PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 50

 

Thiên thứ 51: BÁO ÂN

Thiên này có 2 phần: Thuật ý, Dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Bởi vì nghe ân đức sâu dày của Tam bảo tỏa bóng mát Từ bi che phủ Tứ Sanh, cảm hóa dạy dỗ khắp mười phương bình đẳng không sai khác đều là con một, căn cơ không bé nhỏ nào mà không đến, trí tuệ có đến mà nhất định vỗ về; liền khiến cho Ưu Điền khắc hình tượng – Uất Nhĩ phát ánh sáng, Tư Nặc đúc hình hài – Siêu Nhiên tránh chỗ ngồi, từ đó về sau điềm lành linh ứng xuất hiện nhiều hơn, tiếng ca ngợi càng nồng đượm như cỏ giạt xuống theo gió. Niệm thì tội diệt phước sanh, kính thì đức lớn muôn đời. Bởi vì Như lai nuôi lớn Pháp thân cho mình – cha mẹ nuôi sống Sanh thân cho mình, đã tu dưỡng nhân tố của trường thọ, không giữ lại tính mạng của phù du, ân nghĩa sâu nặng chỉ cần phải nghĩ đến sự báo ân!

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Có bốn loại ân thật là khó báo đáp. Những gì là bốn loại? Đó là: 1. Ân mẹ; 2. Ân cha; 3. Ân Như lai; 4. Ân của Sư thuyết pháp. Nếu có ai cúng dường bốn bậc này thì người ấy có được vô lượng phước thiện, hiện tại được mọi người cùng ca ngợi, ở đời vị lai có thể đạt được bồ đề”.

Lại trong kinh Đại Bát Nhã quyển 3 nói: “Nếu có ai hỏi rằng: Người nào là người biết rõ ân nghĩa và luôn luôn báo đền ân nghĩa? Nên trả lời chính xác rằng: Đức Phật là người biết rõ ân nghĩa và luôn luôn báo đền ân nghĩa. Tại vì sao? Bởi vì tất cả thế gian không có ai biết rõ ân nghĩa và báo đền ân nghĩa hơn được Đức Phật”.

Lại trong kinh Tăng Nhất A-hàm nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Nếu có chúng sanh nào biết quay trở lại, thì người này thật đáng kính trọng, ân nghĩa nhỏ hãy còn không quên, huống gì ân đức to lớn! Giả sử lìa xa nơi này trăm ngàn do tuần, hãy còn gần Ta không khác, Ta luôn luôn khen ngợi người này. Nếu có chúng sanh nào không biết quay trở lại, thì ân nghĩa to lớn hãy còn không nhớ, huống gì ân tình bé nhỏ? Người kia chẳng gần Ta, Ta không gần người ấy, cho dù khóac Tăng-già-lê ở hai bên Ta, mà người này hãy còn rất xa. Vì vậy đã là không quay trở lại!”

Lại trong kinh Xá-lợi-phất Vấn nói rằng: “Đức Phật dạy: Người thọ giới, tùy theo khả năng mình lo liệu, có thể giúp đỡ thực hành, không giới hạn nhiều ít. Văn Thù Sư Lợi thưa với Đức Phật rằng: Vì sao Như lai giải thích ân của cha mẹ to lớn không thể không báo đền, lại nói là ân của Sư Tăng không thể tính kể, vậy ân của ai là nhất? Đức Phật dạy: Người tại gia, hiếu thuận thờ kính cha mẹ nằm ở dưới gối, không ai mà báo đền bằng được ân tình sinh ra và nuôi lớn của cha mẹ, bởi vì ân sinh đẻ sâu nặng cho nên nói là to lớn. Nếu theo thầy học đạo khai phát tri kiến, thì ân này to lớn thứ nhì thôi. Người xuất gia, rời bỏ ngôi nhà sanh tử của cha mẹ mình, vào trong cửa giáo pháp tiếp nhận giáo pháp vi diệu, nhờ vào sức lực của thầy, sinh trưởng Pháp thân tạo ra tài sản công đức nuôi dưỡng mạng sống trí tuệ, công lao không có gì lớn hơn, truy tìm nơi sinh ra ấy quả là thứ nhì mà thôi!”.

Lại trong kinh Trung ấm nói: “Đức Phật hỏi Di-lặc: Trẻ thơ ở cõi Diêm-phù-đề lúc sinh ra, cho đến lúc ba tuổi mẹ ôm trong lòng là uống bao nhiêu sữa? Di-lặc thưa rằng: Uống hết một trăm tám mươi hộc sữa, trừ ra bốn phần được ăn lúc còn trong bụng mẹ; trẻ thơ ở cõi Đông Phất Vu Đãi lúc sanh ra, cho đến lúc ba tuổi uống hết một ngàn tám trăm Hộc sữa; trẻ thơ ở cõi Tây Câu-da-ni lúc sanh ra, cho đến lúc ba tuổi uống hết tám trăm tám mươi Hộc sữa; trẻ thơ ở cõi Bắc Uất Đan Việt lúc sanh ra ngồi ở đầu đường, người đi đường chìa ngón tay cho mút ngón tay trong bảy ngày thành người, cõi ấy không có sữa, chúng sanh Trung ấm uống bằng cách hút từ gió”. (Người xưa dùng đấu nhỏ làm chuẩn, nay thì Đường dùng đấu thì một đấu tương đương với ba đấu xưa kia, cho nên lượng sữa hình như nhiều hơn).

Lại trong kinh Nan Báo nói: “Vai trái cõng cha vai phải cõng mẹ, trải qua ngàn năm ỉa đái trên lưng, hãy còn không thể nào đền đáp được ân đức của cha mẹ”.

Lại trong kinh Tăng Nhất A-hàm nói: “ Công đức quả báo của lòng hiếu thuận cung dưỡng cha mẹ, cùng ngang bằng với công đức của Bồ-tát Nhất Sanh Bổ Xứ”.

