâu bọ bảo toàn mạng sống cùng bảo vệ cho trâu ngựa la lừa này. Sợ làm hại mạng sống lại bảo vệ mạng sống sâu bọ, cho đến mối kiến, hoặc ngày hay đêm, không được buông thả hành động, tâm không nghĩ đến giết hại. Nếu chúng sanh muốn ăn sâu bọ ấy, thì lấy thức ăn thích hợp của loài ấy, để mà trao đổi, khiến cho chúng được thoát nạn”.

Phần thứ ba: QUẢ BÁO

Như luận về kinh Di Lặc Vấn nói: “Mười nghiệp đạo bất thiện, có ba loại của nó: 1- Quả của quả báo; 2- Quả của tập khí; 3- Quả tăng thượng. Quả của quả báo, nếu sanh trong địa ngục thì gọi là quả của quả báo. Quả của tập khí, nếu từ địa ngục thoát ra sanh trở lại trong loài người, dựa theo nghiệp sát sanh cho nên có quả mạng sống ngắn ngủi, dựa theo nghiệp trộm cắp cho nên quả báo không có tiền bạc sinh sống, cho đến dựa theo nghiệp tà kiến cho nên tâm ngu si tăng mạnh. Tất cả như vậy gọi là quả của tập khí”. Lại như luận Tát Bà Đa nói: “ Như Tỳ khưu Ngưu Ti thường làm trạng thái giống như trâu nhai, bởi vì đời đời sinh trong loài trâu. Như một Tỳ khưu tuy được lậu tận, mà thường dùng gương soi tự ngắm nhìn mình, bởi vì đời đời từ trong lòng dâm nữ mà đến. Như Tỳ khưu Mục Liên, tuy được thần thông mà hãy còn luôn luôn nhảy nhót đùa giỡn, bởi vì đời trước đã ở trong loài vượn khỉ mà xuất hiện”. Quả tăng thượng là dựa vào mười loại nghiệp đạo bất thiện ấy, tất cả vật bên ngoài không có khí thế gì, đó gọi là đất đai cao thấp – sương mù mưa đá- gai góc-bụi-bặm-mùi thối có nhiều rắn rít, thóc kém thì thóc nhỏ, quả kém thì quả khổ, cho đến khổ đau. Như vậy tất cả gọi là quả tăng thượng. Lại có quả tương tự, tạm thời như nghiệp giết hại, vốn làm hại chúng sanh với các loại khổ đau vô cùng, bởi vì đoạn mất mạng sống, cho nên sau sanh trong loài người phải chịu báo ứng mạng sống ngắn ngủi, do đoạn mất tánh tiếp xúc ấm áp của người khác vậy. (Những loại khác theo đây có thể biết, cũng như luận Địa trì giải thích trong thiên Thọ báo trước đây ).

Do đó trong kinh Niết- bàn nói: “Thế nào gọi là phiền não dư báo? Nếu có chúng sanh quen tiếp cận với tham dục, quả báo này chín muồi cho nên rơi vào trong địa ngục, từ địa ngục thoát ra nhận thân súc sanh, đó gọi là những loài thuộc về Bồ câu – Uyên ương – Anh vũ – Thanh tước – cá-rùa-vượn-khỉ-hươu-nai… Nếu được làm thân người thì nhận chịu hình dáng Hoàng môn – người nữ có hai căn – dâm nữ không có căn. Nếu được xuất gia thì phạm vào trọng giới thứ nhất, đây gọi là dư báo. Nếu có chúng sanh vì tâm sâu nặng quen tiếp cận với sân hận, khi quả báo này chín muồi thì rơi vào địa ngục, từ địa ngục thoát ra nhận chịu thân súc sanh, đó là rắn độc có đủ bốn loại độc: 1- Trông thấy độc; 2- Chạm vào độc; 3- Cắn vào độc; – Chích vào độc, là các loài thuộc hổ lang sư tử gấu báo sói chồn diều hâu cú vọ. Nếu được làm thân người thì có đủ mười hai loại luật nghi. Nếu được xuất gia thì phạm vào trong giới thứ hai, đây gọi là dư báo. Nếu có chúng sanh quen tiếp cận với sự ngu si, lúc quả báo này chín muồi thì tơi vào địa ngục, từ địa ngục thoát ra nhận chịu thân súc sanh, đó là hình dáng các loài voi heo trâu dê bọ chét rận ruồi muỗi mối kiến … Nếu được làm thân người thì đui điếc câm ngọng ốm yếu gù lưng, các căn hoàn chỉnh không có thể thọ nhận giáo pháp. Nếu được xuất gia thì các căn ám độn, thường phạm vào trọng giới thứ ba, đây gọi là dư báo. Nếu có người tu tập mà kiêu mạn, lúc quả báo này chín muồi thì rơi vào địa ngục, từ địa ngục thoát ra nhận chịu thân súc sanh đó là các loài giòi bọ trong phẩn giải – la lừa ngựa chó… Nếu sanh trong loài người thì có lúc nhận thân của hạng nô tỳ, bần cùng phải xin ăn; hoặc được xuất gia, thường bị mọi người khinh rẻ, thường phạm vào trong giới thứ tư, đây gọi là dư báo”. Nghi Sử thì đại ý giống như Si, không cần phải thuật lại riêng biệt, cũng gọi là báo ứng của năm độn Sử.

Lại trong Kinh Bồ tát nói: “Lại nữa, này Trưởng giả! Ta quán xét thế gian, tất cả các chúng sanh, bởi vì mười loại nghiệp đạo bất thiện, mà luôn luôn tạo thành nơi chốn vững chắc trong tà đạo, phần nhiều rơi vào nẻo ác. Những gì là mười loại? Đó là: 1- Đoạt lấy mạng sống; 2- Không cho mà lấy; 3- Dâm không chính đáng; – Nói lời xằng bậy; – Nói lời chia rẽ; 6- Nói lời thô lỗ; 7- Nói lời thêu dệt; – Tham đắm; 9- Sân giận; 10- Tà kiến. Này Trưởng giả! Ta thấy chúng sanh bởi vì mười loại nghiệp bất thiện này, cho nên đi theo tà đạo, nhiều đam mê và nhiều đích đến, phần lớn rơi vào đường ác. Bởi vì mong muốn chứng được A nậu Bồ đề cần phải vượt ra tất cả những loại tà đạo, dùng tâm tin tưởng trong sáng, rời bỏ gia đình họ Thích, hướng về đạo Vô thượng cao cả”.

