Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

QUYỂN I
 
PHẨM TỰA THỨ NHẤT
 
1. Từ câu: “Như thị ngã văn”, đến câu: “Diệc dữ quyến thuộc câu” (Tôi nghe như vầy… cùng với quyến thuộc câu hội).
Đây là cách thức kết tập kinh điển, lúc Đức Thế Tôn sắp nhập Niết bàn, ngài A nan xin Phật dạy nguyên tắc kết tập kinh, các kinh đều mở đầu chung như vậy, được giải thích như thường lệ.
Đức Phật thuyết pháp đều hợp với căn cơ luôn lấy nhu yếu của đối tượng đang hiện diện làm quan trọng. Kinh này là pháp nhất thừa dạy cho Bồ tát, nhưng đưa hàng Thanh văn giới thiệu trước là để “Khai quyền hiển thật”, đặc biệt là dẫn dắt nhị thừa nhập Phật tri kiến, thọ ký cho họ thành Phật, cho nên lấy Thanh văn làm thượng thủ. Nếu ca ngợi về đức hạnh thì phải nói rằng các lậu hoặc của họ đều đã diệt tận, tâm thức được tự tại. Chính là làm hiển lộ tâm của hàng nhị thừa đã được điều phục nhu nhuyến, có thể tiếp nhận pháp lớn. Đây là lúc căn cơ đã thuần thục để mà đắc đạo, trở xuống dưới liệt kê các hàng đệ tử khác nữa cũng đều như vậy, cho đến hàng hữu học tỳ kheo ni v.v… cũng được đứng đầu. Đối tượng Phật hóa độ có “Nhân”, có “Thân” chúng Thanh văn thuộc về đối tượng thân cận, còn những người khác thuộc đối tượng nhân duyên. Nhân duyên Phật tánh chính là ở đây, trở xuống đoạn dưới họ đều được thọ ký, là liễu nhân. Phật tánh hiển lộ rồi thì việc độ sanh mới Hoàn tất.

2. Từ câu “Bồ tát ma ha tát bát vạn nhơn…” đến câu: “Các lễ Phật túc thối hạ nhất diện” (Bồ tát ma ha tát tám vạn người… đều lễ chân Phật rồi ngồi qua một bên).

Trong phần tự này liệt kê rộng rãi thính chúng tham dự pháp hội. Các vị Đại Bồ tát là những người giúp Phật hoằng dương Phật pháp, họ làm quyến thuộc của Phật. Vì rằng, pháp mà Đức Phật thuyết là pháp xuất thế hoàn hảo, là những lời lẽ siêu việt, nếu không phải là bậc đại sĩ làm sao mà xiển dương được. Bồ tát Văn Thù là thầy của bảy vị Phật, thông suốt tâm Phật nên được coi là thượng thủ trong hàng Bồ tát. Điều đó cho thấy kinh này lấy trí tuệ làm căn bản và tôn chỉ. Tiếp đến là chư thiên, loài người, long thần, bát bộ đang theo Phật đi giáo hóa, họ là chúng hộ pháp nên ngồi chung một tòa.
Đức Phật xuất hiện ở đời vì giáo hóa chúng sinh đều thành Phật đạo, đó là bổn hoài của Như Lai. Nay vì hàng Nhị thừa, Đức Phật thọ ký cho mọi người đều được thành Phật trong khi Đức Phật sắp Hoàn tất công việc độ sanh giống như ông trưởng giả sắp lâm chung mà hội họp thân tộc, quốc vương, đại thần, cư sĩ, sát đế lỵ đến để làm chứng cho việc di chúc này, đó là lý do nơi hội Linh sơn này đủ mặt mọi người. Có thể thấy được sự thù thắng của chúng hội này. So sánh với chúng hội Hoa Nghiêm cùng bốn mươi hai vị Dị sanh thân, mỗi vị đại biểu cho sự thành tựu một pháp môn để viên thành quả hải, mới thấy rằng mỗi kinh thành phần hội chúng đều có ý nghĩa khác nhau.
Trên là phần mở đầu tổng quát, tiếp theo sau là đi vào chi tiết.
3. Từ câu: ”Nhỉ thời Thế Tôn tứ chúng vi nhiễu…” đến câu: “Hoan hỷ hiệp chưởng nhất tâm quán Phật” (Bấy giờ Đức Thế Tôn bốn chúng vây quanh… hoan hỷ chấp tay một lòng hướng về Phật).