Lại trong Kinh Phật Thuyết Cổ Lai Thế Thời nói: “Tỳ kheo A-naluật tự nói về túc mạng của mình rằng: Xưa kia con ở nước Ba-la-nại, thóc lúa đậu mè rất quý mà nhân dân gặp nạn đói kém, con gánh gánh cỏ bán để tự nuôi sống mình, lúc ấy có vị Duyên giác, tên gọi Hòa Lý, đến dạo khắp nước ấy, con sáng sớm đã ra ngoài thành muốn gánh cỏ đi bán. Lúc bấy giờ vị Duyên giác khoác y ôm bát đi vào thành khất thực, đến ở giữa đường con gánh cỏ trở về, vào trong cổng thành lại cùng gặp nhau, ôm bát không mà đi ra. Duyên giác Hòa Lý từ xa nhìn thấy con đi đến, liền tự nghĩ rằng: Mình sáng sớm đi vào thành, người này từ thành đi ra, nay gánh cỏ trở về, nhớ buổi sáng chưa ăn, mình nên theo sau đi đến nhà ấy, xin để ngăn cơn đói. Lúc ấy con gánh cỏ tự trở về nhà mình, đặt gánh cỏ xuống đất, quay đầu lại thấy vị Duyên giác theo sau con như bóng theo hình. Lúc ấy tâm con nghĩ: Sáng sớm ra khỏi thành thì vị Duyên giác này đi vào thành khất thực, giống như ôm bát không trở về, nghĩ là chưa được ăn gì, mình nên bỏ ăn để dâng cho vị này. Ngay lúc ấy mang đồ ăn ra quỳ thẳng trao cho, mong đạo nhân thương tình tiếp nhận! Vị Duyên giác nói: Nay gặp nạn đói thóc lúa đậu mè đắt đỏ dân chúng đói lòng khốn khổ, phân làm hai phần, một phần đặt vào bát, một phần tự mình ăn, ông làm thuận theo cách như vậy! Thí chủ trả lời rằng: Vâng, thưa Thánh nhân, hàng bạch y ở nhà từ từ thổi cơm ăn, sớm tối không có gì lo ngại, nguyện Đạo nhân tiếp nhận, thương tình gia hộ cho một phần. Lúc ấy vị Duyên giác tiếp nhận tất cả cơm và thức ăn. Con nhờ công đức này bảy lần lên cõi Trời làm các vị Thiên Vương, bảy lần ở địa vị tôn quý giữa người thế gian. Nhờ một lần bố thí này mà được các Quốc vương, Trưởng giả – nhân dân – quần thần văn võ tiếp xúc tôn kính hết lòng, bốn chúng đạo – tục tiếp xúc cúng dường, tự đến cầu xin con mà con không hề quên gì”.

Lại trong kinh Phật Thăng Đao Lợi Thiên Vi Mẫu Thuyết Pháp nói: “Đức Phật ở dưới tán cây Ba Lợi Chất Đa la trong vườn Hoan Hỷ trên cung Trời Đao Lợi, bốn chúng vây quanh an cư ba tháng, trong lỗ chân lông trên thân phóng ra ngàn ánh sáng, chiếu rọi khắp nơi Tam thiên Đại thiên thế giới. Ma-gia phu nhân nghe thấy rồi dòng sữa tự nhiên chảy ra, nếu đích xác là Tất-đạt-đa mà tôi sanh ra, thì nên làm cho dòng sữa tiến vào thẳng trong miệng. Dấy lên lời này xong thì hai dòng sữa vọt thẳng ra, giống như hoa sen trắng, mà tiến vào trong miệng Như lai. Ma-gia phu nhân trông thấy vô cùng vui mừng sung sướng không sao tả nổi, như đóa hoa nở rộ thật tươi đẹp, năm vóc chí thành rạp sát đất chuyên tinh chánh niệm, diệt sạch mọi kết sử phiền não. Đức Phật thuyết pháp cho mẹ đạt được quả vị Tu-đà-hoàn. Đức Phật ở trên cõi Trời làm cho chư Thiên đạt được rất nhiều lợi ích, không làm sao kể lại hết được. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn đã kết thúc ba tháng mùa Hạ, sắp về lại cõi Diêm-phù-đề, phóng ra ánh sáng năm màu chiếu soi rực rỡ khắp nơi. Lúc ấy Thiên Đế Thích biết Đức Phật sắp đi xuống, liền sai quỷ thần làm ba dãy bậc cấp bằng vật báu, dãy chính giữa làm bằng vàng ròng Diêm-phù Đàn, dãy bên trái dùng lưu ly làm thành, dãy bên phải dùng mã não làm thành, lan can hai bên chạm trổ vô cùng nghiêm trang tráng lệ. Đức Phật nói với Ma-gia phu nhân: Pháp sanh tử tụ hội nhất định có chia ly, nay con phải trở lại dưới cõi Diêm-phù-đề, không lâu nữa cũng sẽ nhập Niết-bàn. Ma-gia phu nhân rơi nước mắt nói bài kệ. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn cùng với mẹ Từ biệt, nhẹ bước xuống bậc cấp quý báu, Phạm Thiên Vương cầm tán che, và Tứ Thiên Vương đứng hầu hai bên, bốn bộ đại chúng ca bối tán thán, chư Thiên trỗi lên các loại âm nhạc vang lừng hư không, tung hoa đốt hương đi theo đến cõi Diêm-phù-đề. Nơi ấy vua Ba-tư-nặc cùng tất cả đại chúng quy tụ ở dưới bậc cấp quý báu cúi đầu lạy tôn kính tiếp đón, Đức Phật trở về an tọa trên Sư Tử tòa nơi tinh xá Kỳ-hoàn, bốn chúng vây quanh, hoan hỷ vô cùng không làm sao diễn tả hết”.,

Lại trong kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Phu Vương bày tỏ với Đức Phật, nên đến cõi Trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẹ. Đức Phật thưa rằng: Thích hợp thì giống như pháp hành của Luân Vương đến thăm hỏi đàn việt. Lúc ấy Trì Địa Bồ-tát tiến vào Thủ Lăng Nghiêm Định, từ ranh giới Kim Cang làm thành hoa Kim Cang, từng hoa từng hoa tiếp theo nhau, bốn con rồng đều mang một đài hoa bằng bảy báu, Trì Địa Bồ-tát vì Đức Phật làm ba dãy bậc cấp bằng vật báu, Đức Thế tôn đến rồi đi vào cung Trời, ánh sáng từ tướng lông trắng giữa chặng mày hóa làm tàn che bảy báu che phủ phía trên mẹ, làm chiếc giường báu dâng mẹ để ngồi”.