Lại trong luận Trí Độ nói: “Đức Phật bảo với Ưu bà tắc Nan Đề Ca: Sát sanh có mười tội lỗi. Những gì là mười tội lỗi? Đó là: 1- Tâm thường ôm ấp độc hại đời đời không dứt; 2- Chúng sanh căm ghét mặt không ưa thấy; 3- Thường ôm ấp ý niệm độc ác suy nghĩ về việc xấu ác; – Chúng sanh sợ hãi như trông thấy cọp beo rắc độc; – Lúc ngủ thì tâm sợ hãi lúc thức cũng không yên lành; 6- Thường có ác mộng; 7- Lúc mạng chung điên cuồng sợ hãi nên chết rất dữ dằn; – Gieo nhân duyên cho nghiệp mạng sống ngắn ngủi; 9- Thân mạng đến lúc kết thúc rơi vào địa ngục Nê lê; 10- Nếu sinh ra làm người thì thường chịu báo ứng mạng sống ngắn ngủi.

Như Đức Phật thuyết về hành động không cho mà lấy có mười tội lỗi. Những gì là mười tội lỗi? Đó là: 1- Người chủ đồ vật thường tức giận; 2- Người lạ nghi ngờ; 3- Không phải lúc không phải nơi mà làm việc không suy tính; 4- Người xấu ác kết làm bạn mà người hiền thiện lánh xa; 5- Phá hoại tướng tốt lành; 6- Đắc tội với quan binh luật pháp; 7- Của cải tài sản tịch thu đưa vào công quỹ; 8- Gieo nhân duyên của nghiệp bần cùng; 9- Chết rơi vào địa ngục; 10- Nếu sinh ra làm người, chịu khó chịu khổ cầu mong tiền của nhưng bị mọi người lấy làm của chung, hoặc vua quan hoặc giặc cướp, hoặc nước cuốn hoặc lửa cháy, hoặc không có con cái yêu thương sử dụng, cho đến chôn giấu cũng như vậy.

Như Đức Phật thuyết về hành động dâm không chính đáng có mười tội lỗi. Những gì là mười tội lỗi? Đó là: 1- Thường bị người chồng của đối tượng đã dâm bất chính muốn làm tổn hại; 2- Vợ chồng không hòa thuận thường cùng đấu đá với nhau; 3- Các pháp bất thiện càng ngày càng thâm nhiều, đối với các pháp thiện thì càng ngày càng rút giảm; 4- Không giữ gìn thân mạng để cho vợ con chịu cảnh cô quạnh; 5- Tài sản hao hụt từng ngày; 6- Có những sự việc xấu xa thường bị mọi người ngờ vực; 7- Thân thuộc quen biết vốn không yêu thích gặp gỡ; 8- Gieo nhân duyên của nghiệp oán thù; 9- Thân mạng đến lúc kết thúc chết đi rơi vào địa ngục; 10- Nếu sinh ra làm thân nữ thì nhiều người cùng chung một chồng; nếu làm thân nam thì vợ không trinh tiết trong sáng. Các loại nhân duyên như vậy mà không gây ra thì gọi là không tà dâm.

Như Đức Phật thuyết về lời nói xằng bậy có mười tội lỗi. Những gì là mười tội lỗi? Đó là: 1- Hơi thở thường hôi thối; 2- Thiện thần lánh xa mà loài phi nhân được dịp thuận lợi; 3- Tuy có nói lời chân thật mà mọi người không tin nhận; 4- Người trí bàn luận thường không được tham dự; 5- Thường bị phỉ báng, tiếng tăm xấu xa nghe đồn khắp thiên hạ; 6- Mọi người không tôn trọng, tuy có chỉ bày khuyên nhủ mà người ta không tiếp nhận sử dụng; 7- Thường gặp nhiều điều lo buồn; 8- Gieo nhân duyên của nghiệp phỉ báng; 9- Đến lúc thân mạng chấm dứt sẽ rơi vào địa ngục; 10- Nếu sinh ra làm người thì thường bị phỉ báng. Các loại như vậy không làm thì trở thành không nói lời xằng bậy, gọi là thiện luật nghi.

Như Đức Phật thuyết về uống rượu thì có ba mươi sáu lỗi lầm (đầy đủ như trong phần năm giới sau này sẽ nói). Bốn tội như vậy không làm là thân luật nghi, không nói lời xằng bậy là khẩu thiện luật nghi, gọi là năm giới luật nghi”.

Lại trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt nói: “Lại có mười nghiệp, luôn luôn làm cho chúng sanh phải chịu ác báo khác. Nếu có chúng sanh, đối với mười ác nghiệp vốn có nhiều thói quen hành động, cảm báo đồ vật ngoài thân thảy đều thiếu thốn. Những gì là mười ác nghiệp? Đó là: 1- Bởi vì nghiệp sát sanh ấy, khiến cho các báo ứng bên ngoài như đất đai chua phèn muối mặn cỏ cây không có sức sống; 2- Bởi vì nghiệp trộm cướp ấy, cảm báo các loại sương độc mưa đá sâu bọ phá hoại bên ngoài khiến cho đời người đói kém; 3- Bởi vì nghiệp tà dâm ấy, cảm báo gió mưa xấu ác cùng mọi thứ bụi bặm nhiễm ô; 4- Bởi vì nghiệp vọng ngữ ấy, cảm báo mọi vật bên ngoài sanh ra đều bị thối tha dơ bẩn; 5- Bởi vì nghiệp lưỡng thiệt ấy, cảm báo đất đai bên ngoài cao thất không bằng phẳng, núi đồi gò nống nhấp nhô san sát; 6- Bởi vì nghiệp ác khẩu ấy, cảm báo bên ngoài sanh ra mọi vật xấu ác thô nhám như gạch đá đất cát không thể xúc chạm gần gũi; 7- Bởi vì nghiệp ỷ ngữ ấy, khiến cho mọi nơi sinh ra cỏ cây rừng rậm cành nhánh gai góc um tùm;8- Bởi vì nghiệp tham lam ấy, cảm báo bên ngoài sanh ra các loại mầm giống hoa màu quả hạt nhỏ bé; 9- Bởi vì nghiệp sân giận ấy, khiến cho các loại cây cối quả hạt đắng chát vô cùng; 10- Bởi vì nghiệp tà kiến ấy, cảm báo bên ngoài sanh ra gặp các loại giống mà hoa màu không hạt, thu hoạch rất ít. Mười nghiệp như vậy phải nhận chịu báo ứng xấu ác bên ngoài”.

