PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 27

 

Thiên thứ 19: CHÍ THÀNH

Gồm có tám phần: Thuật ý, Cầu bảo, Cầu giới, Cầu nhẫn, Cầu tiến, Cầu định, Cầu quả, Tế nạn.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Chí thành cảm động không thần nào không ứng; đại sĩ Từ bi, mà cơ nào không đến. Hết mình dốc ý, suốt tận mai sau. Mỗi lời thệ nguyện, đều tương ưng Nhẫn trí. Tâm tâm rộng lớn, không chút thối chuyển. Nếu chẳng phải là bậc trọng đạo hạnh hơn cả thông già, giữ thệ nguyện cứng hơn vàng đá, liệu có thể hy sinh để hộ trì, son sắt để cứu độ, hoằng đạo để báo tứ ân, dưỡng đức cốt giúp tam giới? Được thế, mới công đức bao trùm ba kỳ, đạo quả sẽ phủ đầy Thập địa.

Thứ hai: PHẦN CẦU BẢO

Kinh Đại-chí nói: “Ngày xưa ở nước Hoan Lạc có cư sĩ tên Ma-hađàn, vợ tên Thiên-đà sinh được con trai tướng mạo tuyệt thế vô song. Mới chào đời đã biết nói, phát nguyện rằng: “Ta sẽ bố thí cho tất cả mọi kẻ bần cùng”. Vì thế, cha mẹ đặt tên là Đại Ý. Năm lên mười bảy tuổi, Đại Ý quyết tâm vượt biển tìm viên ngọc quý Minh nguyệt đem về giúp đở mọi người. Mới đến thành Bạch Ngân, Long vương sở tại tặng viên ngọc Minh nguyệt có khả năng thu hút châu báu trong hai mươi dặm. Đi tiếp, đến kinh thành, Long Viên sở tại tặng viên Minh nguyệt có khả năng thu hút châu báu trong bốn mươi dặm. Đi nữa, đến thành Thủy Tinh, Long vương sở tại lại tặng viên Minh nguyệt có khả năng thu hút châu báu trong sáu mươi dặm. Lại đi nữa, đến thành Lưu Ly, Long vương sở tại lại tặng viên Minh nguyệt có khả năng thu hút châu báu trong tám mươi dặm và dặn dò: “Khi đắc đạo, xin hãy thâu nhận ta làm đệ tử. Ta sẽ tinh thành cúng dường hơn hôm nay để mãi mãi được Tăng trưởng trí tuệ”. Đại Ý nhận ngọc rồi trở về nước bằng đường biển.

Các vua thần biển cùng bàn luận: “Trong biển chúng ta dẫu nhiều châu báu, nhưng không thứ nào bằng bốn viên ngọc ấy”. Liền ra lệnh cho thần biển phải chận đường đoạt lấy. Thần hóa làm người, gặp Đại Ý hỏi: “Nghe ngài được ngọc lạ, xin cho mượn xem thử”. Đại Ý xòe tay chìa ra bốn viên ngọc. Thần lắc bàn tay khiến ngọc rơi hết xuống biển. Đại Ý sực nhớ: “Quốc vương dặn ta, ngọc này khó giữ. Nay ta may mắn có được, lại để người này lấy mất. Làm sao trở về?” lập tức bảo thần: “Ta lặn lội gian nan mới có bốn viên ngọc ấy, nay ông đoạt hết, ta không về nữa, phải tát cạn biển để lấy lại” Nghe nói thế, thần hỏi: “Chí ngài tuy cao, nhưng biển lớn sâu đến ba trăm ba mươi sáu vạn do-diên, lại rộng vô bờ, sao tát cạn nổi? Mặt nhật kia không thể rơi xuống, bão lớn nọ không thể buộc lại, nhưng mặt nhật kia có ngày rơi xuống, bão lớn nọ có thuở còn buộc lại, đến như nước biển lớn không đời nào có thể tát cạn!” Đại Ý mỉm cười trả lời: “Ta tự nghĩ, suốt vô lượng kiếp chịu sinh tử hoại diệt, xương cốt chất cao hơn núi Tu-di, máu chảy nhiều hơn năm sông lớn, nhưng ta vẫn mong muốn đoạn trừ sạch gốc sinh tử luân hồi. Sá gì biển nhỏ này không thể tát cạn nổi? Ngày xưa khi cúng dường chư Phật, ta đã phát thệ xin cho chí nguyện kiên cường với đạo không còn thấy khó, dù phải dời núi Tu-di, tát biển lớn cũng chẳng chút thối chuyển”. Nói xong, dũng mãnh lấy gàu tát biển. Bốn vị Thiên vương cảm động tấm lòng thành, liền hiện xuống giúp sức, ba phần đã cạn hết hai. Các vua thần biển thấy thế đều kinh hãi, bàn tán: “Nếu không trả lại ngọc, hậu quả thật khó lường. Nước cạn ló bùn, sẽ hư hoại hết cung thất”. Bèn đem nhiều châu báu giao ra, Đại Ý không nhận: “Nếu chẳng phải ngọc của ta, quyết không dừng tay!” Thấy Đại Ý kiên cường, các thần đành phải trả lại bốn viên ngọc. Đại Ý bèn lên đường về nước, bố thí rộng rãi. Từ đó không còn người nghèo nàn đói khát nữa. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Đại Ý ngày xưa chính là ta hiện nay”. A-nan bạch: “Do công đức nào bốn viên ngọc ấy có khả năng thu hút các loại châu báu?” đức Phật bảo: “Vào thời đức Phật Duy Vệ xa xưa, Đại Ý đã đem bốn thứ châu báu xây tháp cúng dường Tam bảo và giữ giới suốt bảy ngày. Bấy giờ có năm trăm người cũng đồng thời dựng chùa. Có người treo phướn thắp đèn, có người thắp hương rãi hoa, có người cúng dường các Tỳ-kheo có người tụng kinh thuyết pháp. Tất cả nay đã gặp gỡ chư Phật và đều được cứu độ”. Bởi thế. Luật Tăng-kỳ nói rằng: “Bấy giờ thần biển suy nghĩ, giả sử hàng trăm năm cố tát, nước biển cũng chẳng giảm xuống mảy may. Chỉ vì cảm động trước tấm lòng thành nên mới đem ngọc trả lại. Rồi thần biển nói kệ cho các vị Bà-la-môn nghe:

Nhờ kiên cường dũng mãnh,
Ý chí chẳng hề lơi,
Lòng tinh thành cảm động,
Tuy mất, lại nhận về.

Thứ ba: PHẦN CẦU GIỚI

Như kinh Tạp-thí-dụ nói: “Ngày xưa có người tên Tát-bạc, nghe đồn nước ngoài có nhiều châu báu lạ, muốn đi kiếm về làm giàu, nhưng giữa biên giới hai nước có nạn La-sát, không thể vượt qua. Nhân đi chơi thấy ở cửa chợ phía tây có một đạo sĩ ngồi trên sạp trơn rao lên: “Bán ngũ giới”. Ông bước đến hỏi: “Ngũ giới là gì?” Đạo sĩ đáp: “Vô hình, miệng truyền tâm nhận. Một khi giữ gìn, đời sau được sinh lên Trời, đời này trừ được nạn La-sát”. Rất muốn mua, ông hỏi tiếp: “Giá bao nhiêu?” Đạo sĩ đáp: “Đúng một nghìn đồng vàng”. Ông trả tiền ngay. Trao giới xong, đạo sĩ căn dặn: “Khi đến biên giới nước ngoài, nếu La-sát xông đến, nhà ngươi chỉ cần nói mình là đệ tử ngũ giới của đức Phật Thích-ca.” Ông ra đi, chẳng bao lâu đã đến đó, thấy La-sát xuất hiện. Mình cao một trượng ba, đầu vàng bờm xờm như áo tơi, mắt đỏ rực như đinh nung, toàn thân đầy vảy, miệng cứ ngoác ra ngậm lại như cá đập mang. La-sát bỗng vọt lên hớp bầy én đang bay rồi đáp xuống đất, chân lún sâu đến gối, huyết nóng chảy đầy miệng. Giữa đám đông mấy nghìn người, La-sát chỉ chụp lấy ông. Ông nói lớn: “Ta là đệ tử giữ giới của đức Phật Thích-ca đây”. La-sát có nghe, nhưng không chịu thả. Ông vung tay đánh tới, tay lún xuống lớp vảy, không thể rút ra. Ông giơ chân đạp, đưa đầu húc, chân và đầu cũng lún sâu xuống lớp vảy, không thể kéo ra. Toàn bộ hai tay, hai chân và đầu của ông đều lún sâu xuống lớp vảy, chỉ còn lưng cố vùng vẫy mà thôi. La-sát bèn nói kệ rằng:

Mình ngươi và tay chân,
Tất cả đều bị trói.
Chỉ còn nước chờ chết,
Vùng vẫy để làm gì?

