KIM QUANG MINH TỐI THẮNG

VƯƠNG KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm TỨ THIÊN VƯƠNG QUÁN SÁT NHÂN THIÊN

Phẩm Tứ Thiên Vương Quán Sát Nhân Thiên có chia ra ba phần:

  1. Lý do có phẩm này.
  2. Giải thích ên gọi.
  3. Giải thích chướng ngại.

 Nói về lý do có phẩm này: Chín phẩm trên đây nói về Chánh tông của kinh và lợi ích cho chúng hội của kinh, từ đây về sau hai mươi mốt phẩm đều là phần lưu thông lợi ích kỳ cuối cùng. Trong phần Chánh tông có ba thứ là quả, hạnh, cảnh; trong phần Lưu thông này cũng có ba thứ: Mười sáu phẩm đầu là học hạnh lưu thông, bốn phẩm tán thán từ Mười nữ Bồ-tát… là tán thán lưu thông, một phẩm Phú Chúc là trao gởi lưu thông. Đầu tiên trong phần học hạnh có chia làm năm:

1. Phẩm quán sát là khuyến khích tu hành.

2. Ba phẩm: Tứ Thiên Vương, Vô Nhiễm Trước, Như Ý là nói về hộ trì.

3. Năm phẩm Đại Biện Tài, Cát Tường Nữ Tăng Trưởng Tài, Kiên Lao Địa Thần, Chánh Liễu Tri là nói về thêm lớn phước đức.

4. Ba phẩm Vương Pháp Chánh Luận, Thiện Sinh Vương, Chư Thiên Dược-xoa Hộ Trì chính là nói về trì học.

5. Bốn phẩm như Thọ Ký v.v… là thành tựu ý khuyến khích ở trước. Các Đức Phật nói pháp giúp cho chúng sinh được lợi lạc, tuổi thọ của ba thân là quả lợi lạc, sám hối diệt trừ tội chứng… là nhân lợi lạc. Hai là pháp học phải thực hành, ý hành là nói về người năng học, đã từ pháp thù thắng thành tựu con người thù thắng đó, lại do con người mới có thể mở mang chánh pháp, tiếp theo là khen ngợi con người và khen ngợi pháp. Nói về khen ngợi đã giao phó hoàn bị việc trao truyền học tập. Nhưng trong phần Chánh tông đã trình bày xong quả lợi lạc và nhân lợi lạc, nay phẩm Quán Sát Nhân Thiên này giúp cho dứt trừ tội chứng phiền não nên thường được an vui; khuyến khích nên mở rộng kinh này, do đó phẩm này phát sinh.

– Giải thích tên gọi: quán nghĩa là trí tuệ soi chiếu, sát nghĩa là xem xét. Trời, người sở quán, tứ Thiên vương là năng quán, đây tức là nhân pháp đối số (người, pháp mang số) làm tên gọi. Phẩm này nói nhiều về việc đó, cho nên gọi là phẩm Tứ Thiên Vương Quán Sát Nhân Thiên.

– Về giải trừ chướng nạn.

Hỏi: Kinh nói: “Quán sát ủng hộ châu Thiệm-bộ này các vương chúng con gọi là Hộ thế.” Người năng hành bao gồm cả ba châu và các tầng trời cõi Dục, cõi Sắc, vì sao chỉ quán sát khuyến khích riêng châu này?

áp: Y cứ vào nơi cư trú của Phật mà nói là quán ở đây, thật ra bao gồm cả những nơi khác. Lại nữa, các sự khổ còn lại nơi ba châu và các tầng trời cõi Dục, cõi Sắc đã ít nhàm chán mà tuệ không mạnh, đường ác tuy khổ mà không thắng được tuệ tâm, mới phát tâm thì cần phải vô cùng chán ngán, trí tuệ mạnh mẽ, thế nên chỉ nói quán sát châu Thiệmbộ.

Hỏi: Cảnh giới Tứ Thiên hộ trì đều có bờ mé ranh giới, vì sao Tứ Vương đều nói hộ trì nơi này?

Đáp: Căn cứ vào cảnh giới thế tục thì mỗi vị đều hộ trì một châu, kính pháp trọng người nên cùng hộ trì nơi này. Lại cảnh giới cư trú tuy mỗi vị đều ở một phương, nhưng thâu nhiếp các rồng quỷ cung chung làm hộ trì bốn phương, căn cứ vào sự hộ trì thắng pháp nên chỉ nói quán sát nơi này.

