GIẢI THÍCH KINH ĐỊA TẠNG
Nguyễn Minh Tiến dịch giải

 

Kinh văn

Phẩm thứ ba: Quán sát nghiệp duyên của chúng sinh

Giảng giải

Mẹ của Phật [thưa hỏi về việc] quán chiếu những nhân duyên tạo nghiệp, chịu khổ của chúng sinh. Đó là nội dung phẩm thứ ba của kinh này.

Thích nghĩa

Nhân vì Bồ Tát Địa Tạng đã nhận lãnh gánh vác trách nhiệm lớn lao là cứu khổ chúng sinh, nên điều tất nhiên là phải thực hành công việc của mình. Thế nhưng muốn làm được công việc cứu khổ này, trước tiên phải quán sát thật rõ ràng, chúng sinh do những nguyên nhân nào tạo nghiệp, khiến cho duyên nghiệp dẫn dắt buộc ràng cho đến phải chịu khổ nạn. Khi đã thấy biết rõ ràng các nguyên nhân tạo thành đủ mọi loại nghiệp báo, sau đó mới có thể giải quyết được từ căn bản vấn đề, cứu giúp độ thoát chúng sinh.

Kinh văn

Lúc bấy giờ, mẹ của Phật là phu nhân Ma-da cung kính chắp tay thưa hỏi Bồ Tát Địa Tạng: “Thưa Thánh giả! Những nghiệp khác biệt mà chúng sinh trong cõi Diêm-phù tạo tác cùng với chỗ báo ứng của họ là như thế nào?”

Giảng giải

Vào lúc đó, mẹ của đức Phật là phu nhân Ma-da, hết sức cung kính chắp tay lại rồi thưa hỏi Bồ Tát Địa Tạng: “Thưa bậc Thánh giả! Những chúng sinh trong cõi Diêm-phù tạo nghiệp khác biệt nhau cho đến việc nhận chịu báo ứng là như thế nào?”

Thích nghĩa

Thánh mẫu nhân vì nghe nói chúng sinh mỗi mỗi đều khác biệt nhau, nên đức Như Lai phải phân thân mới độ thoát hết được, lại nghe Bồ Tát Địa Tạng nói trước đức Phật rằng “Như Lai không cần phải vì những chúng sinh tạo nghiệp ác đời sau mà lo nghĩ”, cho nên bà mới thuận theo đó đưa ra câu hỏi.

Thế nhưng trong hội chúng có rất nhiều người, vì sao phu nhân phải là người thưa hỏi trước tiên? Đó là vì đức Như Lai lên cung trời Đao-lợi vốn để riêng vì mẹ ngài mà thuyết pháp, hơn nữa phu nhân lại là mẹ của Phật, cho nên bà phải là người ở hàng trước nhất.

Kinh văn

Bồ Tát Địa Tạng đáp rằng: “Ngàn vạn thế giới cho đến ngàn vạn cõi nước, hoặc có địa ngục, hoặc không có địa ngục, hoặc có nữ nhân, hoặc không có nữ nhân, hoặc có Phật pháp, hoặc không có Phật pháp, cho đến Thanh văn, Bích-chi Phật, cũng đều như vậy, không chỉ riêng một hạng tội báo nơi địa ngục.”

Giảng giải

Bồ Tát Địa Tạng đáp lời rằng: “Ngàn vạn thế giới cho đến ngàn vạn cõi nước, hoặc có địa ngục, hoặc không có địa ngục, hoặc có nữ nhân, hoặc không có nữ nhân, hoặc có Phật pháp, hoặc không có Phật pháp, cho đến Thanh văn, Bích-chi Phật, cũng đều như vậy, không chỉ riêng một hạng tội báo nơi địa ngục. Vốn dĩ đã là như vậy thì tội báo trong địa ngục làm sao có thể nói cho hết?

Thích nghĩa

Vì sao câu trả lời của Bồ Tát lại không phù hợp với câu hỏi? Đó là vì các thế giới vốn thật vô biên, các cõi nước là vô lượng, chúng sinh là vô tận, nghiệp báo thật không có bờ bến. Nay đức thánh mẫu hỏi về sự khác biệt của chúng sinh tạo nghiệp trong cõi Diêm-phù, phạm vi câu hỏi như vậy tự nhiên là quá nhỏ hẹp. Cho nên câu đầu tiên để trả lời là có đến ngàn vạn thế giới giống như thế giới Ta-bà này của chúng ta, cũng có địa ngục, có nữ nhân, còn như thế giới Cực Lạc thì không có địa ngục, cũng không có nữ nhân. Lại có các thế giới chúng sinh hết thảy đều là Bồ Tát, không có hàng Thanh văn, Duyên giác. Lại có các thế giới chỉ có hàng Thanh văn và Bích-chi Phật. Lại có các thế giới không chỉ là không có Phật, cho đến Bồ Tát, Thanh văn cũng không hề có. Những cõi nước và thế giới như vậy, dù nói nhiều cũng không thể nói hết được.

Kinh văn

Phu nhân Ma-da lại bạch Bồ Tát: “Xin nguyện được nghe những cảnh giới xấu ác ở cõi Diêm-phù do tội báo chiêu cảm.”

Giảng giải

Phu nhân Ma-da lại đối trước Bồ Tát thưa hỏi lần nữa: “Xin nguyện được nghe ngài giảng nói về những cảnh giới xấu ác trong cõi Diêm-phù mà người phạm tội phải chịu quả báo chiêu cảm sinh vào.”

Thích nghĩa

Phu nhân nghe ngài [Bồ Tát Địa Tạng] nói ra rất nhiều thế giới như trên, cho nên bà mới nói: “Những thế giới khác thôi không cần phải nói, chỉ cần nói về thế giới Diêm-phù của chúng ta, những chúng sinh phạm tội chiêu cảm đến những cảnh giới xấu ác khổ nạn nào mà thôi.”

