QUYỂN V
 
 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

PHẨM NHƯ LAI THỌ LƯỢNG
THỨ MƯỜI SÁU

 
Đại ý phẩm này là từ phẩm trước có hiện tượng chúng Bồ tát ở dưới đất vọt lên, ngài Di Lặc khởi tâm nghi hoặc, nên Đức Thế Tôn nói số lượng tuổi thọ của mình để trình bày sự mầu nhiệm của Bổn môn và Tích môn. Nói hết hoài bão của mình để loại bỏ kiến giải sinh diệt của nhị thừa, hiển lộ pháp thân thường trụ, tùy duyên mà hiển hiện mọi nơi, ẩn hay hiện không chướng ngại. Qua đó làm sáng tỏ trí tuệ Như Lai rất thâm sâu và phát huy vô lượng phương tiện để độ sinh. Ý muốn nói rằng cánh cửa trí tuệ ấy rất khó vào. Tuy nhiên người tu hành không thấy được Pháp thân thì không chứng ngộ thực sự, chỉ cần một chút dục niệm tồn tại thì vẫn ở nơi tri kiến của chúng sinh, không phải là tri kiến của Phật.
Phẩm Hiện Bảo Tháp ở trước đã nói, nhờ Đức Đa Bảo Như Lai hiện bày cảnh giới của Pháp thân mà đại chúng có lòng tin nơi Đức Đa Bảo. Nhưng lại không tin rằng Đức Thích Ca và Đa Bảo là một thân, một tuệ giác như nhau. Do các vị thanh văn ngày xưa chỉ thấy Phật thuyết pháp ở vườn Lộc uyển, cho đó là Phật thật, họ không biết có việc hướng thượng, rồi nghe Phật muốn nhập Niết bàn, nên khởi lên nhận thức sinh diệt. Dù được Phật thọ ký, dù tin vào lời Phật dạy mà chưa thấy được Phật tâm, đây là điều khó đạt được quả vị giác ngộ. Nếu sự giác ngộ không phải là chân ngộ thì sự tu không phải thật tu, mà như vậy thì bổn hoài xuất thế của Như Lai vẫn chưa toại nguyện. Cho nên các Phẩm trước dùng nhiều phương tiện để khai thị, thuộc về “Y tha khởi” Ở đây nói đến tận cùng thần lực của Như Lai, bày tỏ bản hoài xuất thế, lộ toàn thể pháp thân. Ngài nói về thọ lượng không cùng tận của mình, dùng thí dụ người thầy thuốc dụ rõ: Tuy diệt mà không diệt.Ý muốn các hàng Thanh văn thực sự chứng ngộ được pháp thân thường trụ này. Đây mới chính là nhân tố chính.
Phẩm này tiếp nối phẩm Tùng Địa Dõng Xuất về lý đã đủ, phẩm kế là Phân biệt công đức, ý là tùy thuận thì chứng ngộ được.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo” đến câu: “Ngã đẳng đương tín thọ Phật ngữ” (Lúc bấy giờ Phật bảo … chúng con sẽ tin nhận lời Phật).
Đoạn này Đức Thế Tôn nhân vì chúng Bồ tát từ đất vọt lên ở phẩm trước, ngài Di Lặc khởi lòng nghi nên thưa hỏi, vì vậy Phật thuyết phẩm này để đáp lại.
Trước hết ngài chưa nói ngay mà ba lần nhắc nhở nên tin lời nói đúng đắn của Như Lai, vì vấn đề số lượng tuổi thọ của Phật khó tin khó hiểu. Có thể nói trí tuệ của chư Phật thâm sâu không đo lường nổi. Nay nếu nói sợ người nghe cho là hoang đường và lầm lẫn, hoặc có người sinh nghi không tin lại mang lấy tội lỗi. Cho nên Đức Như Lai nhiều lần nhắc nhở rồi mới nói.
Ngài Di Lặc và đại chúng ba lần bạch “Chúng con sẽ tin nhận lời Phật, cúi mong nói đó”. Đó là tâm thỉnh cầu khẩn thiết tột cùng vậy.
2. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Bí mật thần thông chi lực” (Bấy giờ Đức Thế Tôn… sức bí mật thần thông của Như Lai).
Đoạn này đáp lời hỏi của đại chúng.