Phần thứ tư: SÁT SANH

Phần này có 2 mục tách biệt: Thuật ý và dẫn chứng.

Thứ nhất: Thuật Ý

Nhận chịu thân hình sáu nẻo, không nẻo nào không lưu luyến mà tham sống; tiếp nhận tính khí âm dương, ngay cả loài nhỏ bé mà cũng sợ chết. Tuy rằng lên xuống vạn bậc – ngu trí ngàn loại, mà còn trách khổ cầu vui – tình này đâu khác? Vì lẽ đó chim muông kinh hãi bay vào án thư, giống như xin vua Ngụy cứu mạng; thú vật cùng đường tìm đến am trranh, chính là cầu sống với họ Âu. Hán Vương bỏ mồi câu, liền cảm ứng minh châu đền đáp; Dương Bảo cúng dường hoa, thì dẫn đến vòng bạc đáp trả. Ngay cả Sa di cứu bầy kiến được thọ mạng sống lâu, Lưu Thủy giúp đàn cá trời tung xuống châu báu. Tương tự như vậy, làm sao kể hết. Há cho phép phóng túng quá mức như vậy, cung cấp thì có chờ đợi, cắt đứt khí mạng người khác – đoạn tuyệt ấm thân của họ, tức thì khiến cho ôm khổ đến cuối cùng ngậm đau thương muôn kiếp. Đất bằng tuy rộng mà không nơi nào lẩn tránh được, trời xanh đã cao lại không biết bày tỏ thế nào! Vì vậy trong Kinh nói: “Tất cả đều sợ hãi dao gậy, không loài nào không yêu mạng sống, suy mình có thể làm ví dụ, đừng giết đừng vung dao múa gậy”. Nhưng phàm tục điên đảo tà kiến vô minh, hoặc vì lành dữ chung riêng cúng tế, chiêu đãi khách bạn quản lý nhà bếp, giết mổ máu hầm thân xác của nhiều loại, cung cấp muốn làm bữa cơm đãi mọi người. Hoặc là năm tháng vút qua công việc rỗi rãi, bầu trời ảm đạm mà giăng mờ sương, đồng hoang chói chang mà đốt mọi nơi, thế là cưỡi ngựa lao nhanh theo gió, ôm chim ưng giỏi vút bay như chớp kiếm thì lớn mà thiếu người dám làm, cung thì đen mà gọi nhiều người kém, tức thì dốc sức tụ học mọi nơi vây chặt rừng rậm kia, lật nhào hang ở cư trú phá toang chỗ ở mọi loài, lưới giăng kéo dài đồng trống, cạm bẫy đặt khắp núi non. Hoặc trước đầy lưới giăng sau người chặn lại, bên trái chặn đánh bên phải chém chặt, bụi đất mịt mù – khói lửa ngút trời. Liền khiến cho chim muông mất bạn mà kinh hãi bay xa, thú vật lìa tàn mà chạy trốn khắp nơi, chim nhạn nghe cung mà đua nhau rơi xuống, vượn khỉ ôm cây mà rên rỉ đau thương. Không có loài nào không đứng trước vực sâu nguy hiểm mà kêu gào đau xót, đối diện rừng rậm cao to mà gào thét tuyệt vọng, ngay sau đó mũi tên không tùy tiện bắn ra, cung nỏ không bật tên vô ích, xuyên nách thâu ngực lìa đầu vơi óc. Hoặc lại buông câu nơi bãi đục rải mồi ở đầm trong, học câu cá chép ở bến sông, cùng bắn cá mắc cạn đáy giếng, vảy đó đã mắc vào, không làm sao có thể chờ tin tức, tâm tánh đã xa với, mãi không còn điềm lành bước lên thuyết, mịt mù hình hài muôn dặm, có hối hận mà vô ích. Hoặc lại Hiểm Doãn – Khổng Xí, Nghi Thân – Bạc Phạt, vùng sát biên giới Kiền Lưu, tôn thì tư chất Thần Vũ; tuy là Hiền Thánh – Đế Chủ, hãy còn dấy động can qua, Triết Hậu – Minh Quân, hãy còn cần phải chinh phạt. Vì lẽ đó hạng thô lậu lên cao, mới bám lấy danh vọng hão huyền, bậc vui thú đồng hoang, mới xứng với đức hạnh lớn lao. Trong đó có người giúp đỡ rất nhiều mà ỷ thế làm bậy, có người đưa ra ít thôi mà tiến vào sâu sắc, phá tan Tào Công tại xích Bích, diệt trừ Hạng Đế ở Ô Giang, treo đầu Vương Mãng ở đài cao, bêu xác Đổng Trác tại phố chợ, tất cả đều là hạng anh hùng trong chốc lát, bậc uy vũ lúc bấy giờ. Những hạng như vậy, không đáng để nghi nhớ, không kẻ nào không chất xương thành núi – máu chảy thành sông. Nay thì Vương Sư vang như sấm dậy quét sạch loài yêu nghịch, gương binh giúp đỡ tiết tháo làm yên ổn mọi nơi, đã dự định đi trước được nhờ vào lực lượng dự trữ, dưới cờ mây lẽ nào dám tự ngồi yên, giữa đao sương tin chắc rằng nhiều nguy hiểm, cho nên bỏ dao rập đầu buông giáo xin tha mạng. Tội lỗi như vậy không thể nào kể hết. Tất cả chúng sanh đều có xâm hại lẩn nhau, kết thành oán thù hiềm khích, mang nợ hình hài mạng sống, hoặc gây nhân của mạng sống ngắn ngủi, thì chịu quả của nhiều thứ tật bệnh. Nguyện từ hôm nay vĩnh viễn chấm dứt nối tiếp theo nhau, tận cùng thời gian vị lai làm quyến thuộc Bồ đề, không làm hỏng duyên rốt cùng bạn đến Pháp Thành.

