PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 45

 

Thiên thứ 42: NẠP GIÁN

Thiên này có hai phần: Thuật ý và Dẫn chứng.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Nói đến tiếp nhận theo lý lẽ thì bặt dứt nói năng, trái với thú hướng ấy thì dấy lên tranh luận. Nhưng lời nói thẳng thắn ấy là căn bản của đức, tiếp nhận chịu được mà hạnh đầy đủ, ví như mắt kém đối với cách nhìn của mình thì cần phải dựa vào gương để xem rõ hình hài, tóc rối đối với lý lẽ tự nhiên thì cần phải nhờ vào lược để tự chải suôn sẻ. Do đó nơi nét mặt là theo hình dáng, nhờ vào năng lực của đài gương sáng tỏ, nơi mái tóc là theo lý lẽ, nhờ vào công dụng của lược chải thông suốt, nơi công hạnh mà được tiếng thơm, đại khái là lợi ích của nói năng vậy. Vì thế thân mình sắp hư hoại, chắc chắn không tiếp nhận lời nói chính nghĩa khuyên can, mạng sống sắp chấm dứt, chắc chắn không thể nào ở tại thầy thuốc tài hoa.

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Như kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Đức Phật dạy: Xưa nay nhà vua nước Ca Thi tên là Ác Thọ làm nhiều điều phi pháp, đau khổ phiền muộn đến dân chúng, giết chóc cướp đoạt vô đạo, đồ vật tốt đẹp quý hiếm của khách buôn khắp nơi, đều đánh thuế đoạt lấy không trả lại giá trị cho họ, vì nguyên cớ này mà vật báu trong nước liền đến mất giàu có sang trọng nhất, mọi người truyền miệng chê trách tiếng ác dồn đi khắp nơi. Lúc bấy giờ có con chim Anh Vũ chúa ở trong khu rừng, nghe người đi đường nói đến sự tàn ác của nhà vua, liền tự mình suy nghĩ rằng: Mình tuy là chim mà còn biết sai trái ấy, nay nên đến nơi ấy vì nhà vua nói về thiện đạo. Nhà vua ấy nếu nghe mình nói thì nhất định phát ra lời nói rằng: Chim chúa kia hãy còn có lời tốt lành, làm sao vị vua loài người lại bị người mỉa mai chê trách, nếu như có thể sửa chữa sai lầm thì hay biết mấy! Nghĩ vậy liền bay vút lên đến trong khu vườn của nhà vua, bay đi lượn lại rồi hạ xuống đậu trên cành cây, gặp lúc phu nhân nhà vua đi vào khu rừng dạo chơi ngắm nhìn. Lúc ấy chim Anh Vũ vỗ cánh kêu ríu rít, mà nói lời rằng: Nay nhà vua thật là bạo ngược cô đạo, làm tổn thương dân chúng-ác độc không tha chim thú, muôn loài gào khóc-người và súc vật vô cùng căm giận, tiếng than vãn áo não nghe khắp nơi thiên hạ, phu nhân hà khắc chẳng khác gì nhà vua, là bậc cha mẹ của dân chúng lẽ nào thích hợp như vậy hay sao? Phu nhân nghe rồi bừng bừng tức giận, con chim nhỏ này mắng mình tràn miệng như vậy, lập tức sai người rình bắt. Bấy giờ chim Anh vũ không kinh hoàng không sợ hãi bay vào tay người bắt. Phu nhân bắt được chim liền mang đến cho nhà vua. Nhà vua nói với Chim Anh Vũ: Vì sao mắng nhiếc ta? Chim Anh Vũ đáp rằng: Nói nhà vua làm điều phi pháp chính là muốn lợi ích cho nhau, không dám mắng nhiếc nhà vua. Lúc ấy nhà vua hỏi rằng: Có điều gì phi pháp? Đáp rằng: Có bảy điều phi pháp luôn luôn gây tổn hại cho thân mạng nhà vua. Hỏi rằng: Những gì là bảy điều? Đáp rằng: Một là đam mê theo nữ sắc không tôn trọng điều chân chính, hai là thèm rượu say sưa mê loạn không lo nghĩ việc nước, ba là tham đắm theo cờ bạc không tu dưỡng lễ nghi cung kính, bốn là đi lại săn bắn giết hại mạng sống cũng không có tâm từ, năm là thích phát ra lời nói hiểm ác thấp nhất không hề nói lời tốt lành, sáu là thuế khóa lao dịch bị xử phạt quá mức so với quy phạm thông thường, bảy là không theo nghĩa lý mà cướp đoạt tài sản của dân chúng. Có bảy điều này thì luôn luôn gây tổn hại cho thân mạng nhà vua. Lại có ba điều cùng làm hỏng đến đất nước của nhà vua. Nhà vua lại hỏi rằng: Sao nói là ba điều? Đáp rằng: Một là thân cận với người tà nịnh gian ác, hai là không gần gũi người có tài đức-không tiếp nhận lời nói tốt lành, ba là thích đánh chiếm đất nước người ta mà không chăm lo cho nhân dân. Ba điều này không loại bỏ thời kỳ suy sụp sẽ đến, không sớm thì muộn ắt phải xảy ra. Rằng người làm vua thì dẫn dắt dân chúng trở về nương tựa, nhà vua nên giống như chiếc cầu giúp cho dân chúng vượt lên, nhà vua nên giống như cái cân thân sơ đều bình đẳng, như vua nên giống như con đường không cách xa dấu chân bậc Thánh, nhà vua nên giống như mặt Trời chiếu rọi khắp nơi thế gian, nhà vua nên giống như vầng trăng mang lại sự mát lành cho mọi vật, nhà vua giống như cha mẹ yêu thương nuôi dưỡng dạy con cái thành người, nhà vua giống như bầu Trời che phủ tất cả, nhà vua giống như mặt đất chuyên chở nuôi dưỡng muôn loài, nhà vua giống như ngọn lửa đốt cháy mọi tai họa xấu ác cho tất cả dân chúng, nhà vua giống như làn nước tưới thấm khắp nơi, hãy giống như Chuyển luân Thánh vương thời quá khứ, chính là dùng đạo lý mười thiện để giáo hóa chúng sanh! Nhà vua nghe lời nói ấy mà tự mình hết sức hổ thẹn, lời của Chim Anh Vũ, thật là chân thành và rất khẩn thiết, mình là vua loài người làm những điều vô đạo, xin tuân theo lời dạy đó cung kính lấy làm Thầy tiếp nhận tu dưỡng chánh hạnh! Lúc bấy giớ làn gió giáo hóa trong đất nước đã thực hành thì tai tiếng xấu ác liền tiêu diệt, phu nhân và các quan giúp đỡ việc nước đếu sanh lòng trung thành tôn kính, tất cả dân chúng không ai không hoan hỷ. Chim Anh Vũ lúc ấy chính là thân Ta bây giờ, vua Ac Thọ nước Ca Thi lúc ấy chính là Phụ Tướng ngày nay, phu nhân lúc ấy chính là phu nhân của Phụ Tướng bây giờ”.

Còn trong kinh Tát Già Ni Kiền Tử nói: “Lúc ấy vua Nghiêm Xí nói: Thưa Đại Sư! Có thể có chúng sanh thông minh nhiều trí tuệ căn cơ nhanh nhạy mà có sai lầm tội lỗi hay không? Đáp rằng: Có! Người đó là ai vậy? Đáp rằng: Chính là Đại vương, Đại vương rất thông minh nhiều trí tuệ căn cơ nhanh nhạy sắc sảo, có uy lực to lớn-tâm không hề yếu hèn, thích và vui mừng bố thí-đầy đủ mọi uy đức, cũng có sai lầm tội lỗi. Nhà vua nói: Thưa Đại sư, sai lầm tội lỗi của tôi thế nào? Đáp rằng: Tội lỗi của nhà vua là bạo ác quá mức, quá nghiêm khắc-quá sơ suất-quá cứng nhắc quá vội vàng, nhà vua nên biết rằng, nếu như hàng vua chúa tính tình quá độc ác, thì hạng vua chúa ấy làm cho tất cả mọi người không cần đến, nhiều người không yêu mến, nhiều người không ưa thích, thậm chí cha mẹ cũng không thích thấy mặt, huống là đối với người khác. Vì vậy nhà vua, không nên quá độc ác, hễ làm những điều gì thì nên tự nhiên khoan thai chứ không nên quá vội vàng, bèn nói kệ rằng:

Nếu nhà vua làm điều độc ác,
Tâm giận dữ không thấy sự việc
Thường thường làm chúng sanh sợ hãi,
Thậm chí cha mẹ cũng kinh hoàng
Huống gì những người không thân thiết,
Mà nên có ý niệm thương yêu
Đại vương thích ứng nên biết rằng,
Người có trí xa rời nóng giận!

