PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 51

 

Thiên thứ 53: THIỆN HỮU

Thiên này có 2 phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Nói đến chỗ cùng tận của lý chỉ có thiện và ác, nhưng hai phạm vi này rõ ràng mà lại dễ phân biệt, sâu xa thì có tội phước khổ vui, hiển bày thì có hiền ngu vinh nhục, thích vinh ghét nhục hướng về vui xa rời khổ, hàm thức đều nhất định giống như nhau. Nay thích vinh hoa mà không biết ngưỡng mộ hiền tài, cầu phước thiện mà không biết ngăn ngừa tai họa, ví như gieo trồng hạt lép mà mong thu hoạch được mùa, cưỡi con ngựa tồi mà mong vọt lên trên cao, cũng không mê hoặc quá hay sao? Như trí của chim thú sâu kiến, hãy còn biết nhờ gió dựa sương – mượn nhanh gần cao để thành tựu công việc của mình, sao so sánh với con người mà không nhờ cậy bạn bè để thành tựu thiện nghiệp của mình ư? Vì vậy được nhờ bạn tốt thì thân còn mà thành tựu đức hạnh, đã gần gũi bạn xấu thì thân tàn mà tiếng ác để đời. Vì vậy tông chỉ của quỹ tắc sâu xa, phát xuất từ quy phạm cao thượng; ý nghĩa của cắt gọt mài giũa, quan hệ còn do mình chọn bạn. Lại như ruồi trâu bay cao nhất trăm bước, nếu dựa vào đuôi rồng thì một lần bay cả vạn dặm, đây há không phải đã nhờ vào công của sự giúp đỡ được mau chóng; cũng giống như phàm phu chìm đắm cuối cùng hướng về không vượt quá Trời người, nếu nhờ vào uy lực của Đại Thánh, thì lên cao đến Thập Địa cùng sanh về Tịnh độ vậy.

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Niết-bàn nói: “Tỳ kheo A-nan nói một nửa phạm hạnh gọi là thiện tri thức. Đức Phật dạy: Không phải như vậy, đầy đủ phạm hạnh mới gọi là thiện tri thức”. Lại nói: “ Thiện tri thức là như pháp mà nói năng, như nói năng mà thực hành. Thế nào gọi là như pháp mà nói năng, như nói năng mà thực hành? Ấy là tự mình không giết hại sinh mạng, chỉ bày cho người không giết hại sinh mạng, cho đến tự mình thực hành theo chánh kiến, chỉ bày cho người thực hành theo chánh kiến, nếu có năng lực như vậy thì được gọi là thiện tri thức thật sự. Tự mình tu hành bồ đề, cũng luôn luôn chỉ bày cho tu hành bồ đề; bởi vì nghĩa này cho nên gọi là thiện tri thức. Tự mình luôn luôn tu hành tín giới bố thí đa văn trí tuệ, cũng luôn luôn chỉ bày cho người tu hành tín giới bố thí đa văn trí tuệ; lại bởi vì nghĩa này cho nên gọi là thiện tri thức. Thiện tri thức là vốn có thiện pháp. Thiện pháp là như thế nào? Ấy là việc đã làm không mong cầu niềm vui riêng mình, thường vì chúng sanh mà mong cầu niềm vui chung tất cả. Thấy người khác có lỗi lầm không xoi mói khuyết điểm của họ, miệng thường nói năng giải thích sự việc chỉ có thiện; bởi vì nghĩa này cho nên gọi là thiện tri thức. Này người thiện nam! Như vầng trăng giữa Trời từ ngày mồng một đến ngày mười lăm dần dần tăng trưởng, thiện tri thức là cũng lại như vậy, làm cho những người học dần dần lìa xa ác pháp để tăng trưởng thiện pháp. Này người thiện nam! Nếu có người gần gũi với thiện tri thức, ban đầu chưa có Định Tuệ giải thoát – giải thoát tri kiến, thì dần dần sẽ có; chưa được đầy đủ, thì dần dần sẽ được tăng thêm nhiều hơn”. Lại nói: “Thiện hữu nên quán sát: Người này tham dục sân hận ngu si tư giác, tại sao lại nhiều như vậy? Nếu biết là người có nhiều tham dục, thì nên nói cho họ biết về pháp quán bất tịnh; người có nhiều sân hận, thì nói cho họ biết về Từ bi; người có nhiều tư giác, thì bày cho họ biết pháp Sổ Tức; người chấp Ngã nhiều, nên phân tích cho họ biết về mười tám giới… Nghe rồi tu hành theo thứ tự đạt được bốn niệm xứ, quán sát thân-thọ-tâm-pháp, đạt được pháp quán này rồi theo thứ tự tiếp túc quán sát mười hai nhân duyên. Như vậy quán sát rồi tiếp đến đạt được Noãn pháp, từ khi đạt được Noãn pháp cho đến dần dần đạt được quả vị A la hán – Bích-chi-Phật. Quả vị Bồ-tát Đại thừa – thành tựu Phật đạo đều dựa vào đây mà phát sinh, lại không có gì nghi ngờ vướng mắc, tự lợi mình – lợi cho người, không thêm nước vào sữa, thì gọi là địa vị của Pháp sư thiện tri thức chân thật. Nếu không có đủ như vậy thì không phải là thiện tri thức, là pháp lẫn tạp không thể nương theo”. Vì vậy trong Phật Tánh Luận dẫn kệ trong kinh nói:

“Không biết-không nhận thức pháp thiện,
Bạn ác làm tổn hại chánh hạnh,
Như con nhện rơi vào trong sữa,
Thì sữa này chuyển thành chất độc.
 
Vì vậy cần phải chân thật làm lợi ích cho chúng sanh, trước tiên tự điều phục mình rồi sau đó chỉ bày cho người, không có sai lầm vì ít nghe, không có sai lầm vì bỏ thực hành, không có sai lầm vì tán loạn, không có sai làm vì khinh mạn, không có sai lầm vì điên đảo, không có sai lầm vì tham cầu, không có sai lầm vì sân hận, không có sai lầm vì tà hạnh, không có sai lầm vì chấp Ngã, không có sai lầm vì hạnh nhỏ bé; đầy đủ mười pháp này thì gọi là thiện tri thức”.

Do đó trong Trang Nghiêm Luận có kệ rằng:

“Nghe nhiều và nhìn nhận chính xác,
Giảng giải khéo léo cũng thương xót,
Bậc trượng phu này không lui sụt,
Y chỉ tốt đẹp là Bồ-tát”.

