PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 48

 

Thiên thứ 48: GIỚI HÚC

Thiên này có sáu phần: Thuật ý, Giới mã, Giới học, Giới đạo, Giới tội, Tạp giới.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Bởi vì thiết lập hình tượng bày tỏ Chân-cảm hóa Tục theo phép tắc chuẩn mực, dựa vào ngón tay chỉ mặt trăng-nêu rõ đạo là quy định thông thường, nhưng mà do vọng tưởng điên đảo tình thức duyên theo dòng tập khí khó thay đổi, không suy nghĩ hối cải mà thuận theo nghiệp lực trôi nổi bập bềnh. Vì vậy kinh Niết-bàn nói: “Làm điều thiện trong sáng lên cao ví như đất trong móng tay, làm điều ác mờ ám ghìm xuống ví như bụi đất bao la”. Bởi vì sáu kẻ giặc ngoại cảnh cùng lúc đến mười kết sử bên trong trói buộc nhau, hoặc ví như bình mỏng nơi nhà xí, hoặc tương tự đồ sành nơi nguy hiểm, vốn là ngôi nhà sắp sụp đổ vì ba ngọn lửa luôn luôn đốt cháy, ẩn trốn giữa không trung mà năm lưỡi dao thường xuyên theo đuổi, sông núi dẫn đường bức bách hình hài trong từng sát na, lò mổ trâu dê cắt xẻ tính mạng ra thành trăm mảnh, cũng như chuột chui vào ống mỡ, đến tận cùng sẽ đi về đâu? Huống hồ năm trược đan xen hỗn loạn-bốn núi thường xuyên áp sát, mà có thể yên trí nhận chịu không sanh lòng hối hận buồn lo ư? Vì lẽ đó bậc đại Thánh rủ lòng khuyên dạy, pháp dụ làm cho quay về chỉ quyết định bởi khuyên nhủ ước thúc, thân tâm không duyên theo dục vọng phóng túng, xem xét dốc sức động viên chuyên tự kiểm điểm lầm lỗi của mình, chỉ thấy sắp chết ánh mắt mờ đi, quyến thuộc tụ tập trước mắt khó cứu, than thở rơi lệ cảm kiếp trầm luân, đã nhìn khổ ấy sao không tự khuyên, lỗi lầm do mình tạo ra thì sửa đổi không nhờ người khác, hãy còn có chút phước thiện thì cảm báo ở trong loài người, lại gặp giáo pháp lưu truyền tự mình trông thấy Tam bảo, thoát cảnh sống trong đường ác đối diện trước mắt mà không hay biết, vì vậy đau lòng không có cớ gì để mà lười nhác đâu!

Thứ hai- PHẦN GIỚI MÃ (Khuyên nhủ loài ngựa).

Như kinh Trung A-hàm nói: “Lúc ấy có người giỏi thuần phục ngựa, tên là chỉ thi, đi đến nơi Đức Phật cúi đầu lạy dưới chân Đức Phật, rồi lùi lại ngồi một bên thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Con thấy thế gian thật là đơn giản, giống như bầy dê, thế gian chỉ mình con có thể có năng lực thuần phục ngựa, con ngựa dữ điên cuồng quá mức, con làm phương tiện trong chốc lát khiến cho trạng thái căn bệnh của nó đều hiện rõ ra, tùy theo trạng thái căn bệnh đó mà tìm cách điều phục. Đức Phật bảo với người giỏi thần phục ngựa: Này chủ tụ lạc! Ông dùng mấy loại phương tiện điều phục đối với ngựa? Người giỏi thuần phục ngựa thưa với Đức Phật rằng: Con có ba loại phương pháp điều phục ngựa dữ. Những gì là ba loại? Đó là: 1- Mềm mỏng; 2- Thô kệch; 3- Vừa mềm vừa mỏng vừa thô kệch. Đức Phật bảo rằng: này chủ tụ lạc! Ông dùng ba loại phương tiện điều phục ngựa, còn con nào không thuần phục thì sẽ như thế nào? Người giỏi thuần phục ngựa thưa với Đức Phật rằng: Có con nào không thuần phục thì nên giết đi. Nguyên cớ vì sao? Bởi vì đừng làm cho con nhục nhã! Người giỏi thuần phục ngựa thưa với Đức Phật rằng: Đức Thế tôn là bậc vô thượng Điều Ngự Trượng Phu, Ngài dùng mấy loại phương tiện để điều ngự hàng trượng phu? Đức Phật bảo rằng: Này chủ tụ lạc! Ta cũng dùng ba loại phương tiện để Điều Ngự hàng trượng phu. Những gì là ba loại? Đó là: 1- Luôn luôn mềm mỏng; 2- Luôn luôn cứng rắn; 3- Vừa mềm mỏng vừa cứng rắn. Đức Phật bảo rằng: Này chủ tụ lạc! Vốn gọi là luôn luôn mềm mỏng, thì như ông đã nói, đây là thiện hạnh của thân, đây là báo ứng thiện hạnh của thân, đây là thiện hạnh của khẩu ý, đây là báo ứng thiện hạnh của khẩu ý; thì gọi là thiện, thì gọi là người, thì gọi là hóa sanh vào nẽo thiện, thì gọi là Niết-bàn, đây là phương tiện mềm mỏng. Thứ hai là luôn luôn cứng rắn, thì như ông đã nói, là ác hạnh của thân, là báo ứng ác hạnh của thân, là ác hạnh của khẩu ý, là báo ứng ác hạnh của khẩu ý, thì gọi là địa ngục, thì gọi là súc sanh, thì gọi là ngạ quỷ, thì gọi là nẻo ác, thì gọi là rơi vào nẻo ác; đây gọi là cách dạy cứng rắn của Như Lai. Thứ ba là vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, nghĩa là Như Lai có lúc nói về thiện hạnh của thân, có lúc nói về báo ứng thiện hạnh của thân, có lúc nói về thiện hạnh của khẩu ý, có lúc nói về báo ứng ác hạnh của thân, có lúc nói về ác hạnh của khẩu ý, có lúc nói về báo ứng ác hạnh của khẩu ý, như vậy gọi là thiện, như vậy gọi là người, như vậy gọi là nẽo thiện, như vậy gọi là Niết-bàn, như vậy gọi là địa ngục, như vậy gọi là súc sanh-ngạ quỷ, như vậy gọi là nẻo ác, như vậy gọi là rơi vào nẻo ác, đây gọi là cách dạy vừa mềm mỏng vừa cứng rắn của Như Lai. Người giỏi thuần phục ngựa thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn! Nếu dùng ba loại phương tiện điều phục chúng sanh, thì có chúng sanh nào không thuần phục nên làm như thế nào? Đức Phật bảo rằng: Này chủ tụ lạc! Cũng nên giết đi. Nguyên cớ thế nào? Bởi lẽ đừng làm cho Ta phải nhục nhã! Người giỏi thuần phục ngựa thưa với Đức Phật rằng: Nếu như giết hại chúng sanh, thì đối với giáo pháp của Như Lai trở thành không thanh tịnh, trong giáo pháp của Thế tôn nêu rõ là không giết hại sinh mạng, mà nay nói giết đi thì nghĩa ấy như thế nào? Đức Phật bảo rằng: Này chủ tụ lạc! Trong giáo pháp của Như Lai nêu rõ là không giết hại sinh mạng, nhưng trong giáo pháp của Như Lai dùng ba cách để giảng dạy, người không điều phục, thì không tiếp tục qua lạc chuyện trò, không dạy bảo cũng không khuyên nhủ, há không phải là chết hay sao? Người giỏi thuần phục ngựa thưa với Đức Phật: Quả thật như vậy thưa Đức Thế tôn! Không tiếp tục qua lại chuyện trò, vĩnh viễn không dạy bảo khuyên nhủ, thật sự là đã chết. Vì nguyên cớ này, con bắt đầu từ hôm nay xa rời các nghiệp ác và bất thiện! Nghe Đức Phật đã thuyết rồi hoan hỷ mà quay về”.

