Chương III

KẾT LUẬN

Nội dung bút giả trình bày trên, tổng quát có hai chương chính: “Quá trình hình thành tông Tịnh độ” và “Pháp tu cầu sanh Cực Lạc”.

– Trong chương “Quá trình hình thành tông Tịnh độ”, chủ yếu là giới thiệu rõ nguồn gốc căn bản giáo nghĩa Tịnh độ, nguồn gốc ấy chính được đức Thích Tôn trực tiếp giảng dạy, từ đó hàng xuất gia, tại gia (ở Ấn Độ) đón nhận tu học và xiển dương từ thời đức Phật cho đến thế kỷ thứ IV Tây lịch. Đến khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa, đây là mảnh đất màu mỡ để tư tưởng Tịnh độ sớm trưởng thành đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái khắp nơi rực rỡ, kịp đến thời đại Đại sư Thiện Đạo (VII TL.) giáo nghĩa Tịnh độ đã được các Tổ Sư khai triển và hoằng dương viên mãn cả chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng mọi nhu cầu tu học của Tứ chúng từ thượng thượng căn đến hạ hạ căn, sánh vai cùng các tông khác như Thiền, Luật.v.v.

– Trong chương “Pháp tu cầu sanh Cực Lạc”, do bởi tư tưởng Tịnh độ Cực Lạc không chỉ giới hạn trong Kinh Luận thuộc giáo lý Tịnh độ, mà khắp các Kinh Luận khác đều được giới thiệu hoặc nhiều hoặc ít, do đây pháp tu cầu sanh Cực Lạc rất phong phú đa dạng, gồm những pháp tu thuộc giáo lý Tịnh độ và những pháp tu thuộc giáo lý các tông phái khác. Dù là thế, nhưng tất cả pháp tu ấy có thể tóm thâu trong hai pháp tu căn bản:

  1. Pháp tu Tạp hạnh:Có hai nội dung.
  2. Thuần tạp:

Gồm những pháp tu thuộc giáo lý các tông phái khác, như những  pháp tu Thiền, Luật, Mật, Duy thức… Với Thuần tạp, bút giả chỉ trình bày tổng quát chứ không giới thiệu một Nghi khóa tiêu biểu nào vì có quá nhiều hệ tu.

  1. Xen tạp:

Gồm những pháp tu đan xen giữa giáo lý Tịnh độ và giáo lý các tông phái khác; tại nội dung này bút giả chỉ giới thiệu một Nghi khóa tiêu biểu.

  1. Pháp tu Chánh hạnh:Nội dung Chánh hạnh gồm Trợ nghiệp và Chánh định nghiệp, qua đây các pháp tu gồm ba nhóm.
  2.   Thuần trợ nghiệp:

Trợ nghiệp có bốn nội dung, đó là Tụng kinh, Quán tưởng, Lễ bái và Tán thán cúng dường. Thuần tu Trợ nghiệp có thể chỉ tu một nội dung như Quán tưởng hay Cúng dường… hoặc có thể phối hợp nhiều nội dung trong một Nghi khóa, như phối hợp Tụng kinh với Lễ bái, hay Lễ bái với Quán tưởng…; tại nhóm này bút giả chỉ giới thiệu một nội dung Quán tưởng, hoặc quán 16 pháp trong kinh Quán Vô Lượng Thọ hay 29 pháp trong luận Vãng Sanh tiêu biểu.

  1. Thuần Chánh định nghiệp:

Chánh định nghiệp chỉ có một nội dung tu tập, đó là xưng niệm danh hiệu đức Phật A – di – đà, như thế thuần tu Chánh định nghiệp là chỉ thực hành niệm Phật; tại nhóm này bút giả giới thiệu 8 Phương pháp niệm Phật, 9 Thời khóa niệm Phật và Nghi khóa niệm Phật tổng quát tiêu biểu.

  1. Đan xen Trợ nghiệp và Chánh định nghiệp:

Là những pháp tu phối hợp bốn nội dung của Trợ nghiệp và một nội dung của Chánh định nghiệp, như Nghi khóa gồm Tán thán, Tụng kinh, Lễ bái và Trì danh, hoặc Nghi khóa gồm Lễ bái và Trì danh… Tại nhóm này bút giả giới thiệu năm Nghi khóa tiêu biểu.

? Tóm lại, với các pháp tu cầu sanh Cực Lạc, dù hành giả tu Tạp hạnh hay Chánh hạnh cũng phải hội đủ các nhân tố căn bản thì mục đích tu tập mới được toại nguyện, đó là:

–     Hoàn thiện Ba tư lương Tín – Nguyện – Hạnh vững mạnh.

–     Tôi luyện Tam nghiệp Thân – khẩu – ý hiền thiện.

–     Xây dựng tư tưởng yếm ly và buông xả mọi việc thế gian.

–     Tinh tấn thực hiện Thời khóa cố định và Thời khóa phụ trợ như đã phát nguyện.

–     Tinh tấn tu tập không gián đoạn và tu đến ngày cuối đời.

Mặt khác, những hành giả không tu giáo lý Tịnh độ (Chánh hạnh) mà chỉ tu giáo lý các tông phái khác (Tạp hạnh) như Thiền, Mật, Duy thức.v.v. nhưng tâm nguyện hồi hướng cầu sanh Cực Lạc thì vẫn được toại nguyện; tuy nhiên, đây là nhân quả của các bậc Đẳng Giác Bồ tát, như Đại Bồ tát Phổ Hiền tu “Thập Đại Nguyện Vương”, Đại Bồ tát Quán Thế Âm tu “Nhĩ Căn Viên Thông” hồi hướng cầu sanh Cực Lạc và đã vãng sanh…Qua đó, chỉ có các bậc đại thượng căn và thượng căn tu Tạp hạnh cầu vãng sanh mới có kết quả như ý, còn hạng trung căn, hạ căn theo chư Tổ Tịnh độ dạy (Đại sư Thiện Đạo, Thượng nhân Pháp Nhiên…) thì trong một trăm người tu chỉ có hai hoặc ba người được vãng sanh, nếu không hồi hướng thì không có người nào vãng sanh. Trái lại, trăm người tu Chánh hạnh thì trăm người vãng sanh; điều này Thiền sư Vĩnh Minh (Tổ thứ VI  tông Tịnh Độ Trung Hoa) đã khẳng định:

“Có Thiền không Tịnh độ,

Mười người chín lạc đường,

…………………………,

Không Thiền có Tịnh độ,

Vạn tu vạn thoát khổ[1],

……………………….”