Thứ hai: Dẫn Chứng

Như luật Tỳ Nại Da nói: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, trong nước Xá vệ có một Bà-la-môn, thường xuyên cúng dường Ca Lưu Đà Di. Bà-la-môn ấy chỉ có một người con, lớn lên rồi lấy vợ. Lúc Bà-lamôn lâm chung căn dặn con: Sau khi cha mất, con đối đãi với Tôn giả Ca Lưu Đà Di, như cha bây giờ, đừng khiến cho có điều gì thiếu hụt. Sau khi cha mẹ qua đời, người con vâng theo cha mẹ dạy bảo vẫn tiếp tục cúng dường Ca Lưu Đà Di, giống như ngày cha còn sống, không có gì sai khác. Sau đó vào lúc khác con trai Bà-la-môn đi ra ngoài không ở nhà, dặn dò vợ cúng dường như vậy. Ngày đó lại có năm trăm tên giặc, trong đám giặc có một tên giặc mặt mày đoan chánh, người vợ từ xa trông thấy, cho người gọi đến, tiện dịp cùng nhau thông dâm. Ca Lưu Đà Di nhiều lần đi đến nhà ấy, người vợ sợ Sa môn tiết lộ chuyện này, sau đó cùng tên giặc ấy tìm cách giết chết. Vua Ba Tư Nặc nghe tin Tôn giả Ca Lưu Đà Di bị kẻ giặc giết hại, nhà vua nhớ Tôn giả mà lòng tức giận huồn phiền, lập tức sai chém đầu gia đình Bà-la-môn, và giết hại mười tám gia đình khác ở xung quanh đó, bắt năm trăm tên giặc chém đứt tay chân ném vào trong hào thành. Tỳ khưu trông thấy rồi bèn thưa với Đức Phật rằng: Ca Lưu Đà Di vốn tạo ra ác nghiệp gì, mà bị vợ của Bà-la-môn giết hại như vậy? Đức Phật bảo với Tỳ khưu: Ca Lưu Đà Di, từ quá khứ xưa kia làm chủ cúng tế đền thờ Đại Thiên, có năm trăm người dẫn đến một con dê, chặt lìa bốn chân mang đến cúng tế trời đất, mà cùng nhau cầu xin mong ước. Chủ cúng tế có được con dê rồi lập tức giết chết. Bởi vì giết chết con dê cho nên đọa vào địa ngục nhận chịu vô lượng khổ đau. Chủ tế trơpì xưa kia nay chính là Ca Lưu Đà Di, tuy đạt được quả vị La hán nhưng ương họa còn lại chưa sạch, nay phải nhận quả báo này. Con dê lúc ấy nay chính là vợ của Bà-la-môn, năm trăm người chặt lìa chân dê xưa kia chính là năm trăm kẻ giặc bị nhà vua chặt đứt tay chân hôm nay. Đức Phật bảo với Tỳ khưu: Nếu người giết hại, thì quả báo phải nhận chịu không bao giờ sai lạc”.

