Pháp Môn Niệm Phật

Hòa Thượng Tuyên Hóa
Việt dịch: Thích Quảng Đại

PHẬT A DI ĐÀ ĐẤNG ĐẠI PHÁP VƯƠNG

Tại sao chúng ta phải niệm Nam Mô A Di Đà Phật? Vâng! Bởi vì đức phật A Di Đà Phật có nhân duyên lớn với tất cả chúng sanh trong mười phương. Khi còn thực hành Bồ tát hạnh, tức là khi chưa chứng Phật quả, ngài làm  vị tỳ kheo tên là Pháp Tạng. Bấy giờ, tỳ kheo Pháp Tạng có phát ra bốn mươi tám lời nguyện lớn. Trong các lời nguyện ấy, đều có một mục đích chung, đó là phải cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau sanh tử, chứng lên quả vị Phật Đà. Trong bốn mươi tám lời nguyện, có một lời nguyện như sau: “Tất cả chúng sanh trong mười phương trên thế giới, đợi sau khi ta thành Phật, nếu có chúng sanh nào niệm danh hiệu của ta thì người ấy nhứt định sẽ thành Phật, nếu như họ không thành Phật thì ta cũng không bước lên quả vị chánh giác”.

Nguyện lực này của đức Phật A Di Đà giống như sức hút của khối nam châm khi gặp sắt thép. Hết thảy chúng sanh trong mười phương thế giới đều giống như khối sắt mà đức Phật A Di Đà là khối Nam châm, cho nên ngài thu hút tất cả họ vào trong thế giới Cực lạc. Giả sử thu hút không được thì sao? Thì đức A Di Đà sẽ không thành Phật. Vì vậy, hết thảy chúng sanh, nếu có những ai niệm danh hiệu của Phật A Di Đà thì những người đó đều có cơ hội thành Phật.

THÂU NHIẾP HẾT THẢY CĂN TÁNH VÃNG SANH CỰC LẠC

Kinh A Di Đà là bộ kinh không có ai hỏi mà đức Phật Thích Ca tự nói. Tại sao không hỏi mà tự nói? Bởi vì chẳng có ai hiểu biết về pháp môn này cả, cho nên chẳng có người hỏi đến. Trong kinh, tuy Tôn giả đại trí Xá-lợi-Phất là đối tượng đương cơ để đức Phật nói pháp, nhưng ngay cả tôn giả cũng không biết phải hỏi như thế nào!

Sở dĩ đức Phật nói ra, vì ngài không thể chờ được nữa. ngài nói cho đại chúng nghe pháp môn niệm Phật là pháp môn rất thù thắng, rất thực tế, rất dễ hiểu, ngắn gọn mà lại rẻ tiền. Chỉ cần mọi người niệm Phật, “hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, hoặc niệm đến bảy ngày”, nhiếp tâm không loạn thì khi sắp lìa đời, người ấy sẽ thấy đức Phật A Di Đà cùng thánh chúng hiện ra trước mặt để tiếp dẫn họ. Cho nên pháp môn này không phải là điều mà mọi người tầm thường có thể tin tưởng và tiếp nhận được. Nhưng pháp môn này lại rất thực tế, dễ hiểu. Pháp môn niệm Phật này có khả năng thâu nhiếp hết thảy cả ba hạng căn tánh, lanh lợi hay ám độn… đều dung nạp. Bất luận, bạn là người thông minh hay là kẻ ngu si, khi bước vào tu tập pháp môn này đều giống nhau, tất cả đều có thể thành Phật.

Vãng sanh về thế giới Tịnh độ, ở đó không có chúng sanh khổ, chỉ thọ hưởng những pháp vị an vui. Việc hóa sanh từ hoa sen, không như con người chúng ta phải trải qua chín tháng mười ngày ở trong bào thai rồi mới sanh ra. Ở cõi nước ấy lấy hoa sen làm thai bào, an trụ trong hoa sen một thời kỳ, tương lai sẽ chứng thành Phật quả.

NGÀY ĐÊM THÀNH TÂM CHUYÊN TRÌ NIỆ

Một câu Di Đà vua muôn pháp
Năm thời tám giáo bao hàm cả
Hành giả chỉ nên chuyên trì niệm
Sẽ vào nhà bất động Như Lai

“Một câu Di Đà vua muôn pháp” Câu niệm danh hiệu Phật Di Đà này là vua của muôn pháp. “Năm thời tám giáo bao hàm cả”. Tám giáo là Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo, Tiệm giáo, Đốn giáo, Bí mật giáo, Bất định giáo. Năm thời là thời Hoa-nghiêm, thời A-hàm, thời Phương-đẳng, thời Bát-nhã, thời Pháp-hoa Niết-bàn. Đem năm thời tám giáo này hợp lại thì  tất cả đều được bao hàm trong câu niệm danh hiệu A Di Đà Phật này vậy. “Hành giả chỉ nên chuyên trì niệm”, chúng ta, bất luận là ai, nếu chuyên tâm niệm Phật thì sẽ vào được ngôi “Nhà bất động của Như Lai”, nhứt định sẽ vãng sanh về cõi Thường tịch quang Tịnh độ, về thế giới Cực lạc. Chúng ta là những chúng sanh, sanh nhằm thời mạt pháp thì phải dùng câu niệm Phật để được độ thoát. Nếu ai muốn được giải thoát mọi khổ đau, người ấy nên niệm danh hiệu của đức phật này vậy.

Bớt lại một câu nói
Niệm Phật thêm một lời
Đập tan mối đầu niệm
Sẽ sống với Pháp thân

Vì  vậy, chúng ta không nên bỏ sót câu niệm Phật này.

THỜI KHẮC QUÁN TƯỞNG TƯ LƯƠNG TỐT

Pháp môn niệm Phật này, gồm có bốn phương pháp quán niệm.

