PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 8

Thiên thứ 5: NGHÌN PHẬT

Gồm có 1 bộ: 1 Thất Phật, 2 Nhân duyên, 3 Chứng tích, 4 Giáng thai, 5Xuất thai, 6 Thị dưỡng, 7 Chiêm tướng, 8 Du học, 9 Nạp phi, 10 Yếm khổ, 11 Xuất gia, 12 Thành đạo, 13 Thuyết pháp, 14 Niết-bàn, 1 Kết tập.

Bộ thứ nhất: THẤT PHẬT:

Gồm có 9 phần: Thuật ý, Xuất thì, Tính danh, Chủng tộc, Đạo thụ, Thân quang, Hội số, Đệ tử, Cửu cận.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Từng nghe: Chín cõi phân chia, bốn loài khác tính. Sóng mê dễ nhiễm, tuệ nghiệp khó bồi. Lặn ngụp sông yêu, phiêu linh biển khổ. Không sinh thiện ý, chưa tỏ đèn lòng. Thế nên, những bậc đại Thánh thần thông, chí nhân đạt đạo, đều thu gom thế giới để làm thành tính; thâu tóm vũ trụ để tạo nên hình. Hình hiện hữu khắp nơi, tầm vĩ đại vượt ngoài quy củ; trí tạo nên tất cả, mức hành động cắt đứt nghĩ suy. Không thể đem chuyện nhân gian ước lượng, há được phép lấy nơi chốn luận bàn? Nếu muốn mở tung nhận thức cho đám ngu mê, cần phải đề cao linh tích của bậc chân giác. Điều ấy cũng giống gió trong hang lạnh lùa theo tiếng cọp gầm, áng mây lành vấn vương bên cạnh rồng lượn. Anh hưởng tương quan, lý thường vẫn thế. Đức Phật ta từ khi ở Lộc uyển hoằng dương, đến khi ở Kim hà đã khuất, linh tích thị hiện, hiển hách rất nhiều. Đã khiến chúng sinh trong thời tượng giáo có chứng nhiệm để phản tỉnh quy y. thậm chí, dù nghìn Phật linh tích khác nhau, vẫn một trí hướng cùng cứu cánh. Từ tâm bình đẳng vô biên, tuỳ ước vọng lợi sinh hoằng pháp; thệ nguyện trang nghiêm rộng lớn, chống thuyền từ cứu vớt đắm chìm. Nếu chúng sinh biết chân thành cảm nhận, chắc chắn có duyên cơ thể nhập vậy.*

Thứ hai: PHẦN XUẤT THÌ

Thuật rằng:

Nay căn cứ theo một Hiền kiếp, có thể phân chia ra bốn thời kỳ: 1/ là Thành, 2/ là Trụ, 3/ là Hoại, / là Không. Trong bốn thời kỳ này, Thành kiếp đã qua, Hoại kiếp chưa đến. Hiện tại đang ở vào thời kỳ Trụ kiếp, nên có nghìn Phật xuất thế. Nói đại khái, đã có ba vị Phật xuất thế. Hiện nay đang là thời kỳ có di giáo của đức Phật thứ tư Thích-ca-mâuni. Trong bốn thời kỳ này đều phân ra hai mươi Tiểu kiếp, tỏng cọng có tám mươi Tiểu kiếp, mới thành đủ một Đại kiếp thủy hỏa phong, gọi là Hiền kiếp. Theo luận Lập-thế-A-tỳ-đàm, trong hai mươi Tiểu kiếp đặc biệt của Trụ kiếp, mười một Tiểu kiếp chưa đến, tám Tiểu kiếp đã qua. Hiện tại đức Phật Thích-ca-mâu-ni sẽ thành Phật trong Tiểu kiếp thứ chín.

– Hỏi: “Trong các kiếp Thành, Hoại, Không của Hiền kiếp này, chư Phật không xuất thế. Trái lại, chỉ chọn trong Trụ kiếp. Trong đó, chỉ còn mười một Tiểu kiếp tương lai. làm sao có đến chín trăm chín mươi sáu vị Phật đồng thời xuất hiện được?”

– Đáp: “Một vị Phật xuất thế đã là khó khăn. Xưa nay, nhiều vị Phật cùng xuất thế quả nhiên càng khó khăn hơn. Tuy thế, nay dựa theo các kinh Dược-vương-Dược-thượng. Sau đó, dẫn chứng phụ thêm kinh Phật danh. Nên nhớ rằng kiếp có ngắn dài không giống nhau, nên kinh Dược-vương-Dược-thượng nói rằng: “Bấy giờ, Phật Thích-ca-mâu-ni bảo đại chúng rằng, vào vô lượng kiếp xa xưa, trong thời mạt pháp của Phật Diệu Quang, ta từng xuất gia học đạo, được nghe tên năm mươi ba vị Phật này. Nghe xong chắp tay, sinh lòng hoan hỷ. Rồi ta lại dạy cho người khác, khiến họ cũng được nghe biết thụ trì. Người khác nghe xong, lại lần lượt dạy nhau, lên đến ba ngàn người. Tất cả, khác miệng một lòng, thành tâm kính lễ. Lập tức đều được siêu thóat mọi tội lỗi sanh tử trong vô số ức kiếp.

Nghìn Phật đầu tiên thì Phật Hoa Quang đứng đầu, xuống đến Phật Tỳ-xá-phù, đều thành Phật trong Kiếp Trang nghiêm. Ấy là chư Phật trong thời quá khứ. Nghìn Phật trong kiếp này, đứng đầu là Phật Câu-lưu-tôn, xuống đến Phật Lâu-chí, lần lượt thành Phật trong Hiền kiếp. Nghìn Phật về sau thì đứng đầu là Phật Nhật Quang, xuống đến Phật Tu-di Tướng, sẽ lần lượt thành Phật trong Kiếp Tinh tú.” Nếu theo kinh Phật danh: “Vào chín mươi mốt kiếp của thời quá khứ có vị Phật tên là Tỳ-bà-thi. Vào ba mươi kiếp của thời quá khứ, có vị Phật xuất thế tên là Thi-khí. Ngay trong kiếp này, còn có vị Phật xuất thế, tên là Tỳ-xá-phù.”

Hỏi: Chín mươi mốt kiếp này là Đại kiếp hay Tiểu kiếp?

Đáp: Là Đại kiếp.

Hỏi: “Làm sao biết được?”

Đáp: Theo luận Cựu-Bà-sa nói, bồ-tát nhân địa Thích-ca, từ thời Phật Tỳ-bà-thi trở đi, đã vun trồng nhiều nghiệp tướng tốt. Đến nay, vào thời Trụ kiếp thứ chín, đã trải qua chín mươi mốt Đại kiếp. Do đó, luận Cựu-Câu-xá mới nói, bồ-tát Thích-ca nhờ kính lễ Phật Để-sa hết sức tinh tiến, nên được siêu độ chín Đại kiếp, cuối cùng thành Phật. Thế mới biết chín kiếp ấy đã là Đại kiếp, chín mươi mốt kiếp kia há không phải là Đại kiếp chăng? Lại nữa, theo kinh Dược-vương-Dược-thượng, các Kiếp Trang nghiêm, Hiền, Tinh tú, đều có nghìn Phật xuất thế, thì biết kiếp này cũng là Đại kiếp vô số lượng. Lại nữa, trong kinh Dượcvương-Dược-thượng nói, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, thậm chí tất cả chúng sinh khác, nghe được tên năm mươi ba vị Phật này, thì trong trăm nghìn vạn ức vô số kiếp, sẽ không bị đọa vào Đường ác. Theo mạch văn này, lần lượt trong các kiếp gọi là Trang nghiêm, Hiền, Tinh tú, đều có nghìn Phật xuất thế. Thế mới biết đây là các Đại kiếp còn lớn hơn các Đại kiếp vô số lượng khác. Đến nay, trong Hiền kiếp có bốn vị Phật xuất thế cũng là đại kiếp vô số lượng, chứ không phải là Tiểu kiếp của Kiếp Trụ. Hiền kiếp đã là Đại kiếp, nên trong đó có nghìn Phật xuất thế là điều hiển nhiên, không còn có gì có thể nghi ngờ được nữa.

Lại nữa, kinh Trường-A-hàm nói: “Vào chín mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có vị Phật xuất thế, tên là Tỳ-bà-thi. Lại vào ba mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có vị Phật tên là Thi-khí. Lại vào ba mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có vị Phật xuất thế tên là Tỳ-xá-bà.” Hai vị Phật Thi-khí và Tỳ-xá-bà, nói theo kinh Phật-danh, đều cùng xuất hiện trong kiếp này, không có sự khác biệt về thời gian. Hoặc chấp nhận như kinh Trường-A-hàm phiên dịch thừa ra ba mươi mốt kiếp này.

Lại còn có một giải thích theo luận Lập-thế-a-tỳ-đàm, trong hai mươi kiếp của Trụ kiếp, tám kiếp đã qua. Trong đó, có ba vị Phật đã xuất thế. Đức Phật Thích-ca sẽ xuất thế trong kiếp thứ chín hiện tại. Tức là trong chín kiếp trên đây, đã có bốn vị Phật xuất thế. Tương lai còn mười một kiếp. Trong đó, làm sao biết được chẳng có nhiều vị Phật sẽ xuất thế? Do đó, kinh mới nói rằng: “Đôi khi, trong một kiếp có vô số vị Phật xuất thế. Đôi khi, trong vô số kiếp trôi qua, không có một vị Phật nào xuất thế.” Theo nghĩa này suy ra, nếu trong một Tiểu kiếp có nhiều vị Phật xuất thế, cũng chẳng có trở ngại gì cả. Do căn cơ của chúng sinh có chỗ yếu mạnh khác nhau, nên nhận thức có chỗ không giống nhau mà thôi. (Ý nghĩa này rất khó nhận thức rất khó nhận thức, xin chờ các bậc hậu triết).

Quốc độ giáo hóa của nghìn Phật trong Hiền kiếp này, có thành quách bao bọc chung quanh, nằm khắp trong ba ngàn đại thiên thế giới. Các quốc độ ấy đều cư trú ở giữa. Bởi vì đức Phật là bậc hóa độ, giữa tâm rỗng lặng. Chúng sinh là kẻ được hóa độ, cũng chọn lấy chỗ cư trú ở giữa. Thế nên, ở đấy có Tòa kim cương. Các phương khác, cảnh giới khác đều không có Tòa này, nên đức Phật không ngự đến. Bởi thế, kinh Thụy-ứng nói: “Quốc độ ở phương này là trung tâm của ba ngàn mặt trời mặt trăng và mười hai ngàn thế giới. Uy thần của đức Phật không cho xuất thế ở phía bên, đất sẽ vì thế mà nghiêng ngửa. Thế nên từ xưa, đức Phật đều xuất thế ở quốc độ trung tâm này.” Đồng tình với nhận định này, vì là một bằng chứng hùng hồn.

Như kinh Trường-A-hàm nói: “Vào chín mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có đức Phật xuất thế, tên là Tỳ-bà-thi. Bấy giờ, con người thọ tám vạn tuổi. Lại vào ba mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có đức Phật xuất thế, tên là Thi-khí. Bấy giờ, con người thọ bảy vạn tuổi. Lại vào ba mươi mốt kiếp của thời quá khứ, có đức Phật xuất thế, tên là Tỳ-xá-bà. Bấy giờ, con người thọ sáu vạn tuổi. Lại vào thời quá khứ, trong Hiền kiếp, có đức Phật xuất thế, tên là Câu-lâu-tôn. Bấy giờ, con người thọ năm vạn tuổi. Lại nữa, trong Hiền kiếp, có đức Phật xuất thế, tên là Câu-na-hàm. Bấy giờ, con người thọ bốn vạn tuổi. Lại nữa, trong Hiền kiếp, có đức Phật xuất thế, tên là Ca-diếp. Bấy giờ, con người thọ hai vạn tuổi. Nay ta xuất thế, con người chỉ còn thọ một trăm tuổi. Tăng ít, giảm nhiều.” Theo luận Trí-độ-luận ca-diên, căn cứ vào con người của thời đức Phật Thích-ca thọ một vạn tuổi, ngài quan sát thời thế rồi mới ra đời. Vì từ khi con người còn thọ một vạn tuổi, chưa có cơ duyên để hóa độ. Đến khi con người chỉ còn thọ một trăm tuổi, bị khổ sở hành hạ, kiếp này lại sắp hết, nên mới ra đời. Vì vậy, luận ấy nói: “Kiếp hết, chư Phật xuất thế. Kiếp mới bắt đầu, Chuyển luân vương xuất thế.” Hai điều không giống nhau này, thiên Chuyển luân vương sau đây sẽ nói đến.

Thứ ba: PHẦN TÍNH DANH

Phần sau đây đều nói theo các kinh Tăng-nhất-A-hàm và ThấtPhật-phụ-mẫu-tính-tự: “Thứ nhất là Phật Duy-vệ. Thứ hai là Phật Thứckhí. Thứ ba là Phật Tùy-diệp. Ba vị Phật này cùng mang họ Câu-lâu (kinh Trường-A-hàm nói, thứ nhất là Phật Tỳ-bà-thi. Thứ hai là Phật Thi-khí. Thứ ba là Phật Tỳ-xá-bà). Thứ tư là Phật Câu-lâu-tần. Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni. Thứ sáu là Phật Ca-diếp. Ba vị Phật này cùng mang họ Ca-diếp (kinh Trường-A-hàm nói, Phật thứ tư là Câu-lâu-tôn. Phật thứ năm là Câu-na-hàm. Phật thứ sáu cùng tên Cadiếp). Thứ bảy là Phật Thích-ca-mâu-ni của chúng ta, họ là Cù-đàm.