Hỏi: Phẩm này và phẩm sau đều là tứ Thiên vương thì hai phẩm khác nhau chỗ nào?

Đáp: Phẩm này là Tứ thiên vương khen ngợi khuyến khích tu hành kinh này nên phát nguyện hộ trì, phẩm sau là Đức Thế Tôn khen ngợi khiến cho khắp nơi phát nguyện hộ trì, vì vậy hai phẩm khác nhau.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, Thiên vương Đa văn, Thiên vương Trì quốc, Thiên vương Tăng trưởng, Thiên vương Quảng mục đều đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vén y bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính hướng về Đức Phật, lễ dưới chân Phật rồi.

Tán rằng: Toàn văn phẩm này chia làm bốn phần:

  1. Tứ Thiên vương khen ngợi kinh tôn quý cao siêu.
  2. Từ “Thế Tôn! Tứ Thiên vương chúng con…” về sau là tứ Thiên vương nói rõ sự tu hành của mình.
  3. Từ “Lại nữa, ở trong châu này…” về sau tứ Thiên vương khuyến khích người mở mang kinh.
  4. Từ “Đại chúng nghe xong…” về sau là chúng hội đương thời y giáo tu học.

– Văn phần đầu có bốn:

  1. Tứ Thiên vương chí thành cung kính.
  2. Khen ngợi pháp là tôn quý.
  3. Nêu bày năng lực của kinh.
  4. Thỉnh cầu Phật thường giảng nói.

Đây là mở đầu. Đầu tiên nêu ra bốn tên gọi: Trì quốc, Tăng trưởng, Quảng mục và Đa văn, lần lượt thống lĩnh cai quản bốn phương Đông, Nam, Tây, Bắc, phần lớn đều ở tầng thứ tư trên núi Diệu cao, cũng có lúc lại cư trú trên đỉnh núi Trì song. Nay ở đây trước tiên nêu tên Đa văn vương là vì sự tin sâu đó nên có tên gọi thù thắng. Trì quốc vương thống lĩnh Kiện-đạt-phược Tất-xá-già; Tăng trưởng vương thống lĩnh Cưu-bàn-trà Bế-lệ-đa; Quảng mục vương thống lĩnh tất cả các rồng và Bố-đán-na; Đa văn vương thống lĩnh tất cả Dược-xoa và La-sát-bà. Sau là chí thành cung kính.

Văn kinh: Bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này là nơi tất cả các Đức Phật thường nghĩ nhớ quán sát, tất cả Bồ-tát đều cung kính, tất cả trời rồng thường cúng dường và các chúng trời thường sinh tâm vui mừng, tất cả các vị hộ trì thế gian xưng dương khen ngợi, các vị Thanh văn, Duyên giác đều cùng nhau thọ trì.

Tán rằng: Khen ngợi pháp là tôn quý, tất cả các Đức Phật đều hộ trì nghĩ nhớ tức là sự hộ niệm của Phật. Tất cả hàng Đại thừa căn phẩm thành thục vì nói kinh này. Tất cả Bồ-tát về sau hiển bày sự cung kính tôn trọng đối với Thánh giáo.

Văn kinh: Đều có thể chiếu sáng cung điện các tầng trời, thường ban cho tất cả các chúng sinh sự an vui tốt đẹp, chấm dứt khổ não của các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh , tất cả sự sợ hãi đều được dứt sạch, tất cả kẻ thù đối địch tìm đến liền thối lui tan rã, lúc mất mùa đói kém khó khăn đều khiến cho mùa màng bội thu, tật dịch bệnh khổ đều khiến cho trừ khỏi, tất cả các tai biến trăm ngàn khổ não thảy đều dứt trừ.

Tiếp theo là nêu bày năng lực của kinh. Đầu tiên là ban niềm vui

cho trời người, từ “chấm dứt…” trở xuống là dứt trừ sáu khổ:

  1. Chấm dứt khổ bốn đường ác.
  2. Chấm dứt năm khổ sợ hãi.
  3. Chấm dứt khổ đao binh.
  4. Chấm dứt khổ đói kém.
  5. Chấm dứt khổ dịch bệnh.
  6. Chấm dứt khổ tai biến.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này có công năng làm cho chúng con thêm nhiều lợi lạc yên ổn như vậy.