Lúc bấy giờ vua Nghiêm Xí ở chỗ ngồi đối diện nghe Ni Kiền Tử nói xấu và nói tốt tự mình, tâm sinh ra không chịu nỗi-tâm giận hờn không vui, tâm sinh ra độc hại liền cất tiếng nói rằng: Tát Già Ni Kiền Tử, tại sao ông ở giữa đại chúng nói đến sai lầm tai họa của Ta, Ta từ xưa đến nay không có người nào dám nhìn thẳng vào ta, nay ông nói xấu tội lỗi của Ta nên phải chịu chết. Nói lời này xong bảo với các quan rằng: Các ông nên bắt người này chặt đứt mạng căn đó cho Ta! Ni Kiền Tử kinh hãi nói rằng: Đại vương ơi, nay ông đừng vội vàng làm điều độc ác như vậy, tôi có lời tốt lành, mong Đại vương tạm thời bố thí cho tôi sự không sợ hãi lắng nghe lời tôi đã nói! Nhà vua nói: Ông nói điều gì thì ông nên nói mau! Ni Kiền Tử đáp rằng: Đại vương nên biết rằng: tôi cũng có tội bởi vì nói quá thật-nói không giả dối-nói xứng với việc theo tôi như vậy, trước mặt người rất độc ác, trước mặt người đáng sợ, trước mặt người có tính vội vàng, trước mặt người không có từ bi, trước mặt người làm việc hấp tấp, trước mặt những người có hành vi như vậy nói ra lời nói chân thật như vậy. Đại vương nên biết rằng, người thông minh trí tuệ không nên bất cứ lúc nào-bất cứ nơi đâu cũng luôn luôn nói lời chân thật, cần phải khéo léo quán sát để có thể cùng với người trò chuyện-không thể cùng với người trò chuyện-lúc có thể trò chuyện-lúc không thể trò chuyện. Nên biết rằng lời nói chân thật thì người thế gian không yêu thích không dễ dàng ca ngợi, mà nói kệ rằng:

Người có trí không biết chọn lúc,
Vội vàng tuỳ ý nói chân thật
Người kia trách mắng người có trí,
Huống là với người không có trí?
Người có trí ở khắp mọi nơi,
Cũng không nên nói lời chân thật
Đây là Kiều Thi Ca Chân thật,
Nói lời chân thật vào đường ác.

Lúc bấy giờ nhà vua nghi Ni Kiền Tử nói về sai lầm tội lỗi của bản thân, lập tức hiểu thông suốt mà quay trở lại chân thành sám hối”.

Lại trong Đại Trang Nghiêm Luận nói: “Đức Phật dạy: Xưa Ta đã từng nghe, có bà mẹ già họ Khương đi vào trong rừng hái quả cây Ba La về bán để tự nuôi sống mình, đường đi qua trạm tra cửa ải, lính tuần tra thu thuế, lúc ấy bà mẹ già không muốn nộp thuế, bèn nói lời rằng: Ông có thể dẫn tôi đến bên nhà vua thì mới có thể lấy được thuế, nếu không như vậy thì cuối cùng không đưa cho ông. Thế là lính tuần tra liền cùng nhau đùn đẩy, hướng đến nơi nhà vua. Nhà vua hỏi bà cụ: Nay bà cụ vì sao không nộp thuế qua cửa ải? Bà cụ thưa với nhà vua: Nhà vua có thể biết vị Tỳ kheo nơi ấy không? Nhà vua nói: Ta biết vị Đại A-la-hán này. Lại hỏi: Vị Tỳ kheo thứ hai nhà vua lại biết hay không?

Nhà vua nói: ta biết vị ấy cũng là A-la-hán, vị Tỳ kheo thứ ba nhà vua lại biết hay không? Nhà vua đáp rằng: Biết, vị ấy cũng là A-la-hán. Bà cụ cao tiếng mà thưa với nhà vua rằng: Ba vị La-hán này đều là con tôi, những người con này đều nhận sự cúng dường của nhà vua, có thể khiến cho nhà vua nhận được vô lượng phước thiện vậy thì gọi là mang lại đồ vật đóng thuế cho nhà vua, tại sao lại muốn thu thuế làm mất đi của tôi vậy? Nhà vua nghe vậy rồi ca ngợi là chưa từng có: lành Thay bà cụ, có thể sanh ra những người con bậc Thánh, ta thật sự không biết những vị A-la-hán kia là con của bà cụ, nên thêm phần cúng dường cung kính đối với bà mẹ già như bà cụ! Ngay lúc ấy thuyết kệ rằng:

Ta sinh đẻ được ba người con,
Dũng mãnh vượt lên trên ba cõi
Ba người đều chứng quả La-hán,
Làm phước điền cho người thế gian
Nếu như lúc nhà vua cúng dường,
Đạt được phước thiên là vật thuế
Tại sao mà lại còn ham muốn,
Thu thuế giành mất vật của Ta?

Nhà vua nghe bài kệ này xong toàn thân đều sởn gai ốc, đối với Tam bảo mà sanh tâm tín kính, rơi nước mắt mà nói: Bà cụ như vậy nên tăng thêm sự cúng dường, huống là thu thuế đồ vật ấy thì sao đành!”

Lại trong Kinh Cựu Tạp Thí Dụ nói: “Xưa có Sa môn đi đến nước khác, đêm không vào thành được nên đành ngồi giữa bãi cỏ ở ngoài thành. Đến đêm khuya có con quỷ Dạ-xoa đến bắt để ăn thịt, Sa môn nói: Ông sắp rời xa rồi! Quỷ nói: Vì sao cho là xa? Sa môn nói: Ông muốn làm hại tôi, tôi sẽ sanh lên trên cõi Trời Đao Lợi, ông sẽ đi vào địa ngục, vậy không phải là xa ư? Quỷ liền cảm ơn làm lễ mà đi”.