Đây là phần mở đầu nói riêng nguyên do thuyết kinh nầy.
 

Sắp sửa nói Diệu pháp, trước hết nói Kinh Vô lượng nghĩa. Bốn mươi năm về trước vì hạng căn cơ Tam thừa mà thuyết các pháp khác nhau, đều là phương tiện tạm thời, chưa rời khỏi phạm vi tâm, ý, thức. Nay sắp bày tỏ pháp nhất thừa thật tướng, nền tảng tri kiến Phật, nên trước hết thuyết kinh này để làm tiền đề, ý muốn mọi người vượt thoát tâm thức phân biệt, ra khỏi lưới tình để có thể bước vào tri kiến Phật. Kinh Vô lượng nghĩa này là tâm pháp bí mật của chư Phật, như viên ngọc minh châu trong búi tóc của vị Luân vương (chuyển luân thánh vương), không thể tùy tiện cho ai, là đối tượng được chư Phật hộ niệm, điều nầy là biểu hiện sự vi diệu của tâm pháp.
 
Đức Phật lại nhập định Vô lượng nghĩa xứ để biểu hiện cái tâm tịch diệt và cái cảnh thật tướng, không phải là đối tượng của kẻ tán tâm loạn ý có thể thấy. Phải từ nơi tam muội mà quán chiếu mới có thể thâm nhập vào chỗ vi tế sâu xa. Đây là biểu lộ sự vi diệu của cảnh. Tâm pháp và cảnh đối tượng đều vi diệu mới là ý chỉ của toàn kinh, đã được biểu hiện ở đây. Nhận thức rõ tâm và cảnh vi diệu này mới là điều kiện chính để thành Phật, cho nên trời mưa xuống bốn thứ hoa để cúng dường. Nếu không hội nhập tâm và cảnh này thì không đủ sức phá màn vô minh, nên đại địa mới chấn động sáu cách, đó là biểu hiện tác dụng lớn của Diệu pháp, trước hết dùng định lực khởi động. Đại chúng trong pháp hội từ xưa đến nay chưa từng thấy, cho nên rất hoan hỷ mà chẳng biết duyên cớ gì, chỉ nhìn Phật mong được tiếp nhận lời Phật dạy.

4. Từ câu: “Nhĩ thời Phật phóng mi gian bạch hào tướng quang”, đến câu: “Dĩ Phật xá lợi khởi thất bảo tháp” (Bấy giờ Đức Phật phóng ánh hào quang từ giữa lông mày… đem xá lợi đựng trong tháp thất bảo).

Toàn chương này trình bày cảnh thật của pháp giới.
 

Tướng hào quang trắng biểu tượng cho Trí tuệ trung đạo, nghĩa là nơi tự tâm hiện cảnh giới của thánh trí giác ngộ, trí tuệ ấy lấy nhất tâm chân pháp giới làm nền tảng, nên tất cả chúng sinh tâm họ bị rối loạn là bởi căn, trần và thức đều là do trí tuệ này tùy theo duyên mà biến biện. Nay tự thân của trí tuệ này hiện hữu rổng sáng chiếu suốt không bị chướng ngại, nên tỏa chiếu khắp phương Đông một vạn tám ngàn cõi, là chỗ tựa sự khổ vui của ba cõi, là sự luân hồi của chúng sinh trong lục đạo, là sự khởi đầu và chung cuộc của chư Phật, là nền tảng Diệu hạnh của chư Bồ tát độ sanh. Tất cả đều không tách khỏi tác dụng của trí này. Vì vậy, tất cả điều hiển hiện trong vòng hào quang. Thông suốt hào quang này thì sạch, dơ, tình, vọng, chúng sanh và Phật đều bình đẳng. Do đó thật tướng nhất thừa, căn bản tri kiến Phật chiếu sáng trong tự tâm. Điều đó có nghĩa là dùng trí để chấm dứt cái khổ luân hồi vậy. Ý chính của toàn bộ kinh được giải rõ như đây.
 
