Chương I

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TÔNG TỊNH ĐỘ

Trong 45 năm thuyết pháp độ sanh, đức Thích Tôn giới thiệu rất nhiều pháp hạnh để hàng Tứ chúng[1] tu tập ra khỏi sanh tử luân hồi, trong đó có pháp hạnh cầu sanh Tịnh độ Cực Lạc phương Tây của đức Phật A – di – đà. Nội dung chủ yếu pháp hạnh này được Thế Tôn trình bày trong ba thời pháp được ghi lại là: kinh Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ, kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ, và kinh Phật Thuyết A – di – đà. Nếu nói đủ, trong mọi thời thuyết pháp khác, Thế Tôn vẫn thường khích lệ thính chúng hãy phát tâm cầu sanh thế giới Cực Lạc để sự tu tập được dễ dàng, và nhanh chóng chứng quả vị Phật – đà, đồng thời không bị thối chuyển đối với quả vị giải thoát tối hậu ấy. Tiêu biểu như kinh Hoa Nghiêm, được giảng tại cội Bồ – đề sau khi Thế Tôn thành đạo, kinh kết thúc ở phẩm 40, “Phẩm Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện”; tại đây Bồ tát Phổ Hiền hướng dẫn Đồng tử Thiện Tài[2], sau khi đã trải qua 52 lần tầm sư học đạo cùng với hải chúng hãy tu tập mười Đại Nguyện Vương của Bồ tát rồi hồi hướng cầu sanh Tịnh độ Cực Lạc để đảm bảo không thối thất với quả vị Chánh Giác. Hoặc như kinh Lăng Nghiêm, cũng dành một chương, “Chương Đại Thế Chí Viên Thông” (hay Kiến Đại Viên Thông), để thức tỉnh thính chúng hãy niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, ngoài ra các kinh khác cũng đều khuyến khích tương tự như thế, như kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bảo Tích, kinh Địa Tạng.v.v.

Căn cứ giáo huấn của Thế Tôn về pháp hạnh cầu sanh Cực Lạc này, đến đầu thế kỷ II TL, Bồ tát Mã Minh[3] khi viết “Luận Khởi Tín Đại Thừa”, ở chương IV – chương cuối, trình bày“Cách tu tập” – cách tu tín tâm đối với Đại thừa hay đối với Chân tâm, Phật tâm đang hiện hữu trong mỗi người, mỗi chúng sanh; với những hành giả chưa chứng Chánh định tụ, Bồ tát khuyên họ nên phát tâm chuyên niệm danh hiệu đức Phật A – di – đà cầu sanh thế giới Cực Lạc, đồng thời có được bao nhiêu thiện phước đều hồi hướng thì nhất định vãng sanh. Khi về Cực Lạc luôn được thấy Phật nên đức tin ấy không còn bị thối chuyển nữa, đây là cách tu để đề phòng sự thối chuyển đối với Chân tâm hay Phật quả, cũng là cách tu để thoát khỏi sanh tử luân hồi, khi đến Cực Lạc muốn tu Thiền hay bất cứ pháp nào cũng đều thuận duyên.

Đến cuối thế kỷ II TL, khi viết “Luận Thập Trụ Tỳ – Bà – Sa” Bồ tát Long Thọ[4] cũng dành một phẩm – “Phẩm Dị Hành”, để giới thiệu pháp hạnh cầu sanh Cực Lạc. Đại để, Bồ tát quy kết hết thảy pháp hạnh đức Thế Tôn dạy thành hai hệ gọi là Nhị đạo, một là “Đạo lý dễ tu” (Dị hành đạo) và một là “Đạo lý khó tu” (Nan hành đạo). Đạo lý dễ tu là thực hành giáo nghĩa Tịnh độ cầu sanh Cực Lạc, Đạo lý khó tu là thực hành các pháp ngoài giáo lý Tịnh độ. Sở dĩ gọi là Đạo lý dễ tu vì nương vào Bổn nguyện (Tha lực, Phật lực) của đức Phật A – di – đà, Ngài thệ nguyện rằng người nào trì niệm danh hiệu Ngài thì được vô lượng công đức và luôn được Ngài nhiếp thọ, khi vãng sanh liền chứng địa vị Bất thối chuyển.

