QUYỂN VI
 
 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

PHẨM NHƯ LAI THẦN LỰC
THỨ HAI MƯƠI MỐT

 
Đại ý phẩm này do trước Đức Thế Tôn nói đầy đủ công đức giảng thuyết trì kinh, còn nói đến công hạnh tự tu trì, đó là thời cơ giác ngộ đỉnh điểm, đã thoả mãn bản hoài xuất thế của Như Lai. Hơn nữa lại được đại chúng từ đất vọt lên trì kinh, nên Đức Như Lai rất hoan hỷ, Phật đã lấy thần lực siêu việt để ấn chứng cho, còn biểu thị pháp giới bình đẳng cho chúng đương cơ, có thể trực tiếp thấy cảnh Phật ở trước mắt, cảnh tịnh độ hiện tiền. Như vậy hiển lộ pháp lợi ích quần sinh đã đầy đủ, sắp sửa giao phó gia nghiệp của đấng pháp vương. Sau đó đại chúng từ đất vọt lên phát nguyện. Đây chính là tính đức của tự tâm viên mãn, là toàn thể của Pháp Hoa.
Đức Như Lai hiện thần lực nơi toàn thân, các lỗ chân lông đều phóng hào quang, lưỡi trùm đến trời Phạm thiên và đều bị chấn động. Đó gọi là thân thể thông suốt bày tỏ niềm phấn khởi tột cùng. Chư Phật đồng phóng là để nói lên con đường của chư Phật là một. Mười phương chư Phật đều ngồi trong hào quang trong hư không phát ra âm thanh từ xa tán thán Đức Thích Ca thuyết kinh Pháp Hoa. Đã nói mười phương chư Phật tâm tâm ấn chứng cho nhau. Mười phương thế giới thông suốt không chướng ngại giống như đồng một nước, đó là soi sáng của cảnh thật pháp thân để tiêu trừ tâm hữu hạn của hàng nhị thừa. Đến đây Đức Như Lai sử dụng tận cùng thần lực bày tỏ công đức bất tận của kinh này. Như Lai có tất cả pháp, tất cả thần lực tự tại, tất cả tạng bí mật, tất cả việc sâu xa, đều ở nơi kinh này mà hiển hiện. Cho nên im lặng trong thời gian rất lâu, nay mới hiển bày. Điều khó tin khó hiểu nay đã tin sâu hiểu sâu, nên gọi là ngộ Phật tri kiến. Công đức phụng trì không thể luận bàn suy nghĩ đến được.
Khai thị đến đây nghĩa lý đã tột cùng, diệu ngộ đã viên mãn, thần lực ấn chứng của Phật đã tận lực. Do vậy coi phẩm này trở về trước là nhân tố chính của Tín Giải, tâm đã chân mới có diệu quả, do vậy tiếp sau là phẩm Chúc Lụy. Trước hết nói về phẩm này chúng từ đất vọt lên đều là những người con làm nên gia nghiệp. Người xưa cho rằng phẩm này tiếp với bảy phẩm sau thuộc về phần lưu thông. Phẩm này là phát khởi, ý nghĩa chưa hết, cho nên tôi (ngài Hán Sơn) cho rằng phẩm Dược Vương cùng với năm phẩm sau là nhập Phật tri kiến, do hạnh mà chứng quả, như vậy mới nói hết được phương thức nói pháp của Đức Như Lai.
1. Từ câu: “Nhĩ thời” đến câu: “Thơ tả nhi cúng dường chi” (Bấy giờ… biên chép mà cúng dường đó).
Đoạn này nói chúng từ đất vọt lên xin trì diệu pháp, chúng từ đất vọt lên đều là những người con làm nên gia nghiệp, đặc biệt vì trì kinh mà xuất hiện. Vì sao đồng đứng lặng yên? Chờ đến phương này thỉnh Phật. Vì đại chúng ở đây trước kia, ở phương hạ trong hư không, thực hành việc đầu đà. Tâm chí vui thích chỗ yên tĩnh, tựa hồ như chưa đạt được hành động lợi sinh. Cho nên chờ Đức Thế Tôn phân biệt công đức trì kinh để củng cố tâm nguyện và nói về ngài Thường Bất Khinh để trình bày công đức lưỡng lợi. Vì vậy các Bồ tát đến phương này, trước Phật phát nguyện sau khi Phật diệt độ, nếu nơi nào phân thân Phật diệt độ, họ nguyện quảng bá kinh này và bản thân cũng muốn thành tựu đại pháp, do đó mà thưa thỉnh.