Lại trong Kinh Phật Bổn Hạnh nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế tôn lại cùng với Trưởng lão Nan-đà đi vào một tiệm bán hương liệu, thấy trong tiệm ấy có các loại hương liệu, thấy rồi liền bảo với Trưởng lão Nan-đà như vậy: Này Nan-đà! Ông hãy lấy vật đựng các loại hương liệu trong tiệm này! Lúc ấy Nan-đà liền theo lời Đức Phật dạy đi vào trong tiệm ấy lấy các loại hương liệu. Đức Phật bảo với Nan-đà: Ông làm cho chảy ra một chút và nắm giữ hương liệu trong chốc lát, sau đó đặt xuống đất. Bấy giờ Trưởng lão Nan-đà nghe Đức Phật bảo làm như vậy rồi, tay nắm hương liệu này trong chốc lát, trở lại đặt xuống mặt đất. Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với Trưởng lão Nan-đà: Nay ông hãy tự ngửi vào tay mình xem! Bấy giờ Nan-đà nghe Đức Phật dạy rồi, liền ngửi tay mình. Đức Phật bảo với Nan-đà: Ông ngửi tay như vậy có mùi như thế nào? Nan-đà thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn, tay con có mùi thơm vô cùng vi diệu. Đức Phật bảo với Nan-đà: Đúng như vậy, đúng như vậy! Nếu như người gần gũi các vị thiện tri thức, luôn luôn cùng bên nhau tùy thuận, học hỏi luyện tập, nhờ gần gũi nhau cho nên nhất định sẽ có được thanh danh vang lừng khắp nơi. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn nhân sự việc này mà thuyết kệ rằng:
 
Nếu như có người tay cầm hương Trầm thủy,
Và cầm các loại Hoắc Hương với Xạ Hương,
Cầm giữ chốc lát mùi hương tự xông ướp,
Gần gũi thân thiết thiện hữu cũng như vậy.

Lúc bấy giờ Đức Thế tôn lại thuyết kệ rằng:

Nếu người nào gần gũi với ác tri thức,
Đời hiện tại không được sanh tiếng tốt đẹp,
Chắc chắn vì gần gũi cùng với bạn xấu,
Đời vị lai cũng vào A Tỳ địa ngục;
Nếu người nào gần gũi với thiện tri thức,
Tùy thuận với những nghiệp hành giống như thế,
Tuy không chứng được lợi ích đời hiện tại,
Mà làm nhân vị lai sẽ được hết khổ”.

Lại trong Tứ Phần Luật nói: “Ý nghĩa của thân hữu, cần phải có đủ bảy pháp mới thành thân hữu. Đó là: 1. Việc khó làm có thể làm được; 2. Vật khó giúp có thể giúp được; 3. Điều khó nhẫn có thể nhẫn được; . Điều bí mật bày tỏ với nhau; . Che chở giữ gìn lẫn nhau; . Gặp khổ đau không từ bỏ; . Nghèo hèn không coi khinh. Người có thể thực hành bảy pháp như vậy, chính là thiện hữu thân thiết, nên gần gũi nương nhờ!”

Lại trong Đại Trang Nghiêm Luận, Đức Phật thuyết kệ rằng:

“Lợi ích bậc nhất là không bệnh,
Giàu có bậc nhất là biết đủ,
Thân thiết bậc nhất là bạn tốt,
Niềm vui bậc nhất là Niết-bàn”.

Lại trong Kinh Ca La Việt Lục Hương Bái nói: “Thiện tri thức thì có bốn loại: 1. Bên ngoài giống như oan gia mà bên trong tâm ý nồng hậu; 2. Ở trước người ta thẳng thắn can ngăn, ở nơi khác nói về điều tốt của họ; 3. Uẩn khúc lo lắng kinh sợ dường như vì người ta kinh sợ mà tìm cách giải quyết giùm; . Thấy người nghèo hèn tâm không bỏ rơi mà nghĩ cách muốn cho đầy đủ tốt đẹp. Thiện tri thức lại có bốn loại: 1. Bị quan lại bắt giữ mang về che giấu về sau sẽ giải quyết; 2. Có bệnh tật ốm đau tiêu hao mòn mỏi mang về nuôi dưỡng chăm sóc; 3. Tri thức qua đời lo liệu quan tài khâm liệm chu đáo; . Tri thức đã mất lại nghĩ đến gia đình của họ”.

Lại trong kinh Sanh nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Thời quá khứ lâu xa vô số đời kiếp, lúc ấy ở một đất nước xa lạ có người, bởi vì gần gũi sâu đậm với nhau nên cùng trú ngụ một nơi. Lúc ấy có người thợ săn, săn được một con hươu, muốn đem vào thành, tất cả cùng bàn bạc rằng: Chúng ta tìm cách đi theo người thợ săn xin được thịt hươu, biết ai sẽ được nhiều. Thế là cùng lên đường đi theo người thợ săn. Người thứ nhất trình bày, lời lẽ thô lỗ mà tự đại quá mức, quát rằng: Này người đàn ông, lấy cho tôi miếng thịt, tôi muốn được ăn thịt! Người thứ hai nói: Xin huynh cho miếng thịt để đệ được ăn thịt! Người thứ ba nói: Người nhân hậu đáng kính, lấy thịt giúp cho nhau, tôi nghĩ rằng được ăn thịt! Người thứ tư nói: Thân thiết sâu đậm bớt chút thịt nhưng được coi là cầu xin bố thí, tôi muốn được ăn thịt, tất cả cùng đói khát như nhau. Lúc ấy người thợ săn quán sát ngôn từ của bốn người, đều tùy theo lời họ đã nói dùng kệ trả lời họ. Trước tiên trả lời người thứ nhất rằng:

Lời nói của ông thật thô lỗ,
Tại sao phải đem thịt cho nhau,
Lời của ông như chói tai người,
Tạm thời lấy sừng thí cho ông.
Trả lời người thứ hai rằng:
Người này quả thật thân thiện thay,
Nói với tôi theo cách anh em,
Lời lẽ ấy như chung thân thể,
Nhân tiện mang cho miếng thịt đùi.

Trả lời người thứ ba rằng:

Lấy tôi làm thân thiết sâu đậm,
Thân ấy nhất định cùng hợp nhau,
Lời này thẳng thắn tốt lành thay,
Lấy thịt giúp cho ông tất cả.

Lúc ấy người thợ săn tùy theo sự suy nghĩ và lời lẽ thô lỗ – tinh tế của mỗi người, đều đem thịt chia cho, ngay lúc ấy Thiên Thần hiện thân mà làm bài tụng rằng:

Lời lẽ của những người đàn ông,
Mền mỏng do cốt cách của mình,
Vì vậy đừng nói năng thô lỗ,
Lợi- hại không lìa xa thân mình!

Bấy giờ Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Người thứ nhất nói năng thô lỗ chính là Sở Hân Thích Tử bây giờ. Người thứ hai lúc ấy nay chính là Hữu Đà Hòa Lê. Người thứ ba lúc ấy nay chính là Hắc Ưu Đà. Người thứ tư lúc ấy nay chính là A-nan. Thiên Thần thuyết kệ lúc ấy nay chính là thân Ta, lúc bấy giờ gặp nhau ngày nay cũng như vậy”.