Kinh văn

Bồ Tát Địa Tạng nói: “Thánh mẫu, xin lắng nghe tiếp nhận, nay tôi sẽ nói sơ qua việc ấy.” Mẹ của Phật bạch rằng: “Nguyện bậc thánh giảng nói.”

Giảng giải

Bồ Tát Địa Tạng đáp lời thưa hỏi của phu nhân Ma-da: “Thưa Thánh mẫu, xin người hãy lắng nghe những lời tôi nói. Nay tôi sẽ lược nói sơ qua một lần.” Mẹ của Phật đáp rằng: “Xin bậc thánh hãy nói ra.”

Thích nghĩa

Việc nói sơ lược có hai lý do. Thứ nhất, các địa ngục có quá nhiều tên gọi phức tạp, nếu như muốn nói hết chi tiết cặn kẽ thì hết trọn một kiếp cũng không nói hết. Thứ hai, giảng nói lẽ thiền dùng lời nhu hòa tinh tế, giảng nói việc địa ngục dùng lời cứng cỏi thô tháo.

Kinh văn

Bấy giờ, Bồ Tát Địa Tạng thưa cùng Thánh mẫu: “Các loại tội báo trong cõi Nam Diêm-phù-đề sẽ gọi tên kể ra như sau.”

Giảng giải

Vào lúc ấy, Bồ Tát Địa Tạng nói với Thánh mẫu rằng: “Tên gọi các loại tội báo trong cõi Nam Diêm-phù-đề sẽ kể ra sau đây.”

Thích nghĩa

Bồ Tát Địa Tạng tuy là nói cùng Thánh mẫu, nhưng đó cũng chính là muốn khuyên bảo khuyến khích chúng ta, những chúng sinh đang tạo nghiệp. Thánh mẫu còn tự nguyện nghe nhận, chúng ta có lẽ nào không mau mau tình nguyện lắng nghe tiếp nhận? Nếu không tự nguyện lắng nghe và tiếp nhận lời dạy thì rõ ràng Bồ Tát đã từ trong địa ngục cứu vớt chúng ta ra, nay lại ương ngạnh lao vào địa ngục chịu khổ, vậy mà còn tưởng có cách nào khác để thoát ra được sao?

Kinh văn

Nếu có chúng sinh nào bất hiếu, thậm chí giết hại cha mẹ, ắt phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.

Giảng giải

Ví như có một hạng chúng sinh không chịu hiếu thuận với cha mẹ, cho đến giết hại cha mẹ mình, hạng người như vậy là tạo nhân phải đọa vào địa ngục Vô Gián, trải qua đến ngàn muôn ức kiếp, dù muốn ra khỏi địa ngục ấy cũng không có kỳ hạn nào để mong đợi.

Thích nghĩa

Vừa mở đầu đã nói ngay việc tạo tội liền đọa vào địa ngục, đó là chỉ rõ cho biết chỗ báo ứng chiêu cảm.

Tội ác đầu tiên, trước hết nói tội bất hiếu với cha mẹ. Có thể nói tội bất hiếu với cha mẹ là tội nặng nề nghiêm trọng nhất. Đó là vì thân thể của chúng ta vốn từ cha mẹ mà sinh ra. “Không cha thì ai sinh, không mẹ thì ai nuôi dưỡng?” Cho nên, công ơn cha mẹ thương yêu nuôi nấng chính là lớn rộng như trời đất, chúng ta làm con há có lẽ nào lại không hết lòng hiếu thảo báo đáp? Dê con biết quỳ cảm ơn mẹ cho bú, chim con biết mớm mồi lại cho chim mẹ, làm người không hiếu thảo so ra không bằng cầm thú, huống chi còn đến mức giết cha hại mẹ? Cho nên, bất hiếu với cha mẹ là tội lỗi nặng nề nhất, tất nhiên phải đọa vào địa ngục, phải nhận chịu những đau đớn khổ nạn không cùng tận.

Kinh văn

Nếu có chúng sinh nào làm thân Phật chảy máu, khinh chê hủy báng ngôi Tam bảo, không tôn kính Kinh điển, cũng phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.

Giảng giải

Ví như có một hạng chúng sinh làm thân Phật chảy máu, chê bai hủy báng Tam bảo, không cung kính tôn trọng Kinh điển, cũng sẽ phải đọa vào địa ngục Vô Gián, tuy đã trải qua ngàn muôn ức kiếp, muốn ra khỏi địa ngục ấy nhưng hoàn toàn không có chút hy vọng nào.

Thích nghĩa

Làm thân Phật chảy máu tức là làm tổn thương thân Phật, cho đến chảy máu ra. Người như vậy đọa vào địa ngục ngay trong đời này. Ví như có người làm những việc:

– Hủy hoại, thiêu đốt tranh, tượng Phật;

– Tự cho mình là thông minh, chê bai hủy báng Tam bảo;

– Lúc nghe giảng kinh không có sự nghiêm trang tôn trọng, sinh tâm kiêu mạn;

– Ném vất bừa bãi Kinh điển ở những nơi nhơ nhớp, không sạch sẽ;

– Tham lam cất giữ kinh sách xưa, không chịu tu bổ, sửa sang để lưu truyền rộng rãi, khiến cho mất hẳn không còn để lại đời sau;

– Nhìn thấy các bậc tăng ni không khởi lòng cung kính.

Những tội này cũng đều giống như làm thân Phật chảy máu, phải đọa vào địa ngục.

