QUYỂN II

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

PHẨM TÍN GIẢI
THỨ TƯ
 
Phẩm này nói về hạng người căn cơ bậc trung lãnh hội chân lý, nhờ nghe thí dụ mà tin hiểu.
Ý tứ của phẩm này là bốn vị Đại đệ tử do nghe Đức Thế Tôn nói thí dụ lại và thấy ngài Xá Lợi Phất lãnh hội và được Phật thọ ký. Các ngài mới tin rằng quả vị trước đây đã đạt chỉ là pháp tạm, hiểu được rằng pháp nhất thừa mới là pháp chân thật. Do vậy sinh tâm hối hận mình đã si mê, nên nói thí dụ về người Cùng tử để trình bày Hoài bão của mình. Nói rõ tình trạng lòng cha thương con khờ dại, để dụ cho tâm sợ Đại thừa pháp. Đã nghe và khai mở tâm trí, có lòng tự tin, hiểu được tình trạng trước đây là sai lầm. Vậy mới có phẩm Tín Giải này.
Tín Giải bắt đầu từ đây, ý đó tiếp tục cho đến phẩm Chúc Lụy mới hết ý nghĩa Tín Giải. Vì các con nhờ tín và giải mới có thể nhận lãnh sự giao phó cuả cha.
1.Từ câu: “Nhĩ thời Huệ Mạng Tu Bồ Đề” đến câu: “Hoan hỷ dõng dước” (Lúc bấy giờ ngài huệ Mạng Tu Bồ Đề… hớn hở vui mừng)
Đoạn này mở đầu trình bày bốn vị Đại đệ tử nghe nói thí dụ sinh tâm tin hiểu nên hớn hở vui mừng, chuẩn bị nói lên bổn hoài của mình.
Pháp nói ở trước chỉ có ngài Xá Lợi Phất, bậc trí tuệ thượng thủ lãnh hội. Nói dụ này, cũng khó tin. Vì từ trước đã lặp đi lặp lại nhiều thí dụ, nhân duyên, sự đàm luận đã thuần thục. Giờ không cần so sánh với ngày xưa nữa, cái chính là không phải trí tuệ thì không hiểu, nên ngài Tu Bồ Đề còn gọi là huệ Mạng đứng đầu. Vì ngài tiêu biểu cho pháp không của Tiểu thừa. Bậc thượng thủ đã xả tất nhiên đại chúng có thể buông xả theo. Do nghe pháp hy hữu nên phát tâm hy hữu, do vậy mà vui mừng hớn hở.
2. Từ câu: “Tức tùng tòa khởi” đến câu: “Dĩ minh kỳ nghĩa” (Liền từ chỗ ngồi đứng dậy… để chỉ rõ nghĩa đó).
Đoạn này trình bày tình trạng được và mất.
Câu: “Chúng con ở đầu trong hàng tăng” trở xuống, trước hết trình bày lý do ngày xưa chấp chặt tin tưởng quả Tiểu thừa là thật. Vì cho rằng tuổi tác đã già, may mắn được an trụ nơi Niết bàn, tự cho mình không được việc lớn, nên không có lòng mong cầu tiến đến Vô thượng bồ đề, tự cho là đủ rồi. Vì thế Đức Thế Tôn một hướng thuyết pháp, mà chúng con mệt mõi, lười biếng không còn nổ lực tinh tấn nữa, chỉ nghĩ đến “Pháp không” mà mình đã chứng, cho là đầy đủ. Tuyệt không có tâm độ thoát chúng sinh. Thế nên đối với pháp Bồ tát đại thừa, thanh tịnh Phâït quốc, giáo hóa chúng sinh, tâm không hứng thú gì. Sở dĩ không thích thú vì ban đầu Đức Thế Tôn dạy chúng con ra khỏi Tam giới, chúng con đã ra khỏi đã chứng quả Niết bàn. Huống gì nay tuổi đã già, chỉ lấy vô làm an ổn, cho nên đối với việc Bồ tát lợi sinh thành Phật không có một niệm ưa thích. Mỗi khi nghe Phật quở trách, tự cho mình không có phần thành Phật, đâu biết rằng quả Niết bàn xưa là do tạm thiết lập mà thôi! Câu: “Chúng con hôm nay” trở xuống, trình bày hôm nay lòng đã tin hiểu. Nhân nghe Phật thọ ký cho Thanh văn thành Phật nên lòng con rất vui mừng, vì đột nhiên nghe được pháp hy hữu. Đại bảo của Đấng Pháp vương, không cầu mà tự có. Đó không phải là niềm vui lớn sao! Tâm vui mừng, không do tự thấy nên nói thí dụ để trình bày sự lãnh hội của mình.
