KIM QUANG MINH TỐI THẮNG

VƯƠNG KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm KIÊN LAO ĐỊA THẦN

Phẩm Kiên Lao Địa Thần có chia ra ba phần:

1. Lý do có phẩm này: Trước tuy giúp ích về áo quần, chưa được giúp đỡ về ăn uống. Ở đây giúp đỡ về ăn uống để thân yên vui, do đó pháp được mở mang, vì vậy sau phẩm trước có phẩm này phát sinh.

2. Giải thích tên gọi: Tiếng Phạn là Kiên lao, nghĩa là địa, tức là thần đất Kiên lao. Hoặc lại do thần có khả năng làm cho mặt đất vững chắc nên gọi là thần đất Kiên lao, cũng thuộc về y chủ thích. Có khả năng giữ vững mặt đất là công dụng của Thần.

3. Giải thích hỏi vặn:

Hỏi: Thiên nữ giúp ích về tài vật có nói rõ trong phẩm Tăng Trưởng Tài Vật, thần đất này giúp về ăn uống, vì sao không gọi là phẩm Địa Thần ích ẩm thực tư vị?

Đáp: Thiên nữ chia thành hai phẩm, cho nên dùng tăng trưởng tài vật để phân biệt, phẩm Địa Thần đã không phân chia, không xâm lạm thể chọn lựa nên không nói ẩm thực.

Văn kinh: Lúc ấy, thần đất Kiên lao liền ở trong đại chúng đứng dậy khỏi chỗ ngồi, chắp tay cung kính bạch Đức Phật.

Tiếp theo văn trong phẩm chia làm hai: Đầu tiên là giúp đỡ ăn uống để giữ gìn, sau từ “Bạch Đức Phật…” trở xuống là ban cho thần chú, hiện thân che chở.

– Trong phần đầu lại có bốn:

  1. Nêu lợi ích mở mang kinh.
  2. Từ “Nếu có chỗ nào…” về sau là nói về đạt được ích lợi.
  3. Từ “Bấy giờ, Thế Tôn…” về sau là Phật lại nói rõ thành tựu.. Từ “Lúc ấy, Kiên lao…” về sau là thần đất nguyện che chở.

Trong phần nêu ra có hai: Đầu tiên là nghi quỹ, sau là nêu sự lợi ích. Đây là phần mở đầu.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, hoặc ở đời hiện tại, hoặc ở đời vị lai, hoặc ở nơi thành ấp, xóng làng, cung vua lầu quán và nơi A-lan-nhã, núi rừng, đầm ao vắng lặng có kinh vương này truyền bá. Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ hướng về nơi đó cúng dường cung kính, ủng hộ lưu thông.

Tiếp theo là nêu ích lợi, có hai: Đầu tiên là nói về thời gian, nơi chốn mở mang kinh; sau từ “Bạch Đức Thế Tôn! Con sẽ…” về sau là nêu sự lợi ích mở mang kinh.

Văn kinh: Nếu có chỗ nào vào vì pháp sư nói pháp mà sắp đặt tòa cao để giảng nói kinh này.

Tiếp theo là phần thứ hai, nói về được ích lợi, có ba: Đầu tiên là nói về cúng dường người mở mang kinh, tiếp theo từ “Đã thọ nhận… như vậy…” về sau là nói được cúng dường liền mở mang kinh rộng ra, sau từ “Đã nghe thọ rồi…” trở xuống là nói nghe kinh được lợi ích. Phần đầu lại chia làm năm:

1. Thứ nhất nêu ra người và nơi chốn mở rộng kinh này.

Văn kinh: Con dùng thần lực không hiện bày bổn thân, ở dưới tòa cao dùng đầu đội chân vị đó.

2. Tiếp theo là phần thứ hai nói về thần đội đầu cung kính.

Văn kinh: Con được nghe pháp trong tâm vui mừng, được ăn pháp vị, tăng thêm uy quang, mừng vui vô lượng.

