PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 20

 

Thiên thứ 9: TRÍ KÍNH

Gồm có 7 phần: Thuật ý, Công năng, Phổ kính, Danh hiệu, Hội thông, Phu tọa, Nghi thức.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Vốn nghe: Đấng Thánh trí mở lượng Từ bi; bậc trí nhân làm lợi muôn vật. Ý muốn dẫn chúng-sinh về nơi giác ngộ, chở ba cõi bằng pháp đại thừa. Thầy trò khác nẽo nhưng cùng về; đạo đời riêng lối mà chung đích, nên mới dựng tượng để hiện chân dung mở lời để làm gương nhân thế, giơ ngón tay cốt chỉ mặt trăng, đưa chân lý ra làm phép tắc. Chỉ vì chúng-sinh tăm tối, cố chấp ngã nhân, rơi dòng ngã mạn, đắm chìm theo nghiệp, không biết sửa đổi. Do ở nhiều kiếp mê mờ, không tin Tam bảo, ám chướng ngu si, khó gặp thập Thánh. Thế nên, tính mệnh như đuốc tàn trước gió, không giữ được lâu; hình hài tựa mồi lửa lóe lên, chẳng vững bền được. Hơn nữa, ngũ trược xâm lăng, tứ khổ bức bách, cam tâm chịu đựng hưởng thụ kiếp trần, khiến cho đấng đại Thánh phải mở lượng Từ bi, rộng lòng dạy dỗ cảm hóa, xét kỹ đạo hạnh thiết yếu, cốt ở thực hành lễ sám. Vì thế, luận Thập-trụ của Long-thọ có nói: “Ngày đêm đều có ba thời, tức sáu thời ngày cũng như đêm, Bồ-tát tinh tiến lễ bái chư Phật mười phương, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng. Bồ-tát sẽ chứng được quả Bất thối. Nếu chúng-sinh theo đó tu hành, cũng sẽ chứng được quả ấy”. Như niệm danh hiệu đức Phật Đông Phương Thiện Đức, nhờ vào nguyện lực của chư Phật mười phương, nếu có chúng-sinh sớm gieo nhân lành vào đức Phật ấy, khi nghe danh hiệu của ngài, liền biết kính tin, đạo tâm sẽ không nghe tiếng niệm Nam-mô Phật, bỗng nhiên sửng sốt hân hoan, tâm địa trở thành an lạc, hết tội được phước. Do đó, kinh có nói: “Kính lễ đức Phật ấy, có thể tiêu trừ tội nặng phải sống chết hằng trăm vạn kiếp. Nếu không theo đó tu hành, máy động phàm tâm, sẽ mang lấy tội, gánh chịu lắm kiếp ương”. Vừa nghe tên Phật, phải nên xúc động: “Ta có tội gì, chẳng thấy được ngài?” Ràn rụa nước mắt, kính cẩn chắp tay. “Ta có phước gì, được nghe tên ngài?” Hân hoan thành kính, chiêm bái hình ngài, yêu kính chẳng rời. Thực hành cách ấy, đức tin sẽ Tăng, tình thức lâng lâng, đều được siêu thoát. Mỗi khi kính lễ, cần phải chí tâm. Thường thấy đạo đời, nghe xướng tên Phật, thân tuy hành lễ, tâm lại vọng động, nửa chừng chán nản, không biết ăn năn. Không tin không thẹn, không biết kiêng dè. Mang tội bất kính, ngày một nhiều hơn. Hoặc có đạo đời, lễ bái trước chúng, đông đảo Tăng tục, cất tiếng xướng đáp, hành lễ gấp gáp. Thân không theo lễ, tâm chẳng cung kính, giống hệt điểm danh, chỉ biết gật đầu, tựa chày giã gạo, mất công vô ích.

Phần trên đây, nói qua những tội do bất kính, vì ham danh lợi không giữ đức tin. Do tin, mới nhập vào đạo, phát ra trí tuệ, không có đức tin, rốt cuộc chẳng đến đâu cả. Phần tiếp theo, sẽ nói về năm điểm, dựa đúng chánh pháp, chỉ chổ đúng sai, cốt để phá vọng hiển chân, nhằm đạt cứu cánh Vô thượng.

Thứ hai: PHẦN CÔNG NĂNG

Kính nghĩ: từ tâm của đấng Đại giác, Thánh trí của bậc Chí nhân âm thầm hộ trì thế giới, linh ứng kịp thời, nghe danh hiệu sinh lòng cung kính, nghiệp thiện sẽ hình thành trong nháy mắt, dựa tâm ở trông chờ hóa độ, quả báu chỉ chứng được sau muôn đời. Thế nên, uy danh của năm mươi ba vị Phật đầy dẫy khắp pháp giới vi trần hào quang của ba nghỉn vị Phật chiếu diệu suốt cả cõi hà sa. Quyền năng cứu độ khổ ách của hai mươi lăm vị Phật vô cùng nhanh chóng, công đức cúng dường cả thất bảo của thế giới Ta-bà không bằng một lần đảnh lễ. Nhân lành chắp tay có vẻ còn xa, phước báo giác ngộ đã dần dần đến. Mới biết công phu lễ bái tán thán không phải là điều vô bổ. Chí tâm thành kính đã ngấm ngầm tích lũy biết bao công đức. Do đó, luận trí độ nói rằng: “Nếu Bồ-tát chưa đủ địa vị, xa lìa Phật pháp, hủy hoại thiên căn, dây dưa phiền não, không thể tự độ, làm sao độ tha? Vì thế, không thể xa lìa chư Phật, giống như trẻ con không thể xa lìa mẫu thân, đi đường không thể xa lìa lương thực, Trời nắng không thể xa lìa gió mát, Trời lạnh không thể xa lìa lửa ấm, qua sông không thể xa lìa ghe thuyền, đau ốm không thể xa lìa thuốc men. Cho nên Bồ-tát không thể xa lìa chư Phật. Bạn bè, mọi người, chư Thiên, vua chúa đều không thể giúp ta vượt qua biển khổ. Chỉ có đức Phật mới có khả năng giúp ta vượt qua, nên phải luôn luôn tâm niệm không xa lìa chư Phật”.

Lại nữa, kinh Dược-Vương-Thượng nói rằng: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo đại chúng, vào vô lượng kiếp trước, nhằm thời mạt pháp của đức Phật Diệu Quang, ta xuất gia học đạo, nghe danh hiệu của năm mươi ba vị Phật, liền cung kính chắp tay, sinh lòng hớn hở, rồi dạy người khác hành trì. Cứ thế lần lượt dạy nhau đến ba ngàn người. Tất cả ba ngàn người này cùng niệm danh hiệu, cung kính hành lễ, nhờ công đức ấy, tất cả đều vượt qua mọi tội lổi từ vô số kiếp. một ngàn người đầu tiên, trước theo đức Phật Hoa Quang, sau theo thứ Phật Tỳ-xá và đều thành Phật trong kiếp Trang Nghiêm, tức là một ngàn vị Phật của thời quá khứ, một ngàn người ở giữa, trước theo đức Phật Câu-lâu-tôn, sau theo đức Phật Lâu-chí và đều thành Phật trong hiền kiếp. một ngàn người sau cùng, trước theo đức Phật Nhật Quang, sau theo đức Phật Tudi Tướng và sẽ thành Phật trong kiếp tinh tú. Hiện tại, chư Phật mười phương Thuận Đức Như-lai cũng được nghe danh hiệu năm mươi ba vị Phật này, nên đều được thành Phật khắp mười phương. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân và mọi chúng-sinh khác nghe được danh hiệu của năm mươi ba vị Phật này, trong vô lượng vô biên kiếp, sẽ không bị đọa vào đường ác. Lại nữa, nếu có các chúng-sinh nào nghe được danh hiệu của năm mươi ba vị Phật này, dù sinh ra ở đâu, cũng đều gặp được chư Phật mười phương. Lại nữa, nếu có người biết chí tâm đảnh lễ danh hiệu năm mươi ba vị Phật này, sẽ tiêu trừ các tội tứ trọng, ngũ nghịch và phỉ báng kinh điển đại thừa. Tất cả mọi tội lổi khác đều được giải thoát. Nhờ ở nguyện lực vô biên của chư Phật ấy, nên trong mỗi niệm, tất cả mọi tội lổi nói trên đều được tiêu trừ”.

Lại nữa, kinh Quyết-định-Tỳ-ni nói rằng: “Nếu ai biết chí tâm đảnh lễ 3năm vị Phật, người ấy được vô lượng vô biên công đức”.

