QUYỂN II

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

PHẨM THÍ DỤ
THỨ BA
 
Tên của Phẩm là Thí dụ, dùng để so sánh sự kiện phù hợp với thường tình nên gọi là Thí dụ. Đại ýù của phẩm này là Đức Phật thuyết pháp xoá bỏ Quyền pháp tạm ngày xưa để hiển lộ pháp chân thực ngày nay.
Hàng nhị thừa một mực từ bỏ hy vọng thành Phật. Nhưng ngài Xá Lợi Phất, là bậc thượng căn đã từng nghe nói về trí huệ cuả Phật, ngài rất vui mừng tự tin mình có thể làm Phật. Cho nên trình bày sự lãnh hội cuả mình. Đức Phật đặc biệt vì ngài mà thọ ký.
Hàng trung căn và hạ căn còn chấp thủ Quyền pháp nên Đức Phật phải nói thí dụ về ngôi nhàlửa và hứa ban cho các con ba xe,một trong ba xe là quyền thật. Người căn cơ bậc trung mới có thể lãnh hội, do đó mới có phẩm này, cộng với chín thí dụ ở dưới, mỗi dụ đều có chủ đích riêng.Như trước đã nói Đức Như Lai ra đời vì một nhân duyên lớn, nay lấy hình ảnh ông trưởng giả liều mình vào nhà lửa cứu giúp các con mình đó cũng là một thí dụ cho việc lớn phải làm.

1. Từ câu: “Nhĩ thời Xá Lợi Phất hoan hỷ” đến câu: “Tùng pháp hóa sanh đắc Phật pháp phần” (Lúc bấy giờ ngài Xá lợi Phất hớn hở vui mừng… được pháp phần cuả Phật).

Đoạn này ngài Xá Lợi Phất tự bày tỏ niềm vui mừng có được hôm nay và hối hận đã không biết lỗi lầm ngày xưa.Từ câu: “ Vui mừng hớn hở” (dũng dước) trở xuống trình bày về niềm vui mà ngày nay có được. Từ câu: “ Vì sao” Trở xuống là nói sự luyến tiếc đã để mất thời gian.Từ câu: “ Vì sao con thường khi một mình” trở xuống là hối tiếc về lỗi oán Phật.
Ngài Xá Lợi Phất tuy là Tiểu thừa, đã được thấm nhuần ân Phật dạy dỗ không phải là một ngày mà vẫn không hiểu ý Phật,cho là Phật thiên vị, huống chi những đệ tử thông thường! Do vậy mới biết thầy trò như nước với sữa xưa nay khó có.
Từ câu: “Nếu chúng con chờ Phật” trở xuống là trình bày đã biết tâm của Phật không thiên vị, do vì tham chấp Tiểu thừa thành ra lỗi lầm. Từ câu: “Con từ xưa đến nay” trở xuống nói về niềm vui đã được hôm nay.
Từ trước đã nói, nếu đệ tử của ta mà không tin pháp này thì không phải là A la hán chân thực. Cho nên ngài Xá Lợi Phất tự tin dùng từ ngữ “chân tử” (đứa con đích thực) mà hứa với Phật. Chân tử là nhờ nghe Phật thuyết pháp chân thật mà có, nên nói rằng từ miệng Phật sinh. Chuyển hóa tâm chấp thủ một chiều, gọi là từ pháp hóa sanh. Nay pháp quý báu của đấng Pháp Vương tự nhiên đến nên gọi là được Pháp phần của Phật.
2. Từ câu: “Nhĩ thời Xá Lợi Phất dục trùng tuyên thư nghĩa nhu thuyết kệ ngôn” đến câu: “Giáo hóa chư Bồ tát” (Lúc bấy giờ ngài Xá Lợi Phất muốn nói lại nghĩa trên mà nói kệ rằng …giáo hóa các Bồ tát).
Đoạn kệ tụng này nói về sự lãnh hội cuả ngài Xá Lợi Phất.
Ngài tự trình bày sự nghi ngờ ngày xưa đã hết.Ngài lập lại nhiều lần sự kiện này và sự vui mừng đã được như vậy.
Từ câu kệ đầu: “Con nghe tiếng pháp này” trở xuống 10 câu. Trình bày rằng hôm nay đã được nghe pháp lớn, biết rằng mình không mất pháp Đại thừa nên không lo sợ gì nữa.
Từ câu kệ: “Con ở nơi hang núi” trở xuống 24 câu. Trình bày sự hối hận về sai lầm trước kia làm mất pháp Đại thừa.
Từ câu kệ: “ Con thường trong ngày đêm” trở xuống 8 câu. Trình bày tâm thường nghĩ ngợi Hoài nghi không quyết định.
Từ câu kệ: “Nay nghe tiếng Phật nói” trở xuống 20 câu. Trình bày hôm nay nghe pháp được lỗi lầm, hối hận tự trách ngày trước lầm chấp tà kiến.
Từ câu kệ: “Phật ở trong đại chúng” trở xuống 4 câu. Trình bày sự vui mừng do hôm nay nghi ngờ đã hết, đến đây là kết thúc của tụng trường hàng.
Từ câu: “Khi mới nghe Phật nói” trở xuống 36 câu. Trình bày lại tâm trạng nghi ngờ. Thật vậy, tâm con người khó giác ngộ, Đức Phật dạy rõ mà vẫn không tin như món đề hồ mà tưởng thuốc độc. Lúc đầu Xá Lợi Phất xin Phật nói Đức Thế Tôn từ chối, vì nếu nói vấn đề này thì trời người đều nghi sợ. Bây giờ ngài Xá Lợi Phất trình bày cảm nghĩ của mình rằng lúc đầu nghe Phật dạy ngài rất sợ hãi ngờ vực, thậm chí cho Phật là ma, điều đó gần như dứt tuyệt pháp phần (Đại thừa) này. Sự kinh nghi ấy là trạng thái có thể biết rõ. Nếu Đức Phật không dùng các phương thức khác nhau để thuyết phục thì điều nghi này không thể giải tỏa được, rốt cuộc tâm không an ổn được nhờ dẫn chứng nghi thức thuyết pháp của chư Phật ba đời mới tin là tâm Phật mới biết ma ba tuần không có sự kiện như vậy. Do tôi rơi vào lưới nghi nên mới cho Phật là ma.
“Nghe tiếng Phật êm dịu, sâu xa rất nhiệm mầu” là cảm xúc được pháp mà Phật dùng nhiều cách khác nhau để làm hiển lộ thực tại. Hơn nữa Phật dạy rằng hãy sinh tâm hoan hỷ tự biết mình sẽ thành Phật. Cho nên tâm tôi rất vui mừng vì biết chắc mình sẽ thành Phật.
Đức Như Lai xuất thế là vì hàng Nhị thừa, không kể đến nhân duyên ngày trước, mà nay đã khổ tâm trải qua bốn mươi năm, để rồi có được một người tin nhận không nghi. Do vậy mới biết thầy trò khế hợp, việc độ sanh đâu có dễ dàng!
3. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo Xá Lợi Phất” đến câu: “Giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm” (Lúc bấy giờ đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất …Giáo Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm).
Đoạn này trình bày ngài Xá Lợi Phất từ lâu được nhân duyên dạy dỗ của Phật, làm hiển lộ duyên nay đã thuần thục nên được thọ ký.
Pháp giới lấy duyên khởi làm căn bản nên Phật tánh có chánh nhân và nhân duyên (điều kiện chính và phụ), thường gọi là Phật tính từ duyên mà sinh. Chúng sinh dù đủ điều kiện chính là có Phật tính, nhưng nếu không gặp chư Phật, Bồ tát, thiện hữu giáo hóa làm duyên thì khó mà hiển lộ tính Phật. Điều ấy gọi là: Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời. Do vậy Kinh Pháp hoa này chú trọng yếu tố duyên hổ trợ.
Ngài Xá Lợi Phất dù tin mình sẽ làm Phật, mà vẫn nói sự nghi ngờ ngày xưa, cho rằng mình đã mất lợi ích làm Phật. Do vậy Phật nói nguyên do giáo hóa ngày xưa, là đã dạy nhân duyên Phật đạo cho Xá Lợi Phất rồi, nhưng chỉ vì quên chứ không thật sự mất mát. Nay tuy nói hàng thanh văn thành Phật là để chỉ cái vốn có để làm tăng lòng tự tin. Thực ra không có thêm riêng một cái gì. Kinh Pháp Hoa này chỉ nói nhân duyên thành Phật. Một mực không nói nên gọi là hộ niệm. Nay đã nói rồi thấy nhân duyên đã thuần thục, đó gọi là phó chúc, cũng gọi là thọ ký. Dưới đây là các đệ tử được thọ ký.