Lại trong kinh Pháp Cú Dụ nói: “Đức Phật hỏi người giỏi về voi, phương pháp thuần phục voi có mấy loại? Đáp rằng: Có ba loại. Sao nói là ba loại? Đó là: 1- Dùng móc sắt móc miệng gắn vào rồi buộc chặt; 2- Giảm cho ăn luôn luôn khiến nó đói gầy; 3- Dùng gậy đánh làm cho nó càng thêm đau khổ. Bởi vì móc sắt móc miệng vốn là dùng để quản thúc cái miệng hung hăng, dựa vào không cho ăn uống vốn là dùng để quản thúc cái thân thô lỗ, nhờ thêm vào gậy đánh vốn là dùng để làm cho tâm nó phải khuất phục. Đức Phật bảo rằng: Này cư sĩ! Ta cũng có ba cách dùng để điều phục tất cả, cũng dùng để tự điều phục mình đạt đến nơi vô vi. Đó là: 1- Bởi vì chí thành cho nên chế ngự tai họa của miệng, 2- Bởi vì hiền từ trung trinh cho nên điều phục tính ngang bướng của thân; 3- Bởi vì trí tuệ cho nên diệt trừ ngu si che đậy của ý. Giữ gìn ba điều này để được thoát khỏi tất cả khổ đau-xa rời ba đường ác, đạt đến nơi an lành tự tại”.

Thứ ba- PHẦN GIỚI HỌC (Khuyên nhủ học hỏi).

Như kinh Tăng Nhất A-hàm nói: “Trong một bài kệ phát sinh ra ba mươi bảy phẩm và nghĩa lý về các pháp. Ca-diếp hỏi rằng: Là như thế nào? Lúc ấy Tôn giả A-nan liền nói kệ này:

Đừng làm những điều ác,
Thực hành mọi điều thiện,
Tự thanh tịnh tâm ý,
Là lời chư Phật dạy.

Vì sao như vậy? Bởi vì đừng làm những điều ác, thì giới cấm có đủ nghiệp hạnh trong sáng. Thực hành mọi điều thiện, thì tâm ý thanh tịnh. Tự thanh tịnh tâm ý, thì loại trừ tà vạy điên đảo. Chính là lời chư Phật dạy, thì không còn những ý tưởng ngu si mê hoặc. Thế nào Ca-diếp? Giới thanh tịnh thì ý lẽ nào bất tịnh ư? Thanh tịnh thì không còn điên đảo, bởi vì không có điên đảo nên mọi ý tưởng ngu si mê hoặc bị diệt trừ, những kết quả của ba mươi bảy đạo phẩm sẽ đạt được thành tựu, bởi vì thành tựu đạo quả, lẽ nào không phải là các pháp hay sao?”

Thứ tư- PHẦN GIỚI ĐẠO (Cảnh cáo trộm cắp).

Như Kinh Tạp A-hàm nói: “Lúc ấy có Tỳ kheo kỳ lạ, người ở nước Câu Tát La trú ngụ trong một khu rừng. Đương thời Tỳ kheo ấy có bệnh về mắt, được thầy chỉ bày rằng: Nên ngửi mùi hoa Bát Đàm Ma! Lúc Tỳ kheo ấy được thầy chỉ bày rồi, đi đến bên cạnh hồ hoa Bát Đàm Ma, ở bên bờ hồ đón gió mà ngồi, thuận theo gió để ngửi mùi hoa. Bấy giờ có Thiên Thần là chủ khu hồ này, nói với Tỳ kheo rằng: Vì sao trộm hoa? Nay ông chính là kẻ giặc trộm hương đấy!

Lúc bấy giờ Tỳ kheo nói kệ trả lời rằng:

Không làm hỏng cũng không giành lấy,
Ở xa theo gió ngửi mùi hoa
Nay ông vì cớ gì nói rằng:
Tôi là kẻ giặc trộm hương hoa?

Bấy giờ Thiên Thần lại nói kệ rằng:

Không mong cầu mà không xả bỏ,
Thế gian gọi đó là kẻ giặc
Ông bây giờ người ta không cho,
Mà tự mình luôn luôn giữ lấy
Thì gọi là kẻ giặc thật sự,
Trộm hương hoa ở giữa thế gian.

Lúc ấy có một người đàn ông, lấy củ rễ trong hồ ấy chất đầy gánh mà đi, bấy giờ Tỳ kheo vì Thiên thần kia mà nói kệ rằng:

Như người đàn ông kia bây giờ,
Cắt đứt gốc hoa Phân Đà Lợi
Nhổ củ chất đầy gánh mà đi,
Thì chính là người thật gian trá,
Tại vì sao ông không ngăn cản,
Mà nói tôi là trộm hương?

Lúc ấy Thiên Thần kia nói kệ trả lời rằng:

Người thả sức gian trá bừa bãi,
Giống như sữa vương đầy áo mẹ
Đâu đáng để nói thêm gì nữa,
Mà lại có thể nói cho ông
Ca sa vấy bẩn không hiện rõ,
Áo đen thì vết đen không bẩn
Người gian trá hung ác bất thiện,
Thế gian không qua lại chuyện trò
Chân ruồi vây bẩn lụa trắng tinh,
Mắt sáng thấy rõ sai lầm bé
Như chấm mực dính vào ngọc quý,
Tuy nhỏ mà đều hiện rõ ra.

Bấy giờ Tỳ kheo kia lại nói kệ rằng:

Lời nói lành thay tốt lành thay,
Dùng nghĩa lý mà an ủi tôi!
Ông có thể luôn luôn vì tôi,
Nhiều lần nói về những kệ này!

Lúc ấy Thiên Thần lại nói kệ rằng:

Tôi không phải nô lệ ông mua,
Cũng không phải người cùng với ông
Vì sao luôn luôn đi theo ông,
Nhiều lần cùng nói cho ông biết
Nay ông nên tự mình biết rõ,
Những việc gì lợi ích nhiều hơn!

Thứ năm- PHẦN GIỚI TỘI (Cảnh cáo tội lỗi)

Như Kinh Diêm La Vương Ngũ Thiên Sứ Giả nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Con người sống giữa thế gian, không hiếu thảo với cha mẹ, không cung kính với Sa môn, không thực hành nhân nghĩa, không học hỏi kinh giới, không sợ hãi đời sau, khi thân người đó mất đi sẽ bước vào địa ngục, người đứng đầu mang đi thưa trình với Diêm La vương nói về tội lỗi tàn ác của họ: Người này làm đủ các tội lỗi như bất hiếu với cha mẹ…, không có phước đức, không sợ hãi cái chết, xin nhà vua xử phạt! Diêm La vương thường thường trước hết làm cho yên lòng rồi từ từ dùng lời trung thực đúng đắn, hiện ra năm vị sứ giả mà hỏi tường tận.

