QUYỂN III
 

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

PHẨM THỌ KÝ
THỨ SÁU

 
Đại ý của phẩm này, do bốn vị đại đệ tử lãnh hội ý chỉ Phật thuyết pháp bình đẳng chỉ có một vị. Các ngài đã hiểu sự thực vốn không có ba thừa. Tri kiến Phật vốn có đã mở thì nhân tố thành Phật đã đủ. Đức Phật vì bốn vị đệ tử mà thọ ký cho. Do vậy lấy tên Thọ ký mà đặt cho phẩm này. Đó là lý do có phẩm này.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Kỳ sự như thị” (Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn… việc của ngài như thế).
Đoạn này nói về thọ ký cho ngài Ca Diếp.
Việc thọ ký cho các đệ tử, có nhân có quả, mà đạt được kết quả thì có cái giống nhau, có cái không giống nhau đều tùy theo nhân đã gieo mà cảm ứng. Tất cả đều nhờ hôm nay khai mở tri kiến Phật, làm khởi phát tâm ban đầu. Từ đây trở đi động cơ tu hành này là nhân tố thành Phật. Do tác nhân viên mãn mới đắc quả đầy đủ. Trong cái nhân tố ấy có nhân tố thờ Phật, cúng dường Phật. Cúng dường Phật là tu phước, tuyên dương giáo pháp là tu huệ, cả hai đức tính đều đủ gọi là nhân tố đầy đủ sau mới đắc quả. Cho nên mà thân sau cùng được thành Phật quả. Thân sau cùng trong luận nói rằng: “Bồ tát ở địa vị sau cùng (Pháp vân địa) tâm giác mới khởi lên, tâm không còn tướng, xa lìa niệm vi tế, thấy được bản thể của tâm. Đây là lúc vô minh hết, hai loại sinh tử đều mất, gọi là “Thân sau cùng”.
Sự thờ Phật nhiều ít không giống nhau còn vô minh thì dày mỏng không đồng. Việc có tạo dựng tháp hay không tạo dựng tháp đều do tích luỹ phước đức có sâu có cạn không giống nhau. Danh hiệu sai biệt, đều do ở nơi nhân tố căn bản, còn quốc độ được thanh tịnh trang nghiêm thì như nhau, vì do một tâm thanh tịnh thật báo thân cảm ứng mà ra. Giáo hóa chúng sinh không có ba ác đạo là do bổn nguyện chiêu cảm. Quyến thuộc nhiều hay ít, thọ mạng dài hay ngắn, pháp ở đời lâu hay mau, đều do từ nguyện lực mà sắp đặt. Thông lệ như vậy.
Ngài Ca Diếp gọi là Ẩm Quang, do nhân thờ phụng Đức Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật, đốt đèn duy trì tiếp nối ánh sáng, dùng vàng tía mà phết lên hình tượng của Phật, do đó cảm ứng quả gọi là Quang Minh. Đất nước tên là Quang Đức. Kiếp tên là Đại Trang Nghiêm thọ mạng và Phật pháp trụ thế dài hai mươi tiểu kiếp. Có sự sai biệt nào đối với ngài Xá Lợi Phất đều do ở nơi bản nguyện mà ra. Đất nước thanh tịnh là do tâm tịnh. Quyến thuộc ba thừa là do duyên đời trước. Không phải là thế giới ô nhiễm, nên dù có ma và dân ma nhưng đều hộ trì Phật pháp.
2. Từ câu: “Nhĩ thời Đại Mục Kiền Liên” đến câu: “Như cơ tu giáo thực” (Lúc bấy giờ ngài Đại Mục Kiền Liên … như đói cần bảo ăn).
Đoạn này ngài Mục Kiền Liên… vì thấy ngài Ca Diếp được thọ ký nên mong được thọ ký mà thỉnh cầu Phật.
Ở trước Đức Phật đã nói chung 1200 vị Thanh văn đều sẽ được thành Phật, mọi người đều được thành Phật. Nay ba vị Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề, Đại Ca Chiên Diên muốn Phật chỉ tên mình mà thọ ký thành Phật. Do sợ mình không được thành Phật nên run sợ cầu thỉnh. Đó chính là hàng Tiểu thừa còn tập khí chấp tướng đời trước, tâm địa hẹp hòi, chưa thể buông bỏ ngay được. Nay dù mong Phật hứa khả nhưng tự bản thân lại không dám nhận, như đói mà gặp món ăn của nhà vua chưa dám ăn. Chỉ khi nào bảo ăn mới dám ăn.Vì vậy tuy nghe sẽ thành Phật mà trong tâm nghi sợ, chờ mong Phật nói mới được an lòng.
3. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Nhị thập tiểu kiếp” (Lúc bấy giờ Thế Tôn… cũng hai mươi tiểu kiếp).
Đoạn này là ngài Tu Bồ Đề được thọ ký.