3. Từ câu: “Thí nhược hữu nhơn quý ký ấu trĩ” đến câu: “Thản nhiên khoái lạc vô phục ưu lự” (Thí như có người lúc còn thơ bé… thản nhiên khóai lạc không có sầu lo).
Đoạn này dụ cho lòng tin hiểu.
Trước hết trình bày ngày xưa không có lòng tin, bởi chúng sinh bị vô minh che lấp chân tính, như trẻ con không biết gì, quay lưng lại với tánh giác, đối mặt với bụi trần, luân hồi trong sinh tử. Như con bỏ cha trốn đi, ở lâu dài một quốc gia khác, chìm đắm trong ngũ đạo, sinh tử lâu dài, như năm mươi năm. Đến lúc khôn lớn do không có thiện căn, khốn đốn trong bốn loài (tứ sinh) lấy cái khổ mà sinh sống, như mong cầu ăn mặc, nhờ có nhân duyên chánh đạo huân tập dần dần trở về bổn quốc. Do pháp thân bản giác lưu chuyển trong năm đường nên gọi là chúng sinh. Đó gọi là Như Lai tạng chuyển ba mươi hai tướng tốt vào trong thân chúng sinh như mặc chiếc áo dơ bẩn. Cho nên nói rằng: “Người từ trước đến nay”. Quay lưng với trí giác, đối mặt với trần lao nên gọi là “Cầu con chẳng được”.
Câu: “Ở trong một thành nhà của cha giàu có”.v.v… là thí dụ như đức Như Lai Lô Xá Na ở trong Hoa tạng giới, biểu hiện uy đức của thân tướng, đặc biệt phù hợp với sự trang nghiêm của pháp giới nên gọi là Đại phú (giàu lớn). Châu báu vô lượng, dụ cho thật trí của Phật. Phật có vô lượng tri kiến Ba la mật, tất cả đều đầy đủ nên gọi là “Thảy đều đầy tràn” Nói “Tôi tớ”.v..v… là dụ trí tuệ phương tiện, sự nghiệp lợi sinh của Phật. “Thần dân” thì có thể sai khiến. “Voi ngựa”… có thể chuyên chở, đều dụ cho quyền trí cả. Công đức giáo hóa trở về mình nên gọi là “Lời lãi”. Ứng thân vô lượng khắp cõi nước trong mười phương nên gọi là “Khắp các nước khác”. nhiều người buôn bán. Buôn bán lấy người chủ làm gốc để được lợi, dụ cho ứng thân của Phật.
Trôi lăn trong sinh tử, qua khắp sáu đường, ở trong Kinh Thí dụ là “Trải qua nhiều quốc ấp”. Nay may mắn gặp Phật ra đời giống như dần dần đi đến thành phố của cha. Cha luôn luôn nghĩ đến con, như trong Kinh nói lạ thay! lạ thay! Tất cả chúng sinh đều vốn đầy đủ trí tuệ và đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng điên đảo mà không chứng được. Đó gọi là cha và con cách biệt hơn năm mươi năm. Phật biết chúng sinh có đầy đủ Phật tánh mà chưa thiết lập giáo hóa cho nên nói là “Chưa từng đối người nói việc như thế”.
Từ câu: “Ông tự nghĩ” trở xuống, dụ cho 21 ngày tư duy dưới cội Bồ đề phương pháp độ sinh, lòng ôm sự hối hận. Hối hận ngày xưa đã có chủng tử nhân duyên nhất thừa, không nên bỏ mất. Hối hận vì nhất thừa dễ mất mà khó gặp. “Già yếu” dụ cho công viên quả mãn, như duyên sinh đã hết. “Có nhiều tài vật” dụ cho hai trí (quyền thật) thâm sâu vi diệu. “Không có con cái” dụ cho không có người thượng căn để tiếp nối tuệ mạng. Phật pháp mà không lưu truyền như gia nghiệp tan mất. Muốn có nơi để giao phó, nên trong bảy ngày đầu Phật tư duy để hưng khởi tâm vô duyên đại bi. Suy nghĩ giáo pháp có nơi trao truyền, nên nói “Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà hiện ra nơi đời”, chỉ vì bổn hoài trao truyền chánh pháp. Như ông Trưởng giả suy nghĩ về con trai để giao phó gia nghiệp, mới hết lo nghĩ vậy.
