KIM QUANG MINH TỐI THẮNG

VƯƠNG KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm TĂNG THẬN NHĨ DA DƯỢC-XOA ĐẠI TƯỚNG THỨ MƯỜI CHÍN

Phẩm Tăng Thận Nhĩ Da Dược-xoa Đại Tướng có chia ra làm ba phần:

1. Nói về lý do có phẩm này: Trong năm phẩm lợi ích về phước trí, trước là giúp ích về bốn biện tài cho đến áo quần, thức ăn uống, nay ở đây giúp ích về mặt trí tuệ, nhờ có trí lực nên có thể chân chánh nói pháp thọ dụng y phục thức ăn. Nếu không có trí tuệ thì e rằng nói pháp điên đảo, đắm trước vào ăn mặc. Vì lìa sự sai lầm này, đem đến trí tuệ nên có phẩm này phát sinh. lại giải thích: Biện tài trước đây thêm biện tức là trí, Thiên nữ, Địa thần giúp cho sự ăn mặc đó là phước; nay vì giúp cho cả hai nên phẩm này phát sinh. Thần này có lẽ là Bồ-tát địa thứ ba, cho nên được trí quang, trí quang rực rỡ là tuệ, danh nghĩa đầy đủ. Hoặc là địa thứ năm, vì thông suốt chân tục, hoặc là địa thứ mười, khó có thể suy nghĩ biết được, vì cảnh giới thường thông suốt. Kinh Đại Tập hai mươi mốt chép: “Vị Đại sĩ này nguyện làm quỷ thần thời Phật Thi Khí đời quá khứ”, tức các kinh xưa đều nói là Tán-chi Đại Tướng.

2. Giải thích tên gọi: Tăng-thận-nhĩ-da, Hán dịch là Chánh liễu tri, Dược-xoa, Hán dịch là Dõng kiện. Uy lực thâu nhiếp các quỷ, trí tuệ khác hẳn các thần, thống lãnh tất cả, hàng phục oán thù, cho nên xưng là Đại tướng. Ở đây nói: Vị đại tướng này thường giúp ích về trí tuệ cho nên lấy tên đặt cho phẩm này.

3. Giải trừ vấn nạn.

Hỏi: Ở trước cho biện tài cũng là trí tuệ, ở đây nói cho trí tuệ có gì khác với trước?

Đáp: Tuy đều là trí nhưng thể dụng khác nhau, bốn biện tài là nói về dụng, ở đây là nói về thể. bốn biện tài là trí hậu đắc, ở đây là chung cho cả trí căn bản. Đây là căn cứ theo sự giải thích thứ nhất về lý do có phẩm này của phẩm, cho dù dựa theo cách giải thứ hai thì chung, riêng có khác nhau nhưng cũng không chướng ngại gì với cách trước.

Văn kinh: Lúc ấy, Đại tướng Dược-xoa Tăng-thận-nhĩ-da cùng với hai mươi tám bộ các thần Dược-xoa ở trong đại chúng đều đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vén y bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật.

Tán rằng: Phẩm này chia làm hai: Đầu tiên là đem trí tuệ giúp đỡ, sau từ “Lúc ấy, Chánh liễu tri…” về sau là lại dùng năng lực thần chú để che chở. Đoạn đầu chia làm ba: Đầu tiên nói về ủng hộ, tiếp “Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao…” về sau là nói về lý do hộ trì, từ “vì nghĩa này” về sau là nói ngươi hộ trì được lợi ích. Phần đầu tiên lại chia làm ba: Đây là nghi thức thỉnh cầu che chở.

Văn kinh: Bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này hoặc đời hiện tại và đời vị lai, ở những nơi nào giảng nói, truyền bá, hoặc thành ấp làng xóm, núi rừng, đầm ao hoang vắng, hoặc cung điện vua quan, hoặc trú xứ của Tăng-già. Bạch Đức Thế Tôn! Đại tướng Dược-xoa Tăng-thận-nhĩ-da con cùng với hai mươi tám bộ các thần Dược-xoa cùng đến nơi đó, đều tự ẩn mình ở chỗ đó ủng hộ vị Pháp sư nói pháp kia, giúp cho xa lìa các sự suy não, thường thọ hưởng yên vui.

Tiếp theo nói về ủng hộ, có hai: Đầu tiên là ủng hộ Pháp sư, sau từ và người nghe pháp… trở xuống là ủng hộ những người nghe pháp.