Thứ tư: PHẦN CHỦNG TỘC

Thứ nhất là Phật Duy-vệ. Thứ hai là Phật Thức-khí. Thứ ba là Phật Tùy-diệp. Ba vị Phật này thuộc dòng dõi vua Sát-lợi. Thứ tư là

Phật Câu-lâu-tần. Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni. Thứ sáu là Phật Ca-diếp. Ba vị Phật này đều thuộc dòng dõi bà-la-môn. Thứ bảy là Phật Thích-ca-văn của chúng ta hiện nay. Ngài thuộc dòng dõi vua Sát-lợi.

Thứ nhất là Phật Duy-vệ. Phụ hoàng tự là Bàn-biếu, là vua Sátlợi. Hoàng mẫu tự là Bàn-đầu-mạt-đà. Quốc hiệu cai trị là Sát-mạtđề.

Thứ hai là Phật Thức-khí. Phụ hoàng tự là A-luân-na, là vua Sátlợi. Hoàng mẫu tự là Ba-la-ha-việt-đề. Quốc hiệu cai trị là A-lâu-nahòa-đề.

Thứ ba là Phật Tùy-diệp. Phụ hoàng tự là Tu-ba-la-đề-hòa, là vua Sát-lợi. Hoàng mẫu tự là Da-xá-việt-đề. Quốc hiệu cai trị là A-nậu-ưuma.

Thứ tư là Phật Câu-lâu-tần. Phụ thân là A-chi-đạt-mâu, thuộc dòng dõi bà-la-môn. Thân mẫu là Tỳ-xá-ca. Quốc hiệu cai trị là Luânha-lợi-đề-na. Quốc vương tên là Tu-ha-đề.

Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni. Thân phụ là Da-thiểm-bátđa, thuộc dòng dõi bà-la-môn. Thân mẫu là Uất-đa-la. Quốc hiệu cai trị là Tu-ma-việt-đề. Quốc vương tên là Tu-ma.

Thứ sáu là Phật Ca-diếp. Thân phụ là A-chi-đạt-da, thuộc dòng dõi bà-la-môn. Thân mẫu là Đàn-na-việt-đề-da. Quốc hiệu cai trị là Ba-la-tư. Quốc vương tên là Kỳ-tùy.

Thứ bảy là Phật Thích-ca-văn-ni của chúng ta hiện nay. Phụ hoàng là Duyệt-đầu-đàn, thuộc dòng dõi vua Sát-lợi. Hoàng mẫu là Ma-hama-da. Quốc hiệu cai trị là Ca-duy-la-vệ. Tiên vương tên là Bàn-đề. (Nói một cách tổng quát, gồm có dòng dõi: 1/ là bà-la-môn. 2/ là sát-đế-lợi. 3/ là tỳ-xá. / là thủ-đà. Nhưng hai dòng dõi sau thấp hèn, không phải chỗ thác sinh của bậc chí tôn. Hai dòng dõi đầu cao quy, đúng là nơi thác sinh của bậc chánh giác. Bà-la-môn đức hạnh thanh cao. Sát-đế-lợi ân uy vang dội. Luận Trí-độ nói: “Theo điều thời thế tôn sùng, Phật sẽ giáng trần hóa độ. Thế nên, Phật Thích-ca ra đời trong lúc cường thịnh, mượn dòng dõi hoàng tộc để dương uy. Phật Ca-diếp giáng sinh trong buổi thuận hòa, giữ trong sạch để đề cao đạo đức.”)

Thứ năm: PHẦN ĐẠO THỤ

Thứ nhất là Phật Duy-vệ, đắc Đạo thành Phật dưới cây Ba-đà-la.

Thứ hai là Phật Thức-khí, đắc Đạo thành Phật dưới cây Phân-đồlợi.

Thứ ba là Phật Tùy-diệp, đắc Đạo thành Phật dưới cây Bồ-tát-la. Thứ tư là Phật Câu-lâu-tần, đắc Đạo thành Phật dưới cây Tư-lợi.

Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, đắc Đạo thành Phật dưới cây Ô-tạm.

Thứ sáu là Phật Ca-diếp, đắc Đạo thành Phật dưới cây Câu-loại.

Thứ bảy là Phật Thích-ca-mâu-ni của chúng ta hiện nay, đắc Đạo thành Phật dưới cây A-bái-đa-la.

Than ôi! Kèo vàng cột đỏ, chẳng phải là danh dự của bậc xuất gia; đệm cói, tùng râm, mới thật là thanh qui của kẻ nhập đạo. Sao vậy? Bởi thế tục cho hình hài đáng quý, nên chọn nhà đẹp đẽ nương thân; Đạo lấy gia thất làm mối lụy, nên bỏ phăng đi như cởi dép. Hết thảy những kẻ tước trọng quyền cao, đã có được mấy ai sớm giác ngộ? Như đức bổn sư Điều ngự của chúng ta, xứng đáng gọi là bậc vừa sinh đã biết. Từ khi giáng trần thuyết pháp đến khi thành Đạo nhập diệt, ngài đều ở dưới gốc cây. Đấy là ý chỉ cao cả siêu phàm. Thâm chí, ngài đã cắt tóc rút trâm, bài trừ danh lợi. Tấm gương sáng ấy, há chẳng đáng để chúng sinh dốc lòng ngưỡng mộ noi theo?

Thứ sáu: PHẦN THÂN QUANG

Như kinh Quán-Phật-tam-muội nói: “Thân Phật Tỳ-bà-thi cao sáu mươi do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn một trăm hai mươi do-tuần. Thân Phật Thi-khí cao bốn mươi do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn do-tuần, hào quang trên thân lớn một trăm do-tuần. Thân Phật Tỳxá-bà cao ba mươi hai do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn bốn mươi hai do-tuần, hào quang trên thân lớn 62 do-tuần. Thân Phật Câu-lâu-tôn cao hai mươi lăm do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn ba mươi hai do-tuần, hào quang trên thân lớn năm mươi do-tuần. Thân Phật Câuna-hàm-mâu-ni cao hai mươi lăm do-tuần, vòng hào quang trên đầu lớn ba mươi do-tuần, hào quang trên thân lớn bốn mươi do-tuần. Thân Phật Ca-diếp cao mười sáu trượng, vòng hào quang trên đầu lớn hai mươi dotuần. Thân Phật Thích-ca-mâu-ni cao 1,6 trượng, vòng hào quang trên đầu lớn bảy thước. Thân của bảy vị Phật đều có màu vàng tía. (Kính xét rằng pháp thân của chư Phật đều như nhau, không có sự hơn kém. Chỉ vì tùy theo căn cơ dị biệt của chúng sinh, nên mới thấy sự hiện hóa không giống nhau. Thế nên đức Phật Thích-ca-mâu-ni hiện ra sắc vàng tía, nhưng cả ngìn Tỳ-kheo đều thấy thành màu đỏ, còn mười sáu vị tín sĩ lại thấy thành sắc xám tro. Tự những vị ấy nhận thức khác biệt, chính chư Phật vẫn thường nhất thể mà thôi. Theo đó mà suy luận, mới gọi là không sai lầm.) Theo kinh Di-lặc-hạ-sinh nói, thân của ngài cao nghìn thước, vòng hào quang trên đầu lớn hai mươi trượng.

Thú bảy: PHẦN HỘI SỐ

Thứ nhất là Phật Duy-vệ, trước sau mở ba pháp hội thuyết pháp. Pháp hội giảng kinh đầu tiên có mười vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán. Pháp hội giảng kinh thứ hai có chín vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán. Pháp hội thứ ba có tám vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ hai là Phật Thức-khí, cũng mở ba pháp hội thuyết pháp. Pháp hội giảng kinh đầu tiên có chín vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-lahán. Pháp hội giảng kinh thứ hai có tám vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán. Pháp hội giảng kinh thứ ba có bảy vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ ba là Phật Tùy-diệp, mở ra hai pháp hội thuyết pháp. Pháp hội giảng kinh đầu tiên có bảy vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-lahán. Pháp hội giảng kinh thứ hai có sáu vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ năm là Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, mở một pháp hội giảng kinh, có ba vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ sáu là Phật Ca-diếp, mở một pháp hội giảng kinh, có hai vạn Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thứ bảy là Phật Thích-ca-mâu-ni của chúng ta, mở một pháp hội giảng kinh, có một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo, đều chứng được quả A-la-hán.

Thuật rằng:

Điều ghi chép bảy vị Phật thuyết pháp độ sinh nhiều ít trên đây là căn cứ theo giáo lý Tiểu thừa. Khi đức Như lai vừa thành Phật , trước tiên ngài cứu độ các kẻ ngoại đạo bỏ tà theo chánh. Ấy là từ các đệ tử Thanh văn trở thành đệ tử thân cận, nên mới hạn chế trong số lượng ít ỏi này. Nếu căn cứ suốt một đời thuyết pháp của đức Như lai, ngài đã cứu độ chúng sinh khắp Ba thừa đắc Đạo, số lượng sẽ vô lượng vô biên. Thế nên, pháp sư Huyền Trang đã nói trong sách Đại-Đường-Tây-vứcký rằng: “Suốt đời thuyết pháp của đức Như lai, tổng quát có thể chia thành ba thời kỳ:

Trong thời kỳ thứ nhất, ngài giảng giải Pháp hữu tướng cho các vị Thanh văn, đả phá chấp kiến của hàng ngũ ngoại đạo, khiến họ được ngộ Đạo.

Trong thời kỳ thứ hai, ngài giảng giải Pháp vô tướng cho các vị bồ-tát Tiểu thừa, đả phá chấp kiến Thanh văn, khiến họ ngộ được Pháp vô tướng của Đại thừa.

Trong thời kỳ thứ ba, ngài giảng giải cùng lúc Pháp hữu tướng vô tướng cho các vị bồ-tát Đại thừa, đả phá luôn chấp kiến Pháp hữu tướng vô tướng, khiến họ ngộ được Viên giáo cứu cánh của Trung đạo.

Trong suốt ba thời kỳ này, ngài đã triệt để tùy cơ hóa độ, nhiều đến vô biên. Đôi khi, lần lượt bên cạnh các đệ tử của Ba thừa, có những kẻ nghe Pháp đắc Đạo, cũng nhiều hằng hà sa số. Không thể lấy một chữ nào ước lượng, một nghĩa nào quan niệm được.”

Thứ tám: PHẦN ĐỆ TỬ

Theo kinh Trường-A-hàm nói: “Phật Tỳ-bà-thi có hai đệ tử: một tên là Khiên-trà, hai tên là Chí-sa. Phật Thi-khí có hai đệ tử: một tên là A-tỳ-phù, hai tên là Tam-bà-bà. Phật Tỳ-xá-phù có hai đệ tử: một tên là Phù-du, hai tên là Uất-đa-ma. Phật Câu-lưu-tần có hai đệ tử: một tên là Tát-ni, hai tên là Tỳ-lâu. Phật Câu-na-hàm có hai đệ tử: một tên là Ưu-ba-tiển-đa, hai tên là Uất-đa-lâu. Phật Ca-diếp có hai đệ tử: một tên là Đề-xá, hai tên là Bà-la-bà. Ta nay có hai đệ tử: một tên là Xá-lợiphất, hai tên là Đại-Mục-kiền-liên (sự liệt kê danh xưng trên đây đều chép hai vị. Ay là căn cứ từ vị thứ nhất trong hàng ngũ đệ tử, nên mới có lối bàn luận khác biệt như thế).

Phật Tỳ-bà-thi có đệ tử chấp sự tên là Vô ưu. Phật Thi-khí có đệ tử chấp sự tên là Nhẫn hành. Phật Tỳ-xá-bà có đệ tử chấp sự tên là Tịch diệt. Phật Câu-lưu-tôn có đệ tử chấp sự tên là Thiện giác. Phật Câu-nahàm có đệ tử chấp sự tên là An hòa. Phật Ca-diếp có đệ tử chấp sự tên là Thiện hữu. Nay ta có đệ tử chấp sự tên A-nan.

Phật Tỳ-bà-thi có con tên là Phương ưng. Phật Thi-khí có con tên là Vô lượng. Phật Tỳ-xá-bà có con tên là Diệu giác. Phật Câu-lưu-tôn có con tên là Thượng thắng. Phật Câu-na-hàm có con tên là Đạo sư. Phật Ca-diếp có con tên là Tiến quân. Nay ta có con tên là La-hầula.”

Thứ chín: PHẦN CỬU CẬN

Theo kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói: “Sau khi Phật Tỳ-bà-thi nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được hai vạn năm. sau khi Phật Thần văn nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được sáu vạn năm (các kinh khác gọi là Phật Thi-khí). Sau khi Phật Câu-lưu-tôn-đà nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được năm trăm năm. Sau khi Phật Câu-na-hàm-mâu-ni nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được hai mươi chín ngày. Sau khi Phật Ca-diếp nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được bảy ngày. Sau khi Phật Thích-ca nhập diệt, Chánh pháp của ngài còn tồn tại được năm trăm năm. thời kỳ Tượng giáo cũng còn tồn tại được năm trăm năm (theo luận Thiện-kiến nói, Chánh pháp tồn tại được một ngàn năm).