Ông vẫn giữ ý chí kiên cường, đáp kệ lại rằng:

Thân ta và tay chân,
Tuy tạm thời bị trói,
Lòng ta như vàng đá,
Quyết không bị ngươi giết!

La-sát lại nói kệ với ông:

Ta là chúa loài quỷ,
Là kẻ có nhiều sức.
Xưa nay ăn thịt người,
Không thể nhớ đếm nổi!
Mau mau chết cho xong
Cần gì phải nói nữa?

Ông còn muốn mắng chửi La-sát, bỗng sực nhớ thân này xưa nay luân hồi khắp tam giới, chưa từng xin ai tha mạng. Nay phải nhờ La-sát ăn mau, bèn nói kệ rằng:

Thân xác tanh tao này,
Lâu nay đã muốn bỏ.
La-sát đã bắt được,
Nguyện đem ra bố thí.
Quyết chí cầu đại thừa,
Chứng quả nhất thiết trí.

La-sát thông minh, hiểu được lời ông, sinh xấu hổ, lập tức thả ông và quỳ xuống chắp tay tạ tội:

Ngài là thầy cứu người,
Hiếm có trong tam giới.
Chí cầu đại thừa pháp,
Thành Phật chẳng bao xa.
Tôi nay nguyện quy y,
Cúi đầu xin đảnh lễ.

La-sát sám hối xong, thân hành đưa ông ra tận nước ngoài, kiếm được vô số châu báu rồi lại đưa trở về nhà. Ông tu tập rất nhiều công đức và thành đạo quả. Thế nên, giới luật có sức mạnh không thể nghĩ bàn, khuyên các hành giả cần kiên trì giữ gìn và lập chí dũng mãnh như Tát-bạc trên đây.

Thứ tư: PHẦN CẦU NHẪN

Như luận Trí-độ nói: “Có con rồng nọ chứa nọc độc, cực kỳ hung hãn. Mỗi lần giương mắt lên nhìn, người yếu đuối chết ngay; hễ há miệng phun khí độc, kẻ mạnh mấy cũng chết. Hôm ấy, rồng giữ giới một ngày, bò vào rừng tọa thiền một hồi lâu, đâm ra mỏi mệt ngủ quên. Lệ của loài Rồng khi ngủ, mình trông rực rỡ như da rắn khảm thất bảo. Thợ săn trông thấy, giật mình mừng quá nói thầm: “Nếu lấy được bộ da hiếm có này đem dâng lên nhà vua để làm thuyền ngự, thật là xứng đáng!? Bèn xách cây đè chặt đầu, rút dao lột da. Rồng tự nhủ: “Ta thừa sức lật nhào cả đất nước này, sá gì kẻ nhỏ xíu ấy! Chỉ vì hôm nay ta đang giữ giới, đành phó mặc thân xác để tuân theo lời đức Phật dạy. Nghĩ thế, rồng nhẫn nhục nhắm mắt không nhìn, nín thở không rên, sinh lòng thương xót kẻ thợ săn ấy. Cố giữ giới, rồng thành tâm chịu để lột da, không chút ân hận. Da đã bị lột, thịt phơi ra giữa nắng cháy, rồng lăn lộn trên mặt đất. Muốn tìm chổ nước lớn, lại thấy lũ côn trùng nhung nhúc kéo đến ăn thịt, rồng cố giữ giới, không dám nhích mình, tự nhủ: “Vì đạo pháp, mạng ta đã nguyện đem bố thí cho lũ côn trùng, thịt ta cũng nên đem ra bố thí cho chúng nó no nê. Sau sẽ đem chính pháp bố thí cho tâm chúng nó được lợi ích”. Rồi thân tàn mạng chung, rồng được sinh lên cõi Trời Đạo lợi. Xem thế, súc sinh còn biết kiên trì giữ giới, đến chết không phạm, huống gì con người, sao lại nỡ phóng túng phạm giới?”

Lại nữa, luật Ngũ-phần nói: “đức Phật bảo: “Vào thời quá khứ, có con rắn đen cắn chết con trâu nghé rồi bò vào hang sâu. Thầy bùa làm phép, dùng con dê đen dụ rắn bò ra, không được, bèn làm phép, nhen lửa trước con nghé, hoá thành bầy ong lửa bay vào hang đốt rắn. Không chịu nổi, rắn phải bò ra. Dê đen thấy thế, gục sừng cầu cứu trước mặt thầy bùa. Thầy bùa bảo rắn: “Mày phải hút lại nọc độc, nếu không, ta sẽ ném vào lửa!” Rắn bèn nói kệ:

Ta đã phóng độc rồi,
Không thể hút lại nữa.
Một khi cái chết đến.
Tính mạng khó giữ nổi!

Nói xong, rắn nhảy vào lửa mà chết, không chịu hút nọc lại. Đức Phật bảo: “Rắn đen ngày xưa chính là Xá-lợi-phất hiện nay. Ngày xưa khi làm kiếp rắn, Xá-lợi-phất thà chịu chết đau đớn, chứ không chịu thâu hồi nọc độc. Cớ sao ngày nay lại nhặt nhạnh mớ thuốc đã bị vứt đi?”

Thứ năm: PHẦN CẦU TINH TẤN

Như kinh Tạp-bảo-tạng nói: “Vào thời quá khứ, giữa hai nước Ca-thy và Tỳ-đề-hê từng có quãng đồng rộng, ác quỷ Sa-tra-lô hay ở đó chặn đường, mọi người không thể vượt qua. Thương chủ Sư tử dắt đoàn thương khách năm trăm người đi ngang đường ấy. Mọi người lo sợ không thể vượt được. Thương chủ dặn dò: “Đừng sợ, cứ đi sau ta!” Đến chổ có quỷ, thương chủ nạt lớn: “Ngươi không nghe tên ta sao?” Quỷ đáp: “Vì nghe tên ngươi nên ta mới hiện ra đánh với ngươi đây!” Thương chủ nạt dồn: “Ngươi có tài cán gì?” Rồi lập tức lắp cung tên bắn quỷ. năm trăm phát đều găm trọn vào bụng. Vung dao kiếm gậy gộc đều găm luôn. Thương chủ múa hai tay xông lên đánh hai tay cũng găm vào. Giơ hai chân đá, cũng găm luôn. Lấy đầu húc, đầu cũng dính chặt.

Bấy giờ, quỷ mới nói kệ rằng:

Ngươi lấy tay chân luôn cả đầu
Tất cả mọi thứ đều bị dính.
Còn có vật gì không dính nữa?

Thương chủ nói kệ đáp lại:

Hôm nay tay chân và đầu ta,
Tất cả của cải và binh khí,
Hết thảy mọi thứ đều đã dính.
Riêng lòng tinh tiến không thể dính.
Giả sử lòng ấy không yên nghỉ,
Ta quyết cùng ngươi đấu chẳng dừng.
Ta nay tinh tiến không hề nghỉ,
Vì thế sẽ không sợ hãi ngươi.

Quỷ nghe thương chủ nói xong, đành trả lời: “Hôm nay vì ngươi, ta phải thả cả đoàn năm trăm thương khách đi qua.

