Phần III
 
Chú giải
 
Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa
của
Nam Nhạc Tuệ Tư Đại Thiền Sư
 (Daniel B. Stevenson và Hiroshi Kanno)
 
Nam Nhạc Tư Đại Thiền Sư
thuyết vào đời Trần

[697c19] Kinh Pháp Hoa là pháp môn “đốn giác” của Đại thừa [1], nơi mà một hành giả giác ngộ một cách tự nhiên, không cần một vị thầy, và mau chóng chứng đắc Bồ đề [2]. Đây là pháp môn mà con người ở bất cứ nơi đâu cũng khó tin nhận [3]. Vị Bồ tát sơ phát tâm tu tập theo Đại thừa, và muốn chứng đắc Bồ đề mau chóng hơn những vị Bồ tát khác [4] thì phải trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định [5], và chuyên tâm tu tập Pháp Hoa tam muội [6]. Nhìn mỗi chúng sinh như một vị Phật nên chắp tay cung kính như cung kính Phật [7]. Cũng như vậy, nhìn mỗi chúng sinh như một đại bồ tát, một thiện tri thức [8]. Lòng mong cầu Bồ đề nên như hạt giống khô cằn héo úa được gặp Dược Vương Bồ tát. Thuở lâu xưa, thời Nhật Nguyệt Đăng Minh Quang Phật, Dược Vương Bồ tát còn đưọc người biết đến như Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến Bồ Tát. Ngài nghe kinh Pháp Hoa, hằng mong cầu Bồ đề, trong một kiếp chứng được thần thông của một vị Phật.[9]

[697c27] Hoặc như Diệu Trang Nghiêm Vương xưa kia. Truyền ngôi cho người em, nhà vua cùng với quần thần, quyến thuộc trong ngoài, hoàng hậu, và hai hoàng tử xuất gia dưới tòa Đức Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Như Lai. Nhà vua tụng đọc kinh Pháp Hoa, và sau cùng chứng đắc Bồ đề. Hơn tám mươi bốn ngàn năm – trong một kiếp – nhà vua đắc được thần thông, và được thọ ký sẽ là một vị Phật [10]. Vào thời ấy, kiếp người tính đếm được là tám mươi mốt ngàn năm, tương đương với tám mươi năm và bốn trăm ngày của cõi Nam Thiệm Bộ Châu, hoặc tám mươi năm trong các châu còn lại. Kiếp người thời nay tương đối ngắn [11]. Vào thời xấu ác, kiếp trược, phiền não lại càng nhiều. Mong cầu Bồ đề trong thời nầy lại càng dễ thành tựu.

[698a6] Hạnh nhìn mỗi chúng sinh như một vị Phật được thuyết trong phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát [12]. Khả năng phát triển năng lực thiền định được thuyết trong phẩm An Lạc Hạnh [13].

[698a7] Vì sao [nên tu tập thiền định]?. Tất cả chúng sinh vốn có Pháp Thân thanh tịnh (清淨法身) [14], chúng sinh là một, là cùng, không khác với chư Phật, như Phật tạng kinh (Buddha-pitaka) nói. Ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp thuần tịnh. Chỉ vì tâm ô trược và sáu căn bám bụi mà Pháp thân không hiện, như ảnh không phản chiếu được trên mặt gương bị bụi che mờ [15]. Vì vậy, nếu có người chuyên cần thiền định, và dọp dẹp những mê hoặc từ thâm căn cố đế thì pháp thân sẽ hiện tròn đầy.[16]

[698a12]  Vì vậy nên kinh Pháp Hoa nói mắt thường do cha mẹ sinh vốn thanh tịnh (phụ mẫu sở sinh thanh tịnh thường nhãn父母所生清淨常眼) nên biết tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng như vậy [17]. Khi tọa thiền, không nhận lấy cảnh là thường hoặc vô thường. Phẩm An Lạc Hạnh, kinh Pháp Hoa, nói: “Bồ tát biết rõ các pháp không thường trụ, và cũng không sinh diệt. Đây cũng là “thân cận” của người trí.” [18]

[698a16] Nếu có người lòng luôn mong cầu pháp tối thượng; hãy [tụng đọc và] thực hành kinh Pháp Hoa.

Người ấy sẽ thấy với chính thân và tâm nầy, pháp môn tịnh diệu là thần dược [bất tử].

Trì giới, nhẫn nhục, thiền định.

Người ấy sẽ từ đó chứng được các tam muội của chư Phật, và thấy bản tánh sáu căn vốn thanh tịnh (六根性清淨).

Bồ tát thực hành Pháp Hoa, thành tựu hai hạnh là:

Thứ nhất, Vô Tướng Hạnh (無相行).

Thứ hai,  Hữu Tướng Hạnh (有相行).

Tứ vô tướng an lạc hạnh liên quan đến các trạng thái thâm diệu của thiền định [19], nơi đó người ấy quán tánh sáu căn và tất cả các pháp thanh tịnh từ ban sơ.

Chúng sinh vốn không có sự ô nhiễm,

không [đâu là điểm] khởi đầu, cũng không có sự thanh tịnh.

[Bồ tát học như vậy], không tu pháp đối trị (不修對治行).

Theo đó mà vượt trên (超) muôn ngàn bậc thánh (聖).

Vô sư tự chứng.

Không đi theo thứ lớp (不由次第行).

Chứng ngộ đồng chư Phật:

Diệu giác (妙覺) có tánh trong suốt [20]

Sáu thần thông diệu kỳ,

và các hạnh an lạc thanh tịnh.

[Bồ tát Pháp Hoa] không lạc vào hàng Nhị thừa,

mà đi vào bát thánh đạo của Đại thừa.

[698b1] Các vị Bồ tát nầy, tự trang nghiêm thân với đại từ đại bi, đầy đủ các công hạnh Nhất thừa.

Như Lai Tạng (如來藏) thâm sâu không tăng, không giảm.

Đây gọi là Maha thừa (摩訶乘 Moheyan),

Bát thánh đạo của Như Lai [21]

Chúng sinh vốn ngoài vòng ngũ dục,

và không cần phải diệt phiền não.[22]

Diệu Pháp Liên Hoa Kinh,

bản kinh Đại Maha thừa (大摩訶乘 Da moheyan).

Nếu chúng sinh nương theo tu hành,

liền tự nhiên chứng đắc Bồ đề.

“Nhất thừa” có nghĩa là gì?

Có nghĩa rằng mỗi mỗi chúng sinh

Trong Như Lai Tạng,

rốt ráo chứng được an lạc.[23]

Ngoài ra, như câu hỏi của Bồ tát Sư Tử Hống bạch cùng Đức Phật trong kinh Đại Bát Niết Bàn:

“Bạch Thế Tôn!  Thực tánh của Một và Chẳng Phải Một là gì?”.[24]

Phật trả lời Sư Tử Hống Bồ tát:

“Thế nào là Một?. Vì tất cả chúng sinh đều là Nhất thừa. Thế nào là chẳng phải Một?. Vì nói ba thừa vậy. Thế nào là chẳng phải Một?. Vì vô số pháp vậy. Thế nào là chẳng phải chẳng phải Một?. Vì số lượng và vô số lượng đều bất khả thuyết”.[25].

Đây gọi là chúng sinh nghĩa (眾生義).

[698b17] Vấn: Tựa đề “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” muốn nói lên ý nghĩa gì?. Ngoài ra, tôn giả muốn đưa ra điều gì qua danh từ “nhất thừa nghĩa”?. Như Lai tạng là gì?. Gì là Maha thừa (Moheyan)?. Gì là Đại Maha thừa? (Da Moheyan)?. Kinh Đại Tập giải thích Maha là đại; Yàna là thừa, hoặc đáo bỉ ngạn [26]. Tại sao tôn giả lại nói thêm về một cái gọi là Đại Maha. Và gì là “chúng sinh nghĩa”?.

[698b21] Đáp: Đó là diệu (妙) vì chúng sinh diệu (眾生妙). Pháp (法) chính thực là pháp vì là chúng sinh pháp (眾生法). Liên Hoa là dụ. Thí dụ, các loài hoa trên thế gian nầy – hoặc từ đất sinh, hoặc từ nước sinh – là loài cuồng hoa (狂華) không thấy sinh quả. Những loài có sinh quả thì hiếm khi thấy. Nhưng hoa sen thì khác. Hoa sen không như những loài cuồng hoa. Khi có hoa thì có quả, khi những loài khác có quả thì rất dễ nhìn thấy, hoa sen khi tượng quả [27] thì tự che kín, khó thấy.

[698b25] Loài cuồng hoa tượng trưng cho ngoại đạo. Những loài hoa khi sinh quả dễ nhìn thấy tượng trưng cho nhị thừa. Đây cũng là hàng Bồ tát hạ phẩm. [Pháp tu hành của Bồ tát hạ căn nầy] theo thứ đệ, chứng đắc có cao thấp, có diệt phiền não. Vì vậy mà nói rằng “dễ nhìn thấy”.[28]

[698b28] Chỗ đứng của Bồ tát Pháp Hoa hoàn toàn không giống như vậy. Họ không thực hành theo thứ đệ (不作次第行). Cũng không dụng công diệt phiền não.[29] Nếu chứng ngộ thực nghĩa Pháp Hoa, người ấy rốt ráo chứng đắc Bồ đề. Nếu tu tập Pháp Hoa hạnh, người ấy sẽ không đi con đường của Nhị thừa.

[698c1] Vấn: Với những loài hoa khác, một hoa sinh một quả. Với hoa sen, một hoa sinh nhiều quả. Một hoa sinh một quả thì sao lại không giống Nhất thừa?. Khi một hoa sinh nhiều quả, sao lại không giống thứ đệ?.

[698c3] Đáp: Trong những loài hoa sinh từ đất hoặc từ nước, một hoa sinh một quả thì rất hiếm, trong khi số hoa tàn trước khi toàn vẹn thì nhiều, thực vậy. Loài cuồng hoa không có quả thì chẳng nói đến làm gì. “Trong trường hợp một hoa chỉ sinh một quả thì như sau: khi một hành giả quyết định trở thành một Thanh Văn hoặc môn đồ [của pháp Tiểu thừa] thì sẽ có quả vị Thanh Văn. Khi một hành giả quyết định trở thành Duyên Giác thì sẽ có quả vị Duyên Giác. Những quả vị đó không thể gọi là quả vị Bồ tát hoặc quả vị Phật. Hơn nữa, Bồ tát hạ phẩm tu tập pháp đối trị. Theo thứ lớp mà vào đạo (thứ đệ nhập đạo次第入道), các vị nầy sẽ tiến dần vào sơ địa (bhumi). Ở đây, thực là điều bất khả tư nghị để nói rằng vị Bồ tát nầy đã vào được địa thứ mười của Pháp Vân địa (dharmamegha)! [30]. Mỗi địa đều biệt tu (別修); và chứng đạo (證道) không xảy ra nhất thời (一 時). Vì lý do trên, chúng ta không kể trường hợp nầy là “một hoa sinh nhiều quả”.

[698c9] Với Pháp Hoa Bồ tát thì nhất định không như vậy. Với nhất tâm (一 心) và nhất học (一 學) chứng được vô số quả vị. Trong nhất thời vị ấy chứng ngộ viên mãn, đây khác với trường hợp vào đạo theo thứ đệ. Ví như hoa sen, khi một hoa sinh ra nhiều quả, tất cả quả đều thành tựu đồng thời.[31] Đây là ý nghĩa nhất thừa là chúng sinh.[32] Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Có những trường hợp các Bồ tát chứng nghiệm từ quả vị nầy sang quả vị khác” [33], trong khi đó, Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh nói: “Có khi các Bồ tát không chứng nghiệm từ quả vị nầy sang quả vị khác” [34]. Đi từ quả vị nầy sang quả vị khác là con đường thực hành theo thứ lớp, là phương cách của môn đồ Thanh văn Nhị thừa, và của các Bồ tát có căn cơ thấp kém (下根菩薩). Các Bồ tát có căn cơ sắc bén vượt qua các pháp phương tiện [35], không đi theo con đường thứ bậc [36]. Khi chứng được Pháp Hoa tam muội, các Bồ tát nầy được trang nghiêm với vô số quả vị”.[37]

[698c17] Vấn: Tôn giả nói “chúng sinh diệu” với nghĩa gì?. “Chúng sinh pháp” với nghĩa gì?.

[698c18] Đáp: Sở dĩ chúng sinh diệu chính vì lục chủng tướng (六種相) trong thân của mỗi mỗi chúng sinh là diệu [38], và là tự tại vương (自在王 / indriya) bản tánh thuần tịnh [39]. Tướng của lục chủng là lục căn (六根). Nếu có người cầu Pháp Hoa vô thượng, khi tụng đọc và thực hành [như chỉ dẫn], nếu qua lực định người ấy biết được rằng bản tánh tất cả các pháp rỗng lặng; và biết mười tám giới (dhatu) vốn không có thực thể, từ đó đắc được thiền định sâu thẳm, tiếp nhận được bốn hạnh an lạc kỳ diệu, và đắc được thường tịnh nơi mắt cha mẹ sinh với đầy đủ lục thông.[40]

[698c23] Khi được mắt nầy, người ấy sẽ biết cảnh giới (境界) của chư Phật, và biết nghiệp gây tạo bởi chúng sinh, cùng những quả báo mà thân và tâm mà chúng sinh phải thọ nhận [41].  Những việc sống chết, đến đi, cao thấp, đẹp xấu… người ấy đều biết được trong một niệm [42]. Trong định lực xuyên suốt của mắt nầy, người ấy đắc được thập lực [43], thập bát bất cộng pháp [44], tam minh [45], bát giải thoát [46]. Tất cả thần thông đồng thời thành tựu trong lực thấu triệt từ mắt nầy. Như vậy tại sao mắt chúng sinh lại không vi diệu?. Bản tánh vi diệu của mắt chúng sinh chính đó là mắt Phật! [47]

[698c28] “Chủng” (種) có nghĩa là gì?. Có hai loại: một là phàm chủng (凡種 prtagjana), hai là thánh chủng (聖種 àrya) [48]. Phàm nhân thì chưa có cái thấy giác ngộ. Họ thấy sắc liền sinh tham ái (trsna). Tham ái chính là vô minh (avidya). Vì tham ái mà tạo nghiệp (karma), đây gọi là hành (samskara) [49]. Theo chủng tử mà thọ báo trong khắp sáu cõi trời, người khác nhau. [Đi trong sáu cõi], đây gọi là hành. Tiếp nối không dừng nghỉ là chủng (gotra), đây là cái gọi là phàm chủng.[50]

[699a3] “Thánh chủng” gần gủi thiện tri thức, có được cái thấy giác ngộ. Khi mắt thấy sắc liền phản tĩnh như sau: Khi thấy sắc, ai là người thấy?. Nhãn căn thấy?. Nhãn thức thấy?. Không gian và ánh sáng thấy?. Chính sắc khiến có cái thấy?. Hoặc ý thức đối sắc mà thấy?. Nếu chỉ do [sắc đi vào] phạm vi của ý thức, thì người mù từ sơ sinh cũng phải thấy được sắc. Nếu sắc chính nó phản ảnh cái thấy, thì cũng như trên. Nếu có người cho rằng không gian và ánh sáng đưa đến cái thấy, nhưng không gian và ánh sáng không cảm thọ, và thiếu sự tựu thành của ý niệm [51] nên không thể thấy sắc. Nếu nói rằng nhãn thức thấy, thức không có tự thể. Thức tùy thuộc vào vô số nhân duyên, và sự hội tụ của nhân duyên bản tánh vốn rỗng lặng, không hợp mà cũng chẳng tan. Nếu có người chiêm nghiệm cẩn thận những điều nói trên, từng điểm một, thấy rằng [tự thể của] mắt bất khả đắc. Ngoài ra, không có cái gì gọi là “mắt”. Nếu chính mắt có thể thấy thì người có bệnh xanh mắt [52] cũng phải phân biệt được hình tướng. Tại sao?. Vì [nhãn] căn không có sự hư hoại.

[699a11] Nếu có người biết rõ rằng không có mắt, không có sắc, không có sự thấy, không có sự chẳng thấy. Cũng biết thân nam, thân nữ… vốn sinh ra từ cái vô minh bất liễu (無明不了) [53]. Cái tâm mê hoặc nầy cũng như hư không. Thân như mộng, như bóng, như vang, như ảo, như hoa đốm giữa hư không. Khi tìm liền biết không nắm được [54]. Chẳng phải đoạn, chẳng phải thường. Khi mắt thấy sắc, không mong cầu, chẳng nắm giữ. Tại sao?. Vì hư không chẳng thể chấp trước. Hư không chẳng diệt cái vô minh, chẳng sinh cái minh. Đến đây thì phiền não chính là Bồ đề, cái hành xuất phát trên căn bản vô minh chính là Niết Bàn. Cho đến lão-tử cũng không khác. Vì nếu các pháp chính chúng là vô sinh thì không thể có lão-tử. Không trụ vào bất cứ điều gì, [người như vậy] gọi là thánh chủng.

[699a18] Phàm chủng và thánh chủng là một, không phải hai. Vô minh và minh cũng như vậy. Vì vậy mà nói rằng: “tướng của lục chủng là diệu”. Tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng không khác.

[699a20] Tự tại vương bản tánh thanh tịnh. Trước hết hãy nhìn vào tánh tự tại của mắt.[55] Khi mắt thấy sắc, con người thường sinh tâm ái thủ. Ái chính là vô minh. Tất cả phiền não, không trừ một thứ nào, đều nằm trong cái vòng của ái và thủ. Nếu có người có thể điều phục được ái và vô minh, thì người ấy tự tại như một vì vua [56]. Thanh tịnh tánh (清淨性) đã được giải thích trong phần nói về pháp quán nhãn căn. Dùng trí tuệ kim cang (金剛慧) để thấu hiểu (覺了) rằng cái tâm ái kia chính nó ở ngoài vòng vô minh cho đến lão-tử. Khi trí lực kim cang nầy đến chỗ tuyệt đỉnh thì gọi là Thủ Lăng Nghiêm tam muội (suramgama-samadhi). Tam muội nầy tương tự như một dũng tướng có khả năng hàng phục kẻ thù, an định bốn phương [57]. Kim cang tuệ cũng như vậy. Có thể biết được rằng các hành từ vô minh tham ái (貪愛無明諸行) chính đó là thánh hạnh Bồ đề và Niết bàn. Vô minh và tham ái chính đó là Bồ đề và trí tuệ kim cang.

[699a29] Con mắt của vì vua tự tại tánh thường tịch, không một ai có thể làm ô nhiễm được. Vì vậy nên Đức Phật nói [trong kinh Pháp Hoa] về “con mắt thường tịnh từ cha mẹ sinh” [58]. Các căn tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng như vậy. Vì lý do trên, kinh Đại Tập thuyết rằng “Sáu vị vua (căn) tự tại  là vì bản tánh tịnh”, cũng vì vậy, Bồ tát Long Thọ nói rằng: “nên biết rằng đặc tính của sáu loại [căn] trong thân người là diệu”.[59]

[699b3] “Thân người” không khác thân chúng sinh hữu tình. Thân chúng sinh chính đó là thân Như Lai (tathagata), vì thân chúng sinh là một và đồng với Pháp thân thường hằng. Vì vậy nên kinh Hoa Nghiêm nói kệ về Hoan Hỉ Địa (pramudita) “Bản tánh tịch nhiên không sinh, không diệt, vốn rỗng lặng, không phiền não”.[60] Nếu có người biết được tất cả các pháp không khác, người ấy một bước siêu thăng (超勝) chứng đắc Bồ đề.[61] Nếu người phàm có thể giác ngộ được pháp chân thực (眞實法) của các uẩn (skandha) [62], như được nói trong kinh Niết Nàn, khi tôn giả Maha Ca Diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Gì là nghĩa của “ bán tự” từ đó Phật thuyết ra?”. Phật trả lới: “Có mười bốn âm (音), được nói đến như nghĩa của bán tự. Tự được nói đó là Bồ đề. Vì là thường (常) nên bất lậu (不流). Vì bất lậu nên vô tận (無盡). Sự vô tận nầy chính là thân kim cang của Như Lai.” [63]

[699b11] Vấn: Tôn giả muốn nói nghĩa gì trong câu: “thường cố bất lậu” (常故不流) ?.

[699b11] Đáp: Vì là thường nên bất lậu. Sao gọi là thường?. Thường vì là vô sinh (無生).

[699b12] Vô sinh như thế nào?.

[699b12] Đáp: Vì mắt bất sinh (生). Tại sao như vậy?. Khi mắt thấy sắc, thiền [quán] để biết được căn bổn của mắt, tìm không thể được. Cũng như vậy, không danh, không sắc. Vì giới (界) của nhãn căn vốn rỗng lặng, không có tướng thường hoặc tướng đoạn. Chẳng ở giữa hai đối cực. Nhãn giới (眼界caksur-dhatu) chính đó là pháp giới (法界  dharmadhatu) của chư Phật [64]. Người giác tri (覺知) mắt nầy không từ đâu, không nơi nào, mà cũng chẳng phải không từ đâu, ví như hư không ba thời chẳng trói buộc.

[699b17] Trong kinh Bát Nhã, Bồ tát Đàm Vô Kiệt (Dharmodgata) nói với Bồ tát  Thường Đề (Sada-prarudita): “Thiện nam tử, pháp rỗng lặng chẳng đến, chẳng đi. Pháp rỗng lặng nầy chính đó là Phật. Pháp vô sinh thì chẳng có sự đến, chẳng có sự đi. Pháp vô sinh nầy chính đó là Phật. Pháp vô diệt chẳng có sự đến, chẳng có sự đi. Pháp vô diệt nầy chính đó là Phật.” [65]

[699b20] Vì vậy, nên biết rằng, vì nhãn giới rỗng lặng, cái rỗng lặng nầy chính đó là thường. Vì mắt rỗng lặng và thường hằng, mắt đó chính là mắt Phật. Mắt không tham ái. Tham ái là lưu (流), và lưu đồng với sinh. Vì mắt không tham ái, không trói buộc, nên không lưu động (動). Không lưu động nên không sinh. Vì mắt không sinh nên không đến, không đi. Không có cái sinh, chính đó là Phật. Vì mắt không sinh nên cũng không diệt (滅). Diệt là tận (盡). Vì mắt vô diệt (無滅) nên vô tận (無盡). Vô tận nên không đến, không đi, không trụ. Không tận, mắt đó chính là mắt Phật.[66]

[699b26] Bồ tát theo trí tuệ kim cang mà biết được rằng tánh như (如) của các pháp không sinh hoặc diệt. Cái như của nhãn căn chính đó là Phật. Vì vậy mà có danh từ Như Lai (tathagata). Thân kim cang (金剛之身) thấy được tánh như của các pháp nên gọi là Như Lai (如來). Không phải chỉ có thân vàng ròng làm nên Như Lai. Gọi là Như Lai vì có được trí tuệ như thực (如實智). Vì có được trí tuệ biết mắt và hình tướng như thực, tai và tiếng như thực, mũi và mùi như thực, lưỡi và vị như thực, thân và xúc chạm như thực, tâm và pháp như thực, nên gọi là thân kim cang của Như Lai. Như pháp tướng giải (如法相解), như pháp tướng thuyết (如法相說). Như vì là không sinh. Lai vì là không diệt. Phật như vậy mà đến, nhưng chưa từng khởi hành [67]. Như thị đạo [mà hành]. Vì vậy nên gọi là Như Lai.

[699c4] Vấn: Trong kinh nào Phật dạy tánh như của mắt, tai… là Như Lai?.

[699c5] Đáp: Trong kinh “Ương Quật Ma La” (Angulimaliya Sutra), Phật hỏi Ương Quật Ma La “Gì là nghĩa của nhất hạnh?”. Ương Quật Ma La trả lời: “Nhất hạnh tức nhất thừa”.[68]

[699c7] Thừa (yana) chỉ cho khả năng chuyển tải, cũng có nghĩa là chuyên chở. Ương Quật Ma La tiếp tục trả lời Phật qua mười cách. Mỗi câu trả lời chia ra làm hai, tổng cộng là hai mươi câu. Ở đây sẽ giải thích những điểm chính yếu trong các câu trả lời thứ năm và thứ sáu. Trong hai phần nầy, với bốn câu trả lời, Ương Quật Ma La đưa ra những khái niệm tổng quát về mắt, tai… là Như Lai.

[699c10] [Ương Quật Ma La nói] “Năm chỉ cho điều gì?. Đó là năm căn (indriya). Tuy vậy, lối giải thích nầy biểu trưng cho Thanh văn thừa. Đây không phải là cái hiểu của Như Lai. Cái hiểu của Như Lai là gì?. Cái gọi là căn mắt, với Như Lai, là thường. Thấy rõ ràng [69] và quyết định, trang nghiêm vô lậu không giảm thiểu. Cái gọi là căn tai, với Như Lai, là thường. Nghe rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là căn mũi, với Như Lai, là thường. Ngữi rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là căn lưỡi, với Như Lai, là thường. Nếm rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là căn thân, với Như Lai, là thường. Xúc chạm rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là căn ý, với Như Lai, là thường. Biết rõ ràng và quyết định, trang nghiêm vô lậu [vô giảm tu]” [70].

[699c19] “Sáu chỉ cho điều gì?. Chỉ cho cái gọi là sáu thức. Tuy nhiên, cũng chỉ đưa ra cái thấy của Thanh văn thừa, không phải là cái hiểu của Như Lai. Cái gọi là nhãn thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái thấy trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là nhĩ thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái nghe trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là tỵ thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái ngữi trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là thiệt thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái nếm trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là thân thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái xúc chạm trong suốt, trang nghiêm vô lậu. Cái gọi là ý thức, với Như Lai, là thường. Đây là cánh cửa, qua đó, vào được cái nhận biết quyết định với lòng tin thanh tịnh, trang nghiêm vô lậu [vô giảm tu].” [71]

[699c27] Vì vậy, các vị Bồ tát sơ phát tâm mong cầu giác ngộ nên biết rõ rằng bản tánh của mắt vốn vô sinh. Tai, mũi, lưỡi, thân, và ý cũng như vậy, chẳng thường, chẳng đoạn. Đầy đủ tịnh tâm, người ấy biết rằng [các pháp] chẳng sinh, chẳng diệt. Tánh của sắc chẳng [chỉ là] Không (空), chẳng [chỉ là] Giả (假). Nó không lùi, không tiến. Bản tánh thanh tịnh, như thị (tathata), tuyệt đối vô sinh diệt. Thanh, hương, vị, xúc, và pháp cũng như vậy, vốn rỗng lặng. Chúng chẳng thông, cũng chẳng ngại. Hoàn toàn thanh tịnh, không sinh, chẳng diệt. Căn và trần không tịch. Lục thức vô sinh. Ba [mặt] của căn, trần, và thức bản tánh như như (如如性). Mười tám giới là giả danh. Chúng sinh và Như Lai, cùng chung Pháp thân. Tịnh, diệu, không thể so sánh, đó gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.

[700a5] Vì vậy, trong kinh Đại Tập (Mahasamnipata), Phật bảo ngài Thanh Tịnh Vương: “Tên của ông là Thanh Tịnh. Ông nên thanh tịnh tự giới (自界). Khi nhãn giới trong riêng ông rỗng lặng, ông sẽ được thanh tịnh trong khi quán giới. Vì giới của mắt rỗng lặng, Phật quốc thanh tịnh. Các căn tai, mũi, lưỡi, thân, và ý bản tánh không tịch. Đây là trang nghiêm tịnh độ Như Lai.” [72]

[700a9] Vấn: An Lạc Hạnh có nghĩa gì?. Gì là tứ an lạc hạnh?. Gì là hai hành gọi là vô tướng hành (無相行) và hữu tướng hành (有相行)?

[700a11] Đáp: Vì tâm bất động giữa vạn pháp (一切法中心不動), nên gọi là an, vì tâm không chứa nhóm cảm thọ giữa vạn pháp nên gọi là lạc. Vì làm lợi cho mình và làm lợi cho người nên gọi là hành. Đối với tứ an lạc hạnh, thứ nhất là Chánh Tuệ Ly Trước An Lạc Hành (正慧離着安樂行) [73]. Thứ hai là Vô Khinh Tán Hủy An Lạc Hành (無輕讚毀安樂行), còn gọi là Chuyển Chư Thanh Văn Linh Đắc Phật Trí An Lạc  Hành (轉諸聲聞令得佛智安樂行) [74]. Thứ ba là Vô Não Bình Đẳng An Lạc Hành (無惱平等安樂行), còn gọi là Kính Thiện Tri Thức An Lạc Hành (敬善知識安樂行) [75]. Thứ tư là Từ Bi Tiếp Dẫn An Lạc Hành (慈悲接引安樂行), còn gọi là Mộng Trung Cụ Túc Thành Tựu Thần Thông Trí Tuệ Phật Đạo Niết Bàn An Lạc Hành (夢中具足成就神通智慧佛道涅槃安樂行) [76].

[700a18] Tiếp đến là hai hành. Vô tướng hành là gì. Vô tướng hành chính đó là an lạc hành. Khi ở giữa lòng vạn pháp (一切諸法中), tất cả chiều kích [vọng động] của tâm tuyệt nhiên không sinh khởi. Vì vậy mà gọi là vô tướng hành. Vào sâu thiền định, tâm an định trong tất cả các uy nghi 威儀 đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, nói [77]. Một hình thức khác là theo thứ lớp của ba cõi [Dục, Sắc, Vô Sắc]. Tiến hành theo thứ bậc, tổng cộng mười một địa khác nhau, từ dục giới địa (欲界地) cho đến vị đáo địa (未到地), sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng, phi phi tưởng xứ . Những thứ lớp như vậy hai con đường hữu và vô (有法無法二道) có khác nhau – thành tựu thánh hạnh như được thuyết trong Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận [78]. Kinh nghiệm thiền thâm diệu an lạc nhất định không phải là loại nầy. Tại sao?. Vì không trì trệ ở các cõi Dục, Sắc, hoặc Vô Sắc. Thiền hạnh trong các pháp thiền nầy là biến hành (遍行) của Bồ tát.[79]. Vì tuyệt đối vô tâm tưởng nên gọi là vô tướng hành.

[700a29]  Hữu tướng an lạc hành là gì?. Đây là tụng đọc kinh Pháp Hoa, với chính cái tâm tán loạn [như được thuyết] trong phẩm Bồ Tát Phổ Hiền Khuyến Pháp, kinh Pháp Hoa [80]. Những người hành pháp nầy không tu tập thiền định, cũng không vào tam muội [81]. Hoặc khi ngồi, đứng, đi, đều nhất tâm chuyên niệm (一心専念) bản kinh Pháp Hoa [82], tinh tiến [hành trì] không ngơi nghỉ, như cứu lửa cháy trên đầu. Đây gọi là thực hành pháp hữu tướng [liên quan đến] văn tự (文字有相行). Những hành giả nầy chẳng biết tiếc chi thân [83]. Nếu thành tựu, hành giả sẽ thấy được thân kim cang của Bồ tát Phổ Hiền trên voi trắng sáu ngà [84]. Ngài sẽ cầm chùy kim cang trước mắt hành giả, và bao nhiêu tội lỗi ngăn ngại đường đạo sẽ tan biến [85]. Nhãn căn hành giả được thanh tịnh, sẽ thấy được Phật Thích Ca Mâu Ni, và bảy vị cổ Phật. Họ cũng thấy được mười phương chư Phật trong ba đời [86]. Năm vóc gieo xuống đất, hành giả chí tâm sám hối chư Phật. Đứng thẳng người với hai tay chắp trước ngực, hành giả đắc được ba loại đà la ni [87]. Thứ nhất là “tổng trì” (總持) [88] hợp với nhục nhãn, thiên nhãn, và đạo tuệ (道慧) của Bồ tát. Thứ hai là “Trăm nghìn muôn ức triền đà la ni”. Đây là sự chứng đắc đầy đủ trí tuệ của Bồ tát, tức cái trí thấy biết những đường lối khác nhau (道種智) [dùng để cứu giúp chúng sinh], [tương đồng với] tịnh tánh của pháp nhãn [89]. Thứ ba là “Pháp âm phương tiện đà la ni”, trang nghiêm Bồ tát nhất thiết chủng trí (一切種智), và tịnh tánh của Phật nhãn [90]. Đến đây, hành giả chứng đắc đầy đủ giáo pháp của tất cả chư Phật trong ba đời [91].