Nói là “Ba phen thỉnh chẳng thôi” chính là phát huy phẩm phương tiện. Lúc đầu Như Lai xuất định, tự nói rằng trí tuệ Phật thâm sâu vô lượng cánh cửa trí tuệ ấy khó hiểu khó vào. Trước kia Phật tự ca ngợi trí tuệ ấy mà không nói, nhờ ngài Xá Lợi Phất ba lần thưa thỉnh rồi mới nói. Vì muốn dẫn dắt hàng nhị thừa dần dần bước vào Phật tuệ, ngài sắp nói khai Phật tri kiến. Cho nên ngài Xá Lợi Phất làm đối tượng thuyết pháp (Chúng đương cơ).
Nay nói về Thọ Lượng là nói rõ và rộng hơn ý trước, nhân ngài Di Lặc thưa thỉnh, lấy ba châu ở trước làm phương tiện khai thị. Như đã nói, vì cánh cửa trí tuệ mà thọ ký cho hàng nhị thừa, nhưng các vị được thọ ký, chưa ngộ pháp thật tại vi diệu. Nhân việc Bồ tát từ đất vọt lên mà thuyết về thọ lượng. Sắp sửa vì hàng Bồ tát mới được thọ ký, ngộ được pháp thân này mới là thực ngộ, tức đắc Phật quả. Cho nên Di Lặc Bồ tát là bậc Đại sĩ nhất sinh bổ xứ đứng ra thưa thỉnh. Xem phẩm phân biệt công đức ở sau thì biết ngộ bản pháp này mới là thực ngộ, có thể nhập tri kiến Phật.
Đức Phật xuất thế vì một đại sự nhân duyên vì chúng sinh mà khai thị trí tuệ Phật. Trí tuệ ấy là thể tánh pháp thân làm họ ngộ nhập điều ấy. Do vậy lúc đầu xuất định đặc biệt dạy cho, nhưng chỉ nêu ra thôi. Các điều dạy để khai thị khác phải đến phẩm Hiện Bảo Tháp mới rõ ràng hiển thị trí tuệ Phật. Nhưng vẫn còn mượn Phật Đa Bảo để trình bày, coi là đồng thể với nhau, Đức Thích Ca chưa tự thân mình nói về sự việc căn nguyên của mình.
Nay nói thẳng Thọ Lượng của mình, đó gọi là “Tám chữ mở tung” thẳng thắn thổ lộ mới cạn được tâm tình. Sự việc này bốn mươi năm qua im lặng không nói, nay đã phơi bày vẫn chưa nói ngay, phải bỏ ba châu và các phương tiện để mà nói. Đây là điều thần thông bí mật của Như Lai vậy. Vậy mới biết Như Lai xuất thế từ đầu cho đến toàn kinh Pháp hoa này, đều vì nói rõ trí tuệ thâm sâu vô lượng của chư Phật. Cánh cửa trí tuệ ấy khó hiểu khó vào, chỉ hai chữ mà thôi.
3. Từ câu: “Nhất thiết thế gian thiên, nhân, Atu la” đến câu: “Vạn ức na do tha kiếp” (Tất cả trong đời, trời, người, Atula… muôn ức na do tha kiếp).
Đoạn này là một lời đáp phá hết mọi nghi ngờ của nhân thiên và tam thừa.
Do chỉ thấy hiện tượng mà không thấy bản thể, đó gọi là “Hễ đạt bổn thì tình mất” biết được tâm thì khế hợp với thể tính, biết được thể tính thì đó là tri kiến chân chính.
4. Từ câu: “Thí như ngũ bách thiên” đến câu: “Na do tha Atăng kỳ kiếp” (Ví như năm trăm nghìn … Na do tha Atăng kỳ kiếp).
Đoạn này nói về sự thọ lượng lâu dài khó nghĩ bàn, cho nên dùng ví dụ bụi đất để lấy con số thế giới vi trần.
