PHÁP UYỂN CHÂU LÂM

Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 17

 

Thiên thứ 6: KÍNH PHẬT

Thứ sáu- PHẦN PHỔ HIỀN

Hiện nay, đang thời mạt pháp, ít người thực hành phép quán tưởng, nên kinh không ghi chép. Vì thế, tạm thuật lại chuyện linh nghiệm: 1. Thái hậu Lộ Chiêu đời Tống. 2. Sa-môn Thích Đạo Ôn đời Tống. 3. Sa-môn Thích Đạo Cảnh đời Tống. 4. Sa-môn Thích Phổ Minh đời Tống.

1. Năm Đại Minh thứ tư đời Tống, thái hậu Lộ Chiêu tạo tượng Bồ-tát Phổ Hiền ngồi xe quý do voi trắng kéo và tôn trí tại Thiền phòng Trung hưng, nhân đó, mở pháp hội giảng kinh ở chùa. Ngày mồng tám tháng mười năm ấy, thọ trai xong, hai trăm Tăng sĩ đến tham dự đều nghỉ ngơi. Bấy giờ, chùa chiền vừa cất, nhà vua rất quan tâm, mỗi tuần ngự gía đến sáu bận. Chư Tăng tịnh tu cần mẫn, ngự lâm quân canh gác nghiêm nhặt. Bấy giờ, chư Tăng an vị được một hồi, bỗng có một vị Tăng xuất hiện trên pháp tọa, dáng dấp thanh tú khác thường. Cử tọa giật mình, chăm chú nhìn theo. Trai chủ cùng vị Tăng ấy đàm đạo hằng trăm lời rồi không thấy nữa. Chư Tăng chứng kiến đều biết đó là thần nhân giáng hiện.

2. Chuyện này cũng là chuyện thứ nhất viết rõ lại, nên không dịch.

3. Sa-môn Thích Đạo Cảnh đời Tống, người Hảo Trĩ thuộc Phù phong, vốn họ Mã, học vấn uyên thâm, nổi tiếng từ nhỏ. Tháng chín năm Nguyên gia thứ hai, làm trai lễ giúp tín chủ tại Lạc dương, Đạo đời gồm khoảng bốn mươi người. Hôm ấy, được một tuần, đại chúng đang thọ ngọ trai, chợt có một người mặc quần ngắn, cưỡi ngựa vào trước trai đường rồi bước xuống lễ phật. Sa-môn cho là người bình thường, không đối xử đặc biệt. Xong xuôi, người ấy lên ngựa, ra roi vút đi và biến mất. Chỉ thấy ánh hào quang đỏ chói sáng láng đầy Trời, một lúc lâu mới tan đi. Tháng mười hai năm sau, Sa-môn lại làm trai lễ ở một tín chủ. Hôm sắp xong, có hai vị Sa-môn dáng dấp ăn mặc như người đời, đi thẳng vào lễ Phật. Đại chúng xem thường, không mấy kính nễ, hỏi thử: “Ở đâu?” Đáp rằng: “Tại đầu làng.” Trong hàng cư sĩ có Trương Đạo, biết là dị nhân, nên hết sức kính trọng. Hai vị Sa-môn ra khỏi cửa, đi chừng mười bước, chợt thấy một luồng bụi bay vút lên Trời. Nhìn lại, hai vị Samôn đã biến mất. Năm Nguyên gia thứ bảy, Sa-môn cùng các pháp lữ tham quan kinh thành. Bấy giờ, tư không Hà Thượng Chi mới cất Tinh xá Nam giản, Sa-môn đến đó tá túc. Nửa đêm bỗng thấy bốn người cưỡi xe mới đến tận phòng, có bốn viên truyền giáo theo hầu, gọi cửa chở đi. Sa-môn ngại ngùng đêm khuya, lòng rất nghi hoặc, chưa kịp nói gì, mắt hóa tối tăm, không hay đã bước lên xe. Nhấp nháy chạy đến cầu Thẩm sau quận, gặp vị Trưởng giả mặc áo kép áo đơn bằng vải hoa, ngồi trên sập, che cờ lớn, tán hình lọng hoa. Nghi vệ, người hầu đến mấy trăm, đều mặc áo vàng. Thấy Sa-môn, vị Trưởng giả giật mình, bảo: “Ta chỉ muốn biết vị Sa-môn thực hành phép niệm Phật Tam-muội ấy ở đâu, các ngươi dẫn đến đây làm gì?” Nói xong, lập tức sai đưa về. Vừa đến cổng Tinh xá, người đưa biến mất. Cổng vẫn đóng kín. Sa-môn gọi mãi, chư Tăng đều giật mình, mở cổng cho Sa-môn vào. Nhìn lại phòng của Sa-môn, cửa còn cài then như cũ. (3 chuyện trên rút từ Minh-tườngký)

4. Sa-môn Thích Phổ Minh ở chùa Định Lâm vùng Tề thượng, vốn họ Trương, người gốc Lâm vị. Xuất gia từ nhỏ, bẩm tính thanh cao, chuộng rau dưa áo vải, chuyên tâm hành trì lễ sám. Thường tụng các kinh Pháp-hoa và Duy-ma. Mỗi lần tụng niệm, thay pháp phục, sửa tọa cụ thật sạch sẽ. Đến phẩm Khuyến phát, chợt thấy đức Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng phía trước. Tụng kinh Duy-ma cũng nghe tiếng Thiên nhạc dìu dặt giữa lưng chừng không. Ngài giỏi niệm thần chú, cứu chữa ai nấy đều lành. Vợ của Vương Đạo Chân trong làng mắc bệnh, rước ngài đến niệm chú. Ngài vừa bước vào cửa, người vợ lập tức hôn mê. Giây lát, xuất hiện con vật giống loài chồn, mình lớn chừng vài thước, phóng ra khỏi lổ chó chui. Nhờ thế, người vợ hết bệnh. Ngài thường đi ngang miếu thờ Thủy thần, bọn đồng cốt bảo nhau: “Thủy thần gặp ngài đều bỏ chạy.” Ngài viên tịch giữa niên hiệu Hiếu kiến đời Tống, thọ được tám mươi lăm tuổi. (Chuyện trên rút từ Đường-cao-Tăng-truyện)

Thứ bảy- PHẦN QUÁN ÂM

Thuật sơ lược 20 chuyện linh nghiệm*: 1. Thượng thư Từ Nghiã đời Hậu Tần. 2. Cư sĩ Tất Lãm đời Hậu Tần. 3. Sa-môn Trúc Pháp Nghiã đời Tấn. 4. Sa-môn Trúc Pháp Thuần đời Tấn. 5. Sa-môn Thích Khai Đạt đời Tấn. 6. Cư sĩ Quách Tuyên Chi đời Tấn. 7. Cư sĩ Phan Đạo Tú đời Tấn. 8. Cư sĩ Loan Tuân đời Tấn. 9. Sa-môn Thích Pháp Trí đời Tấn. 10. Nam công Tử Ngạo đời Tấn.11. Sa-môn Đạo Thái đời Tấn. 12. Cư sĩ Tôn Đạo Đức đời Tấn. 13. Cư sĩ Lưu Độ đời Tấn. 14. Cư sĩ Đậu Truyền đời Tấn. 15. Cư sĩ Trương Hưng đời Tấn. 16.Sa-môn Thích Pháp Lực đời Ngụy.

1. Từ Nghiã đời Tần người Cao lục, thuở nhỏ phụng thờ Chánh pháp, làm thượng thư triều vua Phù Kiên. Cuối đời vua này, giặc giả nổi lên như ong. Loạn quân bắt được ông, sửa soạn hành hình, đem chôn hai chân xuống đất, kéo tóc cột lên cây. Nửa đêm, ông chuyên tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Chợp ngủ quên, mơ có người bảo: “Tình thế cấp bách, sao được ngủ yên?” Ông giật mình thức dậy, thấy bọn canh gác mê mệt ngủ say, liền thử cựa quậy. Lạ thay, tay và đầu tóc đều cởi ra, chân cũng rút lên được. Nhờ thế, ông bỏ trốn xa hơn trăm bước, ẩn mình vào lùm cây nhỏ. Vừa yên, liền nghe tiếng chân rượt theo rầm rập. Bọn giặc đổ xô lục lạo khắp chung quanh, nhưng không phát hiện. Đến sáng, khi chúng tản đi, ông trốn về ngôi chùa quen ở đất Nghiệp, thoát khỏi đại nạn.

2. Tất Lãm đời Hậu Tần ở Đông bình, phụng thờ Phật pháp từ nhỏ. Theo Mộ Dung Thùy chinh phạt giặc Hồ tại phương Bắc, rơi vào vòng vây của giặc, ông một mình một ngựa cố trốn thoát, bọn giặc quất ngựa rượt theo gần kịp. Ông thành khẩn niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Nhờ thế thoát được, chạy vào núi sâu, lạc mất đường. Lại càng chuyên tâm niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Nửa đêm, gặp vị Sa-môn mặc pháp phục, cầm Thiền trượng chỉ giúp lối tắt ra đường cũ về yên ổn đến nhà.