Lại trong Lục Độ Tập Kinh nói: “ Xưa kia Bồ-tát là một người vô cùng giàu có tích lũy tài sản rất nhiều, thường dâng cúng Tam bảo – Từ bi hướng về chúng sanh. Đi ngắm cảnh chợ búa nhìn thấy con ba ba trong lòng thương xót làm sao, hỏi giá mắc rẻ. Người bán con ba ba biết Bồ-tát có đức Từ bi rộng lớn, đáp rằng: Trăm vạn. Bồ-tát đáp rằng: Rất tốt. Mang con ba ba về nhà, đến dòng nước thả xuống nhìn thấy nó bơi đi mà buồn vui lẫn lộn thề rằng: Mọi tai nạn tính mạng an toàn như người bây giờ! Phát khởi hoằng nguyện, chư Phật khen ngợi tốt lành. Con ba ba vào cuối đêm đến gặm ngoài cửa, quái lạ cửa có tiếng gì liền đi ra trông thấy con ba ba, nói với Bồ-tát rằng: Tôi được trở lại nơi tốt lành – thân thể được an toàn, không có gì để đền đáp ân tình, vật sống trong nước biết nước cao thấp, nước lũ sắp đến làm hại rất lớn, mong nhanh chóng chuẩn bị thuyền bè đến lúc sự cố xảy ra sẽ gặp nhau. Đáp rằng: Rất tốt. Sáng sớm đến cung thành như sự việc trình bày với nhà vua. Bởi vì Bồ-tát vốn có danh tiếng tốt lành nên nhà vua tin theo lời trình bày đó, chuyển dưới thấp lên chỗ cao. Đến lúc con ba ba xuất hiện thì nước lũ đến chân rồi. Nên nhanh chóng xuống thuyền, theo tôi thì có thể bình yên. Thuyền đi theo phía sau con ba ba, có con rắn hướng về phía thuyền, Bồ-tát nói bắt lấy, ba ba nói rất tốt. Lại nhìn thấy con cáo trôi nổi, Bồ-tát nói bắt lấy, ba ba nói cũng tốt. Lại nhìn thấy người nổi trôi ôm mặt kêu Trời cầu xin cứu mạng, Bồ-tát nói bắt lấy. Ba ba nói: Cẩn thận đừng bắt lấy, lòng dạ người phàm giả dối, ít có người tin tưởng suốt đời, vong ân bội nghĩa chạy theo thời thế thích làm điều phản nghịch xấu xa. Bồ-tát nói: Loài vật như ông Ta còn cứu giúp, loài người mà Ta coi rẻ, há thật là nhân ái hay sao, Ta không đành lòng làm như vậy. Thế là bắt lấy người ấy. Con ba ba hối hận quá. Đến được vùng đất tốt lành, con ba ba Từ biệt rằng: Ân tình trả xong xin được rút lui. Đáp rằng: Ta đạt được quả vị Như lai Vô Sở Trước Chí Chân Đẳng Chánh Giác, chắc chắn sẽ độ cho nhau. Con ba ba nói: Rất tốt. Con ba ba rút lui thì con rắn- con cáo đều ra đi. Con cáo lấy hang làm chỗ ở, gặp được một trăm cân Tử Ma Hoàng Kim của người xưa cất giấu, vui mừng nói rằng: Nên dùng để báo đáp ân tình ấy vậy. Con cáo quay lại thưa rằng: Loài vật bé nhỏ chịu ân được cứu giúp mạng sống nhỏ nhoi, cáo là loài vật sống ở trong hang tìm hang để tự yên ổn, gặp được một trăm cân vàng, hang này không phải mộ – không phải nhà – không phải cướp – không phải trộm, tôi bày tỏ rất chân thành, nguyện đem dâng lên người tài đức. Bồ-tát suy nghĩ sâu sắc, không lấy thì chỉ làm tổn thương con cáo mà chẳng ích gì cho dân nghèo, có thể dùng bố thí cứu giúp cho cúng dường, cũng không tốt hay sao? Thế là đồng ý nhận lấy. Người trôi nổi nhìn thấy mới nói rằng: Chia cho tôi một nửa đấy. Bồ-tát liền lấy đưa cho mười cân. Người trôi nổi nói: Ông đào mộ cướp vàng thì tội phải như thế nào, không chia một nửa thì tôi nhất định tố cáo với quan phủ. Đáp rằng: Dân nghèo khốn khổ thì tôi muốn giúp cho như nhau, ông muốn một mình lấy phân nữa cũng không quá đáng hay sao? Người trôi nổi liền tố cáo với quan phủ. Bồ-tát bị bắt giam không hề nói điều gì, chỉ hướng lòng về Tam bảo hối lỗi tự quở trách mình, nguyện cho chúng sanh sớm lìa xa tám nạn, đừng có oán kết như tôi bây giờ. Rắn và cáo gặp nhau nói rằng: Việc này làm thế nào? Rắn nói: Tôi sẽ cứu Bồ tát. Liền ngậm thuốc tốt mở cửa đi vào ngục, trông thấy hình dáng sắc diện của Bồ-tát có phần tổn hại mà lòng cảm thấy đau thương, nói với Bồ-tát rằng: Lấy thuốc mang theo bên mình, tôi sẽ cắn Thái tử, nọc của tôi rất độc không ai có thể cứu được, Hiền giả dùng thuốc tự mình nghe lệnh truyền thì sẽ chữa khỏi. Bồ-tát im lặng như lời rắn đã nói. Thái tử bị rắn cắn tính mạng sắp chấm dứt. Nhà vua truyền rằng: Có ai có thể cứu mạng con Ta, Ta sẽ phong làm Tướng quốc cùng Ta cai quản đất nước. Bồ-tát nghe lệnh truyền của nhà vua, lập tức đến cứu mạng Thái tử. Nhà vua vui mừng hỏi nguyên cớ ấy. Bồ-tát tự nói rõ đầu đuôi sự việc. Nhà vua buồn bã tự trách mình bằng: Ta thật là tối tăm làm sao! Liền giết người trôi nổi đại xá cho cả nước, phong Bồ-tát làm Tướng Quốc nắm tay đi vào cung điện, cùng ngồi bàn luận Phật pháp làm cho đất nước được thái bình.

Đức Phật bảo với các Sa môn: Người vô cùng giàu có lúc ấy chính là thân Ta bây giờ. Quốc vương lúc ấy nay chính là Di-lặc. Con ba ba lúc ấy nay chính là A-nan. Con cáo lúc ấy nay chính là Thu Lộ Tử. Con rắn lúc ấy nay chính là Mục-kiền-liên. Người trôi nổi lúc ấy nay chính là Điều Đạt. Bồ-tát Từ bi ban ân hóa độ vô cùng tận, thực hành bố thí như vậy”.

Lại trong Tân Bà Sa Luận nói: “Xưa kia vua Ca nhị sắc ca ở nước Kiện Đà La có một Hoàng Môn (Thái giám), thường xuyên theo dõi mọi điều trong cung tạm thời đi ra ngoài thành, thấy có bầy trâu đếm hơn năm trăm con, đi vào trong thành hỏi người đuổi trâu rằng: Đây là trâu của ai? Đáp rằng: Trâu này sắp mất đi chủng loại của nó. Thế là người Hoàng Môn liền tự suy nghĩ: Mình vốn có ác nghiệp nhận chịu thân người chẳng phải nam – chẳng phải nữ, nay nên dùng tiền của cứu nạn cho đàn trâu này. Liền trả đủ giá trị đó làm cho đàn trâu được thoát nạn. Nhờ sức mạnh của thiện nghiệp, khiến cho Hoàng Môn này lập tức trở lại thân nam, trong lòng vô cùng vui mừng liền quay về trong thành, đứng lặng hồi lâu ngoài cửa cung, nhờ người tâu với nhà vua xin được vào hầu hạ ngay. Nhà vua cho gọi vào của cảm thấy quái lạ mà hỏi rõ nguyên cớ. Thế là Hoàng Môn tâu trình đầy đủ sự việc trên. Nhà vua nghe mà vừa sợ vừa vui ban cho nhiều châu báu tiền bạc, trở lại trao cho chức quan cao hơn khiến biết rõ mọi việc bên ngoài”.