Ở trước phần “Nhân duyên châu” có dẫn chuyện Đức Thế Tôn ở nơi Đức Đại Thông Trí Thắng, lúc làm vương tử thuyết kinh Pháp Hoa kết duyên nhất thừa, khi bàn về nhân duyên xưa có nói lấy một thế giới Tam thiên đại thiên làm địa chủng mài thành mực. Nay lại lấy năm trăm ngàn ức na do tha Atăng kỳ tam thiên đại thiên thế giới làm địa chủng, đều làm thành vi trần, mà vi trần đó nhỏ hơn điểm mực. Ở trước đã nói rằng qua phương Đông ngàn cõi nước mới rơi xuống một giọt mực. Nay thì qua phương đông năm trăm ngàn muôn ức Na do tha Atăng kỳ quốc độ mới rơi xuống một hạt vi trần, thì quốc độ chẳng dính vi trần lại nhiều hơn thí dụ trước. Số vi trần này không thể biết được, cái biết của tâm không đến được. Như vậy người tu học trong tam thừa cho đến bất thối Bồ tát đều không thể đạt đến. Huống chi các thế giới vi trần và không dính vi trần đều lấy nghiền làm vi trần, một vi trần làm một kiếp, sao có thể nghĩ bàn được! Vậy mới biết Đức Đại Thông Trí Thắng phần nhiều dựa vào nơi tích môn mà nói, nên phẩm phương tiện nói ngài Xá Lợi Phất, hàng Tam thừa cho đến Bồ tát bất thối đầy cả tam thiên đại thiên thế giới đông như lúa, mè, tre, lau. Tập hợp tất cả sức mạnh trí tuệ ấy cũng không biết được trí tuệ của Phật. Ý nghĩa ấy nằm ở dưới đây vậy.
5. Từ câu: “Tự tùng thị lai” đến câu: “Đạo lợi chúng sinh” (Từ đó nhẫn lại … dẫn dắt lợi ích chúng sinh).
Đoạn này nói số lượng tuổi thọ thành Phật.
Như trên nói trần kiếp lâu xa và nhiều như vậy, còn nói rằng từ xưa đến nay thường ở tại thế giới Ta bà thuyết pháp giáo hóa, và ở cõi khác dẫn dắt làm lợi ích cho chúng sinh, điều này thật khó tin khó hiểu. Cho nên hàng Nhị thừa trời, người, nghe vậy không ai không lấy làm lạ và hoài nghi.
Đây chính là chỉ thẳng pháp thân thường trụ vốn không sinh diệt, thế giới y báo đồng nhất với tịch quang tịnh độ. Đó gọi là “Có Phật hay không Phật tánh và tướng vẫn thường trụ”. Cho nên phải biết rằng chư Phật vốn không Niết bàn, chúng sinh vốn chẳng sinh tử. Đó là pháp giới bình đẳng, diệu pháp thật tướng đều hiện ở đây. Vậy hàng tam thừa kiến giải yếu kém sao có thể tin được! Cho nên, quyết mở bày Phật tri kiến, để biết và thấy hết. Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu hiểu thật tướng của các pháp này. Ngài muốn các vị trong hàng tam thừa biết tri kiến này mới gọi là ngộ Phật tri kiến.

6. Từ câu: “Chư thiện nam tử” đến câu: “Dĩ phương tiện phân biệt” (Các thiện nam tử … dùng phương tiện để phân biệt).

Đoạn này là ngầm trả lời văn khó hiểu.
Trên nói thành Phật lâu xa, còn nói trí tuệ của chư Phật thâm sâu vô lượng. Ở đây nói Niết bàn và thọ ký đều là phương tiện, còn nói cánh cửa trí tuệ ấy lấy phương tiện quyền xảo, đặc biệt để hiển thị cái chân thật. Cho nên khó hiểu khó vào.
7. Từ câu: “Chư thiện nam tử” đến câu: “phát hoan hỷ tâm” (Các thiện nam tử …. Phát lòng vui mừng).
Đoạn này nói về pháp thân trạm nhiên thường trụ mà hiện thân ứng hóa độ sinh.
Chỉ tùy theo căn cơ có lanh lợi, có ngu độn, nên dùng danh tự ngôn ngữ không giống nhau. Như Kinh Hoa Nghiêm phẩm Danh hiệu nói thọ mạng dài ngắn, phẩm Atăng kỳ nơi pháp có đốn tiệm. Như phẩm Tứ thánh đế, đều là tác dụng của tùy duyên chẳng phải là gốc của pháp vậy.
8. Từ câu: “Chư thiện nam tử” đến câu: “Tác như thị thuyết” (Các thiện nam tử … nên nói như thế)
Đoạn này nói tích môn thì gần mà bổn môn thì xa, điều thi thiết đều là phương tiện.