Lại nữa, kinh Phật danh nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe danh hiệu của hai mươi lăm vị Phật này, thành tâm đọc tụng, cung kính lễ bái, sẽ xa lìa ba đường ác, trừ bỏ hờn giận, ngu si, giải thoát hết mọi trọng tội từ trăm kiếp, thường được sinh vào nước Phật thanh tịnh khắp mười phương. Lại nữa, nếu có chúng-sinh nào cúng dường thất bảo chất đầy tam thiên đại thiên thế giới suốt hàng trăm năm, cũng không bằng một phần nghìn công đức trì tụng, lễ bái danh hiệu hai mươi lăm vị Phật ấy. Công đức này thật nhiều, không thể tính toán, so sánh nổi. Tại sao? Bởi vì thiện căn của chúng-sinh quá mỏng manh, không thể nghe được các danh hiệu ấy. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe được danh hiệu của hai mươi lăm vị Phật ấy, không phải nhờ đã gieo thiện căn ở một hay mười đức Phật, mà đã gieo trồng thiện căn ở trăm nghìn vạn đức Phật, mới có thể nghe được danh hiệu của các vị Phật ấy. Thiên nam tử, thiện nữ nhân ấy sẽ vượt qua bốn mươi tám kiếp và thành Phật trước tiên. Lại nữa, nếu có người không tin vào danh hiệu của hai mươi lăm vị Phật ấy, không tin vào công đức trì tụng ấy, người này sẽ bị đọa vào địa ngục A-Tỳ đúng một trăm kiếp. Xá-lợi-phất! Nếu Tỳ kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-di nào muốn sám hối các tội lổi, nên tắm gội, mặc áo mới sạch sẽ, ngồi ngay ngắn, tôn trí các tượng, treo hai mươi lăm tràng phan, cúng dường các loại hoa đẹp, trì tụng danh hiệu hai mươi lăm vị Phật này suốt sáu thời mỗi ngày, sám hối đủ hai mươi lăm ngày, sẽ tiêu trừ được bốn và tám loại trọng tội. Các thức-xoa-mana, Sa-di, Sa-di-ni cũng đều như thế.

Lại nữa, kinh Văn-Thù-Vấn có kệ tán Phật rằng:

“Con lạy hết thảy Phật,
Điều ngự chẳng ai bằng
Pháp thân cao trượng sáu
Và lạy pháp của ngài,
Nơi sinh, nơi đắc đạo,
Nơi dạy, nhập Niết-bàn,
Nơi đi, đứng, ngồi, nằm.
Mọi nơi, con đều lạy.
Chư Phật không nghĩ bàn,
Chánh pháp cũng như thế.
Tin ngài và quả báo
Cũng không thể nghĩ bàn.
Thường đem lời kệ này
Tán thán đức Như-lai,
Trong nghìn vạn ức kiếp,
Chẳng đọa vào đường ác”.

Lại nữa, kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói: “Ngay như hóa độ vô lượng chúng-sinh thành Bích-chi Phật và cúng dường chư Tăng đầy đủ bốn thứ suốt hàng trăm năm, công đức tuy nhiều, nhưng không thể tránh được với người đem lòng hoan hỷ tán thán đức Phật bằng bài kệ bốn câu. Công đức này mới thật là vô lượng”.

Lại nữa, kinh Thiện-sinh nói rằng: “Đem tất cả thất bảo của bốn châu cúng dường đức Phật và đem tất cả lòng cung kính tán thán đức Phật, hai công đức này so ra bằng nhau không khác”.

Lại nữa, kinh Đại-bi nói rằng: “Nhờ thiện căn một lần niệm danh hiệu Nam-mô Phật, có thể nhập vào cõi Niết-bàn không cùng tận”.

– Thuật rằng: Khi đã biết công đức lễ Phật, theo kinh điển nói, thật lớn lao không thể nghĩ bàn, các hành giả phải nên chú tâm, không để sa ngã. Sợ mai kia, vô thường chợt đến, không còn cơ hội hành lễ nữa giống như chuột bị ví vào góc cùng, không lối thoát thân. Thế nên ở trong kinh, đức Phật có nói kệ rằng:

“Mạng như đèn trước gió,
Chẳng biết lúc nào tàn
Hôm nay hoặc ngày mai
Cái chết đến không hay.
Mê man theo nghiệp duyên,
Chẳng biết sinh về đâu”.

Lại nữa, kinh Thượng-sinh nói rằng: “Nếu có người kính lễ đức Phật Di-lặc, sẽ tiêu trừ tội lổi phải sống chết hàng trăm ức kiếp. Thậm chí, sau này sẽ gặp được đức Phật ấy dưới cây Long hoa”. Kinh ấy còn nói: Sau khi chết, sẽ được sinh về cõi Trời Đâu-suất. Nếu có kẻ nam người nữ nào tạo các nghiệp ác, phạm các giới cấm, nghe danh hiệu Bồ-tát đại bi của ta, liền nằm mọp thành tâm sám hối, mọi nghiệp ác sẽ mau được giải thoát sạch sẽ. Nếu có chúng-sinh nào quy y Bồ-tát Di-lặc, nên nhớ rằng chúng-sinh ấy sẽ không bị thối thất đạo tâm. Khi Bồ-tát Di-lặc thành Phật, thấy được hào quang của ngài, chúng-sinh ấy sẽ được thọ ký liền”.

Lại nữa, kinh Tăng-nhất-A-hàm nói rằng: “Lễ Phật có công đức:

  1. Đoan chính,
  2. Có tiếng nói hay
  3. Có nhiều tiền của,
  4. Được sinh vào nơi cao quý,
  5. Được sinh lên cõi Trời”.

Lại nữa, kinh Kim-cương-Tam-muội nói rằng: “Nếu có chúngsinh mới nghe đến trí tuệ siêu việt của chư Phật, liền phát tâm tin tưởng, không phỉ báng, chúng-sinh ấy sẽ không đọa vào đường ác hàng trăm nghìn kiếp, sẽ sanh vào nước có đức Phật thậm chí, kẻ nào tưởng niệm pháp thân của đức Phật, cũng sẽ có công đức vô biên”.

Lại nữa, kinh Phổ-Hiền-Quán nói rằng: “Nếu có kẻ nào hành lễ chư Phật mười phương suốt sáu thời đêm ngày, trì tụng kinh điển đại thừa, suy niệm đệ nhất nghĩa, cứu cánh chân không rất sâu xa, trong thời gian một búng tay, sẽ tiêu trừ được tội lổi sống chết suốt vô lượng vô biên vô số kiếp. Kẻ thực hành phép ấy chính là Phật tử, sẽ được sinh ra theo chư Phật. Chư Phật mười phương và các Bồ-tát là Hòa thượng của họ. Họ là kẻ giữ giới Bồ-tát cụ túc. Không cần phép yết ma vẫn thành tựu và xứng đáng được tất cả Trời người cúng dường”.

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói rằng: “Nếu cúng dường cho Tam bảo một cây nhang, một ngọn đèn, thậm chí một bông hoa, thì sẽ được vãng sinh về quốc độ yên bình. Nếu khéo giữ gìn tài sản của Tam bảo, quét rửa chùa chiền, tượng, tháp, dù nhỏ bằng ngón tay cái, sẽ sinh ra lòng hớn hở và được vãnh sinh về quốc độ an bình. Nơi ấy thanh tịnh trang nghiêm, không bị tam tai gây ảnh hưởng”.

Thứ ba: PHẦN PHỔ KÍNH

Kính nghĩ: Pháp thân vô tướng, ứng hiện mười phương, nghĩa là bốn phương, bốn góc và trên dưới, nho gia chỉ nói về thế giới này, các thế giới khác, xưa nay chưa đề cập đến. Dựa theo Phật pháp, vũ trụ thông suốt vô cùng rộng khắp mười phương, bao quát mọi thế giới. Nói theo Phật pháp, thế giới Ta-bà là đại thiên thế giới, có hàng vạn ức mặt Trời mặt trăng bao quanh bốn lớp. Đây là quốc độ do đức Phật ThíchCa hóa thân làm chủ tể. Vì thế, kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Quốc độ do báo thân của đức Phật Lô-xá-na làm chủ tể còn vượt quá độ lớn này, đến khắp cả mười phương, kẻ phàm không thể nhận thức nổi. Thế nên, kinh Phạm-võng có kệ nói rằng:

“Lô-xá-na ta nay,
An nhiên trên tòa sen
Trên nghìn hoa chung quanh
Lại hiện nghìn Thích-Ca
Mỗi hoa trăm muôn nước,
Mỗi nước một Thích-ca
Ngồi dưới cội Bồ-đề,
Cùng chứng quả thành Phật”.

Điều trong kinh nói, nghìn hoa nghìn Phật, tức một cánh hoa là một bông hoa, cho nên một bông hoa nghìn cánh có nghìn đức Phật hiện ra.