Tụng rằng:

To lớn thay lòng nhân ái,
Từ bi cứu giúp làm đầu,
Dựa theo cơ duyên cảm ứng,
Nuôi dưỡng đạo lý yêu thương,
Cáo tặng vàng – rắn đều ơn,
Hoạn quan được thân đầy đủ,
Biết ân tình báo phước đức,
Nhân quả sâu thẳm diệu kỳ.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra chuyện: 1. Ngô Tử Anh thời nhà Tống; 2. Thời nhà Tống có người niệm Phật được thoát nạn; 3. Trần Bùi ở Bột Hải thời nhà Tống; 4.Tăng ở chùa Thạch Bích vùng Tích Châu thời nhà Đường.

1. Thời nhà Tống có Ngô Tử Anh, người ở Thư Hương, dễ dàng vào nơi sông nước bắt được con cá chép đỏ, thích màu sắc ấy nên mang về nhà không giết thịt, nuôi sống ở trong hồ, dùng gạo mè nuôi dưỡng nhiều ngày, nuôi được một năm dài hơn trượng, liền mọc sừng có cánh. Tử Anh sợ hãi vái lạy tạ lỗi. Cá nói: Tôi đến đón ông, lên lưng tôi cùng đưa ông đến cõi Trời. Năm sau trở về gặp vợ con mình, cá lại đón đi. Như vậy có bảy mươi người, vốn là bà con trong nhà họ Ngô, cùng làm nhà thờ Thần ngư Tử Anh.

Câu chuyện trên đây trích từ Liệt Tiên Truyện.

2. Thời nhà Tống có một nước, gần nhau với khu vực của quỷ La Sát. Quỷ La Sát nhiều lần đi vào nước này ăn thịt người rất kinh hoàng. Nhà vua cùng với La Sát quy ước rằng: Từ nay về sau người trong nước, đều thường xuyên một ngày sẽ phân ra chuyển đến một người cho quỷ, đừng tiếp tục giết hại oan ức. Có nhà tin thờ Phật, chỉ có một người con, năm ấy mới mười tuổi, tiếp theo phải chấp nhận đưa đi. Cha mẹ gào khóc đau đớn, đành chí tâm niệm Phật, liền cùng với họ hàng thân thích giúp con mình tập trung ý tưởng, nhân tiện đưa đứa bé này Từ biệt rời xa. Nhờ vào sức uy thần to lớn của Phật nên quỷ không đến gần được, ngày mai thấy con còn sống vô cùng vui mừng cùng nhau trở về. Từ đó liền chấm dứt nạn quỷ, người trong nước khen ngợi chúc mừng và ngưỡng mộ vô cùng.

Câu chuyện trên đây trích từ U Minh Lục.

3. Thời nhà Tống có Thái Thú quận Tửu Tuyền, được làm quan không bao lâu thì qua đời. Sau có Trần Bùi ở Bột Hải, được phái đến quận này, Trần Bùi ưu sầu không vui, liền bốc quẻ xem bói điều ấy lành dữ. Quẻ bói rằng: Chư hầu ở xa thả Bá Cầu, có thể thoát được sự cố này thì không có gì lo lắng. Trần Bùi vẫn không hiểu lời này. Người bói quẻ trả lời rằng: Hẵng đi rồi tự nhiên sẽ hiểu! Trần Bùi đã đến công đường, tới hầu hạ có Vương Hầu Bình, có Sử Hầu – Đồng Kỳ…, tâm Trần Bùi hiều rằng: Đây vốn gọi là chư hầu rồi, chính là ở xa vậy. Liền nằm suy nghĩ về nghĩa thả Bá Cầu, không biết là chỉ cái gì? Đến sau nửa đêm có vật gì xuất hiện che phủ trên Trần Bùi, Trần Bùi tỉnh giấc dùng chăn chụp lấy, vật đó nhảy cẫng lên điên cuồng gây ra tiếng động ầm ầm. Người bên ngoài nghe thấy cầm đèn chạy vào muốn giết chết. Quỷ mới nói rằng: Tôi thật sự không có Ác ý, chỉ muốn thử Phủ Quân mà thôi, nghe cùng tha cho nhau nên hết lòng đền đáp ân đức của Phủ Quân. Phủ Quân nói: Ông là vật gì mà bỗng nhiên xâm phạm Thái Thú. Quỷ nói: Tôi vốn là con cáo trăm tuổi, nay biến thành quỷ, có lẽ sắp hóa làm thần, mà đích thực xúc phạm uy nộ của Phủ Quân, thật là gặp phải hoàn cảnh khốn khó, nghe cùng tha cho tôi, tôi tên là Bá Cầu, nếu Phủ Quân có hoạn nạn nguy cấp, chỉ gọi tên tôi, thì tự nhiên thoát khỏi rồi. Trần Bùi mới vui mừng nói: Quẻ bói đúng nghĩa là tha cho Bá Cầu. Lập tức thả ra, hé mở tấm chăn bỗng nhiên có ánh sáng đỏ như chớp điện, theo cửa mà ra ngoài. Đêm ngày mai có người gõ cửa, Trần Bùi hỏi rằng ai? Đáp rằng: Bá Cầu. Hỏi rằng: Có việc gì? Đáp rằng: Trình bày sự việc. Hỏi rằng: Trình bày sự việc gì? Đáp rằng: Nơi này có giặc, tôi tớ phát ra. Trần Bùi tra cứu thì nghiệm đúng không sai. Cứ mỗi lần có sự cố thì trước tiên đem nói với Trần Bùi, thế là trong ranh giới cai quản không hề có điều gian trá xảy ra, mà tất cả đều nói rằng: Thánh quân xuất hiện. Sau đó trải qua hơn tháng chủ bộ Lý Âm cùng với hầu gái của Trần Bùi thông dâm với nhau, đã vậy mà còn lo sợ Bá Cầu đến thưa trình, liền cùng với chư hầu tìm cách giết Trần Bùi, lại vì bên cạnh không có người nào, liền sai chư hầu cầm gậy, xông thẳng vào muốn đánh chết Trần Bùi. Trần Bùi hoảng sợ liền gọi Bá Cầu đến cứu tôi, lập tức có vật giống như một tấm lụa màu đỏ thẫm tung ra, tự nhiên phát ra tiếng nói, chư hầu rạp xuống sát đất kinh hồn bạt vía, bèn dùng dây trói lấy tra hỏi ý đồ gây sự, do đó tất cả đều cúi đầu nhận tội. Hơn tháng sau vào ngày cùng với Trần Bùi chia tay nói rằng: Nay được làm thần rồi, nên đi lên cõi Trời không thể tiếp tục cùng với Phủ Quân qua lại gặp gỡ nhau được. Tức thì biến mất không còn thấy nữa.

