PHÁP UYỂN CHÂU LÂM
Sa-môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 7

Thiên thứ 4: LỤC ĐẠO

VI. Bộ thứ sáu: ĐỊA NGỤC

Gồm có 8 phần: Thuật ý, Hội danh, Thụ báo, Thì lượng, Điền chủ, Vương đô, Nghiệp nhân, Giới úc.

Thứ nhất: PHẦN THUẬT Ý

Than ôi! Luận về địa ngục đắng cay, thật là thống thiết! Lấp lánh rừng dao trên mặt nhật, chói ngời núi kiếm tủa khắp trời. Sùng sục vạc sôi trào bọt sóng, phừng phừng lò cháy lóe tia hồng. Thành sắt suốt ngày cửa đóng, trụ đồng đêm tối lửa nhen. Nhìn ở bên trong, tội nhân la liệt. Khổ đau tuyệt vọng, kêu réo khóc la. Đầu trâu mắt dữ, ngục tốt nanh dài. Chĩa nhọn đâm hông, tim gan xay giã, áp thân lửa mạnh, cháy rụi thịt da. Hoặc lại, xay đầu giã cẳng, hầm phách nấu hồn, xẻ mật banh lòng, bằm thân quết thịt. Khổ đến nỗi ấy, nói sao cho cùng! Do đó, nổi chìm trong vạc nước sôi, sấp ngửa giữa lò than đỏ. Thịt nát trên đầu giáo, kiếm, xương tan bên cạnh thây khô. Giường sắt nóng hổi, sao ngủ cho yên? Cột đồng đốt đỏ, há ôm lâu được? Trong mắt rực lửa, lệ khóc ráo hoanh, giữa miệng ngậm khói, kêu chẳng thành tiếng. Như những chỗ này, tội vẫn còn nhẹ. Thế nên, trong ngục đá lạnh, xem tựa khí ấm, giữa lò than hồng, giống như gió mát. Cho là sung sướng, lấy làm hân hoan! Rơi xuống A tỳ, hình thù càng lạ. Cay đắng bốn bề tường sắt, dọc ngang tám vạn do tuần. Tiếng xác đốt nổ nghe rất kinh hoàng, mùi hôi thịt cháy bốc khói ngùn ngụt. Giống cá trên chảo, máu mỡ sém khô. Không một phút vui, đụng đâu cũng khổ. Cử động chẳng được, trói buộc rất căng. Đông Tây qua lại, trên dưới thông nhau. Hết kiếp ở đây, dời sang chỗ khác, chỗ khác hết kiếp, trở về lại đây. Xoay vần như thế, đến vô lượng kiếp.

Nguyện cầu những kẻ tu phúc hôm nay, thành khẩn một lòng cùng xin sám hối. Mong sao vạc nóng hừng hực thành tựu hồ sen, lò lửa phừng phừng trở nên lọng quý. Cây kiếm tua tủa là cảnh chùa chiền, núi dao lởm chởm là chốn pháp hội. Cột đồng nguội hẳn, treo mãi cờ phướn, lưới sắt thay hình, đổi ra cõi Phật. Đầu trâu liệng kiếm, thọ phép Tam quy, cai ngục quăng roi, giữ gìn ngũ giới. Oan gia hóa giải, chẳng còn sắc mặt oán hờn, chủ nợ vui mừng, không có bộ tịch sân hận. Những kẻ mất đầu mất cổ, nhờ đó phục hồi, những người nát thịt tan xương, từ đây lành lặn.

Thứ hai: PHẦN HỘI DANH

– Hỏi: “Tại sao gọi là địa ngục?”.

– Đáp: “Theo luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói, Phạm âm là Nê-lê-da, nghĩa là không vui đùa, không vui vẻ, không đi ra, lại không có phước đức, lại không chừa xa ác nghiệp, nên phải sinh vào trong đường ấy. Lại còn nói, trong dục giới, đường này thấp kém nhất gọi là đường tà. Do nhân duyên này, nên gọi địa ngục là Nê-lê-da”. Theo trong luận Bà-sa gọi là không tự tại. Nghĩa là tội nhân ở đây bị ngục tốt kèm cặp, không được tự tại, nên gọi là địa ngục. Còn gọi là không thể thích vui, nên gọi là địa ngục. Hơn nữa, địa là đáy, nghĩa là dưới đáy. Trong vạn vật, đất ở thấp nhất, nên gọi là đáy. Ngục là bị quản thúc. Nghĩa là bị quản thúc không được tự tại, nên gọi là địa ngục. Hơn nữa, gọi tên là Nê-lê-da là theo Phạm ngữ, ở đây là không có. Nghĩa là trong địa ngục ấy không có lợi ích gì cả, nên mới gọi là không có”.

Hỏi: Địa ngục có nhiều loại, hoặc ở dưới đất, hoặc ở trên mặt đất, hoặc ở giữa hư không. Tại sao đều gọi là địa ngục?.

Đáp: Địa ngục, xưa dịch là bị quản thúc ở chỗ chật hẹp, không câu chấp dưới đất, trên không. Nay theo kinh điển mới dịch, theo chính âm trong bản văn bằng Phạm ngữ là Na-lạc-ca hoặc Nại-lạc-ca, đều có nghĩa tổng quát là chỗ hết sức khổ của con người, nên gọi là Nạilạc- ca. Bởi thế, trong luận Bà-sa có câu hỏi: “Tại sao đường ấy gọi là Nại-lạc-ca?”. Đáp: “Vì các chúng sinh trong đường ấy đều không vui, không thích, không thưởng thức, không hưởng thụ, không an lạc nên mới gọi là Nại-lạc-ca”. Có người nói: “Vì trước đây, chúng sinh ở đấy đã tạo tác một cách tàn bạo nhiều hơn, thêm hơn các ác hạnh về thân ngữ ý, phải vào trong đường ấy, khiến đường ấy liên tục, nên mới gọi là Nại-lạc-ca”. Có người nói: “Vì bị rơi ngược vào đường ấy, nên gọi là Nại-lạc-ca. Như có bài kệ nói rằng:

“Rơi ngược xuống địa ngục,
Chân trên, đầu xuống dưới.
Do phỉ báng chư tiên,
Hiếu tịnh, tu khổ hạnh”.

Có người nói: “Nại-lạc là người, ca là làm ác. Người làm ác phải sinh vào chỗ ấy, nên gọi là Nại-lạc-ca”.

Hỏi: “Tại sao chỗ lớn và thấp nhất gọi là vô gián?”.

Đáp: Vì chỗ ấy luôn luôn chịu khổ, không có vui vẻ xen vào, nên gọi là vô gián.

Hỏi: Trong các địa ngục khác, vì có ca múa, ăn uống, hưởng quả Dị thục vui vẻ, nên không gọi là vô gián chăng?.

Đáp: Trong các địa ngục khác, tuy không có quả Dị thục vui vẻ, nhưng có quả Đẳng lưu vui vẻ, như luận Thi Thiết nói, trong địa ngục Đẳng hoạt, có lúc được gió mát thổi đến, huyết thịt được mọc lại, có lúc phát ra tiếng nói: “Sống lại!”. Các chúng sinh ở đấy bỗng nhiên sống lại. Chỉ vào lúc huyết thịt mọc lại và sống lại như thế, mới tạm thời sinh ra vui vẻ xen lẫn trong chịu khổ, nên không gọi là vô gián”.

Thứ ba: PHẦN THỌ BÁO

Như luận Bà-sa có câu hỏi rằng: Địa ngục ở tại chỗ nào?.

Đáp: “Đa số ở tại phía dưới châu Thiệm Bộ này”. Sắp xếp ra sao? Có người bảo: “Từ châu này đi xuống bốn vạn du thiện na thì đến đáy của địa ngục Vô gián. Địa ngục Vô gián ngang dọc cao thấp đều rộng hai vạn du thiện na. Từ đây đi lên một vạn chín ngàn du thiện na, trong đó sắp xếp bảy địa ngục còn lại. Nghĩa là kế trên có địa ngục Nóng nhất. Kế trên có địa ngục Nóng. Kế trên có địa ngục Kêu gào lớn. Kế trên có địa ngục Kêu gào. Kế trên có địa ngục các thứ hợp (chúng hợp). Kế trên có địa ngục Dây thừng đen. Kế trên có địa ngục Sống lại. Địa ngục này ngang dọc đều rộng một vạn du thiện na. Năm trăm du thiện na là đất sét trắng, năm trăm du thiện na là bùn sình”. Có người nói: “Từ dưới lớp bùn sình này có địa ngục Vô gián nằm ở chính giữa, bảy địa ngục còn lại nằm bao bọc chung quanh. Giống như làng xóm bao quanh đô thành ngày nay vậy”.

Hỏi: “Nếu thế, thuyết của luận Thi Thiết làm sao thông đạt? Luận ấy nói chu vi của châu Thiệm Bộ chỉ lớn 6003, du thiện na, trong khi mỗi một địa ngục đều rộng lớn hơn. Làm sao phía dưới châu này có thể chứa nổi tất cả?”.

Đáp: “Châu Thiệm Bộ này, phía trên hẹp, phía dưới rộng ra, giống như đống lúa, nên có thể chứa nổi. Vì thế, trong kinh có nói, bốn biển lớn, càng xuống, càng sâu”.

Hơn nữa, mỗi một địa ngục lớn có mười sáu tầng. Nghĩa là mỗi địa ngục có bốn cửa, ngoài mỗi cửa có bốn tầng. Thứ nhất là tầng tro nóng. Trong tầng này, tro nóng cao lên ngập gối. Thứ hai là từng phẩn uế. Trong tầng này ứ đầy phẩn uế. Thứ ba là tầng mũi nhọn. Trong tầng này lại có ba loại: một là đường dao nhọn. Trong đường này sắp xếp dao nhọn chĩa mũi tên, làm thành đường đi. Hai là rừng lá kiếm. Trên rừng này đều lấy kiếm bén mũi làm lá. Ba là rừng kim sắt. Nghĩa là trên rừng này đều có mũi kim sắt dài mười sáu lóng tay. Ba loại trong tầng mũi nhọn này tuy tên khác nhau, nhưng cùng có lá sắt giống nhau, nên được xếp chung vào một tầng. Thứ tư là tầng sông nóng. Trong tầng này có nước mặn nóng. Gộp chung cả địa ngục này thành ra mười bảy. Như thế, tám địa ngục lớn gộp chung với các tầng phụ thuộc thành ra một trăm ba mươi sáu chỗ. Do đó, kinh nói có một trăm ba mươi sáu địa ngục. Bởi thế, kinh Trường A-hàm bảo rằng: “Tổng cộng có tám địa ngục lớn. tám địa ngục lớn này đều có mười sáu địa ngục nhỏ bao bọc chung quanh, giống như phía ngoài bốn châu lớn có tám vạn châu nhỏ bao bọc. Phía ngoài tám vạn châu nhỏ lại có biển lớn. Phía ngoài biển lớn lại có núi lớn Kim Cương. Phía ngoài núi lớn này lại có núi khác, cũng gọi là Kim Cương (kinh Lâu Thán gọi là núi Thiết Vi lớn). Ánh sáng của thiên thần nhật nguyệt đều soi sáng tới khoảng giữa hai ngọn núi này. tám địa ngục lớn là: một là Tưởng tượng, hai là Dây thừng đen, ba là Đè ép, bốn là Kêu gào, năm là Kêu gào lớn, sáu là Thui nướng, bảy là Thui nướng lớn, tám là Vô gián (kinh Lâu Thán và các kinh khác nêu tên không giống nhau, do phiên dịch có chỗ lầm chỗ đúng, nhưng đại ý đều như nhau cả).

