QUYỂN VI
 
 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
 
PHẨM TÙY HỶ CÔNG ĐỨC
THỨ MƯỜI TÁM
 
Đại ý phẩm này là do phẩm trước phân biệt về công đức trì kinh, chỉ nghe một phẩm thọ lượng đã được sự thù thắng.
Tuy nhiên chưa nói hết về lợi ích của sự tùy hỷ toàn bộ kinh. Nay lấy một niệm của công đức tùy hỷ so sánh thù thắng hơn tám mươi năm đem bảy thứ báu bố thí cho bốn trăm muôn ức Atăng kỳ thế giới chúng sinh trong sáu đường, và làm cho họ mỗi người đều được phước của bốn thánh quả. Như vậy là để hiển lộ lợi ích cùng cực của pháp thù thắng này, làm cho tâm nguyện của hàng nhị thừa được kiên cố, nên có phẩm này.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Di Lặc Bồ tát” đến câu: “Đắc cơ sở phước” (Lúc bấy giờ ngài Di Lặc … lại đặng bao nhiêu phước).
Đoạn này ngài Di Lặc do nghe công đức trì kinh và thọ lượng của Phật thì đã là như Phật, cho là sự thù thắng cao tột. Nhưng không biết ngẫu nhiên tạm thời tùy hỷ công đức thì như thế nào? Cho nên ngài mới thưa hỏi.

2. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo” đến câu: “Nhữ đương thiện thính” (Khi đó Phật bảo … ông phải lắng nghe).
Đoạn này nói về người sau cùng, chuyển dạy cho nhau nhằm mục đích so sánh công đức với người nghe đầu tiên trong pháp hội.

Trong bốn chúng không luận già trẻ đều là người đích thân tham dự pháp hội. Từ pháp hội mà đi đến các nơi khác hoặc nơi tăng phòng… Nói không chọn nơi chốn, như nói bàn lý thuyết ngoài pháp hội, cha mẹ, thân thích chẳng câu nệ người nào. Đây không phải là hàng thính chúng trong pháp hội, đều là những người thô lậu không có oai nghi nghiêm chỉnh. “Nói tùy sức của diễn thuyết” là nói họ thuyết không hết ý chỉ của kinh. Những người này nghe thuyết, họ chỉ tùy thuận hoan hỷ mà thôi, chứ chẳng phải tinh chuyên trì kinh. Họ lại xoay vần chuyển dạy đến người thứ năm mươi, như thế đối với pháp hội đã xa càng xa thêm. Nay lấy cái công đức được nghe ban đầu trong pháp hội so sánh với người thứ năm mươi. Đây là lấy cái xa so sánh với cái gần để hiển lộ sự lợi ích thù thắng của người nghe pháp lúc ban đầu. Kinh Hoa Nghiêm nói: Năm mươi quả vị thánh đều chú trọng sơ phát tâm, công đức không so sánh được. Ở đây người thứ năm mươi mới nghe đến danh tự phát tâm thôi. (Năm mươi thánh vị: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa).
3. Từ câu: “Nhược tứ bách vạn ức” đến câu: “Cung điện lầu các đẳng” (Nếu bốn trăm muôn ức … những cung điện lầu các).
Đoạn này đem công đức tài thí rộng lớn so sánh với phước đức tùy hỷ.
“Bốn trăm vạn ức Atăng kỳ thế giới” là nói đến thế giới vừa rộng vừa nhiều. “Sáu nẻo, bốn loài chúng sinh” tức là nói hết số chúng sinh không thể tính đếm. Nói tận cùng sự mong cầu của chúng sinh, tùy theo sở thích và cần dùng của họ, mà đem cho họ thì tâm ấy không có giới hạn. Cùng với vàng bạc, thất bảo, lầu các đầy cả diêm phù đề, thì sự rộng lớn của tài thí ấy là vô biên. Đây là nói sự lớn lao của tài thí.
4. Từ câu: “Thị đại thí chủ” đến câu: “Cụ bát giải thoát” (Vị đại thí chủ đó … đủ tám món giải thoát).
Đoạn này lấy pháp thí để so sánh công đức tùy hỷ.
Dùng tài thí rộng lớn qua tám mươi năm tức đã trọn đời, thời gian khá dài. Rồi còn thương xót chúng sinh già suy. Suy nghĩ phương pháp độ cho họ, do vậy thuyết pháp làm cho rất nhiều chúng sinh đều chứng được Tứ quả thánh, thoát khỏi nỗi khổ sinh tử, được sự an lạc thâm sâu của thiền định. Đây là pháp thí vô cùng vậy.
5. Từ câu: “Ư nhữ ý vân hà” đến câu: “Ala hán quả” (Ý ông nghĩ sao? … đặng quả Ala hán).

Đoạn này Đức Thế Tôn nói rõ công đức của hai sự bố thí để so sánh với công đức tùy hỷ.

