QUYỂN V
 
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
 
PHẨM TÙNG ĐỊA DÕNG XUẤT
THỨ MƯỜI LĂM

 
Đại ý phẩm này là trình bày tự tâm phát ra sự giác ngộ, vô số tính hạnh có mặt, để nói lên hết diệu hạnh của sự thọ trì kinh.
Ở trước đã nói, hàng Thanh văn được thọ ký tuy phát nguyện thọ trì kinh, nhưng tự lực không đủ, khó đi vào cõi sinh tử nguy hiểm, nên cần nhờ vào tha lực. Do đó Phật sai hàng Bồ tát điều phục và hộ trì, ở trong lòng họ vẫn có chỗ chưa an. Nay từ các phương khác có tám hằng hà sa số Bồ tát đến, đều xin bảo vệ giữ gìn người trì kinh này. Nhưng Đức Phật không chấp nhận. vì sao? Vì họ đều từ bên ngoài mà đến, trong Thiền tông gọi là “Từ ngoài cửa mà vào không phải là trân bảo của nhà mình”. Hướng vào tự tâm mà lưu xuất thì mới che trời che đất, nên Phật nói “Ta tự có sáu muôn hằng hà sa chúng từ đất vọt ra”. Thể và dụng đều hiện bày, nên gọi là quyến thuộc đông đủ.Tánh đức trì kinh như thế mới có thể khế hợp với pháp thân. Cho nên từ nơi hư không, hướng về hai Đức Thế Tôn. Đến đây cái thấy sinh diệt đều mất, dài ngắn đồng thời, nên nói năm mươi tiểu kiếp giống như nữa ngày, do vậây xứng hợp pháp tánh thành tựu hạnh lành. Nên bốn vị thượng thủ đều do hạnh mà đặt tên. Ý nói là trì kinh như vậy mơí phù hợp với bản hoài của Đức Phật. Nhờ bốn thành tựu hạnh an lạc mà có như vậy.
Nhờ tính đức thành tựu hiện tiền, chư không do tâm thức phân biệt mà biết, nên ngài Di Lặc cùng tám ngàn hằng hà sa chúng đều sinh tâm nghi, nói rằng: Chẳng biết một ai. Ngài với các vị thị giả của Đức Phật cùng thưa hỏi. Đây không phải là duyên nhỏ, nên trước hết khuyên phải mặc áo giáp tinh tấn, phát tâm kiên cố mới có thể tin nhận. Đức Như Lai tự nói ngài muốn hiển hiện chỉ bày pháp Trí tuệ, sức tự tại thần thông, sức sư tử phấn tấn, sức oai mạnh đại thế của chư Phật. Như vậy ở nơi đây bản hoài của Phật mới cùng tận, đâu thể việc nhỏ ư! Tuy nhiên Thế Tôn bảo rằng các đại chúng này đã được giáo hóa từ khi Như Lai thành đạo, làm họ phát tâm cho đến nay. Ngài Di Lặc và đại chúng đều khởi tâm nghi. Di Lặc dùng mắt nhìn Thế Tôn, nghĩ rằng: Ngài thành đạo đến nay là bốn mươi năm, những người được giáo hóa đều ở trong hội linh sơn,còn ở đây là các chúng từ đất vọt lên, điều đó chưa từng thấy. Hơn nữa chúng tôi đều được Phật giáo hóa được như thế này mà vẫn còn yếu kém, còn đại chúng này đều là những người từ lâu đã trồng cội đức, gieo sâu căn lành. Làm sao mà trong thời gian ngắn mà giáo hóa được chúng đông như vậy. Nên nói thí dụ cha trẻ con già để bày tỏ lòng nghi của mình. Nói từ đất vọt lên để biểu hiện dấu tích mầu nhiệm. Còn phẩm Như Lai Thọ Lượng đặc biệt đã biểu hiện cái gốc mầu nhiệm, diệt trừ kiến chấp thế giới hiện tượng của Hàng nhị thừa và để làm sáng tỏ pháp thân thường trú không lệ thuộc pháp sinh diệt.
Vì thế phẩm này liên hệ với phẩm Như Lai Thọ Lượng, làm nối kết cho nhau.
1. Từ câu: “Nhĩ thời tha phương quốc độ” đến câu: “Quảng thuyết thử kinh” (Lúc bấy giờ các vị … rộng nói kinh này).
Đoạn này Bồ tát ở phương khác, phát nguyện ở cõi Ta bà thọ trì kinh. Phật im lặng không hứa. Ý Phật muốn trì kinh này, nên trụ ở nơi tính đức hoàn hảo của mình, không mượn bên ngoài, sắp bày tỏ sự vi diệu của Bổn và Tích, và pháp thân thường trú, không tùy thuộc sinh diệt, khứ lai. Ngài nói: Không cần các ông, ta tự có sáu muôn hằng hà sa quyến thuộc hộ trì, rộng nói kinh này. Số lượng Bồ tát đều lấy sáu vạn mà nói. Ý tiêu biểu cho sáu thức thành trí. Tức thì hằng hà sa tính đức hiện tiền, đó gọi là “Tự tánh dung thông diệu hạnh vô cực”. Nếu dựa vào sáu thức ngoài thì lạc vào danh ngôn phân biệt, không phải chỗ vi diệu của trì kinh. Nên điều kiện bên ngoài không phải là chỗ nương nhờ được.
2. Từ câu: “Phật thuyết thị thời” đến câu: “Tùng hạ phát lai” (Lúc Phật nói lời đó … nên từ dưới mà đến).