[700b13] Có người có thể đạt đến mục tiêu trong một kiếp tu hành, có người đạt mục tiêu trong hai kiếp tu hành. Người chậm nhất cũng sẽ thành tựu trong ba kiếp [92]. [Tuy nhiên], nếu có người tiếc thân mạng, tham cầu bốn món [93], khó thể tinh tấn tu hành, người ấy sẽ không thành tựu, dù trải qua bao nhiêu kiếp. Đây là hữu tướng hành.

[700b15] Vấn: Tôn giả có ý gì [khi nói rằng] vì tâm bất động giữa vạn pháp nên gọi là an, vì tâm không chứa nhóm cảm thọ giữa vạn pháp nên gọi là lạc. Vì làm lợi cho mình và làm lợi cho người nên gọi là hành.

Đáp: “Nhất thiết pháp” (一切法) chỉ những yếu tố như tam độc, tứ đại, ngũ uẩn, thập nhị nhập, thập bát giới, thập nhị nhân duyên. Đây là những cái gọi là tất cả các pháp. Vị Bồ tát, khi giữa muôn sự tướng, nương vào trí tuệ của tam nhẫn (三忍). Thứ nhất là chúng sinh nhẫn (眾生忍), thứ hai là pháp tánh nhẫn (法性忍), và thứ ba là pháp giới hải thần thông nhẫn (法界海神通忍). Chúng sinh nhẫn còn gọi là sinh nhẫn (生忍). Pháp tánh nhẫn còn gọi là pháp nhẫn (法忍). Pháp giới hải thần thông nhẫn còn gọi là đại nhẫn (大忍).

[700b22] Hai đức nhẫn đầu tiên được chỉ cho phá vô minh và phiền não (破無明煩惱忍).  Cũng còn gọi là thánh hạnh nhẫn (聖行忍). Gọi là thánh hạnh vì là hành xứ của thánh nhân. Người phàm tu trì những đức nhẫn nầy sẽ vào được thánh địa, vì làm việc làm của  bậc thánh.

[700b25] Đại nhẫn chỉ cho năm loại thông, cùng với thần thông thứ sáu, cũng viên toàn bốn nền tảng phát huy thần thông lực [94]. Trước mười phương chư Phật và chư thiên vương, mặt đối mặt. Trong một niệm, người ấy có thể giác (覺) tất cả thánh phàm. Vì vậy nên gọi là đại nhẫn. Trong khi dụng lực thần thông, tâm người ấy vẫn bất động (不動), thánh đạo tròn đầy. Đây là thánh nhẫn (聖忍). Tam nhẫn thành tựu “chánh tuệ ly trước an lạc hạnh” [95].

[700b29] Vấn: Tại sao gọi là “sinh nhẫn” và “chúng sinh nhẫn”?. Tại sao gọi là “bất động nhẫn”, và đưa về “an”?.

[700c1] Đáp: Sinh nhẫn chỉ cho nhân. Chúng sinh nhẫn chỉ cho quả. Nhân là nhân chúng sinh hoặc chúng sinh hữu. Quả là hậu quả của chúng sinh. Nhân là vô minh, quả là cái hành của thân. Nương chánh tuệ hành giả biết được cội gốc của nhân, diệt vô minh, trừ phiền não. Tất cả các pháp thiếu cái gọi là nối tiếp như nhau, và không có bất cứ dấu hiệu tích tập sinh. Hành giả cũng không nhận lấy tướng diệt. Đây là trí tuệ thâm diệu của Bồ tát chứng được sinh diệt thánh đế. Vì vậy nên gọi là sinh nhẫn. Nếu không có cái nối tiếp như nhau, và tất cả các pháp bất động bất lưu (不動不), thì không có cái sinh.

[700c7] Chúng sinh nhẫn chỉ cho cảm thọ [liên quan đến] các hành vi của thân. Cảm thọ thì [thường là] đau thương. Có ba loại thọ (受): khổ, lạc, chẳng khổ chẳng lạc. Tại sao như vậy?. Vì khi thân bị đánh đập, hoặc khi tai nghe lời mắng nhiếc, hành giả quán khổ thọ [như sau]: Đánh đập là thân đau. Mắng nhiếc là tâm đau. Thọ nhận y phục, thực phẩm [và những vật] mịn màng thì thân ưa thích. Những hình thức cảm thọ do sự xúc chạm là lạc thọ do thân. Khen ngợi, xưng tán là lạc thọ do tâm. Nếu có người nhận được một món quà quý giá. Tâm ưa thích ngay khi mắt thấy món quà, trước khi tay thực sự cầm đến, và sau khi đón nhận. Hành giả nên quán cảm thọ nầy từ vô minh sinh cùng với những cảm giác của khổ, lạc. Khi cảm thọ khổ, hành giả nên sinh tâm nhẫn, tâm từ, tâm bi, và điều phục tâm sân hận. Khi cảm thọ lạc, hành giả quán tâm vướng mắc từ sự cảm  nhận nầy, và tránh tham ái. Khi cảm thọ chẳng khổ, chẳng lạc, hành giả cẩn thận tránh sự lạnh lùng hoặc không hay biết. Những cảm thọ nầy bản tánh rỗng lặng, không sinh diệt.

[700c15] Ba sự cảm thọ nầy trong mỗi trường hợp đều phát sinh từ nhất niệm vô minh. Bồ tát quán những sự đánh đập, mắng nhiếc, khen ngợi, xưng tán, liền thấy rằng người tạo tác và người nhận sự tạo tác đều như mộng ảo. Ai đánh đập?. Ai mắng nhiếc?. Ai thọ khổ?. Ai thọ vui?. Ai sân hận?. Người hành động và người nhận hành động đều như tâm ý huyễn hoặc. Khi hành giả thiền quán cái tâm ý như huyễn nầy, hành giả thấy rằng không tâm ý, không ngã, không nhân. Tướng nam nữ, người thương, người ghét; sáu phần của thân thể như đầu, mình, tay, chân… tất cả đều bất khả đắc, ví như chiếc bóng và khoảng không. Vì vậy mà nói là “bất động”.

[700c20] Như “Tùy Tự Ý Tam Muội” nói, khi trong mười tám giới, tâm Bổ tát tự chứng cái vô sinh diệt [96]. Ngoài ra, Bồ tát hướng dẫn chúng sinh rằng không có cái sinh diệt. Bắt đầu với sinh tử, chấm dứt với Bồ đề, tánh của vạn pháp bất động. Hoặc tánh của nhãn, tánh của hình tướng, tánh của thức; tánh của nhỉ, tỵ, thiệt thân, ý; tánh của thanh, hương, vị, xúc, pháp; hoặc ngay cả tánh của cảm thọ từ nhân duyên của nhĩ thức, hoặc từ nhân duyên của tỵ, thiệt, thân, và ý thức, tánh ấy không ngã, không nhân, tuyệt nhiên rỗng lặng. Vì vậy mà nói rằng “bất động”.  Vì hành giả tự ngộ, và giúp người khác ngộ nên gọi là “an” [97]. Hành giả diệt được ba sự cảm thọ, khiến chúng không sinh khởi. Vắng lặng uyên nhiên, ba sự cảm thọ không tìm thấy, và bất cứ hình thái cảm thọ nào đều rốt ráo không sinh khởi. Đây gọi là “lạc”. Giữa vạn pháp, tâm vô hành xứ. Từ đó dạy người tâm vốn vô tác giữa muôn sự vật. Vì không ngừng thiền định, và [tụng đọc] Pháp Hoa, nên gọi là “hành”. Như kinh Ương Quật Ma La thuyết về ý nghĩa của nhãn thức [98] , hoặc kinh Đại Niết Bàn thuyết về Phật tánh và Như Lai tạng [99]. Ý nghĩa của “an lạc hạnh” thì vô số, không phải chỉ có một nghĩa. Tôi sẽ nói xa hơn [về những nghĩa nầy].

[701a3] Người phàm, khi chìm đắm trong căn, trần, và thức liền sinh thọ, nhận, vướng mắc vì vô minh và tham ái [100]. Những người nầy đưa chính họ vào những tạo tác tội lỗi đau thương, không an. Vì dòng sinh tử tiếp nối không dừng nghỉ, nên không lạc. Đây gọi là khổ hành (苦行).

[701a5] Chư Thanh văn [và môn đồ] Nhị thừa có thể dùng phương pháp đối trị (冶觀) khi đắm trong căn, trần, thức. Pháp quán bất tịnh (不凈觀) hữu ích trong việc diệt dục  vọng. Pháp quán từ bi (慈悲觀) có khả năng điều phục sân hận. Pháp quán về nhân duyên  (因緣觀) có khả năng diệt mê vọng. Được thuyết dưới nhiều tên khác nhau, như là tứ niệm xứ (四念處 smrtyupasthana) [101], ba mươi bảy đạo phẩm (三十七道品) [102].

[701a9] Quán thân bất tịnh, hành giả từ đó [103] biết được thân nầy gốc rễ từ vô minh, vốn rỗng lặng, không cội nguồn. Quán bất tịnh có năng lực diệt những cái thấy sai lạc về thân. Tướng nam, tướng nữ, người yêu, người ghét, người chẳng yêu, chẳng ghét [104] tất cả đều quy về không tịch. Đây gọi là chiến thắng con ma phiền não [105].

[701a11] Qua cách quán những thọ uẩn liên hệ đến ngoại khổ (外苦), và thọ uẩn liên hệ đến nội khổ (内苦) sinh từ mười tám giới và ba loại cảm thọ, hành giả thấy rằng sự tích tụ của cảm thọ, sự thành lập của hành qua thân và tâm, căn cứ của cảm thọ, nhận biết, và trói buộc đều mang theo tràn đầy đau khổ. Xả bỏ (捨) chúng, hành giả chẳng bám víu vào nội hoặc ngoại [khổ]. Hành giả biết rằng những lạc thọ có thể trở thành khổ thọ vì tâm theo đuổi tìm cầu. Xả bỏ chúng đi, và khi từ chối vui thú với chúng hành giả sẽ nhận thấy lạc thọ rốt ráo rỗng lặng.

[701a15]  Hai pháp quán về khổ và lạc có thể phủ nhận thế đế (世諦) khi tâm đến chỗ trụ vào chân đế (真諦). Hành giả trước tiên xả bỏ khổ và lạc đến chỗ chẳng khổ chẳng lạc. Nhưng vì sự bám víu vẫn có mặt nên vẫn còn trong vô minh. Vì vậy nên hành giả tiếp tục quán cái chẳng khổ chẳng lạc nầy vốn không gốc rễ, vô thường, biến dạng, và hoại diệt. Vì sao?. Vì xả bỏ khổ và lạc, hành giả đắc được cái tâm thức chẳng màng khổ hoặc lạc. Vì hai pháp quán về khổ và lạc [mở ra cái thấy] khổ hoặc lạc hoàn toàn không tịch, không có sinh xứ (生處), cho nên cũng không có diệt xứ (滅處), vậy thì từ nơi nào mà có cái chẳng khổ chẳng lạc nầy?. Khi hành giả quán như vậy thì thấy được rằng tất cả đều rỗng lặng, không hề có cái gì để thủ, mà cũng không hề có cái gì để xả. Nếu không có thế đế thì cũng không có chân đế. Thực hoặc giả đều không tịch. Đến đây, hành giả điều phục được loài ma từ căn, trần, và thức.

[701a23] Hành giả quán rằng tâm ý thì vô thường: nó sinh, diệt, và không trụ. Phân tích từ đâu tâm ý nầy sinh ra, và khi hiểu thì không tìm thấy tâm nầy ở đâu, cũng chẳng thấy có sự sinh hoặc diệt. Chẳng đoạn, chẳng thường, cũng chẳng ở giữa [cái đoạn và thường]. Thành tựu pháp quán nầy tức điều phục được tử ma.         

[701a25] Về pháp (法), hành giả quán rằng tất cả các pháp, hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc đạo đức hoặc trung tính, đều bất khả thuyết, như hư không. Giữa lòng sự tướng, tâm luôn bất động, và không có tướng trụ. Hành giả đắc bất động tam muội (不動三昧) [106], ngay  nơi đó, không còn thiên ma [107].

[701a28] Vì xả được ba tướng cảm thọ, chứng giải thoát (解脫) nên gọi là “khổ lạc hạnh” [108]. Nói về nhân và quả, [hạnh nầy] chỉ cho Thanh văn [thừa]. Đây không phải là Bồ tát đạo. Bồ tát hạ căn cũng dùng pháp thiền nầy, nhưng pháp môn có khác [với các vị Thanh văn], vì không liên quan gì đến thủ (取) hoặc xả (捨). Tại sao vậy?. Ba sự cảm thọ có từ sắc và tâm tuyệt đối không sinh, và mười tám giới không hiện hữu. Vì vậy không có sự khẳng định về sự cảm thọ trong hoặc ngoài. Không có sự cảm thọ, không có gì để xả bỏ. Mặc dù pháp quán như nhau, nhưng vì không có sự phân chia giữa ba sự cảm thọ, phương tiện thiện xảo (善巧方便) có thể đưa đến thành tựu [109]. Vì vậy mà gọi là an lạc hạnh.

[701b4] Tuy nhiên, quán về an lạc hạnh thì không phải như thế nầy. [Ở đây] hành giả trực tiếp bỏ ra ngoài phương tiện, và chỉ thuyết về sự chứng ngộ viên mãn [của chư Phật] [110]. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi vấn Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, trong đời ác về sau Bồ tát phải thuyết kinh nầy như thế nào?”. Phật dạy: “Trong đời ác về sau, Bồ tát ma ha tát muốn thuyết kinh nầy thì phải an trụ trong bốn pháp. Thứ nhất, trụ nơi hành xứ và nơi thân cận xứ của Bồ tát, thì có thể vì chúng sinh mà diễn nói kinh nầy. Văn Thù Sư Lợi! Thế nào gọi là “hành xứ” của đại Bồ tát? . Nếu vị đại Bồ tát an trụ trong nhẫn nhục, nhu hòa (和) [111], thiện thuận (順) [112], không xung động (不卒暴), lòng cũng không kinh sợ (心不驚), lại ở nơi pháp không phân biệt mà quán các pháp như thực tướng (觀諸法如實相), cũng chẳng vin theo, chẳng phân biệt (亦不行不分別) [113], đó gọi là chỗ hành xứ của Bồ tát ma ha tát [114].

[701b13] An trụ trong nhẫn nhục là gì?. Tóm tắt, có ba loại nhẫn: (1) chúng sinh nhẫn, (2) pháp nhẫn, và (3) đại nhẫn, còn gọi là thần thông nhẫn.

[701b15] Chúng sinh nhẫn có ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất, khi vị Bồ tát nhận chịu sự đánh đập, mắng nhiếc, chế nhạo, hủy nhục, lường gạt, vị Bồ tát nầy kham nhẫn, không tìm cách báo oán [vì không có oán để báo]. Người ấy quán như vầy: vì tôi có thân nên có sự đánh đập, làm hại. [Thân] như một tiêu điểm, sớm muộn gì mũi tên cũng xuyên qua. Nếu tôi không có thân thì ai đánh đập [cái thân không có mặt nầy] ?. Giờ đây tôi nên kiên trì tu tập quán Không. Nếu sự quán chiếu của tôi thành tựu thì chẳng hề có một ai có thể đánh hoặc giết tôi [vì người đánh giết cũng là Không]. Khi tai nghe lời mắng nhiếc, Bồ tát nên hồi quang phản chiếu, thấy rằng âm thanh mắng nhiếc kia lập tức không có nữa ngay khi vừa phát ra [khỏi miệng người làm việc mắng nhiếc]. Trước và sau chẳng cùng theo (不俱). Nếu phân biệt chính xác thì sẽ thấy rằng [âm thanh kia] cũng vô sinh vô diệt. Ví như tiếng vang trong hư không. Ai là người mắng nhiếc?. Ai là người nhận chịu sự mắng nhiếc?. Âm thanh kia không tìm đủ mọi cách để chui cho được vào lỗ tai, tai cũng không vội vàng chạy đến để tiếp nhận âm thanh. Sau khi quán chiếu như vậy, vị Bồ tát nầy sẽ không buồn mà cũng chẳng vui.

[701b23] Nghĩa thứ hai, chư vị Bồ tát không luôn mắng nhiếc hoặc đánh đập chúng sinh. Dùng ngôn ngữ dịu dàng, vị Bồ tát mong muốn giữ gìn tuệ căn của chúng sinh để rồi hướng dẫn họ. Khi đối diện sự hủy nhục, tâm Bồ tát định nên không giận tức. Đây gọi là chúng sinh nhẫn. Khi chúng sinh chứng kiến đức nhẫn của Bồ tát thì chính họ sẽ quay lại tìm con đường giác ngộ. Vì đức nhẫn nầy từ chúng sinh mà có nên gọi là chúng sinh nhẫn.

[701b27] Nghĩa thứ ba, khi gặp những chúng sinh xấu ác,  Bồ tát vì muốn điều phục những hàng chúng sinh nầy khiến họ hồi tâm, nên đôi khi Bồ tát nói lời khó nghe, phỉ báng, mắng nhiếc, làm nhục khiến chúng sinh ân hận, sinh lòng nuôi dưỡng thiện tâm. Đây gọi là chúng sinh nhẫn.

[701b29] Nhục (辱) là gì?. Với những cái khó thể chịu đựng mà chịu nhục nhằn. Đó là một pháp khác.

[701c1] Vấn: Nhận chịu sự đánh đập, mắng nhiếc mà không sân hận, hoặc dùng lời hòa dịu để hiển lộ tâm từ bi, những việc làm nầy có thể được gọi là nhẫn. Nhưng tại sao lại gọi là nhẫn khi một Bồ tát đối diện với kẻ xấu ác, không thể chịu đựng, tỏ vẻ giận dữ, đánh đập, mắng nhiếc, nhục mạ, dày vò những kẻ xấu ác kia, khiến họ đau khổ?.

[701c4] Đáp: Nhận chịu sự đánh mắng mà không có lòng báo oán: đây là đạo đức bên ngoài, thường thấy trong giới luật thế tục (俗戒). Xa hơn, quán rằng [ngã] rỗng lặng, âm thanh, sắc tướng… rỗng lặng, thân và tâm đều không tịch nên không sinh lòng giận dữ, đây là phương tiện nhẫn mà các Bồ tát sơ phát tâm dùng để an bình thế gian, tu trì giới luật đạo đức, thiền định, và trí tuệ. Đây không phải là [con đường] của đại Bồ tát. Tại sao?. Chư đại Bồ tát chỉ biết cái mang lại lợi ích cho chúng sinh, và điều phục chúng sinh thẳng tắt vào mục tiêu. Để bảo vệ kinh điển Đại thừa và giữ gìn chánh pháp, chư đại Bồ tát không cần thiết phải thể hiện thái độ từ bi, ngôn ngữ nhu hòa trong tất cả mọi trường hợp. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: “Vua Tiên Dư (仙旟) đã ra lệnh xử tử năm trăm người Bà La Môn để bảo vệ kinh điển Phương Đẳng [Vaipulya, Đại thừa], khiến họ rơi vào ngục A tỳ, từ đó sinh tâm giác ngộ” [115]. Đây không phải là đại từ bi ư?. Chỗ nầy không khác với đại nhẫn.

[701c12] Kinh Đại Bát Niết Bàn dẫn chứng xa hơn: “Một thuở nọ, có vị quốc vương tên gọi Hữu Đức, vì muốn hộ trì chánh pháp và bảo hộ một vị pháp sư tên gọi Giác Đức nên xử tử hình những kẻ xấu ác phá hoại giới luật trong nước, khiến pháp sư Giác Đức có thể hoằng dương chánh pháp. Khi qua đời, nhà vua sinh về cõi Phật A Súc ở phương Đông, trở thành vị đệ tử ưu tú thứ nhất. Quần thần, quyến thuộc, chiến sĩ theo vua cũng được thọ sinh cõi Phật A Súc, trở nên các môn đồ thứ hai, thứ ba… Khi mất thân, các kẻ xấu ác phá hoại giới luật rơi vào ngục A tỳ. Trong địa ngục, vì biết rõ tội lỗi nên họ tự nghĩ: “Đức vua giết tôi vì tôi hãm hại pháp sư Giác Đức”. Vì phát tâm như trên nên họ mong cầu giác ngộ. Ra khỏi ngục A tỳ, họ tái sinh vào các cõi có vua Hữu Đức và pháp sư Giác Đức, nơi đây, họ trở thành đệ tử, và hướng về giải thoát tối thượng.” [116]

[701c20] Đây là đại phương tiện nhẫn của Bồ tát, không phải là những việc mà Bồ tát sơ cơ có thể đến được. Tại sao lại nói rằng đây không phải là đức nhẫn?. Pháp sư Giác Đức không ai khác hơn là Phật Ca Diếp (Kasyapa). Vua Hữu Đức là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. Một Bồ tát muốn hộ trì pháp phải như vậy. Vì sao người ta không thể gọi đó là đại nhẫn?. Nếu một Bồ tát thực hành cái nhẫn của thế gian mà không sửa trị những người phạm tội ác, lại để mặc tình việc ác gia tăng khiến làm hại chánh pháp, một Bồ tát như vậy là ma quái (Mara, 魔), không phải là Bồ tát. Người như vậy cũng không xứng đáng được mang danh là một Thanh Văn!.

[701c25] Tại sao như vậy?. Do cái nhẫn của thế gian người ấy không hộ trì được pháp. Đây là người làm việc của ma, mặc dù nhìn bên ngoài thì có vẻ như là đang tu đức nhẫn. Nếu vị Bồ tát đại từ bi, thành tựu đức nhẫn, hộ trì pháp Đại thừa, gìn giữ [tuệ căn của] chúng sinh, người ấy không nên vướng mắc vào cái nhẫn của thế gian. Tại sao vậy?. Nếu Bồ tát dung dưỡng những kẻ xấu ác, và không thể đứng ra sửa trị họ, để mặc họ tăng trưởng tội ác, nhiễu loạn lòng người, mau đưa đến việc hủy hoại chánh pháp. Ngưởi nầy, thực ra, không phải [là một Bồ tát] mà chỉ giả vờ mình [là một Bồ tát]. Lúc nào miệng người nầy cũng nói: “Tôi đang tu hành đức nhẫn”; nhưng khi mạng chung người ấy sẽ đọa vào ngục A tỳ cùng với những kẻ xấu ác kia. Vì những lý do trên mà không thể gọi là nhẫn.

[702a3] Đi sâu hơn, “an trụ trên nền tảng nhẫn” nghĩa là gì? Đức nhẫn của Bồ tát có khả năng thành tựu những lợi ích giá trị đối với Bồ đề. Tương tự như đại địa có thể sản xuất và nuôi dưỡng vạn vật trên thế gian. Nhẫn cũng như vậy. Khi Bồ tát thực hành đại nhẫn, đôi khi Bồ tát ban rải từ bi, và dùng lời nhu hòa, tránh không đánh mắng trả lại. Có những trường hợp, Bồ tát thị hiện dùng miệng lưỡi thô tháo, đánh đập chúng sinh, ngay cả đến chỗ giết chết. Hai pháp nhẫn trên đều có cùng mục đích hộ trì chánh pháp, và điều phục chúng sinh. Đây không phải là việc mà các Bồ tát sơ cơ có thể gánh vác được, nên được gọi là thành tựu đức nhẫn.

[702a9] Pháp nhẫn có ba nghĩa. Nghĩa thứ nhất, khi tu tập thánh đạo, hành giả biết rằng tất cả các pháp rốt ráo không tịch, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng đoạn, chẳng thường. “Tất cả các pháp” [có nghĩa là] hành giả biết nhãn là không, nhĩ, tị, thiệt, thân, và ý là không; hành giả biết thanh, hương, vị, xúc, và pháp là không; hành giả biết nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, cho đến ý thức là không. Không ngã, không nhân, không chúng sinh, không tạo tác, và không người thọ nhận [sự tạo tác]. Quả báo có từ hạt giống lành cũng như hoa đốm giữa hư không. Sắc uẩn, [và những uẩn kia], giới, nhập đều là Không. Mười tám giới, ba lần sáu, đều bất khả thuyết. Không có trước, không có sau, không ở chặng giữa. Bản tánh vốn thường tịch. Nếu tâm người không chao động khi đối diện muôn hình tượng, thì gọi là Bồ tát đang tu tập pháp nhẫn.

[702a16] Nghĩa thứ hai, những vị Bồ tát dùng pháp nhẫn trang nghiêm thân và giáo hóa chúng sinh. Quán sát căn cơ thượng, trung, hạ của chúng sinh, Bồ tát giúp chúng sinh hoán chuyển và khiến họ trụ trong Đại thừa. Hoặc Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát, cả ba  cùng đi vào một và là một, không có gì khác trong thánh hạnh của thân và tâm [117]. Nhị thừa [Thanh văn và Duyên giác], phàm và thánh vốn là một và cùng Pháp thân, không khác với Phật.

[702a20] Nghĩa thứ ba, Bồ tát ma ha tát dùng trí tuệ không vướng mắc quán sát chúng sinh, dùng phương tiện thiện xảo điều phục họ [118]. Có lúc Bồ tát làm gương sáng trong vấn đề giới luật và tế hạnh (細行). Có khi lại phá giới và thiếu uy nghi (威儀) [119]. Để hoàn thành bản nguyện, những Bồ tát ma ha tát nầy ứng thân trong sáu cõi để giáo hóa chúng sinh. Đây gọi là Bồ tát thực hành pháp nhẫn, là người đã thành tựu pháp phương tiện trong việc giáo hóa chúng sinh.

[702a24] Đại nhẫn còn gọi là thần thông nhẫn. Thần thông nhẫn nghĩa là gì?. Ngay vào giây phút Bồ tát phát Bồ đề tâm, nguyện cứu độ chúng sinh khắp mười phương. Tinh cần tu tập lục độ, gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, và ba mươi bảy đạo phẩm được thuyết cho tam thừa, đắc nhất thiết trí, chứng Niết Bàn, vào được thực tế  (實際 bhutakoti). Trên Bồ tát thấy không Phật, dưới thấy không chúng sinh, liền nghĩ: “Tôi từng phát tâm cứu giúp chúng sinh, nay chẳng hề thấy có chúng sinh. Tôi tự hỏi có phải điều nầy chẳng trái ngược với lời nguyện xưa kia của tôi?.”. Ngay khi suy nghĩ như trên, tất cả chư Phật trong hiện đời lập tức hiện thân tướng. Chư Phật đồng khen ngợi Bồ tát, nói lời rằng: “Hy hữu thay, thiện nam tử!. Hãy gìn giữ trong tâm lời nguyện xưa, và đừng bỏ rơi chúng sinh!. Khi bắt đầu tìm cầu giác ngộ, ta từng lập đại nguyện cứu độ chúng sinh, và tinh tiến tu hành. Khi đắc Niết Bàn, vào thực tế, không thấy có chúng sinh để [cứu độ]. Nhưng nhớ lại đại nguyện, ta liền quy hướng về chúng sinh. Ngay lúc đó, ta thấy chư Phật khắp mười phương đồng cất tiếng khen ngợi, rằng: “Ta cũng như vậy. Hãy gìn giữ trong tâm lời nguyện xưa, và đừng bỏ rơi chúng sinh!”.

[702b7] Khi mười phương chư Phật nói lời nầy, tâm Bồ tát, sau khi nghe được lời chư Phật, khôn xiết hoan hỷ, liền chứng được vô số thần lực. Trụ giữa hư không, Bồ tát có thể thấy được chư Phật khắp mười phương, dùng Phật trí tự trang nghiêm thân. Trong nhất niệm (一 念), Bồ tát đầy đủ Phật trí khắp mười phương, đồng thời biết được tâm hành của mỗi chúng sinh. Trong nhất niệm, Bồ tát có thể quán sát tất cả. Trong nhất thời (一 時), Bồ tát hướng tâm về việc cứu giúp chúng sinh [120].

[702b12] Vì tâm Bồ tát rộng lớn nên gọi là “đại nhẫn”.  Vì Bồ tát thừa ân đức của chư Phật và bậc đại nhân (大人mahapurusa) nên gọi là đại nhẫn. Tận lực cứu giúp chúng sinh, Bồ tát mang thân tướng hợp với trí tuệ trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong nhất niệm, Bồ tát hiển lộ tất cả thân tướng; đồng thời thuyết pháp. Một [pháp] âm có thể sinh vô số [pháp] âm [121], khiến vô số chúng sinh đồng thời giác ngộ. Đây gọi là “thần thông nhẫn”.

[702b16] Để được nhu, hòa, và khéo thuận, trước hết hành giả điều phục tâm của mình, sau đó thuần phục người. “Nhu” có nghĩa là phát huy sáu hình thức hòa kính (和敬), quán sát giới, tu tập thiền định và trí tuệ, đắc giải thoát. Thêm vào đó, hòa giải sân hận của chúng sinh, nhẫn nhục, trì giới cấm có cùng tướng Niết bàn. Lục hòa kính gồm có: tâm hòa, thân hòa, khẩu hòa, giới hòa, lợi hòa, và tướng hòa.[122]

[702b20] Thiện thuận có nghĩa là khéo biết căn tánh (根性) của chúng sinh mà tùy thuận điều phục (隨順調伏). Đây gọi là đồng sự (同事) [123]. Gồm thu sáu tướng thần thông (六種神通) [124]. “Nhu hòa” chỉ cho pháp nhẫn. “Thiện thuận” chỉ cho đại nhẫn. “Bất thốt bạo” có nghĩa là khi tu tập pháp Phật, hành giả không vụt chạt tuyên bố rằng mình đã chứng ngộ, ra vẻ uy nghi. Thuần phục chúng sinh cũng như vậy.

[702b23] “Tâm bất kinh”, kinh có nghĩa là động. Thốt bạo cùng nghĩa với [kiêu] ngạo (驁). Bất kỳ nghe âm thanh hòa nhã, âm thanh chát chúa, ngay cả tiếng sấm chớp, cảnh giới xấu ác (境界), hoặc cảnh tượng thiện lành (善色像), khi mắt thấy, tai nghe, lòng không xung động, dù chỉ thoáng qua. Vì [Bồ tát] hiểu giáo pháp về tánh Không, không có tâm [nào xao động]. Vì vậy mà nói rằng tâm bất kinh [125].

[702b26] “Ở nơi pháp không phân biệt”, có nghĩa rằng ngũ uẩn, thập bát giới, thập nhị nhân duyên… tất cả các phiền não hoàn toàn rỗng lặng. Vì vậy, không có tâm [ý] và nguồn cội [để tìm tâm ý nầy]. Hơn nữa, trong thiền định và giải thoát, không hề có trí, tâm, và hành.

[702b29] “Quán các pháp như thực tướng” có nghĩa rằng ngũ uẩn, thập bát giới, thập nhị nhân duyên… đều là thực tánh chân như (真如實性). Không có gốc, không có ngọn (本末), cũng không sinh diệt. Không phiền não, cũng không giải thoát.

[702c2] “Chẳng vin theo, chẳng phân biệt” có nghĩa rằng Sinh tử, Niết bàn không như, không khác. Phàm phu và Phật không riêng hai pháp giới (法界). Vì vậy nên không thể phân biệt (分別). Hơn nữa, vì hành giả không nhận thấy đây không phải là hai, nên nói rằng người ấy không [thể] chẳng phân biệt. Vì tướng vô phân biệt chính đó bất khả đắc, Bồ tát trụ trong vô danh tam muội. Lại nữa, cho dù Bồ tát vô trụ, vẫn có thần lực mà không dùng pháp phương tiện [126]. Đây gọi là hành xứ của Bồ tát ma ha tát. Bồ tát trở nên bình đẳng [với hành xứ] khi bước vào thánh vị (初入聖位) [127]. Đây là pháp thân chân thường bất động. Đây không phải là pháp thân phương tiện từ nhân duyên phối hợp [128]. Cũng gọi là “chứng ngộ Như Lai tạng” cho đến [chứng ngộ] “Ý tạng” (意藏) [129] .