Thứ sáu: PHẦN CẦU ĐỊNH

Như luận Tân-bà-sa nói: “Ma vương thấy Bồ-tát ngồi dưới cây Bồ-đề trang nghiêm bất động, thề đạt đạo Vô thượng, liền tức tốc rời khỏi cung xuống đến nơi, bảo Bồ-tát: “Thái tử nên rời khỏi đây. Đời này ô trược, chúng sinh ương ngạnh, quyết không thể chứng được quả Vô thượng Bồ-đề. Ngài nên lên ngôi vị Chuyển-luân-vương, ta sẽ xin đem thất bảo đến cúng dường”. Bồ-tát đáp: “Lời ngươi nói ra chỉ dụ nổi trẻ con. Mặt Trời, mặt trăng và tinh tú kia có thể rơi rụng, rừng núi đất đai kia có thể tan biến vào hư không, nhưng muốn ta rời khỏi chổ này, không thành chánh quả, chắc chắn là điều không thể có được!” Ngay đó, ma vương kéo ba mươi sáu câu-đê ma quân, hiện đủ hình thù đáng sợ, cầm binh khí đủ loại, nhất tề xong đến dưới cây Bồ-đề quấy phá. Bồ-tát thân tâm bất động, vững vàng hơn núi Tu-di, nên chẳng làm gì được”.

Thứ bảy: PHẦN CẦU QUẢ

Như kinh Tạp-bảo-tạng nói: “Phật pháp rộng lượng, tế độ vô biên. Chí tâm cầu đạo, sẽ được chứng quả. Thậm chí nói đùa, vẫn tạo phước đức. Như ngày xưa có vị Tỳ-kheo già cả, trí tuệ tối tăm, thấy các Tỳ-kheo trẻ tuổi thuyết pháp thao thao về tứ quả, sinh lòng hâm mộ, bảo rằng: “Các vị thông minh, xin hay đem tứ quả ban bố cho tôi”. Các Tỳ-kheo trẻ cười nhạt đáp: “Chúng ta có sẳn tứ quả, nhưng phải dọn đủ món ăn ngon mới ban cho”. Tỳ-kheo già nghe nói vui mừng, sắm đủ thức trân quý, mời các Tỳ-kheo trẻ đến cầu xin tứ quả. Ăn uống xong, các Tỳ-kheo này cùng chỉ trỏ, nói đùa với Tỳ-kheo già: “Đại đức hãy đến ngồi nơi góc nhà này, chúng ta sẽ trao cho”. Mừng quá Tỳ-kheo già vâng lời ngồi xuống. Các Tỳ-kheo trẻ lấy quả cầu da đánh lên đầu Tỳ-kheo già, bảo: “Đây chính là quả Tu-đà-hoàn!” Nghe nói Tỳ-kheo già giữ tâm không tán loạn, lập tức chứng được sơ quả. Các Tỳ-kheo trẻ lại nói đùa: “Tuy đã ban cho sơ quả, nhưng vẫn còn bảy lần sinh tử, phải dời sang góc khác, sẽ được ban cho quả Tư-đà-hoàn”. Tỳ-kheo già tâm càng tinh tiến, chuyển sang góc khác. Các Tỳ-kheo trẻ lại lấy quả cầu đánh lên đầu, bảo: “Ban cho quả thứ hai đây!” Thân tâm Tỳ-kheo già càng thêm tinh tiến, liền chứng được quả thứ hai. Các Tỳ-kheo trẻ lại nói: “Tuy đã chứng xong quả ấy, nhưng vẫn còn khổ nạn sinh tử, cần phải dời sang chổ khác, sẽ ban cho quả thứ ba”. Tỳ-kheo già nghe lời dời chổ. Các Tỳ-kheo trẻ lại đánh quả cầu, bảo: “ban cho quả thứ ba đây!” Tỳ-kheo già quá vui mừng, càng thêm chí tâm, lập tức chứng quả A-na-hàm. Các Tỳ-kheo trẻ lại nói: “Tuy đã chứng xong quả ấy, nhưng còn thân phiền não chịu vô thường hủy hoại. Mỗi niệm đều khổ ở Sắc giới và Vô sắc giới, phải tiếpmtục dời chổ để nhận quả A-la-hán.” Tỳ-kheo già nghe lời dời chổ. Các Tỳ-kheo trẻ lại đánh quả cầu lên đầu và nói rằng: “Chúng ta ban cho quả thứ tư đây!” bấy giờ, Tỳ-kheo già nhất tâm quán tưởng, bỗng nhiên chứng được quả A-la-hán. Chứng xong tứ quả, Tỳ-kheo già hết sức vui mừng, dọn các món ăn ngon, bày đủ loại hoa hương đền ơn các Tỳ-kheo trẻ tuổi, rồi cùng thảo luận công đức thanh tịnh của đạo quả. Các Tỳ-kheo trẻ tuổi nói rằng còn vướng mắc chưa thông. Bấy giờ, Tỳ-kheo già mới mở lời: “Ta đã chứng xong tứ quả”. Đến đây, các Tỳ-kheo trẻ đều xin sám hối tội lổi nói đùa trước đó. Bởi thế các hành giả cần suy niệm về điều thiện. Nói đùa, thậm chí còn hưởng phước báo thật sự, huống hồ thành tâm?”

Lại nữa, kinh Tạp-bảo-tạng nói: “Người cầu đạo phải biết tinh thành cảm xúc mới chứng đạo quả. Ngày xưa có nữ tín chủ trí tuệ thông minh rất tin Tam bảo, từng lên chùa mời hai vị Tỳ-kheo về nhà cúng dường. Vị Tỳ-kheo già căn cơ si độn, không hiểu đạo pháp. Nữ tín chủ dâng cơm nước xong, ân cần thỉnh cầu vị Tỳ-kheo này thuyết pháp, rồi trải tọa cụ nhắm mắt yên lặng ngồi nghe. Tỳ-kheo này thấy mình dốt nát, không thể thuyết pháp, thúc giục nữ tín chủ ngủ mau và bỏ chạy về chùa. Thật ra, nữ tín chủ chí tâm quán tưởng, thấy các pháp hữu hình đều Vô thường- Khổ-Không, không thể tự tại. Triền miên suy niệm, bỗng nhiên chứng được sơ quả. Sau đó, lên chùa gặp Tỳ-kheo già này để đền ơn. Xét mình chẳng có công đức gì, Tỳ-kheo này trốn tránh không gặp. Càng trốn tránh nữ tín chủ càng khẩn thiết thỉnh cầu, Tỳ-kheo ấy đành phải xuất hiện. Nữ tín chủ kể rõ cơ duyên đắc đạo, bày biện lễ vật cúng dường để báo đáp công đức. Bấy giờ, Tỳ-kheo này cảm thấy xấu hổ, hết sức trách mình, bèn chứng được sơ quả. Thế nên, hành giả cần phải biết chí tâm. Nếu có chí tâm, chắc chắn sẽ đạt thệ nguyện.

Thứ tám: PHẦN TẾ NẠN

Như kinh Tăng-già-La-sát nói: “Ngày xưa, Bồ-tát từng hiện thân làm chim anh vũ đậu trên cây. Gió thổi, cành cây cọ nhau nẩy lửa, dần dần bốc cháy cả ngọn núi. Chim suy nghĩ: “Đến như loài chim bay ngang, chỉ đậu tạm trên cành, còn biết trăn trở lòng biết ơn, huống gì ta thường xuyên đậu ngủ suốt đêm dài, nỡ nào lại không dập lửa cứu cây?” Lập tức, chim bay xuống biển, giương hai cánh múc nước đem về rưới lên ngọn lửa, hoặc lấy mỏ rưới nước, tất cả bay qua liệng lại chữa cháy. Bấy giờ có vị thần nhân hậu thương chim khổ sở, bèn làm phép dập tắt dùm đám cháy”.