Lại nữa, kinh Phổ-Hiền Quán nói: “Quốc độ do đức Phật Tỳ-lôxá-na làm chủ tể ở khắp mọi nơi. Chổ ngài thường gọi là Thường tịnh quang”. Dựa vào đoạn kinh này, đã hiểu rõ ý nghĩa chư Phật trụ vô sở trụ để tiếp dẫn chúng-sinh, khiến cho tất cả đều kính ngưỡng. Bàn luận đến cùng, chư Phật không thường trụ một chổ nhất định. Như thế, chư Phật ở vô lượng thế giới khắp mười phương đã không ngừng hóa độ chúng-sinh suốt thờ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Hẹn với chúngsinh ra đời hóa độ rồi nhập Niết-bàn. Dựa vào hóa độ mà bàn, y theo hiển giáo chánh pháp lưu hành mãi mãi, công đức hóa độ bao la, sánh đầy pháp giới, không hạn chế vào bất cứ thế gian và không gian nào cả. Căn cứ vào cuộc đời giáo hóa của đức Phật Thích-Ca, nay thuật lại sơ lược, ngài tạm đầu thai xuống thế, trải qua 8 tướng thành đạo, làm lợi cho chúng-sinh có căn cơ thấp kém, đều dần dần hiểu thông chánh pháp. Đến nỗi phụ vương, mẫu hậu, hoàng gia và các bậc tôn trưởng đều cúi đầu đảnh lễ trước ngài, huống hồ những kẻ phàm phu lại chẳng biết kính tin?

Lại nữa, kinh Phật thuyết-thập-nhị-Phật-danh-thần-chú-trừchướng-diệt-tội nói rằng: “Bấy giờ, đức Thế-tôn bảo Bồ-tát Di-lặc rằng: “Di-lặc! Cách quốc độ này về phía đông có mười quốc độ của chư Phật, số lượng nhiều không thể nói gồm hàng ức trăm nghìn thế giới nhỏ bé như hạt vi trần. Qua khỏi mười quốc độ này, có một quốc độ tên là giải thoát Chủ thế giới. Trong đó có đức Phật tên là Hư-không công đức Thanh tịnh vi trần Đẳng Mục Đoan Chính công đức tướng Quang Minh Hoa Ba Đầu Ma Lưu Ly Quang Bảo Thể Hương tối thượng hương cúng dường ngật chủng chủng trang nghiêm đỉnh kế vô lượng vô biên nhật nguyệt quang minh nguyện lực trang nghiêm biến hóa trang nghiêm pháp giới xuất sinh vô chướng ngại vương Như-lai. Thiên nam tử, thiện nữ nhân nào phạm tội tứ trọng ngũ nghịch, phỉ báng Tam bảo và bốn tội ba-la-di, đáng ra phải đền tội suốt vô lượng vô biên vô số kiếp, nếu niệm một lần danh hiệu của đức Phật ấy, lạy một lạy, tất cả mọi tội nghiệp sẽ được tiêu trừ. Nếu đêm ngày đọc tụng, tưởng niệm không quên, công đức sẽ trở nên vô lượng, trong quốc độ của đức Phật ấy có Bồ-tát tên là Vô Tỷ Vô chướng ngại vương Như-lai. Nếu được Bồ-tát này thọ ký, sẽ thành Phật tên là Hào Tướng Nhật Nguyệt Quang Minh Diễm Bảo Liên Hoa Kiên Như Kim Cương Thân Như Tỳ-Lô-giá-na vô chướng ngại viên mãn thập phương phóng Quang Chiếu Nhất Thiết Phật Sát Tướng Vương Như-lai . Phương Đông của quốc độ ấy có đức Phật tên là Nhất Thiết Trang Nghiêm Vô Cấu Quang Như-lai. Phương Nam của quốc độ ấy có đức Phật tên là Biện tài Anh Lạc Tư Niệm Như-lai. Phương Tây của quốc độ ấy có đức Phật tên là Vô Cấu Nguyệt Tướng Vương Danh Xưng Như-lai. Phương Bắc của quốc độ ấy có đức Phật tên là Hoa Trang Nghiêm Tác Quang minh Như-lai. Phương Đông nam của quốc độ ấy có đức Phật tên là Tác Đăng Minh Như-lai. Phương Tây nam của quốc độ có đức Phật tên là Bảo Thượng Tướng Danh Xưng Như-lai.

Phương Tây bắc của quốc độ ấy có đức Phật tên là Vô úy Quán Như-lai. Phương Đông bắc của quốc độ ấy có đức Phật tên là Vô Úy Vô Khiếp Mao Khổng Bất Thụ Danh Xưng Như-lai. Phía dưới của quốc độ ấy có đức Phật tên là Sư tử Phấn Tấn Căn Như-lai. Phía trên của quốc độ ấy có đức Phật tên là Kim Quang Uy Vương Tương Tự Như-lai.

Bấy giờ, đức Phật bảo Bồ-tát Di-lặc rằng: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào tụng niệm danh hiệu mười hai đức Phật này suốt mười ngày, sám hối tất cả tội lổi, tùy hỷ công đức của tất cả chúngsinh, cầu sinh chư Phật xuất thế lâu dài với chúng-sinh và đem tất cả mọi nhân lành này hồi hướng khắp pháp giới, kẻ ấy sẽ tiêu trừ hết mọi tội lổi thanh tịnh, tất cả mọi nghiệp chướng, lập tức làm trang nghiêm đầy đủ mọi quốc độ, đầy đủ vô úy, đầy đủ thân tướng, đầy đủ các Bồtát thân cận chung quanh, đầy đủ vô lượng Tam-muội, đầy đủ quốc độ trang nghiêm như ý và chứng được quả A-nậu-Bồ-đề. Bấy giờ, đức Phật nói kệ rằng:

“Nếu có thiện nam tử
Hay là thiện nữ nhân
Niệm danh hiệu Phật ấy,
Đời đời sinh các nước,
Được mọi người kính mến,
Có hào quang rực rỡ.
Đời này được tôn kính,
Đời sau sẽ thành Phật”.

Lại nữa, kinh Thi-ca-la-việt-lục-hướng-bái nói rằng: “Khi đức Phật còn tại thế, có con của vị Trưởng giả tên Thi-ca-la-việt dậy sớm, tắm rửa, thay áo xong, hướng về sáu phương lạy bốn lạy. Đức Phật vào thành vương xá, Việt đã nhìn thấy từ đằng xa. Đức Phật đến nhà, hỏi rằng: “Tại sao con hướng về sáu phương hành lễ? Điều ấy có ý nghĩa gì?” Việt thưa rằng: “Từ thuở sinh thời, cha con đã dạy như thế, con chẳng hiểu vì sao”. Đức Phật bảo rằng: “Cha con dạy khi hành lễ, không lạy bằng thân”. Việt bèn quỳ xuống thưa rằng: “Xin đức Phật giải thích ý nghĩa giúp cho”. Đức Phật bảo rằng: “Con hãy nghe đây! Nếu có bậc Trưởng giả hiền nhân biết giữ gìn, không phạm bốn giới cấm, đời này sẽ được mọi người kính nể, đời sau sẽ được sinh lên cõi Trời. Thứ nhất là không sát sinh, thứ hai là không trộm cắp, thứ ba là không tà dâm, thứ tư là không nói dối điêu ngoa. Kẻ tham lam ngu muội không chế ngự được bốn điều xấu ấy, gọi là trăng mờ. Giống như khi mặt trăng sắp lặn, ánh sáng mờ dần. Người chế ngự được các điều xấu xa, giống như trăng mới mọc, ánh sáng tỏ dần. Đến ngày rằm sẽ tròn đầy sáng láng”. Đức Phật bảo tiếp: “Lạy về phương Đông, nghĩa là con đối với cha mẹ, cần có năm điều:

  1. Cần lo liệu sinh kế cho gia đình.
  2. Dậy sớm, sai người giúp việc nấu nướng thức ăn
  3. Không để cha mẹ ưu phiền.
  4. Cần tưởng nhớ công ơn sâu nặng của cha mẹ.
  5. Cha mẹ đau ốm, cần lo lắng, chạy chữa thuốc thang

Cha mẹ đối với con cái cũng cần có năm điều:

  1. Cần nghĩ cách dạy con cái bỏ ác hướng thiện.
  2. Cần dạy con cái biết tính toán, viết lách.
  3. Cần dạy con cái tụng kinh giữ giới.
  4. Cần lo cưới vợ cho con cái
  5. Cần phân chia tài sản cho con cái.

Lạy về phương Nam, nghĩa là học trò đối với thầy cần có năm điều:

  1. Cần kính trọng thầy.
  2. Cần nhớ đến ơn thầy.
  3. Cần tuân theo lời thầy dạy.
  4. Cần suy nghĩ miên man về lời Phật dạy.
  5. Cần ca tụng sau lưng thầy.

Thầy đối với học trò cũng cần có năm điều:

  1. Cần dạy học trò nhớ đừng quên.
  2. Cần vượt bực học trò của thầy khác.
  3. Cần dạy sao cho nhớ mãi những điều đã học.
  4. Cần giải thích tường tận những chổ mập mờ khó hiểu.
  5. Mong cho học trò sau này vượt xa mình.