  1. Trì danh niệm phật, chính là hành giả chú tâm vào câu Nam Mô A Di Đà Phật.
  2. Quán tưởng niệm Phật, nghĩa là nghĩ tưởng đến đức Phật A Di Đà. Tưởng nghĩ như sau:

 Di Đà Phật thân kim sắc
Tướng tốt chói sáng tự trang nghiêm
Năm tu di uyển chuyển bạch hào
Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc
Trong hào quang hóa vô số Phật
Vô số Bồ tát hiện ở trong
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh
Chín phẩm sen vàng lên giải thoát

Đó là phương pháp quán tưởng niệm Phật

3.Quán Tướng niệm Phật, nghĩa là đối trước hình tượng của đức Phật A Di Đà để niệm danh hiệu của ngài. Phương pháp này đòi hỏi hành giả nhìn thẳng vào hình tượng của đức phật A Di Đà một cách rõ ràng, miệng niệm rõ từng tiếng, tai nghe rõ từng tiếng, tâm chỉ nghĩ tưởng đến hình tướng của ngài. Đây gọi là quán tướng niệm Phật.

  1. Thật tướng niệm Phật, chính là phương pháp tham thiền. Hành giả tham công án: “Niệm Phật là ai?”, cứ chuyên tìm câu niệm Phật là ai? như thế đến hai tuần lễ niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đợi khóa niệm Phật xong, chúng ta mới có thể tìm ra câu “Niệm Phật là ai” này. Nhất định hành giả phải tìm cho ra, không nên tìm nửa chừng rồi bỏ. Nếu nửa chừng bỏ đi, bạn sẽ lạc đường, không tìm về nhà được. Như thế là bạn không thấy được đức Phật A Di Đà.

CHÁNH TÍN CHÁNH NGUYỆN CHÁNH HẠNH

Tín, Nguyện,Hạnh, đây là ba món tư lương của hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ.

Thế nào gọi là tư lương? Giống như bạn muốn đi du lịch nơi nào đó thì bạn phải chuẩn bị các thức ăn, đây gọi là Lương. Chuẩn bị tiền bạc, các thứ cần dùng, gọi là Tư.

Tư lương là thức ăn, là tiền bạc, là các thứ cần dùng của bạn. Cũng vậy, người hành giả tu tập pháp môn Tịnh  độ, muốn vãng sanh về thế giới Cực lạc thì cũng phải đầy đủ ba món tư lương. Ba món tư lương này chính là lòng tin, phát nguyện và thực hành. Ban đầu, hành giả nhứt định phải phát khởi tín tâm. Nếu như bạn chưa có lòng tin, đó là bạn chưa có duyên với thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà. Nếu bạn đã có lòng tin, nghĩa là bạn đã có duyên. Cho nên, đầu tiên đòi hỏi bạn phải có lòng tin chân thật. Lòng tin ấy là tin vào chính bản thân mình và tin đối tượng mà mình hướng đến, tin nhân, tin quả, tin sự, tin lý.

Vì sao gọi là tin vào bản thân mình? Hành giả tu tập phải tin vào bản thân mình, quyết định rằng, mình có khả năng sanh về thế giới Cực lạc ở Tây phương. Bạn không nên xem nhẹ bản thân mình rằng: “Ôi! Tôi đã tạo ra quá nhiều tội lỗi, tôi không có khả năng sanh về thế giới Cực lạc được!”. Như vậy, tức là bạn không tin vào chính khả năng của mình. Bạn tạo ra nhiều tội lỗi phải không? Nếu tu tập pháp môn này, bạn sẽ gặp nhiều cơ hội tốt đấy! Cơ hội tốt là gì? Đó là có thể mang nghiệp vãng sanh. Những tội lỗi gì mà bạn đã tạo ra đều có thể mang theo đến thế giới Cực lạc, như vậy gọi là mang nghiệp vãng sanh. Thế nhưng mang nghiệp, bạn phải biết rằng nghiệp ấy là Túc-nghiệp, tức là những hành động bạn đã gieo tạo trong quá khứ, chứ không phải mang theo nghiệp mới tạo. “Túc” là túc thế, tức là mang theo nghiệp khi bạn còn sanh tiền. Tân nghiệp là những nghiệp tạo ra trong tương lai. Mang theo Túc-nghiệp không mang theo tân nghiệp, chính là mang theo những tội lỗi trong quá khứ bạn đã gây nên mà không mang theo những tội nghiệp trong tương lai. Từ những việc làm, những hành vi, những suy nghĩ của bạn, bất luận là đã tạo ra những tội lỗi gì, giờ đây bạn phải sửa đổi những lỗi lầm trong quá khứ của mình, làm lại những việc làm mới, bỏ ác hướng thiện. Như vậy, những tội lỗi của bạn đã gây tạo trước đây, bạn có thể mang theo qua thế giới Cực lạc nhưng không mang theo nghiệp tương lai.

Tin Tha, tức là tin vào đối tượng của mình hướng đến. Bạn tin ở Tây phương có thế giới Cực lạc, thế giới đó cách xa cõi ta bà chúng ta đang sống khoảng mười vạn ức cõi Phật. Trước đây, khi đức A Di Đà chưa thành Phật,ngài làm một vị tỳ kheo tên là Pháp-tạng. Bấy giờ, ngài phát nguyện trong tương lai sẽ xây dựng một thế giới Cực lạc. Nếu có chúng sanh trong mười phương phát nguyện muốn sanh về, sống trong cõi nước của ngài thì không cần gì khác, chỉ cần niệm danh hiệu của ngài sẽ được vãng sanh. Những công việc khác đều không bị hao phí, đã không phí tiền, lại không phí sức. Có thể nói, pháp môn này là pháp môn cao nhất, pháp môn tối thượng. Bạn chỉ cần niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì có thể vãng sanh đến nước Cực lạc. Đây chính là tin tha.

Vã lại, hành giả phải tin vào nhân quả. Tin Nhân là sao? Tức là tin vào bản thân mình từ xưa đã gieo trồng thiện căn, vì vậy mới có thể gặp được pháp môn này. Giả sử bạn không có thiện căn thì làm sao có thể gặp được nó, cũng không thể gặp được tất cả pháp môn của đức Phật nói ra. Bởi vì bạn có được thiện căn do xưa bạn đã gieo trồng nhân hạnh lành, cho nên đời này gặp được pháp môn Tịnh độ. Tín, nguyện, trì danh này, nếu bạn không tiếp tục vun bồi căn lành thì trong tương lai bạn sẽ không thành tựu được quả vị Bồ-đề. Cho nên, bắt buộc bạn phải tin vào nhân quả, tin vào bản thân của bạn xưa nay đã gieo trồng hạt giống Bồ-đề, trong tương lai nhất định sẽ gặt được quả giải thoát. Giống như trồng lúa, khi gieo hạt giống vào trong đất rồi, bạn phải chăm bón, tưới nước, hạt giống đó mới có khả năng sanh trưởng.