Lại trong kinh Ma Đặng Nữ nói: “Lúc ấy A-nan ôm bình bát đi khất thực rồi tiện đường đi men theo bờ sông, gặp một người phụ nữ đang gánh nước bên bờ sông, mà A-nan đi theo người phụ nữ xin nước, người phụ nữ liền đưa cho nước. Người phụ nữ đi theo A-nan nhìn nơi đã dừng lại. Người phụ nữ quay về nói với mẹ, mẹ tên là Ma Đặng, người phụ nữ thì ở trong nhà nằm ủ rũ mà khóc, mẹ hỏi làm sao khóc buồn thương vậy? Người phụ nữ nói: Mẹ muốn gả con thì đừng gả cho người khác, con ở bên bờ sông gặp một Sa môn đi theo con xin nước, con hỏi người là ai, đáp rằng tên là A-nan, con có được A-nan mới đồng ý lấy chồng, nếu như không có được người ấy thì con không lấy chồng đâu. Mẹ đi ra ngoài hỏi A-nan, biết A-nan là người thừa sự Đức Phật, mẹ đã biết rồi trở về nói con gái rằng: A-nan là người tu hành theo Phật, không bằng lòng làm chồng cho con đâu. Cô gái khóc lóc bỏ ăn, mẹ biết phương pháp mê hoặc lòng người, mời A-nan ăn cơm, cô con gái rất vui mừng. Bà mẹ nói với A-nan: Con gái tôi mong muốn làm vợ với người. A-nan nói: Tôi giữ giới không có vợ. Lại nói: Con gái tôi không lấy được người làm chồng, thỉ chỉ muốn tử hủy mình. A-nan nói: Thầy tôi là Đức Phật, không cho phép kết giao với người nữ. Bà mẹ đi vào nói với con gái kể lại đầy đủ ý này, cô con gái đứng trước mẹ khóc mà nói rằng: Chỉ vì con đóng cửa không để cho ra ngoài được, cuối ngày tự nhiên sẽ làm chồng. Bà mẹ liền đóng cửa, dùng phương pháp mê hoặc lòng người trói buộc A-nan cho đến lúc chiều tà , bà mẹ trải chiếu nơi chỗ nằm cho con gái, cô con gái thì vô cùng vui sướng, liền tự mình trang điểm, A-nan không đến, bà mẹ làm cho đất giữa sân phát ra lửa, kéo áo A-nan nói: Người không làm chồng với con gái tôi, tôi sẽ ném người vào trong lửa, A-nan tự khinh mình, làm Sa môn với Đức Phật mà bây giờ lại không thể nào thoát ra được. Đức Phật lập tức trì thần chú nên tâm biết A-nan cố tình cứu giúp, trở về với Đức Phật thưa bày đầy đủ sự tình trước đó. Cô con gái trông thấy A-nan rời xa nên ở nhà khóc nỉ non không thôi, mãi nghĩ đến A-nan. Cô gái ngày mai tự mình cầu tìm A-nan, lại gặp A-nan đi khất thực, đi theo sau lưng A-nan, nhìn chân A-nan, nhìn mặt A-nan, A-nan xấu hổ tránh đi, cô gái đi theo không dừng lại. A-nan thưa với Đức Phật rằng: Cô gái Ma Đặng hôm nay đi theo sau con. Đức Phật khiến tìm gọi đến. Đức Phật hỏi cô gái rằng: Con đuổi theo A-nan để đòi lấy những gì? Cô gái thưa: Con nghe A-nan không có vợ, con lại không có chồng, muốn làm vợ với người thôi. Đức Phật bảo với cô gái rằng: A-nan không tóc mà con nay còn tóc, con có thể cắt tóc thì Ta bảo A-nan làm chồng cho con. Cô gái thưa có thể cắt tóc. Đức Phật bảo rằng: Trở về thưa cha mẹ cho con cạo đầu tóc xong đến đây! Cô gái trở về thưa bày đầy đủ cho mẹ biết, mẹ nói rằng: Mẹ sinh con ra đến nay giữ gìn đầu tóc cho con, vì sao muốn được làm vợ của Sa môn, trong nước có nhiều người giàu sang khí phách, mẹ tự mình gả chồng chồng cho con. Cô con gái nói: con thà rằng sống chết làm vợ cho A-nan! Bà mẹ nói: Nhục nhã cho dòng họ nhà tôi! Bà mẹ vì con gái đặt dao cạo đầu tóc xong, cô gái trở lại đến nơi Đức Phật thưa rằng: Con đã cắt tóc. Đức Phật bảo rằng: Con yêu những gì nơi A-nan? Cô gái thưa: Con yêu đôi mắt của A-nan, con yêu lỗ mũi của A-nan, con yêu cái miệng của A-nan, con yêu lỗ tai của A-nan, con yêu tiếng nói của Anan, con yêu bước đi của A-nan. Đức Phật bảo rằng: Trong đôi mắt chỉ có nước mắt, trong lỗ mũi chỉ có nước mũi, trong cái miệng chỉ có nước bọt, trong lỗ tai chỉ có ráy tai, trong thân thể chỉ có phẫn giải dơ bẩn là nơi chứa đựng không sạch sẽ, nơi ấy có vợ chồng thì sẽ có sự xấu xa lộ ra, trong sự xấu xa lộ ra thì sẽ sanh đẻ con cái, đã có con cái thì phải có chết đi, đã chết đi thì sẽ có khóc lóc nỉ non, ở trong thân thể này có cái gì ích lợi đâu? Cô gái liền suy nghĩ đến sự xấu xa lộ ra trong thân thể, thì tự nhiên chấn chỉnh lại tâm tư lập tức đạt đến La-hán, Đức Phật biết đã đạt được đạo quả, liền bảo với cô gái rằng: Con đứng dậy đến với Anan! Cô gái thì xấu hổ cúi đầu quỳ thẳng trước Đức Phật thưa rằng: Con là phận gái thật sự ngu si cho nên theo đuổi A-nan, nay tâm con mở rộng giống như trong tăm tối có ngọn đèn sáng, như người ngồi thuyền mà thuyền vỡ được dựa vào bờ, như người mù được dìu dắt, những người già yếu cầm gậy chống, nay Đức Phật ban cho con đạo pháp khiến cho tâm con mở mang như vậy!

Lúc ấy các Tỳ kheo cùng thưa hỏi Đức Phật: người con gái này nhân đâu mà đắc đạo? Đức Phật bảo cho các Tỳ kheo biết: Cô gái Ma Đặng này vào đời trước kia, trong năm trăm đời làm vợ với A-nan luôn luôn thương yêu tôn trọng lẫn nhau, cho nên ở trong giáo pháp của Ta đạt được đạo quả, đến nay vợ chồng gặp lại nhau giống như anh em, Phật đạo như vậy không thực hành làm sao có ích?

Đức Phật thuyết kinh này, các Tỳ kheo nghe xong đều vô cùng hoan hỷ”.

Lại trong kinh Bách Duyên nói: “Thời Đức Phật tại thế, trong thành Xá vệ có Bà-la-môn tên gọi Phạm ma, đa văn biện tài hiểu rõ ràng kinh luận, bốn bộ Vi Đà chuẩn mực không có gì không xem xét thông suốt. Vợ của Bà-la-môn sanh ra một bé gái, đoan chánh xinh đẹp vô cùng, trí tuệ biện tài không có ai sánh kịp, nghe các vị Bà-la-môn cùng với cha luận bàn, tất cả có thể tiếp thu giữ lại không sai một chữ, như vậy hết lần này đến lần khác nghe được rất nhiều, cùng với các vị kỳ cựu trưởng túc đều đến bàn bạc dẫn dắt không có gì thông suốt. Nghe thế gian có Đức Phật mới thành bậc chánh giác giáo hoá chúng sanh bèn hỏi han tiếp thu pháp vị, liền tự mình trang nghiêm hướng đến nơi Đức Phật, được gặp Đức Phật mà phát tâm cầu xin xuất gia. Đức Phật bảo rằng hãy cố gắng lên Tỳ kheo ni! Tức thì mái tóc tự nhiên rựng hết pháp phục khoác trên thân, trở thành Tỳ kheo ni, tinh cần tu tập đạt được quả vị A-la-hán.

A-nan thấy rồi thưa với Đức Phật rằng: Tỳ kheo ni Tu Mạn này, vốn có gieo trồng phước thiện gì mà nay được gặp Đức Phật xuất gia đắc đạo? Đức Phật bảo với A-nan: Trong Hiền kiếp này có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Ca-diếp, sau khi nhập Niết-bàn ở trong thời Tượng pháp có một Tỳ kheo ni tâm luôn luôn vui thích với sự thuyết pháp giáo hóa, cần mẫn siêng năng không lơi lỏng, nhân đó phát ra thệ nguyện: Khiến cho con ở đời sau hiểu rõ ràng kinh luận trong giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phát nguyện này rồi liền dẫn đến mạng chung sanh trong chốn Trời người, thông minh trí tuệ không có ai sánh kịp, nay được gặp Ta xuất gia đắc đạo, đa văn bậc nhất. Các Tỳ kheo nghe rồi hoan hỷ vâng mạng thực hành.”