Lạy về Phương Tây, nghĩa là vợ đối với chồng, cần có năm điều:

  1. Chồng đi đâu về, nên đứng dậy chào hỏi.
  2. Khi chồng đi khỏi, nên quét dọn, nấu nướng, đợi chồng về.
  3. Không nên có ý tà dâm ngoại tình. Chồng trách mắng, không được giận dữ mắng lại.
  4. Nên nghe lời chồng dạy bảo, không được cất giấu của cải.
  5. Khi chồng yên giấc nên dọn dẹp tươm tất rồi mới đi nằm.

Chồng đối với vợ cũng cần có năm điều:

  1. Khi ra vào nên quý trọng vợ.
  2. Nên lo liệu quần áo cho vợ.
  3. Nên chia xẻ vàng bạc châu báu cho vợ.
  4. Tài sản trong nhà, nên giao cho vợ.
  5. Chớ nên ham chơi rong ruỗi bên ngoài.

Lạy về phương Bắc, nghĩa là đối với thân thuộc bạn bè, cần có năm điều:

  1. Thấy họ làm việc ác, phải đưa đến chổ kín đáo, can ngăn trách cứ.
  2. Gặp chuyện khó khăn nguy cấp, nên đến giúp đỡ,
  3. Chuyện tâm sự riêng tư, không nên nói cho người khác biết.
  4. Nên tôn trọng lẫn nhau.
  5. Có các đồ quý đẹp, nên chia cho ít nhiều.

Lạy xuống đất, nghĩa là chủ nhà đối với người giúp việc, cần có năm điều:

  1. Nên cho ăn uống, áo quần đúng lúc.
  2. Khi đau ốm, nên mời thầy chữa trị.
  3. Không nên đánh đập vô cớ.
  4. Không được chiếm đoạt tiền bạc của người giúp việc.
  5. Nên phân phát đồ vật công bằng.

Người giúp việc đối với chủ nhà cũng cần có năm điều:

  1. Nên dậy sớm, không để chủ nhà kêu.
  2. Nên làm chu đáo công việc của mình.
  3. Nên chú trọng của cải của chủ nhà.
  4. Khi chủ nhà đi về, nên đón tiếp chào hỏi.
  5. Nên khen ngợi điều tốt của chủ nhà, không được nói ra điều xấu.

Lạy lên Trời, nghĩa là đối với Sa-môn đạo sĩ, cần có năm điều:

  1. Nên đem lòng thiện đối xử.
  2. Lựa lời tốt đẹp thưa gửi với các ngài
  3. Nghiêng mình cung kính.
  4. Nên sùng mộ các ngài
  5. Sa-môn đạo sĩ là những bậc siêu xuất thế gian, nên cung kính phụng sự, hỏi phép xuất thế.

Các bậc Sa-môn đạo sĩ cũng cần đem sáu nghĩa lý chỉ dạy tín đồ:

  1. Dạy phép bố thí, không bủn xỉn keo kiết.
  2. Dạy phép giữ giới không vi phạm
  3. Dạy hạnh nhẫn nhục, không sân hận.
  4. Dạy hạnh siêng năng, không được lười biếng.
  5. Dạy hạnh chuyên tâm, không được phóng túng.
  6. Dạy hạnh sáng suốt, không bị ngu si.

Đức Phật bảo rằng: “Đây là ý nghĩa hướng về sáu phương hành lễ mà cha con đã dạy cho lúc sinh tiền. Con hãy theo đó thực hành, lo gì chẳng được giàu sang?” Thi-ca-la-việt nghe xong, cung kính xin thọ trì năm giới lui ra”.

Thứ tư: PHẦN DANH HIỆU

Than ôi! Đạo và đời khác hẳn, danh với thật trái nhau. Nếu thấy được lối về, sẽ thể nhập vào diệu lý. Tại sao thế? Bởi vì thế gian có tục kỵ húy, không dám nhắc tên tổ tiên. Luận theo kinh điển, nếu tụng niệm danh hiệu chư Phật, sẽ được phước đức vô lượng, chư Phật vốn rất Từ bi, thương hết muôn vật, hóa thân giáng thế, cứu độ chúng-sinh. Nếu có lòng thành, đều được lợi lạc. Hoặc tụng bằng miệng, hoặc niệm bằng tâm, hoặc lạy bằng thân, ba nghiệp này càng kính, ba độc sẽ tiêu dần. Nhờ thế, nhổ sạch não phiền giải thoát tục lụy. Có đức hạnh ấy, gọi là được phước. Những kẻ phàm phu làm trái hạnh ấy. Suốt cả cuộc đời chỉ thầm kỵ húy. Riêng tổ tiên xa và con cháu nhỏ, mới không kiêng tên. Xem lệ Trưng tại cũng đủ thấy rõ.

Nay dựa vào luận, đưa ra theo nghĩa, một số tên Phật rất có quyền năng và tạm giải thích để làm thông lệ. Như Ấn Độ gọi là Thích-ca, Trung hoa gọi là Năng Nhân. Thử hỏi đức Phật nào lại chẳng Năng Nhân? Ấn Độ gọi là A-di-đà, Trung hoa gọi là Vô Lượng Thọ. Thử hỏi đức Phật nào chẳng lượng thọ? Đến như đức Phật Đông Phương Thiện Đức hay đức Phật Hạ Phương Quảng Chúng Đức, thử hỏi đức Phật nào lại chẳng có đức độ tốt đẹp, rộng lượng? Danh hiệu chư Phật có thể sai khác, nhưng về mặt uy lực và hóa độ cũng đều như nhau. Chúng-sinh chỉ cần tâm niệm danh hiệu, mắt ngắm dung nhan, cung kính hành lễ, sẽ hưởng được phước đức vô lượng. Vì thế, luận Thập-trụ-tì-bà-sa có kệ nói rằng:

“ Nếu có người nghe được
Danh hiệu chư Phật ấy
Sẽ được phước vô lượng.
Như nghe hiệu bảo Nguyệt,
Kính lễ chư Phật ấy,
Đang ở khắp mười phương.
Nếu ai tụng danh hiệu,
Sẽ chứng quả bất thối”.

Thuật rằng: Nay trước tiên đề cập đến “Nhất thiết cung kính”. “Nhất” nghĩa là nói khắp cả, thiết nghĩa là nơi cùng hết, cung nghĩa là nói thu mình ngước lên, kính nghĩa là nói tâm không vướng tạp niệm. Nếu không xướng lên như thế, sợ tâm sẽ bị phân tán, nên phải dốc tâm cung kính, chánh quán trước mắt. Về “kính lễ thường trụ Tam bảo”, theo kinh Niết-bàn nói, nếu có người nghe đến hai chữ thường trụ, đời đời sẽ không bị đọa vào đường ác. Vì pháp nhân lắng sạch bất biến nên gọi là thường, báo thân liên tục không dứt nên cũng gọi là thường. Hoa thân hoạt động không ngừng nên gọi là bất biến. Lại nữa, Phật thân vốn chỉ là một, tùy theo nghĩa nói ra thành ba. Cho nên đức Phật Thích-ca nói rằng: “Kim thân của ta cũng chính là pháp thân. Như những hình tượng bằng đất bằng cây, được chế tạo theo kim thân của ta để làm biểu tượng. Nếu biết đem lòng thành kính đảnh lễ sẽ được phước đức vô lượng, nếu khinh thường phỉ báng, sẽ chịu mọi tội lổi tai ương. Sau đó cúng dường, sắm sửa hương hoa, dụng tâm tinh tiến cử hành mọi lễ nghi theo phép Phật. Dù ta còn tại thế hay không, cũng phải thường xuyên cung phụng hương hoa, y phục, thức ăn, âm nhạc và cùng các chúng-sinh khác đồng tâm thờ phụng không dứt”. Do đó, trong kinh Hoa-nghiêm nói; “Khi các Bồ-tát thực hiện phép cúng dường, theo tâm chỉ vật, như thấy núi cao, mây lớn, nước thẳm, lửa to, liền gọi là hương sơn, hương vân, bát công đức thủy, thất tịnh diệu hoa. Tâm ý nghĩ suy đều thành phẩm vật cúng dường, đến nỗi hoa rừng trái dại cũng là phẩm vật”.

Lễ Phật là hành lễ chư Phật mười phương, hai mươi lăm đức Phật, ba mươi lăm đức Phật, năm mươi ba đức Phật, một ngàn đức Phật thời hiền kiếp và 1năm ngàn đức Phật. Ý nghĩa tụng niệm danh hiệu chư Phật, phần trên đã nói rõ.

Sám hối là ăn năn tất cả mọi tội lổi trước đây đã phạm. Gồm hết mọi tội lổi nặng nhẹ, hoặc do chính mình gây nên, hoặc sai người khác gây nên, hoặc bị bắt buộc gây nên, hoặc đồng tình gây nên. Cần phân tích rõ ràng ý nghĩa. Vần phải tủi hổ thống thiết đầm đìa lệ tuôn. Nếu không nhờ chỉ bảo cách sám hối, sẽ chịu khổ đau đến chết. Phép này sẽ nói đầy đủ trong thiên sám hối ở sau. Khuyến thỉnh là chí thành cầu nguyện. Chư Phật xem mọi chúng-sinh lớn nhỏ đều bình đẳng như nhau. Chư Phật trông mong hoàn thành thệ nguyện, có thọ mạng lâu dài, trụ thế nhiều kiếp để độ hết tất cả chúng-sinh.