 

[1] Sư Tuệ Tư nói trong Tùy Tự Ý Tam Muội (và trong Vô Tránh Tam Muội): Diệu Pháp Hoa hội đãn thuyết nhất thừa đốn trung cực đốn chư Phật trí tuệ, vi đại Bồ tát thụ Như Lai kí, nan tín nan giải  thị cố lậu tận nhị thừa nhân, tân phát ý Bồ tát cập dĩ bất thối chư Bồ tát đẳng, nghi hoặc bất năng giải, hà huống dư nhân, thí như thế gian chuyển luân thánh vương trang nghiêm tứ thiên hạ, tập chư chuyển luân vương cộng luận thánh vương sự, duy hữu vương biên trí tuệ đại thần nãi năng tín giải, đắc cận vương tọa, đồng luận vương sự, chư dư ác thần, ngu ám vô trí tắc bất kham văn, bất đắc đồng tọa hà huống dư tiểu vương cập chư bộc sử nhi cận vương tọa (妙 法 華會 但 說 一 乘 頓 中 極頓 諸 佛 智 慧。 為 大菩 薩 受 如 來 記。難 信 難 解。是 故 漏 盡 二 乘 人。新 發 意 菩 薩 及 以 不 退 諸 菩 薩 等。疑 惑 不 能 解。何 況 餘 人。譬 如 世 間 轉 輪 聖 王。莊 嚴 四 天 下。集 諸 轉 輪王。共 論 聖 王 事。唯 有 王 邊 智 慧 大 臣 乃 能 信 解。得 近 王 座 同 論 王事。諸 餘 惡 臣。愚 闇 無 智。則 不 堪 聞。不 得 同 座。何 況 餘 小 王 及諸 僕 使。而 近 王 座)。(T46n1923. 635b08-16).

Nhìn dưới ánh sáng của đoạn văn trên, câu “Pháp Hoa kinh giả, đại thừa đốn giác, vô sư tự ngộ tật thành Phật đạo, nhất thiết thế gian nan tín pháp môn.” giới thiệu tác phẩm An Lạc Hạnh Nghĩa của sư Tuệ Tư dường như được đọc như một đề tài vô tận, với nghĩa kinh Pháp Hoa là một trong những kinh hoặc pháp môn (thay vì chỉ một kinh hoặc một pháp môn) thuyết về đại thừa đốn giác. Ý tưởng này lại được xác định trong tác phẩm Tùy Tự Ý Tam Muội, nơi kinh Hoa Nghiêm cũng đưa ra điều phù hợp với kinh Pháp Hoa khi thuyết về pháp thân vốn có với sự thẩm thấu và chứa đựng của những hình tướng trong biển pháp giới – là những chân lý mà “chỉ giữa Phật với Phật mới nhận biết”, như sư Tuệ Tư nói. Tùy Tự Ý Tam Muội XZJ 98. 353a 9-11. Sato Tetsuei cho rằng dựa trên những đoạn văn trong tác phẩm Tứ Thập Nhị Tự Môn của sư Tuệ Tư qua phần ghi chú của Shoshin (thí dụ như trong Chỉ Quán Tư Ký 止觀私記 DNBZ, 22. 1009 a-b, và Tứ Thập Nhị Tự Môn Sao 四十二字門抄) mà sư Tuệ Tư cũng lấy làm nền tảng đối với ý niệm về “đốn giác” của sư qua Bồ Tát Anh Lạc Bổn Nghiệp Kinh (T no. 1485, và Anh Lạc Kinh), mật tạng Hoa văn xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ năm liên hệ đến kinh Hoa Nghiêm. Đọc Kanno Hiroshi, Huisi’ Perspective on the Lotus Sutra as Seen through the Meaning of the Lotus Sutra’s Course of Ease and Bliss, p. 187, fn 4 and 5.

385

Câu ‘vô sư tự ngộ” (無 師自悟) là lối diễn đạt thường dùng để nói về một vị Phật (hoặc một vị Bích Chi Phật) nương vào trí tuệ độc đáo vô song của chính mình,  tự mình giác ngộ chứ không theo truyền thống tu tập từ người khác. Thí dụ, đọc Đại Bát Niết Bàn kinh, T no. 37512.710c17; Đại Trí Độ Luận, T no. 1509, 25.66b2; và Trí Khải, Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn, T no. 1916, 46. 496a15. Hai chữ 自悟 được dùng để dịch “tự mình giác ngộ” khi chỉ cho sự chứng ngộ vô thượng của một vị Phật. Tuy nhiên, trong bài kệ theo sau (T no. 1926, 46.698a 26), sư Tuệ Tư nhắc lại câu “vô sư tự nhiên ngộ” (無 師自然悟), chỉ ra cái nghĩa “tự nhiên” gần với nguyên văn. Cách diễn đạt “chóng thành Phật đạo” (疾成佛道) xuất hiện hai lần trong kinh Pháp Hoa, T no. 262, 9.51b24 và 51c7 trong phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát. Phẩm Đề Bà Đạt Đa nói về Long Nữ, là một trong những điều hy hữu – và đưa đến tranh cãi – đối với đường hướng suy nghĩ của một số người Á Đông trong chủ đề đốn giác của phái nữ; dùng thuật ngữ “tốc thành Phật đạo” (速成佛道) cùng ý nghĩa tuy có khác một chữ (T no. 262.9.35b1136c26). Tuy nhiên, kinh Pháp Hoa có thể không phải là nguồn cảm hứng duy nhất của sư Tuệ Tư khi sư nhấn mạnh trên sự kiện “tốc thành Phật đạo” vì khái niệm này xuất hiện trong nhiều kinh luận Đại thừa khác mà sư rất quen thuộc, gồm cả Đại Trí Độ Luận, T no. 1509. 25

[3] Trong phẩm Tựa, kinh Pháp Hoa, ngài Văn Thù Sư Lợi giải thích với ngài Di Lặc lý do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng quang kỳ diệu: “Phật vì muốn cho chúng sinh khắp nơi nghe và học pháp khó tin khó nhận, nên hiện điềm lành này.” Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.3c16-17. Mối “nghi” (疑) mà các môn đồ nhị thừa, Bồ tát sơ phát tâm, và bất thối chuyển Bồ tát gặp phải khi nghe thuyết kinh Pháp Hoa (với họ là pháp khó tin 難信) là điểm chính yếu được nhắc lại nhiều lần trong phẩm Tựa, kinh Pháp Hoa vì chân lý nhất thừa và Phật trí (佛智) mà kinh Pháp Hoa trực tiếp đưa ra là một pháp đệ nhất hy hữu nan giải (第一稀有難解), chỉ nhận biết giữa Phật với Phật. Ngoài ra, đọc những dòng kinh mở đầu và những dòng kệ được nhắc lại trong phẩm Phương Tiện, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Miaofa lienhua jing), T no. 262, 95b25-6a 20. Những phẩm kinh theo sau nhấn mạnh trên giáo lý (dharmaparyaya) của kinh Pháp Hoa như “chư Phật bí yếu chi tạng” (諸佛秘要之藏) hoặc “chư Phật Như Lai bí mật chi tạng” (諸佛如來祕密之藏), nan tín, nan giải (難信難解). Đọc T no. 262, 925c12, 31b18, và đặc biệt T9.39a 9 và 39a 14, phẩm An Lạc Hạnh.

Ý niệm chứng đắc Bồ đề mau chóng hơn những vị Bồ tát khác, đọc Đại Trí Độ Luận, T no. 1509. 25.283b26-29. Đức Thích Ca Mâu Ni, với lòng tuyệt đối kiên trì, được biết đã “vượt qua” Bồ tát Di Lặc, chứng đắc Bồ đề trước chín khoảng thời gian vô tận (kalpa) mặc dù hai vị phát tâm cùng thời.

[5] Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định là bốn trong sáu độ ba la mật của Bồ tát đạo; được mô tả chi tiết trong quyển 11-19 Đại Trí Độ Luận, T no. 1509, 25.139a-205c. Trì giới và thiền định là hai trong tám đạo, trí tuệ bát nhã là yếu tố thứ ba. Sư Tuệ Tư nhắc đến những hạnh này rất nhiều lần trong những tác phẩm của sư, đặc biệt với những sơ phát tâm (初心) Bồ tát. Trong phần mở đầu tác phẩm Vô Tránh Tam Muội, chúng ta đọc: “phu dục học nhất thiết Phật pháp, tiên trì tịnh giới cần thiền định, đắc nhất thiết Phật pháp chư tam muội môn, bách bát tam muội, ngũ bách đà la ni. (夫 欲 學  一 切 佛 法 先 持 淨 戒 勤 禪 定。得 一 切 佛 法 諸 三 昧 門。 百八 三 昧。五 百 陀 羅尼). (627c6-7). Về sau, trong cùng bản văn, sư lại nói: “nhược vô tịnh giới thi ền trí tuệ Như Lai tàng thân bất khả kiến” (若 無 淨 戒 禪 智 慧如來 藏 身 不 可 見.) (630a 5-7); và “chúng sanh tuy hữu Như Lai tàng bất tu giới định tắc bất kiến, tịnh giới thiền trí cụ lục độ thanh tịnh pháp thân nãi hiển hiện.” (眾 生 雖 有 如 來 藏 不 修 戒 定 則 不 見, 淨 戒 禪 智 具 六 度 清 淨 法 身 乃 顯 現). (630a7-8). Ngoài ra, đọc 628b25, 629c4-9, 629c11-14.

[6] Pháp Hoa tam muội (法華三昧) Phạm: Saddharma-pundarìka-samàdhi) rất khó thấy được trong kinh Pháp Hoa, chỉ xuất hiện hai lần trong phẩm Diệu Âm Bồ tát, và một lần trong phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương, và chỉ thoáng qua. Đọc Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9. 55a 27, 56c1 và 60b5; Trong trường hợp thứ nhất, Pháp Hoa tam muội được đưa ra cùng một số tam muội khác mà Diệu Âm Bồ tát chứng đắc được sau thời gian lâu xa đã vun trồng gốc công đức, cúng dường, gần gủi vô lượng chư Phật. Trong trường hợp thứ hai, Hoa Đức Bồ tát chứng được Pháp Hoa tam muội sau khi nghe Phật thuyết Diệu Âm Bồ tát đắc “Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội” (現一切色身三 昧). Trường hợp thứ ba, phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bổn Sự, Tịnh Nhãn Bồ tát từ lâu đã thông đạt Pháp Hoa tam muội. Như vậy, dường như có một gạch nối giữa Pháp Hoa Tam Muội và Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội. Mối quan hệ được nhắc lại với “Phổ Hiện Sắc Thân Tam Muội” (普現一切色身三 昧) trong kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp, T no. 277, 9. 391c29, 392a 26. Mặc dù kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát được kể là do sư Đàm ma mật đa (Dharmamitra) dịch vào đầu thế kỷ thứ năm, nhưng cũng có thể đây là một tác phẩm của người Trung Hoa. Vào thời của sư Tuệ Tư, bản kinh này thường được nhìn như phần kết của phẩm Phổ Hiền Khuyến Pháp, kinh Pháp Hoa. Trích ra từ kinh Pháp Hoa và kinh Phổ Hiền Quán Pháp (và một phần trong 60 quyển kinh Hoa Nghiêm và Đại Trí Độ Luận), sư Tuệ Tư khai triển sự cân bằng giữa Pháp Hoa Tam Muội, Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội, và sự chứng đắc thần thông của Phật trong tác phẩm An Lạc Hạnh Nghĩa. Cũng như vậy, trong tác phẩm Vô Tránh Tam Muội, sư Tuệ Tư còn khẳng định rằng “Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội” còn gọi là “Phổ Hiện Sắc Thân Tam Muội” hoặc nhất thiết chủng trí (一切種智), và Phật nhãn (佛眼). Đọc Chư Pháp Vô Tránh Tam Muội, T no. 1923, 46.627c17-19. Ngoài ra, với những phản ảnh lịch sử liên hệ, đọc Tsuda Sokichi.

Mở đầu tác phẩm Tùy Tự Ý Tam Muội sư Tuệ Tư tuyên bố những hiệu quả [của tam muội] tương tự như câu tuyên bố về Pháp Hoa tam muội mà sư nói trong An Lạc Hạnh Nghĩa. Đặc biệt lưu ý rằng sư đưa niệm Phật tam muội, Bát Chu tam muội vào cùng với Tùy Tự Ý tam muội, bất cứ tam muội nào ở đây đều đưa đến hiệu quả mau chóng chứng đắc Bồ đề. Sư nói: “Phàm thị nhất thiết tân phát tâm Bồ tát, dục học lục ba la mật, dục tu nhất thiết thiền định, dục hành tam thập thất phẩm, dục thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, học đại từ bi, khởi lục thần thông, dục đắc tật nhập bồ tát vị, đắc Phật trí tuệ, tiên đương cụ túc Niệm Phật tam muội, Bát Chu tam muội, cập học Diệu Pháp Liên Hoa tam muội, thị chư Bồ tát tối sơ ứng tiên học Tùy Tự Ý tam muội. (凡是一切新发心菩萨,欲学六波罗蜜,欲修一切禅定,欲行三十七品,欲说法教化众生,学大慈悲,起六神通,欲得疾入菩萨位,得佛智慧,先当具足念佛三昧, 般舟三昧, 及学妙法莲华三昧, 是诸菩萨最初应先学随自意三昧.) Tùy Tự Ý Tam Muội 98. 344b3-7.

[7]  Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9. 50c16-28, phẩm Thường Bất Khinh Bồ tát. Vị Bồ tát này mỗi khi thấy các tỉ khưu, tỉ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di thì đều lễ bái, khen ngợi và nói rằng (Đại 9, 184 hạ): Tôi rất cung kính quí vị, không dám khinh nhờn, vì sao? Vì quí vị đều thực hành đạo Bồ tát và sẽ được thành Phật. Mọi người nghe rồi cũng có người tức giận, lấy gạch, ngói, gậy gộc đánh, ném, nhưng Bồ tát vẫn cung kính, cho đến thấy tứ chúng từ xa cũng lại lễ bái khen ngợi như trước, vì thế nên tứ chúng tăng thượng mạn gọi Ngài là Thường Bất Khinh. Lúc vị Bồ tát này lâm chung, nghe đức Phật Uy Âm Vương giảng nói kinh Pháp Hoa, được sáu căn thanh tịnh (得是六根清淨; T no. 262, 9.51a 3-6; Wogihara and Tsuchida, p. 321.14-15) tăng thọ mệnh đến muôn nghìn triệu ức na do tha, lại giảng nói kinh Pháp Hoa cho người khác nghe, hiển hiện thần thông, nên làm cho tứ chúng tăng thượng mạn qui phục, cuối cùng Bồ tát thành Phật. Trải hằng vô số kiếp, cúng dường vô số chư Phật, Bồ tát Thường Bất Khinh thời bấy giờ nay chính là đức Thích Ca Mâu Ni. Phật muốn trùng tuyên lại nghĩa này mà nói rằng: Đắc Đại Thế, phải biết kinh Pháp Hoa này rất lợi ích, có thể khiến mau chóng được đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên các vị đại Bồ tát sau khi Như Lai diệt độ phải thường thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép kinh này.” (9.51a 21-26). Lục căn thanh tịnh và công đức thọ trì tụng đọc, ghi chép kinh Pháp Hoa được nhắc lại trong phẩmPháp Sư Công Đức.

[8] Sư Tuệ Tư không đưa ra một tham cứu đặc biệt nào khi tu hạnh nhìn chúng sinh như đại Bồ tát hoặc như thiện tri thức. Tuy nhiên, ý tưởng này gần với phẩm Đề Bà Đạt Đa, kinh Pháp Hoa, vị tỉ khưu xấu ác, phạm tội ngũ nghịch, phá hoại tăng đoàn, đối địch với Phật, nhưng ở đời quá khứ Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức, từng thuyết giảng kinh điển Đại thừa cho đức Thích Ca nghe, nhờ vậy mà ngài mau chóng thành Phật. Kinh nói: “Do nhờ thiện tri thức Đề Bà Đạt Đa khiến ta đầy đủ sáu pháp ba la mật, từ bi hỷ xả, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân sắc vàng, mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn nhiếp pháp, mười tám pháp bất cộng, thần thong đạo lực, thành bậc chính đẳng chính giác rộng độ chúng sinh, tất cả công đức đó đều từ nhân Đề Bà Đạt Đa”. (9.34c6-7). Phẩm Đề Bà Đạt Đa vốn không có trong phiên bản kinh Pháp Hoa của pháp sư Cưu Ma La Thập , nhưng trước thời của sư Tuệ Tư thì lại có một bản của phẩm này lưu hành, do sư Pháp Hiến (法獻) giới thiệu vào Trung Hoa, và do sư Đạt-ma-ma-đề (Dharmamati) phiên dịch tại Dương Châu khoảng năm 482-493. Đọc Tăng Triệu, Xuất Tam Tạng Ký Tập, T no. 2145, 55.13b26-c3; Đạo Tuyên, Đại Đường Nội Điển Lục, T no. 2149, 55. 262c2-13; Các sư Trí Khải và Quán Đảnh đặc biệt ghi chú rằng sư Tuệ Tư biết về bản văn này, và đã nói rằng bản văn ở giữa phẩm Phật Đa Bảo [Hiện Bảo Tháp], và [Phổ Hiền] Khuyến Pháp, kinh Pháp Hoa. Sự “giả định” của sư Tuệ Tư được minh chứng trong bản dịch kinh Pháp Hoa vào thế kỷ thứ ba của sư Trúc Pháp Hộ (竺法護; Dharmarakṣa). Đọc Zhengfa hua jing, T no. 263, 9.105a 27-106a 25, trong đó, một phần lớn của phẩm Đề Bà Đạt Đa được đưa thêm vào phẩm Hiện Bảo Tháp. Đọc Pháp Hoa Văn Cú, T no. 1718, 34,114c28-115a1 .

[9] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9. 53a7, 53a 22, 53a10-54a 10. từ phẩm Bồ tát Dược Vương Bản Sự, trong ứng thân của Nhất Thiết Chúng Sinh Hỷ Kiến Bồ Tát, được nghe đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai thuyết kinh Pháp Hoa, tu tập khổ hạnh, tinh tiến kinh hành, một lòng cầu Phật quả, trải qua một vạn hai nghìn năm, chứng được Hiện Nhất Thiết Sắc Thân Tam Muội. Sau đó, Bồ tát uống các thứ dầu thơm rồi đốt thân cúng dường Phật trong một nghìn hai trăm năm. Sau khi mệnh chung, hóa sinh vào nhà vua Tịnh Đức, nhận sự phó chúc của Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Như Lai. Sau khi đức Như Lai nhập diệt, Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến dựng 84.000 ngôi tháp, rồi trong khoảng 72.000 năm, Bồ tát tự đốt cánh tay cúng dường những tháp ấy. Bồ tát Nhất Thiết Chúng Sinh Hỉ Kiến kia nay chính là Bồ tát Dược Vương.

[10] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.60b10-29, từ phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương Bản Sự, sư Tuệ Tư trình bày về vua Diệu Trang Nghiêm có chỗ khác với phiên bản hiện nay của pháp sư Cưu Ma La Thập. Theo phiên bản này, nhà vua  đem nước giao cho người em rồi xuất gia. Vua xuất gia trong tám muôn bốn nghìn năm thường tinh tấn tu hành kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đắc được Nhất Thiết Tịnh Công Đức Trang Nghiêm tam muội. Vị vua này về sau được thụ ký là Phật, hiệu Ta La Thụ Vương, cõi nuớc Đại Quang. Vua chính là tiền thân của Bồ tát Hoa Đức, Hoàng hậu là Bồ tát Quang Chiếu Trang Nghiêm Tướng, hai vương tử là Bồ tát Dược Vương và Bồ tát Dược Thượng (Bhaiwajya-samudgata). Thứ tự trong bản Phạn văn và trong phiên bản Zhenghua jing của sư Dharmaraksa cùng ý với sư Tuệ Tư, và khác với phiên bản của sư Cưu Ma La Thập.

[11] Không rõ xuất xứ cách tính đếm thời gian kiếp số trong bốn châu của sư Tuệ Tư. Đời Lương đưa ra con số một trăm năm cho một kiếp trong cõi Nam Diêm Phù Đề: (閻浮提 Jambudvipa), những con số trong các châu Đông, Tây, và Bắc quá 250, 500, 1.000 năm. Những xuất xứ khác vào đời Tùy thì đưa con số 200, 300 và 1.000 cho ba châu kia. Sư ghi rằng ở cõi Diêm Phù Đề tám mươi bốn ngàn năm là một kiếp, nhưng giảm xuống giữa 125, 100, v à 60 năm.

[12] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.50c16-28, như trên.

[13] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.37a19-20, b10, b12-16, c10-20, và c23-24. Trong tứ an lạc hạnh, vị Bồ tát an trụ trong thiền định, quán sát tất cả các pháp như thực tướng, chẳng điên đảo, chẳng động, chẳng thối, chẳng chuyển, như hư không.

[14] Trong Vô Tránh Tam Muội, sư Tuệ Tư xác định sự thanh tịnh của pháp thân (清淨法身) tức Như Lai tàng (如來藏). Chư Pháp Vô Tránh Tam Muội, T no. 1923. 46.630a 5-8. Thuật ngữ pháp thân tàng (法身) cũng chiếm một chỗ đứng quan trọng trong tác phẩm Tùy Tự Ý Tam Muội, trong phẩm nhập pháp giới (入法界品海) từ phiên bản 60 quyển kinh Hoa Nghiêm của sư Phật-đà Bạt-đà-la (佛陀跋陀羅; Buddhabhadra) được sư Tuệ Tư đưa về sự hòa nhập trong biển pháp giới (入法界海), và trí tuệ Bồ đề thần biến bất khả tư nghị. Sư nói: “Phàm phu thánh nhân, bổn mạt cứu cánh bình đẳng vô nhị, diệc năng thiện đạt phàm thánh thủy chung cứu cánh nhất thừa sai biệt chi tương diệc như sắc nhập pháp giới hải thuyết, sắc nhập pháp giới hải giả, tức thị sắc tàng pháp giới hải, sắc tàng pháp giới giả, tức thị thức nhập pháp giới hải, thức nhập pháp giới hải giả tức thị thức tàng pháp giới hải, trí nhập pháp giới hải giả tức thị trí tàng pháp giới hải, diệc đắc danh vi sắc tập pháp giới hải, thức tập pháp giới hải, trí tập pháp giới hải, Phật dữ phàm phu nhất thiết cụ túc, danh bổn mạt cứu cánh bình đẳng, thử pháp thân tàng, duy Phật dữ Phật nãi năng tri chi, Pháp Hoa kinh trung tổng thuyết nan kiến, Hoa Nghiêm kinh trung phân biệt dịch giải, thị danh bồ tát thụ thực thí thực, tính tuy không tịch, cụ túc trung đạo trí tuệ tàng, diệc danh sắc tâm thần thông chi tàng” (凡夫圣人, 本末究竟  平等无 二,  亦能善达, 凡圣始 终, 究竟一乘, 差别之相, 亦如色入,  法界海说, 色入法界海者,即是色藏 法界海, 色藏法界者,即是识入法界海, 识入法界海者即是识藏法界海, 智入法界海者即是智藏法界海, 亦得名为色集法界海, 识集法界海,智集法界海,佛与凡夫一切具足, 名本末究竟平等, 此法身藏,唯佛与佛乃能知之, 法华经中总说难见, 华严经中分别易解, 是名菩萨受食施食,性虽空寂,具足中道智慧藏, 亦名色心神通之藏)。Tùy Tự Ý Tam Muội, XZJ 98. 353a 45-11. Ngoài ra, đọc Hoa Nghiêm Kinh, T no. 278, 9.683b9-689a 23 (Nhập Pháp Giới Phẩm), trong đó Bồ tát Phổ Hiền thuyết về nhập pháp giới, dường như sư Tuệ Tư căn cứ vào ý tưởng trong phẩm này. “Pháp thân tàng” liên quan đến phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh, kinh Hoa Nghiêm, T no. 278. 9.610b6-13.

[15] Không rõ xuất xứ. Phiên bản Phật tạng kinh (Buddhapitaka), T no. 653, vol. 15 lưu hành [ngày nay] không thấy còn ghi pháp thân tàng hoặc ba mươi hai tướng như đoạn văn ở đây. Kinh Đại Bát Niết Bàn thì gần hơn, thuyết rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Vì vốn có Phật tánh, nơi thân chúng sinh có mười lực, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp”, hoặc “Phật tánh chính là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp nơi thân kim cang của Như Lai”. Niepan jing, T no. 375, 12.660a16-18 và 819a17. Phiên bản bốn quyển kinh Lăng Già do sư Cầu-na Bạt-đà-la  (Gunabhadra) dịch, nói: “Như Lai tạng tự tánh thanh tịnh, chuyển (轉) ba mươi hai tướng trong thân của tất cả chúng sinh, ví như bảo châu vô giá bị che đậy dưới manh áo bẩn”. Trong bản Phạn văn của kinh Lăng Già có thuật ngữ dhara (phú cho) thay vì轉 (chuyển) mà sư Bồ- đề-lưu-chi dịch là 具(cụ) như trong câu đủ 32 tướng.

[16] So sánh với đoạn văn sau đây trong tác phẩm Vô Tránh Tam Muội, sư Tuệ Tư nói về pháp thiền và Như Lai tạng: “nhược vô tịnh giới thiền trí tuệ Như Lai tàng thân bất khả kiến, như kim quáng trung hữu chân kim nhân duyên bất cụ kim bất hiện, chúng sanh tuy hữu Như Lai tàng bất tu giới định tắc bất kiến, tịnh giới thiền trí cụ lục độ thanh tịnh pháp thân nãi hiển hiện.” (若 無 淨 戒 禪 智 慧 如 來 藏 身 不 可 見, 如 金 礦 中 有 真 金 因 緣 不 具 金 不 現, 眾 生 雖 有 如 來 藏 不修 戒 定 則 不 見, 淨 戒 禪 智 具 六 度 清 淨 法 身 乃 顯 現), T no. 1923. 46.630a 5-8.

 

[17] Diệu Pháp Liên Hoa kinh, T no. 262. 9.47c8; và Quán Phổ Hiền Bồ tát hành pháp kinh, T no. 277, 9.389c8-9. Phiên bản kinh Pháp Hoa của sư Cưu Ma La Thập, phẩm Pháp Sư Công Đức, có câu: “phụ mẫu sở sinh thanh tịnh thường nhãn”. Tuy nhiên, chữ 常 mà chúng ta dịch là thường hoặc luôn luôn (sẽ giải thích lý do dưới đây) dường như chỉ dùng để nói về nhĩ căn. (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262. 9. 48a 6-10). Mặt khác, trong kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát, T no. 277, 9.389c8-9, sáu căn thanh tịnh cũng được nhấn mạnh, chính xác như những câu sư Tuệ Tư trưng dẫn, tức là chữ “thường” trong “phụ mẫu sở sinh thanh tịnh thường nhãn”. So sánh với bản Phạn văn của kinh Pháp Hoa, thấy rằng chữ thường ( 常) dịch từ chữ prakrta thì nên hiểu là “commonplace/ordinary” hơn là “everlasting”.. Hai chữ “thanh tịnh” (清淨) dùng để dịch chữ prakrtena. Đọc Wogihara and Tsuchida, pp. 300.9-19 và 302.1, quyết định dùng chữ thường常để dịch chữ prakrta như sư Tuệ Tư giải thích trong An Lạc Hạnh Nghĩa. Lưu ý rằng “con mắt thường tịnh từ cha mẹ sinh” thì “đầy đủ lục thông”. Sư nói: “Nhất thiết thần thông tất tại nhãn trung, nhất thời cụ túc. Thử khởi phi thị chúng sinh nhãn diệu. Chúng sinh nhãn diệu, tức Phật nhãn dã” (一切神通悉在眼通 此豈非是眾生眼妙, 眾生眼妙即佛眼也). (46.698c22-28).

[18] Diệu Pháp Liên Hoa kinh, T no. 262. 9. 37c 13-15, từ bài kệ trùng tuyên, phẩm An L ạc Hạnh, kinh Pháp Hoa. Đọc Wogihara and Tsuchida, pp. 239.19.

[19] Trong chủ đề thường tại nhất thiết thâm diệu thiền định (常在一切深妙禪定) dưới đây, sư Tuệ Tư nói trong An Lạc Hạnh Nghĩa: “Vào sâu thiền định, tâm an định trong tất cả các uy nghi 威儀 đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, nói. Một hình thức khác là theo thứ lớp của ba cõi [Dục, Sắc, Vô Sắc]. Tiến hành theo thứ bậc, tổng cộng mười một địa khác nhau, từ dục giới địa欲界地cho đến vị đáo địa未到地, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng, phi phi tưởng xứ . Hai con đường hữu và vô 有法無法二道 có khác nhau – thành tựu thánh hạnh như được thuyết trong Tạp a tỳ đàm tâm luận. Kinh nghiệm thiền thâm diệu an lạc nhất định không phải là loại nầy. Tại sao?. Vì không trì trệ ở các cõi Dục, Sắc, hoặc Vô Sắc. Thiền hạnh trong các pháp thiền nầy là biến hành 遍行của Bồ tát.” An Lạc Hạnh Nghĩa, T no. 1926, 46.700a 21-27.

Trong Vô Tránh Tam Muội, sư nói: “trì giới thiền định chủng chủng sự thậm thâm định tâm bất biến dịch, trí tuệ thần thông huyễn hóa dị, pháp thân bất động, như không nguyệt phổ hiện sắc thân tác Phật sự. (持戒禪定種種事甚深定心不變易。智慧神通幻化異。法身不動。如空月普現色身作佛事)。Chư Pháp Vô Tránh Tam Muội, T no. 1923. 46.628b20-21. Nói về gia sản của thiền trí thâm diệu, sư Tuệ Tư nói trong tác phẩm Tùy Tự Ý Tam Muội rằng một thiền giả đã chứng được “tự tại thiền” (自在禪) thì có thể muốn hoặc không muốn nghe tất cả những âm thanh trong các cõi [luân hồi] như ý. (Tùy Tự Ý Tam Muội, 98.350d4-7). Hơn nữa, “hoặc nhập định hoặc xuất định, hoặc khi đi, đứng, ngồi nằm, thân tâm yên tịnh, không lay động, người ấy có thể phổ hiện thân làm tất cả Phật sự.” (351a 9-10). Sư Tuệ Tư dùng thuật ngữ “thâm diệu thiền định” (深妙禪定) gợi lại cho chúng ta (mặc dù không hoàn toàn giống y) thuật ngữ “xuất thế gian thượng thượng thiền” (出世間上上禪) mà sư Trí Khải xác định là pháp bất cộng (不共) của Bồ tát Đại thừa (tức không chung cùng với nhị thừa). Thêm chi tiết, đọc Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn (釋禪波羅蜜次第法門), T no. 1916. 46.479b4-8, nơi mà pháp “xuất thế gian thượng thượng thiền” dùng để chỉ “xuất thế gian Bồ tát thiền môn” (出世間菩薩禪門), và 480c20-28  nói về “phi hữu lậu phi vô lậu thiền pháp” (非有漏非無漏 禪法). Ngoài ra, đọc Trí Khải, Pháp giới thứ đệ sơ môn (法界次第初門), T no. 1925, 46. 687b1-13 và 688b9-26.

[20] Anh Lạc Kinh, T no. 1485, 24.1013a10.

[21] Từ kinh Ương Quật Ma La, T no. 120, 2.532a 29-b1. Được sư Câu-ba-bạt-đà-la (Gunabhadra) phiên dịch vào đời Lưu Tống, bốn quyển, là kinh Đại thừa về Như Lai tạng, (kinh này dễ bị nhận lầm với một quyển cùng tựa đề.

[22] Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh, T no. 277.9.389c7-10. Các ngài A nan, Maha Ca Diếp, và Bồ tát Di Lặc thỉnh vấn Phật làm thế nào có thể thanh tịnh sáu căn, và diệt tội lỗi mà không diệt phiền não mà không bắt đầu dụng công trên ngũ dục, và làm thế nào để “con mắt thường tịnh từ cha mẹ sinh” này có thể nhìn thấy tất cả không chướng ngại mà không khởi đầu bằng cách diệt ngũ dục?.

[23] Hai câu từ kinh Ương Quật Ma La, nói: “Một là gì? Đó là mỗi chúng sinh trong Như Lai tạng, rốt ráo an trụ.”. Ương Quật Ma La, T no. 120, 2.531b25-26. Sư Tuệ Tư, [thấu suốt] không ngăn ngại, đã đồng hóa “nhất” với “nhất thừa” (一乘), và lấy hai chữ “an lạc” (安樂) thay vào cho “an trụ” (安住). Tư tưởng này có thể  gợi ý từ đoạn kinh, khi Phật hỏi Ương Quật Ma La: Gì là nghĩa của nhất học (一學), hoặc là đoạn kết cùng bài kệ, khi Ương Quật Ma La thưa: “Nhất thừa của Đại thừa  là vô ngại trí của Như Lai”, và “nhất tướng” chỉ cho Như Lai, vì vậy mà nói là nhất thừa”. Tuy nhiên, xin lưu ý rằng sư Tuệ Tư trưng dẫn cùng bài kệ trong Tùy Tự Ý Tam Muội, XZJ 98. 352d 17-18, (điều này để nói rang, không đưa “một” về “nhất thừa’, và không thay thế “an lạc” cho “an trụ”). Cùng một đoạn văn, sư cũng trích giảng câu Phật hỏi Ương Quật Ma La: Gì là nghĩa của nhất học?, ở đó hàm ý nối kết cả hai.