Đoạn này Phật tự nói mình có sáu vạn hằng hà sa chúng, đồng thời từ dưới đất vọt lên trước chúng. Trong kinh nói “tam thiên đại thiên cõi nước đất đều rung nứt, từ đó vọt lên”. Đất nghĩa là Nhất chân pháp giới, trước kia do vô minh mê hoặc kết tụ nên tính thể bị che lấp không lộ ra được. Nay pháp âm của Phật đi vào, làm vô minh bị phá, tự tánh được hiển lộ, ngộ được tự tâm. Vô số tính đức đều ở cội nguồn của tâm, tác dụng vô biên. Như vậy mới có thể trì kinh không phải phân biệt danh ngôn bên ngoài mà so sánh được. Nên gọi là không cầu phương khác là vậy.

Bồ tát đều đầy đủ đức tướng của Phật, vì đức và dụng không hai, tâm thể bổn giác sáng soi, nên thân đều sắc vàng và ánh sáng vô lượng. Thế giới nương vào pháp tính không, nên ở tại Hạ phương của thế giới này, an trú trong hư không. Nhờ công đức của thỉ giác mà bản giác hiển lộ, cho nên nghe pháp âm của Phật từ dưới đất vọt lên. Ý dùng âm thanh làm căn bản giáo hóa.
3. Từ câu: “Nhất nhất Bồ tát … sở bất năng tri” (Mỗi vị Bồ tát… chẳng thể biết được).
Đoạn này nói các Bồ tát đến đem theo quyến thuộc nhiều ít không đồng nhau.
Nghĩa là các quyến thuộc đem theo đó, lấy số chung là Hằng hà sa, tính dần dần từ nhiều đến ít Hằng hà sa, cho đến riêng một mình không có quyến thuộc. Con số hằng hà sa là ý muốn nói số lượng không cùng. Chủ bạn không đồng, thể dụng không bình đẳng.
4. Từ câu: “Thị chư Bồ tát tùng địa xuất dĩ” đến câu: “Bá thiên vạn ức quốc độ hư không” (Các vị Bồ tát từ dưới đất lên… nghìn muôn ức cõi nước hư không).
Đoạn này nói về nghi thức diện kiến với Phật của các Bồ tát vừa vọt lên. Nói là các vị từ hư không hướng về hai Đức Thế Tôn, nghĩa là nhập vào pháp giới không tính, khế hợp pháp thân. Dùng các pháp tán dương mà ca ngợi Phật, như thế trải qua thời gian năm mươi tiểu kiếp. Đại chúng cho là như nửa ngày. Nói chứng đắc thâm sâu thật tướng như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một niệm quán khắp vô lượng kiếp, không đi, không đến, cũng không trụ”. Gọi là “ mười đời xưa nay trước sau không ngoài một niệm hiện tiền” không có tướng lâu mau vậy.
Bốn chúng đều nhờ thần lực của Phật mà thấy các Bồ tát đầy khắp hư không. Đó gọi là “Cảnh giới vô biên, tự tha không cách xa bằng đầu sợi lông”. Do pháp giới tính không, diệu lực vô tác. Không phải là đối tượng của tam thừa có thể thấy, nên phải nhờ thần lực của Phật mới thấy.
5. Từ câu: “Thị Bồ tát chúng trung” đến câu: “Sinh bì lao da” (Trong chúng Bồ tát đó … sinh mệt nhọc đó ư!).
