QUYỂN III

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

PHẨM DƯỢC THẢO DỤ
THỨ NĂM

 
Đại ý phẩm này là nhân vì bốn đại đệ tử ở trên lãnh hội được ý nghĩa: hứa ba xe mà cho một xe. Thuyết dụ về vấn đề trình tự xưa mất nay được. Đức Thế Tôn đã ấn khả cho tâm các vị ấy. Nhưng vẫn chưa biết hết sức mạnh của Tri kiến Như Lai. Sợ họ rơi vào đường chấp tướng mà không hiểu được ý tứ của Phật bình đẳng thuyết pháp, tùy loại mà giải thích. Sợ họ cho rằng có thật quả tam thừa để chứng đắc, tập khí Niết bàn chưa quên, không thể thấu triệt cội nguồn của pháp. Cho nên Phật thuyết thí dụ Dược thảo, để hiển lộ ý nghĩa Đức Như Lai chỉ thuyết một vị pháp là pháp bình đẳng. Chỉ vì căn cơ lớn nhỏ, khả năng lãnh thọ không đồng như một trận mưa không vì riêng ai, mà ba loại cỏ, hai loại cây tùy loại mà tiếp nhận khác nhau. Thế mới biết Pháp vốn không sai biệt, sai biệt là do căn cơ. Đây muốn nói rõ chỉ có một thừa không có hai hoặc ba thừa, để cho người nghe được diệt trừ kiến chấp, được thể nhập trí tuệ bình đẳng của Như Lai. Đây chính là “Khai mở tri kiến Phật”. Sau đây vì các đệ tử ấy mà thọ ký, nên có phẩm này.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Nhất thiết trí tuệ” (Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn… tất cả trí tuệ).

Đoạn này Như Lai nói dù bốn đại đệ tử đã lãnh hội nhưng chưa rốt ráo.

Các ngài Ca Diếp.v.v.. tuy lãnh hội được thí dụ, nói lên sự hiểu biết của mình, như đưa ra ví dụ gã cùng tử sợ cha, rồi lòng ông Trưởng giả tùy theo căn cơ con mà lập phương tiện dẫn dụ, các thí dụ đó nói lên ý tứ của Như Lai đối với hàng Nhị thừa hết sức từ bi. Điều đó có thể nói là khéo nói về công đức chân thật của Như Lai. Nhưng cái ngộ của các đệ tử, giống như cho rằng Như Lai có tâm chú ý, riêng vì hàng Nhị thừa mà thiết lập Tam thừa. Họ không biết rằng Như Lai thuyết pháp, dựa trên tâm đại bi bình đẳng, không luận hữu tánh hay vô tánh; một lời phát âm làm cho tất cả đều nghe, cùng thành Phật đạo, chứ không chia ba hay một. Đây là sức mạnh vô tác diệu lực của Như Lai, nghĩa là có vô lượng vô biên công đức dù có nói vô lượng ức kiếp cũng không hết được.Từ ngày ra đời cho đến nay, điều mà ta thấy và nghe ở Đức Phật giống như giọt nước trong biển, cho nên công đức của Phật không phải là đối tượng tri thức. Bởi Đức Như Lai là vua của các pháp, nên Ngài tự tại vô ngại; điều gì mà Đức Thế Tôn nói đều là pháp giới tánh, chân thật không dối trá.Do vậy đối với tất cả các pháp có thể dùng phương tiện quyền trí tùy cơ mà nói, nghĩa là điều Phật nói đều hướng về mục tiêu trí tuệ chân thật cứu cánh, không nói mông lung. Do Đức Như Lai biết rõ bản chất cuả vạn pháp nên thấy rõ quy luật vận động của vạn pháp. Đức Phật lấy trí tuệ phương tiện mà quán chiếu căn cơ nên biết tâm lý bản năng, dục vọng, xu hướng của mọi chúng sinh, không chỗ nào không biết. Ngài lại còn khéo phân biệt mọi hiện tượng của vạn pháp: cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng, cái gì là tương đối, cái gì là tuyệt đối. Do vậy những điều Ngài dạy có thể khai thị trí tuệ vốn có trong mỗi chúng sinh.