Câu chuyên trên đây trích từ Sưu Thần Dị Ký.

4. Thời nhà Đường ở vùng Tính Châu có chùa Thạch Bích, trong chùa có một vị Tăng già nua, lấy thiền tụng làm sự nghiệp, tinh tiến luyện tập thực hành. Cuối thời Trinh Quán nhà Đường có con chim bồ câu, làm tổ trên cột nhà nuôi dưỡng hai chim non. Pháp sư môi khi có thức ăn thừa thường đến tổ cho ăn. Bồ câu non về sau tuy dần lớn lên mà vây cánh chưa thành thục, mới cùng tập bay đều rơi xuống đất mà bị chết, vị Tăng cùng thâu nhặt chim non mà chôn cất trang trọng. Trải qua một tuần sau đó vị Tăng trong đêm mộng thấy, có hai trẻ nhỏ thưa rằng: Chúng con vì trước đây có một chút tội lỗi nên chịu làm thân chim bồ câu, gần đây nghe Pháp sư đọc kinh Pháp Hoa và Kinh Kim Cang Bát Nhã, đã nghe diệu pháp được Thọ thân người, chúng con nay đầu thai làm con trai trong nhà tên họ ấy – thôn ấy ở bên chùa này hơn 10 dặm, qua khỏi tháng 10 lập tức được chào đời. Vị Tăng bèn y theo kỳ hạn đến xem sao, thấy nhà này có một phụ nữ cùng lúc sinh được hai bé trai. Bởi vì làm lễ trai tịnh đầy tháng cho con, vị Tăng gọi là con trẻ bồ câu, hai đứa trẻ cùng đáp lãi rằng: Dạ. Sau một lần đáp lại ấy, hơn một tuổi mới bắt đầu nói được.

Câu chuyện trên đây trích từ Minh Báo Thập Di Ký.

Những chuyện về báo ân rất nhiều không thể nào kể lại đầy đủ được.

 

Thiên thứ 52: BỘI ÂN

Thiên này có 2 phần: Thuật ý, dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Bởi vì nghe Tứ sanh chìm đắm ắt phải nhờ thuyền cứu giúp, Lục thú hôn mê vốn dựa vào khuyến khích dẫn dắt, vì vậy Tam bảo Đại từ nhìn xuống mà thuận theo chúng sanh, rủ lòng dẫn lối khiến cho thoát khỏi hoạn nạn khổ đau; ví như lại làm trái ân tình sâu nặng, lẽ nào không mãi chìm trong biển khổ đau? Vì vậy người vợ hiểm độc mà người chồng được vua ban thưởng, tiều phu hại gấu báo ứng hiện tại đứt cánh tay. Bởi vì làm trái ân tình nghiệp lực sâu nặng, hiện tại nhận chịu báo ứng đan nhau. Do đó trong Trí Độ Luận nói: “Người biết ân tình sanh trưởng gốc rễ của Đại bi, mở thông cánh cửa của Thiện Nghiệp, mọi người đều kính mến, danh tiếng truyền khắp nơi, chết được sanh cõi Trời, cuối cùng thành Phật đạo. Người không biết ân tình khác gì với súc sanh!

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như Kinh Bách Dụ nói: “Xưa có một người vợ hoang dâm vô hạn độ, dục tình đã hừng hực mà căm ghét cả chồng mình. Thường nghĩ kế sách tìm cách muốn làm thương tổn, nhưng các loại mưu kế không thể nào có dịp thuận tiện. Đúng lúc gặp người chồng đi làm sứ giả ở nước láng giềng, người vợ bí mật thực hiện kế sách, làm thuốc độc vo tròn muốn dùng để hại người chồng. Nói lời phỉnh nịnh với chồng rằng: Nay anh đi làm sứ phương xa nghĩ rằng có điều thiếu sót xảy ra, bây giờ em làm sẵn năm trăm viên thuốc hoan hỷ, dùng làm lương thực để tiễn đưa anh, nếu anh ra khỏi đến cảnh giới khác, lúc đói khát mệt mỏi mới được lấy ăn. Người chồng ghi nhớ lời vợ mình. Đến địa phận nước khác rồi nhưng chưa kịp ăn, dừng lại giữa rừng ở trong đêm tối, sợ hãi thú dữ nên leo lên cây mà tránh, gói thuốc hoan hỷ bỏ quên dưới cây. Cũng ngay đêm đó gặp năm trăm tên giặc cắp, trộm của vua nước ấy năm trăm con ngựa cùng với nhiều vật báu đến dừng lại dưới tán cây. Bởi vì chạy trốn đột ngột nên tất cả đều đói khát mệt mỏi, ở dưới tán cây ấy trông thấy gói thuốc hoan hỷ, bọn giặc lấy rồi mỗi tên ăn một viên, thuốc độc phát tán rất nhanh làm cho năm trăm tên giặc trong chốc lát đều chết. Lúc ấy người trên cây đến lúc Trời sáng tỏ, thấy bọn giặc này chết ở dưới tán cây, giả lấy dao tên đâm chém vào xác chết, thu lấy yên cương cùng các thứ châu báu tiền của chạy hướng về nước kia. Lúc ấy vua nước kia dẫn theo nhiều binh lính tìm dấu vết đuổi đến, đúng lúc ở giữa đường gặp vị vua ấy. Vị vua ấy hỏi rằng: Ông là người ở đâu – lấy được ngựa nơi nào? Người ấy đáp rằng: Tôi là người nước ấy, mà trên đường đi gặp bọn giặc này cùng đánh chém nhau, năm trăm tên giặc này đều chết một chỗ ở dưới tán cây, vì vậy cho nên tôi lấy được ngựa và đem châu báu tìm đến đất nước của nhà vua, nếu không tin chắc thì đến nơi đó sẽ thấy bọn giặc bị giết hại thế nào! Vị vua này lập tức sai người thân tín đến xem rõ thực hư, quả nhiên như lời người ấy nói. Lúc ấy nhà vua vui mừng ca ngợi là chưa từng có. Đã về đến đất nước rồi ban thưởng tước vị rất nồng hậu, phong cho đất đai cai quản. Bề tôi của nhà vua ấy đều sanh lòng ganh ghét, bèn thưa với nhà vua rằng: Người kia là người phương xa không đáng tin phục, làm sao lại vội vàng sủng ái đối đãi quá nồng hậu như vậy, đến mức ban thưởng tước vị vượt quá bề tôi kỳ cựu. Người phương xa nghe rồi bèn dấy lên nói rằng: Ai có sức mạnh có thể cùng tôi thử xem, xin mời đến nơi rộng rãi để so tài cao thấp. Người trong triều ngạc nhiên không có ai dám so tài. Về sau trong vùng hoang vu bát ngát của nước ấy có con sư tử dữ tợn, chặn đường giết người, cắt đứt đường đi của nhà vua. Lúc ấy các quan kỳ cựu trong triều cùng nhau bàn bạc kỹ càng rằng: Người phương xa kia, tự mình nói là khỏe mạnh không ai có thể địch nổi, nếu như bây giờ lại có thể giết con sư tử kia trừ hại cho đất nước, thì thật sự là đặc biệt vô cùng. Bàn bạc như vậy rồi liền thưa với nhà vua. Nhà vua nghe vậy rồi ban cho dao kiếm lập tức phái đi. Lúc bấy giờ người phương xa đã tiếp nhận sắc lệnh rồi, ý chí kiên cường hướng về nơi sư tử. Sư tử trông thấy lập tức gầm lên nhảy chồm về phía trước. Người phương xa kinh hãi liền leo lên cây, sư tử há miệng ngước đầu hướng lên cây. Người ấy sợ hãi trong lúc cấp bách làm rơi cây dao đang cầm lọt vào miệng sư tử. Sư tử liền chết ngay. Lúc bấy giờ người phương xa vui sướng nhảy múa, về thưa với nhà vua. Nhà vua sủng ái khoản đãi gấp bội. Lúc ấy người trong nước vô cùng kính phục, tất cả đều ca ngợi vui vẻ”.

