PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 26

 

Thiên thứ 18: TÚC MỆNH

Gồm có bốn phần: Thuật ý, Dẫn chứng, Tập chí, Ngũ thông.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Nghiệp chuyển đa đoan, đường túc duyên lắm nẻo; mạng có dài ngắn, lẽ ngu sáng bất thường. Do nghiệp nhân thiện ác khác nhau nên quả báo chịu ngu sáng không giống. Có người nhớ biết nhiều kiếp, có người nhờ biết mấy đời, có người chỉ nhớ một kiếp, có người chỉ biết hiện tại. Bởi vậy, Thánh phàm thành cách biệt, túc mạng hoặc ngắn dài. Dẫu nhờ cậy uy đức thần linh để trừ khử mê mờ, khai thông chánh lý, nhưng huân tập vẫn còn, khiến si mê khó phá. Nếu chẳng phải là bậc đạt phẩm thập địa, đạo hạnh đầy dẫy tam kỳ, liệu có thể vĩnh viễn cắt đứt nghiệp nhân, hưởng thụ quả báo tốt đẹp đến thế?

Thứ hai: PHẦN DẪN CHỨNG

Thứ nhất: Trong đường Trời: Luận Bà-sa nói: “Cũng có người sinh ra có tha tâm thông, biết được người khác, nhưng trí ấy nhỏ quá nên không nói riêng ra, như trong phần Thiên báo ở trên có bàn luận đầy đủ và trong Phần Bàng sinh ngạ quỷ ở sau cũng đã trình bày. Thế nên Luận Bà-sa có nói: “Tại sao thế? Vì tuy có các trí thấy hết, nghe hết nhưng bị che lấp. Có tha tâm thông và nguyện trí, nhưng cũng bị che lấp. Bình luận. Nên nói thế này: “Chúng sinh trong bốn đường người, Trời, ngạ quỷ, súc sinh đều có trí biết rõ cả năm đường. Lập luận như vậy không sai”.

Thứ hai: Trong đường người: Hỏi: “Trong đường người có loại trí nhớ được tiền sinh, có thể biết người khác, tại sao không nói đến?” Đáp: “Nên nói mà không nói đến thì phải biết loại trí ấy tuy có, nhưng ít quá, nên không nói đến. Nghĩa là trong đường người, vì ít người có trí ấy nên không nói đến”. Như luận Bà-sa bảo: “Do nghiệp nhận không làm khổ sở ai nên sinh ra trí ấy. Chúng sinh nào biết giữ gìn thân khẩu, không làm hại ai, khi còn trong thai mẹ, sẽ được rộng rãi, không bị nóng lạnh xâm phạm, không bị khí huyết uế dơ gây khốn. Khi sinh, không bị cửa sinh bức bách, khiến tâm thác loạn. Nhờ thế, tỉnh ngộ, nhớ biết được tiền sinh. Nếu không nhớ biết, vì trái với những điều trên, nên bị thác loạn, quên lẫn, không biết được người khác”. Hỏi: “Chúng sinh mỗi đường biết được bao nhiêu đường khác?” Đáp: “Cũng giống luận Tỳ-bà-sa nói, Trời biết được năm đường. Người biết được bốn đường. Quỷ biết được ba đường. Súc sinh biết được hai đường. Địa ngục chỉ biết được chuyện trong đường địa ngục. Do trên hơn, nên đường trên biết được đường dưới. Vì dưới kém, nên đường dưới không biết được đường trên”.

Hỏi: “Nếu bảo, vì dưới kém, không biết được trên, tại sao kinh nói Thiên Trụ Long vương và Y Bát Long vương có thể biết được ý nghĩ của Đế-thích?”

Đáp: “Như luận Bà-sa nói, loại trí biết ấy là tỷ trí chứ không phải là chánh trí. Khi Đế-thích sửa soạn cùng A-tu-la giao đấu, những đốt xương sống trên lưng Thiện Trụ Long vương đều phát thành tiếng, Long vương ấy liền nghĩ rằng: “Nay các đốt xương sống đều phát thành tiếng, ta biết chư Thiên sắp sửa cùng A-tu-la giao đấu, chắc chắn sẽ cần đến ta”. Nghĩ thế xong, Long vương liền đến bên Đế-thích. Lại như khi Đế-thích sắp đi chơi, trên lưng Y Bát Long vương tự nhiên hiện ra bàn tay thơm hương. Long vương ấy liền nghĩ rằng: “Nay trên lưng ta hiện ra bàn tay thơm hương thế này, ta biết Đế-thích sắp đi chơi hoa viên, chắc chắn cần đến ta”. Nghĩ xong liền hóa thân thành voi ba mươi hai đầu, cọng với đầu cũ, thành ba mươi ba đầu. Trên mỗi đầu mọc sáu ngà. Trên mỗi ngà có bảy ao báu lớn. Trong mỗi ao mọc bảy cành sen. Mỗi cành có bảy lá. Trên mỗi lá hiện ra bảy đài báu. Trong mỗi đài báu dựng lên bảy màn báu. Trong mỗi màn báu có bảy Thiên nữ. Mỗi Thiên nữ có bảy thị nữ. Mỗi thị nữ có bảy nhạc nữ. Mỗi nhạc nữ đều cử Thiên nhạc. Hóa thân như thế xong trong nháy mắt, Long vương xuất hiện trước Đế-thích. Đế-thích bèn cùng gia quyến ngự lên trên đầu cũ của Long vương. Ba mươi hai thần thuộc của Đế-thích cùng gia quyến đều ngự lên ba mươi haiđầu kia. Long vương liền cất mình bay nhanh lên không trung, hướng đến hoa viên để rong chơi. Chuyện này nghiệm ra, cũng chỉ là tỉ tri, không phải là chánh tri và trên có thể biết dưới, dưới không thể biết trên. Nhưng điều này cũng chưa hẳn thế, như dẫn chứng nêu ra dưới đây. Chó sói một khi biết lòng người nữ không thật tâm từ bỏ oán thù, liền giết chết con của người nữ ấy rồi bỏ đi. Như thế dưới cũng có thể biết được trên, cớ sao lại bảo không biết? Tuy nhiên, căn cứ theo đa số thì trên có thể biết dưới, dưới không thể biết trên. Nếu tìm tòi thật kỹ, trên dưới đều biết nhau thì không thể dẫn chứng đầy đủ ra được.