Trong phần ủng hộ Pháp sư, có ba:

  1. Tên kinh và thời gian mở mang kinh.
  2. Từ “Ở những nơi nào…” về sau là nơi mở mang kinh.
  3. Từ “Bạch Đức Thế Tôn…” về sau là nói việc ủng hộ.

Văn kinh: Và người nghe pháp, hoặc nam hoặc nữ, hoặc bé trai hoặc bé gái, đối với kinh này cho dù chỉ thọ trì một bài tụng bốn câu, hoặc trì một câu, hoặc đầu đề tên gọi của kinh Vương này, và một danh hiệu Như lai, một danh hiệu Bồ-tát trong kinh này mà phát tâm xưng niệm cung kính cúng dường, con sẽ giúp đỡ ủng hộ che chở làm cho không còn tai họa bất ngờ, lìa xa khổ đau được sự vui sướng.

Tiếp theo nói về ủng hộ những người nghe pháp, văn cũng có ba phần: Đầu tiên là người lắng nghe thọ trì, tiếp theo từ “Đối với kinh này…” về sau là các pháp thọ trì, sau từ “Con sẽ…” trở xuống là nói về sự ủng hộ.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Vì sao tên con là Chánh liễu tri? Tiếp theo là phần thứ hai nói về lý do che chở. Trong đó có ba: Đầu tiên là nêu câu hỏi, tiếp từ “Nhân duyên này…” về sau là giải thích, cuối từ “Bạch Đức Thế Tôn! Như con…” về sau là kết thúc. Đây là phần đầu nêu hỏi.

Văn kinh: Nhân duyên này là Phật tự thân chứng, con biết các pháp, con hiểu tất cả pháp, tùy theo tất cả pháp vốn có, như vốn có tất cả các pháp, các thứ thể tánh khác nhau.

Tiếp theo giải thích, có hai: Đầu tiên là nói về Phật tự chứng biết, tiếp theo từ “Bạch Đức Thế Tôn!” về sau là tự nói rõ lý do. Đây tiên là Phật chứng biết. Đầu tiên nói về hai trí năng tri, từ “ở chỗ đó…” về sau là nói về pháp sở tri. Tri là hậu đắc chứng tri, hiểu là bổn trí hiểu đạt. Tùy sở hữu là tùy theo tất cả chủng loại về phước đức vốn có, tức là tánh tận sở hữu. Như sở hữu là như tất cả các đạo lý vốn có, tức là như các tánh vốn có. Trước là thể sự của các pháp, sau là đạo lý của các pháp. trước là pháp tục đế, sau là pháp chân đế. Theo kinh Giải Thâm Mật: “Như các tánh vốn có, từ thắng nghĩa tánh chỉ nói chân như.” Như dưới đây tức là sở hành của hai trí trước đó. Trên đây nói riêng về pháp sở tri. Từ “Chủng loại các pháp” về sau là nói chung về các pháp sở tri, như có pháp tục đế có nhiều thứ thể tánh khác nhau, chân đế tuy không có thể tánh khác nhau nhưng là chân tánh kia. Tùy theo năng y mà nói nghĩa sở y cũng có khác nhau. Lại theo đối pháp, tận sở hữu tức là uẩn xứ giới, như sở hữu tức là bốn đế, mười sáu hành… do đó có khác nhau.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp như vậy con thường hiểu biết, con có ánh sáng trí tuệ khó suy nghĩ, con có đuốc trí tuệ khó suy nghĩ, con có hạnh trí tuệ khó suy nghĩ, con đối với cảnh khó suy nghĩ nhưng có khả năng thông suốt.

Tiếp theo tự nói rõ lý do, có ba: Đầu tiên là nêu ra, con thường hiểu thuộc về bổn trí, con thường biết thuộc về hậu trí.

Tiếp theo giải thích việc thường hiểu rõ, ánh sáng trí tuệ là hậu trí, soi tỏ giáo lý hạnh quả Đại thừa, hàng hạ căn chẳng đo lường được, cho nên gọi là khó suy nghĩ. Đuốc trí tuệ là bổn trí, phá trừ vô minh tăm tối, hạnh trí tuệ hiểu rõ các hành khác nhau. Nhóm trí tuệ hiểu rõ nhóm tự thể; sau cùng là kết thúc về khả năng hiểu rõ, con đối với trí cảnh, bổn trí có khả năng thông suốt và hậu trí có khả năng đạt được hoặc trí hạnh tức là trí dụng của hành giải, trí tụ là thể tánh, vì vậy trong luận Duy thức chép: “Thể nương theo nghĩa tụ gọi là thân, thân tức là thể”, còn lại như trước đã giải thích.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Như con biết chân thật, hiểu chân thật, giác ngộ chân thật đối với tất cả các pháp nên có khả năng quán sát. Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên này nên Đại tướng Dược-xoa con gọi là Chánh Liễu Tri.