Đại chúng mới được thọ ký nguyện đến phương khác hoằng truyền kinh mà không dám ở cõi Ta bà. Ngài Dược Vương thì nguyện ở Ta bà mà không qua phương khác. Chỉ cho chúng ở dưới đất vọt lên nguyện đến các chỗ có phân thân của Phật để giảng thuyết kinh này, thì tâm nguyện rất lớn, đồng với tâm của Phật, nên được đặc biệt giao phó cho họ.
2. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Lục chủng chấn động” (Lúc đó Đức Thế Tôn… sáu điệu vang động).
Đoạn này Đức Như Lai hứa khả chấp nhận sự trì kinh. Nên hiện đại thần lực để trình bày mãn nguyện bản hoài của sự hoan hỷ. Những vị đã ở từ lâu nơi cõi Ta bà như Văn Thù Sư Lợi.v.v.. ở trong đại hội cùng với đại chúng xuất hiện từ đất và Bồ tát không phải từ phương khác đến. Vì Phật sắp sửa giao phó gia nghiệp nên trước tiên, thị hiện thần lực để cảnh tỉnh đại chúng. Thần lực là pháp giới vô tác diệu lực. Kinh Hoa Nghiêm gọi là thần biến tướng. Tướng lưỡi rộng dài, trong ba mươi hai tướng của Như Lai có tướng lưỡi rộng dài trùm cả mặt, nay nói xuất ra tướng lưỡi rộng dài là hiện ra thần lực. Lưỡi tuy lớn mà không ra khỏi miệng, ở đây nói xuất ra lưỡi rộng dài trên đến cõi trời Phạm thiên; Phạm thiên là trời Sắc cứu cánh, nói lưỡi đến đó là muốn nói chỗ có sắc tướng. Thường thì tất cả hình sắc âm thanh đều là âm thanh nói pháp, lỗ chân lông rất nhỏ, còn thế giới thì rất lớn, mà nói tất cả lỗ chân lông phóng ra vô số sắc màu ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới.Ý nói Chánh báu là lỗ chân lông, Y báu là vi trần; trong đó mọi thứ đều đầy đủ ánh sáng trí tuệ, đều là nơi thuyết pháp cả. Như vậy Đức Thích Ca thực hiện thần lực vĩ đại.
Dưới các cây quý báu các Đức Phật phân thân tụ họp, tất cả tướng lưỡi rộng dài và ánh sáng đều giống như Đức Phật Thích Ca, ý nói các Phật bản chất đều giống nhau. Phật hiện thần lực qua một trăm ngàn năm, trong một khoảng khắc phóng hào quang mà trải qua trăm ngàn năm thời gian dài như vậy là muốn nói ba đời bình đẳng. Đến trời Phạm thiên tức là tột cùng chiều dọc; biến mười phương là tận cùng chiều ngang. Trăm ngàn năm tức là cả ba đời, ý muốn nói thiệt căn dọc ngang tột cùng, mười phương tam thế thần lực đều khắp, pháp âm đến đủ mọi chốn. Ý rằng dù dùng thần lực như vậy mà thuyết về công đức của kinh này vẫn chưa thể hết được. Tiếng tằng hắng, khảy móng tay, là âm thanh rất nhỏ mà có thể đến khắp mười phương đều chấn động, ý muốn nói biểu hiện của pháp âm phù hợp với pháp giới chân như, nên nơi mà âm thanh đến, ai nghe được thì hiện tượng vô minh bị diệt trừ.
Do sắp khen ngợi công đức của kinh nên trước hết hiện thần lực như vậy.
3. Từ câu: “Kỳ trung chúng sinh” đến câu: “Đắc vị tằng hữu” (Chúng sinh trong đó … đặng điều chưa từng có).
Đoạn này nói chúng sinh bát bộ đều do thần lực mà được nhiếp thọ khai Phật tri kiến.