Về vấn đề phiên dịch [Như Lai] tạng là kho tàng thay vì dịch là thai cung, đọc Stevenson, chương I (Chỉ giữa Phật với Phật). Cái nhìn của sư Tuệ Tư về Như Lai tạng được luận trong  Kimura Shujo (Tokyo: Sankibo, 1994).

[24] Niết Bàn Kinh, T no. 37512.770b20-c1, passim. Trong kinh chúng tôi thấy câu hỏi của Bồ tát Sư Tử Hống: “Nếu tất cả chúng sinh vốn có Phật tánh… thì tại sao chúng sinh không thấy?.” T 375, 12.769c21-23. Ở đây, Phật mô tả Phật tánh như sau: “diệc nhất phi nhất phi nhất phi phi nhất” (亦一非一非一非非一), T 12.770b20-21.

[25] Niết Bàn Kinh, T no. 375.12.770b29-c1. Sư Tuệ Tư dịch trệch đi đoạn kinh văn ở đây, kinh nói: “Thế nào là Một? Vì tất cả chúng sinh đều là nhất thừa? Thế nào là chẳng phải Một?. Vì nói ba thừa vậy. Thế nào là chẳng phải Một, chẳng phải là chẳng phải Một?. Vì vô số pháp vậy.”.

[26] Dường như xuất xứ đoạn văn này của sư Tuệ Tư dựa vào Đại Trí Độ Luận thay vì Đại Bát Nhã Kinh. Đại Trí Độ Luận giải thích: “Maha (摩訶) có nghĩa là đại (大)”. Tuy nhiên, định nghĩa này nói về tựa đề “Maha bát nhã ba la mật” hơn là về thuật ngữ Mahayana / Moheyan (Đại thừa). Theo thiển ý của tôi (Kanno) thì dường như kinh và luận không dịch sát nghĩa Maha là đại, Yàna là thừa, mặc dù chúng ta biết rằng lối hiểu như trên rất thông thường vào thời đại của sư. Hocchibo cũng đưa ra sự kiện này trong bản văn Notes on [Huisi’s] Course of Ease and Bliss (Hokke anrakugyosho): “Đại Trí Độ Luận nói trong phần giải thích về bố thí ba la mật (dana-paramita): Ba la (波羅) có nghĩa là bờ kia; mật (密) có nghĩa là đáo, tức đáo bỉ ngạn. Những dòng sau lại nói bờ kia chỉ cho Phật đạo (佛道). Mặc dù cách mô  tả Phật đạo ám chỉ ‘[tánh] viê n giác Bồ đề’, dường như sư Tuệ Tư đọc thuật ngữ này với nghĩa ‘đường về Bồ đề’, nên sư nói: Yàna là thừa, hoặc đáo bỉ ngạn.

[27] Nghĩa đen là ẩn (隱).

[28] Đại Trí Độ Luận đưa ra nhiều định nghĩa về “độn căn” ( 鈍根 / Mfdvindriya): kẻ thích tranh chấp (Dazhidu lun, T no. 1509, 25.62b14), thiếu thông minh (80a19), không xứng đáng (249c4, 516a26), nhiều tội lỗi (629c29, 636b5, 683a1), kẻ thiểu trí, đặc biệt đối với cái hiểu của chư Thanh văn về tánh Không (287b15, 26, 195b10, 329a12), khuynh hướng bám víu vào tánh Không (587b15), chậm tiến trên đường đạo, thưòng dùng pháp phương tiện (298b25), không thể liền hiểu khi được giải thích mà cần phải lập lại (329a12, 587b15, 722c29-723a4 ), hướng về pháp Thanh vănTiểu thừa. Hàng độn căn Bồ tát (鈍根菩薩), đặc biệt, lại là người bị vướng vào Không, hoặc là người dễ tin theo lối giải thích về Không theo tà niệm của ma vương (T no. 1509. 25.542a 7-18).

[29]  Diệc bất đoạn phiền não” (亦不斷煩惱) có thể từ kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát, nơi một câu hỏi quan trọng được đưa ra: Làm thế nào, hơn nữa, một người có thể đạt được sự thanh tịnh tất cả các căn, và diệt tất cả tội lỗi mà không mất tâm Bồ đề, không cần phải đoạn phiền não,và không phải ra khỏi năm món dục (chánh niệm tư duy nhất thật cảnh giới?vân hà bất thất vô thượng bồ đề chi tâm?vân hà phục đương bất đoạn phiền não, bất li ngũ dục, đắc tịnh chư căn 正 念 思 惟 一 實 境 界? 云 何 不 失 無 上 菩 提 之 心?云 何 復 當不 斷 煩 惱, 不 離 五 欲, 得 淨 諸 根? ). Sau đó, kinh nói: Công đức thiền định này sẽ diệt tất cả chướng ngại và giúp hành giả thấy được hình tướng vi diệu [của Bồ tát Phổ Hiền, Phật Đa Bảo, Phật Thích Ca Mâu Ni, và ứng thân của chư Phật) qua việc tụng đọc kinh văn mà không vào tam muội (nhạo đắc lục căn thanh tịnh giả, đương học thị quán, thử quán công đức,  trừ chư chướng ngại, kiến thượng diệu sắc, bất nhập tam muội đãn tụng trì cố. 樂 得 六 根 清 淨 者, 當 學 是 觀, 此 觀 功 德, 除 諸 障 礙, 見 上 妙 色, 不 入 三 昧 但 誦 持 故). Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh, T no. 277. 9.389c7-8, 389c21-22.

Hệ thống thập địa (bhumi) bắt đầu với Hoan hỉ địa (Pramudita), và chấm dứt với Pháp vân địa (Dharmamega, theo Thập Địa Kinh (Dasabhumika Sutra). Sư Cưu Ma La Thập dịch riêng kinh này (T no. 286) cùng với Dasabhumika-vibhasa sastra, T no. 1521) một tập luận về hai địa đầu trong mười địa. Thập Địa Kinh cũng nổi bật trong bản dịch Đại Trí Độ Luận của sư. Tuy nhiên, phiên bản phẩm Thập Địa (十地品) qua kinh Hoa Nghiêm của sư Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra) được lưu hành và phổ biến vào thời bấy giờ tại Trung Hoa. Hoa Nghiêm Kinh, T no. 278.9. 542a-578a.

Như được thuyết trong kinh Hoa Nghiêm, thập địa ở trên ba tầng thập trụ (十住), thập hạnh (十行), thập hồi hướng (十回向). Khi đến quả vị chánh đẳng giác (正等覺) bao gồm 41 quả vị. Tự đưa vào vòng ảnh hưởng của kinh Hoa Nghiêm,  bản ngụy thư Anh Lạc Kinh (Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh, T no. 1485) [*Khảo xét về kinh này thì ở Ấn độ không thấy căn cứ sử thực. Còn ở Trung quốc, từ Pháp kinh lục trở đi, các kinh lục phổ thông đều ghi do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào đời Diêu Tần, nhưng trong phần dịch kinh của Xuất tam tạng kí tập thì không có tên kinh này, và nó được xếp vào Thất dịch tạp kinh lục (phần ghi chép những kinh mất tên người dịch). Lịch đại tam bảo kỉ thì nói kinh này ngoài bản dịch của ngài Trúc Phật Niệm ra, còn có bản dịch của ngài Trí Nghiêm đời Tống nữa. Thời gần đây, đã có học giả căn cứ vào sự không xác định được người dịch và do xem xét phần nội dung, mà cho rằng kinh này đã được soạn ra ở Trung quốc. Bồ tát giới kinh nghĩa sớ Q.thượng; Phạm võng bồ tát giới bản sớ Q.1; Cổ kim dịch kinh đồ kỉ Q.3; Đại đường nội điển lục Q.3; Khai nguyên thích giáo lục Q.4, Q.5, Q.12. (Từ điển Phật Quang)] cống hiến một lổi giải thích sâu xa về hệ thống [đắc đạo]  bằng cách xếp đặt bốn loạt vào cái gọi là “tứ thập nhị địa tâm” (四十二地心). “Ly cấu địa địa” (離垢地 / Phạm:Vimalà-bhùmi. Hán âm: Duy ma la phổ, là địa vị giữ gìn được giới hạnh thanh tịnh, xa lìa các phiền não, được cho là tương đương với Đẳng giác (等覺),và đưa vào hàng 41 quả vị trước Diệu giác (妙覺). Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh cũng phân biệt những quả vị dự bị như Thập Tín (十信), cộng lại là 42 quả vị. Yingluo jing, T no. 1485. 24.1011a 15-1016c27. Chính từ hệ thống 42 quả vị từ kinh Hoa Nghiêm và kinh Anh Lạc, sư Tuệ Tư đã hợp vào với 42 mẫu tự trong Đại Bát Nhã và Đại Trí Độ Luận. Sự tổng hợp này là chủ đề chính trong tác phẩm Tứ Thập Nhị Tự Môn (四十二字門) của sư, thường được trích dẫn trong hệ thống giáo pháp của Thiên Thai tông về sau. Dựa theo tông chỉ của tôn sư, sư Trí Khải rút ra sự phân biệt nền tảng giữa 42 quả vị và pháp môn tiệm thứ (漸次) của Biệt giáo, là con đường của chư Bồ tát hạ căn, và 42 quả vị thuộc đốn (頓) hoặc phi thứ đệ (非次第) của Viên giáo, thích hợp với Bồ tát lợi căn. Theo Shoshin, trong tác phẩm Notes on [Huisi’s] Course of Ease and Bliss (Hokke anrakugyosho), ở đây sư Tuệ Tư đang nói về pháp môn tiệm thứ của Biệt giáo. Phân tích về những con đường khác nhau của chư Bồ tát trong kinh luận Ấn Độ được đưa vào Trung Hoa thời bấy giờ, đọc Akira Hirakawa (Tokyo: Shunjunsha, 1968). Về Anh Lạc Kinh, đọc Sato Tetsuei, Tokyo: Hyakka’en, 1981).

[31] Sự nhận định của sư Tuệ Tư về giáo lý Pháp Hoa không khác với hoa sen, khi một hoa sinh ra nhiều quả, tất cả quả đều thành tựu đồng thời cũng thấy trong một tiền đề của sư Pháp Vân trong Pháp Hoa Kinh Nghĩa Ký (法華經義記). Sư Pháp Vân nói: “Có vô số loài [hoa] sinh ra từ đất và nước. [Lý do lấy hoa sen] làm ẩn dụ vì nhân và quả [nằm trong sự kiện rằng]… khi có hoa thì đồng thời có quả (hoa thực tất câu花實必俱). Chúng ta dùng chữ (俱) để biểu hiện ý niệm rằng nhân và quả cả hai song thuyết (雙說) trong kinh.”  Pháp Hoa Nghĩa Ký, T no. 1715, 33.574b7-10, v à 573a4-7. Trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, các sư Trí Khải và Quán Đảnh phê bình sư Pháp Vân đã không nắm bắt được ý nghĩa thực sự của hoa và quả đồng thời trong ẩn dụ về hoa sen. (Sư Trí Khải lên án sư Pháp Vân đã đưa “nhân” khi luận về các đệ tử (弟子) Thanh văn trong mười bốn phẩm kinh đầu, và đưa ra “quả” Phật và pháp sư (師) trong mười bốn phẩm kinh sau.). Pháp Hoa Huyền Nghĩa giải thích: “Đến đây, có nhiều loài hoa như đã nói trên, nhưng chỉ với hoa sen, nhân và quả đồng thời. Hình ảnh vô số [quả hoặc hạt trong một bông] dùng để biểu thị sự bao gồm vạn hạnh (萬行) đồng thời trong một nhân, và sự viên thành vạn đức trong quả… Cái diệu của hoa sen cho thấy nhân và quả của thập như thị trong [tương quan với ] pháp giới Bồ đề.” Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T no. 1716, 33.772b2-5; 772c27-773a1.

Sư Trí Khải và sư Quán Đảnh tiếp tục đưa ra ba lối giải thích về hoa và quả đối chiếu với hai đề mục chính là Tích môn (迹門) và Bản môn (本門), với mục đích mở bày mối liên hệ phức tạp giữa ba pháp quyền thừa và một pháp thực thừa, với pháp thân cùng ứng thân của Phật: (1) Bất khi khi nào hoa thành tựu thì đều có quả, mặc dù quả không dễ nhìn thấy ngay; (2) khi hoa nở, liền thấy quả dễ dàng; (3) khi cánh hoa tàn, quả lộ bày toàn vẹn. Ảnh hưởng của tôn sư là sư Tuệ Tư trên tư tưởng của sư Trí Khải có thể khám phá từ cách lập luận của sư, là điểm mà sư Trạm Nhiên đã ghi chú khi sư trưng dẫn An Lạc Hạnh Nghĩa trong một tiểu luận về ba ẩn dụ của sư Trí Khải. Đọc Trạm Nhiên, Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Tiêm, T no. 1717, 33.820a 18-28.

[32] Đọc An Lạc Hạnh Nghĩa, T no. 1926, 46.698b12-13 ở trên, nơi sư Tuệ Tư trưng dẫn kinh Đại Bát Niết Bàn: “Tại sao nói là Một?. Vì tất cả chúng sinh, không trừ một ai, là nhất thừa”. Niepan jing, T no. 375. 12.770b29-c1. Ngoài ra, đọc dòng trước đó trong An Lạc Hạnh Nghĩa, T no. 1926.9.698b7, nơi sư Tuệ Tư phân đoạn đối đáp của Ương Quật Ma La: “Nhất thừa” là gì? Có nghĩa rằng mỗi mỗi chúng sinh trong Như Lai Tạng, rốt ráo chứng được an lạc.” Ương Quật Ma La kinh, T no. 120, 2.531b25-26.

[33] Niết Bàn kinh, T no. 375, 12. 767b22-23. Đoạn văn tương tự như một câu kinh văn trong Hoa Nghiêm kinh, T no. 278. 9. 547a 4-14 , và Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh, T no. 586, 15.35b5-7 và 35c4-5.

[34] Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn Kinh, T no. 58615.36c1-9. Sau khi nhìn “thực tánh của các pháp” với “không có một pháp để nắm bắt”, vị Phạm thiên tiếp tục giải thích làm cách nào Bồ tát hành trên nền tảng thực tánh của các pháp “không tiến từ một chặng này sang một chặng khác. Khi họ không đi từ đây sang kia, họ sẽ không ở trong luân hồi cũng không ở trong Niết bàn. Tại sao?. Vì chư Phật không nắm giữ luân hồi cũng không nắm giữ Niết bàn.”

[35] Diệu Pháp Liên Hoa kinh, T no. 262. 10a 18-19, trong những dòng kệ trùng tuyên trong phẩm Phương Tiện, Phật dạy ngài Xá Lợi Phất và tứ chúng: “Giờ đây, giữa chúng hội Bồ tát an lạc không còn e ngại, Ta sẽ gạt bỏ pháp phương tiện và chỉ thuyết pháp giải thoát không gì sánh được.”

Về “tam quyền nhất thật” (三權一實) trong kinh Pháp Hoa và pháp môn phương tiện trong đời hoằng pháp của Đức Phật, sư Trí Khải và các nhà chú giải Thiên Thai tông đời sau luôn trưng dẫn dòng kinh này như một minh chứng hoàn hảo đối với giáo pháp quyền và thật của bản kinh Pháp Hoa. Trên quá trình hoằng pháp của Phật, dòng kinh trên được hiểu là một nét vạch phân ranh giới giữa thời thứ tư và thời thứ năm thuộc ngũ thời (五時), trong 49 năm hoằng pháp của Thế Tôn, lên đến giai đoạn tuyệt đỉnh khi Đức Phật thuyết giải rõ ràng về mối liên hệ mô phạm giữa hai pháp môn phương tiện và chân thực, cũng như mở bày một kết thúc cuối cùng cho một quá trình theo định hướng (tức vị đề hồ). Về năm giai đoạn hoằng pháp của Đức Phật, đọc Trí Khải, Tứ Giáo Nghĩa, T no. 1929, 46.728c22 và 768a 25; Quán Đảnh, Quán tâm Luận Sớ, T no. 1921. 46.600a 27; Đề Quán, Thiên Thai Tứ Giáo Nghi, T no. 1931. 46. 775b21-27; Chí Bàn, Phật Tổ Thống Kỷ, T no. 2035, 49.162b9-14.

Về giáo pháp, quyết định “sẽ gạt bỏ pháp phương tiện và chỉ thuyết pháp giải thoát không gì sánh được.” tương đương với Thiên Thai Viên giáo (圓教), nơi đây, cái thấy đối với pháp viên mãn Bồ đề được trình bày trực tiếp, không còn dựa vào pháp phương tiện, một pháp môn “phi thứ đệ” (非次第) dành cho Bồ tát lợi căn mà chúng ta thấy trong những tác phẩm của sư Tuệ Tư. Đọc Trí  Khải, Maha Chỉ Quán, T no. 1911, 46.2c9-10, và đặc biệt 33a 14-15, 22-28. Sư Tuệ Tư trưng dẫn dòng kinh trên một cách xác quyết trong An Lạc Hạnh Nghĩa, khi sư đưa ra một định nghĩa ngắn gọn về hai pháp môn “vô tướng” và “hữu tướng”. Như đã từng nói về pháp quán theo thứ lớp hoặc phương tiện của chư Thanh văn, Duyên giác, và chư Bồ tát có căn cơ chậm lụt, sư Tuệ Tư khẳng định: “Tuy nhiên, quán về an lạc hạnh thì không phải như thế nầy. [Ở đây] hành giả trực tiếp bỏ ra ngoài phương tiện, và chỉ thuyết về sự chứng ngộ viên mãn [của chư Phật]” (An lạc hạnh trung quán, tắc bất như thử. Chính trực xả phương tiện, đãn thuyết vô thượng đạo 安樂行中觀則不如此 . 正直捨方便但說無上道). Anlexing yi, T no. 1926, 46. 701b4-6.

[36] Sự tương quan giữa pháp môn “thứ đệ” và “phi thứ đệ” được nói chi tiết trong “Thứ Đệ Học Phẩm” (次第學品) và Nhất Tâm Cụ Vạn Hạnh Phẩm” (一心具萬行品) hai phẩm nối tiếp nhau trong Đại Trí Độ Luận, T no. 1509, 25.664b26-670b23 và 25.670b24-675a13. Thứ đệ học còn gọi là thứ đệ hạnh, thứ đệ đạo [hoặc chứng đạo] “tương tự như việc trèo thang, bước lên nấc thang đầu cho đến lúc đến được nấc cao nhất” T no. 1509.25. 669a 24-25; hoặc “bắt đầu với pháp thô tiến dần về pháp tế, bắt đầu với dễ tiến dần đến chỗ khó, gọi là tiệm tiệm (漸漸) tu. T no. 1509.25. 670a 24-26. Đại Trí Độ Luận đưa ra nội dung của pháp môn tiệm thứ với lục độ, tứ thiền, tứ vô lượng tâm, tứ niệm xứ, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần v.v… T no. 1509. 25.671a8. Thực sự, sự chứng ngộ Bồ đề không qua thứ lớp, và thành tựu được công đức này nhờ vào ý niệm nền tảng “Không nắm giữ chính là đạo, là quả, là giải thoát vô thượng”. T no. 1509. 25.670c 4-5. Vì vậy, “bất cứ khi nào làm hành động bố thí [Bồ tát] biết rõ ràng không ngoài tướng bất nhị của trí tuệ viên mãn”. T no. 1509. 25.671a 8-18.

Sư Tuệ Tư đặc biệt trưng dẫn phẩm “Nhất Tâm Cụ Vạn Hạnh” trong lời mở đầu tác phẩm Vô Tránh Tam Muội: “như vạn hành trung thuyết, tòng sơ phát tâm chí thành Phật đạo, nhất thân nhất tâm nhất trí tuệ, dục vi giáo hóa chúng sanh cố,vạn hành danh tự sai biệt dị” (如萬行中說,從初發心至成佛道, 一身一心一智慧, 欲為教化眾生故, 萬行名字差別異) Chư Pháp Vô Tránh Tam Muội, T no. 1923, 46.627c6-7. Nhắc lại việc sư Trí Khải buồn bực khi sư không thể hiểu được thế nào là “muôn hạnh đầy đủ trong một niệm”, sư Tuệ Tư trấn an: “Mối nghi của con nằm ở ý nghĩa của con đường thứ đệ trong kinh Đại Bát Nhã. Đó không phải là pháp viên đốn của kinh Pháp Hoa.”. Nghĩ đến kinh nghiệm thực chứng của riêng mình, sư Tuệ Tư lại nói: “Vào một mùa hạ, ta cũng từng suy ngẫm một cách chua cay về vấn đề này. Đến nữa đêm, trong khoảnh khắc, ta chợt chứng ngộ được tất cả pháp, tự mình rõ biết, ta không còn phiền toái bởi bất cứ mối nghi nào nữa.” Đọc Đạo Tuyên, Tục Cao Tăng Truyện, T no. 206050.563b2-8.

418          Sư Tuệ Tư nhấn mạnh trên Tùy Tùy Tự Ý Tam Muội (và kết quả không khác Thủ Lăng Nghiêm tam muội) với ngôn từ tương tự như chúng ta đọc trong kinh Pháp Hoa: “Tòng sơ phát tâm, chung chí Phật quả, vị tằng động biến, diệc bất tòng nhất địa chí nhất địa, nhất niệm liễu tri tam thế chi sự, phàm thánh tâm tưởng quốc thổ thế giới, kiếp sổ viễn cận, chúng sanh phiền não, căn tính sai biệt, nhất niệm tẫn tri, thị danh bồ tát biến giác tam muội, diệc đắc danh vi chiếu minh tam muội, dĩ thử tam muội thần thông lực cố, trạm nhiên bất biến, sắc thân biến hiện thập phương quốc thổ, tùy cảm bất đồng, thuyết pháp âm thanh, diệc phục như thị, tắc danh vi Thủ Lăng Nghiêm định lực,Tùy Tự Ý tam muội cụ túc thành tựu”. (从初发心,终至佛果,未曾动变。亦不从一地至一地,一念了知三世之事。凡圣心想国土世界,劫数远近,众生烦恼,根性差别,一念尽知。是名菩萨遍觉三昧,亦得名为照明三昧。以此三昧神通力故,湛然不变,色身变现十方国土,随感不同,说法音声。亦复如是。则名为首楞严定力,随自意三昧具足成就) Tùy Tự Ý Tam Muội, XZJ. 98.346.c4-10.

 

[38] Câu văn “Sở dĩ chúng sinh diệu chính vì lục chủng tướng (六種相) trong thân của mỗi mỗi chúng sinh là diệu” của sư Tuệ Tư căn cứ vào Đại Trí Độ Luận, T no. 150925.407c18 và 408b27-28; và Đại Bát Nhã, T no. 223, 8.265a 6-b15; đặc biệt 265a 15-16. Câu văn luận chi tiết về ý nghĩa của 42 mẫu tự (aksara) trong Phạn ngữ (hoặc đúng hơn, Gandhari Prakrit)  mẫu tự arapacana, đoạn văn nói đến sự nối kết 42 mẫu tự với 42 quả vị trong kinh Anh Lạc chánh thức được sư nêu ra trong tác phẩm Tứ Thập Nhị Tự Môn. Trong Đại Bát Nhã và Đại Trí Độ Luận, mẫu tự sha (沙) có nghĩa là sáu (lục tự tại vương), được sư gọi là “diệu” (妙). Về thuật ghép chữ thì bộ nữ (女) và bộ thủy (水) ghép thành chữ diệu, trong chữ sha cũng ghép từ bộ thủy ( 氵) và bộ nữ.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Kinh Đại Bát Nhã nói: “Gọi là sha vì lục tự tại vương thanh tịnh” (六自在王清淨)” T no. 223, 8.265a 15-16; idem., Đại Trí Độ Luận, T no. 1509, 25.407b18. Câu kinh văn này, trong Đại Trí Độ Luận giải thích: “khi nghe vần sha, người ấy “tức tri nhân thân lục chủng tướng” (即知人身六種相). Chữ sha trong ngôn ngữ Qin có nghĩa là sáu. Đại Trí Độ Luận, T no. 1509, 25. 408b27-28. Thuật ngữ “sáu vị vua tự tại” và “thanh tịnh” là chỗ trọng yếu của đoạn kinh thì lại hoàn toàn không thấy trong Đại Trí Độ Luận nhưng được thay thế với câu “tức tri nhân thân lục chủng tướng”. Với sự khác biệt giữa nguyên văn đoạn kinh và sự vi phạm có ưu thế trong Đại Trí Độ Luận nói về 42 mẫu tự, sư Tuệ Tư chọn cách đọc chữ sha là diệu một cách hàm ý hơn là ngẫu nhiên, trong khi về cú pháp thì chữ sha này có nghĩa là sáu.

Về nguồn gốc lịch sử của arapacana, đọc John Brough, The Arapacana Syllabary in the Old lalita-vistara, Bulletin of the School of African and Oriental Studies 40.1 (1977): 85-89; và Richard Solomon, New Evidence for a Gandhari Origin of the Arapacana syllabary, Journal of the American Oriental Society 110.2 (1990): 255-276. Về bản danh sách aksara của mẫu tự arapacana trong kinh Đại Tập, đọc Edward Conze, The Large Perfection of Wisdom Sutra with the Divisions of the Abhisamayalamkara (Berkeley: University of California Press, 1975), pp. 160-162; Nalinaksha Dutt, The Pancavimsatisahasrika Prajnaparamita, Edited with Critical Notes and Introduction, Calcutta Oriental series, no. 28 (London: Luzac and Co. 1934), pp. 212-213. Như Brough ghi chú, phiên bản Đại Bát Nhã và Đại Trí Độ Luận của sư Cưu Ma La Thập ghi chữ “lục” (sas), trong khi bản Phạn văn của Satasahasrika và Pancavmsati-satasahasrika-prajna-paramita ghi chữ “tín” (sa), với chữ sadha (Gandhari) hoặc sradha (Sancrit) dùng để chỉ “ngũ lực” (indriya, bala). Bough, 1977, p. 88-89.

Cú pháp và ý nghĩa của thuật ngữ “lục chủng tướng” còn là vấn đề khi nó được đọc khác đi như là “sáu loại tướng” (chữ “chủng” dùng để phân loại) hoặc “tướng của sáu loại” (chủng trở thành tên gọi, với nghĩa hạt giống, căn bản, khoa). Sư Tuệ Tư không nói them về vấn đề này, ngoài ý nghĩa đã nói về than người và mối liên kết với sáu căn (tức sáu vị vua tự tại) khi ssu nói rõ “lục chủng tướng” chính là “lục căn”. (T no. 1926. 46.698c20), hoặc “Sở dĩ chúng sinh diệu chính vì lục chủng tướng六種相 trong thân của mỗi mỗi chúng sinh là diệu, và mắt, tai, mủi, lưỡi cũng như vậy.” (698c19-20). Tuy nhiên, ở một chỗ khác, Đại Trí Độ Luận đưa ra một loạt các pháp ô nhiễm, trong đó chúng ta thấy “thập nhị nhập” (十二入), “thập bát giới” (十八界), “lục chủng” (六種), “lục thọ” (六受) là những thành phần liên hệ với lục căn. Đại Trí Độ Luận, 381b27. Cũng nên lưu ý rằng sư Pháp Hộ (Dharmaraksa) dùng chữ “chủng” để dịch chữ dhatu (giới) trong bất cứ nơi nào trong phiên bản của sư, như “thập bát chủng, thập bát chư chủng” (十八種, 十八諸種), mười tám giới nhãn, nhĩ , tị , thiệt…, sắc, thanh, hương…, nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức… Đ ọc Guangzan jing, T no. 222, 8.164a 10-22, passim, 167b1, 168b24-25, 180b2, 174a9, 179c19. “Lục chủng” trong Đại Trí Độ Luận cũng như “lục chủng tướng” trong các bản văn của sư Tuệ Tư có thể từ ảnh hưởng của những phiên bản của sư Pháp Hộ.

[39] Trong danh sách 42 mẫu tự Arapcana đã nói trên, kinh Đại Bát Nhã nói về mẫu tự sha: “Sự tiếp cận với mẫu tự sha vì lục tự tại vương bản tánh thanh tịnh”. Đọc Maha bát nhã ba la mật kinh, T no. 223, 8.265a 15-16. Idem., Dazhidu lun, T no. 1509, 25.407c18.

[40] Đọc Quán Phổ Hiền Bồ tát hành pháp, T no. 277, 9. 389c7-10; Diệu Pháp Liên Hoa kinh, T no. 2629.47c2-7. Khả năng của mắt thấy được các cõi thế gian và xuất thế gian được mô tả trong cả hai kinh.

[41] Miaofa lienhua jing, T no. 262.9.47c8-11, từ phẩm Pháp Sư Công Đức nói: với “nhục nhãn thanh tịnh từ cha mẹ sinh sẽ thấy tất cả tam thiên, đại thiên, núi, rừng, sông biển, xuống đến ngục A tỳ, lên đến các cõi trời Hữu Đỉnh (有頂), cũng thấy tất cả chúng sinh trong đó, nghiệp nhân duyên, quả báo, chỗ sinh ra thảy đều thấy biết.”

[42] Diệu Pháp Liên Hoa kinh, T no. 262.9.49c25. Ngoài nhãn căn thanh tịnh, ở đây kinh còn nói đến [tám trăm công đức] nơi thân thanh tịnh trong sạch như lưu ly khiến chúng sinh ưa nhìn thấy. Vì thân trong sạch nên chúng sinh trong cõi tam thiên đại thiên, từ lúc sinh ra đ ến lúc chết đi, trên dưới, tốt xấu, sinh chỗ lành, chỗ dữ  v.v… đều hiện rõ.”

[43] Về thập lực (十力), đọc Đại Trí Độ Luận, 75a 21-25 và 235c22-236a 14; Anh Lạc Kinh, 24.1020a 12-14; và Trí Khải, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, 46.694a 21-c3, chúng ta thấy tương tự như sau: [I]. Chỉ cho 10 trí lực của Như lai, đó là: (1). Xứ phi xứ trí lực (cũng gọi Tri thị xứ phi xứ trí lực, Thị xứ bất thị lực, Thị xứ phi xứ lực): Xứ nghĩa là đạo lí. Tức là Như lai biết rõ đúng như thực đối với tất cả nhân duyên quả báo, nếu tạo nghiệp thiện thì biết nhất định được quả báo vui, gọi là Tri thị xứ; nếu tạo nghiệp ác mà được quả báo vui thì không có đạo lí(xứ) như thế, gọi là Tri phi xứ. (2). Nghiệp dị thục trí lực(cũng gọi Tri nghiệp báo trí lực, Tri tam thế nghiệp trí lực, Nghiệp báo tập trí, Nghiệp lực): Như lai biết rõ nghiệp duyên, quả báo và nơi sinh trong 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai của tất cả chúng sinh đúng như thực. (3). Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí trí lực(cũng gọi Tĩnh lự giải thoát đẳng trì đẳng chí phát khởi tạp nhiễm thanh tịnh trí lực, Tri chư thiền giải thoát tam muội trí, Thiền định giải thoát tam muội tịnh cấu phân biệt trí lực, Định lực): Như lai được tự tại vô ngại đối với các thiền định và biết rõ đúng như thực thứ tự cạn, sâu của các thiền định ấy. (4). Căn thượng hạ trí lực(cũng gọi Tri chư căn thắng liệt trí lực, Tri chúng sinh thượng hạ căn trí lực, Căn lực): Như lai biết rõ căn tính hơn, kém, chứng quả lớn, nhỏ của các chúng sinh đúng như thực. (5). Chủng chủng thắng giải trí lực (cũng gọi Tri chủng chủng giải trí lực, Tri chúng sinh chủng chủng dục trí lực, Dục lực): Như lai biết rõ đúng như thực các dục lạc, thiện ác khác nhau của tất cả chúng sinh. (6). Chủng chủng giới trí lực (cũng gọi Thị tính lực, Tri tính trí lực, Tính lực): Như lai biết khắp và đúng như thực về các giới phần khác nhau của chúng sinh ở thế gian. (7). Biến thú hạnh trí lực(cũng gọi Tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực, Chí xứ đạo lực): Như lai biết rõ đúng như thực nơi đến của hạnh hữu lậu trong 6 đường và nơi đến của hạnh vô lậu là Niết bàn. (8). Túc trụ tùy niệm trí lực (cũng gọi Tri túc mệnh vô lậu trí lực, Túc mệnh trí lực, Túc mệnh lực): Như lai biết khắp và đúng như thực về túc mệnh (đời trước), từ một đời cho đến trăm nghìn muôn đời, từ một kiếp cho đến trăm nghìn muôn kiếp, chết đây sinh kia, chết kia sinh đây, tên họ uống ăn, khổ vui thọ yểu. (9). Tử sinh trí lực(cũng gọi Tri thiên nhãn vô ngại trí lực, Túc trụ sinh tử trí lực,Thiên nhãn lực): Như lai dùng thiên nhãn thấy biết rõ ràng như thực thời gian sống chết của chúng sinh và các cõi thiện ác mà chúng sinh sẽ sinh tới trong vị lai, cho đến các nghiệp duyên tốt xấu như đẹp xấu giàu nghèo… (10). Lậu tận trí lực (cũng gọi Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực, Kết tận lực, Lậu tận lực): Đối với tập khí tàn dư của tất cả phiền não, Như lai biết rõ đúng như thực đã vĩnh viễn đoạn trừ không còn sinh khởi nữa. [X. kinh Tạp a hàm Q.26; kinh Hoa nghiêm Q.17 (bản dịch mới); phẩm Kiến lập trong kinh Bồ tát địa trì Q.10; luận Câu xá Q.27; luận Đại tì bà sa Q.30]. [II]. Mười lực của Bồ tát, tức chỉ cho 10 tác dụng của Bồ tát ở giai vị Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng thứ 9 trong Thập hồi hướng, đó là: Thâm tâm lực (trực tâm lực) tăng thượng thâm tâm lực (thâm tâm lực), phương tiện lực, trí lực (trí tuệ lực), nguyện lực, hạnh lực, thừa lực, thần biến lực(du hí thần thông lực), bồ đề lực và chuyển pháp luân lực. [III.] Mười lực thế gian nêu trong kinh Tạp A hàm quyển 26, đó là: Tự tại vương giả lực, đoán sự đại thần lực, cơ quan công xảo lực, Đao kiếm tặc đạo lực, oán hận nữ nhân lực, đề khấp anh nhi lực, hủy tì ngu nhân lực, thẩm đế hiệt tuệ lực, nhẫn nhục xuất gia lực và kế số đa văn lực. [X. kinh Hoa nghiêm Q.56 (bản dịch mới); Đại thừa nghĩa chương Q.14]. (Tự điển Phật Quang). Sư Tuệ Tư trưng dẫn lực thứ nhất và lực sau cùng trong Vô Tránh Tam Muội. (46.630c24-25).