Lại trong kinh Phật Bổn Hạnh nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Ta nhớ thời lâu xa trước kia, trong nước Ba-la-nại có một con quạ chúa, quạ chúa tên gọi là Tô phất Đa la (Thời Tùy nói là Thiện Tử) trú ngụ trong thành Ba-la-nại ấy, cùng với tám vạn con quạ chung sống hòa hợp với nhau. Quạ chúa Thiện Tử có người vợ, tên gọi là Tô phất thất lợi (Thời Tùy nói là Thiện Nữ). Lúc ấy quạ vợ cùng với quạ chúa lia hành dục mang thai, bấy giờ quạ vợ bỗng nhiên dấy lên nghĩ rằng: Nguyện cho mình có được đồ ăn thức uống thơm ngon sạch sẽ như những món ăn của vua loài người bây giờ! Nhưng mà quạ vợ kia nghĩ đến đồ ăn thức uống này, không thể nào có được cho nên trằn trọc buồn phiền thân thể tiều tụy, gầy ốm run rẩy, không tự yên ổn được. Quạ chúa thấy vậy hỏi vợ mình rằng: Nay nàng vì sao mà trằn trọc mãi trên đất thân thể tiều tụy, gầy ốm run rẩy không thể nào tự yên ổn vậy? Lúc ấy quạ vợ trả lời quạ chúa rằng: Tốt lành thay Thánh Tử, này thiếp có thai mới dấy lên nghĩ rằng: Nguyện có được đồ ăn thức uống thơm ngon sạch sẽ như những món ăn của nhà vua. Lúc ấy quạ chúa Thiện Tử nói với vợ mình rằng: Kỳ lạ thay Hiền giả, như tôi hôm nay làm sao có được đồ ăn thức uống thơm ngon như vậy, cung vua xa vời không thể nào đến được, nếu tôi đi vào nơi ấy thì cầm chắc trong tay là mất cả thân mạng. Quạ vợ lại tiếp lời quạ chúa rằng: Bây giờ Thánh Tử nếu như không thể có được đồ ăn thức uống như vậy, thì thiếp chết mất không nghi ngờ gì, ngay cả thai nhi cũng chắc chắn không sống được. Quạ chúa Thiện Tử lại nói với vợ mình rằng: Kỳ lạ thay Hiền giả, nay ngày chết của nàng chắc chắn là sắp đến, mới nghĩ đến những thứ khó có được như vậy! Quạ chúa Thiện Tử nói lời này xong, ưu sầu trầm ngâm suy nghĩ mà đứng lặng, lại dấy lên nghĩ rằng: Như ý mình thì đồ ăn thức uống thơm ngon sạch sẽ như bữa ăn của nhà vua như vậy, thật sự khó mà có được. Lúc bấy giờ trong bầy đàn của quạ chúa quả là có một con quạ, thấy quạ chúa Thiện Tử lòng dạ ưu sầu không vui mà dứng lặng, thấy sự việc này rồi đến nơi quạ chúa thưa với quạ chúa rằng: Kỳ lạ thay Thánh giả, vì sao ưu sầu suy nghĩ mà đứng lặng? Quạ chúa Thiện Tử vào lúc ấy nói hết nhân duyên sự việc trước đây. Con quạ ấy lại thưa với quạ chúa Thiện Tử rằng: Tốt lành thay Thánh Tử, đừng ưu sầu gì nữa, tôi có thể vì quạ chúa tìm những thức ăn thơm ngon như bữa ăn của nhà vua khó có được này. Lúc này quạ chúa lại nói với con quạ kia bằng lời như vậy: Tốt lành thay thiện hữu, nếu sức ông có thể giúp tôi lo liệu được việc như vậy, tôi sẽ đến đáp công đức của ông đã làm! Lúc bấy giờ con quạ ấy, từ nơi cư trú của quạ chúa, bay vút lên hư không đến cung điện của vua Phạm Đức, đậu trên một cây cách nhà bếp không xa, quan sát trong nhà bếp làm món ăn của vua Phạm Đức, có một phụ nữ chuẩn bị đầy đủ đồ ăn thức uống sắp đặt bữa cơm cho nhà vua, giờ ăn sắp đến, chỉ lấy đồ dùng bằng bạc đựng đồ ăn thức uống ấy sắp dâng lên cho nhà vua. Bấy giờ con quạ ấy từ trên cây bay xuống, đứng ở trên đầu người phụ nữ ấy mà mổ vào mũi của người này. Lúc ấy người phụ nữ kia vì sợ đau lỗ mũi, liền làm đổ thức ăn ở trên mặt đất.

Lúc bấy giờ con quạ ấy liền lấy thức ăn đó mang về cho quạ

chúa. Quạ chúa có được thức ăn rồi liền mang đến cho quạ vợ. Quạ vợ có được thức ăn rồi lập tức ăn no, thân thể an lành dần dần trở lại như trước. Bấy giờ con quạ ấy vào ngày khác nhiều lần bay đi, giành lấy thức ăn nơi đó mang về cho quạ chúa. Lúc ấy vua Phạm Đức nhiều lần trông thấy sự việc này, dấy lên nghĩ như vậy: Kỳ lạ và ngạc nhiên thay, tại sao con quạ này nhiều lần thường đến làm hỏng bữa ăn của mình, lại dùng mỏ nhọn làm tổn thương người phụ nữ của mình? Vì vậy nhà vua không thể nào nhẫn nại được chuyện này, cho nên lập tức truyền lệnh gọi thợ săn giăng lưới bắt quạ, mà nói cho biết rằng: Các khanh cấp tốc đến chỗ con quạ kia, bắt sống mang về đây! Những người thợ săn nghe nhà vua truyền lệnh xong, thưa với nhà vua rằng: Như nhà vua đã trong lệnh không dám làm trái lệnh nhà vua. Những thợ săn đi đến dùng lưới giăng bắt được con quạ này, bắt sống mang đến giao cho vua Phạm Đức. Lúc ấy vua Phạm Đức nói với con quạ ấy rằng: Tại sao gần đây ngươi nhiều lần làm hỏng thức ăn của Ta, lại dùng mỏ nhọn làm tổn thương người phụ nữ của Ta? Bấy giờ con quạ ấy nói với vua Phạm Đức rằng: Tốt lành thay Đại vương, cho phép tôi đến gần nhà vua nói sự việc như vậy làm cho nhà vua hoan hỷ! Lúc ấy vua Phạm Đức cảm thấy trong lòng vui sướng, dấy lên nghĩ như vậy: Chuyện này thật hiếm có, tại sao con quạ này có thể nói được như người? Dấy lên ý nghĩ này rồi bảo với con quạ ấy rằng: Tốt lành thay, tốt lành thay! Ngươi nhất định phải nói cho Ta ý nghĩa sự việc này khiến Ta hoan hỷ! Lúc bấy giờ con quạ qúy liền dùng kệ tụng, hướng về vua Phạm Đức mà giải thích rằng:

Đại vương nên biết trong nước Ba-la-nại,
Có một quạ chúa luôn luôn sống ở đây,
Tám vạn quạ dân chúng vây tròn xung quanh,
Tất cả đều được quạ chúa kia sắp xếp.
Vợ quạ chúa kia có những điều nhớ lại,
Tôi đến nơi Đại vương giải thích duyên ấy,
Quạ vợ đã nghĩ đến thức ăn thơm ngon,
Là những món ăn của Đại vương như vậy.
Vì thế cho nên nay tôi nhiều lần đến,
Lấy đi thức ăn thơm ngon của Đại vương,
Bây giờ vốn đỡ quạ chúa nơi ấy,
Dẫn đến gặp phải bị Đại vương bắt giữ.
Tốt lành thay chỉ mong bậc Đại Thánh Vương,
Từ bi thương xót tha cho tôi được thoát,
Tôi vốn giúp cho người vợ của quạ chúa,
Nhiều lần đến lấy thức ăn của Đại vương.
Tôi nghĩ rằng từ trước đến một đời này,
Chưa bao giờ tạo ra việc làm như vậy,
Nay vì Đại vương đã một lần truyền lệnh,
Về sau không dám tiếp tục làm thêm đâu!
 