Kinh văn

“Nếu có chúng sinh nào xâm phạm, gây tổn hại đến chốn chùa chiền tự viện, làm ô nhục tăng ni, hoặc ở trong chốn già-lam thanh tịnh mà phóng túng làm những chuyện dâm dục hoặc giết hại, ắt phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.”

Giảng giải

Ví như có một hạng chúng sinh xâm phạm, gây tổn hại đến nơi tự viện tăng chúng đang cư trú, làm ô nhục tăng ni, hoặc ở trong chốn già-lam mà buông thả làm những chuyện dâm dục hoặc giết hại sinh mạng, hạng người như vậy cũng phải đọa vào địa ngục Vô Gián, trải qua đến ngàn muôn ức kiếp, dù muốn ra khỏi địa ngục ấy cũng không có chút hy vọng nào.

Thích nghĩa

Thường trụ là chỉ nơi chúng tăng lui tới, cư trú để tu tập. Chư tăng dù đến đi không cố định nhưng tài sản, vật dụng nơi ấy vẫn thường xuyên được giữ gìn tồn tại để làm nền tảng cơ sở cho người học đạo về sau. Nếu như quý vị đến nơi thường trụ ấy mà xâm phạm, tổn hại đến đồ vật, dụng cụ bất kể là lớn hay nhỏ, đó chính là xâm phạm tổn hại đến cơ sở học đạo của người đến sau.

Làm ô nhục tăng ni là nói trong chốn chùa chiền, am miếu lại có những kẻ lãng tử vô lại dụ dỗ đàn bà con gái, hoặc ni cô, hoặc gái còn trinh, hoặc góa phụ vào đó làm việc tà dâm.

Già-lam là tiếng chỉ chung hết thảy chùa chiền, tự viện lớn nhỏ. Hoặc có hạng phụ nữ không tự biết nhục, tự mình không giữ trinh tiết, giả dạng vào chùa tu hành, trong lòng chất chứa ham muốn dâm dục, quấy nhiễu làm rối loạn các vị tăng mới học đạo, lén lút ám muội làm chuyện dâm dục, không chút tàm quý hổ thẹn. Hoặc có hạng tăng nhân ăn thịt cá hôi tanh, ở ngay trong chốn chùa chiền lén lút giết hại mạng sống các loài gà vịt tôm cá. Những kẻ như vậy đều là tội lỗi cực kỳ lớn lao, thuộc loại đại ác, sau khi chết cũng đều đọa vào địa ngục Vô Gián.

Kinh văn

“Nếu có chúng sinh nào giả làm bậc sa-môn tu hành nhưng trong lòng không thật tu hành, sử dụng phá hoại của cải thường trụ, lừa dối hàng cư sĩ, vi phạm, trái nghịch với giới luật, tạo đủ mọi tội ác, những kẻ như vậy ắt phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.”

Giảng giải

Ví như có một hạng chúng sinh giả dạng làm sa-môn nhưng trong tâm tánh không hề học theo giới hạnh sa-môn, phá hoại các quy củ nguyên tắc trong chốn thường trụ, lạm dụng bừa bãi tài sản vật dụng của thường trụ, lừa dối những người cư sĩ không hiểu Phật pháp, vi phạm, trái nghịch với những giới luật của người xuất gia, tạo tác đủ mọi loại tội ác. Hạng người như vậy phải đọa vào trong địa ngục Vô Gián, trải qua đến ngàn muôn ức kiếp, dù muốn ra khỏi địa ngục ấy cũng không có chút hy vọng nào.

Thích nghĩa

Sa-môn là phiên âm từ tiếng Phạn śramaṇa, Hán dịch là cần tức (勤息), ý nói chuyên cần giữ theo giới, định, tuệ, dứt trừ tham, sân, si, như vậy thì tên gọi và ý nghĩa mới tương ứng phù hợp. Hiện nay cũng có một hạng người tuy thân giả dạng làm sa-môn, nhưng trong lòng hết sức quỷ quyệt dối trá, chuyên môn làm bại hoại thanh quy thiền môn, tự ý mang vật dụng nhà chùa đi bán sạch, lừa dối gạt gẫm những người cư sĩ không hiểu đạo pháp, việc phi pháp nói là đúng pháp, tự mình sai lầm còn làm cho người khác lầm lạc theo, hủy phạm giới luật, cũng không sớm tự biết tỉnh ngộ, không biết hổ thẹn, quen theo thói cũ tạo tác đủ mọi nghiệp ác. Hạng người tu hành giả dối như vậy, một khi chết đi nhất định phải đọa vào địa ngục.

Kinh văn

“Nếu có chúng sinh nào trộm cắp lấy tài sản, vật dụng, lúa thóc, thực phẩm, y phục… của thường trụ Tam bảo, cho đến chỉ một vật không cho mà tự ý lấy, sẽ phải đọa vào địa ngục Vô Gián ngàn muôn ức kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn.”

Giảng giải

Nếu như có hạng chúng sinh trộm cắp lấy của thường trụ Tam bảo các loại tài sản, vật dụng, lúa thóc, các món thức ăn, cho đến y phục, thậm chí bất kể là một vật gì, chủ nhân không có ý cho mình mà tự ý lấy, cũng phải đọa vào trong địa ngục Vô Gián, trải qua đến ngàn muôn ức kiếp, dù muốn ra khỏi địa ngục ấy cũng không có chút hy vọng nào.

Thích nghĩa

Bất luận là ngày hay đêm, trong lúc có người hay không có người, nếu ở trong chốn thường trụ Tam bảo lấy đi một vật gì mà người chủ của vật ấy không có ý cho mình, tặng mình, cũng chưa hề hỏi qua chủ nhân, như vậy thì dù vật lớn hay nhỏ cũng đều là phạm tội trộm cắp.