Còn trong kinh Trung A-hàm nói: “Thiền lấy âm thanh làm gai nhọn, Đức Thế tôn cũng thuyết là lấy âm thanh làm gai nhọn, tại sao như vậy? Bởi vì Ta thật sự như vậy thuyết là thiền có gai nhọn. Người trì giới lấy phạm giới làm gai nhọn, người giữ giới các căn lấy sự trang điểm nghiêm chỉnh cho thân tướng làm gai nhọn, người tu tập xấu xa lộ rõ lấy tướng sạch sẽ làm gai nhọn, người tu tập tâm từ lấy sự nóng giận làm gai nhọn, người xa rời rượu lấy sự uống rượu làm gai nhọn, người tu phạm hạnh lấy cái thấy nữ sắc làm gai nhọn, người vào cảnh sơ thiền lấy âm thanh làm gai nhọn, người vào cảnh Nhị Thiền lấy sự giác quán làm gai nhọn, người vào cảnh Tam thiền lấy sự hỷ lạc làm gai nhọn, người vào cảnh Tứ thiền lấy hơi thở vào ra làm gai nhọn, người vào cảnh không xứ lấy sắc tưởng làm gai nhọn, người vào cảnh Thức Xứ lấy không xứ Tưởng làm gai nhọn, người vào cảnh vô sở hữu xứ lấy thức xứ tưởng làm gai nhọn, người vào cảnh Vô tưởng xứ lấy vô sỡ hữu xứ tưởng làm gai nhọn, người vào cảnh tưởng tri diệt định lấy tưởng tri làm gai nhọn. Lại có ba loại gai nhọn, là gai nhọn của tham dục-gai nhọn của nóng giận-gai nhọn của ngu si. Ba loại gai nhọn này rơi rụng hết thì A-la-hán (ứng cúng) đã đoạn đã biết, nhổ sạch gốc rễ trừ diệt hoàn toàn không thể sanh trở lại, đây là A-la-hán không còn gai nhọn”. (Trừ bỏ gai nhọn này thì gọi là tiếp nhận lời khuyên vậy).

Lại trong kinh Đại Ngư Sự nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Vào thời xa xưa có một hồ nước rất nhiều các loại cá lớn, bây giờ cá lớn ra lệnh cho cá nhỏ rằng: Các người không nên rời nơi này đi đến nơi khác, hãy luôn luôn đề phòng bị người ác bắt được! Lúc bấy giờ cá nhỏ không nghe theo lời cá lớn khuyên bảo, liền đi đến nơi khác. Bấy giờ người đánh cá rải cơm dùng lưới giăng vây bắt các loài cá, các loài cá nhỏ trông thấy thì quay trở về xứ sở của cá lớn. Lúc ấy cá lớn thấy cả nhỏ quay về, thì hỏi cá nhỏ rằng: Các người không rời xa nơi này để đi đến nơi khác phải không? Bây giờ cá nhỏ liền trả lời cá lớn rằng: Chúng tôi trước đây đã đi đến nơi khác mà quay lại. Cá lớn liền hỏi cá nhỏ rằng: Các người đã đến nơi khác, không bị lưới giăng bắt lấy hay sao? Cá nhỏ trả lời rằng: Chúng tôi đến nơi ấy không bị người ta bắt lấy, nhưng mà từ xa trông thấy sợi dây dài sau đó chúng tôi mới quay về. Cá lớn liền nói với cả nhỏ rằng: Các người đã bị làm hại, vì sao như vậy? Bởi vì các người đã từ xa nhìn thấy sợi dây tìm đến phía sau ấy, tổ tiên cha mẹ xưa kia đều bị sợi dây này làm hại, các người trông thấy chắc chắn bị làm hại, các người không phải con cái của Ta. Bấy giờ cá nhỏ đều bị người đánh cá bắt được, tất cả đem bỏ trên bờ, như vậy cá nhỏ có rất nhiều loài bị chết, vì không tiếp thu lời khuyên mà bị lưới giăng làm hại”.

Còn trong Tăng kỳ luật nói: “Đức Phật bảo các Tỳ kheo: Vào thời quá khứ có khu thành tên gọi Ba-la-nại, nước ấy tên gọi Già Thi, lúc ấy có một Bà-la-môn, ở giữa đồng rộng bát ngát làm ra cái giếng làm lợi ích chung, để cho mọi người đi chăn gia súc đều đến bên giếng uống nước, và được tắm rửa mát mẻ. Lúc ấy Trời sắp tối, có bày Dã can chạy đến bên giếng uống nước còn thừa lại trên mặt đất, có con Dã can chúa không uống nước trên đất, liền thò đầu vào uống nước trong chum, uống rồi đội chum giơ cao đánh vỡ chum sành, miệng chum hãy còn luồn ở trên cổ. Những con Dã can trong bầy nói với Dã can chúa rằng: Nếu như cây thấm ướt thì lá có thể sử dụng, hãy còn nên giữ gìn, huống hồ cái chum này làm lợi ích cho người qua lại, vì sao đánh vỡ đi? Lúc ấy có nói: Ta thích làm như vậy, chỉ cần tâm vui sướng, đâu cần biết chuyện khác. Lúc ấy có người đi đường nói với Bà-la-môn: Cái chum của ông đã vỡ. Lại thay cái khác vào, cách thức giống như trước, lại bị Dã can làm vỡ, cho đến 1 lần. Những con Dã can trong bầy nhiều lần khuyên ngăn, nhưng vẫn không tiếp thu lời khuyên. Lúc ấy Bà-la-môn thì tự nghĩ rằng: Ai là người làm vỡ cái chum, nên đến đó rình xem. Trông thấy chính là con Dã can, liền dấy lên nghĩ rằng cái giếng phước đức của mình, mà gây ra những điều khó dễ, thì làm cái chum bằng gỗ, kiên cố khó vỡ được, khiến cho đầu dễnvào mà khó rút ra, mang đến đặt bên giếng, nhưng mà cầm gậy ngồi rình ở nơi che khuất. Người đi đường uống xong thì Dã can chúa như lần trước bước vào uống nước, uống xong đánh xuống đất nhưng không có thể làm cho vỡ được. Lúc ấy Bà-la-môn cầm gậy đánh chết, từ giữa hư không xuất hiện người cõi Trời, thuyết kệ nói về điều này:

Hiểu biết nói lời tâm yêu thương,
Hung ác tàn bạo không chịu nghe
Gàn bướng cố chấp chuốc họa này,
Tự mình đánh mất thân mạng mình
Vì vậy Dã can chúa ngu si,
Gặp phải nổi khổ chum gỗ này.

Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Dã can chúa lúc bấy giờ chính là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, bầy Dã can lúc ấy chính là các Tỳ kheo khuyên can Đề bà đạt đa bây giờ. Nên biết rằng ở thời quá khư đã từng không chịu tiếp thu lời dịu dàng hiểu biết mà tự đánh mất thân mạng mình, nay lại không chịu tiếp thu sự khuyên can của các Tỳ kheo, nên phải rơi vào đường ác nhận chịu khổ đau lâu dài vô cùng”.

Tụng rằng:

Người trí tiếp thu lời khuyên bảo,
Người ngu si chống cự làm trái
Ví như cùng đài gương sáng tỏ,
Hình ảnh chiếu vào tỳ vết
Thấy lỗi lầm cần phải sửa đổi,
Ngưỡng mộ do hiểu biết thích ứng.
Nếu như gàn bướng luôn cố chấp
Gặp cảnh khốn khó dựa vào đâu?

Thiên thứ 43: THẦM SÁT

Thiên này có bốn phần: Thuật ý, Thẩm nộ, Thẩm quá, Thẩm học.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Bậc Thánh nhân lợi ích cho mọi loài xét kỹ cảnh tượng quán sát tâm tư, điều hòa Thức-Tình hướng về Bảo Sở, vận dụng Giả-Thật quay lại Vọng-Thành, cho nên xét kỹ không phải trí tuệ thì không thể nào tận cùng cái Thật ấy, trí huệ không xét kỹ thì không thể quán sát sự chiếu soi ấy. Vậy thì cội nguồn của sự chiếu soi quan sát là điềm quan trọng của sự quyết định đích xác, vốn là có thể không pháp nào không duyên theo-không cảnh nào không quán sát, sau đó duyên theo pháp quán sát cảnh, mới biết cùng nhau hướng đến nơi công phu sâu xa u huyền đồng thời nối liền với nhau nuôi dưỡng cho vạn pháp thành tựu.