Bộ thứ 2: NHÂN DUYÊN

Gồm có 3 phần: Thuật ý, Dẫn chứng, Nghiệp nhân.

Thứ nhất- PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Nghìn Phật phóng quang chiếu giám, soi đường dẫn dắt vạn loài. Bởi vậy, Thánh nhân đưa phúc để khuyến thiện, chỉ họa để răn ác. Tiểu nhân bảo thiện vô ích nên chẳng chịu làm; cho ác vô hại nên chẳng chịu chừa bỏ. Như thế, lời họa phúc trở thành phù hoa không thực tế; câu bâng quơ vô bổ được chấp nhận, tin bừa. Khiến cho các bậc đại Thánh chí nhân phải xót xa nỗi ngu mê lầm lạc ấy, cùng phát nguyện xiển dương Lục độ, tiếp dẫn Bốn loài; loan truyền Nhị đế, giáo hóa Ba cõi. Do đó, Nghìn Phật đã nương theo vô lượng từ bi, chọn lựa duyên cơ để giáng sinh vào Hiền kiếp vậy*.

Thứ hai- PHẦN DẪN CHỨNG

Theo kinh Ngũ-tiên-nhân nói: “Vào vô số kiếp xa xưa, có các vị tiên ẩn cư trong rừng rậm. Trong đó, bốn vị làm chủ, một vị chuyên lo phục dịch, chưa từng sai sót. Một hôm, mãi đi hái quả múc nước quá xa, lỡ về không kịp, đã quá giờ ngọ. Bốn vị kia bị mất bữa ăn, nỗi giận không nguôi, cho là đáng niệm ác chú trừng phạt. Vị tiên ấy mắc phải và chết, rồi sinh làm người. Có vị Phạm chí giỏi tướng thuật, đoán người ấy sẽ làm vua. Quả nhiên, về sau người ấy làm vua. Phật bảo, nhà vua ấy chính là ta. Bốn vị tiên là Phật Câu-lưu-tần, Phật Câu-na-hàm-mâuni và Phật Ca-diếp. Còn vị Phạm chí, chính là Đề-đạt.”

Lại nữa, luận Trí-độ nói: “Lúc kiếp sắp hết, tất cả đều không. Chúng sinh nhờ vào phước lực, khi gió mười phương thổi đến, cùng nhau đối phó nâng đỡ, mới có thể giữ lại được Thủy luân vĩ đại. Bấy giờ, có một người nghìn đầu, hai nghìn tay chân, gọi là Trời Vi-nữu. Từ trong rốn của Trời này phóng ra hoa sen nghìn cánh, sắc vàng đẹp đẽ, quý báu. Hào quang của hoa sen ấy hết sức chói lọi, như vạn ánh mặt trời Cùng Chiếu sáng. Trong hoa sen ấy có người ngồi kiết già phu tọa. Người ấy lại có vô lượng hào quang, gọi là vua Phạm Thiên. Trong tâm vua ấy sinh ra 8 chữ. 8 chữ ấy sinh ra trời đất mọi người. Vua Phạm Thiên này ngồi trên hoa sen. Thế nên, chư Phật tùy theo thế tục, nói là ngồi trên hoa sen quý, thuyết pháp Lục-độ Ba-la-mật.”

Lại nữa, kinh Đại-bi nói: “Phật bảo A-nan, tại sao gọi là Hiền kiếp? Tại vì khi kiếp mới thành, tất cả Tam thiên đại thiên thế giới này đều chỉ là một Thủy luân. Bấy giờ, Trời Tĩnh Cư dùng Thiên nhãn quan sát thế giới này. Chỉ thấy là một Thủy luân Vĩ đại. Thấy có nghìn cành hoa sen. Tất cả đều tên là Hoa sen nghìn cánh. Sắc vàng, hào quang vàng chói lọi khắp nơi. Hương thơm xong lên ngào ngạt, thật đáng ham thích. Trời Tịnh Cư thấy cảnh tượng này, sinh lòng hoan hỷ, tán thán: “Thật là hiếm có! Như thế, trong kiếp này phải có nghìn Phật xuất thế.” Vì nhân duyên ấy, bèn gọi kiếp này là Hiền kiếp. Sau khi ta nhập diệt, sẽ có chín trăm chín mươi sáu vị Phật xuất thế. Đứng đầu là Phật Câu-lưu-tôn. Ta là vị Phật thứ tư. Kế tiếp là Phật Di-lặc sẽ thay thế vào vị trí của ta, cho đến vị Phật cuối cùng là Lô-già. Cứ thế, lần lượt xuất thế. Ong cần phải biết điều này (các kinh khác gọi vị Phật cuối cùng là

Lâu-chí).”

Thứ ba- PHẦN NGHIỆP NHÂN

Theo kinh Thiên-Phật-nhân-duyên nói: “Bấy giờ, Phật bước ra khỏi thạch thất ở núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương-xa, hỏi A-nan rằng: “Hiện nay, các Thanh văn và Bồ-tát đều giảng giải luận gì thế?” A-nan bạch Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn, các vị ấy đều tự nói ve nhân duyên kiếp trước.” Lúc ấy, Bồ-tát Bạt-đà-bà-la bạch Phật rằng: “Vào ngày hôm nay, tôi muốn tham vấn đôi điều, xin đức Thế tôn giải nghĩa dùm cho.” Khi Bồ-tát ấy nói lời này, có 8bốn nghìn Bồ-tát đều cởi tràng anh lạc rắc lên Phật để cúng dường. Những hạt anh lạc kết trên đỉnh đầu Phật, cao lớn như núi Tu-di, trang trọng hiển hách đáng xem. Có nghìn Hóa Phật ngồi trong hang núi. Bấy giờ, các Bồ-tát bạch Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn, nghìn Phật trong Hiền kiếp này, vào thời quá khứ, đã vun trồng công đức gì, khiến cho thường sinh một chỗ, cùng ở một nhà, trong một kiếp, lần lượt đắc Đạo Bồ-đề, hóa độ chúng sinh?” Bấy giờ, đức Thế tôn bảo các Bồ-tát rằng: “Ta sẽ giảng giải rõ cho các ông. Nay các ông biết rằng, vào trăm nghìn vạn ức vô lượng số kiếp của thời quá khứ, thế giới này tên là Đại Trang nghiêm. Kiếp tên là Đại bảo, có vị Phật tên là Bảo ĐăngDiệm vương. Phật ấy thọ nửa kiếp. Chánh pháp hóa độ tồn tại trong một kiếp. Thời kỳ Tượng giáo tồn tại trong hai kiếp. Trong thời Tượng giáo ấy, có một đại vương tên là Quang Đức, đem Thập thiện giáo hóa nhân dân như một vị Chuyển luân vương. Bấy giờ, đại vương ấy dạy cho nhân dân trì tụng luận Tỳ-đà. Khi ấy, trong học đường có nghìn đồng tử tuổi đều mười lăm, thông minh, biết rộng. Nghe các Tỳ-kheo tụng Phật pháp tăng, có một đồng tử tên là Liên Hoa Đức bạch Tỳ-kheo Thiện Xưng rằng: “Sao gọi là Phật Pháp Tăng?” Tỳ-kheo ấy đáp rằng:

“Ba-la-mật đầy đủ,
Thanh tịnh giác trí tuệ.
Tâm thù thắng thành tựu
Nên danh hiệu là Phật
Tính thanh tịnh vô nhiễm,
Lìa xa khỏi thế gian.
Không màng đời Ngũ uẩn,
Thường trụ, gọi là Pháp.
Thân tâm thường vô vi,
Bỏ hẳn bốn cách ăn.
Là phước điền cho đời.
Vì thế, gọi là Tăng.”

Khi nghìn đồng tử nghe xong tên Tam bảo, đều cầm hương hoa đi theo Tỳ-kheo vào tháp lễ bái. Thấy được tượng Phật, đầu và tứ chi cuối mọp xuống đất. Ngay trước tượng Phật, tất cả cùng phát lời thề nguyện lớn lao, bày tỏ tâm A-nậu Bồ-đề. Vào vô lượng kiếp sau này, chắc chắn sẽ thành Phật, như đức Thế tôn hôm nay. Nghìn đồng tử ấy, tùy theo tuổi thọ ngắn dài, khi lâm chung, nhờ vào nhân duyên nghe tên Tam bảo, trừ bỏ nghiệp quả sinh tử trong năm mươi mốt kiếp. Sau khi mạng chung, sinh vào Phạm thế. tự nhớ lại tiền kiếp đã từng nghe tên Tam bảo, đều sinh lên Trời. Khi ấy, cả nghìn Phạm vương cưỡi cung điện, mang đủ bảy loại hoa quý đến tháp cúng dường tượng Phật. bấy giờ, tất cả, dù khác miệng nhưng cùng chung tiếng, nói kệ rằng:

“Rạng rỡ tên Tam bảo,
Lâu nay ở cõi lành.
Nghe tên, trừ được ác
Và sinh vào Phạm thế.
Hôm nay cúi đầy lạy,
Quy y bậc giải thoát.”

Nói xong bài kệ này, tất cả đều trở về Phạm thế. Bạt-đà-bà-la! Nay ông nên biết rằng vị đại vương đem Thập thiện dạy dân thời bấy giờ đã thành Phật từ lâu. Chính là Phật Tỳ-bà-thi. Tỳ-kheo Thiện Xưng là Phật Thi-khí. Nghìn đồng tử ấy, chẳng phải người lạ. Chính là Phật Câu-lưu-tần cho đến Phật cuối cùng là Lâu-chí hiện nay. Bạt-đà-bà-la! Nay ông nên biết rằng ta cùng nghìn Bồ-tát trong Hiền kiếp, đã từng theo vị Phật ấy, nghe tên tam bảo, mới phát tâm A-nậu Bồ-đề. Nhân duyên là như thế.

Phật bảo Bồ-tát Bạt-đà-bà-la rằng, vào vô lượng vô số kiếp của thời quá khứ, thế giới Ta-bà này có một nước lớn tên là Ba-la-nại, quốc vương tên là Phạm Đức, thường dùng pháp thiện giáo hóa nhân dân, đem nước giao phó cho con, xuất gia học đạo, thành Bích-chi Phật. Phóng thân vào giữa hư không, hóa ra mười tám biến thân. Khi ấy, nghìn Phạm vương lấy vạt áo đựng đầy hoa đẹp, đến rừng Ưu-đàm cúng dường Bíchchi Phật ấy và bạch rằng: “Xin ngài thuyết pháp cho chúng tôi.” Bấy giờ, Bích-chi Phật phóng thân vào giữa hư không, hóa ra mười tám biến thân, duỗi tay giương chân. Trong đó, có một Phạm vương tên là Tuệ Kiến, nói với các Phạm vương khác rằng: “Ta thấy Bích-chi Phật này chỉ nhờ giữ gìn Ngũ giới. Ta sẽ giữ 8 giới, thực hành Thập thiện, quán các duyên khởi. Đem thiện căn này hồi hướng về A-nậu Bồ-đề rất cao xa vi diệu. Nguyện sẽ thành Phật, hơn hẳn Bích-chi Phật trăm nghìn vạn ức lần! Sau khi nghìn Phạm vương mạng chung, liền sinh làm nghìn Chuyển luân vương trong nghìn quốc độ của thế giới Ta-bà, thọ được tám vạn bốn nghìn tuổi. Khi sắp mệnh chung, trong núi Tuyết có một vị Bà-la-môn thông minh biết rộng, sống thọ nửa kiếp, từng nghe kinh đời trước nói, vào thời quá khứ, có vị Phật tên là Chiên-đàn Trang Nghiêm. Vị Phật ấy thuyết pháp Bố thí Ba-la-mật rất cao xa vi diệu, đến nỗi không còn thấy bố thí và được bố thí, tâm hạnh đều bình đẳng như nhau. Khi nghe chuyện ấy xong, vị Bà-la-môn xuống núi Tuyết, tìm đến nghìn Chuyển luân vương tán thán diễn thuyết phép bố thí này. Tất cả đều đem đất nước giao phó cho các thái tử, xuất gia cầu đạo. Lên núi Tuyết, lập thảo am, tìm Đạo vô thượng. Được quả Ngũ thông, phi hành tự tại giữa hư không. Sống thọ một kiếp.

Bấy giờ, trong núi Tuyết có con Dạ-xoa thật lớn, thân cao bốn nghìn dặm. Nanh sắc bén, mọc chởm lên, dài tám mươi dặm. Mặt lớn mười hai dặm. Mắt toé máu, sáng rực như đồng sôi. Tay trái cầm kiếm, tay phải cầm chĩa, đứng trước các Chuyển luân vương, cất cao tiếng bảo: “Nay ta đói khát, không có thức ăn. Xin các đại vương thương xót, bố thí cho chút ít.” Khi ấy, nghìn Chuyển luân vương bảo Dạ-xoa rằng: “Chúng tôi thề nguyện bố thí mọi thứ!” Tất cả đều lấy nước rửa tay cho Dạ-xoa, trao cho trái cây của tiên rồi bảo ăn đi. Dạ-xoa giật lấy, giận dữ ném xuống đất và bảo rằng: “Dạ-xoa cha ta ăn tinh khí của người. Lasát mẹ ta chuyên ăn tim, uống máu nóng của người. Nay ta đói quá, chỉ cần ăn tim uống máu. Đâu cần đến thứ quả này!” Khi ấy, nghìn Chuyển luân vương nói với Dạ-xoa: “Cái khó bỏ nhất, chính là bản thân. Thế nên, hôm nay chúng ta không thể đem tim ra bố thí được.” Lúc ấy, Dạxoa liền nói kệ rằng:

“Xem tim không có thật,
Do Tứ đại hợp thành.
Tất cả đều bỏ được,
Mới đúng hạnh Bồ-tát!”

