Pháp Môn Tịnh Độ Tu Như Thế Nào và Phải Hành Trì Ra Sao?

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính gởi đạo hữu Trí Việt,

(Pháp môn Tịnh Độ tu như thế nào và phải hành trì ra sao?)

        Trong Phật giáo có vô lượng Pháp môn tu, trong đó đã bao gồm hết pháp tu của thế gian (tu tạo phước để trở lại làm người hoặc sanh lên trời để hưởng phước), còn hoàn thiện hơn so với các học thuyết của các tôn giáo thế gian khác.

Chúng sinh một ngày chưa thoát khỏi vòng sinh tử, thì phải chịu khổ luân hồi mãi trong lục đạo, từ Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sanh. Ngoài ba cõi thiện là Trời, Người và A Tu La ra thì ba đường ác kia chúng sinh trong đó phải chịu biết bao thống khổ.

Trong Kinh đức Phật dạy rằng: Người được làm người chỉ đếm được bằng đầu ngón tay. Còn chúng sinh bị đọa vào đường ác thì như số đất trong đại địa. Thử nghĩ xem, trong đó có chúng ta không? Chắc chắn là không rồi. Hãy xem chúng ta sống ở đời thường làm những việc gì? Tạo bao nhiêu là oan nghiệt. Hãy tự chính chúng ta làm quan tòa tự xét cho mình thì hay nhất, vì chỉ có chính mình mới biết rõ ràng mình đã làm gì, đã tạo nghiệp nhân gì.

Trong Kinh, đức Phật kể lại vô số lượng kiếp của Ngài cũng như bao chúng sanh khác, có lúc tạo phước biết tu, rồi si mê tạo ra ác nghiệp. Từng làm thân rồng, Nai, Voi, Ngựa, Cá, Rùa, làm Đế Thích (Thượng Đế) làm vua chuyển luân thánh vương, làm vua của nước lớn, nước nhỏ, làm người giàu sang, nghèo cùng khốn khổ, làm người trí thông minh, làm người không trí. Chúng ta hãy đọc qua những bộ Kinh này để ngẫm nghĩ xem. Cái đau khổ của sinh tử thật đáng sợ nhất.

Bồ tát, Phật thương chúng sinh như con muốn cứu độ chúng sinh, thần lực của Phật thật rộng lớn, nhưng nghiệp của chúng sinh cũng không phải là nhỏ. Nếu như chúng sanh chẳng nghe lời để đi theo lộ đường của Ngài dạy thì Phật, Bồ tát cũng không thể nào cứu giúp được. Vì Phật chỉ là một đạo sư đầy đủ trí huệ đưa tất cả chúng sinh thoát cảnh luân hồi sinh tử, nếu như chúng sinh đó nghe theo và thực hành theo phương pháp của Phật, Bồ Tát đã làm và hiện đang làm.

Nghiệp của chúng sinh vì khi tạo nhân không đồng, nên quả chiêu cảm cũng chẳng giống nhau, mỗi mỗi đều sai khác. Giống như người thích ăn, chua, ngọt, cay, mặn, nồng, vân.vân…

Do đó, mà Phật đã phương tiện giảng giải mọi pháp môn theo mỗi trình độ căn cơ của từng mỗi chúng sinh. Giúp chúng sinh gặt hái quả lành. Người chỉ muốn hưởng phước Trời, Người thì Ngài dạy giữ ngũ giới tu thập thiện. Người thích giải thoát của quả vị Thanh Văn, Duyên Giác, thì Ngài dạy Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Người yêu thích quả vị của Bồ Tát thì ngài dạy Lục Độ. Mỗi mỗi đều theo ý thích của từng mỗi chúng sinh. Phật không bắt buộc chúng ta phải tin theo. Tất cả chỉ ở sự lựa chọn của mỗi chúng ta mà thôi.

Trong các Pháp, dù đó là thiện Phước của Nhân, Thiên, cho dù được phước làm thân Đế Thích cũng vẫn còn nằm trong vòng luân hồi đau khổ khi phước trời cạn kiệt. Do đó, chỉ có thoát ra ngoài vòng sinh tử thì mới thật sự là được giải thoát, mới là sự an lạc chân chánh mà thôi. Ngoài ra đều là không thật, vì tất cả đều do tương sinh nhiều nhân duyên mà thành rồi cũng theo nhân duyên đó mà hủy diệt. Như sương, như chớp có khác gì?