Thứ hai- PHẦN THẨM NỘ (xem xét cơn giận).

Như Tăng kỳ luật nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Vào thời quá khứ có Bà-la-môn gia cảnh nghèo túng, có vợ nhưng không sinh được con cái, trong nhà có loài sâu Na-câu-la, dịp thuận tiện sinh ra một con. Lúc ấy Bà-la-môn vì không có con cho nên nuôi dưỡng nghĩ là giống con trẻ, con Na-câu-la bé nhỏ đối với Bà-la-môn cũng có ý tưởng như cha mình. Về sau người vợ liền có thai, đủ tháng sanh ra con, thì dấy lên nghĩ rằng: Nhờ Na-câu-la mà sanh ra đức con tốt lành, khiến cho mình có con trẻ. Lúc ấy Bà-la-môn sắp đi ra ngoài xin ăn, liền dặn dò người vợ rằng: Nếu mình đi ra ngoài thì nên mang con đi theo, cẩn thận đừng để lại! Sau đó người vợ cho con ăn rồi thì đến nhà bên cạnh, mượn cối giã gạo, lúc này đứa bé có mùi thơm của sữa, thì có con rắn độc theo mùi thơm bò đến, há miệng phu độc muốn giết hại đứa bé. Con trùng Na-câu-la thì dấy lên nghĩ rằng: Cha mình đi ra ngoài mẹ cũng không có nhà, tại sao con rắn độc muốn giết hại em mình? Liền giết chết rắn độc cắn đứt thành bảy đoạn, cha mẹ biết việc này nhất định sẽ thưởng cho mình, lấy máu bôi miệng ra trước cửa nhà đứng, muốn làm cho cha mẹ trông thấy sẽ vui lòng. Lúc ấy Bà-la-môn mới từ bên ngoài trở về, thấy người vợ ở ngoài nhà thì nổi giận nói rằng: Tôi dặn lúc đi đâu thì nên mang con đi theo, tại sao chỉ đi một mình? Người cha sắp vào cửa trông thấy trong miệng con Na-câu-la có máu, liền dấy lên nghĩ rằng: Vợ chồng ta không có nhà đem con ta giết mà ăn, uổng công nuôi dưỡng con trùng này! Liền tiến đến phía trước đánh chết. Đã bước vào trong nhà tự nhiên trông thấy con mình buộc ngón tay mà đùa giởn, lại thêm thấy bảy đoạn thân rắn độc ở trên đất, lúc ấy Bà-la-môn trách móc dằn vặt mình vô cùng, con Na-câu-la này tốt lành có tình người đã cứu mạng con mình, nhưng mình không khéo quán sát đã vội vàng đánh chết nó, thật là đau đớn thật đáng xót thương! Thế là mê man bất tỉnh ngã nhào xuống đất, giữa không trung có người Trời, liền thuyết kệ rằng:

Nên quán sát thực sự rõ ràng,
Đừng làm điều vội vàng nóng giận
Khiến bạn tốt ân ái rời xa,
Sát hại oan ức người lương thiện
Ví như người Bà-la-môn này,
Đánh chết con Na-câu-la kia.

Lại trong kinh Phật thuyết Thái tử Mộc Phách nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Ngày xưa có nước tên gọi Ba-la-nại, nhà vua có Thái tử tên gọi là Mộc Phách, sinh ra có ánh sáng vô cùng cực, đoan chánh xinh đẹp không có ai sánh bằng, cha mẹ ngạc nhiên cung cấp nuôi dưỡng mà ngắm nhìn không chán, đợi đến lúc trưởng thành sẽ đặt têncho con. Ngậm miệng không nói năng trong mười ba năm, đạm bạc chất phác, ý chí giống như tro nguội, thân hình giống như cây khô, tai không nghe âm thanh, mắt không nhìn sắc đẹp, hình dạng tương tự như người câm ngọng đui điếc. Thế là vua cha lo sợ mà đau khổ vô cùng, nhà vua nói với phu nhân nên làm thế nào, đứa con này chắc chắn làm trò cười cho nước khác! Phu nhân nói với nhà vua: nên mời thầy tướng số khiến họ xem tướng ra sao! Nhà vua lập tức mời các thầy tướng số Bà-la-môn đến-Bà-la-môn nói: Vương tử này không phải là người thế gian, chỉ là mê hoặc mà thôi, ngoài ra diện mạo đoan chánh nhưng bên trong mang đầy điều chẳng lành, nên cắt bỏ đất nước gần đây không lâu, không thể nuôi dưỡng được, nên đang sống đem chôn mà giết chết, nay không trừ bỏ Vương tử này thì sợ rằng về sau không có con thừa kế ngôi vị! Thế là phu nhân thuận theo nhà vua tùy ý lo liệu. Nhà vua liền mời tất cả Đại thần trong nước cùng nhau bàn bạc. Một vị quan nói: Chỉ đem bỏ vào nơi không có người qua lại ở trong núi sâu. Một vị quan nói: Ném vào giữa dòng nước sâu. Một vị quan nói: Chỉ thuận theo lời thầy tướng đã nói, đào đất làm hố sâu mà chôn sống. Nhà vua liền gọi quân lính ngoài mặt trận hơn hai ngàn người trở về trong nước, lệnh cho đào đất làm kho tàng, cung cấp cho lương thực cất trữ trong 20 năm, lúc ấy đem ngôi vị Thái tử nô bộc-châu báu ngọc ngà, tất cả trả lại cho Thái tử. Ngày sau đó phu nhân đau thương vô cùng tuyệt vọng, mình đơn độc không có ai giúp, con sinh ra bạc mệnh mới gặp tai ương này, sự việc đã không ích gì, thế là đưa Thái tử lên trên chánh điện, năm trăm phu nhân đến nhìn Thái tử, thấy Thái tử đoan chánh xinh đẹp không có ai sánh bằng, bèn nói:Thái tử vì sao không nói mà chịu bị chôn sống vậy! năm trăm thể nữ đến nhìn Thái tử, thấy Thái tử đoan chánh xinh đẹp không có ai sánh bằng, bèn nói: Thái tử vì sao không nói mà chịu bị chôn sống vậy! Tất cả vì Thái tử tấu lên các thứ âm nhạc, Thái tử lặng lẽ không nhìn không nghe. Thế là đưa Thái tử lên trên điện phía ngoài, năm trăm đại thần đến nhìn Thái tử, thấy Thái tử đoan chánh xinh đẹp, vội vàng thưa với Đại vương: Vương tử này không phải là người không nói năng, tạm thời được giữ lại ít lâu, nói năng còn chẳng bao lâu, thầy tướng Bà-la-môn không đáng tin tưởng đích xác. Nhà vua nói: Đây là việc nước không phải các khanh được biết. Làm kho tàng đã xong đến tìm Thái tử, nhà vua nói với nô bộc: Bảo Thái tử ngồi xe voi nhìn bốn phía, lệnh cho nhân dân trong nước để đến nhìn Thái tử, Thái tử sẽ nói được, nếu nói được thì khiến chở quay trở về! Ngay sau đó Thái tử ngồi xe đi trên đường, lúc ấy các bố lão đại thần trong nước rộn ràng đi phía trước xe, Thái tử chỉ cần nói được một lời, nếu không nói thì dùng xe đâm thẳng vào chúng tôi mà đi, các loài Rồng-hổ trang sức lộng lẫy hầu hạ nâng lên khiến cho vượt qua. Lúc ấy mấy ngàn vạn người vây xung quanh, thế là Thái tử lại không thể nào tiến lên; chim bay thú chạy, vây quanh kho tàng ba vòng lại lấp chặt cửa kho tàng, thế là Thái tử lại không thể nào tiến lên được, liền đưa tay đứng lên mà nói,: Đang muốn không nói, mà chịu bị chôn sống, đang lúc phát ra lời nói, sợ rằng vào chốn địa ngục, vì lẽ đó không nói muốn làm cho toàn thân tránh bị tổn hại, giúp cho thần thức xa lìa đau khổ cho nên không nói, mà tin lời dối trá, nói là Ta đui điếc là thật sự câm ngọng! Lúc bấy giờ nhân dân nghe âm thanh tuyệt diệu của Thái tử, người đang đi là dừng lại, người đang ngồi là đứng lên, đều tiến lên rập đầu nguyện xin tha tội cho mình. Nô bộc của nhà vua nghe thấy vui mừng nhảy lên vui sướng, chạy nhanh về thưa với Đại vương: Thái tử đã nói, trên đến tận Trời xanh-dưới thấu tận suối vàng, chim bay thú chạy đều đến cuối đầu lắng nghe ở trước Thái tử, Thái tử dùng lời hoan hỷ vô cùng, tất cả đều nhảy lên sung sướng! Nhà vua lập tức cùng với phu nhân ngồi xe voi nhìn về bốn phía đến đón Thái tử. Thái tử quay đầu lại nhìn trông thấy vua cha bước xuống xe tránh đường, lạy bốn lạy mà đứng lên, làm cho Đại vương vất vả từ xa đến gặp gỡ đón về, nay cha con sống với nhau mà vất bỏ-ân ái đã xa rời, nghĩa ấy thật trái với đạo lý thông thường, không thể nào lắng nghe nhìn ngắm. Nhà vua nói với Thái tử: Không được, không được! Con là người trí nên tha thứ không hết, cùng nhau trở về trong nước, tất cả ngôi vị giao cho con còn Ta tự mình rút lui. Thái tử đáp rằng: Thân trước con đã làm Quốc vương, bởi vì việc làm sai sót mà sau đó đi vào địa ngục hơn sau vạn năm, chưng nấu cắt xẻ thật đau đớn khó chịu đựng nổi, cha mẹ lẽ nào có thể biết con đau khổ thế nào hay không, con chán ngán và sợ hãi địa ngục, vì vậy ngậm miệng không nói suốt 13 năm, mong muốn thoát ra ngoài cảnh trần ai, không để cho tội lỗi kết tụ mà cách xa đạo lý càng xa, bay cao rời xa tự mình có ích cho đời, thế gian vô thường không chân thật như giấc mộng, nhà cửa vui sướng trong chốc lát mà thôi, buồn lo đau khổ kéo dài, vui mừng sung sướng tạm có, nào đáng vấn vương! Nhà vua biết chí nguyện kiên quyết chỉ có thuận lòng học đạo, thế là Thái tử bỏ đất nước rời xa vua cha, vào núi cầu đạo tư tuy duy thiền định, mạng chung liền sanh lên cõi Trời Đâu Suất, phước hết sanh xuống nhân gian làm Thái tử của Quốc vương Ca Di, Thái tử tự biết mình làm Phật.

