QUYỂN VI
 
 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa


PHẨM THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT
THỨ HAI MƯƠI

 

Đại ý phẩm này, do trước nói về sự thù thắng của công đức trì kinh, nay chính là trình bày hạnh kiên trì.
Đức Như Lai tự thuật thuở xưa đã từng làm Bồ tát tên là Thường Bất Khinh trì Diệu pháp này. Chỉ lấy Phật tuệ bình đẳng mà giáo hóa chúng sinh, cho đến gặp nhiều sự hủy báng nhục nhã, tuyệt đối không khởi niệm chán ghét, nên ngày nay mới đắc quả Bồ đề. Đây là hiệu nghiệm của sự trì kinh.
Căn cứ vào đây để khích lệ hàng nhị thừa, nên tuân theo nguyên tắc này vào đời mạt pháp trì kinh có thể không chán nản, tự mình không bị thối đọa. Diệu pháp này ngộ được là khó, ngộ rồi mà giữ gìn được càng khó hơn, hơn nữa ở trong đời ác mà thường trì kinh này càng khó hơn nữa. Cho nên Đức Thế Tôn có ý lo lắng rất sâu xa mà dặn dò rất tha thiết. Do vậy tuần tự nói công hạnh trì kinh. Từ phẩm Đề bà Đạt Đa đến phẩm này đều thuyết minh việc ngộ và giữ gìn sự ngộ. Đến phẩm này tuân theo hạnh Như Lai, sau mới tinh tấn hành trì đắc được sáu căn thanh tịnh mà thấy rõ chúng sinh. Do vậy mà có phẩm này.
Trước sau các phẩm, văn thì không đồng nhưng nghĩa thì nhất quán, tham cứu kinh văn có thể thấy được ý chỉ và ý hướng thuyết pháp của Như Lai.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo” đến câu: “Thân ý thanh tịnh” (Lúc bấy giờ Phật bảo … thân cùng ý thanh tịnh).
Đoạn này trình bày lợi ích của sự tinh tấn trì kinh.
Trước hết lập lại việc hủy báng trì kinh để cảnh giác cái tội hủy báng, như cuối phẩm trước đã thí dụ, phẩm Pháp Sư cũng đã nói. Phước đức của sự nghe và thọ trì, như phẩm Pháp sư công đức đã nói. Sắp sửa trình bày sự tinh tấn trì kinh mà trước hết lập lại sự mất lợi ích, ý nói là không khéo thọ trì, mà để cho người hủy báng thì mình cũng mang tội. Người pháp sư tuy khéo thọ trì lục căn được thanh tịnh mà không thể giáo hóa kẻ cứng đầu thì chỉ có tự lợi mà không có lợi tha. Nay ngài Thường bất Khinh dùng Phật tính thọ ký phổ cập đại chúng, làm cho hàng tăng thượng mạn đều chuyển tà tâm mà sinh chánh tín thì tự mình cũng được lục căn thanh tịnh. Đó gọi là hai hạnh tự lợi và lợi tha đều được đầy đủ. Phật sắp nói sự tinh thuần trì kinh, mà trước hết nhắc lại tội và phước, ý muốn nói trì kinh thì phải như ngài Thường Bất Khinh mới trọn vẹn sự vi diệu của tinh thuần trì kinh. Phật gọi ngài Đắc Đại Thế Chí mà nói, là trong nhẫn có sức mạnh vậy.

2. Từ câu: “Đắc Đại Thế” đến câu: “Danh Thường Bất Khinh” (Đắc Đại Thế … tên Thường Bất Khinh).
Đoạn này sắp nói đến người tinh thuần trì kinh.

Trước nêu vị Phật là thầy người đó. Phật Oai Âm Vương. Đáng nể sợ là Oai, nghe tiếng mà khuất phục là oai âm, không cần tác ý mà người nể sợ nên gọi là Oai Âm Vương.