[44] Thập Bát Bất Cộng Pháp (十八不共法) của chư Phật: (1). Thân vô thất: Thân không có lỗi. Phật từ vô lượng kiếp đến nay, giữ giới thanh tịnh, vì công đức này đầy đủ, tất cả phiền não hết sạch nên thân không có lỗi. (2). Khẩu vô thất: Miệng không có lỗi. Phật có vô lượng trí tuệ biện tài, pháp Phật nói ra tùy theo các cơ nghi khiến cho họ đều chứng ngộ. (3). Niệm vô thất: Ý nghĩ không có lỗi. Phật tu các thiền định rất sâu xa, tâm không tán loạn, đối với các pháp tâm không dính dấp, được sự an ổn đệ nhất nghĩa. (4). Vô dị tưởng: Không có ý tưởng khác. Phật đối với tất cả chúng sinh bình đẳng hóa độ, không có tâm lựa chọn, phân biệt. (5). Vô bất định tâm: Tâm thường ở trong định. Phật đi đứng ngồi nằm thường không lìa thắng định sâu xa, thường nhiếp tâm trụ trong thiện pháp, đối với thực tướng các pháp không thoái thất. (6). Vô bất tri kỉ xả tâm: Thường ý thức xả tâm của mình. Đối với các cảm thụ như khổ, vui… Phật biết rõ các tướng sinh trụ diệt của chúng trong từng niệm và an trú trong vắng lặng bình đẳng, tức thường ở trạng thái tâm không khổ không vui (xả tâm). (7). Dục vô giảm: Ý muốn không giảm. Phật đầy đủ các thiện pháp, luôn muốn hóa độ chúng sinh, tâm không chán bỏ. (8). Tinh tiến vô giảm: Tinh tiến không giảm. Thân tâm của Phật đều tinh tiến, vì độ chúng sinh nên thường thực hành các phương tiện, không dừng nghỉ. (9). Niệm vô giảm: Tâm niệm không giảm. Pháp và tất cả trí tuệ của chư Phật 3 đời tương ứng đầy đủ, không có thoái chuyển. (10). Tuệ vô giảm: Tuệ không giảm. Phật có đầy đủ tất cả trí, vả lại, còn trí tuệ của 3 đời không bị chướng ngại, nên tuệ không khuyết giảm. (11). Giải thoát vô giảm: Giải thoát không giảm. Phật xa lìa tất cả chấp trước, có đầy đủ 2 loại giải thoát hữu vi, vô vi, tất cả phiền não tập khí đều hết sạch, cho nên giải thoát không khuyết giảm. (12). Giải thoát tri kiến vô giảm: Giải thoát tri kiến không giảm. Phật thấy biết các tướng giải thoát, rõ suốt không bị ngăn ngại. (13). Nhất thiết thân nghiệptùy trí tuệ hành: Tất cả hành động của thân đều được trí tuệ soi sáng, chỉ dẫn. (14). Nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả lời nói từ miệng Phật phát ra đều theo trí tuệ. (15). Nhất thiết ý nghiệp tùy trí tuệ hành: Tất cả ý nghĩ đều được trí tuệ hướng dẫn. Ba pháp trên đây là khi Phật khởi động 3 nghiệp thân, khẩu, ý trước hết xem xét, cân nhắc đúng sai, lợi hại rồi sau mới thực hành theo trí tuệ, cho nên không sai lầm, đều mang lại lợi ích cho chúng sinh. (16). Trí tuệ tri kiến quá khứ thế vô ngại vô chướng:Trí tuệ thấy biết đời quá khứ không bị chướng ngại. (17). Trí tuệ tri kiến vị lai thế vô ngại vô chướng: Trí tuệ thấy biết đời vị lai không bị chướng ngại. (18). Trí tuệ tri kiến hiện tại thế vô ngại vô chướng: Trí tuệ thấy biết đời hiện tại không bị ngăn ngại. (Tự điển Phật Quang: kinh Tự tại vương bồ tát Q. hạ; Hoa nghiêm kinh sớ Q.52; Đại thừa nghĩa chương Q.16]; và Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, 46.695a 21-696a 2; Đại Trí Độ Luận 407b29-c8; 680c24-681a 2; Anh Lạc kinh 24.1020a7-12.

[45] Tam minh (三明Tri-vidya). Cũng gọi Tam đạt, Tam chứng pháp. Trí tuệ sáng tỏ, thông đạt vô ngại, trừ hết ngu muội, chứng được vị Vô học. Tam minh gồm có: (1). Túc mệnh trí chứng minh (Phạm: Pùrva-nivàsànusmfti-jĩàna-sàkwàtkriya-vidỳa); cũng gọi Túc trụ tùy niệm trí tác chứng minh, Túc trụ trí chứng minh, Túc trụ trí minh,Túc mệnh minh, Túc mệnh trí: Trí tuệ biết rõ tướng trạng của mình và chúng sinh từ một đời cho đến trăm nghìn vạn ức đời. (2). Sinh tử trí chứng minh, cũng gọi Sinh tử trí chứng minh, Thiên nhãn minh, Thiên nhãn trí: Trí tuệ biết rõ tướng trạng sống chết của chúng sinh lúc tử lúc sinh, sắc thiện sắc ác, hoặc do nhân duyên tà pháp thành tựu ác hạnh, khi mệnh chung sinh vào đường ác; hoặc do nhân duyên chính pháp thành tựu thiện hạnh, khi mệnh chung sinh vào đường thiện. (3). Lậu tận trí chứng minh, cũng gọi Lậu tận trí minh, Lậu tận minh, Lậu tận trí: Trí tuệ biết rõ như thực đã chứng được lí Tứ đế, giải thoát tâm hữu lậu, diệt trừ tất cả phiền não. (Tự Điển Phật Quang).

[46] Bát giải thoát (八解脫) được nói giản lược dưới một tên gọi khác là bát bối xả trong Vô Tránh Tam MuộiVô Tránh Tam Muội, 631a 26-b8. Đại Trí Độ Luận 381b5-13; và Trí Khải, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, T no. 1925, 46. 676c22-c16, cũng đưa ra bát bối xả. Về những xuất xứ khác, đọc Tịnh Ảnh Huệ Viễn, Đại Thừa Nghĩa Chương, T no. 1851, 44. 730c6.

[47] Phật nhãn là mắt thứ năm trong ngũ nhãn: nhục nhãn (肉眼), thiên nhãn (天眼), tuệ nhãn (慧眼), pháp nhãn (法眼), và Phật nhãn (佛眼). Đại Trí Độ Luận nói về Phật nhãn: “Không có gì mà mắt Phật không nghe, không thấy, không biết, vô sở tư duy (無所思惟). Mắt Phật thấu suốt tất cả pháp. Đại Trí Độ Luận, 306a 6-7. Trong Vô Tránh Tam Muội (627c18) sư Tuệ Tư nhìn Phật nhãn tức nhất thiết chủng trí (一切種智), như Đại Trí Độ Luận nói: “Bồ tát trụ thập địa (bhumi) đầy đủ lục độ [và công đức] đến được nhất thiết chủng trí. Bồ tát nhập tam muội như kim cang tam muội (如金剛三昧), diệt phiền não. Trong khoảnh khắc, Bồ tát chứng được giải thoát vô chướng ngại của chư Phật, từ đó, đắc Phật nhãn. Những công đức như nhất thiết chủng trí, thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, cho đến đại từ đại bi Phật nhãn đều thấy biết.” Đại Trí Độ Luận, 350b19-23.

Sư Tuệ Tư trước đã luận về chúng sinh diệu (衆生妙) làm nền tảng cho ý niệm “chúng sinh pháp diệu” (衆生法妙) của sư Trí Khải với luận đề nổi bật “Tâm, Phật, Chúng sinh, tam pháp diệu” (心佛衆生三法妙) trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Sư Trí Khải nói: “Tôn sư Nam Nhạc [Tuệ Tư] phân biệt ba pháp tức chúng sinh pháp, Phật pháp, và tâm pháp. Nếu mục đích của kinh Pháp Hoa là giúp chúng sinh khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật, tại sao lại nói là “khai” (開) nếu chúng sinh vốn không có Phật trí?. Trí tuệ Phật ẩn trong chúng sinh. Hơn nữa, kinh Pháp Hoa nói đến mắt do cha mẹ sinh tức mắt thịt, nhưng thấy ‘tận đỉnh Diệu Cao và trong ngoài tam thiên đại thiên’ (9.47c18) chính đó là thiên nhãn; ‘không trói buộc (9.48a13) trong khi thấy được tất cả hình tướng’ chính là tuệ nhãn; ‘thấy không lỗi lầm’ (9.48b27) chính đó là pháp nhãn. Mặc dù người ấy chưa đạt đến chỗ vô lậu (anasrava) nhưng nhãn căn đà thanh tịnh. Nếu con mắt này có cái dụng của tất cả mắt, thì đó là mắt Phật. Đây là đoạn kinh văn làm sáng tỏ ‘chúng sinh pháp diệu’. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói: ‘Với những người tu pháp Đại thừa, dù rằng với mắt thịt, nhưng đó là mắt Phật. Năm căn còn lại tai, mũi, lưỡi… cũng như vậy.’ Kinh Ương Quật Ma La nói: ‘Cái gọi là nhãn căn, với Như Lai, là thường. Trang nghiêm vô lậu, thấy rõ ràng và dứt khoát.’ Những căn khác, cho đến ý căn cũng như vậy. Kinh Đại Bát Nhã nói: ‘Vì sáu vị vua tự tại thanh tịnh’. Trên đây là những gì kinh thuyết về diệu pháp của chúng sinh.” Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T no. 1716, 33.693a 4-19. Lưu ý rằng sư Trí Khải và sư Quán Đảnh đã đổi thứ tự hai câu cuối trong bài kệ kinh Ương Quật Ma La. Cf. ghi chú 453 bên dưới.

[48] Sư Tuệ Tư dùng chữ “chủng” (種) trong cặp “phàm chủng’ (凡種), và “thánh chủng” (聖種), chữ “chủng” cũng được dùng để dịch thuật ngữ “bija” là “chủng tử (種子), và “gotra” tức “chủng tính” (種性) hoặc (種姓), thuộc dòng họ hoặc sắc thái. Trong câu văn T 46. 699a28 dưới đây, sư Tuệ Tư nói: “Tiếp nối không dừng nghỉ là chủng (gotra)”,  và sư không giải thích thêm.

Phiên bản kinh Lăng Già của sư Cầu-na-bạt- đà-la (Gunabhadra), Lengqie jing, T no. 670, 16.493b24-c9 phân biệt “chủng tính” của “thánh chủng tính” (聖種性) với “ngu phu chủng tính” (愚夫種性), và sự khác nhau giữa các bậc thánh thuộc Thanh văn, Duyên giác, và Phật thừa. Phiên bản tác phẩm Bồ Tát Địa Trì của Bồ tát Vô Trước (Asanga, T no. 1581) của sư Đàm vô sấm (Dharmaksema) giải thích chi tiết về  “chủng tính”, phân ra bốn loại (1) Bồ tát, (2) Thanh văn, (3) Duyên giác), và ngoại chủng; ba hạng trước được xem là thánh chủng. Bồ tát chủng tính cũng chỉ cho Phật chủng tính. Trong những khái niệm Bồ tát Vô Trước đưa ra, Bồ tát chủng tính lại được phân ra “tính chủng tính” (性種性) và “tập chủng tính” (習種性). Tính chủng tính được định nghĩa: tính là bản tính từ vô thủy đến nay, tự nhiên thù thắng, là nền tảng của pháp tánh (dharmata). Tập chủng tính: tập là tu tập, theo giáo pháp hành các điều thiện mà thành ra chủng tính. Đọc Bồ Tát Trì Địa,  no. 1581, 30.888a10-889b26 và 900a 15-18. Có thể sư Tuệ Tư quen thuộc với cả hai xuất xứ.

[49] Đại Tập Kinh (Hư Không Mục Bồ Tát Phần 虛空目菩薩分), T no. 397, vol. 13, 164a 2-5: “Thiện nam tử! Vì mắt thấy hình sắc nên phát khởi tham đắm và trói buộc. Tâm tham đắm này chính là vô minh. Hành động mê đắm tạo nghiệp, chính là hành (行).” Cùng đoạn văn được trưng dẫn trong Tùy Tự Ý Tam Muội XZJ 98. 351c5-7 cũng như trong Vô Tránh Tam Muội 46. 639a 21-b14.

Phần luận về “thập nhị nhân duyên” thấy trong Hư Không Mục Bồ Tát Phần, kinh Đại Tập cũng làm căn bản trong việc phân tích thành hệ thống 60 môn trong tác phẩm Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn của sư Trí Khải, T no. 1925, 46.684a 3-685a 29. Sư Trí Khải, dựa vào bản kinh, phân chia lối trình bày vảo ba phối cảnh: (1) Phân đoạn và phân tích mười hai vòng xích trong ba thời quá khứ, hiện tại, và vị lai (thí dụ phiền não, nghiệp, và khổ), (2) phân tích mười hai vòng xích từ cái nhìn về quả báo và sự phát triển trên từng sự kiện (hiện tại và tương lai), (3) mười hai nhân duyên cùng lúc tác động, trong mỗi niệm (hiện tại). Sư nói: “Tất cả những [điều nói ở đây] là từ kinh Đại Tập, không có bất cứ một câu nào là ý của riêng tôi”. Đây là phần được trưng dẫn trong cái nhìn thứ ba của sư Trí Khải, tức mười hai nhân duyên tác động đồng thời trong một niệm, phù hợp với đoạn văn được sư Tuệ Tư trưng dẫn.

[50] Trong Vô Tránh Tam Muội, sư Tuệ Tư dùng chữ “chủng” với nghĩa “hạt giống” (bija): “thị cố vi vô thủy vô minh, vô minh vi phụ, ái tâm vi mẫu, hành nghiệp hòa hợp, sanh thức chủng tử, diệc đắc danh vi chủng thức chủng tử, chủng vị lai thân cố danh vi chủng, danh sắc thị nha cố danh sanh”. (是 故 為 無 始 無 明, 無 明 為 父, 愛 心 為, 行 業 和 合, 生 識 種子 , 亦 得 名 為 種 識 種 子, 種 未 來 身 故 名 為 種, 名 色 是 芽 故 名 生). (639b11-13). Khi dùng chữ “hành” để chỉ năng lực, dường như sư Tuệ Tư muốn đưa ra một hàm ý khác, (như với cặp chữ “an lạc”); hành (行) như tu hành hoặc rèn luyện, hoặc [vô minh sinh] hành (samskara) tạo nghiệp quả trong luân hồi, hoặc như hành xứ (行處) của Bồ tát, hoặc tứ an lạc hạnh trong phẩm An Lạc Hạnh, kinh Pháp Hoa. Ngoài ra, sư cho thấy trước từng thứ lớp luận thuyết về ý nghĩa đa dạng của thuật ngữ “an lạc hạnh” trong vấn đáp 9, tức “khổ hạnh” của phàm nhân, “khổ lạc hạnh” của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát có căn cơ thấp kém, và hạnh an lạc khó sánh của Bồ tát lợi căn, nơi đó “gạt ra ngoài pháp phương tiện và chỉ thuyết pháp vô thượng [của chư Phật]” .

[51] Những phân tích vượt bậc về nhãn căn và cảnh xuất hiện trong Vô Tránh Tam Muội, T no. 1925, 46.639b16, 639b23-24, 639b27; và Trí Khải, Giác Ý Tam Muội, T no. 192246.625b6; Maha Chỉ Quán, T no. 1911, 46.15c28. Về những phản bác tương tự  đối với cái nhìn về những yếu tố khác như nhãn căn, sắc tướng, thức, ánh sang, không gian v.v…, đọc Samyuktabhi-dharmahrdaya Sastras), T no. 1550, 28.866c3.

[52] Thanh manh (青盲), bệnh nhân không nhìn rõ được hình tướng, mặc dù nhãn căn không có vẻ gì khác với người thường.

[53] So sánh câu văn trong Vô Tránh Tam Muội: “thân thân giả tòng vọng niệm tâm sanh, tùy nghiệp thụ báo, thiên nhân chư thú, thật vô khứ lai. (身 身 者從 妄 念 心 生, 隨 業 受 報, 天 人 諸 趣 實 無 去 來) T no. 1923, 46.628a 28.

[54] Năm trong sáu, bảy và mười ẩn dụ về tánh Không của các pháp trong Đại Trí Độ Luận. Đọc 675a 20-677c25 (lục dụ六喩), 721c7-724a 7 (thất dụ七喻), 101c8-106b8 (thập dụ十喻). Ngoài ra, đọc Trí Khải, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, T no. 1925, 46. 690b25-22.

[55] Đại Trí Độ Luận, T 25.407c18-19. Cf. ghi chú 421 và 422 ở trên.

[56] Sư Tuệ Tư thuyết chi tiết với những ẩn dụ về ái dục so sánh với năng lực tự tại của một vị vua trong Vô Tránh Tam Muội (634a 11-12): “lục căn danh vi môn,  tâm vi tự tại vương tạo sanh tử nghiệp thì, tham trứ lục trần, chí tử bất xả, vô năng chế giả, tự tại như vương” (六 根 名 為 門, 心 為 自 在 王, 造 生 死 業 時, 貪 著 六 塵, 至 死 不 捨, 無能 制 者, 自 在 如 王).

[57] Đại Trí Độ Luận quyển 47 ( 25. 398c27-399a2) nói: Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Hán dịch là kiện tướng, phân biệt rõ hành tướng các Tam muội nhiều ít, sâu cạn, như vị đại tướng biết rõ năng lực binh sĩ mạnh hay yếu. Lại nữa, các Bồ tát được tam muội này thì các ma phiền não và ma người không cách nào phá hoại được, ví như Chuyển Luân Thánh Vương cầm đầu các binh tướng hùng mạnh, đi đến bất cứ đâu kẻ địch cũng đều phải hàng phục”. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, chúng ta cũng đọc thấy dòng kinh rất tương tự: “Tất cả thiền định giải thoát tam muội, thần thông như ý, trí tuệ vô ngại đều ở trong định Thủ Lăng Nghiêm, ví như các dòng nước từ khe, suối, sông, ngòi… đều chảy ra biển cả. Cho nên các thiền định của Bồ tát đều nằm trong Tam muội Thủ Lăng Nghiêm; tất cả tam muội môn, thiền định môn, biện tài môn, giải thoát môn, đà la ni môn, thần thông môn, minh giải thoát môn… đều được thu nhiếp trong Thủ Lăng Nghiêm tam muội. [Kinh Niết Bàn quyển 25 (bản Nam) cho rằng Phật tính tức là Thủ Lăng Nghiêm tam muội; Thủ Lăng Nghiêm tam muội này có 5 tên gọi: Thủ Lăng Nghiêm tam muội, Bát nhã ba la mật, Kim cương tam muội, Sư tử hống tam muội và Phật tính. Thủ Lăng nghĩa là tất cả đều rốt ráo; Nghiêm nghĩa là cứng chắc. Tất cả rốt ráo mà được vững chắc, gọi là Thủ Lăng Nghiêm, cho nên gọi Thủ Lăng Nghiêm tam muội là Phật tính].” Đọc kinh Đại Bát Niết bàn Q.27 (bản Bắc); Nhiếp Đại Thừa Luận Thích Q.11 (bản dịch đời Lương); Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết Q.3; Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Kí Q.9].

[58] Thực sự, trong kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát có câu “phụ mẫu sở sinh thanh tịnh thường nhãn” (父母所生清淨常眼), trong khi phẩm Pháp sư Công Đức, kinh Pháp Hoa thì có câu “phụ mẫu thanh tịnh sở sinh nhục nhãn” (父母清淨所生肉眼). Đọc Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh (Guan puxian pusa xingfa jing), T no. 277. 9.389c7-10; Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.47c2-7.

[59] Đại Trí Độ Luận, T no. 1509, 25.408b27-28; cf. ghi chú 419 và 420 ở trên.

[60] Kinh Hoa Nghiêm, T no. 278, 9.544b7-8, phẩm Thập Địa (十地). Sư Tuệ Tư dịch hai câu có khác đi chút ít, kinh nói: “diệt trừ chư phiền não” (滅除諸煩惱). Câu văn từ bài kệ mô tả lòng khát ngưỡng vào sơ địa. Ở đây nhắc đến cách thức sư Tuệ Tư  nhìn thánh, phàm, chủng đã nói trên; kinh tiếp tục nói về Hoan Hỉ Địa: “ Thiện nam tử! Bồ tát bắt đầu phát tâm như vậy liền vượt khỏi hàng phàm phu mà vào Bồ tát vị (菩薩位), sinh vào nhà Như Lai (佛家). Không ai có thể nói chủng tộc của ngài lỗi lầm. Ngài đã rời thế gian để vào đạo xuất thế, được pháp Bồ tát, ở chỗ Bồ tát, nhập tam thế bình đẳng, ở trong chủng tánh Như Lai, quyết định sẽ thành vô thượng giác. Bồ tát an trụ những pháp như vậy gọi là trụ bậc Bồ tát Hoan Hỉ Địa, vì đã tương ưng với chân như bất động.” Hoa Nghiêm kinh, 9. 584c18-22.

[61] Đại Trí Độ Luận, T no. 1509, 25. 108a1, nói: “Biết rằng hữu và vô đều bình đẳng, người ấy hoan hỉ một bước nhảy vọt liền chứng Bồ đề”. Lamotte, Traité I, p. 401.

[62] Trong Thành Thật Luận của sư Ha lê bạt ma (Phạm: Harivarman) các pháp như ngũ uẩn, thập nhị nhập được nhìn là thực pháp (實法), trong khi các các pháp như ngã, ứng thân được nhìn là giả pháp (徦法). Đọc Thành Thật Luận, 32.261c12, 263a 25, 328b15,-c10; Trí Khải, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, 681a 24-27 nói về thực pháp. [Tại miền Bắc, sư Pháp Thượng là người đầu tiên phán định tông Thành Thực thuộc Tiểu thừa, kế đến, trong Tam Luận Huyền Nghĩa, sư Cát Tạng nêu ra 10 nghĩa chứng minh tông Thành Thực thuộc Tiểu thừa, rồi đến các sư Trí Khải, Tuệ Viễn cũng cho Thành Thực là Tiểu thừa. Từ đó về sau, các học giả đều nhìn tông Thành Thực là Tiểu thừa. Việc nghiên cứu về tông Thành thực thịnh hành ở thời đại Nam Bắc triều, đặc biệt vào thời Lương thuộc Nam triều là thịnh hành nhất. Đến đời Đường, sau khi các Luận sư cho rằng Thành Thực là Tiểu thừa thì số người nghiên cứu luận này mỗi ngày một giảm thiểu. Thêm vào đó, xu thế của Phật giáo Đại thừa, sự lưu truyền rộng rãi của Thập địa kinh luận, Nhiếp đại thừa luận và Tam luận học dần dần hưng khởi cũng là những nguyên nhân làm cho tông này suy vi. [X. Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.10 thượng; Tam luận du ý nghĩa; Hoa nghiêm ngũ giáo chương Q.1; Lương cao tăng truyện Q.6-8; Lịch đại tam bảo kỉ Q.11; Tục cao tăng truyện Q.1, 5-15; Danh tăng truyện sao; Xuất tam tạng kí tập Q.5, 11; Khai nguyên thích giáo lục Q.8]. (xt. Thành Thực Luận). (tự điển Phật Quang).

[63] Niết Bàn Kinh, T no. 375, 12.653c24-27. Đoạn văn luận về âm vị của Phạn văn, kinh gọi là “tự căn bản” (字根本) – từ đó tất cả âm vị hòa hợp, ngữ ngôn văn tự (語言文字) và đà la ni được thành lập. Kinh nói: “Maha Ca Diếp bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Gì là nghĩa của “ bán tự” từ đó Phật thuyết ra?”. Phật trả lới: “Có mười bốn âm (音), được nói đến như nghĩa của bán tự. Tự ở đây nói gọi là Niết bàn. Vì là thường (常) nên bất lậu (不流). Vì bất lậu nên vô tận (無盡). Sự vô tận nầy chính là thân kim cang của Như Lai (如來金剛之身). Mười bốn âm này là căn bản của tự”. Nơi kinh nói “Niết bàn” thì sư Tuệ Tư nói: “Tự được nói đó là Bồ đề”.

Kinh Đại Bát Niết Bàn đặt chữ thường (常) và chữ lậu (流) gần nhau, có thể là từ chữ ksar trong Phạn văn có nghĩa là chảy, trợt, bị hư mất, làm tan đi… (Apte 623). Mẫu tự là một hình thức của aksara có nhiều nghĩa nếu là danh từ (aksaram) thì có nghĩa là sự tiếp tục, sự thường trụ, nước; nếu là tỉnh từ (aksara) thì có nghĩa là vô thường, tan hoại, hư nát. (Apte, p.9).

Mặc dù kinh Đại Bát Niết Bàn nói đến 14 âm, chính kinh cũng đưa ra khoảng 46 mẫu tự hoặc âm vị khác nhau (36 âm được các nhà chú giải tính đếm từ Daban Niepan jing jijie bản Nam Lương; 34 âm theo các nhà chú giải miền Bắc với bản Đôn Hoàng Niepan jing shu, B 6616, DHBZ, Beijing: vol. 100, p. 612 a-b. Khác với 42 mẫu tự của hệ thống Arapacana tìm thấy trong Đạ i Trí Độ Luận và bản kinh Hoa Nghiêm, những mẫu tự trong kinh Đại Bát Niết Bàn thì theo thứ tự của varnamala (a, à, i, ì, u, ù, e, ai, o. au, k, kh…). Chúng ta thấy những nhà  chú  giải  thời xưa ở Trung Hoa đưa ra những giải thích khác nhau về 14 âm vị, có người nói về 14 nguyên âm và phụ âm, trong đó 46 âm vị được phân chia hoặc tổng hợp. Đại Bát Niết Bàn Kinh, T no. 1763, 27. 464b25-29. Bốn mươi sáu mẫu tự trong kinh Đại Bát Niết Bàn báo trước thứ tự được xếp đặt với hệ  thống 50 mẫu tự tìm thấy trong những bản kinh Phật mật truyền như Đại Nhật Như Lai: (大日如來). Dịch âm: Ma ha tì lô giá na, và những bản văn của sư Amoghavajra (Bất Không不空, 705-774), tất cả những cách xếp đặt này đều theo hệ thống varnamala. Kinh Đại Bát Niết Bàn nhấn mạnh trên tự (字), thường (常), bất lậu (不流), và vô tận (無盡) phản ảnh Phạn văn; chữ ksar (chảy, trợt, bị hư mất, làm tan đi) là căn bản của chữ aksara (mẫu tự), trong đó tiếp đầu ngữ a có thể hiểu là một sự phủ định (thí dụ không chảy, không hư hoại…). Dường như các nhà chú giải Trung Hoa không đề cập đến điểm này.

[64] Đoạn văn tương tự trong kinh Đại Tập, kinh nói: “Nhãn giới (眼界) là Phật giới (佛界); pháp giới (法界) của tai, mũi, lưỡi, thân, và ý là Phật giới (佛界)” . Đại Tập kinh (Hư Không Tạng  phần), T no. 397, 13.104c8-9.

[65] Maha Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh, T no. 223, 8.421b28-c3. Đoạn văn ở đây là vấn đáp giữa Thường Đề Bồ tát (Sada-prarudita) và Đàm Vô Kiệt  Bồ tát (Dharmodgata). Bồ tát Thường Đề nghe ở  phương Đô ng có đại pháp bát nhã ba la mật, liền đi về phương Đông cầu pháp. Khi đi về phương Đông, nơi sẽ gặp được Bồ tát Đàm Vô Kiệt, Bồ tát Thường Đề chứng nghiệm được thực tánh của các pháp, và nhập tam muội, được thấy và được chư Phật mười phương khen ngợi. Khi xuất tam muội, hình ảnh chư Phật đều cùng tan biến, hốt nhiên Bồ tát Thường Đề tự hỏi: “Chư Phật từ đâu đến và nay đã đi về nơi đâu?”. Đây là nghi vấn mà Bồ tát Thường Đề đưa ra ngay khi gặp Bồ tát Đàm Vô Kiệt, và được trả lời: “Này thiện nam tử, chư Phật không từ đâu đến, đi cũng không đi về đâu. Tại sao vậy?. Chư pháp như, tướng chẳng động. Chư pháp như tức là chư Phật. Phật vô diệt, không đến, không đi. Pháp vô diệt tức là chư Phật. Pháp thiệt tế không đến không đi. Pháp thiệt tế là chư Phật. Pháp Không không đến không đi. Pháp Không là chư Phật. Pháp vô nhiễm không đến không đi. Pháp vô nhiễm là chư Phật. Pháp tịch diệt không đến không đi. Pháp tịch diệt là chư Phật. Tánh hư không không đến không đi. Tánh hư không là chư Phật.”. Sư Tuệ Tư tiếp tục trưng dẫn “Thiện nam tử, pháp vô sinh không đến không đi. Pháp vô sinh là chư Phật.”. (8.421b27-29).

[66] Trong Tùy Tự Ý Tam Muội, sư Tuệ Tư nói tương tự lúc quán khi ngủ hoặc khi nằm trên giường (Tùy Tự Ý Tam Muội, XZJ, 98. 351c1-5.)

[67] Đại Trí Độ Luận, T no. 1959. 25.232c16-19,  đặc biệt 234a 4-13. Như thực trí (如實智) là trí thứ 11 trong 11 trí nói trong Đại Bát Nhã  và  Đại Trí Độ Luận. Sư Tuệ Tư dựa vào Đại Trí Độ Luận giới thiệu11 trí trong phần mở đầu Vô Tránh Tam Muội, đặc biệt về trí tuệ như thực. (Vô Tránh Tam Muội 628a 3-7). Nhất thiêt trí là trí bất cộng của Phật; mười trí còn lại thuộc về Thanh văn, Duyên giác, và Bồ tát trong tam thừa. Đại Trí Độ Luận, T no. 1959. 25.234a 4-13; Vô Tránh Tam Muội 628a 3-11. Trong Tùy Tự Ý Tam Muội, sư Tuệ Tư thêm vào “như thực trí” với “như thực Như Lai thực trí” (352d8-9). Đoạn văn “Như pháp tướng giải (如法相解), như pháp tướng thuyết (如法相說). Như vì là không sinh. Lai vì là không diệt. Phật như vậy mà đến, nhưng chưa từng khởi hành.” nhắc đến Đại Trí Độ Luận, T no. 1959. 25.71b17-18.