Hơn nữa, phải tin Sự, tin Lý. Thế nào gọi là tin Sự, tin Lý? Bạn nên biết, đức Phật A Di Đà có nhân duyên lớn đối với hàng chúng ta, ngài nhất định sẽ dẫn dắt chúng ta đến khi thành Phật. Đây là tin vào sự.

Tin vào lý, vì sao chúng ta có nhân duyên lớn với đức Phật A Di Đà? Nếu không có nhân duyên thì chúng ta sẽ không gặp được pháp môn Tịnh độ này. Đức Phật A Di Đà cũng chính là hết thảy chúng sanh, hết thảy chúng sanh cũng chính là đức Phật A Di Đà. Ngài do niệm Phật mà được thành Phật. Vì vậy, hết thảy chúng sanh chúng ta, nếu như có niệm Phật thì cũng có thể thành Phật A Di Đà. Đây là đứng trên lý mà nói.

Có lý, có sự, như vậy chúng ta nương theo lý sự đó để tu hành. Trong kinh Hoa-Nghiêm, đức Phật từng thuyết: “Sự vô ngại  pháp giới, lý vô ngại pháp giới,lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới”. Chúng ta có những pháp giới này rồi, đứng trên căn bản tự tánh mà nói thì cùng đức Phật A Di Đà chỉ là một. Do đó, chúng ta có đủ tư cách để thành Phật.

Đức Phật A Di Đà, ngài ở ngay trong tâm của chúng sanh. vì vậy chúng sanh cũng nằm trong tâm của đức Phật A Di Đà. Bởi do mối quan hệ này mà có sự có lý, nhưng đạo lý ấy nhứt định bạn phải tin tưởng, phải hành trì, bạn không thể biếng nhác. Ví như  bản thân tôi đây, niệm phật mỗi ngày một tăng, chứ không phải ngày càng giảm.

Trên đã nói về lòng tin, đến đây chúng ta tìm hiểu về Nguyện. Thế nào gọi là Nguyện? Nguyện là lòng mong muốn, tâm nguyện và ý chí hướng tới của bạn. Tâm tưởng của bạn phải như thế mới phát nguyện. Trong kinh thường hay nhắc đến bốn lời nguyện, đó là:

Chúng sanh vô số lượng thề nguyện đều độ khắp
Phiền não không cùng tận thề ngyuện đều dứt sạch
Pháp môn không kể xiết thề nguyện đều tu tập
Phật đạo không gì hơn thề nguyện sẽ chứng lên.

Đây là bốn lời thệ nguyện rộng lớn mà hết thảy chư phật, chư vị Bồ tát trong quá khứ đều y theo bốn lời nguyện này mà thành được quả vị Phật Đà, thành tựu hạnh nguyện của Bồ tát. Hết thảy chư Phật, chư vị Bồ tát trong đời hiện tại cùng tận đời vị lai cũng căn cứ theo bốn lời thệ nguyện này mà chứng thành đạo quả. Nhưng việc phát nguyện, điều đầu tiên đòi hỏi bạn phải có lòng tin kiên cố. Tin có thế giới Cực lạc, tin có Phật Adi Đà, tin vào bản thân mình nhứt định có nhân duyên lớn với đức Phật A Di Đà, vì vậy chúng ta ắt sẽ vãng sanh qua thế giới Cực lạc. Nếu có được tín tâm này rồi, sau đó bạn nên phát nguyện. Khi đã phát nguyện, ắt sẽ được vãng sanh. cho   nên mới nói “Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung”. Đây là do lòng mong muốn của chúng ta, muốn sanh về thế giới Tịnh độ chứ không phải do một ai miễn cưỡng gọi ta đi, không phải có người đến nhất định bắt ta đi cho bằng được. Tuy nhiên, nói đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn chúng ta thì cũng do chính bản thân chúng ta mong muốn được đi, mong muốn được gần gũi với đức Phật A Di Đà, được sanh qua thế giới Cực lạc nên ngài mới đến tiếp dẫn. Hoa nở thấy Phật, là mong đến thế giới cực lạc để được thấy Phật nghe pháp. Nếu có được tâm nguyện ấy rồi, sau đó bạn phải thực hành. Thực hành bằng cách nào? Đó chính là niệm Phật, niệm Nam Mô A Di Đà Phật….giống như cứu lửa cháy đầu, bởi chiếc đầu của mình sắp mất. Có người muốn chặt đầu, do đó phải cấp tốc bảo vệ chiếc đầu của mình.

Niệm Phật chính là thực hiện ba món tư lương Tín, Nguyện, Hạnh này. Đây chính là tư lương, là lộ phí trên hành trình vãng sanh về thế giới Cực lạc. Tư lương chính là lộ phí đi đường, là tiền bạc cần dùng. Ba món tư lương trên, là tiền bạc, là hành trang du lịch, là vé đi đường đến thế giới Cực lạc. Vì vậy, chúng ta cần phải có.

XƯỚNG TỤNG NIỆM PHẬT, NIỆM PHÁP, NIỆM TĂNG

Hiện tại, chúng ta đang niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Câu niệm Phật ấy, chính là tự chúng ta đang kiến tạo cho mình một thế giới Tịnh độ, mỗi người tự trang nghiêm thế giới Cực lạc, thành tựu thế giới cực lạc cho bản thân mình. Thế giới Cực lạc không hoàn toàn cách xa chúng ta mười vạn ức cõi Phật, nhưng nó cũng thật sự cách xa cả mười vạn ức cõi Phật. Bởi vì, tuy nó cách xa mười vạn ức cõi phật như thế, nhưng không ra ngoài một niệm hiện tiền của chúng ta. Vì không ra khỏi một niệm hiện tiền nên nói: không hoàn toàn xa chúng ta mười vạn ức cõi Phật mà chính là ở ngay  tâm lý chúng ta. Thế giới Cực lạc, chính là bổn tâm xưa nay của hết thảy chúng sanh chúng ta. Nếu như bạn nhận ra chơn tâm xưa nay của mình thì bạn đã sanh về thế giới Cực lạc, còn bạn chưa nhận ra nó thì bạn không thể sanh về thế giới Cực lạc. Đức Phật A Di Đà và chúng sanh chúng ta không thể phân biệt bỉ thử. Một niệm hồi quang của chúng sanh sẽ nhận biết được xưa nay mình là Phật, biết được xưa nay mình là Phật, đó là thế giới cực lạc. Cho nên nói thế giới cực lạc không hoàn toàn xa như thế.