Lúc ấy vua Phạm Đức đã nghe con quạ kia nói như vậy xong, trong lòng cảm thấy vui sướng, dấy lên nói như vậy: Việc này thật hiếm có, con người không thể nào ở bên chủ của mình có tâm yêu thương sâu nặng như con quạ này! Nói lời này xong, vua Phạm Đức bèn thuyết kệ rằng:

Nếu như có vị Đại thần nào như vậy, vị ấy xứng đáng được đền đáp sâu nặng,

Cần phải dũng mãnh giống như con quạ này, vì chủ cầu thức ăn không tiếc thân mạng.

Vua Phạm Đức thuyết kệ này xong, lại bảo với quạ rằng: Tốt lành thay loài quạ như người, từ nay trở đi thường đến nơi này lấy thức ăn thơm ngon, nếu như có người nào ngăn cản tuyệt đối không cho ngươi lấy thức ăn, thì hãy đến nói Ta biết, tự Ta cùng với ngươi để phân chia những món ăn, mà mang về vậy!

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Các ông nên biết rằng, quạ chúa ấy chính là thân Ta bây giờ. Con quạ lấy trộm thức ăn giúp chủ lúc ấy, nay chính là Tỳ kheo Ưu Đà Di. Vua Phạm Đức lúc ấy, nay chính là vua Du Đầu Đàn. Lúc ấy Tỳ kheo Ưu Đà Di, làm cho nhà vua hoan hỷ cho phép lấy thức ăn giúp Ta; nay cũng lại như vậy, khiến cho vua Tịnh Phạn trong lòng cảm thấy hoan hỷ, lại tiếp tục thay Ta mà mang thức ăn đến”.

Tụng rằng:

Gột rửa thân tắm gội đức,
Lò lửa luyện tâm kiên cố,
Ngày Xuân băng lạnh nhòa tan,
Thu sang hoa lan tàn tạ,
Gần người trí thành hiền triết,
Gần bạn ngu thêm ràng buộc,
Muốn lên cao nơi huy hoàng,
Nguyện được gieo trồng thiện duyên!

Thiên thứ 54: ÁC HỮU

Thiên này có 2 phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Nghĩ rằng Đại Thánh rủ lòng cảm hóa đích thực thâu nhiếp tâm của chúng sanh, thiện ác hai nẻo khác nhau dùng để nêu cao tông chỉ cuối cùng, thiện duyên trong sáng lên cao- ác duyên rơi xuống dưới thấp; bởi lẽ nghiệp nhân mê hoặc chưa phá tan ngục tù của Tam giới, tình chấp trần duyên không vắng lặng Ngũ dục cháy mịt mù, chìm đắm mãi trong điên đảo, trói buộc hoài giữa bốn loại sanh. Vì vậy tùy thuận tà sư tin theo ác hữu, khiến cho phiền não khó trừ loạn sử thường tăng. Tâm là ngựa dễ dàng rong ruổi- tình là vượn khó mà ngăn cấm, tu dưỡng phước thiện không hề nghe đến, tạo ra tội lỗi ngày càng tăng lên, vì vậy luân hồi sanh tử không dứt, Đại Thánh xót thương há không đau lòng?

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Bái nói: “Ác tri thức thì có bốn loại: 1. Bên trong có tâm oán hận mà bên ngoài gắng gượng làm tri thức; 2. Ở trước mặt người nói năng tốt đẹp mà sau lưng nói xấu người ta; 3. Lúc xảy ra việc cấp bách ở trước mặt người ta tỏ vẻ buồn lo đau khổ mà sau lưng hớn hở vui mừng; . Bên ngoài như thân thiết sâu đậm mà bên trong dấy lên mưu mô ác hiểm. Ác tri thức lại có bốn loại: 1. Xâm phạm đôi chút thì đùng đùng nổi giận; 2. Có nhờ vả làm gì thì không chịu làm; 3. Gặp người có chuyện cấp bách thì đi tránh người ta chẳng hề giúp đỡ; . Thấy người qua đời mặc kệ không quan tâm làm gì”.

Lại trong kinh Niết-bàn nói: “Bồ-tát Ma-ha tát, quán xét voi dữ và ác tri thức như nhau không có gì sai khá. Tại vì sao? Bởi vì đều làm hại thân mình. Bồ-tát Ma-ha tát, đối với loại voi dữ mà tâm không hề sợ hãi, đối với ác tri thức thì sanh tâm sợ hãi. Tại vì sao? Bởi vì loài voi dữ chỉ có thể làm hại đến thân chứ không thể làm hại đến tâm, mà ác tri thức vốn hủy hoại cả thân và tâm. Loại voi dữ thì chỉ làm hại một thân này, mà hạng ác tri thức thì hủy hoại vô lương thiện thân-vô lượng thiện tâm. Loại voi dữ thì chỉ phá hoại thân thể hôi thối bất tịnh này, mà hạng ác tri thức luôn luôn hủy hoại thân thanh tịnh và tâm thnh tịnh. Loại voi dữ thì có thể hủy hoại thân máu thịt này, mà hạng ác tri thức thì phá hoại Pháp thân. Bị voi dữ giết hại không đi vào 3 đường ác, bị ác hữu giết hại chắc chắn đi vào ba đường ác. Loại voi dữ thì chỉ gây ra oán hận cho thân thể, mà hạng ác tri thức thì làm cho oán hận đối với thiện pháp. Vì vậy Bồ-tát, luôn luôn phải xa lìa các hạng ác tri thức!” Lại trong kinh Tăng Nhất A-hàm, Đức Thế tôn thuyết kệ rằng:

“Không nên gần gũi ác tri thức,
Cũng không nên ngu muội làm theo,
Nên gần gũi với thiện tri thức,
Là tốt đẹp nhất trong mọi người.
Trong lòng người không có điều ác thiện,
Thói quen gần gũi ác tri thức
Sau ắt phải gieo trồng ác căn,
Hành vĩnh viễn ở trong tăm tối”.

Lại trong kinh Trung A-hàm nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Có bảy pháp oán gia mà làm thành oán gia. Thứ nhất – không muốn để cho oán gia sắc chất tôt đẹp, cho dù thường xuyên tắm gội hương quý xoa thân, nhưng bởi vì sắc chất, sân hận che phủ tâm tư mà làm thành oán gia. Thứ hai- không muốn để cho oán gia ngủ nghỉ an lành, tuy nằm giường cao gối êm phủ bằng lụa là mền mại, nhưng bởi vì buồn rầu khổ sở không bỏ, sân hận che phủ tâm tư mà làm thành oán gia. Thứ ba- không muốn để cho oán gia có được lợi ích to lớn, tuy thuận theo có được lợi ích mà không có được lợi ích, thuận theo không có được lợi ích mà lại có được lợi ích ấy, hai pháp bên này bên kia trái ngược lẫn nhau, sân hận che phủ tâm tư mà làm thành oán gia. Thứ tư- không muốn để cho oán gia có được bạn bè, nếu có bạn bè thân thiết thì xa rời đi tránh, bởi vì sân hận che phủ tâm tư mà làm thành oán gia. Thứ năm – không muốn để cho oán gia có niềm vui được ca ngợi, chỉ muốn thanh danh của họ bị bôi nhọ xấu xa đồn khắp môi nơi, bởi vì sân hận che phủ tâm tư mà làm thành oán gia. Thứ sáu- không muốn để cho oán gia có nhiều của cải, người giàu có ấy nếu như mất mát đồ vật tiền của, bởi vì sân hận che phủ tâm tư mà làm thành oán gia. Thứ bảy- không muốn để cho oán gia vào lúc thân mạng kết thúc đi nơi tốt đẹp, thân miệng ý của họ đã gây ra điều ác, lúc mạng chung ắt phải đến chỗ xấu xa, sanh trong địa ngục mà làm thành oán gia”.