Bấy giờ, trong núi Tuyết có một vị Bà-la-môn tên là Lao-độ-bạtđề, bạch Dạ-xoa rằng: “Kính xin đại sư thuyết pháp dùm cho. Nay tôi không chút nuối tiếc tim và máu của mình.” Nói xong, liền cởi áo mõng, trãi làm tòa giảng, mời Dạ-xoa ngồi lên. Dạ-xoa lập tức nói kệ: “Muốn cầu Đạo vô vi,

Đừng tiếc thân và tim.
Cắt đứt cho chúng sinh.
Chịu đựng nín như đất.
Cũng không thấy người nhận.
Cầu Pháp không ân hận,
Không nuối tiếc chút gì.
Gấp như chữa cháy đầu,
Cứu giúp người đói khát
Mới đúng hạnh Bồ-tát!”

Khi Lao-độ-bạt-đề nghe xong bài kệ này, thân tâm đều hoan hỷ, liền lấy kiếm bén rạch bụng lộ trái tim ra. Bấy giờ, thổ thần từ dưới đất vọt lên, bạch Lao-độ-bạt-đề rằng: “Xin đại tiên thương xót bọn tôi và các thần núi non cây cối, đừng vì một con quỷ dữ, xả bỏ bản thân.” Laođộ-bạt-đề bảo các vị thần ấy rằng:

“Thân này như lửa chớp,
Vừa loé đã tắt ngay.
Như âm vang tiếng gọi,
Gọi xong, chẳng đáp lời.
Sức Tứ đại Ngũ uẩn,
Luân chuyển chẳng dừng lâu.
Trong nghìn vạn ức năm,
Chưa từng chết vì Pháp .
Nên ta nay vì Pháp,
Đem tim, máu bố thí.
Xin đừng ngăn cản ta,
Trở ngại Tuệ vô thượng.
Với công bố thí này,
Thề nguyện thành Phật đạo.
Sau khi được thành Phật,
Trước hết, độ các ngài.”

Nói xong bài kệ, Lao-độ-bạt-đề liền nằm xuống trước mặt Dạxoa, lấy kiếm đâm cổ, bố thí máu cho Dạ-xoa. Rồi lại lập tức mổ lớn bụng, móc trái tim đưa cho. Bấy giờ, trời đất rung chuyển mạnh, mặt trời mất hẳn ánh sáng. Không có mây nhưng sấm vẫn nổ rền. Có con Dạ-xoa từ bốn phương chạy đến, tranh nhau chia xé, giành giựt ngấu nghiến. Sau khi đã ăn no nê, liền cất tiếng rú lớn, nhảy vọt lên giữa không trung, bảo nghìn Chuyển luân vương rằng: “Mấy ai có thể bố thí như Lao-độ-bạt-đề? Với công đức bố thí ấy, thật đáng thành Phật!” Bấy giờ, nghìn Chuyển luân vương kinh hoảng thụt lùi, không còn ước muốn thành Đạo Bồ-đề, sinh lòng hối hận, đều muốn về nước. Khi ấy năm con Dạ-xoa liền nói kệ rằng:

“Không giết là mầm Phật.
Từ tâm là thuốc hay.
Đại từ thường an ổn,
Không còn già, chết nữa.
Tất cả các sinh mạng,
Giết chóc đều độc hại.
Thế nên, các Bồ-tát
Dạy ta đừng sát sinh.
Nếu các ông sợ chết,
Luôn luôn đừng sát sinh.
Tại sao lại về nước,
Bỏ tĩnh, tìm náo loạn?

Khi nghìn Chuyển luân vương nghe xong bài kệ này bèn cùng nhau đứng lặng thinh. Phật bảo Bạt-đà-bà-la: “Nay ông nên biết rằng vị Bà-la-môn thứ nhất tán thán phép Bố thí Ba-la-mật chính là Phật Định Quang Minh vương của thời quá khứ. Lao-độ-bạt-đề chính là Phật Nhiên Đăng của thời quá khứ. Còn nghìn Chuyển luân vương, dù đã xuất gia cầu đạo, gặp Phật Nhiên Đăng thực hành các phép khổ hạnh, lòng sinh ra hối hận, nên phải đọa vào Đại địa ngục trong một kiếp. Tuy thế, nhờ vào nguyện lực của tâm Bồ-đề kiên cố, nên lửa đỏ không thể đốt cháy được. Từ đó về sau, còn gặp Bồ-tát Đăng Minh vương thuyết pháp giúp cho, thoát khỏi địa ngục. Bồ-tát tán thán công đức giải thoát lớn lao của nghìn Phật thời quá khứ và xưng tụng danh hiệu Phật Trang Nghiêm cho đến Phật Tự Tại vương. Khi nghìn Chuyển luân vương nghe xong danh hiệu nghìn Phật, hết sức hoan hỷ, cùng thành tâm kính lễ. Nhờ nhân duyên này, siêu thoát được tất cả mọi tội lỗi sống chết trong chín ức triệu vô lượng vô số kiếp. Bạt-đà-bà-la! Ông nên biết rằng, nghìn Chuyển luân vương bấy giờ, chẳng phải người lạ, chính là nghìn Phật trong Hiền kiếp của chúng ta đấy!”

Bộ thứ 3: CHỦNG TÍNH

Gồm có phần: Thuật ý, Vương tộc, Chủng tính, Cầu hôn.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý Kính xét rằng:

Vua Bạch Tĩnh* kế thừa tiên tổ, xuất phát từ vua Ý-sư-ma. Thánh chúa nối nhau, muôn đời xán lạn. Bởi thế, đức Thích-ca mới mượn tạm để thị hiện giáng sinh. Tiên tổ càng được hiển vinh, cháu con càng thêm rực rỡ. Do đó, ngài đã nhập vào kim thân một trượng sáu ở nước Ca-tỳ, hiển lộ nghi dung đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, thống lãnh giáo hóa ba ngàn thế giới lớn lao. Thương xót chúng sinh bị Sông phiền cuốn lôi trôi nổi, quyết ra tay chóng thuyền từ Lục độ cứu vớt đắm chìm.

Thứ hai: PHẦN VƯƠNG TỘC

Theo kinh Trường-A-hàm nói: “Khi trời đất mới vừa thành lập, do ăn vị đất mà biến hóa thành người. Nhân có tranh cãi nổi lên, mọi người bàn bạc lập nên người làm chủ để phân xử. Cùng nhau chọn lựa một người có dòng dõi đáng tôn kính nhất, phong làm quốc vương để cai trị nhân dân. Đấy là vị vua tổ tiên của dòng họ Thích-ca (trong thiên Kiếp lượng trước đây, có nói đầy đủ).

Lại nữa, theo kinh Lâu-thán nói rằng: “Về sau, có nhà vua khác cai trị không bằng vua trước, tuổi thọ liền giảm xuống. Từ sống đến chín vạn tuổi, lần lượt giảm xuống còn một vạn tuổi, thậm chí còn một trăm tuổi.” Từ đầu kiếp, có vua tên là Tướng Khổng Lồ đến nay, theo tính tóan tổng quát của luật Tứ-phần, gồm có tám mươi bốn ngàn hai trăm năm mươi ba vị vua xuất thế. Trong số đó, có 10 vị đại Thánh Chuyển luân vương làm vua thiên hạ. Ngoài các vị vua này, không thể liệt kê đầy đủ. Nay sẽ liệt kê tên thật tổ tiên bảy đời của đức Như lai, theo luật Ngũ- phần, một cách cụ thể như sau: thời quá khứ, có vị vua tên là Uất-ma vương (luật Tứ- phần gọi là Ý-sư-ma). Con thứ của vua này có tên: 1/ là Chiếu Mục (kinh Trường-A-hàm gọi là Diện Quang), 2/ là Thông Mục (các kinh khác gọi là Thực Chúng), 3/ là Điều Tượng (các kinh gọi là Lộ Chỉ), / là Ni-Lâu (các kinh gọi là Trang Nghiêm). Vua Ni-lâu có con tên là Ô-đầu-la. Vua Ô-đầu-la có con tên là Cù-đầu-la. Vua Cù-đầu-la có con tên là Thi-hưu-la. Vua Thi-hưu-la có bốn người con: thứ nhất tên là Tịnh Phạn, thứ hai tên là Bạch phạn, thứ ba tên là Hộc Phạn, thứ tư tên là Cam Lộ Phạn. Nếu theo kinh Trường-A-hàm và luật Tứ-phần thì đều nói rằng: “Vua Sư Tử Giáp có bốn người con: thứ nhất là vua Tịnh Phạn, có hai người con (một là Bồ-tát Thích-ca, hai là Nan-đà). Thứ hai là vua Bạch Phạn, có hai người con (một là Điều-đạt, hai là A-nan). Thứ ba tên là vua Hộc Phạn, có hai người con (một là Maha-nam, hai là A-na-luật). Thứ tư là vua Cam Lộ Phạn, có hai người con (một là Ta-bà, hai là Bạt-đề)”. Theo luận Trí-độ nói: “Vua Sư Tử Giáp có một người con gái tên là Cam Lộ Vị. Cam Lộ Vị có con trai tên là Thi-bà-la.” Theo kinh Tạp-A-hàm nói: “Con trai người cô của đức Thế tôn tên là Để-sa, làm Tỳ-kheo.” Theo luận Phân-biệt-công-đức nói: “A-nan có người em gái xuất gia làm Tỳ-kheo ni (không nói tên), hiềm giận Ca-diếp mắng A-nan làm trò trẻ con.” Lại nữa, kinh Đại-phươngtiện nói: “Từ đầu kiếp đến nay, dòng họ đích truyền của vua Bạch Tĩnh đời đời nối ngôi làm Chuyển luân vương. Hai đời gần đây không còn làm Chuyển luân vương nữa, mà làm vua cõi Diêm-phù-đề.” Lại nữa, kinh Ưu-bà-tắc-giới nói: “Ta phát tâm vào đầu thời Phật Thích-ca, mãn Tăng-kỳ thứ nhất vào thời Phật Bảo Đỉnh, mãn Tăng-kỳ thứ hai vào thời Phật Nhiên đăng và mãn Tăng-kỳ thứ ba vào thời Phật Ca-diếp.”

Thứ ba: PHẦN CHỦNG TÍNH

Như kinh Thập-nhị-du nói: “Vào vô lượng thời gian xa xưa, có

một Bồ-tát làm quốc vương. Cha mẹ mất sớm, nhường đất nước cho em, bỏ ngôi vua đi tìm Đạo. Từ xa, thấy một vị Bà-la-môn họ Cù-đàm, nên xin đi theo học Đạo. Vị bà-la-môn nói: “Phải cởi hoàng bào, ăn mặc như ta và mang họ Cù-đàm.” Từ đó, Bồ-tát mang họ Cù-đàm, vào tận rừng sâu, ăn quả uống nước, ngồi Thiền, quán Đạo. Nhân đi khất thực, Bồ-tát bèn trở về nước. Quan dân cả nước không ai hay biết, gọi là Tiểu Cù-đàm. Bồ-tát cất tinh xá ở ngoài thành để ngồi một mình nhập định. Bấy giờ, có năm trăm tên giặc lớn vào cướp của ở trong cung, chạy về theo đường bên cạnh tịnh xá. Sáng mai. Quan quân đi bắt giặc, tìm thấy dấu vết dưới tinh xá. Vì thế, bắt luôn Bồ-tát, trước sau đều ghép vào tội cướp bóc. Lấy cây xâu vào mình, dựng lên làm nêu, máu chảy xuống đất. Vị Đại Cù-đàm dùng Thiên nhãn xem thấy, liền vận dụng thần thông bay đến hỏi rằng: “Ông làm tội nặng gì, đến nỗi như thế? Ong lại chẳng có con cháu, biết lấy ai nối dõi?” Bồ-tát trả lời: “Mạng sống chỉ còn giây lát, nói gì đến chuyện cháu con!” Nhà vua sai bọn tay chân tả hữu lấy cung nõ bắn chết. Đại Cù-đàm đau đớn khóc lóc, bỏ xác vào quan tài khâm liệm. Nhặt máu đọng trên đất, lấy bùn vo lại, đựng vào hai bình khác nhau, mang về đặt lại trong tinh xá (máu bên trái đặt vào bình bên trái, máu bên phải cũng làm y như thế). Đại Cùđàm nói rằng: “Nếu tâm chí của đạo nhân này thành khẩn, thiên thần sẽ biến máu thành người!” Mười tháng sau, máu bên trái biến thành nam, máu bên phải biến thành nữ. Từ đó bèn gọi là họ Cù-đàm, hay một tên nữa là Xá-di (Xá-di là danh hiệu của quý tộc ở phương Tây). Máu hóa thành người là chuyện đời trước. Sợ văn từ rườm rà, nên không thể nói đủ ngọn nguồn.