4. Từ câu: “Xá Lợi Phất nhữ ư vị lai thế” đến câu: “Tượng pháp trụ thế diệc tam thập nhị tiểu kiếp” (Xá Lợi Phất! Ông đến đời vị lai… trụ đời cũng ba mươi hai tiểu kiếp).
Đoạn này nói về việc thọ ký.
Ký cũng gọi là ký biệt, biệt là hạt giống của rau cỏ, ý muốn nói nhân quả không sai. Ngài Xá Lợi Phất tự biết mình sẽ làm Phật mà được thọ ký còn trải qua nhiều kiếp phụng sự chư Phật, đầy đủ đạo Bồ tát rồi sau đó mới thành Phật. Do hàng thanh văn một mực an trú Tiểu thừa, đã diệt mất cơ hội thành Phật, đó không phải là bổn hoài giáo hóa của Phật. Cho nên trải qua bốn mươi năm đến nay tạo nhiều điều kiện để phát khởi tâm lý buông bỏ Tiểu thừa xu hướng Đại thừa, để rồi cuối cùng không đạt được gì. Vì họ không tin tâm mình là Phật. Do không tin là Phật nên tất cả con đường Bồ tát, con đường lợi lạc quần sinh không có phần mình. Do vậy mà trải qua nhiều kiếp vô minh vẫn y nguyên chưa phá được. Đây là hạng tiêu nha bại chủng vậy.
Đức Thế Tôn mở nhiều phương tiện để điều phục, đến nay mới khẳng định niềm tin. Nhưng điều tin tưởng đó, chính là tâm bất sinh bất diệt, tâm này là chánh nhân để thành Phật, trên cơ sở này thực hành tu tập thành Phật. Tuy nhiên Bồ tát thực hành con đường thành Phật sử dụng bốn thệ nguyện rộng lớn làm cơ sở. Đó là: Hóa độ vô biên chúng sinh, dứt trừ vô tận phiền não, học tập vô lượng pháp môn, thành tựu vô thượng Phật đạo.
Hàng Nhị thừa sợ hướng về Phật đạo lâu dài và xa xôi, đâu có chịu phát tâm Đại thừa này! Đến nay đã tin tự tâm nên có thể dạy hạnh đại thừa. Đó gọi là giáo Bồ tát pháp. Cúng dường nhiều Phật là tu phước, đầy đủ hạnh lành là tu huệ. Phước huệ đều đủ tứ hoằng thệ nguyện đã viên mãn, đó là nhân tố để thành Phật. Cho nên trải qua nhiều kiếp sau nửa mới thành kết quả, danh và thật đều đủ, y báo chánh báo trang nghiêm vậy.
Ngài Xá Lợi Phất thành Phật hiệu là Hoa Quang. Danh hiệu này căn cứ vào gieo nhân mà có được. Hoa là nhân, Quang là trí. Ngài Xá Lợi Phất do trí tuệ quá khứ làm nhân, nên kết quả cũng như vậy. Mười hiệu các nơi khác đều đã giải rõ. Đây là danh hiệu chung của chư Phật.
Nước tên là Ly cấu, tất nhiên không giống cõi Ta bà, tuy nhiên Phật cũng dùng ba thừa để giáo hóa, bởi tùy theo bản nguyện.
Kiếp tên là Đại bảo nghĩa là thời kỳ không có năm trược Bồ tát hiện diện vô số, chỉ thuần bậc thượng căn, thọ mạng mười hai tiểu kiếp, không phải là kiếp giảm. Khi sắp diệt độ Phật chuyển thọ ký cho Kiên Mãn Bồ tát, làm cho chánh pháp tiếp nối vô cùng. Chánh pháp và tượng pháp tồn tại ba mươi hai tiểu kiếp. Do thời kỳ không có năm trược, con người không ba điều ác, Phật pháp tồn tại ở đời lâu như vậy. Đây gọi là Phật vị lai vậy. Nhưng các đệ tử được thọ ký thành Phật, y báo và chánh báo đều trang nghiêm, hàng quyến thuộc rất ưu việt, chánh pháp tồn tại lâu xa; tất cả đều trội hơn đức Thích Ca Mâu Ni: Vì sao? Vì thế giới hoa tạng có hai mươi tầng cõi Phật nên thù thắng vi diệu rất đặc biệt. Cõi ta bà thì ô nhiễm không chịu nổi, vì cũng đồng với ác nghiệp cuả chúng sinh, là nơi cảm ứng quả báo phiền não; là nơi Đức Phật ứng thân điều phục chúng sinh. Đó không phải là cảnh Thật báo trang nghiêm vi diệu. Nay các Thanh văn thành Phật là đi thẳng vào cõi thật báo trang nghiêm, nơi mà chư Phật đều đoạn diệt mọi phiền não, thuần nhất nhân tố thanh tịnh. Nhân đã thanh tịnh thì cảm ứng quả báo thanh tịnh mà thành cõi thanh tịnh, không chỗ nào so sánh được. Ở đây tuy thù thắng nhưng mới chỉ là một hạt bụi, một sợi lông nhỏ xíu trong thế giới hoa tạng, đâu có thể đo lường được toàn thể pháp giới! Chỉ có Đức Phật Tỳ Lô Giá Na chứng nghiệm cái tuyệt đối của pháp giới mới biết rõ cảnh giới hoa tạng. Điều đó cho thấy trí huệ của Phật không thể suy nghĩ hay bàn luận đến được, khó tin khó hiểu là như vậy. Phần sau nói đến nhà của ông Trưởng giả giàu có, con của ông tất nhiên được kế thừa gia nghiệp, điều đó chẳng qua muốn nói hết cái tâm lượng của mình mà thôi chứ làm sao mà hết được gia sản của Trưởng giả được.
Xem đây có thể biết đường hướng của Kinh này.
5. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên”, đến câu: “Nghi ưng tự hân khánh” (Lúc ấy Đức Thế Tôn muốn tuyên lại… nên phải tự vui mừng).
Đoạn kệ tụng này nói lại việc thọ ký.
Tụng nói Hoa Quang cũng là vương tử xuất gia. Ngày xưa Phật Đăng Minh cho đến Đức Thích Ca Mâu Ni đều từ vị trí vương tử mà xuất gia. Vì vậy phải biết rằng không có vị Phật nào không chuyển thức thành trí mà chứng được tam thân, nên gọi là bỏ quốc gia, bỏ vinh hoa. Đâu phải do trời sinh Di Lặc, tự nhiên sinh Thích Ca, không tu thì thành sao được!
6. Từ câu: “Nhĩ thời tứ bộ chúng” đến câu: “Tận hồi hướng Phật đạo” (Bấy giờ bốn bộ chúng… Trọn hồi hướng Phật đạo).
Đoạn này trình bày bốn chúng và tám bộ có mặt trong đại hội, thấy ngài Xá Lợi Phất được thọ ký ai cũng đều vui mừng.
Đức Như Lai ở đời làm chỗ nương tựa cho bốn chúng, tám bộ. Họ một lòng theo Phật nghe pháp mà chưa biết được chân lý tuyệt đối, như các tướng quân nhà Hán, mỗi người đều nghĩ đến việc được phong đất nhiều hay ít. Vừa thấy Đức Như Lai phóng hào quang, thị hiện các điềm lành lòng đã sinh Hoài nghi, không biết sắp có vấn đề gì. Ngài Văn Thù đã biết Đức Phật sắp nói Kinh Pháp hoa. Phật xuất định thuyết Kinh, chỉ tán dương hai loại trí tuệ thâm sâu. Nghĩa là tất cả trời người ba thừa đều không biết gì. Họ lại sinh lòng nghi ngờ buồn bã. Tuy nhiên thấy ngài Xá Lợi Phất, là trưởng tử của Như Lai, là người được bốn chúng trời người kính ngưỡng. Lúc đầu ngài cũng hoang mang nghi ngờ nhưng sau đó lãnh hội được chân lý và được thọ ký thành Phật. Như ông Trưởng giả tìm được con mình mà giao phó gia nghiệp thì thân thuộc có nơi nương tựa về sau. Cho nên bốn chúng đều vui mừng, tự thân được giải thoát, họ cởi áo cúng dường Phật. Từ đây mọi người đều tự biết mình chắc chắn sẽ làm Phật, nên họ hết lòng phát tâm hồi hướng.