Đức Phật bảo với A-nan: Thái tử Mộc Phách lúc bấy giờ chính là thân ta ngày nay. Nhà vua lúc ấy chính là Duyệt Đầu Đàn bây giờ. Phu nhân lúc ấy chính là Ma Da bây giờ. Năm người nô bộc lúc ấy chính là xà cư luân… ngày nay. Thầy tướng Bà-la-môn lúc ấy chính là Điều Đạt bây giờ. Điều Đạt và Ta đời đời có oán thù. Chư Thiên Long thần hoan hỷ nhảy lên sung sướng, làm lễ mà trở về”.

Thứ ba- PHẦN THẨM QUÁ (xem xét lỗi lầm).

Như kinh Phú Pháp Tạng nhân duyên nói: “Lúc ấy trong thành Thất La có một chủ buôn, vì tăng tạo tác trai hội lớn mỗi năm năm (Bàn Giá Vu sắt) một lần. Có một Tỳ kheo ni đạt đến quả vị A-la-hán, quán sát trong chúng ai là phước điền. Lại tiếp tục tư duy người nào đứng đầu Tăng, thấy các vị A-la-hán và những người đang tu học từ lâu đã đoạn trừ phiền não có thể thọ nhận sự cúng dường. Quán xét một Tỳ kheo tên gọi A-sa-la, chưa được giải thoát mà ở bậc nhất đứng đầu chúng, lúc ấy Tỳ kheo ni liền đi đến nói rằng: Đại Đức hôm nay nên tự mình trang nghiêm! Lúc ấy Tỳ kheo này không hiểu được ý đó, liền cạo đầu tắm gội khoác y sạch sẽ. Lại vào lúc sau Tỳ kheo ni này lại nói trang điểm nghiêm túc, thì A-sa-la vô cùng tức giận nói rằng: Tôi thuận theo cô nói tự mình rất nghiêm túc sạch sẽ, có gì xấu xa mà nhiều lần phát ra lời này? Tỳ kheo ni nói: Đại đức nên biết, đây là sự trang nghiêm thuộc về thế tục chứ không phải là Phật páhp, Phật pháp trang nghiêm thì có nghĩa là đạt được bốn quả vị, ngạc nhiên thay đại đức, thật là tùy tiện thấp kém, Trưởng giả tổ chức trai hội phần nhiều là các bậc Thánh Hiền, ông là đứng đầu Tăng mà chưa tránh khỏi sanh tử, dùng tâm hữu lậu thọ nhận sự cúng dường đầu tiên, vì vậy nay tôi muốn giác ngộ lẫn nhau! Tỳ kheo A Sa La nghe rồi đau thương sầu thảm trên trào nước mắt, tự nghĩ mình già nua cổ hủ sao có thể hết sạch sai sót. Tỳ kheo ni nói: Phật pháp không có thời gian lẽ nào chọn lựa già cả hay trẻ trung? Nghe lời này rồi nhân đó hướng về nơi Ưu-ba-cúc-đa, liền thuyết pháp cho nghe trở thành bậc A-la-hán. Lại có một Tỳ kheo, tánh thích ăn uống, bởi vì lòng tham này cho nên không thể nào đạt được đạo quả. Ưu ba cúc đa mời mọc khiến đến phòng mình, lấy cháo sữa thơm phức mà đưa cho, nói hãy chờ đến khi nguội sau đó mới ăn được. Tỳ kheo miệng thổi cháo làm cho nguội, nói với Tôn giả rằng: Cháo đã nguội rồi. Tôn giả nói cho biết rằng: Cháo này tuy nguội mà ngọn lửa tham dục của ông đang nóng, nên dùng nước quán tưởng dập tắt ngọn lửa trong tâm ông! Lại lấy đồ dùng trống rỗng khiến nhổ thức ăn ram đã nhổ thức ăn ra rồi lại khiến ăn đi. Tỳ kheo đáp rằng: Nước bọt đã hòa lẫn, làm sao mà ăn vậy? Tôn giả nói rằng: Tất cả các loại thức ăn cùng với thứ này không có gì khác, ông không quán sát mà vọng tưởng sanh ra tham trước, nay ông nên quán sát thức ăn theo ý tưởng bất tịnh! Ngay lúc ấy thuyết pháp cho nghe đạt được quả vị La-hán”.