Tùy hỷ là thấy người làm phước, mình sinh vui mừng.

Hồi hướng là đem mọi công đức quy hướng về Vô thượng đạo.

Phát nguyện thì nguyện là động lực hướng dẫn, hành là thực hiện. Nếu chỉ có nguyện mà không có hành thì nguyện sẽ trở thành hư hão. Nếu chỉ có hành mà không có nguyện thì hành lễ trở nên đơn độc. Do

có hành nên nguyện không hư hão. Nguyện và hành hổ trợ cho nhau, chắc chắn sẽ chứng được quả. Vì thế, khi sám hối tội lổi, cũng cần phát nguyện. Nguyện cầu kiếp này không đọa vào đường ác, mọi điều ở đây đã được nói rõ, còn những điều khác, mỗi khi gặp phải, cần suy nghĩ theo cơ duyên để thực hành cho đúng phép mới được.

Thuật rằng: Phần này nói về sắc tướng uy nghi. Hai nước Ấn Độ và Trung Quốc có chổ khác nhau về lễ nghi, nên phải tùy theo phong tục mỗi nước mà hành lễ, cốt lấy kính làm gốc. Vấn đề này, những kẻ mới nhập môn chưa học qua, nên không thông hiểu. Vì thế, phải trình bày cặn kẽ để chỉ dẫn cho họ, không nhắm vào những bậc đức trọng tu tập lâu năm.

Phép cung kính của Ấn Độ và Trung Quốc thật không giống nhau. Bên ấy thì lạy ít mà đi vòng quanh thì nhiều, bên này thì lạy nhiều mà đi vòng quanh ít. Bên ấy để vai trần, chân trần, lấy làm cung kính. Bên này thì đội mũ mang giày làm cung kính. Đây là nét khác biệt giữa đạo và đời, cũng như điểm dị biệt về phong tục của từng nước Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, cần xét rõ lễ nghi để thực hành mỗi khi cần đến như khi thong thả chiêm bái thì thân, khẩu, ý thung dung, khi gấp rút thì tay chân phải thật lẹ làng, tùy theo trường hợp, không đợi nghĩ suy, cốt sao phải thật cung kính. Đó là điểm đồng nhất giữa hai nước Ấn Độ và Trung Quốc, nên kinh xuất diệu nói rằng: “Có cách uy nghi của tín đồ, có cách uy nghi của Tăng sĩ, có cách uy nghi của bậc trưởng lão, có cách uy nghi của Tăng sinh, nhờ khéo thực hành bước căn bản vào đạo này mà được sinh vào các cõi tốt đẹp”. Lấy đoạn Kinh trên làm chứng, rõ ràng thành tín uy nghi là bước đầu tiên để nhập môn vào đạo, nên không thể che đậy, bỏ qua, cần phải nói rành mạch để dặn bảo. Theo sách Châu-lễ của thế gian, có 9 phép lạy xuất phát từ các quan thái chúc. Những phép lạy ấy không thuộc về đạo Phật, nhưng lễ nghi cũng cần tùy theo phong tục mà thực hành, nên trình bày ra đây:

1. Khể thủ bái: Nghĩa là cách lạy của quần thần đối với nhà vua, bằng cách đặt đầu sát đất, dừng lại một chút rồi mới cất đầu lên.

2. Đốn thủ bái: Nghĩa là cách lạy chào nhau của các vua chư hầu, đầu cúi xuống thấp, giật nhẹ nhưng không đụng đất.

3. Không thủ bái: Đây là cách lạy một lạy của nhà vua đáp lễ quần thần, đầu cúi xuống ngang tầm tay, tức là phép vái bằng tay.

4. Chấn động bái: Nghĩa là cách lạy run run xúc động vì tôn kính.

5. Cát bái: Nghĩa là lạy bằng cách vái trước rồi sau mới cúi trán sát đất. Đây là cách lạy trong tang lễ_

6. Hung bái: Nghĩa là lạy bằng cách cúi trán xuống sát đất rồi sau mới vái. Cách này dùng trong khi để tang ba năm.

7. Kỳ bái: Nghĩa là phép lạy bằng cách khom một đầu gối. Nay gọi là Nhã bái. Cũng có thuyết nói đây là phép lạy một lạy để đáp lễ quân thần.

8. Bao bái: Nghĩa là phép lạy trả lần thứ hai đối với Thần Thánh và thần thi.

9. Túc bái: Nghĩa là phép lạy bằng cách hạ tay xuống thấp. Nay là cách vái, cũng chỉ phép lạy của phụ nữ. Lối này có khi vái đến ba lần. Không thủ bái và Kỳ bái chỉ vái một lần. Các phép khác vái lạy đến hai lần.

Trên đây là nguyên văn về phép lạy của thế gian được Trịnh Huyền chú thích. Theo Phật giáo, lại lấy kính làm đầu. Đại khái có hai yếu tố là thân và tâm. Tâm là gốc, thân là ngọn, nên khi Tu-Bồ-đề ngồi lặng quán tưởng trong phòng, đức Phật tán thán uy đức trang nghiêm hiện tỏ khắp pháp thân, khi ni sư Liên Hoa Sắc vừa bươc đến bậc của bảo tọa, đức Phật chê là đến chiêm bái Hóa Phật. Thế mới biết rằng tịnh lặng chiêm nghiệm huyền cơ, mỗi niệm đều hướng về đại đạo, chỉ lo chăm chút hình dung, đua đòi thế tục, phô trương nhân ngã, chỉ làm cản trở đại đạo. Do đó, đức Phật châm chước phân thành hai loại kính lễ trong tâm và kính lễ ngoài thân. Hành giả đời nay cần vận dụng cả hai loại kính ấy để dần dần hướng thiện, tinh tiến tu trì. Đạt đến giải thoát.

Lại nữa, kinh Đại-từ nói: “Đức Phật bảo A-nan, Nam-mô Phật nghĩa là xác định danh hiệu chư Phật bằng âm thanh, nên mới xưng tụng Nam-mô đức Phật. Ngày xưa có vị đại thương gia cùng các thương gia khác sắp bị cá ma-kiệt rất lớn nuốt thuyền, nhờ niệm danh hiệu Nammô Phật ba lần nên được thoát nạn. Cá kia nghe danh hiệu Phật, sẵn có lòng lành, liền thoát kiếp cá, sau còn xuất gia đắc đạo, huống gì có người nghe được danh hiệu đức Phật, được nghe chánh pháp, được gần chổ Phật, được gieo các hạt giống lành, há chẳng thâu được lợi ích.”

Lại nữa, luận Thập-tụng nói rằng: “Đức Phật bảo Ưu-ba-ly, khi nói “hòa nam” là do miệng nói. Nếu khom mình xuống gọi là tâm tịnh. Như khi Tỳ-kheo hành lễ, từ chổ ngồi đứng dậy, để lộ vai phải, cởi giày da, quỳ gối xuống đất, đưa hai tay chạm vào chân vị thượng tọa mà hành lễ”.

Thuật rằng: “Theo kinh nói, “hòa-nam” là tiếng phạm, có khi

gọi lại Na-mô-bà-nam. Các tiếng này chưa đúng, thật ra, phải nói bàn đạm nghĩa là tôi làm lễ, đôi khi còn gọi là quy lễ. Quy là tình cảm chân thật của ta, lễ là gốc cùng tột của kính. Có người nói quy mệnh thay cho Nam-mô thì nghĩa lý và sự việc đều phù hợp, nội tâm và ngoại giới đều thấu đáo. Thế gian lại chuộng Nam-mô mà coi nhẹ kính lễ vì không hiểu rõ lối phiên dịch giữa Phạm ngữ và Hán ngữ, lại càng mờ mịt khi nghe nói hòa-nam chư Phật, đến nỗi phát lên cười rân! Hơn nữa, hòa-nam thì luận Thiện-Kiến dịch là quy mệnh và cũng dịch là lễ Đại thọ. Lại nữa, hòa-nam thì Xuất yếu-luật-nghi lại dịch là cung kính, luận Thiện-kiến dịch là độ tôi. Theo đó mà nói, nếu cung kính và độ tôi mang ý nghĩa chung cả phàm lẫn Thánh, thì hòa-nam không thể chỉ riêng cho tôn sư mà còn dùng chung cho đức Phật và các Thánh Tăng, mong cầu cứu độ chúng-sinh. Thế nên trong kinh, mỗi khi đến trước chổ Phật, xưng rằng Nam-mô vô sở trước chí chân đẳng chánh giác, nghĩa là buột miệng xưng tán công đức của chư Phật vậy.