3. Tiếp theo là phần thứ ba, nói về thần được pháp lợi.

Văn kinh: Tự thân đã được lợi ích như vậy, cũng khiến cho mặt đất sâu mười sáu muôn tám ngàn du-thiện-na đến mé kim cang luân, làm các giai vị đó đều tăng thêm; cho đến bốn biển tất cả đất đai cũng trở nên màu mỡ, ruộng đồng phì nhiêu, tốt đẹp gấp bội so với thường ngày. Lại cũng khiến cho sông ngòi ao hồ, tất cả cây cối, được thảo tùng lâm, các loại hoa quả, gốc thân cành lá và các mầm giống hình dáng đáng yêu, mọi người đều thích ngắm nhìn, đầy đủ hương sắc, đều có thể thọ dụng. Nếu các hữu tình thọ dụng sự ăn uống tốt đẹp như vậy rồi thì mạng sống lâu dài, sắc lực dồi dào, các căn yên ổn, tăng thêm uy quang, không bị các bệnh tật khổ não, tâm tuệ mạnh mẽ, việc gì cũng làm được theo. Lại nữa, mặt đất này, tất cả trăm ngàn sự nghiệp thảy đều đầy đủ.

4. Tiếp theo là phần thứ tư, làm lợi ích cúng dường. Cúng dường có năm:

a) Tăng thêm giai vị, vì giai vị tăng thêm nên khiến cho mọi vật sinh ra từ đất thảy đều tốt đẹp.

b) Từ “Cho đến…” về sau là tăng thêm phần hạn.

c) Từ “Lại cũng…” về sau là tăng thêm thóc lúa ngũ cốc.

d) Từ nếu các hữu tình… về sau là tăng thêm thọ dụng. Nếu Pháp sư nói pháp và người bày chỗ ngồi, thính chúng nghe pháp đều được lợi ích này, cho nên nói là “Nếu các hữu tình”.

e) Từ “Lại nữa, mặt đất này…” về sau là nói về tăng thêm các dụng cụ giúp ích trong cuộc sống hằng ngày.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên này mà các châu Thiệm-bộ an ổn, giàu có vui sướng, nhân dân đông đúc, không có các suy não, tất cả chúng sinh đều thọ hưởng an vui.

5. Tiếp theo là phần thứ năm, kết thúc đạt được lợi ích.

Văn kinh: Đã được thân tâm an vui như vậy, đối với kinh vương này càng thêm yêu kính, ở chỗ nào cũng đều nguyện thọ trì, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen.

Tiếp theo là phần thứ hai nói về được cúng dường liền mở mang kinh rộng ra. Trong đó chia làm ba: Đầu tiên là nói về người nói người nghe càng thêm cung kính, nguyện thọ trì; tiếp theo từ “Lại nữa, đối với…” về sau là nói địa thần thỉnh cầu nói pháp và ích lợi, sau từ “vì thế cho nên, bạch Đức Thế Tôn…” trở xuống là sau đó khuyến khích nghe kinh. Đây là phần mở đầu.

Văn kinh: Lại nữa, ở chỗ pháp tòa của vị đại sư nói pháp đó, thảy đều đến chỗ ấy vì các chúng sinh khuyến khích thỉnh cầu kinh vương tối thắng này. Vì sao? Bạch Đức Thế Tôn! Vì nói kinh này, tự bản thân con và các quyến thuộc đều được lợi ích, ánh sáng, khí lực, uy thế mạnh mẽ, dung nhan xinh đẹp hơn hẳn bội phần đối với lúc bình thường. Bạch Đức Thế Tôn! Thần đất Kiên lao con được pháp vị rồi, làm cho châu Thiệm-bộ dọc ngang bảy ngàn du-thiện-na đất đai thảy đều màu mỡ, cho đến như trước tất cả chúng sinh đều thọ hưởng an vui.

Tiếp theo nói về thần đất thỉnh cầu nói pháp và lợi ích, có hai: Đầu tiên là thỉnh cầu nói pháp, sau từ “Bạch Đức Thế Tôn! Thần đất Kiên lao con…” trở xuống là giúp cho lợi ích. Trong thỉnh cầu nói pháp, có ba: Đầu tiên là nguyện thỉnh cầu, tiếp theo vì sao là nêu hỏi, sau từ “Bạch Đức Thế Tôn…” trở xuống là giải thích về giúp cho ích lợi. Có thể biết rõ.