4. Từ câu: “Thế Tôn nhĩ thời cùng tử” đến câu: “Dĩ cầu y thực” (Thưa Thế Tôn, bấy giờ gã cùng tử … cầu sự ăn mặc).
Đoạn này dụ cho hàng Nhị thừa trong hội Hoa Nghiêm sợ Đại thừa.
Lúc thuyết Kinh Hoa nghiêm hàng nhị thừa cũng có tham dự, nhưng chưa nhập vào cửa pháp giới. Cho nên dụ cho kẻ cùng tử tình cờ đến nhà cha mình mà đứng ngoài cửa, nhìn từ xa cha mình đang ngồi tòa sư tử… là dụ thuyết Kinh Hoa Nghiêm. Các vị Bồ tát địa thượng, chủ bạn vây quanh, chư thiên, các thần, vua chúa, thứ dân, tôi tớ, chính là dụ sợ pháp Đại thừa. Vì có mắt mà không thấy thân của Đức Xá Na, có tai mà không nghe được pháp của Hoa Tạng. Ví như oai đức quá cao làm cho tâm lo sợ, nghĩ đó là vua không phải đồng hàng với ta. Cái thấy của nhị thừa nhỏ hẹp và yếu nên mới nghĩ không phải là nơi đủ sức tìm kiếm. Vì Thế giới Hoa nghiêm rộng lớn, tự tại tương ưng với pháp tánh, không phải là đối tượng của hàng nhị thừa. “Xóm nghèo” dụ cho nhân thiên tiểu thừa, dễ tu dễ đắc, nên nói rằng “Có chỗ để nỗ lực kiếm được áo cơm”. Hoặc thấy bức bách dụ cho không có tâm mong cầu. Nếu gượng ép mà giáo hóa bằng pháp Đại thừa e sẽ mất sự lợi ích cho mình, nên gọi là “Liền chạy nhanh đi thẳng”. “Cha thấy con liền biết” dụ cho thấy tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Nếu người có thành tâm, chắc chắn sẽ làm Phật. Cho nên dụ vì nghĩ việc có nơi giao phó, mà nghĩ về đứa con này không phải do thấy mới nhớ. Điều đó dụ cho Phật thường quán chiếu chúng sinh không thấy có tướng chúng sinh. Do chúng sinh tùy cảnh tự nhiên mà hiện ra trong tâm đại bi bình đẳng nên giống như tình cờ mà đến thích hợp với sở nguyện. “Già nua tham tiếc” là dụ cho công đức pháp thân và báo thân hộ niệm cho. “Liền sai người hầu” dụ cho Hoa Nghiêm đốn giáo Đức Phật hộ trợ cho các Bồ tát bằng pháp môn thập tín. Biết tất cả các pháp là tự tánh của tâm, nên thành tựu được trí tuệ, không nhờ bên ngoài. Đều gọi là “Đuổi gấp theo bắt lại”. Thường thì điều mình không làm mà bị ép gọi là oan, nay việc thành Phật không phải là điều cầu mong của hàng nhị thừa, nên dụ chẳng xúc phạm mà bị tìm bắt. Trong Kinh Hoa Nghiêm có bốn mươi vị mỗi vị đều nói về việc Bồ tát luôn mong cầu Phật quả để lợi ích chúng sinh, nên nói “Mau chóng cưỡng bách đem về”. Bồ tát qua lại trong 3 cõi dùng thần thông dạo chơi tự tại, còn hàng nhị thừa xem ba cõi như lao ngục, chán sinh tử như gông cùm. Cho nên dụ người cùng tử nghĩ mình vô tội mà bị bắt ở tù, đây chắc là phải chết. “Chết giấc té xuống” chính là dụ cho có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Nhị thừa bỏ quả Phật rất xa nên thí dụ “Cha thấy con từ xa”. Tuy nhiên nhất thừa đốn pháp, phạm trù không rộng nên suy nghĩ phải khai mở phương tiện. Nên nói: “Thả ra đừng cưỡng ép”.