Thứ nhất là địa ngục Tưởng tượng. Có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh. Trong đó, tay của chúng sinh mọc ra móng sắt, lần lượt nổi giận, lấy móng sắt cấu xé lẫn nhau, thịt rơi theo tay, tưởng rằng đã chết, nên gọi là Tưởng tượng. Hơn nữa, trong đó chúng sinh nuôi ác tâm mưu hại lẫn nhau. Tau cầm dao kiếm, lần lượt đâm chém, băm vằm, chặt nhỏ, thân thể nát báy trên đất, tưởng rằng đã chết, nên gọi là Tưởng tượng. Khi luồng gió lạnh thổi đến, bỗng nhiên sống lại. Nạn nhân tự tưởng rằng ta đã sống lại. Lâu ngày chịu tội xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Tưởng tượng. Kinh hoàng chạy đi cầu cứu, không ngờ lại đến địa ngục Cát đen. Gió nóng bỗng nhiên nổi dậy, thổi tung cát đen nóng hổi bắn vào mình, đốt cháy da thịt, vào tận xương cốt. Trong người phát hỏa, chạy đi chạy lại, thần thể bừng cháy tan nát. Tội lỗi vẫn chưa trả hết, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Cát đen, đến địa ngục Bắn phân nóng. Tự nhiên ở phía trước có dẫy đầy phân nóng bắn ra và đạn sắt nóng hổi. Ngục tốt ép bức tội nhân, bắt phải cầm đạn sắt nóng hổi đốt cháy thân mình. Lại còn bắt đút vào miệng, rơi lọt từ cổ họng xuống bụng, chạy tuốt ra ngoài. Tất cả đều bị cháy tiêu. Có loại côn trùng mỏ sắt mổ thịt đến tận xương tủy, khổ độc vô cùng. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Bắn phân nóng, đến địa ngục Đinh sắt. Ngục tốt đánh ngã ngửa trên bàn sắt nóng, kéo duỗi thân hình ra, lấy đinh sắt đóng lên tay chân thân thể đến năm trăm cái. Đau đớn rên la, cũng chưa chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Đinh sắt, đến địa ngục Đói sắt. Ngục tốt liền đánh ngã ngửa trên bàn sắt nóng, lấy đồng nấu chảy rót vào miệng, lọt từ cổ họng xuống bụng, chạy tuốt ra ngoài. Tất cả đều bị cháy tiêu. Đền tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Đói sắt, đến địa ngục Khát. Bị đánh ngã ngửa trên bàn sắt, ngục tốt lấy đạn sắt nóng đút vào miệng, đốt cháy miệng mồm, lọt xuống bụng ra ngoài. Tất cả đều bị cháy tiêu. Đau đớn kêu khóc. Lâu ngày chịu tội xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Khát, đến địa ngục Một vạc đồng. Ngục tốt trợn mắt giận dữ, chụp chân tội nhân, liệng ngược xuống vạc, nước sôi sùng sục tung tóe, chìm nổi quay cuồng, thân nát thịt nhừ. Muôn khổ đều đủ, chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu tội xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Một vạc đồng, đến địa ngục Nhiều vạc đồng. Ngục tốt chụp chân tội nhân, liệng ngược xuống vạc, nước sôi sùng sục tung tóe, chìm nổi quay cuồng, thân nát thịt nhừ. Ngục tốt lại lấy móc sắt kéo lên, liệng vào các vạc khác, tội nhân kêu đau khổ sở, chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Nhiều vạc đồng, đến địa ngục Đá mài. Ngục tốt bắt tội nhân, đánh ngã ngửa trên bàn đá nóng, kéo duỗi chân tay, lấy tảng đá lớn đè xuống trên mình, cọ mài lui tới, thịt nát xương tan, đau đớn thảm thiết, chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Đá mài, đến địa ngục Máu mủ. Máu mủ sôi sục tung tóe. Tội nhân chạy nhảy khắp Đông Tây, bỏng khắp thân thể, đầu mặt tan nát, lại còn bốc lấy máu mủ mà ăn, bỏng lủng từ trên xuống dưới, đau đớn không thể chịu đựng nổi, chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Máu mủ, đến địa ngục Đong lửa. Có đống lửa lớn, bốc cháy phừng phừng. Ngục tốt bức bách tội nhân phải lấy tay cầm đấu sắt nóng hổi đong lửa khiến cho lửa đỏ thiêu đốt tội nhân. Lửa nóng đau đớn, rên la gào khóc, chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Đong lửa, đến địa ngục Sông Tro. Ngang dọc sâu cạn đều rộng năm trăm do tuần. Nước tro sôi sùng sục tung tóe. Hơi độc bốc lên phừng phực. Sóng nhồi vỗ đập vào nhau, tiếng ầm ì thật đáng sợ. Từ đáy lên đến mặt sông, kim sắt dọc ngang đâm ra tua tủa. Trên bờ sông ấy có rừng cây kiếm, cành lá hoa quả đều là dao kiếm. Tội nhân lội xuống dòng sông, nổi chìm theo sóng, xô dạt vào ra, chìm lỉm xuống đáy, bị kim sắt đâm mình, xuyên thấu trong ngoài, máu mủ muôn bề, đau đớn muôn bề. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được, mới ra khỏi Sông tro. Lên bờ bên kia, đến rừng cây kiếm, liền bị kiếm bén cắt đâm, tổn thương thân thể. Lại có chó sói xông đến ăn thịt, tội nhân phải trèo lên cây kiếm, mũi kiếm lại giương lên, tay giơ, tay đứt, chân đạp, chân lìa. Da thịt rụng rời, chỉ còn gân mạch nối liền xương trắng. Bấy giờ, trên cây có loài chim mỏ sắt mổ đầu ăn não, đau đớn kêu gào. Chịu tội chưa xong, khiến cho đừng chết. Tội nhân lại lội xuống Sông Tro, nổi chìm theo sóng, bị kim sắt đâm mình, đau đớn muôn bề. Thịt da tan nát, máu mủ tuôn đầy, chỉ còn xương trắng nổi trôi trên mặt nước. Gió lạnh thổi đến, bỗng nhiên tội nhân đứng dậy. Chịu tội xong rồi , không ngờ lại đến địa ngục Đạn sắt. Có đạn sắt cháy đỏ đầy dẫy khắp nơi. Ngục tốt bắt tội nhân chụp lấy đạn sắt, khiến cho tay chân cháy nát, khắp mình bốc lửa. Muôn khổ đều đủ, chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Đạn sắt, đến địa ngục Búa rìu. Ngục tốt bắt lấy tội nhân, đánh ngã ngửa trên bàn sắt nóng, lấy búa rìu sắt nóng hổi chặt đứt chân tay, tai, mũi, lưỡi, thân mình, đau đớn kêu gào. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Búa rìu, đến địa ngục Chó sói. Có bầy chó sói tranh nhau chạy đến cắn xé, tội nhân thịt nát xương tan, tuôn đầy máu mủ, đau đớn muôn bề. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Chó sói, đến địa ngục Cây kiếm. Khi tội nhân chạy vào rừng kiếm, gió lớn thổi lên, thổi lá cây kiếm rơi xuống trên mình, đầu mặt thân thể đều bị thương cả. Có loài chim mỏ sắt mổ vào hai mắt, đau đớn kêu gào. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Cây kiếm, đến địa ngục Giá lạnh. Có cơn gió lạnh rất lớn thổi đến thân mình của tội nhân, khiến toàn thân đông lạnh bị thương, da thịt rơi rớt, đau đớn kêu la, sau đó mới chết. Do thân làm việc bất thiện, miệng và ý cũng thế, nên mới đọa vào địa ngục Tưởng tượng. Khiếp sợ đến nổi dựng đứng tóc lông.

Thứ hai là địa ngục lớn Dây thừng đen, có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh. Mỗi địa ngục ngang dọc rộng năm trăm do tuần. Tại sao gọi là địa ngục lớn Dây thừng đen? Vì các ngục tốt ở đấy bắt tội nhân đánh ngã ngửa trên bàn sắt nóng hổi, kéo duỗi thân mình, lấy dây sắt nóng kéo căng ra thật thẳng, rồi dùng búa nóng theo lằn dây, chặt tội nhân thành trăm nghìn đoạn. Lại nữa, ngục tốt treo dây sắt nóng dọc ngang vô số, rồi bắt tội nhân phải đi trong khoảng có dây thừng. Gió lớn thổi lên, thổi vào các dây thừng, đụng chạm vào thân mình, đốt cháy da thịt, tiêu xương văng tủy, đau đớn muôn bề, nhưng tội lỗi chưa hết, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Dây thừng lớn, đến địa ngục Cát đen, rồi đến địa ngục Giá lạnh, sau đó mới chết. Không cần thuật rõ. mười sáu ngục còn lại, cũng giống như trên đã nói, nhưng chịu đau đớn càng nhiều hơn. Do có ác ý với cha mẹ, Phật và Thanh văn, nên đọa vào địa ngục lớn Dây thừng đen này.

Thứ ba là địa ngục lớn Đè ép, cũng có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh. Mỗi địa ngục ngang dọc rộng năm trăm do tuần. Tại sao gọi là địa ngục lớn Đè ép? Vì có nhiều núi đá lớn, từng cặp đối diện nhau. Khi tội nhân vào trong này, núi tự nhiên khép lại, đè ép thân mình, xương thịt nát bấy. Xong xuôi, núi đá trở lại như cũ, đau đớn muôn bề, chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lại có voi sắt lớn, khắp mình bốc lửa, kêu rống chạy đến, chà đạp tội nhân, uốn lượn trên mình, thân thể nát bấy, máu mủ tuôn đầy, kêu gào thảm thiết, khiến cho không thể chết được. Ngục tốt lại bắt tội nhân ngồi trên tảng đá lớn, rồi lấy đá lớn đè lên. Lại còn bắt tội nhân nằm trên mặt đất, rồi lấy chày sắt giã xuống. Từ chân đến đầu, da thịt nát bấy, máu mủ tuôn đầy, đau đớn muôn bề, chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Vì thế, mới gọi là địa ngục Đè ép. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Đè ép, đến địa ngục Cát đen, rồi đến địa ngục Giá lạnh, sau đó mới chết. Chỉ tạo ba nghiệp ác, không tu ba hạnh thiện, liền bị đọa vào địa ngục Đè ép, đau đớn không thể kể nổi.

Thứ tư là địa ngục Kêu gào, cũng có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh. Mỗi địa ngục này ngang dọc rộng năm trăm do tuần. Tại sao gọi là địa ngục lớn Kêu gào? Vì ngục tốt bắt tội nhân ném vào trong vạc lớn, rồi lại đặt trong vạc sắt lớn, nước sôi sùng sục tung tóe, nấu chín tội nhân. Khóc lóc kêu gào, đau đớn chua cay. Lại bắt tội nhân ném lên chảo sắt lớn, lật lên lật xuống, rang nướng thân mình. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục lớn Kêu gào, đến địa ngục Cát đen, rồi đến địa ngục Giá lạnh, sau đó mới chết. Do nuôi lòng sân hận, tạo các ác hạnh, nên phải đọa vào địa ngục lớn Kêu gào.

Thứ năm là địa ngục Kêu gào lớn, cũng có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh (lớn nhỏ cũng như trước). Tại sao gọi là địa ngục Kêu gào lớn? Vì ngục tốt bắt tội nhân đặt vào chõ lớn, rồi lại đặt vào trong vạc sắt lớn, nước sôi sùng sục, nấu chín thân thể. Rồi lại ném lên chảo lớn, lật lên lật xuống rang nướng. Tội nhân khóc lóc, kêu gào lớn lên, đau đớn chua cay. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Vì thế, gọi là địa ngục Kêu gào lớn. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Kêu gào lớn, đến địa ngục Giá lạnh, sau đó mới chết. Do nhiễm các tà kiến, bị lưới yêu trói buộc, tạo các hạnh thấp hèn, liền bị đọa vào địa ngục Kêu gào lớn.

Thứ sáu là địa ngục Thui nướng, cũng có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh (lớn nhỏ cũng như trước). Tại sao gọi là địa ngục Thui nướng? Vì ngục tốt bắt tội nhân đặt trong thành sắt lớn. Thành này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thui nướng tội nhân. Rồi lại đặt trên lầu sắt. Lầu này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực. Rồi lại đặt trong lò sắt nung. Lò này bốc cháy, trong ngoài đều rực đỏ, thui nướng tội nhân, da thịt cháy rụi, muôn khổ đều đủ. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Vì vậy gọi là địa ngục Thui nướng. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Thui nướng, đến địa ngục Giá lạnh, sau đó mới chết. Do thui nướng chúng sinh nên bị đọa vào địa ngục Thui nướng, chịu đựng đau khổ triền miên vì thui nướng.

Thứ bảy là địa ngục lớn Thui nướng, cũng có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh (lớn nhỏ cũng như trước). Tại sao gọi là địa ngục lớn Thui nướng? Nghĩa là vì ngục tốt ở đây đem tội nhân bỏ trong thành sắt. Thành này bốc cháy, trong ngoài đều đỏ rực, thui nướng tội nhân, da thịt cháy nát, muôn khổ đều đủ. Có hầm lửa lớn, bốc cháy phừng phừng. Hai bên bờ hầm có núi lửa lớn. Ngục tốt đem tội nhân ném xuống, rồi xóc vào đầu ngọn chĩa sắt, dựng đứng trong hầm, thui nướng thân thể, da thịt cháy tan. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lâu ngày chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục lớn Thui nướng, đến địa ngục Giá lạnh, sau đó mới chết. Do bỏ nghiệp quả tốt lành, làm các ác hạnh, nên phải đọa vào địa ngục lớn Thui nướng này.

Thứ tám là địa ngục Vô gián, cũng có mười sáu ngục nhỏ bao bọc chung quanh (lớn nhỏ cũng như trước). Tại sao gọi là địa ngục A tỳ? Địa ngục A tỳ nghĩa là địa ngục Vô gián. Tại sao gọi là Vô gián? Vì ngục tốt bắt tội nhân ở đấy lột sạch da dẻ, từ đầu đến chân, rồi lấy da ấy trói buộc tội nhân, treo lên xe lửa. Bánh xe nghiền trên đất nóng, chạy vòng đi vòng lại. Thân thể nát bấy, da thịt vung vãi khắp nơi, muôn khổ đều đủ. Chịu tội chưa xong, khiến cho không thể chết được. Lại có thành sắt, bốn mặt phát cháy. Đông lan đến Tây, Tây lan sang Đông. Nam Bắc trên dưới đều cùng như thế. Lửa cháy tới lui, không sót chỗ nào. Tội nhân chạy khắp Đông Tây, thân thể thiêu hủy, da thịt nát tan. Đau đớn đắng cay, khốn khổ muôn bề. Tội nhân ở bên trong rất lâu, cửa mới mở ra. Tất cả bôn ba chạy tới, tay chân thân thể tất cả đều bốc lửa. Chạy sắp đến cửa, tự nhiên cửa liền đóng lại. Tội chưa đền xong, nên không thể chết được. Tội nhân ở đó, mắt nhìn vật gì, đều thành màu xấu. Tai nghe tiếng dở, mũi ngửi mùi hôi, thân đụng gây đau, ý nghĩa đều bậy. Trong khoảng một búng tay, tất cả đều xấu, nên mới gọi là địa ngục Vô gián. Chịu khổ xong rồi, mới ra khỏi địa ngục Vô gián, đến địa ngục Giá lạnh, sau đó mới chết. Do làm tội nặng, phải chịu nghiệp báo sinh vào đường ác, nên bị đọa vào địa ngục Vô gián, đền tội rất nhiều, không thể kể hết. Trên đây là nói qua tên của tám địa ngục lớn và đều nói trải qua mười sáu ngục nhỏ. Hình thức chịu tội cũng như trước đã trình bày.

