KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm THIỆN SINH VƯƠNG

Phẩm Thiện Sinh Vương có chia làm ba phần:

1. Nói về lý do có phẩm này: Trong mười sáu phẩm thuộc phần Học hạnh Lưu thông có năm mục, mục thứ tư là nói về sự trì học. Trì học có hai: Hai phẩm đầu nêu ra sự trì học ngày xưa, có hai ý:

– Vì quả thế gian, tức là đạo tăng thượng sinh.

– Vì quả xuất thế gian, tức là đạo quyết định thắng.

Bắt đầu tu và tu lâu rồi là hai việc khác nhau, nên đại Bi đại Trí là hai hạnh tăng thêm. Phẩm trước nói về tự mình trì học kinh này để cầu quả xuất thế. Lại giải thích: Trong phẩm trước thành tựu phẩm Hộ Quốc ở trước đó là vì che chở đất nước nên thực hành truyền bá kinh này, trong phần phẩm này thành tựu phẩm Hộ Quốc trước đây là vì được thành Phật, chuyển pháp luân… nên thực hành truyền bá kiên điển, do đó phát sinh phẩm này.

2. Giải thích tên gọi: Tiếng Phạn là Câu-xá-la (Hán dịch là Thiện) Xướng-bà-bà (Hán dịch là Sinh), xưa dịch là Thiện tập, nghĩa phiên dịch không chính xác. Phẩm này nói về công hạnh cầu pháp trì kinh của Thiện sinh xưa kia, do đó lấy tên đặt tên phẩm.

3. Giải trừ vấn nạn:

Hỏi: Mục đích là muốn khuyến khích trì kinh nên đưa ra việc ngày xưa để hiểu rõ, ở đây đã trình bày về sự cầu pháp của Thiện Sinh, sao không gọi là phẩm Thiện Sinh Cầu Pháp?

Đáp: Đúng là là nên nói cầu pháp, vì lược bỏ cho nên không nói đến. Hơn nữa, không chỉ có cầu, mà cũng được nghe pháp, cúng dường, thực hành kinh. Nếu nói cầu pháp e rằng thiếu các pháp hành còn lại, vì vậy chỉ nói là Thiện Sinh.

Hỏi: Tăng-kỳ thứ hai, đầu tiên gặp Đức Phật Bảo Kế, vì sao phẩm này nói rằng đức Phật Bảo Kế Niết-bàn, vua Thiện Sinh mới ra đời?

Đáp: Có nhiều Đức Phật hiệu Bảo Kế. Lại nữa, chưa chắc chắn đầu kiếp thứ hai vua Thiện Sinh vương ra đời, vì là thời gian khác.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói về vương pháp Chánh luận cho đại chúng nghe xong, lại bảo đại chúng rằng: Các ngươi nên lắng nghe, nay ta nói về nhân duyên thực hành pháp ngày xưa cho các ông nghe.

Tán rằng: Văn trong phẩm chia làm ba: Đây là kết thúc trước, phát sinh sau, tiếp theo là nói về tu hành, sau đó đại chúng phát nguyện tu học. Đây là phần mở đầu…

Văn kinh: Bấy giờ liền nói Già-tha (kệ tụng) rằng: Xưa ta từng làm vua Chuyển luân, bỏ mặt đất và biển lớn này, bốn châu châu báu đều đầy tràn, mang đến cúng dường các Như lai. Ta trong vô lượng kiếp xa kia, vì cầu chân pháp thân thanh tịnh, mọi vật yêu quý đều bỏ hết, cho đến thân mạng tâm không tiếc.

Tiếp theo là nói về sự tu hành, có ba mươi hai bài tụng, toàn bộ chia làm bốn phần: Hai bài tụng đầu nêu chung về quá khứ cúng dường các Đức để cầu giáo pháp, hai mươi ba bài tụng tiếp theo trình bày riêng về quá khứ tu học kinh này, hai bài tụng tiếp theo là dứt trừ các nghi ngờ, kết thúc hội chúng xưa và nay, năm bài tụng cuối cùng nói về lợi ích tu học khuyến khích các chúng. Trong phần đầu có hai: Một bài tụng đầu là gần gũi các Đức Phật, một bài tụng tiếp theo là vì cầu giáo pháp cao quý.

Văn kinh: Lại ở quá khứ khó tính kiếp, có năm Biến tri hiệu Bảo Kế, sau khi Như lai đó Niết-bàn, có vua ra đời tên Thiện Sinh, làm vua Chuyển luân coi bốn châu, khắp các biển lớn đều quy phục, có thành tên là Diệu Âm Thanh, khi vị vua đó trụ ở đây.

Tiếp theo là phần thứ hai nói riêng về quá khứ tu học kinh này. Trong đó có bốn: Hai bài tụng đầu là người cầu pháp, mười sáu bài tụng tiếp theo chính là cầu pháp; một tụng tiếp theo là nhân đó được nghe, bốn tụng tiếp theo là y đó tu học. Phần đầu là người cầu pháp, có bốn:

  1. Nói về thời gian cầu pháp.
  2. “Có vua ra đời…” về sau là nói về người cầu pháp.
  3. “Làm vua Chuyển luân…” về sau là nói về sự giáo hóa của vua.
  4. “Có thành tên…” về sau là nói về chỗ ở.