Lại nữa, luận Trí-độ nói! “Ngày xưa có ngọn lửa hoang thiêu cháy cánh rừng, con trĩ ở đó cố sức bay đến dòng suối lấy nước đem về cứu chữa. Bay đi bay lại rất nhọc nhằn nhưng chim không thấy khổ. Trời Đế thích hiện xuống hỏi: “Ngươi làm gì thế?” Trĩ đáp: “Tôi cứu cánh rừng này, vì nó biết thương mọi chúng sinh , giang mình che chở nhiều năm, khiến tất cả đều được thảnh thơi mát mẽ. Đồng loại và họ hàng nhà tôi đều nương tựa vào nó. Nay tôi có sức, nỡ nào không ra tay cứu chữa?” Đế thích hỏi dồn: “Sức ngươi cố gắng được bao lâu?” Trĩ dũng mãnh đáp: “Đến chết mới thôi!” Đế thích hỏi nữa: “Ai làm chứng cho ngươi đây?” Trĩ lập tức thề lớn: “Nếu tâm tôi hết sức thành thật không chút giả dối, xin ngọn lửa hãy tắt mau!” Trời Tịnh Cư cảm động trước lòng thành của chim. Liền ra tay làm phép dập tan ngọn lửa. Nhờ thế, cánh rừng được xanh tươi, không bị thiêu cháy”. Tụng rằng:

Tinh thành giữ băng tuyết,
Vì già sẽ đến mau.
Sông đời trôi rất chóng,
Thân người chẳng thảnh thơi.
Bao năm làm vất vả,
Già bệnh, nằm một nơi,
Chí tâm hằng giữ giới,
Định tuệ sẽ phát chồi.
Kết bạn đi xa xứ,
Đất lãnh hợp ý người
Thương nhân không sợ chết,
La-sát phải chịu thua
Tìm ngọc tát cạn biển,
Thần sợ, trả lại châu.
Nhắn nhủ kẻ cầu đạo,
Chí bền, hưởng phước lâu.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

Xét rõ xưa nay, không kể đạo tục, nếu có thành tâm, sẽ được báo ứng, tạm liệt kê ngoài tục ba chuyện, trong đạo mười một chuyện, tổng cộng lược thuật mười bốn chuyện cảm ứng:

1/ Tấn minh đế giết lực sĩ Hàm Huyền. 2/ Hùng cừ nước sở đi đêm bắn nhầm đá cứng. 3/ Can Tương Mạc Da giấu kiếm . 4/ Vợ Hàn Bằng đời Tống bị Khang Vương chiếm đoạt. 5/ Phục Vạn Thọ đời Tống niệm danh hiệu Quán Thế Âm. 6/ Cố Mại đời Tống niệm danh hiệu Quán Thế Âm. 7/ Sa-môn Tuệ Hòa đời Tống niệm danh hiệu Quán Thế Âm. 5/ Hàn Huy đời Tống niệm danh hiệu Quán Thế Âm. 9/ Bành Tử Kiều niệm danh hiệu Quán Thế Âm. 10/ Sa-môn Đan nước Triệu ăn sỏi mặc áo vỏ tùng. 11/ Đổng Hùng đời Đường niệm danh hiệu Quán Thế Âm. 12/ Sa-môn Đạo Tích đời Đường dũng mãnh can gián. 13/ Sa-môn Pháp Thành đời Đường sao kinh được linh ứng. 14/ Tỳ-kheo ni Pháp Tín đời Đường sao kinh được linh ứng.

1/ Vua Minh đế nhà Tấn ra lệnh giết chết lực sĩ Hàm Huyền. Hàm Huyền bảo đao thủ: “Đầu ta nhiều gân cứng, phải chém đứt thật ngọt. Nếu không, ta sẽ báo thù ngươi đó!” Tâm thần hoang mang đao thủ không nhớ, chém liền mấy nhát mới dứt lìa. Sau đó, đao thủ thấy Hàm Huyền mặc áo đỏ, cầm cung tên đỏ đến bắn mình, liền hô lớn: “Hàm Huyền hãy nới tay cho ta một lát!” Chẳng mấy chốc, đao thủ chết mất. (Chuyện linh ứng trên đây rút từ Oan-hồn-chí)

2/ Hùng Cừ người nước Sở đi trên, thấy tảng đá nằm trơ, tưởng là cọp rình mồi liền giương cung bắn, tên ngập đến chuôi. Cúi xuống nhìn kỹ mới biết là đá. Lại bắn thử, tên gãy, đá chẳng hề hấn gì. Đời Hán, Lý

Quảng làm thái thú ở Bắc Bình, bắn cọp xong mới biết là đá. Chuyện cũng tương tự như trên. Vì thế, Lưu Hướng bảo rằng: “Đạt đến mức độ chí thành, dẫu vàng đá còn phải bung ra, huống gì người? Than ôi! Nếu xướng lên mà chẳng có ai họa lại, cổ vũ mà chẳng được ai theo, chắc chắn ở trong còn có chổ chứa thật trọn vẹn, chẳng bước ra gánh vác mà muốn giúp đời, ấy là muốn thôi không giúp vậy”.

3/ Can Tương Mạc Da ở nước Sở đúc kiếm cho nhà vua ba năm mới xong. Nổi giận, nhà vua muốn giết. Kiếm ấy gồm hai thanh trống mái. Người vợ có chửa nặng bụng sắp sinh, ông dặn: “Ta đúc kiếm ba năm, nhà vua cả giận. Nếu ta đi, thế nào cũng bị giết. Như bà sinh con trai, khi lớn, bảo nó ra cổng nhìn lên Nam sơn, thấy cây tùng mọc trên đá, kiếm giấu ở dưới”. Nói xong, ông đem kiếm mái dâng lên nhà vua. Nổi giận, nhà vua sai xét kiếm biết có một cặp trống mái. Kiếm mái được đưa đến, kiếm trống không thấy. Nhà vua tức tối, ra lệnh giết chết. Con trai ông tên Xích lớn lên hỏi mẹ: “Cha con đâu?” mẹ đáp: “Cha con trước đây đúc kiếm cho nhà vua ba năm mới xong, bị nhà vua giết chết. Lúc ra đi, có dặn sau này con ra cổng nhìn phía Nam Sơn, thấy cây tùng mọc trên đá, kiếm được giấu ở dưới”. Con ông theo lời nhìn, không thấy Nam Sơn, chỉ thấy trước nhà có cột gỗ tùng chốn xuống tảng đá, liền lấy búa bửa, lật lên thì lấy được kiếm, đêm ngày nôn nóng báo thù. Vua Sở mơ thấy đứa bé có hai mày cách nhau chừng một thước, nuôi chí báo thù, bèn ra giá ai lấy được đầu nó, sẽ thưởng cho nghìn vàng. Đứa bé nghe tin, bỏ trốn vào núi, ca hát nghêu ngao. Có người gặp hỏi rằng: “Cậu còn nhỏ tuổi, sao lại khóc lóc thê thảm đến thế?” Cậu bé đáp: “Tôi là con của Can Tương Mạc Da. Vua Sở giết cha tôi, tôi phải trả thù”. Người ấy bảo: “Nghe vua Sở treo giá đầu cậu đến nghìn vàng. Hãy đưa đầu và kiếm cho ta, ta sẽ báo thù giúp cho”. Cậu bé đáp: “May mắn thay!” Dứt lời, lập tức tự vẫn, hai tay bưng đầu và kiếm giao cho người ấy, thân hình vẫn đứng thẳng không ngả. Người ấy hứa: “Ta sẽ không bao giờ phụ lòng cậu”. Nghe mấy lời này, thân hình cậu bé mới chịu ngả xuống. Đem đầu đến yết kiến, vua Sở rất mừng, người ấy tâu: “Đây là đầu của kẻ dũng sĩ, phải nấu trong vạc nóng”. Nhà vua y lời, cho nấu suốt ba ngày đêm vẫn chưa rục. Đầu vọt lên khỏi nước sôi, trợn mắt giận dữ. Người ấy tâu thêm: :Nếu đại vương ngự đến xem, chắc chắn đầu sẽ rục ngay!” nhà vua nghe lời, bước đến bên. Người ấy lập tức rút kiếm chém đầu nhà vua bay bào vạc, rồi cũng tự chém đầu mình rơi vào luôn. Lạ thay! Cả ba đầu rục nát, không thể nhận ra ai, đành phải chia làm ba phần đem chôn, nên gọi chung là mộ ba vua. Hiện nay, hãy còn ở địa phận phía bắc huyện nghi Xuân thuộc Nhữ Nam.