 

[68] Kinh Đại Cường Tinh Tiến (大強精進) thực sự là tựa đề bốn quyển kinh Ương Quật Ma La do sư Câu-na-bạt-đà-la dịch. Đây là tên kinh sư Tuệ Tư dùng. Theo thiển trí của tôi (Kanno), chỉ có sư Tuệ Tư dùng tựa đề kinh như trên trong An Lạc Hạnh Nghĩa. Mặc dù là một con người rất hung bạo trong các phiên bản, sư Câu-na-bạt-đà-la có khuynh hướng tân trang  một cách hào phóng hình ảnh của Ương Quật Ma La.Như một người Bà la môn tài giỏi, Ương Quật Ma La người ở thành Xá Vệ tin theo tà thuyết cho rằng giết người sẽ được vào Niết Bàn. Khi giết người xong, Ương Quật Ma La cắt ngón tay của nạn nhân, kết làm vòng đội trên đầu nên còn có tên là Chỉ Man. Sau khi sắp giết đến người số một ngàn là mẹ của mình thì gặp Đức Phật giảng cho nghe chánh pháp. Ương Quật Ma La sám hối, tu hành, về sau chứng được A la hán. Như chúng ta học từ kinh, Ương Quật Ma La là sinh thân (生身) của Đại Cường Tinh Tiến Như Lai (大強精進如來), là vị Phật trú tại một quốc độ ở phương Nam trang nghiêm với vô số bảo châu. Như Hocchibo nói trong những chú giải về An Lạc Hạnh Nghĩa của sư Tuệ Tư, sư Tuệ Tư có thể đã lấy tựa đề kinh từ đây. Kinh nói: “Vị Phật ở quốc độ này hiệu là Đại Cường Tinh Tiến Như Lai. Không có Thanh văn, Duyên giác, chỉ có nhất thừa pháp, không có bất cứ tên gọi nào về những thừa khác [được nói đến]… Ương Quật Ma La không ai khác hơn là vị Phật này”. Ương Quật Ma La Kinh, T no. 120.2.543a 15-23 và b4-5.

Sự trưng dẫn của sư Tuệ Tư hẳn là không y như kinh ở đây. Trong dòng mở đầu quyển ba, Đức Phật đưa ra câu hỏi: “Nhất học nghĩa là gì?.” Ương Quật Ma La đưa ra một loạt câu trả lời từ 1-10. Tuy nhiên không thấy trong kinh [mà chúng ta đang có trong tay ngày nay] có câu trả lời : “nhất học nghĩa là nhất thừa”. Như trong ghi chú 404, sự kiện sư Tuệ Tư đồng hóa “nhất học” với “nhất thừa” có thể từ những câu kệ, khi Ương Quật Ma La nói: “nhất thừa của Đại thừa là vô ngại trí của Như Lai” và “nhất tướng chỉ cho Như Lai nên chúng ta gọi là nhất thừa”. Ương Quật Ma La Kinh, T no. 120.2.532b4 v à 9-12.

[69] Ngũ căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, nếu thêm ý nữa là lục căn; không nên lầm với ngũ căn sắc là tín căn, tinh tiến căn, niệm căn, định căn, và tuệ căn [trong Đại Nhật Kinh Sớ].

[70] Ương Quật Ma La Kinh, T no. 120.2.531c22-25. Đây là tên của năm căn, sư Tuệ Tư đưa them vài căn thứ sáu là ý căn, trong khi nguyên văn trong kinh chỉ có năm căn. Nội dung bài kệ thứ sáu của sư Tuệ Tư theo ý năm bài kệ trước.

Ngoài ra, để làm bản văn minh chứng cho ý niệm về sự thanh tịnh của sáu căn của sư Tuệ Tư, những bài kệ về ngũ căn (hoặc lục căn) từ kinh Ương Quật Ma La cũng thấy trong những bản văn của sư Trí Khải và sư Quán Đảnh như Maha Chỉ Quán và Pháp Hoa Huyền Nghĩa. Đặc biệt là khi sư Trí Khải và sư Quán Đảnh luận về những bài kệ này trong Maha Chỉ Quán (46.95b23-24) và Quán Tâm Luận Sớ (46.610a 25-26), các sư cũng đưa vào bài kệ thứ sáu nói về ý căn. Sư Trạm Nhiên cũng ghi nhận sự khác biệt này trong tác phẩm Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, T no. 1912. 46.377a 26. Nếu bài kệ thứ sáu là phần sư Tuệ Tư đưa thêm vào, hoặc đã có sẳn trong bản kinh [mà sư có trong tay lúc bấy giờ], nhưng cũng lại xuất hiện trong các bản văn của sư Trí Khải và Quán Đảnh, [chúng ta có thể đoán rằng] các sư Trí Khải và Quán Đảnh đã căn cứ vào bản văn An Lạc Hạnh Nghĩa của sư Tuệ Tư hơn là từ chính bản kinh.

Có những lý do tương đối khả dĩ hơn đối với sự hoài nghi này. Sư Tuệ Tư trưng dẫn những bài kệ trong kinh Ương Quật Ma La để thuyết rằng các căn của chúng sinh vốn ẩn tàng năng lực kỳ diệu của chư Phật, như: “Vì mắt không tịch, mắt đó chính là mắt Phật”, và “Ba mặt căn, trần, thức là như thị tánh…Chúng sinh và Như Lai cùng chung một pháp thân.” (Nhãn giới không tịch cố 眼界空寂故Tức Phật thổ thanh tịnh 即佛土清淨, và: Căn trần kí không tịch 根塵既空寂, Lục thức tức vô sinh,  六識即無生, Tam lục như như tính, 三六如如性, Thập bát giới vô danh, 十八界無名, Chúng sinh dữ Như-Lai, 眾生與如來, Đồng cộng nhất pháp thân. 同共一法身, Thanh tịnh diệu vô tỉ, 清淨妙無比, Xưng Diệu Pháp Hoa kinh. 稱妙法華經。An Lạc Hạnh Nghĩa, T no. 1926. 46.700a 5, 699b27 ). Các sư Trí Khải và Quán Đảnh trưng dụng những bài kệ trong kinh Ương Quật Ma La với cùng mục đích nhấn mạnh sự quan trọng, tức là. con mắt này đây của chúng sinh chính đó là mắt Phật, thấy biết rõ ràng, đầy đủ không suy giảm (liễu liễu phân minh kiến, cụ túc vô giảm tu了了分明見, 具足無減修). Như chúng ta thấy, mối khúc mắc này dường như trở thành đạo vị khi đọc những bài kệ trong kinh Ương Quật Ma La, và đối với điểm này, dường như các sư Trí Khải và Quán Đảnh cho thấy một sự tri ân sâu xa [khi trưng dẫn] đường hướng chú giải của tôn sư [tức sư Tuệ Tư] trong An Lạc Hạnh Nghĩa. Cũng xin lưu ý rằng, thay vì “liễu liễu phân minh kiến”, trong bản văn của sư Tuệ Tư chúng ta thấy ghi “quyết định phân minh kiến” (決定分明見) với hai dòng cuối đảo ngược thứ tự.

Với cú pháp Hoa văn, đọc những bài kệ trong kinh Ương Quật Ma La là cả một vấn đề; phiên bản Tây Tạng cho chúng ta thấy bản Phạn văn như sau: “Trong cái định hoàn mỹ, thấy rằng ‘Như Lai nên được nhìn là thường’: chính đó là nhãn căn.” Hoặc nói về lục nhập (với ý nghĩa thay đổi mỗi 4 câu kệ): “Từ cái định hoàn mỹ mà nhập, Như Lai rõ ràng được nhìn là thường hoặc bất diệt: đó là nhãn nhập”. Khuynh hướng giải thích như trên cho thấy rằng câu “ư Như Lai thường” trong dòng thứ hai nên là túc từ của câu “quyết định phân minh” trong dòng thứ ba, cho chúng ta câu văn như “Gọi là mắt [mắt đó] thấy rõ ràng và quyết định [tánh] thường của Như Lai, nên trang nghiêm hoàn mỹ”. Tuy nhiên, lối đọc như vậy thì lại không cân xứng với những chú giải sư Trí Khải đưa ra trong các tác phẩm của sư cũng như trong các tác phẩm của sư Tuệ Tư.

Trong Pháp Hoa Huyền Nghĩa, sư Trí Khải giải thích những dòng kệ trong kinh Ương Quật Ma La như sau: “chữ ‘bỉ’ (彼) với chư Phật chỉ cho ‘tự’ (自), trong khi ở đây với chúng sinh thì đọc là ‘bỉ’. Chúng sinh tưởng rằng [nhãn căn v.v…] là vô thường (無常), trong khi mắt Phật là thường (常). Đối với hai chữ “giảm tu” (減修), tu hoặc hành qua pháp thiền định thì gọi là “giảm tu”. Tu hành trên chính nền móng của thực tướng thì gọi là “vô giảm tu” (無減修). [*Ghi chú của người dịch Việt ngữ: ở đây xin hiểu theo nghĩa của các thuật ngữ “duyên tu” (緣修) và “chân tu” (真修), thí dụ, theo sư Trí Khải, hai trí quán Không, Giả là “duyên tu”, trí hội nhập Trung Đạo là “chân tu”.] Không thấy được Phật tánh thì gọi là “bất liễu liễu kiến” (不了了見), nếu thấy được Phật tánh thì gọi là “liễu liễu kiến” (了了見). Hơn nữa, thấy được thực lý thì gọi là “liễu liễu”, trong khi thấy rõ hiện tướng của pháp giới tức là “phân minh” (明見). Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T no. 1716, 33.750b25-c1. Tương tự như những dòng trên, các sư Trí Khải và Quán Đảnh nói trong Maha Chỉ Quán: “Chữ ‘bỉ’ (彼) chỉ cho nhãn căn của chúng sinh trong chín cõi (sáu cõi phám, ba cõi thánh). Câu “với Như Lai là thường” có nghĩa rằng chúng sinh trong chín cõi tưởng [lầm] rằng mắt của họ không thực, trong khi chư Phật nhìn nhãn căn của chúng sinh không khác với Phật giới, đầy đủ, bất nhị, vô phân biệt. “Vô giảm tu” có nghĩa rằng thiền quán tất cả mắt trong chín pháp giới chính đó là mắt Phật. Viên nhân  (圓 因) của tam đế trong một tâm ( 一心 三 諦) đầy đủ không thiếu sót. Với câu “liễu liễu phân minh kiến”, [hành giả] có thể chiếu soi thực lý (實) một cách rõ ràng, và sự chiếu soi giả (假) lý cũng phân minh. Khi đắc được tam trí trong nhất niệm liền đầy đủ ngũ nhãn, chiếu soi viên minh. Đây gọi là “liễu liễu phân minh” của Phật tánh. “Thấy (見) chỉ cho viên chứng (圓證), “tu” (修) chỉ cho “viên nhân” (圓 因)”. Maha Chỉ Quán, T 46. 95b11-17. Ngoài ra, Maha Chỉ Quán cũng nói:”Nếu có người quán rằng, với Như Lai, mắt và sắc là thường, trang nghiêm vô lậu, là cánh cửa mà qua đó, có khả năng thấy biết rõ ràng, thì mắt và sắc, trong nhất thời tức đồng pháp giới, viên dung tất cả pháp, tức Không, tức Giả, tức Trung [đạo].” Maha Chỉ Quán, T 46. 100c25-28. Sư Quán đảnh nói trong phần chú giải về những bài kệ trong kinh Ương Quật Ma La: “Ngũ căn gọi là thường”. Quán Tâm Luận Sớ. T no. 1921.46.618a2.

Sư Quán Đảnh lại nói: “Khi kinh nói ‘bỉ’ tức chỉ cho chúng sinh. Như vậy, sáu căn của chúng sinh, với Như Lai là thường. Mặc dù chư Phật có nhãn căn và những căn khác, không cần phải nhắc lại rằng các căn đó là thường”. Quán Tâm Luận Sớ. T no. 1921.46.610a27-29. Chi tiết về “vô giảm tu” đọc sư Trạm Nhiên, Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, T no. 1912, 46.200b24-26; Pháp Hoa Huyền Nghĩa T 46.693a 13-15 nơi đây sư Trí Khải sau khi trình bày tư tưởng của sư Tuệ Tư, trưng dẫn cùng bài kệ trong kinh Ương Quật Ma La về nhãn căn để thuyết về “chúng sinh pháp diệu” (衆生法妙).

[71]  Ương Quật Ma La kinh, T2.532a 5-18. Nhắc lại, những bài kệ trong kinh Ương Quật Ma La về căn-trần-thức ở đây dựa trên sự giải thích trong Maha Chỉ Quán của sư Trí Khải và Quán Tâm Luận Sớ của sư Quán Đảnh. Như sư Trí Khải và Quán Đảnh nói trong cac tác phẩm kể trên, rằng:”Nhất tâm tam quán gọi là “vô giảm tu” (無修). Ngữ lực trong một cái thấy gọi là cánh cửa qua đó cái thấy được rõ ràng. Đó cũng dọi là “viên chứng” (圓證)”. Maha Chỉ Quán, T46.101a 15-17. Bản văn Tây Tạng đọc là: “Thiền vô giảm đến với [trí tuệ]”, “Như Lai rõ ràng thấy là thường”: quán là mắt thấy.” Bản Hoa văn có khác: “Gọi đó là mắt là cánh cửa qua đó thấy rõ ràng Như Lai là thường, trang nghiêm vô lậu.” Trong kinh Ương Quật Ma La, dòng cuối cùng của hai câu nói về lục nhập xứ (六入處): “vô giảm tổn” (無減 損), trong khi trong bản văn của sư Tuệ Tư lại là “vô giảm tu” như đã nói trên.. Hai câu cuối trong kinh về lục nhập giới hoặc thức căn, chúng ta thấy: “thức [nhập] là cánh cửa qua đó là tịnh tín vào Như Lai tàng cũng như không ở trong nghịch đạo”. ((532a 17-18). Sư Tuệ Tư đã không y theo dòng kinh này.

[72] Đại Tập kinh, T no. 397, 13.69c16-21. Sư Tuệ Tư có thay đổi chỗ này. Từ bỏ ngai vàng xuất gia làn tỳ khiêu, vua Tịnh Thanh hỏi Phật về ý nghĩa xuất gia. Lời hỏi đáp như sau: “Hỡi này tỷ khiêu, tên ông là Tịnh Thanh, ông nên thanh tịnh tự giới. Khi tự giới của ông đã thanh tịnh thì ông sẽ được gọi là tỳ khiêu, và sẽ được gọi như vậy.”. Nghe lời giải đáp của Phật, tâm vị tỳ khiêu trở nên thanh thản, an vui. Người ấy tự nghĩ: “mắt này chính là giới. Quán rằng chính nơi mắt này là Không tức đồng nghĩa với thanh tịnh giới. Thanh tịnh giới chính đó là Phật giới. Đối với tai, mũi, lưỡi, và thân cũng giống như vậy. Ý thức này chính là giới. Quán rằng chính nơi ý này là Không tức đồng nghĩa với thanh tịnh giới. Thanh tịnh giới chính đó là Phật giới”.

[73] Mặc dù không thấy có thuật ngữ tương đương trong bản kinh Pháp Hoa về “chánh tuệ ly trước an lạc hạnh”, trong kinh có nói đến “thiền quán về thực tướng của các pháp” (T9.37a16) và “quán tất cả các pháp không thực có, như hư không (T9. 37c18), chắc chắn là để nhấn mạnh trên cái gọi là “chánh tuệ”.

455 Kinh Pháp Hoa đưa ra một phân biệt khác về hoạt động của khẩu trong pháp an lạc thứ hai, khuyến chư Bồ tát “không nên nói lỗi người hoặc lỗi kinh điển”, hoặc “khinh thị pháp sư”, hoặc “chẳng nói việc hay dỡ, tốt xấu của người khác”, hoặc “chẳng kêu tên khen ngợi hoặc chê trách người”…Kinh cũng nói rằng “Nếu có người gạn hỏi, chẳng nên dùng pháp Tiểu thừa mà đáp, chỉ dùng pháp Đại thừa giải nói khiến cho được bậc nhất thiết chủng trí”. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T9.38a 1-7. Những đoạn kinh văn trên làm căn bản cho sự nhấn mạnh của pháp an lạc hạnh thứ hai trong An Lạc Hạnh Nghĩa, như “An lạc hạnh là chuyển đổi Thanh văn, và đưa về Phật trí.”

[75] Như đã nói trong kinh Pháp Hoa, hạnh thứ ba xoay quanh chiều hướng của tâm, đặc biệt tránh tâm thích hí uận, lòng ghen tức. Sư Tuệ Tư chọn tên gọi “Vô Não Bình Đẳng An Lạc Hạnh” tưong tự như đoạn kinh văn “Với tất cả chúng sinh đều bình đẳng nói pháp” (T9.38b13), hoặc “Nếu thành tựu được hạnh an lạc thứ ba này, thời lúc nói pháp không ai có thể não loạn được bạn đồng học [là người] cùng đọc tụng kinh này, và được đại chúng cùng đến nghe kinh, thọ trì kinh.” (T9. 38b16-17). Tên gọi “Kính thiện tri thức an lạc hạnh” lấy từ đoạn kinh văn “Phải ở nơi tất cả chúng sinh khởi tưởng tâm đại bi, đối với các đức Phật tưởng như cha lành, đối với các Bồ tát tưởng là bậc đại sư, đối với các Bồ tát trong mười phương phải thành tâm lễ lạy, cung kính vâng phục” (T9.38b10-12). Cũng xin nhắc là trong dòng mở đầu bản văn An Lạc Hạnh Nghĩa, sư Tuệ Tư nói: “ nhìn chúng sinh như một vị Phật, nên chắp tay cung kính như cung kính Phật. Cũng như vậy, nhìn mỗi chúng sinh như một đại Bồ tát, một thiện tri thức” (An L ạc Hạnh Nghĩa T46.697c22-23)

[76] Kinh Pháp Hoa nói trong an lạc hạnh thứ tư: “Nếu có Bồ tát trì kinh Pháp Hoa này, ở trong hàng người tại gia, xuất gia sinh lòng từ lớn, ở trong hàng người chẳng phải Bồ tát sinh lòng bi lớn. Phải nghĩ thế này: những người như thế kia thực là mất lợi lớn. Đức Như Lai phương tiện nói pháp chẳng nghe, chẳng biết, chẳng hay, chẳng hiểu, chẳng tin, chẳng hỏi.” (T9. 38c5-6). Tên gọi “Mộng Trung Cụ Túc Thành Tựu Thần Thông Trí Tuệ Phật Đạo Niết Bàn An Lạc Hạnh” liên hệ đến bài kệ trùng tuyên trong  an lạc hạnh thứ tư, nơi kinh nói rằng những người thọ trì kinh này “Nếu ở trong chiêm bao chỉ thấy những việc kỳ diệu. Thấy các đức Như Lai ngự trên tòa sư tử, các hàng chúng tỳ khiêu vây quanh nghe nói pháp. …Lại thấy các Đức Phật thân tướng thuần sắc vàng phóng vô lượng hào quang soi sáng khắp tất cả, dùng giọng tiếng Phạm âm mà diễn nói các pháp… Thấy thân mình trong đó, chắp tay cung kính Phật. Nghe pháp lòng vui mừng, cũng vì cúng dường Phật, được pháp đà la ni, chứng bậc bất thối trí… Lại thấy thân chính mình ở trong rừng núi vắng tu tập các pháp lành, chứng thực tướng các pháp.” (T9. 39b20-39c17).

Các nhà chú giải kinh Pháp Hoa tại Trung quốc đưa ra những giải thích khác nhau về tứ an lạc hạnh, nội dung của những giải thích này rất khác với những chú giải của các sư Tuệ Tư, Trí Khải, và Quán Đảnh nói về bốn hạnh của thân, khẩu, ý và nguyện. Đọc Pháp Hoa Văn Cú, T no. 1718. 34.119a19-2. Sư Cát Tạng: 吉藏 (549-623), trong Pháp Hoa Huyền Luận, T no. 1720.34.362a5 và Pháp Hoa Nghĩa Sớ, T no. 1721.34.594a17-19, nhấn mạnh trên trí tuệ không tịch, bỏ lòng kiêu hãnh, xa lìa ganh tị và đố kỵ, tu tập từ bi. Pháp sư Cơ, trong Pháp Hoa Huyền Tán, T no. 1723, 34.819b11-13, đưa ra chánh than, chánh ngữ, và tu tập tự lợi khiến tâm không làm ác; tu tập lợi tha làm các việc thiện. Sư Pháp Vân, trong Pháp Hoa Nghĩa Ký, T no. 1715, 33.662c19-20, đưa ra bốn loại trí, thuyết pháp, trì giới, tu tập từ bi. Xin nhắc rằng cũng sư Pháp Vân, khác với sư Tuệ Tư và những vị khác, không quá lưu ý đến phẩm kinh An Lạc Hạnh cũng như bốn hạnh an lạc, nhìn các hạnh này như lối tu tập của người như nhược, biếng nhác, thua kém phẩm thứ mười là phẩm Pháp sư trong kinh Pháp Hoa. Thêm chi tiết, đọc Hiroshi Kanno, Huisi’s Perspective on the Lotus Sutra as Seen through the Meaning of the Lotus Sutra’s Course of Ease and Bliss, pp. 210-211 phần trên.

[77]  Các uy nghi (威儀) như đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ nghỉ, ăn nói cũng là căn bản của pháp tu tam muội ngay giữa hoạt dụng [hằng ngày], được nói chi tiết trong Tùy Tự Ý Tam Muội. Pháp môn lưu lại trong các bản văn của sư Tuệ Tư trở thành nền tảng cho tác phẩm Thích Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Giác Ý Tam Muội của sư Trí Khải, T no. 1922, 46.624c16-24. Và cũng là nền móng đối với pháp môn Phi Hành Phi Tọa Tam Muội (非行非座三昧), và Lịch Duyên Đối Cảnh Tu (歷緣對境修) được sư Trí Khải khai triển trong tác phẩm Tu Tập Chỉ Quán Tọa Thiền Pháp Yếu, T no. 1915, 46.467c19-28 và Maha Chỉ Quán T no. 46.100b16-21. Ngoài ra, đọc phẩm Tứ Niệm Xứ trong Đại Trí Độ Luận, T25.402c27-403a3, nơi chúng ta tìm thấy tứ niệm xứ tu tập cùng với lục hạnh, tương tự với những oai nghi khi đứng, nằm, ngồi, ăn, nói trong Tùy Tự Ý Tam Muội (ngoại trừ đi).

[78] Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận (雜阿毗曇心論). Cũng gọi Tạp A tì đàm tì bà sa, Tạp A tì đàm bà sa, Tạp A tì đàm kinh, Tạp A tì đạt ma luận. Gọi tắt: Tạp tâm luận. Luận, 11 quyển, do ngài Pháp Cứu (Phạm: Dharmatràta) soạn, ngài Tăng già bạt ma dịch, được thu vào Đại chính tạng tập 28. Sách này là một trong những Thánh điển tiêu biểu của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, là sách chú thích luận A tì đàm tâm của ngài Pháp Thắng. Ngoài phần văn gốc gồm 250 bài kệ của luận A tì đàm tâm, ngài Pháp Cứu còn thêm phẩm Tựa, phẩm Trạch và 350 bài kệ khác nữa mà thành bộ sách chú thích này với hơn 600 bài kệ, dùng để bổ chính cho luận A tì đàm tâm. Thứ tự các phẩm trong luận này được đặt theo thứ tự của Tứ đế. Về Hán dịch thì có 4 bản: Bản thứ nhất do ngài Tăng già đề bà dịch tại Lạc dương vào cuối những năm Kiến nguyên (365-384) đời Diêu Tần, gồm 16 quyển (hoặc 13 quyển); bản thứ 2 do các ngài Pháp Hiển và Phật đà bạt đà la cùng dịch vào đời Đông Tấn, gồm 13 quyển; bản thứ 3 do ngài Y nghiệp ba la dịch vào năm Nguyên gia thứ 3 (426) đời Lưu Tống, cũng gồm 13 quyển; bản dịch thứ 4, tức bản hiện nay, được dịch vào năm Nguyên gia 11 (434) hoặc năm Nguyên gia 12 (435) đời Lưu Tống. Trong 4 bản dịch nói trên thì 3 bản trước đều đã thất truyền. Có rất nhiều sách chú thích bộ luận này, nhưng hiện nay đều không còn. Tại mục 3, tiết 4, chương 10 trong Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, ngài Ấn Thuận đã trình bày tỉ mỉ và thuyết minh rõ ràng về giá trị của Luận này. Ngài Ấn Thuận còn cho rằng tên Phạm của Luận này mà giới học giả thường dùng không phù hợp với ý nghĩa của tên gốc. Tức theo đúng ý của tên gốc thì tiếng Phạm phải là Abhidharmahfdaya-vyàkhyà. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Lịch đại tam bảo kỉ Q.10; Khai nguyên thích giáo lục Q.3; 5; Đại đường nội điển lục Q.3,4; Cổ kim dịch kinh đồ kỉ Q.3]. (Tự Điển Phật Quang).

Mặc dù tập luận đưa ra 11 địa (十一地) tính từ hữu lậu (有漏 / asrava), T no. 1552, 28.928b23-25, danh sách này khác với danh sách của sư Tuệ Tư đưa ra, ít nhất qua bốn điểm: hoàn toàn loại trừ “phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ (非有想非無想處); dùng thuật ngữ “vị lai địa” (未來地) thay vì “vị đáo địa (未到地); có thuật ngữ “trung gian” (中間) và “đệ nhất hữu” (第一有). Thực sự, những yếu tố và tên gọi trong thập địa của sư Tuệ Tư phù hợp với phẩm Thiền Ba La Mật (禪波羅蜜) trong Đại Trí Độ Luận hơn. Đọc Đại Trí Độ Luận, T25.186a 1-c23, và 272a 26.

Như Shoshin nhận xét trong tác phẩm An Lạc Hạnh Sao (安樂行抄), sư Tuệ Tư đưa ra chỉ có mười thay vì mười một địa. Sự khác biệt này có thể được giải thích từ hai điểm trong tác phẩm Vô Tránh Tam Muội, nơi sư Tuệ Tư đưa ra cái gọi là “cửu thứ đế định” (九次第定), và “tam giới cửu địa” (三界九地) [Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới]. Hai bảng danh sách của chín thứ đệ thuộc Tứ thiền (四禪), Tứ vô sắc định (四無色定), cho đến Không vô biên xứ (空無邊處), phi hữu tưởng, phi vô tưởng xứ (非有想非無想處) đến diệt thọ tưởng (滅受想). Tuy nhiên, trong “tam giới cửu địa”, sư Tuệ Tư thêm vào “nhị thiền” (二禪) là “vị đáo địa thiền” (未到地禪) và “trung gian” (中間) của Dục giới (欲界)”, tức “Dục giới vị đáo địa thiền cập trung gian nhị thiền” (欲界未到地禪及中間二禪). Đọc Chư Pháp Vô Tránh Tam Muội Pháp Môn, T no. 1923. 46.631c28-632a2 và 631a7 -b7.

Theo với Đại Trí Độ Luận, sư Trí Khải phân biệt “Dục giới định” (欲界定) và “Vị đáo định” (未到定) như hai giai đoạn chuẩn bị  trước khi vào Sơ thiền. “Dục giới định” lại được chia ra thô trụ (麤住) và tế trụ (細住) chung với cửu thứ đệ thiền, tứ thiền, tứ vô sắc, tổng cộng là mười một địa. Đọc Trí Khải, Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn, T no. 1916, 46.509b24-510a15; Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, T no. 1925, 46.673c26; Lục Diệu Pháp Môn, T no. 1917. 46.550c12-15; Maha Chỉ Quán, T no. 1911. 46. 118b23, c29, 126b02, 129c7; và Tứ Giáo Nghĩa, T no. 1929. 46.735a, 768a, 739b. Những danh sách khác của sơ thiền do các A tỳ đạt ma luận đưa ra vào thế kỷ thứ sáu tại Trung Hoa, gồm cả Tạp Tâm Luận, đọc Tịnh Ảnh Huệ Viễn, Đại Thừa Nghĩa Chương, T 1851, 44.718c2-11 và 718c29-719a 4.

Theo Tạp Tâm Luận và những Tạp A tỳ đạt ma luận liên hệ, tất cả các pháp có thể xếp vào một trong hai pháp hữu vi (有爲) và vô vi (無爲). Pháp hữu vi do tạo tác mà có chỉ chung cho các hiện tượng do nhân duyên hòa hợp mà được tạo ra; trong khi pháp vô vi là pháp thực tại, xưa nay thường còn, không do nhân duyên tạo tác, không bị bốn tướng sinh, trụ, dị, diệt đổi dời. Đọc Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận (雜阿毗曇心論), T 28.936a 15-19, trong bài kệ 409 nói về bốn tướng hoặc nhân duyên. Đối với sự khẳng định của sư Tuệ Tư trong câu “Kinh nghiệm thiền thâm diệu an lạc nhất định không phải là loại nầy.”, chúng ta thấy rằng kinh Pháp Hoa đặc biệt nói trong những bài kệ, phẩm An L ạc Hạnh: “Lại cũng chẳng vin theo pháp thượng, trung, hoặc hạ, hữu vi hoặc vô vi, pháp thực (實) cùng chẳng thực (不實)”. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262. 9.37c10-11; Woghihara, p. 239.12-23.

[79] Đọc “Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn kinh”, T no. 586, 15.37c8-26, Phật thuyết chi tiết về “Bồ tát biến hành” (菩薩遍行). Ngoài ra, đọc Trí Khải, Pháp Hoa Huyền Nghĩa, T no. 1716. 33.691c26, trưng dẫn từ bản Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn kinh, cùng với những đoạn kinh văn tương tự từ kinh Hoa Nghiêm, Đại Trí Độ Luận, kinh Duy Ma Cật, để phản bác lại chủ trương của sư Pháp Vân nói rằng Viên giáo (圓教) của một Phật thừa thì không được thuyết trong các kinh có trước kinh Pháp Hoa.

[80] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262. 9.61a 23-b15. Phẩm Phổ Hiền, nói: “Thế Tôn! Năm trăm năm sau trong đời ác trược nếu có người thụ trì kinh điển này, con sẽ giử gìn các sự khổ hoạn làm cho được an ổn, khiến không ai được tiện lợi trong việc rình tìm làm hại, hoặc ma, hoặc con trai của ma, hoặc con gái của ma, hoặc dân ma, hoặc người bị ma dựa, hoặc Dạ xoa, hoặc La sát, hoặc Cưu bàn trà, hoặc Tỳ xá xà, hoặc Cát giá, hoặc Phú đan na, hoặc Vi đà la v.v…những kẻ làm hại người đều chẳng được tiện lợi. Người đó hoặc đi, hoặc đứng, đọc tụng kinh này, bấy giờ con cưỡi tượng vương trắng sáu ngà cùng chúng đại Bồ tát, đều đến chỗ người đó mà cùng hiện thân ra, để cúng dường, thủ hộ, an ủi tâm người đó, cũng là để cúng dường kinh Pháp Hoa. Người đó nếu ngồi suy nghĩ kinh này, bấy giờ con lại cưỡi tượng vương trắng hiện ra trước người đó, người đó nếu ở trong kinh Pháp Hoa có quên mất một câu, hoặc một bài kệ, con sẽ dạy người đó cùng chung đọc tụng, làm cho thông thuộc. Bấy giờ, người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa được thấy thân con, lòng rất vui mừng lại càng tinh tiến, do thấy thân con nên liền được tam muội và đà la ni tên là “Triền đà la ni”, “Trăm nghìn muôn ức triền đà la ni”, “Pháp âm phương tiện đà la ni”, được những môn đà la ni như thế… Được chú đà la ni này thời không có phi nhân nào có thề phá hoại được, cũng chẳng bị người nữ làm hoặc loạn. Con cũng đích thân thường hộ người đó.”