Văn kinh: Vì thế cho nên, Bạch Đức Thế Tôn! Lúc chúng sinh kia vì báo đền ân đức của con, nên khởi niệm như vậy: Ta nhất định sẽ nghe nhận thọ trì kinh này, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen. Nghĩ như vậy rồi liền từ chổ ở thành thị, làng quê, nhà cửa, chỗ hoang vắng mặt đất đến nơi pháp hội đảnh lễ Pháp sư, lắng nghe thọ trì kinh này.

Tiếp theo là khuyến khích nghe kinh, có ba: Đầu tiên là nghĩ đến báo ân, tiếp theo “Nên nghĩ như vậy…” về sau là khởi tâm nhất quyết lắng nghe, sau từ “Nghĩ như vậy rồi…” về sau là đến chỗ pháp hội lắng nghe.

Văn kinh: Đã lắng nghe thọ trì rồi, đều trở về bổn xứ, tâm sinh vui mừng cùng nói lời như vầy: Ngày nay chúng ta được nghe pháp mầu sâu xa vô thượng tức là được các nhóm công đức không thể suy nghĩ bàn luận, nhờ uy lực của kinh cho nên chúng ta sẽ gặp vô lượng vô biên trăm ngàn câu-chi na-do-tha Đức Phật, thờ phụng cúng dường, lìa hẳn chốn khổ đau ba đường. Lại ở đời sau trong trăm ngàn đời thường sinh lên cõi trời và loài người thọ hưởng các niềm vui tốt đẹp.

Tiếp theo là phần thứ ba là nói về nghe kinh được lợi ích, có ba: Đầu tiên là khuyến khích mừng vui chúc tụng lẫn nhau, kế là từ “Bấy giờ, những người ấy…” về sau là truyền nói lợi tha, sau từ “Bạch Đức Thế Tôn! Tùy các nơi…” trở xuống là nói về đạt được lợi ích. Trong phần đầu có năm:

  1. Mừng vui nghe pháp sâu xa.
  2. Từ “Tức là…” về sau là mừng vui được phước rộng lớn.
  3. Từ “Nhờ uy lực…” về sau là mừng vui sẽ được gặp Phật.
  4. Từ “Lìa xa hẳn…” về sau là mừng vui tránh khỏi ba đường.
  5. Từ “Lại ở…” về sau là mừng vui sẽ được quả báo tốt đẹp.

Văn kinh: Bấy giờ, những người ấy đều trở về chỗ ở của mình, nói kinh vương này cho những người khác nghe, hoặc một ví dụ, một phẩm, một nhân duyên xưa, một danh hiệu Như lai, một danh hiệu Bồ-tát, một bài tụng bốn câu, hoặc chỉ một câu, nói kinh điển này cho các chúng sinh nghe, cho đến danh tự đầu đề.

Tiếp theo là truyền nói để lợi tha.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Hễ các chúng sinh ở nơi nào thì đất đai ở đó thảy đều màu mỡ phì nhiêu hơn hẳn nơi khác, tất cả mọi vật sinh ra từ đất đai đều được lớn mạnh tốt tươi, khiến các chúng sinh thọ hưởng vui sướng, tài bảo dồi dào, tâm ưa thích bố thí, tâm thường bền chắc, tin sâu Tam bảo. Nói lời như vậy xong.

Tiếp theo nói về được lợi ích.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo thần đất Kiên lao rằng: Nếu có chúng sinh nghe kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này, dù chỉ một câu thì khi qua đời sẽ được sinh lên cõi trời tam thập tam và các cõi trời khác. Nếu có chúng sinh vì muốn cúng dường kinh vương này cho nên trang hoàng nhà cửa, dù chỉ một cái lọng, một chiếc phướn năm mầu, nhờ nhân duyên này được như ý niệm thọ sinh trên sáu tầng trời cõi Dục, cung điện bảy báu tuyệt vời tùy ý thọ dụng, tất cả đều tự nhiên, có bảy ngàn Thiên nữ vui đùa với nhau, ngày đêm thường thọ hưởng sự vui sướng tốt đẹp, không thể suy nghĩ bàn luận. Nói lời như vậy rồi.

Tiếp theo là phần thứ ba, Đức Phật lại nói lại về sự thành tựu.

