Kinh Pháp Bảo Đàn Lược Giải

Phẩm Tọa Thiền Ðệ Ngũ

Thiền, không nhất định giới hạn nơi im lặng tịnh tọa, mà là đi đứng nằm ngồi đều là thiền, cho nên nói “đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói im động tĩnh thể an nhiên.” Người biết dụng công, không chỉ giới hạn nơi tịnh tọa mới dụng công, mà bất cứ lúc nào, ở đâu cũng đều có thể dụng công.

Ðại sư bảo đại chúng rằng: “Pháp môn tọa thiền nầy nguyên là chẳng chấp trước tâm, cũng chẳng chấp trước tịnh, cũng chẳng phải chẳng động. Nếu nói chấp tâm thì tâm nguyên là giả. Biết rằng cái tâm như là huyễn, cho nên không có chỗ nào mà chấp được. Bằng nói chấp tịnh, thì tánh người vốn tịnh. Chỉ bởi vọng niệm nên thể Chơn như mới bị lấp che. Nếu không có vọng tưởng, thì tánh tự nhiên thanh tịnh. Khởi tâm chấp tịnh, thì sanh ra cái vọng về chỗ tịnh. Cái vọng không có chỗ nơi, chấp ấy là vọng. Cái tịnh không có hình tướng, bởi lập ra tướng tịnh mới gọi là công phu. Sự thấy hiểu ấy làm ngăn trở Bổn tánh của mình, và cái tịnh trở lại trói buộc mình vậy.

Giảng:

Ðại sư khai thị đại chúng:

Tọa thiền vốn không chấp nơi tâm, cũng không chấp thanh tịnh. Tại sao vậy? Nếu chấp tâm, thì có hai cái tâm. Nếu chấp tịnh, thì có hai cái tịnh. Cũng không nói tôi ngồi hoài không động. Nếu các ông chấp nơi tâm, thì có hai cái tâm, đó thành ra vọng tâm, cần phải biết tâm vốn huyễn hóa không thực, không phải chân tâm, cho nên các ông không nên chấp vào nó.

Tự tánh của người vốn thanh tịnh, vốn đã là thanh tịnh, thì tại sao các ông lại phải chấp vào tịnh? Nếu chấp vào tịnh, thì có hai loại thanh tịnh, tức có chân có vọng. Vì có vọng niệm, cho nên Chân như bị vọng niệm che đậy. Nếu các ông không có vọng tưởng thì trở về diện mục bổn lai thanh tịnh. Nếu các ông sanh tâm chấp vào cảnh, trên bổn lai thanh tịnh mà làm việc “đầu thượng an đầu,” lại sanh một cái tịnh, đó chính là cái vọng, không phải là bổn thể thanh tịnh. Nhưng cái vọng này vốn không có một chỗ nào, nếu ông chấp vào vọng hoặc tịnh đó là điều sai lầm. Ðó chính là đầu thượng an đầu, gắn thêm cái đầu trên đầu nữa.

Sao gọi là thanh tịnh? Thanh tịnh vốn không hình không tướng, mà các ông lại lập ra một cái hình tướng thanh tịnh, quán tịnh và chấp vào tịnh, nói đây là công phu. Có kiến giải như thế, liền chướng ngại bản tánh của mình, mà bị tịnh trói buộc. Vì các ông đã chấp vào tịnh, đây cũng là một loại chấp trước.

Chư Thiện tri thức! Tu hành mà chẳng vọng động, nghĩa là lúc thấy cả thảy mọi người mà chẳng thấy các điều phải quấy lành dữ, tội lỗi của người, tức là tánh mình chẳng động.

Chư Thiện tri thức! Người mê muội, thân tuy chẳng động, mà khi mở miệng ra, thì nói chỗ phải quấy, hay dở, tốt xấu của người, vì thế mà trái nghịch với Ðạo. Bằng chấp tâm chấp tịnh, tức là làm ngăn lấp cái Ðạo vậy.