3. Giữa niên hiệu Hưng ninh đời Tấn, Sa-môn Trúc Pháp Nghiã tu hành ở núi Thủy ninh, thấu hiểu kinh điển, nhất là kinh Pháp-hoa. Đồ chúng theo học đông hơn trăm người. Năm Hàm an thứ hai, bỗng nhiên mắc chứng đau tim, ngài cố giữ lòng niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Chợt mơ thấy người mổ bụng rửa ruột giúp cho. Tỉnh dậy liền hết bệnh. Phó Lượng thường bảo: “Cha tôi và ngài Pháp Nghiã giao du thân thiết, có nói rằng đức Quán Thế Âm linh hiển rành rành trong mọi chuyện lớn nhỏ.”

4. Sa-môn Trúc Pháp Thuần đời Tấn, trụ trì chùa Hiển Khánh ở Sơn âm. Giữa niên hiệu Nguyên Hưng, do xây dựng chùa, ngài đến bến

Thượng lan mua xác nhà cũ, lộ trình đi bằng đường hồ. Chủ nhà là phụ nữ, muốn tiện định giá, nên cùng ngài ngồi chung thuyền đến tận nơi. Khi vào hồ lớn, Trời chiều nổi gió, sóng to như hòn non. Thuyền nhỏ nước vào, cái chết kề cận. Sa-môn suy nghĩ, gặp chuyến đi bất hạnh, phải chịu tai ương, nhưng còn người phụ nữ ngồi chung thuyền, đừng quá sợ hãi. Bèn chuyên tâm tụng kinh Quán Thế Âm. Nhấp nháy có chiếc thuyền trôi đến. Bấy giờ đã về đêm, thuyền bè đều nghỉ, không thể còn thuyền qua lại. Đây chính là sức thần cứu giúp, liền cùng lên thuyền. Vừa xong, thuyền nhỏ lập tức chìm lỉm. Thuyền lớn lướt theo sóng gió, chẳng bao lâu đã vào được trong bờ.

5. Năm Long an thứ hai đời Tấn, Sa-môn Thích Khai Đạt lên gò hái cam thảo, bị rợ Khương bắt đi. Năm ấy xảy ra nạn đói lớn, bọn Khương, Hồ ăn thịt lẫn nhau, bèn đem nhốt ngài vào trong chuồng rào cùng hơn 10 người. Đến đêm làm thịt ăn hết, chỉ còn lại một mình ngài. Từ khi bị bắt, ngài chuyên tâm tụng kinh Quán Thế Âm không biết mệt mỏi. Sáng mai, đến lượt ngài sẽ bị ăn thịt. Trời mới rạng đông, bỗng nhiên có con cọp thật lớn xông thẳng vào bọn Khương, gào rống mãnh liệt, khiến cả bọn hoảng hồn bỏ chạy tán loạn rồi tiến lên cắn phá hàng rào, khuyết một chổ vừa người lách qua và từ từ bỏ đi. Khi thấy cọp phá chuồng, ngài nghĩ chắc chắn sẽ bị làm hại. Đến lúc hàng rào đã thủng nhưng cọp không vào, ngài nghi thần lực của đức Quán Thế Âm cứu độ. Ước chừng bọn Khương không thể đuổi kịp, ngài ra khỏi hàng rào, băng mình chạy trốn. Đêm đi ngày núp mới thoát được nạn.

6. Năm Nghiã hy thứ tư đời Tấn, Quách Tuyên Chi vốn người Thái Nguyên, làm tư mã phụ tá cho Dương Tư Bình tại phủ Lương châu. Họ Dương đã mưu hại bọn Phạm Nguyên Chi, liền bắt luôn Tuyên Chi đem giam chung vào ngục. Ông dốc tâm cầu nguyện đức Quán Thế Âm. Đêm sau sắp ngủ, bỗng trông thấy ánh hào quang của ngài chiếu sáng khắp ngục. Ông hành lễ cầu khấn một hồi lâu, hào quang mới biến mất. Chẳng bao lâu, chỉ một mình ông được nhà vua ban ơn tha tội. Ông vẽ lại tượng thờ theo sắc tướng đã trông thấy và cất lên Tinh xá. Về sau, ông làm phó quan ở Linh lăng và Hành dương.

7. Phan Đạo Tú đời Tấn, vốn người Ngô quận, năm hơn hai mươi tuổi cầm quân đánh giặc ở phương Bắc. Vì quân ít, phải thua trận, ông chạy trốn, bị bắt làm nô lệ mấy chổ tại đất giặc xa xôi. Ông muốn trốn về nhưng chưa có cơ hội. Từ nhỏ, ông tin thờ Phật pháp, thường thành tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, thỉnh thoảng mơ màng thấy hình tượng của ngài. Sau đó, ông bỏ trốn về Nam, lạc mất đường đi. Bơ vơ giữa chổ núi thẳm, bổng nhiên hiển hiện chân thân của ngài, giống hệt các pho tượng cung nghinh. Ông kính cẩn hành lễ, vừa xong liền biến mất. Lập tức ông biết được đường về nước. Từ đó, ông càng tinh tiến tu hành Chánh pháp, đến năm sáu mươi tuổi mới mất.

8. Loan Tuân đời Tấn, không biết người ở đâu, mộ Đạo từ nhỏ, từng làm huyện lệnh tại Phú bình thuộc Phúc châu. Trước đây, có đi đánh bọn giặc Tuần bị thua, bè phát cháy gần hết, giặc lại ép sát. Đang ở giữa sông, bốn bề sóng gió hãi hùng, ông nghĩ phen này sẽ mất mạng, nhưng vẫn niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Nhấp nháy, có một người đứng vững giữa dòng, lưng ngang mặt nước. Ông biết lời cầu nguyện đã linh nghiệm, hơn nữa, thế lửa và bọn giặc quá cận kề, liền nhảy xuống, lội đến bên cạnh. Lạ thay, thân thể nổi phều, giở chân như đi trên đất. Bỗng chốc, đại quân phái thuyền đến cứu, tàn quân nhờ thế đều thoát thân.

9. Sa-môn Thích Pháp Trí đời Tấn, thuở còn làm người thế tục, từng đi một mình bằng qua vùng đầm lớn, gặp đám cháy nổi lên mãnh liệt khắp bốn bề. Ngài thành tâm hành lễ, tụng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Giây lát lửa tàn, cây cỏ trong đầm chẳng còn một cọng, trừ chổ ngài ẩn núp không bị thiêu hủy. Từ đó, ngài bắt đầu chuyên tâm phụng thờ Chánh pháp. Về sau, ngài làm tướng cho Diêu Hưng, cầm quân lên đường lùng giặc. Khi rút quân, mất ngựa, lạc giữa vòng vây, ngài trốn trong lùm gai góc bên dòng nước, vừa che kín đầu. Lại niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm rất thành kính. Bọn giặc đứng bên kia rạch kêu toán hậu quân, chỉ chổ ngài trốn, xông đến giết chết. Bọn này sục sạo tìm kiếm nhưng không phát hiện. Nhờ thế, ngài thoát nạn và phát nguyện xuất gia.

10. Nam công Tử Ngao đời Tấn, vốn người huyện Thủy bình, đóng quân ở thành Tân bình, bị con của chúa giặc Khất Phục đánh bại. Toàn thành mấy nghìn người đều phải tội xử tử. Dù biết sắp chết, ông vẫn chuyên tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Đến phiên ông, nhiều ngọn đao cao thấp cùng bổ xuống, nhưng tay chân bọn đao phủ đều rã rời, không thể chặt nổi. Bấy giờ, Trường lạc công đích thân giám sát việc hành hình, thấy vậy, giật mình hỏi qua thân thế. Ông thong thả trả lời: “Chuyên làm yên ngựa.” Trường lạc công liền sai thả ra. Ông cũng không hiểu tại sao trả lời như thế. Sau đó, bỏ trốn được. Ông tạo một pho tượng đức Quán Thế Âm nho nhỏ, đựng vào hộp trầm hương, đi đâu cũng mang theo.

11. Sa-môn Thích Đạo Thái đời Tấn là vị Tăng ở Tinh xá Hành đường thuộc Thường sơn. Giữa niên hiệu Nghiã Hy, thường mơ thấy người bảo: “Số mạng của ngài sẽ hết vào năm bốn mươi hai tuổi.” Đến năm ấy, Sa-môn quả nhiên mắc bệnh nặng. Sợ không qua khỏi, Sa-môn đem mọi thứ bố thí rộng rãi và dốc hết thành tâm trì tụng danh hiệu đức Quán Thế Âm suốt bốn đêm ngày không xao lãng. Bấy giờ, nhìn qua màn che trước Thiền sàng, bỗng thấy có người thấp thoáng bước vào, gót chân màu vàng óng ánh, hào quang chiếu diệu khắp phòng. Samôn vén màn nhìn vội, người ấy lặng lẽ biến mất. Mừng sợ dập dồn, mồ hôi đổ ra như tắm, toàn thân Sa-môn trở nên nhẹ nhàng, khỏi hẳn bệnh tật.