Do vậy, bạn có thể mang theo tâm ô nhiễm của mình vãng sanh về Cực lạc. Bấy giờ, những tâm lý tư lợi, những tạp niệm, tâm đố kị, tâm chướng ngại, tâm ích kỉ, tâm chỉ biết lợi riêng cho mình không còn nữa. Bạn sẽ học hạnh lợi tha của Bồ tát, giác ngộ cho tất cả chúng sanh. Đấy chính là thế giới Cực lạc hiện tiền. Khi tâm không còn tạp niệm, không còn vọng tưởng, bạn thử nghĩ xem, đây chẳng phải là thế giới Cực lạc hay sao? Nếu đây không phải thế giới Cực lạc thì bạn nói đây là cái gì?

Cho nên chúng ta không thể tìm bên ngoài mà có được thế giới Cực lạc. Đối với các bậc thiện tri thức, các vị đều là những người có được kiến thức sâu rộng, thông minh hơn tôi. Trong tương lai, quý vị giảng phật pháp đều sẽ hay hơn tôi giảng nhiều. Hiện tại ở đây, chẳng qua các vị là người bản xứ, không hiểu được tiếng của nước khác mà thôi! Tôi giới thiệu cùng quý vị bằng những lời cũ rích, lời nói quá xưa này, chẳng phải mới mẻ gì. Nhưng trong tương lai, các bạn là những bậc thần kỳ, biến hoá vô song. Điều ấy vi diệu không thể nói được.

Tiện đây, tôi hát tặng quý vị một bài:

Phật A Di Đà
Bậc đại thánh chúa
Đoan nghiêm tuyệt diệu không ai bằng
Hồ trân bảy báu
Hoa sen bốn màu
Tuyệt diệu thay!
Trào dâng sóng vàng

Đây là nói đến hoa sen bốn màu. Bậc đại thánh chúa là ai? Đó là đức Phật A Di Đà. Cho nên nói:

Bậc đại thánh chúa A Di Đà
Đoan nghiêm tuyệt diệu, ai sánh bằng?
Ngài ngồi đó vẻ uy nghiêm
Ôi! tướng hảo Phật A Di Đà.

Tuyệt diệu thay! Chẳng ai sánh bằng ngài, tướng hảo ấy thật rạng rở! Ao  trân bảo là ao được làm bằng bảy báu, trong đó có hoa sen bốn màu, cho nên gọi là “Ao trân bảy báu, hoa sen bốn màu”. “Trào dâng sóng vàng” là làn sóng gợn lăn tăn trên mặt nước ao, được phản chiếu lên ánh sáng sắc vàng.

HOA SEN XANH, VÀNG, ĐỎ, TRẮNG

Chúng ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật, như thế sẽ có hoa sen hiện ra trong nước tám công đức, ở ao bảy báu của thế giới Cực lạc. Hoa sen ấy, ngày càng lớn nhưng nó vẫn chưa nở, đợi đến lúc chúng ta lâm chung, tự tánh chúng ta hiển lộ, sanh qua thế giới Cưc lạc thì lúc đó hoa sen mới nở ra để đở lấy chân chúng ta. Cho nên, bạn muốn biết phẩm vị của mình cao hay thấp, từ thượng phẩm thượng sanh, hay là trung phẩm trung sanh, hạ phẩm hạ sanh? Điều ấy còn phải tuỳ thuộc vào bạn niệm Phật nhiều hay ít. Nếu bạn niệm phật nhiều thì đoá sen của bạn vừa cao vừa lớn, còn bạn niệm ít thì đoá sen của bạn sẽ vừa thấp vừa nhỏ. Cũng vậy, nếu bạn không vun bồi, thực hành niệm Phật thì đoá hoa sen của bạn sẽ bị khô héo và sẽ chết mất. Cho nên, điều ấy hoàn toàn do bạn có tranh thủ được quả vị tu tập của mình hay không?

 GIÓ LAY NƯỚC LẶNG RỘNG DIỄN PHÁP ÂM

“Nước tâm trong sạch trăng tuệõ lại chiếu
 Bầu trời chánh niệm mây phiền não tan”.

Khi hành giả niệm Phật đạt đến mức “Niệm Phật tam muội” thì bạn nghe tiếng gió thổi cũng trở thành tiếng Nam Mô A Di Đà Phật. Bạn nghe tiếng nước đổ cũng trở thành tiếng Nam Mô A Di Đà Phật. Bạn nghe tất cả các thứ âm thanh đều sẽ trở thành câu niệm Phật. “Nước chảy gió động đều rộng diễn nói pháp âm”, nghĩa là, khi bạn đạt đến “Niệm Phật tam muội” rồi, thì âm thanh của nước chảy cũng là tiếng Nam Mô A Di Đà Phật, tiếng gió động cũng là Nam Mô A Di Đà Phật. Vì vậy Tô Đông Pha  từng nói: “Vẻ đẹp của núi non đều là tuớng lưỡi rộng dài”. Núi nọ, cảnh kia đều là tướng lưỡi rộng dài của đức Phật A Di Đà đang diễn nói pháp mầu. Tiếng róc rách của khe suối, tiếng ầm ầm của thác đổ cũng đều là âm thanh thanh tịnh. Đây chính là đã đạt được “Niệm Phật tam muội”.

