QUYỂN V
 
 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
 
PHẨM PHÂN BIỆT CÔNG ĐỨC
THỨ MƯỜI BẢY

 
Đại ý phẩm này, do nghe Phật nói thọ lượng lâu dài nên ngộ được pháp thân thường trụ, thấy được cảnh ba lần biến tịnh độ; hiểu được ba cõi do tâm. Đây là giác ngộ vi diệu tin và hiểu một cách sâu sắc, lấy đó làm nhân chính có thể khế hợp quả vị Như Lai thường trụ. Từ đây trì kinh mới là diệu hạnh.
Do pháp thân thường trụ, thế gian hay tịnh độ đều không rời khỏi niệm hiện tiền. Thực hiện quán sát ấy, là hiện tướng của sự tin hiểu sâu xa. Phẩm phân biệt công đức này là bất khả tư nghì, đến phẩm này cái nhìn cảm tính sinh diệt đều mất, cái thấy tịnh và uế dứt hẳn, sự giác ngộ đã cao, vậy mới là người trì kinh. Đó là lý do có phẩm này.
Ngài Thiên Thai chia làm năm loại pháp sư, thuộc về quán hạnh vị, do đó trì kinh cốt yếu ở chỗ giác ngộ không phải trì văn tự. Như vậy có thể siêu việt tất cả công đức hữu vi.