4/ Đại Phu Hàn Bằng đời Tống có vợ đẹp, bị vua Khang Vương chiếm đoạt, ông uất ức, nuôi lòng thù hận. Nhà vua bắt giam, đày ra gác cổng thành, người vợ lén gửi thư, nói bóng gió:

Lâm râm mưa lâu,
Sông rộng, nước sâu.
Trời thấu lòng nhau.

Chuyện vỡ lở nhà vua lấy được bức thư đưa cho cận thần xem, nhưng chẳng ai hiểu nổi. Thần Hạ tâu: “Lâm râm mưa lâu là sáng mùa thu thương nhớ. Sông rộng nước sâu là không thể gặp nhau. Trời thấu lòng nhau là tỏ ý muốn chết”. Hàn Bằng nghe liền tự tử. Người vợ âm thầm làm mục áo. Một hôm, cùng nhà vua lên đài cao ngắm cảnh, thừa cơ nhảy xuống. Thị nữ nắm tay kéo lại, áo mục tuột khỏi tay, rơi xuống đất mà chết, để lại bức thư trong đai áo: “Quân vương ham sống, thần thiếp thích chết. Xin cho đem hài cốt chôn cùng Hàn Bằng”. Nhà vua nổi giận không chịu, sai chôn cách nhau, phán rằng: “Vợ chồng ngươi quyết thương yêu nhau không rời. Nếu làm sao trở thành hợp táng, ta sẽ không cấm.” Được ít lâu, có hai cây tử cùng mọc lên từ hai đầu mộ, trong một tuần đã lớn đầy ôm, uốn mình chụm vào nhau, rễ liền ở dưới, cành liền ở trên. Lại có cặp chim uyên ương thường đậu trên cây, đêm ngày chẳng bay đi đâu, ôm cổ nhau cùng kêu lên buồn bã, làm xúc động lòng người. Dân nước Tống thương xót, đặt tên là cây Tương tư (tên tương tư bắt đầu có từ đó). Nay ở Lạc Dương còn thành Hàn Bằng, lời ca dao cũng vẫn còn. (ba chuyện linh ứng trên rút từ Sưu-thân-ký)

5/ Phục Vạn Thọ đời Tống người đất Bình Xương, năm nguyên Gia thứ 19, làm tham quân vệ phủ tại Quảng Lăng. Hết hạn nghỉ phép, trở về châu. Khoảng hơn canh tư, thuyền bắt đầu qua sông, sóng gợn nước êm. Được nửa sông, gió bỗng nổi nhanh như tên bắn, Trời lại trở nên quá tối tăm, không biết phương hướng. Ông từ trước thờ Phật rất thành tâm, nên chỉ dốc lòng niệm danh hiệu Quán Thế Âm không ngừng. Một lát ông cùng vài người trong thuyền đều thấy bên bờ phía Bắc có ánh lửa lập lòa như của làng xóm. Mọi người mừng reo lên: “Đúng là lửa của làng An Dương!” bèn quay thuyền theo hướng ấy, gần sáng thì đến nơi. Hỏi thăm dân làng, ai nấy đều bảo: “Suốt đêm qua, chẳng ai nổi lửa cả”. Bấy giờ mới biết nhờ thần lực của Đức Quán Thế Âm giúp cho được yên ổn vào bờ, lập tức bày trai lễ cảm tạ.

6/ Cố Mại đời Tống vốn người Ngô Quận, thờ Phật rất kính cẩn. Vào năm Nguyên Gia thứ mười chín, ông làm tham quân vệ phủ, cũng từ kinh đô trở về Quảng Lăng. Thuyền xuất phát tại Thạch Đầu thành, vừa qua hồ, gió bấc thổi mạnh không ngừng, nhưng khách lại gấp đi. Vừa ra nửa sông, sóng lớn nổi lên thuyền nhỏ trôi lẻ loi. Lo sợ, không biết làm sao, ông chuyên tâm trì tụng kinh Quán Thế Âm được khoảng mười biến, thế gió yếu dần, sóng cũng nhỏ bớt. Trên sông luôn nghe mùi hương kỳ lạ tỏa ra thơm ngát. Riêng ông khấp khởi mừng thầm, càng tụng niệm không ngớt. Nhờ thế, thuyền được vào bến bình yên.

7/ Sa-môn Huệ Hòa đời Tống là vị Tăng ở chùa Chúng Tạo tại kinh thành. Trong đại nạn nghĩa gia, ngài hãy còn sống ngoài đời, làm thuộc hạ cho Lưu Hồ, được phái theo mấy chục quan binh đi trinh sát để tiến công miền đông. Vừa tới Thước Chữ, biết quân địch đã sang phía tây, lực lượng trinh sát đều tan rã, trốn vào đầm cỏ. Ngài cũng bỏ theo, đến chổ bìa rừng, gặp đám nông dân áo quần lem luốc. Ngài thay quần áo, mặc khố, xách giỏ gánh gồng giống hệt dân làm ruộng. Bấy giờ đám du kích đổ xô lùng bắt toán trinh sát này, thấy ngài có vẻ khác lạ, sinh nghi xét hỏi. Ngài trả lời ,mập mờ nên bị bắt đem tra khảo, sửa soạn hành hình. Từ khi bỏ trốn, ngài chuyên tụng kinh Quán Thế Âm, đến đây lại càng thành tâm cầu khẩn. Bọn lính vung dao chém mấy lần đều bị té nhào, dao cũng gãy hết ba cây. Thấy thế, chúng hoảng sợ, cởi trói thả ngài ra. Từ đó, ngài xuất gia tinh tiến tu hành.

8/ Hàn Huy đời Tống, chưa rõ người ở đâu, cư ngụ tại Chi Giang. Chú ông tên Ấu Tông, làm quân nhân ở Tương Châu. Năm Thăng Minh thứ nhất cuối đời Tống, Thứ sử Kinh Châu Thẩm Du Chi cầm quân đánh xuống miền đông, trưởng sử Tương Châu Dũ Bội Ngọc đóng cửa giữ thành, chưa biết tiến thủ ra sao, nghi ngờ Ấu Tông hai lòng, đem ra giết chết, luôn cả vợ con. Ông là cháu nên cũng bị bắt giam, xiềng xích đầy mình, gông cùm rất chắc, đợi tra xét xong, nếu có dính dấp, sẽ bị xử tử. Ông đành bó tay chờ chết mà thôi. Trước đây có thờ Phật, hay tụng kinh Quán Thế Âm, vì thế, ông đêm ngày chuyên tâm tụng niệm đến mấy trăm biến. Vừa sáng, gông cùm bỗng kêu lên như pháo nổ, nhìn lại, các khóa đều mở ra. Sợ ngục tốt nghi mình tự phá, ông hô lân báo cáo. Ngục tốt dẫu kinh dị, nhưng vẫn khóa chặt lại. Một ngày sau, gông cùm lại kêu lên và tự mở ra như cũ. Ngục tốt phải đem trình lên, Dũ Bội Ngọc thân hành đến tra xét kỹ, tin có thần uy, bèn thả ông ra. Ông nay vẫn còn sống, hết sức tinh tiến tu hành.