Lại nữa, kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói: “Trước vua Cam Giá, còn có vua khác tên là Đại Mao Thảo, đem ngôi báu trao cho các đại thần. Mọi người vây quanh đưa vua ra khỏi thành, cắt tóc cạo râu, mặc áo nhà tu. Sau khi xuất gia, nhà vua giữ giới thanh tịnh, chuyên tâm dũng mãnh, thành tựu được quả Tứ Thiền, đầy đủ năm phép thân thông, trở thành vua tiên, có tuổi thọ hết sức lâu dài. Về sau, đến khi suy yếu, thịt rút lưng còm, dù có chống gậy, cũng không thể đi xa. Bấy giờ vua tiên có các đệ tử muốn đi lại đó đây để xin đồ ăn thức uống, bèn lấy cỏ mềm sắp lớp trong lồng rồi đặt vua tiên vào, xong đem treo lên cành cây. Họ làm như thế, vì sợ rắn rít thú dữ đến xâm phạm vua tiên. Sau khi các đệ tử đều đi khất thực, có một thợ săn đi qua vùng núi ấy, xa xa nhìn thấy vua tiên, cho là chim trắng*, lập tức bắn vào. Vua tiên bị thương nặng, có hai giọt máu rơi xuống đất và chết ngay. Khi các đệ tử đi khất thực về, thấy vua tiên đã bị bắn chết, lại thấy có hai giọt máu in trên mặt đất, liền hạ lồng, đặt vua tiên nằm xuống, gom góp củi lửa thiêu xác, thâu thập xương cốt làm tháp. Lại dùng đủ loại hương hoa quý báu cúng dường, tôn kính tán thán tháp ấy. Mọi chuyện xếp đặt đều yên. Bấy giờ, trên mặt đất có hai giọt máu liền mọc lên hai chồi mía, cao lớn dần dần. Đến mùa mía chín, mặt trời nung nấu nứt ra. Một cây lộ ra một đồng nam, cây kia lộ ra một đồng nữ, đoan trang khả ái, trên đời có một không hai. Khi ấy, các đệ tử bèn nghĩ rằng, thuở vua tiên còn sống, không có con cái, thì hai đồng tử này chính là dòng dõi của vua tiên. Liền đem chăm sóc nuôi dưỡng và báo tin cho triều đình. Các đại thần triệu một vị Đại Bà-la-môn đến nhờ bói giúp và đặt tên cho. Vị ấy nói rằng: “Đồng nam này do mặt trời nung nấu cây mía chín sinh ra, nên đặ tên thứ nhất là Thiện Sinh. Lại do từ cây mía sinh ra, nên đặt tên thứ hai là Cam Giá Sinh. Hơn nữa, do mặt trời nung nấu cây mía mà sinh ra, nên cũng đặt tên là Nhật Chủng. Nhân duyên của đồng nữ cũng thế, nên đặt tên là Thiện Hiền, lại đặt thêm tên Thủy Ba. Bấy giờ, các đại thần nghinh đón đồng tử do giống mía sinh ra còn đang niên thiếu ấy về làm lễ quán đỉnh, lập lên làm vua. Khi đồng nữ Thiện Hiền đến tuổi trưởng thành, liền lập làm vương phi thứ nhất cho nhà vua ấy.”

Thứ tư: PHẦN CẦU HÔN

Bấy giờ, cách thành Ca-tỳ-la không xa, lại có một thành khác tên là Thiên Tý. Trong thành ấy có một trưởng giả thuộc dòng dõi họ Thích cao sang tên là Thiện Giác. Châu báu chất chứa, của cải dồi dào, uy đức đầy đủ, muốn gì được nấy, không hề thiếu thốn. Cửa nhà lộng lẫy như cung điện của vua Tỳ-sa-môn, không khác chút nào. Trưởng giả ấy sinh ra tám người con gái: thứ nhất là Vi Ý, thứ hai là Vô Tỷ Ý, thứ ba là Đại Ý, thứ tư là Vô Biên Ý, thứ năm là Phát Ý, thứ sáu là Hắc Ngưu, thứ bảy là Sấu Ngưu và thứ tám là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (đời Tuỳ dịch là Đại Tuệ hay cũng gọi là Phạm Thiên). Trong số đó, Phạm Thiên này tuổi tác nhỏ nhất. Ngày mới ra đời, được các vị Bà-la-môn giỏi tướng thuật xem giúp, bảo rằng: “nếu cô gái này lấy chồng sinh con trai, chắc chắn sẽ làm Chuyển luân Thánh vương cai trị thiên hạ. Thất bảo có sẳn, con cháu đầy đủ. Không cần dùng đến hình phạt trị dân. Khi các cô gái của trưởng giả lớn lên, sắp sửa lấy chồng, vua Bạch Tĩnh nghe đồn trong nước có nhà họ Thích hết sức giàu có, sinh được 8 cô gái đoan trang hiếm có, đến nỗi các thầy tướng đưa ra lời tiên đoán sẽ sinh quý tử. Nghe được tin này, nhà vua liền bảo: “Nay ta phải cưới cô gái ấy làm vương phi để con cháu của Cam Giá Chuyển luân vương ta không bị đoạn tuyệt.” Nhà vua liền phái sứ giả đến nhà trưởng giả Thiện Giác hỏi cưới Đại Tuệ về làm vương phi. Trưởng giả nói với sứ giả: “Sứ giả nhân từ! Xin về hỏi giúp nhà vua rằng ta có tám đứa con gái. Lớn nhất là Vi Ý, nhỏ nhất là Đại Tuệ. Tại sao nhà vua lại hỏi cưới đứa nhỏ nhất? Xin nhà vua hãy tạm thời chờ đợi đến khi ta đã gã xong bảy đứa kia. Bấy giờ sẽ gả Đại Tuệ về làm vương phi.” Nhà vua lại sai sứ giả đến nói với trưởng giả rằng: “Nay ta không đợi ông lần lượt gả xong bảy cô gái lớn, rồi mới cưới Đại Tuệ về làm vương phi. Tất cả tám cô gái con ông, ta đều cưới hết!” Thích trưởng giả nhờ báo lại với nhà vua: “Nếu được như thế, xin tuân lệnh nhà vua, tùy tiện đón về.” Bấy giờ, vua Tịnh Phạn liền sai sứ giả đến nghinh đón tám cô gái cùng lúc về cung. Xong xuôi, nhà vua thu nạp hai cô làm vương phi: cô thứ nhất là Vi Ý và cô thứ tám là Đại Tuệ. Sáu cô còn lại, nhà vua đem ban cho ba người em. Mỗi người lấy hai cô làm vợ. Khi vua Tịnh Phạn cưới xong hai chị em Vi Ý về cung, liền mặc tình vui chơi, hưởng thụ hoan lạc và cai trị bốn phương theo phép Chuyển luân vương.”

Lại nữa, kinh Bồ-tát-bản-hạnh nói: “Bấy giờ, vua Cam Giá có vương phi thứ hai đẹp đẽ đoan trang, sinh được bốn người con: thứ nhất là Cự Diện, thứ hai là Kim Sắc, thứ ba là Tượng Chúng và thứ tư là Biệt Thành. Vương phi thứ nhất chỉ sinh được một con là Trường Thọ. Đoan chính đáng yêu, nhưng tướng mạo không thể làm vua. Vương phi Thiện Hiền suy nghĩ thế này: “Vua Cam Giá có bốn người con là các anh em Cự Diện đều hùng dũng. Nay ta chỉ có đứa con này, tuy rất đoan trang hiếm có, nhưng tướng mạo không thể làm vua. Ta phải làm cách gì để đứa con ta có thể được nối ngôi vua.” Rồi lại suy nghĩ tiếp rằng: “Nhà vua Cam Giá nay ở bên ta, vô cùng yêu quý, nặng lòng say mê, tình ý phóng dật. Nay ta nên tận dụng mọi lối trang điểm của đàn bà, khiến nhà vua càng sinh thêm lòng say đắm ta. Khi ấy, trong chốn phòng the, ta sẽ năn nỉ thỉnh cầu.” Suy nghĩ xong xuôi, vương phi trang điểm thân mình vô cùng lộng lẫy, rồi đến với nhà vua. Thấy vương phi như thế, nhà vua càng thêm yêu quý, tâm thần phiêu dật. Biết được nhà vua đã thật sự say mê, hai người cùng ngủ. Vương phi tâu rằng: “Xin đại vương biết cho, nay thiếp xin đại vương chấp thuận cho một nguyện vọng.” Nhà vua nói: “Vương phi! Chìu theo ý nàng mong ước, ta sẽ chấp thuận!” Bấy giờ, vương phi hỏi lại nhà vua: “Nếu đại vương đã chấp thuận, xin đừng hối tiếc đổi thay.” Nhà vua trả lời: “Nhất quyết chấp thuận ý nàng. Nếu sau này hối tiếc, đầu ta sẽ bị vỡ thành bảy mảnh!” Khi ấy vương phi mới tâu rằng: “Thưa đại vương, xin hãy đuổi bốn người con của ngài là các anh em Cự Diện ra khỏi đất nước rồi phong cho con ruột của thiếp là Trường Thọ được làm vua.” Bấy giờ, vua Cam Giá nói với vương phi rằng: “Bốn đứa con ta không phạm lỗi gì. Trong đất nước có điềm gì không lành mà không cho anh em bọn chúng được ở?” Vương phi tâu lại: “Đại vương đã thề rằng nếu có ân hận, đầu ngài sẽ vỡ làm bảy!” Nhà vua bèn bảo vương phi: “Thôi thôi! Ta sẽ giữ lời. Chấp thuận nguyện vọng của nàng!” Sau khi nhà vua đã trải qua đêm ấy với vương phi, đến sáng hôm sau, liền triệu tập bốn người con đến dạy rằng: “Bốn đứa con nghe đây! Hôm nay phải ra khỏi đất nước của ta, không được ở nữa. Hãy đi đến nước khác thật xa xôi.” Khi ấy, bốn người con đều quỳ xuống, chắp tay tâu với vua cha rằng: “Xin đại vương biết cho, bốn anh em chúng con không gây tội ác, không phạm lỗi lầm. Tại sao phụ vương lại đuỗi chúng con ra khỏi đất nước?” Nhà vua phán: “Ta vẫn biết rằng các con thật sự không có lỗi lầm. Đây không phải là ý của ta muốn xua đuổi các con. Chính là ý của vương phi Thiện Hiền cầu xin mà ta không thể nào làm trái được, nên phải đuổi các con thôi!” Bấy giờ, mẹ ruột của bốn người con đều xin đi theo. Nhà vua thông báo: “Tùy ý các nàng.” Quyến thuộc, gia thần của các vương phi và dân chúng đều tâu với nhà vua: “Nay đại vương đuổi bốn người con này ra khỏi đất nước, bọn thần cũng xin phép được đi theo.” Nhà vua phán: “Tùy ý các người.” Khi ấy, nhà vua dạy các con rằng: “Từ nay về sau, nếu muốn kết hôn, không được chọn lấy các dòng họ khác ở ngoài. Phải chọn lấy trong gia tộc. Đừng để dòng dõi Cam Giá bị đoạn tuyệt.” Sau khi đã nhận lời chỉ dạy của phụ vương, tất cả bốn người con đều dẫn mẹ ruột, bà con, của cải, lạc đà, xe cộ lập tức đi về phương Bắc, đến dưới chân núi Tuyết, tạm dừng nghỉ ngơi. Có một con sông lớn tên là Bà-kỳ-la-thế, vượt qua sông ấy, lên đỉnh núi Tuyết. Qua nhiều gian lao mõi mệt, phải dừng lại nghỉ ngơi rất lâu. Thấy giang sơn rộng rãi bằng phẳng, không có chổ gò đống gồ ghề. Chỉ mọc toàn cỏ mềm xanh mướt. Quang cảnh yên tĩnh đáng yêu. Cây cối hoa quả sum sê tươi tốt. Các người con ngắm xong, cùng bảo nhau: “Có thể xây dựng thành trì ở đây để khai hoá.” Sau khi đã an cư xong xuôi, các người con nhớ đến lời phụ vương, tìm kiếm vợ khắp trong gia tộc không có, đều chọn lấy dì và các chị em để làm vợ chồng. Một là theo đúng lời phụ vương răn dạy, hai là sợ dòng họ Thích bị pha trộn tạp chủng. Bấy giờ, nhà vua Nhật Chủng Cam Giá triệu vị Đại Bà-la-môn quốc sư thứ nhất đến bảo rằng: “Đại Bà-la-môn! Nay bốn hoàng tử của ta ở đâu?” Quốc sư trả lời: “Xin đại vương biết cho, bốn hoàng tử của ngài đều ra khỏi nước, đi về phương Bắc, thậm chí đã có con cái đàng hoàng.” Khi ấy, nhà vua thấy mình rất thương yêu các hoàng tử. Lòng rất trông gặp, hoan hỷ nói rằng: “Các hoàng tử ấy biết lập thiết lập quốc kế, xây dựng dân sinh. Thế nên cho phép các hoàng tử ấy dựng nên dòng họ Thích-ca. Vì dòng họ Thích-ca ở dưới bóng mát của cây lớn có cành lá sum sê, nên gọi là Xa-di-kỳ-da. Vì xây dựng căn bản ở chổ cư trú của vị tiên Ca-tỳ-la, do thành trì đặt ra tên, nên gọi là Ca-tỳ-la-bà-tô-đô.” Sau khi ba hoàng tử con vua Cam Giá đã mất, chỉ còn lại một hoàng tử tên là Ni-câu-la (đời Tùy dịch là Biệt Thành).”