Nhân hạnh phụng sự Phật trong tương lai giống như ngài Ca Diếp. Ngài thành Phật hiệu là Danh Tướng, đều tùy theo bản nhân. Do ngài Tu Bồ Đề là giải không đệ nhất, nhưng cái không ấy ngoài danh và tướng không thể có, nên tương lai thành Phật hiệu là Danh Tướng. Đó chính là hiển lộ pháp không mà được chứng. Tôn giả Tu Bồ Đề khi sinh ra thì các kho tàng đều trở nên trống rỗng, cho nên tên gọi kiếp ấy là Hữu Bảo, tên đất nước là Bảo Sinh. Do cái không mà lộ ý nghĩa bất không, cũng là bản nhân vậy. Nước ấy thanh tịnh đồng với tâm tịnh. Dân chúng đều ở trên lâu đài quý báu nên có nghĩa là Hữu Bảo. Hàng quyến thuộc thọ mạng, Phật pháp trụ thế lâu mau, đều giống như ngài Ca Diếp. Có điều Đức Phật ấy thường ở trên hư không thuyết pháp, bởi lẽ do thực chứng không pháp mà kết quả như vậy.
4. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Trang nghiêm kỳ quốc” (Khi đó Đức Thế Tôn… trang nghiêm cõi nước đó).
Đoạn này là ngài Ca Chiên Diên được thọ ký.
Nhân duyên thọ ký là do đời trước đã phụng sự tám ngàn ức Phật. Sau khi Phật diệt độ xây dựng chùa, tháp bằng bảy thứ quý báu, cúng dường Xá Lợi Phất trải qua hai vạn ức Phật. Tổng cộng lại thì ngài ít hơn Ca Diếp và Tu Bồ Đề mà lại mau thành Phật, do ngày xưa ngài giỏi về luận lý làm sáng tỏ bản chất của pháp. Thành Phật hiệu là Na Đề Kim Quang, nghĩa là tột cùng của sự trong sáng. Thọ mạng mười hai tiểu kiếp, tùy theo thời cơ mà cảm ứng việc Phật pháp trụ thế lâu hay mau, đều do nguyện lực mà thành.
5. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn phục cáo đại chúng” đến câu: “Nhữ đẳng thiện thính” (Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo các đại chúng… các ông khéo lắng nghe).
Đoạn này ngài Mục Kiền Liên.
Ngài Mục Kiền Liên thờ phụng Phật ít hơn Ca Chiên Diên, nhưng sau khi Phật diệt độ, xây tháp cúng Phật hai trăm vạn ức và còn nhiều hơn thế nữa, cũng do công hạnh xây dựng cúng dường không đồng nhau. Mục Kiền Liên đời trước là thần thông số một nên thành Phật quả hiệu là Chiên Đàn Hương. Tuy nhiên Hương thì có Thanh, Viễn, Tiềm, Thông là biểu tượng của thần thông. Quyến thuộc thì cũng giống nhau nhưng thọ mạng khá dài, đều do cơ cảm mà ra Phật pháp trụ thế bốn mươi tiểu kiếp, đều do nguyện lực mà duy trì.
Các đệ tử Thanh văn thường lo sợ con đường thành Phật dài và xa. Vì chưa thấy thật quả có thể đạt được, thấy không có quy củ hay nguyên tắc rõ rệt nào nên sinh sợ. Nay được thọ ký làm Phật nhưng phải tu qua nhiều kiếp nên không lo sợ. Do có kết quả thật sự trước mắt, có thời gian chứng đắc thì nghiệp cũ dễ bỏ. Hàng Tiểu thừa rất coi trọng danh từ, ngôn ngữ. Nếu không có lời Phật dạy thì lòng không an ổn. thế mới biết vấn đề thọ ký là dùng lời lẽ ngôn ngữ để mà sách tấn. Như lá vàng ngưng khóc, (?) chính là dùng một cái nêm để đánh bật một cái nêm khác. Cũng như người ta dùng giấc mộng để bàn việc tốt hay xấu, thì cứ theo lời đoán mộng mà làm chuẩn, chứ mộng làm gì có xấu tốt! Vào thời Hán Võ Đế có người giỏi đoán mộng, nhà vua giả đò nằm chiêm bao để thử rằng: Trẫm nằm mộng thấy trong điện có hai mảnh ngói hóa thành một đôi chim uyên ương bay đi. Người đoán mộng nói: Trong cung chắc sẽ có kẻ giết nhau. Bổng chốc lát có người đến báo rằng trong cung có người giết nhau chết. Nhà vua mới nói: Trẫm chỉ nói chơi chứ không có mộng mị gì hết. Vậy vì sao mà có ứng? Người đoán mộng nói rằng: Mộng là chỗ tinh thần biểu hiện, tâm thần đã động thì tốt xấu xuất hiện. Cho nên Đức Phật thuyết pháp độ sinh như nói chuyện mộng, thật đúng vậy.
Từ câu: “Các đệ tử của ta” trở xuống 10 câu, nói để phát khởi lý do cho phẩm sau. /.