Lại trong Chư Kinh Yếu Tập nói: “Có người đi vào rừng đốn gỗ, mê hoặc nên bị lạc đường, lúc ấy gặp mưa to Trời đã chiều vừa đói vừa lạnh, thú dữ trùng độc muốn đến xâm hại, người này lần tìm đi vào trong hang đá, thấy có một con gấu lớn nên sợ hãi đi ra. Con gấu nói rằng: Ông đừng sợ hãi, ở đây ấm áp, nên vào trong ở lại qua đêm. Lúc ấy mưa liên tục bảy ngày, con gấu thường lấy trái ngọt nước thơm cung cấp cho người này. Sau bảy ngày mưa tạnh, con gấu dẫn người này chỉ rõ đường đi ngắn nhất. Con gấu nói với người ấy rằng: Tôi là thân mang tội bị nhiều người oán hận, nếu có ai hỏi thì đừng nói là gặp tôi! Người ấy đáp rằng: Như vậy. Lúc người này đi về phía trước gặp những thợ săn, hỏi rằng ông từ đâu đến, thấy có những loài thú nào không? Đáp rằng: Gặp một con gấu to lớn có ân tình đối với tôi, không thể chỉ cho các ông được. Những thợ săn nói: Ông là con người nên có cách nhìn như loài người, tại sao tiếc con gấu, nay một khi lạc đường biết lúc nào trở lại, ông chỉ chỗ cho chúng tôi, chúng tôi sẽ cho ông phần nhiều. Tâm người này thay đổi, liền dẫn thợ săn chỉ rõ nơi con gấu ở. Thợ săn giết chết con gấu, liền lấy phần nhiều đưa cho. Người này đưa tay ra lấy thịt, hai khuỷu tay cùng rơi xuống. Thợ săn nói: Ông có tội gì vậy? Đáp rằng: Con gấu này chăm sóc tôi giống như cha đối với con, nay tôi làm trái ân tình chuốc lấy tội báo này. Thợ săn kinh sợ không dám ăn thịt, mang đến bố thí chúng Tăng. Thượng tọa là vị La hán, nói với các vị Tăng rằng: Đây là Bồ-tát, xuất thế trong thời vị lai sẽ được làm Phật, đừng ăn thịt này, hãy lập tức xây tháp để cúng dường! Nhà vua nghe sự việc này sắc lệnh trong cả nước, người làm trái ân tình không cho phép ở lại nơi này”.

Trong Tân Bà Sa Luận nói: “Lúc ấy vị Thượng Tọa quán xét thịt này là thịt Bồ-tát, nên cùng lấy hương đốt củi thiêu cháy thịt ấy, thâu nhặt xương cốt còn lại đó xây tháp lễ bái cúng dường giống như tôn kính tháp thờ Đức Phật”.

Lại trong Kinh Cửu Sắc Lộc nói: “Xưa có Bồ-tát thân làm loài hươu chín màu, bộ lông có chín loại màu sắc – sừng trắng như tuyết, thường ở bên bờ sông Hằng ăn cỏ uống nước, thường cùng với một con quạ làm tri thức gần gũi. Lúc ấy giữa dòng sông có một người bị chìm trôi theo dòng xuống phía dưới, lúc chìm lúc nổi, ngẫng đầu gọi Trời, Thần núi Thần cây – chư Thiên Long, Thần, sao không thương xót tôi! Hươu nghe thấy bèn xuống dòng nước cứu giúp mà nói rằng: Ông hãy cưỡi trên lưng tôi nắm lấy sừng tôi. Cõng vượt lên trên bờ, người bị chìm bước xuống đất đi quanh hươu ba vòng, đến trước hươu rập đầu cầu xin làm tôi tớ cho người vĩ đại, làm kẻ sai bảo để hái cỏ lấy nước phục vụ bên cạnh. Hươu nói: Không cần đâu, hãy đường ai người ấy đi, muốn đền đáp ân tình thì đừng nói là ở bên tôi. Hươu nghĩ rằng: Người này tham bộ da và sừng của mình ắt sẽ đến giết mình. Lúc ấy phu nhân của Quốc vương trong đêm mộng thấy loài hươu chín màu, liền giả vờ bệnh không dậy được. Nhà vua hỏi tại vì sao? Đáp rằng: Đêm qua thiếp mộng thấy loài hươu kỳ lạ, bộ lông hươu có chín loại màu sắc, sừng hươu trắng như tuyết, thiếp nghĩ và mong có được bộ da đó làm đệm ngồi – có bộ sừng đó làm cán quạt, nhà vua nên cho thiếp đạt được ước muốn, nếu nhà vua không vừa lòng thì thiếp sẽ chết mất. Nhà vua liền chiêu mộ trong nước, nếu ai có thể bắt được loài hươu chín màu thì sẽ phân cho đất nước để cai quản, ban cho người đó bát vàng chứa đầy thóc bạc, ban cho người đó bát bạc chứa đầy thóc vàng. Người bị chìm nghe tin, mong muốn đạt được phú quý, nghĩ rằng: Hươu là súc sinh thì sống chết nào can hệ đến mình. Thế là đi đến nơi vua nói rằng biết chỗ của hươu. Nhà vua vô cùng mừng rỡ nói: Nếu ông có thể lấy được da và rừng hươu mang đến, Ta sẽ đền đáp một nửa đất nước cho ông. Trên mặt người bị chìm liền mọc ra những mụn nhọt. Người bị chìm nói: Đại vương ơi, con hươu này tuy là súc sinh nhưng có uy thần to lớn, Đại vương nên điều động nhiều binh lính mới có thể bắt được. Nhà vua liền huy động rất nhiều binh lính, theo đường tắt đến bên bờ sông Hằng. Con quạ ở trên ngọn cây trông thấy binh lính xuất hiện liền gọi hươu nói rằng: Này bạn tri thức hãy dậy đi, binh lính nhà vua đến kìa! Hươu nằm ngủ say không hay biết, quạ sà xuống mổ vào tai, hươu mới giật mình tỉnh giấc, quay nhìn bốn phía không có nơi nào thoát được, thế là đi đến bên cạnh xe vua. Cận thần muốn bắn, nhà vua bảo: Đừng bắn, con hươu này thật kỳ lạ, mong chính là Thiên Thần! Hươu nói: Thưa Đại vương, hãy đừng bắn tôi, trước đây tôi là người sống trong đất nước của Đại vương. Hươu lại quỳ thẳng hỏi nhà vua rằng: Ai nói tôi ở đây? Nhà vua liền chỉ cho biết chính là người mặt bị hủi đứng bên cạnh xe. Hươu liền ngẫng đầu nhìn mặt người này, trong mắt trào lệ không thể nào kềm lòng được, người này trước đây bị chìm ở giữa dòng sông, tôi không tiếc thân mạng, tự lao vào tro dòng nước cõng này này thoát ra, hứa là không nói gì với ai, người không giữ chữ Tín mà hay tráo trở, không bằng khúc gỗ trôi nỗi giữa dòng nước bập bềnh. Nhà vua có vẻ mặt xấu hổ, nói rằng: Ông nhận ân tình cứu mạng của hươu tại sao lại tráo trở muốn giết hại hươu? Lập tức hạ lệnh truyền khắp trong nước: Nếu có ai đuổi bắt hươu này, sẽ bị tru di năm họ! Các loài hươu mấy ngàn con đều đến nương tựa, ăn cỏ uống nước không xâm phạm lúa má của người, mưa gió thuận theo thời tiết – thóc lúa đậu mè được mùa, người không bệnh tật – khắp nơi hưởng phúc thái bình.

