PHÁP TU THAM THIỀN VÀ THÂM NGHĨA CỦA SỰ BỐ THÍ

Sa môn Thích Hải Quang

 

Thơ trả lời chung cho những đạo hữu ở Florida, New York, Ohio, và vài đạo hữu tại California.

Pháp (tu) “tham thiền” thật ra chẳng phải là cơ duyên giải thoát của tất cả chúng sanh trong thời buổi mạt pháp nầy. Bởi vì người đời nay căn cơ hầu hết đều ở vào trong hàng Trung, Hạ (trung căn và hạ căn) mà pháp môn tu Thiền thì lại chỉ thích hợp cho các hành giả có căn cơ bậc Thượng (mới có thể) liễu ngộ được mà thôi.

 thế cho nên hầu hết những người tu theo pháp môn Thiền đời nay dù cho có học “thiền lý” nhiều đến thế mấy đi nữa, bất quá cũng chỉ thành đạt được sự hiểu biết trên văn tự, ngữ ngôn nơi đầu môi, chót lưỡi thôi, chớ quyết định không thể nào tỏ suốt tâm tánh như các bậc Bồ tát, tổ sư, tiên hiền, cổ đức ở vào thời kỳ chánh pháp và tượng pháp như khi xưa được.

Tại sao thế ?

Bởi vì:

1. Thiếu bậc “Chơn thật thiện tri thức” hành Thiền dắt dìu chỉ dạy.

2. Ða số người tu học và hành Thiền thời nay thì lại chẳng biết rõ thế nào là chơn chánh tu thiền, nên phần đông tuy mang tiếng “tu thiền” song thật ra thì chỉ gọi là: Ngộ Nhận Thiền (thì đúng hơn) mà thôi.

Vì sao mà tôi lại dám quả quyết như vậy?

Bởi ở trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A Nan có thưa lên cùng với Phật rằng:

Bạch đức Thế Tôn, tôi tuy là đặng cái thiện căn “Ða văn” và được tiếng là người xuất gia, xong xét lại thì thấy: Khi được Phật khai ngộ cho thì Tâm của tôi in tuồng như là được giải thoát, mà đến khi bị nhập vào trong trần lao lại rồi thì thật vẫn còn bị trói buộc y như cũ.

Chính trong lúc nói thì tợ như tỏ ngộ, còn đối cảnh thì lại trở thành mê, thoạt lạnh, thoạt nóng, tựa như người bị bịnh sốt rét thâm niên cách nhựt. Âu cũng là do nơi cái nghiệp nhơn “Câu sanh vô minh” mà phải chịu khổ như vậy.

Như Ngài A Nan là một bậc thánh nhơn đã chứng được sơ quả Tu đà hoàn rồi, lại còn được hầu cận ở bên Phật nữa, đầy đủ sức đa văn, vv… mà còn than thở như thế, hà huống chi chúng ta là những hàng “bạt địa phàm phu” tu hành trong thời kỳ mạt pháp (thiếu minh sư, thiện hữu dắt dìu) nầy hay sao ?!

Suốt 20 năm hơn ở trong đường đạo, tôi đã từng gặp nhiều vị tu thiền, song sau khi nhận xét kỹ lưỡng qua “đạo phong” (phong cách trong đạo) và các sự “hành thiền” của họ vv… tôi có thể kết luận một cách chắc chắn rằng:

Hầu hết các vị ấy (nói riêng)  (chung) cho các hành giả tu thiền đời nay là do nhờ vào nơi thiện căn tu thiền trong kiếp trước còn sót lại, nên kiếp nầy cũng được đôi chút thông minh. Nhờ thế cho nên mỗi khi đọc đến các quyển sách, luận, nói về tông Thiền (và Thiền lý) thấy có ý vị hay hay, thích hợp với tâm tư và sự hiểu biết của mình thì liền tự xưng mình là người “Thiền khách” (người chuyên tu Thiền), khởi sanh ra ý niệm muốn làm một bậc “cao nhơn.”

Từ đó trở đi, ngoài miệng họ thì nói ròng rặc lý Không của Thiền, nhưng mà mọi hành vi của họ hầu hết đều nằm trong chỗ Có, càng ngày càng lầm chuốc lấy lỗi “Tự tôn, tự đại” (một cách) vô cùng tai hại !