Tài sản, vật dụng là những thứ để chúng tăng sử dụng. Lúa thóc là thứ mà chúng tăng dựa vào để sống. Y phục là chúng tăng dùng để che thân. Ngoài ra các thứ thức ăn, đồ uống, cho đến hết thảy các loại hương dầu, đèn đuốc, dù một món cũng không được trộm lấy. Trong kinh đức Phật có dạy, trộm cắp tài vật của thường trụ Tam bảo tội nặng hơn giết hại tám vạn bốn ngàn bậc cha mẹ, quý vị nghĩ xem tội nghiệp lớn lao như vậy liệu có thể suy tính đo lường được sao?

Kinh văn

Bồ Tát Địa Tạng nói: “Thưa Thánh mẫu! Nếu có chúng sinh phạm vào những tội như vậy, sẽ phải đọa vào địa ngục Ngũ Vô Gián, mong được tạm ngừng sự khổ não trong một chốc lát cũng không thể được.”

Giảng giải

Bồ Tát Địa Tạng nói: “Thánh mẫu! Nếu như có những chúng sinh làm những tội nghiệp như vậy, sẽ phải đọa vào địa ngục có năm sự không gián đoạn, muốn tạm dừng sự khổ sở dù chỉ trong thời gian chốc lát ngắn ngủi cũng không thể được.”

Thích nghĩa

Chúng sinh trong cõi Diêm-phù của chúng ta, phạm vào năm loại tội nghiệp như vừa kể trên đây, là những tội nặng nề nghiêm trọng nhất, bất kể là người nào phạm vào, nhất định cũng đều phải tùy nghiệp chịu báo ứng, đọa vào trong địa ngục có năm sự không gián đoạn mà chịu khổ não.

Trong lúc chịu khổ, nếu muốn tạm dừng chỉ trong thời gian thoáng chốc cũng không thể được, phải chịu khổ liên tục mãi cho đến khi nghiệp lực đã hết mới có thể ra khỏi địa ngục. Khi nghiệp còn chưa hết thì phải chịu khổ não trải qua ngàn muôn ức kiếp, không một chút hy vọng nào được ra khỏi địa ngục.

Kinh văn

Phu nhân Ma-da lại thưa hỏi Bồ Tát Địa Tạng: “Vì sao có tên là địa ngục Vô Gián?”

Giảng giải

Phu nhân Ma-da lại thêm một lần nữa thưa hỏi Bồ Tát Địa Tạng: “Theo như ngài nói đó thì vì sao có tên gọi là địa ngục Vô Gián?”

Thích nghĩa

Phần trên nhiều lần nói đến địa ngục Vô Gián, thế nhưng đặt ra tên gọi Vô Gián đó có ý nghĩa gì, do đâu mà có?

Kinh văn

Bồ Tát Địa Tạng đáp: “Thưa Thánh mẫu! Các địa ngục đều nằm trong núi Đại Thiết Vi. Có 18 đại địa ngục. Nhỏ hơn thì có 500 địa ngục, tên gọi đều khác nhau. Nhỏ hơn nữa thì rất nhiều, đến số trăm ngàn, nhưng cũng đều có tên gọi khác nhau.”

Giảng giải

Bồ Tát Địa Tạng đáp lại rằng: “Thưa Thánh mẫu! Hết thảy các loại địa ngục hiện có đều ở bên trong núi Đại Thiết Vi. Trong số đó có 18 địa ngục lớn nhất. Nhỏ hơn thì có 500 địa ngục, đều có tên gọi phân biệt khác nhau. Lại nhỏ hơn nữa thì nhiều đến số trăm ngàn nhưng vẫn có tên gọi phân biệt khác nhau.

Thích nghĩa

Con người tạo tội ác đều không giống nhau, cho nên quả báo nhận lãnh cũng như địa ngục mà họ đọa vào tự nhiên cũng không giống nhau. (Phần chi tiết thì bên trên đã có chú thích qua rồi.)

Kinh văn

“Về địa ngục Vô Gián, có thành vây quanh chu vi hơn 80.000 dặm. Thành ấy toàn bằng sắt, cao đến 10.000 dặm, trên thành phủ đầy lửa, hiếm có khoảng trống. Bên trong thành có các ngục liền kề nhau, đều có tên gọi khác biệt, chỉ riêng có một ngục tên là Vô Gián.”

Giảng giải

Nói đến địa ngục Vô Gián, thì thành vây quanh địa ngục ấy có chu vi hơn 80.000 dặm, làm toàn bằng sắt, cao đến 10.000 dặm. Trên thành phủ đầy lửa dữ, hiếm chỗ nào có khoảng trống. Bên trong thành ngục ấy có các ngục nằm liền kề nhau. Tuy nằm kề bên nhau nhưng đều có tên gọi khác biệt. Chỉ duy nhất có một ngục tên là Vô Gián.

Thích nghĩa

Bốn mặt thành Diêm-la vương phân chia ra các loại địa ngục. Người sau khi mạng chung liền vào thân trung ấm, theo đó vào thành Nê-lê, lúc còn chưa chịu tội thì tụ họp trong thành này. Khi gió nghiệp thổi tới, mỗi người liền tùy theo nghiệp nặng nhẹ mà thọ thân lớn nhỏ khác biệt. Lại có luồng gió hôi hám thổi đến, biến người có tội thành hình thể thô ráp xấu xí; gió thơm thổi đến, biến người có phúc lành thành thân thể xinh đẹp tinh tế.

Trong thành này định rõ những người chịu khổ, thảy đều có hình thể thô xấu. Những người được sinh về cõi người, cõi trời thì thân thể tinh tế đẹp đẽ. Các địa ngục Thất đại, Bát nhiệt đều ở cùng một nơi ấy. Nhân vì trong địa ngục Vô Gián chịu khổ não càng nặng nề hơn cho nên dùng hai chữ “độc hữu” (chỉ riêng có) để nói rõ.

