QUYỂN VII
 
 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
PHẨM DIỆU ÂM BỒ TÁT
THỨ HAI MƯƠI BỐN
 
Đại ý phẩm này trình bày địa thứ tám thật chứng Pháp Hoa tam muội. Khi chứng được chân như bình đẳng, từ địa thứ tám tiến lên địa thứ chín. Phát huy tác dụng chân như. Sắc và tâm tứ đại đạt được như huyễn tam muội, ở vào địa vị pháp sư; cho đến ngôi đẳng giác, phân thân thuyết pháp không suy nghĩ mà ứng hiện. Đặc biệt lấy tên là Diệu Âm. Đó là ý của phẩm này.
Ngài Diệu Âm tùy loại chúng sinh mà hiện thân thuyết pháp. Đây chính là pháp giác ngộ tự tính, là tính ý sinh thân. Phẩm trước ngài Dược Vương là tam muội lạc ý sinh thân, do nhập định thì có mà xuất định thì không. Phẩm này thì “ Ý sinh thân” Vì xuất định hay nhập định tùy loại mà thị hiện, là sự chín muồi mà biến hiện nên có hiện tượng tương tác. Như ngài Quán Âm thì pháp giới duyên khởi phổ môn thị hiện, người đọc nên biết.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Thích Ca” đến câu: “Chư Phật thế giới” (Lúc bấy giờ đức Thích Ca… cõi Phật ở phương đông).
Đoạn này trình bày công đức diệu hạnh trì kinh, nhân duyên đã viên mãn, sắp lên kết quả giác ngộ. Cho nên hào quang chiếu, triệu Diệu Âm để trình bày tướng nhân quả tương hội.
Đức Phật có chín mươi bảy loại tướng đại nhân mà nhục kế đãnh tướng là thứ nhất. Đây là Vô kiến đảnh tướng; từ đây phóng hào quang biểu thị kết quả của pháp vô thượng phóng ra hào quang trí tuệ. Tướng “ Hào quang giữa chặng mày” thì biểu thị trung đạo diệu trí phóng ra hào quang. Do diệu trí này là nhân tố căn bản của tâm. Nay hai loại hào quang cùng phóng biểu thị cho nhân tố căn bản của tâm khế hợp với quả giác, là biểu tượng của thỉ giác và bản giác hợp lưu.
Ở đầu kinh, sắp sửa nói diệu pháp. Trước hết phóng hào quang giữa chặng mày để biểu thị thật tướng chân cảnh. Ý muốn người tu hành hiểu rõ thể tính của hào quang này để làm phát hiện tâm giác ngộ ban đầu. Do đó mà tạo ra thật tướng nhập tri kiến Phật. Nay hai loại chấp thủ đều đã phá, diệu hạnh đã tròn, nên hai loại hào quang cùng phóng để hiển thị lý nhân quả nhất như.
Hào quang trước chỉ chiếu Đông phương một vạn tám ngàn thế giới để biểu thị cho mê vọng, động loạn, căn trần, thức giới của chúng sinh ngộ được thật tướng. Hào quang nay chiếu khắp đông phương một trăm tám vạn ức Na do tha, hằng hà sa… thế giới. Tuy nói là chiếu khắp nhưng nêu ra tiêu biểu một góc của chiếu khắp pháp giới mà thôi. Bởi lẽ pháp giới là vô biên, không rời khỏi căn trần, động loạn của chúng sinh. Do mở rộng mà sung mãn, nên dung chứa khắp không chướng ngại. Vì vậy trước hết chiếu hào quang phương đông.
2. Từ câu: “Quá thị số dĩ” đến câu: “Biến chiếu kỳ quốc” (Qua khỏi số cõi đó … soi khắp cõi nước đó).
Đoạn này nói hào quang chiếu cõi Phật, để biểu thị thỉ giác có công đức thì bản giác mới hiện hữu.
Thế giới gọi là tịnh quang trang nghiêm là Thường tịch quang tịnh độ, nơi pháp thân an trụ. Đức Phật hiệu là Tịnh Hoa Tú Vương Trí. Tịnh Hoa tiêu biểu diệu hạnh làm nhân. Tú Vương Trí là kết quả giác ngộ. Ý muốn trình bày quả giác ngộ kia là nhân duyên từ tâm ta. Cho nên hiệu là Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật.
Tịch quang của Phật chưa có cơ hội xuất hiện, nay nhân vì hào quang trắng của đức Thích Ca chiếu khắp nước ấy, hào quang trắng tiêu biểu cho nhân tố trí tuệ của tâm, nay chiếu nước Phật ấy chính là hiển thị tướng thỉ giác của bản giác khế hội, nên hai hào quang mà chỉ nói hào quang trắng
3. Từ câu: “Nhĩ thời nhất thiết” đến câu: “Chư đại tam muội” (Lúc đó trong nước nhất thiết … các đại tam muội như thế).