Đây là nói một cách sơ lược về công đức vô lượng của Phật. Các ông làm sao biết hết được!
2.Từ câu: “Ca Diếp thí như tam thiên” đến câu: “Các đắc sinh trưởng” (Ca Diếp! Thí như trong cõi tam thiên… đều được sinh trưởng).
Đoạn này thí dụ pháp chỉ có một nhưng căn cơ thì có nhiều.
“Trong cõi tam thiên đại thiên”, là dụ chung cho nhất chân pháp giới, là tâm vốn có của mọi chúng sinh. Núi sông, khe suối, là chỗ sinh ra của thảo mộc. Thí dụ cho chúng sinh có mặt trong ba cõi, chủng loại, tánh tướng khác nhau. Như sự sai biệt của ba thừa, năm tánh. Cây thì có loại tốt, loại tạp, cỏ thì có loại có dược tính, có loại độc tính. Nay lấy loại chúng sinh có thể chấp nhận sự giáo hóa, như loại cỏ có dược tính; như loại cây gỗ tốt, còn loại người không chấp nhận sự giáo hóa đều là loại cây cỏ mục nát và độc hại. Cho nên gọi là dược thảo. Căn tính của chúng sinh các loại không đồng nhau, nên có ba thừa và năm tánh. Nên gọi là: “Bao nhiêu giống loại, tên gọi, màu sắc đều khác”. Trên đây là dụ cho cơ hội có đủ.
Đức Phật dùng pháp giới thân, có mặt khắp mười phương, như mây dày trải khắp nơi. Một lời nói ra mười cõi đều nghe như một trận mưa khắp nơi đều thấm nhuần. Chúng sinh nghe được, tùy người mà hiểu dụ như ba thứ cỏ 2 loại cây đều có cách tiếp nhận. Phù hợp với chủng tánh thì đều được thành tựu, nghĩa là Phật nói một lời pháp, chúng sinh tùy loại mà hiểu. Ban đầu từ trời người và tiểu thừa rồi đến các vị Bồ tát, đều được tự lợi lợi tha, không ai không thành tựu, trừ diệt bệnh sinh tử, đạt được an ổn Niết bàn.Vì vậy Kinh lấy dược thảo làm thí dụ, còn hạng tà kiến ngoại đạo và chúng sinh phạm mười điều ác, không có lòng tin, đều là những loại cỏ hoang độc dữ đều không được thấm nhuần. Chỉ vì họ không tin và không chấp nhận. Đó không phải là đối tượng giáo hóa.
Nói: “Dầu rằng một cõi đất mà sinh” là dụ cho mọi người đều cùng ở pháp tính nhất chân, tùy chủng tử nên không đồng nhau. Đó nghĩa là nói pháp vốn không khác chỉ khác ở nơi căn cơ. Do đây mới biết, pháp của ba thừa không phải Phật có tâm phân biệt. Đức Phật chỉ thuyết về pháp giới hải hội, bình đẳng đều khắp, nhưng do căn cơ nghe và thấy khác nhau, tự phân chia Đại, Tiểu sai biệt. Đó là quyền pháp ngày xưa đều nói về trí tuệ của Phật. Do trí tuệ yếu kém nên không nhận được, không phải Phật quyết định ba thừa để nắm giữ.Các ngài Ca Diếp..v..v.. dù đã liễu ngộ pháp tạm trước kia, nhưng không biết vốn không có ba hay một gì hết.
Đây là trí tuệ bình đẳng vô lượng công đức của Như Lai, nói không cùng được. Không phải là đối tượng nhận thức của nhị thừa.