1. Từ câu: “Nhĩ thời đại hội” đến câu: “Đắc đại nhiêu ích” (Lúc bấy giờ trong đại hội… đặng lợi ích lớn).

Đoạn này là nhà kết tập kinh này trình bày bố trí. Đại chúng trong pháp hội nghe thuyết thọ mạng được nhiều lợi ích lớn.
2. Từ câu: “Ư thời Thế Tôn” đến câu: “Tam miệu tam Bồ đề” (Khi đó Đức Thế Tôn … Chánh đẳng chánh giác).
Đoạn này Như Lai nói về người nghe nói thọ lượng được nhiều lợi ích lớn.
Điều nói về người được lợi ích thì ý nghĩa có cạn sâu, tức là phân biệt sự ngộ nhập cạn sâu. Nhân đắc quả có cái trước cái sau. “ Vô minh pháp nhẫn” là do trước tu an lạc hạnh, ban đầu trụ nhẫn nhục địa. Nay nghe thọ lượng, pháp thân thường trụ, biết rõ không có sinh diệt, đắc nhẫn hạnh thành tựu. Nhờ ngộ pháp không sinh, nên nơi tâm có khả năng nhẫn. Như thế hằng sa chúng sinh đắc vô sinh nhẫn. Kinh Lăng Nghiêm nói: Do ba pháp tuần tự mà được vô sinh nhẫn, nghĩa tương đương thành tựu quán hạnh, tức đốn ngộ vô sinh mà nhập Tín vị. Trong kinh này do tu bốn an lạc hạnh, trong đó lấy nhẫn làm chủ yếu. Ban đầu do sinh nhẫn đến vô sinh nhẫn. Như nhĩ căn của Quán Âm động và tịnh đều không sinh, nghe và đối tượng nghe đều dứt. Đó cũng là do quán chiếu liễu ngộ được vô sinh, đó là nghĩa tương đương tín vị vậy, do Tín vị thuộc ngoại phàm cho nên nêu lên chúng sinh “ Văn Trì Đà La Ni”. Đà la ni dịch là Tổng trì, nghĩa là gồm tất cả pháp, giữ gìn vô lượng nghĩa. Nay gọi là văn trì, do nghe về thọ lượng ngộ được pháp thân mà an trụ thật tướng giữ không để mất, nghĩa tương đương Thập trụ. Giữ gìn chân lý, gồm cảûviên ngộ và viên trì, không cần trải qua thứ lớp nên gọi là tổng trì, nghiã là viên ngộ pháp thân gồm cả 10 vị, viên thành nhất tâm nên gọi là văn trì Đà La Ni. Đắc được nhạo thuyết vô ngại biện tài, ý nghĩa tương đương thập hạnh. Do vì thập trụ viên ngộ thật tướng chân không, chỉ an trụ nơi không lý. Nay từ nơi lý Không xuất ra Giả để phù hợp thế tục, lợi ích quần sinh, đó là thập hạnh “Nhạo thuyết vô ngại biện tài” là hạnh thuyết pháp độ sinh, dùng một hạnh thành tựu tất cả các hạnh, đắc được “Vô lượng Triền đà la ni”. Triền, giống như dòng nước xoáy chảy mạnh, thì chỗ ấy sẽ xoáy quấn lại. Ý nghĩa này tương đương Thập hồi hướng. Do trước hai hạnh không và giả quy về Trung đạo, hồi hướng ba chỗ (chơn như thật tướng, vô thượng bồ đề, pháp giới chúng sinh) mà trở thành nhất tâm. Do niệm niệm là không, giả nên niệm niệm là Trung đạo. Như dòng nước chảy nhanh tạo nên xoáy nước, nghĩa là tâm tâm thu nhiếp vào Trung đạo đệ nhất nghĩa đế vậy.
“Có thể chuyển được pháp luân bất thối” đó là nghiã tương đương sơ địa, tức là một khi bước lên địa đại hoan hỷ này thì vĩnh viễn không trở lui “Có thể chuyển được pháp luân thanh tịnh” ý nghĩa tương đương nhị địa. Nhờ ly được một phần ô nhiễm của vô minh và phá giới nên gọi là thanh tịnh, đều gọi là có khả năng chuyển pháp luân. Tùy theo sự giác ngộ mà hành trì, nên nghĩa kinh này ngộ tức là hành. Như vậy trải qua tám đời cho đến một đời sẽ được quả Bồ đề. Trải qua thứ lớp ba địa cho đến thập địa, rồi một đời bổ xứ sẽ được thành tựu Phật quả. Nói về địa vị là nói từ cạn đến sâu. Chúng sinh thì rất nhiều mà Bồ tát thì từ nhiều giảm dần đến ít. Ban đầu từ số thế giới vi trần. Lý càng sâu thì địa vị càng cao, người càng ít. Ở đây ta thấy căn cơ lợi hay độn không phải là một.
Hỏi rằng: Kinh này thuần túy nói về thật tướng, trực ngộ pháp thân mau lên Phật quả. Không nói đến hạnh vị, tiệm thứ, giai cấp. Nay lại dựa nơi địa vị để giải thích, vậy có giải sai ý Phật không?
Trả lời: Về lý thì tất nhiên như vậy. Kinh Hoa Nghiêm là Kinh nhất thừa viên đốn pháp môn, khi nói bốn mươi hai địa vị đều lấy tín làm căn bản. Cho nên nói rằng khi mới phát tâm liền được Bồ đề, là lấy một niệm làm nhân tố tâm pháp giới, bao trùm nhân quả ba đời. Địa vị trước sau đều do nhân tố của tâm, đó là tiệm thứ trong vô tiệm thứ. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói về vị thứ là do ba sự tăng tiến, thành tựu năm mươi lăm địa vị đều nương vào bốn giới căn bản viên mãn nhất tâm. Thâu nhiếp vào tam quán, nên từ ba pháp tiệm thứ mà ngộ vô sinh nhẫn, năm mươi lăm vị đều nương vào nhất tâm tam quán. Chỉ do thành tựu đoạn trừ lậu hoặc cạn sâu mà lập địa vị. Tuy trình bày các địa vị chung quy ở nơi nhất tâm, đây cũng là tiệm thứ trong vô tiệm thứ.
Nay Kinh này dựa vào bốn an lạc hạnh để nói hết sự vi diệu của trì kinh. Do nghe pháp thọ lượng mà ngộ được pháp thân, vậy cùng với kinh Lăng Nghiêm nói do ba tiệm thứ mà ngộ vô sinh nhẫn, ý nghĩa đồng nhau. Chỉ vì kinh Lăng Nghiêm chủ trương nhất tâm tam quán còn kinh này chủ trương nói thẳng thật tướng làm chánh nhân Phật tính cho chúng sinh. Ý mượn duyên nhân mà ngộ nhập, liền gọi là Phật. Do đó không nói tu, đoạn, hạnh, vị tiệm, thứ. Chỉ lấy sự ngộ tri kiến Phật làm căn bản.
Nay nhờ bốn an lạc hạnh, diệu ngộ được pháp thân, thẳng lên Phật địa. So sánh công đức căn cứ nơi các cấp độ để giải thích, lấy cơ sở duyên nhân Phật tính có cạn có sâu, nên giác ngộ có gần có xa. Chỉ lấy ngộ mà nói, không đề cập vấn đề đoạn trừ vô minh mà phân chia địa vị.
Kinh này thuần túy nói về thật tướng, đó gọi là “Thật tính của vô minh tức Phật tính”. Cho nên không có phiền não để đoạn, dựa vào ngôi vị để chiêm nghiệm sự giác ngộ chứ không phải thật có danh mục của địa vị. Nếu dùng việc phân giai cấp mà nạn vấn thì quá đáng. Cổ đức nói: Thánh đế còn không lập thì làm gì có giai cấp. Đây thật là ý chỉ viên đốn vậy.