Tất cả Pháp môn tu lớn hiện tại, ngoài Pháp môn Tịnh Độ ra đều cần sự tự lực, nhọc lòng mới mong thành tựu được. Nhưng tiếc thay ở thời nay, tu các pháp môn đó không bảo đảm được sự giải thoát nào, không thể cắt được vòng sinh tử lẩn quẩn trong lục đạo. Vạn người có một người thì cũng đã quý lắm rồi. Xin nhấn mạnh ở đây là nói đến sự giải thoát, chớ không phải để hưởng phước nhân thiên. Cho dù có tu theo các pháp môn khác thì cũng bất quá chỉ là hưởng phước ở Trời, Người chưa thật sự thoát ra ngoài vòng sinh tử.

Nhưng hãy nhìn xem và đem so với Tam Tạng Kinh thì vạn người tìm sót mắt chỉ có một người là chân chánh theo lời Phật dạy, cũng chưa gọi là có. Căn tánh của chúng sinh mê muội khó vượt khỏi tam giới, cho nên đức Phật đã dạy Pháp môn tu thâu nhiếp hết các pháp môn. Chư tổ đã nói, một câu Phật hiệu thâu trọn hết mười hai bộ Kinh thì hoàn toàn không sai chút nào cả. Nếu chúng ta cố gắng tìm đọc những lời dạy của Phật trong đại Tạng Kinh. Kết cuộc, trong ngoài, rốt ráo, không rốt ráo, viên mãn hay không viên mãn giải thoát hay chưa giải thoát, là ngu si hay trí thông minh đều không thể ra ngoài câu Phật hiệu của đức Phật A Di Đà.

Nếu người đã được nhân duyên lớn được vãng sanh về thế giới của Ngài ở Phương Tây, thì tất cả đều là sự chấm dứt của sự sinh tử trong lục đạo luân hồi. Chỉ có tiến tới quả vị của Phật viên mãn mà thôi. Do đó, còn có pháp môn nào có thể hơn và trọn vẹn, dễ thật hành như pháp môn Niệm Phật nữa?

Tịnh Độ là đối ngược với Uế Độ. Nhưng ở đây chúng tôi không đi vào nội dung, chỉ nói theo khía cạnh của người tu cầu đới nghiệp vãng sanh. Tịnh là trong sạch không có bị động, không cấu nhiễm, sắc khởi của tham, sân, si, mà được đức Phật dạy về ba phước ở sau của hành giả muốn sang nước kia. Độ là vượt khỏi, vượt thoát nơi nào? Vượt thoát nơi ô nhiễm của vòng sinh tử, vượt ra gong cùm, chảo dầu sôi, cột đồng, tường sắt, xiềng xích ở địa ngục, vượt qua sự đau khổ của sự đói khát của ngại quỷ, vượt qua những sự đau khổ phải bị lóc da xẻ thịt, chiên nấu của kiếp súc sinh.

Nhưng chớ xem thường như bao người đã cho rằng, rất dễ sanh vào thế giới kia. Trong kinh đức Phật dạy rằng: “Người trì danh hiệu của đức Phật A Di Đà thì đều được mười Phương chư Phật đồng hộ niệm”.

Đức Phật biết rõ sẽ có người nghi ngờ không sanh chánh tín, cũng như đánh tan sự nghi ngờ ở trong tâm của Xá Lợi Phật nên kêu trưởng lão Xá Lợi Phật và hỏi và tự trả lời rằng:

        “Xá-Lợi-Phất! Nơi ý của ông nghĩ thế nào, vì sao tên là kinh: Nhứt-Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm?

        Xá-Lợi-Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này mà thọ trì đó, và nghe danh hiệu của đức Phật, thời những thiện nam tử cùng thiện nữ nhân ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác. “

Cho nên nói, mỗi mỗi chúng ta nếu chưa nghe được pháp môn thực hành theo chánh Pháp, niệm Phật cầu vãng sanh là tội nghiệp của người đó quá lớn, nên chưa có thể nghe tới, cũng như có củ thiện duyên để tín để thực hành, đó là phải tự trách ở bản thân của chính mình.

Theo lời dạy của đức Phật, thì có thể thẳng thắng mà nói rằng, người vãng sanh qua thế giới Cực Lạc ở Phương Tây của đức Phật A Di Đà rồi đều sẽ thành Phật cả. Do đó, còn có pháp môn tu nào có thể vượt trội hơn nữa? Trừ những ai không sợ sinh tử không muốn tìm đường giải thoát.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ đức Phật dạy về ba bậc được vãng sanh như sau:

        “Này A Nan ! Chư thiên, nhân dân ở mười phương thế giới chí tâm nguyện sanh về cõi ấy có ba hạng:

        Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục làm sa môn, phát tâm Bồ đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, làm các công đức, nguyện sanh về cõi đó. Những chúng sanh này khi mạng chung, đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện đến trước mặt, liền theo đức Phật sanh về cõi đó, tự nhiên hóa sanh trong hoa sen bảy báu, trí huệ dõng mãnh, thần thông tự tại.