Trước đây, tôi có viết một đoạn kệ tụng, nay xin đọc ra cho mọi người nghe:

Niệm Phật chuyên niệm không gián đoạn
Miệng niệm Di Đà chẳng nghĩ toán
Niệm tạp không sanh, chứng Tam muội
Vãng sanh Tịnh độ chớ lo toan
Trọn ngày chán lìa Ta-bà khổ
Tâm niệm hồng trần sẽ đoạn ngay
Luôn nghĩ cầu sanh về Tịnh độ
Buông xả tạp niệm, thanh tịnh sanh

Câu: “Niệm Phật chuyên niệm không gián đoạn”, hành giả niệm Phật mãi miết, từ sáng đến tối chỉ nghe tiếng niệm Phật, không có thời gian dừng nghĩ, đó gọi là không gián đoạn. “Miệng niệm Di Đà chẳng nghĩ toán” tức là miệng luôn luôn niệm Nam Mô A Di Đà phật, như thế tạo thành một chuổi niệm Phật. “Tạp niệm không sanh chứng Tam muội”, khi hành giả cứ miên mật niệm Phật như thế, tâm niệm được buộc vào câu Nam Mô A Di Đà Phật, khi ấy không còn những vọng tưởng tạp niệm dấy khởi, hành giả sẽ đạt được nhứt tâm bất loạn, tức là đạt được định lực niệm Phật, đạt được cái thọ dụng của niệm Phật, đó là “Niệm Phật Tam muội”. Khi đạt được tam muội ấy rồi, bạn không còn lo gì đếùn chuyện vãng sanh Tịnh độ! Sự mong muốn vãng sanh tịnh độ của hành giả nhứt định sẽ đạt được. “Trọn ngày chán lìa Ta-bà khổ” tức là từ sáng đến tối chúng ta phải chán bỏ sự thống khổ của cõi Ta-bà, thì “Tâm niệm hồng trầnđược đoạn ngay”. Bởi vì bạn thấy rằng, sống giữa thế giới Ta-bà này rất khổ, cho nên muốn xa lìa tất cả các thứ khoái lạc bụi trần của thế gian. Khi các thứ tạp niệm đã đoạn trừ thì không còn các thứ tâm lý như dâm dục, ngã mạn, tâm tranh danh đoạt lợi, buông xả tất cả cảnh duyên bên ngoài, nhìn thấy chúng là tạm bợ, không thật. Vì vậy, hành giả mới đoạn trừ được tất cả tâm niệm của thế gian. Tâm niệm của bạn “Luôn nghĩ cầu sanh về Tịnh độ”, ý niệm đó vô cùng quan trọng để cho việc “Buông xả tạp niệm, thanh tịnh sanh”. Khi buông xả các tâm lý ô nhiễm rồi, lúc ấy hành giả đã đạt được tâm niệm thanh tịnh.

Đoạn kệ tụng này là nói về đạo lý của pháp môn niệm Phật, tuy rất ngắn gọn, rõ ràng, nhưng bạn thử suy gẫm kỹ xem, ý nghĩa của nó vô cùng thâm thuý, giúp cho người tu tập pháp môn niệm Phật này được nhiều lợi lạc.

NHỨT TÂM BẤT LOẠN THÀNH TAM MUỘI

Thành lập khoá tu niệm Phật để hằng ngày chúng ta chí tâm niệm phật. Đây là một phương pháp tu tập giúp cho chúng ta gieo trồng hạt giống Phật đạo. Chúng ta niệm được một câu thánh hiệu Phật Đà thì chính chúng ta đã gieo trồng một hạt giống Phật đạo, niệm được mười câu thánh hiệu Phật Đà thì đã gieo trồng mười hạt giống Phật đạo. Mỗi ngày chúng ta cứ mãi miết niệm đến trăm ngàn vạn thánh hiệu của đức Phật thì chúng ta cũng đã gieo trồng vô số trăm ngàn vạn hạt giống Phật quả như thế. Đã gieo trồng hạt giống rồi thì trong tương lai hạt giống ấy nhật định sẽ đơm hoa giác ngộ kết quả giải thoát. Bạn không cần phải lo lắng cho bạn, bởi niện Phật là từ niệm tán tâm mà bước vào niệm định tâm. Có mấy câu thơ rất là hay như sau:   Thanh châu rơi xuống dòng nước cấu Nước cấu không thể dơ thanh châu Niệm phật đi vào trong tâm loạn Tâm loạn không mất thể tánh sâu.   Thật đúng như vậy, hạt châu trong suốt khi bị rơi xuống dòng nước cáu bẩn, dù cho dòng nước ấy có đục dơ đến đâu đi nữa, thì viên minh châu vẫn trong suốt thanh tịnh, bởi thể tánh của viên minh châu vốn trong suốt. Chúng ta niệm thánh hiệu của đức Phật cũng giống như mang hạt minh châu bỏ vào trong nước thì nước ấy lại càng trong thêm. Niệm Phật là đi vào trong loạn tâm là bởi tâm thức của chúng ta xưa nay vốn diên đảo rối bời, bị vọng tưởng hỗn loạn, suy cái này rồi nghĩ sang cái kia, niệm này qua rồi niệm khác đến. Hay nói cách khác, tâm thức của chúng ta bị vọng tưởng chi phối, không một chút ngưng nghỉ. Khác nào những làn sóng vọng tưởng xô ra tấp vào giửa biển khơi tâm thức, không một thời khắc ngưng nghỉ. Khi niệm phật tức là chúng ta bước vào trong biển tâm thức sóng cuộn ấy, đằng sau từng loạt sóng ấy là thể tánh Phật đà trong suốt vẫn luôn tồn tại, không bị sóng vọng tưởng nhận chìm. Ngược lại, tác dụng của câu niệm Phật là làm cho những loạt sóng điên đảo của tâm thức trở thành bình yên thanh lặng của tâm phật. Vì sao? Khi hành giả niệm một câu thánh hiệu Phật đà thì trong tâm hành giả sẽ tồn tại một hạt giống thanh tịnh của Phật tâm. Niệm liên tục được mười câu, trăm câu, ngàn vạn câu thì trong tâm của bạn sẽ có ông Phật niệm lại mình. Chúng ta niệm phật thì Phật sẽ niệm lại chúng ta, giống như chiếc máy Radio vậy, khi hành giả niệm Nam-mô A Di Đà Phật thì chiếc máy Radio, chiếc máy thu thanh ấy sẽ thâu lại tiếng niệm của bạn. Nói cách khác, những lời niệm Phật của bạn sẽ được tâm thức của bạn thâu lại, đó là niềm “cảm ứng đạo giao”, là lẽ đương nhiên thôi. Do đó, như ý nghĩa của mấy câu thơ trên thì công đức niệm Phật của chúng ta thật không thể nghĩ bàn. Khi đang niệm Phật tức là lúc ấy hành giả không có khởi tâm đoạn trừ các thứ vọng tưởng khác, không khởi tâm đoạn trừ các thứ vọng tưởng khác thì chính đó là tự tánh công đức của hành giả. Vì sao ?  Vì câu niệm Phật ấy đã dẹp tan tất cả vọng tưởng rồi.