Tiếp theo là thỉnh cầu Phật thường giảng nói. Đầu tiên là nhắc lại công năng thù thắng trước đây, để làm lý do thỉnh cầu giảng nói. Yên ổn là nói chung, lợi lạc là ban cho vui sướng, nhiêu ích là chấm dứt khổ đau.

Văn kinh: Cúi mong Đức Thế Tôn ở trong đại chúng, giảng nói rộng, tứ Thiên vương chúng con cùng các quyến thuộc nghe pháp vị cam lộ vô thượng này thì khí lực đầy đủ, tăng thêm uy quang, tinh tiến mạnh mẽ, thần thông hơn hẳn bội phần.

Tiếp theo chính là thỉnh cầu thường giảng nói. Đầu tiên là thỉnh cầu giảng nói; từ “Tứ Thiên Vương chúng con…” về sau là nói về lợi ích.

Văn kinh: Bạch Thế Tôn! Tứ Thiên Vương chúng con tu hành chánh pháp, thường nói chánh pháp, dùng chánh pháp hóa độ thế gian, chúng con khiến trời rồng Dược-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Yếtlộ-trà, Câu-bàn-trà, Khẩn-na-la, Mạc-hô-la-già và các vua cõi người thường dùng vương pháp mà cảm hóa thế gian, ngăn chặn dứt bỏ các điều ác, tất cả quỷ thần hút tinh khí con người và những người không có tâm Từ bi đều khiến lìa xa. Bạch Đức Thế Tôn! Tứ Thiên Vương chúng con cùng với hai mươi tám bộ Dược-xoa đại tướng và cùng vô lượng trăm ngàn Dược-xoa dùng thiên nhãn thanh tịnh vượt xa người thế gian, quán sát ủng hộ châu Thiệm-bộ này. Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên này mà các vương chúng con được gọi là người hộ trì thế gian.

Tiếp theo là nói rõ sự tu hành của mình, có bốn:

1. Vương tự mình chân chính hóa độ thường tự mình mở mang truyền bá kinh pháp.

2. “Chúng con khiến họ…” về sau là các cận thần giúp đỡ thuận theo đồng tu chánh hạnh.

3. “Ngăn chặn dứt bỏ…” về sau là vương pháp có công năng dứt ác.

4. “Bạch Đức Thế Tôn…” về sau là nói rõ vương có được tên gọi. Mục đích là nói do mở mang chánh pháp để hóa độ chúng sinh gọi là hạnh không luống dối, nên gọi là Hộ thế. Hai mươi tám bộ, như kinh Khổng Tước Vương có chép: “Bốn phương đều có bốn thứ, bốn hướng phụ thuộc đều có một loại, trên dưới đều có bốn loại, thành ra hai mươi tám bộ.” Dùng thiên nhãn thanh tịnh chẳng phải là do tu mà sinh ra, đây là Báo thân đạt được, cho nên thường hơn hẳn loài người.

Văn kinh: Lại nữa, ở trong châu này nếu có vị vua nào bị kẻ thù giặc giã nơi khác thường đến xâm phạm, quấy rối và thường bị đói kém tật dịch lây lan, vô lượng trăm ngàn sự việc tai biến.

Tán rằng: Thứ ba là khuyến khích người mở mang kinh, có ba:

  1. Thấy thế gian tai nạn phát sinh.
  2. Khuyến khích mở mang kinh để đối trị.
  3. Khiến cho vua cõi người bảo vệ đất nước, cung kính tôn trọng tu hành. Phần đầu thấy tai nạn phát sinh.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Tứ Thiên vương chúng con cung kính cúng dường đối với kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, nếu Tỳ-kheo Pháp sư nào thọ trì đọc tụng thì Tứ Thiên Vương chúng con cùng nhau hướng đến giác ngộ, khuyến thỉnh người đó, lập tức vị Pháp sư ấy do năng lực thần thông giác ngộ của chúng con nên đến cõi nước ấy giảng rộng truyền bá khắp nơi kinh Kim Quang nhiệm mầu này, do năng lực của kinh nên khiến cho vô lượng trăm ngàn sự việc suy kém khổ não tai ách kia thảy đều dứt sạch.