Bồ tát an trụ nơi tịch diệt nhẫn, lấy tâm bình đẳng đại bi mà rải ban khắp chúng sinh, chúng sinh nghe tiếng mà tự lo sợ và phục tùng. Cho nên thầy của người ấy là Phật Oai Âm Vương, mà người ta gọi mình là Thường Bất Khinh, đó là lấy cái quý của đức hạnh ban cho mọi người. Nhờ an trú nơi tịch diệt nhẫn, ngã pháp đều mất, vĩnh viễn hết ưu phiền khổ não, nên kiếp tên là Ly suy. Chỉ lấy hạnh nhẫn, không làm tổn hại, tăng lợi ích, nên nước tên là Đại Thành. Đây là Đức Phật thành đạo đầu tiên của kiếp không. Trước đó không có Phật nên trong Tông môn gọi là hướng thượng, là oai âm vương na bạn.
Nay nói về trì kinh tinh thuần mà trước hết chỉ bày tội hủy báng, ý cho rằng nếu thấy tổn hại cho người thì không nên trì kinh, vì không lợi ích gì. Trước có nói về bốn hạnh an lạc, tuy có thể giữ mình khỏi bị người đến hủy báng, không làm tổn hại người. Nhưng không thể chuyển được người không tin phát khởi tín căn, thì pháp sư trì kinh tuy có thể đắc lục căn thanh tịnh mà không làm cho người khác cùng thể nhập, thì chỉ tự lợi, chưa có lợi tha, nên không phải là tinh thuần trì kinh. Nay Thường Bất Khinh Bồ tát, lấy chủng tử Phật tính bình đẳng đại bi thọ ký cho mọi người, không chỉ an trụ nhẫn nhục đối với sự hủy báng mà còn có thể giáo hóa kẻ tăng thượng mạn, chuyển hóa tội lỗi thành phước đức. Đó mới là hạnh tinh tấn chân thật, có thế lực lớn, mới nói hết sự mầu nhiệm của trì kinh. Vì vậy Đức Phật sắp trình bày hạnh này, trước nêu lên cái hại và lợi là có thâm ý.
3. Từ câu: “Đắc Đại Thế” đến câu: “Đương đắc tác Phật” (Đắc Đại Thế … sẽ đặng làm Phật).
Đoạn này nói về nhân duyên có tên là Thường Bất Khinh. Do thấy mọi người đều có Phật tính mà lễ bái ca ngợi là hành Bồ tát đạo sẽ được làm Phật. Đó là lấy tâm bình đẳng đại bi mà nhìn chúng sinh nên không khinh kẻ khác.
4. Từ câu: “Nhi thị Tỳ kheo” đến câu: “Giai đương tác Phật” (Mà vị Tỳ kheo đó … đều sẽ làm Phật).

Đoạn này nói không chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ thực hành lễ lạy, đó là nhờ kinh nói rõ về pháp thân Phật tính chủng tử Như Lai. Nay quán sát mọi người thấy pháp thân có mặt trong thân của họ. Đây là chân kinh ở nơi con người chứ không phải ở nơi giấy mực văn tự. Đây mới là chân thật trì kinh.

5. Từ câu: “Tứ chúng chi trung” đến câu: “Hiệu chi vi Thường Bất Khinh” (Trong hàng tứ chúng … gọi ông là Thường Bất Khinh).
Đoạn này nói do như thế mà được gọi tên là Thường Bất Khinh. Mắng nhiếc mà không giận, đánh đập mà không oán, còn lên tiếng thọ ký nguyện cho người ta làm Phật. Đây chính là an tâm tịch diệt, ngã pháp đều mất, là sự tột cùng của vô ngã, cho nên lâu ngày mà không thối, các hạng xiển đề và mọi người đều khởi tín căn. Nếu không như vậy thì không đủ sức giáo hóa kẻ cường bạo. Nên gọi tên hiệu là Thường Bất Khinh. Thật cao lớn thay! Ý Phật sâu xa vi diệu như thế.