        Này A Nan! Nếu có chúng sanh muốn hiện đời thấy Phật A Di Đà, phải phát tâm Vô thượng Bồ đề, phải luôn nhớ nghĩ cõi nước Cực Lạc, nhóm chứa được căn lành nào nên đem hồi hướng. Do thấy được Phật, nên khi sanh về nước đó được bậc Bất thối chuyển cho đến quả Vô thượng Bồ Đề.

        Hạng trung là những người tuy không làm sa môn, nhưng làm nhiều công đức, phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà. Tuy đã làm nhiều công đức, giữ gìn trai giới, xây dựng tháp tượng, cúng dường, treo phan đốt đèn dâng cúng hoa hương, tất cả đều phải hồi hướng nguyện sanh về Cực Lạc. Khi mạng chung hóa thân đức Phật A Di Đà hiện ra đầy đủ tướng tốt quang minh như chính đức Phật cùng với đại chúng vây quanh hiện trước người đó, nhiếp thọ tiếp dẫn, liền theo hóa Phật sanh về cõi Cực Lạc, ở bậc Bất thối chuyển Vô thượng Bồ Đề, công đức trí huệ kế bậc thượng phẫm.

        Hạng hạ phẩm là những người giả sử không hay làm các công đức, mà đã phát tâm Vô thượng Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, vui mừng tin sâu không chút nghi ngờ, hết lòng nguyện sanh về cõi Cực Lạc, người này mạng chung mộng thấy đức Phật cũng được vãng sanh, công đức trí huệ kế bậc trung

        Nếu có chúng sanh theo pháp đại thừa, đem tâm thanh tịnh, hướng về đức Vô Lượng Thọ, niệm đến mười niệm, nguyện sanh về Cực Lạc, nghe pháp rộng sâu hiểu rốt ráo, cho đến được một niệm thanh tịnh, phát một niệm nhớ nghĩ đến đức Phật đó, người này mạng chung thấy Phật A Di Đà như trong chiêm bao, nhứt định sanh về nước Cực Lạc, được Bất thối chuyển Vô thượng Bồ Đề.

        Lại này A Nan! Nếu có trai lành gái tín nào nghe kinh này, thọ trì đọc tụng biên chép cúng dường, ngày đêm liên tục cầu sanh về cõi Cực Lạc, phát tâm Bồ Đề, giữ các giới cấm bền vững không phạm, lợi ích hữu tình, làm được chút điều lành gì đều ban bố cho họ khiến được an vui, hằng nhớ nghĩ đến đức Phật A Di Đà và cõi nước Cực Lạc ở phương Tây, người ấy khi mạng chung có sắc tướng trang nghiêm như Phật, sanh về cõi báu mau được nghe pháp, vĩnh viễn không thối chuyển.”

Lại trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật đã giảng dạy rất rõ ràng hạnh nguyện của người muốn vãng sanh qua thế giới kia phải thực hành theo ba phước:

        “Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bực Sư Trưởng, có tâm nhân từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành.

        Hai là thọ trì Tam Quy y, đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi.

        Ba là phát tâm Bồ Ðề, sâu tin nhân quả, đọc tụng Kinh điển Ðại Thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành. Ba sự như vậy gọi là tịnh nghiệp”.

Ba phước ở trên bao gồm hết người xuất gia lẫn tại gia.

Có tán Phật không? Có tụng Kinh không? Nếu có thì tụng Kinh gì?

Tán Phật, tụng Kinh chỉ là nghi thức để rèn nắn tâm của người mới bắt đầu. Nhưng nếu là đã người tin sâu và nguyện thiết, thực hành thiện căn, nhất tâm niệm Phật, thì không cần phải trì tụng Kinh. Chỉ cần chuyên nhất tâm niệm trì Phật hiệu là được rồi. Vì Kinh văn là bản đồ chỉ cho chúng ta đi, nhưng nay đã hiểu và tin sâu thì chỉ cần tiến bước là được. Nhưng cũng có thể đọc kinh để tìm hiểu rõ những thắc mắc mà mình nghi vấn. Do đó, tụng kinh hay không tụng kinh thì không quan trọng, mà quan trọng là có giữ giới, làm thiện, niệm Phật không mà thôi. Tán Phật tức khen tụng Phật. Vấn đề này nếu một hành giả tu hành lâu hiểu sự lý, tự nhiên phát tâm khen tụng đức hạnh của Phật, Bồ tát mà không muốn cũng không được.