 MUÔN SỰ ĐỀU KHÔNG VÀO LIÊN BANG

Người xưa có câu: “Nhàn cư vi bất thiện”. Đúng như vậy, từ sáng đến tối chúng ta nên tìm cho mình một công việc, công việc ấy là thực hành tu tập, không nên để cho tâm rảnh rổi mà khởi lên nhiều thứ tạp niệm. Nếu chúng ta không chịu cột tâm vào một phương pháp tu tập nào đó thì không bao giờ có được sự thông dong tự tại, và phương pháp tu tập ở đây chính là câu niệm Phật. Hành giả niệm thánh hiệu của đức Phật thì cũng chính là hành giả đang thực tập thiền quán. Chúng ta đừng nên cho rằng: ngồi nhắm mắt lim dim như các vị thiền sư ấy mới là ngồi thiền. Nếu như trương cả hai mắt lên thì cũng gọi đó là ngồi thiền vậy. Thiền là gì ? Thiền tức là nhiếp tâm lại một chỗ, nếu khi đi đứng nằm ngồi mà hành giả nhiếp được tâm ý thì đó chính là thiền vậy.   Đi đứng nằm ngồi thảy đều thiền Nói nín động tịnh thể an nhiên.   Người xưa có nói:   Có Thiền có Tịnh độ Như hổ mọc thêm sừng Đời này làm thầy người Đời sau làm Phật tổ  Có Thiền có Tịnh độ Mười người lầm đường chín Không Thiền không Tịnh độ Muôn tu muôn người bỏ   Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn rất dễ tu tập. Trong quá khứ các vị Bồ-tát thường khen ngợi đường hướng tu tập của pháp môn này như: Bồ tát Văn-thù, hay như trong phẩm Hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền thuộc kinh Hoa Nghiêm cũng hàm nhiếp mười phương chúng sanh vãng sanh về thế giới Tịnh Độ, Bồ-tát Phổ Hiền cũng niệm phật để cầu sinh Tịnh Độ. Bồ-tát Quán Thế Aâm cũng niệm Phật, Bồ-tát Đại Thế Chí cũng khen ngợi pháp môn niệm Phật. Ai đã từng xem kinh Lăng Nghiêm thì sẽ biết đến chương Bồ-tát Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông. Chương này nói về pháp môn niệm Phật rất cặn kẽ. Đây là các vị Bồ-tát trong quá khứ, các ngài đều khen ngợi pháp môn Tịnh Độ, chuyên tu pháp môn Tịnh Độ.   Các vị Tổ sư trong quá khứ cũng vậy, ban đầu tu tập theo pháp môn thiền học, nhưng về sau đều trở về với pháp môn niệm Phật này. Các ngài chỉ niệm Nam- mô A Di Đà Phật thì ngay lập tức hoá thân của đức Phật A Di Đà hiển lộ. Điều này, chính Thiền sư Vĩnh Minh đã chứng đạt. Gần đây, Pháp sư Ấn Quang đem trọn cuôc đời mình xiển dương pháp môn Tịnh Độ. Tiếp đó, Thái Hư Đại sư cũng đề xướng pháp môn nàøy. Cho nên pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ dàng cho việc tu tập nhất, đơn giản nhất mà lại viên dung nhất đối với các pháp môn tu tập khác. Pháp môn tu tập ấy được mười phương chư Phật đồng khen ngợi. Chúng ta xem trong kinh A Di Đà, chư Phật trong sáu phương đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài, bao phủ cả ba ngàn đại thiên thế giới để khen ngợi pháp môn này. Nếu như không phải là pháp môn tu tập đúng đắn thì làm sao chư Phật trong sáu phương đều thốt lời khen ngợi ? Điều này chứng minh được rằng: tu tập pháp môn niệm Phật, hành giả sẽ đạt đến giải thoát một cách dễ dàng hơn. Đặc biệt, đối với đời mạt pháp mà chúng ta đang chung sống, mọi người nên chọn cho mình pháp môn tu tập này là tốt nhất.

 ĐỐN NGỘ VÔ SANH PHẬT HIỆN TIỀN

Phương pháp trì danh niệm Phật áp dụng cho trong đời mạt pháp hiện tại của chúng ta, là một phương pháp rất thích hợp. Vì vậy, khi phổ biến cho mọi người tu tập thì họ đều dễ dàng phát được niềm tin vào pháp môn này. Do đó, chúng ta đừng nên xem nhẹ nó.   Thiền sư Vĩnh Minh niệm một câu Nam-mô A Di Đà Phật thì ngay trong miệng của ngài có một vị Phật hoá hiện ra, những bậc chứng được Ngũ nhãn, Lục thông sẽ nhìn thấy một cách rất rõ ràng. Vã lại, khi hành giả niệm phật đôi lúc sẽ phát ra hào quang, khi có hào quang phóng ra thì các ma quái đều xa lánh. Vì vậy, công đức niệm Phật cao vời vợi chúng ta không thể nghĩ bàn đến được.