Thứ sáu: PHẦN PHU TỌA

Thuật rằng: Kính tìm trong kinh luật, không thấy ghi chép nghi thức tọa cụ, chỉ nói về cởi giày, lạy dưới chân mà thôi. Xét theo nhu cầu, cũng cần đến tọa cụ, nên luật Tứ-phần nói: “Để bảo vệ thân, áo và chiếu nằm mới chế ra tọa cu”. Rõ ràng công dụng của tọa cụ cốt để bảo vệ thân, áo và chiếu nằm. Hơn nữa, tọa cụ chỉ sử dụng khi ngồi, không trải ra khi lễ bái. Ngày xưa, khi sắp ngồi, đức Phật vẫn thường trải tọa cụ. Do đó, Tỳ-kheo nên tự trải tọa cụ khi ngồi, không để người khác trải giúp. Nay thấy chư Tăng Ấn Độ đến trước điện Phật hành lễ thì xăn quần, đặt gối sát đất, chắp tay và quỳ mọp, miệng tán thán danh hiệu đức Phật rồi đảnh lễ. Đây là nghi thức có truyền thống từ xưa, đầy vẽ cung kính đáng noi theo. Tăng ni của ta đến trước điện Phật đều sai thị giả trải tọa cụ. Như thế, chỉ Tăng kiêu mạn, chưa được chí kính. Hơn nữa, đến trước điện Phật đứng chờ người trải chiếu xong mới hành lễ. Điều này, cũng không nên làm. Lại có khi ngồi trên sập để hành lễ. Điều này, cũng rất bất kính. Vừa thấy quân vương liền phải hạ mình kính bái, không thể ngồi trên sập. Quân vương là bậc chí tôn của thế gian, còn tỏ hết lòng cung kính, không dám cao ngạo, huống hồ là đấng pháp vương, lại dám so đo? Trong đó, dẫu có chút kính cung, cũng mắc phải tội cao ngạo. Thế nên, kinh Tam-Thiên-uy nghi nói rằng: “Không được ngồi trên sập để hành lễ”.

Thứ bảy: PHẦN NGHI THỨC

Thuật rằng: phần này đặc biệt có năm nghi thức:

1. Nói rõ nghi thức cởi giày: Đây là nghi thức tỏ bày lòng cung kính tột bực. Theo lễ nghi Trung Quốc, quần thần đứng dưới sân triều kiến nhà vua không cởi giày dép. Khi bước lên điện, kiếm và giày đều phải cởi ra. Lễ nghi này đã có từ xưa, không phải mới đặt ra. Đất đai bên Ấn Độ nóng ẩm, phải lấy da làm giày để mang, nếu gặp bậc tôn quý phải cởi ra. Các nước ở xứ lạnh cũng mang giày, mỗi khi gặp chuyện phải cởi ra để tỏ lòng tôn kính. Dân thường cũng đều mang giày để tỏ lòng tôn kính. Khi vào chùa, không cần phải cởi, nhưng khi bước lên điện Phật, phải cởi ra.

2. Nói rõ nghi thức để lộ vai: Luật nói rằng: “ Để lộ vai phải, hoặc để lộ một vai, hoặc để lộ một cánh tay. Gọi để lộ, nghĩa là để lộ da thịt ra ngoài. Ý bảo khi theo học, cần lao động như người thế gian, xắn tay phải lên để tiện làm việc”. Nay các Sa-môn, chỉ để lộ một vai, có tay áo che lên, thật không đúng phép để lộ vai. Luận Trang-nghiêm bảo: “Các Sa-môn để lộ vai phải nám đen, bọn ngoại đạo ở trần đen đúa, nên không giống nhau”. Trong luật chỉ có ba loại áo may liền vai, khi gặp bậc trưởng lão mới xắn lên để lộ ra, rồi đắp áo lên che lại. Như thế mà bảo là phép để lộ vai! Thật đáng buồn cười! Nên biết rằng nghi thức để lộ vai cốt tỏ lòng cung kính tột bực, khi làm việc, cần lượng trước để xắn lên vừa phải, khi lên điện hay lễ bái chư tôn trưởng, cần y theo phép lộ vai để biểu hiện lòng cung kính. Khi đi ra ngoài chùa, nên đắp y lên vai, đừng để lộ. Bên Ấn Độ oi bức, để lộ vai là bình thường, ở xứ lạnh này, nhiều người sẽ chê cười. Do đó, luật Tứ-phần có nói: “Tuy ta dạy thế, nhưng ở các nước khác, nếu thấy không tiện lợi thì đừng làm. Không đến nỗi mang tội.

3. Nói rõ nghi thức cung kính: Luật nói: “Phải dốc một lòng chắp mười ngón tay và hai bàn tay cúng dường đức Phật”. Hoặc nói: “ Chắp tay bạch cùng đức Phật”. Nghĩa là sửa đổi diện mạo trang nghiêm để tỏ lòng cung kính, giữ tâm không cho tán loạn. Tâm vốn khó chế ngự, nên phải chắp tay mới giữ được một lòng. Hiện nay, phần đông người lễ Phật chỉ chắp ngón tay, không chắp bàn tay. Hoặc chỉ chắp ngón tay mà mở bàn tay, do lòng ngã mạn, phóng túng gây ra cả. Thà mở ngón tay mà chắp tay hơn là chắp ngón tay mà mở bàn tay. Muốn cầu phúc, rốt cuộc lại gây nên tội ngã mạn. Cần biết nghi thức một lòng chắp tay tức phải đem đỉnh đầu, hai khuỷu tay và hai đầu gối cúi mọp xuống sát đất mà hành lễ. Do đó, luận Địa-trì có nói: “Cần hướng năm luân xuống sát đất khi hành lễ”.

Lại nữa, kinh A-hàm nói: “ Hai khuỷu tay, hai đầu gối và đỉnh đầu là năm luân. Luân là tròn. Năm luân này đều tròn, có thể đưa lên xuống và xoay chuyển sinh ra phước đức, nên mới gọi là luân”. Hiện nay, khi lễ bái, chư Tăng Ấn Độ vén quần để lộ gối, quỳ xuống, rồi chống hai khuỷu tay xuống đất, hai bàn tay để không, tỏ ý muốn ôm chân tôn túc. Nếu tôn túc đang kết già, không buông chân ra thì không cần phải thực hiện nghi thức ôm chân. Các Sa-môn của ta khi hành lễ, hai tay lạy xuống đất, hai chân chống phía sau, đầu không đụng đất, trong thật lười biếng cẩu thả. Đã biết rõ nghi thức năm luân đụng xuống đất, cũng cần biết nghi thức gối phải quỳ dài của phép Hồ Quỳ. Trong kinh đã nói nhiều về phép Hồ quỳ. Hồ quỳ nghĩa là trường quỳ, là nghi thức biểu lộ lòng cung kính theo phong tục Ấn Độ. Chẳng có gì lạ, ấy là quỳ hai gối xếp sát nhau khi muốn thỉnh cầu hay sám hối với bậc tôn trưởng.

– Nói rõ nghi thức lễ bái: Thanh-luận gọi lại Bàn-na-mị, Trung Quốc gọi là lễ bái. Luận Trí-độ nói: “Lễ bái có ba nghi thức:

1. Là miệng lễ bái, nghĩa là miệng nói Hòa-nam. Đây là nghi thức lễ bái cấp thấp.

2. Là quỳ gối, đầu không sát đất. Đây là nghi thức lễ bái trung bình.

3. Là đỉnh đầu sát đất. Đây là nghi thức lễ bái cấp cao. Thấp thì vái, trung bình thì quỳ, cao thì cúi đầu.

Bồ-tát lễ Phật có ba nghi thức:

1. Là sám hối tội lổi.

2. Là tùy hỷ, hồi hướng,

3. Là cầu xin đức Phật”.

Hỏi: “Lễ bái là nghi thức của thân, tại sao cũng chung cho cả ba nghiệp?”

Đáp: “Lễ bái chung cho ba nghiệp. Năm luân đụng sát đất để trừ bỏ cái xấu của thân. Xưng tụng danh hiệu, tán thán đạo đức của đức Phật để trừ bỏ cái xấu của miệng. Tâm thường máy niệm, như gương trước mắt, để trừ bỏ cái xấu của ý. Nhằm đối diện với Phật nhãn, nên thân cần lễ bái. Nhằm đối diện với thiên nhĩ, nên miệng cần đọc tụng. Nhằm đối diện với tâm khác, nên ý cần máy niệm. Miệng nhờ đọc tụng, nên chứng được Văn tuệ, ý nhờ máy niệm, nên chứng được Tư tuệ. Thân nhờ lễ bái, nên chứng được Tu tuệ, thân nhờ lễ bái nên chứng được giới học. Ý nhờ máy niệm nên chứng được định học. Miệng nhờ đọc tụng nên chứng được tuệ học”. Phần trên đã trình bày cặn kẽ từng nghiệp. Nếu nhìn chung, tam học nắm trọn cả tam nghiệp vậy.