Các hạng người ấy không biết thế nào là Thiền, thế nào là Tịnh cả, cho nên cứ mãi tăng thêm các sự ngã mạn, sai lầm riết rồi đưa đến các việc không tốt trong đường tu hành như là bài báng Phật pháp, bất tín nhơn quả vv…

Những kẻ có kiến giải sai lầm như thế, đạo hữu chớ nên bắt chước theo mà làm chi, vì nếu bắt chước theo đó thì cái mục đích giải thoát sanh tử của mình (đã) đề ra e cho trải qua kiếp số nhiều như bụi nhỏ (vi trần) cũng khó mà đạt thành cho được.

Khi xưa, …

– Lúc tổ Bá Trượng (tức là Ngài Hoài Hải Thiền sư, một bậc tu thiền đã được ngộ đạo), thăng tòa thuyết pháp. Sau khi thời pháp xong rồi thính chúng đều giải tán hết chỉ còn sót lại có mỗi một ông già tóc râu bạc trắng là còn đứng lại một mình mà thôi (chớ không chịu đi).

Tổ Bá Trượng thấy vậy mới hỏi nguyên do, thì lão ông nầy thưa rằng:

– Bạch tổ sư, khi xưa tôi nguyên là một sa môn (thầy tăng) tu hành ở tại núi nầy, lúc đó tôi thăng tòa thuyết pháp, có một người thơ sinh học Phật hỏi tôi rằng:

– Người tu pháp Ðại thừa có còn bị lạc nhân quả hay không ‌? (tức là hỏi: Người tu đại thừa có tin vào nhân quả hay không?)

Tôi trả lời rằng:

– Bất lạc nhơn quả. (Tức ý là trả lời rằng: – Người tu pháp Ðại thừa không để lạc mất nhân quả.)

Bởi vì tôi trả lời không rõ ràng như vậy nên người nghe pháp kia hiểu lầm rằng: Không có nhân quả.

Vì làm pháp sư đại thừa mà giảng kinh pháp không rõ ràng để cho người nghe hiểu lầm như thế, nên sau khi chết tôi không được siêu mà phải bị đọa làm con hồ ly (chồn tinh) ở tại núi nầy đến nay đã 500 kiếp rồi.

Nay xin Ngài từ bi vì tôi mà nói đổi lại cho một lời (sai lầm kia cho rõ nghĩa lại), cứu tôi thoát khỏi kiếp súc sanh khổ lụy nầy.

Tổ Bá Trượng mới dạy rằng:

– Vậy thì bây giờ ông lấy lời (của người) học trò kia mà hỏi lại Ta đi.

Ông già mới quỳ xuống (như người học trò học pháp khi xưa hỏi vậy) chắp tay thỉnh hỏi rằng:

– Bạch Ngài, Người tu pháp Ðại thừa có còn bị lạc nhân quả hay không ?

Tổ sư đáp:

– Bất muội nhân quả.

– (Tức ý là trả lời rằng: – Người tu pháp Ðại thừa không bao giờ nghi ngờ vào nơi lý nhân quả hết (nghĩa là người tu Ðại thừa vẫn biết lý nhân quả (nó vốn có) một cách rõ ràng không hề sai lạc.)

Tổ vừa dứt lời xong thì ông già kia liền sực tỉnh, cung kính lạy tạ mà thưa rằng:

– Tôi bị đọa làm kiếp chồn (tinh) đã hơn 500 đời rồi, ngày nay do nhờ nơi một câu nói của Ngài mà được thoát kiếp. Nay tôi sẽ bỏ thân chồn nầy tại nơi hang (của tôi) ở dưới chân núi phía sau chùa, xin Hòa Thượng chôn cất dùm.