Văn kinh: Đêm mộng nghe nói phước trí Phật, thấy có Pháp sư tên Bảo Tích, ngồi thẳng trên tòa như mặt trời, giảng nói kinh Kim Quang nhiệm mầu. Lúc ấy vua kia tỉnh giấc mộng tỉnh, sinh lòng vui mừng khắp toàn thân, đến khi trời sáng rời cua vua, đi đến chỗ Biasô, Tăng-già. Cung kính cúng dường Thánh chúng xong, liền đó hỏi các đại chúng kia, về vị pháp sư tên Bảo Tích, thành tựu công đức độ chúng sinh? Bấy giờ, đại pháp sư Bảo Tích, ở trong một tịnh thất vắng lặng, đang niệm tụng kinh nhiệm mầu ấy, ngồi thẳng bất động thân tâm vui. Liền có Tỳ-kheo dẫn dắt vua, đến nơi ở của sư Bảo Tích, thấy sự ngồi thẳng ở trong thất, ánh sáng tướng tốt khắp cả thân, thưa vua đây chính là Bảo Tích, giữ gìn hạnh Phật thật sâu xa, đó là Kim Quang Minh nhiệm mầu, kinh vương bậc nhất trong các kinh. Vua liền lễ bái sư Bảo Tích, cung kính chắp tay mà cầu thỉnh, cúi mong Mãn Nguyệt Diệm Đoan Nghiêm (Đấng có khuôn mặt như vậy) vầng trăng đầy đoan nghiêm, nói cho pháp Kim Quang nhiệm mầu. Pháp sư Bảo Tích nhận lời vua, hứa nói cho Kim Quang Minh này, khắp nơi trong thế giới tam thiên, đại chúng các trời đều vui mừng. Vua ở nơi thanh tịnh rộng rãi, trang hoàng mọi châu báu lạ kỳ, nước thơm ngọt ngào rưới khắp nơi, các loại hoa quý đều rải đầy. Ngay nơi cảnh đẹp mấy tòa cao, treo phướn lọng lụa để trang nghiêm, các thứ hương bột và hương thoa, khắp nơi đều ngào ngạt mùi hương. Trời rồng, Tu-la, Khẩn-na-la, Mạc-hô-lạc-già và Dược-xoa, các trời đều rưới hoa Mạn-đà, đều đến cúng dường tòa cao kia. Lại có ngàn muôn ức vị trời, thích nghe chánh pháp đều nhóm họp, Pháp sư từ bổn tòa đứng dậy, thảy đều dùng hoa trời cúng dường. Lúc này, đại pháp sư Bảo Tích, tắm gội sạch sẽ mặc y mới, đến chỗ pháp tòa giữa đại chúng, chắp tay chí thành mà kính lễ. Thiên chủ, thiên chúng và thiên nữ, tất cả cùng rải hoa Mạn đà, trăm ngàn nhạc trời chẳng nghĩ bàn, ở giữa không trung phát tiếng hay. Bấy giờ, Đại pháp sư Bảo Tích, liền lên tòa cao ngồi kiết già, niệm các cõi nước khắp mười phương, trăm ngàn muôn ức Đại Từ Tôn, khắp cùng tất cả chúng sinh khổ, đều khởi niệm Từ bi bình đẳng, vì vua Thiện Sinh kia cầu thỉnh, giảng nói Kim Quang Minh nhiệm mầu.

Thứ hai chính là cầu pháp, có mười một:

1. Một bài tụng nhân nằm mộng nên thấy nghe; tiếng Phạn là Lađán-na (Hán dịch là Bảo), Câu-xá (Hán dịch là Tích, xưa dịch là Bảo Minh (sáng) hay Bảo Minh (tối) đều sai.

2 . Hai bài tụng là tỉnh mộng rồi đi tìm.

3. Một bài tụng là chỗ ở của Pháp sư.

4. Có hai bài tụng là bạn lành dẫn dắt chỉ rõ, trong đó có ba: Nửa bài tụng là đến chỗ ở, nửa bài tụng là nhìn thấy oai nghi tướng mạo, một bài tụng là nói về danh tướng và công hạnh.

5. Một bài tụng thấy rồi bắt đầu cầu thỉnh.

6. Nửa bài tụng Pháp sư hứa nhận.

7. Nửa bài tụng đại chúng nghe nên vui mừng.

8. Ba bài tụng trang nghiêm đạo tràng, có hai: Đầu tiên là nhà vua, tiếp theo là tám bộ, nhà vua có hai: Một bài tụng đầu trang nghiêm nơi chốn, một bài tụng tiếp đó trang nghiêm pháp tòa, tiếp đến một bài tụng “Trời rồng…” trở xuống là tám bộ cúng dường.

9. Nửa bài tụng là các vị trời cùng tụ hội.

10. Hai bài tụng rưỡi là Pháp sư đến đạo tràng, trong đó có: Nửa bài tụng đầu khởi định cảm ứng, một bài tụng tiếp đó nghi lễ đến pháp tòa, một bài tụng sau đại chúng tụ hội cúng dường.