Từ câu: “Vì sao như vậy?” trở xuống, giải thích lý do phải thả ra, sắp nói lên ý muốn thiết lập quyền giáo. Đức Phật biết rằng nhất thừa đốn giáo hàng căn tánh kém không thể nhận lãnh nổi. Do vậy dụ như người Trưởng giả tự biết mình giàu sang, muốn cho đứa con biết rất khó. Nói: “Biết chắc” là dụ cho nếu chúng sinh không có Phật tánh thì thôi, còn nếu có thì lo gì không giáo hóa được chúng, nên dùng phương tiện mà cứu độ. Đây chính là dụ cho sắp mở cửa phương tiện. “Không nói người khác biết là con của mình” dụ cho chờ đến thời cơ chín muồi nó sẽ nghe được và có lòng tự tin. “Thả cho tự ý mà đi” là dụ cho không cưỡng ép giáo hóa. “Qua đến xóm nghèo” dụ cho thích làm việc thấp kém. Đã biết con mà phải thả ra là ý quyết định sử dụng phương tiện, đây là pháp tạm của nhị thừa, đặc biệc thiết lập riêng cho những chúng sinh căn tánh yếu hèn không có lòng tin vậy.
5. Từ câu: “Nhĩ thời Trưởng giả” đến câu: “Diệc vị năng xả” (Bấy giờ ông Trưởng giả… cũng chưa bỏ được).
Đoạn này dụ cho thiết lập quyền pháp.
Câu: “Toan muốn dụ dẫn”, nói toan muốn… là lời nói chưa dứt khoát, dụ cho Phật chưa hiện ứng hóa thân, trước hết bên trong chứa Bồ tát mà bên ngoài hiện tướng Thanh văn để thực hiện pháp Đồng sự nhiếp, dẫn dụ người nhị thừa mà làm người dẫn đường. Nói “Dọn phân” là dụ cho đoạn trừ phiền não. Trong Kinh Hoa nghiêm thuyết mười hai nhân duyên tức là trí tuệ phổ quang, trí này hàng nhị thừa không lãnh hội nổi! Nên nói rằng tiểu thừa chỉ đoạn kiến hoặc và tư hoặc, mau chứng tiểu quả một cách dễ dàng. Vì vậy nói “Trước hết lấy giá tiền thuê”. Thích kết quả mà tu nhân, dụ là “Tìm con cho việc hốt phân”. Câu: “Cha thấy con thương xót và thấy quái lạ” dụ cho Phật hưng khởi tâm đại bi. Câu: “Ở trong cửa sổ xa trông thấy” là dụ cho Phật chưa hiện thân, dùng Phật nhãn mà quan sát chúng sinh trong lục đạo nghèo nàn không phúc tuệ. Do đó ngài ngồi tư duy hai mươi mốt ngày dùng phương tiện hóa độ chúng sinh. Câu: “Ông liền cởi chuỗi ngọc” là dụ cho Phật ẩn thân tôn quý đặc biệt ngàn trượng, mà hiện tướng tỳ kheo già cao một trượng sáu. Câu: “Tay mặt cầm đồ hốt phân” dụ cho tùy thuận theo căn cơ thấp kém làm việc đoạn trừ ba mươi bốn tâm kiết sử mà thành Phật. Nhờ vậy gần gũi được hàng nhị thừa nên dụ là dùng phương tiện để được gần gũi con mình. Câu: “Gã nam tử này” là ngài la rầy và làm cho con an tâm để không ham việc khác. Dụ cho hàng Tiểu thừa ban đầu theo ngoại đạo nay gần gũi với Phật, sợ họ có tâm thối lui, nên la rầy làm cho an tâm. Câu: “Sẽ trả thêm giá tiền cho ngươi” dụ cho tiểu thừa ban đầu tu học bảy phương tiện được chứng Tu đà Hoàn giống như giá tiền lương một ngày. Từ đó mà tu tiến lên quả thứ 2, thứ 3, thứ 4, dần dần vào quả vị Đại thừa, nên thí dụ tăng giá trị tiền lương vậy.