Buổi đầu hàng nhị thừa không nghe kinh này, nên không có điều kiện thành Phật. Pháp thân tuệ mạng đầy đủ trong kinh này, nên nói trong kinh này có toàn thân Đức Như Lai. Hàng nhị thừa khi đã nghe kinh này đều được thọ ký thành Phật.
Phật pháp phải do con người truyền bá, nếu không có người truyền thì tuệ mạng bị đoạn tuyệt. Vì vậy đều quan trọng là người trì kinh, vả lại đời ác khó trì, không khéo trì làm cho người sinh không tin mà còn hủy báng, thì không những vô ích mà còn có hại. Đó là việc trì khó có người đảm đương. Phật thuyết bốn hạnh an lạc để dạy phương pháp trì kinh, không để cho người ta hủy báng, còn làm cho người khác cùng trì như mình. Người như vậy nên cúng dường như cúng dường Đức Phật. Đó là Phật tính tuệ mạng đang ở trong người trì kinh, chứ không phải ở nơi kinh. Điều ấy gọi là: “Người còn thì chánh sự còn được nêu lên”.
Người trì kinh được lợi ích là lục căn thanh tịnh, đây mới là tự lợi, chỉ có thể trì kinh mà chưa thể hoằng truyền kinh. Ngài Thường bất khinh không giỏi tụng kinh, chỉ thực hành lễ bái, đem chủng tử Phật tính ban rải khắp mọi người, nên biết rằng Phật tính ở trong khắp mọi người không riêng ở nơi người trì kinh. Do vậy có thể chuyển hóa tà tâm của họ, giáo hóa từ con người hung bạo trở thành chánh tín, đó là trồng hạt giống thành Phật. Như thế mới gọi là tận cùng bổn hoài nhập thế của Phật. Với những ý nghĩa sâu xa như vậy, chẳng những bốn mươi năm trước là giáo lý phương tiện mà như kinh Pháp Hoa này, đặc biệt những sự kiện này cũng đều là phương tiện dẫn dắt tuần tự từng chút, đến đây mới hiển lộ cái tột cùng. Đâu phải là điều bình thường được! Người xem kinh không thấy tâm Phật mà lấy văn tự, trí biện giải làm chính thì phụ lòng thương sâu sắc của Đức Như Lai, cần phải cảnh giác.
6. Từ câu: “Thị tỳ kheo lâm dục chung thời” đến câu: “Thị Pháp Hoa kinh” (Vị Tỳ kheo đó lúc sắp chết … Kinh Pháp Hoa đó).
Đoạn này nói ngài Thường bất khinh nghe kinh được lợi ích tự lợi. Nói “Sắp chết” là nói lên ý khi chưa nghe kinh, chưa được tuệ mạng. Nói “Ở trong không trung nghe Phật Oai Âm Vương nói kinh này” là muốn nói kinh này là chỗ lưu xuất của pháp giới chân không. Nói “Hai mươi muôn ức bài kệ” ý là khi có đối đãi thì có hai. Đối với kinh này thì tâm và cảnh, cả hai đều mất, là pháp tịch diệt vô tướng. Tâm cảnh chúng sinh mỗi loại là vô lượng, khi nghe kinh này rồi thì tất cả tâm cảnh đều trở thành pháp tịch diệt. Nên kinh nói hai mươi muôn ức bài kệ chưa phải là nhiều. Nói “Liền được sáu căn thanh tịnh” là nói sự lợi ích của trì kinh. Nói Tăng thọ mạng vì khi sắp chết nghe kinh, vì có thể thọ trì nối mạng tuệ Phật, tương xứng với tính tịch diệt của pháp giới, nên được hai trăm muôn ức na do tha tuổi. Vì xứng hợp với pháp tính mà diễn đạt, nên trọn đời nói kinh này.
7. Từ câu: “Ư thời tăng thượng mạn” đến câu: “Tam miệu tam Bồ đề” (Lúc đó hàng tăng thượng mạn … chánh đẳng chánh giác).
Đoạn này nói về ngài Thường Bất Khinh do nghe pháp trì kinh chuyển được tà tâm được lợi ích và lợi tha.