Dù vậy, theo xác định của chư Tổ (Đại sư Thiện Đạo, Thượng nhân Pháp Nhiên…) để chắc chắn được vãng sanh, trong năm nội dung của Chánh hạnh, hành giả chỉ nên tu nội dung trì danh (Chánh định nghiệp), vì niệm danh hiệu đức Phật A – di – đà là đúng Bổn thệ nguyện của đức Phật, trong khi bốn nội dung của Trợ nghiệp (Tụng kinh, Quán tưởng, Lễ bái, Tán thán cúng dường) không phải Bổn nguyện của Ngài; do vậy tu bốn nội dung của Trợ nghiệp chỉ đóng vai trò thứ yếu của sự vãng sanh mà thôi. Qua sự thật này, là hành giả cầu sanh Cực Lạc, nếu tự thấy mình không phải là hạng thượng căn thì nên từ giả các pháp tu Tạp hạnh trở về với Chánh hạnh, nhưng nên chọn pháp niệm Phật để ước nguyện vãng sanh nhất định thành tựu. Bởi lẽ, hành giả nào chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A – di – đà thì sẽ được hai đại lợi ích, đó là đại lợi ích trong đời hiện tại và đời tương lai.[2]

– Lợi ích đời hiện tại: Được mười phương chư Phật hộ niệm, được đức Phật A – di – đàluôn phóng hào quang nhiếp thọ và cử 25 vị Đại Bồ tát trong đó có Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí ngày đêm bảo hộ, đồng thời cũng được chư Thiên, thiện Thần, Hộ pháp, Thổ địa… ngày đêm bảo vệ. Nhờ Tự lực hành giả niệm Phật và Tha lực gia hộ này làm cho nghiệp chướng của hành giả dần dần tiêu diệt, tuổi thọ tăng thêm, những oán kết trong quá khứ dần được giải trừ, những tai nạn do thiên nhiên, do con người, do động vật dữ đều thoát khỏi, những ước nguyện trong đời sống đều toại nguyện v.v…

– Lợi ích đời tương lai: Khi lâm chung được vãng sanh về Cực Lạc, chứng quả Bất thối chuyển đối với địa vị Phật – đà và vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau của tử sanh luân hồi trong ba cõi.

? Qua ý nghĩa trên, tóm lại, với những hành giả hạng trung căn, hạ căn có tâm nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc, để được mãn nguyện thì nên thuần nhất trì niệm danh hiệu đức Phật A – di – đà; bên cạnh, cần tinh tấn với Thời khóa cố định và phụ trợ của mỗi ngày, đồng thời sự tu tập có thể tăng dần chứ không nên giảm bớt. Nếu hành giả với Tín – Nguyện – Hạnh hiện hữu trong mỗi ngày thì hiện tại hành giả đã vãng sanh chứ không hẳn khi hết tuổi thọ mới được vãng sanh. Nói cách khác, khi hành giả tinh tấn niệm Phật hằng ngày với Tín – Nguyện chân thành thì nhân vãng sanh của hành giả đã hiện hữu và tại thế giới Cực Lạc một đóa sen đã hình thành, đến giờ phút hành giả lâm chung, đức Phật A – di – đà và Thánh chúng sẽ nâng đài sen ấy đến tiếp đón hành giả trở về Cực Lạc. Dù vãng sanh phẩm vị cao hay thấp, được ở trung tâm thế giới Cực Lạc hay vùng biên địa, nhưng được vãng sanh thì hành giả đã thoát khỏi nỗi khổ lớn nhất của thân phận chúng sanh muôn kiếp bị sanh tử luân hồi trong sáu đường ba cõi, và dù sớm hay muộn cũng chỉ một đời là thành Phật, đạt được mục đích cuối cùng của quá trình tu tập theo dấu chân Phật.

Tựu trung, con người sanh ra vốn do tham – sân – si của mình (Tập đế), lại sanh vào thời bây giờ, thời đại đã đi sâu vào Mạt pháp trên ngàn năm và đã xa cách thời đức Phật trên 26 thế kỷ; ấy thế, con người hiện hữu hôm nay hẳn nhiên tham – sân – si quá sâu nặng so với tiền nhân sanh vào thời Chánh pháp, Tượng pháp. Với thực tại tự thân như thế (Chánh báo) nên phải sống trong môi trường quá phong phú của năm dục, sáu trần[3] (Y báo), nào là vàng bạc đô – la, nào là hình sắc dung nhan, nào là địa vị danh tiếng, nào là ăn uống hội hè, nào là du lịch tham quan, nào là âm thanh đường mật, nào là hương vị quyến rũ… đang nhiễu nhương từ thành thị đến thôn quê khắp hang cùng ngõ hẻm qua mọi phương tiện thiện xảo hiện đại. Với Chánh báo Y báo như vậy, hành giả nào chỉ dựa vào Tự lực mà trong một đời này có thể đoạn tận hoàn toàn ba độc tham – sân – si để thoát khỏi sanh tử luân hồi trong ba cõi? Đấy là lý do mà đức Thích Tôn và chư Tổ đã khẳng định rằng pháp tu thích ứng với thời Mạt pháp để giúp con người ra khỏi sanh tử ngay trong đời này chỉ có pháp môn niệm Phật, bởi lẽ kết quả được vãng sanh đa phần là nương vào Tha lực Bổn nguyện của đức Phật A – di – đà, còn Tự lực của hành giả chỉ đóng vai trò phụ trợ qua thân – khẩu – ý chân thành thực hiện Tín – Nguyện – Hạnh mà thôi. Cụ thể, điều này Đại sư Ấn Quang (Tổ Sư thứ XIII tông Tịnh Độ Trung Hoa) đã tuyên bố rõ: “Thời Mạt pháp đời nay chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp, nếu ngoài pháp môn niệm Phật mà tu các pháp khác, xét về mặt gieo căn lành phước trí thì có, còn xét về mặt thoát ly sanh tử trong hiện tại thì không”[4].

Vậy nên, bút giả thành tâm cầu chúc những hành giả đã có duyên với pháp niệm Phật (A – di – đà) cần dõng mãnh tinh tấn hơn nữa thi đua với tuổi thọ để khi mạng chung nhất định sanh về thế giới Cực Lạc; đồng thời, bút giả cầu mong những vị chưa có duyên thì nên vận dụng mọiphương tiện để niệm Phật nhằm cắt đứt sanh tử cho tự thân ngay trong đời này, có như thế mới mong đáp đền bốn ân nặng đã và đang thọ nhận.

PHỤ LỤC

 

Tại phần này bút giả sẽ ghi thêm một số bài Tán thán đức Phật A – di – đà và pháp niệm Phật; tiếp theo sẽ ghi các bài Sám nguyện để giúp quý hành giả có nhiều tư liệu tùy nghi sử dụng vào các Nghi khóa hằng ngày. Cuối cùng, bút giả sẽ lược ghi một số yếu tố thiết thực mà chư Tổ đã dạy để hành giả thực hiện trong quá trình tu tập nhằm đạt được mục đích của mình.