12. Tôn Đạo Đức đời Tấn, người Ích châu, làm tế tửu bên đạo Lão. Tuổi hơn năm mươi. Vẫn chưa có con trai. Nhà ở gần Tinh xá. Giữa niên hiệu Cảnh bình, Sa-môn ở đấy bảo: “Nếu muốn sinh con trai, nên thành tâm trì tụng kinh Quán Thế Âm, ước vọng sẽ thành.” Họ Tôn liền bỏ đạo Lão, dốc tâm thành kính quy y, trì tụng danh hiệu đức Quán Thế Âm. Chỉ trong mấy hôm đã ứng điềm lành, vợ có thai và sinh con trai.

13. Lưu Độ đời Tấn, người Liêu thành thuộc Bình nguyên. Toàn huyện có hơn một ngàn nhà đều phụng thờ Chánh pháp, tô tạo linh tượng, cúng dường Tăng ni. Gặp thời tướng giặc Mộc Vị cai trị, huyện ấy có kẻ thường bỏ trốn. Mộc Vị nổi cơn thịnh nộ, muốn tiêu diệt cả thành. Mọi người rất lo sợ, định bụng chắc chắn sẽ chết. Lưu độ giữ trai giới thanh tịnh, hướng dẫn mọi người quy y, tụng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Được một lúc , Mộc Vị thấy có vật từ không trung rơi xuống, lượn vòng quanh cột nhà. Giật mình nhìn kỹ, chính là kinh Quán Thế Âm. Sai người đọc cho nghe, Mộc Vị rất thích thú, liền giảm bớt hình phạt chém giết. Nhờ thế, thành này thoát khỏi tai họa.

14. Đậu Truyền đời Tấn là người Hà Nội. Giữa niên hiệu Vĩnh Hòa, Cao Xương làm thứ sử Tinh châu và Lữ Hộ, thứ sử Ký châu tranh quyền, gây mối bất hòa cùng nhau. Họ Đậu được Cao Xương cất nhắc làm cung trưởng. Lữ Hộ phái kỵ binh đánh úp, bắt làm tù binh cùng sáu, bảy đồng liêu, đem giam vào ngục, gông cùm chặt chẽ, định ngày xử trảm. Bấy giờ, Sa-môn Chi Đạo Sơn đang ở trong dinh của Lữ Hộ, trước đây có quen biết với họ Đậu, nghe tin, vào tận ngục thăm hỏi. Họ Đậu nói: “Nay tôi mắc nạn, mạng sống chỉ còn từng giờ. Có cách gì cứu vớt được chăng?” Sa-môn bảo rằng: “Nếu biết thành tâm cầu nguyện, chắc chắn sẽ linh nghiệm.”Họ Đậu từng nghe thần lực của đức Quán Thế Âm, liền dốc lòng cầu nguyện suốt ba đêm ngày. Xem lại gông cùm, như nới hơn trước. Cố gắng vận động, bỗng nhiên lỏng lẻo hẳn trên mình. Lại thành tâm cầu xin thương xót, khiến gông cùm tự nhiên mở ra, nhưng còn đồng bạn, không nỡ thoát thân một mình. Thần lực của đức Quán Thế Âm cứu độ rộng rãi, mong sao mọi người đều được thoát nạn. Nói như thế xong, ông thử kéo lay gông cùm của các đồng liêu. Mọi người lần lượt đều được cởi mở, tựa hồ có người cắt giúp. Tất cả mở cửa chạy trốn. Nhờ đã cảnh giác, nên chẳng ai hay, liền vượt tường ra ngoài. Bấy giờ, đêm đã sắp tàn. Đi được bốn năm dặm, Trời vừa hé sáng. Không dám đi tiếp, phải núp vào bụi rậm. Một hồi, trong ngục phát hiện mất tù, người ngựa rầm rập nối nhau tuôn ra bốn phía tìm bắt. Đốt cỏ, đập cây, không sót chổ nào. Trừ nơi họ Đậu An núp, hơn một mẫu đất, chẳng kẻ nào đến. Nhờ thế, mới thoát được nạn, trở về quê hương. Mọi người đều kính tin Chánh pháp. Về sau, Sa-môn Chi Đạo Sơn sang Giang nam, gặp cư sĩ Tạ Phu, đem thuật lại đầy đủ câu chuyện. (1 chuyện trên đây rút từ Minh-tường-ký)

15. Trương Hưng đời Tống, vốn người Tân Hưng, cũng tin Phật pháp, từng thọ Bát quan trai giới với các Sa-môn Tăng Dung và Đàm Dực. Vì bọn cướp khai có liên can, ông bỏ trốn. Vợ bị bắt giam vào ngục, chịu tra khảo nhiều ngày. Bấy giờ, huyện phát cháy, phải dời tù ra bên đường. Thấy các Sa-môn đi ngang, người vợ kêu van: “Xin các Hòa thượng ban ơn cứu giúp.” Sa-môn Tăng dung bảo rằng: “Bần đạo sức yếu, không thể cứu nổi. Cần phải siêng năng tụng niệm đức Quán Thế Âm mới mong thoát khỏi.” Người vợ cầu khẩn tụng niệm hơn 10 hôm. Một đêm, mơ thấy vị Sa-môn lấy chân hất vào người, bảo: “Nào, nào, dậy đi!” Người vợ giật mình thức dậy, thấy tất cả gông xiềng đều mở ra, liền chạy ra cửa, nhưng cửa vẫn còn đóng, ngục tốt canh gác rất nghiêm, không tài nào ra được. Sợ bị phát giác, bèn mang lại gông xiềng rồi ngủ quên. Lại thấy vị Sa-môn lúc trước bảo: “Cửa đã mở xong.” Người vợ thức dậy bỏ trốn. Bọn canh gác ngủ vùi, người vợ yên tâm cất bước, lúc ấy Trời rất tối. Đi được mấy dặm, bỗng gặp một người. Người vợ kinh hãi, té nhào xuống đất. Đến khi nghe tiếng, chính là Trương Hưng. Vợ chồng mừng mừng tủi tủi dắt nhau đi suốt đêm đến chùa Sa-môn Tăng Dực, được ngài che giấu nên thoát khỏi tai họa. Đương thời nhằm niên hiệu Nguyên gia năm thứ nhất. (Chuyên trên rút từ Minh-tường-ký)

16. Cuối đời Ngụy, Sa-môn Thích Pháp Lực ở Lổ quận, chưa rõ quê quán, chuyên tu khổ hạnh, có chí xây chùa dựng tháp. Ngài muốn cất ngôi Tinh xá, nhưng chưa đủ khả năng, liền cùng Sa-môn Minh Sâm lên vùng Thượng cốc khất thực hạt mè. Chở về một xe, ngang qua đầm lớn vắng vẻ, thình lình gặp nạn cháy đồng. Xe đi dưới gió, sợ khó thoát khỏi, Ngài mệt quá, ngủ quên. Đến khi thức giấc, lửa vừa lan đến. Ngài cất tiếng niệm Quán, chưa kịp phát Thế Am, gió lập tức đổi chiều, lửa cũng tắt theo. Nhờ thế, được bình an trở về chùa. Lại nữa, Sa-môn Đạo Tập vân du ở Tây sơn thuộc vùng Thọ dương, bị hai tên cướp bắt được, trói vào gốc cây, sửa soạn ra tay giết hại. Ngài quyết tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm đến chết không ngừng. Bọn cướp giương đao chặt xuống mấy lần đều không hề hấn, liền hoảng sợ bỏ chạy. Nhờ thế, ngài được thoát nạn. Lại nữa, Sa-môn Pháp Thiền lên núi gặp cướp sắp sửa giết chết. Ngài chỉ niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm. Bọn cướp giương cung bắn tới, tên không bay đi, liền bỏ ác tâm, liệng cung xuống đất. Cho là gặp phải thần nhân, kinh hoảng chạy trốn. (Các chuyện nhỏ trên đây rút từ Đường-cao-Tăng-truyện) Tụng rằng:

Đức Phật Năng Nhân
Tùy duyên giáng thế.
Thánh của các Thánh,
Chúa của các chúa.
Sắc tướng ôn hòa,
Kiến giải uyên áo.
Giáo hóa chúng sinh
Diệu lý Trung quán
Soi sáng đường mê
Dịu dàng đuốc tuệ.
Muôn vàn biến hóa,
Trải qua mấy thuở!
Ngày là ráng chiều,
Ngày là mây báu.
Giúp ta, hiện hình,
Thương ta, hóa phép.
Tam thừa đã mở,
Song lâm diệt độ.
Tuy nhập Niết-bàn,
Chánh pháp còn đó!

Thiên thứ bảy: KÍNH PHÁP

Gồm có 6 phần: Thuật ý, Thính pháp, Cầu pháp, Cảm phúc, Pháp sư, Pháp sư, Báng tội.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Từng nghe: Tịch diệt thanh tịnh vốn không tướng không lời; cảm ứng thông thần mới có ngôn từ giáo pháp. Bởi thế, bài kệ bốn câu khó tỏ, lửa độc ba cõi dễ lây. Khiến cho, đêm vắng lạnh lùng, canh khuya trăng sáng, tịch mịch phòng không, đọc tụng kinh điển. Ngâm nga trầm bổng, chữ nghĩa rõ ràng. Ý vị du dương, âm hưởng bất tận. Thích hợp mọi người, lợi ích muôn vật. Gây nên, tâm linh hớn hở, thần trí an vui. Tập luyện lâu ngày, tinh thông nghiã lý. Thành kính tụng niệm, hiệu nghiệm hiển linh. Mới hay, thọ trì được một câu kệ, hưởng thụ phước báo sâu xa; sao chép dù chỉ một lời, công đức siêu thăng mấy kiếp. Do đó, Ca-diếp cúi đầu lãnh Pháp, lột da chẳng chút tiếc thương; tát-đà mở dạ hân hoan, hiến máu không hề ngần ngại. Đây chính là cửa đầu của cam lộ ngọt ngào; đức cuối của kẻ học Đạo vậy.