Giảng:

Quý vị tu bất động à? Vậy cái gì bất động? Bất động không phải là bảo quý vị ngồi đó không động, mà ở trong động tu bất động, ở trong những việc xảy ra thường ngày mà tâm không động. Lúc nhìn thấy mọi người, không thấy cái tốt cái xấu, cái đúng cái sai của người, không phân biệt thiện ác của người, không tìm lỗi lầm của người, đó mới là tự tánh chân chánh bất động.

Người mê tuy thân không động, nhưng vừa mở miệng là tùy tiện nói cái đúng cái sai, cái hay cái dở, cái tốt cái xấu của người, hành vi này trái ngược với đạo. Quý vị vẫn còn chấp tâm chấp tịnh, đó chính là pháp chướng ngại.

Sư bảo chúng rằng: “Chư Thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn nầy không có chỗ nào ngăn, không có sự gì cản. Ngoài đối với tất cả các điều lành dữ các cảnh giới, mà tâm chẳng khởi vọng niệm, gọi là tọa. Trong thấy tánh mình chẳng động, gọi là thiền.”

Giảng:

Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn này, không có chỗ chướng ngại, đối với những cảnh giới đẹp xấu bên ngoài, tâm niệm đều không bị nó giao động, gọi là tọa, không nhất thiết phải ngồi một chỗ ở đó, mới gọi là tọa. Quý vị có thể bên trong nhìn thấy tự tánh mà không giao động, đó gọi là thiền.

Chư Thiện tri thức! sao gọi là thiền định? ngoài lìa tướng là thiền, trong không tán loạn là định. Nếu ngoài dính tướng, thì trong tâm tán loạn. Bằng ngoài lìa tướng, thì trong tâm không tán loạn. Bổn tánh vốn tự định, chỉ vì thấy cảnh rồi nghĩ cảnh, nên mới tán loạn. Nếu thấy các cảnh giới mà tâm chẳng tán loạn, thế mới là thiệt định.

Giảng:

Cái gì gọi là thiền định? Tức ngoài không chấp trước mọi tướng, trong tâm không vọng tưởng, không khởi tạp niệm, đó chính là định. Nếu bên ngoài chấp tướng, thì bên trong không còn định nữa. Nếu ngoài không chấp vào tướng, tâm sẽ không loạn. Bổn lai giác tánh viên minh của chính mình thì tự nhiên thanh tịnh, tự mình sẽ sanh định, nhưng bởi vì quý vị thấy cảnh giới thì chấp vào cảnh giới, nhớ tưởng lại cảnh giới, cho nên tâm loạn. Nếu quý vị có thể ngoài nhìn thấy tất cả cảnh giới mà trong tâm không loạn, đó chính là định chân chánh.

Chư Thiện tri thức! Ngoài lìa tướng tức là thiền, trong không tán loạn tức là định. Ngoài thiền trong định, ấy là thiền định. Kinh Bồ Tát Giới nói: ‘Bổn tánh của mình vốn tự thanh tịnh.’

Chư Thiện tri thức! Trong niệm niệm tự mình thấy Bổn tánh thanh tịnh, tự mình tu, tự mình hành, tự mình thành Phật đạo.”

Giảng:

Ngoài rời tất cả tướng, đó gọi là thiền; trong tâm không loạn, đó chính là định. Ngoài có thiền, trong có định, đó mới là thiền định chân chánh. Kinh Duy Ma Cật nói: “Lập tức hoát nhiên quán triệt, hiểu rõ bổn tâm của mình.” Kinh Phạm Võng nói: “Tự tánh bổn lai của chúng ta vốn tự thanh tịnh.”

Quý vị Thiện tri thức! Trong mỗi niệm, tự thấy được bổn tánh thanh tịnh. Cho nên tự mình tu, tự mình hành, tự nhiên liền có thể thành tựu Phật đạo.