Lại nữa, luận Tân-Bà-sa nói: “Thuở ấy trong thành Vương-xá có kẻ đồ tể tên Già-tra là bạn từ thời thơ ấu của Quốc vương Vị Sình Oán. Khi Quốc vương còn làm thái tử, Già-tra từng thưa: “Một mai lên ngôi báu, ngài sẽ ban cho tôi ơn huệ gì?” Thái tử đáp: “Tùy ngươi lựa chọn”. Sau đó, thái tử giết vua cha, tự tiện lên ngôi. Già-tra đến xin ban ơn huệ. Quốc vương phán: “Tùy ngươi lực chọn”. Già-tra tâu: “Xin Quốc vương cho phép riêng tôi được làm đồ tể trong thành Vương-xá này”. Quốc vương phán: “Tại sao hôm nay nhà người lại xin ơn huệ độc ác này, há không sợ về sau sẽ bị khổ sở?” Đồ tể tâu: “Mọi nghiệp thiện ác đều không có quả báo, có gì phải sợ?” Quốc vương phán: “Tại sao người biết?” Già-tra tâu: “Nhớ lại suốt sáu kiếp trước đây tôi luôn làm đồ tể trong thành vương-xá này. Sau đó, được sinh lên cõi Trời Tam Thập Tam, hưởng thụ nhiều phước báo sung sướng, rồi từ cõi Trời ấy sinh xuống đây, được làm bạn với Quốc vương từ thuở nhỏ. Do đó, tôi biết chắc chắn thiện ác đều không có quả báo”. Quốc vương nghe nói sinh nghi ngờ, liền đến bạch cùng đức Phật. Đức Phật bảo: “Chuyện ấy không sai, kẻ đồ tể ấy từng cúng dường một bữa ăn cho vị Bích-chi và phát nguyện xằng bậy rằng: “Xin cho mình tôi được làm đồ tể trong thành vương-xá và sau được sinh làm Trời”. Do nghiệp nhân tốt lành nên được toại nguyện, nhưng nay nhân quả ấy đã hết, bảy ngày sau, kẻ đồ tể ấy sẽ chết, bị đọa xuống địa ngục vô gián kêu gào, lần lượt chịu mọi quả làm đồ tể trước đây”. Thế nên, loại trí ấy có thể biết tối đa bảy kiếp. Cũng có người nói trí ấy biết tối đa đến năm trăm kiếp. Như có vị Tỳ-kheo nhớ lại suốt năm trăm kiếp quá khứ bị đọa vào đường địa ngục, chịu cảnh đói khát khốn khổ, toàn thân đổ mồ hôi dầm dề, trong lòng hết sức đau đớn, liền dừng mọi nghiệp, tinh tiến tu hành. Trải qua một thời gian dài, chứng được quả Tu-đà-hoàn. Cũng có vị Tỳ-kheo nhớ lại suốt năm trăm kiếp quá khứ bị đọa vào đường địa ngục, chịu đủ khổ sở, mọi lổ chân lông đều xuất huyết, thân thể và y phục đều hết sức hôi ham. Hằng ngày, Tỳ-kheo ấy tìm nước tắm rửa giặt giủ. Đại chúng gọi Tỳ-kheo ấy là người lấy nước làm sạch”.

Lại nữa, luận Tát-bà-đa có câu hỏi: “Nguyện trí và Túc mệnh trí có gì khác biệt?” Đáp: “Túc mệnh trí biết quá khứ, Nguyện trí biết cả ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Túc mệnh trí biết phiền não, Nguyện trí biết cả phiền não lẫn giải thoát. Túc mệnh trí biết một thân đến hai thân, Nguyện trí dấy một niệm liền biết hơn trăm kiếp. Ngày xưa súc sinh biết nói ngày nay không biết nói vì thuở đầu chỉ có người và Trời, chưa có ba đường ác kia. Tất cả đều từ người và Trời mà sinh ra. Nhờ túc tập ấy nên súc sinh biết nói. Ngày nay súc sinh đều từ ba đường ác kia sinh ra, nên không biết nói”.

Lại nữa, luận Bà-sa nói: “Khi sinh ra, tự tính có thể biết được túc mệnh quá khứ của mình và người khác. Tự tính này không cần nhờ đến nhân tu mới biết. Loại trí này có chung cả năm đường, nhưng tùy chổ mà có yếu mạnh khác nhau. Trong ba đường ác và đường Trời, trí này có tác dụng mạnh. Trong đường người, tác dụng lại yếu. Tại sao? Vì trong đường người có các loại chiêm tướng ngôn trí, tu Thiền định trí và Tha tâm trí che lấp, nên tác dụng của loại trí này trở thành mờ yếu u ẩn, không hiện rõ ra”.

Như luận Tân-bà-sa nói: “Kể về chúng sinh, nếu gặp chổ chật chội liền mở rộng ra để tiện đi lại không khó khăn. Nhờ nghiệp lực ấy, chúng sinh nào ở trong thai mẹ không bị chèn ép, sẽ có được trí này. Cũng có thuyết khác bảo rằng, nếu chúng sinh nào bố thí đủ loại món ăn ngon, nhờ nghiệp lực ấy, sẽ có trí này. Nếu chúng sinh nào không tạo ác nghiệp làm hại người khác, luôn làm lợi tha, nhờ nghiệp lực ấy, khi còn trong thai mẹ, không bị các chất ô uế và bệnh tật xâm lấn. Khi sinh ra, không bị co bóp khổ sở. Chúng sinh ấy sẽ nhớ được tiền kiếp. Tóm lại, nếu bị các chất ố uế và bệnh tật xâm lấn, bị co bóp khổ sở khi sinh ra đều sẽ khiến quên mất tiền thân.

Thứ ba: Trong đường quỷ: Trong đường này cũng có trí sinh ra có thể biết được người khác. Làm thế nào có thể biết được trí ấy? Ngày xưa có người nữ bị quỷ ám, gầy mòn sắp chết. Thầy pháp hỏi quỷ: “Tại sao ngươi phá phách người nữ ấy?” Quỷ đáp: “Người nữ ấy suốt năm trăm kiếp thường làm hại ta, ta cũng thường làm hại lại. Oán thù dai dẳng đến nay chưa dứt. Nếu người nữ ấy chịu bỏ, ta cũng sẽ bỏ thôi.” Thầy pháp bảo người nữ: “Nếu muốn bảo toàn tính mạng, phải dẹp bỏ oán thù”. Người nữ ấy trả lời: “Tôi đã bỏ rồi”. Quỷ nhìn người nữ ấy, thấy tâm chưa thật sự dẹp bỏ, vì sợ mất mạng nên đâm ra nói dối, bèn giết chết người nữ ấy rồi bỏ đi.