  1. A. Những bài tán thán.
  2. Tây phương Giáo chủ, Tịnhđộ năng nhơn, Tứ thập bát nguyện độ chúng sanh, phát nguyện thệ hoằng thâm, thượng phẩm thượng sanh, đồng phú bảo liên thành.

Nam mô Tịnh độ phẩm Bồ tát (3 lần).

  1. A – di – đà Phật, túc hữu vô biên thệ, quảng kiến mê đồ, khổ hải thường phiêu nịch.

Thùy thủ ân cần, đặc giá từ hàng tế, khổ hải chúng sanh, đồng phú Liên trì hội

Liên trì hải hội Phật Bồ tát.

  1. Niệm Phật công đức, bất khả tư nghị, pháp giới phổ quang huy, tam hữu tề tư, tứ ân tổng lợi. Nguyện chúc quốc dân phước thọ vạn an, pháp giới hữu tình, đồng sanh Cực Lạc quốc. Phổ nguyện đồng sanh Cực Lạc quốc.
  2. A – di – đà PhậtĐại nguyện vương,

Từ bi Hỷ xả nan lương,

My gian thường phóng bạch hào quang,

Độ chúng sanh Cực Lạc bang,

Bát đức trì trung liên cửu phẩm,

Thất bảo diệu thọ thành hàng,

Như Lai Thánh hiệu nhược tuyên dương,

Tiếp dẫn vãng Tây phương.

Di – đà  Thánh hiệu nhược tuyên dương,

Đồng nguyện vãng Tây phương.

  1. Những bài Sám nguyện.

Những bài Sám nguyện được ghi dưới đây, bút giả trích từ:

– Tuyển tập 55 bài Sám phổ thông – Xuất bản 1993,

– Tuyển tập 55 bài Sám văn âm nghĩa trích lục tập II – Xuất bản 1996,

– Tuyển tập 55 bài Sám văn tập III – Xuất bản 1997,

Ba tập trên đều do Đại đức Đồng Bổn sưu tầm và biên tập.

 

1- SÁM DI – ĐÀ[5]

Muốn đi có một đường này,

Nhất tâm niệm Phật khó gì thoát ra.

Vậy khuyên phải niệm Di – đà,

Hồng danh sáu chữ thật là rất cao,

Hay trừ tám vạn trần lao,

Tham thiền quán tưởng pháp nào cũng thua.

Di – đà xưa cũng là vua,

Bỏ ngôi bỏ nước vô chùa mà tu,

Xét ra từ kiếp đã lâu,

Hiện là Pháp Tạng  Tỳ kheo đó mà.

Trong khi Ngài mới xuất gia,

Bốn mươi tám nguyện phát ra một lần,

Nguyện nào cũng lắm oai thần,

Nguyện nào cũng trọng về phần độ sinh.

Vì thương thế giới bất bình,

Nên chi đầu Phật mà đành bỏ ngôi,

Thầy là Bảo Tạng Như Lai,

Bạn là Bảo Hải tức ngài Thích – ca.

Thích – ca nguyện độ Ta – bà,

Di – đà nguyện mở cửa nhà Lạc bang,

Mở ao chín phẩm sen vàng,

Xây thành bách bảo đổ đàng thất trân.

Lưu ly quả đất sáng ngần,

Lầu châu gát ngọc mười phần trang nghiêm,

Hoa trời rưới cả ngày đêm,

Có cây rất báu có chim rất kỳ.

Lạ lùng cái cảnh phương Tây,

Mười phương cảnh Phật cảnh nào cũng thua,

Phong quang vui vẻ bốn mùa,

Nước reo phép Phật gió khua nhạc trời.

Di – đà có thệ một lần,

Mở ra cõi ấy tiếp người vãng sanh,

Mười phương ai phát lòng lành,

Nhất tâm mà niệm Hồng danh của Ngài.

Hằng ngày trong lúc hôm mai,

Niệm từ mười tiếng đến vài ba trăm,

Khi đi khi đứng khi nằm,

Chuyên trì niệm Phật lòng chăm phát nguyền.

Nguyện sanh về cõi Bảo Liên,

Là nơi Cực Lạc ở miền phương Tây,

Đến khi thọ mạng vô thường,

Thì Ngài phóng ngọn hào quang rước liền.

Biết bao phước đức nhân duyên,

Đã về Cực Lạc còn phiền não chi,

Suốt ngày tinh tấn tu trì,

Không già không chết có gì âu lo.

Đến khi chứng quả Phật – đà,

Tùy duyên hồi nhập Ta – bà độ sanh.

—o0o—

 

2- SÁM NGHĨA LỤC TỰ DI ĐÀ[6]

Nam thứ nhất lòng nhân bất sát,

Khắp chúng sanh bác ái, từ bi.

Chữ Mô bỏ hết ái si,

Chớ tham dâm dục mà suy đọa hoài.

A tam thứ bỏ ngoài thâu đạo,

Của của người chớ háo chớ tham.

Chữ Di nên dứt nói sàm,

Bốn điều vọng ngữ chớ găm trong lòng.

Đà đệ ngũ sáng trong soi trí,

Tránh ma men thì ý bình an.

Quy y Tam Bảo vẹn toàn,

Nhớ lời Phật dạy rõ ràng sáu âm.

Kẻ học đạo chuyên tâm nghe rõ,

Cứ xuất gia[7] thì tỏ ngộ ngay.

Rán lần sáu chữ từ đây,

Xét suy cạn lý ngộ rày chân tâm.

-o0o-

 

Nam về nhãn sắc trần đều diệt,

Chớ đê mê mài miệt trần ai.

Chữ Mô thuộc nhĩ thanh hai,

Phải đều dẹp tắt thanh bai bước đường.

A là tỵ mùi hương xa lánh,

Thích làm chi bịn rịn ái tình.

Chữ Di là thiệt khiết tinh,

Vị trần chẳng nếm, sóng tình chẳng chao.

Đà sáng suốt chiếu vào thân uẩn,

Đồ vô thường đừng bận xúc duyên.

Phật khuyên ý niệm chánh chuyên,

Pháp mầu giả dối chẳng bền chẳng lâu.

Này Phật tử thẩm sâu mấy chữ,

Cứu độ người sanh tử luân hồi,

Cố công trì niệm trau dồi,

An nhiên tự tại khỏi thời trầm luân.

-o0o-

 

Nam quyết chí dứt sân hối ngộ,

Địa ngục kia thoát lộ siêu thăng.