Thứ hai: PHẦN THÍNH PHÁP

Như kinh Phó-pháp-tạng nói: “Đức Phật bảo, tất cả chúng sinh muốn thoát ly biển khổ lớn lao của sống chết trong Tam giới, hẳn phải nhờ đến thuyền Pháp mới vượt khỏi. Pháp là dòng nước mát tiêu trừ lửa nóng phiền não. Pháp là phương thuốc hay có thể chữa hết bệnh lâu đời. Pháp là đạo sư chân chính của chúng sinh, đem lại nhiều lợi ích, cứu vớt mọi khổ đau. Bởi vì chí hướng chúng sinh vô định, dễ lây tập nhiễm, gần thiện thành tốt, gần ác hóa xấu. Nếu gần bạn xấu, sẽ tạo nghiệp dữ, chịu luân hồi sinh tử chẳng có bến bờ. Nếu gần bạn tốt, sẽ phát sinh lòng kính tin, nghe theo Chánh pháp, chắc chắn thoát khỏi mọi phiền não ở Ba đường. Nhờ công đức này, sẽ hưởng thụ an lạc tuyệt diệu. Quốc vương Hoa Thi có con voi trắng biết tiêu diệt kẻ địch. Nếu ai phạm tội, thường sai chà chết. Về sau, chuồng voi bị cháy, dời về gần chùa. Voi nghe Tỳ-kheo tụng kệ trong kinh Pháp-cú rằng: “Làm thiện sinh lên Trời cao; làm ác đọa xuống vực sâu.” Voi trở nên hiền dịu, sinh lòng Từ bi. Mỗi lần giao cho tội nhân, chỉ lấy vòi ngửi, thè lưỡi liếm rồi bỏ đi, không giết chết nữa. Quốc vương thấy thế, lòng rất lo âu, vội triệu quần thần bàn luận. Mưu thần tâu lên: “Voi này ở gần chùa, hẳn đã nghe giáo lý, nên sinh ra như thế. Nay cần dời đến bên lò sát sinh.” Quốc vương áp dụng lời ấy. Voi thấy mổ giết, ác tâm bừng dậy, sát hại càng Tăng. Do đó, phải biết rằng tất cả chúng sinh, chí hướng đều vô định. Súc sinh còn thế, được nghe Chánh pháp, sinh dạ Từ bi; thấy cảnh giết chóc, Tăng lòng sát hại. Con người há không bị tập nhiễm? Bởi vậy, người khôn ngoan phải biết, thấy ác, nên xa; thấy thiện, cần gần, siêng năng nghe lời kinh kệ. Lạ nữa, ngày xưa, có một người Bà-la-môn mang nhiều đầu lâu, bày trò ảo thuật, rao bán khắp kinh thành Hoa Thị rất lâu, nhưng chẳng aimua, liền nổi giận, cất tiếng mắng nhiếc: “Người trong thành này đều ngu độn. Nếu chẳng ai mua, ta sẽ nguyền rủa những điều độc ác.” Bấy giờ có vị thiện nam tử trong thành sợ mắc lời nguyền, đem tiền đến mua. Vị ấy lấy chiếc đũa bằng đồng chọc vào tai, nếu xuyên thấu bên kia, sẽ trả giá cao. Nếu chỉ xuyên vào một nửa, sẽ trả giá hơi thấp. Nếu không xuyên vào, không trả giá nào. Người Bà-la-môn hỏi: “Đầu lâu của ta đều giống nhau, tại sao trả giá khác nhau?” Vị ấy đáp rằng: “Đầu lâu thứ nhất xuyên thấu bên kia, do người này khi sống, nghe được Chánh pháp, trí tuệ cao siêu. Vì quý như thế, nên trả giá cao. Đầu xuyên một nửa, tuy nghe Chánh pháp, chưa biết phân biệt, nên giá trị thấp. Đầu chẳng xuyên qua, do người ấy ngày xưa chẳng nghe Chánh pháp, nên không trả giá.”. Rồi vị ấy mang đầu lâu giá cao ra ngoài kinh thành, xây tháp thờ phụng. Sau khi mệnh chung, sinh lên cõi Trời. Từ nhân duyên này, nên biết Chánh pháp có công đức rất lớn. Vị thiện nam tử đem đầu lâu biết nghe Chánh pháp, xây tháp thờ phụng, còn được sinh lên cõi Trời, huống chi người biết chí tâm nghe lấy Chánh pháp, thành kính cúng dường, thọ trì kinh điển? Phước báo ấy thật vô cùng to lớn, tương lai chắc chắn sẽ thành Đạo Vô thượng. Vì thế, người khôn muốn đạt đến an lạc tuyệt vời, cần phải chí tâm siêng năng lắng nghe kinh điển.”

Kinh Hiền Ngu nói: “Ngày xưa, khi đức Phật còn tại thế, Trưởng giả Tu-đạt ở nước Xá-vệ kính tin Chánh pháp, cúng dường chư Tăng đủ mọi nhu cầu. Trong nhà Trưởng giả có nuôi cặp chim anh vũ. Con thứ nhất tên Luật-đề, con thứ hai tên Xa-luật-đề. Bản tính thông minh, hiểu được tiếng người. Thấy Tỳ-kheo đến, liền cất tiếng kêu, gọi người ra nghinh đón. Về sau, A-nan đến nhà Trưởng giả, thấy chim thông minh, giảng giải cho nghe Tứ diệu đế. Trước cửa có cây cổ thụ, chim nghe xong, bay lên ngọn cây, vui mừng tụng niệm. Ban đêm ở luôn trên cây, vô tình bị chồn hoang ăn thịt. Nhờ duyên lành được nghe Chánh pháp, chim sinh lên Trời Tứ Thiên vương, hưởng trọn phước báo. Đến khi mạng chung, sinh lên Trời Đao-lợi. Tại Đao-lợi mạng chung, sinh lên Trợi Dạ-ma. Tại Dạ-ma mạng chung, sinh lên Trời Đâu-suất. Tại Đâu-suất mạng chung, sinh lên Trời Hóa lạc. Tại Hóa lạc mạng chung, sinh lên Trời thứ sáu Tha hóa tự tại. Tại Tha hoá tự tại mạng chung, lại sinh xuống Trời Hóa lạc. Cứ thế lần lượt, sinh xuống Trời Tứ Thiên vương. Trời Tứ Thiên vương mạng chung, lại lần lượt sinh lên Trời Tha hóa tự tại. Cứ thế lên xuống 7 vòng, rồi sinh xuống Trời Lục dục, tự do hưởng thụ Thiên báo. Sau đó mạng chung, sinh xuống làm người, xuất gia tu hành, chứng được quả Bích-chi. Vị thứ nhất tên là Đàm-ma, vị thứ hai tên là Tu-đàm-ma.”

Lại nữa, kinh Hiền ngu nói: “Ngày xưa đức Phật còn tại thế, có vị Tỳ-kheo tụng kinh giữa rừng, âm thanh trong trẻo. Có con chim nghe Pháp, sinh lòng kính tin. Đang đậu trên cây, bị người tợ săn bắn chết, nhờ duyên lành ấy, chim sinh lên Trời Đao-lợi, sắc tướng trang nghiêm, hào quang sáng láng, không gì sánh nổi. Nhớ lại kiếp trước, nhờ công đức của vị Tỳ-kheo, chim mang hoa Trời đến bên ngài đảnh lễ vấn an và dâng lên cúng dường. Ngài hỏi kỹ biết rõ đầu đuôi, liền bảo chim ngồi xuống, thuyết pháp giúp cho. Nhờ thế, chim chứng quả Tu-đàhoàn rồi bay về Trời. Loài chim nghe Pháp, còn được phước báo vô biên, huống chi loài người thành tâm nghe Pháp, há chẳng được phước báo tốt lành?”

Luận Thiện-kiến-luật nói: “Ngày xưa, khi còn tại thế, đức Phật đến bên hồ Ca-la tại nước Chiêm-Bà-la, thuyết pháp cho các chúng sinh. Bấy giờ, trong hồ có con hàu nghe tiếng đức Phật, bò ra khỏi hồ, lên nằm dưới rễ cây, lắng nghe thuyết pháp. Một người cầm gậy chăn bò, thấy đức Phật đang ngồi thuyết pháp, liền bước đến gần để nghe, vội cắm gậy xuống đất, vô tình trúng phải đầu, con hàu chết mất. Liền đó, được sinh lên Trời Đao-lợi, hưởng mọi phước báo, có cung điện ngang dọc lớn hai mươi do-tuần, cùng các Thiên nữ vui vầy hoan lạc. Thiên nhân hàu cưỡi cung điện đến bên đức Phật đảnh lễ. Đức Phật đã biết, nhưng vẫn hỏi rằng: “Nhà ngươi là ai, bỗng dưng đến đảnh lễ dưới chân ta, tại sao có được hào quang sáng láng, tướng hảo tuyệt trần, chiếu diệu khắp cả nơi đây?” Thiên nhân hàu nói kệ trả lời:

“Trước đây làm kiếp hàu,
Kiếm ăn chổ nước sâu.
Nghe tiếng Phật thuyết pháp,
Lên nằm dưới rễ cây.
Có kẻ chăn bò ấy,
Cắm gậy nghe Đạo mầu.
Vô tình trúng phải, chết.
Được sinh lên Trời cao.”