Kinh văn

“Ngục này có chu vi 18.000 dặm, tường ngục bằng sắt cao 1.000 dặm, lửa từ bên trên tràn xuống, lửa từ bên dưới bốc lên, có rắn sắt, chó sắt phun lửa rượt đuổi, chạy qua chạy lại khắp trên tường ngục. Trong ngục có một cái giường biến rộng ra đến 10.000 dặm. Một người chịu tội thì tự thấy thân hình mình lớn ra nằm vừa trên giường ấy, cho đến muôn ngàn người chịu tội, mỗi người cũng đều tự thấy thân hình mình lớn ra nằm vừa trên giường ấy. Đều là do nghiệp lực của chúng sinh chiêu cảm nên chịu quả báo như vậy.”

Giảng giải

Địa ngục Vô Gián đó, chu vi là 18.000 dặm, tường cao 1.000 dặm, hết thảy đều bằng sắt, phía trên có lửa cháy tràn xuống dưới, phía dưới có lửa cháy cháy tràn lên trên. Lại có rắn bằng sắt, chó bằng sắt, miệng phun ra lửa, rượt đuổi chạy theo, phía trên tường ngục lúc ở bên này, lúc chạy sang bên kia. Trong ngục có một cái giường rộng ra đến 10.000 dặm. Một người chịu tội thì tự thấy thân thể mình lớn rộng nằm vừa trên giường này, muôn ngàn người chịu tội thì mỗi người cũng đều tự thấy thân thể mình lớn rộng nằm vừa trên giường. Đó là vì nghiệp lực của chúng sinh chiêu cảm mà phải chịu quả báo như vậy.

Thích nghĩa

Sắt là chất liệu có tính chất cứng rắn nhưng lạnh lẽo, biểu thị lòng người tàn nhẫn lạnh lùng, tập thành thói quen cứng rắn, làm việc xấu ác không chịu cải hối.

Lửa có tính chất dữ dội, mãnh liệt, biểu thị lửa sân hận, lửa phiền não, lửa tham dục của con người, thảy đều thiêu đốt mãnh liệt, không chịu ngưng dứt. Trong khoảng cách giữa hai bờ thành bằng sắt, có 84.000 con đại mãng xà bằng sắt, từ trong miệng phun độc khí trong lửa, thân rắn choáng đầy khắp trong thành. Khi mãng xà ấy cất tiếng phun nọc thì như trời sấm động, mưa xuống đầy những viên sắt lớn.

Bốn góc thành có bốn con chó lớn bằng đồng, bề dài bề rộng đến 40 do-tuần, tia mắt nhìn như chiếu điện, răng nanh như đao kiếm dày đặc, lưỡi như gai sắt, lông trên thân chó toàn là lửa cháy, khói bốc lên có mùi hôi thối, một bên thì miệng phun ra lửa độc, bên kia lại ở trên tường ngục rượt đuổi tội nhân.

Nghiệp của chúng sinh là những nghiệp ác vừa nói trên, như giết hại cha mẹ, làm thân Phật chảy máu, tà dâm, trộm cắp [trong chốn già-lam]… Những nghiệp ác đó chiêu cảm quả báo như vậy.

Kinh văn

“Các tội nhân lại phải chịu đựng đủ mọi khổ hình. Có trăm ngàn dạ-xoa và quỷ dữ, răng trong miệng sắc như lưỡi kiếm, mắt nhìn như tia điện, móng vuốt bằng đồng, bấu níu lôi kéo tội nhân. Lại có dạ-xoa cầm cây kích sắt lớn đâm vào người tội nhân, hoặc đâm trúng vào miệng, mũi, hoặc đâm vào bụng, vào lưng, ném lên không trung rồi đón lấy, hoặc đặt nằm lên giường. Lại có chim ưng bằng sắt, mổ ăn mắt của tội nhân. Lại có rắn bằng sắt quấn siết cổ tội nhân. Hàng trăm đốt xương trên cơ thể đều bị đinh dài đóng vào. Lưỡi bị lôi ra thật dài rồi kéo cày trên đó. Ruột bị lôi ra ngoài rồi chặt đứt từng khúc. Tội nhân lại bị nước đồng sôi rót vào miệng, bị sắt nóng đỏ áp chặt vào thân. Muôn lần chết đi, ngàn lần sống lại, do nghiệp chiêu cảm như vậy.”

Giảng giải

Có những tội nhân chịu các loại khổ hình. Có hàng trăm ngàn dạ-xoa, ác quỷ, răng nanh trong miệng sắc như lưỡi kiếm, mắt nhìn như tia điện chiếu, móng vuốt ở tay như bằng đồng, bấu chặt lôi kéo tội nhân. Lại có những dạ-xoa dùng tội nhân như vật chơi đùa, trong tay cầm cây kích sắt lớn, ném trúng vào thân thể tội nhân, hoặc trúng nơi miệng, nơi mũi, hoặc ném trúng vào bụng, vào lưng, rồi lại nắm lấy tội nhân ném lên không trung cho xoay vòng rơi xuống rồi đón lấy, hoặc đặt nằm lên trên giường. Lại có chim ưng bằng sắt, mổ ăn mắt của tội nhân. Hoặc có những con rắn sắt, quấn cổ tội nhân mà siết lại. Các đốt xương ở khắp tứ chi đều bị những cái đinh rất dài đóng xuyên vào. Lại bị kéo đầu lưỡi ra rồi dùng lưỡi cày kéo cày trên đó. Lại bị lôi ruột ra bên ngoài rồi dùng đao chặt đứt thành khúc. Lại bị nước đồng sôi rót vào trong miệng, bị sắt nóng đỏ áp chặt quanh thân thể. Tội nhân đau đớn muôn lần chết đi thì ngàn lần sống lại. Hết thảy những điều đó đều là do nghiệp ác đã làm của tội nhân nên chiêu cảm phải nhận chịu những khổ não như vậy.