Mô lìa tham dục tánh xằng,

Khỏi đường Ngạ quỷ được thăng cõi trời.

A khá nhớ lo rời si muội,

Cảnh Bàng sanh được khỏi tam tai.

Di khuyên dứt tánh nghi hoài,

Khỏi lo Thần dị đọa đày bấy lâu.

Đà vi diệu gắn câu phước thiện,

Khỏi thân người ứng hiện tự do.

Phật nay tạo sẵn chiếc đò,

Rán chèo qua bể đến bờ an vui.

Muốn được vậy chớ lui một bước,

Rán công phu không trước thì sau.

Chăm hành hạnh nguyện dồi dào,

Chúng sanh độ tận bậc nào lại hơn.

-o0o-

 

Nam cố gắng đem ra bố thí,

Pháp lẫn tài vô úy chớ quên,

Đức từ mở rộng khắp miền,

Nhỏ như hạt cát không riêng chút lòng.

Mô tịnh hạnh người trong trì giới,

Chớ ố hoen mà phải hư hèn,

Lòng bi nào kể xuống lên,

Một câu thanh bạch cũng nên đạo mầu.

A vô lượng chớ âu trữ nhục,

Hãy nhu hòa hun đúc chân nguyên,

Không màng những chuyện não phiền,

Đớn đau tủi hổ dữ hiền cần chi.

Di tiến bước hằng khi tinh tấn,

Chớ kêu nài mỏi cẳng mệt hơi,

Khá xem các Phật rạng ngời,

Danh truyền thiên cổ cũng thời tinh chuyên.

Đà quang đãng soi miền Chánh định,

Vẫn an nhiên thanh tịnh bình thường,

Keo sơn gắng bó luôn luôn,

Một mai giác ngộ mười phương tỏ tường.

Phật toàn giác khai hương Bát – nhã,

Áng nguyệt quang buông tỏa chín tầng,

Rõ thông diệu lý siêu quần,

Hoàn toàn thiện ý tâm trưng Niết – bàn.

Hành lục độ lo toan bữa bữa,

Chớ than van kéo nhựa kéo dây,

Hiểu rằng cõi Phật gần đây,

Di – đà, Thế Chí với rày Quán Âm.

-o0o-

 

Nam đo đắn định tâm nghe kỹ,

Nghĩa lý kinh trí tuệ soi thông,

Ấy là ngộ đặng nhân ông,

Lo gì không đến thềm rồng Lạc bang.

Mô học hỏi cho toàn bản giác,

Nghĩa hành kinh chớ lạc tín thâm,

Nguyện hành cho thiết một tầm,

Lên đường giải thoát chân tâm an nhàn.

A thành tựu rõ ràng kinh giác,

Ngộ tánh rồi thân Pháp hiện ra,

Ba tòa qua lại lại qua,

Đã nên ba đức liên hoa đủ màu.

Di thanh tịnh Tỳ – lô pháp ngộ,

Thân Giá – na hoàn độ mười phương,

Thật là bí tạng không lường,

Di – đà thân Pháp, hiện thường cảnh chân.

Đà vô tận Báo thân viên mãn,

Lô – xá – na oai dạng trang nghiêm,

Khắp trong tam giới đắm chìm,

Thích – ca ứng hiện bể trần tiêu tan.

Phật vô lượng hóa thân thiên ức,

Đủ muôn hình tùy bậc độ sanh,

Vượt lên hết lũ hàm linh,

Long Hoa Di – lạc viên minh tánh này.

Này Phật tử nhớ ngay lục tự,

Chỉ bấy nhiêu hãy cứ hành đi,

Gắng công niệm niệm thọ trì,

Bước lên bản giác mà đi về thành.

Di – đà Cực Lạc bên mình.

 

3- SÁM NIỆM PHẬT[8]

 

Một lòng giữ niệm Di – đà,

Hồng danh sáu chữ thật là rất cao,

Năng trừ tám vạn trần lao,

Người đời nên sớm hồi đầu mới hay.

Tâm ai xin chớ mê say,

Tịnh tâm niệm Phật việc gì cũng an,

Niệm Phật tội nghiệp tiêu tan,

Muôn tai ngàn họa khỏi mang vào lòng.

Niệm Phật cứu được tổ tông,

Khỏi nơi bể khổ thoát vòng sông mê.

Niệm Phật thân tộc đề huề,

Một nhà sum họp chẳng hề ghét nhau.

Niệm Phật khỏi khổ khỏi đau,

Bao nhiêu tật bệnh mau mau hết liền.

Niệm Phật có phước có duyên,

Tấn tài tấn lợi bình yên cửa nhà.

Niệm Phật trừ đặng tà ma,

Yêu tinh quỷ quái lánh xa ngàn trùng.

Niệm Phật năng khử độc trùng,

Các loài ác thú hóa hung làm hiền.

Niệm Phật hết khùng hết điên,

Có gương trí tuệ có đàng quang minh.

Niệm Phật xóa sự bất bình,

Sự người chẳng nhớ sự tình chẳng ưa.

Niệm Phật cứu mạng long đong,

No cơm ấm áo thong dong mãn đời.

Niệm Phật cảm động khắp nơi,

Ai ai cũng mến người người đều thương.

Niệm Phật sanh dạ hiền lương,

Từ bi thì có bạo cường thì không.

Niệm Phật trời cũng thương lòng,

Thường thường ủng hộ cả trong đêm ngày.

Niệm Phật trời cũng kính vì,

Thường hay trợ niệm trong khi đứng ngồi.

Niệm Phật lòng chẳng bồi hồi,

Như cây không gió nhánh chồi chẳng rung.

Niệm Phật khỏi sự hãi hùng,

Gian tà đạo tặc chắc không tới nhà.

Niệm Phật giấc ngủ an hòa,

Chiêm bao không có niệm tà đều không.

Niệm Phật oan trái trả xong,

Nợ trần kiếp trước hết mong hỏi đòi.

Niệm Phật trăm việc xong xuôi,

Dầu sanh dầu tử cũng vui tấm lòng.

Niệm Phật hết sự đèo bồng,

Chẳng ham tài lợi chẳng màng công danh.

Niệm Phật uế nhiễm chẳng sanh,

Cái gương tâm tánh như vành trăng thu.

Niệm Phật lòng có sở cầu,

Muốn tu thời đặng dễ đâu sai lầm.

Niệm Phật hoàn đặng chơn tâm,

Bao nhiêu nghiệp cảm tiêu trầm biển khơi.

Niệm Phật chắc sống trọn đời,

Khỏi vòng nước lửa khỏi nơi hung tàn.

Niệm Phật thân thể bình an,

Khỏi vương các nạn chết oan trên đời.