Thứ tư: Trong đường súc sinh: Hỏi: “Làm thế nào biết được trong đường này có túc mạng trí?” Đáp: “Theo luận Bà-sa, ngày xưa có người nữ đặt con xuống đất rồi đi sang chổ khác. Lúc ấy, có con chó sói nhảy đến bắt đứa trẻ mang đi. Người nữ thấy vậy, rượt theo nạt lớn: “Sói kia, sao lại bắt con ta mang đi?” Sói đáp: “Ngươi là kẻ thù của ta. Suốt năm trăm kiếp trước, ngươi thường ăn thịt con ta. Nay ta phải giết lại con ngươi, suốt năm trăm kiếp. Như thế mới gọi là trả thù báo oán đúng phép. Cớ sao ngươi lại nổi giận?” Sói lại nói tiếp: “Nếu ngươi chịu bỏ lòng thù oán ta, ta sẽ thả con ngươi”. Người nữ đáp: “Ta đã bỏ lòng thù oán rồi”. Bấy giờ, chó sói ngồi xuống suy nghĩ: “Xem lòng người nữ này thật sự chưa chịu dẹp bỏ”. Sói bèn nói: “Miệng ngươi tuy nói bỏ nhưng lòng ngươi vẫn chưa chịu bỏ”. Dứt lời, sói lập tức giết chết đứa bé rồi bỏ đi”. Đây là dẫn chứng rất hữu hiệu về trí biết túc mạng của mình và lòng người khác mà kinh luận đã nói đầy đủ ở các thiên trước và sau nên không nhắc lại nhiều thêm rườm rà. Tuy nhiên, hai loại túc mệnh trí và tha tâm trí này không phải là chủng trí, chỉ do tịnh tâm Thiền Định, mà có. Nghĩa là do quả báo mà có, không pảhi là chủng trí.

Thứ năm: Trong đường địa ngục: Hỏi: “Trong đường này, làm thế nào tự tính có được túc mệnh trí?” Đáp: “Kinh Niết-bàn nói, năm trăm kẻ Bà-la-môn bị Quốc vương Tiên-dục giết chết xuống đến địa ngục, phát khởi ba niệm thiện , liền nhớ lại hành vi của mình. Đây là một dẫn chứng về trí này. Lại nữa, luận có nói, chúng sinh ở địa ngục cũng có thể biết được tâm ý của ngục tốt. Đây cũng là một dẫn chứng về loại trí này”.

Thứ ba: PHẦN TÚC TẬP

Như kinh Phật-thuyết-sư-tử-nguyệt-Phật-bản-sinh nói: “Thuở ấy, đức Phật ở Trúc viên Ca-lan-đà tại thành vương-xá cùng với đầy đủ năm trăm vị Tỳ-kheo, một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo và một trăm vị Bồ-tát. Bấy giờ, trong đại chúng có vị Tỳ-kheo Bồ-tát tên Bàtu-mật-đa rong chơi giữa Trúc viên, trèo lên nhảy xuống trên cây, kêu lên như khỉ đột, hoặc lắc ba chuông nhỏ làm trò ma-la. Các Trưởng giả và khách bộ hành chen nhau đứng xem. Bồ-tát phóng mình nhảy tuốt lên ngọn cây, giả tiếng khỉ đột kêu to, khiến đám khỉ đột lông vàng tám vạn bốn nghìn con ở núi Kỳ-xà-quật đều chạy đến tụ tập bên cạnh. Bồ-tát lại biến hóa nhiều phép khiến bầy khỉ rất vui. Mọi người thấy thế, bảo nhau: “Sa-môn đệ tử của đức Phật giống hệt tên hề mà mắt lừa dối thiên hạ, không được ai tin nên phải bày trò với lũ muông thú!” Tiếng xấu ấy đồn vang thành vương-xá. Có kẻ Bà-la-môn đem tâu lên Quốc vương Tần-bà-sa-la. Quốc vương lấy làm bực dọc vị Sa-môn này, liền quở trách Trưởng giả Ca-lan-đà: “Đệ tử của đức Phật tụ tập lũ khỉ đột trong vườn của khanh để làm đủ mọi trò hề, liệu đức Phật có biết chăng?” Trưởng giả tâu: “Bà-tu-mật-đa làm nhiều phép biến hóa khiến lũ khỉ đột được dịp vui mừng, chư Thiên xuống rải hoa cúng dường. Còn những trò hề khác, thần không nghe thấy.” Quốc vương liền cho tiền hô hậu ủng đến gặp đức Phật. Từ xa, kim thân của đức Thế tôn phóng hào quang rực rỡ như núi vàng lóng lánh, chiết diệu sắc tía khắp đại chúng, Tôn giả Bà-tu-mật-đa và đàn khỉ biểu diễn phép biến hóa, có con hái hoa dâng lên. Quốc vương cùng toàn thể đại chúng đến bên đức Phật, cung kính hành lễ rồi theo phía phải đi vòng quanh ba lượt, xong xuôi Quốc vương ngồi xuống và bạch rằng: “Đàn khỉ này nhờ phúc lành nào từ tiền kiếp, nay toàn thân có sắc vàng? Lại mang tội gì kiếp này bị đọa làm súc sinh? Tôn giả bà-tu-mật-đa nhờ phúc lành nào từ tiền kiếp, nay được sinh vào nhà Trưởng giả và được xuất gia học đạo? Lại mang tội gì sinh làm người tàn tật, không giữ giới luật theo làm bạn cùng đàn khỉ, cất tiếng kêu la như chúng, khiến bọn ngoại đạo chê cười? Kính xin đức Thế Tôn giảng giải cho tôi được hiểu”. Đức Phật bảo: “Quốc vương hãy nghe rõ và suy nghĩ kỹ càng, ta sẽ giải thích tường tận. Vào vô lượng kiếp trước, có đức Phật tên là Nhiên Đăng ra đời. Sau khi ngài đã nhập diệt, các Tỳ-kheo y theo giáo lý tu hành giữa chổ núi đầm, giữ gìn giới luật giống như giữ mắt, nên đều chứng quả A-la-hán. Bấy giờ có con khỉ đột đến bên cạnh vị La-hán đang nhập định, lấy bọc tọa cụ mặc vào làm ca-sa, để lộ vai phải theo phép Sa-môn. Tay phải cầm lò hương đi quanh vị La-hán. Vị La-hán xuất định thấy thành tâm của khỉ đột, liền búng ngón tay bảo: “Hỡi đệ tử, con hãy phát Vô thượng đạo tâm!” khỉ đột vui mừng nhảy nhót, dập đầu và tay chân sát đất, cung kính hành lễ vị La-hán rồi chạy đi hái hoa tươi rải lên vị La-hán ấy. Bấy giờ, vị Lahán bắt đầu giảng giải phép tam quy. Khỉ đột đứng dậy chắp tay thưa: “Con nay xin quy y Tam bảo”. Vị La-hán làm lễ quy y xong, đến phần sám hối, lại chỉ rõ mọi tội lổi và bảo: “Ta đã chứng quả La-hán, có thể trừ bỏ vô lượng tội trọng cho các chúng sinh”. Vị La-hán ân cần làm phép sám hối rồi bảo: “Con nay đã thanh tịnh, được gọi là Bồ-tát, đã thọ trì tam quy ngũ giới, hãy tinh tiến hướng đến cứu cánh A-nậu-Bồđề”. Khỉ đột quy y thọ giới và phát nguyện xong, hớn hở nhảy nhót trèo núi cao, leo lên cây, bị sẩy rơi xuống chết mất. Nhờ nhân lành ấy, thoát khỏi nghiệp súc sinh, được làm Thiên vương ở cõi Trời Đâu-suất. Sau đó, gặp vị Bồ-tát thuyết pháp về Vô thượng đạo tâm, bèn đem hoa Trời xuống chổ đầm lầy cúng dường vị La-hán. Vừa nhìn thấy, vị La-hán hiền từ mỉm cười bảo: “này Thiên vương, thiện ác báo ứng giống hệt bóng theo hình, không thể xa rời được!” Rồi vị La-hán nói tiếp bài kệ:

Nghiệp đeo đẳng bên thân,
Nơi nơi khắp lục đạo,
Không mất, như bằng khoán,
Như người mang túi của.
Nay ngươi sinh lên Trời.
Nhờ nghiệp lành giữ giới.
Kiếp trước làm khỉ đột,
Vì phạm giới sát sinh.
Giữ giới được làm Trời;
Phá giới, bị vạc lửa.
Ta thấy kẻ giữ giới,
Hào quang chiếu rực thân,
Ở đài cao thất bảo,
Được chư Thiên cung phụng.
Châu báu làm giường màn;
Ma-ni làm anh lạc.
Sẽ gặp gỡ chư Phật
Hoan hỷ giảng diệu pháp.
Ta thấy kẻ phạm giới
Bị đọa xuống địa ngục.
Cày sắt cày nát lưỡi
Nằm trên giường sắt đỏ.
Đồng nung chảy bốn phía,
Thiêu đốt tan thân xác.
Hoặc nằm trên núi dao,
Rừng kiếm, hoặc phân lỏng,
Sông tro, ngục băng giá.
Nuốt đạn nóng đồng chảy.
Đeo khổ ghê gớm ấy,
Giống chuỗi anh lạc quý
Nếu muốn thoát khổ nạn,
Không đọa ba đường ác,
Rong chơi khắp đường Trời,
Vượt thẳng đến Niết-bàn,
Phải siêng năng giữ giới,
Bố thí và chay lạt”.

Nói kệ xong, vị La-hán im lặng trầm ngâm. Thiên vương bạch: “Thưa Tôn giả, kiếp trước tôi gây tội gì phải đọa làm khỉ đột? Lại tạo phúc gì được gặp gỡ Tôn giả, thoát kiếp súc sinh, sinh lên cõi Trời?” Vị La-hán đáp: “Vào thời quá khứ xa xưa, cõi Diêm-phù-đề này có đức Phật xuất thế, tên là Bảo Tuệ Như lai. Trong thời Tượng pháp sau khi ngài nhập Niết-bàn, có Tỳ-kheo tên. Liên Hoa tạng hay kết thân với các Quốc vương, Trưởng giả và cư sĩ. Tỳ-kheo ấy gian tà, siểm nịnh, không giữ giới hạnh. Khi mạng chung bị đọa xuống địa ngục vô gián có mười tám ngăn chặt chẽ như cánh hoa sen để chịu mọi khổ sở suốt một kiếp. Hết kiếp ấy, sinh ra kiếp khác, trải qua các địa ngục lớn suốt tám vạn bốn nghìn kiếp mới ra khỏi địa ngục, đọa vào đường ngạ quỷ, chuyên ăn uống đồng nấu chảy suốt tám vạn bốn nghìn năm. Thoát khỏi đường ngạ quỷ, lại bị đọa làm bò; heo, chó, khỉ, mỗi loài suốt năm trăm kiếp. Nhờ nhân lành trước đây có cúng dường cho vị Tỳ-kheo giữ giới và phát lời thệ nguyện nên được sinh lên cõi Trời. Tỳ-kheo giữ giới chính là ta và Tỳ-kheo phá giới chính là ngươi đấy”. Thiên vương nghe nói xong, kinh sợ đến dựng đứng tóc lông, thành khẩn xin sám hối mọi tội lổi rồi bay lên Trời.

Đức Phật bảo Quốc vương: “Khỉ đột kia tuy là súc sinh nhưng mới gặp vị La-hán, đã biết thọ trì tam quy ngũ giới. Nhờ công đức ấy, vượt qua khỏi hàng nghìn kiếp đầy ác nghiệp cực nặng nề, được sinh lên cõi Trời, lại được gặp vị Bồ-tát. Sau đó, được gặp gỡ chư Phật, tu tập phạm hạnh, thực hành lục độ, kiên cường không thối chuyển, nên cuối cùng, sẽ kế tiếp Bồ-tát Di-lặc, chứng quả A-nậu-Bồ-đề, thành Phật, hiệu là Sư tử Nguyệt Như lai”. Đức Phật bảo Quốc vương: “Muốn biết ai sẽ là đức Phật Sư tử Nguyệt ở quốc độ ấy, chính là Tỳ-kheo bà-tu-mật-đa trong pháp hội hôm nay đấy!” Quốc vương vừa nghe xong liền đứng dậy chắp tay mồ hôi đổ ra ướt mình, buồn rầu khóc lóc hướng về Tỳkheo Bà-tu-mật-đa, quỳ xuống sát đất hành lễ, ăn năn sám hối tội lổi đã xúc phạm.