Thích nghĩa

Dạ-xoa vốn cũng là một loại quỷ. Còn có một loại quỷ hung ác gọi là quỷ thú, sinh ra hình dạng đầu trâu tay người, hai chân có móng trâu, sức mạnh có thể dời non lật núi. Lại có loại dạ-xoa là ngục tốt cực kỳ hung ác, sinh ra có tám đầu, sáu mươi bốn cái sừng, trên sừng có lửa phun ra liền hóa thành vòng đao, cuồn cuộn nhập vào trong biển lửa.

Kích sắt ở đây lớn hơn rất nhiều so với cây kích ở thế gian, cho nên gọi là đại thiết kích. Những cây kích lớn này đều được dùng lửa nung đỏ lên, giường sắt cũng dùng lửa nung đỏ lên, khiến tội nhân phải chịu đau đớn cực kỳ. Đó đều là do người đời luôn ôm lòng oán hận người khác không chịu cải hối, tập nhiễm xấu ác thành quả báo như vậy.

Chim ưng sắt, rắn sắt là do tội nhân lúc con sống ở đời thấy người khác bố thí thì dùng lời chê bai, giễu cợt, cười nhạo, lại ở trước các bậc quốc vương, đại thần cùng tất cả chúng sinh nói rằng bố thí không có phước đức gì. Do những lời nói bác bỏ nhân quả, cho rằng không có quả báo nên chiêu cảm quả báo khổ não như vậy.

Về đinh sắt trong ngục, trước tiên ngục tốt mang tội nhân ra ném cho nằm lên sắt nóng, sau đó kéo giãn thân thể tội nhân ra, rồi mới dùng những đinh sắt đã nung đỏ lên đóng vào chân, tay, trên khắp cơ thể. Đóng vào đến hơn năm trăm cây đinh, tội nhân đau đớn gào khóc nhưng vẫn không thể chết đi.

Về việc kéo lưỡi, lôi ruột trong ngục, đó là dùng một cái chĩa dài đâm vào phía xương sườn tội nhân, rồi móc lây gan, ruột lôi cả ra ngoài, cho vào cối giã, túi mật thì xé rách, ruột lôi dài ra, lại cắt mổ da thịt trên thân tội nhân, rồi chặt, rồi chém, giống hệt như người ta bằm nhuyễn rau cải. Đây đều là quả báo của việc nói lời dối trá lừa gạt người khác.

Nước đồng sôi đổ vào trong miệng, nuốt hòn sắt, đó là những kẻ trước đây tham ăn những hoa quả, thực phẩm của chư tăng bốn phương, không chịu đền trả lại, nên phải chịu tội như vậy.

Tội nhân trong ngục chịu đủ mọi sự đau đớn khổ sở như vậy mà chết đi thì hoặc nghe tiếng hét của ngục tốt, hoặc có gió lạnh thổi qua liền sống lại. Chết đi sống lại như vậy muôn ngàn lần cũng chưa chấm dứt. Những kẻ tội báo nặng nề nhất, trong một ngày đêm có đến 84.000 lượt chết đi sống lại như vậy.

Kinh văn

“Trải qua trăm ngàn kiếp, dù muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn. Đến lúc thế giới này tan hoại thì chuyển sinh sang thế giới khác; đến lúc thế giới khác ấy tan hoại lại chuyển sinh về phương khác; đến lúc phương ấy tan hoại lại tuần tự chuyển sang các phương khác nữa [mà liên tục chịu tội]. Đến khi thế giới này hình thành trở lại thì lại sinh về đây, [tiếp tục chịu tội]. Tội báo Vô Gián là như vậy.”

Giảng giải

Người đời làm những việc ác tạo thành nghiệp lực nặng nề nhất thì chỉ một hành động có thể tạo thành đời sống kéo dài ức kiếp trong địa ngục, mong muốn thoát ra cũng không có kỳ hạn. Đến lúc thế giới này tan rã hoại diệt, tội nhân có thể cùng với địa ngục chuyển sinh sang thế giới khác. Khi thế giới khác đó tan rã hư hoại, lại có thể chuyển sinh sang một phương khác. Đến khi phương ấy tan rã hư hoại, lại xoay vần chuyển sinh sang phương khác nữa. Đợi đến khi thế giới này hình thành lại rồi thì sinh trở về đây giống y như cũ. Tội báo trong địa ngục Vô Gián sự thật là như vậy.

Thích nghĩa

Tội báo của chúng sinh tồn tại lâu dài hơn rất nhiều so với sự tồn tại của thế giới. Vì thế giới có các giai đoạn thành, trụ, hoại, không, mỗi giai đoạn đều kéo dài hai mươi tiểu kiếp, nên tuổi thọ trung bình của con người cũng y theo số tiểu kiếp mà có hai mươi lượt tăng, giảm. Kiếp hỏa thì có lửa bắt đầu từ mặt đất thiêu đốt trước nhất, các địa ngục trong núi Thiết Vi khi ấy tuần tự chuyển đi nơi khác. Một khi thế giới này hình thành trở lại thì các địa ngục liền chuyển về núi Thiết Vi cũng y hệt như trước. (Nếu muốn biết rõ ràng hơn về bốn kiếp [thành, trụ, hoại, không], có thể xem thêm sách “Di-đà kinh bạch thoại giải”.

Kinh văn

“Lại do có năm điều chiêu cảm của nghiệp nên gọi là Vô Gián. Đó là những điều gì?”