5. Từ câu: “Nhĩ thời Di Lặc Bồ tát tác thị niệm” đến câu: “Thiệm sát nhân giả vi thuyết hà đẳng” (Bấy giờ Di Lặc Bồ tát khởi ý nghĩ rằng… nhìn xem xét Ngài có mong sẽ nói những gì?).

Đoạn này Ngài Di Lặc Bồ tát hỏi để làm rõ thật tướng chân cảnh.
 

Diệu pháp nhất thừa, thật tướng chân cảnh, Phật tri kiến địa đã hiển lộ trong hào quang của Phật. Bốn chúng đều chưa từng thấy nên hoang mang nghi ngại, đó là điều không dùng tâm suy nghĩ mà đạt đến được. Ngài Di Lặc tuy là bậc thánh nhưng tình thức chưa thông nên không khỏi phân biệt, nên khởi lòng nghi chính. Văn Thù là đại trí có thể hiểu rõ nguồn gốc, đã trải qua hầu hạ nhiều Đức Phật, đã từng thấy sự việc như vậy, nên phải hỏi để thõa mãn sự thắc mắc của mình. Đến như hỏi về những biểu hiện trong hào quang bao gồm tình trạng của chúng sanh trong lục đạo, sự nghiệp độ sanh của chư Phật, thỉ chung tu hành của Bồ tát, cho đến các thứ nhân duyên cầu đạo và những diệu hạnh cúng dường Xá Lợi Phật, tất cả đều thấy rõ. Như Lai nhập định trong khoảng khắc, trong hào quang còn thấy nhiều sự kiện từ xưa, nay vẫn không thay đổi. Do nhân duyên gì mà có những sự vi diệu này? Không biết rằng Đức Như Lai Xá Na khi ở nơi Bồ đề đạo tràng nhập định Phổ quang minh trí trong một sát na mà hiện thân mười cõi, có mặt khắp nơi và đều thuyết pháp để lợi ích chúng sanh. Vậy mới biết từ vườn Lộc Uyển đến nay, trong bốn mươi năm hoằng dương Phật pháp chưa ra khỏi sát na tam muội. Đây đâu phải là việc mà tâm thức yếu đuối, phân biệt của chúng sanh có thể hiểu được? Đó là nói sơ qua mà chưa kể hết những sự biểu hiện trong hào quang. Ngày nay mới hiển lộ cái chung nhất của pháp giới, cho nên thấy được quang tướng này là thấy rõ tâm Phật, là ngộ tri kiến Phật. Điều nầy ý thức không thể biết được, cũng không thể dùng ngôn ngữ mà đạt được. Thực chất toàn thể Diệu pháp phải ở nơi vô ngôn mà ngộ, cho nên Đức Thế Tôn sắp nói diệu pháp, trước hết phóng một hào quang làm biểu tượng đi trước, nếu có thể thấy được quang tướng này thì không nói mà hiểu.

6. Từ câu: “Nhĩ thời Văn Thù Sư Lợi ngữ Di Lặc Bồ tát” đến câu: “Nan tín chi pháp cố hiện tư đoan” (Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù nói với Di Lặc Bồ tát… pháp khó tin nên hiện điềm lành).