Đức Phật bảo Quốc vương: “Muốn biết về tám vạn bốn nghìn con khỉ đột lông vàng này thì vào thời đức Phật Câu-lâu-tần xa xưa, trong hai nước Ba-la-nại và Câu-thiểm-di có tám vạn bốn nghìn Tỳ-kheo-ni làm ác, phạm các giới trọng, cuồng si bất trí giống hệt bầy khỉ ngu đần. Gặp các Tỳ-kheo làm thiện, xem tựa cừu thù. Bây giờ có Tỳ-kheo-ni La-hán tên Thiện An Ổn đứng ra thuyết pháp họ đem lòng oán giận. Tỳ-kheo-ni ấy thấy họ xấu ác, không có thiện tâm, bèn sinh dạ Từ bi, phóng mình lên giữa hư không, làm đủ 18 phép biến hóa. Bọn họ thấy thế, lột vòng vàng đem rải lên Tỳ-kheo ni ấy, nguyện xin đời đời thân có màu vàng, mọi tội lổi trước đây đều xin sám hối, khi mạng chung bọn họ bị đọa xuống địa ngục vô gián, lần lượt trải qua chín mươi hai kiếp. Sau đó, thoát khỏi địa ngục, suốt năm trăm kiếp thường làm ngạ quỷ. Suốt một ngàn kiếp tiếp theo thường làm khỉ đột có sắc lông vàng. Quốc vương nên biết rằng tám vạn bốn nghìn Tỳ-kheo-ni phạm giới nhục mạ Tỳ-kheo-ni La-hán đương thời chính là tám vạn bốn nghìn khỉ đột lông vàng trong pháp hội hôm nay đấy! Thí chủ cúng dường bọn họ đương thời chính là Quốc vương hiện nay đấy! Nhờ túc duyên ấy nên hôm nay đám khỉ đột đem hoa tươi, hương thơm đến cúng dường Quốc vương. Những kẻ đã hùa theo nhục mạ Tỳ-kheo-ni La-hán đương thời chính là Cù-ca-lê và năm trăm lính gác cổng của Quốc vương hiện nay đấy!” đức Phật bảo tiếp: “Phải thận trọng giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý”. Quốc vương Tần-bà-sa nghe đức Phật nói xong, liền bước tới thành khẩn tủi hổ cầu xin ăn năn sám hối. Bỗng nhiên tỏ ngộ, chứng được quả A-na-hàm. Tám nghìn tuỳ tùng xin Quốc vương cho phép xuất gia, đều chứng quả A-la-hán. Hơn một vạn sáu nghìn người còn lại đều phát Bồ-đề tâm. Tám vạn chư Thiên cũng xin phát Bồ-đề-tâm. Tám vạn bốn nghìn khỉ đột lông vàng nghe được tiền duyên đều tủi hổ trách mình đi vòng quanh đức Phật một ngàn vòng, xin sám hối tội lổi và phát tâm Vô thượng Bồ-đề . Tuỳ thọ mạng, sau khi chết, đàn khỉ đều sinh lên cõi Trời Đâu-suất, gặp gỡ Bồ-tát Di-lặc, kiên cường không thối chuyển, trải qua vô lượng vô biên kiếp, sẽ thành Phật và sẽ lần lượt xuất thế cùng một kiếp tên là Đại Quang, có chung một danh hiệu là Phổ Kim Quang Minh Vương Như lai.

Lại nữa, kinh Xứ-Xứ nói: “Đức Phật bảo: “Tỳ-kheo Kiều-phạmbát-đề đã chứng quả A-la-hán, vẫn còn tật nhai lại”. Đệ tử hỏi đức Phật: “Tại sao lại như thế?” đức Phật đáp: Tỳ-kheo ấy, suốt bảy trăm kiếp trước làm bò, nay dù đắc đạo, túc tập chưa trừ hết, nên còn chứng nhai lại”. Luận Trí-độ có câu hỏi: “Tại sao làm bò?” Đáp: “Vì trong kiếp trước từng qua ruộng lúa, đã hái đến năm sáu hạt nhai thử rồi nhổ xuống đất, làm tổn thất lúa của người khác, phải bị đọa xuống làm bò nhiều kiếp, nên có chân bò và chứng nhai lại”.

Thứ tư: PHẦN NGŨ THÔNG

Như kinh Bồ-tát-xử-thai nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Thiện bạch đức Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn, Bồ-tát có phép ngũ thông, nhờ tu tập cách nào đạt được như thế?” đức Phật bảo: “Đức Phật bảo: “Các thiện nam tử, thiện nữ nhân trong dục giới không cần đến phép nhãn thông sinh ra đã thấy rõ tất cả chúng sinh lớn nhỏ, tốt xấu, thành quách cây cối trong cõi Diêm-phù-đề. Hoặc có người mắt có thể nhìn thấy hai, ba, bốn cõi. Hoặc có người không cần đến phép nhĩ thông vẫn nghe thấu suốt tiếng các chúng sinh nam nữ trong một cõi. Hoặc có người không cần học tập vẫn biết tiền kiếp từ đâu đến sinh ra ở đây cha mẹ, chủng tộc, tên tuổi đều biết rõ ràng. Hoặc có người không tu tập thần thông vẫn biết tâm của người khác tốt xấu sẽ sinh về đâu, chúng sinh có nhân duyên và không nhân duyên. Hoặc có người không cần tu phép thần thông vẫn có thể phi hành tự tại khắp đó đây, không bị cản ngăn đụng chạm. Đi trên không cũng như dưới đất, dưới đất cũng như trên không”. Đức Phật bảo: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân vào tu luyện phép nhãn thông đoạn trừ sắc cấu, tập định tam không, sẽ thấy được một đại thiên thế giới, hai đại thiên thế giới, ba đại thiên thế giới, hoặc nghe được mọi âm thanh trong một đại thiên thế giới, hai đại thiên thế giới ba đại thiên thế giới và khắp cả lục đạo tốt xấu đều thấu hiểu rõ ràng. Hoặc có người trừ khử thức cấu, thân tâm thanh tịnh, có ý Thánh thông biết được tiền sinh một kiếp, hai kiếp, thậm chí vô lượng kiếp, từ đâu đến, cha mẹ thân thích, quốc độ thanh tịnh, tên họ, chủng tộc, tất cả đều biết. Hoặc có người tu mười thần thông, biết rõ pháp tính, nhớ mãi không quên. Nhờ thế, biết được tâm niệm kẻ khác trong một kiếp, hai kiếp, thậm chí vô lượng kiếp, từ đâu đến, cha mẹ thân thích, quốc độ thanh tịnh, tên họ, chủng tộc, tất cả đều biết. Hoặc có người tư duy quán tưởng, lấy tâm giữ thân, lấy thân giữ tâm, ngủ nghỉ tỉnh thức, ý tưởng đều không. Nhờ thế, cất mình khỏi một đại thiên thế giới, hai đại thiên thế giới, thậm chí ba đại thiên thế giới, xuống đất như lên không núi sông vách đá đều không cản trở. Hoặc có người sắp sửa giác ngộ, dùng sức trì tuệ trừ khử cấu uế của chúng sinh. Ngồi dưới gốc cây Bồ-đề chúa, quyết không đứng dậy, nên được thành Phật, có đủ lục thông”. Rồi đức Phật nói kệ rằng:

Thần thông của phàm phu
Giống hệt như chim bay,
Có giới hạn xa gần,
Không thoát vòng sinh tử.
Thần thông của chư Phật
Chân thật không cấu uế.
Vừa nghĩ đã đến nơi,
Đi về không mõi mệt.
Vì thương xót chúng sinh,
Thần thông thật vô ngại.
Ngũ thông của ngoại đạo,
Thối thất chẳng thành tựu.
Thần thông của chư Phật
Thật vô cùng kiên cố,
Trực chỉ đến Niết-bàn.