Niệm Phật bổ đức các nơi,

Phá tan Địa ngục rã rời ma quân.

Niệm Phật, Phật phóng hào quang,

Các Ngài hóa Phật ngồi ngang trên đầu.

Niệm Phật, Phật chẳng bỏ đâu,

Niệm đâu Phật đó chẳng cầu chi xa.

Niệm Phật chắc Phật rước ta,

Tây phương đã sẵn một tòa bông sen.

Niệm Phật phải niệm cho chuyên,

Thì bông sen ấy liền liền tốt tươi.

Niệm Phật niệm niệm không rời,

Tinh thần đã sớm dạo chơi Liên trì.

Niệm Phật lơ láo ích chi,

Sen kia khô héo khó mà tốt tươi.

Niệm Phật cần phải kính thành,

Giữ cho thanh tịnh trong mình lục căn.

Niệm Phật như nước với trăng,

Nước trong trăng tỏ nước nhăn trăng lờ.

Niệm Phật có lắm huyền cơ,

Miễn đừng đem dạ nghi ngờ là xong.

Niệm Phật giữ một tấm lòng,

Di – đà oai đức mênh mông biển trời.

Đức Phật biến hóa khắp nơi,

Thương người cứu vớt những người trầm luân.

Chí tâm niệm Phật tinh cần,

Lâm chung ắt hẳn là ngày vãng sanh.

—o0o—

4- SÁM THẬP PHƯƠNG[9]

 

Mười phương ba đời Phật,

Di – đà đệ nhất danh,

Độ sanh lên chín phẩm,

Oai đức rộng thinh thinh.

Con nay quy y Phật,

Diệt ba nghiệp mê tình,

Bao nhiêu phần phước đức,

Hồi hướng khắp nhân sanh.

Nguyện cùng người niệm Phật,

Cảm ứng hiện điềm lành,

Lâm chung thấy cảnh Phật,

Trước mắt hiện đành rành.

Thấy nghe đều tinh tấn,

Cực Lạc đặng vãng sanh,

Thấy Phật dứt sanh tử,

Như Phật độ hàm linh.

Trừ vô biên phiền não,

Tu vô lượng pháp lành,

Chúng sanh nguyền tế độ,

Phật đạo thảy viên thành.

Hư không còn có hết,

Bổn nguyện vốn không cùng,

Hữu tình, vô tình khắp,

Trí tuệ chứng viên thông.

—o0o—

 

5- SÁM TỪ VÂN

(SÁM NHẤT TÂM)[10]

 

Một lòng mỏi mệt không nài,

Cầu về Cực Lạc ngồi tòa liên hoa,

Cha lành vốn thật Di – đà,

Soi hào quang tịnh chói lòa thân con.

Thẩm sâu ơn Phật hằng còn,

Con nay Chánh niệm lòng son một bề,

Nguyện làm nên đạo Bồ – đề,

Chuyên lòng niệm Phật cầu về Tây phương.

Phật xưa lời thệ tỏ tường,

Bốn mười tám nguyện dẫn đường chúng sanh,

Thề rằng ai phát lòng lành,

Nước ta báu vật để dành các ngươi.

Thiện nam tín nữ mỗi người,

Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra,

Ta không rước ở nước Ta,

Thệ không làm Phật chắc là không sai.

Bởi vì tin tưởng Như Lai,

Có duyên tưởng Phật sống dai không cùng.

Lời thệ bể rộng mênh mông,

Nhờ nương đức Phật thoát vòng trần lao.

Tội mòn như đá mài dao,

Phước lành thêm lớn càng cao càng dày.

Cầu cho con thác biết ngày,

Biết giờ, biết khắc biết rày tánh linh.

Cầu cho bệnh khổ khỏi mình,

Lòng không trìu mến chuyện tình thế gian.

Cầu cho thần thức nhẹ nhàng,

In như thiền định trở hoàn tánh xưa.

Đài vàng tay Phật bưng chờ,

Các vị Bồ tát bấy giờ đứng trông.

Rước con Thánh chúng rất đông,

Nội trong giây phút thảy đồng về Tây.

Xem trong cõi Phật tốt thay,

Hoa sen đua nở tánh nay sạch trần.

Hội này thấy Phật chơn thân,

Đặng nghe pháp nhiệm tâm thần sáng trưng.

Quyết tu độ chúng phàm phu,

Đủ lời thệ nguyện Phật ân rộng dài.

Phật thệ chắc thật không sai,

Cầu về Tịnh độ ai ai vui lòng.

Nguyện về Tịnh độ một nhà,

Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình.

Hoa nở rồi biết tánh linh,

Các vị Bồ tát bạn lành với ta.

-o0o-

6- SÁM KHỂ THỦ[11]

Cúi đầu thọ quy y Tam Bảo,

Cùng trung thiên Giáo chủ Thích – ca,

Tây phương Từ phụ Di – đà,

Chư Phật quá – hiện – vị lai ba đời,

Quán Tự Tại, Phổ Hiền, Sư Lợi,

Với Quán Âm, Thế Chí, Thánh Hiền,

Nguyện cầu phóng hiện oai quang,

Chiếu soi chỗ tối tiềm tàng độ sanh.

Độ quần sanh ai lân hỷ xả,

Đệ tử đồng một dạ chí thiền,

Đồng nhau tựu tại Phật tiền,

Năm thân chấm đất một nguyền chẳng sai.

Dốc một lòng tiêu tai sám hối,

Nguyện tiêu trừ những tội lỗi xưa,

Sanh ra các nguyện có thừa,

Bởi từ vô thỉ tham và sân si.

Thân khẩu ý là nơi tạo khởi,

Con phát nguyền sám hối tự tân,

Cầu cho chứng cũ bỏ lần,

Thiện căn thêm lớn mấy phần tươi xanh.

Các phiền não chí thành tiêu diệt,

Lưới vô minh trừ diệt trong lòng,

Diệu tâm Duyên Giác mở thông,

Tịch quang cảnh thật đặng trông thấy liền.

Khi thọ mạng gần miền duyên mãn,

Đã tiên tri thân mạng đến kỳ.

Thân không bệnh khổ nàn chi,

Lòng không một chút sự gì tham mê.

Sáu căn đặng đủ bề vui vẻ,

Chánh niệm thì toàn thể phân minh,

Báo thân khi xả an ninh,

Ví như thiền định không hình kém suy.

Phật Di – đà, Quán Âm, Thế Chí,

Với Thánh Hiền các vị rất đông ,

Phóng quang tiếp dẫn qua sông,

Đem về Cực Lạc hưởng chung phước nhàn.

Có lầu gác, tràng phan, bảo cái,

Cùng vị hương thiên nhạc tỏ tường,

Nghiêm trang cõi Thánh Tây phương,

Hiện ra trước mắt rõ ràng chẳng sai.