Đến thế kỷ IV TL, ngoài những tác phẩm Duy thức, Bồ tát Thiên Thân (Thế Thân) còn đặc biệt viết “Luận Vãng Sanh” nói lên tâm nguyện mong cầu vãng sanh Cực Lạc của mình, và đồng cầu nguyện hết thảy chúng sanh đều được vãng sanh, Ngài viết:

Thế Tôn! Con nhất tâm,

Quy mạng khắp mười phương,

Như Lai Vô Lượng Quang,

Nguyện sanh cõi An Lạc.

Con làm Luận, nói kệ,

Nguyện thấy Phật Di–đà,

Cùng hết thảy chúng sanh,

Vãng sanh cõi An Lạc.

Khi Phật giáo du nhập Trung Hoa, trong đó có giáo lý Tịnh độ, đến đầu thế kỷ VI TL, Đại sư Đàm Loan thừa tiếp tư tưởng xiển dương Tịnh độ của Đại sư Tuệ Viễn[5] và ba vị Bồ tát tại Ấn Độ, Ngài lại khẳng định rằng hành giả tu tập có hai hình thái nương tựa, một là Tự lực và một là Tha lực (Nhị lực). Đạo lý khó tu thuộc Tự lực, Đạo lý dễ tu thuộc Tha lực. Trong “Vãng Sanh Luận Chú” Ngài giải thích rằng: “Đạo lý dễ tu vì chỉ dựa vào nhân duyên tin Phật mà nguyện sanh Cực Lạc, nhờ năng lực Bổn nguyện của Phật A – di – đà mà được vãng sanh cõi ấy, đồng thời bất cứ người nào nguyện vãng sanh đều được vãng sanh chỉ cần không phỉ báng Chánh pháp”.

Kế đến, cuối thể kỷ VI TL, Thiền sư Đạo Xước lại đề xướng tư tưởng Nhị môn, một là Thánh Đạo môn và một là Tịnh Độ môn, rồi xác định rằng Đạo lý khó tu thuộc Thánh Đạo môn, Đạo lý dễ tu thuộc Tịnh Độ môn. Trong “An Lạc Tập” Thiền sư viết: “Thời Mạt pháp bây giờ[6]đang là thời kỳ ác dữ đầy đủ năm thứ ô trược, chỉ có pháp tu Tịnh độ mới có thể giúp hành giả ra khỏi sanh tử”. Một đoạn khác ghi: “Tu tập vạn hạnh nếu đem hồi hướng tất cả cũng không thể vãng sanh, nhưng chỉ một pháp niệm Phật sẽ đến Cực Lạc”. Lại ghi: “Nếu người nào khi lâm chung không thể niệm Phật được, chỉ biết phương Tây có đức Phật A – di – đà rồi khởi lên ý niệm muốn vãng sanh cũng được vãng sanh”.

Đến thế kỷ VII TL, đệ tử Thiền sư Đạo Xước là Đại sư Thiện Đạo[7], lại đề xướng thuyết Nhị hạnh, là Tạp hạnh và Chánh hạnh, rồi xác định tu Thánh Đạo môn là Tạp hạnh khó thoát sanh tử và không được vãng sanh, còn tu Tịnh Độ môn là Chánh hạnh rất dễ vãng sanh và đã vãng sanh là thoát khỏi sanh tử luân hồi. Đại sư bảo rằng các pháp tu khác dù là thiện pháp nhưng so với pháp niệm Phật thì không thể sánh bằng. Chính thế, trong các kinh, kinh nào cũng tán thán về công năng niệm Phật… Và kết luận: “Gần đây, hàng Tăng tục kiến giải bất đồng, người thích Chuyên tu, kẻ ưa Tạp hạnh. Xin khuyên nhắc rằng nếu chuyên niệm Phật, mười người niệm mười người vãng sanh, còn Tạp tu mà không chí tâm thì trong ngàn người khó có một người vãng sanh, nguyện tất cả hãy suy xét kỹ!”

Thế nên:

“Chỉ cần chuyên tâm niệm hiệu Phật,

Mười người niệm Phật, mười người sanh.

Tạp tu chẳng chuyên tâm niệm Phật,

Trong ngàn người không một người sanh.”

Đến đời Đại sư Thiện Đạo, pháp tu Tịnh độ đã hoàn thiện và thành một tông phái độc lập có đủ Giáo – Hạnh – Tín – Chứng tương đương với Giáo – Lý – Hạnh – Quả của các tông phái thuộc Thánh Đạo môn như Thiền, Mật, Thiên Thai… đương thời.