Câu: “Những đồ cần dùng…” là dụ cho pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Câu: “Kẻ tớ già hèn hạ” dụ cho thần thông của tiểu thừa, là điều Phật bỏ đi thật, nên gọi là tớ già hèn hạ. Câu: “Ta như cha ngươi đó” dụ cho Đức Thích Ca thị hiện tam tạng và Phật quả, do không phải là Phật thật nên gọi là “Như cha”.
Câu: “Vì sao như vậy” trở xuống, dụ coi như cha mà ý dần dần gần gũi. Câu: “Giận hờn thán oán” là dụ ngoại đạo phỉ báng Phật. Lại đặt tên cho cùng tử gọi đó là con, dụ cho nhị thừa cùng các Bồ tát đều vào pháp tính, đều được gọi là con. Chỉ vì còn nhỏ sức yếu nên gọi là “Nhi”.
Câu: “Lúc bấy giờ cùng tử” trở xuống, dụ cho trải qua thời kỳ A Hàm và Phương đẳng, đoạn trừ phiền não Kiến hoặc và Tư hoặc. Nên trong 20 năm thường sai hốt phân. Câu: “Sau đó lòng gã” trở xuống, dụ cho đã qua giai đoạn Phương đẳng mà vào Bát nhã. Nhờ công đức quở trách, đào thải của Phật. Nhị thừa từ đây dần dần đồng với Đại thừa nên gọi là đồng tâm đồng tính. Trong pháp hội Bát nhã, Đức Phật bảo Tu Bồ Đề dạy cho Bồ tát, vì ngài tuy tiểu thừa mà thường dạy pháp Đại thừa nên gọi là “Ra vào không ngại”, chưa bỏ quả tiểu thừa nên nói là “Vẫn còn ở chỗ cũ”.
Câu: “Trưởng giả có bệnh” dụ cho lo lắng Tuệ mạng chưa có người kế thừa mà thời điểm nhập Niết bàn sắp đến. Lý Bát nhã chưa phổ biến khắp pháp giới. Lượng là nhiều hay ít lấy cho nhị thừa chuyển giáo nên truyền dạy nên nói: “Ngươi phải biết hết đó”. Sắp dạy phân định cha con nên trước hết dặn rằng: “ngươi nên thể theo ý ta”. Bát nhã là trí tuệ bình đẳng của Phật nên dụ là: “Cha con không khác”. Sắp sửa phó chúc nên gọi là: “Nên gắng dụng tâm, chớ để sót mất”.
Trên đây đều dụ cho lời dạy của Phật do hàng nhị thừa chuyển qua giáo hóa Bồ tát. Câu: “Liền nhận lời dạy” trở xuống, là phụng mạng Phật chuyển qua giáo hóa Bồ tát. Vạn hạnh của Bát nhã hàng nhị thừa đều biết, nên dụ là: “Lãnh biết các của vật…”. Chỉ vì chưa phải phạm trù trí tuệ của mình nên dụ nói rằng: “Không mong lấy một bữa ăn”. Vì hàng nhị thừa chưa chịu bỏ ngay quả nhỏ, cho nên dụ “Tâm hèn kém của cùng tử chưa thể bỏ được”.
Phần trên là dụ chung lỗi lầm xưa, khoảng bốn mươi năm về trước. Phần dưới là dụ nay đã được pháp lớn, chính là để hiển bày hội Pháp Hoa này.
6. Từ câu: “Phục kinh thiếu thời” đến câu: “tự nhiên nhi chí” (Lại trải qua ít lâu sau… tự nhiên mà đến).
Đoạn này dụ rằng đến đây đã được thành tựu.
Câu: “Lại trải qua thời gian ngắn” là dụ sau khi thuyết Bát nhã hàng nhị thừa đã có tâm ưa thích Đại thừa. Câu: “Lúc lâm chung…” dụ thời gian nhập Niết bàn sắp đến liền thuyết Kinh này thọ ký cho hàng nhị thừa thành Phật. Sắp muốn phó chúc, là nhân lúc Phật Đa Bảo tập hợp phân thân của Phật trong mười phương để chứng minh cho pháp này, nên gọi là: “Hội họp cả thân tộc”. “Lời tuyên bố” dụ cho trong Kinh này nói về nhân duyên giáo hóa xa xưa: “Tất cả tài vật đều là con ta có” dụ cho việc thọ ký về chánh báo và y báo, kiếp số, quốc độ trang nghiêm.v.v… “Người cùng tử nghe cha nói những lời này rất hoan hỷ”, là dụ chính để nói cái được hôm nay.