Hàng tăng thượng mạn và mọi người … Trước kia khinh miệt ngài Thường Bất Khinh mà đặt cho ngài mỹ danh là Bất Khinh, tức là đã không còn hủy báng và biết điều tôn trọng. Nay thấy Thường Bất Khinh được “Đại thần thông” tức là được lục căn thanh tịnh. “Sức nhạo thuyết biện tài” tức là giảng giải kinh này “Sức đại thiện tịch” là an trụ nhẫn tịch diệt. Cho nên họ đều tin phục và thuận theo, vì do sức nhẫn của Thường Bất Khinh mà có tác dụng như thế. Do vậy mà còn “Giáo hóa nghìn muôn ức chúng sinh” an trụ Bồ đề. Đây là hạnh lợi tha thấy được sự lợi ích của trì kinh.
Trước kia Đức Thế Tôn sắp nói Diệu Pháp mà có 5000 người tăng thượng mạn lễ Phật lui ra, vậy biết rằng những người này đến như Phật cũng không hóa độ được. Nay gặp ngài Thường Bất Khinh thì được cảm hóa như vậy. Đó là điều gọi là “Xem mặt người có đức, xem ý người đi sứ” như vậy lợi ích của sự đem sức mình thực hành, hơn là sự phân biệt của ngôn ngữ lý thuyết.
8. Từ câu: “Mạng chung chi hậu” đến câu: “Đương đắc tác Phật” (Sau khi mạng chung… sẽ đặng làm Phật).
Đoạn này nói về ngài Thường Bất Khinh trì kinh được lợi ích là gặp được Phật.
Khi mạng chung được gặp hai nghìn ức Phật đều đồng danh hiệu là Nhật Nguyệt Đăng Minh. Ý nghĩa là an trụ trong pháp tịch diệt, chủng tử Phật tính và trí tuệ thường sáng như mặt trời, mặt trăng và đèn. Cho nên gọi là “Ở trong pháp hội đó nói kinh Pháp Hoa”. Lại còn gặp 2000 ức Phật cùng có hiệu là Vân Tự Tại Vương. Ý nghĩa là Diệu pháp như mây, che mọi chúng sinh, ánh sáng của trí tuệ phá tan si ám mà được tự tại tự do lớn. Do đắc lục căn thanh tịnh, không còn đối nhị nguyên nên thuyết pháp không sợ hãi. Cúng dường đã nhiều, thiện căn đã sâu nên nói kinh này lâu dài mà không mệt mỏi, sẽ được làm Phật vậy.
9. Từ câu: “Đắc Đại Thế ” đến câu: “Tam miệu tam Bồ đề” (Đắc Đại Thế… chánh đẳng chánh giác).
Đoạn này nói ngài Thường Bất Khinh là tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Do trì kinh đã lâu nên mau chóng thành Phật. Ý là khuyến khích mọi người chuyên trì kinh.
10. Từ câu: “Đắc Đại Thế” đến câu: “Giáo hóa Anậu Đa la tam miệu tam Bồ đề” (Đắc đại thế … giáo hóa đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác).
Đoạn này nói lợi ích gặp lại Thường Bất Khinh giáo hóa. Mọi người vì giận ghét Thường Bất Khinh mà không tin, nên chiêu cảm nỗi khổ ở địa ngục 1000 kiếp. Tội hết trở lại gặp Thường Bất Khinh giáo hóa cho thành Phật. Nghe mà không tin cũng còn kết được nhân duyên chủng tử Phật.
11. Từ câu: “Đắc Đại Thế” đến câu: “Tam miệu tam Bồ đề bất thối chuyển giả thị” (Đắc Đại Thế… bất thối chuyển nơi vô thượng chánh đẳng chánh giác).