Giảng giải

Lại vì có năm sự chiêu cảm từ nghiệp báo nên mới gọi địa ngục ấy là Vô Gián. Vậy năm sự chiêu cảm ấy là gì?

Thích nghĩa

Đoạn này nêu tổng quát vấn đề để phân chia nói rõ.

Kinh văn

“Thứ nhất, ngày đêm chịu tội, trải qua hết số kiếp phải chịu tội, không có thời gian gián đoạn, cho nên gọi là Vô Gián.”

Giảng giải

Sự chiêu cảm thứ nhất là, ngày ngày đêm đêm chịu tội chịu khổ, cho đến hết số kiếp phải ở địa ngục, không có một chút thời gian nào gián đoạn, cho nên gọi là Vô Gián.

Thích nghĩa

Thời gian cùng với sự khổ nạn đều không có chút nào gián đoạn, giống như khi chúng ta khởi sinh vọng niệm làm điều xấu ác, cũng liên tục không gián đoạn như vậy.

Có thể thấy sự báo ứng rõ ràng, như bóng theo hình, không mảy may sai lệch.

Vì thời gian không có chút gián đoạn nào, cho nên [sự chiêu cảm này] gọi là thời vô gián.

Kinh văn

“Thứ hai, một người cũng choán đầy địa ngục, nhiều người cũng choán đầy địa ngục, nên gọi là Vô Gián.”

Giảng giải

Sự chiêu cảm thứ hai là, một người ở trong địa ngục cũng choán đầy, nhiều người ở trong địa ngục cũng choán đầy. Cho nên địa ngục ấy gọi là Vô Gián.

Thích nghĩa

Ví như có người phạm vào một trong các nhóm tội đã nói trên, nghiệp ác đó tự nhiên lớn dần, sau khi chết thân hình của người ấy liền lớn lên choán đầy khắp các địa ngục lớn nhỏ, nhận chịu đủ mọi sự đau đớn khổ sở trong các địa ngục, không có khoảng không gián đoạn nào, cho nên [sự chiêu cảm này] gọi là hình vô gián.

Kinh văn

“Thứ ba, những khí cụ hành tội và hình phạt như chĩa ba, gậy gộc, chim ưng, rắn độc, sói, chó, cối giã, cối xay, cưa, đục, đao chặt, vạc nước sôi, lưới sắt, dây sắt, lừa sắt, ngựa sắt, da sống bó quanh đầu, nước sắt nóng tưới lên thân, đói nuốt hòn sắt, khát uống nước sắt nấu chảy, quanh năm suốt kiếp, trải qua nhiều na-do-tha kiếp, liên tục khổ sở không hề gián đoạn, cho nên gọi là Vô Gián.”

Giảng giải

Sự chiêu cảm thứ ba là những công cụ dùng để hành tội không thiếu món nào, như chĩa ba, gậy gộc, chim ưng, rắn độc, sói, chó… đủ loại, đều toàn bằng sắt. Hoặc dùng chày sắt nung đỏ với cối giã bằng sắt đâm giã thân thể tội nhân, hoặc dùng cối xay bỏ tội nhân vào xay, hoặc dùng cưa kéo xẻ, lấy dùi đục đục vào thân, lấy dao băm chặt, hoặc ném vào vạc lớn nấu với nước sôi, hoặc dùng lưới sắt nung đỏ quấn quanh thân thể tội nhân, hoặc dùng dây sắt nung đỏ bó chặt, khiến thân thể tội nhân cứng đờ, từ phía sau nắm dây lôi đi, chặt chém tội nhân đứt thành trăm ngàn đoạn. Lại bắt tội nhân cưỡi lên lừa sắt, ngựa sắt nung đỏ rồi thiêu đốt. Lại dùng da sống bó quanh đầu, lột sống da tội nhân. Có khi dùng sắt nấu chảy thành nước, một mặt buộc tội nhân nhảy lên, một mặt dùng nước sắt nóng ấy tưới xuống thân thể, khiến cho da thịt tội nhân đều cháy nát. Lại có khi đang lúc tội nhân đói khát, ngục tốt dùng kiềm sắt kẹp cạy miệng ra, dùng sắt nấu chảy thành nước đổ vào trong miệng, khiến cho môi, lưỡi, lợi lần lượt cháy nát, nước sắt chảy xuống ruột rồi theo đường dưới mà ra, vẫn còn đỏ rực. Lại có người đang khát, ngục tốt dùng kiềm sắt kẹp cạy miệng ra, dùng sắt nấu chảy thành nước đổ vào, khiến cho môi, lưỡi, ruột, dạ dày, ruột non lần lượt cháy nát, nước sắt theo đường dưới mà ra.

Những sự hành tội như vậy, từ năm bắt đầu cho đến hết kiếp, trải qua na-do-tha số kiếp, đau đớn khổ sở tiếp nối triền miên, không một chốc lát ngưng nghỉ gián đoạn, cho nên gọi địa ngục ấy là Vô Gián, có nghĩa là chịu khổ không gián đoạn.

Thích nghĩa

Chĩa ba, gậy gộc, chim ưng, rắn độc, sói, chó, lừa sắt, ngựa sắt trong địa ngục, đều là do người đời gây sự oan uổng cho người khác, sân hận giận dữ với người khác, tập quen thói xấu ác như vậy chiêu cảm mà thành. Cối giã, cối xay, cưa, đục, đao, vạc nước sôi trong địa ngục, đều là do khi còn sống không tin nhận Tam giáo Nho, Thích, Đạo, không hiếu kính cha mẹ, cũng như giết mổ xẻ thịt, bằm chặt chúng sinh, cho nên phải chịu những tội nghiệp như vậy. Lại có lưới sắt, hòn sắt các thứ, đều là do trước đây đã tạo tác hết thảy các nghiệp ác, hoặc trong thân người, hoặc thân loài phi nhân, tích tụ mà thành như thế.