6. Từ câu: “Phật cáo Di Lặc” đến câu: “Sở bất năng tri” (Phật bảo Di Lặc… không thể biết được).
Đoạn này lấy hai sự bố thí là Tài thí và Pháp thí so sánh với công đức của người thứ năm mươi.
Những ngoại tài thuộc hữu lậu còn tiểu quả thuộc quyền thừa, nên khó mà so sánh với chủng tử Phật tánh. Công đức của một bài kệ tùy hỷ siêu việt hơn phước đức của hai sự bố thí.
7. Từ câu: “A dật đa” đến câu: “Bất khả đắc tỷ” (A dật đa… không có thể sánh đặng).
Đoạn này lấy cái xa so sánh với cái gần, nên không thể so sánh được. Hơn nữa người nghe pháp sau cùng như là người sơ phát tâm, còn người nghe pháp đầu là biểu tượng của địa thượng Bồ tát. Do đích thân tham dự pháp hội nghe thuyết diệu pháp, đi thẳng vào trí tuệ Phật, nên công đức không thể nghĩ bàn và so sánh được.
8. Từ câu: “Hựu A dật đa” đến câu: “Cập thừa thiên cung” (Lại A dật đa! … và đặng ở thiên cung).
Đoạn này nói rõ sinh báo thù thắng của người tùy hỷ.
Ở trước nghe nói về thọ lượng thì được quả báo cùng với Phật không khác nhau. Cho nên đi kinh hành ngồi nằm đều thọ dụng như Phật. Nay sự lợi ích của tùy hỷ là chuyển thân hưởng được quả báo voi ngựa, xe cộ tốt đẹp và được cung điện cõi trời. Do tùy hỷ pháp nhất thừa vi diệu này nên cảm ứng quả báo tốt đẹp như thế.
9. Từ câu: “Nhược phục hữu nhân” đến câu: “Sở toạ chi xứ” (Nếu có người … chỗ ngồi của chuyển luân thánh vương).
Đoạn này nói về quả báo chia chỗ ngồi nghe pháp cho người khác.
Do nghe kinh này lấy pháp không làm tòa. Nay tạm chia chỗ ngồi nên cảm quả báo được chỗ ngồi của chuyển luân thánh vương. Do một niệm nhường nhau, cùng với Pháp không bình đẳng như nhau vậy.
10. Từ câu: “A dật Đa” đến câu: “Cọng sinh nhất xứ” (A dật Đa …. Sinh cùng một chỗ).
Đoạn này nói về quả báo khuyên người khác nghe.
Người được khuyên chỉ nghe trong chốc lát mà người khuyên cảm thọ được quả báo công đức khi chuyển thân được sinh cùng một chỗ với Đà La Ni Bồ tát. Do nhờ diệu pháp nhất tâm này, là “Pháp giới tổng tướng đại pháp môn”, cho nên khuyên người tạm nghe thì tâm đồng pháp giới nên được sống chung với Bồ tát tổng trì.
11. Từ câu: “Lợi căn trí tuệ” đến câu: “Tín thọ giáo hối” (Căn tính lanh lợi … tin nhận lời dạy bảo).
Đoạn này nói về quả báo lục căn của người khuyên.
Lợi căn trí tuệ là ý căn. Nói “Chẳng ngọng câm” là thiện căn. Nói có tiếng mà không thành chỉ thuộc về ám, còn cả tiếng và chữ đều không thì gọi là Á (câm). Nói chữ “Sai” là không bằng. Nói chữ “Khúc” là méo lệch. Nói “Khiên súc” là môi ngắn. Nói “Chẩn” tức là ghẻ lở ở môi. Nói “oa tà” tức méo miệng. Tất cả đều là quả báo của thiện căn. Nói mũi trở xuống là thuộc về tỷ căn. Nói “Biển thê” là mũi dẹp. Nói “Khúc lệ” là mũi cong gãy. Từ sắc mặt trở xuống là nói thân căn. Chữ “Oa khúc” là trán gãy. Nói sinh ra thấy Phật là thuộc về nhãn căn. Nói nghe pháp tin nhận là thuộc về nhĩ căn.
Đoạn này nói khuyên người nghe pháp cảm ứng quả báo sáu căn đầy đủ đoan chính như vậy. Ý muốn nói quả báo của người trì kinh thì lục căn đều thanh tịnh.
12. Từ câu: “A dật Đa” đến câu: “Như thuyết tu hành” (A dật đa … như lời dạy mà tu hành).
Đoạn này dùng cái yếu kém đi làm sáng tỏ cái thù thắng.
Khuyên một người nghe pháp cảm ứng quả báo như vậy, huống gì nhất tâm nghe pháp và tinh chuyên thọ trì! Ở đây nói quả báo lục căn thanh tịnh là có lý do vậy.
13. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Kỳ phước bất khả hạn” (Khi đó Đức Thế Tôn … phước đó chẳng lường được).
Từ câu: “Những người trong pháp hội” trở xuống 4 câu, là nói về một người ban đầu trực tiếp nghe pháp mà tùy hỷ. Câu: “Xoay vần dạy như thế” trở xuống 4 câu, là luân chuyển giáo hóa đến người thứ năm mươi, lấy người sau cùng mà so sánh công đức tùy hỷ với các công đức khác. Câu: “Như có đại thí chủ” trở xuống 4 câu, là nói về tài thí. Câu: “Thấy chúng tướng già suy” trở xuống 16 câu, là nói về pháp thí. “Pháp Niết bàn chân thật” nghĩa là Niết bàn của tiểu thừa. “Đời đều chẳng bền chắc, như bọt bóng ánh nắng” nghĩa là pháp vô thường.
Từ câu: “Người năm mươi rốt sau” trở xuống 4 câu, là so sánh công đức người sau cùng. Từ câu: “Xoay vần nghe như thế” trở xuống 4 câu, là đem công đức người sau cùng so sánh với người ban đầu. Từ câu: “Nếu có khuyên một người” trở xuống 20 câu, là nói quả báo của luân chuyển giáo hóa. Từ câu: “Nếu cố đến tăng phường” trở xuống 8 câu, là nói quả báo chuyên nghe. Từ câu: “Nếu trong chỗ giảng pháp” trở xuống 4 câu, là nói phước báo chia chỗ ngồi.
Từ câu: “Huống là một lòng nghe” trở xuống 4 câu, là dùng cái thấp kém để so sánh với cái ưu việt. Đây là so sánh công đức tạm nghe mà tùy hỷ thì đã ưu việt không so sánh nổi. Điều đó nói lên ý nghĩa người chuyên tinh trì kinh thì chắc chắn được lục căn thanh tịnh./.