Đây là lúc Đấng Pháp vương đang ở đời cùng chiến đấu với ma quân. Nay thưởng công để nước nhà pháp giới được an định, đâu phải là chuyện nhỏ! Đức Thế Tôn xuất hiện ở đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, đến nay đã mãn nguyện. Những người chưa đủ niềm tin thì tự mình tuần tự tiến lên, nên những lời đàm luận dưới đây giống như đóng binh ở chỗ cao, trông theo gió mà lướt đi, không làm hao phí sức lực.
7. Từ câu: “Nhĩ thời Xá Lợi Phất” đến câu: “Linh ly nghi hối” (Bấy giờ Xá Lợi Phất… khiến lìa lòng nghi hối).
Đoạn này ngài Xá Lợi Phất tự vui mừng về sự lãnh hội chân lý và được Phật thọ ký. Ngài lại vì những người chưa ngộ xin Phật giúp họ hết nghi. Vì vậy mà khởi phát được thuyết bằng thí dụ.
8. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo Xá Lợi Phất” đến câu: “Dĩ thí dụ đắc giải” (Khi ấy Phật bảo ngài Xá Lợi Phất… do thí dụ mà đặng hiểu).
Đây chính là nghe thuyết về thí dụ. Nghĩa là trước đây sử dụng các nhân duyên, thí dụ hay ngôn từ, đều vì triển khai đạo Bồ đề nhất thừa vô thượng, là pháp dạy cho các Bồ tát. Nói rõ pháp của ta không có hai thừa, thì mỗi người nên biết rằng đều có cơ hội thành Phật, lại còn nghi hay sao! Tuy nhiên đã ở trong giai đoạn chưa ngộ thì sẽ dùng thí dụ để khởi phát tâm ngộ.
Phần trước có nói một đại sự nhân duyên, do khó hiểu nên cuối phẩm Phương Tiện nói thẳng rằng Xá Na thị hiện ứng hóa thân đem pháp nhất thừa phân biệt nói thành ba thừa, là nói rõ Phật có pháp thân và hóa thân. Hàng nhị thừa chỉ nhận thức Phật qua ứng thân Phật Thích Ca Mâu Ni, hiện hữu trong ba cõi ô nhiễm. Họ chấp trước đã chứng quả nhị thừa, không biết có vấn đề hướng thượng. Tuy trước đã nói rõ việc hiện thân ở ba cõi, việc hai mươi mốt ngày tư duy dưới cội Bồ đề. Nhưng hàng thanh văn kiến giải thấp kém nên chưa hiểu được, cho nên lại phải dùng thí dụ nếu rõ nhân duyên có mặt nơi ba cõi của Phật. Vì ậy dưới đây nói thí dụ rất rõ.
9. Từ câu: “Xá Lợi Phất nhược quốc ấp tụ lạc” đến câu: “Vô cầu xuất ý” (Xá Lợi Phất như quốc ấp… không có ý cầu ra khỏi).
Đoạn này trình bày ba cõi không an, giống như ngôi nhà lửa làm thí dụ để nói.
Nói rằng thế giới Ta bà ở trong thế giới hoa tạng, chỉ như một hạt bụi hay một sợi lông hoặc giống như một xóm, một thôn trong một quốc gia. Người trưởng giả, ám chỉ cho Phật từ nơi Báo thân mà xuất hiện ứng thân. Nói tuổi già là dụ cho pháp thân và báo thân là một, là nơi tự hưởng thụ pháp lạc. Dụ như trưởng giả tuổi đã già suy là thời kỳ an nghỉ thanh tịnh. Do vì con đường tiến tu giống như người trai trẻ cố gắng lập công danh, khi công danh hết về hưu thanh thản vô sự. Nói giàu có về tiền tài là dụ cho trí tuệ siêu việt. Nói về nô bộc tôi tớ là dụ cho trí phương tiện sử dụng sai khiến. Trong tông môn cho rằng đầy tớ con cái là việc bên ngoài. Nói nhà ông rộng lớn chỉ có một cửa ra vào là dụ cho Nhất thừa, Phật tri kiến. Đó gọi là con đường mà mười phương chư Phật chỉ có một đường thoát khỏi sinh tử. Cho nên nói là năm trăm người đứng ở trong đó. Ba cõi có đủ chúng sinh của năm đường (địa ngục, ngã quỷ, xúc sinh, nhân, thiên). Nói lầu gát đã mục là dụ cho chánh báo và y báo của chúng sinh trong ba cõi là hiện tượng vô thường biến hoại. Trong tâm chúng sinh đang mát mẽ, vô cớ mà nổi lên lửa của năm dục. Cho nên gọi là lửa bổng nổi lên. Nói các con của ông trưởng giả là dụ cho ba thiện đạo. Nói chúng sinh trong năm đường có thể chấp nhận sự giáo hóa là nói mười mà được một mà thôi. “Trưởng giả thấy lửa lớn” xuống cuối đoạn văn này là dụ cho Phật nhãn thấy chúng sinh trong lục đạo rất nghèo nàn về trí tuệ và phước đức, không biết không thấy mà nhận khổ làm vui. Do đó không có ý cầu ra khỏi chốn khổ. Đức Phật thấy cái khổ cuả chúng sinh như thế nên khởi phát tâm đại bi cứu độ họ.
10. Từ câu: “Xá Lợi Phất! Thị trưởng giả tác thị tư duy” đến câu: “Thị phụ nhi dĩ” (Xá Lợi Phất! Ông trưởng giả đó lại nghĩ … nhìn cha mà thôi).
Từ đoạn này trở xuống dụ cho hai mươi mốt ngày tư duy, dựa vào chân lý tuyệt đối mà mở bày chân lý tương đối.
Nói “ Thân và tay có sức mạnh” là dụ cho Phật đủ thần lực và trí tuệ. Nói “Dùng vạt áo, hoặc dùng ghế bàn” … vạt áo có thể nắm lấy được còn ghế bàn có thể leo lên hay vịn mà đi là dụ sự dẫn dắt của Phật. Nói “ Một cửa” là dụ cho pháp nhất thừa. Nói “ Cửa hẹp nhỏ” là nói sự lợi ích không rộng. Nếu Phật chỉ dùng thần lực và trí tuệ lực mà không sử dụng phương tiện, chỉ ca ngợi tri kiến Phật, hoặc pháp vô sở úy của Như Lai, thì chúng sinh không được cứu độ. Do vì người tin vào pháp nhất thừa rất ít, người được độ hiếm, ý muốn thực thi pháp phương tiện để chúng sinh có lòng tu tự tin khẳng định mà nhận được sự giáo hóa một cách đông đảo.
Thí dụ chỉ cho lúc ban đầu Đức Phật ngồi ở đạo tràng tư duy trong bảy ngày đầu, rằng nếu ca ngợi Phật thừa thì chúng sinh đang chìm trong cảnh khổ không thể tin hiểu pháp này được. Bảy ngày tư duy thứ hai dựa nơi thật tướng mà trình bày cái giả lập, nên trước có nói: “ Một cửa nhỏ hẹp” là ý thiết lập phương tiện. Đức Phật đã dùng thần lực dẫn dắt nhiếp phục chúng sinh mà không thành công, nên ngài muốn họ có sự tự tin, tự khẳng định. Chứ cầm tay người dắt đi không được, họ tự khẳng định mới có thể gần gũi họ. Nếu họ không có lòng tin thì chư Phật không có cơ sở để giáo hóa.
Từ câu: “Các con còn thơ bé” trở xuống là dụ cho chúng sinh vô trí khó dạy. Sắp thiết lập ra phương tiện, trước tiên trình bày cái nguy hiểm làm cho chúng biết sợ hãi mà tự mình thoát ra khỏi tình trạng ấy. Là lúc đầu tiên tạm chuyển pháp luân, nói về cái khổ của ba cõi. Từ câu: “ Cha dẫu thương xót” trở xuống là dụ cho chúng sanh mê mờ không chấp nhận sự giáo dục, chúng không có lòng mong cầu thế lực của Phật để chấm dứt pháp khổ. Cho nên giống như các con chỉ nhìn cha mà thôi, không có lòng tin sâu sắc.