Khiến cho kẻ thấy nghe phấn chí,

Lòng vui mừng phát ý Bồ – đề,

Con trong khi ấy đặng về,

Theo hầu bên Phật tại đài kim cang.

Ví móng tay khảy ngang kêu “cắc”,

Đã sanh về Cực Lạc quốc bang,

Trong ao thất bảo rõ ràng,

Hoa sen chín phẩm mình vàng ngồi trong.

Nở ra thấy kim dung Phật sắc,

Cùng các ngôi Bồ tát đâu đâu,

Nghe xong tiếng pháp nhiệm mầu,

Vô sanh liền đặng chứng vào chẳng sai.

Trong khoảng khắc đặng về Phật vị,

Ngỏ mong cầu thọ ký cho con,

Sau khi đặng thọ ký rồi,

Tam không tứ trí thảy đều viên dung.

Lại cùng đặng lục thông ngũ nhãn,

Cùng bách thiên vô hạn Đà – ni,

Bao nhiêu công đức cũng thì,

Thảy đều thành tựu trong khi ấy rồi.

An Dưỡng quốc sau con hồi tỵ,

Nhập Ta – bà cho phỉ dạ mong,

Chia thân ra số rất đông,

Ứng trong thế giới giáp vòng mười phương.

Lấy thần lực chẳng lường lao khổ,

Vận chước mầu cứu độ quần sanh,

Làm cho lìa các nhiễm tình,

Mau mau đem đặng lòng thanh tịnh về.

Cõi Cực Lạc đề huề sanh đó,

Vào cõi này không có trở lui,

Ấy là Đại nguyện viên dung,

Không cùng thế giới không cùng chúng sanh.

Nghiệp phiền não cũng gần vô tận,

Con thề nguyền trọn phận chẳng chăng,

Nay con lễ Phật nguyện rằng,

Công con tu luyện thí sang hữu tình.

Trọn bốn ân chí thành đều đủ,

Ba cõi đều hưởng thụ vẻ vang,

Biết bao thế giới mênh mang,

Chúng sanh chủng trí một đàng đồng viên.

—o0o—

7- KỆ VĂN VÔ SINH

NIỆM PHẬT[12]

 

Lửa mồi ánh chớp có gì đâu!

Ân ái sao còn quấn quít nhau?

Một túi da khô đầy uế vật,

Tấm thân vàng kệch rượu cơm bầu.

Luân hồi sống chết ai là khỏi,

Tờ lệnh Diêm La kíp tới hầu,

Phúc tội tóc tơ bày rõ hết,

Phân minh sổ sách trước như sau.

Cột đồng giường sắt trông ghê khiếp,

Than khóc kêu gào tránh được đâu!

Hối lại tu hành e đã muộn,

Đầu thai làm kiếp ngựa hay trâu.

Nghiệp duyên chồng chất quên đời trước,

Nhờ Phật rồi đây mới thoát cầu,

Một điểm “Chân như” ai nấy sẵn,

Thoát vòng sanh tử niệm lên mau.

Quạ bay, thỏ chạy chóng như thoi,

Than hỡi! Đời ta được mấy hồi,

Chỉ cõi Tây phương nơi Lạc cảnh,

Quay đầu ta kíp niệm đi thôi!

Nam mô A – di – đà Phật.

Dù cho nhà ngọc với kho vàng,

Cảnh đến vô thường khó nỗi mang,

Chỉ cõi Tây phương nơi Lạc cảnh,

Quán Âm Bồ tát độ cho sang,

Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát.

Sống lâu bảy chục mấy ai đâu,

Trăm tuổi xem như bóng ngựa câu,

Chỉ cõi Tây phương nơi Lạc cảnh,

Cầu xin Thế Chí độ sang mau,

Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát.

Dơ tay, cất bước tội ngang mày,

Địa ngục đao sơn cửa rộng thay,

Chỉ cõi Tây phương nơi Lạc cảnh,

Cầu xin Địa Tạng độ sang ngay,

Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát.

Hàm đan giấc mộng có hay chi?

Cuộc thế lân la cái nỗi gì?

Chỉ cõi Tây phương an lạc cảnh,

Thanh Tịnh Bồ tát độ cho về,

Nam mô Thanh Tịnh Hải chúng Bồ tát.

Nguyện vong chóng sanh sang Tịnh độ,

Ngôi cửu liên là chỗ náu nương,

Vô sanh, sen nở ngát hương,

Chư Tôn Bồ tát bên đường tiếp nghinh.

Chốn ao báu muôn sen đua nở,

Phật Di – đà, Thế Chí, Quán Âm,

Tiếp hồn lên cõi Lạc tâm,

Phát lời thệ nguyện dự phần tiêu dao.

—o0o—

8- KHUYẾN TU TỊNH ĐỘ[13]

 

Tu hành phương tiện nhiều đường,

Niệm Phật một pháp lạ thường dễ thay!

Gọi là cầu sanh Tây phương,

Cực Lạc thế giới ta nay nương về,

Gọi là Tịnh độ tu trì,

Nghĩa là thanh tịnh tội thì không sinh.

Ba tạng Mười hai bộ kinh,

Kinh nào cũng nói phân minh pháp này,

Tám muôn bốn ngàn môn nay,

Môn nào cũng khuyến vãng rày Tây phương.

Niệm Phật một pháp rõ ràng,

Hơn cả mọi pháp chẳng đường nào hơn,

Cổ Đức bàn rằng các môn,

Học đạo như kiến lên non bao giờ.

Niệm Phật tu hạnh nhất thừa,

Chóng như gió thổi buồm nhờ nước xuôi,

Tây phương mà đã sanh rồi,

Chỉ phần lên chẳng phần lui sau này.

Thượng phẩm Phật quả chứng ngay,

Hạ phẩm thì cũng hơn dầy Thiên cung,

Công đức lớn rộng chẳng cùng,

Tu thời dễ vậy nào chưng khổ gì.

Gái trai già trẻ mới khi,

Sang hèn Tăng tục cũng thì mặn chay,

Ai ai tu cũng được dầy,

Ngày mười câu niệm công nay cũng thành.

Niệm rồi khấn nguyện phân minh,

Sau này đến lúc Phật nghinh tiếp về,

Xin người niệm Phật với tôi,

Cùng sanh nước Phật rất vui thay là,

Thấy Phật rồi khỏi luân hồi,

Cùng như đức Phật độ loài quần sanh.

Thấy đời mà tiếc cho đời,

Có thân bất hoại mà người chẳng tu,

Trải trong thế giới Diêm – phù,

Dưới Trời mấy kẻ thoát lò hỏa nhi.