Lại nữa, kinh Quán Phật Tam Muội Hải nói rằng: “Địa ngục A tỳ ngang dọc đều rộng tám ngàn do tuần, có bảy lớp tường sắt, bảy lớp lưới sắt. Có mười tám ngăn, chung quanh đều được bao bọc bằng bảy lớp rừng dao. Lại có thêm bảy lớp rừng kiếm. Bốn góc có bốn chó đồng canh giữ, cao lớn đến bốn mươi do tuần. Mắt sáng như điện chớp, nanh sắc như cây kiếm, răng bén như mũi dao, lưỡi nhọn như kim sắt. Tất cả lông lá trên mình đều phát ra lửa dữ, bốc lên khói có mùi hôi thối tha. Còn mười tám ngục tốt, miệng như Dạ-xoa, có sáu mươi bốn mắt, nhìn sục sạo như đạn sắt bắn tung ra. Răng nanh bén chĩa lên, cao bốn do tuần. Đầu răng phát lửa, thiêu đốt xe sắt đã nói trên. Bánh xe ấy bốc lửa, phát ra dao găm, kiếm kích, đốt cháy thành A tỳ, đỏ rực như đồng nấu chảy. Ngục tốt có 8 đầu, sáu mươi bốn sừng. Đầu sừng phát hỏa, hóa thành gang cứng, rồi thành bánh xe dao. Lần lượt từng bánh xe dao này sắp lớp, trong ánh lửa sáng, đầy dẫy cả thành A tỳ. Trong thành có bảy cờ phướn sắt bốc lửa, sôi lên sùng sục. Sắt chảy bắn tung tóe khắp cả bốn cửa thành. Trên thành có 8 chõ lớn, đồng sôi sùng sục, bắn tung tóe khắp trong thành. Giữa hai ngăn của địa ngục có tám vạn bốn ngàn con trăn sắt lớn, phun ra lửa độc trúng mình tội nhân. Khắp trong thành đều nghe tiếng rít gió của chúng như trời nổi sấm, rồi bắn ra đạn sắt như mưa. Có năm trăm Dạ-xoa, năm trăm ức côn trùng, tám vạn bốn nghìn mỏ bén. Trên đầu phóng lửa như mưa rơi xuống khắp thành A tỳ. Khi đàn côn trùng này bay xuống, lửa mạnh sẽ cháy rực lên, chiếu sáng khắp phía trên ngục đến tám vạn nghìn do tuần, khuấy động nước biển lớn, cháy sém cả chân núi, xuyên thấu đáy biển một lỗ giống hình bánh xe. Nếu có kẻ giết cha hại mẹ, nhục mạ người thân, khi chết đi, chó sắt sẽ biến thành 16 chiếc xe có hình dáng như lọng quý. Tất cả tia lửa sẽ biến thành ngọc nữ. Tội nhân trông thấy từ xa, nảy lòng ham thích muốn xông đến. Gió dao vừa lặng, kiếm lạnh vội rít lên: “Thà được lửa ấm, để yên trong xe, nhóm lên ngồi sưởi, dù chết cũng đành!”. Những ngồi lên ngồi trong xe để chiêm ngưỡng ngọc nữ đều bị bắt và bị búa sắt chặt đứt thân mình. Chỉ trong nháy mắt, rơi xuống A tỳ. Từ ngăn trên rơi xuống, nhanh như bánh xe lửa xoay, đã đến ngăn dưới, thân thể đã nằm yên trong ngăn dưới ấy. Chó sắt sủa lớn, nhai xương hút tủy. La sát ngục tốt cầm chĩa sắt lớn đâm vào đầu, bắt phải đứng lên. Toàn thân rực lửa, lan khắp A tỳ. Bấy giờ, vua Diêm La cất tiếng dạy rằng: “Hỡi các tội nhân ngu si ở trong địa ngục, khi còn sống, các người đã bất hiếu với cha mẹ, sai trái kiêu căng, thiếu đạo đức. Nay các người phải sinh xuống chỗ gọi là địa ngục A tỳ. Cứ thế, lần lượt chịu đựng khổ nạn lớn lao, không thể nói hết. Một ngày một đêm chịu tội ở địa ngục dài bằng sáu mươi Tiểu kiếp ở Diêm-phù-đề. Theo đó, tính lên một đại kiếp. Tạo đủ năm điều ác nghịch, sẽ chịu tội năm kiếp. Còn chúng sinh phạm bốn điều trọng cấm, ngồi ăn không của cải cúng dường, phỉ báng, tà kiến, không biết nhân quả, bỏ ngang học tập Bát nhã, chê bai chư Phật mười phương, ăn cắp vật dụng của tăng già, dâm dật vô đạo, cưỡng hiếp chị em của các Tỳ-kheo-ni đã giữ gìn giới luật thanh tịnh, làm các việc ác. Như loại người này, khi lâm chung, sẽ chịu quả báo trải qua tám vạn bốn ngàn đại kiếp ở địa ngục. Lại phải còn vào trong mười tám ngăn ở phương Đông để chịu tội như trên. Các phương Nam, Bắc, Tây, cũng đều như thế. Thân thể tan nát khắp A tỳ, tứ chi vương vãi khắp mười tám ngăn ây. Địa ngục A tỳ có mười tám địa ngục nhỏ. Trong mỗi địa ngục nhỏ này đều có mười tám địa ngục Giá lạnh, một tám địa ngục Tối tăm, một tám địa ngục Nóng nhỏ, một tám địa ngục Bánh xe dao, một tám địa ngục Bánh xe kiếm, một tám địa ngục Xe lửa, một tám địa ngục Bắn phân nóng, một tám địa ngục Vạc nước sôi, một tám địa ngục Sông tro, năm trăm ức địa ngục Rừng kiếm, năm trăm ức địa ngục Rừng kim, năm trăm ức địa ngục Cột đồng, năm trăm ức địa ngục Máy sắt, năm trăm ức địa ngục Lưới sắt, một tám địa ngục Hang sắt, một tám địa ngục Đạn sắt, một tám địa ngục Đá nhọn, một tám địa ngục Uống đồng. Như thế, trong địa ngục A tỳ lớn cómột tám địa ngục nhỏ. Trong mỗi địa ngục nhỏ lại có riêng mười tám ngăn. Bắt đầu từ Giá lạnh đến Uống đồng. Tổng cộng có 12 ngăn địa ngục. Mỗi chúng sinh đều tạo nghiệp không giống nhau, nhưng khi trải qua các địa ngục này để chịu khổ thì lại như nhau”.

Lại nữa, kinh Khởi Thế nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo rằng, trong địa ngục A tỳ lớn cũng có mười sáu ngục nhỏ, tạo thành gia quyến bao bọc chung quanh. Mỗi địa ngục này rộng năm trăm do tuần. Các chúng sinh ở đấy, hoặc có kẻ sinh ra, có kẻ ra khỏi, có kẻ đang ở. Do quả báo của nghiệp ác, có kẻ tự nhiên sinh ra. Bọn ngục tốt canh giữ liền dùng hai tay bắt lấy tội nhân, đánh ngã ngửa trên mặt đất bằng sắt đang bốc lửa, rồi hung hăng lập sấp xuống mặt đất và lấy dao bén lột da, rút gân từ mắt cá của chân tay, kéo lên đến đỉnh đầu, thành một sợi liền nhau thấu tận tim, tủy, đau đớn không thể bàn cãi nổi. Sau khi lột gân xong, liền bắt cưỡi xe sắt chạy đi thật nhanh. Xe ấy rất nóng, lửa cháy sáng hừng hực. Trên đường sắt hiểm trở, chỗ nào xe cũng đều chạy qua một cách thành thạo. Cứ thế chạy hoài, theo ý ngục tốt, không hề dừng lại chút nào. Muốn đến phương nào, cũng đều tùy ý của ngục tốt mà chạy lại. Suốt đường đi, ngục tốt giữ chặt tội nhân, không hề buông lơi. Dọc đường, lửa đỏ thiêu đốt tội nhân, thân thể, huyết thịt chẳng còn lại chút nào. Mọi nghiệp ác đã tạo từ thưở xa xưa, khi chưa làm người, tội nhân đều phải gánh chịu. Do ác báo gây nên, từ phương Đông xuất hiện một đống lửa rất lớn, cháy đỏ phừng phừng. Ngọn lửa bốc lên mãnh liệt. Các phương Nam Bắc Tây và trên dưới tứ duy cũng đều như vậy. Những kẻ bị các đống lửa ấy bủa vây, càng lúc càng bị siết gần hơn để chịu khổ nạn. Từ vách phía Đông, xuất hiện ánh lửa lớn phóng thẳng sang vách phía Tây rồi mới dừng lại. Từ vách phía Tây, xuất hiện ánh lửa lớn phóng thẳng sang vách phía Bắc. Từ vách phía Bắc, xuất hiện ánh lửa lớn phóng thẳng vào vách phía Nam, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, ngang dọc cùng gặp nhau, trên dưới cùng chạm nhau, sức nóng mãnh liệt, tia lửa bay chạm vào nhau. Bấy giờ, bọn ngục tốt bắt các tội nhân đặt vào trong sáu đống lửa lớn ấy, đến nỗi chịu đựng khổ sở vô cùng thống thiết, nhưng tội nhân vẫn chưa chết, vì nghiệp ác của họ chưa trả hết, phải ở trong đó để chịu đựng mọi nỗi đau đớn. Các chúng sinh ở trong địa ngục A tỳ rất lớn này, do quả báo của nghiệp ác, phải trải qua một quãng thời gian dài vô lượng, chịu mọi khổ sở xong rồi, bốn cửa của địa ngục mới mở ra lại. Lúc cửa vừa mở, các tội nhân nghe tiếng cửa mở, liền chạy bổ về đấy và suy nghĩ thế này, hôm nay chúng ta thoát được bọn ngục tốt ở đây rồi! Trong khi chạy gấp gáp rất nhanh như thế, thân thể của họ bỗng nhiên bốc cháy phừng phừng, giống như dũng sĩ cầm bó đuốc cỏ khô chạy ngược chiều gió. Bó đuốc ấy sẽ càng cháy mãnh liệt hơn nữa. Hễ các tội nhân ấy chạy nhanh, thân thể của họ càng bốc cháy mãnh liệt hơn, đến nỗi khi sắp giơ chân lên thì huyết thịt đã cháy tiêu tan, sắp hạ chân xuống thì huyết thịt lại mọc ra. Khi vừa đến cửa ngục, cửa ngục liền đóng lại kín mít. Biết không thể ra được, trong lòng bực tức muộn phiền, bèn ngã sấp xuống đất, bị thiêu đốt khắp da dẻ. Xong đến xác thịt, xong đến xương cốt, cho đến tủy não. Khói lửa ngùn ngụt, ngọn lửa gay gắt. Khói lửa hòa quyện vào nhau, nỗi đau khổ càng thêm bội phần. Tội nhân chịu khổ khắc nghiệt ở bên trong. Do ác nghiệp chưa hết, nên phải gánh chịu tất cả. Trong mọi lúc, tại địa ngục A tỳ rất lớn này không có một khoảnh khắc nào được tạm thời an lạc, dù trong khoảnh khắc một cái búng tay. Cứ thế tội nhân lần lượt chịu đủ mọi nỗi khổ ấy. Phật bảo các Tỳ-kheo bằng lời thế này, các ông nên biết rằng trong cõi ấy còn có mười địa ngục khác. Là mười địa ngục nào? Một là địa ngục Át phù đà, hai là địa ngục Nê la phù đà, ba là địa ngục A hô, bốn là địa ngục Hô hô bà, năm là địa ngục A cha cha, sáu là địa ngục Tao kiện đề ca, bảy là địa ngục Ưu bát la, tám là địa ngục Ba đầu ma, chín là địa ngục Bôn trà lê ca, mười là địa ngục Câu mâu đà. Do nhân duyên nào gọi là địa ngục Át phù đà? Vì các chúng sinh ở đấy có thân hình giống như bọt nước, nên gọi là địa ngục Át phù đà. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục Nê la phù đà? Vì các chúng sinh ở đấy có thân hình giống như miếng thịt, nên gọi là địa ngục Nê la phù đà. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục A hô? Vì các chúng sinh ở đấy khi chịu đau đớn hành hạ khắc nghiệt, đã kêu gào lên “Ô hô! Ô hô!, rất là thống thiết, nên gọi là địa ngục A hô. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục Hô hô bà? Vì các chúng sinh ở đấy mỗi khi bị nỗi cực khổ trong địa ngục ấy hành hạ, đã kêu gào lên “Hừ hừ bà! Hừ hừ bà”, nên gọi là địa ngục Hô hô bà. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục A cha cha? Vì các chúng sinh ở đấy bị nỗi khổ cực hành hạ thân thể quá sức, chỉ còn biết kêu rên “A cha cha! A cha cha!”. Nhưng lưỡi tê đơ lại, nên miệng không thể phát thành lời. Vì thế, mới gọi là địa ngục A cha cha. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục Tao kiện đề ca? Vì màu sắc của tia lửa mạnh trong địa ngục có các chúng sinh ấy giống hoa Tao kiện đề ca, nên gọi là địa ngục Tao kiện đề ca. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục Ưu bát la? Vì màu sắc của tia lửa mạnh trong địa ngục có các chúng sinh ấy giống hoa Ưu bát la, nên gọi là địa ngục Ưu bát la. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục Ba đầu ma? Vì màu sắc của tia lửa mạnh trong địa ngục có các chúng sinh ấy giống hoa Ba đầu ma, nên gọi là địa ngục Ba đầu ma. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục Bôn trà lê ca? Vì màu sắc của tia lửa mạnh trong địa ngục có các chúng sinh ấy giống hoa Bôn trà lê ca, nên gọi là địa ngục Bôn trà lê ca. Lại do nhân duyên nào gọi là địa ngục Câu mâu đà? Vì màu sắc của tia lửa mạnh trong địa ngục có các chúng sinh ấy giống hoa Câu mâu đà, nên gọi là địa ngục Câu mâu đà”.

Lại nữa, kinh Tam Pháp Độ Luận nói: “Địa ngục có ba loại: một là địa ngục nóng, hai là địa ngục Lạnh, ba là địa ngục Phụ.

Thứ nhất là địa ngục Nóng, theo Bộ Tát bà đa, có tám địa ngục lớn: một gọi là địa ngục Cùng sống, còn gọi là Sống lại. Hoặc ngục tốt kêu cho sống lại, hoặc gió lạnh thổi cho sống lại. Hai nguyên nhân tuy khác nhau, nhưng làm cho sống lại thì cũng là một như nhau, nên gọi là địa ngục Sống lại. Hai gọi là địa ngục Dây thừng đen. Trước tiên, lấy dây thừng cột lại, sau đó lấy búa chặt đứt. Ba gọi là địa ngục Cùng khép, cũng gọi là Cùng ép. Hai ngọn núi cùng khép lại phía dưới để cùng ép tội nhân. Bốn gọi là địa ngục Hô hô, cũng gọi là địa ngục Kêu gào. Ngục tốt đuổi theo ráo riết, tội nhân kêu gào “hô hô” mà chạy. Năm gọi là địa ngục Kêu lớn hay cũng gọi là địa ngục Kêu gào lớn. Do bốn ngọn núi nổi lửa, muốn thoát ra ngoài nhưng không có đường chạy trốn, nên gọi là địa ngục Kêu gào lớn. Sáu gọi là địa ngục Nóng, cũng gọi là Thui nướng. Do lửa cháy, vách sách cận kề, phải ở bên trong chịu nóng. Bảy gọi là địa ngục Nóng nhiều, cũng gọi là Thui nướng lớn. Do lửa nhiều, núi cùng nhau cháy lên, thui nướng tội nhân. Tám gọi là địa ngục Không chọn lựa, cũng gọi là Vô gián. Một lần bị ném vào lửa nóng, vĩnh viễn không bao giờ có được phút giây an lạc. Đã chịu khổ không ngừng, còn chọn lựa gì được! tám địa ngục lớn này ở tại châu Diêm-phù-đề, có thành lũy chập chùng bao phủ”. Theo luận Tam Pháp Độ nói: “hai địa ngục đầu có người điều khiển. ba địa ngục kế tiếp ít người điều khiển. ba địa ngục theo sau không có người điều khiển. Nhưng tám địa ngục này là chính. Mỗi một địa ngục đều có mười sáu ngục phụ vây quanh. Một mặt có bốn địa ngục phụ. Bốn lần bốn gộp lại, tổng cộng có mười sáu ngục phụ, cộng với địa ngục chính là mười bảy địa ngục. Tám lần mười bảy gộp lại là một trăm ba mươi sáu địa ngục.

Tội nhân ở trong đó chịu đau khổ thảm thương”.