Chúng bát bộ đều ở trong mười phương thế giới, được nhiếp thọ trong hào quang, họ đều mang nhục nhãn nên không thể thấy xa, nhờ hào quang Phật nhiếp thọ nên đều thấy xa ở cõi ta bà, trong hư không tụ hội mười phương phân thân của chư Phật và Đức Thích Ca, Đa Bảo cùng vô biên pháp hội nhiễu quanh đức Thích Ca. Đó là khai Phật tri kiến nên thấy một hội linh sơn vẫn chưa tan, nên đều hoan hỷ được điều chưa từng có. Đây là do được thần lực nhiếp thọ.
4. Từ câu: “Nhĩ thời chư thiên” đến câu: “Như nhất Phật độ” (Tức thời hàng chư thiên … như một cõi Phật).

Đoạn này nói về chư thiên ở trong không trung do ánh sáng chiếu đến thấy một hội linh sơn nói kinh Pháp hoa, giáo hóa chúng sinh nên họ tùy hy. Ý muốn nói có thể nhập vào pháp tính chân không mới ngộ được diệu pháp này. Căn cứ vào đó mới có thể chuyển giáo hóa chúng sinh tùy hỷ. Chính muốn nói rằng ngồi tòa Như Lai mới có thể truyền rộng kinh này. “Các chúng sinh kia nghe tiếng nói giữa hư không rồi đều hướng về Đức Thích Ca nói ba lần”. Đây là nhân chuyển hóa nên các người được nghe đều khai Phật tri kiến. Dùng các thứ âm nhạc, các vật quý từ xa rải đến cõi Ta bà. Vì các diệu hạnh đều hồi hướng về Phật đạo. Nơi được rãi các vật báu đều biến thành màn báu, ý là lý dung thông như sự, chung thông với pháp giới, mười phương thế giới thông đạt vô ngại như một cõi Phật. Khai Phật tri kiến nên căn, trần, thức, giới đều rỗng rang vô ngại. Đây đều do thần lực mà có vậy.

5. Từ câu: “Nhĩ thời Phật cáo” đến câu: “Do bất năng tận” (Khi đó Phật bảo… vẫn chẳng hết được).
Đoạn này đúc kết sự trình bày của kinh Pháp Hoa. Về trước trình bày các loại thần lực không thể nói hết được, hơn nữa sử dụng tướng lưỡi trùm đến cõi Phạm thiên, hào quang trên đầu sợi lông chiếu đến mười phương; thời gian dài một trăm ngàn năm. Đó là “Thụ cùng tam tế, hoàng biến thập phương”. (chiều dọc thông ba đời, chiều ngang rộng khắp mười phương) làm chấn động cõi đại thiên đến các cõi Phật. Thần lực như vậy, đem nói trong vô lượng kiếp về công đức của kinh này cũng không hết được. Như vậy là trình bày tột cùng kinh này là toàn thể của pháp giới. Nhưng dù thần lực của chư Phật rộng lớn không thể so sánh được mà vẫn chưa thể hiện trọn vẹn dung lượng của pháp giới. Như có nơi nói: “Chưa hiển hiện hết trên đầu sợi lông của ngài Phổ Hiền”. Lấy toàn thể pháp giới lỗ chân lông của chư Phật chúng sinh làm chánh báo, hạt bụi của thế giới làm ý báo,tất cả đều biến trùm mười phương quốc độ, kinh Hoa Nghiêm nói: Trong mỗi lỗ chân lông của ngài Phổ Hiền không thể nói hết số quốc độ được tuần tự đưa vào trong đó. Lỗ chân lông có thể nhận các Đức Phật ấy, các cõi không thể lấp đầy lỗ chân lông như thế, một lỗ chân lông như tất cả lỗ chân lông đều như thế. Như một hạt bụi cùng tất cả các hạt bụi, hạt nào cũng như vậy. Do kinh này dù chưa nói rõ sự sự vô ngại, nhưng mà nhất chân pháp giới là nền tảng của bốn pháp giới, (lý, sự, lý sự, sự sự) do vậy kinh này là nơi trình bày thật tướng tịch diệt của nhất tâm, là thật tướng của nhất chân pháp giới. Cho nên chư Phật hiện thần lực mà không thể nói hết công đức của kinh này. Hoa Nghiêm nói: Giả sử có người đem hư không làm giấy, biển cả làm mực, núi Tu di làm bút, viết chép công đức một chữ của kinh cũng không hết được, chính là ý này vậy.