Đoạn này nói, các bậc thượng thủ của chúng đến thăm Đức Thế Tôn. Đó là biểu tượng gần gũi và tùy thuận tính giác. Trì kinh lấy diệu hạnh làm đầu, nên đều có tên là Hạnh cả. Lời thăm hỏi nói, bệnh não và mệt mỏi.Vì thấy Đức Thích Ca thị hiện đồng hoạn nạn như mọi người. Hơn nữa muốn nói cõi Ta bà tệ ác, khó mà giáo hóa.
6. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Nhập ư Phật Tuệ” (Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn… vào trong Huệ của Phật).
Đoạn này Đức Như Lai đáp lại lời thăm hỏi của đại chúng, chính là trình bày sự vi diệu của bản thể.
Nói rằng chúng sinh này, đời đời được giáo hóa tức là duyên pháp đã chín muồi. Cúng dường nhiều Phật tức là huân tập phước đức sâu dày. Đây là chứng được nhân duyên từ xưa của Đức Đại Thông Trí Thắng, nên ngày nay chỉ một lần gặp Phật, nghe pháp liền bước vào trí tuệ Phật. Đó là chỉ cho Bồ tát thượng căn thượng trí. Trừ những người trước đã tu tập Tiểu thừa, ai nay nghe kinh này cũng được nhập trí tuệ Phật. Thế mới biết chư Phật hóa độ chúng sinh chủ yếu là những người có duyên. Kẻ phàm phu ngày nay là người tệ ác không tin, chưa gieo nhân duyên nay ở đây trì kinh để kết nhân duyên mai sau. Do đó mà Như Lai vội vã tìm người, nhưng phải là người có tâm khế hợp với tâm Phật, mới có thể nhẫn chịu chướng duyên. Rất khó gặp người như vậy.
7. Từ câu: “Nhĩ thời chư đại Bồ tát” đến câu: “Phát tùy hỷ tâm” (Lúc ấy các vị đại Bồ tát… phát lòng tùy hỷ).

Đoạn này chúng Bồ tát mới đến, nghe nói chúng sinh dễ độ nên mọi người đều phát tâm. Cho nên nói: Chúng con tùy hỷ. Đức Phật tán thán chúng Bồ tát đã có lòng tùy hỷ. Việc tốt lành là pháp đã có người phó thác.

8. Từ câu: “Nhĩ thời Di Lặc Bồ tát” đến câu: “Dĩ kệ vấn viết” (Bấy giờ ngài Di Lặc Bồ tát … nói kệ hỏi rằng).
Đoạn này ngài Di Lặc nhân vì chúng khởi tâm nghi mà hỏi về nhân duyên của chúng Bồ tát mới đến.
Nói tám ngàn người sinh tâm nghi là biểu tượng của tám thức chưa phá. Nghĩa là tính đức diệu dụng này không phải là đối tượng nhận thức của tâm phân biệt, nên đều sinh nghi, do vậy mà nói “Không thấy, không nghe”.
Di Lặc là bậc tôn sư của Duy thức, biết tâm niệm của đại chúng, nên thỉnh Phật nói để dứt nghi ngờ, dùng kệ để hỏi vậy.
9. Từ câu: “Vô lượng thiên vạn ức” đến câu: “Dĩ hà nhân duyên tập” (Vô lượng nghìn muôn ức… do nhân duyên gì nhóm).
Đoạn này hỏi lý do gì mà đại chúng đến tập họp.