[81] Kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát, nói: “Nếu có tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, hoặc chúng sinh bát bộ thiên long thọ trì đọc tụng kinh điển Đại thừa, tu tập pháp Đại thừa , và phát tâm Đại thừa, người ấy ưa thích nhìn thấy thân tướng của Bồ tát Phổ Hiền, ưa thích nhìn thấy thân tướng Phật Đa Bảo, ưa thích nhìn thấy thân tướng Phật Thích Ca Mâu Ni và các ứng thân của Phật, và người ấy tu tập thiền định, công đức có được từ thiền định này sẽ diệt những chướng ngại, khiến người ấy thấy được thân vi diệu [của Bồ tát Phổ Hiền, Phật Đa Bảo, Phật Thích Ca, và những ứng thân của Phật] chỉ qua việc tụng đọc kinh mà không vào tam muội”. Đọc Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh, T no. 277. 9. 389c21-22.

Sư Trí Khải nhắc lại những điểm như trên trong Pháp Hoa Sám Pháp, trong một phẩm sư nói về việc tụng đọc kinh: “Nếu một hành giả không bao giờ thực tập tọa thiền mà chỉ ưa thích tụng đọc kinh và sám hối, người ấy nên tụng đọc kinh trong những lúc đi hoặc ngồi trong tĩnh lặng  (đương ư hành tọa trung cửu tụng kinh 當於行坐中久誦經). Khi đã mỏi mệt (疲 極) người ấy có thể nghỉ ngơi, và sau đó trở lại tụng đọc. Đây hẳn không phải là bỏ cuộc lễ nửa chừng, vì kinh nói rằng “không nhập tam muội, chỉ tụng đọc kinh, người ấy có thể thấy thân vi diệu [của Bồ tát Phổ Hiền, Phật Đa Bảo, Phật Thích Ca, và những phân thân của Phật].” Đọc Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi, T no. 1941, 46.953c23-27. Bản văn theo hệ thống Kim có sớm nhất còn lưu hành thì ghi là 蘞念 , trong khi phiên bản về sau thì ghi là 歛念 thì không hợp nghĩa. Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi, ZH no. 1874, 98.921c4.

[82] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.61a 28-29 (“Nếu những người ấy, sau khi đi hoặc đứng, tinh tiến tụng đọc kinh này…”), 61b2-3 (“Nếu như cúng dường kinh Pháp Hoa, những người ấy ngồi và suy gẫm kinh này…”), và 61b9-12 (“Nếu khoảng 500 năm về sau trong đời mạt pháp, nếu có tỳ khiêu, tỳ khiêu ni, ưu bà tắc, ưu bà di giữ gìn, tụng đọc, và sao chép kinh này, và muốn như kinh Pháp Hoa tu hành , người ấy nên kiên tâm trong 21 ngày”)..

[83] Hữu tướng hạnh (有相行) ở đây được sư Tuệ Tư diễn tả trở thành nền tảng trong Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi (T no. 1941) của sư Trí Khải. Dưới tên sách có phụ đề Pháp Hoa Tam Muội hành sự vận tưởng bổ trợ nghi lễ Pháp Hoa kinh nghi thức. Nội dung sách này, sư Trí Khải kế thừa tinh thần tam muội Pháp Hoa của sư Tuệ tư, rút lấy những nghĩa lí tinh túy trong các kinh điển Đại thừa như kinh Pháp Hoa, kinh Quán Phổ Hiền… mà soạn thành nghi thức phương tiện tu hành tam muội Pháp Hoa. Đồng thời, giải thích rõ pháp môn đầy đủ công đức của chư Phật mà nhập vào chính vị của Bồ tát, bao gồm lễ bái, sám hối, hành đạo, tụng kinh, tọa thiền… trong khoảng 21 ngày. [X. Tùy Thiên Thai Trí Giả đại sư biệt truyện; Duyệt tạng tri tân Q.42; Tân biên chư thân giáo tạng tổng lục Q.1]. (Tự điển Phật Quang).

Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi là một trong những pháp môn “bình tọa bình hành tam muội” (平坐平行三昧) của Thiên Thai Tứ Chủng tam muội (四種三昧). Sư Trí Khải cũng đưa “vô tướng hạnh” (無相行) vào nghi lễ này qua pháp quán tánh Không của tâm và cảnh (T no. 1941, 46.950a 7-15, 954b17-21), và trong pháp thiền tọa (46.954a13-14). Cũng vậy, sư Trí Khải nói rõ han về thâm tam muội (深三昧) qua hình thức thiền tọa và quán tánh Không, nhắc chúng ta đến pháp môn vô tướng hạnh của sư Tuệ Tư.

Như sư Trí Khải hướng dẫn, “Phải nên biết rằng lấy 21 ngày như một khoảng thời gian tu tập nhất định, sáu thời mỗi ngày như đã nói trên có mục đích hướng dẫn các Bồ tát sơ phát tâm. Một người chưa có khả năng nhập tam muội thì khởi đầu dùng các pháp hữu tướng để điều phục tâm, giảm thiểu những trọng tội làm chướng ngại đường đạo. Trải qua thời gian thực hành sám pháp này, thân tâm hành giả sẽ được thanh tịnh và biết được pháp vị. Nếu hành giả quyết tâm tu tập để nhập sâu và tam muội thì hành giả phải vượt qua những pháp thực hành trước, và đến thẳng trạng thái an lạc. Hành giả lập tức được thiền vị, và nhận rõ tánh Không của vạn pháp. Hành giả sẽ không sinh tâm chướng ngại từ trong hoặc từ ngoài; cảm thấy tâm đại bi rộng mở, thương xót chúng sinh. Khi tâm hành giả có thể luôn luôn ở trong trạng thái này, không một phút giây nào gián đoạn thì đây gọi là phát huy và duy trì tam muội.”  Đọc Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi, T no. 194, 46.955b24-29. Nói về bản quyền của sư Trí Khải về Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi, đọc Sato Tetsuei, Kyoto, 1961). Về vai trò của Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi trong cộng đồng Phật giáo của sư Tuệ Tư và sư Trí Khải buổi sơ thời, đọc Daniel Stevenson, The Four Kinds of Samadhi in Early Tiantai Buddhism, in Traditions of Meditation in Chinese Buddhism, Kuroda Institute Studies in East Asian Buddhism, no. 4, do Peter N. Grrgory hiệu chính (Honolulu: University of Hwaii Press, 1986), pp. 45-97).

[84]  Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.61a 29-b1, b3, b12-14. Kinh Quán Phổ Hiền Bồ tát nói: “Với trí lực tôi sẽ hóa hiện trên voi trắng sáu ngà, sáu ngà sẽ có bảy cành, dưới bảy cành là bảy hoa sen. Màu da của voi thì trắng trong như pha lê, tuyết trên núi cũng khó sánh được. Thân voi dài bốn trăm năm mươi do tuần, cao bốn trăm do tuần. Mỗi đầu ngà voi có ao nước, trong mỗi ao nước có mười bốn đóa sen vị thế bậc nhất, hoa mở cánh phơi bày như chúa loài thiên hoa, trên mỗi hoa đều có một ngọc nữ.”

[85] Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh, nói: “Thấy rõ ràng tường tận cõi nước thượng diệu của mười phương chư Phật, lại thấy chư Phật mười phương; trong mộng thấy trên đầu voi có một người với thân kim cang cầm chày kim cang chạm vào sáu căn của hành giả. Sau khi chạm vào sáu căn như vậy, Phổ Hiền Bồ tát vì hành giả mà thuyết pháp sám hối lục căn từ một ngày cho đến bảy ngày”.

[86] Trong kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp, Bồ tát Phổ Hiền hiện thân trên voi trắng sáu ngà, lại mộng thấy mười phương chư Phật (T no. 277, 9.390b27-391a5), Đức Thích Ca Mâu Ni và vô số phân thân của ngài trên non Linh Thứu (9.391b1-25), và tháp Phật Đa Bảo (391c25-392a5). Trong kinh không thấy có đề cập đến bảy vị Phật trong quá khứ.

[87] Phẩm Phổ Hiền Khuyến Phát, kinh Pháp Hoa, nói: “Bấy giờ, người thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa được thấy thân con, lòng rất vui mừng lại càng tinh tiến, do thấy thân con nên liền được tam muội và đà la ni (陀羅呢) tên là “Triền đà la ni” (dharany), “Trăm nghìn muôn ức toàn đà la ni” (avartam ca nama dharanim), “Pháp âm phương tiện đà la ni” (sarva-ruta-kausaly), được những môn đà la ni như thế… Được chú đà la ni này thời không có phi nhân nào có thề phá hoại được, cũng chẳng bị người nữ làm hoặc loạn. Con cũng đích thân thường hộ người đó.” Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T 9.61b6-8. Những đà la ni này cũng thấy trong phẩm Dược Vương, kinh Pháp Hoa, với bản dịch của sư Cưu Ma La Thập rất gần với bản Phạn văn, thấy ghi là “nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn đà la ni” (一切種生語言陀羅呢), “Pháp âm phương tiện đà la ni” (法音方便陀羅尼). Chữ “Pháp” được hiểu là “nhất thiết”. Trong kinh “Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp”, “Triền đà la ni” (dharany), “Trăm nghìn muôn ức triền đà la ni” hiển lộ những tam muội và trí lực liên tục của Bồ tát Phổ Hiền. Sự tuần tự này đến chỗ gọi là “đại ngộ  (大悟) khi chứng đắc đồng thời hai đà la ni. (T no. 262. 9.391b21-22). Kinh không đề cập đến “Pháp âm phương tiện đà la ni” được nói đến trong kinh Pháp Hoa.

[88] Thuật ngữ “tổng trì” trong “tổng trì đà la ni” (總持 陀羅呢) chỉ do phiên âm chữ dharani của Phạn ngữ. Trích dẫn từ Đại Trí Độ Luận (25.95c10-14), sư Trí Khải định nghĩa đà la ni trong tác phẩm Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn như sau: “Đà-la-ni là tiếng từ phương Tây, ở đất kia có nghĩa là có thể bảo trì hoặc gia hộ, nói là gìn giữ, che chở, quy về hàng loạt pháp lành, giữ cho không tán loạn, mất mát. Giống như một cái bình chứa nước còn nguyên vẹn, nước không chảy rịn ra. Có khả năng gìn giữ có nghĩa là khi căn gốc chẳng lành sinh khởi, liền chẳng thể khởi. Với nghĩa này chúng ta nói đó là giữ gìn, cũng có thể dịch là tổng trì. Dù với danh gì, nghĩa gì đến đâu đi nữa thì công đức từ thực hành đều nắm chắc rõ ràng, gọi đó là tổng trì.”

Trong chương thứ năm tác phẩm Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi “Lược Minh Tu Chứng Tướng Đệ Ngũ” (略明修證相第五) sư Trí Khải nhận diện ba tam muội từ kinh Quán Phổ Hiền Bồ Tát. Sư nói: “Đà-la-ni chính đó là đại trí tuệ. . Chứng được đại trí này hành giả sẽ không bao giờ quên mất, và có thể thâm nhập không ngăn ngại vào pháp Phật thuyết ra ngay khi được nghe. Chỉ với một câu [kinh] đơn giản, hành giả có khả năng thấu suốt và hiểu rõ tất cả nghĩa, và có thể thuyết giải vô tận, ví như gió lộng giữa trời không.” Đọc Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi, T no. 1941, 46.955b5-8.

[89] Trong Vô Tránh Tam Muội, sư Tuệ Tư nói về đạo chủng trí (道種智): “Có thể quán sát tường tận tất cả chúng sinh, nghiệp thiện ác khác biệt không giống như nhau, cũng biết được từ sơ phát bồ đề tâm cho đến khi đạt đạo, vào đạo xa gần, mười phương ba cõi thấu suốt không chướng ngại. Đó gọi là thần thông đạo chủng trí”.

[90] Tên đà-la-ni thứ nhất trong ba đà-la-ni sư Tuệ Tư đưa ra là “tổng trì đà-la-ni” (總持 陀羅呢), không giống như tên trong kinh Pháp Hoa gọi là “toàn đà-la-ni” (旋陀羅呢), “Bách thiên vạn ức toàn đà la ni” (百千萬旋陀羅呢), và “pháp âm phương tiện đà-la-ni” (法音方便陀羅尼) cũng không giống như những đà-la-ni trong Quán Phổ Hiền Hành Pháp Kinh, ở đây, hai đà-la-ni đầu thì giống trong kinh Pháp Hoa, nhưng lại không nói đến đà-la-ni thứ ba. Như đã nói ở trên, hai chữ đầu tiên của “tổng trì đà-la-ni” đọc là “tổng trì” là hai chữ dịch thuật ngữ “đà-la-ni” Cf. ghi chú # 461 ở trên cũng như Đại Trí Độ Luận 25.95c10-14. Quán Phổ Hiền Hành Pháp Kinh nói về toàn đà-la-ni: “đắc đà-la-ni, [hành giả] ý tr ì  (意持) được diệu pháp do Phật và Bồ tát thuyết ra”. Quán Phổ Hiền Hành Pháp Kinh, 9.390c16-17. Có thể sư Tuệ Tư đã lấy tên gọi câu thần chú đầu tiên từ dòng này.

Sư Tuệ Tư đưa ra ba hình thức của trí tuệ là đạo trí [hoặc tuệ] (道智), đạo chủng trí (道種智), và nhất thiết chủng trí (一切種智), ghép vớí ngũ nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, và Phật nhãn, trích từ Đại Bát Nhã và Đại Trí Độ Luận.

Theo Đại Trí Độ Luận 25.257c19-262a 16 cũng như 321c11-13, 646b21-c4, 649b16-23, nhất thiết chủng trí là trí của riêng Phật, xuất thế gian (tức thực tướng của không và tịch diệt); và thế gian (danh tướng) của những hiện tượng. Đạo chủng trí của Bồ tát đưa đến trí của từng đường đạo (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát), và cũng là trí Bồ tát học rộng tất cả đạo pháp để cứu độ chúng sinh. Thuật ngữ “Đạo trí” lại là vấn đề, vì Đại Bát Nhã và Đại Trí Độ Luận đưa ra những định nghĩa khác nhau, đôi khi lại đồng hóa với “Đạo chủng trí” của Bồ tát, đôi khi lại đưa qua trí của chư Thanh văn và Duyên giác thuộc Tiểu thừa. Trong trường hợp này, chữ “đạo” được hiểu là “tiểu”, đối lại với “đại” chỉ cho Đại thừa, là con đường độ tha của chư Bồ tát. Đọc Đại Trí Độ Luận, 25.259b11-20.

Luận về “tam trí” cũng thường xuyên giới thiệu đến “nhất thiết trí”, được xác nhận tương tự như “đạo trí hoặc tuệ”, điều này để nói rằng đây là trí liên quan đến chư Thanh văn và Duyên giác, mà cũng là một thứ trí nối liền với Phật trí tức “nhất thiết chủng tri”, nói các khác, là “nhân” (因) đưa đến sự chứng ngộ viên mãn như nhất thiết chủng trí. Nhất thiết trí chưa đạt đến trí tuệ như Phật trí vì vẫn còn vướng vào tổng tướng (總相) của bốn cái hiểu về khổ, không, vô ngã, và bất tịnh, mà chưa đến được với biệt tướng (別相); nói cách khác, vẫn còn nằm trong cái hiểu có giới hạn. Đọc Đại Trí Độ Luận, T25.646b21-c1, 649c16-23; Lamotte, Traité IV, pp. 1735-1755.

Như Hocchibo Shoshin nói trong tác phẩm “Notes to the Meaning of the Course of Ease and Bliss”, rằng có những cái khác thường trong khuynh hướng cặp đôi “tam trí” với “ngũ nhãn” của sư Tuệ Tư, đặc biệt khi so sánh với Đại Trí Độ Luận và những tác phẩm của sư Trí Khải. Thông thường, Tuệ nhãn tương đương với Đạo tuệ; Pháp nhãn có thể thấy biết các pháp một cách tường tận, Bồ Tát có thể cứu độ tất cả chúng sinh; và Phật nhãn với nhất thiết chủng trí. Shoshin nói: “Thiên nhãn” [được đưa ra] ở đây thực sự là tuệ nhãn. Trong Đại Luận (), tuệ nhãn có khi chỉ cho thiên nhãn, như khi nói rằng thiên nhãn thấy được những vật cực nhỏ [như vi trần] v.v… Khi sư Tuệ Tư nói về nhục nhãn thì đơn giảnlà mắt thịt.” Ý kiến của Shoshin cũng không hẳn là không thích nghi, bao lâu những tác phẩm Vô Tránh Tam Muội (627c17-18, 630c20-21) và Tùy Tự Ý Tam Muội (347c2-4) vẫn còn cho chúng ta thấy rằng sự song hành giữa tam tuệ và ngũ nhãn mà sư Tuệ Tư đưa ra rất phù hợp với Đại Trí Độ Luận và những tác phẩm của sư Trí Khải, trong khi đó, những khác biệt thì thấy trong An Lạc Hạnh Nghĩa [hẳn là xuất phát từ một cái nhìn cũng khác biệt]. Ngoài ra, đọc những giải thích của sư Trí Khải và Quán Đảnh trong Pháp Hoa Văn Cú T34. 48c22-24, trong đó, ba tam muội của kinh Pháp Hoa đồng với tam đế (hoặc tam quán); với tam nhãn thì Tuệ nhãn song hành với Không; Pháp nhãn song hành với Giả; và Phật nhãn song hành với Trung Đạo của Thiên Thai Tông.

[91] Sư Trí Khải nói trong Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi: “Với phương tiện của nhân duyên hành giả có thể tương nhập vào tam muội, và qua lực của tam muội sẽ thấy được thân tướng Bồ tát Phổ Hiền và mười phương chư Phật, sẽ đặt tay trên đầu hành giả mà thuyết pháp. Tất cả pháp môn sẽ hiển hiện giữa không gian trong nhất niệm, chẳng một, chẳng khác, không chướng ngại. Ví như ngọc Như Ý, chứa đựng muôn bảo châu vô giá… Với hành giả là người đã thuần thục pháp quán tâm như hư không, nhận rõ các pháp môn và thâm nhập không ngăn ngại, với cái tâm vô cùng thanh tịnh kia cũng giống như vậy.” Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi, T no. 1941, 46.954b6-11. Ngoài ra, đọc chương 5 “Lược Minh Tu Chứng Tướng Đệ Ngũ” , trong Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi, sư Trí Khải đưa ra ba tam muội nói trong các phần về Bồ tát Phổ Hiền, Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Đa Bảo, và chư Phật khắp mười phương, qua đó, hành giả sẽ nhận ra sáu căn thanh tịnh, hiện sắc thân trong các cõi, khai mở Phật tuệ, nhập Bồ tát vị (入菩薩位). Ibid., T 46.955a 29-b4), passim.

Khi sư Trí Giả vừa đến núi Đại Tô, được kể lại là sư Tuệ Tư “đưa sư Trí Giả đến lễ bái nơi thờ Bồ tát Phổ Hiền, sau đó thuyết cho sư nghe về Tứ An Lạc Hạnh”. Tu tập theo hạnh này sư Trí Khải chứng ngộ, trở thành nền tảng xướng lập nên Thiên Thai tông sau này. Như sư Quán Đảnh nói: “Ngày cũng như đêm tôn sư [Trí Khải] khép mình vào giới luật như được giảng dạy. Dường như tôn sư thấy như chỉ còn chính mình [đối diện] pháp [Phật] một cách mãnh liệt; có những lúc khó tìm được gì để làm hương dâng lên cúng dường chư Phật; tôn sư đốn cây chiên đàn làm hương, và khi không còn gỗ chiên đàn, tôn sư lại đốn lấy cành cây hạt dẽ… Trong mười bốn ngày nhập thất, khi tôn sư tụng đến phẩm Dược Vương Bồ tát, kinh Pháp Hoa, : ‘Các Đức Phật ở đó đồng thời khen ngợi rằng: Hy hữu thay, thiện nam tử!. Đó là chân thực tinh tiến, gọi là chân pháp cúng dường Như Lai’. Khi tụng đến dòng kinh này, cả thân tâm tôn sư hốt nhiên vắng bặt yên tịnh, nhập tam muội. Trì [tam muội] (持) là kết quả của Tĩnh [tam muội] (靜).

Sự thông đạt [diệu nghĩa] Pháp Hoa của tôn sư tỏa ngời ví như ánh sáng của ngọn hải đăng chiếu soi thung lũng tối, trong khi sự thâm nhập vào thực tướng muôn pháp thì như gió lộng giữa không trung.” Đọc Quán Đảnh, Tùy Thiên Thai Trí Giả Đại Sư Biệt Truyện, T no. 2050, 50.191c23-192a1.

[92] Kinh Quán Phổ Hiền Bồ tát Hành Pháp, nói: “Chuyên tâm tu tập, tâm theo tâm, không rời Đại thừa. Đến ngày thứ 21, [hành giả] sẽ thấy được Bồ tát Phổ Hiền. Nếu nghiệp chướng nặng nề thì sẽ thấy được sau 49 ngày. Nếu nghiệp chướng nặng hơn nữa, sẽ được thấy trong kiếp này. Nếu nghiệp chướng nặng hơn nữa, sẽ thấy trong hai kiếp. Nếu nghiệp chướng nặng hơn nữa, sẽ thấy trong ba kiếp. Nghiệp báo hàng hàng như vậy, không giống như nhau.”

[93] Thức ăn, quần áo, chăn mền, thuốc men.

[94] Tứ như ý túc (如意足) [1] dục như ý túc, [2] tinh tiến như ý túc [3] tâm như ý túc, [4] tư duy như ý túc. Mỗi mỗi đều dùng như [phương tiện] vào sâu tam muội và phát huy trí tuệ. Đọc Trí Khải, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, T46.681c29-682a 13.

[95] Như một lối dịch thuật ngữ ksanti là nhẫn (忍), rõ ràng trong cái hiểu của sư Tuệ Tư về tam nhẫn. “Nghĩa thứ nhất, khi tu tập thánh đạo, hành giả biết rằng tất cả các pháp rốt ráo không tịch, chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng đoạn, chẳng thường… Nghĩa thứ hai, các vị Bồ tát dùng pháp nhẫn trang nghiêm thân và giáo hóa chúng sinh… Nghĩa thứ ba, Bồ tát ma ha tát dùng trí tuệ không vướng mắc quán sát chúng sinh, dùng phương tiện thiện xảo điều phục họ.” An Lạc Hạnh Nghĩa, 702a 9-20.

Bắt đầu với chúng hội Bồ tát trong Đại Bát Nhã, là bậc đã chứng được “đẳng nhẫn” (等忍), Đại Trí Độ Luận nói trong quyển thứ sáu: “Có hai loại nhẫn là chúng sinh nhẫn và pháp nhẫn” Đại Trí Độ Luận, T no. 1509, 25.97a 25-26. Nghĩa này được dung với một tên khác là “chúng sinh đẳng nhẫn” (衆生等忍), và “pháp đẳng nhẫn” (法等忍). Những dòng tiếp theo sau, Đại Trí Độ Luận lập lại kinh văn diễn tả chư Bồ tát trong chúng hội là đã “thành tựu đại nhẫn” (成就大忍), rút ra từ “sinh nhẫn” và “pháp nhẫn”. Trong những phần trước, sinh nhẫn còn gọi là “chúng sinh trung nhẫn” (衆生中忍), tương đương với “chúng sinh đẳng nhẫn” hoặc đẳng nhẫn. Đọc Đại Trí Độ Luận, 106c24-107a 2. Như vậy, trong quyển sáu chúng ta thấy tên và tất cả ba loại nhẫn của sư Tuệ Tư, đó là, “chúng sinh nhẫn” hoặc “sinh nhẫn”; “pháp nhẫn”; và “đại nhẫn”, với hai nhẫn đầu tiên thì để chung lại thành một nhóm riêng rẽ. Đọc Lamotte, Traité, pp. 325-327, 394-397.

Như đã nói về “sinh nhẫn” và “pháp nhẫn”, phẩm tính của “đại nhẫn’ thì khác với hai nhẫn kia. Đại Trí Độ Luận nói: “[Đẳng nhẫn và pháp nhẫn tăng trưởng thì gọi là đại nhẫn]. Ở trong chúng sinh tất cả hay nhẫn, như nhẫn thuận theo sự vật (pháp), nhẫn trong pháp sâu thẳm; ở hai nhẫn thêm lớn sự chứng đắc. Được vô sinh nhẫn, tối hậu nhục thân thì thấy mười phương chư Phật hóa hiện ngồi trong hư không. Ấy gọi là thành tựu đại nhẫn.” Đại Trí Độ Luận, T 25.106c16-21). Chúng sinh nhẫn hoặc sinh nhẫn, và pháp nhẫn đi đôi thành một một cặp, trong nhẫn nhục ba la mật (ksanti-paramita), được nói đến trong Đại Trí Độ Luận, quyển 14 và 15 (T 25. 164b-172a). Lamotte, Traité II, pp.865-926. Mặc dù “vô sinh pháp nhẫn” được đề cập đến trong những chương sau đó, nhưng vẫn không thấy nói đến những yếu tồ nào tạo nên “đại nhẫn” hoặc tính kể như là pháp nhẫn thứ ba.

Qua Đại Trí Độ Luận, quyển thứ 14, nói về “sinh nhẫn” hoặc “chúng sinh nhẫn” mang tính chất thuộc xã hội như sau: “Bồ tát hành sinh nhẫn được vô lượng phúc đức; hành pháp nhẫn được vô lượng trí tuệ.”  Chúng ta lại thấy: “Chúng sinh hướng về Bồ tát có hai cách, hoặc là cung kính cúng dường, hoặc là giận dữ, chưỡi mắng, đánh đập, làm hại. Lúc ấy tâm Bồ tát ở trong nhẫn, không mến thích sự cúng dường, cũng không giận dữ, làm hại chúng sinh; đó là sinh nhẫn.” (T 25. 168b19-22). Đại Trí Độ Luận, quyển thứ sáu, nói thêm rằng: “ Quán chúng sinh không có trước; nếu có trước thì không có nhân duyên, nếu có nhân duyên thì không có trước; nếu không có trước thì cũng không có sau. Vì sao?. Vì trước sau đối đãi nhau. Nếu không có trước sau thĩ giữa cũng không. Xét như thế thì không rơi vào thường, đoạn hai bên. Dùng cách an ổn quán chúng sinh, không sinh tà kiến gọi là sinh nhẫn. Trong pháp thậm thâm, tâm không ngăn ngại gọi là pháp nhẫn. (T25. 106c24-107a2).

“Pháp nhẫn” được định nghĩa như sau: “nhẫn pháp cúng kính cúng dường và pháp sân não, dâm dục là pháp nhẫn.” Đại Trí Độ Luận, T 25.168b7-8). , và “tâm không chấp trước gọi là pháp thậm thâm” (T25. 107a 2). “Tính các pháp thường Không. Tâm cũng không chấp Không. Như thế pháp hay nhẫn. Là sơ tướng Phật đạo”.

[96] Sư Tuệ Tư nói trongTùy Tự Ý Tam Muội: “Khi Bồ tát đi, niệm chẳng sinh khởi trong tâm, tâm cũng chẳng chuyển biến. Không có nơi nào trụ, giữa lòng vạn pháp và mười tám giới, tâm chẳng động”. Đọc Tùy Tự Ý Tam Muội, XZJ, 98.344d4-6. Và “Khi Bồ tát ngồi, biết rằng tất cả pháp, ấm, giới, nhập tuyệt nhiên không lay động”. (347c17-18). Ngoài ra, nên so sánh những diễn tả chi tiết các pháp quán về lục căn, lục trần, lục thức trong “Miên Uy Nghi Ngọa Đệ Tứ Phẩm” (348b15-349a 9), với những đoạn văn trong An Lạc Hạnh Nghĩa (T46. 346c12-347a 9).

[97] Cf. ghi chú # 447.

[98] Đọc Ương Quật Ma La Kinh, T2.531c21-532a 18, như sư Tuệ Tư trưng dẫn, An Lạc Hạnh Nghĩa, T46.699c10-27. Ở đây sư dùng tựa đề kinh như thường thấy (Kinh Ương quật ma La).

[99] Đại Bát Niết Bàn Kinh, T no. 375, 12.648b-653c.

[100]Về “thọ niệm trước” (受念著), đọc Trí Khải, Maha Chỉ Quán, T 46. 16c3-4; và Trạm Nhiên, Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, T 46.200c6-8.

[101] Luận về “đối trị tất đàn” (對治悉檀) là pháp thứ ba trong “tứ tất đàn” (四悉檀), Đại Trí Độ Luận đưa ra ba pháp quán là bất tịnh quán (不淨觀), từ bi quán (慈悲觀), và nhân duyên quán (因緣觀) như những pháp đối trị tham, sân, và si. Đọc Đại Trí Độ Luận, T25.60a15-b15; Lamotte, Traité I, pp. 34-36. Pháp thiền quán vật ô uế cũng như quán hơi thở (anapana) được trình bày tương tự trong Đại Trí Độ Luận chỉ như pháp tu tập đối trị cho hàng sơ cơ, mới vào đạo, được gọi là Amrtadvaya. Đọc Đại Trí Độ Luận, T25.218a 11-13. Như pháp đối trị tham dục, pháp quán bất tịnh và từ bi dung để diệt hai trong năm chướng, nhập sơ thiền. Năm chướng (nīvaraṇa) là năm triền cái, ngũ chướng làm tâm thức trì trệ, không đạt được định (samādhi). Ðó là: 1. Tham 2. Sân hận, 3. mệt nhọc 4. Hối tiếc khó chịu,  5. Nghi ngờ. Đọc Đại Trí Độ Luận, T25.183c21-185a 19.. Và Tịnh Ảnh Huệ Viễn, Đại thừa nghĩa chương, T no. 1851, 44.570a3-571c14.

Hai pháp môn căn bản đã đề cập đến ở trên trong Đại Trí Độ Luận, A tỳ đạt ma luận, Đại tỳ bà sa luận, T no. 1545, 27.384b16-17 và 662c8-9; A-tì-đạt-ma câu-xá luận (Abhidharmakośa);T1558, 29.117b6-118c5; Tạp A tỳ đàm tâm luận T28.871c13 trình bày các pháp quán bất tịnh vật, quán hơi thở (數息觀) như các phương pháp thực hành căn bản gọi là mới vào cửa (入修). Tạp a tì đàm tâm luận (雜阿毗曇心論), còn gọi là Tạp a tì đàm kinh, thêm vào ba pháp quán bất tịnh, quán sổ tức, và mười tám giới gọi là “tam độ môn” (三度門), pháp tĩnh tâm đối với giới (界 dhatu) để đối trị tà kiến, ngu si. Tạp a tì đàm tâm luận, T no. 1552, 28.908b1-3. Trong những phần riêng rẽ, những luận này cũng trình bày pháp quán về từ bi, dùng để đối trị sân hận. (T no. 1552, 28.925c19-926a9). Phiên bản “Bồ Tát Địa” của sư Dharmakṣema (Đàm Vô Sấm 曇無讖) bố trí các pháp nói trên vào một “độ môn” (度門) gồm có các pháp quán: bất tịnh, từ bi, mười hai nhân duyên, mười tám giới và pháp quán hơi thở. Đọc Bồ Tát Địa Trì (菩薩地持), T no. 1581, 30.905b21-24, 921b1-5.

Trong khuynh hướng phát triển khác, những kinh luận về thiền được người Trung Hoa biết đến vào khoảng đầu thế kỷ thứ năm đưa năm pháp quán vào chung gọi là “ngũ môn thiền” (五門禪), gồm có: quán bất tịnh, từ bi, nhân duyên, sổ tức, và niệm Phật, thay thế cho pháp quán về giới liệt kê ở trên.

Đối với sự thay đổi trong pháp quán thứ năm như đã nói trên, sư Trí Khải tổng hợp hai pháp “ngũ độ” (五度) và “ngũ môn” (五門) vào một hệ thống gọi là “ngũ đình tâm” (五停心). Đọc Trí Khải, Thích Thiền Ba La Mật Thứ Đệ Pháp Môn, T 1916, 46. 494a 24-b13, và 502a 15-503c28; Tứ Giáo Nghĩa, T no. 1929. 46.732c6-7, 533b11-c17, 734b20, 744b7; Maha Chỉ Quán, T no. 1911, 46.71c24. Ngoài ra, đọc Tịnh Ảnh Huệ Viễn, Đại thừa nghĩa chương, T 1851, 46.697c7-699b6. Để phù hợp với những tài liệu trước, sư Trí Khải và sư Huệ Viễn nhấn mạnh trên các pháp quán này như các phương pháp đối trị ngũ chướng để làm căn bản vào đạo. Theo sau các A tỳ đạt ma luận như Tạp A tì đàm tâm luận, Tứ niệm xứ phẩm trong Đại Trí Độ Luận, hợp với hai pháp quán sổ tức và bất tịnh – hai pháp nhập môn – trực tiếp vào thân niệm xứ. Đọc Đại Trí Độ Luận, T25.404a 28-405b7, đặc biệt 404b5-18. Chính sư Tuệ Tư cũng đưa la phần luận về tứ niệm xứ trong quyển thứ hai, tác phẩm Vô Tránh Tam Muội, nội dung điểm này rất gần với Đại Trí Độ Luận. Đọc Chư Pháp Vô Tránh Tam Muội Pháp Môn, T no. 1923, 46.633b11-c18.