Lại trong kinh Phật Bổn Hạnh nói: “Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với các Tỳ kheo rằng: Ta nhớ thời quá khứ xa xưa, ở dưới chân núi Tuyết có hai con chim hai đầu cùng chung một thân, sống ở nơi ấy, một đầu có tên gọi là Ca lâu đồ điểu, một đầu có tên là Ưu-ba-ca-lâu-đồ-điểu.

Nhưng mà hai đầu con chim ấy, nếu một đầu ngủ thì một đầu thức. Đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ có ấy có lúc ngủ say, gần đầu chim đang thức kia có một cây ăn quả, tên gọi Ma đầu ca, hoa trên cây đó rụng xuống, gió thổi đến bên đầu chim đang thức kia, đầu chim ấy lúc bấy giờ dấy lên ý nghĩ như vậy: Nay mình tuy là một mình ăn hoa này, nếu vào trong bụng thì cả hai đầu đều có được hình sắc sức lực đồng thời trừ được đói khát. Nhưng mà đầu chim đang thức kia tùy ý mình chứ không khiến đầu chim đang ngủ ấy tỉnh giấc, cũng không nói cho biết, im lặng ăn hoa ấy. Đầu chim đang ngủ ấy vào sau lúc tỉnh giấc, trong bụng no đủ nôn ọe thở ra, liền nói với đầu chim kia như vậy: Ông từ nơi nào có được đồ ăn thức uống thơm ngon vi diệu này mà ăn uống vậy, khiến thân thể tôi no đủ an lành, khiến tôi đã phát ra âm thanh vi diệu thế này? Đầu chim thức ấy trả lời rằng: Lúc ông ngủ say, nơi này cách bên đầu tôi không xa, có cây Ma Đầu Ca đang ra hoa kết trái, đang lúc ấy có một cành hoa rơi xuống ở bên đầu tôi, vào lúc bấy giờ tôi dấy lên suy nghĩ như vậy: Nay mình chỉ nên một mình ăn hoa này, nếu vào trong bụng thì cùng có được hình sắc sức lực và trừ được đói khát. Vì vậy lúc ấy tôi không khiến ông thức giấc, cũng không nói cho biết liền ăn hoa này. Bấy giờ đầu chim kia nghe nói vậy rồi, liền sanh tâm sân hận hiềm khích, dấy lên nghĩ như vậy: Đầu chim ấy đã được ăn, không nói cho mình biết, không gọi mình tỉnh giấc, tùy ý tự nhiên ăn, nếu như vậy thì từ nay về sau mình có được đồ ăn thức uống, mình cũng không gọi đều kia tỉnh ngủ – không nói cho biết. Rồi đến một lúc hai đầu chim ấy đi qua nhiều nới, bỗng nhiên gặp phải một loài hoa rất độc, đầu chim Ưu Ba Ca lâu Đồ liền dấy lên nghĩ rằng: Mình ăn loại hoa này, nguyện làm cho cả hai đầu cùng lúc nhận lấy cái chết! Lúc ấy nói với đầu chím Ca lâu Đồ kia rằng: Nay ông hãy ngủ còn tôi sẽ thức! Lúc ấy đầu chim Ca Lâu Đồ nghe đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ kia nói như vậy rồi, nhân tiện liền ngủ say. Đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ kia ăn hoa độc. Đầu chim Ca Lâu Đồ đã tỉnh ngủ rồi, nôn ọe thở dốc, ngay sau đó liền biết là có chất độc này, mà nói với đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ như vậy: Lúc ông còn thức đã ăn thức ăn độc hại gì, làm cho thân thể tôi không được yên ổn, mạng sống sắp muốn chết lại khiến cho tôi bây giờ nói năng rất khó khăn, muốn phát ra âm thanh mà chướng ngại không thông suốt được vậy? Thế là đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ trả lời đầu chim Ca Lâu Đồ rằng: Lúc ông ngủ say rồi đã ăn hoa độc, nguyện làm cho cả hai đầu cùng lúc nhận lấy cái chết. Lúc ấy đầu chim Ca Lâu Đồ nói lời Từ biệt đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ rằng: Ông đã làm một điều quá sức vội 2 vàng, tại sao lại gây ra sự việc xấu xa như vậy? Liền nói kệ rằng:

Ngày xưa vào lúc ông đang ngủ ngon giấc,
Tôi ăn hoa mùi thơm ngọt tuyệt vời.
Hoa đó gió thổi đến ở bên đầu tôi,
Ông lại sanh lòng sân hận quá như vậy!
Phàm là người si mê nguyện đừng tiếp xúc,
Cũng nguyện đừng sống chung với người si mê,
Cùng sống chung với si mê chẳng ích gì,
Tự hại mình và hại đến thân người khác.

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Các ông nếu có tâm nghi ngờ, đầu chim Ca lâu Đồ ăn hoa tốt lành lúc ấy, thì đừng dấy lên cách nhìn nào khác, mà chính là thân Ta bây giờ. Đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ ăn hoa độc lúc ấy, nay chính là Đề-bà-đạt-đa. Ta ở lúc ấy vì làm lợi ích, trở lại sinh tâm sân hận; nay cũng như vậy, Ta khuyên bảo làm điều lợi ích, trở lại lấy Ta làm kẻ oán thù”.

Lại trong kinh Phật Hổn Hạnh nói: “Bấy giờ Đức Thế tôn Đà đi vào Đô thành Ca Tỳ La Bà Tô, đi vào rồi từ từ đến một cửa hàng bán cá. Lúc bấy giờ, Đức Thế tôn thấy trong cửa hàng kia, trên sạp cỏ tranh có một trăm con cá chết nát rữa hôi thối, bỏ nơi rạp cỏ ấy. Thấy rồi bảo với Trưỡng lão Nan-đà như vậy: Này Nan-đà! Ông đến lấy một nắm cỏ tranh nơi rạp cá ấy! Nan-đà bèn thưa với Đức Phật rằng: Con sẽ làm như Đức Thế tôn dạy. Nói lời này xong liền vào dưới rạp cá nơi cửa hàng kia, rút lấy một nắm cỏ tranh hôi thối. Đã cầm lấy rồi, Đức Phật lại bảo rằng: Này Nan-đà! Nắm giữ một lúc rồi lại đặt xuống đất. Nan-đà thưa rằng: Con sẽ làm như Đức Thế tôn dạy. Thế là cầm nắm cỏ trong tay. Bấy giờ Nan-đà cầm nắm cỏ ấy, qua một lúc sau thì đặt xuống đất. Lúc bấy giờ Đức Phật lại bảo Nan-đà rằng: Ông hãy ngửi tay mình. Bấy giờ Nan-đà liền ngửi tay mình. Lúc bấy giờ Đức Phật lại bảo với Nan-đà rằng: Tay ông có mùi gì? Nan-đà thưa rằng: Thưa Đức Thế tôn, chỉ có mùi tanh hôi bất tịnh. Bấy giờ Đức Phật bảo với Trưởng lão Nan-đà: Đúng như vậy, đúng như vậy! Nếu người gần gũi với những ác tri thức, cùng làm bạn bè qua lại quan hệ với nhau, tuy trải qua một thời gian ngắn cùng tùy thuận với nhau, sau đó bởi vì ác nghiệp cùng vấy nhiễm thành thói quen, làm cho tiếng xấu đồn đãi loan xa khắp nơi. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn, bởi vì sự việc này mà thuyết kệ rằng:

Giống như từ dưới rạp cá ươn thối kia,
Đưa tay cầm lấy một nắm cỏ nơi rạp,
Tay người ấy liền hôi thối giống như cá,
Gần gũi bạn bè xấu ác cũng như vậy”.

Tụng rằng:

Thành Vương xá nguy nga sừng sững,
Vườn Linh Trúc xanh tốt sum sê,
Trong đó có thần thông biến hóa,
Khéo dẫn dụ đi vào sâu xa.
Người thiện ngưỡng mộ dạy làm phước,
Kẻ ác vui gieo chuyện oán thù,
Thiện ác lên xuống khác xa nhau,
Thơm thối hai mùi không chung lối.

Thiên thứ 55: TRẠCH GIAO (chọn bạn mà chơi).

Thiên này có 2 phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Bởi lẽ nghe rằng: Trong kinh nói đối với thiện tri thức, không được tạm thời xa lìa; đối với ác tri thức, không được gần gũi chốc lát. Nhưng thức tâm của phàm phu với như tơ trắng, tùy duyên thay đổi mà màu sắc có khác. Nhưng thức tâm của phàm phu ví như tơ trắng, tùy duyên thay đổi mà màu sắc có khác. Cảnh đến xông ướp tâm, tâm thuận cheo cảnh ấy, tâm – cảnh dựa theo nhau, thiện ác nghiệp hiện bày. Do đó biết Tam bảo đã giúp đỡ đối với hoàn cảnh là quan trọng, đức ấy đã mở rộng thì công ấy cũng thật to lớn, nguyện rời bỏ bạn bè xấu ác – thân cận với người tốt lành, không dứt khoát tự mình thực hành phải thành tựu, cũng khiến cho tâm tư u hiển đều trở về.

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như trong Tăng Kỳ Luật nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Vào đời quá khứ, mây mù che phủ lấp chặt lớp lớp từ chân núi đến tận đỉnh núi, trong đó có một nơi luôn luôn nổi lên, các loài chim tập trung lại cùng nhau bàn bạc rằng: Bây giờ chúng ta nên đưa ra một chim làm vua khiến mọi người sợ tai họa mà không làm điều phi pháp. Các loài chim bàn rằng: Biết ai xứng đáng làm vua đây? Có một con chim nói: Nên chọn chim Thượng Hộc. Có một con chim nói: Điều này không thích hợp, tại vì sao? Bởi vì chân cao cổ dài, các loài chim nếu như vi phạm thì sẽ mỗ vào đầu của chúng ta. Các loài chim đều nói đúng vậy. Lại có một con chim nói: Nên chọn chim Thiên Nga làm vua, bởi vì màu sắc thuần trắng các loài chim đều tôn kính. Các loài chim lại nói: Chim này cũng không thích hợp, dung mạo tuy trắng mà cổ dài lại cong, từ cái cổ mình không thẳng, làm sao có thể thẳng thắn với người khác, vì vậy cho nên không thích hợp. Tiếp theo các loài chim nói: Đích thực là có chim Khổng Tước, bộ lông nhiều màu rực rỡ làm đẹp mắt người nhìn thấy, có thể thích hợp làm vua. Lại nói không thích hợp, Vì sao như vậy? Bởi vì bộ lông tuy đẹp mà không có tàm quý, cứ mỗi lần đến lúc múa thì hình hài xấu xí bày rõ ra, vì vậy cho nên không thích hợp. Có một con chim nói: Chim Thổ Hiêu làm vua, vì sao như vậy? Bởi vì ban ngày thì yên lặng – ban đêm thì chịu khó quan sát bảo vệ chúng ta, chim ấy có thể làm vua. Các loài chim đều đồng ý như vậy. Có một con chim Anh vũ, cư trú ở một nơi, có nhiều trí tuệ, dấy lên ý nghĩ như vậy: Cách sinh hoạt của các loài chim thì ban đêm cần phải ngủ nghỉ, ban ngày thì đi kiếm ăn; cách sinh hoạt của chim Thổ Tiêu này, ban đêm thì không ngủ, ban ngày thì ngủ nhiều, mà các loài chim vây quanh hầu hạ hai bên, ngày đêm canh gác vốn không được ngủ nghỉ, thật là điều khốn khổ, nay giả sử mình có nói ra, thì chim kia sẽ giận dữ nhổ hết bộ lông của mình, đích thực là phải im lặng thôi. Nhưng các loài chim trải qua đêm dài chịu đựng khốn khổ, thà rằng bị nhổ lông chứ không thể bỏ qua lý lẽ chính đáng! Thế là đến trước các loài chim, giương cao đôi cánh cung kính thưa với các loài chim rằng: Nguyện nghe tôi nói, ý kiến như trước đây! Lúc bấy giờ các loài chim liền nói kệ trả lời:

Thông minh trí tuệ biết nhiều nghĩa,
Không hẳn vì tuổi tác nhiều hơn,
Tuổi ông tuy đang còn trẻ thơ,
Mà có trí hợp thời bày tỏ!

Lúc bấy giờ chim Anh Vũ nghe các loài chim nói, liền nói kệ rằng:

Nếu như thuật theo ý của tôi,
Thì không để Thổ Hiêu làm vua,
Lúc hoan hỷ nhìn thấy nét mặt,
Thường làm cho các chim sợ hãi,
Huống là lúc nóng nảy giận dữ,
Nét mặt ấy không thể nhìn được.

Lúc ấy các loài chim đều nói: Thật sự như lời đã nói! Liền cùng nhau tụ tập bàn bạc: Chim Anh vũ này thông minh trí tuệ có thể thích hợp để làm vua. Thế là cùng nhau bái làm vua các loài chim.

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Chim Thổ Hiêu lúc ấy, nay chính là Tỳ kheo Xiển Đà. Chim Anh Vũ lúc ấy, nay chính là A-nan vậy”.

Lại trong Tăng Kỳ Luật nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Như vào thời quá khứ có bầy gà, dựa vào khu rừng rậm mà cư trú, có con cáo xâm phạm ăn thịt con gà trống, chỉ có gà mái còn sống, sau đó có con quạ đến che chở, cùng ăn ở với nhau sanh được một người con, lúc ấy người con cất tiếng công khai nói kệ rằng:

Đứa trẻ này chẳng phải tôi có,
Cha ngoài đồng – mẹ nơi thôn xóm,
Cùng hợp lại sinh ra một con,
Chẳng phải quạ lại chẳng phải gà.
Nếu muốn học theo tiếng quạ kêu,
Lại chính là gà mẹ sinh ra,
Nếu muốn học theo tiếng mẹ kêu,
Thì cha lại chính là con quạ.
Học quạ tựa như tiếng gà kêu,
Học gà lại trở thành tiếng quạ,
Quạ và gà cả hai đều học,
Cả hai loại này đều không thành”.