Thứ hai là địa ngục Lạnh, cũng có tám địa ngục: một là địa ngục Át phù đa. Do rét lạnh ghê gớm cắt da thịt, sinh ra nhọt bỏng. Hai gọi là địa ngục Nê lại phù đà. Do gió lạnh hổi, khắp thân mình sinh ra nhọt bỏng. Ba gọi là địa ngục A cha cha. Do môi không mấp máy được, chỉ còn lưỡi uốn éo mà thôi, nên phát ra tiếng này. Bốn gọi là địa ngục A ba ba. Do lưỡi không uốn éo được, chỉ còn môi mấp máy mà thôi, nên phát ra tiếng này. Năm gọi là địa ngục Đằng hắng. Do môi và lưỡi không mấp máy, uốn éo được, chỉ còn hơi phát ra trong cổ họng, nên thành ra âm thanh này. Sáu gọi là địa ngục Uất ba la. Đây là tên hoa sen xanh, loại sen này lá nhỏ. Do màu thịt rách sơ giống sắc của hoa này nở ra theo hướng mặt trời. Bảy gọi là địa ngục Ba đầu ma. Đây là tên hoa sen đỏ. Do màu thịt rách nhiều giống sắc của hoa này nở. Tám gọi là địa ngục Phân đà lợi. Đây là tên hoa sen trắng. Do màu xương bể ra giống sắc của hoa này nở. Hai địa ngục đầu theo hình tướng để đặt tên. Ba địa ngục kế tiếp theo âm thanh để đặt tên. Ba địa ngục sau cùng theo vết thương để đặt tên. Thế nên, luận Câu Xá nói: “Trong tám địa ngục này, chúng sinh bị cơn lạnh cùng cực hành hạ. Do thân thể, âm thanh và vết thương biến đổi khác nhau, nên mới đặt tên các danh từ này”. Theo luận Tam Pháp Độ nói: “Hai địa ngục đầu có thể kêu lên được. bốn địa ngục kế tiếp không thể kêu lên được nữa. ba địa ngục tiếp theo không hề kêu lên. tám địa ngục này ở dưới châu lớn, đụng đáy núi Thiết Vi, có vị trí hướng lên. Trong đó các tội nhân chịu đựng khổ sở vì giá lạnh”.

Thứ ba là địa ngục Phụ. Theo luận Tam Pháp Độ thì cũng có ba loại: một là tại núi non, hai là tại sông nước, ba là tại đồng không. Do chịu nghiệp báo khác nhau, nên phải bị nóng lạnh lẫn lộn. Nếu bàn về tuổi thọ, sẽ có số ngắn dài.

Lại nữa, luận Lập Thế A-tỳ-đàm nói: “Đức Thế-tôn bảo, có địa ngục lớn tên là Tối tăm, ở phía ngoài cửa các quốc độ đều có. Địa ngục này không có mái che. Tội nhân ở bên trong tự đưa tay ra, nhưng mắt vẫn không nhìn thấy. Lại nữa, dù mặt trời mặt trăng có đủ thần lực phát ra tất cả ánh sáng, nhưng cũng không chiếu tỏ được sắc tướng của địa ngục ấy. Khi có chư Phật ra đời, hào quang chiếu diệu khắp nơi. Nhờ ánh hào quang chiếu diệu này, tội nhân mới trông thấy nhau. Ở phía ngoài, giữa hai ngọn núi Thiết Vi, gọi là cõi ngoài, là địa ngục Giá lạnh. Có mười địa ngục khác nhau. Từ địa ngục thứ nhất là Át phù đa đến địa ngục thứ mười là Ba đầu ma. Trong địa ngục Tối tăm ấy, chúng sinh đi ngang, biết suy niệm hướng thiện, có thân hình lớn bằng con thằn lằn.

Trong địa ngục Giá lạnh ở cõi ngoài này, chúng sinh cũng đi ngang, lớn bằng con Át đa. Nhân gió lạnh thổi chạm vào mình, thân hình của chúng sẽ vỡ toang ra giống trái dưa chín. Như đi giữa rừng lau lách bị ngọn lửa lớn đốt cháy, phát ra tiếng nổ chát chát, các chúng sinh ở địa ngục Giá lạnh này cũng thế, bị gió lạnh thổi chạm vào mình, xương vỡ nát tan, phát ra tiếng nổ chát chát. Nhờ âm thanh này, mọi chúng sinh cùng nhận biết ra nhau. Có chúng sinh sinh vào địa ngục Giá lạnh này. Nếu trong địa ngục này có chúng sinh mệnh chung, phần đông sẽ sinh vào địa ngục Tối tăm ấy. Nếu chúng sinh ở các địa ngục khác chết đi, phải sinh vào địa ngục Giá lạnh này, nằm ở phía ngoài, giữa hai ngọn núi Thiết Vi. Giữa hai ngọn núi ấy, chỗ hẹp nhất là tám vạn do tuần. Phía dưới không có đáy. Phía trên không có mái che. Chỗ rộng nhất đo được một ngàn sáu vạn do tuần”.

Thứ tư: PHẦN THỜI LƯỢNG

Theo kinh Khởi Thế nói: “Phật bảo, như lấy hộc của nước Kiều Tát La đem đong mè đầy hai mươi hộc, vun cao không gạt. Có một người đàn ông, đủ một trăm năm liệng bớt 1 hột mè. Lần lượt như thế, đủ một trăm năm lại lấy bớt một hột liệng sang chỗ khác. Đến khi liệng hết hai mươi hộc mè đong vun ấy, nhưng thì lượng của thọ mạng mà ta nói, vẫn chưa hết. Lại nữa, lấy thì lượng này để tính đại khái, thì hai mươi thọ mạng ở địa ngục Át phù đa bằng một thọ mạng ở địa ngục Nê la phù đà. hai mươi thọ mạng ở địa ngục Nê la phù đà bằng một thọ mạng ở địa ngục A hô. hai mươi thọ mạng ở địa ngục A hô bằng một thọ mạng ở địa ngục Hô hô bà. hai mươi thọ mạng ở địa ngục Hô hô bà bằng một thọ mạng ở địa ngục A cha cha. hai mươi thọ mạng ở địa ngục A cha cha bằng một thọ mạng ở địa ngục Tao kiện đề ca. hai mươi thọ mạng ở địa ngục Tao kiện đề ca bằng một thọ mạng ở địa ngục Ưu bát la. hai mươi thọ mạng ở địa ngục Ưu bát la bằng một thọ mạng ở địa ngục Câu mâu đà. hai mươi thọ mạng ở địa ngục Câu mâu đà bằng một thọ mạng ở địa ngục Bôn trà lê ca. hai mươi thọ mạng ở địa ngục Bôn trà lê ca bằng một thọ mạng ở địa ngục Ba đầu ma. hai mươi thọ mạng ở địa ngục Ba đầu ma bằng một trung kiếp”.

Lại nữa, kinh Na Tiên Tỳ-kheo Vấn Phật nói: “Như lửa của thế gian không nóng bằng lửa trong địa ngục. Nếu cầm viên đá cuội bỏ vào trong lửa thế gian đến chiều, viên đá cuội vẫn không tiêu. Nếu mang lấy tảng đá lớn bỏ vào lửa trong địa ngục, tảng đá lớn sẽ lập tức tiêu tan. Thế nhưng có người làm ác, khi chết đọa vào địa ngục mấy vạn năm, người ấy vẫn không chết. Còn như loài mãng xà, giao long lớn nuốt lấy đá lớn thì tiêu. Thế nhưng loài người có thai trong bụng thành con thì lại không tiêu. Điều ấy do nghiệp lực thiện ác khiến cho tiêu và không tiêu cả. Như hành vi thiện ác do con người làm ra, sẽ theo con người như bóng theo hình. Con người khi chết, chỉ mất thân xác, nhưng không mất hành vi đã làm. Giống như ban đêm đốt đèn ngồi viết chữ, đèn tắt nhưng chữ vẫn còn. Có đèn, sau mới có chữ. Cũng thế, hành vi tạo tác hôm nay, đời sau sẽ thành tựu đủ. Lại như ánh lửa cháy phừng phừng trong địa ngục Bát đầu ma, tội nhân đứng cách xa ngọn lửa này một trăm do tuần, lửa đã thui nướng. Nếu đứng cách xa sáu mươi do tuần, hai tai của tội nhân đã điếc, không nghe được gì. Nếu đứng cách xa năm mươi do tuần, hai mắt của tội nhân đã mù, không thấy được gì nữa. Vì Tỳ-kheo Cù Ba Lợi đã nuôi ác tâm phỉ báng Xá-lợi-tử và Mụckiền-liên, nên khi thân nát mệnh chung, liền bị đọa vào địa ngục Bát đầu ma này”. Lại như kinh Khởi Thế nói: “Nếu các chúng sinh đứng cách xa vị trí của địa ngục Ba đầu ma một trăm do tuần, liền bị ánh lửa của địa ngục ấy lan đến. Nếu các chúng sinh đứng cách xa năm mươi do tuần, thì liền bị ánh lửa ấy hun đốt, làm cho mù mắt. Nếu các chúng sinh đứng cách xa hai mươi lăm do tuần, thì huyết thịt của bọn họ đều bị cháy nát. Còn như các người xuất gia tu hành Phạm hạnh, do sinh tâm ô trọc không ngay chính, do sinh tâm gây phiền não, do sinh tâm độc ác, do sinh tâm không làm lợi ích, do không có từ tâm, do không có tâm thanh tịnh nên phải chịu lấy tai ương. Thế nên, đối với các người xuất gia tu hành Phạm hạnh, đã tạo nên các nghiệp thiện về thân, khẩu, ý thì thường được hưởng an lạc tự tại. Bấy giờ đức Thế-tôn nói kệ rằng:

“Những người thế gian khi còn sống,
Đầu lưỡi tự nhiên sinh búa rìu.
Nghĩa là miệng nói các điều ác,
Vẫn là tự hại bản thân thôi.
Người đáng khen thì không chịu khen,
Người không đáng khen lại đem khen.
Như thế, gọi là cãi trong miệng,
Vì cãi trong miệng nên không vui.
Nếu người đánh cờ ăn tiền của,
Gọi là cãi nhỏ trong thế gian.
Với người tu hành nổi lòng xấu,
Như thế là cãi lớn trong miệng.
Sẽ đọa ba mươi sáu muôn kiếp,
Trong địa ngục Nê la phù đa,
Năm kiếp trong địa ngục Át phù đà,
Rồi đọa vào địa ngục Ba đầu ma.
Phỉ báng Thánh nhân nên phải thế,
Do nghiệp khẩu ý làm điều ác”.

Thứ năm: PHẦN ĐIỂN CHỦ

Như các kinh Vấn Địa Ngục và Tịnh Độ Tam Muội nói: “Tổng quát, địa ngục có một trăm ba mươi bốn chỗ. Trước tiên, thuật tên và chỗ cư trú của chúa tể địa ngục. Vua Diêm La ngày xưa là quốc vương Tỳ sa cùng với vua Duy Đà Thủy Sinh giao chiến, binh lực yếu hơn, nên lập lời thề cầu nguyện làm chúa tể địa ngục. Có mười sáu vị tướng tá thống lãnh hàng trăm vạn quân sĩ, đầu mọc sừng, hai tai vểnh lên vì giận dữ, cùng lập lời thề, sau này sẽ xin kính giúp nhà vua trừng trị tội nhân ấy. Quốc vương Tỳ Sa chính là vua Diêm La hiện nay. Mười tám vị đại thần là các tiểu vương ngày nay. Trăm vạn quân lính là bọn ngục tốt vậy”. Lại nữa, kinh Trường A-hàm nói: “Phía Nam châu Diêm-phù-đề có núi Kim cương, trong đó có cung điện của vua Diêm La, ngang dọc rộng sáu ngàn do tuần (kinh Vấn Địa Ngục nói, thành trì ở địa ngục ngang dọc rộng ba vạn dặm, do vàng bạc tạo thành). Mỗi ngày đêm, vào lúc canh ba, có vạc đồng tự nhiên xuất hiện trước điện. Nếu vạc đồng chạy vào trong cung, nhà vua đâm ra sợ hãi, bỏ chạy ra ngoài cung. Nếu vạc đồng chạy ra ngoài cung, nhà vua bỏ chạy vào trong cung. Có tên ngục tốt cao lớn bắt nhà vua nằm trên sắt nóng, lấy móc sắt móc miệng, rót đồng chảy vào, từ yết hầu lọt xuống, tất cả đều cháy tan. Xong xuôi, nhà vua lại cùng các thể nữ vui chơi. Các vị đại thần cũng đều được hưởng phước báo như thế”. Kinh Vấn Địa Ngục nói: “mười tám vị tiểu vương cai quản một tám địa ngục là: Một Ca diên trông coi địa ngục, hai Khuất tuân trong coi núi dao, 3. Phất tiến thọ trông coi cát nóng bắn ra. 4. Phân bắn trông coi phân bắn. 5. Ca thế trông coi địa ngục Hắc nhĩ. 6. Khái tra trông coi xe lửa. 7. Thang vị trông coi vạc nước sôi. 8. Thiết ca nhiên trông coi giường sắt. 9. Ác sinh trông coi núi ép. 10. … trông coi địa ngục Giá lạnh. 11. Tỳ ca trông coi lột da. 12. Diên đầu trông coi súc sinh. 13. Đề bạc trông coi chiến tranh. 14. Di đại trông coi cối mài. 15. Duyệt đầu trông coi địa ngục Nước. 16. … trông coi rào sắt. 17. Danh thân trông coi dòi bọ. 18. Quan thân trông coi đồng sôi”.

Lại nữa, kinh Tịnh Độ Tam Muội nói: “Lại có ba mươi địa ngục, mỗi địa ngục đều có người trông coi. Không cần kể rõ, chỉ ghi tên năm chức quan: 1/ Tiên quan cấm sát sinh. 2/ Thủy quan cấm trộm cướp. 3/ Thiết quan cấm tà dâm. 4/ Thổ quan cấm nói hai lưỡi. 5/ Thiên quan cấm uống rượu”. Kinh Vấn Địa Ngục nói: “Các địa ngục sắp hàng tại bốn phía Đông Tây Nam Bắc của thành vua Diêm La. Tuy có ánh sáng của mặt trời mặt trăng nhưng không chiếu rõ. Riêng địa ngục Hắc nhĩ ánh sáng không chiếu đến. Khi người chết, sinh vào Trung ấm. Trung ấm nghĩa là đã bỏ Tử âm, chưa đến Sinh âm. Các tội nhân ở đấy nương theo Trung ấm đi vào thành Nê lê. Thành Nê lê là chỗ tội nhân cùng nhau tập hợp trước thời gian chịu tội (đời Lương dịch là thành Mật ước hay còn gọi là thành Đóng cửa). Cơn gió tài tình thổi qua, tùy theo nghiệp nặng nhẹ, các người chết thọ lãnh thân hình lớn nhỏ khác nhau. Cơn gió thối thổi qua, tạo thành thân hình thô xấu dành cho tội nhân. Cơn gió thơm thổi qua, tạo thành thân hình nhỏ bé dành cho người có phước đức”.