Hôm sau tổ Bá Trượng sai đánh chuông cho nhóm họp chúng tăng lại để đi đưa đám cho một “ông đạo” mới qua đời… làm chư tăng trong chùa ai nấy cũng đều ngạc nhiên cả bởi vì đâu thấy trong chùa có “ông đạo” nào bị bịnh nặng, hay là mới chết đâu…

Tổ mới dẫn đại chúng ra nơi hang núi ở phía sau chùa, lấy gậy sắt khều trong hang, hồi lâu kéo ra được một cái thây chồn lông trắng tinh vừa mới chết, truyền cho chúng tăng tụng kinh cầu siêu một hồi rồi nổi lửa thiêu đốt thân chồn, lấy tro mà đem chôn…

Ðó, chúng ta thấy rằng:

Một lời nói sai lầm không đúng pháp.
Một lời dạy mù mờ không rõ nghĩa…

mà còn bị đọa lạc như thế, huống (hồ) chi là đem pháp môn tu không hợp với thời tiết và căn cơ ra dẫn dắt hàng Phật tử tu học khiến cho đường tu và sự giải thoát của họ phải bị tổn thất và chậm trễ hay sao?

Vả chăng ở trong đường đạo có hai điều quan trọng sau đây cần phải nên biết, đó là:

1. Người tu học Phật pháp phải biết rõ căn cơ của mình và thời buổi nầy là thời buổi nào.

2. Còn các bậc xuất gia, đứng ra đảm nhận việc hoằng dương đạo pháp cũng phải như thế nữa, nghĩa là trước hết phải quán xét cho kỹ lại cái căn cơ và thực tài của mình cái đã, rồi sau đó mới y theo lời dạy của Phật, uyển chuyển dùng pháp tu thích hợp mà chỉ dẫn và dắt dìu cho hàng Phật tử tu học:

Chẳng hạn như thấy người học Phật có căn cơ tu theo pháp môn nào thì dạy tu theo pháp môn đó, đáng tu Thiền thì dạy tu Thiền, đáng tu Tịnh thì chỉ dẫn tu Tịnh, chớ không phải là dạy tu theo thời trang (thịnh hành để cầu danh lợi) mà không tròn bổn phận, trước là (mình) có lỗi với Phật, Bồ tát, tổ sư và sau nữa là tội nghiệp cho người Phật tử học đạo có tâm chơn thành cầu mong giải thoát.

Người tu Thiền đời nay đa phần đều y theo lời dạy của đức lục tổ Huệ Năng được ghi chép lại trong quyển kinh Pháp Bảo Ðàn, rồi căn cứ vào đó mà luận bàn, tu học… Số người tu theo thì rất đông nhiều, nhưng chứng đắc thì không một ai chứng đắc được cả.

Vì sao mà tôi lại dám quả quyết như vậy?

Ấy là tôi căn cứ vào nơi lời kinh Pháp Bảo Ðàn, có dạy rằng:

– Chí Thành Thiền sư (là đệ tử của Ngài Thần Tú) đến cầu pháp nơi Ngài Huệ Năng… Sau khi hỏi về cách dạy đạo của Ngài Thần Tú và khai thị thức tỉnh cho Chí Thành Thiền sư xong rồi, đức lục tổ có nói với Chí Thành Thiền sư rằng:

– Pháp môn Thiền của thầy ngươi (là ngài Thần Tú) dạy là để độ cho các hàng “Thượng Thượng Căn,” còn pháp môn Thiền của ta dạy là để độ cho các hàng “Tối Thượng Thượng Căn”…

Và như vậy, nếu lấy câu nói trên (mà luận rộng ra) thì pháp môn tu Thiền dạy trong kinh Pháp Bảo Ðàn ấy là chỉ dùng để độ cho các hành giả có căn cơ vào bực “Tối Thượng Thượng Căn” mà thôi.

Mà những ai là (các) bậc có căn cơ tối thượng thượng ấy?

Chính là các bậc Bồ tát, đại sĩ pháp thân và các bậc A La Hán ứng thân vậy.

Nay đạo hữu và các hành giả tu Thiền (đời nầy) cứ nên bình tâm mà suy nghĩ lại đi. Nghĩ như thế nào? – Chính là nên xem xét lại (cái) căn cơ của mình đó vậy.