11. Từ câu: “Nhĩ thời trưởng giả tức tác thị niệm” đến câu: “Tranh xuất hoả trạch”
(Bấy giờ trưởng giả liền suy nghĩ… tranh ra khỏi nhà lửa).
Đoạn này nói ông trưởng giả cứu lửa cháy. Dụ cho Đức Phật tư duy hai mươi mốt ngày.
Ngài hiện thân nơi ba cõi, lúc đầu thuyết về ba thừa, nhưng Phật là người đã khỏi ba cõi, mà ở đây nói Phật cùng với các đệ tử đều bị lửa đốt cháy là dụ cho Phật tánh ở trong ngũ dục, phiền não cuả chúng sinh. Nếu không sử dụng phương tiện để khai hóa tức sẽ bị diệt mất hạt giống Phật. Cho nên gọi là cùng bị đốt cháy. Nói “Tâm vẫn ưa thích” là dụ cho chúng sinh bị vướng mắc vào năm dục mà rơi vào dòng sinh tử. Nay Đức Phật cũng lấy các đồ vật mà chúng ưa thích để dẫn dụ chúng. Cho nên thuyết ba thừa và các pháp phương tiện. Đó gọi là trước thì dùng dục lạc để dẫn dắt, sau đó làm cho chúng sinh đi vào trí tuệ của Phật. Nói “Các con đua nhau tranh ra khỏi nhà lửa” là dụ cho Đức Phật ở vườn Lộc uyển các thành phần trí thức, ngoại đạo như ngài Xá Lợi Phất..v..v.. thống lĩnh đồ chúng tranh nhau quy y với Phật.
Nói “Chen lấn” là dụ cho tình trạng của các đệ tử mới phát tâm bỏ tà theo chánh. Do đó đủ để thấy sức mạnh của phương tiện tam thừa.

12. Từ câu: “Thị thời trưởng giả kiến chư tử đẳng” đến câu: “Phi bổn sở vọng” (Khi đó trưởng giả thấy các con … không phải chỗ trước kia mình trông).
Thí dụ này ý là phế bỏ ba thừa hiển thị nhất thừa.

Ông trưởng giả thấy các con được thoát ra khỏi nhà lửa, lòng ông rất vui mừng… đó là dụ cho các hàng Tiểu thừa nhờ nghe Phật dạy mà ra khỏi tam giới, chứng được Tứ thánh quả không còn bị trói buộc bởi phiền não sinh tử nữa, nên giống như: “Ngồi chỗ đất trống” như các người con lòng đã an ổn thì người cha tâm cũng hân hoan mừng rỡ. Con mà bịnh thì cha cũng bịnh theo, con an ổn thì cha an ổn. Đức Phật sử dụng tâm Đại bi mà nhiếp hóa chúng sinh là ý này vậy.
Khi các con đến bên cha lấy xe, dụ cho hàng Thanh văn chấp thủ kết quả tạm thời cho là thực. “Ông trưởng giả đều cho chung một loại xe lớn”, dụ cho nay thuyết Kinh Pháp hoa, tất cả đều được thọ ký thành Phật. Gọi là “Cho bình đẳng” để nói lên ý nghĩa Phật tánh là bình đẳng. Xe ấy cao rộng dụ cho pháp nhất thừa rộng lớn. Các vật trang Hoàng quý giá, nói lên sự giàu có vô lượng của ông Trưởng giả, dụ cho hai loại trí tuệ của nhất thừa thâm sâu vi diệu. Đó là phương tiện tri kiến Ba la mật đã được đầy đủ. Các loại hoa trang trí bên ngoài dụ cho Trí tuệ phương tiện. Các loại màn gối, nệm bày biện ở bên trong xe dụ cho Trí tuệ căn bản và niềm vui tự nội. Xe giá do trâu trắng dụ cho pháp lớn, chỉ có người căn lớn mới gánh vác nổi. Sắc da.v.v… dụ cho căn lớn thuần tịnh. Sức mạnh lớn dụ cho có thể mang vác. Bước đi ngay bằng dụ cho chánh hạnh. Mau lẹ như gió dụ cho căn cơ lanh lợi. Nhiều tôi tớ dụ cho nhiều phương tiện để tự sống an ổn.
Từ câu hỏi: “Vì cớ sao” trở xuống dưới là tự giải thích ý tứ cho xe lớn nghĩa là ông Trưởng giả giàu có vô lượng không nên keo kiệt mà xử bạc bẽo với con cái. Chính là dụ cho Đức Phật an trụ Đại thừa nếu lấy Tiểu thừa mà giáo hóa rơi vào keo kiệt bỏn xẻn. Từ câu: Nay những trẻ thơ này” trở xuống là đúc kết lại. Xem các con đồng nhau là dụ Phật xem chúng sinh trong ba cõi như con một, nên thương yêu không thiên vị. Câu: “Vì sao?” trở xuống dụ cho Phật là vô tận tạng đem cho người lại càng có nhiều thêm nên nói: “Còn không thiếu”. Các con đều cùng ngồi xe lớn dụ cho nhị thừa đều thành Phật, đó là điều ngoài dự kiến, mong chờ của mọi người.
13. Từ câu: “Xá Lợi Phất ư nhữ ý vân hà” đến câu: “Như nhữ sở ngôn” (Xá Lợi Phất! Ýù ông nghĩ sao … như lời ông nói).
Đoạn này Phật thẩm định lại với ngài Xá Lợi Phất rằng: Ông Trưởng giả hứa cho ba xe mà nay chỉ cho một xe vậy là nói dối chăng?
Thực ra ba xe vốn không có, dụ ba xe là giả thiết, chỉ có một xe là thật. Ngài Xá Lợi Phất nói rằng đó không phải là nói dối, rằng cái thân mạng mới đáng quý hơn đồ vật, được bảo toàn tánh mạng là được may lớn rồi, huống gì được thoát khỏi nạn nhà lửa. Ngay cả trường hợp không cho một chiếc xe nhỏ nào cũng không mắc lỗi nói dối. Vì bản ý của ông Trường giả là muốn giả lập để dẫn dụ, huống gì còn cho một chiếc xe quý báu to lớn ngoài sự mong đợi của các con, sao gọi là hư dối được! Đây là lúc ngài Xá Lợi Phất đã tin rằng ba thừa là giả, nhất thừa là thật. Do vậy các đệ tử nhờ thí dụ mà ngộ được chân lý. Cho nên Đức Phật mới khen rằng Lành thay! Lành thay! Các ông khéo léo lãnh hội tâm ý của Phật.
14. Từ câu: “Xá Lợi Phất, Như Lai diệc phục như thị” đến câu: “Phân biệt thuyết tam” (Xá Lợi Phất! Như Lai cũng lại như thế… phân biệt nói thành ba).
Đoạn này trình bày pháp phù hợp với thí dụ.