Trong đó có hai: Đầu tiên là nói về thành tựu lợi ích nghe kinh, sau từ “nếu có chúng sinh…” trở xuống là nói rõ thành tựu lợi ích cúng dường. Nói rõ về nghe kinh được lợi ích sinh lên cõi trời, không nói thọ hưởng vui sướng là lược bở bớt.

Văn kinh: Lúc ấy, thần đất Kiên lao bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ nhân duyên này, nếu có bốn chúng lên pháp tòa, lúc nói pháp này con sẽ đêm ngày ủng hộ người này, tự mình ẩn thân ở pháp tòa, đầu đội chân người đó.

Tiếp theo là phần thứ tư, Thần đất nguyện hộ trì. Trong đó có ba: Thứ nhất là nguyện hộ trì Pháp sư.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh điển này vì chúng sinh kia đã ở trong trăm ngàn Đức Phật gieo trồng gốc lành, ở châu Thiệm-bộ truyền bá không để mất, các chúng sinh ấy lắng nghe kinh này, ở đời vị lai vô lượng trăm ngàn câu-chi na-dữu-đa kiếp sinh lên trời cõi người, thường thọ hưởng sự vui sướng tốt đẹp, được gặp các Đức Phật, mau thành tựu quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, không trải qua khổ đau sinh tử ba đường.

Tiếp theo phần thứ hai, nguyện hộ trì chánh pháp. Hộ trì chánh pháp là vì lợi ích hữu tình. Từ “Các chúng sinh ấy” về sau là phần thứ ba, nói về khiến cho chúng sinh được lợi ích, có hai: Đầu tiên là được quả báo vui sướng, sau là lìa quả báo khổ đau. Quả báo vui sướng có hai: Đầu tiên là thọ hưởng quả thế gian, từ “Được gặp các Đức Phật…” về sau là được quả xuất thế gian, tiếp đó là lìa quả báo khổ đau. Có thể biết rõ.

Văn kinh: Lúc ấy, thần đất Kiên lao bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con có tâm chú có thể lợi ích cho hàng trời người, an vui cho tất cả.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ hai, ban cho thần chú, hiện thân che chở. Trong đó chia làm ba: Đầu tiên là thưa trình, tiếp từ “Nếu có…” về sau là nói thần chú, sau là Đức Phật ngợi khen. Đây là phần mở đầu.

Văn kinh: Nếu có người nam, người nữ và những người trong bốn chúng muốn đích thân thấy được chân thân của con thì nên dốc lòng trì tụng Đà-la-ni này, hễ nguyện cầu điều gì thảy đều như ý, đó là tiền tài châu báu kho tàng chôn giấu và cầu thần thông sống lâu, thuốc hay chữa khỏi các bệnh, hàng phục kẻ thù đối địch, tạo ra các luận đặc biệt, nên ở tịnh thất bài trí đạo tràng, tắm gội thân thể xong mặc áo quần sạch sẽ, ngồi trên đệm cỏ, ở trước mặt có xá-lợi tôn tượng, hoặc nơi có thờ phụng xá-lợi, đốt hương rải hoa, bày biện đồ ăn thức uống cúng dường, vào ngày tám và mười lăm (bạch nguyệt) hợp với sao Bốlệ.

Tiếp theo nói thần chú, lại có ba: Đầu tiên là nêu ra bày về pháp, tiếp theo là dạy riêng, sau cuối kết thúc khuyến khích nên tu học. Trong phần đầu có ba:

  1. Chỉ bày chung.
  2. “Hễ nguyện cầu điều gì” về sau là nói rõ công năng thần chú.
  3. “Nên ở tịnh thất…” về sau là chỉ bày cách thức trì chú. Có sáu:
  1. Đều sửa sang tịnh thất, thiết lập đàn tràng.
  2. Tắm gội thân thể sạch sẽ.
  3. Ở chỗ ngồi.
  4. Nghi lễ đối trước tôn tượng.
  5. Đầy đủ vật dụng cúng dường.
  6. Thời gian tụng chú vào ngày mùng tám trăng sáng.