7. Từ câu: “Thế Tôn! Đại phú Trưởng giả” đến câu: “Giai dĩ đắc chi” (Thế Tôn! Ông phú Trưởng giả… đều đã đặng đó).
Đoạn này đem pháp hợp với thí dụ.
Phật xem chúng sinh như con một, mà tâm ý người nhị thừa cho rằng Bồ tát là con thực sự, tự coi mình là tương tợ như con mà thôi. Đức Phật vì chúng sinh khổ, nên thuyết pháp ly khổ tiểu thừa. Các Thanh văn vì bị cái khổ phiền não thiêu đốt mê muội, tâm họ tha thiết mong thoát khổ. Cho nên thích thú pháp nhỏ, đây là tâm lý thích tiểu thừa. Ba khổ là Khổ khổ, Hoại khổ và Hành khổ. Câu: “Ngày nay Đức Thế Tôn” trở xuống, là dụ hợp với tình trạng mượn pháp tạm. Câu: “Thế Tôn dùng sức phương tiện” là trình bày Đức Phật bảo hàng nhị thừa thuyết Bát nhã để chuyển hóa Bồ tát. Do vì được tiểu quả cho là đủ, nên đối với Bát nhã Đại thừa không có lòng mong cầu. Câu: “Chúng con lại nhân nơi trí tuệ của Phật” trở xuống, trình bày Đức Thế Tôn biết chúng con thích pháp tiểu thừa nên không thọ ký ngay. Cho nên chúng con không biết, chúng con thật sự là con Phật.
Nói chung phần trên phù hợp với sự mất mát ngày xưa. Câu: “Ngày nay chúng con” trở xuống, là nói ngày nay mới biết chẳng mất mát gì. Vì ngày nay thấy Đức Phật từ bi, mới biết ngày xưa vốn không lẫn tiếc giấu, mà chúng con cũng chưa từng mất mát gì, chỉ có điều không thích Đại thừa. Câu: “Ở trong Kinh này” trở xuống, trình bày, giác ngộ được tâm Phật. Thấy ngày nay vì chúng con mà thuyết Nhất thừa thì biết thuở xưa quở trách là muốn dùng pháp Đại thừa giáo hóa đó là lỗi chúng con. Câu: “Vì thế nên” trở xuống, là phù hợp với cái được ngày nay. Nay thấy Đức Thế Tôn thuyết pháp đại thừa, đặc biệt thọ ký cho ngài Xá Lợi Phất và nói một ngàn hai trăm đệ tử đều sẽ làm Phật. Đúng là đại bảo của pháp vương không cầu mà tự đến, do vậy mà có sự vui mừng.
8. Từ câu: “Nhĩ thời Ma Ha Ca Diếp” đến câu: “Đắc vị tằng hữu” (Bấy giờ ngài Ma Ha Ca Diếp… đặng điều chưa từng có).
Đoạn kệ bày trình bày chung sự tin hiểu. Câu: “Thí như” trở xuống 8 câu kệ tụng, dụ chuyện ngày xưa đã mất. Tám câu đầu này nói lại ý con trốn, cha tìm. Câu: “Kiếm tìm đó đã mõi” trở xuống 34 câu, dụ cho Đức Phật ngồi Bồ đề đạo tràng suy tư giáo hóa người có duyên. Câu: “Giờ chết toan sắp đến” dụ cho nếu không giáo hóa được chúng sinh thì tuệ mạng sắp tuyệt dứt. Câu: “Bấy giờ gã cùng tử” trở xuống 12 câu, dụ cho việc mê muội: “Tìm kiếm cơm ăn áo mặc” là dụ cho ở trong đường mê có tâm muốn ra khỏi cảnh khổ. “Hoặc có lúc có, có lúc không” dụ cho theo tiểu thừa và ngoại đạo mà tu tập. Nói: “Đói thiếu”.v.v.. dụ cho chưa tu hành con đường chánh, ngược lại làm thương tổn pháp thể. “Đến thành cha ở” dụ cho đã đi đến đạo tràng mà chưa dám vào. Câu: “Lúc ấy ông Trưởng giả” xuống 10 câu, là dụ cho lúc nói Kinh Hoa Nghiêm. Câu: “Cùng tử thấy cha” trở xuống 14 câu, dụ cho vừa thấy sự biểu hiện của pháp giới.