9/ Bành Tử Kiều đời Tống, người huyện Ích Dương, làm chủ bạ tại huyện nhà, theo phé thái tử Lý Văn Long. Năm kiến Nguyên thứ nhất, có tội bị bắt giam. Thuở nhỏ, ông từng xuất gia, cuối đời hoàn tục, nhưng vẫn thường tụng kinh Quán Thế Âm. Bấy giờ, thái tử đang giận dữ, có ý muốn giết ông. Hết đường toan tính, ông rất lo sợ, chỉ biết thành tâm tụng kinh Quán Thế Âm hơn trăm biến. Quá mệt mỏi, đâm ra ngủ gục, bạn tù chừng mười người cũng đều ngủ cả. Huyện lại Tương Tây là Đổ Đạo vinh cũng bị nhốt chung, đang lơ mơ, bỗng thấy cặp hạc trắng bay sà xuống đậu trên bình phong kề ông. Lát sau một con bay xuống bên ông, nhìn như hình người thật đẹp đẽ. Đạo Vinh đứng lên xem thì gông cùm của ông đã rơi xuống khỏi chân, lộ ra các vết loét. Chứng kiến đầu đuôi. Đạo Vinh hết sức kinh dị. Ông cũng thức dậy cả hai nhìn cùm chắc lưỡi thở than. Đạo Vinh hỏa: “Vừa rồi có mơ thấy gì không?” Ông đáp: “Chẳng thấy gì cả!” Đạo Vinh đem mọi chuyện kể lại. Tuy biết thế, ông vẫn thắc thỏm lo âu, sợ ngục tốt nghi mình có lòng phản mở gông cùm. Bốn hôm sau ông được thả ra.

Anh họ của Diễm tôi là liên cùng quen biết với ông và Đạo Vinh. Hai người này kể lại cho anh tôi nghe đều rất giống nhau.

10/ Sa-môn Đơn (có người gọi là Thiện), người Nước Triệu, Tự là Đạo Khai không rõ quê quán (sách Biệt Truyện bảo là người Đôn Hoàng, họ Mạnh). Xuất gia từ nhỏ, muốn sống trọn đời ở chổ núi sâu hang vắng nên bỏ cơm, ăn mì nuốt ba năm, sau ăn tinh dầu thông suốt ba mươi năm. Cuối cùng chỉ ăn sỏi nhỏ, bỏ hẳn rượu nem, hoa quả, lại sợ cảm lạnh, thường ăn tiêu gừng. Thể chất ốm yếu nhưng da dẻ hồng hào, đi bộ như bay. Thần núi mấy lần đến chọc phá, không lay chuyển nổi, thần tiên cũng đến thử nhưng ngài không chịu tiếp, hay ăn tỏi để xua đuổi đi. Ngài ngồi ngay ngắn nhập định suốt ngày đêm không ngủ tại Bảo Lao. Năm Kiến Vũ thứ hai đời vua Thạch Hổ ngài đi bộ từ Tây Bình đến Nghiệp Hạ, không cần xe tàu, mỗi ngày hơn bảy trăm dặm. Ngang qua Nam An, thế độ một Đồng tử làm Sa-di, tuổi chừng mười ba mười bốn. Đồng tử này đi bộ cũng kịp ngài. Đến nơi, ngài vào ở tại Chiếu Đức Phật Đồ, ăn mặc rất lam lũ, vai và tay để lộ ra. Ngài cất một sàn gác cao khoảng tám chín thước, trên bện cỏ may làm màn, ngồi tọa thiền bên trong. Ngài nhịn cơm suốt bảy năm, chỉ dùng các loại dược thảo có mùi vị của phục linh và tinh dầu thông. Ngài chữa bệnh mắt rất giỏi thường đi khắp chốn gò hoang đồng vắng để trị bệnh cho dân nghèo. Các bậc vương công xa gần đến cúng dường rất nhiều, ngài đều thọ lãnh rồi đem bố thí hết, không chừa lại mảy may. Cuối đời vua Thạch Hổ, đoán biết có loạn lạc, ngài đưa đệ tử đến Hứa Xương ở miền nam. Năm Thăng Bình thứ ba, ngài lại đến Kiến Nghiệp, rồi lại sang Phiên Ngung, an trụ ở núi La Phù, lấy rừng thưa mát mẻ tịch lặng làm vui. Ngài viên tịch vào tháng bảy năm ấy, căn dặn để đi di thân giữa rừng, các đệ tử đều tuân theo. Năm Hưng Ninh thứ nhất, Viên Ngạn Bá ở Trần Quận làm thái thú Nam Hải, cùng em là Dĩnh Thăng lên tham quan núi, thắp nhang hành lễ rất cung kính trước di thân của ngài. ( sáu chuyện trên đây rút từ Minh-Tường-ký)

11/ Khoảng giữa niên hiệu Trinh Quan, Đổng Hùng ở Hà Đông làm đại lý tự thừa. Từ nhỏ đến lớn, ông rất sùng đạo, ăn chay suốt mười năm. Năm Trinh Quan thứ mười bốn, vì liên lụy vào chuyện Lý Tiên Đồng khiến nhà vua nổi cơn nịnh nộ, sai thị ngự Vì Tông tra xét hắt gao, ông bị bắt giam cùng mấy chục người. Đại lý thừa Lý Kính Huyền và tư trực Vương Hân cũng bị dính dấp. Ông cùng bạn tù chung phòng chỉ biết trì tụng phẩm Phổ Môn, mỗi ngày được ba nghìn biến. Đến đêm, đang ngồi tụng niệm, xiềng tự nhiên nới lỏng rơi xuống đất. Ông kinh ngạc nói với hai bạn Huyền và Hân. Hai người này cùng nhìn thấy xiềng còn y nguyên nhưng khóa lại văng xa chừng mấy thước. Mọi người đem báo cho ngục tốt. Đêm ấy, giám sát ngự sử Vương Thủ Nhất có phiên trực, sai mở cửa lấy đuốc soi lỹ, thấy khóa không mở nhưng xiềng tự rời ra. Quá kinh dị, thủ nhất ra lệnh xiềng chặt lại rồi viết chữ niêm phong. Ông vẫn tụng kinh bình thường. Khoảng giữa canh , xiềng lại tự nới ra, rơi xuống đất leng keng. Ông lập tức báo cho hai bạn Huyền và Hân biết. Trước đây, kính Huyền không tin tưởng Phật pháp, mỗi lần phu nhân của ông tụng kinh, ông hay nói: “Vì sao để thần Thánh cảu bọn Hồ mê hoặc đến nỗi phải đọc tụng thứ kinh sách ấy?” nay tận mắt chứng kiến chuyện linh hiển đến thế, thân tâm ông hết sức ăn năn và nhận chân đức Phật là bậc đại Thánh nhiệm mầu. Phần Vương Hân niệm danh hiệu tám vị Bồ-tát được ba vạn biến, giữa ban ngày, xiềng cũng tự rơi xuống giống hệt ông. Chuyện linh hiển này, tất cả cơ quan Đại lý tự đều chứng kiến rõ ràng. Chẳng bao lâu, tất cả các ông đều được tha bổng. (Chuyện trên đây rút từ sách Minh-báo-thập-di)

12/ Sa-môn Thích Đạo Tích ở chùa Phổ Cứu tại Bồ Châu đời Đường vốn người huyện An Ấp thuộc Hà Đông. Ngài tên Tử Tài, họ Tướng Lý, khi xuất gia đổi thành Đạo tích. Ngài là hậu duệ của đại phu Tử Sản nước Trịnh. Khi đại phu ra đời, hai tay chắp lại, người thân mở ra xem, thấy vân tay hiện thành hai chữ tướng lý, vì thế đời sau mới lấy hai chữ ấy làm họ. Phụ thân ngài tên Tuyên, rộng rãi có chí lớn, hiếu học đa tài. Nói chí phụ thân, ngài sớm học tập. Trí tuệ sáng láng, thông thạo kinh điển đại tiểu thừa, trở thành bậc đại sư khắp trong đạo ngoài đời, ngay giới quý hiển xa gần cũng thấm nhuần lời giáo huấn. Tuy nhiên, đối với bản thân, ngài giữ mình không vướng phiền não, không mắc dèm pha. Riêng ni chúng quy y, không cho gặp mặt. Ngài thường bảo: “Nữ gây uế giới, linh luận có nói. Đức Phật cho họ xuất gia, chỉ làm băng hoại chánh pháp, Nghe tên cũng đủ ô trược bản tâm, huống hồ gặp mặt, sao không nghiễm trước? Vả lại, đạo cốt ở thanh cao sáng láng, không dính dấp đến, sẽ chẳng dây dưa. Thế gian còn thận trọng lánh xa, quân tử lại càng nên tuân thủ. Ta dẫu kém đức, cũng noi phép ấy. Do đó, suốt đời ngài không chịu làm giáo thụ truyền giới cho ni chúng. Mỗi khi có chuyện cần tham vấn hỏi han, ngài thường không cho phép vào phòng. Lối giữ mình cứng rắn thanh cao ấy, chẳng vị cao Tăng nào ở Hà Đông có thể sánh kịp.