Diêm Vương thứ nhất hỏi: Người không thấy, người thế gian bắt đầu là trẻ thơ, nằm yên mà ỉa đái không thể nào tự mình giữ gìn, miệng không biết nói-không biết đẹp xấu, người thấy hay không? Người chết đáp rằng đã thấy. Diêm Vương nói: Ông tự nói là không phải như vậy, nhưng mà thần thức con người đi theo rốt cuộc sẽ có sanh ra, tuy hãy còn chưa thấy mà bình thường nên làm điều thiện tự trang nghiêm ba nghiệp của mình, làm sao buông thả tâm ý mặc sức tạo ra lỗi lầm như vậy? Người chết đáp rằng: Ngu si mờ ám không biết. Diêm Vương nói: Ngươi tự ngu si mặc ý làm điều ác, không phải là sai lầm của cha mẹ thầy dạy cua chúa Sa môn-Đạo nhân…, tội lỗi tự nhiên do ngươi, lẽ nào có thể không vui, nay phải nhận lấy mà thôi! Đây là Diêm Vương hiện ra vị Thiên Sứ thứ nhất.

Diêm Vương thứ hai lại hỏi: Lúc ngươi làm người, Thiên Sứ theo đến, ngươi có thể cảm giác biết được không? Người chết đáp rằng không cảm giác được. Diêm Vương nói: Ngươi không thấy người thế gian tuổi già tóc bạc răng rụng gầy yếu lưng còng run rẩy đi lại khó khăn-sinh hoạt thường ngày đều cần đến gậy chống hay không? Người chết đáp có thấy như vậy. Diêm Vương nói: Ngươi nói là một mình ngươi tránh khỏi, có thể không già, tất cả mọi người đã sanh ra thì theo quy luật đều phải già yếu, nên luôn luôn làm điều thiện-trang nghiêm thân miệng ý-tâm cung kính thực hành kinh giới. Tại sao tự mình buông thả? Người chết đáp rằng: Bởi vì ngu si cho nên như vậy, Diêm Vương nói: Ngươi tự vì mình ngu si làm những điều ác, không phải là lỗi lầm do cha mẹ vua chúa Sa môn- Đạo nhân, tội lỗi tự nhiên do ngươi, lẽ nào có thể không vui, nay phải nhận lấy mà thôi! Đây là Diêm Vương hiện ra vị Thiên Sứ thứ hai.

Diêm Vương thứ ba tiếp tục hỏi: Lúc ngươi làm người, há không thấy thân hình nam nữ thế gian có bệnh tật thì thân thể đau khổ đứng ngồi không yên mạng sống mong manh buồn lo bức bách mọi thứ thuốc men chữa trị không lành hay sao? Người chết đáp rằng có thấy. Diêm Vương nói: Ngươi có thể không mắc bệnh chăng? Con người sinh ra đã già đi thì theo quy luật đều phải có bệnh, nghe thân mạng khỏe thì nên cố gắng làm điều thiện cung kính thực hành kinh giới, giữ gìn thân miệng ý, tại sao tự mình buông thả? Người chết đáp rằng: Bởi vì ngu si cho nên như vậy. Diêm Vương nói: Ngươi tự vì mình ngu si mà làm điều ác, không liên quan gì đến lỗi lầm do cha mẹ vua chúa-Sa môn-Đạo nhân cả, tội lỗi tự nhiên do ngươi, lẽ nào có thể không vui, nay phải

nhận lấy mà thôi! Đây là Diêm Vương hiện ra vị Thiên Sứ thứ ba.

Diêm Vương thứ tư tiếp tục hỏi: Lúc ngươi làm người, lẽ nào không thấy những người chết giữa thế gian, hoặc chôn thân xác của họ, hoặc bỏ giữa đồng hoang, đến ngày thứ bảy thịt da nát rữa, chim chóc chồn cáo đều đến ăn thịt, tất cả mọi người đã chết thì thân hình nát rữa thối tha, ngươi lẽ nào không thấy? Người chết đáp rằng có thấy. Diêm Vương nói: Ngươi cho rằng một mình ngươi tránh được, có thể không chết ư? Tất cả mọi người đã sinh ra thì theo quy luật đều phải chết, nghe ở thế gian luôn luôn làm việc thiện, giữ gìn thân miệng ý cung kính thực hành kinh giới, tại sao lại tự mình buông thả? Người chết đáp rằng: Bởi vì ngu si cho nên như vậy. Diêm Vương nói: Ngươi tự mình làm điều ác, không phải là lỗi lầm do cha mẹ-vua chúa-Sa môn-Đạo nhân gây ra, tội lỗi tự nhiên do ngươi, lẽ nào có thể không vui, nay phải nhận lấy mà thôi! Đây là Diêm Vương hiện ra vị Thiên Sứ thứ tư.

Diêm Vương thứ năm tiếp tục hỏi: Lúc ngươi làm người, không thấy kẻ tàn ác xấu xa giữa thế gian bị quan binh bắt giữ xử tội kết án mà nhận lấy hình phạt, hoặc là chặt tay chân, hoặc là xẻo mũi tai, hoặc là đốt cháy thân hình treo đầu giữa mặt Trời nóng bỏng, hoặc là mổ xẻ chặt lìa thân thể cùng các loại cực hình vô cùng đau khổ hay chăng? Người chết trả lời rằng có thấy. Diêm Vương nói: Ngươi cho rằng làm điều ác chỉ có một mình ngươi có thể hiểu được ư? Mắt nhìn thấy tội phước rõ ràng giữa thế gian, sao không giữ điều thiện chế ngự thân miệng ý cung kính thực hành kinh giới, tại sao tự mình buông thả? Người chết đáp rằng: Bởi vì ngu si ám muội cho nên như vậy. Diêm Vương nói: Ngươi tự mình dụng tâm làm điều không chính đáng, không phải là lỗi lầm do cha mẹ-vua chúa Sa môn-Đạo nhân, nay tội lỗi này cần phải tự mình nhận chịu mà thôi! Đây là Diêm Vương hiện ra vị Thiên Sứ thứ năm.

Đức Phật thuyết kinh xong, tất cả các đệ tử đều tiếp nhận lời dạy khuyên răn, tất cả tiến lên làm lễ, hoan hỷ vâng mạng thực hành”.

Thứ sáu- PHẦN TẠP GIỚI (cảnh cáo nhiều điều).

Trong kinh Đại Pháp Cú kệ nói (Tất cả có 11 điều nhắc nhủ):

1. Nhắc nhủ về niềm tin:

Người có niềm tin đức hạnh,
Được hàng Thánh nhân khen ngợi
Người vui nghiệp hành vô vi,
Cởi bỏ tất cả ràng buộc
Ví như lợi ích thế gian,
Ân huệ niềm tin là hiểu
Tiền của là thứ quý nhất,
Gia sản không phải thường còn
Muốn thấy các pháp chân thật,
Thích nghe giảng về giáo pháp,
Luôn bỏ tham tiếc ganh ghét,
Điều này gọi là niềm tin
Không tin không thể luyện tập,
Thích bác bỏ lời chính đáng
Như đào đất có nguồn nước,
Đào suối bùn đục cuộn lên.
Người tài đức quen trí tuệ,
Thích dựa theo dòng nước trong,
Như khéo léo để lấy nước,
Cần phải làm cho không đục
Niềm tin không nhiễm người khác,
Chi bằng tin vào chính mình
Giống như điều phục voi lớn,
Tự điều phục mình tốt nhất.
Tín tài cùng với Giới tài,
Tàm quý cũng là tài sản
Văn tài lại thêm thí tài,
Và tuệ là bảy tài sản.
Cuộc sống có tài sản này,
Không hỏi gì trai hay gái
Chung quy bởi không tham lam,
Người tài đức biết chân thật.
 