Trong thời buổi mạt pháp nầy, chúng ta nên:

– Một phần căn cứ vào nơi “Thánh ngôn lượng” của tổ sư dạy, cùng “Hiện chứng lượng” để chứng minh, rồi dùng cái “Lý trí lượng” của mình mà nhận xét cho cùng cực, ắt sẽ thấy rằng:

  1. Bậc Trung căn mà còn không có, huống chi là các bậc Thượng căn.
  2. Bậc Thượng căn mà còn không có, huống chi là các bậc Thượng Thượng căn.
  3. Bậc Thượng Thượng căn mà còn không có, huống chi là các bậc Tối Thượng Thượng căn, ư ??? ‌‌‌

Chẳng lẽ nào:

– Các Phật tử nam, nữ, phụ, lão, ấu… học Thiền, tu Thiền trong thời buổi nầy thảy đều là các bậc Tối Thượng Thượng căn cả hay sao‌?

Tôi xin kể cho đạo hữu nghe một câu chuyện như sau:

– Có một nam Phật tử – cũng tương đối cao tuổi – lên miền cao nguyên thăm viếng một vị danh đức cao tăng (ẩn tu) để hỏi đạo, cầu pháp và xin giải tỏa cho một số vấn đề nghi hoặc trong đường tu của cá nhân mình.

Rằng:

– Bạch Hòa Thượng, trước kia thầy (bổn sư) của con dạy con tu Thiền và tụng kinh Kim Cang Bát Nhã. Con cũng y theo đó mà tu tập, hành trì hơn 10 năm nay rồi, nhưng con không hiểu tại sao mà Tâm của con chẳng những không được Ðịnh theo như lý thuyết đã dạy, mà trái lại càng ngày Nó (Tâm) càng thêm rối loạn, riết rồi đầu óc con bị mông lung, nhiều khi có cảm tưởng như là bị khùng sắp tới vậy…

Không hiểu đó là tại sao?

– Do nơi tu tập không đúng cách.

Hay là:

– pháp môn mà con đang tu đó bị sai lầm chăng?

Xin Hòa Thượng từ bi chỉ dạy.

Hòa Thượng hỏi:

Sao đạo hữu không đem việc nầy đến hỏi ở nơi thầy bổn sư để nhờ Ngài chỉ dạy thêm cho, mà lại đến hỏi tôi như vậy?

Ðáp:

Ðã có hỏi nhiều lần rồi, nhưng lần nào thầy cũng nói là ráng tu thêm một thời gian nữa đi, thủng thẳng rồi sẽ bớt. Tóm lại là thầy con chỉ dạy có bao nhiêu đó mà thôi, chớ không có giải thích gì hơn, khác cho con hiểu được cả…

Nghe vậy xong rồi, Hòa Thượng (không đáp thẳng vào trong câu hỏi) nhưng Ngài hỏi ngược lại (mới nghe qua thì cũng giống như là ăn trớt, ngoài đề tài vậy) rằng:

Ðạo hữu có gia đình đầy đủ chăng?

Ðáp: Dạ có.

Hỏi: Như thế nào?

Ðáp: Vợ con cũng trạc bằng tuổi của con. Con có hai trai, ba gái. Thảy đều có gia đình, nên con có cháu nội, cháu ngoại đầy đủ cả.

Hỏi: Phương tiện sinh sống của gia đình đạo hữu ra sao?

Ðáp: Bạch, con có một cửa tiệm bán đồ bazaar (tạp hóa) gần chợ Sài gòn.

Hỏi: Ðủ sống không?

Ðáp: Bạch, đủ sống qua ngày ‌

Hỏi: Mướn người giúp việc buôn bán hay là tự mình đảm đương?

Ðáp: Dạ, vợ chồng con tự đảm trách lấy.

Hỏi: Chắc là bận rộn lắm thì phải‌?

Ðáp: Bạch, bận rộn rất nhiều bởi vì phần thì lo bổ hàng hóa, phần thì lo sổ sách, tính toán, phần thì lo cho cháu nội, cháu ngoại nên nhiều khi không có đủ thời giờ để tu.

Bấy giờ Hòa Thượng mới dạy rằng:

Ðạo hữu đã có gia đình, vợ con, cháu chít và bận rộn sinh kế… nhiều thứ chuyện như vậy. Tóm lại là trong đời sống của đạo hữu, từ việc nhỏ cho đến việc lớn thì cái gì nó cũng Có cả.

Vậy mà pháp tu Thiền của đạo hữu đang tu đó thì chuyên ròng dạy về (phép) Không, cả kinh Kim Cang Bát Nhã mà đạo hữu đang tụng niệm đó cũng dạy về lý Không nữa.