Tiếp theo là kết thúc thành tựu, đầu tiên là nhắc lại chỉ rõ bốn trí trước đây, biết hiểu giác sát theo thứ lớp phối hợp, ở đây dựa theo sự giải thích ở trước; tiếp theo “Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên…” về sau là kết luận lý do có tên gọi ấy.

Văn kinh: Vì nghĩa này cho nên con có thể giúp cho Pháp sư nói pháp kia đầy đủ trang nghiêm, lời lẽ biện luận rõ ràng, cũng khiến cho tinh khí theo lỗ chân lông mà đi vào thân, sức lực sung mãn, uy quang mạnh mẽ khó suy nghĩ được, ánh sáng trí tuệ đều được thành tựu, đều được nhớ nghĩ chân chánh, không có lui sụt khuất phục, ích lợi thêm cho thân kia, khiến cho không vị suy giảm, các căn yên vui, thường sinh vui mừng.

Tiếp theo nói về ích lợi cho người được hộ trì, lại có hai: Đầu tiên là lợi ích Pháp sư, sau từ “Vì nhân duyên này…” trở xuống là người nghe được lợi ích. Trong phần lợi ích cho Pháp sư, đầu tiên là nhắc lại lý do, vì con có bốn thứ trí cho nên có thể giúp ích Pháp sư, có thể giúp ích cho Pháp sư có tám:

  1. Tăng thêm biện tài.
  2. “Cũng khiến cho…” về sau là tăng thêm thân lực.
  3. Tăng thêm uy quang.
  4. Tăng thêm trí lực, chỉ nêu ra trí quang còn các trí khác đều rõ ràng cho nên nói là đều được.
  5. Tăng thêm niệm lực.
  6. Tăng thêm không lui sụt.
  7. “Tăng thêm thân kia…” về sau là tăng thêm thọ mạng không có sút giảm.
  8. “Các căn…” về sau là tăng thêm sự yên vui cho người đó.

Văn kinh: Vì nhân duyên này là do hữu tình kia đã gieo trồng các gốc lành tu tạo các phước nghiệp đối với trăm ngàn Đức Phật, ở châu Thiệm-bộ giảng nói rộng rãi truyền bá khắp nơi, không mau bị mất đi. Các hữu tình kia nghe kinh này rồi đạt được ánh sáng trí tuệ rộng lớn không thể suy nghĩ bàn luận cho đến vô lượng nhóm phước trí, ở đời vị lai sẽ thọ hưởng sự vui sướng tốt đẹp, không thể suy nghĩ bàn luận trong hàng trời, người, trải qua vô lượng câu-chi na-dữu-đa kiếp, thường gặp gỡ các Đức Phật, mau chứng đạt Vô thượng chánh đẳng Bồ-đề, cõi Diêm-la và ba đường đau khổ không còn trở lại.

Tiếp theo lợi ích của người nghe, trong đó lại có hai: Đầu tiên là do lợi ích của Pháp sư giúp cho pháp tồn tại lâu dài, cũng do những người lắng nghe tin nhận đã gieo trồng các gốc lành đối với trăm ngàn Đức Phật cho nên cảm được người nói pháp và kinh pháp này. Nhân duyên nghĩa là lý do, vì đạt được các trí này cho nên có thể truyền bá rộng rãi, và do năng lực gốc lành của người lắng nghe tin nhận cho nên không mau bị mất đi.

Tiếp theo “Các hữu tình kia…” về sau là nói nghe pháp được lợi ích, có sáu:

  1. Được bốn trí như trước.
  2. “Cho đến…” về sau là được thành tựu phước trí.
  3. Được sinh trong hàng trời, người.
  4. Được gặp các Đức Phật.
  5. Chứng quả Bồ-đề.
  6. Lìa ba đường ác.

Như văn có thể hiểu. Vì người nghe được như vậy, theo đó biết rằng Pháp sư cũng được lợi ích này, dùng kém để nêu sự tốt hơn, nghĩa theo đó chắc chắn hiểu được.