Tiếp theo là mở mang kinh để đối trị, có bốn:

  1. Nêu ra năng lực dứt trừ của pháp.
  2. “Nếu có…” về sau là khuyến khích người truyền bá.
  3. “Lập tức vị Pháp sư ấy…” về sau chính là mở rộng kinh này.. “Nhờ năng lực của kinh…” về sau là dứt tai họa được an vui.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu các vị vua cõi người ở trong nước của mình lúc có vị Tỳ-kheo Pháp sư trì kinh này đến nước đó thì nên biết rằng kinh này cũng đến nước đó.

Tiếp theo khiến cho vị vua cõi người bảo vệ đất nước, cung kính tôn trọng tu hành, có hai:

  1. Người có đức đến nước ấy.
  2. Khiến cho nhà vua cung kính tôn trọng. Người có khả năng mở mang đạo pháp, người đến thì pháp thuận theo, chẳng phải đạo có khả năng mở mang người, không có người thì pháp hoại diệt, pháp đã mở mang ích lợi, vì vậy cần phải cung kính tôn trọng người thọ trì. Đây là mở đầu.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Bấy giờ, vị vua nước đó nên đến chỗ Pháp sư lắng nghe những điều pháp sư nói, nghe xong vui mừng, cung kính cúng dường đối với vị Pháp sư đó, tâm sâu xa ủng hộ khiến cho không có lo buồn, giảng nói kinh này lợi ích cho tất cả. Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên này cho nên tứ Thiên vương chúng con đều cùng nhau nhất tâm che chở vua cõi người và nhân dân nước này, khiến cho lìa khỏi tai họa và thường được yên ổn.

Tiếp theo là khiến cho nhà vua cung kính tôn trọng, có ba: Đầu là khuyến khích đến nghe để dứt trừ tai họa; tiếp đến là khuyến khích cung cấp được anvui; sau cùng khuyến khích những người khác phụ theo cung kính tôn trọng. Văn phần đầu có năm:

  1. Khiến tôn trọng pháp, đến nghe.
  2. Khiến cho nghe xong vui mừng.
  3. “Cung kính cúng dường đối với vị pháp sư đó…” trở xuống là dạy phải cung kính cúng dường bảo vệ.
  4. “Giảng nói kinh này…” trở xuống là khiến cho giảng nói giáo pháp lợi ích mọi người.
  5. “Vì nhân duyên này…” trở xuống là tứ Thiên vương vì đó dứt trừ tai nạn.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ổba-sách-ca, Ổ-ba-tư-ca nào trì kinh này, thì vị vua cõi người đó tùy theo nhu cầu của họ mà cung cấp cúng dường giúp cho họ không hề thiếu thốn, tứ Thiên vương chúng con khiến cho vua nước đó cùng tất cả dân chúng thảy đều yên ổn, tránh khỏi các tai họa.

Tiếp theo là khuyến khích cung cấp được an vui, có ba: Đầu là nói về người thực hành pháp, tiếp đến từ “Bấy giờ vị vua cõi người…” về sau là khiến cung cấp, sau từ “Tứ Thiên vương chúng con…” về sau là nói đến vua và thần dân được an vui.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người nào thọ trì đọc tụng kinh điển này, vua cõi người đối với người này cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen thì chúng con sẽ khiến cho vị vua đó được cung kính tôn trọng bậc nhất trong các vị vua, các vị vua nước khác cùng nhau xưng tụng ngợi khen.

Tiếp theo là khuyến khích những người khác phụ theo cung kính tôn trọng, có bốn:

  1. Nêu ra người được kính trọng.
  2. “Vua cõi người đối với người này…” về sau là khuyến khích nên cung kính ngợi khen.
  3. “Chúng con sẽ khiến cho vị vua đó…” về sau là nói sự cung kính, ngợi khen.
  4. “Chúng con sẽ khiến cho vị vua đó…” về sau là nói người cung kính, được người khác phụ theo tôn trọng.

Văn kinh: Đại chúng nghe xong khen ngợi vui mừng thọ trì.

Tiếp theo là phần thứ tư chúng hội đương thời nương theo giáo pháp tu học.