Lại trong kinh Hiền Ngu nói: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả, tên là Lê Kì Di, có bảy người con trai, đều đã lập gia thất. Vợ người con trai út tên là Tỳ Xá Ly, là người rất có tài đức trí tuệ, không có việc gì không biết. Lúc ấy Lê Kì Di đem gia nghiệp của mình giao phó tất cả cho nàng dâu út. Bởi vì tài đức trí tuệ ấy, vua Ba Tư Nặc tôn trọng giữ lễ làm em gái. Lúc mang thai, đầy tháng thì sanh ra ba mươi hai quả trứng, trong một quả trứng ấy xuất hiện một bé trai dung mạo đoan chánh mạnh khỏe vô cùng, sức của một người địch lại ngàn người, lớn lên thành lập gia thất, đều là con gái của gia đình tài đức trong nước này. Lúc ấy Tỳ Xá Ly, thỉnh Đức Phật và chúng Tăng đến nhà cúng dường. Đức Phật thuyết pháp cho nghe, cả nhà đều đạt được quả vị Tu đà hoàn, chỉ riêng cậu con trai út là chưa đạt được dấu tích của đạo, cưỡi voi ra ngoài dạo chơi, gặp con trai quan phụ tướng ngồi xe đi trên cầu, liền tóm lấy nén vào giữa hào nước dưới cầu, làm cho thân thể bị tổn thương. Con trai quan phụ tướng đem chuyện nói với cha mình, quan phụ tướng bảo với con trai rằng: Người ta sức mạnh vô cùng, lại là thân tộc của Quốc Vương, khó mà tranh hơn thua với họ, hãy nghĩ cách bí mật trả thù. Thế là dùng bảy báu làm ba mươi hai chiếc roi ngựa, làm dao toàn thép cứng đặt vào trong trong roi ngựa, tặng cho mỗi người một chiếc. Mọi người yêu thích lắm và vui vẻ nhận lấy, luôn luôn nắm trong tay ra vào gặp gỡ nhà vua. Phép nước thì tiếp kiến nhà vua theo lễ nghi không được mang dao, quan phụ tướng thấy nhận lấy thì đến nơi nhà vua gièm siểm: Con của Tỳ Xá Ly, tuổi trẻ sức mạnh vô cùng. Một người bằng cả ngàn người, nay ôm lòng phản nghịch tìm cách muốn giết hại nhà vua, tất cả đều làm dao sắc giấu trong roi ngựa, sự việc quả nhiên rõ ràng rồi. nhà vua liền lấy xem đúng như lời đã nói, ý nhà vua cho là thật như vậy, tất cả đều bị giết. Giết rồi thì lấy ba mươi hai cái đầu, xếp vào một cái hòm, niêm phong kỹ càng chuyển đến cho cô em gái. Ngày hôm ấy Tỳ Xá Ly thỉnh Đức Phật và chúng Tăng , cúng dường ngay tại nhà, thấy nhà vua chuyển hòm niêm phong đến, nói là nhà vua giúp đỡ cho mình cúng dường, liền muốn mở ra xem. Đức Phật ngăn lại không cho, đợi chúng Tăng dùng cơm xong hãy tính. Bữa cơm đã xong, Đức Phật thuyết pháp cho nghe về Vô thường-Khổ-Không … Lúc ấy Tỳ Xá Ly đạt được quả vị A-na-hàm. Sau khi Đức Phật rời nhà thì Tỳ Xá Ly mở hòm ra trông thấy ba mươi hai cái đầu của con mình, do đoạn trừ dục ái cho nên không đến nỗi buồn phiền, chỉ nói rằng: Đau khổ thay xót thương thay, người sinh ra có chết đi không thể lâu dài được, rong ruổi trong năm đường sao tự làm khổ mình như vậy! Vợ của ba mươi hai người con và gia đình họ hàng, nghe sự việc phi lý như vậy buồn phiền nói to lên rằng: Đại Vương vô đạo, giết oan người lương thiện. Thế là cùng tập trung binh mã muốn kéo đến báo thù. Lúc ấy nhà vua lo sợ chạy đến chỗ Đức Phật, mọi người dẫn quân lính vây quanh tịnh xá Kỳ Hoàn. A-nan được biết nhà vua giết ba mươi hai người con của Tỳ Xá Ly, họ hàng nhà vợ muốn bao thù cho họ, nên chắp tay thưa hỏi Đức Phật: Có nhân duyên gì mà ba mươi hai người con bị nhà vua giết hại? Đức Phật bảo với A-nan: chính là quá khứ trước kia có ba mươi hai người, trộm của người ta một con trâu cùng nhau dẫn đi đến nhà một bà cụ, muốn cùng giết thịt, bà cụ vui vẻ lo giúp đồ dùng giết mổ. Lúc ra tay giết thì con trâu quỳ xuống cầu xin tha mạng, ý mọi người đang hăng nên tức khắc giết trâu. Con trâu chết mà thề rằng: Nay các người giết tôi, trong đời tương lai tôi không bao giờ tha cho các ông. Trâu chết rồi cùng nhau làm thịt ăn, bà cụ ăn no vui vẻ nói rằng: Từ trước tới nay khách xa đến dừng chân, không có lúc nào như hôm nay. Đức Phật bảo với A-nan: Con trâu lúc ấy nay chính là vua Ba Tư Nặc; những người trộm trâu lúc ấy nay chính là ba mươi hai người con của Tỳ Xá Ly; bà cụ lúc ấy nay chính là Tỳ Xá Ly. Bởi vì giết trâu, cho nên trong năm trăm đời thường bị giết hại; bà cụ vui vẻ với họ, trong năm trăm đời thường làm mẹ cho họ, lúc con mình bị giết hại thì lòng dạ vô cùng xót xa phiền muộn, nay được gặp Ta cho nên đạt được quả vi A-na-hàm. Họ hàng của những người vợ nghe Đức Phật giảng giải, tâm hận thù liền chấm dứt, tất cả đều nói rằng: Người này tự gieo nhân nay phải nhận chịu quả báo của mình, bởi vì giết một con trâu mà nay còn như vậy, huống gì là nhiều con? Vua Ba Tư Nặc là vua của chúng ta, tại sao ôm lòng oán hận mà muốn giết hại? Liền đến trước nhà vua cầu xin sám hối. Nhà vua cũng thoải mái thư thả không hỏi gì đến tội của họ. A-nan thưa với Đức Phật: Lại tu phước gì mà cao quý mạnh khỏe và được gặp Phật đắc đạo. Đức Phật bảo với A-nan: Quá khứ lâu xa vào thời Đức Phật Ca Diếp, có một bà cụ gom tất cả các loại hương, lấy dầu trộn lại, muốn đi đến xoa lên tháp Phật, giữa đường gặp ba mươi hai người, nhân đó khuyến khích họ cùng đi đến xoa hương vào tháp, xoa tháp xong phát nguyện: Sanh ra những nơi tôn quý giàu có, luôn luôn làm mẹ con, được gặp Phật mà đắc đạo. Từ đó đến nay trong năm trăm đời luôn luôn được tôn quý, thường làm mẹ con với nhau, nay được gặp Phật cho nên đều đạt được dấu tích của đạo”.

Chánh báo tụng rằng:

Vui cười giết hại mạng người ta,
Vào địa ngục gào thét đau thương,
Dơ bẩn và nước nóng rực,
Rót trên than liên tục không ngừng,
Tránh lưỡi dao chạy vào ngọn lửa,
Tan xương nát thịt khổ vô cùng,
Muôn đời nhận chịu vô số khổ,
Thương tâm không thể nào nghi hết.

Tập báo tụng rằng:

Sát sanh đi vào nẻo dữ,
Nhận chịu đau khổ ba đường xong,
Được sanh trở lại giữa loài người,
Mạng ngắn nhiều tật bệnh buồn lo,
Dịch bệnh triền miên thật khốn khổ,
Mạng ngắn thường chìm trong sanh tử,
Nếu người có trí tuệ tình thương,
Giết hại sao đành buông thả tâm?

Nhân duyên cảm ứng.

Sơ lược dẫn ra mười bảy điềm ứng nghiệm: 1- Phủ quân tướng quân Lưu Nghị thời Tống; 2- Thời Lương có người dùng lòng trắng trứng gà gội tóc; 3- Thời Lương có người bán lươn làm nghề sinh sống; 4- Thời Lương có người khách ăn thịt nướng; 5- Thời Lương có người giết trâu buộc dưới cột chùa; 6- Thời Lương có Bộ Khúc chặt tay kẻ trộm cắp; 7- Thời Tề có người giết trâu ăn thịt mà chết; 8- Thời tề có người đánh cá bị cá cắn; 9- Thời Đường có Ân An Nhân giữ khách giết con lừa làm thịt; 10 – Thời Đường có Dộ dốc Tán Công Đậu Quỹ thích giết hại; 11- Thời Đường có Phan Quả giết dê lưỡi bị co lại; 12- Thời Đường có Hạ Duyệt Vĩnh Hưng buộc chặt lưỡi trâu làm dứt sinh con câm ngọng; 13- Thời Đường có Quả Nghị Hiếu Chính giết ong; 14- Thời Đường có người bị kẻ thù làm hại; 15- Thời Đường có Tề Thổ Vọng thiêu cháy con gà; 16- Thời Đường có Phong Nguyên tắc ăn trộm dê giết thịt; 17- Thời Đường có người ở trong quán bên đường phía Tây tại Kinh thành giết dê.