Trước đây, Sa-môn Bảo Trừng Mãn có bắt tay dựng một kho tượng Di-lặc cao một trăm Trượng tại chùa Phổ Tế. Phật sự vừa thực hiện một phần nhỏ thì Sa-môn viên tịch, các kỹ lão đến xin ngài tiếp tục công trình. Ngài nghĩ tượng lớn chưa xong, cần gom góp của cải để xây dựng. Dó đó, phải mất mười năm, công trình mới thật sự hoàn thành, đạo đời đều mừng rỡ chúc tụng. Tối hôm nhận lời, ngài mơ thấy hai con Sư tử đứng trước tượng lớn bên sườn núi, miệng liên tục nhả minh châu không ngừng. Tỉnh dậy, ngài đoán, thứ vương ung dung tự tại đến thế là điềm báo hiệu chánh pháp truyền bá hang thông. Minh châu tuôn ra không ngớt, hiển thị tiền của cúng dường nhiều vô biên. Thần minh đã sâu xa chỉ bảo, Phật sự chắc chắn sẽ thành công. Liền sai thợ tạo hai con Sư tử đúng theo giấc mộng, đem đặt trước tượng Di-lặc to lớn, hiện nay vẫn còn.

Chùa tọa lạc phía nam Bồ Bản, thật lộng lẫy trang nghiêm. Mặt đông tiếp cận làng mạc, mặt nam đối diện núi sông. Gồm có ba tầng, hành lang bao quanh bốn phía. Trên trường dưới viện, trang trọng liền kề, vườn quả ruộng rau, quanh co nhìn khắp. Từ nhỏ thành lớn, từ không hóa có, đều nhờ vào công đức, sức lực của ngài. Tuy thế, ngài vẫn muối dưa áo vá, xem nhẹ của cải, quý mến chúng sinh, ân cần rộng lượng cứu đột tất cả, rồi lui về trong cảnh tịch lặng, chẳng chút cậy công, tiêu dao thoát tục, xa lánh thế gian. Không răn đe mà chúng giữ mình, không hiện diện mà vật tự tại. Bộc xạ Bùi Huyền Tịch ở ngôi tể tướng, sùng mộ thanh danh, từng tặng áo hương; thứ sử Đỗ Sở Dung biết rõ vọng trọng, đến xin học đạo. Lòng cảm kích khép nép của các bậc vương công đối với ngài đều như thế cả.

Vào cuối đời Tùy, tình hình bế tắc, trấn thủ Hà Đông là Nghiêm Quân Tố giữ chốn hoang thành, tham tàn bạo ngược đến nổi chẳng ai dám nhìn lén mặt. Ông muốn bắt Tăng đồ lên thành chiến đấu. Nếu ai can gián sẽ bị chém đầu. Mọi người đều lo, nhưng không dám chống. Ngài nổi lòng phẫn uất, không kể tính mạng bảo các đệ tử: “Đời có hưng vong, pháp không suy thịnh. Trời kia chưa diệt, pháp hãy còn đây, Tăng lữ là khách ngoài đời, không vướng thế tục, sao lại bắt cầm gươm mặc giáp làm lính chống giặc?” Rồi ngài dẫn các Sa-môn Đạo Tốn, Thần Tố nghiêm mặt đi thẳng vào dinh can gián: “Nghe nói kẻ không sơ chết thì đừng đem chết ra dọa. Nay bần đạo xem chết cũng như sống, chỉ sợ chết không đúng chổ. Nếu chết có ích, thật đáng vui lòng! Thành còn hay mất, đời thịnh hoặc suy, đều do ở mưu lược kế sách của ngài, đâu do ở năm ba kẻ Tăng lữ khiếp nhược mà có thể cứu vớt nổi? Xưa nhà Hán trong Tứ Hạo, thiên hạ được thái bình; nhà Ngụy trọng Can Mộc, cả nước đều thịnh trị. Nay ngài muốn đáp Tăng lữ đi theo việc quân, làm trái lễ Trời để cầu phúc, sợ chỉ chuốc lấy điều dữ mà thôi! Bần đạo cả gan bày tỏ nỗi lòng, xin ngài hãy suy xét, chớ nên càn dỡ. Lỡi mai kia thất bại, sẽ bị hậu thế chê cười! Bọn bần đạo chỉ biết tuân lời Phật dạy, tụng niệm tu hành, chuộng đức giúp đời, làm lợi mọi vật, được quỷ thần che chở hộ độ, chuyện sống chết đành là nguyện vọng, nhưng nếu ngài vẫn bắt thân tàn vào nơi gươm giáo thì chẳng thiết sống chết để làm gì nữa!” Khi ngài trình bày, mọi người đều lo sợ rùng mình. Nguyên Tố nghe xong, rất nể trọng lời dũng cảm, nhưng vẫn cố trừng mắt nhìn thẳng vào ngài bảo lớn: “Gặp người này lạ thật! Sao có tâm khí hùng hồn dũng mãnh đến thế?” Rồi truyền lệnh tha không bắt tội, cho trổ về chùa. Sau đó biết mình sai trái ông ta thân hành lến chùa gặp ngài xin sám hối. Tính ông thích bày trò chém giết, cốt thỏa thích lòng tàn nhẫn độc ác và Tăng thêm ý ngạo nghễ khinh người, nên dẫu thường đề phòng cẩn mật, vẫn gây ra mầm họa hoạn. Cuối cùng, ông ta bị người trong thành là Tiết Tông sát hại.

Riêng ngài, trước đây tính tình rất cứng rắn, ít đổi quyết tâm. Mỗi lần nổi giận hay hà hiếp kẻ khác. Từ khi xuất gia, ngài biết trách cứ bản thân, sửa đổi nết cũ càng thêm nhẫn nhục ôn hòa. Sang tuổi sáu mươi, hạnh ấy càng viên mãn. Mới biết môi trường ảnh hưởng nhiều đến việc hoàn thiện chân tính. Lời nói ấy thật chẳng sai ngoa. Ngài viên tịch ngày mười bảy tháng chín năm Trinh Quan thứ mười, thọ được sáu mươi chín tuổi. Thoạt tiên, ngài bảo: “Bệnh chẳng có gì”. Sau biết mình sắp ra đi, ngài bảo: “Nay ta đã bảy mươi lăm tuổi, sẽ viên tịch trong năm”. Đệ tử hỏi: “Thầy mới sáu mươi chín tuổi, sao vội giã từ?” Ngài đáp: “Sống chết là lẽ thường, ta chẳng hề sợ. Thật ra, ta chỉ sắp sửa lên tuổi bảy mươi, thứ sử nhìn ta, Tăng thêm sáu tuổi, cho nên ta chẳng sống được bao lâu. Các con hãy cố noi theo gương ta”. Rồi ngài bảo tiếp: “Kinh có nói rằng đời thật hiểm nguy, đừng gò bó ép buộc làm gì”. Ngài viên tịch xong, xuống ba ngày đánh chuông không lên tiếng. Một thời gian sau mới ngân nga như cũ. Đại chúng đau đớn thương tiếc chẳng ai bằng.