Kinh Trường-A-hàm nói: “Cư trú dưới rừng cây thẳng, còn gọi là rừng Thích. Nhân rừng lấy làm họ.” Lại nữa, phụ vương nghe tin các con đoan chính, phán rằng: “Các hoàng tử ấy đúng là con cháu của họ Thích!”

Bộ thứ 4: GIÁNG THAI

Gồm có 6 phần: Thuật ý, Hiện suy, Quan cơ, Trình tường, Giáng thai, Tưởng đạo.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Thành khẩn trong tâm thì Chí giác hiển lộ, đạm bạc ngoài hình thì Pháp thân cận kề. Thế nên, bổn sư Năng Nhân tùy cơ giáng thế. thương nhà lửa bốc cháy phừng phừng, xót sông dục sương giăng mờ mịt. Nương cung điện phụ vương Bạch Tĩnh, đầu thai vào phu nhân Mada. Phóng hào quang rực rỡ sắc vàng, phá phiền não vô minh tăm tối. Chịu đựng trong Ba chướng nặng nề, chỉ đãy xác điểm trang không thật, ra khỏi bốn cửa thành cao lớn, sợ mây nổi biến hóa vô thường.

Thứ hai: PHẦN HIỆN SUY

Như kinh Nhân-quả nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Thiện Tuệ công đức đầy đủ, lên vị Thập địa, tại Nhất sinh bổ xứ, gần Nhất thiết chủng trí, sinh vào Trời Đâu-suất, tên là Thánh thiện, thống lãnh chư Thiên, diễn thuyết công hạnh Nhất sinh bổ xứ. Đồng thời thị hiện đủ mọi hóa thân, tùy duyên thuyếp pháp cho chúng sinh ở các quốc độ khắp mười phương. Thời cơ sắp đến, sẽ giáng trần thành Phật, liền quan sát năm hiện tượng: một là quan sát cơ duyên chúng sinh đã chín hay chưa. Hai là quan sát thời cơ đã đến hay chưa. Ba là quan sát các quốc độ, quốc độ nào ở giữa. Bốn là quan sát các chủng tộc, chủng tộc nào tôn quý, hùng cường. Năm là quan sát các nhân duyên quá khứ, ai chân chính nhất, xứng đáng làm cha mẹ. Sau khi đã quan sát năm hiện tượng này xong, sẽ lập tức hạ sinh. Lúc ấy, Bồ-tát không thể làm lợi ích rộng rãi cho chư Thiên và chúng sinh, liền hiện đủ năm tướng suy, khiến cho các Thiên tử đều biết rõ ràng thời cơ Bồ-tát hạ sinh thành Phật: một là mắt của Bồ-tát nhấp nháy. Hai là hoa trên đầu khô héo. Ba là áo dính bụi bặm. Bốn là nách đẫm mồ hôi. Năm là không thích ngồi yên chỗ. Chư Thiên thấy Bồ-tát có năm tướng lạ này, lòng hết sức hoảng sợ, đến nỗi lỗ chân lông xuất huyết như mưa, cùng bảo nhau: “Không bao lâu nữa, Bồ-tát sẽ bỏ rơi chúng ta.” Bấy giờ, Bồ-tát lại hiện ra năm điềm lành: một là phóng ra hào quang lớn chiếu sáng khắp ba ngàn đại thiên thế giới. Hai là mặt đất có mười tám hiện tượng chấn động. Núi Tu-di, các biển lớn, các Thiên cung đều bị lung lay. Ba là nhà cửa của các loài ma quỷ đều bị che lấp, không hiện ra. Bốn là mặt trời, mặt trăng và các tinh tú không còn sáng láng. Năm là tất cả tám loài trong thiên hạ đều bị rúng động, không thể dằn lại được. Chư Thiên ấy thấy Bồ-tát hiện đủ năm tướng suy, ngoài ra còn hiện đủ năm điềm lành hy hữu như thế, đều tụ họp lại bên Bồ-tát, dập đầu sát chân hành lễ và bạch rằng: “Tôn giả! Hôm nay, chúng tôi thấy đủ các tướng, toàn thân đều rúng động, không thể an lòng. Xin tôn giả giải thích nhân duyên này cho chúng tôi.” Bồtát liền đáp rằng: “Các thiện nam tử! Phải biết rằng các hành đều vô thường. Chẳng bao lâu nữa, ta sẽ rời bỏ Thiên cung này, hạ sinh xuống cõi Diêm-phù-đề. Khi chư Thiên nghe xong lời này, lòng rất thảm sầu, khắp mình ứ huyết, mê man đầy đất, hết sức than vãn vô thường. Lúc ấy, có một Thiên tử nói kệ rằng:

“Bồ-tát ở chốn này,
Mở pháp nhãn dùm ta.
Hôm nay lìa xa ta,
Như mù mất hướng đạo.
Lại như muốn qua sông,
Bỗng nhiên mất cầu, thuyền.
Cũng giống trẻ mất cha,
Lại mất cả mẹ hiền.
Chúng tôi cũng như thế,
Mất hẳn nơi nương tựa.
Chìm trong dòng sống chết.
Biết được chỗ nào ra!
Chúng tôi trong đêm tối,
Bị tên độc bắn nhằm,
Lại mất vua thầy thuốc,
Còn ai cứu chúng tôi!
Nằm rũ giường vô minh,
Chìm lỉm biển ái dục,
Mất hẳn lời ngài dạy.
Thấy đâu ngày thoát ra!”

Bấy giờ, Bồ-tát đáp kệ rằng:

“Ta ở đây không lâu,
Sẽ xuống Diêm-phù-đề,
Tại nước Ca-tỳ-la,
Trong cung vua Bạch Tĩnh.
Từ cha mẹ, thân thích,
Bỏ ngôi Chuyển luân vương,
Xuất gia đi tìm đạo,
Thành Nhất thiết chủng trí.
Dựng nên cờ chánh pháp,
Tát cạn biển phiền não,
Đóng kín cửa đường ác,
Mở rộng lối Bát chánh.
Làm lợi Trời và người,
Nhiều không thể tính được.
Vì nhân duyên như thế,
Chớ nên sinh ưu sầu!”

Hơn nữa, luận Trí-độ có câu hỏi: “Tại sao Bồ-tát lại sinh lên Trời Đâu-suất, không sinh cao hơn, không sinh thấp hơn. Vốn là người có phước đức lớn lao phải tự do sinh hạ bất cứ cõi nào? Đáp: “Có người bảo, vì tạo nghiệp chín, nên phải sinh ở cõi giữa. Vã lại, nếu sinh xuống cõi thấp thì kết tập dơ uế dày dặn. Sinh lên cõi cao thì kết tập sắc sảo lanh lợi. Trên Trời Đâu-suất, không dày dặn, không lanh lợi, trí tuệ an ổn. Hôn nữa, khi Phật xuất thế, không muốn thái quá. Nếu sinh xuống cõi thấp, chúng sinh có thọ mạng ngắn ngủi, sẽ chết trước khi Phật xuất thế. nếu sinh lên cõi cao, tuổi thọ quá dài, sẽ vượt quá thời gian Phật xuất thế. trời Đâu-suất ở giữa các cõi Trời Lục Dục và Đại Phạm, trên ba dưới ba. Từ Trời ấy hạ sinh vào nước ở giữa. Nửa đêm giáng sinh. Nửa đêm ra khỏi nước Ca-tỳ-la. Thực hành Trung đạo. Thuyết pháp cho chúng sinh. Nửa đêm nhập Niết-bàn vô dư. Vì thích Trung pháp nên sinh vào cõi Trời ở giữa.”

Thứ ba: PHẦN QUAN CƠ

Nếu Bồ-tát sắp đầu thai, sẽ dùng đến bốn loại quan sát thế gian:

một là quan sát thời cơ . Hai là quan sát đất nước. Ba là quan sát chủng tộc. Bốn là quan sát người sinh.

Thứ nhất là quan sát thời cơ. Thới cơ có tám lọai. Sau khi Phật xuất thế, thời cơ thứ nhất là khi chúng sinh thọ tám vạn bốn nghìn tuổi cho đến thời cơ thứ tám là khi chúng sinh thọ hơn một trăm tuổi. Bồ-tát suy nghĩ thế này: “Khi chúng sinh thọ một trăm tuổi là đến thời cơ Phật xuất thế.” Đó gọi là quan sát thời cơ.

Thứ hai là quan sát đất nước. Chư Phật thường sinh ra tại nước ở giữa. Ở đây dồi dào của cải báu vật. Đất đai thanh tịnh.

Thứ ba là quan sát chủng tộc. Chư Phật sinh ra trong hai chủng tộc như Sát-lợi hay Bà-la-môn. Vì chủng tộc Sát-lợi có thế lực lớn lao và Bà-la-môn có trí tuệ uyên bác. Tùy theo thời thế đòi hỏi, Phật sẽ sinh hạ vào một trong hai chủng tộc ấy.

Thứ tư là quan sát người sinh. Bậc làm mẹ nào có thể cưu mang được Bồ-tát có sức đại lực sĩ, cũng nư có thể tự hộ trì tĩnh giới.

Sau khi quan sát như thế xong, chỉ có hoàng hậu của nhà vua Tịnh Phạn tại nước Ca-tỳ-la ở giữa là có thể cưu mang được Bồ-tát. Suy nghĩ xong, từ Thiên cung Đâu-suất, không mất chánh niệm, Bồ-tát giáng nhập vào mẫu thai.

Lại nữa, kinh Phật-bản-hạnh nói: “Bấy giờ, trong Thiên chúng ở Trời Đâu-suất có một Thiên tử tên là Kim Đoàn, từ xưa đến nay, đã từng mấy lần xuống cõi Diêm-phù-đề. Bồ-tát hộ xứ tên là Hộ Minh biết được, bảo Thiên tử Kim đoàn rằng: “Thiện tử Kim Đoàn! Ông đã mấy lầ xuống cõi Diêm-phù-đề, ông hẳn biết rõ các thị thành làng xóm, các chủng tộc hoàng gia ở đó. Vậy một vị Bồ-tát bổ xứ nên sinh vào nhà nào?” Thiên tử Kim Đoàn đáp rằng: “Tôn giả! Ta biết rất rõ. Tôn giả hãy nghe kỹ! Hôm nay ta sẽ nói ra đây.” Hộ Minh nói rằng: “Hay quá!” Kim Đoàn bảo: “Trong ba ngàn đại thiên thế giới này, có một Bồ-đề đạo tràng trong lãnh thổ nước Ma-già-đà của cõi Diêm-phù-đề ấy, là nơi ngày xưa chư Phật đã thành Đạo. Như thế, nếu cứ lần lượt đi quan sát khắp các vương quốc khác trong thiên hạ, sợ sẽ không vừa ý Bồ-tát.” Kim Đoàn lại nói thêm lời này: “Trong hết thảy các quốc độ của cõi Diêm-phù-đề này, khắp các xóm làng, khắp các quốc vương, khắp các thành thị, khắp các quý tộc cai trị trong mọi thành trì, nhưng họ đều tạo đủ lớp lớp nghiệp ác chồng chất. Ta đã vì Tôn giả đi quan sát từ trước đến nay, sinh ra vô lượng nhọc nhằn khổ sở, đến nỗi tâm mê ý loạn, không thể tiếp tục quan sát các nước khác. tựu trung, chỉ có một dòng dõi từ trước đến nay, lập nghiệp thuận hòa với dân chúng. Đời đời làm Chuyển luân vương, cho đến con cháu của nhà vua Cam Giá gần đây cũng tiếp tục nối ngôi tại Ca-tỳ-la-bà-tô-đô ấy, phát xuất từ họ Thích. Nhà vua tên là Sư Tử Giáp. Con của ngài tên là vua Thâuđầu-đàn, có uy danh vang dội khắp cả Trời, người. Tôn giả có thể làm con của nhà vua ấy.” Bồ-tát Hộ Minh đáp lời Thiên tử Kim Đoàn rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Thiên tử Kim Đoàn! Ông đã quan sát kỹ lưỡng dòng dõi của các hoàng gia. Ta cũng nghĩ sẽ sinh ra trong hoàng gia ấy. Nay ta đã thấu triệt lời ông nói. Ông Kim Đoàn nên biết cho, ta quyết định làm con của hoàng gia ấy. Kim Đoàn! Ngày xưa, gia đình được một Bồ-tát Nhất Sinh bổ xứ đầu thai phải có đầy đủ sáu mươi loại công đức.

Ấy là những công đức nào?