Đức Phật đem bài kệ ấy giảng giải cùng tứ chúng. Nhờ thế, tám vạn bốn nghìn Trời người đều chứng Đạo quả. Thiên nhân hàu chứng quả Tu-đà-hoàn, chắp tay kính cẩn lui ra.

Thứ ba: PHẦN CẦU PHÁP

Như kinh Tạp-bảo-tạng nói: “Ngày xưa có một thiếu nữ sáng láng thông minh, rất tin Tam bảo, lên chùa mời hai vị Tỳ-kheo tới nhà cúng dường. Sau đó, một vị Tỳ-kheo già tìm đến khất thực. Vị này, tuổi cao trí kém, không hiểu biết nhiều. Chờ vị này thọ trai xong, thiếu nữ thành tâm xin nghe thuyết pháp, ngồi kết già trước mặt, nhắm mắt lắng nghe. Vị Tỳ-kheo nhận thức không thể thuyết pháp, thấy thiếu nữ nhắm mắt, liền bỏ chạy về chùa. Thiếu nữ chí tâm suy niệm các phép hữu hình đều vô thường, khổ không, không thể tự tại. Trầm ngâm quán tưởng, bỗng nhiên chứng được quả Tư-đà-hoàn. Xong xuôi, thiếu nữ lên chùa tìm vị Tỳ-kheo ấy để tạ ơn. Vị Tỳ-kheo già tự thấy không biết gì, đã bỏ thiếu nữ chạy trốn, sinh lòng hổ thẹn, nên cố lánh mặt. Thiếu nữ cứ cầu khẩn mãi, vị ấy đành phải xuất hiện. Thiếu nữ bẩm rõ nhân duyên đắc Đạo và dâng lễ vật cúng dường. Vị ấy nghe xong, vô cùng hổ thẹn, tự trách rất nhiều và cũng chứng được quả Tư-đà-hoàn. Do đó, hành giả cần phải chí tâm tin thành cầu Pháp. Nếu thế, nguyện vọng chắc chắn sẽ thành tựu.”

Kinh Niết-bàn nói: “Đức Phật bảo, ta nhớ vào thời quá khứ, từng làm một Bà-la-môn tu phép khổ hạnh trong núi Tuyết sơn. Bấy giờ, không có đức Phật xuất thế và cũng chẳng có kinh điển. Trời Đế-thích quan sát thấy Bồ-tát một mình tu phép ấy giữa chổ núi non, liền hiện xuống thử lòng, biến thành hình La-sát dữ dằn đáng sợ, đứng trước mặt Bồ-tát, nói nửa bài kệ:

“Các hành vốn vô thường,
Đều là pháp sinh diệt.”

Bồ-tát nghe được, lòng rất vui mừng, đứng dậy vén tóc, nhìn quanh bốn phía, chẳng thấy ai ngoài La-sát, liền hỏi rằng: “Đại sĩ từ đâu có nửa bài kệ này? Đây là Chánh đạo của chư Phật ba đời.” La-sát đáp lời: “Nhà ngươi không nên hỏi nữa. Ta không ăn uống đã lâu ngày, tìm kiếm khắp nơi, chẳng có gì ăn. Đói khát khổ sở quá, nên buột miệng nói càn. Thật ra, chẳng hiểu gì cả!” Bồ-tát lại nói: “Nếu đại sĩ nói hết bài kệ, tôi sẽ xin làm đệ tử hầu hạ suốt đời.” La-sát trả lời: “Nhà ngươi ham biết quá nhiều, chỉ tự khổ thân. Ta bị đói khát, không thể nói nổi.” Bồ-tát lại hỏi: “Đại sĩ ăn gì?” La-sát trả lời: “Thức ăn của ta, toàn tthịt người còn ấm; đồ uống của ta, toàn máu người nóng hổi.” Nghe xong, Bồ-tát trả lời: “Nếu tôi nghe hết bài kệ, sẽ xin đem thân cúng dường đại sĩ.” Lasát trả lời: “Ai tin nổi nhà ngươi, chỉ vì tám chữ, dám hy sinh thân xác đáng yêu?” Bồ-tát dõng dạc trả lời: “Tôi nay có người làm chứng: bốn vị Thiên vương Đại-phạm và chư Phật, chư Bồ-tát làm chứng giúp tôi.” La-sát nghe xong, bằng lòng nói nửa bài kệ. Bồ-tát hớn hở vui mừng, lập tức cởi áo da hươu trải làm pháp tọa, thưa rằng: “Xin Hòa thượng ngồi lên và nói giúp cho tôi.” La-sát bèn nói rằng:
 
“Sinh diệt đã diệt xong,
Tịch diệt mới an lạc.”

La-sát nói xong, Bồ-tát trầm ngâm suy niệm, viết lên thân cây, vách đá, đoạn trèo lên ngọn cây cao, buông mình nhào xuống, chưa đụng mặt đất, bỗng nhiên giữa hư không nổi lên nhiều tiếng tán thán. Bấy giờ, La-sát hiện lại nguyên hình Đế-thích, ra tay đón lấy Bồ-tát đặt lên, ngỏ lời ăn năn, cúi đầu đảnh lễ và bay về Thiên cung. Nhờ nhân duyên ấy, Bồ-tát vượt qua mười hai đại kiếp, chứng quả Vô thượng trước đức Phật Di-lặc.”

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Đức Phật bảo, ta nhớ vào vô lượng vô biên ức kiếp trước, thế giới Ta-bà này có đức Phật xuất thế, hiệu là Thích-ca-Mâu-ni, giảng thuyết kinh Niết-bàn cho mọi chúng sinh. Bấy giờ, ta nghe các thiện hữu kể lại chuyện ấy, lòng rất vui mừng, muốn đem cúng dường. Vì nghèo không có tiền của, đành phải bán thân. Ta thật bất hạnh, chẳng có ai mua, bèn sửa sọan về nhà. Nửa đường gặp một người, ta đánh tiếng hỏi: “tôi muốn bán thân, ngài chịu mua không?” Người ấy trả lời: “Công việc của ta chẳng ai làm nổi. Ta mắc bệnh độc, thầy thuốc cho toa, hằng ngày phải ăn ba lượng thịt người. Nếu ông hằng ngày có thể cung cấp cho ta ba lượng thịt trên mình, ta sẽ tặng cho ông năm đồng tiền vàng.” Nghe xong, ta vui mừng trả lời: “Làm ơn cho tôi ba ngày thu xếp mọi chuyện, sau đó tôi sẽ xin đến nhà ngài.” Người ấy trả lời: “Chỉ cho ông một ngày.” Ta liền nhận tiền, mang đến đức Phật, đảnh lễ cúng dường và thành tâm xin nghe kinh ấy.

Ta thời ấy si độn, chỉ thọ lãnh bài kệ:

“Như Lai chứng Niết-bàn,
Đoạn tuyệt hẳn sinh tử.

Nếu ai thành khẩn nghe, Thọ lãnh xong, ta đến nhà người bệnh. Tuy hằng ngày lóc hết 3 lượng thịt, nhưng nhờ tụng niệm bài kệ ấy, nên không thấy đau đớn.

Lần lượt đủ một tháng, người ấy lành bệnh và vết thương của ta cũng lành lặng như thường. Ta bèn phát tâm Bồ-đề, cầu nguyện mai sau, khi thành Phật, cũng lấy hiệu là Thích-ca-Mâu-ni. Nhờ nhân duyên ấy, nay ta mới thành Phật.”