2. Nhắc nhủ về cái chết:
 
Nguyên cớ chẳng phải thường còn,
Gọi là pháp hưng và suy
Có sanh nhất định phải chết,
Thân này diệt đi là vui
Như dòng nước chảy băng băng,
Đi qua mà không trở lại
Mạng sống con người như vậy,
Chết rồi không còn gặp nữa.
Cuộc sống qua một ngày đêm,
Mạng tự nhiên sẽ giảm bớt
Tuổi thọ dần dần mất hết,
Như hầm nước đọng dập dời
Bình thường đều sẽ khô đi,
Cao thì cũng phải rơi xuống,
Hội tụ sẽ có chia ly,
Sanh ra thì phải có chết
Chúng sanh thật là mong manh,
Tính mạng khi đã mất đi
Tuỳ theo nghiệp hành rơi xuống,
Tự mình gánh chịu tai ương
Dù cho sống đến trăm năm,
Cái chết cũng sẽ đến tìm
Bị tuổi già luôn bức bách,
Bệnh cuối cùng đến giới hạn.
Một ngày đêm đã đi qua,
Mạng sống cũng sẽ giảm theo
Giống như cá sống thiếu nước,
Nơi ấy nào có vui gì?
Già đến thì thân suy yếu,
Bệnh tật tự nhiên hủy hoại
Hình hài tàn tạ run rẩy,
Mạng chung là điều chắc chắn.
Thân này có ích gì đâu,
Luôn luôn chảy thứ thối tha
Bị bệnh tật làm khốn khổ,
Gây ra tai họa già chết
Không có con cái cậy nhờ,
Cũng không cha mẹ anh em
Bị cái chết đến bức bách,
Không có thân thích nương tựa
Ngày đêm lần lữa lười nhác,
Già cũng không ngừng dâm dục,
Có tiền của không bố thí,
Không tiếp nhận lời Phật dạy
Có bốn điều tệ hại này,
Là tự mình lừa dối mình
 
3. Nhắc nhủ về giết hại.
 
Vì nhân ái không giết hại,
Thường có thể giữ gìn thân
Đây là nơi không thể chết,
Cũng không gặp tai họa gì
Không giết hại là nhân ái,
Cẩn thận lời nói giữ tâm
Sống như vậy là không chết,
Cũng không gặp phải tai họa
Đời hỗn loạn đã khổ đau,
Giữ lòng yêu thương nhân ái
Thấy giận có thể nhẫn nhịn,
Như vậy chính là phạm hạnh
Chí thành yên ổn thong dong,
Miệng không nói lời thô thiển
Không nóng giận với người ta,
Đây gọi là người phạm hạnh
Buông tay vui sống vô vi,
Không làm hại đến chúng sanh.
Không có điều gì phiền nhiễu,
Đây gọi là người phạm hạnh
Thường lấy lòng dạ yêu thương,
Trong sáng như lời Phật dạy
Biết vừa đủ biết dừng lại,
Thì sẽ vượt qua sanh tử
Yêu thương tất cả mọi người,
Đối với chúng sanh bình đẳng
Thường thực hành tâm từ bi,
Luôn luôn được bình yên tự tại
Ngày đêm nghĩ đến yêu thương,
Tâm không bận lòng trách mắng
Không làm tổn hại chúng sanh,
Đây là hạnh không oán thù
Nằm yên tỉnh giấc an lành,
Không thấy mộng mị dữ dằn
Trời che chở người yêu mến,
Không gặp ác hiểm binh đao.
Nước lửa không làm mất mát,
Còn gặp được điều lợi ích
Chết sanh lên cõi Phạm Thiên,
Thọ báo tự nhiên vui sướng
Nhân ái không làm mất chí,
Từ bi thực hành cao nhất
Thương chúng sanh bị tổn hại,
Phước thiện này thật bao la
 
4. Nhắc nhủ về ý nghiệp:
 
Mắng chưởi nói lời ác hiểm,
Kiêu ngạo khinh thường người ta
Những hành nghiệp này dấy lên,
Oán thù lập tức phát sinh
Nói lời khiêm nhường tùy thuận,
Tôn kính đối với mọi người
Bỏ oán thù nhẫn điều ác,
Phiền não sớm tự diệt trừ.
Sinh làm người giữa thế gian,
Búa rìu ở trong miệng mình,
Sở dĩ làm hại đến thân,
Bởi vì lời nói tệ hại
Tranh nhau được chút lợi lộc,
Như bưng bít mất tiền của
Từ đó dẫn đến giành giật,
Khiến ý luôn luôn nghĩ ác
Tâm là cội rễ của pháp,
Tâm tôn trọng tâm sai sử
Trong tâm nghĩ đến điều ác,
Tội khổ tự nhiên tìm đến
Tâm là nguồn gốc của pháp,
Tâm vương cùng với tâm sở
Trong tâm luôn nghĩ điều thiện,
Phước lạc thuận theo tự nhiên
Hành tùy theo ý bừa bãi,
Trói buộc vào trong ngu tối
Tự cao không có pháp gì,
Sao hiểu lời nói tốt lành?
Hành thuận theo ý đứng đắn,
Giải thích mọi lẽ rõ ràng
Không còn tâm niệm ganh ghét,
Thông suốt lời hay nghĩa đúng
Giận hờn đối với oán thù,
Không lúc nào không oán hận
Không giận tự nhiên diệt hết,
Là đạo lý đáng tôn trọng
Không thích trách mắng người ta,
Cốt phải tự suy xét mình,
Nếu người có biết điều này,
Tai họa vĩnh viễn không còn.
 
5. Nhắc nhủ về tà vạy:
 
Lấy chân thật làm giả dối,
Lấy giả dối làm chân thật
Đây gọi là người tà kiến,
Không được lợi ích thật sự
Biết chân thật là chân thật,
Thấy giả dối biết giả dối
Đây gọi là người chánh kiến,
Đạt được lợi ích chân thật
Tường nhà không được kín đáo,
Trời mưa thì bị tạt ướt
Ý không suy nghĩ chính đáng,
Tà pháp nhân đó xen vào
Tường nhà che kín tốt lành,
Mưa gió không còn tại ướt
Giữ ý niệm luôn ngay thẳng,
Tà vạy ẩn kín không sanh
Người thấp hèn nhiễm theo ác,
Như gần đồ vật xấu xa,
Dần dần quen theo điều trái,
Không biết trở thành người ác
Người học theo tính tài đức,
Như gần hương thơm xông ướp
Trí tiến vào quen với thiện hạnh
Nghiệp trở thành trong sáng
Chánh niệm luôn luôn phát triển,
Tà pháp tự nhiên diệt trừ
Tự mình giữ theo chánh pháp,
Tiếng tốt ngày càng tăng thêm
Luôn luôn suy nghĩ về đạo,
Gắng sức giữ gìn chánh hạnh
Vững vàng sẽ được độ thoát,
Tốt lành không có gì hơn
Tự kiềm chế điều phục tâm,
Việc làm không hề phóng túng
Bố thí-Trì giới-Nhẫn nhục,
Tinh tiến-Thiền định-Trí tuệ
Lục độ vạn hạnh trang nghiêm,
Tự nhiên luôn luôn bừng sáng
Cuộc đời tự tại bình yên,
Lợi mình lợi người không khác
Sống không làm cho phiền muộn,
Chết mà không chút buồn lo
Hoạ phước hai nẽo khác nhau,
Lên xuống hai đường tách biệt.
 