 THÁNH QUẢ DIỆU GIÁC TỰ CHỨNG LÊN

Ở đây xin nói với quý vị rằng, chúng ta không nên xem pháp môn niệm Phật là một pháp môn chân chính, mà cũng không nên cho nó là không chân chiùnh. Giữa hai phạm trù chân giả này, nếu hành giả dóc hết tâm lực để hạ thủ công phu thì nó sẽ biến thành chân, còn không chịu tu tập thì nó lại trở thành giả. Thật sự thì không chỉ pháp môn này mới như thế mà tất cả các pháp môn tu tập đều như vậy cả. Cho nên có câu:

Tâm tà tu chánh pháp
Chánh pháp biến thành tà
Tâm chơn hành tà pháp
Tà ấy biến thành chân.

Điều này không thể chối cải được. Vì thế mỗi khi chúng ta tu tập lễ Phật, niệm Phật cũng cần phải quán tưởng rằng: thân thể chúng ta cũng biến khắp vô lượng thế giới ở mười phương, đang an trụ trong các cõi nước của chư Phật, được tận mắt diện kiến và đảnh lễ chư phật”. Khi hành giả quán tưởng như thế thì mới thể nhập được pháp giới thanh tịnh. Lúc đó mới thấy được thân thể của chúng ta cũng chính là pháp giới rộng lớn này vậy.

Trong kinh có câu:

Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhất thiết phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhất thiết duy tâm tạo
 (Nếu người muốn hiểu rõ
Ba đời tất cả Phật
Nên quán pháp giới tánh
Hết thảy do tâm tạo)

Pháp môn niệm phật là một pháp môn tu tập thích hơp cho mọi căn cơ, do đó ai cũng có khả năng tu tập pháp môn này một cách. Hành giả chỉ cần niệm Nam-mô A Di Đà Phật thì trong tương lai khi sắp mạng chung sẽ được sanh về thế giới Cực lạc, và có thể được hoá sanh trên hoa sen báu, an trụ trên đó mỗi ngày được nghe những pháp âm niệm phật vi diệu, cứ thế dần dần sẽ chứng được quả phật.

Tuy xưa nay nói trong tương lai khi sắp mạng chung nên niệm Phật sẽ được sanh về thế giới Cực lạc. Nói như thế thì bây giờ chúng ta niệm Phật để làm gì? Vâng ! Hôm nay chúg ta chưa chết, nhưng câu niệm Phật này nhằm dự bị cho lúc sắp chết mới có công dụng, cho nên muốn có công dụng khi sắp chết thì bây giờ chúng ta phải vun bồi. Giống như chúng ta trồng một cây cổ thụ, hiện giờ cây đã lớn, cao hơn mười mấy trượng, nhưng bạn nên biết rằng cây cao lớn như hôm nay không phải chỉ trồng trong một ngày mà có được như thế, mà sự cao lớn của nó trong hôm nay là nhờ vào quá trình sinh trưởng và vun bồi trong từng ngày trước đây. Hành giả niệm phật cũng như thế, hôm nay chúng ta nỗ lực niệm Phật, đến giờ phút sắp lâm chung thân tâm chúng ta không có chút bệnh tật, không có tâm tham luyến, không có tâm sân hận, không có tâm mê mờ. Tâm hành giả lúc ấy rất định tỉnh không bị loạn động, bởi trong tâm chỉ tồn tại một câu niệm Phật, ngoài ra không còn khởi bất cứ một thứ tâm lý nào nữa. Được vậy thì lúc ấy đức Phật A Di Đà sẽ ngự trên đài sen thơm ngát, từ trên không trung đi đến để tiếp dẫn bạn. Giả như hôm nay chúng ta không chịu niệm Phật mà đợi đến lúc sắp mạng chung thì e rằng khi ấy thân tứ đại của chúng ta đây sẽ rã rời bãi hoãi, lại phát thêm các thứ bệnh tật của cả thân lẫn tâm. Thử hỏi lúc ấy làm sao nhớ được câu niệm Phật để niệm? Chỉ trừ khi có các bậc thiện tri thức đến để thức làm cho chúng ta tỉnh lại, bảo chúng ta niệm Phật, may thay mới có thể niệm được.

Còn như không có bậc thiện tri thức đến để đánh thức thì chắc chắn rằng chúng ta không nhớ đến để niệm đâu ! Vì thế, lúc còn sống phải có tâm tu tập niệm Phật, ngày nào cũng phải niệm, niệm đến lúc đạt được niệm Phật Tam muội, khi ấy câu niệm Phật sẽ trở thành một lực thú hướng rất mạnh, dễ dàng đưa chúng ta chứng đến Phật quả. Được như thế thì khi sắp mạng chung tự nhiên câu niệm Phật sẽ trở thành nhất niệm hiện tiền trong tâm, hành giả không bao giờ quên được. Nếu như hành giả không quên câu niệm Nam mô A Di Đà Phật thì đức Phật A Di Đà ở bên kia thế giới cũng không bao giờ quên chúng ta được, ngài sẽ cỡi thuyền đại nguyện đi đến, dùng hoa sen vàng để tiếp dẫn chúng ta vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Khi hành giả niệm Phật đạt đến mức vô niệm thì vạn vật trong mắt của bạn đều thanh tịnh, phiền não bạn đã chặt đứt, vô minh bạn đã đoạn trừ, bạn đã thoát khỏi biển ái sanh tử trong tam giới, và cõi Ta Bà này cũng được tịnh hoá thành thế giới tây phương cực lạc cuả Phật A Di Đà vậy.

Vì sao bạn phải niệm Phật, tôi phải niệm Phật, chúng ta phải niệm Phật? Có những người ngu si nói rằng : Tôi niệm Phật là để cầu Phật phù hộ cho tôi ngày mai có được cơm ngon canh lạ. Có người niệm Phật để cầu cho mình xa lìa tất cả mọi phiền phức, được may mắn như lòng mong muốn, lại được bình an vui sướng. Rồi cũng có người niệm Phật để cầu hết khổ. Những mẩu người lý tưởng như trên, họ cùng đi đến với câu niệm phật có sự khác nhau, nhưng cũng không phải là mục đích chính của pháp môn này. Vậy thì niệm Phật cốt để làm gì? Vâng! Mục đích chủ yếu là vì muốn thoát khỏi sanh tử luân hồi. Vậy thì sanh tử là gì? Con người chúng ta sanh ra rồi chêt đi, chết đi lại sanh ra, cứ mãi bị vô thường chi phối nên nó không có tự thể, vì thế nên chúng ta phải làm chủ nó. Làm chủ nó bằng cách nào? Tức là chúng ta muốn sống thì sống, muốn chết thì chết, khi muốn sống thì ngày nào cũng niệm Nam mô A Di Đà Phật, con không muốn xả bỏ thân mạng của mình, mãi mãi được sống. Khi mình muốn chết thì Nam mô A Di Đà Phật, lúc ấy đức Phật sẽ đến tiếp dẫn chúng ta vãng sanh về thế giới Tây phương Cự lạc. Khi ấy:

Thân không bệnh khổ
Tâm không tham luyến
Ý không điên đão
Như nhập thiền định
Sanh về Cực lạc.