Văn kinh: Lúc ấy, Đại tướng Dược-xoa Chánh liễu tri bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con có Đà-la-ni nay đối trước đức Phật, tự mình nói rõ vì muốn lợi ích thêm, thương xót các hữu tình, nên liền nói chú rằng: Nam-mô Phật đà (dẫn) da – Nam-mô đạt ma (dẫn) da – Nam-mô Tăng già (dẫn) da – Nam-mô bạt la hám (hỏa hàm thiết) ma da – Nam-mô nhân đạt la da – Nam-mô chiết đốt nam – mạc hát la xà nam -đát điệt tha – sất lý sất lý – nhị lý nhị lý cù lý – mạc ha cù lý – kiện đà lý – mạc ha kiện đà lý đạt la nhị trĩ – mạc ha đạt la nhị trĩ – đan trà khúc khuyến đệ (khứ âm) – ha ha ha ha ha – sất sất sất sất sất – hô hô hô hô hô – hán lô đàm mê cù đàm mê – giả giả giả giả – chỉ chỉ chỉ chỉ – chủ chủ chủ chủ – chiên trà chiếp (chi thiệp thiết) bát la – thi yết la (thướng âm) – thi yết la – ốt để sắt tha sất – bạc già phạm tăng thận nhĩ da sa ha.” Nếu lại có người đối với minh chú này có thể thọ trì, con sẽ cung cấp các vật dụng trong cuộc sống hằng ngày đầy đủ thức ăn uống, áo quần hoa quả quý báu khác lạ, hoặc cầu trai gái, bé trai, bé gái, vàng bạc châu báu, các thứ chuỗi ngọc, con đều cung cấp tùy theo những sự mong cầu không để thiếu thốn. Minh chú này có uy lực rộng lớn, nếu lúc tụng chú con sẽ mau chóng đến chỗ đó, không để có gì chướng ngại, tùy ý thành tựu. Nếu lúc trì chú này nên biết pháp ấy, trước hết vẽ một bức họa hình tượng Dược-xoa Tăng-thận-nhĩ-da cao bốn, năm thước, tay cầm kiếm và đục. Ở trước tượng này làm đàn tràng hình vuông, đặt bốn bình nước mật đầy, hoặc nước đường cát, hương thoa, hương bột hương đốt và các tràng hoa. Lại ở trước đàn làm một lò lửa bằng đất, trong đó để lửa than, đốt hạt cải hạt mè trong lò, miệng tụng chú trước một trăm lẻ tám biến, một biến đốt một nhúm, cho đến khi đại tướng Dược-xoa con tự hiện thân đến hỏi người cầu nguyện: Ngươi muốn điều gì, mong cầu điều gì? Người ấy liền trả lời, con liền y theo lời mong cầu đều làm cho thỏa mãn, hoặc cần vàng bạc và các kho tàng che giấu, hoặc muốn thần tiên cỡi mây mà đi, hoặc cầu thiên nhãn thông, hoặc biết chuyện trong tâm người khác, đối với tất cả hữu tình tùy ý tự tại, khiến cho dứt bỏ phiền não, mau được giải thoát, tất cả đều được thành tựu.

Tiếp theo là phần thứ hai dùng năng lực thần chú che chở có sáu:

  1. Thỉnh cầu nói rõ ý nguyện.
  2. “Liền nói chú…” về sau là phần nói chú.
  3. “Nếu lại…” về sau là lợi ích của sự khuyến khích tu tập.. “Nếu lúc trì chú…” về sau là dạy cách thực hành. . “Cho đến…” về sau là nói về lợi ích đạt được, có ba: a. Hiện thân.
  4. Hỏi đáp.
  5. Từ “Hoặc cần…” về sau là theo ý muốn mà cung cấp:
  • Ban cho bảy thứ báu.
  • Ban cho kho tàng bị che giấu.
  • Ban cho thần thông.
  • Ban cho tự tại.
  • Ban cho giải thoát.

Theo như trước thì ban cho biện tài, ở đây muốn đạt được trí cũng cần phải tụng chú thỉnh cầu hiện thân giúp đỡ, khiến cho đạt được trí tuệ, vì lược bỏ cho nên không nói đến, nói rằng khiến cho dứt bỏ phiền não mau chóng được giải thoát là khiến cầu trí tuệ.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo đại tướng Dược-xoa Chánh liễu tri: Lành thay! Lành thay! Ông hãy làm lợi ích cho tất cả chúng sinh như vậy, nói thần chú này ủng hộ chánh pháp, phước lợi vô biên.

6. Tiếp theo là phần thứ sáu, Đức Phật ngợi khen thành tựu.