Lại trong Trí Độ Luận nói: “tại sao bố thí lại sinh ra Thi La Bala-mật? Bồ-tát tư duy: Cúng dường không biết bố thí thì đời sau nghèo khốn, bởi vì nghèo khốn cho nên sanh tâm trộmn cướp, bởi vì trộm cướp mà có giết hại. Bởi vì nghèo khốn cho nên không đầy đủ đối với sắc chất, bởi vì sắc chất không đầy đủ mà làm điều tà hạnh. Bởi vì nghèo khốn cho nên làm người hèn mạt, hèn mạt sợ hãi người khác mà sanh ra nói dối gạt. Nghèo khốn như vậy làm đủ mười bất thiện đạo. Nếu như thực hành bố thí, thì cuộc sống có tiền bạc đồ vật không làm điều phi pháp. Tại vì sao? Bởi vì năm dục đầy đủ không hề thiếu thốn. Như Đề-bà-đạt-đa, đời trước đây từng làm một con rắn, cùng với một con cóc – một con rùa, ở trong một hồ nước, cùng kết làm bạn bè thân thiết. Sau đó hồ khô cạn đói kém khốn khổ vô cùng, không biết nơi nào mà kêu cứu. Lúc ấy con rắn sai con rùa đi gọi con cóc, con cóc nói kệ để xua đuổi con rùa rằng:

Nếu gặp nghèo khốn mà mất tâm vốn có,
Không giữ nghĩa vốn có lấy ăn làm đầu,
Ông mang lời tôi nói lại với con rắn,
Con cóc cuối cùng không thể đến gần ông!
 
Nếu tu hạnh bố thí thì đời sau có phước không hề thiếu thốn, thì có thể trì giới không làm những điều ác này; đây là bố thí luôn luôn phát sinh Thi La Ba-la-mật. Nếu có thể bố thí để phá trừ tâm keo kiệt, sau đó trì giới- nhẫn nhục… sẽ dễ dàng có thể thực hành được. Như Văn Thù Sư Lợi, ở thời kiếp lâu xa trong quá khứ xưa kia, đã từng làm Tỳ kheo, đi vào thành khất thực, có được đầy bình bát, viên thuốc hoan hỷ trăm vị tuyệt diệu. Trong thành có một đứa trẻ, đi theo mà cầu xin, không cho ngay lúc ấy, đi đến tháp Phật tự tay nắm hai viên, mà yêu cầu rằng: Nếu cậu có thể tự mình ăn một viên, lấy một viên bố thí cho Tăng, thì tôi sẽ lấy cho cậu. Lập tức đồng ý với nhau như vậy, lấy một viên thuốc hoan hỷ bố thí chúng Tăng, sau đó hướng về Văn Thù Sư Lợi cầu xin thọ giới phát tâm làm Phật”.

Tụng rằng:

Thiện-ác tự nhiên trái ngược nhau,
Sáng-tối không cùng chung một chỗ,
Thánh nhân thương xót hạng mê mờ,
Theo cơ duyên vào trong sanh tử.
Ngưỡng mộ đức loại trừ phiền não,
Cảnh giác tâm thấy được chân lý,
Chọn bạn mà chơi ác tự dừng,
Mới có bước đầu thoát khổ đau.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra 3 chuyện: 1. Sa môn Thích Siêu Đạt thời Ngụy; 2. Sa môn Thích Tăng Lãng thời Ngụy; 3. Sa môn Thích Đạo Phong thời Tề.

1. Thời nhà Ngụy ở vùng Huỳnh Dương có Sa môn Thích Siêu Đạt, không rõ người họ gì – vùng nào, hành nghiệp Tăng trong thời Nguyên Ngụy. Nhiều hiểu biết và giỏi về chú thuật, Hoàng Đế ngăn cấm sách sấm rất nghiêm ngặt, tra xét nơi ở, có người vu oan cho Diêu Đạt, bèn bắt giao cho ngụ Huỳnh Dương. Lúc ấy Ngụy Bác Lăng Công tra tìm so sánh vạch trần tội trạng đến tận cùng. Siêu đạt đem sự thật nói cho biết, Lăng Công liền đùng đùng nổi giận, lấy vành xe buộc vào cổ canh phòng rất nghiêm ngặt. Siêu Đạt tự biết mình không sống được bao lâu nữa nên dốc lòng niệm Quán Âm, đến canh Tư gần cuối đêm bỗng nhiên không thấy vành xe nữa, chỉ thấy lính gác đều ngủ mê mệt, nhân đó chạy đến nơi khác mong tìm cách trách xa. Vì bị giam cầm trong ngục đã lâu, chân thì bị cà nhắc không thể nào đi xa được. Đến sáng có bốn kỵ binh đuổi theo truy bắt, Siêu Đạt vội vàng nằm trốn trong cỏ rậm, kỵ binh lướt qua cỏ dại đều gạt xuống, đến gần sát không thấy gì. Siêu Đạt ngước lên nhìn mặt quân lính, đều dùng mặt nạ che mắt. Siêu Đạt một lòng chờ chết chỉ chí thành xưng niệm, trong đêm quân lính đi hết liền được thoát nạn.

Lại có Đạo nhân Tăng Minh, là chủ chùa Thạch Quật ở Bắc Đài. Họ Ngụy làm vua cai quản thiên hạ, đã từng nghi ngờ Sa môn làm giặc cướp, quan phủ bắt giữ mấy trăm vị Tăng, cùng giam giữ chung một nơi. Tăng Minh là người đứng đầu nên dùng dây thừng trói chặt, từ đầu đến chân, đợi Trời sáng sẽ chặt đầu. Tăng Minh vô cùng kinh hãi, dốc lòng niệm Quán Thế Âm, cho đến nửa đêm cảm thấy dây trói nới rộng một chút, trong lòng vui mừng càng tha thiết tinh thành, đến sáng thì dây trói đều đứt rời, nhờ vậy đã được thoát ra, chạy trốn vào núi sâu. Sáng sớm lính giữ ngục đến tìm không thấy mà chỉ có dây trói đứt rời còn trên đất, biết là được thần lực gia hộ, không liên can gì đến người khác có thể làm được. Liền đem sự việc thưa trình với Hoàng Đế, Hoàng Đế tin Đạo nhân không làm phản liền thả cho tất cả được về.