Bấy giờ, trong pháp hội có vị Bồ-tát tên Phổ Quang đến trước đức Phật bạch rằng: “Thưa đức Thế tôn, không biết thức trong lục thông là một hay bao nhiêu? Nếu thức là một, bàn chân sắc vàng kỳ diệu của Như lai ngồi ở đạo trường vẫn du hành khắp mọi quốc độ, thức đưa thân đi, hay thân đưa thức đi? Nếu thân đưa thức đi, sẽ không có lục thông. Nếu thức đưa thân đi, gọi là một ấy, sẽ không có thân, không có thức. Xin đức Thế Tôn giải đáp. Đức Phật bảo: “Nghĩa ông muốn hỏi là đệ nhất nghĩa hay thế gian nghĩa? Nếu là thế gian nghĩa, thức có bao nhiêu, không thể xác định được. Nếu là đệ nhất nghĩa thì không có thân, không có thức. Tại sao thế? Phân tích tường tận, tự tính của thức vốn hư vô tịch lặng, không đến không đi, cũng không cấu nhiễm. Sắc vàng ông hỏi thuộc về hữu vi, do ngũ uẩn tạo thành, không tự có, không phải là Đệ nhất nghĩa. Nay ta sẽ giảng giải cho ông về thức tưởng. Trong lục thông của Bồ-tát, thân thức đều cùng có, không phải thức có trước, thân có sau, không phải thân có trước, thức sau. Tại sao thế? Vì pháp tướng vốn tự nhiên, thức không rời thân, thân không rời thức. Giống như hai con bò cùng kéo một càng xe. Nếu bò đen đi trước, bò trắng đi sau thì sẽ không thành xe. Nếu bò trắng đi trước, bò đen đi sau, cũng sẽ không thành xe. Không có bò đen đi trước, bò trắng đi sau; bò trắng đi trước, bò đen đi sau thì mới thành xe. Đạo quả của bàn chân kỳ diệu cũng thế, thân thức đều cùng có, không có trước sau, ở giữa. Nói kim thân của Như lai có trước sau, ở giữa là thế gian nghĩa, không phải Đệ nhất nghĩa. Đối với các pháp không tịch, không có số lượng bao nhiêu!” Tụng rằng:

Thiện ác xưa huân tập,
Báo ứng thật khác đường.
Từng làm quỷ trả oán.
Hoặc làm sói rửa hờn.
Đồ tể nhớ sát nghiệp,
Tu-mật giỡn khỉ vàng.
Phúc lành trừ sạch khổ,
Rong chơi khắp thiên đàng.
Ngẫu nhiên gặp gỡ lại.
Nhớ rõ hoặc quên ngang.
Thánh phàm mừng vận mới,
Hiền ngu chúc thọ khang.
Khổ vui tuy khác cảnh,
Ngắn dài một kiếp mang.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

Trích dẫn sơ lược chín chuyện linh nghiệm:

1. Dương thái phó đời Tấn. 2. Vương Luân đời Tấn. 3. Hướng Tịnh đời Tấn. 4. Sa-môn Thích Đàm Đế đời Tần. 5. Sa-môn Thích Thừa sư đời Ngụy. 6. Thứ sử Thôi Ngạn Vũ đời Tùy. 7. Sa-môn Thích đạo Xước đời Đường. 8. Lưu Thiện Kinh đời Đường. 9. Sa-môn Huyền Cao đời Đường.

1. Thái phó Dương Hổ, tự là Thúc Minh, người Thái Sơn, là danh thần, nổi tiếng khắp nước vào thời Tây Tấn. Lên năm tuổi, thường sai bà vú lấy chiếc nhẫn hay cầm chơi thuở trước. Bà vú hỏi: “Con vốn không có, biết lấy đâu ra?” Ông đáp: “Trước đây cầm chơi ở tường đông, lỡ rơi vào hốc cây dâu”. Bà vú bảo: “Thế con tự đi tìm lấy”. Ông đáp: “Đây không phải là nhà cũ, làm sao biết đúng chổ!” Sau đó, nhân ra cổng nhìn ngắm, rong chơi, ông đi lần về phía Đông, bà vú lén theo, đến nhà họ Lý, lẻn vào tường rào, thò tay lấy chiếc nhẫn trong hốc cây. Nhà họ Lý kinh ngạc bảo: “Con ta trước đây có chiếc nhẫn này, thường thích cầm chơi. Năm lên bảy chết vì bệnh cấp tính, liền đó không thấy nữa. Đây là đồ chơi của con ta, cớ sao lại lấy đi?” Ông cầm nhẫn cắm cúi chạy về. Họ Lý rượt theo đòi lại. Bà vú phải đem lời ông kể ra. Họ Lý nửa mừng nửa xót muốn xin lại ông đem về làm con. Làng xóm phân giải rõ ràng mới bỏ ý định ấy. Khi lớn, ông hay mắc chứng đau đầu, thầy lang muốn chữa giúp, ông bảo: “Khi mới sinh ra được ba ngày, đầu bị đặt hướng, về cửa sổ phía bắc, gió thổi lọt vào khiến ta rất khó chịu nhưng không thể nói ra được. Gốc bệnh có đã lâu năm làm sao chữa khỏi?” Dạo làm đô đốc Kinh châu, trấn giữ đất Tương Dương, ông giúp đỡ chùa Vũ Đương xây dựng Tinh xá rất nhiều. Có người thắc mắc, hỏi lý do ông im lặng không trả lời. Mãi đến lúc sám hối, kể rõ nhân quả ông mới nói: “Kiếp trước mắc lắm tội, kiếp này nhờ xây chùa, may ra được cứu rỗi. Vì thế phải cúng dường thật ân cần trọng hậu”.