Đức Phật bảo rằng: Hươu chín màu lúc ấy chính là thân Ta bây giờ. Con quạ lúc ấy nay chính là A-nan. Quốc vương lúc ấy nay chính là vua Duyệt Đầu Đàn cha Ta. Phu nhân nhà vua lúc ấy nay chính là Tôn Đà Lợi. Người bị chìm lúc ấy nay chính là Điều Đạt. Tuy Ta có thiện tâm giúp đỡ, nhưng cố tình muốn hãm hại Ta, khó mà có thành ý”.

Lại trong kinh Tước Vương nói: “Xưa có Bồ-tát thân làm chúa chim Tước, chúa tâm yêu thương giúp đỡ mọi loài, bởi vì bảo vệ thân mạng bị thương cho con hổ ăn thịt thú rừng, xương thú mắc vào răng hổ khốn khổ đói khát gần chết, chim Tước chúa bay vào miệng mổ xương, ngày ngày như vậy, miệng chim Tước sanh ra lở loét – thân hình trở nên gầy ốm, xương kéo ra con hổ sống bình yên. Chim Tước bay lên cây giải thích về kinh Phật rằng: Giết hại là hung ác bạo ngược, tội ác đó không có gì lớn hơn. Con hổ nghe chim Tước khuyên nhủ, nghiêm giọng hầm hầm tức giận nói: Ngươi mới rời miệng ta, mà dám lắm lời! Chim Tước nhìn thấy điều ấy không thể cảm hóa được liền nhanh chóng bay vút đi. Đức Phật dạy: Chim Tước chúa lúc ấy nay chính là thân Ta, con hổ lúc ấy nay chính là thân Điều Đạt”.

Lại trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Lúc ấy Đề bà đạt đa, tâm thường ôm ấp điều ác muốn làm hại Thế tôn, thế là mướn năm trăm Bà-la-môn thiện xa, khiến mang cung tên, đến nơi Thế tôn giương cung bắn Phật. Mũi tên đã bắn ra biến thành những đóa hoa, năm trăm Bàla-môn trông thấy thần biến như vậy đều vô cùng sợ hãi, liền vất cung tên lạy Phật xin sám hối. Đức Phật thuyết pháp cho nghe đều đạt được quả vị Tu-đà-hoàn. Lại thưa với Đức Phật rằng: Nguyện cầu cho phép chúng con xuất gia học đạo. Đức Phật dạy” Tỳ kheo hãy cố gắng! Tức thì râu tóc tự nhiên rụng hết, pháp phục khoác trên thân, Ngài tiếp tục thuyết pháp cho nghe đạt được quả A-la-hán. Các Tỳ kheo thưa với Đức Phật rằng: Thần lực của Thế tôn thật là hiếm có, Đề-bà-đạt-đa thường muốn làm hại Đức Phật, mà Đức Phật luôn luôn sanh lòng Đại Từ. Đức Phật dạy: Không những ngày nay vẫn như vậy, mà ở thời quá khứ, trong nước Ba-la-nại có một người chủ buôn, tên gọi Bất Thức Ân, cùng năm trăm khách buôn đi vào biển thu thập vật báu, có được vật báu quay trở về đến chỗ có dòng nước xoáy, gặp phải La Sát trong nước giữ thuyền đó lại nên không làm sao tiến lên được, những người buôn đều vô cùng kinh hãi , đều cùng nhau nói to rằng: Thiên thần – Địa thần và các vị thần mặt trăng mặt Trời, ai có thể Từ bi cứu giúp chúng tôi! Có một con rùa to lớn lưng rộng một dặm, tâm sanh thương xót hướng đến nơi thuyền, chở mọi người nhanh chóng được vượt qua biển lớn. Lúc ấy con rùa ngủ một lát, Bất Thức Ân thì muốn dùng đá lớn đánh chết con rùa. Những người buồn nói rằng: Chúng ta nhờ rùa cứu nạn mà tính mạng được sống, giết chết rùa không tốt đâu Bất Thức Ân! Bất Thức Ân nói: Tôi dừng lại đây đói khát vô cùng thì ai có thể nghĩ đến ân tình? Nhất định phải giết rùa mà ăn thịt của rùa. Ngay trong đêm ấy có bầy voi lớn xuất hiện chà đạp giết chết mọi người. Đức Phật dạy: Rùa lớn lúc bấy giờ nay chính là thân Ta. Bất Thức Ân lúc bấy giờ chính là Đề-bà-đạtđa. năm trăm người buôn lúc ấy nay chính là năm trăm Bà-la-môn xuất gia đắc đạo. Ta ở đời kiếp xưa kia cứu giúp ách nạn ấy, nay lại bạt trừ tai họa sanh tử cho họ”.