Lại nữa, kinh Tập-nhất-thiết-phước-đức-Tam-muội nói: “Vào vô lượng kiếp xa xưa, có vị tiên nhân tên Tối Thắng, đầy đủ năm phép thần thông, hay làm chuyện Từ bi, sau đó suy nghĩ: “Lòng Từ bi chưa đủ cứu độ chúng snh, phải gom góp trí tuệ mới có thể tiêu diệt phiền não, giúp đỡ chúng sinh đổi tà kiến thành Chánh kiến.” Nghĩ xong, bèn đi khắp xóm làng thành thị tìm Đạ sư thuyết pháp. Bấy giờ, có Thiên ma đến bảo tiên nhân: “Nay ta có bài kệ do đức Phật nói ra. Nếu người chịu lột da làm giấy, chích máu làm mực, chẻ xương làm bút ghi chép bài kệ ấy, ta sẽ nói cho ngươi nghe.” Tiên nhân tâm niệm: “Trong trăm nghìn vô lượng kiếp, ta đã từng cắt xẻo thân thể bố thí cho người khác, chịu đau đớn vô cùng, nhưngchẳng đem lại lợi ích gì cả. Nay ta phải hy sinh thể xác mỏng manh để đổi lấy Chánh pháp chân thật.” Nghĩ xong, tiên nhân vui mừng hớn hở, lấy dao bén lột da làm giấy, chính huyết làm mực và chẻ xương làm bút, rồi chắp tay hướng về Thiên ma xin nghe bài kệ của đức Phật. Thiên ma thấy thế, héo hắt buồn rầu, lẫn tránh đi mất. Tiên nhân biết được, liền nói lớn rằng: “Ta nay vì Pháp, không tiếc sinh mạng. Đã lột da làm giấy, chích huyết làm mực, chẻ xương làm bút để giúp chúng sinh. Thành tâm chẳng dối. Các thế giới khác, nếu có vị đại Từ bi, biết thuyết pháp xin hiện ra trước mắt!” Vừa dứt lời, từ phương Đông cách xa ba mươi hai quốc độ, có thế giới tên Phổ Vô Cấu, ở đó có đức Phật hiệu là Tịnh Danh Vương bỗng hiện ra, phóng hào quang lớn chiếu lên mình tiên nhân, giúp tiêu tan mọi đau đớn được bình phục như cũ. Đức Phật bèn thuyết pháp rộng rãi về phép Tam-muội gom góp tất cả mọi phước đức. Tiên nhân nghe xong, chứng được quả biện luận vô ngại. Đức Phật liền biến mất. Nhờ quả ấy, tiên nhân giảng giải Chánh pháp nhiệm mầu cho tất cả chúng sinh đều an trụ ở Đạo quả Tam thừa. Một nghìn năm sau, tiên nhân mệnh chung, sinh vào nước Phổ Vô Cấu của đức Phật Tịnh Danh vương. Nhờ nhân duyên kính Pháp, nay đã thành Phật.” Đức Phật bảo Tịnh Uy: “Tiên nhân Tối Thắng ngày xưa chính là ta hôm nay.” Bởi thế, nếu có người biết kính cẩn cầu Pháp, chư Phật sẽ vì người ấy, chưa nhập Niết-bàn. Pháp cũng chẳng mất. Dẫu ở quốc độ khác, mắt vẫn thường thấy đức Phật, tai vẫn nghe Chánh pháp.”

Thứ tư: PHẦN HƯỞNG PHÚC

Như kinh Phổ Diệu nói: “Nếu có hiền nhân nào nghe kinh này, chắp tay quy y, sẽ từ bỏ tám điều lười biếng căn bản, tạo thành tám loại công đức: 1/ Tướng mạo đoan trang. 2/ Thể lực cường tráng. 3/ Gia quyến đông đúc.4 / Hùng biện bất tận.5 / Nhanh chống xuất gia. 6/ Đức hạnh thanh tịnh. 7/ Chứng định Tam-muội. 8/ Trí tuệ sáng suốt, hiểu thấu tất cả. Nếu có pháp sư nào trải tọa cụ tụng niệm kinh này, sẽ hưởng phước đức của tám loại Bảo tọa: 1/ Bảo tọa Trưởng giả. 2/ Bảo tọa Chuyển-luân-vương. 3/ Bảo tọa Đế-thích. 4/ Bảo tọa Trời Tự tại. 5/ Bảo tọa La-hán. 6/ Bảo tọa Bồ-tát. 7/ Bảo tọa Như lai. 8/ Bảo tọa Chuyển pháp luân cứu độ tất cả chúng sinh. Khi pháp sư giảng tụng kinh này, nếu có người nào cất tiếng ca tụng hay thay, sẽ hưởng tám đức hạnh thanh tịnh: 1/ Ngôn hành tương ứng, không mâu thuẩn nhau. 2/ Lời nói thành thật, không giả dối. 3/ Giữa đại chúng, tuyên dương Chấn đế không gian trá.4 / Lời nói gây tin tưởng, không bị gạt bỏ. 5/ Lời nói dịu dàng, không thô lổ. 6/ Tiếng nói trầm hòa như chim phụng hót. 7/ Thân tâm nhuần nhã, tiếng nói như âm hưởng của Phạm Thiên, tứ chúng nghe qua đều chấp nhận. 8/ Âm thanh như tiếng của đức Phật, hợp ý chúng sanh. Nếu sao chép kinh này, sẽ hưởng phước đức của tám Đại tạng: 1/ Ý tạng: không bỏ dở nửa chùng. 2/ Tâm tạng: hiểu thấu tất cả, phân biệt được các kinh điển. 3/ Vãng lai tạng: lý giải được tất cả các Pháp bảo của chư phật. 4/ Tổng trì tạng: nhớ được mọi điều đã nghe.5 / Biện tài tạng: thuyết pháp cho chúng sinh, tất cả đều hoan hỷ thọ trì. 6/ Thậm thâm Pháp tạng: bảo vệ Chánh pháp. 7/ Đạo ý Pháp tạng: chưa hề từ bỏ giáo lý của Tam bảo. 8/ Phụng hành Pháp tạng: thanh thản an vui thể hội và thực chủng Chánh pháp.”

Lại nữa, kinh Hoa-nghiêm nói: “Thiện nam tử! Giả sử có người lấy biển lớn làm mực, lấy núi chúa Tu-di làm bút, sao chép chỉ một phẩm, một pháp môn, một phương tiện của kinh này, dù biển lớn mực cạn, núi chúa bút mòn, nhưng ý nghiã trong một câu của một phương tiện vẫn còn vô tận.”

Lại nữa, luận Đại-thừa-trang-nghiêm nói: “Đối với giáo pháp Đại thừa, các Bồ-tát có mười hành động chân chính: 1/ Ghi chép. 2/ Cúng dường. 3/ Hoằng dương.4 / Nghe nhận. 5/ Đọc lên. 6/ Dạy dỗ. 7/ Tập tụng. 8/ Giải thuyết. 9/ Chọn lựa. 10/ tụ tập. Mười hành động chân chính này có thể phát sinh vô lượng công đức.”

Lại nữa, luân Trung-biên-phân-biệt nói: “tu tập Đại thừa có mười điều: 1/ Ghi chép. 2/ Cúng dường. 3/ Bố thí. 4/ Nếu người khác đọc tụng, phải chú ý lắng nghe. 5/ Tự đọc. 6/ Tự chọn lọc danh từ, câu văn và ý nghiã đúng với Chánh pháp. 7/ Diễn tả danh từ, câu văn và ý nghiã đúng với Chánh pháp. 8/ Chú tâm nghe tụng. 9/ Ở chổ tịch lặng, suy nghĩ đúng với Chánh pháp. 10/ Đã thâm nhập nghiã lý, đừng để thối thất.”

Lại nữa, kinh Bồ-tát-tạng nói: “Hơn nữa, Xá-lợi tử! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân thọ trì kinh này, ân cần lắng nghe đọc tụng giảng giải, thậm chí truyền bá rộng rãi cho người khác, nên nhớ những người ấy lại hưởng được mười loại công đức Xưng tán lợi ích: 1/ Thành tựu trí tuệ mẫn tiệp. 2/ Thành tựu trí tuệ lưu loát. 3/ Thành tựu trí tuệ sắc sảo. 4/ Thành tựu trí tuệ nhạy bén. 5/ Thành tưụ trí tuệ bao la. 6/ Thành tựu trí tuệ thâm trầm. 7/ Thành tựu trí tuệ thông đạt. 8/ Thành tựu trí tuệ vô trước. 9/ Thường thấy tất cả chư Phật hiện ra trước mắt và đem lời kệ đẹp đẽ ca tụng chư Phật. 10/ Theo đúng Chánh pháp tham kiến chư Phật và nhờ giải đáp mọi nghi tình. Xá-lợi tử! Như thế gọi là mười loại công đức Xưng tán lợi ích. Hơn nữa, Xá-lợi tử! Các thiên nam tử, thiện nữ nhân thọ trì kinh này, đọc tụng giảng giải, thậm chí truyền bá rộng rãi cho mọi người, nên nhớ những người ấy lại hưởng thêm mười loại công đức Xưng tán lợi ích: 1/ Thường thích xa lánh các bạn xấu. 2/ Thường thích thân cận các đạo sư hiền thiện. 3/ Biết trì hoãn khốn ách của tà ma. 4/ Biết bẻ gãy trận thế của tà ma. 5/ Biết xua tan mọi phiền não. 6/ Thường trừ bỏ mọi tâm vọng động. 7/ Lìa bỏ mọi nẻo hướng về Đường ác. 8/ Quay về mọi nẻo hướng đến Đường an lạc. 9/ Diễn giảng mọi biện pháp vượt khỏi vòng sinh tử nhằm đạt cứu cánh thanh tịnh tịch diệt. 10/ Biết theo học mọi đường lối tu hành của hành Bồ-tát và biết phụng hành mọi lời giáo huấn của chư Phật. Như thế gọi là mười loại công đức Xưng tán lợi ích.”

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Pháp là mẹ của chư Phật. Chư Phật từ Pháp sinh ra, nên chư Phật ba đời đều cúng dường Pháp vậy.”