Lại trong kinh Bách dụ nói: “Xưa có hai con quỷ Tỳ xá xà, cùng có một cái tráp-một cây gậy-một đôi giầy, hai con quỷ cùng nhau tranh giành và bên nào cũng muốn có được cả hai. Hai con quỷ phân vân suốt ngày không thể nào làm cho yên ổn được. Lúc ấy có một người đi đến trông thấy sự tình rồi bèn hỏi rằng: Cái tráp-cây gậy-đôi giầy này có gì kỳ lạ đâu, các ông cùng nhau tranh giành giận dữ mới như vậy. Hai con quỷ đáp rằng: cái tráp này của tôi, có thể sản sinh ra tất cả đồ vật như áo quần, đồ ăn thức uống, giường chiếu đồ nằm cung cấp cho cuộc sống, tất cả từ trong tráp sinh ra, cầm cây gậy này thì giặc thù quy phục không dám tranh giành; mang đôi giầy này thì có thể làm cho người bay đi như chim không có gì chướng ngại được. Người này nghe rồi liền nói với quỷ rằng: Các ông rời xa một lúc tôi sẽ vì các ông mà phân chia bình đẳng. Quỷ nghe lời ấy lập tức tránh xa ra, người này ngay lập tức ôm cái tráp nắm cây gậy mang đôi giầy mà bay đi mất. Hai con quỷ ngạc nhiên cuối cùng không có được vật gì. Người nói với quỷ rằng: Các ông mà tranh giành với nhau thì tôi đã lấy đi mất, nay khiến cho các ông lại không có gì để tranh giành cả. Quỷ Tỳ xá xà là dụ cho các loài ma và các ngoại đạo, bố thí giống như cái tráp, đồ vật cung cấp để sử dụng của năm đường Trời người đều từ trong này sinh ra; thiền định giống như cây gậy, tiêu diệt hàng phục bọn giặc của ma oán phiền não, trì giới giống như đôi giày chắc chắn lên cao ở cõi Trời người. Các loài ma và ngoại đạo tranh nhau cái tráp, ấy là dụ cho ở trong hữu lậu gắng gượng cầu mong quả báo trống rỗng không có gì đạt được. Nếu có thể tu hành các thiện hạnh và bố thí trì giới, thiền định, thì được xa lìa đau khổ đạt đến đạo quả”.

Thứ tư- PHẦN THẨM HỌC (xem xét sự học).

Như kinh Cựu Tạp Thí Dụ nói: “Xưa có hai người theo thầy học đạo, cùng nhau đi đến nước khác, giữa đường thấy dấu chân voi, một người nói: Đây là voi mẹ mang thai con voi cái, voi mù một mắt, trên mình voi có một người phụ nữ mang thai đứa bé gái. Một người nói: Vì sao ông biết được? Đáp rằng: Dùng ý suy nghĩ mà biết, nếu ông không tin thì đi về phía trước sẽ thấy. Hai người cùng theo kịp con voi, tất cả giống như đã nói: Một người tự nghĩ rằng tôi và ông cùng theo Thầy học đạo, một mình tôi không thấy, mà ông chỉ biết một mình? Sau đó trở về thưa với Thầy, Thầy vì thế mà tiếp tục làm cho mở mang, bèn gọi một người đến hỏi rằng: Dựa vào đâu biết như vậy? Đáp rằng: là lời Thầy luôn hướng dẫn cho biết, con trông thấy nước tiểu của voi trên đất biết là voi cái thấy dấu chân phải đạp đất lún sâu biết là mang thai voi cái, thấy ven đường phía tay phải cỏ cây không thay đổi biết là mắt phải bị mù, thấy nơi voi dừng lại có nước tiểu biết là người phụ nữ, thấy chân phải đạp đất lún sâu biết là mang thai bé gái, con dùng ý tinh tế sâu xa tư duy như vậy mà thôi. Thấy nói: Học hỏi thì nên dùng ý suy nghĩ xem kỹ càng mới thông hiểu được”.

Lại trong kinh Bách Dụ nói: “Ví dụ như có người mài một hòn đá lớn chịu khó thêm nhiều công sức, trải qua tháng năm lâu dài, làm thành con trâu nhỏ bé để đùa vui, dụng công đã sâu nặng mà kỳ vọng thật đơn giản, người thế gian cũng lại như vậy. Mài đá lớn là dụ cho sự học vấn phải tinh chuyên chịu khó vất vả mệt nhọc. Làm thành con trâu nhỏ bé là dụ cho danh tiếng thị phi lẫn nhau. Là người học hỏi thì suy nghĩ tìm hiểu sâu xa tường tận biết nhiều hiểu rộng, thuận theo nên thực hành lâu dài để mong cầu kết quả tốt đẹp, đừng cầu mong danh tiếng vẻ vang mà kiêu căng ngạo mạn tăng thêm lỗi lầm tai họa”.

Còn trong Trí Độ Luận nói: “Có người trong tất cả mọi lúc thấy có điều gì lạ lùng đều hỏi han kỹ càng điều ấy, sau đó đi trên đường giữa đồng hoang vắng vẻ gặp quỷ La Sát bắt giữ người ấy, người ấy bị bắt chắc chắn sẽ chết không nghi hoặc gì. Nhưng trông thấy La Sát ngực trắng mà lưng đen, cảm thấy quái lạ bèn hỏi nguyên do, La Sát đáp rằng: tôi từ lúc sanh ra đến nay không thích nhìn mặt Trời, cho nên luôn luôn xoay lưng phía mặt Trời mà đi, vì vậy trước trắng mà sau đen. Người ấy hiểu ý, liền kéo tay rời La Sát theo hướng mặt Trời mà đi, La Sát quay mặt lưng hướng về phía mặt Trời nên không trông thấy người đó, người đó được thoát nạn, nhân đó nói kệ rằng:

Đạo lý bậc nhất là chăm học,
Phương pháp bậc nhất là chịu hỏi
Giữa đường gặp nạn quỷ La Sát,
Lưng đen hướng về phía mặt Trời.

Tụng rằng:

Quan sát kỹ càng chuyện đúng sai,
Trong đục xen nhau khó lường được,
Cố gắng quán xét tà và chánh,
Khéo léo thực hành theo quỹ tắc
Bên trong giận dữ phạt quá mức,
Bên ngoài tranh cãi nào dừng lại
Cầu nguyện cho nội tâm lắng trong,
Năng lực trí tuệ biết kỹ càng.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG

Sơ lược dẫn ra ba chuyện: 1- Bác vật chí; 2- Bạch trạch đồ; 3- Bao Phác Tử.

1:Trong Bác vật Chí nói: Núi nhỏ có con Nao, hình dáng giống như cái trống, một chân biết lễ nghi. Trong đầm có con rắn, dáng hình giống như bánh xe, dài như càng xe, ai trông thấy loài này thì làm bá chủ. Xưa Hạ vũ ngắm sông trông thấy người to lớn thân cá, hiện ra nói rằng: Ta là tinh lực của sông, chẳng lẽ Hà Bá sao?