3. Từ câu: “Phục hữu bát thế giới” đến câu: “Tam miệu tam Bồ đề tâm” (Lại có tám thế giới … Chánh đẳng chánh giác).

Đoạn này nói riêng những chúng sinh phát tâm, là những người chưa nhập đạo.
4. Từ câu: “Phật thuyết thị chư” đến câu: “Tán thán chư Phật” (Lúc Phật nói các … ngợi khen các Đức Phật).
Đoạn này trình bày trên hư không hiện điềm lành để chứng minh cho pháp.
Thọ lượng như hư không, đầy đủ vạn đức, nên trong hư không mưa hoa. Vì thể tính pháp thân là đồng đẳng nên cúng dường Đức Thích Ca, đức Đa Bảo và các đại chúng. Lại mưa bột mịn chiên đàn, trầm thủy và các hương thơm khác. Ý nói pháp thân mầu nhiệm thần thông diệu hạnh, không gì là không có. “Trên đến trời phạm thiên” là hiển lộ pháp thân biến khắp đến sắc biên tế. “Trên không trung phát ra âm thanh ca ngợi Phật” là nói về pháp tánh diệu không pháp âm sung mãn ca ngợi công đức của Phật là bất khả tư nghì vậy.
5. Từ câu: “Nhĩ thời Di Lặc” đến câu: “Giai phát vô thượng tâm” (Khi ấy ngài Di Lặc … đều phát tâm vô thượng).
Đoạn này ngài Di Lặc dùng kệ ca ngợi nói lên lợi ích của pháp này vì đây là nhân tố chính cho sự thành Phật trong tương lai.
Câu: “Phật nói pháp ít có” trở xuống 8 câu, là ca ngợi sự lợi ích của pháp. Câu “Hoặc trụ bất thối” trở xuống 12 câu, là nói về ban đầu mới nhập đạo cho đến khi đăng địa. Câu “Lại có tiểu thiên giới” trở xuống 12 câu, là nói tam địa cho đến thập nhất địa. Câu “hàng chúng sinh như thế” trở xuống 4 câu, là nói nhờ nghe thọ lượng như trên mà đắc quả chân thật. Câu “Lại có tám thế giới” trở xuống 4 câu, là nói về chúng sinh phát tâm nhưng chưa nhập đạo.
6. Từ câu: “Thế Tôn thuyết vô lượng” đến câu: “Ca vịnh chư Như Lai” (Thế Tôn nói vô lượng … ca vịnh các Như Lai).
Đoạn này nói điềm lành ứng hiện. Do vì pháp thân như hư không, bản chất đầy đủ vạn đức, nên trong hư không hiện các điềm lành để cúng dường chư Phật.
7. Từ câu: “Như thị chủng chủng sự” đến câu: “Dĩ trợ vô thượng tâm” (Như thế các món việc … để trợ tâm vô thượng).
Đoạn này đúc kết lại những gì đã trình bày.
Nói các loại điềm lành như thế, xưa chưa từng có. Vì nghe nói thọ lượng dài lâu, mà Pháp không biểu hiện những ứng hiện mầu nhiệm để giúp phát tâm vi diệu. Trước đã hiện điềm lành để trợ giúp hiển lộ đệ nhất nghĩa. Nay hiện điềm lành để trợ giúp phát tâm vô thượng.

8. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo” đến câu: “Vô hữu hạn lượng” (Lúc bấy giờ Phật bảo… đặng công đức không thể hạn lượng).