Lại nữa, kinh Độ-vô-cực-tập nói: “Ngày xưa, có vị Tỳ-kheo siêng năng giữ Pháp, rành rẽ tụng kinh Bát-nhã-Ba-la-mật. Mọi người đều rất thích nghe. Có em bé, tuổi mới lên bảy, chăn dê ngoài thành. Từ xa, thấy Tỳ-kheo tụng niệm, liền đến Tinh xá, lễ bái nghe kinh. Vừa đến chổ “sắc không”, lập tứ đốn ngộ. Hỏi lại Tỳ-kheo, không trả lời được. Em bé giải thích giúp cho Tỳ-kheo ý nghiã xưa nay ít nghe nói đến. Tỳkheo lấy làm lạ lùng về em bé có trí tuệ phi phàm ấy. Khi ra về, lùa dê đến núi, em bé bị cọp ăn thịt chết đi, sinh vào nhà vị Trưởng giả. Phu nhân mang thai, miệng liền biết đọc kinh Bát-nhã-Ba-la-mật từ sáng

đến tối, chẳng hề ngừng nghỉ. Gia đình Trưởng giả kinh ngạc, cho rằng phu nhân bị chứng quỷ ám. Có vị Tỳ-kheo đến nhà, nghe tiếng đọc kinh, lòng rất vui mừng, bảo rằng: “Phu nhân không bị qủy ám, đang đọc kinh Phật.” Phu nhân bước ra đảnh lễ Tỳ-kheo và thuyết pháp. Những chổ còn vướng nghi tình, chưa kịp hiểu, phu nhân đều giải thích thấu đáo giúp cho. Tỳ-kheo rất vui mừng. Đủ ngày đủ tháng, phu nhân sinh ra một em bé. Mới chào đời, đã chắp tay qùy xuống đọc kinh Bát-nhã-Bala-mật. Phu nhân sinh xong, bình thường như trước. Tỳ-kheo bảo rằng: “Đúng là đệ tử nhà Phật, phải nuôi dưỡng chu đáo. Khi trưởng thành, em bé sẽ làm đạo sư của tất cả mọi người. Chúng ta cũng sẽ đến xin thọ giáo.” Lên bảy tuổi, đạo đức đầy đủ, siêu việt thế gian, trí tuệ vô lượng. Trong kinh chổ nào thất thoát, đều san định lại. Mẹ con đến đâu, giáo hóa đến đó. Gia đình Trưởng giả lớn nhỏ năm trăm người đều theo học. Tám vạn bốn nghìn người cùng phát nguyện cầu Đạo Vô thượng. năm trăm vị Tỳ-kheo đến nghe thuyết pháp, cũng giải thoát phiền não, chuyên tâm theo học Đại thừa, chứng quả Pháp nhãn tịnh. Em bé đương thời, chính là ta đây. Vị Tỳ-kheo kia là đức Phật Ca-diếp.”

Lại nữa, kinh Xá-lợi-Phất-xử-thai nói: “Mẹ mang thai Xá-lợiphất, mẹ cũng được thông minh.” Cao-Tăng-truyện nói: “Mẹ mới mang thai La-thập, trở nên thông minh. Mỗi ngày tụng hằng nghìn bài kệ. Khi thai đã khá lớn, mỗi ngày tụng đến hai ngàn bài kệ. Trước chứng được quả Tu-đà-hoàn, sau chứng được quả Tư-đà-hàm.”

Thứ năm: PHẦN PHÁP SƯ

Như kinh Thắng-Thiên-vương nói: “Nếu nơi nào có pháp sư lưu hành kinh này, nơi ấy sẽ có Như Lai đi đến. Đối với Pháp sư, phải sinh lòng tôn sư trọng Đạo như đối với Như Lai. Gặp pháp sư ấy, phải cung kính hoan hỷ, tôn trọng tán thán.” Kinh ấy còn nói: “Dẫu ta trụ thế một kiếp hay chưa đầy một kiếp, để nói công đức của pháp sư lưu hành kinh này, cũng không thể nói hết. Nếu pháp sư ấy đến đâu, các thiện nam tử, các thiện nữ nhân nên chích máu vẩy lên mặt đất, khiến bụi bặm đừng nổi lên. Dẫu cúng dường đến thế cũng chưa đủ, vì rất khó thọ trì Chánh pháp của Như Lai.”

Lại nữa, kinh Hoa-nghiêm nói: “Giống như chim kim-sí chúa bay lượn rồi dừng lại giữa từng không, lấy hai mắt sáng quắc quan sát long cung dưới đáy đại hải, vận dụng thần lực quạt hai cánh rẽ đôi nước biển, thấy đàn rồng nam nữ có con nào tận số liền bắt lấy, chim kim-sí chúa Như Lai Ưng cúng Đẳng Chánh giác cũng an trụ tự tại giữa tầng không, đưa đôi mắt thanh tịnh quan sát mọi chúng sinh trong các cung điện khắp giới. Nếu có ai thiện căn đã chín muồi, liền cổ động đôi cánh Chỉ quán thập toàn dũng mãnh, mở rộng nước biển ái sinh tử, đáp ứng nguyện vọng muốn vượt khỏi biển sinh tử ấy, phá tan mọi vọng tưởng đảo điên, giúp kẻ ấy đứng vững trên đường thanh thản của Như Lai.”

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe tên kinh này, bị đọa vào Bốn đường ác, chắc chắn không có điều ấy. Nếu chúng sinh nào chỉ một lần nghe tên kinh này, có thể tiêu trừ mọi tội nghiệp vô gián.” Kinh ấy còn nói: “Nếu chúng sinh nào chỉ một lần nghe tên kinh này, suốt bảy kiếp về sau sẽ không đọa vào Đường ác.” Nếu chúng sinh nào biết được Như Lai thường trụ bất biến, hoặc chỉ một lần nghe âm thanh hai tiếng thường trụ, sẽ được sinh lên Thiên giới. Sau này,, khi giải thoát, sẽ chứng được quả thường trụ bất biến của Như Lai.”

Lại nữa, kinh Hoa-nghiêm nói: “Nếu nghe một câu Pháp chưa từng nghe, còn hơn được châu báu khắp Ba nghìn đại thiên thế giới. Vị Bồ-tát nghe một câu kệ chánh pháp, sinh lòng siêu thoát, còn hơn được ngôi báu Chuyển-luân-vương.”

Lại nữa, kinh Pháp-hoa nói: “Nếu thiện nam tử, Thiên nữ nhân nào thọ trì kinh Pháp-hoa này, hoặc đọc hoặc tụng, hoặc giải thích hoặc sao chép, người ấy sẽ hưởng được tám trăm công đức thuộc về mắt, một ngàn hai trăm công đức thuộc về tai, tám trăm công đức thuộc về mũi, một ngàn hai trăm công đức thuộc về lưỡi, tám trăm công đức thuộc về thân và một ngàn hai trăm công đức thuộc về ý.”

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Sau khi ta nhập diệt, nếu có chúng sinh nào nghe được kinh điển Đại thừa vi diệu này, sinh lòng kính tin, phải biết rằng người ấy, vào hằng trăm nghìn ức kiếp sau, sẽ không đọa vào Đường ác.”

Kinh ấy còn nói: “Nếu phát tâm ở một hà sa chư Phật, sau đó mới không thể phỉ báng Pháp này trong thời hung ác. Yêu quý kinh này, nhưng không thể nói lại rõ ràng cho kẻ khác. Nếu phát tâm ở hai hà sa chư Phật, sau đó mới không thể phỉ báng Pháp này trong thời hung ác. Biết kính tin, thọ trì đọc tụng, nhưng không thể nói lại rõ ràng cho kẻ khác. Nếu phát tâm ở ba hà sa chư Phật, sau đó mới không thể phỉ báng Pháp này trong thời hung ác. Thậm chí sao chép kinh điển, nói lại cho kẻ khác, nhưng chưa thể hiểu được ý nghiã cao thâm. Nếu phát tâm ở bốn hà sa chư Phật, sau đó mới không thể phỉ báng Pháp này trong thời hung ác. Thậm chí sao chép kinh điển, nói lại rõ ràng cho kẻ khác, chỉ được một phần mười sáu ý nghiã. Nếu phát tâm ở năm hà sa chư Phật, thậm chí trong thời hung ác, đem nói lại rõ ràng cho kẻ khác nghe, cũng chỉ được tám phần mười sáu ý nghiã. Nếu phát tâm ở sáu hà sa chư Phật, thậm chí trong thời hung ác, đem nói lại rõ ràng cho kẻ khác nghe, cũng chỉ được mười hai phần mười sáu ý nghiã. Nếu phát tâm ở bảy hà sa chư Phật, thậm chí trong thời hung ác, đem nói lại rõ ràng cho kẻ khác nghe, cũng chỉ được mười bốn phần mười sáu ý nghiã. Nếu phát tâm ở tám hà sa chư Phật, thậm chí trong thời hung ác, sao chép kinh này, hay khuyên kẻ khác sao chép, tự mình nghe lấy hay khuyên kẻ khác nghe theo, đúng như Chánh pháp tu hành, như thế mới hiểu hết ý nghiã thâm thúy.”