[102] Phẩm “Tứ Niệm Xứ” (四念處) trong Đại Trí Độ Luận đặc biệt luận về sự phát huy tứ niệm xứ vào sự chứng đắc tứ như ý túc (神足通), ngũ căn (五根), ngũ lực (五力), và 37 phẩm trợ đạo (三十七道). Đọc Đại Trí Độ Luận, T 25.405c16-23. Những chỗ khác trong Đại Trí Độ Luận, chúng ta thấy: “Thân niệm xứ mở ra (開) ba niệm kia. Tứ niệm mở rộng trong 37 phẩm. Đọc Đại Trí Độ Luận, T25.218b15. Sư Tuệ Tư nhấn mạnh cùng một điểm trong phần luận về Tứ Niệm Xứ trong Vô Tránh Tam Muội (quyển hạ), sư kết luận: “Ba mươi bảy đạo cũng nằm trong đó.” Đọc Vô Tránh Tam Muội, T46.633c17, 636b6, 637b5-6, 640c20-21.

[103] Đọc cập (及) là nãi (乃).

[104] Nghĩa đen: “người đứng giữa [yêu và ghét]”.

[105] Ma phiền não là ma thứ nhất trong bốn loài ma. (1) phiền não (2) ấm giới nhập (3) tử ma (4) thiên ma, tức loài ma trú ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, là tầng trời thứ sáu trong cõi Dục. Đọc Đại Trí Độ Luận, T 25. 99b12-15, 458c4-8, 503c21-504a 2, 533c21-534a 13; và Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.39a 11-12.

[106] “Bất động tam muội” là tam muội thứ 40 trong số 108 tam muội liệt kê trong Đại Bát Nhã và  Đại Trí Độ Luận. Đọc Đại Trí Độ Luận, T 25.396c9, 397c1-2; và Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, T 46.691c7-692a17. Đây cũng là đề tài được thuyết trong kinh Hoa Nghiêm, quyển 60, phiên bản của sư Phật-đà-bạt-đà-la (Buddhabhadra). Đọc Hoa Nghiêm kinh, T 9. 628c24-629b9; và T 9. 655b3-11. Ngoài ra, với những đoạn văn đã đề cập ở trên từ An Lạc Hạnh Nghĩa, sư Tuệ Tư nhắc đến “bất động tam muội” bốn lần trong tác phẩm Tùy Tự Ý Tam Muội. Những thần lực mà sư nói đến trong tam muội này gần giống như trong kinh Hoa Nghiêm. Đọc Tùy Tự Ý Tam Muội, XZJ 98. 346c3-5, 347b10-12, 353d10-11.

[107] Loài ma thứ tư trú ở cõi Tha Hóa Tự Tại, là loài ma phá hoại công đức xuất thế gian.

[108] Tiền đề “giải thoát” (701a 29) thì không rõ ràng lắm khi thuật ngữ này không thấy xuất hiện trong những đoạn văn trước đó. Có thể chỉ cho giải thoát [sự quấy rối] của tứ ma. Tuy nhiên, cũng có thể là từ “bát giải thoát” (八解脫) trong các thứ đệ tu tập, gọi là “bát bối xả”. Theo Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn của sư Trí Khải (676c22-677b15) là pháp thiền siêu thế gian, thoát khỏi vòng trói buộc của sắc tướng, đến được trí vô lậu. Sư giải thích: “Buông bỏ tâm chấp trước, gọi đó là buông xả, đạt đến trí tuệ vô lậu chân thực, dứt chỗ kết nghiệp trong ba cõi, gọi đó là giải thoát. (xả thị trứ tâm, cố danh bối xả, nhược phát chân vô lậu tuệ, đoạn tam giới kết nghiệp tận, tức danh giải thoát dã 捨是著心, 故名背捨, 若發真無漏慧, 斷三界結業盡, 即名解脫也). (T 46.677a6-7). Đại Trí Độ Luận, T25,215a 7-12. Sư Tuệ Tư cũng nói đến những thứ bậc thiền tuệ khác nhau trong bát bối xả vả bát giải thoát trong Vô Tránh Tam Muội. Đọc Vô Tránh Tam Muội, T 46. 632b3-9.

[109] Trong Vô Tránh Tam Muội, sư Tuệ Tư nói: “Lấy thiền trí phương tiện bát nhã làm mẹ, và phương tiện thiện xảo làm cha, trí  tuệ bát nhã vô trước này hòa hợp mà sinh ra dòng giống Phật”. (thiền trí phương tiện bát nhã mẫu xảo tuệ phương tiện dĩ vi phụ thiền trí bát nhã vô trứ tuệ hòa hợp cộng sanh Như Lai tử 禪 智 方 便 般 若 母 巧慧 方 便 以 為 父 禪 智 般 若 無 著 慧 和合 共 生 如 來 子). Đọc Vô Tránh Tam Muội, T46.630b3-4. Cùng bản văn, sư Tuệ Tư nói: “Mười hai nhân duyên và bốn trí. Hạ trí là trí Thanh văn, trung trí là trí Duyên giác, thiện xảo trí là trí Bồ tát, trí đốn giác vô thượng là trí tuệ Phật. (thập nhị nhân duyên tứ chủng trí, hạ trí Thanh văn, trung Duyên giác, xảo tuệ thượng trí danh Bồ tát, Như Lai đốn giác thượng thượng trí 十二 因 緣 四 種 智下智 聲 聞 中 緣 覺 巧 慧 上 智 名 菩 薩 如 來 頓 覺 上 上 智). (628c8-9). Xem ghi chú # 498.

[110] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, T no. 262, 9.10a19.

[111] Đọc giải thích của sư Tuệ Tư về “nhu hòa” trong An L ạc Hạnh Nghĩa (702b16-20): “Để được nhu, hòa, và khéo thuận, trước hết hành giả điều phục tâm của mình, sau đó thuần phục người. “Nhu” có nghĩa là phát huy sáu hình thức hòa kính (和敬), quán sát giới, tu tập thiền định và trí tuệ, đắc giải thoát. Thêm vào đó, hòa giải sân hận của chúng sinh, nhẫn nhục, trì giới cấm có cùng tướng Niết bàn. Lục hòa kính gồm có: tâm hòa, thân hòa, khẩu hòa, giới hòa, lợi hòa, và tướng hòa. Thiện thuận có nghĩa là khéo biết căn tánh (根性) của chúng sinh mà tùy thuận điều phục (隨順調伏). Đây gọi là đồng sự (同事). Gồm thu sáu tướng thần thông (六種神通) . “Nhu hòa” chỉ cho pháp nhẫn. “Thiện thuận” chỉ cho đại nhẫn. “Bất thốt bạo” có nghĩa là khi tu tập pháp Phật, hành giả không vụt chạt tuyên bố rằng mình đã chứng ngộ, ra vẻ uy nghi. Thuần phục chúng sinh cũng như vậy”.

[112] Đọc ghi chú #492 ở trên.

[113] Chúng tôi đã dựa vào câu “cũng chẳng vin theo, chẳng phân biệt” qua sự giải thích sư Tuệ Tư đưa ra (T no. 1926. 46.702c2-6) dưới đây, khi sư nói: “Chẳng vin theo, chẳng phân biệt” có nghĩa rằng Sinh tử, Niết bàn không như, không khác. Phàm phu và Phật không riêng hai pháp giới (法界). Vì vậy nên không thể phân biệt (分別). Hơn nữa, vì hành giả không nhận thấy đây không phải là hai, nên nói rằng người ấy không [thể] chẳng phân biệt. Vì tướng vô phân biệt chính đó bất khả đắc, Bồ tát trụ trong vô danh tam muội.” Theo Franklin Edgerton và Nakamura Zuiryu, đoạn Phạn văn trong kinh Pháp Hoa; “ya khalv esu dharmesv avicarana ‘vikalpana’ nên đọc như là hai tĩnh từ hoặc động từ hơn là dưới thể phủ định. Mặc dù các nhà chú giải Trung Hoa chắc chắn biết rõ cách đọc theo cách thức của sư Tuệ Tư, các sư Pháp Vân, Cát Tạng phân tích cú pháp Hoa văn như Phạn văn, viết thành những câu song song; “không làm, không phân biệt” theo như Edgerson và Nakamura. Đọc Pháp Vân, Pháp Hoa Nghĩa Ký, T 1715, 33.663b25-27; Cát Tạng, Pháp Hoa Nghĩa Sớ, T no. 1721, 34.595b14-17 và 595b26-c1; Ji, Pháp Hoa Kinh Huyền Tán, T no. 1723, 34.820b5-27. Bản văn do các sư Trí Khải và Quán Đảnh đưa ra, mặt khác, đi theo khuynh hướng của sư Tuệ Tư: “Không hành động theo cảnh [bên ngoài]’ tức là không vướng vào sắc tướng. ‘Cũng không hành động với không phân biệt’ nghĩa là không vướng vào vô tướng. Khi cả hai có và không đều diệt, người ấy sẽ đi vào trung đạo”. Pháp Hoa Văn Cú, T no. 1718, 34.120a 21-23. Cũng lưu ý rằngEdgerson và nakamura đưa ra ý nghĩa của “avicarana’vikalpana” hoàn toàn khác với phiên bản của sư Cưu Ma La Thập “diệc bất hành bất phân biệt”, dịch là “không nghi ngờ và không tà kiến” thay vì “không hành động và không phân biệt”. Đọc Kanno, Huisi’s Perspective on the Lotus Sutra as Seen through the Meaning of the Course of Ease and bliss”, p. 196, ghi chú # 398.

[114] Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, phẩm an Lạc Hạnh, T no. 262, 9.37a 11-19.

[115] Kinh Đại Bát Niết Bàn, T no. 12.676a 23-b6 (phẩm Thánh Hạnh): “[Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát]: Này thiện nam tử! Nếu Bồ tát biết rằng do nhân duyên phá giới thời có thể làm cho người ưa thích thọ trì kinh điển Đại thừa, lại có thể làm cho người đọc tụng thông thuộc, biên chép quyển kinh, giảng thuyết rộng ra, chẳng thối chuyển nơi vô thượng chánh giác. Vì cớ như vậy nên đặng phá giới. Lúc đó Bồ tát nên nghĩ rằng ta thà chịu tội đọa nơi ngục A tỳ một kiết hoặc dưới một kiếp, cần phải làm cho người như vậy chẳng thối chuyển nơi vô thượng chánh giác. Do nhân duyên này Bồ tát đặng phá tịnh giới.”. Ngài Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, nếu có Bồ tát nhiếp thủ, thọ trì như vậy, làm cho người chẳng thối chuyển tâm Bồ đề, quyết không vì duyên cới phá giới ấy mà bị đọa A tỳ.” Phật khen ngài Văn Thù Sư Lợi: “Lành thay!. Đúng như lời ông nói. Ta nhớ thuở xưa, nơi Diêm Phù Đề này, ta làm đại quốc vương tên là Tiên Dư. Nhà vua mến ưa, kính trọng kinh điển Đại thừa, tâm vua thuần thiện, không có tật ác, tật đố, xan lẫn, miệng vua thường nói lời dịu dàng, lời lành, than vua thường nhiếp hộ kẻ nghèo cùng, cô độc, tinh tấn bố thí không dừng nghỉ. Thuở đó không có Phật ra đời, cũng không có Thanh văn, Duyên giác. Nhà vua ưa thích kinh điển Đại thừa Phương đẳng, trong mười hai năm phụng thờ Bà La Môn, cung cấp những đồ cần dùng. Qua mười hai năm, vua bảo Ba la Môn: ‘Các người nay phải phát tâm vô thượng Bồ đề’. Người Bà La Môn đáp: ‘Tâu Đại vương, tánh Bồ đề là không chỗ có, kinh điển Đại thừa cũng như vậy. Sao Đại vương lại muốn cho người và vật đồng như hư không?.’ Nhà vua lúc đó tâm tôn trọng Đại thừa, nghe Bà La Môn hủy báng Phương đẳng Đại thừa, bèn giết Ba La Môn. Này thiện nam tử!. Do nhân duyên ấy mà từ đó trở đi, ta chẳng  bị đọa địa ngục.”

[116] Kinh Đại Bát Niết Bàn, T no. 375, 12.623c10-624a9. Trong phẩm Kim Cang Thân, Ngài Ca Diếp bạch Phật:”Pháp thân của Như Lai Kim Cang bất hoại mà nay con chưa rõ nhân duyên như thế nào”. Phật dạy: “Này Ca Diếp, vì nhân duyên thường hộ trì chánh pháp nên thành tựu thân kim cang này. Do vì ngày trước Như Lai hộ pháp nên nay được thân kim cang bất hoại này. Này Ca Diếp! Người hộ trì chánh pháp chẳng thọ năm giới, chẳng tu oai nghi. Phải cầm binh khí hộ trì tỳ khiêu giữ giới thanh tịnh.”

[117] Vô Tránh Tam Muội (T no. 1923, 46.628c5-11) nói tương tự: “”Bát nhã trong tam thừa đồng nhất, nhưng sự chứng ngộ có sai biệt. Ví như nước trong đại dương không tăng giảm, có lớn có nhỏ vì chỗ dung chứa khác nhau. Trí tuệ của Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Như Lai cũng như vậy. Mười hai nhân duyên, và bốn trí. Hạ trí là trí Thanh văn. Trung trí là trí Duyên giác. Phương tiện thiện xảo là trí Bồ tát. Đốn giác vô thượng là trí Như Lai. Dùng pháp không tên mà giáo hóa chúng sinh với những phương tiện giả lập nên tên gọi sai biệt. Trí tuệ của hàng tam thừa không biết được. Chỉ Phật Thế Tôn biết đó thôi.”

 

[118] Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Nghĩa (702b21), sư Tuệ Tư nói: “Đây gọi là đồng sự (同事). Gồm thu sáu tướng thần thông (六種神通)”. Đồng sự nhiếp (同事攝) Phạm: Samànàrthatà-saôgraha. Cũng gọi Đồng sự nhiếp sự, Đồng sự tùy thuận phương tiện, Tùy chuyển phương tiện. Bồ tát tùy theo cơ duyên của chúng sinh mà thị hiện, hòa quang đồng trần, cộng sự với tất cả chúng sinh để làm lợi ích cho họ, nhờ thế Bồ tát gần gũi chúng sinh, chúng sinh cũng nhân đó tin nhận lời dạy của Bồ tát mà được vào cảnh giới Niết bàn. Đây là một trong Tứ Nhiếp Pháp. Đọc Trí Khải, Maha Chỉ Quán, T8.396b17-20; Đại Trí Độ Luận T 25.682b14-16; Trí Khải, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, T46.692b23-24.

[119] Bát vạn tế hạnh (八萬細行) Tám muôn hạnh nhỏ nhiệm. Những hành vi của một vị tỉ khưu hành sử hằng ngày cần phải chú ý, được phối hợp thành con số 84.000. Tức là: bốn uy nghi đi, đứng, ngồi, nằm đều có hai trăm năm mươi giới, tính là một nghìn (4×250=1000). Nếu thu vào ba tụ tịnh giới, thì thành ba nghìn (1000×3=3000). Lại phối với bảy chi giết hại, trộm cướp, gian dâm, nói hai lưỡi, nói độc ác, nói dối, nói thêu dệt, thì thành hai vạn một nghìn (3000×7=21.000). Lại phối hợp với bốn phiền não tham, sân, si, đẳng phần (đủ cả tham sân si), thì thành tám vạn bốn nghìn (21.000×4=84.000). Nếu chỉ lấy số chẵn thôi, thì gọi Bát vạn (80.000) tế hạnh. Tịnh tâm giới quán pháp nói về sự khác biệt giữa giới Đại thừa và giới Tiểu thừa, bảo giới Bồ tát có tám vạn uy nghi, giới Thanh văn có ba nghìn uy nghi. [X.Thủ Lăng Nghiêm Kinh Văn Cú Q.5]. (xt. Tam Thiên Uy Nghi Bát Vạn Tế Hạnh). (Tự Điển Phật Quang). Đọc Trừng Quán, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Sớ (大方廣佛華嚴經疏) T no. 1735, 35.934a9; Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Sớ Diễn Nghĩa Sao, T no. 1735, 36.485c27.

[120] Phẩm Tứ Niệm Xứ (四念處) trong Đại Trí Độ Luận và phẩm Thập Địa (十地) trong kinh Hoa Nghiêm có những câu chuyện chư Bồ tát thấy được chư Phật khắp mười phương tương tự như sư Tuệ Tư nói. Cả hai bản văn đều nói đến đệ bát địa tức bất động địa (不動地acala-bhumi). Cũng lưu ý rằng sư Tuệ Tư đặc biệt trưng dẫn kinh Hoa Nghiêm khi luận về đệ bát địa trong tác phẩm Tứ Thập Nhị Tự Môn.

Đại Trí Độ Luận nói: “Nếu Bồ tát tu 37 phẩm, vì sao không vào Niết bàn?. Đáp: “Vì nguyện vững chắc, vì lòng từ bi sâu dày, vì biết rõ thực tướng của tất cả các pháp, và vì chư Phật khắp mười phương hộ trì, như kinh nói. Khi Bồ tát đắc đến địa thứ bảy, ngoài thì thấy vạn pháp là Không, trong thì quán vô ngã. Ví như người trên một chiếc bè đang qua sông. Đến giữa dòng, người ấy nghĩ: ‘Ta thực phí công phí sức chẳng được gi. Không có sông mà cũng chẳng có bè. Tại sao ta lại muốn vượt sang?. ‘. Bồ tát, ở đây, cảm thấy hối tiếc và chán ghét, tự nghĩ: ‘Tại sao tôi lại muốn cứu giúp chúng sinh? Tại sao tôi muốn trừ diệt phiền não cho chúng sinh? Đã đến lúc họ tự diệt trừ ý tưởng điên đảo của họ’. Lúc đó, chư Phật khắp mười phương đưa cánh tay ra, đặt trên đầu Bồ tát mà nói lời rằng: “Này thiện nam tử! ông không nên sinh tâm hối tiếc, và cố gắng giữ trong tâm lời nguyện xưa. Mặc dù vào lúc này ông biết được [tánh Không của các pháp], nhưng chúng sinh thì chưa chứng ngộ được như vậy. Ông hãy cố gắng dùng giáo pháp Không này mà điều phục chúng sinh. Pháp con chứng được chỉ là một cửa vào. Vô lượng thân của chư Phật, vô lượng thanh âm của chư Phật, vô số pháp môn của chư Phật, nhất thiết trí… ông chưa hề chứng đắc được dù chỉ một trong những điều này. Vì quán tất cà là Không nên ông vướng vào [loại] Niết bàn này… Ông chưa đầy đủ lục độ ba la mật và mười tám pháp bất cộng [của chư Phật]. Ông nên chứng đắc những pháp này và ngồi trên tòa giải thoát, như chư Phật.” Đại Trí Độ Luận, T 25.405c23-b9.

Phẩm Thập Địa, kinh Hoa Nghiêm, nói: “Bồ tát trụ bất động địa cũng như vậy, tất cả tâm ý thức hành đều chẳng hiện tiền. Đại Bồ tát này còn chẳng hiện khởi tâm Bồ tát, tâm Phật, tâm Bồ đề, tâm Niết bàn huống là còn khởi tâm thế gian. Chư Phật tử, Bồ tát này do sức bổn nguyện nên chư Phật Thế Tôn đích thân hiện ra trước mặt ban cho Như Lai trí, khiến bậc này vào được trong dòng pháp. Chư Phật bảo: Lành thay! Nầy thiện nam tử! Trí nhẫn này đệ nhất thuận các Phật pháp. Nhưng này thiện nam tử! Thập lực, tứ vô úy, thập bát bất cộng của chư Phật, nay ông chưa được. Ông nên vì muốn thành tựu các pháp ấy mà phát sinh tinh tấn, cũng chớ lìa nhẫn môn này. Lại này, thiện nam tử! Ông dù đã được tịch diệt, giải thoát nhưng hàng phàm phu chưa chứng được, họ còn phải chịu đủ thứ phiền não, bị các thứ giác quán xâm hại nhau. Ông nên thương những chúng sinh đó. Lại nữa, thiện nam tử! Ông phải nhớ lại bổn thệ nguyện làm lợi ích khắp tất cả chúng sinh, khiến họ vào được trí tuệ bất tư nghị. Lại nữa, thiện nam tử! Các pháp, pháp tánh này dù Phật xuất thế hoặc không xuất thế, vẫn thường trụ chẳng khác. Chư Phật chẳng do được pháp này mà gọi là Như Lai. Tất cả hang nhị thừa cũng có thể được pháp vô phân biệt này. Lại này thiện nam tử! Ông xem chư Phật: thân tướng vô lượng, trí tuệ vô lượng, quốc độ vô lượng, phương tiện vô lượng, quang minh vô lượng, âm thanh thanh tịnh cũng vô lượng. Ông phải nên thành tựu những pháp như vậy. Nầy thiện nam tử! Nay ông vừa được một pháp minh này, chính là tất cả pháp vô sinh, vô phân biệt. Này thiện nam tử! Pháp minh của Như Lai vô lượng nhập, vô lượng pháp, vô lượng chuyển, nhẫn đến trăm ngàn ức na-do-tha kiếp chẳng thể biết được Ông phải nên tu hành thành tựu như vậy.

Chư Phật tử! Chư Phật Thế Tôn trao cho Bồ tát này vô lượng môn khởi trí như vậy, khiến Bồ tát này có thể khởi vô lượng vô biên trí nghiệp sai biệt. Chư Phật tử! Nếu chư Phật chẳng ban môn khởi trí này cho Bồ tát, thời Bồ tát này liền nhập cứu cánh Niết bàn, rời bỏ tất cả công hạnh làm lợi ích cho chúng sinh. Do được chư Phật ban cho vô lượng vô biên khởi trí môn như vậy, nên khoảng trong một niệm Bồ tát này phát sinh trí nghiệp, đem công hạnh tu hành từ sơ phát tâm đến bậc Đệ Thất Địa để so sánh thời trăm phần không bằng một, nhẫn đến tram ngàn ức na-do-tha phần không bằng một, vô số phần, ca-la phần, toán phần, số phần, dụ phần, ưu-ba-ni-sa-đà phần cũng chẳng bằng một.” Kinh Hoa Nghiêm, T no. 278. 9.564b28-c29.

Một trong những đặc điểm của vị Bồ tát chứng được địa thứ tám này, như kinh nói: “Bậc Bồ tát này nơi một tam thiên đại thiên thế giới, tùy chúng sinh thân tín giải sai khác, dùng trí quang minh hiện khắp thọ sinh.”

Trong hệ thống Biệt giáo (別教) của sư Trí Khải, mà sư Tuệ Tư gọi là thứ đệ hành (次第行), dành cho Bồ tát có căn cơ thấp kém nên hành tướng của các pháp môn do Biệt giáo nói là tu hành theo thứ lớp: điều này cũng khác với Viên giáo là giáo viên dung tất cả. Chúng sinh do Bồ tát giáo hóa đã là vô lượng, thì pháp môn được các Ngài dùng để giáo hóa cũng là vô lượng, gọi là Vô lượng tứ đế. Trong bốn giáo hóa pháp, Biệt giáo là sự giáo thuộc ngoài ba cõi, cho nên tuy rõ thực tướng Trung đạo, nhưng lí Đãn trung không viên dung tương tức, mà cần phải theo thứ lớp tu ba quán Không Giả Trung, theo thứ lớp chiếu lí ba đế, thứ lớp qua 52 giai vị, thứ lớp phá ba hoặc kiến tư, trần sa và vô minh, để thứ tự được ba trí: Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí. [X. Quán âm huyền nghĩa Q.hạ; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.1 phần dưới, Q.2 phần dưới đến Q.5;Tứ niệm xứ Q.3, Q.4; Tứ giáo nghĩa Q.2, Q.3; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q. hạ; Thiên thai bát giáo đại ý; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng huyết Q.6 phần 4]. (xt. Hóa Pháp Tứ Giáo). (Tự điển Phật Quang)… Đến Viên giáo thì tương tự như pháp môn “phi thứ đệ hành” (非次第行)  dành cho Bồ tát thượng căn, như sư Tuệ Tư đưa ra. Cứ theo phán giáo của tông Thiên thai thì giai vị đoạn hoặc của Tạng giáo, Bát địa trở lên của Thông giáo, Sơ địa trở lên của Biệt giáo đều là Hữu giáo vô nhân. Bởi vì, nếu nói theo quan điểm hành nhân bẩm giáo (người tu hành vâng theo giáo pháp) (Nhân), thì Tạng, Thông, Biệt giáo vừa có giáo pháp vừa có người tu hành hướng tới cực quả, cho nên gọi là Hữu giáo hữu nhân . Nhưng nếu nói theo quan điểm nhân hành quả mãn (nhân thành tựu, quả viên mãn) (Quả), thì chỉ có giáo pháp, chứ thực tế không có người chứng đắc cực quả, cho nên gọi là Hữu giáo vô nhân . Đó là vì căn cơ của Tạng giáo trải qua ba đại A tăng kì kiếp mới trở thành hàng Hậu giáo (Thông giáo, Biệt giáo, Viên giáo), hàng Thông giáo từ Bát địa trở lên đã biết rõ lí Trung đạo, hàng Biệt giáo từ Sơ địa trở lên đồng với giai vị Sơ trụ của Viên giáo; bởi thế, những người tu hành trong 3 giáo nói trên, mặc dầu còn ở trong Nhân nhưng đã được lợi ích tiếp nhập vào trong Hậu giáo, do đó trên thực tế, không có người chứng đắc cực quả của 3 giáo ấy. Tông Thiên thai căn cứ vào đây để nói rõ ý nghĩa Tạng giáo, Thông giáo và Biệt giáo đều là quyền giáo phương tiện. [X. Tứ giáo nghĩa Q.12; Ma ha chỉ quán Q.3 phần dưới; An lạc tập Q. thượng; Duy ma kinh huyền sớ Q.4; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.3 phần 4]. (xt. Quả Đầu Vô Nhân). (Tự Điển Phật Quang).

[121] Chữ âm (音) đọc là lượng (量) trong câu “nhất âm năng tác vô lượng âm”.

[122] Về  “lợi hòa” (利和) đọc Trí Khải, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, T 46.692c25-693b7. Sư Trí Khải dùng thuật ngữ “đồng hành” (同行) cho mục thứ năm thay vì “lợi hòa” như sư Tuệ Tư đưa ra. Tuy nhiên, hai chữ “lợi hòa” của sư Tuệ Tư phù hợp với những xuất xứ khác. Đọc Tịnh Ảnh Huệ Viễn, Đại Thừa Nghĩa Chương, T44.712c25-713a 21.

[123] Đồng sự (同事) là phương tiện thứ tư trong Tứ nhiếp pháp (四攝法), Phật và Bồ tát dùng để phổ độ chúng sinh. Đọc Đại Trí Độ Luận, T 25.682b14-15. Sư Trí Khải trong Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, giải thích: “Dùng pháp nhãn, Bồ tát thấy rõ ràng căn duyên của chúng sinh, nhìn những gì có thể làm cho chúng sinh cùng an vui. Bồ tát dùng các thân tướng khác nhau, giảm bớt ánh sáng trên thân mình, hòa đồng để tương xứng với chúng sinh, khiến chúng sinh nhận được lợi ích, nhân đó mà sinh tâm mến thích [Bồ tát], vào đạo, trụ Niết bàn.”

[124] Tha tâm thông (他心通) là thần thông thứ ba trong lục thông; dùng làm phương tiện hòa đồng để lợi ích cho chúng sinh. Đọc Trí Khải, Pháp Giới Thứ Đệ Sơ Môn, T 46.678c6-8.

[125] Về điểm này, sư Cát Tạng nói “tâm diệc bất kinh” (心亦不驚) trong tác phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Tán: “Khi đối diện với các sự việc như cung kính, thân thiện, đánh mắng, bị tẩy chay, tiếng tăm, tài sản, uy quyền, hủy nhục, xua đuổi … tâm [Bồ tát] đều chẳng kinh.” (T 34.820a 12-14).

[126] Trong tác phẩm Bồ Tát Địa (菩薩地) của sư Vô Trước do sư Đàm Vô Sấm dịch, có hai loại trí tuệ để diệt phiền não chướng (煩惱障) và sở tri chướng (所知障), tức vô ngại trí (無礙智) hoặc nhất thiết trí (一切智) biết rõ như thực sự sai khác của tất cả thế giới, chúng sinh giới, pháp hữu vi, pháp vô vi và nhân quả trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Bồ tát Vô Trước nói: “Không dựa vào phương tiện (不假方便), tâm hành giả biết tất cả các pháp trong khoảnh khắc, thâm nhập hoàn toàn không ngăn ngại. Đây là vô ngại trí.” Đọc Bồ tát Địa Trì Kinh, T no. 1581, 30.901b28-29. Ngoài ra, đọc Tịnh Ảnh Huệ Viễn, Đại thừa nghĩa chương, T 44.763c21-22, luận về năng lực của các loại trí. Khi sư mô tả “vô ngại trí” là “không dùng phương tiện, tâm liền biết các pháp”. Sư Trạm Nhiên dùng thuật ngữ “cửu thứ đệ định” (九次第定) nói về sự kiện hành giả không dùng pháp phương tiện mà có thể xuất nhập tứ thiền và tứ vô sắc định không ngăn ngại. Đọc Đọc Pháp Hoa Huyền Nghĩa Thích Tiêm, T no. 1717.33.875b14.

[127] Cặp 覺等 có nghĩa là bình đẳng, tương đương, xuất hiện rất thường xuyên trong kinh Hoa Nghiêm, và trong các kinh khác thời trước. Tuy nhiên, thường được đưa ra trong thể phủ định, như khi nói về công đức của chư Phật và Bồ tát: “không thể so sánh” (無等). Đọc Kinh Hoa Nghiêm, T no. 278.9.454c16, 455b12, 710c25-29. Và Tịnh Ảnh Huệ Viễn, Đại thừa nghĩa chương, T 44. 815b2, 850a 26, 857a 23.

[128] Kinh Ương Quật Ma La, nói về tánh Như Lai tạng vốn có và thường trụ, nói về phương tiện pháp thân (方便法身): “Thân Như Lai không gân xương. Làm thế nào lại có xá lợi (sarir舎利)?. Như Lai không giữ lại xá lợi, nhưng vì dùng phương tiện thù thắng (勝方便法身). Như Lai bất khả tư nghị, khiến người không tin nhận sẽ hoan hỷ tin nhận. Vì vậy, dùng phương tiện thiện xảo mà lưu lại xá lợi.” Ương Quật Ma La Kinh, T 2.526c17-20. Tác giả những bản kinh Niết Bàn tìm được ở động Đôn Hoàng (BHBZ,B 6615, vol. 100, p. 601b; Beijing, bản 24, được xem là một bản văn của phái Địa Luận phân biệt “phương tiện pháp thân” và “thường trụ pháp thân” (常住法身) của Phật tánh. Sư Đạo Xước (562-645) thuộc Tịnh Độ tông trong những luận của sư Thế Thân về kinh Vô Lượng Thọ, T no. 1819, 40.841b13-14, phân biệt hai loại pháp thân là “pháp tánh sinh thân” và “phương tiện sinh thân”. Anle jing, T no. 1958, vol. 47.7a 11-12.

[129] Đọc Tùy Tự Ý Tam Muội nói về tàng thức, A lại da thức (阿賴耶識), và Như Lai tàng (如來藏). Thuật ngữ “tàng” thường xuất hiện với “sắc tàng” (色藏), bất động tàng (不動藏), pháp thân tàng (法身藏), trung đạo trí tuệ tàng (中道智慧藏), và sắc tâm thần thông tàng (色心神通藏).Đọc Tùy Tự Ý Tam Muội, XZJ 98. 347b16, 351a 16-17, 352d5, 352d17, và 353a 5-11. Và Vô Tránh Tam Muội, T no. 1923, 46.630b14-15. Ý tang không xuất hiện trong các bản văn khác ngoài An Lạc Hạnh Nghĩa, cũng không thấy trong những tác phẩm đương thời. Có thể đây là thuật ngữ do sư sang tạo, giống như sắc tâm thần thông tàng, và những thuật ngữ tương tự Như Lai tàng  đã kể ra ở trên.