9. Tu cau :“Chư thiện nam tử” đến câu: “Giai thật bất hư” (Các thiện nam tử.. điều thật chẳng dối).
Đoạn này nói những pháp được nói hoặc tự hoặc tha đều giống như việc làm của Phật Đăng Minh, Phật Đại Thông Trí Thắng, Phật Đa Bảo… đều là một thân, cùng một trí tuệ, là sự thị hiện cả, đều là sự thật chẳng phải hư dối. Do chúng sinh trí cạn nên sinh lòng nghi mà không tin, khởi lên tri kiến không đúng.
10. Từ câu: “Sở dĩ giả hà” đến câu: “Vị tằng tạm phế” (Vì sao? … chưa từng tạm bỏ).
Đoạn này giải thích đều là ý chân thật không hư dối, để trình bày thật tướng thường trụ của các pháp.
Thấy như thật các tướng của ba cõi, nghĩa là các pháp như thị tướng, tánh, thể, lực, bổn mạt, cứu cánh … Do Như Lai thấy rõ các tướng của ba cõi vốn không sinh tử, xuất một, sinh diệt, hư, thực, như, dị. Nghĩa là các pháp chỉ một tướng một vị, tướng ly, tướng diệt, tướng rốt ráo tướng vắng lặng. Do chúng sinh trong ba cõi mê mờ đối với thể tánh các pháp nên thấy lầm có tướng sai biệt. Đức Như Lai thấy rõ tất cả bình đẳng không có lầm lẫn, đó gọi là Phật tri kiến. Cho nên nói “Chẳng phải như ba cõi mà thấy nơi ba cõi”. Nay vì chúng sinh mà khai tri kiến Phật, là muốn chúng sinh thấy trực tiếp tướng như thật của tam giới mà thôi. Vì vậy ở trước nói “Như thị” diệu pháp ấy chính là đây vậy.Đó gọi là trí tuệ của chư Phật thâm sâu vô lượng. Do căn tính chúng sinh không đồng, có các loại dục tính, dục tưởng phân biệt, nên Phật tùy cơ mà thiết lập phương tiện, sử dụng biết bao nhân duyên, thí dụ… để nói pháp, tất cả đều là Phật sự. Đây gọi là cánh cửa trí tuệ khó hiểu khó vào vậy.
11. Từ câu: “Như Lai ngã thành Phật” đến câu: “Thường trụ bất diệt” (Như thế từ ta thành Phật … thường còn chẳng mất).
Đoạn này là kết, biểu thị pháp thân thường trụ bất diệt.
12. Từ câu: “Chư thiện nam tử” đến câu: “Giáo hóa chúng sinh” (Các thiện nam tử … giáo hóa chúng sinh).
Đoạn này nói sẽ diệt độ để làm rõ quyền pháp.
Ở trước dùng kiếp số nhiều như vi trần để dụ cho thọ mạng, là thuyết minh pháp thân thường trụ vĩnh cửu bất diệt. Ở đây nói “Ngày xưa tu hành đạo Bồ tát cảm thành thọ mạng vẫn chưa hết nay lại tăng hơn số trên” đó gọi là việc pháp thân hướng thượng. Như vậy mà nói diệt độ thì chỉ là phương tiện ứng cơ, biểu hiện quyền pháp.
13. Từ câu: “Sở dĩ giả hà” đến câu: “Dĩ phương tiện thuyết” (Vì sao …. Dùng phương tiện nói rằng).
Đoạn này giải thích lý do vì sao phải diệt độ.
Nếu Phật ở đời quá lâu thì người đức mỏng không khởi ý tưởng khó gặp, không sinh tâm cung kính. Vì những hạng người này mà nói diệt độ, đó là dùng quyền tích để thị hiện. Thực sự vẫn tồn tại mà nói diệt độ, nên khó tin.
14. Từ câu: “Tỳ kheo đương tri” đến câu: “Giai thật bất hư” (Tỳ kheo phải biết … đều thật chẳng dối).
Đoạn này nói Như Lai thật ra không diệt độ mà nói diệt độ, là muốn chúng sinh phát khởi tâm lý khó gặp, sinh lòng ái mộ làm cho họ trồng được gốc lành. Vì vậy không thật diệt mà nói diệt. Ở đây dùng quyền pháp hiện ra diệt độ, pháp lợi sinh của chư Phật đều như vậy, tất cả đều vì chúng sinh. Quyền tức là Thật, cho nên nói là chân thật không dối.