Thứ sáu: PHẦN TỘI PHỈ BÁNG

Nay đời gần hết, Pháp theo người lầm, Đạo tục lạm dụng. Đảo ngược chân lý, truyền bá nhảm xằng, giả chân lẫn lộn. Kinh điển không lo tu học; sách phàm mãi miết đọc say. Nếu có sao chép, chẳng chút ân cần. Đã không giữ cho trong sáng, lại làm thêm nhiều sai lạc. Kinh sắp chung giường, hoặc để trước cửa. Gió mưa mối mọt, chẳng hề sợ lo. Khiến cho kinh điển không còn tác dụng hiển linh, đọc tụng nào thấy lợi ích cứu khổ. Thật do chế tác không được tinh thành và bởi cái ta ngày càng kiêu ngạo. Vì thế, kinh Kính-phúc nói: “Thiện nam tử! Sao chép kinh điển, đừng đảo điên ý nghiã quan trọng của một chữ. Nếu không, sẽ bị đọa vào đường mê nẽo tối suốt năm trăm kiếp, tai không được nghe Chánh pháp vi diệu cao siêu.”

Lại nữa, kinh Đại-tập nói: “Nếu chúng sinh nào, vào thời quá khứ, tạo các nghiệp ác như phá hoại Chánh pháp, phỉ báng Thánh Tăng, cản trở thuyết pháp, hoặc sao chép kinh điển, tẩy xóa chữ nghiã, hoặc phá phách Pháp khác, hoặc lén giấu kinh khác, do nghiệp nhân này, sẽ bị quả báo mù mắt.”

Lại nữa, kinh Đại-bát-nhã nói: “Đức Phật bảo, các thiện nam tử, các Thiên nữ nhân, khi sao chép kinh Bát-nhã-Ba-la-mật-đa rất cao thâm, nếu nhăn mặt, vươn vai ngáp vặt, đùa giởn vô cớ, cùng chen lấn nhau, thân tâm loạn động, khiến câu văn sai lạc, nghiã lý mù mờ, không đạt diệu chỉ. Gặp chuyện xảy ra, bỏ ngang không chịu sao chép cho xong. Phải biết rằng hạng người này gọi là Bồ-tát ma quỷ.”

Lại nữa, kinh Đại-thừa-liên-hoa-tạng nói: “những kẻ giữ gìn giới luật nhà Phật, chẳng chăm lo bảo vệ thế hệ tương lai, lại nói, ta đối với giáp pháp Đại thừa, mịt mờ như đêm tăm tối, hay co rằng ta đã hiểu trọn Phật pháp. Nhưng kẻ ấy sẽ chịu hình phạt khổ sở không thể nói hết ở địa ngục Giáo thép. Sau khi thoát khỏi, sẽ bị đui điếc ngọng câm, không được trông thấy Chánh pháp.”

Lại nữa, luận A-nan-thỉnh-giới-luật nói: “Các Tăng ni và cư sĩ đọc kinh luật lận, nếu vừa đi vừa giở, không kính cẩn, sẽ mắc tội trọng, đọa vào Đường súc sinh, làm hươu nai, luôn luôn gầy gò ốm yếu khó chịu suốt hai ức năm, tính theo ngày tháng thật dài ở Trời Đao-lợi. Nếu vô cớ đùa giởn, chụp giựt kinh luật luận, cũng sẽ bị quả báo ấy. Nếu để kinh trước phòng ốc mái hiên, sẽ mắc tội trọng, đọa vào Đường súc sinh, làm heo chó suốt hai ức năm, tính theo ngày tháng thật dài ở Trời Đao-lợi. Khi được sinh làm người, suốt một ức năm, luôn luôn chịu cảnh ở đậu ăn nhờ, không được thoải mái.”

Lại nữa, kinh Đại-phẩm nói: “Vì bọn người ấy phỉ báng chư Phật Nhất thiết trí ba đời và phá hoại sự nghiệp Chánh pháp, nên bị đọa vào Đại địa ngục suốt vô lượng trăm nghìn vạn ức năm. Khi Hoả kiếp nổi lên, sẽ từ Đại địa ngục này di chuyển đến sinh vào Đại địa ngục khác. Lần lượt như thế, trải khắp các Đại địa ngục mười phương chịu vô lượng khổ sở, nhưng tội lổi do nhân duyên phỉ báng và phá hoại ấy vẫn còn. Khi Hoả kiếp nổi lên, lại đến sinh vào các quốc độ trong mười phương khác, đọa vào Đường súc sinh, chịu tội lổi do nhân duyên ấy. Khi tội chuyển nhẹ, đôi khi được sinh làm người mù, người thuộc giai cấp hạ tiện, dọn hố xí, vác xác chết. Chỉ có một mắt hoặc mù lòa, hoặc không lưỡi, không tai, không tay. Trong nước ấy không có đức Phật, không có Chánh pháp, không có Thánh Tăng ra đời giáo hóa. Tại sao thế? Vì mầm mống phỉ báng và phá hoại Chánh pháp còn tích tập sâu dày.”**

Lại nữa, kinh Niết-bàn nói: “Nếu người nào không tin tưởng kinh này, hiện tại phải chịu vô số bệnh tật hành hạ và nhiều người khác nhục mạ. Kiếp sau, bị người khinh rẻ, diện mạo xấu xa, mưu sinh khó khăn, không được sung túc. Thỉnh thoảng kiếm được chút ít phẩm vật tồi xấu, lại thường phải sống trong cảnh bần tiện nghèo nàn. Kẻ tà kiến phỉ báng Chánh pháp, sau khi mạng chung, sẽ sinh vào đời loạn lạc đói kém, giặc giả nổi đầy, vua chúa bạo tàn, oan gia thù hận. Tuy có bạn hiền nhưng không gặp gỡ, mưu sinh chật vật khó khăn, thường bị đói khát. Chỉ quen biết với kẻ nghèo hèn, vua quan không ngó ngàng đến. Giả thiết có mưu lược trình bày, vẫn không được đem ra xử dụng. Kẻ ấy giống chim gãy cánh, không thể bay xa. Đến khi mạng chung, không được sinh vào cõi Trời người tốt đẹp.”***

Lại nữa, kinh Pháp-hoa nói: “Dẫu khi đức Phật còn tại thế, hay

sau khi đã nhập diệt, nếu kẻ nào phỉ báng kinh này, hoặc thấy người trì tụng, đem lòng khinh thường ganh ghét, nuôi chí giận hờn, nay ông hãy lắng nghe tội lổi của kẻ ấy. Sau khi mạng chung, kẻ ấy sẽ bị đọa vào địa ngục Vô gián suốt một kiếp. Hết kiếp lại sinh vào đấy. Cứ thế cho đến vô lượng kiếp. Khi ra khỏi lại bị đọa vào Đường súc sinh suốt vô lượng kiếp, chịu mang tật ngọng điếc, cơ thể bất toàn. Này Xá-lợi-phất! Kể đến tội lổi của kẻ phỉ báng kinh này thật đủ, dẫu hết kiếp cũng chẳng xong!”

Tụng rằng:

Truyền bá Tam tạng,
Dạy dỗ Bát nhân.
Chúng sinh đều thấm,
Thể ngộ bến Huyền.
Rực như nắng Hạ;
Ấm tựa sáng Xuân.
Lâu nay khô héo,
Bỗng mát tinh thần.
Gom lại, phúc ngập;
Mở ra, tuệ bừng.
Nghĩ càng bất tận,
Lợi lạc tối tân.
Xứng danh từ phụ;
Đáng gọi Năng Nhân.
Khắp cả Khổng Lão,
Sánh được bao phần?

Chú thích:

*Trong 20 truyện linh nghiệm này, cũng như trong những truyện linh nghiệm khác, tác giả đã sưu tập từ nhiều sách khác nhau. Có những truyện cùng một nội dung, nhưng hình thức kết cấu đôi khi hơi khác biệt. Có thể tác giả muốn trưng dẫn đầy đủ để người đọc tiện đối chiếu, nhận định lại. Nếu thế, người dịch phải dịch đủ, nhưng tác phẩm quá nhiều, thời gian và điều kiện làm việc không cho phép, nên người dịch lựa lại truyện nào gọn gàng, đặc sắc nhất để dịch ra thôi. Thí dụ truyện thứ tư và truyện thứ mười lăm viết về Sa-môn Pháp Thuần được rút từ các sách Minh-tường-ký và Lương-Cao-Tăng truyện, chỉ dịch chuyện thứ tư. Chuyện thứ mười một và mười tám viết về Sa-môn Đạo Thái được rút từ các sách Minh-tường-ký đã dịch ở các quyển trước, nên lược lại. Cũng thế, chuyện thứ mười chín nói về Tôn Kính Đức cũng đã dịch ở các quyển trước, nên lại lược. Do đó, chỉ còn lại mười sáu truyện.

**Nguyên văn đọan này quá dài dòng, nặng nề, nên đã lược bớt cho gọn gàng, nhẹ nhàng, nhưng vẫn đầy đủ ý chính.

***Lượt bớt đoạn sau nói về phước báo của người nghe kinh, vì tiêu đề ghi là Tội phỉ báng, nên người dịch phải làm như thế, cho thuần lợi thời gian.