6. Nhắc nhủ về ngu si.
 
Ngu si chìm trong sanh tử,
Chẳng hề biết gì chánh pháp
Ngu muội không có trí tuệ,
Như ở trong nhà tối tăm
Gặp chuyện đầu óc mơ màng,
Nóng lành không sao phân rõ
Cho dù tu tập đã lâu,
Mà vẫn không biết phương pháp
Tuy là tiếp tục thực hành,
Vì mình gây ra tai họa
Tâm thích làm điều xấu xa,
Tự dẫn đến nhiều tội lỗi
Nơi kẻ ngu si hướng về,
Không cho rằng gặp khổ đau
Sắp rơi vào chỗ khốn cùng,
Mới biết đó là bất thiện
Ngu si dốt nát làm ác,
Không thể tự mình hiểu được
Tai họa đi theo tự đốt,
Tội lỗi hừng hực bốc cao
Người ngu ham thích ngủ nghỉ,
Lo buồn cứ mãi dấy lên
Ngôi nhà ảm đạm tối đen,
Như tằm ở trong cái kén
Người ngu vui với điều ác,
Đến chết không thể dừng lại
Tuy nói cho nghe điều thiện,
Trái lại thành ra oán thù
Tội lỗi còn chưa chín muồi,
Ngu si lấy để quán xét
Đến lúc chín muồi báo ứng,
Tự chịu tai họa nặng nề
Ngu si ham thích tài sắc,
Ngày đêm không hề thỏa mãn
Giống như hang núi cháy khô,
Trút nước không thể đầy được
Ngu si tạo nhiều lầm lỗi,
Tiếp xúc gặp phải nóng giận
Cho dù bị roi gậy đánh,
Mà cũng không tự dừng lại.
 
7. Nhắc nhủ về điều ác
 
Quán xét sâu sắc thiện ác,
Tâm biết sợ hãi kiêng dè
Sợ hãi mà không vi phạm,
Cuối cùng tốt lành không lo
Vì vậy đời có phước đức,
Suy nghĩ tiếp tục thực hành
Cố gắng làm cho mãn nguyện,
Phước lộc chuyển thành tốt hơn
Tin theo thiện duyên làm phước,
Tích lũy phước thiện không chán
Tin tưởng biết có âm đức,
Lâu dần ắt làm sáng tỏ
Vui thích pháp nằm yên giấc,
Tâm ý vui vẻ an lành
Thánh Nhân diễn bày giáo pháp,
Trí tuệ thường vui thực hành.
Người có tài đức trí tuệ,
Trai giới tuân theo hành đạo
Như vầng trăng giữa muôn sao,
Soi chiếu sáng ngời thế gian
Người bắn cung chỉnh theo hướng,
Người lái thuyền chỉnh con thuyền
Thợ mộc điều chỉnh gỗ dùng,
Người trí điều chỉnh bản thân
Ví như tảng đá to nặng,
Gió không thể nào dời chuyển
Người trí ý chí thiết tha,
Khen chê không thể nghiêng ngã
Ví như dòng suối lắng sâu,
Lặng lờ trong veo thấu đáy
Người trí tuệ nghe đến đạo,
Tâm tư thanh tịnh vui sướng
Đoạn trừ năm ấm ràng buộc,
Lặng yên suy tư trí tuệ
Có thể tự cứu giúp mình,
Hiển bày nghĩa lý chân thật
Kềm chế tình ý tham dục,
Chí vui với đạo vô vi
Tiếp nhận tất cả chánh giáo,
Mong mỏi giáo pháp thường còn.
 
8. Nhắc nhủ về ràng buộc:
 
Xa lìa mọi nỗi buồn lo,
Cởi bỏ tất cả phiền não
Ràng buộc vướng mắc đã hết,
Tiêu tan tự nhiên an lành
Tâm tư vắng lặng nghĩ suy,
Không cón ham thích điều gì
Đã vượt qua cảnh cạn khô,
Như chim nhạn bỏ xa hồ
Tùy theo bụng mà ăn uống,
Không tích chứa lại vật gì
Tâm rỗng rang không ý tưởng,
Xa gần vô ngại ung dung
Duy trì thân mạng mà dùng,
Không mong cầu gì dư thừa
Giảm bớt thuận theo vô vi,
Không còn điều gì ràng buộc
Kiềm chế ý tưởng theo chánh,
Như nắm cương điều khiển ngựa
Xa rời kiêu căng ngạo mạn,
Được Trời người đều tôn kính
Không giận dữ như mặt đất,
Không lay động như núi cao
Bậc chân nhân không cấu trược,
Đoạn tuyệt sanh tử thế gian
Tâm tư khi đã vắng lặng,
Ngôn hành cũng sẽ dừng lại,
Thuận theo chánh giáo giải thoát,
Rỗng rang quay về tự tại
Bỏ điều ác không vướng mắc,
San bằng nhân quả tam giới
Vĩnh viễn bặt dứt tình sắc,
Thì gọi là bậc thượng trí
Nơi quy tụ như đồng hoang,
Nơi nhiễm ô mà không nhiễm
Chân thân ứng hiện ngợi ca,
Không ai không được giúp đỡ
Thường vui với chốn hoang vu,
Mọi người không thể đạt đến
Thanh thản thay bậc Thượng Sĩ,
Trời người khâm phục ngưỡng mộ!
 
9. Nhắc nhủ về đọc tụng:
 
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Không thực hành có ích gì
Không bằng chỉ một lần nghe,
Chịu khó tu được lợi ích
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Mà câu nghĩa không chính xác
Không bằng một điều quan trọng,
Nghe rồi ý được rõ ràng
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Không hiểu nghĩa nào ích gì
Không bằng hiểu một nghĩa lý,
Nghe mà thực hành được độ
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Mà không cung kính ích gì
Không bằng biết được một hàng,
Vui thích vâng theo tu tập
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Mà tâm mình không trừ diệt
Không bằng biết chỉ một câu,
Gạt bỏ kiêu mạn phóng dật
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Mà cầu danh lợi tham trước
Không bằng chỉ một lần nói,
Xa rời chấp trước ung dung
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Mà không mong trừ tội lỗi
Không bằng chỉ một câu văn,
Dứt khoát lìa xa sanh tử
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Mà sắc tình càng kiên cố
Không bằng chỉ một lần hiểu,
Tâm cảnh quên hết chẳng còn
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Mà không cầu được xuất thế
Không bằng một khi thức tỉnh,
Đoạn tuyệt xa rời ba cõi
Cho dù tụng cả ngàn lời,
Mà không có đủ bi trí
Không bằng một khi tùy thuận,
Lợi mình lợi cho mọi người.
 
10. Nhắc nhủ về thực hành.
 
Con người sống đến trăm năm,
Lòng tham càng thêm quá mức
Không bằng sống chỉ một ngày,
Mà từ bỏ hết tài sắc
Con người sống đến trăm năm,
Ham vui không giữ giới luật
Không bằng sống chỉ một ngày,
Mà tâm thanh tịnh giữ giới
Con người sống đến trăm năm,
Nhiều nóng giận không nhẫn nhịn
Không bằng sống chỉ một ngày,
Mà có niềm tin không giận.
Con người sống đến trăm năm,
Lười nhác không hề chịu khó
Không bằng sống chỉ một ngày,
Miệt mài thúc đẩy thân tâm
Con người sống đến trăm năm,
Tình ý ham theo phóng dật
Không bằng sống chỉ một ngày,
Tâm tư quay về vắng lặng
Con người sống đến trăm năm,
Tâm thức tối tăm mờ mịt
Không bằng sống chỉ một ngày,
Hiểu rõ nguồn cội vô minh
Con người sống đến trăm năm,
Vụng về kiềm chế thân tâm
Không bằng sống chỉ một ngày,
Khéo léo vận dụng chu toàn
Con người sống đến trăm năm,
Luôn luôn mang lòng yếu hèn
Không bằng sống chỉ một ngày,
Mà thừa tuệ lực dũng mãnh
Con người sống đến trăm năm,
Không phát thệ nguyện tốt lành
Không bằng sống chỉ một ngày,
Thực hành bốn hạnh vĩ đại
Con người sống đến trăm năm,
Không sinh ra chút trí tuệ
Không bằng sống chỉ một ngày,
Với tánh trí tuệ thông minh.
 