Đức Như Lai xem chúng sinh như con một, là cha của thế gian nên dụ như ông Trưởng giả làm chủ nhà. Từ câu: “Mà sinh vào nhà lửa tam giới” trở xuống, nói nhà của Trưởng giả rộng lớn phù hợp với ý nghĩa thành tựu được vô lượng tri kiến… Ông Trưởng giả giàu có, vốn có lòng cứu lửa cháy, nên sinh vào ba cõi cùng với dân chúng chịu khổ, giáo hóa cho để họ đạt an lạc và đắc đạo Bồ đề. Từ câu: “Thấy các chúng sinh” trở xuống, nói nhà cửa bốn phía lửa nổi lên mà các người con thì đam mê vui đùa không lo sợ. Từ câu: “Xá Lợi Phất” trở xuống, nói ông Trưởng giả muốn cứu lửa cháy mà không có phương cách, nhà chỉ có một cửa và nhỏ hẹp. Ông suy nghĩ cách để giúp chúng, rằng nếu ta chỉ dùng thần lực… chúng sinh không nhờ vậy mà được độ thoát, đó là ý nghĩa của “ Một cửa nhỏ hẹp”. Từ câu: ”Vì sao?” trở xuống, nói các người con si mê nên suy nghĩ thiết lập phương tiện thích hợp. Từ câu: “Như ông Trưởng giả kia” trở xuống, nói về giả lập ba xe đã dụ dẫn các con, chứ trong lòng là muốn sau này sẽ cho một chiếc xe lớn. Câu: “ Mà bảo rằng” trở xuống, là khéo nói để dẫn dụ các con. Câu: “Các ông mau ra khỏi ba cõi” trở xuống, nói ông Trưởng giả hứa ra ngoài cửa cho ba xe, có thể sử dụng để dạo chơi vui đùa. Từ câu: “Nếu có chúng sinh” trở xuống, nói các người con đã ra khỏi nhà lửa đến với người cha mà đòi xe. Trong thí dụ hứa cho ba xe mà vốn không có ba xe, trong pháp có hứa ba loại chứng đắc, ý muốn làm cho người ở ba thừa biết các quả vị thuở trước là tạm thời chứ không thực. Lời văn tuy giữa Pháp và dụ không đồng mà ý là khai quyền hiển lộ pháp chân thực. Một đoạn Kinh này, trình bày chung rằngquyền pháp của ba thừa, tương tợ với thí dụ các người con nghe hứa cho ba xe mà tranh nhau ra khỏi nhà lửa. Câu: “Như ông Trưởng giả kia” trở xuống, nói về sắp hiển lộ thật pháp, phù hợp với dụ ông Trưởng giả đồng cho một xe trâu trắng lớn. Lặp lại thí dụ ấy để phù hợp với pháp vậy.
Đức Như Lai cũng như vậy, nay nói thẳng sự thật là các người tam thừa đều được thọ ký thành Phật. Cho nên nói là “Đem pháp diệt độ của Như Lai, mà làm cho chúng sinh được diệt độ”. Từ câu: “Những chúng sinh” trở xuống, nói về sự bình đẳng, cho các con một loại xe quý, to lớn, có các vật báu làm trang trí, không có vật quý nào mà không đầy đủ. Chính là dụ cho pháp giới trang nghiêm đầy đủ vạn đức. Thanh tịnh vi diệu an lạc đệ nhất là phù hợp với ví dụ nệm êm gối đỏ. Những điều đó gọi là Thật trí tự thọ dụng pháp lạc. Từ câu: “Như ông Trưởng giả kia” trở xuống, là lặp lại lời hứa ban đầu cho ba xe là không phải nói dối, phù hợp với ý nghĩa bỏ pháp tạm thiết lập pháp thật là không dối gạt. Câu: “Đức Như Lai cũng như thế” trở xuống, là tổng kết các dụ đã thuyết để làm rõ ý mở quyền hiển bày chân thật. Điều chứng đắc của chư Phật là pháp tạng thâm sâu, không có gì là không cho hết chúng sinh. Tuy nhiên pháp thì lớn mà căn cơ thì nhỏ, không thể thọ nhận hết được. Do vậy đem pháp nhất thừa phân biệt nói thành ba thừa.
15. Từ câu: “Phật dục trùng tuyên thử nghĩa” đến câu: “Hữu ngũ bách nhân chỉ trụ kỳ trung” (Đức Phật muốn trùng tuyên lại nghĩa trên … có đến năm trăm người ở trong đó).
Đoạn tụng này dụ cho Phật làm chỗ quy y cho ba cõi, như người chủ nhà.
Từ câu: “Nhà đó đã xưa cũ” trở xuống 12 câu. “Ba cõi”, dụ cho y báo của chúng sinh do cọng nghiệp tạo ra. “Nhà cửa”, là dụ chung cho chánh báo của chúng sinh do biệt nghiệp tạo ra.
“Cao nguy” là dụ cho trạng thái vô thường hư hoại. “Xưa cũ” nghĩa là từ xưa cũng như bây giờ, chẳng phải riêng nay mới có. “Có năm trăm người nghỉ ở trong đó” là dụ cho ngũ đạo chúng sinh đều không thoát khỏi cái khổ của vô thường, sinh, lão, bịnh, tử.
16. Từ câu: “Si, Hiêu, Điêu, Thứu” đến câu: “Chúng nạn phi nhất” (Chim Si, Hiêu, Điêu, Thứu … các nạn chẳng phải một).
Đoạn này dụ nói rõ tình trạng nhân quả ác nghiệp của chúng sinh trong ba cõi một cách rõ ràng.
Như trên đã nói nhà cửa mục nát, trong nhà đó có năm trăm người, mà nói các người con chỉ có 10, 20 cho đến 30 người. Ý muốn nói chúng sinh trong năm đường tuy đông, số người có thể chấp nhận sự giáo hóa của Phật không được 1/10 (mười người được một).
Đặc biệt chỉ cho loài người và trời mà nói, ngoài ra không được giáo hóa luôn tạo ác nghiệp là số đông. Nay nói tổng quát ác nghiệp của chúng sinh, do tham sân si và các phiền não nhiễm ô, lớp lớp tập khí điên đảo chi phối, không giống nhau nên chiêu cảm kết quả đau khổ trong tam đồ cũng không giống nhau, rất đáng sợ.
Lời thí dụ gồm 132 câu trình bày tổng quát nhân quả của tam đồ đều do ác nghiệp, tập khí, tình ái, tâm tưởng mà chiêu cảm không đồng. Nêu cái quả để chiêm nghiệm nguyên nhân. Tuy nói là dụ mà thật ra là pháp, như Kinh Lăng Nghiêm nói: Nguyên nhân và kết quả giao thoa với nhau rất vi tế. Đoạn trước từ câu: “Như ông trưởng giả” xuống dưới 16 câu là dụ chung cho ba cõi chúng sinh. Câu: “Si, Hiêu, Điêu, Thứu” trở xuống 24 câu là nói riêng nhân quả của loài súc sinh. Súc sinh có loài bay, loài chạy, sâu bọ các loài côn trùng… thân hình lớn nhỏ không đồng nhau. Có loài do tập khí dâm mà buông lung lòng tham, có loài do tập khí sân mà buông lung lòng độc ác. Các điều ác đều như nhau, ba độc bộc phát không kiềm chế nên gọi là: “Ngang dọc xen ruỗi chạy”. Thân thể nam nữ, mọi thứ đều bất tịnh, phẩn uế chảy tràn, do tham ái không buông xả, giống như con bọ hung tập hợp trên đống phân dơ bẩn; như chồn sói ăn xác chết tham lam không bỏ; như bầy chó sợ hãi mong ăn, tranh đấu không ngừng, giành giựt mà phát ra tiếng kêu tru dễ sợ. Đây là nhân quả của loài súc sinh, đều do ba độc biểu hiện ra. Cho nên mới nói: “Nhà đó đáng sợ, những biến trạng dường ấy”. Đó là nói một cách khái quát tình trạng của súc sinh. Câu: “Khắp chỗ đều có ” trở xuống, nói riêng về nhân quả của loài quỷ. Nói “ Khắp chỗ đều có” là nói tất cả chúng sinh đều do nơi tâm ly, mị, vọng, lượng làm nhân tố cho cảnh quỷ. Dạ xoa, gọi là khổ hoạt quỷ, chúng ăn thịt người, là do loài người trước đã tạo ác nghiệp rất nặng, làm thương tổn pháp thân và tuệ mạng, đoạn tuyệt thiện căn nên đọa vào loài quỷ. Lấy cái khổ làm sự sống, dùng thịt người để ăn, là do từ con người mà đi vào loài quỷ.
Ba độc tham sân si hỗ tương lẫn nhau nên gọi là “Sản sinh” chấp chặt tham lẫn không bỏ nên gọi là “Tàng hộ”(giữ gìn). Đây là quả khổ do từ loài súc sinh, lại vào loài quỷ. Nên quỷ dạ xoa phải tranh giành mà có ăn, vì do từ loài súc sinh mà vào loài quỷ vậy. Loài súc sinh thì rất nhiều mà loài quỷ cũng rất thịnh. Càng ăn no thì tâm ác càng mạnh, tập khí bộc phát, chúng giao tranh nhau, tiếng của chúng đánh cãi nhau thật đáng sợ.