2: Trong Bạch Trạch Đồ nói: yêu tinh nơi nhà xí tên gọi là Ỷ Y, áo xanh cầm gậy trắng, biết tên gọi đó gọi lên thì trừ được, không biết tên gọi đó thì chết. Lại làm nhà ba năm không ở, trong đó có đầy của cải, dài hai thước, thấy người thì che mặt, người trông thấy là có phước. Lại làm nhà ba năm không ở, tinh lực đó gọi là Hốt, dài bảy thước, người trông thấy là có phước. Lại làm nhà ba năm không ở, trong đó có trẻ con, cao ba thước mà không có tóc, thấy người thì che mũi, người trông thấy là có phước. Lại tinh lực của lửa tên gọi là Tất Phương, dáng hình giống như chim một chân, dùng tên đó gọi lên thì tru diệt. Lại tinh lực của cây tên gọi là Bành Hầu, dáng hình giống như chó đen không có đuôi, có thể hầm mà ăn. Lại cây sống ngàn năm, trong đó có loài sâu, tên gọi là Cổ Khuất, dáng hình giống như con heo có hai đầu, hầm mà ăn có mùi vị như thịt chó. Lại trên có núi rừng-dưới có suối khe, giữa khoảng đất ấy sinh ra yêu tinh, tên gọi là Tất Phương, dạng hình giống như loài chim đuôi dài, loài này sanh ra do sự biến hóa của âm dương. Lại tinh Lực của ngọc tên gọi là Đại Ủy, dáng hình đó giống như mỹ nữ mặc áo xanh, trông thấy mà nói thì quả đào nhọn đâm vào, nhưng gọi lên tên ấy thì lấy được. Lại tinh lực của vàng tên gọi là Thương Đường, dáng hình giống như con heo, tích lại trong gia đình, khiến cho người ta không thích nghi với vợ, lấy tên gọi lên thì trừ diệt. Lại tinh lực của nước tên gọi là Võng Tượng, hình dáng của nó giống như đứa bé, mắt đỏ thân đen tai to móng dài, dùng dây buộc lại thì có thể được, nấu lên gặp may mắn. Lại tinh lực của cửa cũ xưa tên gọi là dã, hình dáng giống như người lùn, trông thấy thì vái lạy, lấy tên gọi của nó gọi lên thích hợp với ăn uống, lại tinh lực của ao đầm cũ xưa tên gọi là Oan, hình dạng của nó giống như con rắn, một thân hai đầu hoa văn năm màu sặc sỡ, dùng tên gọi lên thì có người khiến lấy được vàng bạc. Lại tinh lực của mồ mả phế tàn cũ xưa tên gọi là vô, hình dạng giống như người đầy tớ già nua, mặc áo xanh mà cầm chày giã rất dễ, theo tên gọi của nó gọi lên khiến cho người thích hợp với thóc lúa đậu mè. Lại tinh lực của con đường nhỏ cũ xưa tên gọi là Kị, hình dạng giống như người thôn quê vừa đi vừa ca hát, dùng tên đó gọi lên, khiến cho người ta không mê muội. Lại tinh lực của xa cộ cũ xưa tên gọi Ninh Dã, hình dạng giống như chiếc xe tang, trông thấy thì mắt người bị tổn thương, dùng tên gọi đó gọi lên thì không có thể làm hại đến mắt người. Lại tinh lực con đường đang sử dụng tên gọi là Tác Khí, hình dạng giống như người đàn ông, dễ dàng làm lóa mắt người, lấy tên gọi đó gọi lên thì mất đi. Lại tinh lực của cối xây cũ xưa tên gọi là Ý, hình dạng giống như con heo, theo tên đó gọi lên thì mất đi. Lại tinh lực của sâu-giếng nước lâu đời tên gọi là Quán, hình dáng giống như cô gái đẹp, thích thổi sáo tiêu, theo tên đó gọi lên thì mất đi, lại tinh lực nơi tận cùng dòng nước có vàng gọi là Hầu Bá, hình dáng giống như con người, cao năm thước, áo năm màu rực rỡ, theo tên đó gọi lên thì biến mất. Lại tinh lực của nhà cửa lầu đài lâu đời tên gọi là Lưỡng Quý, hình dáng giống như con chó màu đỏ, dùng tên đó gọi lên khiến cho mắt người sáng rõ. Lại hai bên có núi đá sinh ra nước, khe nước ấy chảy ra ngàn năm không dứt, tinh lực của nó tên gọi là Hỷ, hình dáng giống như đứa bé màu đen, dùng tên đó gọi lên khiến cho lấy được đồ ăn thức uống. Lại tình lực của ba quân nơi chiến trận tên gọi là Tân Mãn, hình dạng của nó giống như đầu người, mặt đỏ không có thân, thấy người thì quay lại, dùng tên đó gọi lên thì biến mất. Lại tinh lực của đá lâu đời trong dòng nước gọi là Khánh Kị, hình dạng giống như người ngồi trên mui xe, một ngày chạy qua ngàn dặm, dùng tên đó gọi lên thì có thể khiến cho đi vào nước bắt được cá. Lại tinh lực của mồ mả tên gọi là lang Quỷ, dễ dàng cùng với người đánh nhau mãi không thôi, dùng gai cây đào và lông chim làm mũi tên, lấy lông chim để bắn vào, Lang Quỷ hóa thành làn gió lay động, cởi giày dép ném vào thì không thể biến hóa được. Lại tinh lực của khu chợ lâu đời tên gọi là Môn, hình dạng của nó giống như hình đụn tròn mà không có tay chân, dùng tên đó gọi lên thì biến mất. Lại tinh lực của căn nhà cũ xưa tên gọi là Tôn Long, hình dạng giống như đứa bé, cao một thước bốn tấc, mặc áo màu đen, khăn bịt đầu màu đỏ đội mũ lớn mang kiếm cầm kích, dùng tên đó gọi lên thì biến mất. Lại tinh lực của núi tên gọi là Nao, hình dạng giống như cái trống một chân biết đi, dùng tên đó gọi lên có thể sai khiến được hổ báo. Lại tinh lực của ao hồ nuôi thả súc vật lâu đời tên gọi là khốn đốn, hình dạng giống như con trâu không có đầu, gặp người thì đuổi theo người, dùng tên đó gọi lên thì biến mất. Lại ban đêm thấy dưới nhà có con nít xỏa tóc chạy, đó là yêu tinh của vật xấu ác tên gọi là Câu, dùng tên đó gọi lên thì không có gì sai lầm. Lại con sói trăm tuổi hóa thành người con gái tên gọi là Tri Nữ, hình dáng giống như cô gái đẹp, ngồi cạnh đường đi nói với đàn ông rằng: em không có cha mẹ anh em. Nếu đàn ông lấy làm vợ, trải qua năm dài mà ăn thịt người, dùng tên đó gọi lên thì chạy trốn mất. Lại yêu tinh của nhà xí lâu đời tên gọi là Ti, hình dáng giống như cô gái đẹp, mà cầm gương gọi tên, biết xấu hổ là biến mất.

3: Trong Bao Phác Tử nói: Cây to trong núi có thể nói được ấy không phải là cây nói, đó là yêu tinh tên gọi Vân Dương, dùng tên đó gọi lên thì tốt lành. Trong núi ban đêm thấy người Hồ, ấy là yêu tinh của đồng sắt; thấy người Tần ấy là gỗ cây trăm năm ở trong dòng nước thấy quan lại ấy tên gọi là Tứ Kích, dùng tên gọi lên thì gặp may mắn. Ở trong núi vào ngày Dần có người xưng là quan lại nước Ngu, ấy là cọp vậy; nói là người đang ở trên đường đi, ấy là chó sói vậy; nói là quan lệnh trưởng, ấy là chồn cáo vậy. Ngày Mão nói là chồng, ấy là loài thỏ, nói là cha ở phía Đông, ấy là loài nai nói là Tây Vương Mẫu, ấy là loài hươu. Ngày Thìn nói là thầy cầu mưa, ấy là loài Rồng; nói là hà bá, ấy là loài cá; nói là Công Tử không có ruột, ấy là loài cua. Ngày Tỵ nói là Quả Nhân, ấy là con rắn trong miếu; nói là Thời Quân, ấy là con rùa. Ngày Ngọ nói Tam Công, ấy là con ngựa; nói là ba người, ấy là cây lâu năm. Ngày Mùi nói chủ nhân, ấy là con dê, nói là quan lại, ấy là con Hoẵng. Ngày Thân nói là Nhân Quân, ấy là con khỉ, nói là Cửu Khanh; ấy là con vượn. Ngày Dậu nói là Tướng Quân, ấy là con gà; nói là bắt kẻ giặc, ấy là con chim trĩ. Ngày Tuất nói tên họ con người, ấy là con chó; nói ở giữa thành Dương Công, ấy là con cáo. Ngày Hợi nói là Thần Quân, ấy là con heo; nói là đàn bà đã có chồng, ấy là vàng ngọc. Ngày Tý nói là xả Quân, ấy là con chuột; nói là Thần Nhân, ấy là khuất phục giúp đỡ. Ngày Sửu nói là Thư Sinh, ấy là con trâu. Biết rõ vật ấy thì không thể nào làm tổn hại. Vả lại, Huỳnh Hoặc Hỏa Tinh sinh ra Chu điểu, Thần Tinh Thủy Tinh sinh ra Huyền Vũ, Tuế Tinh Mộc Tinh sinh ra Thanh Long, Thái bạch Kim Tinh sanh ra Bạch Hổ, Trấn Tinh Thổ Tinh sinh ra Thừa Hoàng. Bao Phác Tử nói: Núi-sônggỗ, đá, giếng, bếp, ao đầm, kênh, rạch đều có tinh khí, trong thân tểh con người cũng có hồn phách, huống là Trời đất tạo ra mọi vật, mọi vật rất lớn lao, đối với lý đương nhiên là có thần thức tinh khí, có thần thức tinh khí thì thưởng cho điều thiện mà trừng phạt điều ác, nhưng Thể đó rộng lớn mà giăng bày sơ sài, không cần phải gợi mở linh hoạt mà chỉ cần thuận theo thực hành thôi!