Chỉ có đạo Phật từ bi,

Muốn qua đường khổ tu trì lấy thân,

Tụng kinh niệm Phật chủng nhân,

Tam quy ngũ giới giữ phần quả sau,

Muôn ngàn ức kiếp vui lâu,

Khỏi vòng quanh lại được mầu kim thân.

Tu Tịnh độ cứ một bề,

Chăm chăm lòng chỉ cầu về Tây phương,

Công phu một chốc ngày thường,

Sau rồi ức kiếp rộng trường được lâu.

Ví người buôn bán mãi đâu,

Một quan lợi hóa ra hầu làm hai,

Trong lòng mừng rỡ chẳng thôi,

Ấy là lợi nhỏ lòng thì hỷ hoan.

Hay là mất vốn một quan,

Trong lòng cũng tiếc lo toan ngại ngần,

Ấy là vật ở ngoài thân,

Được nhỏ mất nhỏ thường thần lo toan,

Bụng sáng ta chẳng nghe bàn,

Lặn lội mất lớn chẳng toan lo gì.

Pháp tu nay khó gặp kỳ,

May mà biết được lớn khi thế nào,

Mừng nay lại biết là bao,

Thế gian như mộng chiêm bao ra gì.

Phật nói kinh Di – đà khi,

Ta thấy thế lợi Ta thì nói ra,

Sáu phương chư Phật đều là,

Bảo rằng thành Phật nên mà tín khen.

Phật bảo Ta ở thế gian,

Nói pháp xa rộng khó bàn khó tin,

Pháp này phúc lớn nhân duyên,

Ai mà gặp được quả nhiên thoát trần.

Người thế gian tiểu khí thân,

Thấy lời kinh giáo phân vân hững hờ,

Ấy là bụng dạ hèn sơ,

Còn nhiều tội chướng bơ vơ trong lòng.

 

—o0o—

  1. C. Những điểm thiết thực cần thực hiện trước khi, trong khi và sau khi lâm chung:

Căn cứ vào lời dạy của chư Tổ Tịnh độ, dưới đây bút giả sẽ lược ghi một số điểm thiết yếu mà hành giả cầu sanh Cực Lạc cần hiểu rõ để thực hiện trong quá trình tu tập, nhất là thời điểm sắp lâm chung để mục đích ấy được toại nguyện.

  1. 1. Với hành giả.

– Hành giả cần trao đổi với môn đồ (hoặc với thân nhân) về pháp tu tập và nguyện vọng của mình, để họ trợ duyên hằng ngày cũng như trong khi và sau khi lâm chung.

– Hành giả cầu sanh Cực Lạc, hằng ngày cần tinh tấn thực hiện Thời khóa đã phát nguyện, và luôn bồi dưỡng Ba tư lương Tín – Nguyện – Hạnh mỗi ngày mỗi kiên cố hơn. Bên cạnh, tập xả bỏ dần mọi thứ của năm dục sáu trần từ nhỏ đến lớn, từ xa đến gần để nhân duyên trần tục lắng đọng, giúp chí nguyện cầu vãng sanh dễ thuần tịnh và khi lâm chung Chánh niệm dễ hiện hữu.

– Những gì cần di chúc thì hành giả nên thực hiện khi còn khỏe mạnh để tâm thức nhẹ nhàng thanh thản.

– Đang khi tu tập hành giả cần hóa giải tâm lý sợ chết để khi lâm chung đối diện với sự chết một cách an ổn.

– Giờ phút lâm chung hành giả chỉ nên nhất tâm niệm Phật, không cần phải suy nghĩ bất cứ điều gì hoặc nói chuyện bất cứ người nào, trừ việc rất cần thiết (khi còn khỏe) thì có thể chỉ nói với thị giả (người trực tiếp chăm sóc).

  1. 2. Với đệ tử, môn đồ (hoặc con cháu thân thuộc).

– Đệ tử (hay thân nhân) của hành giả cần trợ duyên tốt giúp hành giả thuận duyên tinh tấn tu tập theo lý tưởng của mình, sự trợ duyên ấy cũng là một hạnh tu vậy (tùy hỷ công đức).

– Thời gian hành giả yếu, hàng đệ tử (hay thân nhân) nên thỉnh hình ảnh đức Phật A – di – đà hay Tam Thánh Tây phương (A – di – đà, Quán Âm, Thế Chí) tôn trí tại phòng hành giả để hành giả chiêm ngưỡng nhằm tự thức tỉnh về mục đích tu tập của mình.

– Đệ tử (hay thân nhân) của hành giả nên thưa trình với quý vị đến thăm rằng xin quý vị hoan hỷ hạn chế vào phòng thăm hành giả, nếu vị nào cần vào thì không nên hỏi chuyện để giúp hành giả tịnh tâm niệm Phật.

– Tán thán công phu tu tập của hành giả (hay những điểm tốt trong cuộc sống) để hành giả khởi tâm hoan hỷ và tin tưởng được vãng sanh (nên chọn người mà hành giả thường kính trọng, thương mến để đảm nhiệm việc này).

– Cần chia phiên niệm Phật trợ duyên cho hành giả, trước khi thực hiện điều này, những vị trợ niệm cần hiểu rõ hành giả hằng ngày thường niệm 6 chữ hay 4 chữ và dùng mõ nhỏ, mõ to hay khánh để theo tập quán ấy mà thực hiện, nhằm giúp hành giả dễ niệm theo, hầu đủ nhân duyên cảm ứng đến đức Phật A – di – đà và Thánh chúng đến tiếp dẫn.

– Niệm Phật trợ duyên trước và sau khi hành giả lâm chung thì nên chia phiên từng nhóm, trong lúc hành giả hấp hối thì tất cả đều trợ niệm. Niệm Phật trợ niệm phải đến sau khi hành giả tắt thở 8 giờ mới có thể nghỉ.

– Trước khi hành giả lâm chung, những đệ tử (hay thân nhân) nào không chế ngự được tình cảm, có nét mặt buồn rầu, rơi nước mắt hay khóc lóc thì không nên vào phòng hành giả, nhất là những người khóc có tiếng cần lánh xa, đừng để hành giả nghe tiếng mà khởi vọng tâm làm trở ngại sự vãng sanh.

– Trong khi hành giả đang hấp hối cho đến 8 giờ kể từ khi tắt thở, những đệ tử (hay thân nhân) không nên sờ mó vào thân thể hành giả, không nên khóc lóc và gây tiếng động mạnh, bởi lẽ những hành động ấy sẽ làm thần thức hành giả khởi lên tâm sân hận, tâm luyến ái… dẫn đến kết quả xấu ác cho hành giả.

  1. 3. Kết luận.