  1. Nhà ấy xưa nay thuộc dòng dõi tốt lành trong sạch.
  2. Tất cả các Thánh thần thường xem xét nhà ấy.
  3. Nhà ấy không làm tất cả mọi việc ác.
  4. Người được nhà ấy sinh ra đều trong sạch.
  5. Dòng dõi nhà ấy chính thống, không bị lai tạp.
  6. Con cháu nhà ấy nối dõi chính thống, không bị gián đoạn.
  7. Nhà ấy xưa nay không mất dòng dõi đế vương.
  8. Tất cả các vua được nhà ấy sinh ra đều vun trồng sâu sắc thiện căn từ thưở xa xưa.
  9. Người sinh ra ở nhà ấy thường được các Thánh thần khen ngợi.
  10. Người nhà ấy sinh ra có đủ uy đức lớn lao.
  11. Nhà ấy có nhiều phụ nữ đoan chánh.
  12. Nhà ấy có nhiều thanh niên dồi dào trí tuệ.
  13. Người được nhà ấy sinh ra có tâm tính hoà thuận.
  14. Người được nhà ấy sinh ra không đùa cợt.
  15. Người nhà ấy sinh ra không sợ chuyện gì.
  16. Người nhà ấy sinh ra không từng hèn nhát.
  17. Người nhà ấy sinh ra thông minh đa trí.
  18. Người nhà ấy sinh ra biết nhiều nghề thủ công.
  19. Người nhà ấy sinh ra không có tội lỗi.
  20. Người được nhà ấy sinh ra không chịu làm cẩu thả các nghề thủ công của thế gian, cũng không chịu tham lam của cải để mưu sinh.
  21. Người được nhà ấy sinh ra thường thích giao du với bạn bè.
  22. Người được nhà ấy sinh ra không sát hại các loài côn trùng, thú vật để nuôi thân.
  23. Dòng dõi nhà ấy thường biết ơn nghĩa.
  24. Dòng dõi nhà ấy biết tu khổ hạnh.
  25. Người được nhà ấy sinh ra không bị lay chuyển theo người.
  26. Người được nhà ấy sinh ra không từng nuôi lòng thù hận.
  27. Người được nhà ấy sinh ra không chứa chất ngu si.
  28. Người nhà ấy sinh ra không sợ sệt vâng dạ người khác.
  29. Người nhà ấy sinh ra sợ giết hại người.
  30. Người nhà ấy sinh ra không có tội vạ.
  31. Người nhà ấy sinh ra khất thực được nhiều.
  32. Người đến nhà ấy khất thực không để về không.
  33. Nhà ấy cứng rắn, không thể khuất phục.
  34. Phép tắc nhà ấy thường vượt cao hơn quy định.
  35. Nhà ấy thường thích bố thí cho chúng sinh.
  36. Nhà ấy siêng năng xây đắp nhân lành quả tốt.
  37. Người được nhà ấy sinh ra hùng dũng trên đời.
  38. Người nhà ấy sinh ra thường cúng dường các tiên Thánh.
  39. Người nhà ấy sinh ra thường cúng dường thần linh.
  40. Người nhà ấy sinh ra thường cúng dường chư Thiên.
  41. Người nhà ấy sinh ra thường cúng dường các anh hùng.
  42. Nhà ấy nhiều đời không gây thù oán.
  43. Thanh danh nhà ấy vang dậy mười phương
  44. Tổ tông nhà ấy đều cao sang nhất
  45. Người nhà ấy sinh ra từ thượng cổ đến nay đều thuộc dòng dõi Phạm Thiên.
  46. Người nhà ấy sinh ra đều thuộc về hạng cao nhất trong dòng dõi Phạm Thiên.
  47. Người nhà ấy sinh ra có địa vị của dòng dõi Chuyển luân Thánh vương.
  48. Người nhà ấy sinh ra có chủng tộc của bậc đại uy đức.
  49. Người nhà ấy sinh ra có vô số thân thích bao bọc chung quanh.
  50. Tất cả quyến thuộc của người nhà ấy sinh ra đều không thể bị phá hoại.
  51. Tất cả quyến thuộc của người nhà ấy sinh ra hơn hết mọi người.
  52. Người nhà ấy sinh ra đều hiếu thảo với mẹ.
  53. Người nhà ấy sinh ra đều hiếu thảo với cha.
  54. Người nhà ấy sinh ra đều cúng dường tất cả các Sa-môn.
  55. Người nhà ấy sinh ra đều cúng dường tất cả các Bà-la-môn.
  56. Người nhà ấy sinh ra giàu có ngũ cốc, kho đụn đầy ắp.
  57. Người nhà ấy sinh ra có nhiều vàng bạc, xa cừ mã não. Tất cả của cải không thiếu thốn chút gì.
  58. Người nhà ấy sinh ra có nhiều gia súc, nô tỳ, voi ngựa, bó dê. Tất cả đều đầy đủ.
  59. Người nhà ấy sinh ra chưa từng phục dịch kẻ khác.
  60. Người nhà ấy sinh ra đều có đầy đủ mọi sự như thế, không thiếu thốn chút gì trên thế gian.

Phật bảo Thiên tử Kim Đoàn: “Thông thường, khi một Bồ-tát Nhất Sinh bổ xứ đầu thai, người mẹ ấy phải có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, mới có thể cưu mang Bồ-tát. Ấy là những loại tướng tốt nào?

  1. Người mẹ ấy được sinh ra chíng đáng.
  2. Người mẹ ấy có thân thể, tay chân đầy đủ.
  3. Người mẹ ấy có đức hạnh đầy đủ, không thiếu sót.
  4. Người mẹ ấy được sinh ra đúng chỗ.
  5. Người mẹ ấy có may mắn.
  6. Người mẹ ấy thuộc dòng dõi trong sạch.
  7. Người mẹ ấy đoan chính không ai sánh nổi.
  8. Người mẹ ấy có tên tuổi được khen ngợi.
  9. Người mẹ ấy có thân thể hình dung trên dưới đều đặn.
  10. Người mẹ ấy chưa từng sinh con.
  11. Người mẹ ấy có công đức lớn.
  12. Người mẹ ấy thường nghĩ đến chuyện lạc quan.
  13. Người mẹ ấy thường thuận tình với mọi việc thiện.
  14. Người mẹ ấy không có tà tâm.
  15. Người mẹ ấy có thân khẩu ý thuần hậu tự nhiên.
  16. Người mẹ ấy có tâm và miệng không sợ điều gì.
  17. Người mẹ ấy nghe nhiều thần chú.
  18. Người mẹ ấy rất giỏi nữ công.
  19. Người mẹ ấy lòng không ton hót, quanh co.
  20. Người mẹ ấy lòng không xảo trá.
  21. Người mẹ ấy lòng không giận dữ.
  22. Người mẹ ấy lòng không ghen ghét.
  23. Người mẹ ấy lòng không bủn xỉn.
  24. Người mẹ ấy lòng không hấp tấp.
  25. Người mẹ ấy lòng khó lay chuyển.
  26. Người mẹ ấy thân thể có sắc tướng vô cùng đạo đức.
  27. Người mẹ ấy lòng thường nhẫn nhục.
  28. Người mẹ ấy lòng thường biết xấu hổ.
  29. Người mẹ ấy ít dâm dục, hung hãn, ngu si.
  30. Người mẹ ấy không phạm lỗi lầm của phụ nữ.
  31. Người mẹ ấy cư xử hoà thuận với chồng.
  32. Người mẹ ấy phát xuất ra đầy đủ tất cả mọi đức độ và đạo hạnh.

Người mẹ hội đủ mọi điều kiện như thế mới có thể cưu mang Tối hậu thân của Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ. Khi sắp đầu thai, Bồ-tát phải chọn đúng ngày có sao Quỷ để đầu thai. Trước khi hoài thai Bồ-tát Nhất Sinh bổ xứ, người mẹ ấy phải thọ giới Bát quan trai xong, Bồ-tát ấy mới đầu thai. Bồ-tát Hộ Minh lại nói lời này: “Ta không vì tất cả mọi thứ tiền tài, hoan lạc ngũ dục của thế gian mà xuống thế thọ lãnh thân này, chỉ vì ta muốn làm cho chúng sinh được an lạc, chỉ vì ta thương xót chúng sinh bị khổ não mà thôi.”

Thứ tư: PHẦN TRÌNH TƯỜNG

Theo kinh Phật-bản-hạnh nói: “Bấy giờ, Bồ-tát Hộ Minh đã trải qua mùa Đông, gặp thời tiết đầu Xuân đẹp đẽ. Tất cả muôn hoa của các loài cây cối đều đơm bông. Khí trời trong lành mát mẽ điều hòa. Cỏ non mọc lên, mượt mà mềm mại, óng ả tốt tươi đầy mặt đất. Bồ-tát chọn đúng lúc sao Quỷ hội tụ cùng các sao khác, diễn dương các Pháp trọng yếu cho chư Thiên, khiến tất cả đều hoan hỷ. Khi ấy, Trời Tĩnh Cư bảo với tất cả Thiên chúng ở đấy rằng: “Hôm nay, chư Thiên chứng kiến Bồ-tát Hộ Minh sắp sửa hạ sinh. Xin đừng phiền não. Tại sao? Vì khi Bồ-tát hạ sinh, nhất định sẽ thành tựu A-nậu Bồ-đề. Sau đó, sẽ trở lại Thiên Cung này để thuyết pháp cho chư Thiên, giống như ngày xưa, Phật Tỳ-bà-thi cho đến Phật Ca-diếp đều đã từ đây ra đi, rồi lại trở về đây thuyết pháp cho chư Thiên như trước, chẳng khác chút gì.”

Bấy giờ, Bồ-tát sẽ hạ sinh vào lúc nửa đêm. Đang khi sắp sửa hạ sinh vào đêm ấy, phu nhân Ma-da bạch vua Tịnh Phạn rằng: “Xin đại vương biết cho, từ đêm nay, thiếp muốn thọ trì 8 giới cấm thanh tịnh. Ay là không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dật, không nói dối, không uống rượu, không hai lưỡi, không chửi rủa, không nói lời phi lý. Lại nguyện không tham lam, không giận dữ, không ngu si, không sinh tà kiến. Thiếp phải có chánh kiến. Các giới cấm chay tĩnh của chúng sinh, thiếp phải thọ trì. Từ nay thiếp thường xuyên lưu tâm siêng năng thực hiện, phải phát động từ tâm đối với chúng sinh. Vua Tịnh Phạn phán rằng: “Điều gì nàng ưa thích, cứ tùy ý thực hành.” Thế nên, có bài kệ rằng:

“Vua thấy mẹ Bồ-tát,
Đang ngồi, kính đứng lên.
Như mẹ, như chị em,
Tâm không hề vẩn đục.”

Bấy giờ, Bồ-tát giữ vững Chánh niệm, từ Trời Đâu-suất, giáng hạ đầu thai vào Đại vương phi thứ nhất của vua Tịnh Phạn, an trụ trong hông phải. Khi ấy vương phi đang nằm ngủ, mơ thấy con voi trắng sáu ngà, đầu màu đỏ, 2 ngà và chân chống xuống đất, lấy vòng vàng đeo vào ngà, cưỡi hư không bay xuống, nhập vào hông phải. Sau khi nằm mơ xong, sáng mai vương phi liền tâu với vua Tịnh Phạn: “Xin đại vương biết cho, thiếp đã nằm mơ như thế. Khi con voi trắng ấy nhập vào hông bên phải của thiếp, thiếp cảm thấy hứng thú xưa nay chưa từng có. Từ nay về sau, thật tình thiếp không cần đến hoan lạc của thế gian nữa. Điềm mộng này, biết nhờ thầy đoán mọng nào giải đoán cho thiếp đây?” Vua Tịnh Phạn triệu một cung nga nội thị đến phán rằng: “Nhà ngươi hãy mau mau ra ngoài tuyên sắc chỉ, bảo quốc sư Đại Na-ma-tử gọi đến đây ngay 8 đại bốc sư Bà-la-môn.” Sứ giả của quốc sư, theo lời sắc, lập tức triệu đến 8 vị Ba-la-môn. Tám vị này nghe nhà vua kể lại xong, vốn giỏi tướng thuật và rành phép đoán mộng, liền bẩm với nhà vua: “Xin đại vương nghe kỹ, bọn thần sẽ tâu rõ điềm lành của giấc mơ ấy. Theo như bọn thần thấy, các vị thần tiên ngày xưa đã từng ghi chép đầy đủ điềm ấy qua sách vở. Xin nói kệ rằng:

“Nếu người mẹ mộng thấy
Mặt trời vào hông phải.
Mẹ ấy sinh được con
Sẽ làm Chuyển luân vương.
Nếu người mẹ mộng thấy
Mặt trăng vào hông phải.
Mẹ ấy sinh được con
Đứng đầu trong các vua.
Nếu người mẹ mộng thấy,
Voi trắng vào hông phải.
Mẹ ấy sinh được con
Tôn quý nhất Ba cõi.
Làm lợi cho chúng sinh.
Oán thân đều bình đẳng.
Giải thoát nghìn vạn chúng,
Vượt khỏi biển phiền não.”