Cưu bàn Trà gọi là Khả úy quỷ còn gọi là vô thường sát quỷ. Hoặc có lúc đi hỏng mặt đất, hoặc vì một niệm thiện mà cảm nhân thiên, rồi lại đọa lạc nên gọi là: “Qua rồi lại dạo đi”. Nói: “Vui đùa” là nói chúng ở nơi ác đạo như đi dạo trong vườn, chúng thường bắt nạt loài vật, loài vật sợ chết thì quỷ rất thích, nên nói: “Khủng bố chó để vui”. Súc sinh có nhiều loài, riêng loài chó quen gần loài người, lòng tham sân còn mạnh nên có chuyện như vậy. Từ câu: “Lại có các giống quỷ” trở xuống, nói riêng trạng thái của loài ngạ quỷ, thân hình to lớn trần truồng, tiếng nói lớn hung ác. Thường ở trong tình cảnh ấy nên gọi là: “Thường ở luôn trong đó”. Một khi đã rơi vào đó rồi trải qua năm trăm kiếp không nghe đến tên của nước nên gọi là: “ Kêu la tìm món ăn”. Bụng như cái trống mà cổ như cái kim, đầu như đầu trâu, hình dạng xấu xí, ăn người nuốt chó, từ người đến súc vật đều có thể đọa vào loài này. “Đầu tóc rối tung lên”ø là nói trạng thái độc ác phá hoại, hung hiểm. Nói tánh ác đều do tập khí tự nhiên như vậy. Nói “ Kêu la rong chạy” là vì bị khốn khổ bức bách. Từ câu: “Dạ xoa cùng quỷ đói” trở xuống, tổng kết cả loài quỷ và súc sinh, đều có lòng mong cầu ra khỏi nhưng không có cửa để thoát ra nên chỉ nhìn xem ra cửa sổ.
Tóm lại các nạn như thế sợ hãi vô cùng, đều do quả báo từ ba độc. Đều là nêu kết quả để hiểu rõ nguyên nhân. Quan trọng ở nơi nhân. Cả hai loại đều có trạng thái tạo nghiệp hổ tương nhau, nên phần sau nói đến địa ngục tức cùng chung quả khổ. Câu “Nhà cũ mục” trở xuống, là nói chung nhân quả của địa ngục, do cái khổ của địa ngục bức bách mà hai loài cảm nhận riêng không tự tạo nên được. Sắp thuyết minh địa ngục mà nêu lên người chủ nhà. Ý dụ cho ba cõi hư mục, chỉ có Phật mới có thể giáo hóa được nên gọi: “Thuộc ở nơi một người” Chúng sinh trong ba cõi do ba độc hưng thạnh nên gọi “Bổng nhiên lửa cháy đỏ”. Khi cơn vô thường biến hoại đến, thì không kể là quỷ hay súc sinh đều quy về địa ngục. Nhà bị lửa thiêu mà cháy các quỷ kêu to, các côn trùng đều sợ hãi không làm sao ra được. Đó gọi là sống không tu phước, chết rơi vào chốn khổ. Các loài ác thú, độc trùng ban đầu nghênh ngang nhã độc nay bị chết giấc không biết gì, nên gọi là: “Chui núp trong lỗ hang” là trạng thái khổ của trong địa ngục vậy.
Tỳ Xá Xà gọi là não hại quỷ, phiền não của chúng sinh đến đây cũng không có chỗ để thi triển nên gọi là: “Cùng ở chung một hang”. Đó đều do sống không có phước đức nên bị lửa bức bách. Vào nơi địa ngục oán dối hại nhau nên gọi là: “Tàn hại lẫn nhau”. Dã can ban đầu buông lung tánh tham lam sân hận ăn thây chết người khác. Nay bị chết, thây bị thú lớn ăn lại. Địa ngục là do lửa nghiệp thiêu đốt cho nên “Khói tanh bay phùn phụt, phủ khắp bịt bốn bề”. Loài rết, rắn độc ban đầu phun độc hại người nay bị đốt mà tranh nhau ra, lại bị ác quỷ bắt ăn thịt. Đây là từ địa ngục mà lại đọa trong loài súc sinh.
Ngạ quỷ vốn do tập khí dâm mà chiêu cảm. Sống trong lửa dục, chết bị nghiệp lửa, cho nên trên đầu lửa cháy không được ăn uống, lo sợ đói khát mà chạy, nhưng không thể ra được. Đây là chỗ tột cùng của ba độc, ác nghiệp quy về. Nên nói tổng kết rằng: “Ngôi nhà như thế rất đáng sợ hãi, các nạn chẳng phải một”.
Chúng sinh quá si mê, ba độc quá hưng thịnh nên chiêu cảm quả báo trong ba đường. Đều mê ở nơi tâm mà ra. Nên biết điều ác trong ba đường đều cảm do tâm biến hiện. Đức Phật ban đầu dùng nhà lửa để dụ cho ba cõi, nêu ngôi nhà lớn để nói trong nhà đó có cầm thú ác độc và các loài ác quỷ đều là việc thật trong ba ác đạo.
Như Kinh Lăng Nghiêm cho rằng có phần nhân quả ở bên trong. Tuy nói là dụ nhưng thật ra là quả để chỉ rõ nhân, không phải chỉ lấy vật bên ngoài làm thí dụ. Nhưng chúng sinh lấy ba độc làm nhân cho ba đường ác, hình thể tuy chưa chết mà tâm cùng ba độc đã đi qua (cảnh khổ rồi). Cổ đức giải thích phối hợp với pháp tuy rõ, nhưng không bằng lý giải đến sự thật của lý nhân quả làm cốt yếu. Ở đây không tiện nói hết các vấn đề mà chỉ tổng quát chung ý nghĩa chính. Nếu muốn biết đủ xin xem nhưng ï lý giải khác.
17. Từ câu: “Thi thời trạch chủ” đến câu: “Tự tại vô ngại”(Lúc bấy giờ chủ nhà… tự tại không ngăn ngại).
Đoạn kệ tụng này lặp lại ông Trưởng giả cứu lửa cháy.
Chủ nhà đứng ngoài cửa, là dụ chỉ riêng Phật ra khỏi ba cõi. Có người nói rằng đây là dụ cho hai mươi mốt ngày tư duy dưới cội Bồ đề, chư thiên Phạm vương thỉnh Phật chuyển pháp luân. Câu: “Trước đây vì dạo chơi” nghĩa là ba cõi chúng sinh ban đầu do vô minh trôi theo phiền não, mà đọa vào ba cõi. Lúc đầu không có tâm nghĩ đến sự sa đọa nên gọi là “Dạo chơi”. Từ câu: “Trưởng giả vừa nghe xong” trở xuống 4 câu, dụ cho Đức Phật thị hiện trong tam giới, cùng với dân chúng chịu hoạn nạn tai ương. Từ câu: “Mà dụ bảo các con” trở xuống 16 câu, dụ cho sắp nói pháp Tam thừa nên trước hết bày tỏ hiện tượng đau khổ trong sinh tử. Từ câu: “Các con nhỏ không hiểu” trở xuống 4 câu, nói các con không có lòng muốn ra khỏi. Ví dụ chúng sinh tuy nghe Phật dạy mà không tin. Từ câu: “Bấy giờ Trưởng giả kia” trở xuống 24 câu, dụ cho Phật lúc đầu giả nói pháp ba thừa để dẫn dắt chúng sinh. Từ câu: “Các con nghe cha nói” trở xuống 6 câu, các con nghe nói có ba xe liền tranh nhau mà ra khỏi nhà, dụ cho chúng sinh nương tựa vào Phật pháp mà ra khỏi ba cõi. Từ câu: “Trưởng giả thấy các con” xuống dưới 20 câu, nói dụ cho chúng sinh xa lìa được khổ nên cha mới vui. Câu: “Đẻ nuôi rất khó” là nói thân người khó được. Từ câu: “Khi ấy các người con” xuống 12 câu, dụ cho hàng Tam thừa chấp pháp tạm làm pháp thật. Từ câu: “Trưởng giả giàu có lớn” xuống 30 câu, dụ nay chỉ nói diệu pháp nhất thừa. “Các của báu trang nghiêm” dụ cho kết quả của pháp Nhất thừa đầy đủ mọi công đức. Câu: “Các con lúc bấy giờ” xuống 6 câu, dụ cho nay nghe được pháp mà vui mừng.