Câu: “ Lúc bấy giờ Trưởng giảø” xuống 12 câu, là dụ nói pháp Đại thừa Hoa Nghiêm. Thấy tất cả các chúng sinh đều có đủ phật tánh mà chưa nói được, nên gọi là: “Thầm lặng mà ghi nhớ”. Mê ngất ngã trên đất dụ cho sự sợ hãi khi nghe thuyết Đại thừa đốn pháp. “Trưởng giả biết con mình” xuống 12 câu, là dụ cho mở bày quyền pháp. “Lại sai hai người khác” tức trong tâm là Bồ tát mà ngoài từng hiện thanh văn, biểu thị cho pháp đồng sự nhiếp. “Gã cùng tử nghe rồi” xuống 4 câu, dụ cho sự ưa thích pháp nhỏ. “Trưởng giả trong cửa sổ” xuống 10 câu, là che dấu cái thù thắng mà thị hiện cái thấp hèn. Câu: “Trả thêm giá cho ngươi” xuống 8 câu, dụ cho nói pháp nhỏ quả nhỏ để tiến tu. Nói “Như con ta” là tương tợ như con chứ chẳng phải con: “Ông Trưởng giả có trí” trở xuống 12 câu, dụ cho thời kỳ thuyết Kinh Bát nhã “Vào ra hai mươi năm”, chính là nói về sự giáo hóa tư tưởng Bát nhã. Vì không phải trí tuệ của Thanh văn, nên nói “Ta không có vật đó”, nên không trông mong lấy được. Đoạn trên tụng chung thí dụ chuyện ngày xưa mất. Câu: “Cha biết lòng con mình” trở xuống 22 câu, là nói về vấn đề nhân duyên thuyết Kinh Pháp hoa Câu: “Nay ở nơi cha mình” trở xuống 6 câu, dụ cho nay đã được (gia bảo của cha). Trên là nói về dụ, dưới là phù hợp với pháp vậy.
9. Từ câu: “Phật diệt như thị” đến câu: “ứng thọ cúng dường” (Đức Phật cũng như thế… đáng lãnh của cúng dường).
Từ câu: “Đức Phật cũng như thế” trở xuống 8 câu, nói về việc ưa thích pháp tiểu thừa, nên Đức Phật vì họ mà thuyết tiểu pháp. Câu: “Đức Phật bảo chúng con” trở xuống 32 câu, nói chung về sự dừng lại ở nơi pháp tạm.
Từ câu: “Đức Phật bảo chúng con” đến câu: “Để nói đạo vô thượng” là hợp với lý Bát nhã giáo hóa hàng Bồ tát. Câu: “Các hàng Phật tử thảy” đến câu: “Sẽ được thành Phật đạo” là nói về các hàng Bồ tát nghe thuyết Bát nhã đều được thọ ký thành Phật. Câu: “Pháp mầu rất bí tàng” đến câu: “Nói pháp chơn yếu này” là nói tự mình trì trệ nơi pháp tiểu thừa, nghi ngờ Phật không muốn nói pháp Đại thừa cho họ. Câu: “Như gã cùng tử kia” trở xuống, là lặp lại dụ trì trệ nơi quyền pháp, nên gọi là “Tự mình không có chí nguyện” chứ không phải Phật tiếc mà không nói. Từ câu: “Chúng con diệt bề trong” trở xuống 22 câu, là nói rõ lại tâm ban đầu thích tiểu thừa. Do vì vướng mắc tiểu thừa nên được quả nhỏ mà cho là đủ, nên không thích pháp lớn. Do vậy đối với trí tuệ Bát nhã của Phật không có mong ước. Cho rằng pháp mình đã đắc là pháp cứu cánh. Từ câu: “Chúng con từ lâu nay” trở xuống 10 câu, là trình bày lại cái tâm thích tiểu thừa, tức là được quả nhỏ mà cho là báo đáp được ân đức của Phật. Vì vậy cho là đủ mà không cầu tiến. Câu: “Chúng con dầu lại vì” xuống 22 câu, lặp lại sự trì trệ nơi Quyền. Đức Phật phải bỏ để chờ thời gian chín muồi, chờ tâm họ được điều phục rồi mới thuyết pháp cho bậc trí lớn. Ân Phật rất khó báo đáp là ở nơi đây vậy.Từ câu: “ Chúng con ngày hôm nay” trở xuống 28 câu, trình bày ngày nay đã được. Nói là đắc đạo, đắc quả chính là nói rõ ngày nay ngộ được thật trí nhất thừa.Do từ lâu giữ gìn tịnh giới và tu hành phạm hạnh, mà nay mới được quả lớn của đạo vô thượng. Thế biết rằng cái thật ngày nay do quyền pháp ngày xưa mà đến. Ở trước có nói nếu không tin pháp này thì không phải là A La Hán. Nay mới biết A La Hán chân chính, xứng đáng nhận sự cúng dường của trời người.