Đoạn này nói nhờ nghe pháp thọ lượng mà có sự so sánh lợi ích về sau.
Một niệm tin và hiểu được công đức vô lượng. Do thọ lượng như hư không nên một niệm tin và hiểu liền thể nhập pháp tính Diệu không, công đức lại hữu lượng hay sao!
9. Từ câu: “Nhược hữu thiện nam tử” đến câu: “Vô hữu thị xứ” (Nếu có thiện nam tử… thời quyết không có lẽ đó).
Đoạn này nói rằng sự tin hiểu pháp thọ lượng tức thì nhập vào trí tuệ Phật. Dù nhiều kiếp tu hành năm pháp ba la mật, ngoại trừ trí tuệ ba la mật, đều thuộc tu hành hữu vi. Duy ma cật nói: “Vô huệ phương tiện phược” nên nhiều kiếp tu hành không thể so sánh với công đức của trí tuệ Phật. Đã vào được pháp vị thì sẽ không trở lại sinh tử.
10. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Kỳ phước vi như thử” (Khi ấy Thế Tôn … phước đó nhiều như thế).
Từ câu: “Nếu người cầu Phật huệ” trở xuống 4 câu, là nêu chung năm độ. Từ câu: “Ở trong các kiếp nói” trở xuống 12 câu, là nói riêng bố thí độ. Từ câu: “Nếu lại gìn cấm giới” trở xuống 4 câu, là nói trì giới độ. Từ câu: “Nếu lại tu nhẫn nhục” trở xuống 8 câu, là nói nhẫn nhục độ. Từ câu: “Hoặc lại siêng tinh tấn” trở xuống 4 câu, là nói tinh tấn độ. Từ câu: “Lại trong vô số kiếp” trở xuống 12 câu, là nói về thiền định độ. Từ câu: “Người đó trong trăm nghìn” trở xuống 4 câu, là tổng kết chung năm độ và các loại công đức. Từ câu: “Có thiện nam tín nữ” trở xuống 8 câu, là nói so sánh công đức, nghĩa là một niệm tin hiểu pháp thọ lượng, phước ấy nhiều hơn nhiều kiếp tu hành năm độ. Nhờ đoạn trừ lòng nghi hối, an trụ thật trí và dứt bặt sự suy nghĩ bên ngoài, cho nên công đức nhiều hơn, không thể nghĩ bàn.
11. Từ câu: “Kỳ hữu chư Bồ tát” đến câu: “ Thuyết thọ diệc như thị” (Nếu có các Bồ tát … nói thọ mạng cũng thế).
Đoạn này nói bậc thượng căn nghe thuyết về pháp thọ lượng liền tin không nghi.
Từ câu: “Nếu có các Bồ tát” trở xuống 16 câu, là nói vô số kiếp hành đạo, đời trước đã vun trồng sâu dày, nên nghe nói thọ mạng tất nhiên có thể tin nhận, và lãnh thọ kinh này, nguyện ở đời vị lai sống lâu độ sinh. Như hôm nay Đức Thế Tôn nói pháp vô úy. Chúng con tương lai thành Phật nói về thọ mạng cũng như vậy. Do tin chắc không nghi nên nguyện lực kiên cố như thế.