Kinh văn

“Thứ tư, không phân biệt giới tính nam nữ, không phân biệt chủng tộc Khương, Hồ, Di, Địch, bất kể là già trẻ, sang hèn, bất kể là rồng, thần, trời, quỷ, khi đã tạo tội nghiệp chiêu cảm quả báo ắt đều phải chịu khổ như nhau, do đó gọi tên là Vô Gián.”

Giảng giải

Sự chiêu cảm thứ tư là, bất kể nam hay nữ, thuộc bất kỳ chủng tộc nào, Khương, Hồ, Di, Địch, hoặc người già, trẻ con, người sang, kẻ hèn, hoặc thuộc loài rồng, hoặc là thần, hoặc chư thiên cõi trời, hoặc loài quỷ dưới đất, một khi đã tạo tội, làm việc xấu ác chiêu cảm nghiệp báo đọa vào trong địa ngục thì đều phải chịu khổ giống như nhau. Cho nên gọi địa ngục này là Vô Gián.

Thích nghĩa

Vào thời Tần Hán, các nước Hung Nô được [người Trung quốc] gọi chung là người Hồ. Bốn khu vực tiếp giáp biên giới, những dân tộc chưa được khai hóa văn minh, phía đông gọi là Di, phía nam gọi là Man.

Loài rồng có thể gọi gió làm mưa, gây tội nghiệp làm tổn hại mạng sống muôn loài. Các vị thần hưởng sự cúng kính bằng máu thịt chúng sinh cũng là tội nghiệghiệp. Đến như chư thiên cõi trời, [nếu tạo tội thì] đến khi phước trời hưởng hết cũng phải đọa vào địa ngục. Đó là sự [rộng khắp] không gián đoạn của quả báo.

Kinh văn

“Thứ năm, nếu ai đọa vào địa ngục này thì từ lúc mới vào cho đến trải qua trăm ngàn kiếp, một ngày một đêm có muôn lần chết muôn lần sống lại, cầu mong được tạm dừng chỉ trong khoảnh khắc cũng không thể được, trừ phi đã hết nghiệp mới được tái sinh nơi khác. Do sự hành tội liên tục không dừng nên gọi là Vô Gián.”

Giảng giải

Sự chiêu cảm thứ năm là, ví như một khi đã đọa vào địa ngục này rồi, thì từ lúc mới bắt đầu vào ngục suốt cho đến trăm ngàn kiếp, trong thời gian ấy mỗi một ngày đêm phải trải qua muôn lần chết đi, muôn lần sống lại, nếu muốn cầu được tạm dừng lại trong một khoảnh khắc cực ngắn cũng không thể được. Nếu muốn thoát khổ, chỉ trừ phi nghiệp báo đã hết sạch mới được tái sinh làm người. Vì sự chịu đựng liên tục như thế cho nên mới gọi tên là địa ngục Vô Gián.

Thích nghĩa

Khi tội nhân nghiệp báo đã hết, được ra khỏi địa ngục, đến gặp Diêm vương ở trong thành bằng sắt, người nào cũng mừng vui hoan hỷ được thoát ra, liền lớn tiếng tung hô “vạn tuế”. Diêm vương khi ấy liền gọi tội nhân đến trước mặt dạy bảo rằng: “Bắt nhà ngươi phải chịu bao khổ não như vậy không hề oan uổng cho ngươi. Hiện tại ngươi sẽ đi tái sinh làm con cái nhà người ta, phải biết hiếu thuận với cha mẹ, kính phụng bậc niên trưởng, phải biết kiêng dè pháp luật quốc gia, phải kính phụng vâng lời các bậc sa-môn, những người tu hành.”

Dặn dò chỉ bảo như vậy xong, liền cho người ấy đi tái sinh.

Nhân vì trong suốt thời gian từ lúc vào địa ngục cho đến khi ra khỏi ngục cứ liên tục chết đi sống lại, cho nên điều này gọi là Thọ mạng vô gián.

Kinh văn

Bồ Tát Địa Tạng thưa với Thánh mẫu: “Nói sơ qua về địa ngục Vô Gián là như vậy. Nếu nói rộng ra về tên gọi các khí cụ hành hình cùng với những sự khổ sở đau đớn trong đó thì trong suốt thời gian một kiếp cũng không nói hết.” Phu nhân Ma-da nghe giảng nói rồi, buồn rầu chắp tay đảnh lễ lui ra.

Giảng giải

Bồ Tát Địa Tạng nói với Thánh mẫu rằng: “Hiện tại chỉ nói sơ lược qua về địa ngục Vô Gián là như thế. Nếu muốn nói rộng ra và chi tiết về địa ngục này, về tên gọi đủ các loại khí cụ hành hình cùng những sự khổ sở đau đớn trong địa ngục thì trong suốt thời gian của một kiếp, muốn nói cho hết cũng không thể nào hết được.

Thích nghĩa

Bởi vì những niệm xấu ác của chúng sinh trong khắp thế giới ngày đêm không ngưng dứt, mà những hình cụ trong địa ngục đều do nơi tâm người mà hiện ra nên quý vị nghĩ xem, làm sao có thể nói hết?

Thánh mẫu nghe nói qua việc tội nhân chịu đựng những nỗi khổ vô cùng tận như vậy, trong lòng muốn cứu vớt nhưng không đủ sức, cho nên mới buồn rầu.

Chắp tay là biểu lộ trong lòng không tán loạn.

Đảnh lễ là tạ ơn Bồ Tát Địa Tạng đã tuyên thuyết giảng nói.