Như vậy thì giữa đạo hữu và cái pháp tu của đạo hữu đang hành trì nó có các điều tương phản như sau:

  1. Ðời sống bên ngoài và tâm tưởng bên trong của đạo hữu thì cái gì nó cũng Có hết thảy.
  2. Còn pháp tu hành của đạo hữu và kinh tụng kia thì dạy tất cả (mọi thứ trên đời nầy) đều là Không hết thảy.

Hai cái:

– Một Có (hết thảy) của đạo hữu.

– Một Không (hết thảy) của pháp tu.

nó đối chọi chan chát với nhau như vậy, giống như trống thì đánh xuôi, kèn thì thổi ngược. Thế cho nên đạo hữu không bị Loạn Tâm sao được, chưa khùng điên, mất trí thì cũng còn gọi là may mắn lắm rồi…

Nghe Hòa Thượng giải thích xong như thế rồi, thì Phật tử nầy làm thinh suy nghĩ và ngơ ngẩn hồi lâu, nghẹn ngào không thốt ra lời. Một lúc sau, thưa rằng:

Kính bạch Hòa Thượng, con tu Thiền mười mấy năm nay, vậy mà Mê vẫn hoàn Mê. Nay nghe Hòa Thượng dạy một câu mà con chợt tỉnh.

Hòa Thượng đáp:

Bởi vì đạo hữu thì cái gì cũng Có hết, chớ chẳng phải là Không. Vậy thôi bây giờ đừng tu theo Không và đừng tụng kinh Không nữa.

Tu theo Có và tụng kinh Có đi.

Hỏi: Sao gọi là tu Có và tụng kinh Có‌? pháp tu ấy ra sao và kinh tụng ấy tên gì‌?

Hòa Thượng cười đáp:

pháp tu Có ấy là pháp tu Tịnh độ, còn kinh Có ấy chính là kinh A Di Ðà đó…

Hỏi: Ủa, té ra pháp môn Tịnh độ là pháp môn Có, còn kinh Có là kinh A Di Ðà. Nhưng vì sao mà lại gọi là Có?

Ðáp: Vì pháp môn Tịnh độ và kinh A Di Ðà ấy dạy:

  • Có cõi Cực Lạc.
  • Có Phật A Di Ðà.
  • Có Bồ tát Quán Âm.
  • Có Bồ tát Thế Chí.
  • Có Thanh tịnh Ðại hải Chúng Bồ tát.
  • Có chín phẩm sen.
  • Có sự tiếp dẫn vãng sanh.
  • Có sự vô khứ, vô lai, vô sanh, vô tử.
  • Có quả vị Vô thượng Bồ đề.
  • vân vân…và còn dạy thêm nhiều cái Có khác nữa.

Hòa Thượng dạy tiếp rằng:

– Nay nhơn nơi đạo hữu đã hỏi, thì tôi trước hết riêng vì đạo hữu và sau nữa là chung cho các Phật tử tu học đời nay mà có đôi lời tâm huyết rằng:

– Bởi vì trong cuộc sống hàng ngày của ta.

– Trong tâm tưởng của ta… tất cả các duyên đời từ hữu tướng cho đến vô tướng thảy đều Có đủ hết chớ chẳng phải là Không, cho nên nếu như:

– Nói Không, tu Không, làm Không, nghĩ Không, Không Phật, Pháp, tăng, không thiên đường, Không quả báo… thì chẳng bao giờ được cả.

 thế cho nên chư Phật mới dùng đủ mọi phương tiện thiện xảo, tùy theo căn tánh Thượng, Trung, Hạ của vô lượng chúng sanh mà mở ra vô lượng pháp môn tu tập sai khác, mục đích cũng để vì cho chúng sanh lìa được các Khổ sanh tử nơi ba cõi, sáu đường… bước lên bờ giác mà thôi.

Còn đức A Di Ðà Thế Tôn nương nơi nguyện lực, mở ra con đường Tịnh độ, không riêng gì đức Phật Thích Ca tán thán, khuyên nhắc chúng ta tu hành và cầu sanh Cực Lạc Tịnh độ không thôi đâu, mà tất cả chư Phật khác ở 10 phương thảy đều đồng lời khuyến dạy như vậy.