1/ Thời Tống Cao Tổ sau khi dẹp yên Hoàn Huyền, chọn Lưu Nghị làm Phủ quân tướng quân Thứ sử Kinh Châu, đến Kinh Châu liền bắt Tăng chủ ở chùa Ngưu Mục, nói rằng: Che giấu con nhà họ Hoàn Hộ làm Sa di. Vì thế mà giết hại vị Đạo nhân, đêm sau mộng thấy vị Tăng này đến nói: Tại sao ông lại giết oan bần đạo, bần đạo đã trình bày với Thiên Đế, sợ rằng ông cũng không sống được lâu. Vì vậy liền mắc bệnh bò ăn, ngày càng gầy yếu. Lúc đang lên đường về Dương Đô, có nhiều người cạnh tranh xâm phạm làm nhục quan Tể phụ, Tống Cao Tổ nhân đó sai người đánh dẹp. Lưu Nghị that bại tro đêm tối một mình cưỡi ngựa phá vòng vây tìm đến chùa Ngưu Mục. Tăng thưa với Phủ quân: Trước đây giết oan thầy tôi và Đạo nhân chúng tôi, đương nhiên không chấp gì đến lý thù oán, nhưng đâu thích hợp để đến chỗ này, thầy tôi mất đi nhiều lần có linh nghiệm bảo rằng: Thiên Đế sẽ bắt Phủ quân giết chết tại chùa. Lưu Nghị liền than thở, đi ra mỏm đồi sau chùa, tự thắt cổ trên cây to mà chết.

(Chuyện trên đây trích từ trong Oan Đầu Hồn Chí.)

2/ Thời nhà Lương có người, thường lấy lòng trắng trứng gà hòa với nước để gội đầu, nói là làm cho tóc sáng bóng. Mỗi khi gội đầu thì đạp vỡ hai mươi, ba mươi quả trứng. Lúc lâm chung chỉ nghe trong đầu tóc phát ra tiếng chiếp chiếp của hàng ngàn con gà con.

3/ Thời nhà Lương ở vùng Giang Lăng có người họ Lưu, lấy việc bán lươn làm nghề sinh sống. Sau đó sanh ra một người con, đầu vốn là đầu lươn, từ cổ trở xuống mới là thân người mà thôi.

4/ Thời nhà Lương vó Vương Khắc làm quan ở quận Vĩnh Gia, có người thết tiệc mà giết dê làm thịt, khách bạn tụ hội muốn cùng nhau ăn uống. Con dê bứt dây chạy đến chỗ một người khách, quỳ trước mặt lạy hai lạy, liền chiu vào trong ác. Người khách này hoàn toàn không nói gì, hẳn nhiên không cứu giúp như sự thỉnh cầu. Lát sau mổ dê làm thịt nấu nướng, trước tiên đem đến chỗ người khách một miếng thịt nhỏ đưa vào miệng, tức thì lặn vào trong da, đi khắp nơi thân thể kêu gào khổ sở, còn tiếp tục nói nữa, liền phát ra tiếng dê kêu mà chết.

5/ Thời nhà Lương có người làm huyện lệnh, công đường huyện phủ do mình điều hành bị cháy, nương vào chùa mà ở nhờ, dân chúng mang trâu và rượu đến làm lễ huyện lệnh, đem trâu buộc vào cột trụ, gạt bỏ hình tượng tôn nghiêm sắp đặt giường ghế tủ bàn, tiếp khách ở trên nhà chính. Trước khi chưa giết thì trâu buột dây chạy, đến bậc cấp mà lạy. Huyện lệnh cười lớn, sai quân lính giết trâu làm thịt, ăn uống nó say thì nằm ngủ dưới mái hiện. Trước khi tỉnh ngủ thì cảm thấy than hình ngứa ngáy khó chịu, gãi thì ẩn vào trong ruột, vì thế trong chốc lát biến thành đại họa, qua hơn mười ngày thì chết.

6/ Thời nhà Lương có Dương Tư Đạt làm quan ở quân Tây Dương, gặp biến loạn Hầu Cảnh, lúc ấy lại hạn hán mất mùa, dân đói nên ăn trộm lúa trong ruộng, Tư Đạt sai một viên Bộ Khúc canh giữ, bắt được người ăn trộm, thì chặt cổ tay, tất cả gộp lại hơn mười người. Bộ Khúc sau đó sanh ra một bé trai, tự nhiên không có tay.

7/ Thời nhà Tề có một người làm việc trong quan phủ, nhà rất giàu có xa xỉ, không tự tay giết trâu thì ăn thịt không ngon. Năm khoảng ba mươi tuổi mắc bệnh nặng, thấy nhiều trâu xuất hiện, toàn thân như bị dao dâm, kêu gào mà chết.

8/ Thời nhà Tề ở vùng Giang Lăng có Cao Vĩ, theo nước Ngô đi vào nước Tề, trải qua tất cả mấy năm, đến U Châu ở giữa hồ đánh bắt cá. Sau bị bệnh thì luôn luôn thấy bầy cá bu lại cắn cho đến chết.

Bảy điềm ứng nghiệm trên đây trích từ Hoằng Minh Tạp Truyện.