15. Từ câu: “Thí như lương y” đến câu: “Nãi chí bách số ” (Ví như vị lương y … nhẫn đến số trăm).
Đoạn này thiết lập thí dụ người thầy thuốc dụ cho Đức Như Lai thật còn mà nói diệt, để giải thích về ý vì độ chúng sinh.
Lương y dụ cho Phật, phương thuốc dụ cho giáo pháp, diệu dược dụ cho hợp chân lý, các thứ bịnh, các loại dược tính dụ cho đối trị các bịnh tính dục của chúng sinh. Đó là điều mà Phật thường dạy: Tất cả pháp là đối trị tất cả tâm ý, nếu không có tất cả tâm thì dùng tất cả pháp làm gì. “Các con đến số trăm” là nói chúng sinh trong ba cõi. “Hoặc mười hoặc hai mươi” là chỉ cho người và trời cho đến mười loại.
16. Từ câu: “Dĩ hữu sự duyên” đến câu: “Uyển chuyển ư địa” (Do có sự duyên … lăn lộn trên đất).
Đoạn này dụ cho duyên giáo hóa của Phật đã hết nên ẩn thân không xuất hiện nữa.
Ngài lại xuất hiện ở phương khác chính là vị lương y cũ. Trước kia Phật đã diệt độ, chúng sinh trong ba cõi gần gũi huân tập ngoại đạo và tiểu thừa, như uống độc dược. “Lăn lộn trên đất” là dụ cho lấy cái khổ để trừ cái khổ luân hồi trong lục đạo.
17. Từ câu: “Thị thời kỳ phụ” đến câu: “Vô phục chúng hoạn” (Bấy giờ người cha … không còn lại có các bịnh hoạn).
Đoạn này dụ cho Đức Như Lai quán sát thấy chúng sinh trong ba cõi bị các nỗi khổ bức bách, cho nên xuất hiện ở đời. Như vậy cho là vị lương y mới. Tuy nhiên đó gọi là “Cha họ trở về”, không phải là hai người cha (trước sau chỉ một người cha). Chúng sinh đang mê muội cách Phật rất xa, cho nên nói là “ Xa thấy”. Biết tên biết hiệu nên nói là “ Đều rất vui mừng”. Phát tâm nỗ lực tu hành nên nói là “ Quỳ lạy thăm hỏi”. Đã biết phiền não là nguồn gốc của khổ, sinh tử là khốn đốn, nguyện cầu ra khỏi, cho nên nói rằng “ Chúng con ngu si, lầm uống thuốc độc xin cứu lành cho”. Bỏ vọng về chân nên gọi là “ Ban thọ mạng cho chúng con”.
Đức Phật tuân thủ theo phương thức ứng cơ giáo hóa của chư Phật; đem nhất thừa phân biệt nói thành ba thừa, nên nói là “ Y theo các kinh phương tìm cỏ thuốc tốt.v.v..” Vạn hạnh đầy đủ, nên gọi là “ Mùi sắc vị ngon” Các pháp được thuyết đều nhất quán, nên gọi là “ Đâm nghiền hòa hiệp”. Dùng phương tiện quyền xảo để cứu độ, nên gọi là “ Các con nên uống”. Đoạn hoặc chứng chân, nên gọi là “ Mau trừ khổ não, không còn lại có các bịnh hoạn”.
18. Từ câu: “Kỳ chư tử trung” đến câu: “Nhi vị bất mỹ” (Trong các con… mà cho là không ngon).
Đoạn này dụ đối tượng giáo hóa có khó có dễ “Thấy thuốc liền uống” là bậc thượng trí căn tính lanh lợi, gặp Phật pháp tức thì tin hiểu, đó là người giáo hóa dễ. Nói rằng “Thấy cha về, dẫu cũng vui mừng cũng cầu trị bịnh, song trao thuốc mà không chịu uống” dụ cho người nhị thừa tuy gần Phật pháp mà không chịu tiếp nhận Bồ đề. Vì tích luỹ nghiệp chướng sâu dày nên gọi là “ Hơi độc đã vào sâu”.