12. Từ câu: “Nhược hữu thâm tâm” đến câu: “Ư thử vô hữu nghi” (Nếu có người thâm tâm … nơi đây không có nghi).

Đoạn này nói người tin chắc là người thượng căn thượng trí, là người thâm đạt thật tướng.
Nói “Trong sạch” là nói giới căn được đầy đủ. Nói “Ngay thật” là nói chí nguyện kiên cố. Nói “Học rộng” là nói thừa sự chư Phật. Nói “Tổng trì” là nói thông đạt pháp tạng. Nói “Tùy nghĩa giải lời Phật” là nói diệu khế ly ngôn. Nói “Những người như thế mới quyết định tin” đó gọi là kinh này không vào tay chúng sinh khác.
13. Từ câu: “Hựu A dật đa” đến câu: “Vô thượng chi huệ” (Lại A dật đa… Huệ vô thượng của Như Lai).
Đoạn này nói ý nghĩa và chỗ quy thú của thọ lượng.
Chỗ quy thú của thọ lượng ở nơi tột cùng của pháp thân, cho nên công đức có được không tính số lượng. Vì khéo léo thể nhập trí tuệ Phật nên có thể phát khởi tuệ vô lượng của Đức Như Lai, chữ “Khởi” nghĩa là khai phát vậy.
14. Từ câu: “Hà huống quảng văn” đến câu: “Nhất thiết chủng trí” (Huống là người rộng nghe… sinh nhất thiết chủng trí).
Đoạn này nói về sự lợi ích của người nghe và thọ trì.
“ Hà huống gì!” đó là lời so sánh với ở trên. Nói chỉ biết nghĩa thú tức khai phát trí tuệ Phật, huống gì học rộng và truyền dạy cho người khác. Thọ trì sáu cách thì công đức càng vô biên,tự nhiên sinh nhất thiết chủng trí.
15. Từ câu: “Adật đa” đến câu: “Thâm tín giải tướng” (A dật đa… là tướng tin hiểu sâu chắc).
Đoạn này nói hành tướng của sự tin hiểu thâm sâu.
Nói có thể tin hiểu sâu sắc pháp thân thường trụ thì một hội linh sơn vẫn còn tồn tại, cõi Ta bà ô nhiễm là thế giới hoa tạng. Quán được như vậy, đó là tướng tin hiểu sâu sắc, dùng một niệm mà vượt qua 10 địa tức được thành Phật, nên gọi là tin hiểu sâu sắc.
Trong phẩm phương tiện ở trước có nói ngài Xá Lợi Phất nhờ tín mà vào, và bốn đại đệ tử liễu ngộ, nên phẩm có tên là Tín Giải. Dù mong được Phật thọ ký nhưng sự tin hiểu chưa sâu, chỉ là tin theo lời Phật nên mỗi lần nói đều nhắc rằng: “Lời nói của Như Lai không hư dối”, nên đối với Phật tâm chưa tin. Đến phẩm Hiện Bảo Tháp dù thấy Phật Đa Bảo bất diệt và ba lần biến tịnh độ, vẫn chưa biết Đức Thích Tôn pháp thân thường trụ, cõi ô uế này vốn là tịnh độ, do tự tâm chưa khai ngộ. Đến khi nói về trì kinh bốn an lạc hạnh, nương theo đó mà hiểu rõ. Từ đất vọt lên trước mắt, tâm mới phát khởi giác ngộ. Cho nên Đức Như Lai tự nói về thọ lượng dài lâu để trình bày pháp thân thường trụ bất diệt. Đến đây mới thấy vĩnh viễn vô sinh diệt, tịnh và uế nhất như, mới tin Phật tâm. Do vậy lời kết chỉ dẫn quán tâm rằng: “Nếu có thể quán sát như thế mới là tướng tin hiểu sâu sắc” Thế nên tôi (người giảng) ở trước nói rằng: Nêu phẩm Tín giải cho đến phẩm Hiện Bảo Tháp đều do tin mà hiểu. Từ phẩm Đề Bà Đạt Đa đến đây đều do hạnh mà ngộ, gọi là tin hiểu sâu sắc, là giác ngộ tột cùng pháp thân.
Ngài Thiên Thai dùng chung tam quán để giải thích kinh, giáo nghĩa nằm ở đây, do ngộ Pháp hoa tam muội đích thân thấy hội Linh sơn vẫn còn. Đó là ngài tự chứng cái tướng tin hiểu sâu sắc. Không chỉ riêng ở đây (mà các nơi khác cũng có), chỉ vì người học, trí cạn tâm thô không thể dung nhâïp diệu quán nên cho là phiền phức. Sao có thể biết sự diệu ngộ của người xưa!
16. Từ câu: “Hựu phục Như Lai” đến câu: “Đảnh đái Như Lai” (Và lại sau Đức Như Lai… đầu đội Đức Như Lai).
Ở trên là thuyết minh về sự lợi ích của phẩm thọ lượng, còn ở đây thuyết lợi ích của toàn kinh.
Nói rằng chỉ có tùy hỷ kinh này đã là tướng của sự tin hiểu sâu sắc huống gì đọc tụng thọ trì. Đó không phải là đầu đội Như Lai ư! Do vì kinh này là toàn thể pháp thân của Như Lai.
17. Từ câu: “A dật đa” đến câu: “Tác thị cúng dường dĩ” (A dật đa… việc cúng dường đó rồi).
Ở đây nói nếu có thể thọ trì đọc tụng kinh này tức là cúng dường Phật và chúng tăng. Vì kinh này là nhất thể Tam bảo, trì kinh tức là cúng dường Tam bảo vậy.
18. Từ câu: “A dật đa” đến câu: “Cập tỳ kheo tăng” (A dật đa … và Tỳ kheo tăng).
Đoạn này nói người trì kinh tức là đã cúng dường Tam bảo, để trình bày pháp cúng dường là hơn hết.
19. Từ câu: “Thị cố ngã thuyết” đến câu: “Cúng dường chúng tăng” (Cho nên ta nói … cúng dường chúng tăng).
Đoạn này kết lại để trình bày pháp cúng dường là hơn hết, “Chẳng cần chùa tháp”.v.v.. để nói rõ lý hạnh tối thắng.
20. Từ câu: “Huống phục hữu nhân” đến câu: “Nhất thiết chủng trí” (Huống lại có người… nhất thiết chủng trí).
Đoạn này nói người trì kinh lại kiêm tu hạnh lục độ thì công đức vô lượng, vì có thể mau đến quả vị nhất thiết chủng trí.
21. Từ câu: “Nhược nhân đọc tụng” đến câu: “Bồ tát công đức” (Nếu có người đọc tụng… công đức của Bồ tát).
Ở trên nói chỉ có thể trì kinh, không cần tạo dựng chùa tháp, tăng phòng.v.v… sợ rằng có người cho rằng hạnh phá hoại nên nay lại nói người trì kinh mà chuyên tu hạnh phụng sự xây dựng chùa tháp, tăng phòng, lại có thể ngợi khen người ở tam thừa. Như vậy lý sự song tu, chẳng phải là thù thắng sao!
22. Từ câu: “Hựu vị tha nhân” đến câu: “Như Phật chi tháp” (Lại vì người khác … như tháp của Phật).
Ở đây nói đã có thể trì kinh, lại có thể giảng giải, có thể tu nhiều lý hạnh. Đó không phải là người đã đến đạo tràng, được gần Bồ đề, ngồi dưới đạo thọ, sắp sửa thành đẳng chánh giác ư! Đây là giải thích nghĩa của đoạn trên mau được nhất thiết chủng trí.
Có người được diệu hạnh như vậy thì ở nơi bốn oai nghi đều được xây tháp cúng dường. Vì người này đã đầy đủ Phật tâm, Phật hạnh, cách Phật không xa, vốn nên cúng dường.
Đây là tổng kết công đức của tướng tin hiểu sâu sắc vậy.
23. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Kinh hành cập toạ ngoạ” (Khi ấy Đức Thế Tôn… kinh hành và ngồi nằm).