11. Nhắc nhủ về khẩu nghiệp
 
Trong kinh Tạp A-hàm, Chư Thiên nói kệ rằng:
Con người sinh ra giữa thế gian,
Búa rìu nằm sẳn trong miệng mình
Trở lại tự chặt đứt thân mình,
Ấy là do lời nói ác hiểm
Nên chê bai thì lại ca ngợi,
Nên ca ngợi mà lại chê bai
Tội lỗi đó trong miệng sanh ra,
Chết rồi sẽ rơi vào đường ác.
 
Tụng rằng:
 
Lập chí nhắc nhủ tâm ngu si,
Ngưỡng mộ lòng vui gặp hạn kỳ
Cùng nhau xây dựng hoằng thệ nguyện,
Xa thế tục vui chốn huyền vi
Vắng lặng tách rời người và vật,
Sáng ngời tránh khỏi mọi vấn vương
Yên tĩnh cầu mong lòng chân thật,
Lao xao khuyến khích tâm mềm mỏng
Cảnh giác thôi thúc tu ba nghiệp,
Kiên quyết dốc lòng bốn lưu
Phát tâm dựng xây hoằng thệ nguyện,
Vận dụng thuyền Từ cứu trầm luân.
Hẹn ngày trở về bờ Diệu Giác,
Cố gắng tu chung cõi Niết-bàn
Giữ tâm theo sát tám chánh đạo,
Lập chí tận cùng ba kỳ kiếp

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra bốn chuyện: 1- Sa môn Thích Chi Độn-thời Tấn; 2- Sa môn Thích Vong Danh thời chu; 3- Sa môn Thích Đạo An thời Chu; 4- Sa môn Thích Tăng Phạm thời Tề.

1. Thời nhà Tấn ở núi Ốc Châu vùng Diệm có Chi Độn tự là Đạo Lâm, vốn là người họ Quan vùng Trần Lưu, có nơi nói là người vùng Lâm Lự-Hà Đông tuổi thơi có thần thái thông minh xuất chúng. Tấn Vương Hi Chi trông thấy Chi Độn có tài năng văn chương tuyệt vời hiếm gặp, liền cởi áo mũ cân đai lưu luyến không muốn rời, nhiều lần mời đến ở tại chùa Linh Gia, ý giữ lại gần bên nhau. Nhưng lại tìm đến núi Diệm, ở một ngọn núi nhỏ tại Ốc Châu dựng chùa hành đạo, tăng chúng hơn trăm người thường theo học. Lúc ấy có người lười nhác, Chi Độn bèn viết bài minh đặt bên phải chỗ ngồi, để khuyên nhủ rằng:

Hãy chịu khó chăm chỉ, đến đạo không cần mẫn, sao trở thành nấn ná, chìm mất nét thần kỳ! Ba cõi mênh mông mịt mù, dừng lại lâu dài tăm tối, ngoại cảnh tiếp cận buồn phiền, nội tâm rong ruổi sâu xa.

Chết vì khát khao kính trọng, lui lại xa rời quên mệt, con người sống chỉ một đời, nhỏ nhoi như hạt sương rơi. Thân ta chẳng phải là ta, nói rằng do ai tạo ra, người thông hiểu nhớ ân đức, biết yên lành ắt nguy nan, tất cả trống rỗng rõ ràng, hồ thiền trong veo thấu đáy, giữ chặt cấm giới sáng ngời, nói rõ quy phạm sâu xa, tâm bình yên trong thần đạo, chí ngang bằng với vô vi, ba Tế sáng ngời lặng lẽ, sáu Tì sửa trị dung thông, năm Ấm trống rỗng có gì, bốn chi rõ ràng giả dối, không ngón tay ví ngón tay, đoạn tuyệt mà chẳng rời xa, Diệu Giác đã bày rõ ràng, lại khó biết được sâu xa, khéo léo tùy ý bình thường, cùng với mọi vật đổi thay, vượt qua từ đây về trước, đừng suy nghĩ đừng bàn luận!

2. Thời nhà Chu ở vùng Vị Tân có Sa môn Vong Danh, tự mình khuyên nhủ rằng:

Dùng sức mạnh xoay chuyển Trời đất kéo lại thời gian, trong vòng một ngày đã sớm tàn tạ, kiên cố như ngọn Thái sơn hùng vĩ, bỗng chốc làm sao trở thành tro bụi? Chắc chắn biết rằng tướng thế gian vô thường phù sanh hư ngụy, ví như sương buổi sáng dừng lại được bao lâu? Bậc đại trượng phu sống nên làm cho ma quân phải khuất phục-chết nên làm thức ăn nuôi hổ đói, nếu như không phải vậy thì sống uổng phí nào ich lợi gì? Không bằng tu thiền định đủ đề nuôi dưỡng chí nguyện, đọc tụng kinh điển đủ để tự làm cho vui vẻ, phú quý danh dự chỉ uổng công người mà thôi. Thế là cởi bỏ áo mũ-cạo bỏ râu tóc, mặc ca sa-chống tích trượng-nghe giảng giải bàn luận nghĩa lý nhiệm mầu, đất nước loạn lạc chưa yên không có nơi nào an thân được, tự chán ngán hình hài có lắm điều trói buộc, nghĩ đến cùng nguồn gốc khổ đau chẳng làm sao biết được bến bờ. Trong kinh Đại Thừa nói: “Như thuyết tu hành, mới gọi là Thánh, không chỉ là lời nói của miệng”. Tiểu Thừa có kệ nói: Luôn luôn thực hành nói là đúng, Không thực hành nói dựa vào đâu? Nếu nói mà không thể thực hành, Thì không gọi là người có trí.

Vì lẽ đó Nhan Hồi hiếu học chịu khó sửa đổi sai lầm trước đây, Quý Lộ chưa tu sợ hãi nghe đến lời nói mai sau, công lao trí tuệ hỗn loạn làm nhọc tinh thần tổn thương tính mạng, vì đạo ngày càng giảm sút đâu cần biết nhiều, thề cần phải hình hài như cây khô-suy nghĩ như tro nguội, làm cho tai họa dây dưa này phải thuần phục để mong cầu rỗng rang vắng lặng, mới làm bài khuyên răn Tuyệt Học, cũng gọi là Tức Tâm Nghĩ Phu Chu Miếu, bài minh ấy rằng:

Trong Pháp giới có người là vật báu Như ý, miệng họ mãi im lặng mà lòng họ khắc sâu rằng: Người nhiếp tâm của cổ xưa vậy. Khuyên nhủ thay! Khuyên nhủ thay! Không nghĩ nhiều-không biết nhiều, biết nhiều thì nhiều tai họa, không bằng dừng ý nghĩ, nghĩ nhiều thì tâm rối loạn, tâm rối loạn thì sanh phiền muộn, chí phân tán thì chướng ngại đạo. Chớ bảo rằng đâu tổn hại, khổ đau ấy thật dài lâu, đừng nói là đâu sợ hãi, tai họa ấy thật ầm ỉ. Nước chảy không ngừng bốn biển sẽ tràn đầy, bụi nhỏ không lau, năm núi sẽ tạo thành. Phòng giữ ngọn ở gốc, tuy nhỏ mà không xem thường, đóng bảy khiếu như thế, bít sáu Tình như vậy, đừng nhìn trộm đối với sắc, chớ lắng nghe đối với Thanh, nghe thấy Thanh là điếc, trông thấy sắc là đui. Một lời văn một nghệ thuật là con ve nhỏ giữa hư không, một kỹ năng một tài cán, là ngọn đèn lẻ dưới mặt Trời. Người anh hiền tài nghệ, đều là hạng ngu dại vụng về, vứt bỏ sự thuần phác, chìm đắm trong vẻ đẹp dâm ô, ngựa thức dễ chạy-khỉ tâm khò kìm, tinh thần đã hao tổn vất vả, thì hình hài ắt phải thương tổn, nẽo tà hoàn toàn mê hoặc thì đường tu vĩnh viễn nhầy nhụa. Người anh hiền tài năng, đều nói là hạng hồ đồ dốt nát, bày kém cỏi mà muốn khéo léo, đức hạnh không nhiều, danh xưng nặng mà công hạnh nhẹ, cao thì mau sụp, viết vẽ bừa bãi trên sách vở, tác dụng lại không bình thường, trong lòng thì tự khoe khoang, ngoài mặt làm cho căm ghét. Có lúc bàn luận nơi miệng, có lúc viết chép bằng tay, muốn người khác phải khen ngợi, cũng là cái hố xấu xa, mà phàm phu nói là tốt đẹp, bậc Thánh cho là điều dữ, thưởng thức vui vẻ chốc lát mà buồn lo đau thương muôn kiếp, sợ bóng hình sợ dấu tích mà càng đi càng dữ, ngồi lặng dưới bóng cây che mát thì dấu tích không còn mà bóng hình cũng mất, chán ngán sinh lo sợ lão cứ suy nghĩ là tạo ra, tâm tưởng nếu dệt đi thì sanh tử vĩnh viễn không còn, chẳng tử chẳng sanh không có tướng không có danh, một nẽo đường rỗng rang vắng lặng thì muôn vật bình đẳng như nhau, có gì hơn có gì kém, có gì nặng có gì nhẹ, có gì sang có gì hèn, có gì nhục có gì vinh? Trời quang mây tạnh mặt Trời tỏa sáng, tâm tàm quý thanh tịnh hiện bày, làm cho ngọn thái sơn ấy yên ổn-cõi Kim Thành kia vững chắc, kính tặng các bậc hiền triết đạo lý trung trinh lợi ích này!

3. Thời nhà Chu có Sa môn Thích Đạo An có chùa Đại Trung Hưng chốn kinh sư, người họ Diêu ở vùng thành cổ Bằng Dực, hiểu biết nghĩa lý huyền vi sớm dựa theo pháp môn, thần khí cao vời trong sáng tiết tháo chính trực xa xăm, mới làm chín chương Di Giới để khuyên bảo học trò. Lời văn ấy nói:

Chân thành xin lỗi các vị đệ tử! Người xuất gia vì đạo rất sâu nặng rất khó khăn, không thể tự tùy tiện, không thể tự coi thường. Vốn nói là sâu nặng, ấy là gánh vác đạo đức mang nặng nhân nghĩa, phụng trì tịnh giới đến chết mới thôi. Vốn nói là khó khăn, ấy là đoạn tuyệt thế tục cắt bỏ thân ái, thay đổi tính tình không giống với mọi người, làm việc mà người ta không thể làm được, cắt bỏ điều mà người ta không thể cắt bỏ được, nhẫn chịu khổ nhục tổn hại thân mạng. Nói là khó khăn, ấy gọi là Đạo nhân; Đạo nhân ấy là người dẫn dắt vậy. Việc làm nhất định phải được thực hiện, lời nói nhất định phải thích hợp với cách thức, khoác y phục xuất gia luôn luôn làm đúng pháp tắc, không tham không tranh không gièm pha không che giấu, học vấn cao xa chí ở tại lặng im sâu kín, đây là danh xưng dự vào địa vị tam Tôn xuất Hiền nhập Thánh. Gột sạch tinh thần cho nên hàng vua chúa không mong đợi sự đền đáp của họ, cha mẹ không mong đợi sức lực của họ người khắp thiên hạ không ai không quay về nương tựa, xa vợ xa con giảm bớt sự nuôi sống cung phụng cơm áo, cong lưng làm tất cả mọi việc không từ gian khổ chông gai. Tiếc rằng vì chí hạnh thanh khiết thông với thần minh, sợ hãi không có được gì đáng khác lạ đáng quý trọng, cho nên tự mình không xác định được làm cho đạo pháp phải suy tàn! Người mới học chưa nhận thức được pháp tắc, bỏ tà theo chánh mong cầu chân thật, mà lấy sự ranh mãnh nhỏ nhoi làm trí, lấy sự ngưỡng mộ nhỏ nhoi làm đầy đủ, ăn no suốt ngày không hề dụng tâm tự mình lui sụt nhìn lại thật cũng đáng xót xa! Suy nghĩ người xuất gia bây giờ, hoặc có năm tháng, mà sự nghiệp trải qua chưa thông-văn từ không dứt khoát, uổng phí một đời không có gì đáng nói. Sự tình chưa thông-văn từ không dứt khoát, uổng phí một đời không có gì đáng nói. Sự tình như vậy không thể suy nghĩ sâu sắc, hạn định vô thường không sớm thì muộn, quả báo đau khổ của ba nẽo không mạnh không yếu. Nghĩa thầy trò sâu nặng cho nên đem ra trình bày rõ ràng, lưu truyền cho hữu tình đáng làm lời khuyên suốt cuộc đời của bản thân mình!

Thứ nhất: Người đã xuất gia vĩnh viễn xa cách cha mẹ sanh ra, cạo bỏ râu tóc hủy hoại hình dáng mặc pháp phục vào thân. Ngày từ biệt cha mẹ người thân thì mọi người đều ứa lệ đau thương, cắt ái trọng đạo lý hướng cao vút Trời xanh, nên theo chí nguyện này mà tu học hiểu thông kinh điển đạo pháp; tại vì sao vô tâm cố tình giữ lại sắc Thanh, nhởn nhơ suốt ngày kinh điển sự nghiệp không thành, đức hạnh ngày càng giảm sút mà việc làm xấu xa thì thừa ra, thầy bạn hổ thẹn-phàm tục khinh chê, xuất gia như vậy chỉ tự bôi nhọ tên họ của mình, cho nên nay dạy bảo khích lệ hãy tự mình nên chuyên cần tinh tiến!

Thứ hai: Người đã xuất gia chí nguyện xa rời thế tục từ biệt quân vương, nên tự khuyên răn động viên mình theo chí hướng như tận mây xanh, tài sắc không quan tâm đến khác nhau so với thế tục, vàng ngọc không quý chỉ có đạo là châu báu, kiềm thúc bản thân giữ gìn tiết tháo cam chịu khổ sở vui với nghèo hèn, đức hạnh tăng thêm tự độ mình lại có năng lực độ cho người khác, tại vì sao thay đổi tiết tháo chạy theo thói phong trần sai lạc, ngồi chưa nóng chỗ đã chạy đi từ nơi này đến nơi khác, vội vàng như tội đồ lao dịch bị quan binh truy bắt, kinh điển đạo lý không thông-giới đức không tròn vẹn, bạn bè giễu cợt đồng học lánh xa, xuất gia như vậy chỉ uổng phí tuổi Trời, nay cố tình chỉ bày khuyến khích tất cả nên tự thương lấy mình

Thứ ba: Người đã xuất gia thì vĩnh viễn lìa xa họ hàng quyến thuộc, không có người thân thiết-không có kẻ xa lạ, thanh tịnh không còn ham muốn, tốt lành thì không vui mừng hung dữ thì không buồn rầu, ung dung vượt ra ngoài rõ ràng lìa xa thế tục, chí nguyện giữ huyền diệu theo chân lý còn mãi sự chất phác, có thể tự độ mình mà cứu giúp nhiều người khắp nơi được nhờ phước thiện; tại vì sao vô tâm mà vẫn tiếp xúc với trước nhiễm, tranh giành tốt xấu tính toán chi ly một cách tệ hại, cùng với thế tục tranh danh đoạt lợi khác gì tôi tớ trong nhà, kinh điển đạo lý không hiểu rõ đức hạnh không đầy đủ, xuất gia như vậy chỉ tự hủy hoại làm nhục mình, nay vì thế mà chỉ bày nêu rõ hãy tự tắm gội gột rửa chính mình!