Thứ sáu: PHẦN VƯƠNG ĐÔ

Như kinh Khởi Thế nói: “Ở phía ngoài hai ngọn núi Thiết Vi thuộc phía Nam châu Diêm-phù-đề có cung điện của vua Diêm Ma, ngang dọc đều bằng nhau, rộng sáu ngàn do tuần. Có bảy lớp tường thành, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới gắn lục lạc. Phía ngoài có bảy lớp hàng cây Đa la bao bọc chung quanh. Có nhiều màu sắc rực rỡ đáng xem do bảy loại châu báu tạo thành. Tại bốn phía đều có cửa lớn. Mỗi cửa đều có lầu canh giặc. Đền đài cung điện, vườn tược ao hồ có đủ loại hoa thơm quả ngọt đẹp đẽ. Gió thoảng mùi hương, chim chóc hót ca. Nhà vua vì nghiệp ác phải chịu quả báo không lành, nên vào lúc canh ba của mỗi ngày đêm, tự nhiên có nước đồng nấu sôi đỏ rực hiện ra ở trước mắt. Cung điện của nhà vua liền biến thành sắt xám. Công đức ngũ dục cũng biến mất, không hiện ra. Nhà vua thấy xong, sợ hãi thất thần, lông tóc đều dựng đứng, phải bỏ chạy ra ngoài. Nếu nước đồng sôi hiện ra ở phía ngoài, nhà vua phải bỏ chạy vào cung. Bấy giờ, có ngục tốt canh cửa bắt lấy vua Diêm ma, giơ lên cao, rồi đánh nằm xuống trên mặt đất sắt nóng hổi. Mặt đất ấy phừng phừng rực lên ánh lửa vô cùng mãnh liệt. Sau khi ngục tốt đã đánh nhà vua nằm ngã xuống, bèn lấy kềm sắt banh miệng rộng ra, rót nước đồng sôi vào miệng. Bấy giờ, vua Diêm Ma bị thiêu cháy miệng mồm. Kế đó cháy lưỡi, sau đó cháy cổ họng, rồi cháy cả ruột non ruột già. Lần lượt thiêu cháy tất cả, liền thoát ra ngoài. Bấy giờ, nhà vua ấy suy nghĩ thế này: “Tất cả chúng sinh, do thời tiền kiếp, thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ đều ác và các chúng sinh khác cùng tạo nghiệp ác, đều phải chịu nỗi khổ này. Ta nguyện từ nay, sau khi từ bỏ xác thân này, có lại thân khác, được sinh làm người trên chốn nhân gian. Đối với chánh pháp của Như Lai, phải có lòng tin hiểu. Cạo bỏ tóc râu, mặc áo cà sa, đạt đến tin hiểu chân chính. Từ nhà xuất gia, sau khi đã xuất gia, cầu chứng được đạo. Sinh tử đã hết, Phạm hạnh đã thành. Chuyện cần phải làm, đều đã làm xong. Sẽ không còn thọ sinh lại vào kiếp sau nữa. Khi vừa phát ra những ý nghĩ tốt lành được huân tập đến mức ấy, lập tức cung điện đang ở biến thành thất bảo giống như của chư Thiên. Công đức ngũ dục xuất hiện đầy đủ. Nhờ ba nghiệp thiện, thân tâm của nhà vua ấy liền được an lạc tự tại”.

Lại nữa, luận Bà-sa có câu hỏi: “Các ngục tốt ở địa ngục là số chúng sinh thật sự hay không phải là số chúng sinh thật sự?”. Đáp: “Nếu những ngục tốt dùng khóa sắt trói cột chúng sinh vừa ra đời ở địa ngục, rồi giải đến trước chỗ vua Diêm Ma thì đúng là số chúng sinh thật sự. Nếu những ngục tốt dùng các loại khổ cụ ở địa ngục để làm hại chúng sinh thì không phải là số chúng sinh thật sự”. Dưới châu Thiệm Bộ có địa ngục lớn. Trên châu Thiệm Bộ cũng có địa ngục phụ và địa ngục độc lập. Hoặc ở trong hang, hoặc ở trên núi, hoặc ở giữa đồng không, hoặc ở giữa không trung. Trong ba châu khác, chỉ có địa ngục phụ và địa ngục độc lập, không có địa ngục lớn. Tại sao lại như thế? Đáp: “Bởi vì chỉ có người ở châu Thiệm Bộ làm thiện mạnh mẽ, làm ác cũng mãnh mẽ. Các châu khác đều không như thế”. Có người nói: “Châu Bắc Câu lô cũng không có địa ngục phụ, vì ở đó là nơi đã hưởng được nghiệp quả thuần khiết”.

Hỏi: Các châu khác đều không có địa ngục lớn. Nếu có các chúng sinh ở đấy tạo các nghiệp ác vô gián, mất sạch thiện căn thì phải chịu quả báo dị thục ở chỗ nào?.

Đáp: Thì phải chịu quả báo ấy ở địa ngục lớn ngay tại phía dưới châu Thiệm Bộ”.

Hỏi: Hình dáng của chúng sinh ở địa ngục ra sao?.

Đáp: Hình dáng giống người.

Hỏi: Tiếng nói ra sao?.

Đáp: Khi mới sinh ra đều nói tiếng Thánh. Về sau, do chịu khổ nạn, dù phát ra đủ loại âm thanh thống khổ, nhưng không còn một tiếng nói nào có thể hiểu được. Chỉ có những tiếng búa chặt, kim đâm, tay xé da thịt mà thôi!”.

Thứ bảy: PHẦN NGHIỆP NHÂN

Như kinh Thập Luận nói: “Có năm tội nghịch được xem là ác

nhất. Là năm tội nghịch gì? Ấy là cố tâm giết cha mẹ, A-la-hán, phá hoại Thanh văn, phá hoại sự hòa thuận của tăng già, cho đến có ác tâm làm thân Phật đổ máu. Những tội này gọi là năm tội nghịch. Nếu có người nào làm một trong năm loại tội nói trên thì không được phép xuất gia, thọ giới cụ túc. Nếu cho phép xuất gia thì phạm tội nặng, cần phải đuổi đi. Nếu đã xuất gia, có đầy đủ các uy nghi pháp phục, thì không được đánh đập, trói giam. Lại có bốn tội lớn, ngang hàng với bốn tội nghịch căn bản. Là bốn tội gì? Ấy là giết Bích Chi Phật, gọi là tội sát sinh căn bản. Dâm dục với A-la-hán, Tỳ-kheo-ni, gọi là tội tà dâm căn bản. Nếu có người đem tiền của cúng dường Phật pháp tăng, quản lý tiền của ấy rồi tiêu xài riêng, gọi là tội ăn cắp căn bản. Nếu có người nào kiến chấp đảo điên, phá hoại các Tỳ-kheo, ấy là tội phá tăng căn bản. Nếu có người phạm một trong bốn tội căn bản ấy, đều không được cho phép xuất gia theo Phật pháp. Nếu đã xuất gia, thì không được thọ giới cụ túc. Nếu đã lỡ thọ giới cụ túc, phải đuổi đi. Vì đã có đủ uy nghi pháp phục, không nên đánh đập, trói giam, giết chết. Như thế đều gọi là tội căn bản, chứ không phải là tội nghịch. Có trường hợp tội căn bản cũng là tội nghịch. Có trường hợp là tội nghịch, chứ không phải là tội căn bản. Có trường hợp không phải là tội nghịch, cũng không phải là tội căn bản.

Sao gọi là tội nghịch, đồng thời cũng là tội căn bản? Như có người nào xuất gia, đã thọ giới cụ túc, đã thấy được Chân đế, lại đem giết mất. Như thế gọi là tội nghịch, đồng thời cũng là tội căn bản. Đối với hạng người này, xét theo giới luật của ta, cần phải đuổi đi.

Sao gọi là tội căn bản, chứ không phải là tội nghịch? Nếu có người xuất gia theo Chánh pháp của ta, lại cố ý giết hại các chúng sinh vô tội, hoặc dùng thuốc độc, làm cho họ sẩy thai. Như thế, gọi là phạm tội căn bản, chứ không phải là tội nghịch. Nếu có đồ ăn uống, tọa cụ của chư tăng ở bốn phương, đều không đem san sẻ cùng cho hưởng dụng. Nếu có chúng sinh nào đem lòng nghi ngờ Phật pháp tăng, thấy có người xuất gia, thậm chí thấy kẻ khác đọc tụng, lại cản trở làm khó, dù chỉ một câu kệ. Đấy không phải là tội căn bản, cũng không phải là tội nghịch, chính là tội rất ác, gần với tội nghịch. Như hạng chúng sinh này, nếu không chịu sám hối, chừa bỏ tội căn, thì cuối cùng cũng không thể cho phép xuất gia theo Phật pháp. Nếu đã xuất gia, thọ giới cụ túc, lại không chịu sám hối tội lỗi thì cũng phải đuổi đi. Tại sao thế? Vì không tin chánh pháp, phỉ báng Tam thừa, phá hoại mắt chánh pháp, muốn tắt đèn pháp, cắt đứt hạt giống tam bảo, tổn hại nhân thiên, đã không được lợi ích gì, sẽ còn bị đọa vào đường ác. Hai loại người này, gọi là hủy hoại chánh pháp, phỉ báng Thánh hiền, sẽ chịu đọa đày thêm nhiều kiếp ở địa ngục. Những loại nghiệp ác như thế gọi là đại trọng tội căn bản. Sao gọi là tội không uy nghi căn bản? Nếu có Tỳ-kheo nào cố ý dâm dục, cố ý sát sinh, trộm cắp, cố ý nói dối, nếu phạm bất kỳ mộ tội nào trong bốn tội căn bản này, thì không được phép tham dự vào mọi tăng sự của các Tỳ-kheo, không được san sẻ thọ dụng đồ ăn uống, chăn đệm của chư tăng bốn phương. Tuy nhiên, nhà vua, các vị đại thần và tất cả quan lại không nên đánh đập, trói giam, dùng hình phạt, thậm chí giết chết. Như thế, gọi là thể tính tướng của tội căn bản . Sao gọi là tội trọng căn bản? Nếu có người làm nên hành vi như thế, hành vi này là căn bản ác đạo. Do đó, gọi là tội trọng căn bản. Giống như viên đạn sắt, tuy ném giữa không trung, không hề tạm dừng, lại mau mau rơi xuống đất. Cũng thế, đối với năm tội nghịch, bốn tội trọng cấm và hai loại tội chúng sinh hủy hoại chánh pháp, phỉ báng Thánh hiền, trong mười mộtloại tội này, nếu người nào phạm bất cứ một tội, khi chết đi, sẽ bị đọa vào địa ngục A tỳ”.

Lại như kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Khổ sở ở địa ngục A tỳ nhiều hơn nghìn lần so với bảy địa ngục lớn ở trước. Sống qua một kiếp ở đấy, thân hình lớn năm trăm do tuần. Người nào tạo bốn tội nghịch, lớn bốn trăm do tuần. Người nào tạo hai tội nghịch, lớn hai trăm do tuần. Người nào tạo một tội nghịch, lớn một trăm do tuần. Người tạo năm tội nghịch ấy, khi sắp lâm chung, kêu gào hoảng loạn, cổ họng kéo đàm. Cứ thế chết đi, trung hữu sắc sinh ra, không thấy nghiệp báo của mình. Thân thể lớn bằng đưa trẻ lên tám. Vua Diêm La đốt cháy dây sắt, siết chặt cổ họng, rồi trói hai tay, dốc ngược đầu xuống, kéo ngược chân lên. Trải qua hai ngàn năm phải đi dốc ngược đầu xuống. Tóc tai bị đốt cháy nhiều. Trước hết, đốt cháy đầu, sau đó đốt cháy mình. Chư Thiên ở cõi lục dục ngửi phải mùi hôi trong địa ngục A tỳ ấy xông lên, lập tức tiêu tan. Tại sao thế? Vì tội nhân ở địa ngục A tỳ cực kỳ hôi hám”.

Lại nữa, kinh Quán Phật Tam Muội Hải nói: “Phật bảo A Nan, nếu có chúng sinh nào giết cha hại mẹ, nhục mạ người thân, làm những tội ấy, đến lúc mệnh chung, trong khoảng nhấp nháy, nhanh như lực sĩ duỗi tay, sẽ bị rơi tuốt xuống địa ngục A tỳ, vua Diêm La hóa thân, cất cao tiếng dạy bảo: “Hỡi các tội nhân ngu si trong địa ngục! Khi bọn ngươi còn sống trên thế gian, đã bất hiếu với cha mẹ, sai trái, kiêu căng vô đạo, nên ngày nay bọn các ngươi phải sinh vào chỗ gọi là địa ngục A tỳ”. Nói xong lời này, liền biến mất không thấy nữa. Bấy giờ, ngục tốt lại xô đẩy tội nhân đi từ ngăn dưới lên đến ngăn trên, trải qua khắp tám vạn bốn nghìn ngăn, chen chúc nhau đi, đến mép lưới sắt. Trong một ngày đêm, thì đã đi trọn một vòng địa ngục A tỳ. Một ngày một đêm ở đấy, nếu đem so sánh với thời lượng ở châu Diêm-phù-đề này, đã trải qua sáu mươi Tiểu kiếp. Cứ thế, thọ mệnh ở đây hết một đại kiếp. Người nào làm đủ năm tội nghịch, sẽ chịu tội đủ năm kiếp. Lại có chúng sinh phạm bốn tội trọng cấm, ăn không của cải do tín chủ cúng dường, phỉ báng, tà kiến, không biết nhân quả, bỏ ngang học tập Bát nhã, hủy báng chư Phật mười phương, ăn cắp tiền của của tăng già, dâm dật vô đạo, cưỡng hiếp chị em, bà con của các Tỳ-kheo-ni đã giữ giới thanh tịnh, không biết xấu hổ xâm phạm tình dục người thân, gây chuyện xấu xa ấy. Quả báo của loài người này, đến khi mệnh chung, sẽ bị gió dao xẻ xác, trong một giây lát, thân như hoa sắt, bay đầy khắp mười tám ngăn. Mỗi một hoa sắt có tám vạn bốn ngàn ngọn lá. Đầu mỗi ngọn lá có thân thể chân tay, bay vào trong mỗi một ngăn. Địa ngục không lớn, thân cũng không nhỏ. Cứ thế, thân xác rơi đầy trong địa ngục lớn. Trải qua tám vạn nghìn đại kiếp, khi địa ngục này hủy diệt, tội nhân lại bị di chuyển vào trong mười tám ngăn ở phương Đông, tiếp tục chịu khổ như trước. Rồi lại trải qua mười tám ngăn ở các phương Tây Nam Bắc của địa ngục A tỳ này. Phỉ báng kinh điển Đại thừa, tạo đủ năm tội nghịch, phá hoại Tăng kỳ, cưỡng hiếp Tỳ-kheo-ni, cắt đứt thiện căn. Như loại tội phạm này, tạo đủ các tội ác ấy, thân thể sẽ vung vãi khắp địa ngục A tỳ, chân tay rải rác đầy cả mười tám ngăn. Địa ngục A tỳ này chỉ thiêu đốt các tội nhân ở trong địa ngục này mà thôi. Khi sắp hết kiếp, cửa Đông lập tức mở ra. Thấy ngoài cửa suối chảy róc rách, hoa quả rừng cây đều có đủ, các tội nhân trong này liền kéo nhau từ ngăn dưới chạy lên đến ngăn trên, tay giương bánh xe dao. Bấy giờ, giữa hư không bỗng đổ xuống cơn mưa đạn sắt nóng hổi. Tội nhân lũ lượt chạy đến cửa Đông, vừa chạm ngạch cửa, bọn ngục tốt cầm chĩa sắt đâm bừa vào mắt. Chó sắt xé xác móc tim, bọn tội nhân đau đớn, đứt hơi mà chết. Chết xong, sống lại. Lại thấy cửa Nam mở ra, quang cảnh cũng y như trước, không khác chút nào. Lần lượt, các cửa Tây, cửa Bắc cũng đều xảy ra như thế. Trong khoảng thời gian ấy, đã trải qua nữa kiếp. Tội nhân chết ở địa ngục A tỳ xong, sinh vào địa ngục Giá lạnh. Ở địa ngục Giá lạnh chết xong, lại sinh vào địa ngục Tối tăm. Suốt 8 nghìn vạn năm, hai mắt chẳng thấy được gì, chịu làm thân trăn lớn, uốn éo bụng bò đi. Các Tình đều tối tăm bế tắc, chẳng hiểu được gì, bị trăm ngàn sói chồn lôi kéo ăn thịt. Sau khi chết xong, sinh vào đường súc sinh. Trải qua năm ngàn vạn kiếp phải mang thân chim chóc thú vật, rồi mới được làm người. Điếc mù ấm ớ, cùi hủi ung thư, nghèo nàn đê tiện. Tất cả những hình tướng suy yếu hao gầy đều mang đủ trên thân như đồ trang sức. Chịu thân thế nghèo hèn như thế suốt năm trăm kiếp, sau đó lại còn sinh vào trong đường ngạ quỷ. Trong đường ngạ quỷ, may gặp được các bậc đại Bồ tát thiện tri thức trách cứ giúp rằng: “Vào vô lượng kiếp trước, tiền thân của nhà ngươi đã từng gây nên vô hạn tội lỗi, phỉ báng không tin Phật pháp, bị đọa vào địa ngục A tỳ, chịu đủ mọi điều khổ sở. Hôm nay, nhà ngươi nên mở lòng từ bi. Lúc ấy, bọn ngạ quỷ nghe lời này xong, liền niệm nam mô Phật, ca tụng uy lực vô biên của Phật. Liền đó mệnh chung, sinh vào Trời Tứ thiên vương. Sau khi đã được sinh vào cõi Trời ấy, ăn năn hối lỗi, phát tâm Bồ đề. Chư Phật quang minh, không nỡ bỏ chúng, liền nhiếp thọ giùm cho, như đối với La hầu la, dạy cho tránh xa địa ngục. Khéo tự giữ gìn, như yêu chính tai mắt”. Thế nên, trong kinh Khởi Thế, đức Thế-tôn có nói bài kệ rằng:

“Nếu người, thân khẩu ý tạo nghiệp,
Tạo xong, đi vào trong đường ác.
Như thế, phải sinh vào ngục Sống lại,
Kinh hãi đến nỗi lông dựng đứng.
Trải qua vô số muôn ngàn kiếp,
Chết xong, giây lát vụt sống dậy,
Oán thù nhất nhất đều báo đủ.
Do đó, chúng sinh lại giết nhau.
Nếu nổi ác tâm với cha mẹ,
Hoặc Phật, Bồ tát và Thanh văn,
Loại này đều đọa ngục Dây đen,
Ở đó, chịu khổ hết sức nóng.
Dạy người làm phải, nên làm trái,
Thấy người hướng thiện, quyết phá hoại.
Loại này cũng đọa ngục Dây đen.
Hai lưỡi, chửi mắng, nói dối nhiều,
Thích làm ba loại ngiệp ác nặng,
Không tu ba loại mầm thiện căn,
Bọn ngu si này sẽ bị đọa,
Vào trong địa ngục lớn Cùng ép.
Hoặc giết dê ngựa và trâu bò,
Các loại gia súc như gà heo,
Và giết các loại kiến mối khác,
Bọn ấy phải vào ngục Đè ép.
Thế gian có nhiều cách khủng bố,
Đem ra hành hạ các chúng sinh.
Phải đọa vào trong ngục Đá mài,
Chịa đựng xay giã, đè mài đau.
Vì tật tham dâm ngu giận nặng,
Quay về chân lý lại cản ngăn.
Làm sai, phán đúng, bẻ pháp luật.
Kẻ ấy sẽ bị do kiếm đâm.
Ỷ thị cường quyền cướp kẻ khác,
Già trẻ lớn bé đều bóc lột.
Nếu làm những chuyện bức xúc này,
Sẽ bị voi sắt giày xéo nát!
Nếu thích giết hại các chúng sinh,
Chân tay vấy máu, lòng đanh ác.
Thường gây những nghiệp dữ như thế,
Loại ấy phải đọa ngục Kêu gào.
Hành hạ chúng sinh đủ mọi cách,
Nên bị đốt ở ngục Kêu gào.
Trong đó còn ngục Kêu gào lớn,
Ấy bởi nịnh nọt và giảo hoạt.
Do nhiều thứ Kiến che lấp kín,
Do lưới Yêu dày nhận đắm chìm,
Gây nên các nghiệp quá hạ cấp,
Bọn ấy đọa ngục Kêu gào lớn.
Nếu đến ngục Kêu gào lớn ấy,
Thành sắt cháy phừng sợ dựng lông!
Trong đó, nhà sắt và phòng sắt,
Người nào vào đó đều bị đốt.
Nếu làm những chuyện ở thế gian,
Thường gây phiền não đến chúng sinh.
Bọn ấy đọa vào địa ngục Nóng,
Chịu khổ vì nóng đến vô cùng.
Thế gian Sa-môn, Bà-la-môn,
Cha mẹ, ông bà, các kỳ lão,
Nếu thường gây khổ, khiến không vui,
Bọn ấy đều đọa địa ngục Nóng.
Làm Trời thanh tịnh, không chịu tu,
Thường hay xa lánh các người thân.
Kẻ thích gây nên những chuyện ấy,
Cũng phải đọa vào địa ngục Nóng.
Ác với Sa-môn, Bà-la-môn,
Và những người tốt như cha mẹ,
Hoặc hại đến các bậc tôn trưởng,
Kẻ ấy bị đốt ở ngục Nóng.
Thường tạo các nghiệp ác rất nhiều,
Chưa từng nảy lên chút lòng thiện.
Kẻ này lọt tuốt xuống A tỳ,
Phải chịu vô lượng nỗi khổ não.
Nếu nói chánh pháp là phi pháp,
Nói bậy phi pháp là chánh pháp,
Lại không làm thêm các việc thiện,
Kẻ ấy phải vào ngục A tỳ.
Sống lại, Dây đen là hai ngục,
Cùng ép, hai Kêu gào thành năm.
Thiêu đốt, Thiêu đốt lớn thành bảy.
Với ngục A tỳ thành ra tám.
Tám này gọi là tám ngục lớn,
Cháy rực, rất khổ, khó chịu nổi.
Do người tạo ra các nghiệp ác,
Trong đó, ngục nhỏ có mười sáu”.

Thứ tám: PHẦN GIỚI ÚC

Như kinh Khởi Thế nói rằng: “Phật bảo các Tỳ-kheo, có ba vị Thiên sứ tại thế gian. Là ba vị nào? Một là Thiên sứ già, hai là Thiên sứ bệnh, ba là Thiên sứ chết. Có người phóng túng, làm ba nghiệp ác. Khi thân nát mệnh chung, sinh vào địa ngục. Các ngục tốt đúng lúc tiến tới, áp giải chúng sinh ấy đến trước vua Diêm La, bạch rằng: “Thưa đại vương, chúng sinh này trước đây ở trên thế gian, phóng túng hung hăng, không làm tốt ba nghiệp. Hôm nay sinh xuống nơi đây, chỉ xin đại vương khéo léo dạy bảo giùm cho”. Nhà vua hỏi tội nhân: “Trước đây, khi nhà ngươi còn ở trên thế gian, có vị Thiên sứ thứ nhất đã từng khéo léo chỉ bảo, trách cứ nhà ngươi. Há nhà ngươi đã không thấy xuất hiện chăng?”. Tội nhân đáp: “Thưa đại Thiên, thật tình tôi đã không thấy. Nhà vua lại bảo rằng: “Nhà ngươi há lại không thấy, phàm được làm người, hoặc đàn bà, hoặc đàn ông, khi tướng già xuất hiện thì răng long tóc bạc, da dẻ nhăn nheo, đồi mồi trổ khắp, nhìn giống rắc mè. Vai xệ lưng còng, bước đi khập khiểng. Chân không tự chủ, xiêu vẹo ngã nghiêng. Cổ họng da thòng, hai bên xệ xuống, chẳng khác yếm bò. Môi miệng khô queo, họng lưỡi nóng rát. Thân thể ốm o, sức lực suy nhược. Thở ra hổn hển, giống như kéo cưa. Bước tới muốn ngã, nhờ gậy chống đi. Sức trẻ tiêu tan, khí huyết cạn kiệt. Gầy gò lê lết, bước trên đường đời. Cử chỉ nặng nề, không còn dáng trẻ. Thậm chí thân tâm, thường xuyên run sợ. Nhà ngươi có thấy chăng? Tội nhân đáp rằng: “Thưa đại thiên, tôi thấy thật rồi”. Bấy giờ, nhà vua mới bảo rằng: “Nhà ngươi ngu si, không có trí tuệ. Trước đây đã thấy được tướng mạo của Thiên sứ già, tại sao không chịu suy nghĩ rằng, nay ta có đủ tướng già như thế, nhưng chưa lìa bỏ được. Ta nên làm việc thiện khiến cho ta mãi mãi được lợi ích, an lạc?”. Tội nhân ấy lại trả lời rằng: “Thưa đại Thiên, tôi thật tình đã không suy nghĩ như thế, nên đã đem tâm phóng túng để làm điều càn rỡ”. Nhà vua lại bảo rằng: “Nhà ngươi là kẻ ngu si, không tu tập nghiệp thiện, phải chịu đủ tội phóng túng. Quả báo khổ sở này chẳng do ai tạo ra, chính là do tự nghiệp của nhà ngươi, nên hôm nay phải tụ họp lại để gánh chịu lấy quả báo”.

Bấy giờ, vua Diêm La lại đưa ra lời trách cứ thứ hai rằng: “Các người há không thấy Thiên sứ thứ hai xuất hiện trên thế gian chăng? Tội nhân đáp: “Thưa đại Thiên, tôi thật tình không thấy”. Nhà vua lại bảo rằng: “Há nhà ngươi chẳng thấy, khi còn làm người trên thế gian, như làm thân đàn bà, như làm thân đàn ông, tứ đại đang hòa hợp, bỗng nhiên lệch sai. Bệnh dữ chiếm xâm, triền miên khốn đốn. Hoặc nằm trên chõng con giường lớn, phóng uế dơ dáy. Lăn lóc trong đó, không được yên ổn. Nằm ngồi ngủ nghỉ, cậy người đỡ nâng. Lau rửa giữ gìn, cho ăn cho uống, đều phải nhờ người. Nhà ngươi thấy chăng? Người ấy đáp rằng: “Thưa đại Thiên, tôi đã thấy thật”. Nhà vua lại bảo rằng: “Hỡi kẻ ngu si, nếu nhà ngươi thấy thật như thế, tại sao không chịu suy nghĩ rằng, hôm nay chính ta cũng có tướng bệnh như thế, nhưng chưa lìa bỏ được. Ta nên làm việc thiện, khiến cho mai sau mãi mãi được lợi ích lớn, an vui lớn?”. Người ấy đáp rằng: “Không! Tôi thật tình đã không suy nghĩ như thế. Do lòng lười biếng, nên đã làm chuyện phóng túng càn rỡ”. Nhà vua bảo rằng: “Hỡi kẻ ngu si, vì nhà ngươi đã lười biếng không làm việc thiện, nên phải chịu quả báo xấu xa này. Chẳng do ai tạo ra, nên phải gánh chịu lấy quá báo”.

Bấy giờ, vua Diêm La lại đưa ra lời trách cứ thứ ba rằng: “Nhà ngươi thật ngu si. Ngày trước, khi còn làm người, nhà ngươi há không thấy Thiên sứ thứ ba xuất hiện trên thế gian chăng?”. Người ấy trả lời: “Thưa đại Thiên, tôi thật tình đã không trông thấy”. Nhà vua lại bảo rằng: “Khi nhà ngươi còn làm người trên thế gian, há lại không thấy như làm thân đàn bà, như làm thân đàn ông, tùy số chết đi, đem đặt lên giường, lấy áo nhiều màu đậy che lại. Khiêng khỏi xóm làng, giăng màn che lọng, đủ thứ trang nghiêm. Thân quyến vây quanh, giơ tay xõa tóc. Đầu lấm tro bụi, hết sức đau thương. Kêu gào khóc lóc, cất tiếng gọi to. Đấm bụng đớn đau, nghẹn lời tức tưởi. Nhà ngươi đều đã thấy chăng?”. Người ấy trả lời: “Thưa đại Thiên, tôi đã thấy thật”. Bấy giờ, nhà vua bảo rằng: “Hỡi kẻ ngu si, trước đây nhà ngươi đã thấy được như thế, tại sao chẳng suy nghĩ rằng, ta cũng phải chết, chưa thể thoát ly. Nay nên làm thiện, giúp cho ta mãi mãi có được lợi ích lớn lao?”. Người ấy đáp rằng: “Thưa đại Thiên, tôi thật tình đã không suy nghĩ như thế. Tại sao? Vì lòng phóng túng ngông cuồng”. Bấy giờ, nhà vua bảo rằng: “Nhà ngươi đã phóng túng, không làm việc thiện, tự tạo nên nghiệp ác này, chẳng phải do ai gây ra. Quả báo này, nhà ngươi phải tự mình gánh chịu”. Sau khi vua Diêm La đã đem ba vị Thiên sứ ra trách cứ tội nhân xong, liền ra lệnh dắt đi. Bấy giờ, bọn ngục tốt lập tức bắt tội nhân, túm lấy hai chân hai tay, dốc ngược đầu xuống, giơ hai chân lên, ném vào trong các địa ngục”.

Thuật rằng:

Than ôi! Lấp dòng nước chảy, chưa bằng bít kín đầu nguồn, giở ấm nước sôi, chưa bằng dập tắt bếp lửa. Tại sao? Nguồn phát ra nước, nguồn chưa bít kín thì nước không khô, lửa khiến nước sôi, bếp chưa dập thì nước há nguội? Thế nên, có bạn bít đầu nguồn, chẳng lấp dòng, nước đã tự cạn, có khách dập bếp lửa, không giở ấm, nước nóng tự nguội. Giống thế mà bàn, cũng biết rõ được: chỉ chán quả báo, chưa bằng cắt đứt nghiệp nhân, chỉ sợ khổ đau, há bằng răn đe việc ác? Nhân sinh ra quả, nhân chưa cắt đứt thì quả vẫn không cùng, ác tạo ra khổ, ác chưa chịu phạt thì khổ há hết? Thế nên, khiến kẻ học cắt đứt nghiệp nhân, không đợi chán, quả cũng cao tay, bậc tôn đức răn đe việc ác, chẳng cần sợ, khổ cũng xa chạy.

Hết thảy các bậc quân tử, nên chép lại để răn đe mình!