– Mục đích của hành giả tu Tịnh độ là cầu được vãng sanh Cực Lạc, thế nên hằng ngày hành giả luôn tỉnh giác để ưu tiên cho Thời khóa tu tập của mình.

– Giờ phút lâm chung, hành giả cẩn tỉnh giác niệm Phật, về phía đệ tử (hay thân nhân) thì thành khẩn niệm Phật trợ duyên, đây là nhân duyên chủ yếu giúp hành giả được vãng sanh; cácNghi thức trong thời gian tang lễ chỉ thực hiện theo tập quán ít có lợi ích cho hành giả, trường hợp Nghi thức ấy được thực hiện theo giáo lý Tịnh độ thì có lợi ích hơn.

– Sự kiện hành giả và đệ tử (thân nhân) niệm Phật trong giờ phút sắp lâm chung có hai lợi ích:

? Nếu thọ mạng hành giả đã hết thì được vãng sanh Cực Lạc.

? Nếu thọ mạng hành giả chưa hết thì sức khỏe chóng bình phục.

 

[1] Liên Tông Thập Tam Tổ, trang 81.

[2] Xem Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh trang 49 đến 58 cùng soạn giả.

[3] – Năm dục (Ngũ dục): Năm đối tượng tham cầu của con người đó là: Tiền tài, hình sắc, địa vị danh tiếng, ăn uống và ngủ nghỉ.

– Sáu trần (Lục trần): Sáu đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đó là: hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc giác và hình ảnh lưu lại của các đối tượng này.

[4] Trích từ Ấn Quang Đại sư Văn Sao.

[5] Sám Di – Đà: Từ trang 99 đến trang 102, Tuyển tập xuất bản 1993.

[6] Sám Nghĩa Lục Tự Di – Đà: Từ trang 164 – 170, Tuyển tập tập III, Xuất bản 1996.

[7] Xuất gia: Chỉ tâm xuất gia, chứ không phải hình thức xuất gia.

[8] Sám Niệm Phật: Từ trang 148 – 153. Tuyển tập xuất bản 1993.

[9] Sám Thập Phương: Từ trang 102 – 103, tập III xuất bản 1997.

[10] Sám Từ Vân: Từ trang 157 – 159, Tuyển tập xuất bản 1993.

[11] Sám Khể Thủ: Từ trang 69 – 73, Tuyển tập tập II – Xuất bản 1996.

[12] Kệ Văn Vô Sinh Niệm Phật: Từ trang 172 – 174, Tuyển tập III – Xuất bản 1997.

[13] Khuyến Tu Tịnh Độ: Từ trang 237 – 240, Tuyển tập III – Xuất bản 1997.

Tư Liệu Tham Khảo

  1. Sách tiếng Việt:

1.Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, HT. Thích Trí Tịnh dịch, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1999.

  1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tâm Minh dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2007.
  2. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Sa môn Thích Hưng Từ dịch, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
  3. Kinh Vô Lượng Thọ, HT. Thích Tuệ Đăng dịch, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2003.
  4. Thượng nhân Pháp Nhiên, Tuyển Trạch Tập, Pháp sư Huệ Tịnh biên đính, TK. Thích Giác Quả dịch, Lưu hành nội bộ, 2009.
  5. Pháp sư Tín Nguyện,Lợi Ích Thù Thắng Của Khai Thị Trợ Niệm, TK. Thích Giác Quả dịch, Lưu hành nội bộ, 2008.
  6. Liên Tông Thập Tam Tổ, HT. Thích Thiền Tâm dịch, Lưu hành nội bộ, 2008.
  7. Pháp sư Huệ Tịnh,Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh, Pháp sư Tịnh Tông biên đính, TK. Thích Giác Quả dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2010.
  8. HT. Thích Trí Thủ,Pháp Môn Tịnh Độ, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998.
  9. ĐĐ. Thích Đồng Bổn,Tuyển Tập 55 Bài Sám Phổ Thông, Thành hội Phật giáo, Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
  10. ĐĐ. Thích Đồng Bổn,Tuyển Tập 55 Bài Sám Văn Âm Nghĩa Trích Lục Tập II, Thành Hội Phật Giáo, Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
  11. ĐĐ. Thích Đồng Bổn,Tuyển Tập 55 Bài Sám Văn III, Thành hội Phật giáo, Thành phố Hồ Chí Minh, 1997.
  12. HT. Thích Thanh Kiểm,Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc,Nhà xuất bản Tôn giáo, 2001.
  13. Từ Điển Phật Học Hán Việt,Phân Viện Nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1998.
  14. Sách tiếng Hán:
  15. Bá Nguyên Hữu Nghĩa,Tịnh Độ Tam Bộ Kinh Giảng Thoại, Pháp sư Huệ Tịnh và Giang Chi Địa dịch, Bổn Nguyện Sơn Di – Đà Giảng Đường, 2001.
  16. Bảo Tịnh Đại sư,Đại Thừa Khởi Tín Luận Diễn Nghĩa, Hương Cảng Phật Kinh Lưu Thông Xứ Xuất Bản, 1972.
  17. Thiên Thân Bồ tát,Vãng Sanh Luận Chú Yếu Nghĩa, Đàm Loan Tổ Sư Chú giải, Huệ Tịnh Pháp sư dịch, Bổn Nguyện Sơn Di – Đà Giảng Đường, 2002.
  18. Tịnh Không Pháp sư,Vãng Sanh Luận Tiết Yếu, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, 2003.
  19. An Lạc Tập, Phàm Phu dịch, Cao Hùng Tịnh Tông Học Hội, 2000.
  20. Thiện Đạo Đại sư,Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, Bổn Nguyện Sơn Di – ĐàNiệm Phật Hội, 1999.
  21. Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tuyển Độc, Trịnh Nam Huân Tuyển tập, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, 2002.
  22. Thích Tâm Tịnh,Niệm Phật Vãng Sanh Nghi, ấn tống năm thứ V đời vua Duy Tân.
  23. Tảo Vãng Khóa Niệm Tụng Nghi Quy, Trú Trì Thọ Dã KỉnhẤn, 1970.
  24. Từ Vân Sám Chủ Tuân Thức Đại sư,Tịnh Độ Sám Nghi,đời Tống.
  25. Liên Cư Thức, Tịnh Tu Tiệp Yếu,Đài Nam Thị Tịnh Tông Học Hội, 2002.
  26. Thiền Môn Nhật Tụng, bản khắc tháng giêng năm Thành Thái thứ X.
  27. Tịnh Độ Tam Bộ Kinh Độc Bản, Huệ Tịnh Pháp sư biên đính, Tịnh Tông ấn Kinh Hội Xuất Bản, 2002

[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]

Pages: 1 2 3 4