– Nói rõ tà chính trong nghi thức lễ bái: Nghiên cứu nguồn gốc của phép lễ bái, vào đầu đời Tề, tam tạng pháp sư người Ấn tên Lặc-na thấy dân ở đây sống tại miền biên viễn quê mùa, không biết lễ nghi, sinh hoạt giống động vật hoang dã. Động mối từ tâm, pháp sự bèn phiên dịch thành sách Thất-chủng-lễ-bái. Nội dung sách bao la, ở đây chỉ gom ra những điều thiết yếu, gồm thô và tinh. Thô là tà, tinh là chánh, xếp thành bảy loại, chủ ý nhắm vào ba loại sau cùng.

Một là, Lễ bái ngã mạn ngã mạn: Nghĩa là ỷ thị địa vị, tâm không cung kính, cậy Thế tôn trưởng, chẳng nể nang ai, chẳng học hỏi ai, không giữ cương kỷ, trong khi hành lễ, để tâm vọng ngoại, đầu gật lên xuống, như chày giã gạo, như máy cử động, không chút chân tâm. Khinh đời bạc đạo, thật là vô ích. Ngoài mặt cung kính, trong tâm ngã mạn. Năm luân thiếu xót, ba nghiệp buông lung, như thế gọi là lễ bái kiêu ngạo.

Hai là, Lễ bái xướng họa cầu danh: Loại lễ bái này tuy không cao ngạo nhưng tâm không thanh tịnh, uy nghi thô thiển, thân tâm giả kính. Thấy người, vội vàng lễ bái người vừa đi qua, thân tâm suy sụp. Tựa như nhu mì, có vẻ sốt sắng. Loại này phước này phước đức mỏng mảnh, cúng dường giả dối, chỉ vì miệng xướng liên miên, nhưng tâm buông lung phóng đãng, như thế gọi là lễ bái xướng họa cầu danh.

Ba là, Lễ bái thân tâm cung kính: Nghĩa là nghe xướng tên Phật, liền nghĩ đến thân Phật, như ở trước mặt, tướng tốt đầy đủ, lộng lẫy trang nghiêm. Thành khẩn cúng dường, tha thiết không cùng. Sừng sửng trước mắt, chăm chú không rời. Lễ bái như thế, phước đức lớn lao, dẫn dắt Trời người, nhưng chưa đạt đến mức thượng trí. Về sau sẽ bị thối chuyển. Ấy là lễ bái thân tâm cung kính.

Bốn là, Lễ bái phát trí thanh tịnh : Nghĩa là đạt cảnh giới Phật, trí tuệ sáng láng, biết rõ pháp giới vốn không chướng ngại. Do ta vô thủy buông tuồng phàm tục, sinh ra cố chấp. Nay hiểu bản tâm, thông suốt vô ngại, nên hành lễ Phật, tùy tâm biến hiện. Lễ một đức Phật, tức lễ chư Phật. Tất cả đức Phật, chính là một Phật, nên lạy một lạy, thông khắp pháp giới. Phẩm vật hương hoa, mọi thứ cúng dường, cũng đều như thế. Pháp Tăng càng kính, cũng đồng với ta. Ba ngôi tuy khác, thể tính vốn cùng. Tam thừa tuy khác, giải thoát nghĩa đồng. Thế nên một lạy, nghĩa là mọi lạy, tất cả mọi lạy, nghĩa là một lạy. Như thế, tam bảo đã thông, hết cả tam giới, lục đạo tứ sinh, đều cùng niệm Phật, lễ bái cúng dường. Tự tỉnh thân tâm, lâng lâng vô ngại. Niệm Phật cảnh giới, tâm tâm sáng trưng, cúi xuống đứng lên, đều đáng tôn kính. Nhờ đó, thanh tịnh vô cùng, phước báo vô lượng. Ấy gọi là lễ bái pháp trí thanh tịnh.

Năm là, lễ bái vào khắp pháp giới: nghĩa là do hành giả tự quán tưởng từ trước đến nay, thân tâm không lìa pháp giới, không ở ngoài cũng không ở trong thân của chư Phật, không ở ngoài cũng không ở trong ta. Tự tính bình đẳng, không tăng không giảm. Nay lễ một đức Phật, chính là lễ khắp chư Phật. Tất cả ba thừa đều đạt phẩm vị vô lậu. Thân ta có khắp, đức Phật cũng khắp, suy ra pháp giới, kể cả hữa vô, y báo, chánh báo, phẩm vật cúng dường, tài vật đủ loại, đều tùy duyên hiện khắp, không lìa pháp giới, tùy tâm vô ngại, tất cả đều được cúng dường, hoan hỷ đảnh lễ. Giống như trong phòng treo trăm nghìn kính, có người soi kính, ảnh hiện mọi kính. Phật thân thanh tịnh, sáng láng hơn kính, lần lượt soi vào, kính đều chiếu sáng, ảnh cũng hiện rõ. Ấy là tóm cái khác làm tổng thể, vào cái khác mà dị biệt. Một thân đã như thế, huống gì hết thảy thân Thánh phàm của tất cả pháp giới và các phẩm vật cúng hiến đều tùy hỷ cúng dường. Kẻ có mắt thì thấy, kẻ không có mắt thì không không thấy được. Học tập được quy trình của pháp giới như thế, sẽ có lợi ích thật lớn lao, thế nên, luận Địa-trì nói: “Có loại cúng dường hiện tiền va cúng dường bất hiện tiền. Loại cúng dường bất hiện tiền hơn hẳn loại cúng dường hiện tiền vì khó thành tựu”. Đã biết thân ta ở trong thân Phật, sao lại xằng bậy đảo điên, tạo nên ác nghiệp, không biết hổ thẹn? Hơn nữa, đạo hạnh của chư Phật đều giống nhau, danh hiệu cũng không khác. Tụng niệm danh hiệu nào cũng đều bất tận. Chỉ tụng niệm danh hiệu đức Phật Thích-ca, nhưng triệu thỉnh toàn thể chư Phật cũng đều thấu suốt tất cả. Như bên Ấn độ gọi là Thích-ca, bên này gọi là Năng Nhân. Thử hỏi đức Phật nào chẳng nhân lành? Cũng như bên ấy gọi là A-di-đà, bên này gọi là Vô Lượng Thọ. Thử hỏi đức Phật nào chẳng trường thọ? Bên ấy gọi là Di-lặc, bên này gọi là Từ Thị. Thử hỏi đức Phật nào chẳng Từ bi? Thế nên, luận trí-độ nói rằng: “ tài trí của một đức Phật bằng tài trí của tất cả chư Phật. Tài trí của tất cả đức Phật bằng tài trí của một đức Phật. Nếu tất cả chư Phật không hóa độ chúng-sinh, chỉ có một đức Phật hóa độ chúng-sinh, công đức ấy cũng bao la khắp pháp giới”. Như thế gọi là lễ bái vào khắp pháp giới.

Sáu là, Lễ bái chánh quán tu thành: Loại lễ bái này làm sáng tỏ Phật tự thân, không chạy theo nơi khác, Phật khác. Tất cả chúng-sinh đều có Phật tính giác ngộ bình đẳng như nhau, nếu gặp đúng cơ duyên, sẽ bừng sáng tỏ vì cớ mê mờ, chỉ kính tin thân khác, Phật tính trong thân lại nhận lầm là xấu. Nếu tu theo hạnh này, sẽ mắc phải thành kiến đảo điên, nhận thức thân ta là rất xấu, không có Phật tính. Nếu chạy theo kính tin thân khác, sẽ trở thành vô ích mà thôi. Chúng-sinh ngu muội, đem chút lòng thành và hằng hà phẩm vật cúng dường thân khác. Từ vô thủy đến nay, chưa từng đem một ngọn đèn, một cọng nhang, một lạy, một miếng ăn cúng dường Phật tính của chính mình. Nếu biết quay đầu phản chiếu lại giác tính của mình, chắc chắn sẽ có ngày giải thoát. Thế nên, kinh Duy-ma nói: “Nếu tự quán tưởng thật tướng của bản thân thì cũng giống như quán tưởng đức Phật vậy”. Kinh ấy còn nói: “Không quán tưởng Phật, không quán tưởng pháp, không quán tưởng Tăng vì thấy tự thân, tha thân đều bình đẳng với tính chánh pháp” tâm mình thanh tịnh tức là tự tính trụ vào Phật tính. Tùy sức tu dưỡng tức là dẫu xuất Phật tính, trải qua vô lượng kiếp tu hành, sẽ đạt Phật quả. Nếu căn cứ vào giác ngộ, chánh quả chỉ dành riêng cho các bậc Thánh trí. Nếu nói đến kẻ phàm phu, tuy chưa tu tập, nhưng cũng sẽ có ngày giải thoát. Muốn vượt đường xa, phải nhờ chính sức mình. Muốn thấy Phật tính, phải quán tưởng Phật của chính mình. Pháp, Tăng cũng thế, vốn chung một thể không hai. Như vậy gọi là lễ bái chánh quán.