Lại trong kinh Phật thuyết Chiên Đàn Thọ nói: “Đức Phật bảo với A-nan: Lắng nghe kỹ càng mà tiếp nhận giữ gìn! Lúc ấy ở nước Duy Da Lê có năm trăm người, đi vào biển thu thập vật báu, bỏ thuyền đi bộ trở về. Trải qua núi sâu tối ngày dừng chân nghỉ lại, chuẩn bị nghiêm túc sáng sớm lên đường. Sáng sớm bốn trăm chín mươi chín người đều đã ra đi, một người ngủ say lạc mất bè bạn, lại gặp Trời mưa tuyết phủ lấp mất đường đi, giửa núi nguy hiểm vô cùng bèn khóc nức nở kêu Trời gọi đất. Có vị Thọ thần ở cây Chiên Đàn Hương to lớn nói với người khốn cùng rằng: Hãy ở lại nơi này, tự tôi sẽ cung cấp cơm ăn áo mặc đến mùa xuân mới có thể đi được. Người khốn cùng bèn ở lại. Đến ba tháng sau trình bày với Thọ thần rằng: Nhờ ân mà được toàn vẹn thân mạng, không có chút gì đền đáp nhưng có cha mẹ ngay ở quê nhà, thật sự nghĩ rằng cần phải trở về, nguyện xin chỉ đường cho! Thọ thần nói rằng: Tốt! Liền tự nhiên thuận theo ý muốn, lấy một chiếc bánh bằng vàng tặng cho, và nói: Cách đây không xa sẽ được lối trở về phố thị. Người khốn cùng sắp đi lại hỏi Thọ thần rằng: Cây này thơm tho thanh khiết hiếm có ở thế gian, nay sẽ trở về, xin biết tên gọi của cây! Thọ thần nói: Không cần phải hỏi. Người khốn cùng lại nói: Nhờ bóng cấy này che chở trải qua 3 tháng, nếu về đến đất nước mình sẽ nói về ân nghĩa của cây. Thọ thần bèn đáp rằng: Cây này tên gọi Chiên Đàn, thân rễ cành lá chữa trị mọi bệnh tật của con người, hương thơm tỏa xa hiếm có ở thế gian, mọi người vốn tham cầu, không nên nói cho họ biết! Người khốn cùng về đến trong nước, bà con thân thích đều mừng rỡ. Chẳng bao lâu sau Quốc vương mắc bệnh đau đầu, cúng tế cầu xin các vị thần Trời, đất, núi, sông, nhưng bệnh không hề giảm bớt, danh y thăm viếng nói rằng: Chỉ cần có loại cây Chiên Đàn Hương để bảo vệ thì căn bệnh được chữa lành. Nhà vua liền chiêu mộ tìm kiếm khắp dân gian mà không có, bèn truyền lệnh trong nước có ai tìm được cây Chiên Đàn Hương, sẽ bái làm phong hầu, gả công chúa làm vợ. Lúc ấy người khốn cùng nghe thưởng bổng lộc nồng hậu, liền đến chỗ vua thưa rằng: Tôi biết chỗ có cây Chiên Đàn Hương. Nhà vua liền lệnh cho quan quân đi theo người khốn cùng đến chặt lấy cây Chiên Đàn Hương. Đi đến nơi cây, quan quân trông thấy cây to lớn thẳng tắp, cành lá tươi tốt hoa trái sum sê, bởi vì hiếm thấy cho nên tâm không nỡ nào chặt phá, không chặt thì làm trái mệnh lệnh của nhà vua. Chần chừ lưỡng lự không biết phải làm sao! Thọ thần ở giữa hư không nói rằng: Cứ chặt đi, chỉ giữ lại gốc cây chặt rồi dùng máu người bôi vào, gan ruột phủ bên trên, cây tự nhiên sẽ mọc trở lại như cũ! Quan Quân nghe thần linh nói như vậy, liền sai người chặt cây. Người khốn cùng đứng ở bên cây, cành cây rơi xuống đất đâm chết người khốn cùng. Quan quân liền cùng nhau bàn luận rằng: Trước đây Thọ thần nói nên lấy máu người bôi vào, gan ruột phủ lên trên để thờ tâm của cây, không biết nên dùng ai để tế rạ ơn thần, người này bây giờ chết rồi, tiện thể lấy mà làm lễ tạ, vậy thì cắt mổ lấy gan ruột máu huyết người đó như lời thần linh đã chỉ bày. Cây lập tức mọc lại như ban đầu không có gì sai khác. Xe chở cây đã chặt trở về trong nước, thầy thuốc lập tức dâng thuốc lên và bệnh nhà vua được chữa lành. Cả nước vui mừng, nhà vua truyền cho nhân dân trong nước người nào có bệnh, đều xuất Chiên Đàn Hương cung cấp chữa bệnh đều được lành bệnh, cả nước hớn hở thỏa lòng vui sống thái bình.

A-nan rời chỗ ngồi cúi rập đầu chất vấn rằng: Người khốn cùng này, sao không giữ lời mà lại tráo trở, làm trái lời thề sâu nặng với Thọ thần? Đức Phật trả lời rằng: Vào thời xa xưa lúc Đức Phật Duy Vệ tại thế, có ba cha con, người cha phụng hành trai giới chưa hề lơi lỏng lười nhác, người con lớn thường ở trong nhà thắp hương giữa hư không cúng dường chư Phật mười phương, người em nhỏ ngu si không biết gì Tam bảo, nhất định dùng áo che phía trên hương. Người anh nói với em rằng: Việc này rất quan trọng, vì sao em xâm phạm? Người em khởi lên tâm ác nói rằng: Thề sẽ chặt đứt hai chân anh. Người anh lại dấy lên nghĩ rằng: Nên đánh chết em. Người cha nói: Hai con tranh cãi khiến cho cha đau đầu. Người con lớn trả lời rằng: Nguyện phá nát thân con làm thuốc khiến cho cha dẹp yên những bệnh tật làm hại. Miệng không nói xằng bậy, cho nên đời đời chịu tội. Người em phát khởi Ác ý muốn chặt đứt chân anh, quả về sau dẫn người đến chặt thân cây. Người anh muốn đánh chết em, nay làm Thọ thần, quả nhiên vì cây làm Thể đánh chết thân em. Quốc vương đau đầu lúc ấy là người cha xưa kia, phụng trì trai giới tinh tiến cho nên được báo ứng tôn quý. Lúc ấy nói khiến cho cha đau đầu, sau gặp quả báo đau đầu. Tất cả đều nhận chịu tai ương của chính mình. Đức Phật dạy: Báo ứng tội phước như bóng theo hình”.

Tụng rằng:

Đại bi thương xót cứu giúp,
Đức nặng sánh tựa đất trời,
Ân sâu ví như cha mẹ,
Nghĩa vượt quá xa vua tôi,
Dù cho trung hiếu suốt đời,
Hãy còn khó mà báo ân,
Nếu như làm trái lý đó,
Qua lại đánh mất thân mình.