11. Hai bài tụng là lên tòa nói pháp, có ba: Nửa bài tụng là oai nghi, một bài tụng là vận ý tưởng, nửa bài tụng chính là nói kinh.

Văn kinh: Vua đã được nghe pháp như vậy, chắp tay nhất tâm xướng vui theo, nghe pháp ít có lệ tuôn trào, thân tâm đều chứa chan niềm vui.

Đây là một bài tụng là phần thứ ba, nhân đó được nghe.

Văn kinh: Bấy giờ, quốc chủ vua Thiện Sinh, vì muốn cúng dường kinh pháp này, tay cầm ngọc ma-ni như ý, phát nguyện đều vì các chúng sinh, nay được ở châu Thiệm-bộ này, rưới các thứ chuỗi ngọc bảy báu, tất cả người thiếu thốn tiền của, đều sẽ tùy tâm được yên vui. Lập tức khắp nơi rưới bảy báu, trong bốn châu thảy đều đầy đủ, chuỗi ngọc đeo thân tùy nhu cầu, áo quần ăn uống đều không thiếu. Bấy giờ, quốc chủ vua Thiện Sinh, thấy bốn châu này rưới châu báu, đều mang cúng dường Phật Bảo Kế, tất cả di giáo Tỳ-kheo Tăng.

Đây là bốn bài tụng là phần thứ tư y đó tu học, pháp thực hành có mười, ở đây chỉ nêu một loại là đầu tiên cúng dường. Cúng dường có mười pháp, ở đây là cúng dường thứ sáu; bởi vì rưới bảy báu ban cho tất cả chúng sinh là đồng với cúng dường. Ttrong đó có bốn: Nửa bài tụng đầu là việc phải làm, kế một bài tụng rưỡi là phát nguyện, kế một bài tụng là nguyện thành tựu, kế một bài tụng là cúng dường. Trong việc làm đầu tiên là cúng dường kinh này tức là pháp, trong cúng dường này tức là Phật và Tăng. Phật là chủ nói pháp, Tăng là người học pháp, kinh là sở học, cho nên đều cúng dường.

Hỏi: Sao không cúng dường Đức Thế Tôn Bảo Kế mà chỉ nói tất cả Tăng?

Đáp: Phật đã diệt độ; hoặc câu trên cúng dường Phật, câu dưới cúng dường Tăng.

Hỏi: Nếu vậy thì Phật diệt độ rồi vì sao nói là cúng dường Phật?

Đáp: Bởi vì biết là thường trụ, hoặc là cúng dường hình tượng Phật.

Văn kinh: Nên biết vua Thiện Sinh quá khứ, chính là ta Thích-ca Mâu-ni, vì ở thời xưa bỏ mặt đất, và các châu báu đầy bốn châu. Đại pháp sư Bảo Tích ngày xưa, nói pháp mầu cho Thiện Sinh nghe, do đó giảng nói kinh vương này, hiện thành Phật bất động phương đông.

Đây là hai bài tụng kết hợp xưa va nay, có hai: Đầu tiên là hợp với người cầu kinh, sau là hợp với người nói pháp. Vì sao? Vì muốn nói lên “nói và nghe” đều là pháp hành nên đều thành Phật.

Văn kinh: Vì ta từng nghe kinh vương này, chắp tay một lời xưng vui theo, và các công đức thí bảy báu, được thân kim cang cao quý này. Kim quang trăm phước tướng trang nghiêm, hễ ai nhìn thấy đều vui vẻ, tất cả hữu tình đều ưa thích, câu-chi chúng trời cũng như vậy. Quá khứ từng qua chín mươi chín câu-chi ức kiếp làm Luân vương, cũng nơi nước nhỏ làm vua người, lại qua vô lượng trăm ngàn kiếp, trong vô lượng kiếp làm Đế Thích, lại cũng từng làm Đại Phạm vương, cúng dường đức Đại Từ thập lực, số lượng các Phật khó cùng tận. Xưa ta nghe kinh vui điều lành, tất cả nhóm phước khó biết lượng, do phước ấy nên chứng Bồ-đề, đạt được pháp thân chân diệu trí.

Đây là năm bài tụng là phần thứ tư nói về lợi ích tu học, có ba: Hai bài tụng đầu nói về tu pháp hành, đạt được quả xuất thế, hai bài tụng tiếp theo nói về tu pháp hành đạt được quả báo xuất thế, một bài tụng sau cuối kết luận nhờ uy lực của kinh đạt được Bồ-đề. Bồ-đề là trí tướng, pháp thân chân diệu trí là trí tánh, nên Bồ-đề và Bồ-đề đoạn cũng gọi là Bồ-đề, hoặc Bồ-đề là chung, pháp thân tức chân như, diệu trí tức là bốn trí.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, đại chúng nghe nói như vậy xong, khen ngợi chưa từng có, đều nguyện thọ trì kinh Kim Quang Minh, truyền bá không dứt.

Đây là phần ba, đại chúng phát nguyện tu học.