2. Vương Luyện đời Tống, tự Huyền Minh, người đất Lang Da, làm Thị trung đời Tống. Phụ thân tên Mân, tự Quý Diễm, làm trung thư lệnh đời Tấn. Phụ thân ông chơi thân với vị phạm Tăng, vị này rất kính mến phong thái của phụ thân ông, thường bảo các pháp lữ: “Kiếp sau, nếu ta được làm con của người này, thật đáng mãn nguyện!” Phụ thân ông nghe được, cũng nói đùa với vị Phạm Tăng: “Tài đức như pháp sư đây xứng đáng làm con của đệ tử!” chẳng bao lâu Phạm Tăng lâm bệnh rồi viên tịch. Hơn một năm sau, ông ra đời. Mới sinh đã biết nói, hiểu tiếng Phạm, biết các đồ trân quý bằng đồng ngọc của nước ngoài, gọi đúng tên biết đúng chổ sản xuất, cũng như tự nhiên yêu quý các vị Phạm Tăng hơn người Trung quốc. Ai nấy đều cho rằng ông là vi Samôn biết được tiền thân, vì thế phụ thân ông mới đặt tự là A Luyện, dần dần tự chuyển thành tên.

3. Hướng Tịnh đời Tần, tự Phụng Nhân, người đất Hà Nội, mất con gái mới vài tuổi ở quận Ngô Hưng. Khi mới nhuốm bệnh, bé gái ấy thường cầm cây dao nhỏ chơi đùa, người mẹ giành lấy, sợ con đứt tay. Một năm sau, người mẹ lại sinh một bé gái. Lên bốn tuổi, bé gái hỏi mẹ: “Cây dao hồi trước ở đâu?” Mẹ chưa hiểu ra, bảo: Có dao nào đâu!” Bé gái đáp: “Cây dao trước đây giành nhau, làm mẹ bị đứt tay, sao lại nói không?” Người mẹ hết sức kinh hãi, đem kể lại cho chồng. Hướng Tịnh hỏi: “Cây dao ấy nay còn không?” Người mẹ đáp: “Vì quá nhớ thương con nên không rảnh cất riêng”. Hướng Tịnh dặn: “Kiếm thêm vài cây nữa sắp chung với dao ấy để con lựa thử, xem sao”, Bé gái rất mừng, lấy đúng cây dao cũ reo lên: “Chính là cây dao của con đây”. Cả nhà lớn nhỏ đều biết bé gái ấy nhớ rõ được tiền thân. (3 Chuyện trên đây rút từ sách Minh-tường-ký)

4. Vào đời Tống, Sa-môn Thích Đàm Đế ở núi côn Luân vốn họ khang tổ tiên người khang Cư, di cư sang Trung Quốc khoảng thời Hán Linh đế. Cuối thời Hán Hiến đế loạn lạc, lại dời sang quận Ngô Hưng. Phụ thân ngài tên Đồng, làm biệt giá ở Ký Châu. Mẹ ngài họ Hoàng, ngủ trưa mơ thấy một vị Tăng đến gọi mẹ, gửi một phất trần và một cái dằn sách bằng sắt chạm. Tỉnh ra hai vật ấy vẫn còn. Từ đó mang thai rồi sinh ra ngài. Lên năm tuổi, mẹ ngài lấy hai vật ấy cho xem. Ngài bảo: “Đây là vật vua Tần ban cho”. Mẹ ngài hỏi lại: “Con để ở đâu?” Ngài đáp: “Không nhớ nổi”. Lên mười tuổi xuất gia, không theo thầy học hỏi, tự nhiên vẫn tỏ ngộ, Một dạo, ngài theo phụ thân đến Phàn Đặng, vừa gặp Sa-môn Tăng Lược người Quan Trung, ngài bỗng gọi tên của Sa-môn ấy thật lớn. Sa-môn trách: “Cớ sao Sa-di lại kêu tên của bậc tôn túc?” Ngài đáp: “Sở dĩ kêu tên vì Hòa thượng trươc đây là Sa-di của ta, có lần đi hái rau bị heo rừng cắn phải, hoảng hốt kêu ré lên”. Nguyên Sa-môn Tăng Lược từng làm đệ tử của pháp sư Hoằng Giác, đi hái rau giúp đại chúng, bị heo rừng cắn. Do quá lâu ngày, Sa-môn không còn nhớ chuyện này nữa. Lấy làm lạ, Sa-môn đến hỏi phụ thân ngài rõ ràng mọi chuyện, được cho xem phất trần và vật dằn sácg, Samôn chợt hiểu ra, khóc lóc bảo: “Đây chính là tiên sư Hoàng Giác từng được vua Diêu Trường mời giảng kinh Pháp Hoa, bần đạo cũng được sung làm Đô giảng. Nhà vua có ban tặng hai vật, nay hãy còn đây”. Tính lại ngày tháng pháp sư viên tịch, chính là ngày mẹ ngài thấy vị Tăng đến gửi hai vật ấy. Hồi tưởng chuyện hái rau, Sa-môn Tăng Lược càng thêm mến mộ xót xa. Sau đó, ngài nghiên cứu kinh điển, hễ đưa mắt qua là nhớ. Cuối đời, ngài vào ở chùa Hổ Khâu tại đất Ngô, giảng các ngoại thư Xuân thu, Lễ, Dịch đến bảy lược, giảng các nội điển Pháp-Hoa, Duy-ma đến mười lăm lượt. Ngài giỏi văn chương, có soạn ra sáu quyển, hiện còn lưu hành. Tính vốn thích núi non, nên cuối cùng trở về quận Ngô Hưng, vào ở trong núi Côn Luân tại cố Chương, sống rất thanh cao đạm bạc, hơn hai mươi năm mới viên tịch tại chùa ấy, vào cuối niên hiệu Nguyên Gia đời Tống, thọ hơn sáu mươi tuổi. (Chuyện linh nghiệm trên đây rút từ Lương-cao-Tăng-truyện)

5. Vào đời Nguyên Ngụy, có Thiền sư Thừa người miền bắc Đại Châu, chuyên trì tụng kinh Pháp-hoa. Ngài viên tịch lúc nữa đêm, đầu thai làm con thứ năm nhà họ Tiết ở Hà Đông. Mới sinh ra đã biết nói, kể rõ tiền thân và không thích ở thế gian. Khi phụ thân đến làm thứ sử Lệ Châu, ngài đi theo. Tới chùa Thất đế ở Tung Sơn, ngài tìm lại đệ tử cũ, bảo rằng: “Liệu con còn nhớ chuyện theo ta vượt sông đến Lang sơn chăng? Thiền sư Thừa hồi đó chính là ta đây. Hãy mau dẹp bỏ ghế thờ trong phòng ta!” Đệ tử nghe nói, ôm lấy ngài khóc lóc rất bi ai. Mọi người trong đạo ngoài đời đều lấy làm lạ, đồn đãi khắp nơi. Gia đình luyến tiếc, sợ ngài xuất gia, bèn cưới vợ cho ngài. Sau đó ngài quên mất chuyện tiền kiếp, nhưng vẫn sinh lòng chán nản, muốn xa rời thế gian, thích sống trong cảnh tịch lặng. (Chuyện linh nghiệm trên đây rút từ Đường-Cao-Tăng-truyện)