Thứ tư: Người đã xuất gia thì gọi là Đạo nhân, cha mẹ không người cung kính quân vương không có bề tôi, khắp nơi đều tôn trọng hầu hạ như thần linh, cúi rập đầu kính chào không kể gì giàu sang hay nghèo hèn, tôn trọng sự tu tập trong sáng tự lợi mình lợi cho người, giảm bớt một hạt gạo mang nặng ân tình để chu cấp tại vì sao khinh mạn lười nhác không thể nào báo ân, ỷ lại mà phóng túng thân ý một cách vô ích, không có giới hạnh mà ăn của bố thí thì chết rồi đi vào địa ngục, sắt nóng làm thức ăn- nước đồng chảy rót vào họng, sự đau khổ như vậy trong kinh Pháp Cú đã trình bày. Nay vì thế mà chỉ bày kiềm chế nên tự sữa chữa lại bản thân mình!

Thứ năm: Người đã xuất gia thì gọi là Tức Tâm, không đắm theo những tạp nhiễm xấu xa chỉ có đạo là kính trọng, chí hướng trong sáng như ngọc như băng tuyết, nên tu tập kinh Pháp-giới luật để giúp cho tinh thần, chúng sanh được giúp đỡ cứu độ cho người thân của mình; tại vì sao vô tâm chìm nổi thuận theo thế tục, buông thả bốn đại- Phóng túng năm căn, đạo đức thì cạn cợt mà chuyện thế tục càng sâu dày; xuất gia như vậy cùng với thế gian nào khác gì đâu? Nay vì thế mà khuyên nhủ kiềm thúc mong tự làm thông suốt tinh thần cho mình!

Thứ sáu: Người đã xuất gia thì rời bỏ thân hình thế tục, nên cốt phải dốc hết tình ý phù hợp với Niết-bàn; tại vì sao ồn ào náo loạn không ở nơi vắng lặng, kinh điển đạo lý hao tổn mà chuyện thế tục có thừa, nơi trong sáng sạch sẽ không đi mà lại tiến vào nơi bùn lầy dơ bẩn, mạng sống mong manh chỉ trong chốc lát, đau khổ chốn địa ngục khó có thể viết hết được. Nay vì thế mà khuyên nhủ khích lệ nên kính trọng mô phạm chuẩn mực!

Thứ bảy: Người đã xuất gia thì không thể tự rộng lượng với mình, hình hài tuy thô lậu quê mùa mà việc làm thật đáng nhìn, y phục tuy không quý mà đứng ngồi phải đoan trang, ăn uống tuy đạm bạc mà lời nói ra đáng được làm cho no lòng, mùa hạ thì nén chịu nóng bức-mùa Đông thì nén chịu đựng giá lạnh, luôn luôn tự mình giữ gìn tiết tháo không uống trộm dòng nước, không tụ tập với người phẩm hạnh xấu xa, chân không duỗi thẳng về phía trước, ở mãi trong phòng riêng như đứng trước bậc chí tôn, học tuy không nhiều mà cò thể sánh với bậc Thượng Hiền, xuất gia như vậy đủ để đền đáp công ân của cha mẹ, họ hàng bà con bạn bè tri thức đều được nhờ ân. Nay vì thế mà khuyên nhủ mọi người nên tự sách tấn mình!

Thứ tám: Người đã xuất gia thì tánh có tối tăm và sáng suốt, học không bao nhiêu mà quan trọng là ớ trọng là sự chuyên cần thực hành, người căn bậc Thượng thì ngồi thiền-người căn bậc Trung thì tụng kinhngười căn bậc Hạ thì có thể luôn luôn bảo quản giữ gìn chùa tháp sạch sẽ trang nghiêm, há có thể suốt ngày không có được chút gì hay sao? Ứng xử giữa đời mà không nghe nhận thì có thể nói là sống đời uổng phí, nay vì thế mà chỉ bày cho mọi người nên tự đoan trang tính tình phẩm hạnh của mình!

Thứ chín: Người đã xuất gia thì vĩnh viễn cách xa cha mẹ đạo pháp thay đổi tính cách y phục thế tục rời thân hình, ngày từ biệt thân thích quyến thuộc thoắt buồn thoắt vui, gần xa đoạn tuyệt thế gian vượt ra ngoài chốn trần ai, nên tu tập kinh điển đạo lý kiềm chế bản thân thực hành chân thật; tại vì sao vô tâm mà lại nhiễm nhân tố thế gian, kinh điển đạo lý đã ít mà thực hành chẳng có chút nào, lời nói chẳng đáng coi trọng đức hạnh chẳng đáng quý báu, làm cho thầy bạn phải liên lụy- oán hận ngày càng sâu nặng. Xuất gia như vậy chỉ làm hại giáo pháp- bôi nhọ chính mình, hãy suy nghĩ hãy nhớ lấy mà tự sửa chữa bản thân tốt hơn!

4. Thời nhà Tề có Sa môn Thích Tăng Phạm ở chùa Đại Giác vùng Nghiệp Đông, người họ Lý vùng Bình Hương, giới đức thanh cao tuân theo cấm giới không hề thiếu sót, đã từng ở lại chùa khác ý muốn được nghe giới, vào đêm 1 thuyết giới, đại chúng bàn bạc cùng nhau dừng thuyết giới mà tiến hành quy tập giáo pháp, có vị Tăng lên tòa cao sắp giảng về nghĩa lý. Nói rằng: Luận thẳng về pháp tướng thì phải hiểu sâu sắc ngôn từ của bậc Thánh, lúc Bồ tát thường nghe vấn nạn là được rồi. Bỗng nhiên trông thấy một vị thần hình dáng cao hơn trượng tướng mạo rất nghiêm khắc oai hùng, cao vút kinh người đi đến trước tòa cao, hỏi người luận về nghĩa lý (Thụ nghĩa), nay là ngày gì? Đáp rằng: Là ngày Bồ tát. Vị thần liền đưa tay túm lấy, kéo xuống khỏi tòa cao mệt mỏi gần chết. Tiếp đó hỏi vị Thượng tọa, hỏi đáp như trước, túm lấy cũng gần chết. Làm cho hai ba vị Thượng tọa khiếp sợ rồi, vị thần còn vẫy cánh tay mà đi ra. Lúc ấy đạo tục cùng nhìn thấy không phải là ít. Tăng Phạm đã thấy điều kỳ lạ này, mới tự mình cố gắng chịu khó và khuyên răn đại chúng, cho đến suốt đời không dám thuyết dục (vắng mặt lúc Bồ tát), cho dù có bệnh nặng không thể nào tham dự được, thì thỉnh Tăng đến nơi người bệnh cung kính thuyết giới. Tăng ni cả khu vực tiếp sau lần trừng phạt cảnh cáo này, đến ngày Bồ tát cũng không ai thiếu sót.

Bốn chuyện trên đây trích từ Lương Cao Tăng Truyện.