Cách tính tháng ở Tây phương thì nửa tháng trăng dần khuyết ở trước, nửa tháng trăng dần tròn ở sau, khác với xứ này, chỉ dựa theo ngày tám và mười lăm mà tụng chú. Sao Bố-lệ tức là Quỷ tinh ở xứ này. Nhưng không biết tháng đủ thiếu khác nhau. Nếu là ngày tám và mười lăm thì thường trùng với Quỷ tinh. Chính xác chỉ nên chọn lấy ngày tám và mười lăm trùng hợp với ngày Quỷ tinh, không hẳn ngày tám và mười lăm thường trùng hợp với Quỷ tinh. Trước tiên tụng thần chú hộ thân, tiếp đó tụng thần chú thấy thân, sau tụng chú cộng ngữ.

Văn kinh: Thì có thể tụng chú triệu thỉnh này: “Đát điệt tha – chỉ lý chỉ lý – chủ rô chủ rô – câu rô câu rô – cù trụ cù trụ – đổ trụ đổ trụ – phược ha (thượng) phược ha – phạt xả phạt xả – sa ha.” Bách Đức Thế Tôn! Thần chú này, nếu có người trong bốn chúng tụng một trăm lẻ tám biến triệu thỉnh con thì con vì người này liền đến nơi thỉnh cầu.

Tiếp theo là dạy riêng. Ba bài chú tức là ba đoạn. Đây là đoạn đầu, có ba: Đầu tiên là nêu ra, tiếp là nói chú, sau là nói cách tụng. Nói “Thì có thể”, không phải là ngày tám đầu tiên liền tụng, đây là chú tụng để gọi Thần, nhân tiện xu thế của văn nên nói “thì có thể tụng chú này” nếu không như vậy thì chú hộ thân nói vào lúc nào, do đó trước tiên nên tụng thần chú hộ thân.

Văn kinh: Lại nữa, Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào muốn được thấy con hiện thân thì cũng giống như trước bài trí mọi thứ theo cách thức đó, tụng thần chú sau đây: “Đát điệt tha – át chiết nễ (khứ) – hiệt lực sát nễ thất thi đạt lý ha ha sất sất – khu rô – phạt lệ – sa ha.” Bạch Đức Thế Tôn! Nếu người trì chú này thì nên tụng một trăm lẻ tám biến và tụng chú trước, chắc chắn con sẽ hiện thân, hễ họ cầu nguyện điều gì đều được thành tựu, không bao giờ luống dối.

Tiếp theo thỉnh cầu chú cộng ngữ, văn có chia làm ba phần như trước. Trong cách tụng chú có nói “Đồng thời tụng chú trước”, không phải chỉ khi tụng thỉnh nói chú liền đến cùng nói, mà trước tiên phải tụng chú thỉnh cầu hiện thân mới đến tụng chú này. Lại nữa, không phải trước tiên tụng thần chú thỉnh cầu hiện thân một trăm lẻ tám biến, sau đó khi tụng chú thỉnh ngữ thì lại tụng một trăm lẻ tám biến như trước.

Văn kinh: Nếu muốn tụng chú này thì trước phải tụng chú hộ thân như sau: “Đát điệt tha nhĩ thất lý – vị xả yết trí nại trí củ trí – bột địa (thượng) – bột địa lệ – để trí tỳ trí củ câu trí – khư bà (thượng) – chỉ lý – sa ha.” Bạch Đức Thế Tôn! Lúc tụng chú này lấy chỉ năm mầu tụng chú hai mươi mốt biến thắt làm hai mươi mốt nút, buộc vào hai cánh tay và khuỷu tay trái phải, về sau dùng để hộ thân không có những nỗi sợ hãi.

Tiếp theo chỉ bày chú hộ thân, văn có ba phần như trước.

Văn kinh: Nếu có người dốc lòng tụng chú này thì mọi điều mong cầu chắc chắn sẽ được như ý, con không nói dối, con nhờ Phật Pháp Tăng bảo nên vì đó cầu xin khế hợp chứng biết là thật.

Tiếp theo là phần sau, kết thúc khuyến khích khiến dạy phải tu học.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo thần đất rằng: Lành thay! Lành thay! Ông hãy dùng thần chú thật ngữ này để hộ trì kinh vương và người nói pháp như vậy, nhờ nhân duyên này khiến cho được vô lượng phước báo.

Tiếp theo là Đức Phật ngợi khen thành tựu.