6. Giữa niên hiệu Khai Hoằng đời Tuỳ, thứ sử Nguỵ Châu là Thôi Ngạn Vũ, vốn người Bác Lăng, cùng tùy tùng đến làng nọ, bỗng nhiên nữa mừng nữa sợ bảo: “Trước đây, ta từng làm vợ người ta ở trong làng này, nay ta còn nhớ rõ nhà”. Bèn cưỡi ngựa vào làng, theo đường quanh co đến nhà nọ, sai gọi cửa. Chủ nhân già cả chạy ra vái chào. Ông bước vào, lên thẳng nhà lớn nhìn trên vách phía đông, cách mặt đất khoảng sáu bảy thước, có chổ nổi cao lên, bảo chủ nhân: “Bộ Kinh Pháp-hoa xưa kia ta thường đọc và năm cái thoa vàng đựng trong hòm kính giấu ở chổ này. Phần cuối quyển bảy, giấy bị lửa cháy mất hết chữ. Nay ta mỗi lần tụng kinh ấy, đến cuối quyển bảy, thường quên mất, không thể nhớ ra”. Rồi sai tả hữu đục vách, quả có hòm kinh. Mở đến cuối quyển bảy và đếm số thoa, đều đúng như lời ông nói. Chủ nhân khóc mướt bảo: “Sinh thời, vợ tôi thường tụng bộ kinh này, thoa cũng cất ở đó”. Ông lại chỉ cây hòa trước sân, bảo: “Mỗi lần sắp sinh, ta thường mở búi tóc đặt vào trong hốc cây này”. Rồi thử sai tùy tùng mò vào, quả có búi tóc, chủ nhân thấy thế, vừa mừng vừa tủi. Ông ban tặng chủ nhân nhiều tiền của, lưu lại áo và đồ dùng làm kỷ niệm rồi ra về. Chuyện này do Thượng thư Thôi Đôn Lễ kể ra. Năm ngoái, gặp Lô Văn Lệ cũng kể hơi giống, nhưng bảo là thứ sử Tề Châu, tên họ quên mất, không đầy đủ như thượng thư Thôi đã kể nân ta chép lại theo lời thượng thư. (Chuyện linh nghiệm trên đây rút từ Minh-tường-ký)

7. Đời Đường, Sa-môn Thích Đạo Xước ở chùa Huyền Trung tại Ích Châu vốn họ Vệ, gốc người quận Vấn Thủy. Tính tình thanh cao giản dị, thông tuệ phi phàm, noi theo hạnh nguyện của tôn sư Đàm Loan thuở trước. Biết mình sắp viên tịch, vào ngày mồng tám tháng Tư năm Trinh Quan thứ hai, ngài thông báo cho mọi người đều biết. Đại chúng kéo lên đầy chùa. Thấy tôn sư Đàm Loan ngồi trên thuyền thất bảo, nói với ngài rằng: “Nhà tịnh độ của con đã hoàn thành nhưng báo thân chưa hết”. Lại thấy các vị hóa Phật an trụ giữa hư không, hoa Trời mưa xuống lả tả. Thiện nam tín nữ lấy vạt áo hứng lấy, cánh hoa mỏng manh trơn mướt rất đáng yêu. Có người lấy hoa sen cấm xuống đất khô suốt bảy ngày mới héo. Còn nhiều điềm lạ không thể kể hết. Năm lên 70 tuổi, bỗng nhiên răng sữa của ngài mọc lại đều đặn như cũ, không hề so lệch, pháp thể hóa khang cường hơn. Nếu chẳng phải là bậc đạo hạnh cao thâm sao có được linh ứng đến thế? (Chuyện linh nghiệm trên đây rút từ Đường-Cao-Tăng-truyện)

8. Lưu Thiện Kinh người huyện Thấp Thành thuộc Phần Châu, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được mẹ nuôi dưỡng. Mẹ ông suốt đời chuyên trì tụng kinh điển, siêng năng giữ giới khổ hạnh và qua đời năm Trinh Quan thứ hai. Ông vô cùng đau xót, khóc lóc không ngừng. Năm sau, ông mơ màng thấy mẹ nói: “Thuở sinh tiền, nhờ tu phúc nên mẹ được làm nam giới, nay sinh làm con nhà họ Tống ở thôn Thạch Triệu tại huyện nhà. Nếu con muốn gặp, hãy sang đến đó”. Nói xong, biến mất. Ông theo lời đi tìm, chẳng bao lâu đã đến nơi. Ngay hôm ấy, nhà họ

Tống quả sinh được con trai. Ông đem dâng áo quần, đồ dùng và kễ rõ mọi chuyện. Người con trai ấy đã lớn hiện vẫn còn, được ông luôn luôn giữ lễ mẹ con. Sa-môn Thiện Phủ ở Thấp Châu là chổ tâm giao với ông, nghe chính ông thuật lại chuyện này. Sau đó, Sa-môn đem kể lại cho Dư Lịnh ta nghe.

9. Sa-môn Huyền Cao ở chùa Trí Lực tại huyện Phủ Dương thuộc Tương Châu vốn họ Triệu, có người cháu kiếp trước là con nhà họ Mã cùng làng, chết vào cuối đời Trịnh Quan. Khi lâm chung đứa bé bảo mẹ: “Con có túc duyên với nhà Triệu Tông, sau khi chết, sẽ đầu thai làm cháu ông ấy”. Nhà Triệu Tông ở cùng làng với nhà họ Mã. Người mẹ không tin, lấy mực chấm một nốt ruồi thật lớn bên hông trái con mình. Vợ nhà họ Triệu cũng nằm mơ thấy đứa bé ấy đến bảo: “Sẽ làm con của mẹ”. Từ đó có thai luôn. Đứa bé trong mộng chính là con trai nhà họ Mã. Sau khi sinh xong, kiểm lại, nốt ruồi đen vẫn y chổ cũ. Lên ba tuổi, không ai chỉ bảo, đứa bé tự nhiên nhìn về hướng nhà họ Mã, bảo rằng: “Đó là nhà cũ của con”. Đến nay, đứa bé vẫn còn, đã lên mười bốn tuổi. Chuyện này do các Sa-môn Tuệ Vĩnh và Pháp Thân ở chùa Trí Lực tại Tương Châu kể ra. (Hai chuyện linh nghiệm trên đây rút từ Minh-báo-thập-di)

* Phần ngũ thông này được sắp xếp, gọt tỉa lại cho gọn gàng, dễ hiểu hơn, vì nguyên văn có nhiều chổ rườm rà, lủng củng và tối nghĩa, không biết vài chổ có đúng với nguyên ý chăng?