Từ câu: “Đức Như Lai cũng lại như thế” trở xuống là pháp phù hợp có thể biết được. Câu: “Ở trong đại chúng mà nói lên lời này” đến câu: “Vì để nghe pháp vậy” là nói Đức Phật lúc mới thành đạo, Ngài thuận theo sứ mệnh mở lời cảm hứng kêu gọi ba cõi. Ở vào thời kỳ kiếp không thì không có Phật, chúng sinh ba cõi chưa thấy được Phật, nay đấng Pháp Vương từ trong chân giới mà xuất hiện, họ không biết Phật là gì? Lý do gì mà đến đây? Ngài có pháp gì? E họ hoảng sợ nên mới nói cho họ biết ta là Đấng Như Lai… để mọi người biết đây là vị Phật. Nói: “Những người chưa được độ làm cho được độ” là muốn họ biết Đức Phật ra đời vì hóa độ chúng sinh làm cho chúng sinh hết khổ, hưởng được an lạc. “ Biết đúng như thật…” là nói đem pháp đã chứng có thể mở bày, có thể nói năng, để chúng sinh ba cõi đều đến đây mà nghe pháp. Đây là bản hoài xuất thế vì một đại sự nhân duyên của Phật, như một vầng mây mưa lớn vậy.
Câu: “Bấy giờ có vô số” trở xuống, nói chúng sinh trong ba cõi do nghe lời triệu tập mà đến. Câu: “Lúc đó Đức Như Lai”..v..v..là quán xét căn cơ mà thuyết pháp, như ba thứ cỏ hai loại cây tùy thân phận mà thọ nhân. Loài trời người và tam thừa đều được thuần thục, nên nói: “Đều khiến vui mừng đặng nhiều lợi lành”. Đây là pháp tùy theo căn cơ, tuồng như trước đó có tâm phân biệt.Thực ra Phật dùng trí tuệ bình đẳng, thấy chúng sinh mọi loài không đồng, nên dùng lời diễn đạt mà đầy đủ giáo pháp lớn hay nhỏ. Như pháp Tứ đế mà ba thừa giải thích khác nhau, chánh pháp chỉ có một mà căn cơ khác chứ không có tâm phân biệt.Vì vậy Ngài Thiên Thai chia giáo pháp có bí mật giáo và bất định giáo là ý nghĩa như vậy.
Trước nói rằng Như Lai không thuyết Đại thừa, cũng không phải ngày nay thuyết riêng pháp Đại thừa. Chỉ nói rõ rằng pháp nói ngày xưa đều là Đại thừa cả, vì ngài Ca Diếp hiểu là pháp hôm nay mới là Đại thừa mà cho rằng pháp ngày trước là Tiểu thừa. Đức Như Lai lại nói thí dụ này để rửa sạch tập khí hẹp hòi ngày trước, giác ngộ được trí tuệ bình đẳng của Phật mới có thể được thọ ký vậy.
Từ câu: “Các chúng sinh này…” trình bày nghe pháp được lợi ích, đều được thành tựu, dần dần được nhập đạo. Như một đám mây, làm mưa khắp nơi, ba thứ cỏ hai thứ cây đều thấm nhuần đầy đủ, được tăng trưởng cả. Nên nói: “Lần lần đều được vào đạo”. Không phải Phật có tiệm pháp nên biết pháp vốn là đốn pháp. Chỉ vì người nghe dần dần được thuần thục, như trận mưa thì đều khắp, cây cỏ đều thấm nhuần đầy đủ, chỉ có điều tùy rễ dài hay ngắn.Trong Kinh Hoa nghiêm các bậc Bồ tát địa thượng tu tập từ năm giới, mười thiện, Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, trải qua tuần tự từ thấp đến cao. Như vậy chẳng phải các pháp thiện nhỏ của nhân thiên đều là pháp lớn của pháp giới hay sao! Huống hồ nếu phân biệt các pháp thì đó là trình độ của nhị thừa, còn nếu phân biệt cái vô phân biệt thì đó không phải là khả năng của nhị thừa.