Đoạn này nói về chúng hội hôm nay, chính là những người hủy báng ngày xưa. Do ban đầu hủy báng Kinh Pháp Hoa, nay do nghe kinh này mà được khai ngộ, vậy hiện tiền bốn chúng được lợi ích lớn.
12. Từ câu: “Đắc Đại Thế” đến câu: “Thử tả thị kinh” (Đắc Đại Thế… biên chép kinh này).
Đoạn này trình bày đúc kết lợi ích thù thắng về khuyến khích trì kinh.
Trước nói về tội hủy báng kinh, chỉ nói khổ địa ngục và khổ ba đường, khi hết quả báo làm người không thâu hoạch được lợi ích gì.Ý nói không khéo trì kinh làm cho người khi đến câu trọn đời không tin, tuệ mạng bị đoạn tuyệt. Nay nói người hủy báng chiêu cảm quả báo địa ngục, khổ hết rồi được giáo hóa, tuệ mạng không đoạn tuyệt. Đây là lợi ích của sự khéo léo trì kinh.Ý Phật muốn nói là phải chịu khổ nhục như Thường Bất Khinh mới tinh tấn hành trì rồi mới khuyên người khác thọ trì. Dẫn chứng việc đã qua để dạy việc tương lai, đó là lòng thương sâu xa của Phật.
13. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Tật thành Phật đạo” (Khi đó Đức Thế Tôn… mau chóng thành Phật đạo).
Đoạn này thuật lại nhân duyên xa xưa của ngài Thường Bất Khinh.
Từ câu kệ tụng: “Thuở quá khứ có Phật” trở xuống 40 câu, là nói chung việc trì kinh của ngài Thường Bất Khinh, rồi nói mạng chung nghe kinh. Trước hết nói tăng tuổi thọ, sau đó nói gặp vô số Phật thế mới biết tuệ mạng được tiếp nối vĩnh viễn không cùng tận.
14. Từ câu: “Bỉ thời Bất Khinh” đến câu: “Thính pháp giả thị” (Thuở đó Thường Bất Khinh… nghe kinh Pháp Hoa đó).
Đoạn này nói duyên ngày hôm nay để chứng minh cho nhân thuở xưa. “Thuở đó Thường Bất Khinh” trở xuống 14 câu, nói ngài Thường Bất Khinh chính là Đức Phật Thích Ca. Những người hủy báng trước kia chính là thính chúng trước mắt hiện nay.
15. Từ câu: “Ngã ư tiền thế” đến câu: “Tật thành Phật đạo” (Ta ở trong đời trước … mau chóng thành Phật đạo).
Đoạn này đúc kết sự khuyến khích trì kinh. “Ta ở trong đời trước” trở xuống câu “Lúc ấy nói kinh này” gồm 16 câu, trình bày lợi ích của sự khuyến khích ngày xưa. Câu: “Cho nên người tu hành” trở xuống 8 câu (tức hết kệ tụng) nói lợi ích của sự khuyến khích ngày nay. Nói lúc nghe lúc nói là muốn nói muốn biết ý nghĩa Phật tính nên quán thời tiết nhân duyên.
Người xưa giải thích từ phẩm này trở về trước 20 phẩm là phần Chánh Tông, tám phẩm sau thuộc phần lưu thông. Nay tôi (ngài Hám Sơn) lấy bốn chữ Khai, thị, ngộ, nhập, phân làm 28 phẩm chung làm phần Chánh Tông. Lấy phẩm Đề bà Đạt Đa đến phẩm Chúc Lụy gồm 11 phẩm là Ngộ Phật tri kiến. Từ phẩm Dược Vương đến phẩm Phổ Hiền khuyến phát gồm sáu phẩm là Nhập Phật tri kiến. Hai mươi hai phẩm về trước gọi chung là Tín Giải. Trở về sau sáu phẩm trình bày hành chứng là Nhập Phật tri kiến. Điều này đối với xưa thì giải thích không giống nhau, tôi lấy nghĩa lý làm tiêu chuẩn, đọc vào trong văn sẽ biết rõ./.