Đến đây, một vấn đề tương hệ mà chúng ta nên tìm hiểu, đó là giáo pháp đức Thích Tôn đã giới thiệu sẽ hiện hữu được bao lâu trong đời? Giải trình vấn đề này có rất nhiều thuyết, tại đây bút giả chỉ trích dẫn hai thuyết[8].

– Thuyết thứ nhất: Theo “kinh Đại Thừa Tam Tụ Sám Hối” chỉ đề cập đến hai thời kỳ là thời Chánh pháp và thời Tượng pháp, mỗi thời kỳ dài 500 năm, thời Chánh pháp kể từ khi đức Thế Tôn nhập diệt.

– Thuyết thứ hai: Theo “kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, kinh Ma Da, kinh Hiền Kiếp…” thì đề cập đủ ba thời kỳ, thời Chánh pháp dài 500 năm (khoảng từ 543 TTL. đến 43 TTL.), thời Tượng pháp dài 1.000 năm (khoảng 43 TTL. đến 957 TL.), và thời Mạt pháp dài 10.000 năm (khoảng từ 957 TL. đến 10.957 TL.). Gọi là Chánh pháp là thời kỳ mà pháp nghi, hành nghi được đệ tử Phật thực hiện nghiêm túc như thời đức Thế Tôn tại thế, tức thời kỳ có giáo lý, có người hành trì và có người chứng đạo. Gọi là Tượng pháp là thời kỳ mà đạo pháp đã thay đổi, tức chỉ có giáo lý còn hành trì na ná như thời Chánh pháp nên người chứng đạo rất hạn hữu. Gọi là Mạt pháp là thời kỳ chỉ có giáo lý mà không có người hành trì nên không có ai chứng đạo.

Với hai thuyết trên, nếu đối chiếu thuyết thứ nhất thì ba vị đầu (Mã Minh, Long Thọ, Thiên Thân) thuộc thời kỳ Tượng pháp, ba vị sau (Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo) thuộc thời kỳMạt pháp. Nếu đối chiếu thuyết thứ hai thì cả sáu vị đều thuộc thời kỳ Tượng pháp. Tuy nhiên, dù hai thuyết có sai khác nhưng giai đoạn sáu vị ra đời đều có một điểm chung, là hàng đệ tử Phật rất khó chứng đạo, rất khó thoát ly sanh tử. Trước thực trạng ấy, chư vị Long tượng đã tiên phong thắp sáng con đường duy nhất có thể thoát ly sanh tử sau thời Chánh pháp mà đức Thế Tôn đã giới thiệu cho phu nhân Vi – đề – hy và vua Tịnh – phạn khi tại thế, đó là con đường cầu sanh thế giới Cực Lạc phương Tây, nơi mà đức Từ Tôn A – di – đà đang thuyết pháp;  nhằm khuyến tấn hàng Tứ chúng hãy dõng mãnh buông xả các pháp khác quay về với pháp tu Tịnh độ để sớm ra khỏi ba cõi và không bị thối chuyển đối với quả vị Phật – đà. Với hạnh nguyện cực lực xiển dương pháp tu Tịnh độ của chư Bồ tát, chư Đại sư như thế, nên pháp Tịnh độ được phổ cập trong Tứ chúng khắp cõi Trung Hoa và các nước lân cận.

[1] Tứ chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu – bà – tắc và Ưu – bà – di,.

[2] Đồng tử Thiện Tài: Đại diện cho những hành giả tìm đạo.

[3] Bồ tát Mã Minh: Tổ Thiền thứ 12 kể từ sơ Tổ Ca Diếp.

[4] Bồ tát Long Thọ: Tổ Thiền thứ 14.

[5] Đại sư Tuệ Viễn: Sơ Tổ tông Tịnh Độ.

[6] Thời Mạt pháp bây giờ: Thiền sư dựa theo thuyết của kinh Đại Thừa Tam Tụ Sám Hối, theo kinh dạy thời Chánh pháp, Tượng pháp mỗi thời có 500 năm.

[7] Đại sư Thiện Đạo: Nhị Tổ tông Tịnh Độ.

[8] Hai thuyết: Lược trích từ Từ Điển Phật Học Hán Việt.

Pages: 1 2 3 4