19. Từ câu: “Phụ tác thị niệm” đến câu: “Nhữ phụ dĩ tử” (Người cha nghĩ rằng … cha các ngươi đã chết).
Đoạn này dụ sắp sửa nói lên sự diệt độ, chính là nói kinh này. “Những người con này đáng thương”… là dụ cho hàng nhị thừa chấp quyền pháp không bỏ không chịu cầu Đại thừa gọi là “Chẳng chịu uống thuốc”. “Để lại lương dược” là dụ cho thuyết kinh này. Nói “Cha các ngươi đã chết” là dụ cho nói về nhập Niết bàn. Thật ra qua ở nước khác mà nói đã chết là dụ cho thật sự không phải diệt độ mà thị hiện diệt độ.
20. Từ câu: “Thị thời chư tử văn phụ bối táng” đến câu: “Tầm tiện lai quy hàm sử kiến chi” (Bấy giờ các con nghe cha chết … Liền trở về cho các con đều thấy).
Đoạn này dụ cho sự trì kinh này tức được khai ngộ tri kiến Phật, cho nên nói “Tìm trở về nhà cho các con đều thấy”. Đó gọi là “Ta ở núi Linh Thứu thường còn không mất”. Đây hiển thị pháp thân thường trụ, tùy cơ duyên mà ẩn hay hiện mà thôi.
21. Từ câu: “Chư thiện nam tử” đến câu: “Bất giả Thế Tôn” (Các thiện nam tử… thưa Thế Tôn không thể được).
Đoạn này thẩm xét hư vọng để trình bày lòi Phật không dối gạt, tổng kết lời dụ trên.
22. Từ câu: “Phật ngôn” đến câu: “Hư vọng quá giả” (Phật nói … có lỗi hư dối).
Đoạn này nói pháp thân chân thật của Phật thường trụ bất diệt, chỉ vì tùy theo cơ cảm mà tạm hiện sự diệt độ. Cho nên nói “Dùng sức phương tiện”…
23. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Nhĩ lai vô lượng kiếp” (Khi đó Đức Thế Tôn … đến nay vô lượng kiếp).
Đoạn này nói chung về pháp thân thường trụ, tùy theo cơ cảm mà ẩn hiện. Từ câu: “Từ ta thành Phật lại” trở xuống 8 câu, là nói việc thành Phật lâu xa, thường trụ bất diệt.
24. Từ câu: “Vị độ chúng sinh” đến câu: “Trụ thử thuyết pháp” (Vì độ chúng sinh vậy … thường trụ đây nói pháp).
Đoạn này nói diệt mà không diệt. Vì cái diệt chỉ là cái thấy bên ngoài không thật có diệt độ.
25. Từ câu: “Ngã thường trụ ư thử” đến câu: “Hiện hữu diệt bất diệt” (Ta thường ở nơi đây … hiện có diệt chẳng diệt).
Đoạn này giải thích ý nghĩa diệt mà không diệt. Kỳ thật pháp thân thường trụ mà nói diệt là do sức thần thông, làm cho chúng sinh bị đảo lộn tuy gần mà không thấy, nên cho rằng Phật đã diệt độ. Câu: “ Chúng thấy ta diệt độ” trở xuống 14 câu, là giải thích lý do bất diệt. Nếu chúng sinh do thấy ta diệt độ đều cúng dường xá lợi mà khởi tâm luyến mộ khát ngưỡng, muốn mong thấy Phật, cho đến không tiếc thân mạng, khẩn thiết khổ sở cầu mong thì ta và chúng Tăng ở núi Linh Thứu đồng thời xuất hiện, mà nói cho chúng sinh rằng ta thường trụ nơi đây. Đây nghĩa là thiện xảo của quyền pháp, nên gọi là dùng sức phương tiện thị hiện diệt độ mà không có diệt, không phải thật diệt.
26. Từ câu: “Dư quốc hữu chúng sinh” đến câu: “Đãn vị ngã diệt độ” (Nước khác có chúng sinh … chỉ nói ta diệt độ).
Đoạn tụng này nói pháp thân ứng hiện khắp nơi, tùy cơ mà ẩn hiện. Đó gọi là “Nước trong thì trăng hiện cảm ứng đạo giao” Vốn không có tâm phân biệt cái này cái kia.
27. Từ câu: “Ngã kiến chư chúng sinh” đến câu: “Nãi xuất vị thuyết pháp” (Ta thấy các chúng sinh … hiện ra vì nói pháp).
Đoạn này ý nói ẩn hay hiện tùy cơ, cơ duyên giải đãi thì ẩn, cơ duyên cảm ứng thì hiện. Như vậy biết rằng ứng hay hiện là tùy cơ chứ không phải ở nơi Phật.