2. Thời nhà Ngụy ở vùng Lương Châu có Sa môn Thích Tăng Lãng. Ngụy Lỗ tiến đánh Lương Châu, vì dân chúng trong thành ít ỏi nên bắt buộc Tăng sĩ lên thành tấn công. Cả thành cùng bị vây hãm, bắt giữ Tăng leo thành tấn công có ba ngàn người. Quân lính nhà vua dẫn đến nơi chúa Ngụy, chúa Ngụy nói rằng: Là Đạo nhân thì nên ngồi thiền tu đạo, sao lại làm giặc leo thành, tội đáng chém chết, ngày mai sẽ chém đầu. Đến giờ ăn bữa sáng, có luồng khí đỏ rực mấy truợng xuyên qua mặt Trời chiếu thẳng đền, Thiên Sư xuất hiện khiêm tốn báo tin cho Hoàng đế, tâu rằng: Trên cõi Trời xuống đây chẳng có gì khác mà chính là vì Đạo nhân, thật sự không phải là tâm vốn có, quan phủ bắt ép khiến phải leo thành, mong không cần phải giết hại! Hoàng Đế liền tha cho, hãy còn phạm ra đưa vào làm các công việc nặng nhọc, chỉ riêng Tăng Lãng cùng một số Tăng khác giao cho quân lính dưới quyền cai quản, đi theo xa giá trở về phía Đông. Đến lúc quân Ngụy quay về phía Đông, Tăng Lãng cùng với đồng học nhớ về quê mình, giữa đường cùng nhau làm phãn, nhưng mà canh phòng rất nghiêm ngặt lại không biết đi về nơi nào, từ Đông sang Tây tường ngăn cách biệt chẳng biết cạn sâu. Phía trên có cây to rũ xuống bên bờ, liền dùng cán cờ buộc dây thừng trên cây thồng xuống. Lúc ấy đêm đen tối om, dưới sườn dốc toàn gai góc không có chỗ nào đặt chân được, muốn leo lên đầu sườn núi lại sợ rằng quân lính phát giác, tìm mọi cách nắm lấy dây thừng đứng lơ lửng giữa chừng, tình thế như vậy không chịu được bao lâu. Bèn cùng nhau nói rằng: Nay tai ách đến mức khốn cùng, chỉ có niệm Quán Âm, dùng đầu úp vào đá nhất tâm chuyên chú. Trong chốc lát ánh sáng từ nơi mặt Trời xuất hiện soi chiếu khắp Trời đất, mới thấy giữa gai góc có nơi xuống được. Nhờ vào ánh sáng xuống đến mặt đất lại bỗng nhiên tối mịt, mới biết là Thánh lực chứ không phải là Trời sáng. Cùng nhau vui mừng cảm động vì gặp được bình yên nên mọi người cùng một lát. Rất lâu thì Trời sáng, mới nghe quân lính báo động cho nhau, mà hang núi trùng điệp ngoằn nghèo cả vạn dặm, không biết đường nào vượt ra, đợi trăng lên mà đi. Giữa đường gặp hổ lớn xuất hiện ở phía trước, nhìn nhau mà nói: Tuy tránh được nạn tù binh mà miệng hổ khó thoát. Tăng Lãng nói với mọi người rằng: Tuy tránh được nạn tù binh mà miệng hổ khó thoát. Tăng Lãng nói với mọi người rằng: Không như các vị nói đâu, đích thực là chúng ta có cảm ứng cho nên ánh sáng hiện ra, nay gặp con hổ này, không phải là Thánh nhân chỉ đường cho chúng ta ư? Thế là hai người đi thẳng đến chỗ con hổ, con hổ liền đi về phía trước, nếu Tăng Lãng đi hơi chậm thì con hổ cũng tạm thời dừng lại. Đến sáng ra ngoài được rồi, mà con hổ thì mất dạng, liền theo đường tự mình đi tiếp, cho đến bảy ngày đến được Cừu Trì, lại đến Lương Hán ra ngoài kinh Châu, không biết cuối cùng thế nào.

3. Thời nhà Tề ở vùng Cổ Sơn – Tương Châu có Sa môn Thích Đạo Phong, không rõ người họ tộc nào, người đời gọi là hàng đắc đạo, cùng với ba người đệ tử cư trú trong vùng Cổ Sơn – Tương Châu, không mong cầu lợi dưỡng; có người nói: Những kỹ năng phép thuật luyện đan vàng trắng, chữa bệnh, xem tướng ở thế gian không có thứ gì không biết. Tề Cao Đế qua lại Tính Nghiệp, thường đến hỏi thăm, trả lời không suy nghĩ mà tùy theo sự việc nêu ra để giải đáp. Nhà vua đã từng mang rượu và thịt hầm, đạt trước mặt Đạo Phong khiến phải ăn, Đạo Phong tạm không thể khiêm tốn từ chối y của nhà vua mà ăn no. nhà vua mới cười lớn, cũng không nói gì với nhau. Sau khi xa giá đi rồi, nói với đệ từ rằng: Loại bỏ hết những vật trước giường! Thế là dọn dẹp giường ghế thấy thịt hầm và rượu trước đó đều vẫn còn, cũng không giống như các thứ đã ăn uống. Lúc ấy ở chùa Thạch Quật có một vị Tăng ngồi Thiền, cứ đến lúc mặt Trời về phía Tây thì nhìn về chóp núi phía Đông, thấy có tượng vàng trượng tám hiện ra, vị Tăng này mừng thầm nói là nhìn thấy điềm linh ứng, cứ ngày ngày lễ bái. Như vậy trải qua chừng hai tháng, sau đó nằm ngủ ở trong phòng, bỗng nhiên nghe trong chiếc gối có tiếng nói rằng: Thiên hạ lại nơi nào có Phật, nay ông thành đạo tức là Phật vậy, bây giờ sẽ được làm thân Phật đừng tư khinh thường mình! Vị Tăng này nghe rồi liền đứng dậy trịnh trọng, nhìn chúng Tăng bên cạnh giống như cỏ rác, ở trước đại chúng đưa tay chỉ ngực nói: Các ông có thể biết được Phật thật sự không, Phật gỗ-Phật vẽ trong khám thờ nói không hở môi, trí suy nghĩ như thế nào? Các ông thấy Phật thật sự mà không biết lễ kính, hãy còn làm ngày tháng để lừa dối ta, đều rơi vào A Tỳ. Nhưng đôi mắt đã đỏ lại kêu gọi thất thường, cả chùa biết là bị lạc thiền. Trước lúc chưa phát ra đã đến nơi cư trú của Đạo Phong, Đạo Phong liền nói rằng: Trong hai tháng nay ông thường thấy trên chóp núi phía Đông hiện ra tượng vàng chăng? Đáp rằng: Thật sự trông thấy. Lại nói: Ông nghe trong chiếc gối khiến làm Phật chăng? Đáp rằng: Thật sự như vậy. Đạo Phong nói” Đây là gió động làm lạc mất tâm, mà thôi, nếu không rửa trị sớm, thì chắc là bị bậy khó mà quản thúc được. Liền lấy kim khâu đâm vào ba chỗ, nhân đó không còn phát ra nữa. Đến lúc Đạo Phong sắp qua đời nói với đệ tử rằng: Ta ở lâu trong núi, các ông có công lao múc nước từ hang núi lên, nay ra đi không có gì để lại, nên giữ lại một dòng suối cho các ông, đã không vất vả cực nhọc lên cao xuống thấp thì gắng sức chịu khó tu dưỡng đạo nghiệp! Liền chỉ về một tảng đá vuông nằm gần nhà bếp, tức thì có dòng nước lơ lửng trong vắt hiện ra không thừa không thiếu; đến nay vẫn còn như vậy.

Ba chuyện trên đây trích từ Lương Cao Tăng Truyện.