Pháp Loa

Từ Điển Đạo Uyển

法螺; 1284-1330
Thiền sư Việt Nam thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sư là môn đệ của Trần Nhân Tông, là Tổ thứ hai của dòng thiền này. Sư là người ấn hành Ðại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329. Kinh này đã bị Trương Phụ thời nhà Minh phá huỷ, ngày nay không còn. Sư để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã ba-la-mật-đa. Sư có nhiều đệ tử đắc pháp mà người để lại tên tuổi đến ngày nay trong thiền học và thi ca là Huyền Quang. Sư mất sớm, lúc mới 46 tuổi.
Sư tên tục là Ðồng Kiên Cương, quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha tên là Ðồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Tháng 8 năm Quý Mùi (1283), mẹ Sư đêm nằm mộng thấy dị nhân trao cho kiếm thần và sau đó sinh ra Sư. Sư còn nhỏ đã có chí khác thường, không nói lời ác, không thích ăn thịt cá.
Năm 1304, Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi trong nước, có ý tìm người kế thừa. Khi xa giá vừa đến thôn, Sư đỉnh lễ xin xuất gia, Trần Nhân Tông bảo ngay: “Ðứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí” và cho theo về thụ giới Sa-di. Ðiều Ngự lại bảo Sư đến Quỳnh Quán học nơi Hoà thượng Tính Giác. Khi đã có sở đắc, Sư từ tạ trở về với Ðiều Ngự.
Một hôm, Sư dâng ba bài tụng nhưng cả ba đều bị chê. Ðiều Ngự khuyên Sư phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, nhìn thấy bông đèn tàn rụng xuống bỗng nhiên đại ngộ. Ðiều Ngự thầm ấn khả cho Sư. Từ đây, Sư tu theo 12 hạnh Ðầu-đà.
Năm sau, Ðiều Ngự đích thân truyền Giới Thanh văn và Bồ Tát cho Sư. Năm 1306, Ðiều Ngự cử Sư làm chủ giảng tại chùa Báo Ân. Tại đây Sư gặp Huyền Quang lần đầu tiên, lúc đó Sư mới 23 tuổi. Hai năm sau, Ðiều Ngự mất, Sư phụng mệnh đưa Xá-lị về kinh đô và sau khi trở về núi, Sư soạn lại những bài tụng của Ðiều Ngự lúc ở Thạch thất và biên tập lại dưới tên Thạch thất mị ngữ.
Tháng 12 năm 1319, Sư kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Ðại tạng kinh hơn 5000 quyển. Vua Trần Anh Tông cũng tự chích máu mình viết Ðại tạng kinh cỡ nhỏ. Sư chuyên giảng kinh Hoa nghiêm, mỗi lần giảng cả ngàn người nghe.
Năm 1330, Sư lâm bệnh nặng, đệ tử xin bài kệ, Sư viết:
萬緣裁斷一身閒。四十餘年夢幻間
珍重諸人休借問。那邊風月更邇寬
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Na biên phong nguyệt cánh nhĩ khoan.
*Muôn duyên cắt đứt, tấm thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn.
Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa,
Bên kia trăng gió mặc thênh thang.
Viết xong, Sư ném bút an nhiên viên tịch, thọ 47 tuổi. Nhục thân Sư được đệ tử nhập tháp tại Thanh Mai Sơn.
Các tác phẩm của Sư còn được lưu truyền: 1. Ðoạn sách lục; 2. Tham thiền chỉ yếu; 3. Kim cương đạo trường đà-la-ni kinh; 4. Tán Pháp hoa kinh khoa sớ; 5. Bát-nhã tâm kinh khoa; và một vài bài kệ trước lúc tịch.