18. Từ câu: “Cáo Xá Lợi Phất” đến câu: “Thành đắc Phật đạo” (Bảo Xá Lợi Phất này … chứng thành quả Phật đạo).
Bài tụng này đem pháp hợp với dụ, như trên cả thảy 10 tiết, đều có thể nắm rõ. Tóm lại là xả bỏ pháp quyền để thành tựu pháp thật vậy.
19. Từ câu: “Thị thừa vi diệu” đến câu: “Dư Phật phương tiện” (Phật thừa đây vi diệu… Trừ Phật dùng phương tiện).
Bài tụng ca ngợi công đức rộng lớn của Pháp nhất thừa, đó là niềm vui của Phật.
Nói nhất thừa là điều Phật thích nói nhất. Vậy pháp tam thừa vốn không phải bản ý của Phật. Câu: “Ngày đêm cùng kiếp số” nghĩa là một khi đã vào Diệu pháp, thì không còn giới hạn của thời gian, không gian hay tâm lý nữa.Thẳng tiến đến Phật quả không còn trở lại. Cho nên câu kết của bài tụng mới nói “Lại không thừa nào khác”.
20. Từ câu: “Cáo Xá Lợi Phất” đến câu: “Cố hiện ư thế”(Bảo Xá Lợi Phất … nên hiện ra nơi đời).
Đoạn kêï tụng này lặp lại ý Phật vì cứu chúng sinh mà ra đời, tùy căn cơ mà thuyết pháp.
Bài tụng nói lại ý ta là cha của tất cả thế gian…, đều là con của ta. Nói rằng tam giới chúng sinh đều là con một của Phật. Chưa có người cha nào mà không thương con. Do thấy chúng sinh trải qua nhiều kiếp bị thiêu đốt. Nên khởi tâm từ bi, xuất hiện ở đời để cứu vớt. Vì chúng sinh căn trí thấp kém nên trước tiên thiết lập quyền thừa. Tuy được thoát ly sinh tử nhưng chưa thật sự diệt độ. Nay nói về trí tuệ cuả Phật, đây mới là pháp chân thật. Xưa các Phật giáo hóa có chúng sinh nghe mà sinh tâm tin tưởng đều trở thành Bồ tát và có phần thành Phật cả.
Từ câu: “Nếu có người trí nhỏ” trở xuống 24 câu, là nói rõ vì sao ngày xưa thiết lập quyền pháp, là pháp Tứ Đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Vì chúng sinh trí tuệ kém, vướng sâu vào ái dục, nên trước hết nói khổ đế để cảnh tỉnh chúng, làm chúng biết cái khổ mà nhàm chán ái dục. Chữ Đế nghĩa là chân thật không thay đổi, chúng sinh biết khổ mà không biết nguyên nhân của khổ. Cho nên nói tham dục là nguyên nhân của khổ, làm cho chúng sinh biết để diệt khổ.
Nếu đã đoạn trừ tham dục thì khổ không có cơ sở nữa, biết vậy mà tu tập Đạo đế chứng đạt được Diệt (Niết bàn). Vìø hết khổ, gọi là giải thoát.Từ câu: “Người đó nơi pháp gì” xuống dưới 12 câu, nói diệt mà chưa thật diệt. Nói là giải thoát chỉ là thoát ly cái hư vọng phân đoạn sinh tử. gọi là giải thoát, kỳ thật chưa giải thoát Hoàn toàn, vẫn còn biến dịch sinh tử. Cho nên nói người này chưa thật sự diệt độ, vì chưa đắc được vô thượng đại niết bàn. Thế nên gọi là quyền pháp. Bản ý cuả Phật là muốn chúng sinh thành Phật. Đâu có cho đây là đủ rồi được! Đại tiểu tam thừa đều là pháp ứng cơ mà nói, tuy tiểu pháp không thực Như Lai vẫn nói. Do Phật là Pháp vương, đối với mọi pháp đều tự tại, tùy duyên mà nói, không pháp gì là không vì sự an ổn cho chúng sinh. Cho nên xuất hiện ở đời.
21. Từ câu: “Nhữ Xá Lợi Phất” đến câu: “Vật vọng tuyên truyền” (Xá Lợi Phất phải biết… chớ có vọng tuyên truyền).
Đoạn kệ tụng này nói nay thuyết Đại pháp, nhắc nhở ngài Xá Lợi Phất, phải chọn lựa căn cơ mà dạy, đừng truyền bừa bãi, vì lời pháp ta thuyết hôm nay gọi là Pháp ấn.
Pháp mà Phật thuyết lấy thật tướng ấn để ấn định các pháp. nên ngoại đạo không xen lẫn dễ dàng được. Pháp này chỉ làm lợi ích cho cuôïc đời, có điều phải chọn lọc đối tượng, nếu không đúng đối tượng thì nên truyền dạy.
22. Từ câu: “Nhược hữu văn giả” đến câu: “Phi kỷ trí phần” (Nếu có người nghe đến… chẳng phải trí của mình).
Đoạn kệ tụng này nói về lựa chọn căn cơ. Nếu có người nào nghe mà cung kính thọ trì, thì người đó là Đại Bồ tát bất thối. Tức là không phải căn cơ lớn chỉ nghe mà có thể tin, trường hợp này khó gặp cũng có thể vì họ mà thuyết.
Từ câu: “Nếu có người tin nhận” trở xuống 12 câu, nói về Tín cơ, người có khả năng tin tưởng pháp này, là người đã từng cúng dường Phật, nghe Phật pháp, phước huệ sâu dầy nếu họ có thể tin vào ông (Xá Lợi Phất) thì cũng như thấy được ta và hội chúng tỳ kheo Bồ tát như hội linh sơn hôm nay. Người này có khả năng gánh vác (pháp Đại thừa) cho nên vì họ mà thuyết.
Từ câu: “Phật vì người trí sâu” trở xuống 8 câu, nói pháp này lớn (Đại thừa) vì đối tượng căn trí sâu sắc mà nói chứ không vì hàng trí thức kém có thể theo kịp. Từ câu: “Chính ông Xá Lợi Phất” trở xuống 8 câu, nói lý do vì sao theo không kịp. Như ông là bậc trí tuệ đệ nhất còn nhờ niềm tin mà thọ trì huống gì các hàng Thanh Văn chỉ tin vào ngôn ngữ mà không có lòng tin! Do vậy không phải do trí cuả mình.
23. Từ câu: “Hựu Xá Lợi Phất” đến câu: “Nhữ kim phục thính” (Lại này Xá Lợi Phất… ông nay lại lắng nghe)
Đoạn kệ tụng này cảnh giác nếu chẳng phù hợp căn cơ thì không truyền dạy.
Vì pháp này thâm sâu khó khó hiểu, ngay cả khi Phật trụ thế đích thân dạy chúng mà còn phải chờ thời cơ trong bốn mươi năm, không vội truyền dạy. Đến khi nói vẫn còn những kẻ tăng thượng mạn, huống gì sau khi Phật diệt độ! Hơn nữa ngài Xá Lợi Phất là thành phần Tiểu thừa, dù khéo nói đi nữa ai mà tin được! Ở đây còn có hạng người kiêu mạn, tự cao, hạng lười biếng không chịu lắng nghe, và hạng người chấp vào kiến thức của mình cho là đúng. Ba hạng người ấy không nên truyền dạy. Có dạy chúng cũng không tin ngược lại còn sinh lòng phỉ báng, thà không nói còn hơn. Còn người phàm phu vô trí đắm sâu trong năm dục lạc có nghe cũng chẳng hiểu thì nói với họ có lợi ích gì! Cho nên cảnh giác chớ vội mà truyền dạy. Không phải đúng đối tượng thì không tin, nói không những vô ích mà còn hại mình.
Kinh này là chủng tử Phật tánh của mỗi người, người không tin vào điều ấy chắc chắn sẽ chỉ trích phỉ báng Kinh. Nếu phỉ báng Kinh này tức là đoạn diệt tất cả chủng tử Phật ở thế gian. Hoặc nếu không phỉ báng mà sinh tâm chê cười và chán nghe, tâm nghi ngờ không quyết định đều cũng là loại không tin cả. Nói có hại là nói rước lấy tội lỗi đọa lạc trong ba ác đạo. Ông nay lại lắng nghe, ta nay vì ông mà nói rõ.
