Pháp Hành Tịnh Độ

Thích Giác Quả

LỜI TỰA

Theo giáo lý Tứ Đế, con người (nói riêng) hiện hữu trên thế gian do bởi ba độc tố tham – sân – si mà họ đã tạo trong những đời quá khứ hoặc gần hoặc xa (Tập đế – nhân), vì trong nội dung ba độc ấy đa phần mang tính bất thiện, do thế bất cứ ai trên đời dù ở địa vị nào vẫn đón nhận hệ quả vui ít khổ nhiều (Khổ đế – quả); đây là hệ nhân quả thế gian – dòng nhân quả lưu chuyển qua lại trong sáu loài ba cõi. Vẫn theo giáo lý Tứ Đế, người nào muốn thoát khỏi luân hồi trong ba cõi đó, đòi hỏi phải hành trì nghiêm túc ba vô lậu học giới – định – tuệ (Đạo đế – nhân) để chế ngự và chuyển hóa ba độc tham – sân – si thành vô tham – vô sân – vô si; khi tâm thức hành giả luôn hiện hữu vô tham – vô sân – vô si (hay thành tựu giới – định – tuệ vô lậu) chính là thời điểm hành giả đã vĩnh đoạn sanh tử hội nhập Niết – bàn (Diệt đế – quả); đây là hệ nhân quả xuất thế gian – dòng nhân quả thuần thiện hữu lậu thăng hoa thành nhân quả vô lậu.

Là đệ tử Phật, dù sống trong thời đại nào bất cứ ai cũng ước nguyện mình sớm thoát ly sanh tử hội nhập Niết – bàn. Song, theo kinh dạy (kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, kinh Hiền Kiếp…) con người sanh ra trong thời đại Mạt pháp vốn nghiệp chướng sâu dày, trí tuệ cạn mỏng, điều bất thiện thì sẵn sàng đón nhận, điều thiện phước thì cố ý lánh xa; với căn cơ yếu kém như thế lại sống chung với môi trường năm dục, sáu trần quá hưng thịnh, nào danh sắc, nào lợi dưỡng… đang phô diễn mời gọi khắp nơi; thực tại Tâm và Cảnh – Chánh báo và Y báo là thế, dù có thao thức nhưng mấy ai trong hàng Phật tử đủ thiện duyên để sống trên cứ địa ắt phải có đó là “thiểu dục tri túc cả vật chất lẫn tâm ý”[1] nhằm đủ tố chất làm cho cây giải thoát giới – định – tuệ bén rễ, hầu phát triển dẫn đến đơm hoa kết trái qua các pháp tu Thiền, tu Mật hay tu Duy thức…! Trường hợp những vị dù có túc duyên tốt được sống trên mảnh đất của thiểu dục tri túc để tu Thiền, tu Mật… nhưng đến khi lâm chung có thể đoạn tận tham – sân – si để thoát khỏi sanh tử không? Thật ra điều này đức Thế Tôn đã báo trước: “Trong thời Mạt pháp hàng triệu người tu tập khó có một người chứng đạo”[2]Dù vậy, đức Thế Tôn vẫn vận dụng tâm Đại từ bi vô lượng khai mở một pháp môn thù thắng đặc biệt nương vào Tha lực – Bổn thệ nguyện của đức Phật A – di – đà, để có thể làm tăng thượng duyên giúp con người trong thời Mạt pháp dù vẫn còn tham – sân – si sâu nặng vẫn được ra khỏi tử sanh (đới nghiệp vãng sanh): “Thời Mạt pháp bây giờ đang đầy đủ năm thứ ô trược chỉ có pháp môn Tịnh độ mới có thể ra khỏi sanh tử”[3]Cần bổ túc rằng pháp môn Tịnh độ là pháp độc nhất và duy nhất để cứu độ những chúng sanh hữu duyên trong thời Mạt pháp và đầu thời Pháp diệt[4]. Song vẫn là pháp môn thù thắng nhất trong hết thảy pháp môn, nên dung nhiếp trọn cả ba căn thượng – trung – hạ, chẳng hạn các bậc Đại Luận sư như ngài Mã Minh, Long Thọ, Thế Thân…, thậm chí chư Bồ tát Đẳng Giác như Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí… đều phát nguyện vãng sanh Cực Lạc để sớm thành tựu quả vị Phật – đà.

Với sự thật nghiệp cảm con người sanh ra trong đời hiện tại là vậy, thì người nào không tu Tịnh độ mà đời này có thể thoát khỏi sanh tử? May rằng tại Việt Nam hiện giờ (nói riêng) từ Nam chí Bắc đa phần Phật tử đã và đang hướng về pháp môn Tịnh độ, hành giả niệm Phật và Đạo tràng niệm Phật phổ biến khá rộng rãi; có kết quả này trước hết là được thừa hưởng ân đức của chư Tôn Túc đã chấn hưng Phật giáo trong thời cận đại[5] (nhất là chư Tôn Đức của Hội An Nam Phật Học), kế đến là được cộng hưởng sự nghiệp hoằng dương Tịnh độ hiện tại từ nước ngoài của chư Hòa thượng như ngài Tuyên Hóa, Tịnh Không, Huệ Tịnh… Với số lượng hành giả tu Tịnh độ tại nước nhà khá nhiều như thế, nhưng bút giả chưa gặp được một tác phẩm chữ Việt nào tổng hợp các pháp tu cầu sanh Cực Lạc làm tư liệu căn bản đáp ứng nhiều hạnh nguyện của hành giả. Trước nhu cầu thiết thực đó, dù tự biết kiến văn thiển bạc, hành trì thô sơ, bút giả vẫn cố gắng biên soạn tác phẩm “Pháp Hạnh Tịnh Độ” chuyên chở nội dung tổng hợp ấy, nhờ vào số tư liệu Việt văn, Hán văn bút giả hiện có, để chuyển đến quý hành giả tùy duyên sử dụng.

