Pháp Giới

Từ Điển Đạo Uyển

法界; C: făjiè; J: hokkai; S: dharmadhātu; P: dhammadhātu; nghĩa là “Cảnh giới của các Pháp”;
Pháp (法) xuất phát từ tiếng Phạn với ngữ căn dhr, có nghĩa giữ gìn, duy trì, đặc biệt duy trì hành vi của con người. Giới (界, s: dhātu) xuất phát từ danh từ giống đực với ngữ căn dha trong tiếng Phạn, có nghĩa là “phần tử, yếu tố”, nhưng sau khi thành thuật ngữ Phật học, nó bắt đầu có nghĩa là “tính”. Trong thuật ngữ nầy, Pháp có nghĩa là các cấu trúc cơ bản (chư pháp 諸法) và giới có nghĩa là “đánh dấu phạm vi” của các pháp.
1. Là 1 trong 18 pháp giới (Thập bát giới 十八界), là đối tượng của mạt-na thức. Nơi mà các pháp được nhận biết, do vậy nghĩa nầy tương đương với “pháp xứ” (法處); 2. Phạm vi, ranh giới; 3. Đặc biệt trong giáo lí Đại thừa, pháp giới đề cập đến nền tảng ý thức hoặc nguyên lí – nguồn gốc của các hiện tượng. Trong hình thái giáo lí nầy, khi toàn thể vũ trụ hiển bày như là thế giới hiện tượng thì các hiện tượng ấy được xem như là biểu hiện cuả chân như. Do vậy, Pháp giới nầy, hiện hữu chân thật như chúng đang là, tương đương với Pháp thân (法身) Phật; 4. được xem như là 1 trong 18 giới theo giáo lí của Du-già hành tông, gồm 82 pháp được xếp vào trong các phạm trù: bất khả tư nghì pháp, sắc pháp, tâm pháp, tâm bất tương ưng hành pháp, vô vi pháp; 5. Giáo lí Hoa Nghiêm chủ trương 4 pháp giới: Sự pháp giới, Lí pháp giới, Lí sự vô ngại pháp giới, Sự sự vô ngại pháp giới; 6. Trong luận Đại thừa khởi tín, Pháp giới được đồng nhất với nghĩa Nhất tâm (一心).