24. Từ câu: “Kỳ nhân mạng chung” đến câu: “Chí vô số kiếp” (Người đó khi mạng chung … nhẫn đến vô số kiếp).
Đoạn kệ tụng này nói về tội hủy báng kinh để răn đe những người không có lòng tin.
Tội của người phỉ báng kinh trước hết là đọa vào địa ngục, một khi vào địa ngục thời gian rất dài khó thoát ra được. Vì lẽ chủng tử Phật tánh là chân tâm thường trụ, đã đi ngược với tâm này thì muôn kiếp trầm luân, thường ở điạ ngục, cố định nơi đó.
25. Từ câu: “Tùng điạ ngục xuất” đến câu: “hoạch tội như thị” (Từ trong địa ngục ra… mà mắc tội như vậy).
Đây là kệ tụng nói rõ quả báo làm súc sinh.
Súc sinh có nhiều loại, tùy theo nghiệp lực mà nhận loại gì. Loài chó cẩu thả, do mất chánh tín mà đọa loài chó. Do lòng đa nghi mà đọa vào loài Dã can; vì thương tổn pháp thân mà thân hình gầy ốm đen đủi và ghẻ lở; vì không cung kính Tam bảo nên bị kẻ khác khinh khi ghét bỏ; vì không nếm pháp vị nên bị khốn khổ đói khát; da thịt khô kiệt do mất hết thiện căn, nên sống gặp khổ sở, độc hại, chết bị ngói đá. Tất cả đều là tội báo đoạn diệt chủng tánh Phật. Trên là nói loài súc sinh bé nhỏ, còn nếu làm lạc đà thì có sức lực mang vác, do nặng phiền não si, cho nên thường mang nặng mà còn bị đánh đập, do vì bản tính ngu si nên chỉ nhớ đến cỏ, nước, ngoài ra không còn biết gì khác. Đều là do quả báo do phỉ báng kinh này mà ra. Hoặc do tà kiến mà sinh làm con Dã can, chỉ có một mắt; vì sống không biết cung kính nên bị trẻ nhỏ ném đánh đến chết. Xả bỏ thân này lại đoạ vào thân rắn, dài lớn không có chân do quả báo sân si mà ra. Chịu sự khổ do loài trùng rúc cắn ăn thịt. Phần nhiều dùng miệng chê bai, nên thọ khổ bất tận, đó đều do tội báo phỉ báng kinh này mà ra.
26. Từ câu: “Nhược đắc vi nhân” đến câu: “mạc thuyết thử Kinh” (Nếu được sinh làm người… chớ nên nói Kinh này).
Đoạn kệ tụng này nói về quả báo trong loài người.
Nói: “Nếu được làm thân người” là nói từ địa ngục, súc sinh may mắn ra khỏi. Sinh ra không có trí tuệ, các giác quan chậm lụt do không cung kính Tam bảo nên bị quả báo lùn xấu, què quặc. Làm người thấp nhỏ là do khinh miệt người khác. Do sống không lắng nghe, không học hiểu nên bị quả báo mù điếc. Do ngã mạn tự cao nên bị quả báo lưng gù. Do phỉ báng Phật pháp nên nói người ta không tin. Do miệng nói lời ác nên miệng thường hôi thối. Do cố chấp tà kiến nên bị quỷ ma ám dựa. Do sống không nguyên tắc nên làm người hèn hạ bị người sai khiến. Do không ăn cơm pháp lạc nên nhiều bịnh ốm gầy. Do xa rời Đức Từ phụ nên không có chỗ nương cậy, dù ở gần người, người ta không để ý tới mình. Do không có chánh niệm nên thiện pháp có được dễ mất. Do tánh khí điên đảo nên học nghề y dược, trị đúng phương thang mà bịnh người càng nặng thêm. Chính mình bị bịnh gặp thầy thuốc nhưng bịnh thêm nguy kịch. Vì vu khống chỉ trích không hợp lý nên gặp quả báo người khác phạm tội mà mình bị tai hoạ. Ở trên đều là quả báo trong cõi người. Do dứt hẳn thiện căn nên không có cơ hội gặp Phật nghe pháp, nhiều kiếp câm điếc, các giác quan không đầy đủ. Vừa mới ra khỏi ba đường dữ mà vào cõi người, rồi tạo nghiệp dữ trong loài người quay trở lại ba đường dữ. Cho nên mới nói thường ở trong địa ngục như dạo chơi trong vườn, ở trong các đường ác như ở trong nhà mình. Đường đi của các loài lạc đà, lừa, heo, chó.v..v… là đường đi của nghiệp hủy báng kinh chiêu cảm ra.
Câu: “Nếu được sinh làm người” trở xuống 16 câu, nói trước đây ba đường dữ mà thoát ra rồi từ người mà trở lại ba đường dữ, nay từ ba đường dữ trở lại làm người, nên gọi là “Như đi dạo xem vườn cảnh”. Đã được làm người nhưng do nghiệp trước chưa hết mà bị mù loà, điếc lác làm phong độ. Các bịnh sưng tấy, bịnh nặng làm y phục, gọi là khổ không rời thân vậy, còn thêm hôi hám ô nhiễm nữa. Hơn nữa người bị ngã kiến trói buộc không bỏ, sân hận không xả, dâm dục hưng thịnh, như vậy hạng này sao thoát khỏi đường khổ, làm sao mà đình chỉ được bánh xe của quả báo khổ! Đây đều là tội báo do khinh chê kinh này.
Từ câu: “Bảo cho Xá Lợi Phất” trở xuống là tổng kết đối với hạng không đủ căn cơ thì nói nhiều thêm hại, cái hại ấy không thể nói hết được. Vì lý đó mà cảnh giác “Ông đối với người vô trí chớ nói Kinh này”.
27. Từ câu: “Nhược hữu lợi căn” đến câu: “Diệu pháp hoa kinh”
(Nếu có người lợi căn… Kinh Diệu Pháp Liên Hoa).
Bài kệ tụng này nói đối với người có thiện căn thì có thể nói Kinh này.
Như trên đã nói … những người như vậy mới thật là pháp khí, nên vì họ mà truyền dạy, nếu không nói thì mất đi cơ hội làm cho tuệ mạng không được tiếp nối.
“Nói cầu Xá Lợi của Phật” là muốn nói lòng thành tín rất cao, xưa ngài Khương Tăng Hội ở Tây Vực trông thấy ánh chớp có ánh sáng năm màu chiếu tỏa bầu trời biết là Xá lợi của Phật, ngài tìm theo ánh sáng mà đến nơi Giang Đông, thôn Phật Đà. Ngài kết cỏ làm am tranh thiết lập tượng Phật, hành đạo ở đó. Có người tâu với Ngô chúa là Tôn Quyền, cho rằng ngài lập dị. Tôn Quyền mời ngài đến và hỏi rằng: Làm đệ tử của Phật, vậy Phật ở đâu? Đáp: Phật đã nhập diệt nhưng còn có Xá lợi để làm chứng Hỏi: Có thể thấy được không? Đáp: Nếu tín thành cầu xin thì thấy được. Do đó Tôn Quyền sai lập cầu xin. Nếu không linh nghiệm thì phải chết. Ban đầu bảy ngày qua không linh ứng, lại thêm bảy ngày nữa cũng không linh ứng, lần ba qua bảy ngày vẫn không linh ứng. Khương Tăng Hội mới cầu đảo rằng tôi có chết cũng không tiếc gì nhưng chúng sinh cõi này bị diệt mất nhân duyên đối với Phật phá. Lòng chí thành của ngài cao độ, nửa đêm dùng hết sức hô lên danh hiệu Phật ba lần, toàn thân đổ mồ hôi máu. Bấy giờ bỗng nhiên nghe trong chiếc bình có tiếng khua, ánh sáng chiếu cả trời đất. Đem dâng Ngô chúa, Tôn Quyền rất vui lòng, xây tháp thờ Xá lợi. Đây là Tháp Trường Can, là chùa Phật đầu tiên ở Giang Nam. Nếu có người cầu Kinh như vậy sao lại không nói được!.
Từ câu: “Bảo cùng Xá Lợi Phất” trở xuống là phần tổng kết chánh cơ. Trước là tội nói không đúng căn cơ, nói hết kiếp cũng không hết. Nay vì lợi ích của người đúng căn cơ nên nói hết kiếp cũng không hết.