10. Từ câu: “Cự thân đại thần thông” đến câu: “Vi tùng hà sở lai” (Thân lớn đại thần thông … là từ chốn nào đến).

Đoạn này thấy chúng Bồ tát đến thân hình khác thường, không biết từ đâu đến.
11. Từ câu: “Nhất nhất chư Bồ tát” đến câu: “Kỳ số chuyển hóa thượng” (Mỗi mỗi hàng bồ tát … số đây càng hơn trên).
Đoạn này hỏi về chư Bồ tát đến gồm chủ, bạn nhiều ít sao không đồng nhất.
Có người mang theo sáu muôn hằng hà sa, cho đến những người mang theo một phần của ức vạn, là trình bày những bạn quyến thuộc được đem đến, người đem theo chúng ít thì nhiều hơn, đông hơn người dắt theo quyến thuộc nhiều. Đầu tiên là tính số ít mà nói ngàn muôn Na do tha, ở đây tính theo từng chúng mà hỏi, từ số chúng cho đến người đi một mình. Số ít dần dần trở nên đông hơn chúng số nhiều. Văn dịch rất hay, suy nghĩ một chút sẽ nhận ra. Chỉ xem câu kết là “Số đây càng hơn trên” thì tính theo lớp trở xuống, dần dần đông hơn số nhiều ở trên.
12. Từ câu: “Như thị chư đại chúng” đến câu: “tu tập hà Phật đạo” (Các đại chúng như thế… Tu tập Phật đạo nào?)

Đoạn này hỏi rõ các Bồ tát mới đến do ai giáo hóa họ.