3. Từ câu: “Như Lai thuyết pháp” đến câu: “Nan giải nan tri”(Đức Như Lai nói pháp… khó hiểu khó biết).
Đoạn này trình bày các pháp của Phật bình đẳng chỉ có một hương vị.
Pháp được Phật thuyết vốn chỉ có một thật tướng, không còn tướng nào khác, thuần túy một hương vị của Đề hồ “Giải thoát”. Tuy nói tất cả pháp mà không nắm bắt một pháp nào. “Tướng xa lìa”, tuy nói về tất cả các tướng mà không chấp thủ bất cứ tướng nào. “Diệt tướng”, tuy nói các pháp sinh diệt mà hiển thị tịch diệt vô sinh. Đó gọi là nói pháp một tướng, một vị. Cho nên mà nói pháp Phật thuyết đều là cứu cánh, đều để đạt đến nhất thiết chủng trí. Làm sao mà có ba thừa được!
Chúng sinh nghe pháp tùy theo căn tánh mà tiếp nhận vàø tu tập, đều có thành tựu riêng mà tự mình không biết. Pháp này chỉ một còn căn cơ thì khác. Câu: “Vì sao?” giải thích lý do chúng sinh không tự biết Phật thuyết pháp tuy là một loại âm thanh giống nhau, nhưng thì căn cơ, khí chất chúng sinh về: chủng tướng, thể tánh, ưa muốn, nhớ nghĩ, và sự thành tựu khác nhau. Nên trước hết phải quan sát biết rõ, sau đó mới nói pháp. Đó là Phật như thật biết rõ tính dục của chúng sinh. Còn chúng sinh thì không tự biết gốc rễ của mình là lớn hay nhỏ. Do vậy nghe pháp như con muỗi uống nước biển, đều tùy dung lượng mà đầy đủ, nên cho rằng Phật pháp chỉ chừng này thôi. Sao mà biết được pháp bìng đẳng chỉ có một vị!.
Câu: “Như Lai biết pháp” trở xuống, là giải thích lý do không ngay nói Đại thừa. Tuy nhiên ngài dùng đại pháp bình đẳng thuyết cho tất cả chúng sinh, chúng sinh tiếp nhận nhiều, ít, lớn, nhỏ, không giống nhau. Đức Phật không nói sớm pháp bình đẳng để phá chỗ bất đồng, mà Ngài im lặng thời gian dài. Thật ra Phật thuyết dù chỉ một chữ, một câu đều là cứu cánh, là chân không pháp giới. Chỉ vì tâm chúng sinh xu hướng bất đồng, nên dẫn dắt họ chờ đợi thời cơ. Do vậy mà không nói ngay về Nhất Thiết Chủng Trí, sợ họ kinh nghi nên ngài ẩn nhẫn chờ đợi, chứ không phải là không nói. Đến nay căn khí đã thuần thục, giờ nhập Niết bàn sắp đến, không thể không nói. Ngài Ca Diếp biết Đức Như Lai sẽ tùy cơ nghi mà thuyết pháp đặc biệt hiếm có, là pháp bình đẳng. Đây gọi là khó giải, khó biết.
4. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Kim đắc chánh kiến” (Khi đó Đức Thế Tôn… cho chúng đặng chánh kiến).
Đoạn kệ tụng này lại nói nghĩa trước đã nói.
Từ câu: “Pháp vương phá các cõi” xuống 4 câu, là nói chung ý nghĩa Ca Diếp tán thán Đức Phật. Chúng sinh trong chín cõi đều rơi vào nơi hữu (cái có). Phàm phu thì có sinh tử, Nhị thừa thì có Niết bàn, Bồ tát thì có chúng sinh để độ, có Phật quả để mong cầu. Cái có ấy chỉ có Phật phá được nên gọi là phá hữu. Đối với các pháp đều tự tại nên gọi là Pháp vương.