Bấy giờ, các vị Bà-la-môn đoán mộng bạch nhà vua rằng: “Giấc mộng của phu nhân có điềm rất tốt. Hôm nay, xin đại vương nên làm lễ ăn mừng. Phu nhân mang thai, chắc chắn sẽ sinh con Thánh. Vị Thánh ấy về sau sẽ thành Phật, tiếng tăm truyền xa.”Vua Tịnh Phạn nghe các vị bốc sư nói xong bài kệ ấy, lòng rất hoan hỷ, lấy nhiều của báu ban thưởng. Sau khi các vị bốc sư giải đoán giấc mộng của vương phi, bảo là điềm lành, nhà vua bèn mở ra một lễ hội bố thí rộng rãi, lớn lao ở ngoài bốn cửa thành Ca-tỳ-la, ở đầu các đường lớn, ngõ hẻm, đường xóm có người qua lại. Các nhu cầu ăn uống, tiền bạc, nhà của, súc vật đều được cấp cho. Lại nữa, A-tư-đà là vị tiên có đủ năm phép thần thông, nghe tin Bồ-tát từ Trời Đâu-suất giữ chánh niệm xuống đâu thai trong hông phải của phu nhân vua Tịnh Phạn. Khi Bồ-tát nhập thai, phóng ra hào quang lớn chiếu khắp tất cả các thế giới trời và người. Sau đó, mặt đất liên tục nổi lên 18 lần chấn động đủ sáu loại. A-tư-đà chứng kiến được hiện tượng hy hữu ấy, lòng vô cùng kinh hãi, lông tóc đều dựng lên. Không biết nay có nhân duyên, quả báo gì, khiến mặt đất bị chấn động như thế. Vị tiên ấy suy nghĩ giây lát rồi mới bình tâm. Sinh ra hoan hỷ, hớn hở vô cùng, không thể dằn lại được, phải la lớn rằng: “Đại Thánh hy hữu, không thể nghĩ bàn! Thế gian sẽ xuất hiện một bậc vĩ nhân!” Lại nữa, khi Bồ-tát mới từ Trời Đâu-suất giáng hạ, đầu thai vào hông phải của phu nhân vừa xong, có vị Trời tên là Tốc Vãng phi hành đến các địa ngục cất cao tiếng nói rằng: “Tất cả các người nên biết rằng, hôm nay Bồ-tát từ Trời Đâu-suất đã giáng hạ đầu thai vào bụng mẹ rồi. Thế nên, các ngươi phải mau mau phát lời thệ nguyện sinh vào nhân gian.” Khi các tội nhân ở địa ngục nghe xong lời này, tất cả chúng sinh từ trước đến nay đã từng vun bón thiện căn, lại tạo thêm nhiều tạp nghiệp, do ác nhiều hơn, nên phải đọa vào địa ngục. Các chúng sinh ấy, mỗi người đều đối mặt nhìn nhau, chán ghét địa ngục. Lại được sáng láng, thân tâm an lạc. Lại được nghe lời vị tiên ấy kêu gọi hãy mau mau sinh lên nhân gian, liền bỏ thân địa ngục, lập tức sinh lên nhân gian. Tất cả chúng sinh khắp ba ngàn đại thiên thế giới, từ trước đến nay, đã từng vun bón thiện căn, đều cùng kéo về đầu thai chung quanh bốn phía thành Ca-tỳ-la ấy.”

Thứ năm: PHẦN GIÁNG THAI

Như kinh Niết-bàn nói: “Khi Bồ-tát giáng trần, chư Thiên các cõi Sắc giới và Dục giới đều đến hầu hạ tiễn đưa, phát thành tiếng nói vĩ đại ca tụng Bồ-tát. Do hơi gió của tiếng nói vĩ đại ấy, mặt đất bị chấn động.” Lại nữa, Kinh Niệm-Phật-Tam-muội nói: “Khi Bồ-tát sắp sửa giáng nhập vào bào thai của mẹ, tất cả tam thiên đại thiên thế giới đều phát ra sáu loại chấn động.” Lại nữa, kinh Nhân-quà nói: “Bấy giờ, Bồtát sắp sửa giáng nhập vào bào thai của mẹ, bèn cưỡi voi trắng sáu ngà xuất phát từ Thiên cung Đâu-suất. Vô lượng Thiên chúng làm nữ nhạc công, đốt nhiều loại hương quý, rắc các loại hoa Trời đẹp đẽ, đi theo Bồ-tát đầy chật hư không. Bồ-tát phóng ra hào quang lớn lao đến chiếu diệu khắp mười phương, chọn đúng lúc sao sáng vừa mọc vào ngày mồng tám tháng tư liền nhập vào bào thai của mẹ. Bấy giờ, phu nhân Ma-da đang nằm mơ, thấy Bồ-tát cưỡi voi trắng sáu ngà, từ hư không đi xuống, bước vào hông phải, ngoài mình óng ánh trong suốt như đắp lưu ly. Thân thể phu nhân lâng lâng khoan khoái như uống nước cam lồ. Nhìn lại chính mình, phu nhân như thấy mặt trời mặt trăng cùng chiếu sáng, trong lòng vô cùng hoan hỷ, hớn hở. Cảm thụ như thế rồi mới tỉnh ra, phu nhân thấy lòng lạ kỳ chưa từng có, liền đem tâm trạng ấy tâu rõ cùng vua Bạch Tĩnh. Nghe xong, nhà vua hoan hỷ, hớn hở không thể dằn lòng, liền triệu vị Bà-la-môn giỏi tướng thuật đến giải đoán, biết được Bồ-tát đã đầu thai, hạ sinh xong sẽ thành Phật. công đức làm lợi ích chúng sinh nhiều vô cùng, không thể nói hết. Bấy giờ, chư Thiên trên Trời Đâu-suất nghĩ rằng, Bồ-tát đã đầu thai vào cung vua Bạch Tĩnh, chúng ta cũng nên hạ sinh xuống nhân gian. Khi Bồ-tát thành Phật, chúng ta sẽ làm đệ tử thân cận đầu tiên bên cạnh ngài để nghe thuyết pháp. Suy nghĩ như thế xong, liền lập tức hạ sinh, số lượng đông đến 99 ức Thiên chúng. Thậm chí, từ Trời Tha Hóa Tự Tại cho đến chư Thiên các Trời Tứ Thiên và Sắc giới đều cùng với gia quyến hạ sinh xuống nhân gian, số lượng nhiều không thể tính được. Bồ-tát ở trong thai mẹ, đi đứng nằm ngồi không chút khó khăn, không gây khổ sở cho phu nhân mẹ mình. Từ sáng sớm, ở trong bào thai, Bồ-tát thuyết pháp đủ loại cho chư Thiên ở Sắc giới. Đến trưa, thuyết pháp cho chư Thiên ở Dục giới. Đến chiều, lại thuyết pháp cho các quỷ thần. Đến lúc canh ba, lại cũng như thế. (Theo kinh Phổ-diệu, tuy ở trong thai mẹ chỉ mười tháng, Bồ-tát đã khai hóa giáo dục chư Thiên và các chúng sinh thành tựu được hạnh Thanh văn và Bồ-tát Đại- thừa, nhiều bằng ba mươi sáu năm thuyết pháp.). Kinh Hoa-nghiêm nói rằng: “Dù Bồ-tát ở trong thai mẹ, nhưng chúng sinh khắp tam thiên đại thiên thế giới đều thấy rõ ngài, như thấy mặt mũi của chính mình trong gương vậy.”

Thứ sáu: PHẦN TƯỞNG ĐẠO

Như kinh Bồ-tát-xử-thai nói: “Phật bảo Bồ-tát Hỷ Kiến rằng, ông muốn biết chư Phật trong thời quá khứ đã giải thoát hay không giải thoát các quốc độ chăng? Ông nên biết rằng, trong thời quá khứ, ta đã từng có vô lượng hóa thân không thể tính đếm được, dùng thần thông nhập vào thế giới thấp snh đủ các loại, trong vô lượng vô biên kiếp, thuyết pháp cho các chúng sinh thấp thức, khiến cho các chúng sinh thấp thức ấy tùy theo nguyện vọng, đều được giải thoát. Ta đã vào các chúng sinh hoá sinh, noãn sinh, tùy theo nguyện vọng, đều được giải thoát, lại cũng như trước. Ta lại dùng thần thông hiện vào thế giới tương lai, nhập vào bốn loài. Tất cả đều được giải thóat, lại cũng như trước. Giống như hiện nay, ở trong thai mẹ, ta đang diễn dương các pháp bất thối chuyển và rất hy hữu cho các Bồ-tát có phép thần thông ở khắp mười phương. Ta cũng dùng thần thông nhập vào bốn loài trên Thiên giới, bốn loài ở địa ngục, bốn loài trong ngạ quỷ, bốn loài trong súc sinh. Trong bốn loài này, hai loài thai sinh hóa sinh chấm dứt phiền não được nhanh; hai loài thấp sinh hóa sinh chấm dứt phiền não hơi chậm. Bởi vì hai loài thấp sinh hóa sinh bị độn căn, hai loài thai sinh hóa sinh có lợi căn. Phật lại bảo A-nan: “Hãy nghe rõ và suy nghĩ thật kỹ! Nay ta sẽ giúp ông phân tích rành mạch hành động hiếm có của bậc đại sĩ.” A-nan bạch Phật: “Tôi xin hoan hỷ nghe lời.” Phật bảo A-nan: “Về phía Đông nam, cách đây một ức một vạn một nghìn sáu mươi hai hà sa nước, ở đấy có một quốc độ tên là Tư Lạc, đức Phật tên là Hương Diệm hiện đang nhập Niết-bàn để lên Thiên cung Đao-lợi. Trải qua vô lượng kiếp không thể tính được, ba mươi sáu lần trở lại làm vua Đế-thích, ba mươi sáu lần trở lại làm Chuyển luân vương, siêu độ chúng sinh không đọa vào Nhị thừa và các Đường ác. Tại sao thế? Do nhờ vào thần lực của chư Phật cảm hóa giúp cho.” Phật lại bảo A-nan: “Như lai có thai tướng hay không có thai tướng?” A-nan bạch Phật: “Phật thân không có thai tướng.” Phật bảo A-nan: “Nếu Như Lai không có thai tướng, tại sao Như Lai có thể ở trong bào thai mười tháng để thuyết pháp cứu độ chúng sinh?”A-nan bạch Phật: “Nếu Như Lai có thai tướng thì cũng sẽ nhập diệt. Nếu Như Lai không có thai tướng thì cũng sẽ nhập diệt.”

Bấy giờ, đức Thế tôn vận dụng thần thông hiện vào trong thân của mẹ Ma-da. Nằm ngồi đi đứng tự tại. Lập ra một bảo tòa cao lớn, ngang dọc rộng tám ngàn do-tuần. Cầu thang, tầng cấp bằng vàng bạc. Tràng phan, bảo cái bằng lụa phất phới giữa hư không. Ca kỹ đàn hát nhiều không tính nổi. Từ phương Đông, cách thế giới Ta-ha này mười tám nghìn nước, các Bồ-tát có thần thông đều đến tụ họp. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, tứ duy cũng đều như thế. từ phía dưới, cach đây sáu mươi hai ức nước, các Bồ-tát có thần thông cũng đến tụ họp. Từ phía trên, cách đây bảy mươi hai cõi Không, các Bồ-tát có thần thông cũng đến tụ họp. Tất cả đều vào trong bào thai. Khi ấy, Bồ-tát Văn-thùsư-lợi bạch Phật rằng: “Các vị Bồ-tát này cùng đến đây tụ họp, vì muốn nghe đức Thế tôn diễn dương Chánh pháp vi diệu không thể nghĩ bàn. Hiện nay, đức Thế tôn nhập vào Tam-muội nào trong số hằng nghìn ức ức Tam-muội như thế, để an trụ trong mẫu thai, diễn dương Chánh pháp không thể nghĩ bàn cho các vị Bồ-tát?” Phật bảo Văn-thù: “Bấy giờ, ông hãy quan sát từ một phẩm bậc, hai phẩm bậc cho đến mười phẩm bậc. Những Bồ-tát Nhất sinh bổ xứ của các phương đều phải an trụ đúng vào phẩm bậc của mình, không được lẫn lộn. Toàn thể đại chúng đều thanh tịnh, không tạp loạn. Thậm chí, các chúng sinh ký sinh trên lá, cành cũng chẳng uế tạp. Không có một chúng sinh uế tạp trên Pháp tọa hôm nay. Vì chúng sinh uế tạp đã rút lui. Tại sao thế? Vì các chúng sinh có lợi căn không còn ở trong vòng sống chết nữa.” Phật lại hỏi Di-lặc: “Khi tâm vừa động niệm, trong tâm ấy có bao nhiêu niệm, bao nhiêu thức?” Di-lặc đáp rằng: “Trong khoảnh khắc một cái búng tay động niệm ấy, tâm có 32 ức ức niệm. Mỗi niệm thành hình, mỗi hình có thức. Thức và niệm ấy cực kỳ vi tế, không thể quan niệm được. Chỉ có thần lực của chư Phật mới có thể thấu nhập vào thức vi tế ấy để siêu độ chúng sinh. Đấy gọi là thức giáo hóa. Đừng cho là không có thức vậy*.”

* Nguyên văn phần Tưởng đạo này rất uẩn súc. Nhiều chỗ, tác giả đã tóm lược quá sơ sài, thành ra rời rạc lủng củng. Chúng tôi đã đối chiếu toàn thể, nắm lấy đại y, sắp xếp theo lối hành văn và ngữ pháp hiện đại để người đọc dễ dàng nhận thức. Có vài chỗ thêm hay bớt chữ, cốt tạo vẻ nhất quán liền lạc. Có vài thuật ngữ quá chuyên môn đã được dịch hơi rõ hơn. Xin đối chiếu lại nguyên văn.