Từ câu: “ Sau khi ta diệt độ” trở xuống 4 câu, là nói tổng quát về công đức thù thắng của sự trì kinh. Câu: “Đó thời là đầy đủ” trở xuống 18 câu, là nói các việc cúng dường chư Phật. Câu: “Nếu hay trì kinh này” trở xuống 12 câu, là nói việc cúng dường chư Tăng. Câu: “Nếu có lòng tin hiểu” trở xuống 12 câu, là nói riêng công đức của người trì kinh. Câu: “Huống lại trì kinh này” trở xuống 4 câu, là nói kiêm tu hạnh lục độ. Câu: “Cung kính nơi tháp miếu” trở xuống 6 câu, là nói về đầy đủ các hạnh lành. Câu: “Nếu làm được như hạnh đó” trở xuống 22 câu, là nói tổng kết người trì kinh. Do cung kính người trì kinh như kính Phật, thì chỗ đứng ngồi nằm của người ấy, nên làm cho trang nghiêm như cúng dường Phật. Vì người Phật tử này như Phật nên sự thọ dụng cũng như Phật.

Ở trên nói từ “Tu mạn na” còn gọi là Tô ma na dịch là Thích ý “Chiêm bặc” cũng gọi là “Chiêm bặc ca” dịch là Huỳnh hoa. “A đề mục đa già” đây gọi là Vô long thủy. Cả ba thứ hoa này rất thơm, dùng ướp mè lấy dầu cúng Phật. /.