10. Từ câu: “Thế Tôn đại ân” đến câu: “Tùy nghi thuyết tam” (Ơn lớn cuả Thế Tôn… tùy cơ nghi nói ba).

Đoạn này nói rõ sự biết ân lớn một cách sâu sắc, nghĩ rằng không thể báo đáp nổi.
Từ câu: “Ân lớn của Thế Tôn” trở xuống 26 câu, là nói về ơn lớn khó đền đáp, nghĩa là Đức Phật đã đem việc hiếm có, từ bi thiết lập phương tiện giáo hóa làm cho chúng con được lợi ích, thoát khỏi cái khổ của muôn kiếp, chứng quả vô thượng Bồ đề. Còn có ân nào lớn hơn nữa! Do vậy mà vô lượng ức kiếp không thể báo đáp được.
Câu: “Tay lẫn chân cung cấp” trở xuống, nói về sự khó báo đáp, vì ân ấy như hư không, không thể dùng thân tâm hữu tướng hay các vật ngoài thân mà báo đáp được. Do vậy mà nói: “Trải qua số kiếp hằng sa, cũng không đền đáp được”. Câu: “Các Phật thật ít có” trở xuống 10 câu, trình bày lặp lại lý do khó báo ân Phật, bởi vì Phật tự chứng thần thông vô thượng không thể nghĩ bàn, có thể làm cho chúng ta và chúng sinh thấp kém tiếp nhận được pháp lớn. Hơn nữa Phật vì chúng ta chấp nhận lấy thân tướng phàm phu, thiết lập phương tiện, tùy cơ duyên nói pháp. Đây là ân lớn từ bi của Phật, không thể lấy gì dụ được, làm sao báo được!
Câu: “Các Phật ở nơi pháp” trở xuống 16 câu, trình bày Phật tùy căn cơ mà thuyết pháp, để cảm kích cái ân lập phương tiện. lý do có thể tùy nghi mà nói pháp, vì Phật chứng đắc pháp đại tự tại. Đó là điều Phật dạy: “Ta là đấng Pháp Vương đối với mọi pháp đều tự tại”. Do đó Ngài biết các đối tượng ưa thích của chúng sinh mà tùy theo khả năng của họ làm cho chúng chấp nhận. Ngài đã dùng vô lượng ngôn từ, thí dụ mà thuyết pháp cho họ, tùy căn cơ mà nhận pháp, mọi thứ đều được tính toán, biết rõ, cũng vì vậy mà từ pháp nhất thừa tùy nghi thuyết thành ba thừa. Đây chính là sự lãnh hội ý nghĩa hai mươi mốt ngày tư duy của Phật. Do vậy cảm kích ân đức về lòng ẩn khúc thiết lập phương tiện. Khó báo đáp là như vậy, đã không thể báo đáp thì chỉ tâm cảm xúc sâu xa mà thôi..
Từ ở trên thấy rằng người tri ân Phật tổ rất ít. Còn có thể biết tri ân thì đó chính là người con cốt tuỷ vậy. Một thí dụ về cùng tử, mô tả tình trạng trước và sau của cùng tử lộ rõ bản tâm của Phật và chúng sinh, không có chỗ nào tường tận như vậy. Nếu không biết ân làm sao có được điều đó.