13/ Sa-môn Thích Pháp Thành ở chùa Ngộ Chân tại núi Chung Nam đời Đường vốn họ Phàn, người huyện vạn Niên thuộc châu Ung, từ nhỏ xuất gia vào chùa Vương Hiếu trong huyện Lam Điền, thờ Samôn Tăng Hòa làm bổn sư. Sa-môn Hòa được địa phương tôn sùng, kính trọng như bậc Thánh, có kẻ muốn ám hại, đang đêm lẻn đến bên phòng, thấy qua cửa, lửa cháy phừng phừng, bốc lên màn trướng, tâm hoảng sợ, đâm ra hối hận. Tính hạnh thanh cao vô nhiễm, có kẻ muốn đùa, lấy nước rửa xương dê mời uống, Sa-môn không biết, vừa uống xong lại ói ra. Linh cảm của Sa-môn sâu sa đến thế. Ngài Pháp Thành tuân lời dạy của bổn sư, chuyện trì tụng kinh Pháp Hoa và thực hành phép Pháp-hoa Tam-muội, tắm gội sạch sẽ, kính cẩn sáng chiều. Đêm bỗng mơ thấy đức Phổ Hiền đến dặn bảo chép kinh. Ngài bạch: “Đại thừa là trí tuệ của chư Phật, là đại trí bat-nhã”. Liền đó, ngài tịnh tâm thực hiện, mướn người viết khéo và thợ giỏi chép tám bộ bát-nhã, chế tạo đài hương, trục kinh thật đẹp đẽ trang nghiêm, xây thêm Hoa Nghiêm đường trên ngọn núi vắt ngang phía Nam chùa. Lấy núi chắn khe, dựng cột thả mái. Trước mặt mặt đối diện non cao, bên phải trông ra hang vắng. Trên hứng mây mù, dưới ngắm sấm chớp. Thật xứng đáng là một kỳ quan. Ngài lại dồn hết tâm trí lo sao chép kinh điển. Hoằng văn học sĩ Trương Hiếu Tịnh, thân phụ của Trương Toản, người được đương thời ca tụng có nét chữ sắc như móc bạc, chẳng ai hơn nổi, ngài cho mời lên thọ trì trai giới, tắm gội tinh khiết, miệng ngậm hương thơm, mình mặc áo mới rồi bắt đầu chép kinh. Ngài trả thù lao gấp đôi, chỉ cốt chữ thật đẹp. Hiếu Tịnh thấy tiền nhiều dốc sức cố viết. Bộ kinh hoàn thành, ngài thắp hương cúng dường đặt lên án chấm câu. Tâm dò mắt đọc từng chữ, không để sai sót. Nhờ dụng công thành khẩn đến thế, nên điềm lành hiện ra. Có con chim lạ, hình sắc hiếm thấy, bay vào chùa, lượn vòng như múa, đậu xuống án kinh, nhảy lên lò hương, nhón chân nhìn quanh, thật tự nhiên thân thiết một hồi lâu mới cất cánh bay đi. Năm sau, các kinh đều xong, ngài sửa soạn làm lễ chúc mừng, chim lại bay đến nhảy nhót thân quen như cũ cất tiếng hót vang. Năm Trinh Quan thứ nhất, ngài cho tô vẽ hình nghìn Phật, chim cũng bay đến, nhảy lên lưng thợ.

Khi bày lễ cúng dường vào giờ ngọ, chưa thấy chim đến, ngài nhìn lên núi gọi: “Chim kia không đến, linh ứng chẳng có. Đừng hiềm uế dơ tạp loạn không đến, khiến ta chẳng có điềm lành!” Ngài vừa dứt lời, chim bỗng bay đến lượn vòng hót vang, rồi sà xuống nước hương thơm, xòa lông vỗ cánh tắm xong mới bay đi. Vốn có tài viết, phàm thông báo phúc sông hiểm trở, đường núi khó đi, hay chép kinh kệ để người đọc tụng đều do chính tay ngài cả. Ngài cũng tự chép kinh Pháp-hoa. Đang viết nữa chừng, có việc phải đi, ngài quên mang vào cất. Bỗng Trời đổ cơn mưa lớn tràn khắp suối khe. Sực nhớ, ngài vội chạy re xem, ngoài Trời chỉ có án kinh khô ráo, chung quanh nước chảy đầy lan. Lần nọ, ngài nằm ngửa trên cây tùng mọc ngang bờ suối, bị rơi xuống ngờ đâu lại bật lên bờ cao, hoàn toàn vô sự. Chính là nhờ vào uy lực của việc chép kinh. Lại nữa, cạnh phường Thanh Nê có một khám thờ Phật rất xưa do họ Châu Chôn giấu, chưa ai phát hiện. Ngài mơ thấy đúng chổ ấy có tượng Phật lớn. Tỉnh dậy, ngài đến đào lên, quả nhiên thu được khám. Vì quá lâu năm, toàn bộ đều bị hư hoại, ngài ra công tu bổ, được mọi người khen ngợi. Công đức này tự một mình ngài khai phát.

Cuối mùa hạ năm Trinh Quan thứ mười bốn, ngài nhuốm bệnh. Biết mình sắp ra đi, ngài cầu nguyện được vãng sanh lên cõi Trời Đâu Suất. Sai đệ tử lấy nước rửa ráy xong, ngài cho sửa soạn hậu sự, thân hành xem xét, không để lãng phí. Đến đêm 30, khi trăng sắp mọc, tự nhiên ngài nói: “Muốn đến thì hãy vào, cần gì phải có đàn ca?” Rồi quay nhìn thị giả, ngài dặn: “Ta nghe các pháp đều vô thường, sinh diệt không trụ. Chín phẩm vãng sinh, lời ấy rất đúng. Nay có Đồng tử đến rước, đứng chờ trước cửa đã lâu. Ta sắp đi đây. Các con ở lại an lành. Phật có giới luật chánh đáng, đừng để sai sót, khiến sau này sẽ phải ăn năn”. Ngài vừa nói xong, hào quang bỗng chiếu diệu khắp phòng, đồng thời nghe có mùi hương lạ thơm tho bay đến. Chỉ thấy ngài vẫn ngồi thẳng trang nghiêm bất động, không ngờ đã viên tịch hẳn. Ngài thọ được bảy mươi tuổi. Công phu trì tụng kinh Pháp Hoa mỗi hạ khoảng năm trăm biến. Ngày thường đọc tụng và tu hành được chừng hai biến. Nếu cùng khách đàm đạo, ngoài chuyện kinh điển, ngài không nhắc đến việc khác. Tổng kết mười năm, ngài đọc tụng hơn một vạn biến kinh Pháp Hoa. (Hai chuyện ứng trên đây rút từ Đường-cao-Tăng-truyện)

14/ Đời Đường Vũ Đức, ni sư Pháp tín ở Hà Đông chuyên tu khổ hạnh, trì tụng kinh Pháp Hoa, mướn một người viết khéo chép kinh, trả giá cao gấp mấy. Lại cất một phòng riêng, mỗi lần đi vệ sinh đều phải tắm gội, thắp nhang xông áo mới. Trên vách phòng có khoét một lổ nhỏ, đặt ống trúc vào, người chép kinh mỗi khi ngáp ợ, môi ngậm gọn ống trúc, đưa hơi thở ra ngoài. Phải mất tám năm mới hoàn thành bộ kinh bảy quyển. Ni sư tổ chức lễ cúng kinh thật thành kính. Sa-môn Pháp Đoan ở Long Môn hay họp đại chúng giảng kinh Pháp Hoa, nghi ni sư có một bộ tinh tường quý giá, sai người đến thỉnh, ni sư cương quyết từ chối không đưa. Sa-môn ngỏ lời trách cứ bất đắc dĩ, ni sư phải thân hành mang kinh đến. Mở ra đọc, chỉ thấy nền giấy vàng, tuyệt không có chữ. Lần lượt mở các quyển khác, cũng đều như thế, Sa-môn tủi hổ sợ sệt, lập tức trả lại. Ni sư buồn bã khóc lóc nhận lại kinh, về lấy nước hương tẩy rửa hộp đựng, tắm gội tinh khiết và đi quanh tượng Phật cầu nguyện trọn bảy ngày đêm. Sau đó mở kinh ra xem, kỳ lạ thay, chữ lại hiện ra đẹp để như cũ. Mới biết khi sao chép kinh điển, cần hết sức tinh thành. Lâu nay, sở dĩ kinh không linh nghiệm, chỉ vì dụng tâm không được khẩn ân cần. (Chuyện trên đây rút từ Minh-báo-ký)