Đoạn này Ngài Văn Thù đáp một cách tổng quát các câu hỏi.
 

Các điềm lành không phải ứng hiện giả tạo, đã có ứng hiện chắc chắn phải có nguyên nhân, cho nên phải biết rằng điềm lành là cái tướng đi trước biểu hiện sắp nói về pháp lớn. Mưa là để thấm nhuần cây khô, tù và để hưng khởi ý chí đại chúng, trống là để sách tấn tâm giải đãi. Tất cả đều nói lên thí dụ chỉ cho pháp lớn. Vì đại pháp là hiếm có, sợ mọi người cho là tầm thường, ý muốn làm cho mọi người sinh tâm khó gặp, nên trước hết hiện điềm lành để kích phát. Cho nên nói: “Muốn cho chúng sinh đều được nghe biết pháp mầu mà tất cả trong đời khó tin theo nên mới hiện điềm lành này”.

7. Từ câu: “Chư thiện nam tử như quá khứ vô lượng vô biên” đến câu: “Tam miệu tam Bồ đề thành Nhất thiết chủng trí” (Các thiện nam tử! Như vô lượng vô biên kiếp về trước… chánh đẳng chánh giác thành bậc Nhất thiết chủng trí).
Đoạn này dẫn chứng nguồn gốc xưa của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, là Tổ của Đức Phật Thích Ca đã thuyết đạo lý này. Ý muốn nói lên sự tương tục của Diệu pháp có nguyên do.
 

Đức Phật hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh tức là lấy dụ mặt trời mặt trăng, bao trùm cả ngày lẫn đêm đều chiếu sáng mà không có ánh sáng nào hơn, và ngọn đèn tiếp nối sáng liên tục. Aùnh sáng vĩ đại ấy không bao giờ tắt, biểu tượng cho trí tuệ “Phổ quang minh trí”. Chứng được trí này thì gọi là Phật, đầy đủ mười hiệu. Vì sở chứng của Phật là căn bản thật trí, vì pháp được Phật nói ra tương ưng với thể tánh, nên ban đầu, ở giữa hay sau cùng đều thiện. Tùy theo căn cơ mà phân biệt nói ba thừa để làm phương tiện cho Nhất thừa, cho nên gọi là thành tựu nhất thiết chủng trí. Dẫn việc xưa để chứng minh cho nay, thấy rằng thời giáo hóa của Đức Thích Ca cũng giống như xưa vậy.

8. Từ câu: “Thứ phục hữu Phật diệc danh Nhật Nguyệt Đăng Minh” đến câu: “Thiên vạn Phật sở thực chư thiện bổn”(Kế lại có Đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh… nghìn muôn Đức Phật vun trồng các cội lành).
 

Đoạn này nói đã trải qua hai vạn ức Đức Phật cũng đều một danh hiệu, đồng thuyết một pháp để chứng minh chư Phật đều chung một đường lối và để hiển lộ diệu pháp do tâm ấn chứng cho tâm. Danh hiệu, pháp thuyết, sự chứng đắc đều giống nhau, điều đó nói lên tính thuần thiện trước, giữa, sau đều như thế.
Trí căn bản này do chuyển tám thức mà thành tựu. Đức phật sau cùng lúc chưa xuất gia có tám vương tử, là biểu tượng cho trí căn bản đang ở trong triền phược. Tám người con thống lãnh bốn châu thiên hạ là biểu tượng cho thức chưa rời bỏ căn thân tứ đại. Nghe vua cha xuất gia là A lại da ra khỏi triền phược, các thức khác đều xả ô nhiễm chuyển thành trí tuệ cả, nên gọi là từ bỏ vương vị mà theo cha tu hành phạm hạnh. Đức Thích Ca vốn đồng với xưa là tích môn đồng với bổn môn, tức đồng một thể.

9. Từ câu: “Thị thời Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật” đến câu: “Giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm” (Bấy giờ Thế Tôn Nhật Nguyệt Đăng Minh… Diệu pháp Liên hoa giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm).