Đây là vấn đề nồng cốt của việc tu tập pháp môn này, cũng chính là tịnh hoá cõi Ta bà trở thành Tịnh độ, xa lìa tất cả các thứ khổ não, sống một cuộc sống an lạc hạnh phúc mà thôi. Cho nên nói: “Nơi nơi đều là cõi Cực lạc của đừc Phật A Di Đà cả”, tức là nơi nơi đều không có sự hiện hữu của thế giới khổ đau uế trược mà chỉ có đức A Di Đà Phật và cõi Cực lạc đang ngự trị trong ta.

Hành giả niệm Phật khi đạt đến vô niệm tức là không có chủ thể niệm và đối tượng niệm. Nói cách khác là không có chính bản thân mình niệm và không có đức Phẫt A Di Đà để niệm, tâm không dấy lên bất cứ thứ vọng tưởng nào. Nếu như trong vô niệm, hành giả khởi lên tâm sợ sệt, sợ sai lạc, sợ niệm không được hoàn mãn, hoặc nghĩ rằng: Đây chính là cảnh giới giải thoát rồi, tu tập đã hoàn mãn rồi, cảm thấy vừa lòng với cảnh giới đó thì ngay lúc ấy hành giả sẽ rớt lại Hữu niệm, tức là niệm điên đão, là chưa được giải thoát. Lục tổ Huệ Năng từng dạy:

Hữu niệm niệm thành tà
Vô niệm nệm tức chánh

(Dùng hữu niệm để niệm thì trở thành tà, dùng vô niệm để niệm thì đó là chánh)

Nếu hành giả đã đắc được vô niệm thì như thế nào? Quán sát vạn vật trên phương diện tỉnh mới thấy được bản chất của nó một cách rỏ ràng, tức là tất cả sự sự vật vật trên thế gian này hành giả đều thấy một cách thông suốt, rõ ràng. Thậm chí con quạ nó đen như thế nào? Con hạc trắng ra sao? Cây cối thẳng, bụi gai công như thế nào, hành giả thấy một cách rất rỏ ràng. Nhờ vậy hành giả mới đoạn trừ sạch mọi phiền não ái nhiễm của vô minh, vượt thoát khỏi khổ đau trong tam giới. Tam giới có nghĩa là Dục giới, sắc giới và vô sắc giới, ba cõi này được xem như là ba cái biển lớn của ái dục mà con người cứ lặn hụp ở trong ấy, không bao giờ thoát ra được. Nếu như chúng ta muốn thoát ra thì phải dẫm đạp lên trên nó mà đi. Nếu bạn nói bạn không muốn bước ra khỏi đó thì bạn hãy đợi đấy ma xem ! Nơi mà dừng chân chính là nơi sanh ra rồi chết đi, chết rồi lại sanh, cứ quanh đi quẩn lại, sống cũng không ra sống, chết cũng chẳng ra chết, sống chết dật dờ. Vì vậy, cứ lên xuống, qua lại nhận chìm mình dưới đáy sâu trong ba cõi, không bao giờ trồi đầu lên nỗi. Càng lặn hụp trong biển sâu thì càng bị chết đuối, thật đúng là đi vào chỗ chết để rồi đón chịu ngút ngàn khổ đau. Chết chìm là như thế nào? Chính là đoạ lạc đến cực điểm, làm cho tánh linh của chính mình phải nát tan, đến nỗi phải làm kiếp trùng dế và các con vật nhỏ nhoi khác. Các loài vật nhỏ ấy không có trí tuệ, không có phước đức, cuộc sống lại càng bấp bêng trong cái chết, nhưng rồi cũng dễ sanh trở lại. Khác nào con phù du sống cũng không ra sống, chết cũng chẳng ra chết.

Có điều hành giả phải nhận chân rỏ: Bất luận là sự việc gì trên thế gian này đều không ra ngoài tính chất vô thường chuyển biến. Cũng vậy, xưa nay chúng ta không có tư cách để vãng sanh về thế giới Cực lạc, nhưng nhờ vào một câu niệm hồng danh của đức Di Đà mà bạn có thể cải đổi được phẫm chất của mình, có khả năng đủ tư cách được sanh về thế giới ấy. Tuy là thế nhưng còn phải xem chúng ta có chịu niệm hay không? Nếu chúng ta chịu niệm Phật thì dù cho việc sanh về thế giới Cực lạc khó khăn cách mấy đi nữa cũng trở nên dễ dàng. Còn như không niệm thì sao? Thì việc làm tuy không khó nhưng trở nên khó khăn, không chịu niệm Phật thì lấy gì để sanh về thế giới cực lạc được !

Cho nên mọi sự mọi vật trên thế gian này nằm trong vô thường biến chuyển, không có một pháp nào cố định. Vì vậy mà trong kinh Kim Cang đức Phật nói: “Do không có một pháp cố định cho nên gọi là A-nậu đa-la tam-miệu-tam Bồ-đề, hay chính là vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Chúng ta cần phải phát tâm dũng mãnh lớn, không sợ khổ nhọc, không ngại khó khăn, không sợ lạnh lẽo, đói khát. Phải mạnh mẽ hướng tới để đến cõi nước Cực lạc, được thấy đức Phật A Di Đà đang ngự trên đài sen thơm ngát, lúc ấy chúng ta mới dừng chân. Chúng ta niệm Nam mô A Di Đà Phật thì đó mới là chân chánh, chúng ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì chắc chắn thoát khỏi sanh tử. Đó là mục đích quan trọng nhất cho cuộc đời con người chúng ta.