Nhưng nếu chưa rõ, thì có thể theo nghi thức của bậc đại tổ sư đã soạn. Thường sau tụng những bộ Kinh, đều có bài kệ tán Phật như sau:

Phật A Di Ðà thân sắc vàng
Tướng tốt quang minh không ai bằng
Hào quang trắng uyển chuyển như Tu Di
Mắt Phật xanh biếc như nước bốn biển
Trong quang minh có vô số hoá Phật
Hoá Bồ Tát cũng nhiều vô biên
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sinh
Chín phẩm sen vàng lên bờ giác.

Chúng ta có thể theo bài kệ này mà đọc.

Kinh nói về thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà thì rất nhiều, nhưng có ba bộ Kinh là quan trọng nhất của người thực hành theo Pháp môn niệm Phật cầu đới nghiệp vãng sanh là:

Kinh Vô Lượng Thọ (Đại A Di Đà)
Kinh Quán Vô Lượng Thọ
Kinh A Di Đà.

        Nếu hành giả mới phát tâm nghiên cứu để tu theo pháp môn này thì có thể nghiên cứu và đọc tụng ba bộ Kinh trên. Còn nếu muốn tụng hằng ngày thì chỉ cần tụng bộ Kinh A Di Đà là được.

Niệm Phật Như Thế Nào Mới Đúng. Không Có Áo Tràng Tụng Kinh Có Được Không? Sau Cùng Phải Hồi Hướng Như Thế Nào?

Niệm Phật là vì sợ luân hồi trong lục đạo. Vì Thương Cha, Mẹ, anh, chị, em, thân bằng quyến thuộc, vì Phật quả nên khấn thiết trì thánh hiệu cầu vãng sanh, để cứu độ chúng sinh. Niệm Phật chỉ có ba lý do, đó là cầu thoát khỏi sinh tử, cầu quả vị Chánh Giác, cứu độ chúng sanh.

Người niệm Phật phải thọ Tam Quy y, giữ ngũ giới, làm mười thiện nghiệp, hiếu dưỡng song thân, phụng thờ  sư trưởng, tin sâu nhân quả, sám hối tội nghiệp, phải phát tâm Bồ Đề. Mới thật sự đáng gọi là người niệm Phật. Tâm từ phải trải rộng khắp nơi, lợi ích cho mọi người mọi loại, phải khéo tu sửa tham, sân, si.

Buông xả vạn duyên chướng ngại, nhất tâm niệm Phật, một lòng cầu vãng sanh không thối chuyển, không cầu hưởng phước báo ở Trời, Người, chỉ quyết vãng sanh trong đời này.

Xin hãy đọc “Lá Thư Gỡi Khắp” của Ấn Quang Đại Sư, đọc đi đọc lại để hiểu rõ ràng để làm kim chỉ nam cho mình. Nếu là Phật tử đã quy y thì nên cần cho mình một áo tràng, phải giữ gìn cho sạch, phải giặt giủ thường, để mặc khi lễ Phật, tụng kinh. Nếu chưa thuận tiện thì phải tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới lên bàn thờ lễ Phật, tụng Kinh.  Đó là tỏ bày sự tôn kính. Tổ Ấn Quang khi còn, lúc mặc áo vào nhà xí, khi ra đều thay áo mới và tắm gội mới xem Kinh. Đó là sự cung kính biết dường nào.

Nếu là người niệm Phật cầu vãng sanh, thì bất luận tạo được bao nhiêu phước thiện, nhỏ hay lớn đều phải hồi hướng vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Có thể theo cách đơn giản nhất, sau mỗi lần mình làm được 1 việc thiện nào, hoặc niệm Phật, tụng kinh, bố thí, giúp người v.v…, tóm lại nếu là việc thiện thì đều đem hồi hướng hết. Nguyện đem công đức con làm………xin nguyện hồi hướng về thế giới Cực Lạc của đức từ phụ A Di Đà Phật. Xin nguyện khi lâm chung không bị chướng ngại, được đức Phật hiện ra tiếp dẫn con vãng sanh vào ao báu. Kính mong đức Phật thương tiếp dẫn con. Lại xin hồi hướng cho tất cả muôn loài chúng sanh đều vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Hoặc theo bài phát nguyện này:

Con … đọc , tụng…(tên Kinh, chú)……(hoặc việc làm thiện nào đó) . Cùng với công Đức lễ Phật nhớ Phật cúng Phật. Chuyên vì hồi hướng Đất Phật trang nghiêm Tây phương. Nguyện tất cả oán thân từ xa xưa đến nay. Bảy tổ 9 ngành, Thầy Tăng Cha mẹ nay sinh nhiều lần sinh. Rộng khắp cùng với 10 phương tất cả chúng sinh. Tri thức thiện ác, 8 nạn, Địa ngục Quỷ đói Súc sinh. Cây cỏ côn trùng, sinh từ trứng, bào thai, ẩm thấp, biến hóa. Hoặc là lỡ sát hại, cố tình sát hại tất cả vạn loại. Nguyện tháo bỏ tất cả các oan khiên. Nguyện tiêu tan tất cả các Nghiệp tội. Cùng chứng Đại Bồ Đề cùng sinh nước Cực lạc.

– Phục lễ Tây Phương nước An Lạc. Tiếp Dẫn chúng sinh Đại Đạo Sư.

Nay Con phát nguyện nguyện vãng sinh. Xin nguyện xót thương tiếp nhận.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Niệm Phật có bài bản Không? Hay là khi nào rãnh rỗi cứ ngồi trước bàn Phật niệm Phật và niệm bao nhiêu tràng?

Niệm Phật cần phải lập ra một thời gian nhất định, để áp dụng cho sinh hoạt hằng ngày. Như vào mỗi buổi sáng vào mấy giờ, niệm Phật bao nhiêu phút, một tiếng , 2 tiếng v.v… buổi chiều vào mấy giờ và bao lâu đều do bản thân của đạo hữu quyết định, và áp dụng thời khóa đó vào sinh họat mỗi ngày để làm căn cứ mà y theo. Đó là thiết lập một thời gian nhất định, còn khi rãnh rỗi, dĩ nhiên là làm sao cũng được, niệm Phật bất cứ nơi nào, đi, đứng, nằm ngồi đều luôn nhớ đến Phật và trì thánh hiệu. Duy chỉ có khi nằm thì nên chỉ niệm thầm, để tỏ lòng tôn kính.

Người đã phát tâm cầu đới nghiệp vãng sanh thì cần phải luôn luôn nghĩ tưởng đến Phật, niệm Phật, không lúc nào là rời bỏ. Niệm Phật là trọng yếu trong sinh hoạt hằng ngày của người thực hành theo pháp môn Tịnh Độ cầu vãng sanh, chớ không phải là thứ yếu, nên không thể bảo là niệm nhiều hay ít, bao nhiêu tràng chuỗi. Tất cả đều do ở chính bản thân của chúng ta. Có sợ sinh tử không? Có muốn được bảo đảm được vãng sanh không? Đó là những câu hỏi sẽ giúp chúng ta tinh tấn và sẽ gặt hái thành quả nếu như y theo lời dạy của đức Phật.

Người tu Phật cần phải cố gắng sửa đổi và gieo trồng thiện căn, phải tinh tấn thực hành. Nên luôn ghi nhớ rằng, không thể có chút phước đức thiện nhân duyên mà được vãng sanh về thế giới kia. Đới nghiệp vãng sanh là mang theo nghiệp ở quá khứ, khi chưa biết Phật pháp, chưa biết đến pháp môn Niệm Phật, chớ không phải là mang theo nghiệp ác hiện tại. Cho nên phải hết sức cẩn thận, lánh xa những kẻ dùng thế trí biện thông. Cho dù đó là người có bằng cấp này bằng cấp nọ, là người nổi tiếng có hàng triệu đệ tử v.v… Nhưng đã là người con Phật, cần phải lắng lặng xem có hợp với lời dạy của Phật không, qua đại tạng Kinh. Nếu không hợp đều là người không thể gần gũi để học hỏi.

Vì sao? Vì sẽ lôi kéo mình vào cuộc, hãy xem gương mỗi tiền thân của đức Phật và Điều Đạt thì sẽ rõ. Do đó, mà vị tổ thứ 13 là Ấn Quang Đại Sư không truyền giới, nhận đệ tử xuất gia cũng là như vậy.

Xin kính chúc đạo hữu thân tâm sáng suốt qua giáo lý của Phật đà, tinh tấn hành trì và đầy đủ thiện căn, niệm Phật viên thành.

        Nam Mô A Di Đà Phật.

Trân trọng,