Đoạn này nói các Phật Nhiên Đăng Minh truyền cho nhau đến hai vạn ức Phật là muốn nói đến ý nghĩa chủng tử Phật tánh có từ vô thỉ.
 

Đến lúc nói Kinh Vô lượng nghĩa, nhập định vô lượng nghĩa là nói chư Phật nối nhau đều đàm luận về khai mở tri kiến Phật làm cứu cánh (chứ không nói gì khác). Những sự kiện như mưa hoa, đất chấn động, phóng hào quang v.v… cũng như hôm nay, đều là hiển lộ thật tướng của tâm cảnh trước sau không phải hai, pháp là tịch diệt chân thường, đó là pháp hiếm có. Đại chúng có mặt khởi lên nghi hoặc, vấn đề khó tin khó hiểu là đã có từ xưa, chứ không phải thời nay mới có. Các Đức Phật kia xuất định liền thuyết Diệu pháp Liên Hoa kinh, chứng tỏ rằng thuyết pháp phương tiện để hiển lộ thật tướng, là nguyên tắc hoằng pháp, mà các Đức Phật từ ngàn xưa đã làm. Do đó mà có thể biết ý nghĩa sự kiện Đức Phật biểu hiện hôm nay. Lúc các Đức Phật Đăng Minh thuyết Diệu pháp thời gian dài đến 60 tiểu kiếp mà đại chúng cảm thấy chỉ trong một bữa ăn. Điều này cho thấy diệu pháp nhất thừa Phật tri kiến địa, không rời sát na tam muội. Một khi nhập định (tam muội) này thì các sinh diệt đều mất, lâu và mau là một, thấy rõ thật tướng của thân tâm là không, tức là mười đời xưa đến nay, bắt đầu và kết thúc không rời một ý niệm hiện tiền, vì vậy không có người nào sinh mệt mỏi. Thuyết kinh này xong thì nhập Niết bàn, điều đó nghĩa là đại sự độ sanh của chư Phật đã Hoàn tất, bổn hoài xuất thế đã thành tựu, từ đó mà biết rõ Đức Phật của chúng ta (Phật Thích Ca) không bao lâu nữa, thời gian nhập Niết bàn cũng sắp đến.
 
Đức Phật sắp nhập diệt mà thọ ký cho Đức Tạng Bồ tát là muốn đem Diệu pháp này phó chúc cho có chỗ, mong sự kế tục truyền thừa mãi mãi. Đủõ thấy rằng đệ tử trong pháp hội này đương nhiên có phần thành Phật. Sau khi Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh diệt độ Ngài Diệu Quang trì kinh Pháp Hoa kinh tám mươi tiểu kiếp, vì người mà thuyết pháp. Để hiển bày Nhất thừa Phật tri kiến địa, cứu cánh không rời hoạt dụng của trí tuệ. Tám người con của Phật Đăng Minh đều thờ Diệu Quang làm thầy, nghĩa là diệu quán sát trí ở nơi “Nhân” thì có tác dụng chuyển hóa ô nhiễm thành thanh tịnh, ở nơi “Quả” thì có tác dụng tùy cơ thuyết pháp, nhờ đó mà tám người con đều được thành Phật. Tám vị vương tử về sau thành Phật hiệu là Nhiên Đăng, do thờ ngọn đèn của Diệu Quang mà thành chánh quả, cũng nhờ tác dụng của công đức trì kinh. Đức Phật Nhiên Đăng là bổn sư của Phật Thích Ca, vậy Diệu pháp ấy triển chuyển truyền thọ từ xưa vậy, điều đó chứng minh rằng xưa và nay chỉ có một đường.
 