Từ câu: “Đức Như Lai tôn trọng” trở xuống 12 câu, đoạn kệ này nói ý của Phật chờ thời gian để thuyết Đại thừa, nên Như Lai im lặng không nói pháp lớn dài như vậy. Sợ kẻ trí tuệ kém sinh nghi ngờ, nên tùy sức mà nói, dần dần giúp họ có được chánh kiến. Đây là điều mà ngài Ca Diếp chưa biết.
5. Từ câu: “Ca Diếp đương tri” đến câu: “Nhi các tư mậu” (Ca Diếp ông nên biết… mà đều được sum sê).
Đoạn này dụ cho lòng thương bình đẳng của Phật.
Thân Phật như mây, thuyết pháp như mưa. Có thể biết được sự bình đẳng ấy. Nói như mây dày, mây lớn, đến nổi có thể nắm bắt được mây ấy. Ý muốn nói Pháp thân phổ biến đến mọi loài. Chưa mưa mà sấm chớp có trước, là dụ cho khi thuyết pháp thì trước hết hiện tướng hào quang, điềm lành và động đất. Ban đầu nói ba thứ cỏ, hai loại cây cho đến trăm giống lúa mạ… là dụ cho Tam thừa và ngũ tánh không ai không thấm nhuần, đất khô còn được thấm ướt cho đến hạng bất tín (xiển đề) cũng được lợi ích. Câu: “Mây kia mưa xuống”… là dụ cho Phật chỉ có một thân, một trí tuệ bình đẳng không hai nhưng đối tượng thọ nhận không giống nhau, tùy theo khả năng mà chúng được đầy đủ và thành tựu.
6. Từ câu: “Phật diệc như thị” đến câu: “Nhi vô giải quyện” (Đức Phật cũng như thế… mà không chút nhàm mỏi).
Từ câu: “Đức Phật cũng như thế” trở xuống, nói pháp của Phật cũng như thế.
Bốn câu đầu phù hợp với thí dụ trước, kế xuống 4 câu nói về bổn hoài xuất thế của Phật. Câu: “ Đấng Đại thánh” trở xuống 14 câu, là lời kêu gọi. Câu: “Các chúng trời người” trở xuống 10 câu, là triệu tập trời người để nói pháp bình đẳng. Câu: “Pháp đó thuần một vị” trở xuống 6 câu, nói về pháp bình đẳng nhất tướng nhất vị. Nếu có trình bày pháp nào đều là nhân duyên cho Đại thừa. Đó gọi là cứu cánh, đều được Nhất thiết chủng trí. Câu: “Ta xem tất cả chúng” trở xuống 24 câu, là đoạn chính thức thuyết pháp bình đẳng, bất luận sang hèn, trì giới, phạm giới, chánh, tà, lanh lợi hay ngu độn… Tất cả đều có được sự hỗ trợ của trí tuệ bình đẳng. Như vậy đủ biết Tam thừa ngũ tánh không chờ đến hôm nay mới thọ ký.
7. Từ câu: “Nhất thiết chúng sinh” đến câu: “Giai đắc đạo quả” (Tất cả chúng sinh… rồi đều đặng đạo quả).
Đoạn này từ câu: “Tất cả hàng chúng sinh” trở xuống, nói về chúng sinh tùy theo căn cơ mà nhận được sự ích lợi không giống nhau, rồi đều được thành tựu cả.
Bốn câu đầu là nói chung các địa vị, nghĩa là từ ba cõi, chín địa, cho đến mười địa của Bồ tát, sau đó là giải thích về các địa vị ấy.