Qua tác phẩm này, nội dung gồm ba chương chính:

Chương I – Quá trình hình thành tông Tịnh độ: Chương này bút giả trình bày sơ lượcquá trình pháp môn Tịnh độ được đức Thế Tôn chỉ dạy cho các đệ tử tại gia, xuất gia đương thời, do đây được lưu truyền đến các đời về sau; khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa đến đời Đại sư Thiện Đạo (thời nhà Đường), pháp môn Tịnh độ trở thành một tông phái độc lập phát triển song song cùng các tông phái khác.

Chương II – Pháp tu cầu sanh Cực Lạc: Chương này gồm hai mục chính:

  1. Pháp tu Tạp hạnh: Nội dung này lại có hai nhóm:

– Tu Thuần tạp: Tu các pháp ngoài giáo lý Tịnh độ.

– Tu Xen tạp: Tu các pháp xen kẽ giáo lý Tịnh độ với các giáo lý khác. Tại đây bút giả trích giới thiệu một Nghi khóa tiêu biểu.

  1. Pháp tu Chánh hạnh: Tu các pháp thuần túy Tịnh độ. Tất cả các pháp tu này quy tụ trong năm nội dung là Đọc tụng, Quán tưởng, Lễ bái, Trì niệm và Tán thán cúng dường. Năm nội dung này lại phân thành hai nhóm:

– Tu Trợ nghiệp: Tu bốn nội dung là Đọc tụng, Quán tưởng, Lễ bái và Tán thán cúng dường.

– Tu Chánh định nghiệp (Chánh nghiệp): Chỉ Trì niệm danh hiệu đức Phật A – di – đà.

Tại mục tu Chánh hạnh này bút giả trích giới thiệu năm Nghi khóa, nội dung gồm cả Trợ nghiệp và Chánh định nghiệp làm tiêu biểu, riêng thuần tu Trợ nghiệp bút giả chỉ trích giới thiệu khái quát về 16 pháp quán trong kinh Quán Vô Lượng Thọ và 29 pháp quán trong luận Vãng Sanh, về thuần tu Chánh định nghiệp bút giả đặc biệt trình bày kỹ hơn.

Chương III – Kết luận: Quy kết rằng hết thảy pháp tu thuộc Thuần tạp, Xen tạp, Trợ nghiệp và Chánh định nghiệp để cầu sanh Cực Lạc thì pháp trì niệm danh hiệu đức Phật A – di – đà (Chánh định nghiệp) là đặc biệt, là thù thắng nhất vì thích ứng với Bổn thệ nguyện của đức Phật A – di – đà.

Ngoài ra, cuối tác phẩm bút giả thêm phần Phụ lục để bổ túc:

– Các bài tán thán đức Phật A – di – đà và pháp niệm Phật;

– Các bài Sám nguyện;

– Những điểm thiết thực mà hành giả cần thực hiện trước – trong và sau khi lâm chung.

Để hình thành tác phẩm này, bút giả chân thành đê đầu đảnh lễ chư vị Tổ sư, chư vị Tôn Đức là tác giả, soạn giả những tư liệu mà bút giả đã sử dụng. Hy vọng qua tác phẩm tổng hợp các pháp tu cầu sanh Cực Lạc khiêm tốn này sẽ trợ duyên quý hành giả đang thiếu tư liệu, để thử nghiệm nhằm chọn pháp tu nào thích ứng nhất với căn cơ, để rồi nhất hướng tinh chuyên thực hiện làm sao người tu – pháp tu hợp nhất thành một khối, đây là tố chất dẫn đến thành tựu “nhất tâm bất loạn”, được vậy thì thế giới Cực Lạc nhất định là Y báo của hành giả khi xả báo thân.

Sau cùng, qua tác phẩm này hẳn nhiên có nhiều thiếu sót và sai lầm, kính mong chư vị  Cao minh thạc đức hoan hỷ và chỉ giáo nhằm bổ túc khi tái bản được hoàn thiện hơn, đồng thời có được bao nhiêu phước đức bút giả thành tâm hồi hướng đến hết thảy Tứ chúng, và tất cả chúng sanh, nguyện cầu đều gặp Chánh pháp, đồng sanh Cực Lạc.

Nam mô A–di–đà Phật

Huế, Hồng Đức ngày 15 – 04 Tân Mão

Thích Giác Quả.

Kính bút.

[1] Cứ địa “Thiểu dục tri túc”: Là điều kiện tất yếu để hành giả tu bất cứ pháp môn gì.

[2] Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng.

[3] Kinh đã dẫn.

[4] Pháp diệt: Sau thời Mạt pháp là thời Pháp diệt, chỉ còn danh hiệu đức Phật A – di – đà lưu lại 100 năm để độ những người có duyên cuối cùng.

[5] Phong trào chấn hưng Phật giáo: Vào tiền bán thế kỷ XX.

Pages: 1 2 3 4