Tụng rằng:

“Sinh ra rồi lại chết đi,
Mặt trời khuất bóng, trăng thì lên ngôi.
Gió lay cành yếu rã rời,
Xôn xao nhân thế sóng nhồi nổi trôi.
Ngu si lạc mất đường rồi,
Chìm vào vực thẳm là nơi tủi sầu.
Sa chân xuống địa ngục sâu,
Rắc đầy chông nhọn ở lâu muôn đời.
Sáu đường luân chuyển tơi bời,
Chỉ vì ba nghiệp khúc nôi chưa tường.
Giữa dòng, ai cứu mà mong,
Thảm thương chỉ biết riêng lòng xót xa.
Ngắm xem vạn tượng bao la,
Chẳng qua cũng chỉ mù lòa dối nhau.
Biển trần vui sướng chi đâu,
Thuyền từ Bát nhã nguyện cầu bước lên”.

DUYÊN CẢM ỨNG

Trích dẫn sơ lược bảy chuyện linh nghiệm: 1. Cư sĩ Triệu Thái đời Tấn. 2. Sa-môn Chi Pháp Hành đời Tấn. 3. Cư sĩ Thạch Trường Hòa đời Ngụy. 4. Quỷ ở Hàm Cốc đời Hán. 5. Tiếng khóc ở huyện Lô Giang. 6. Vạc nước sơi ở nước Thổ Phồn. 7. Liêu Trí Cảm làm phán quan ở địa ngục đời Đường.

1. Triệu Thái đời nhà Tấn: tự là Văn Hòa, người Bối Khâu thuộc huyện Thanh Hà. Ông nội từng làm thái thú ở Kinh Triệu. Thái đậu hiếu liêm ở quận nhà, được mời làm quan tại địa phương, nhưng không nhận chức. Chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, có tiếng tăm khắp xóm làng. Đến già mới ra làm quan, mất khi đang giữ chức trung tán đại phu. Năm Thái được ba mươi lăm tuổi, bỗng nhiên lên cơn đau tim một lát rồi qua đời. Người nhà đem xác đặt xuống đất, tim còn nóng hẩm không nguội. Tay chân giở lên còn mềm mại, nên người nhà quàn xác lại suốt mười hôm. Bỗng nhiên, trong cổ họng phát ra tiếng rào rào như mưa, được một lúc thì sống lại. Thái kể rằng, khi mới chết, mơ màng thấy có một người đến kề cận dưới tim. Lại có hai người khác cưỡi ngựa vàng và hai kẻ tùy tùng đến xốc nách Thái đưa đi thẳng về hướng Đông. Không biết bao nhiêu dặm, đến một tòa thành lớn, cao chót vót, sắc xanh đen như thiếc. Bọn họ đưa Thái vào cửa thành, qua thêm hai lớp cửa dày nữa. Có chừng vài nghìn gian nhà ngói. Người nam nữ lớn nhỏ, cũng khoảng mấy nghìn người đang đứng xếp hàng. Đề lại mặc áo đen, độ năm, sáu người, đọc rõ tên họ rồi nói: “Phải đem tội trạng trình lên nhà vua”. Tên Thái nằm vào thứ hai mươi. Giây lát, bọn họ đưa Thái và mấy nghìn người nam nữ cùng tiến lên phía trước. Nhà vua ngồi quay mặt về hướng Tây, nhìn sơ qua sổ bộ xong, lại bảo Thái đi vào trong cửa màu đen ở phía Nam. Một vị mặc áo đỏ ngồi trong tòa nhà lớn, theo thứ tự gọi tên, hỏi việc làm lúc sống, gây nên tội gì, tạo được việc thiện nào. Dặn dò các người phải nói thật. Ở đây thường xuyên phái sứ giả của sáu bộ lên nhân gian ghi chép đầy đủ việc thiện ác. Không thể nói dối hão huyền. Thái khai cha anh đều làm quan, ăn lộc hai ngàn thạch. Riêng mình từ nhỏ ở nhà tu học mà hoi, không làm việc gì khác, cũng không làm việc ác. Liền phái Thái làm sứ giả giám sát bên thủy quan. Thái đem hơn hai ngàn người mang cát đắp bờ sông, đêm ngày coi sóc siêng năng khó nhọc. Sau chuyển qua làm đô đốc thủy quan, coi sóc việc hình ngục. Cấp cho Thái người ngựa theo hầu, đi giám sát các địa ngục. Những địa ngục đi qua, các khổ hình đều khác biệt. Hoặc lấy kim đâm lưỡi, máu chảy đầy mình. Hoặc bới đầu lộ tóc, chân không trần truồng, cùng dắt nhau đi. Có người cầm hèo, từ sau đốc thúc. Giường sắt, cột đồng đốt cháy, đỏ suốt trong ngoài. Bắt buộc đám người này ngồi lên giường sắt, ôm lấy cột đồng. Lập tức bị cháy nát tan, rồi bỗng sống lại. Hoặc vạc lớn lò nóng, nấu nướng tội nhân. Đầu thân rời rã, lăn lộn theo nước sôi sùng sục. Có quỷ sứ cầm chĩa đứng sát một bên. Khoảng ba, bốn trăm người đứng riêng một chỗ, chờ phiên vào vạc, ôm nhau khóc lóc thảm thương. Hoặc cây kiếm cao lớn, không biết đến đâu. Mắt, cành, chồi lá đều làm bằng kiếm. Mọi người chê nhau, tự vịn trèo lên. Chưa hết hân hoan thì đầu thân đã bị cắt lìa, từng ly từng tí. Thái thấy ông nội, cha và hai em ở trong địa ngục này. Mọi người gặp nhau, cùng khóc lóc não ruột. Thái vừa ra khỏi cửa ngục, thấy có hai người mang văn thư đến, nói với cai ngục rằng, có ba người được gia đình lên chùa lập đàn, treo phướn thắp nhang, cầu giải tội giùm cho. Nên đưa họ ra nhà phước. Giây lát, thấy ba người từ địa ngục bước ra, ăn mặc áo quần tươm tất ngay ngắn trên mình, đi đến một cửa phía Nam gọi là đại sảnh Khai quang, có ba lớp cửa son chói lọi rực rỡ. Ba người lập tức bước vào trong, Thái cũng vào theo. Trước là điện lớn, trang hoàng đủ thứ châu báu, chiếu diệu hoa mắt, trần thiết Thiền sàng bằng vàng ngọc. Thái thấy được một vị thần nhân, dáng dấp hùng vĩ, hết sức phi thường, ngồi trên bảo tọa ấy. Hai bên có rất nhiều Sa-môn đứng hầu. Vua Diêm La bước đến, cung kính hành lễ. Thái hỏi: “Đây là vị nào mà vua Diêm La cung kính đến thế?”. Đề lại đáp: “Đây là đức Thế-tôn, vị đạo sư cứu độ chúng sinh”. Một lát, Ngài bảo mọi người trong địa ngục bước ra nghe kinh. Bấy giờ, có khoảng 1 trăm vạn chín ngàn người đều được ra khỏi địa ngục, đến thành Trăm dặm này. Tại đây, đông đảo mọi người đều được ngồi xuống để nghe thuyết pháp. Tuy hạnh kiểm còn chỗ thiếu sót, nhưng cũng đều được siêu độ cả. Thế nên, trong bảy ngày khai kinh này, mọi người tùy theo nghiệp nhân nặng nhẹ ít nhiều đã tạo ra, lần lượt đều được giải thoát. Trong khi Thái còn chưa ra khỏi nơi đây, đã thấy có hơn hàng ngàn người bay lên trời. Rời khỏi thành này, lại thấy một thành khác rộng hơn hai trăm dặm, gọi là thành Chịu biến hình. Sau khi tội nhân đã bị xét hỏi, xử trí ở địa ngục xong xuôi, phải vào thành này để chịu quả báo biến đổi hình dạng. Thái vào thành này, thấy hơn mấy ngàn gian nhà ngói cao lớn đều có phòng ốc. Chính giữa là ngôi nhà ngói lớn, có lan can tô vẽ rực rỡ, gồm mấy trăm phòng. Đề lại tra cứu văn thư, nói rằng: “Kẻ sát sinh phải làm phù du, sáng sinh chiều chết. Kẻ trộm cướp phải làm heo dê, bị người mổ xẻ. Kẻ dâm dật phải làm le cò, vịt trời, hươu nai. Kẻ hai lưỡi hại người phải làm chim cắt, cú mèo. Kẻ giựt nợ phải làm la lừa, lạc đà, trâu ngựa”. Thái độ chừng đã xử lý xong xuôi, bèn trở về thủy quan. Chủ sự bảo: “Ông vốn con nhà quý tộc, vì tội gì phải vào đây?”. Thái đáp: “Ông cha, anh em đều làm quan, ăn lộc hai ngàn thạch. Tôi đã từng tuyển ra làm quan, nhưng từ chối không đi. Ở nhà đọc sách, tu thân, không tiêm nhiễm thói xấu xa”. Chủ sự bảo: “Ông vô tội nên được phái làm đô đốc thủy quan. Nếu không, thì cũng đã chịu số phận như các tội nhân khác ở địa ngục rồi”. Thái hỏi chủ sự: “Người ta phải làm gì, lúc chết mới được hưởng quả báo an lạc?”. Chủ sự nói: “Chỉ có những đệ tử thờ phụng Phật pháp, giữ gìn giới luật, mới được quả báo an lạc, không bị trách phạt mà thôi”. Thái lại hỏi: “Những tội lỗi gây ra trước khi thờ phụng Phật pháp, liệu có được trừ đi sau khi đã thờ phụng chăng?”. Đáp rằng: “Đều trừ được cả”. Nói xong, chủ sự mở hộp khóa vàng, tra xét lại tuổi tác của Thái, thấy còn sống thêm được ba mươi năm nữa, bèn khiến Thái trở về. Khi từ biệt, chủ sự căn dặn: “Ông đã thấy được quả báo ở địa ngục phân minh như thế, nên nói lại cho mọi người trên thê gian đều biết, để họ làm thiện. Thiện ác theo người như hình với bóng. Há chẳng nên cẩn thận?”. Bấy giờ, bà con thân thích nội ngoại đến thăm Thái khoảng năm mươi, sáu mươi người, đều nghe lời Thái kể. Thái cũng chép lại để trao cho mọi người cùng xem. Ấy là ngày 13 tháng 7, dưới niên hiệu Thái Khang thứ năm đời nhà Tấn. Thái liền mời nhiều tăng sĩ đến lập đàn lớn cầu phúc cho ông nội, cha mẹ và hai em. Thái còn cho con cháu sửa mình, học tập Phật pháp. Khuyên nhủ phải siêng năng. Người đương thời nghe tin Thái đã chết rồi sống lại, được thấy rõ nhiều chuyện họa phúc, liền rủ nhau đến thăm hỏi. Có các ông Thái trung đại phu Tôn Phong ở Vũ Thành, quan nội hầu Hách Bá Bình ở Thường Sơn, cả nhóm đông hơn mười người, cùng đến nhà Thái, hỏi rõ mọi chuyện trước sau. Mọi người đều sợ hãi, cùng xin phát tâm thờ phụng Phật pháp.

2. Sa-môn Chi Pháp Hành là người đầu đời nhà Tấn: Mắc bệnh một tuần chết đi, ba hôm sau sống lại, kể rằng khi chết có người dẫn đi. Thấy có mấy chỗ giống công sở, không chịu tiêp nhận. Giây lát bỗng có bánh xe sắt, trên đó tua tủa móng sắt, từ phía Tây chạy lại, không có người điều khiển, nhưng chạy nhanh như gió. Một đề lại hô: “Tội nhân hãy đứng vào trước bánh xe!”. Hành kinh hoàng, ân hận đã không tinh tiến tu trì. Nay phải chịu nạn dưới bánh xe này chăng? Đề lại vừa nói xong, lại bảo: “Đạo nhân có thể ra khỏi nơi đây”. Liền đó, Hành thấy trên trời có lỗ hổng, bất giác mình đã bay lên rồi lấy đầu chui vào. Hai tay vén hai bên, nhìn quanh bốn phía, thấy các cung điện bằng thất bảo và các người trên trời. Hành cố sức nhảy nhót, nhưng không thể lên được. Mệt mỏi quá, đành phải trở về. Người dắt Hành đi mỉm cười, bảo rằng: “Bị mắc vật gì mà không thể lên được?”. Bèn đem Hành đem giao cho thuyền quan. Thuyền quan chèo thuyền, sai Hành cầm lái. Hành nói: “Tôi không biết cầm lái”. “Cứ gắng đi!”. Hằng mấy trăm chiếc thuyền đều chèo theo sau thuyền của Hành. Vì Hành không biết cầm lái, nên thuyền chạy đâm lên bãi cát. Bọn chức sắc xô đẩy Hành, nói: “Nhà ngươi dẫn đường mà lại đi lạc, theo luật phải chém đầu!”. Rồi dẫn Hành lên bờ, đánh trống sửa soạn chém đầu Hành. Bỗng nhiên có hai con rồng ngũ sắc hiện ra, đẩy thuyền xuống nước trở lại. Chức sắc bèn tha tội, chở Hành đi về phía Bắc khoảng ba mươi dặm, thấy hai bên bờ có chừng mấy vạn vạn nóc nhà, bảo rằng đó là nhà của dân lưu lạc. Hành lén trốn lên bờ. Trong làng thả chó xông ra suýt cắn phải. Hành vô cùng sợ hãi, nhìn về phía Tây Bắc có ngôi giảng đường, trên có rất nhiều tăng sĩ. Nghe có tiếng tụng kinh, Hành chạy một mạch lên đó. Giảng đường có mười hai bậc cửa, Hành mới bước lên bậc thứ nhất, đã thấy tiên sư Pháp Trụ ngồi trên Thiền sàng. Thấy Hành, ngài bảo: “Chính là đệ tử của ta. Tại sao lại đến đây?”. Rồi ngài bước lại đầu bậc thềm, lấy khăn tay đánh vào mặt Hành và bảo: “Đừng bước đến!”. Hành rất muốn bước đến, bèn cất chân lên. Ngài Pháp Trụ lại xô đẩy bảo xuống, đến ba lần Hành mới chịu dừng lại. Thấy trên mặt đất có một miệng giếng sâu chừng ba, bốn trượng. Tường thành liền lạc, không có vết gạch xây nên. Trong bụng Hành bảo đây là giếng tự nhiên của trời. Bên giếng có người bảo rằng: “Nếu không tự nhiên sao gọi là giếng?”. Nhân thấy ngài Pháp Trụ cứ nhìn theo Hành, người ấy bảo Hành nên quay về lại, chó không cắn nhà ngươi nữa đâu. Đi đến bờ sông lại không thấy chiếc thuyền đã chở đến trước đây, Hành khát quá muốn uống nước, liền rơi xuống sông. Nhờ thế, được sống lại. Sau đó, Hành xuất gia, giữ giới ăn chay. Đêm ngày chuyên tâm suy nghĩ, cố gắng trở thành vị Sa-môn rất có đạo hạnh. Tỳ-kheo Pháp Kiều vốn là đệ tử của Pháp Hành vậy.