6. Từ câu: “Dĩ yếu ngôn chi” đến câu: “Thử kinh tuyên thị hiển thuyết” (Tóm nói đó … tuyên bày nói rõ trong kinh này).
Đoạn này nói lý do tại sao thần lực vẫn không nói hết công đức của kinh này.
Tất cả vật sở hữu (mà Như Lai có) là trọn vẹn tất cả pháp giới. Tất cả thần lực tự tại là trọn vẹn đại dụng của pháp giới vô tác; tất cả bí mật là trọn vẹn của bí mật pháp giới, tất cả sự thâm sâu là tột cùng nguồn đáy của pháp giới. Đây là toàn thể pháp thân đặc thù, không thể dùng thấy, nghe để tìm cầu. Nay kinh này nói rõ ràng rằng: Các thần lực trên tuy rộng lớn vô biên, nhưng còn tùy thuộc cái thấy cái nghe, do vậy mà không thể nói hết công đức của kinh này vậy.
7. Từ câu: “Thị cố nhữ đẳng“ đến câu: “Nhi bất Niết bàn” (Cho nên các ông … mà nhập Niết bàn).
Đoạn này dặn dò chúng từ đất vọt lên tuyền bá và giữ gìn kinh này, để kết thúc lời nói ở đoạn trước.
Trong kinh này do có toàn thân Như Lai đều nên xây tháp… các ý nghĩa như vậy. Từ câu: “Vì sao như vậy” trở xuống là giải thích lý do. Giải thích rằng: Vì tất cả chư Phật thành đạo,độ sinh, chuyển pháp luân, nhập Niết bàn, đều từ kinh này mà ra, cho nên xây tháp cúng dường kinh. Do vậy phải hoằng trì để huệ mạng không dứt.
8. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Quyết định vô hữu nghi” (Lúc đó Đức Thế Tôn… quyết định không có nghi).

Từ câu: “Các Phật đấng cứu thế” trở xuống 12 câu, là nói việc thần thông. Từ câu: “Sau khi Phật diệt độ” trở xuống 12 câu, là nói thần thông không thể nói hết công đức trì kinh. Từ câu: “Người trì được kinh này” trở xuống 6 câu, nói trì kinh được thấy Đức Thích Ca và Đa Bảo cùng chư Phật phân thân và việc giáo hóa Bồ tát ngày nay của Đức Thích Ca. Tất cả các vấn đề phân thân chư Phật ứng hiện đều ở trong kinh này. Từ câu: “Người trì được kinh này” trở xuống 8 câu, nói thường trì kinh này nên thấy được chư Phật, nên chư Phật hoan hỷ. Từ câu: “Các Phật ngồi đạo tràng” trở xuống 10 câu, nói do trì kinh này mà được pháp tạng bí yếu của chư Phật, nên được bốn pháp biện tài vô ngại, các pháp là vô ngại biện, các nghĩa là nghĩa vô ngại biện, danh tự ngôn từ là Từ vô ngại biện, lạc thuyết vô cùng là Nhạo thuyết vô ngại biện. Cho nên đúc kết rằng: Tất cả đều không chướng ngại. Từ câu: “Sau khi Như Lai diệt” trở xuống 10 câu, nói do lợi ích lớn của bốn vô ngại biện nên có thể thuyết pháp giáo hóa vô lượng Bồ tát đều đạt được nhất thừa. Từ câu: “Cho nên người có trí” trở xuống 6 câu, là nói đúc kết bài tụng khuyến khích trì kinh. Sắp sửa chúc lụy, trước hết hiện thần lực để trình bày không thể nói hết công đức của kinh. Ý nói kinh này là Pháp sở đắc của Đạo tràng Như Lai, công đức rộng lớn để phát khởi nguyện lực kiên cố của các vị Bồ tát trì kinh.