Vì họ từ dưới đất vọt lên là hiện tượng rất đặc biệt. Hơn nữa Hạ phương ở giữa hư không. Cõi ấy không ai thấy được nên sinh nghi. Chúng Bồ tát này quá đông mà oai nghi, trí tuệ đều siêu việt, nên mọi người đều suy nghĩ rằng: Không thể một Đức Phật và trong một thời điểm mà giáo hóa được như vậy. Cho nên mới hỏi cho rõ ai là người thuyết pháp độ cho họ, họ theo ai mà phát tâm? Xưng tôn pháp gì? Trì kinh nào? Tu tập Phật đạo nào? Mà họ có khả năng xuất chúng như vậy. Chính những câu hỏi này mà phát sinh thuyết về Thọ lượng.
13. Từ câu: “Như thị chư Bồ tát” đến câu: “Duy nguyện phát chúng nghi” (Các Bồ tát như thế … Cúi mong quyết lòng nghi).
Đoạn này hỏi: Tuy thấy từ đất vọt lên mà không biết từ nơi nào. Do đâu mà họ đến, tức hỏi tên quốc độ họ ở. Cổ đức nói: “Nếu không có quốc độ, thì gặp nhau chỗ nào” nên nói rằng: Đi khắp ác quốc độ mà chưa từng thấy chúng như vậy. Nay đại chúng muốn biết nhân duyên của các Bồ tát này. Nên xin Đức Thế Tôn giải quyết lòng nghi ngờ cho.
14. Từ câu: “Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni phân thân chư Phật” đến câu: “Nhân thị đắc văn” (Khi ấy các vị Phật của Đức Thích Ca Mâu Ni phân thân … nhân đây mà được nghe).
Đoạn này là các đệ tử đi theo phân thân Phật đều hỏi Phật bổn sư mình. Do nghi mà hỏi.
15. Từ câu: “Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật” đến câu: “Đại thế chi lực” (Bấy giờ Đức Thích Ca … sức oai thế mạnh của các Đức Phật).
Đoạn này Đức Thế Tôn hứa sẽ giải đáp. Trước hết ngài khuyên đại chúng phải tinh tấn, vì việc này rất khó tin.
“Đức Di Lặc” hiệu là A Dật Đa dịch là Vô Năng Thắng. Nói “ Việc lớn” nghĩa là trí tuệ, thần thông, oai lực của chư Phật và sự hiển hóa nhân duyên của chúng Bồ tát ở dưới đất vọt lên, đều là “Việc lớn” Nay sắp nói rõ, nếu không có tinh tấn thì không thể lãnh hội, nên khuyên bảo như vậy.
Trí tuệ của chư Phật, như trước đã nói là sâu thẳm không đo lường được, đây chỉ biểu hiện sơ lược mà thôi. Một lần khai thị là nói đến sự thành Phật rất lâu và xa, giáo hóa nhiều chúng sinh, và phẩm kế tiếp nói đến Thọ Lượng.v.v.. đều là “Hiển thị rộng ý nghĩa trí tuệ Phật thâm sâu vô lượng”. “ Năng lực thần thông tự tại của chư Phật” như trước đã nói việc ba lần biến tịnh độ, tiếp chúng sinh ở trên hư không, lấy ngón tay mở tháp, sau đó đến Phật dùng lưỡi trùm đến cõi phạm thiên, tiếng tằng hắng, khảy móng tay âm thanh chấn động cả đại thiên.v.v.. Đều là sức mạnh thần thông tự tại cả. Nói: “ Sức sư tử mạnh nhanh của các Đức Phật” là nói như loài Sư tử vẫy vùng xoay trở dùng vừa sức lực của nó, không thừa không thiếu. Như Phật nói một tiếng là âm thanh đi khắp, các phân thân của ngài đều tập họp. Nói về căn gốc của Thọ lượng thì chỉ thẳng toàn thể pháp thân, không thừa pháp nào, nên như Sư tử chuyển động vậy. Nói: “ Sức oai thế mạnh lớn của các Đức Phật” tức là nói sự giáo hóa nhiều Bồ tát từ đất vọt lên, phá chấp chặt của hàng tam thừa, hàng phục năm ấm và các ma phiền não, đều nhờ sức mạnh đại thế lực.
Bốn câu nói trên, Đức Phật tự nói về năng lực có đủ của mình, suy đó mà ra chư Phật đều giống nhau. Tác dụng toàn diện của Phật còn ẩn chưa hiện. Nay do chư Bồ tát từ đất vọt lên, mới luận bàn về công đức, về thọ lượng… đều là việc khó tin. Do vậy khuyên đại chúng phải mặc áo giáp tinh tấn mới có thể tin nhận để không sợ hãi, nghi ngờ. Phật bảo Di Lặc bổ xứ là vì muốn xây dựng đường hướng pháp Phật cho tương lai.
16. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Nhữ đẳng nhất tâm thính” (Khi đó Đức Thế Tôn … các ông một lòng nghe).
Đây là đoạn kệ tụng nói lại việc Đức Thế Tôn hứa nói và khuyên nghe.
Những vấn đề như trí tuệ, thần thông.v.v.. gồm bốn việc, vì không phải là tầm thường nên khó tin và dễ nghi. Bốn việc đều thuộc về trí tuệ của Phật, nên nói là “Trí Phật chẳng nghĩ bàn” khi niềm tin không có sức mạnh tức là không có niềm tin. “Trụ trong pháp nhẫn” là trụ vô sinh nhẫn mới có thể tin mà không nghi. Nay nói rằng trí tuệ Phật không thể suy lường, là pháp đệ nhất, sâu thẳm không phân biệt nổi. Thế mà hôm nay nói ra, nên lập lại ba lần an nhẫn đừng nghi, khuyên đại chúng tin tưởng và lắng nghe.
17. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn thuyết” đến câu: “Cầu vô thượng tuệ” (Khi Đức Thế Tôn nói … cầu tuệ vô thượng).
Đoạn này Phật đáp lại câu hỏi của Di Lặc.
Nói rằng chúng từ đất vọt lên đều là do Phật giáo hóa khi ngài thành Phật ở cõi Ta bà. Đây là đáp lại các câu hỏi như: Ai thuyết pháp giáo hóa họ thành tựu? Họ theo ai mà phát tâm? Nói thế giới ấy “Ở trong hư không”, ý nói không rời đương xứ (thực tại) để trả lời việc họ từ nơi nào đến. Đối với các “Kinh điển đều đọc tụng thông suốt “là ý nói sự ức niệm để trả lời hành trì kinh của ai. Nói các kinh đều thông suốt, không chỉ một kinh, ý nói tất cả các pháp đều là Phật pháp. “Không thích ở trong chúng đông” để đáp câu tu hành theo Phật đạo nào, là nói từ nơi chỉ quán mà vào được tuệ Phật. “Thường ở nơi thanh tịnh, không nương tựa vào nhân, thiên”. Ý là tu tập thiền chỉ. Người xưa nói: “Ta chẳng từ nơi nhân thiên mà đến”. Trong luận nói: “Tu thiền chỉ thì không nương vào thế giới của hình ảnh, màu sắc, thân và tâm.v.v.. tất cả đều từ bỏ”. “Thường thích trí tuệ thâm sâu”, tức là tu tập quán, quán chiếu rõ ràng là phương pháp đạt được thật tướng pháp. Ý muốn nói rằng tất cả Bồ tát muốn cầu Phật đạo đều phải từ tu chỉ quán mà thể nhập. Câu “ Hạ phương trong hư không” là nói về biểu tượng của chỉ quán, nếu sức chỉ quán chưa mạnh để phá vô số phiền não, thì không thể từ dưới đất mà vọt lên được.
18. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Giáo hóa thị đẳng chúng” (Lúc đó Đức Thế Tôn … giáo hóa các chúng đó).
Đoạn kệ tụng này, lập lại lời đáp.
Sáu câu đầu của kệ tụng, đáp: ai giáo hóa họ, họ theo ai mà phát tâm.Câu: “Chúng đó là con ta”, trở xuống 8 câu, là đáp thọ trì kinh gì, tu tập theo đường nào. Đây là nói về pháp thiền chỉ. Câu: “Ngày đêm thường tinh tấn” trở xuống 6 câu, là đáp câu từ nước nào đến, là nói về pháp thiền quán. Do vì cầu Phật đạo nên trụ trong hư không. Khuyến khích mong cầu trí tuệ nên nói các diệu pháp. Nói đã vào được Phật tuệ là tâm không còn sợ hãi. Nói hai pháp trang nghiêm có đủ, hai câu này nói về đức độ của họ (Bồ tát).
Câu: “Ta ở thành Già Da” trở xuống 8 câu, là nói nhân duyên gốc ngọn ở thành Già da thành đạo. Nói tuy dấu tích gần, giáo hóa thành đạo là ý chỉ cho nhân duyên xa xưa. Cho nên Di Lặc từ đây sinh nghi. Nói thí dụ cha trẻ mà con già, để phát khởi bàn về thọ lượng, lý giải bản thể vậy. Câu: “Ta nay nói lời thật” trở xuống 4 câu, là tụng kết các hỏi đáp ở trên. Đã nói là làm cho phát tâm ban đầu, lại nói sự giáo hóa lâu xa. Thành Phật là việc gần mà lại nói xa, việc này khó tin. Nên mới lấy lời thật dặn dò, ý muốn đừng nghi nên tin tưởng. Việc này chắc có nguyên do, nên đại chúng sinh nghi.