Về được nơi cõi Cực Lạc ấy rồi, chừng đó mới chứng được cái Không sanh, Không tử, không luân hồi, vv… nữa.

pháp môn tu tập tuy rằng nhiều đến số vô lượng, nhưng gom lại mà nói thì chỉ gồm vào trong hai Môn (cửa) chánh mà thôi.

Ðó là:

  1. Hữu môn tu (như niệm Phật, tụng kinh, lễ bái, sám hối, vv…)
  2. Không môn tu (như môn Trực chỉ thiền)

a) Sao gọi là Hữu môn tu?

Ðó là pháp môn còn dựa vào nơi sự tướng mà hành trì. Tại sao vậy?

– Bởi vì chúng sanh chúng ta còn bị lệ thuộc vào nơi hữu vi cùng sáu căn là Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý và sáu Trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, chẳng thể nào mà Không được ở nơi các trần, cảnh chung quanh hết.

– Bởi vì còn có các sự “chấp Tướng” như thế nên trên đường tu phải do nơi cửa “Hữu môn” mới vào trong “giải thoát lộ” được.

b) Sao gọi là Không môn tu?

Ðó là pháp môn rời lìa Tướng mà tu.

Rời lìa Tướng gì ‌ – Chính là chế phục được sáu Căn: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý và Không còn bị sáu Trần là Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Phápsai sử nữa.

Ai là những hạng bậc như thế?

Chính là các bậc thánh nhơn đắc được quả vị Vô học từ A La Hán trở lên cho đến các bậc Bồ tát đại sĩ pháp thân vậy.

Và như thế,

Nếu như lấy các điều trên mà bàn cho rộng ra, rồi kết luận lại thì ta có thể quyết định được như sau:

Căn tánh của chúng sanh thời nay (chắc chắn là) không thể nào tu theo cửa Không môn (tức lá tu Thiền) cho được.

Mà:

Phải do nơi cửa Hữu môn (tức là tu theo Tịnh độ) mới thành tựu được việc vãng sanh (Cực Lạc) và giải thoát khỏi vòng sanh tử mà thôi.

Còn nếu như đạo hữu muốn biết rõ thêm về pháp môn Tịnh độ thì nên tìm đọc các quyển sách nói về Tịnh độ, đại lược như:

– A Di Ðà kinh yếu giải.

– A Di Ðà sớ sao.

– Tịnh độ thánh hiền lục. (Ðược dịch ra dưới tên là Ðường về Cực Lạc, Mấy Ðiệu Sen Thanh.) vv…

Và gần đây là quyển “Tây Phương Nhật Khóa” do Hòa Thượng Thích Thiền Tâm biên soạn và tôi phụ lời chú giải mà chùa Pháp Hoa (bổn tự) đã cho ấn tống, lưu hành…

Kẻ ngu, ngàn việc cũng còn dùng được một đôi điều, thì những lời tâm não của tôi đây rất mong không làm lờn được mắt xanh của người thức giả.

Còn như, nếu nói theo ý của Ấn Quang tổ sư thì:

Tuy là cơm hẩm, canh rau nhưng nếu chịu khó dùng đến ắt cũng có thể qua đỡ được lúc đói lòng. Sau đó rồi thủng thỉnh sẽ dùng đến các món ăn cao lương, tự tánh.

Phải nên quán xét lại căn cơ của mình rồi theo cửa Hữu Môn của Tịnh độ mà tu, mà phát lòng Tín, Nguyện cầu được sanh về Cực Lạc…

Ðến cõi ấy rồi sẽ gặp đức A Di Ðà Thế Tôn, đức Quán Thế Âm Bồ tát, đức Ðại Thế Chí Bồ tát và các chư Bồ tát đại thượng thiện nhơn trong “hải chúng hội” đích thân chỉ dẫn, dắt dìu thêm… thì chừng đó:

Lo gì mà không nếm được các món ăn mỹ vị, cao lương như: Tự tánh, Vô sanh, Không, Vô tướng, Vô nguyện… vậy.

Chúc quý đạo hữu bảo trọng và luôn bền tâm, chặt dạ tu hành.

Trân trọng.