9/ Thời nhà Đường ở vùng Kinh Triệu có Ân An Nhân là người giàu có, xưa nay tôn thờ thì Tăng ở chùa Từ Môn. Vào năm thứ nhất thời Tùy Nghĩa Ninh mới có khách đến xin ở lại nhà ấy. Khách trộm con lừa của người ta đến nhà ấy giết thịt da lừa để lại cho nhà An Nhân. Đến năm thứ ba thời Đường Trinh Quán, An Nhân liền gặp một người ở đường đi, nói với An Nhân rằng: Truy tìm ông mãi khiến ngày mai đến, ông phải chết thôi. An Nhân sợ hãi đi thẳng đến chùa Từ Môn, ngồi trong điện Phật suốt đêm không ra ngoài. Sáng mai quả nhiên có ba người cưỡi ngựa và mấy chục người lính đi bộ, đều mang theo vũ khí đi vào chùa, từ xa trông thấy An Nhân liền gọi ra. An Nhân không trả lời mà tụng niệm càng gấp rút. Quỷ nói với nhau rằng: Hôm qua không bắt ngay, hôm nay tu phước như vậy, làm sao có thể bắt được. Vì vậy cùng nhau bỏ đi, để lại một người canh giữ. Người canh giữ nói với An Nhân rằng: Ngày trước ông giết con lừa, nay con lừa tố cáo ông, khiến chúng tôi đến bắt giữ ông mà thôi, cuối cùng cần phải đối diện với nhau, không đi nào có ích gì? An Nhân từ xa đáp rằng: Ngày trước người ta ăn trộm và tự giết con lừa, chỉ để lại tấm da cho tôi mà thôi, vốn không phải tôi giết, tại sao lại bị truy tìm? Nhờ ông trở về nói với con lừa giúp tôi, tôi vốn không giết nó, mà nay còn làm phước giúp nó, có lợi cho nó, nên bỏ xa tôi đi. Người này hứa hẹn rằng: Nếu con lừa không đồng ý, thì ngày mai tôi lại đến, nếu như con lừa đồng ý thì không đến nữa. Nói xong rồi đi ra. Ngày mai không thấy đến nữa. Thế là An Nhân làm phước cho con lừa, mà cả nhà ăn chay giữ cẩn thận hơn nữa. Lư Văn Lệ kể lại. An Nhân nay đang còn sống.

10/ Thời nhà Đường ở Lạc Châu có Đô đốc Tán Công Đậu Quỹ, tánh thích giết hại, mới làm Hành đài Bộc xạ vùng Ích Châu, đã giết nhiều tướng sĩ, còn làm hại Hành đài Thượng thư Vi Vân Khởi. Đêm mùa Đông năm thou hai thời Đường Trinh Quán, ở Lạc Châu mắc bệnh rất ngặt nghèo, bỗng nhiên tự nói rằng: Có người mang dưa đến mời ta ăn. Tả hữu thưa rằng tháng mùa Đông không có dưa. Tấn Công nói: Một mâm dưa ngon, tại sao không có vậy? Lát sau kinh hãi nhìn và nói: Không phải là dưa, toàn là đầu người, đi theo ta đòi mạng sống. Lại nói:

Giúp ta đứng dậy, gặp mặt Vi thượng thư! Nói xong mà chết.

11/ Thời nhà Đường ở chốn Kinh sư có người họ Phan tên Quả, năm chưa đến tuổi đôi mươi, vào thời Đưỡng Vũ Đức nhận chức quan nhỏ ở Đô Thủy, sau đó về nhà cùng với mấy người trẻ tuổi ra ngoài đồng ruộng dạo chơi vui đùa, đi qua giữa vùng mồ mả thấy một con dê, bị người chăn thả bỏ sót lại, đứng một mình ăn cỏ. Phan Quả nhân đó cùng với mấy người trẻ tuổi bắt được, dẫn theo về nhà. Con dê đó giữa đường kêu gào, Phan Quả sợ người nghe thấy bèn cắt bỏ lưỡi của con dê, thế là đêm đến giết dê ăn thịt. Sau đó trải qua một năm thì lưỡi của Phan Quả dần dần tiêu hết Giải thích việc quan chỉ trần thuật bằng giấy tờ, huyện lệnh Phú Bình là Trịnh Dư Khánh, nghi ngờ có điều gì gian trá không thật bèn ra lệnh há miệng nghiệm xét, mới thấy hoàn toàn không có lưỡi, cuống lưỡi chỉ bằng hạt đậu có lẽ không mất hết. Quan trên hỏi nguyên nhân thế nào, Phan Quả lấy giấy viết để trả lời đúng tình trạng vốn có. Quan trên lập tức răn dạy ra lệnh làm phước cho con dê bằng cách chép kinh Pháp Hoa. Phan Quả phát tâm tin tưởng cung kính trai giới không dứt, tu phước cho con dê. Sau trải qua một năm thì lưỡi dần dần được mọc ra, bình phục như cũ. Lại đến quan phủ trình bày giấy tờ, quan huyện sử dụng làm trong chỗ chính đáng. Dư Khánh đến năm thứ 1 thời Đường Trinh Quán làm chức Giám sát Ngự sử, tự mình đi đến trực tiếp kể lại sự việc như vậy.

(Ba chuyện trên đây trích từ Minh Báo Ký.)

12/ Trong niên hiệu Vũ Đức thời nhà Đường, ở vùng Đại Ninh – Tập Châu có người tên là Hạ Duyệt Vĩnh Hưng, vì trâu của người hàng xóm ăn phạm vào ruộng lúa của mình, thế là dùng dây thắt đứt lưỡi trâu. Sau đó Vĩnh Hưng sanh được ba người con, tất cả đều bị câm ngọng không thể nào nói năng.