19. Từ câu: “Nhĩ thời Di Lặc Bồ tát” đến câu: “Như thử chi sự thế sở nan tín” (Lúc bấy giờ ngài Di Lặc… việc như thế đời rất khó tin).

Đoạn này nói về đại chúng sinh lòng nghi.
Ý nói là Đức Thế Tôn thành đạo chưa lâu, làm sao giáo hóa được số chúng đông như thế, ai cũng đều được an trụ Bồ đề. Vấn đề này dấu tích thì gần nhưng ý chỉ thì xa nên đáng nghi vậy. Nhưng đại chúng nghĩ rằng: “Ngài Di Lặc thưa thỉnh nghĩa là thấy Như Lai lúc làm thái tử, đi xuất gia, thành đạo đến nay mới hơn 40 năm.Thờn gian ấy quá ngắn”. Đây là chấp vào hiện tướng trước mắt. Nghĩ rằng: Tại sao thời gian ngắn mà giáo hóa chúng đông như vậy đều thành quả Bồ đề, ý nghĩa rất sâu xa nên dễ nghi ngờ. Huống gì các Bồ tát đều là vốn trồng gốc đức lâu xa, không phải trong thời gian ngắn mà thành tựu được, việc này ở đời rất khó tin.
20. Từ câu: “Thí như hữu nhân” đến câu: “Thị sự nan tín” (Thí như có người … việc đó khó tin)
Đoạn này thiết lập thí dụ để giải quyết tình huống nghi thời gian ngắn không thể giáo hóa nhiều chúng.
Tuổi hai mươi lăm là nói rất trẻ, 100 năm là nói rất già. Trẻ là dụ cho Đức Thế Tôn, già là dụ cho số Bồ tát đông đảo từ đất vọt lên, trái ngược rất xa. Cho nên cả thế gian đều nghi.
21. Từ câu: “Phật diệc như thị” đến câu: “Đại công đức sự” (Đức Phật cũng như thế … việc công đức lớn này).
Đoạn này nói về Pháp phù hợp với Thí dụ.
Đắc đạo chưa lâu là hợp với dụ cha trẻ. Đại chúng này rất hiếm có là hợp với dụ con già. Hôm nay Thế Tôn làm công đức lớn này hợp với dụ trái nhau. Nói các Bồ tát này khéo vào ra trong vô lượng tam muội. Hơn nữa đại chúng chưa thấy biểu hiện gì mà Di Lặc lại nói họ đều đắc tam muội. Như thế là diệu dụng tự tại đó không phải là không biết. Cho nên ở dưới đây tự nói là tin lời Phật dạy.
22. Từ câu: “Ngã đẳng tuy phục tin Phật” đến câu: “Diệc bất sinh nghi” (Chúng con dầu lại tin Phật … cũng chẳng sinh nghi).
Đoạn này vì người đời sau mà xin giải quyết lòng nghi ngờ.
Ngài Di Lặc tự trình bày, theo Phật đã lâu, tin lời nói của Phật. Tuy nhiên trí tuệ của Phật đều thông đạt mọi pháp, nên không chỗ nào không biết, đối với vấn đề này tất nhiên không hoài nghi. Chỉ sợ rằng hàng Bồ tát mới phát tâm, trí cạn tâm thô, hơn nữa sau khi Phật diệt độ, khi nghe mà lòng không tin thì mang lấy tội phá pháp. Cho nên xin Phật nói rõ để phá nghi, do vậy khẩn thiết thỉnh cầu. Nếu Như Lai không lấy thuyết Thọ Lượng mà trả lời thì sự nghi lâu dài khó mà giải được. Thế nên chúng từ đất vọt lên là để phát dương cội gốc của Thọ Lượng vậy.
23. Từ câu: “Nhĩ thời Di Lặc Bồ tát” đến câu: “Trụ bất thối địa” (Lúc đó ngài Di Lặc Bồ tát … mà trụ bậc bất thối).
Đoạn này trình bày chỗ nghi. Câu: “Phật xưa từ dòng Thích” Đến câu: “Như thật phân biệt nói” gồm 20 câu, là trình bày sự chấp cái gần, nghi ngờ cái lâu, nên khởi lên lời hỏi này. Như hoa sen ở dưới nước khen ngợi cái đức từ đất mà vọt lên. Câu: “Thí như người trẻ mạnh” trở xuống 8 câu, là nói lặp lại điều dụ. “Thế Tôn cũng như thế” trở xuống 16 câu, là nói Đức lão thành của đại chúng. Câu: “Chúng con từ Phật nghe” trở xuống 12 câu, là nói vì đời sau mà giải quyết điều nghi vậy./.