Tuy nhiên, tri kiến của Phật không phải là đối tượng suy tư phân biệt, cho nên người mong cầu danh lợi không thể thấu hiểu được. hơn nữa thiện căn làm nguyên nhân chính cho sự thành Phật, nhờ vậy gặp được nhiều Phật. Điều này chứng tỏ cho việc hàng Thanh văn được thọ ký hôm nay.
 
Ngài Văn Thù tổng kết sự kiện trên mà nói rằng Ngài Diệu Quang kia là tôi, còn Cầu Danh Bồ tát chính là Ngài Di Lặc hiện nay. Ngài Di Lặc thuở xưa đã từng trì kinh mà nay vẫn còn nghi ngờ sự kiện trước mắt, cho biết rằng pháp này không phải là đối tượng của tâm thức phân biệt.
 
Xem xét việc đã qua từ ngàn xưa về điềm tướng: nhập định, phóng quang, thuyết kinh, nhân duyên thọ ký thì biết hôm nay tất nhiên sẽ thuyết Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Nay trình bày nguyên do pháp hội, trước là để hiển thị thật tướng tịch diệt của tâm cảnh, chân lý hiển hiện trong một niệm, đó là điều mà ngôn ngữ không với tới được, cho nên phóng một hào quang để hiển hiện diệu pháp, rồi nhờ Văn Thù đại trí, vì thính chúng không thông hiểu nên làm cho họ thấy được bổn hoài xuất thế của Như Lai. Tức là 40 năm qua
 
Đức Phật chưa ra khỏi Phổ Quang Minh Trí và sát na tam muội.
 
Đức Thế Tôn một hôm thăng tòa, Văn Thù đánh kiền chùy bạch rằng:
 
“Đế quán pháp vương pháp
Pháp vương pháp như thị”
(Xét kỹ pháp của Đấng pháp vương
Pháp ấy là như thế).
Cho nên về sau khi nói diệu pháp, chỉ có “Như thị” mà thôi.
10. Từ câu: “Nhĩ thời Văn Thù Sư Lợi ư đại chúng trung” đến câu: “Dĩ cầu vô thượng đạo” (Bấy giờ Ngài Văn Thù ở trong đại chúng… để cầu đạo vô thượng)
Đoạn này là lời kệ tụng lập lại ý nghĩa của kinh ở trên, trình bày về sự nhập định phóng quang và trong hào quang hiện đủ sự tướng của pháp giới các Đức Phật từ thuở ban sơ cho đến Phật sau cùng đều giống nhau. Thông báo về sự sắp nhập diệt, nói những điều răn dạy, khích lệ và các việc sau khi diệt độ, các việc xây tháp, khuyên chúng tinh tấn cầu đạo. Đây là những nguyên tắc sau cùng của pháp hội, cho thấy rằng sự thấy được Phật pháp là khó khăn.
11. Từ câu: “Thị Diệu Quang pháp sư” đến câu: “Linh tận vô hữu dư” (Diệu Quang pháp sư đó… khiến hết không còn thừa).
 
Đây là lời tụng nói lại sự hỗ trợ giáo hóa của Diệu Quang pháp sư, sự truyền giảng, sự lợi ích đều giống nhau. Làm chứng cho việc sắp thuyết Kinh Pháp hoa, lấy sự phóng hào quang làm phương tiện. Nay Đức Phật phóng hào quang để biểu thị cho nghĩa của thật tướng, nghĩa là tri kiến Phật vắng bặt tâm và cảnh, thoát ra ngoài ngôn ngữ, tư duy. Nên mới dùng hào quang tam muội để hiển bày cái thật tướng ấy. Trong tông môn thường dùng gậy hay hét, đuổi rượt, trợn mắt, nhíu mày đều là chỉ ý của Tổ từ Tây qua Đó là không lấy ngôn từ làm phương tiện. Nếu người nào thấy rõ tướng Hòa quang này thì hằng ngày sáu thời ho hen, khạc nhổ, khởi động cánh tay không có hành động gì không phải là Pháp hoa tam muội.