Bảy là, Lễ bái thật tướng bình đẳng: Loại lễ bái này đại khái cũng như phép lễ bái nói trên, nhưng phép ấy còn chấp vào lễ bái, vào quán tưởng và còn phân biệt ta với tha nhân. Loại lễ bái sau này không còn ta với tha nhân mà Thánh phàm là một thể dụng viên thông, lâng lâng bình đẳng, xưa nay chẳng khác. Nếu thấy Phật đáng tôn kính, sẽ thấy phàm đáng rẻ đáng khinh. Máy niệm như thế, hãy còn thiên kiến, cố chấp, nên kinh Bát-nhã nói rằng: “Pháp ấy bình đẳng, không cao không thấp, gọi lại A-nậu-Bồ-đề”. Vì thật tướng vượt ngoài mọi niệm, không thể đem tâm nắm bắt, không thể đem trí tìm tòi, không thể đem lễ ra cung kính, không thể đem ngạo mạn ra coi thường. Bỏ cao thấp, rời tôn ti, xem thanh thản và bối rối cùng nguồn, khiêm cung và xấc láo chung gốc. Trụ tâm an nhiên như thế, gọi là lễ bái bình đẳng. Thế nên, sách Văn-thù-lê-văn có nói: “Vì bất sinh bất diệt nên kính lễ không còn quán tưởng”. Kẻ phàm phu thoạt nghe phép lễ bái này sẽ đâm ra phỉ báng, còn bậc thượng trí trong tâm bình đẳng, ngoài mặt kính cung. Trong ngoài điều đúng đắn thích nghi như thế, gọi là phép lễ bái bình đẳng. Lại nữa, trong kinh Tăng-nhất-A-hàm, đức Phật có nói kệ rằng:

“Nếu muốn lễ bái Phật
Quá khứ và tương lai,
Nay nói trong hiện tai,
Phải dùng phép không quán.
Nếu muốn lễ bái Phật
Thời quá khứ tương lai
Và đức Phật hiện tại,
Phải dùng phép vô ngã.
Làm thiện trước khi lễ
Lòng không vướng tội lổi,
Cửa giải thoát hư vô,
Mới đúng nghĩa lễ Phật
Nếu muốn lễ bái Phật
Tương lai và quá khư,
Dùng không quá khứ,
Dùng không quán, vô ngã
Mới đúng tên lễ Phật”.

Tụng rằng:

“Cúi lạy Tam bảo,
Quy y mười phương,
Cung kính chiêm bái,
Được phước trừ ương.
Đạo mầu rực rỡ,
Lời pháp đầy hương.
Hiển, mật cùng mở,
Hóa độ vô cùng.
Nay sinh ta-bà,
Mai về tây phương.
Hân hoan đảnh lễ,
Phước quả niên trường.
Pháp tính vốn một,
Sao chia lắm đường?
Kiền thành một lạy,
Công đức khó lường”.

NHÂN DUYÊN CẢM ỨNG:

Giữa niên hiệu Vũ đức đời vua Cao tổ đời Đường (618-62), Lý Sơn Long người huyện Bằng Dực, làm tả giám môn hiệu úy, bỗng nhiên chết đi, chỉ còn một khoảng bằng bàn tay phía trên ngực là chưa lạnh hẳn, Thâu nhân không nở đem khâm liệm. Bảy ngày sau sống lại, kể rằng khi đang hấp hối, bị âm sứ bắt đem đến một tòa công sở to lớn, rất uy nghiêm. Giữa sâu chừng mấy nghìn tù nhân, lớp bị xiềng xích, lớp bị gông cùm, tất cả đều quay về phía bắc. Âm sứ giải Sơn Long đến dưới công đường. Một vị thiên quan ngồi oai vệ trên sập, nghi vệ đàn hầu như bậc vua chúa. Sơn Long hỏi âm sứ “Vị ấy là ai?” Âm sứ đáp: “Đây là nhà vua”. Sơn Long bước tới trước bậc thềm. Nhà vua hỏi: “Thuở còn sống, nhà ngươi có tạo phước đức gi không?” Sơn Long thưa: “Mỗi khi làng mở đàn chay giảng kinh, tôi thường bố thí tiền của cùng với mọi người”. Nhà vua lại hỏi: “Bản thân nhà ngươi từng làm việc lành gì không?” Sơn Long thưa: “Tụng được hai quyển Pháp-hoa”. Nhà vua khen: “Tốt lắm, bước lên đây! “Sơn Long bước lên thềm thấy phía Đông bắc công đường có đặt một tòa cao như đàn giảng kinh. Nhà vua chỉ vào đó, bảo Sơn Long: “Hãy bước lên tòa để giảng kinh”. Sơn Long vâng lời, đến bên tòa. Nhà vua đứng lên, bảo: “Mời pháp sư lên giảng tòa”. Sơn Long bước lên, an vị xong, nhà vua bắt đầu ngồi xuống phía trước. Sơn Long mở kinh ra đọc: “Phẩm thứ nhất, bài tựa kinh Diệupháp-liên-hoa”. Nhà vua phán: “Mời pháp sư xuống tòa”. Sơn Long vâng lời bước xuống dưới thềm. Nhìn chung quanh, tất cả tù nhân đều đi mất, chẳng còn ai. Nhà vua bảo: “Phước đức do ông tụng kinh, không phải chỉ một mình ông được hưởng mà còn làm cho các tù nhân trong sân đều được tha tội. Lành thay, nay ta thả cho ông được sống lại”. Sơn Long bái từ, đi được chừng 10 bước, nhà vua kêu trở lại, bảo kẻ hầu dẫn cho Sơn Long đi xem qua các nhà ngục. Kẻ hầu dắt Sơn Long đi về phía đông hơn trăm bước, gặp một tòa thành bằng sắt rất to lớn, trên có mái che kín, trổ nhiều cửa sổ nhỏ như cái bồn, cái chén. Sơn Long thấy nhiều người nam nữ bay vào trong cửa sổ rồi mất hút, không trở ra. Lấy làm lạ, Sơn Long hỏi kẻ hầu. Đáp rằng: “Đây là đại địa ngục, trong có nhiều ngăn, dành cho các loại tội nhân. Bọn người này tùy theo nghiệp ác của mình, phải bay vào đó chịu tội”. Sơn Long nghe nói, đau xót niệm Nam-mô Phật và xin kẻ hầu đưa ra. Đến cổng đền, thấy bày vạc sắt lớn, lửa cháy phừng phừng, nước sôi tung tóe. Bên cạnh, có hai người ngồi ngủ. Sơn Long hỏi thăm, hai người ấy đáp rằng: “Bọn tôi bị tội báo, phải nhảy vào trong vạc nước sôi này. May nhờ ngài có đạo tâm niệm Nam-mô Phật, nên các tội nhân trong ngục đều được nghỉ một ngày để ngủ dưỡng sức. Sơn Long lại niệm Nam-mô Phật. Kẻ hầu ông nên bạch với ngài xin bản văn sao, sợ các quan mới sau này không biết, lại sai bắt ông”. Sơn Long bèn vào yết kiến nhà vua, xin bản văn sao, nhà vua sai đưa giấy, viết vào một hàng chữ rồi giao cho kẻ hầu đưa đi lấy chữ ký khắp năm đạo. Kẻ hầu vâng mệnh, dắt Sơn Long đi khắp hai tào, các quan trong công đường đều biết tên ký đủ mới giáo lại cho Sơn Long. Ra đến cổng, có ba người bảo Sơn Long; “Nhà vua thả cho ông về, xin cho chúng tôi chút ít quà cáp”. Sơn Long chưa kịp trả lời, kẻ hầu bảo: “Nhà vua thả ông, chứ không phải ba người này nhưng trước đây, chính bọn họ đã đến bắt ông. Một người là chúa dây, chuyên dùng dây trói. Một người là chúa gậy, chuyên dùng gậy đánh vào đầu. Một người là chúa đãy, chuyên dùng đãy hút hơi thở. Nay bọn họ thấy ông về, nên đến xin quà cáp. Sơn Long sợ sệt đáp: “Ngu si không biết các ngài. Xin chờ về đến nhà, sẽ sắm sửa quà cáp, nhưng không biết giao nạp chổ nào?” Bọn họ nói: “Nhớ đem đốt dưới gốc cây bên bờ sông”. Sơn Long ừ vâng. Kẻ hầu đưa đến nhà, thân nhân đang xúm nhau khóc lóc, bày đồ khâm liệm. Sơn Long vừa bước đến bên xác, liền sống lại. Hôm sau, cắt giấy làm tiền bạc, vải vóc và thức ăn rồi đem ra đốt bên bờ sông. Bỗng nhiên ba người ấy bước đến cám ơn rằng: “Mang ơn ông không quên lời hứa, đem cho đầy đủ quà cáp”. Nói xong, cả ba cùng biến mất.

Chuyện này do chính Sơn Long kể lại cho trụ trì chùa Tổng trì nghe. Trụ trì lại đem kể cho Lãm tôi nghe. (Linh nghiệm trên đây rút từ sách Minh-báo-ký).