13/ Thời nhà Đường ở Ưng Châu có Lục Hiếu Chính, trong niên hiệu Đường Trinh Quán làm Tả quả nghị ở phủ Hữu Vệ Tập Xuyên. Hiếu Chính vì tánh nóng nảy, quả thật là tàn hại vô cùng. Trong phủ trước đó có một bộng ong mật, phần bầy bay tụ lại ở trên cây phía Nam tòa nhà. Lúc ấy Hiếu Chính sai người di chuyển đến bộng khác. Trong lúc bầy ong đó chưa đi, Hiếu Chính Rất tức giận liền nấu một chậu nước nóng, đến nơi cây tưới vào tổ ong, tất cả bị chết hết, hầu như không sót con nào. Đến tháng năm sau, Hiếu Chính ngủ ngày tại phòng làm việc, bỗng nhiên có một con ong chích vào trong lưỡi Hiếu Chính, tức thì song to bít chặt miệng, mấy ngày sau thì chết,

14/ Thời nhà Đường ở Lũng Tây có Lý Nghĩa Diễm, trong niên hiệu Đường Trinh Quán làm Huyện úy Hoa Châu. Huyện này bỗng nhiên mất một người chẳng ai biết ở nơi đâu. Cha và anh người đó nghi ngờ một người có thù oán đã làm hại, đến huyện đường trình bày, Nghĩa Diễm điều tra không thể nào quyết định được, trong đêm cầm đuốt đi hỏi tường tận mọi nơi. Vào một đêm Nghĩa Diễm dựa vào án thì cúi đầu suy nghĩ, bất giác người chết xuất hiện, hãy còn tình trạng đang bị tổn thong và nói: Tôi bị làm hại, tên họ như vậy, bị đánh chết ném vào trong giếng ở nơi đó, quan phủ nên sớm tra tìm, không như vậy thì sợ rằng bị chuyển đi đến nơi khác không thể nào tìm kiếm được. Nghĩa Diễm liền tự mình đi đến tìm kiếm, quả nhiên như lời trình bày. Tìm đến nhà có thù oán nói rõ mới cúi đầu thừa nhận tất cả. Lúc ấy mọi người nghe thấy sự việc, không có ai không than thở kinh ngạc

15/ Thời nhà Đường có Tề Thổ Vọng là người Vũ Cường – Ngụy Châu, vào năm thứ hai mươi mốt niên hiệu Trinh Quán thì chết, trải qua bảy ngày mà sống lại, tự mình nói rằng: Sau khi mới chết bị dẫn đến gặp nhà vua, lập tức giao cho Tào Ti khác sai người điều tra xác đáng. Trải qua bốn, năm ngày tra tìm sổ bộ nói rằng: Họ tên phù hợp giống như người chết, nhưng chưa phải là chết liền. Phán quan nói với Thổ Vọng rằng: Thưở bình sinh ông thích nướng gà, nên nhận chịu tội lỗi mà quay về. Lập tức lệnh cho người đưa ra ngoài cổng, cách Tào Ti khoảng vài dặm, thì trông thấy một khu thành, nghe trong khu thành có tiếng cổ vũ tuyên truyền, Thổ Vọng vui vẻ chạy nhanh mà tiến vào, sau khi đã đi vào thì cổng thành đã đóng lại, trong đó lại không có nhà cửa, khắp nơi đều là tro nóng, Thổ Vọng ruing rời không biết tính thế nào, cháy bỏng tội chân đau khổ cùng cực. Thổ Vọng quay đầu nhìn bốn phía thì thấy cổng thành đều mở toang, thế là chạy hướng về cổng nhưng cánh cổng ấy đã đóng lại, trải qua suốt một ngày. Có người ra lệnh cho người gác cổng rằng: Mở cổng thả tội nhân hôm qua ra ngoài. Đã thoát ra ngoài, liền xin lệnh cho người đưa về. Sứ giả từ chối vì đường xa, kéo dài không chịu đưa đi, mới cầu mong có được tiền và lụa. Thổ Vọng hứa hẹn, tức thì trải qua rừng núi âm u bước đi trên gai góc, đi đến một nơi, giống như bức tường vòng quanh, trong đó có hố sâu đen ngòm, Thổ Vọng sợ hãi, sứ giả đẩy ào liền rơi vào trong hố, bất giác dần dần sống lại. Sau đó mới làm tiền giấy và lụa là các thứ như đã hứa. Sứ giả theo kỳ hạn lại đến, vợ Thổ Vọng cũng cùng trông thấy như thế.

16/ Thời nhà Đường có Phong Nguyên tắc, là người vùng Trường Sa-Bột Hải. Đến giữa niên hiệu Đường Hiển Khánh làm Thái quan quản lý cơm nước cho chùa Quang Lộc. Lúc ấy có khách ở Tây Phồn là Vu Điền Vương đến triều kiến, thức ăn chuẩn bị trước còn lại số dê, tất cả đến mấy chục con, nhà vua đều nhờ cậy Nguyên Tắc chuyển vào chùa cho Tăng, phóng sanh cầu trường thọ. Nguyên Tắc bèn trộm bớt khiến người hàng thịt giết dê nấu ăn, thâu được một số tiền. Tháng 6 mùa hạ năm thứ nhất niên hiệu Đường Long Sóc, vùng Lạc Dương mưa lớn sấm chớp đùng đùng sét đánh Nguyên Tắt chết ở giữa đường lớn ngoài cổng Tuyên Nhân, bẻ gãy cổ máu chảy lai láng. Người xem đầy đường không có ai mà không kinh ngạc.

(Năm chuyện trên đây trích từ Minh Báo Thập Di Lục.)

17/ Trong niên hiệu Đường Hiển Khánh, có người ở trong cửa hàng bên đường phía Tây thành Trường An, mới cưới vợ sanh một bé trai, ngày đầy tháng họ hàng thân thích tụ hội chúc mừng, mua được một con dê sắp giết thịt. Con dê nhiều lần hướng về người làm thịt quỳ lạy, người làm thịt báo cho trong nhà biết, lớn nhỏ trong nhà không cho là điềm kỳ lạ, liền giết dê làm thịt. Đêm thịt bỏ vào nồi nấu, người khác ham sắp xếp hành tỏi và bánh trái thức ăn, khiến sản phụ ôm con trông coi nấu thịt, ôm con đứng trước lò lửa, nồi lớn rất chắc chắn, bỗng nhiên tự vỡ toang, nồi nước nóng giội vào tro lửa bắn thẳng vào hai mẹ con. Cả mẹ lẫn con đều chết, họ hàng thân thích và người láng giềng, trông thấy cảnh tượng ấy không có ai không đau long chua xót. Tin chắc là có ứng nghiệm, há có thể không cẩn thận hay sao? Người trong cửa hàng thấy và nghe sự việc ấy, vĩnh viễn từ bỏ rượu thịt không ăn thức ăn tanh nồng.

Chuyện này giống như người trong cửa hàng đến quan phủ tự nói rõ đầu đuôi.