3. Thạch Trường Hòa là cao nhân của nước Triệu: Năm lên 19 tuổi, mắc bệnh một tháng rồi chết. Nhà nghèo, không thể lo việc tẩm liệm đúng ngày giờ được. Qua bốn hôm sau, sống lại kể rằng khi mới chết, đi về phía Đông Nam, thấy hai người sửa đường ở trước mặt Hòa năm mươi bước. Hòa đi nhanh chậm thì hai người kia cũng sửa đường nhanh chậm theo một khoảng cách chừng năm mươi bước. Hai bên đường, gai góc mọc um tùm như vuốt chim diều dâu. Hòa thấy rất nhiều người đi trong gai góc. Thân thể bị tổn thương rách nát, đất dính máu me bê bết. Mọi người thấy Hòa được đi trên đường bằng phẳng, đều thở than: “Một mình con Phật được đi trên đường lớn!”. Đến phía trước, có một dãy nhà lầu lợp ngói rộng mấy nghìn gian. Có một ngôi nhà rất cao, trên có một người, hình dáng mặt mày to lớn, mặc áo màu đen bốn vạt, ngồi nhìn ra cửa, Hòa vái chào. Người trên gác bảo: “Hôm nay, ông Thạch mới đến đây, cách biệt nhau đã hai mươi năm rồi nhỉ!”. Bấy giờ, trong trí Hòa liền nhớ ra buổi chia tay năm ấy. Bạn thân quen của Hòa chỉ có Mã Mục và Mạnh Thừa, mà vợ chồng Mạnh Thừa chết cũng đã lâu rồi. Người trên gác hỏi: “Ông còn nhớ Mạnh Thừa không? “. Trường Hòa đáp: “Còn nhớ”. Người trên gác nói: “Lúc còn sống, Mạnh Thừa không tinh tiến tu hành, nay thường phải lo quét dọn cho ta. Còn vợ Mạnh Thừa, nhờ tinh tiến hơn nên sống rất an lạc”. Rồi đưa tay chỉ vào một gian phòng ở phía Tây Nam và nói: “Vợ Mạnh Thừa ở chỗ đó”. Vợ Mạnh Thừa mở cửa sổ, thấy Hòa, chào hỏi rất ân cần, lại hỏi thăm tin tức tất cả gia đình được bình an không. Rồi nói tiếp: “Khi nào ông Thạch về, xin qua cho gặp mặt để nhờ chuyển thư giùm”. Giây lát, thấy Mạnh Thừa cầm chổi, xách sọt rác từ căn gác phía Tây đi lại, cũng hỏi thăm tin nhà. Người trên gác nói: “Nghe rồng cá cho hay, ông rất tinh tiến. Vậy ông tu hành phép gì?”. Trường Hòa đáp rằng: “Không ăn cá thịt, rượu cũng không ghé môi. Thường tụng kinh Phật, cứu giúp những người đau ốm”. Người trên gác nói: “Quả là lời đồn không sai”. Nói chuyện hồi lâu, người trên gác hỏi viên chủ quản văn thư rằng: “Xem lại hồ sơ của ông Thạch, đừng để sai sót”. Viên chủ quản xem lại xong, trả lời: “Mạng sống còn hơn ba mươi năm”. Người trên gác hỏi rằng: “Ông muốn về lại không?”. Hòa trả lời: “Muốn về”. Bèn ra lệnh cho chủ quản lấy xe ngựa giao cho hai người thuộc hạ đưa Hòa về. Trường Hòa bái từ, lên xe trở về. Trên đường về, phía trước đều có nhà công quán, thuộc lại, đồ ăn uống chuẩn bị sẵn sàng. Bỗng nhiên về đến nhà, Hòa chán cái xác đã hôi, không muốn nhập vào, cứ đứng chần chừ trên đầu. Thình lình, thấy em gái đã mất, từ phía sau xô ngã vào trên mặt xác chết. Nhờ thế, Hòa được sống lại. Bấy giờ, tăng sĩ Chi Pháp Sơn vốn còn do dự, chưa chịu xuất gia, nghe Hòa thuật lại mọi chuyên, liền quyết chí xuất gia cầu đạo. Pháp Sơn là người thời Hàm Hòa vậy. (Ba chuyện trên đây rút từ Minh Tường Ký).

4. Hán Vũ Đế du hành sang phương Đông: chưa ra khỏi cửa hàm Cốc, có một con vật cản đường. Thân hình cao mấy chục trượng, giống như trâu. Mắt xanh, tròng trắng, bốn chân lún trong đất, vùng vẫy nhưng không xê dịch được. Trăm quan đều hoảng kinh. Đông Phương Sóc bèn xin đem rượu tưới lên mình nó, tưới được vài chục đấu liền tiêu tan mất. Nhà vua hỏi nguyên nhân, Đông Phương Sóc tâu rằng: “Con vật này do khí ưu uất sinh ra. Ở đấy, ngày trước chắc là ngục thất của nhà Tần. Nếu không, chắc là chỗ tội nhân bị lưu đày tụ họp lại. Than ôi! Rượu là để giải sầu, nên có thể làm cho khí ưu uất ấy tiêu tan được”. Nhà vua phán rằng: “Ôi! Đúng là nhà bác học!”.

5. Trên địa bàn hai huyện Hoán và Thông Dương ở Lô Giang: có hai loại “xanh nhỏ” và “xanh lớn” sắc đen, sống trong vùng núi non. Thường nghe có tiếng khóc nhiều đến mấy chục người nam nữ, lớn bé, như mới phát tang. Người quanh vùng đều kinh hoàng, đi qua đó phải bỏ chạy, nhưng chẳng hề thấy ai cả. Chỗ nào có tiếng khóc ấy, chắc chắn sẽ có đám ma. Nếu tiếng khóc nhiều thì nhà lớn chết, tiếng khóc ít thì nhà nhỏ chết. (2 chuyện trên đây rút ra từ Sưu Thần Truyện Ký).

6. Sách Tây Quốc Hành của Vương Huyền Sách nói rằng: “Về phía Tây Nam nước Thổ Phồn có suối phun nước nóng. Từ mặt đất như bắn lên, cao năm, sáu thước, rất nóng, luộc thịt chín liền. Hơi nóng bốc lên trời như sương mù. Một bô lão người Thổ Phồn nói rằng, mười năm trước, nước bắn lên cao hơn mười trượng rồi mới tung tóe chung quanh. Có một người cưỡi ngựa rượt bắn nai, sa chân rơi thẳng xuống suối. Từ đó đến nay, nước không còn bắn vọt lên cao nữa. Trong suối thường thấy xương người văng lên. Nếu lấy nỉ dày trải lên mặt suối, giây lát sẽ bị rã nát. Có người bảo đó là Vạc nước sôi. Về phía Tây Bắc của suối này khoảng sáu mươi, bảy mươi dặm, lại có một suối khác, sức nóng cũng tương đương với suối này. Nước thường bắn vọt mạnh lên, có tiếng ầm ầm như sấm nổ. Các suối nước ấm nho nhỏ, thỉnh thoảng cũng có. Nay nhiều chỗ ở Trung Quốc này cũng có suối nước ấm, chỉ riêng suối này là Vạc nước sôi. Bởi thế, đức Thế-tôn có nói trong phần hạ văn của Luật Tứ Phần rằng, về phía Bắc thành Vương Xá có nước nóng từ địa ngục phun lên. Khi mới phun thì rất nóng. Về sau, chảy đến chỗ xa liền hơn nguội, do bị các dòng nước khác hòa chung vào, nên mới nguội đi. (Chuyện trên đây rút từ Tây Quốc Truyện).

7. Liễu Trí Cảm là người Hà Đông vào đời nhà Đường: Đầu niên hiệu Trinh Quan, làm tri huyện Trường Cử. Một đêm, đột ngột chết mất. Sáng hôm sau sống lại, kể rằng, lúc đầu bị quan quân cõi âm bắt đem tới vua Diêm La. Sứ giả đưa vào tham kiến xong, nhà vua bảo Trí Cảm: “Nay thiếu một chức quan, làm phiền ông giúp cho”. Trí Cảm từ chối vì còn cha mẹ già và còn phước đức được sống thêm, chưa đến số chết. Nhà vua sai xem lại sổ sách thấy đúng như thế, liền bảo rằng: “Số ông chưa đáng chết. Cứ tạm thời làm phán quan”. Trí Cảm bằng lòng, liền tạ ơn. Tạ ơn xong, đề lại dẫn xuống phòng làm việc. Có năm vị phán quan ngồi kề nhau và Cảm là người thứ sáu. Trưởng quan ngồi giữa sảnh đường. Cả ba gian đều bày giường sập. Công việc rất bề bộn. Đầu phía Tây không có phán quan, đề lại dẫn Cảm đến ngồi vào chỗ ấy. Bọn đề lại mang sổ sách giấy tờ đến giao cho xem xét, đặt lên bàn xong, bèn xuống đứng chờ dưới thềm. Trí Cảm hỏi ham tình hình, trả lời rằng: “Thói ác lấn lướt công lý!”. Rồi cũng chỉ đề cập quanh co đến những chuyện có liên quan với công vụ. Trí Cảm đọc qua văn thứ, đại khái cũng giống như việc trên nhân gian, bèn cầm bút phê vào. Một lát, cơm nước được mang đến, các phán quan đều ngồi vào ăn, Trí Cảm cũng ngồi vào bàn. Các phán quan bảo rằng: “Ông là phán quan tạm thời, không nên ăn những thức ăn này”. Cảm nghe lời không dám ăn. Chiều tối, đề lại đến đưa Trí Cảm về nhà. Tỉnh ra thì trời vừa sáng. Từ khi về nhà đến chiều tối, đề lại đến đón đi, đến đó thì trời vừa sáng, mới biết ngày đêm ở hai cõi âm dương trái ngược nhau. Từ đây, đêm phán xét công việc ở cõi âm, ngày làm công việc của huyện, đều đặn như thế. Hơn một năm làm việc ở âm phủ, bữa nọ, nhân vào nhà xí, gặp một người đàn bà khoảng ba mươi tuổi tại phía Tây phòng. Dung nhan đoan chính, áo quần đẹp đẽ, đang đứng lau nước mắt. Trí Cảm hỏi là ai. Đáp rằng: “Tôi là vợ của tham quân coi kho lương ở Hưng Châu, bị bắt đến đây. Vừa mới xa cách chồng con, nên sinh đau buồn”. Trí Cảm đem chuyện hỏi đề lại. Đề lại trả lời: “Quan bắt đến là vì có chuyện muốn xét hỏi. Cốt để đối chứng với công việc của chồng mà thôi”. Nhân đó, Trí Cảm nói với người đàn bà ấy rằng: “Cảm tôi là tri huyện ở Trường Cử, nếu bị xét hỏi xin phu nhân hãy khai báo tự nhiên, đừng để liên lụy, chết chung với quan coi kho thì thật là vô ích”. Người đàn bà ấy nói: “Thật tình tôi cũng không muốn chết, chỉ sợ quan trên ép bức mà thôi”. Cảm nói: “Xin phu nhân đừng để vạ lây. Cũng đừng lo sợ bị bức ép”. Người đàn bà ấy hứa sẽ xin nghe lời. Trí Cảm về lại huyện, liền hỏi: “Vợ quan coi lương có bị bệnh gì không?”. Viên coi lương trả lời: “Vợ tôi còn nhỏ tuổi, chẳng có bệnh gì cả”. Trí Cảm đem chuyện gặp mặt kể cho viên coi lương nghe, tả rõ hình dáng, y phục và khuyên nên làm phúc. Viên coi lương chạy về nhà, thấy vợ đang ngồi bên khung cửi dệt vải, chẳng có bệnh gì, nên cũng không tin vào lời của Cảm nhiều. 10 ngày sau, vợ của viên coi lương bị bệnh chết đột ngột. Bấy giờ, viên coi lương mới sợ hãi, bèn làm phước và cúng vái cho vợ. Lại nữa, có hai vị quan ở Hưng Châu trúng kỳ khảo hạch, được chọn về kinh, bảo Trí Cảm rằng: “Ngài làm phán quan ở âm tuy, xin hỏi giùm bọn tôi được chọn về kinh làm chức gì”. Trí Cảm xuống dưới, đưa tên họ ấy hỏi viên lục sự. Lục sự bảo: “Sổ bộ đều niêm phong và để trong hòm đá. Muốn xem xét, phải mất hai ngày nữa, mới báo cáo lại được”. Sau đó, lục sự báo cáo cho Trí Cảm biết rõ chức danh vừa được bổ trong năm nay. Trí Cảm thông báo cho hai người ấy. Hai người lên kinh, được tuyển vào bộ lại. So với dự báo của Cảm đều không giống, các quan ở châu huyện được tin, báo lại cho Cảm hay. Sau đó, Cảm hỏi lại viên lục sự. Lục sự bảo: “Đã kiểm tra lại. Đều đúng không sai”. Sau khi hai người ấy được tuyển mộ vào bộ lại, nhân viên thẩm tra lại, cho ra khỏi bộ lại, nhận chức mới đúng như đã ghi chép ở sổ bộ dưới âm ty. Từ đó, mọi người đều rất tin tưởng. Trong sổ bộ ở âm ty, mỗi lần Trí Cảm thấy bà con quen biết của mình có chức phận hay ngày tháng chết đi, liền báo cho hay để làm phúc. Nhờ thế, phần nhiều được qua khỏi. Trí Cảm tạm làm phán quan ba năm, đề lại lên cho hay rằng: “Đã có quan tư hộ họ Lý ở Long Châu chính thức thay thế ông rồi, không cần phải xuống làm phán quan nữa”. Trí Cảm lên châu, báo cáo với thứ sử họ Lý. Thứ sử Lý Long Phụng sai người sang Long Châu thẩm tra, thì viên tư hộ họ Lý đã mất. Hỏi ngày tháng, đúng là ngày đề lại mang tin đến cho hay. Từ đó bèn cắt đứt mọi chuyện dưới âm ty. Quan châu sai Trí Cảm giải tù lên kinh, đến địa phận Phụng Châu, bốn tên tù đều bỏ trốn. Trí Cảm lo sợ vì bắt lại chưa được. Đang đêm nằm nghỉ ở nhà trạm, bỗng thấy đề lại cũ đến bảo rằng: “Tù đều bắt được cả rồi. Một tên chết, ba tên còn sống, đang ở trong hang phía Tây núi Nam Sơn, cả ba đều bị trói lại. Xin ông đừng lo!”. Nói xong từ biệt ra đi. Trí Cảm liền xin dân binh đem vào hang phía Tây núi Nam Sơn, quả nhiên gặp bốn tên tù nhân. Bọn tù biết không thể chạy thoát, xông ra chống cự. Trí Cảm tiến lên đánh, giết một tên, ba tên còn lại đều đưa tay chịu trói, đúng như lời đã báo.

Hiện tại, Trí Cảm đang làm quan tư pháp tại Từ Châu ở phương Nam. Quan lộc khanh Liễu Hanh đem kể cho nghe chuyện này. Khi Hanh làm thứ sử Ngang Châu, có gặp Trí Cảm và đã đích thân hỏi rõ đầu đuôi. Tuy nhiên, ngự sử Bùi Đồng Tiết cũng nói rằng có gặp mấy người đều kể cho nghe như thế cả. (Chuyện trên đây rút ra từ Minh Báo Ký).