28. Từ câu: “Thần thông lực như thị” đến câu: “Cập dư chư trụ xứ” (Sức thần thông như thế … và các trụ xứ khác).
Đoạn tụng này hiển thị pháp thân thường trụ, không nói là cõi này hay cõi khác, đều thường còn bất diệt.
29. Từ câu: “Chúng sinh kiến kiếp tận” đến câu: “Tán Phật cập đại chúng” (Chúng sinh thấy tận kiếp … rãi Phật và đại chúng).
Đoạn tụng này nói, kiếp tam tai hoại rồi mà cõi này vẫn an ổn, chính là cõi Thường tịch quang tịnh độ và Thật báo trang nghiêm độ. Nói rằng Đức Phật thường ở núi Linh Thứu không diệt độ, là nói cõi ta bà này trải qua nạn của tam tai, diệt mà không diệt. Thế mới biết cõi ô uế này chính là cõi Thật báo trang nghiêm, không cần chờ ba lần biến tịnh độ. Do chúng sinh ô nhiễm nặng, bởi cái nhìn của vô minh, nên độc ác đầy dẫy. Mắt Phật mà nhìn thì là chân không tịch tịnh, vi diệu trang nghiêm. Cho nên ở trước ba lần biến thành tịnh độ là đặc biệt hiện tri kiến Phật cho chúng sinh. “ Vườn rừng.v.v..” Đều là biểu hiện của Thật báo trang nghiêm. Chính cõi Ta bà này là Thật báo, đâu phải chỗ thấy của kẻ thường tình!.
30. Từ câu: “Ngã tịnh độ bất hủy” đến câu: “Như thị tất sung mãn” (Tịnh độ ta chẳng hư … như thế đều đầy dẫy).
Đoạn tụng này nói cõi tịnh độ ấy thật chẳng hư hoại mà chúng sinh thấy bị cháy hết, đó là biệt nghiệp, là cái thấy sai lầm do chiêu cảm của ác nghiệp.
31. Từ câu: “Thị chư tội chúng sinh” đến câu: “Vị thuyết Phật nan trị” (Các chúng sinh tội đó … vì nói Phật khó gặp).
Mười hai câu này nói tịnh hay uế, tùy cơ mà ẩn hiện chứ không do Phật. Tùy theo cảm mà có ứng, không có tướng nhất định.
32. Từ câu: “Ngã trí lực như thị” đến câu: “Phật ngữ thật bất hư” (Trí lực ta như thế… lời Phật thật không dối).
Đoạn này tổng kết pháp thân thường trụ, vốn không có ẩn hay hiện, khuyên đại chúng nên tin tưởng.
Phạn ngữ nói là Tỳ Lô Giá Na, đây dịch là Quang Minh Biến Chiếu. Do pháp thân trí tuệ, ánh sáng ấy chiếu vô lượng nên tuổi thọ cũng vô lượng.
33. Từ câu: “Như Y thiện phương tiện” đến câu: “Vô năng thuyết hư vọng” (Như lương y chước khéo … không thể nói hư dối).
Đây là tụng về Dụ.
34. Từ câu: “Ngã diệc vi thế phụ” đến câu: “Đọa ư ác đạo trung” (Ta là cha trong đời … sa vào trong đường ác).
Đoạn tụng này đem Pháp hợp với Dụ.
Do phàm phu điên đảo nên Phật còn mà nói diệt độ. Hiển lộ diệt độ chỉ vì sợ thường gặp Phật mà sinh lòng kiêu mạn buông lung. Như vậy mới biết Phật hoặc ẩn hoặc hiện đều vì độ sinh, không có ngày nào là rảnh hay trôi qua vô ích.
35. Từ câu: “Ngã thường tri chúng sinh” đến câu: “Tốc thành tựu Phật thân” (Ta thường biết chúng sinh … mau thành tựu Phật thân).
Đoạn này nói lý do phải thiết lập quyền pháp. Đó gọi là “Chiều theo theo cơ nghi, tùy phương tiện nói pháp”.
Tóm lại không có điều gì mà không vì làm cho chúng sinh mau thành tựu trí tuệ Phật./.