Từ câu: “ Hoặc là ở trời người” trở xuống 4 câu, nói rõ về loài người và chư thiên. Từ câu: “Hoặc rõ pháp vô lậu” trở xuống 8 câu, nói rõ về Thanh văn và Duyên giác. Từ câu: “Hoặc cầu bậc Thế Tôn” trở xuống 4 câu, nói rõ về Bồ tát thuộc tạng giáo, nương nơi giáo lý phương tiện mà tu nên gọi là: “Cỏ thuốc nhỏ”. Kệ tụng nói: “Ta sẽ đặng thành Phật” nhưng chỗ mong cầu của tạng giáo trong Tam tạng thì quả Phật là trên hết. Từ câu: “Lại có hàng Phật tử” trở xuống 6 câu, nói về Bồ tát thuộc Thông giáo. Từ câu: “Hoặc an trụ thần thông” trở xuống 6 câu, nói về Bồ tát thuộc Viên giáo. Từ câu: “Phật chỉ bình đẳng nói” trở xuống 6 câu, nói pháp chỉ có một nhưng căn cơ thì có khác. Từ câu: “Phật dùng món dụ này” trở xuống 6 câu, nói tóm lại ý công đức của Phật nói không cùng tận. Do ngài Ca Diếp không thể biết hết công đức của Như Lai cho nên mới nói thí dụ này để làm rõ hơn. Như một đám mây, một trận mưa bình đẳng thấm nhuần khắp nơi, ba thứ cỏ, hai thứ cây, đều đầy đủ và thành tựu. Tuy thí dụ nói công đức của Phật rộng lớn không thể suy lường được. Thật ra đối với biển trí tuệ của Phật, chỉ là một giọt nước. Làm sao dụ hết được công đức của Phật! Nên ngài Ca Diếp không thể biết hết được.
Từ câu: “Ta rưới trận mưa pháp” trở xuống 8 câu, nói tổng quát về sự lợi ích của thành thục. Từ câu: “Pháp của các Đức Phật” trở xuống 6 câu, nói tổng quát về cơ hội của sự thành thục. Phần còn lại nói riêng tùy theo căn cơ mà đắc đạo quả.
8. Từ câu: “Thanh văn Duyên giác” đến câu: “Các đắc thành Phật” (Hàng Thanh văn Duyên giác… đều đặng kết trái cả).
Đoạn này từ câu: “Thanh văn” trở xuống, là nói tất cả đều được tăng trưởng.
Sáu câu đầu bài tụng, nói về hàng Thanh văn và Duyên giác đều được tăng trưởng. Từ câu: “Nếu các vị Bồ tát” trở xuống 6 câu, là nói về sự tăng trưởng của Bồ tát thuộc Quyền giáo. Từ câu: “Lại có vị trụ thiền” trở xuống 8 câu, nói về sự tăng trưởng của Bồ tát thuộc Thật giáo. Đó gọi là đều được thấm nhuần nên lớn mạnh. Từ câu: “như thế Ca Diếp này” trở xuống 6 câu, nói tổng kết sự thành tựu.
9. Từ câu: “Ca Diếp đương tri” đến câu: “Tất đương thành Phật” (Ca Diếp ông phải biết… thảy đều sẽ thành Phật).
Đoạn này từ: “Ca Diếp” trở xuống, nói mở Quyền pháp làm hiển lộ Thật pháp, phương pháp của chư Phật đều giống nhau.
Sáu câu đầu, nói về ở nơi Quyền pháp mà hiển lộ Thật pháp, chư Phật đều như vậy. Từ câu: “ Nay ta vì các ông” trở xuống 8 câu, là tổng kết ngày nay mới là Thật pháp, bỏ hết quyền trước đây. Đây là lời văn khai mở cho việc thọ ký. Nói: “Lần lần tu học xong, thảy đều thành Phật”. Đó là muốn nói rằng ngày trước chưa phải là thật sự tu tập. Từ nay giờ khai mở tri kiến Phật mới là nhân chính của sự thành Phật. Điều đó nghĩa là điều gọi là tâm bất sinh diệt làm căn bản cho sự tu hành. Như Kinh Lăng Nghiêm nói: “Lý tu đốn ngộ sự nâi tiệm trừ” (Lý tuy đốn ngộ nhưng thực tiễn tu tập từ từ).