Đoạn này nói các bậc Bồ tát thỉ giác chứng được các loại tam muội, để trình bày hiện tượng nhập tri kiến Phật.

Trong nước Tịnh quang có ngài Diệu Âm Bồ tát, ở địa vị cửu địa bồ tát ra khỏi chân như tam muội như từ nước Tịnh quang đến, ở ngôi vị pháp sư, ứng cơ thuyết pháp, không tư duy mà thuyết như tiếng trống cõi trời, nên gọi là Diệu Âm. Đây là do chứng sâu sắc thật tướng chân như mà khởi lên tác dụng của trí tuệ, là biểu tượng của cửu địa đến đẳng giác Bồ tát. Địa vị này từ sơ địa đến đã trải qua thờ phụng nhiều Đức Phật, nên gọi là “Từ lâu đã trồng các cội công đức”. Gần gũi vô lượng Đức Phật, đã chứng bình đẳng chân như thâm nhập pháp giới, cho nên gọi là “Đều đặng trọn nên trí tuệ rất sâu” được “Diệu tràng tướng tam muội.v.v..” Kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ tát cửu địa đắc được trí nhất thiết chủng trí, vào ngôi vị, mà liền đắc trăm vạn A tăng kỳ tam muội”… Mười sáu loại tam muội đều từ chân như tam muội mà ra, về mặt tác dụng thì có tên sai biệt, do nơi sự thành tựu trí tuệ thâm sâu mà có. Hàng Bồ tát này khéo léo thuyết pháp, nhiếp phục ngoại đạo, dẹp tà hiển chánh. Cho nên gọi là “Diệu tràng tướng tam muội”. Do trì kinh mà thâm chứng thật tướng nên gọi là “Pháp Hoa tam muội”. Do tri kiến Phật làm thanh tịnh vi tế vô minh, nên gọi là “Tịnh đức tam muội”. Do hiển hiện bản giác vĩnh viễn xả ly triền phược đắc đại tự tại nên gọi là “Tú Vương hý tam muội”. Vì có lòng từ vô duyên ứng hiện khắp quần cơ nên gọi là “Vô duyên tam muội”. Khi nói pháp dùng thật tướng ấn mà ấn định các pháp nên gọi là “Trí ấn tam muội”. Do tất cả ngôn ngữ đều thuận theo chánh Pháp nên gọi là “Giải nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn tam muội”. Do vì lấy chân như làm căn bản cho vạn hạnh nên gọi là “Tập nhất thiết công đức tam muội”. Vì pháp thân hiển hiện nên gọi là “Thanh tịnh tam muội”. Do đắc đại trí dụng không còn các trói buộc nên gọi là “Thần thông du hý tam muội”. Do ánh sáng trí tuệ phá các tối tăm nên gọi là “Huệ cự tam muội”. Xứng hợp với diệu dụng của chân như làm trang nghiêm pháp thân nên gọi là “Trang nghiêm vương tam muội”.Vĩnh viễn rời ô nhiễm, chướng ngại, trí tuệ thường chiếu nên gọi là “Tịnh quang minh tam muội”. Thức tạng tức Như Lai tạng nên gọi là “Tịnh tạng tam muội”. Chẳng phải sở hữu của tam thừa nên gọi là “Bất cọng tam muội”. Vì trí tuệ như mặt trời, các niệm luôn ở trong trung đạo nên gọi là “Nhật triền tam muội”. Đây là nêu lên tổng quát các tam muội, kỳ thực đắc được trăm ngàn vạn hằng hà sa các đại tam muội.
4. Từ câu: “Thích Ca Mâu Ni Phật quang chiếu” đến câu: “Dược thượng Bồ tát” (Quang minh của Đức Thích Ca … Dược thượng Bồ tát).
Đoạn này nói về Thỉ giác có Căn bản giác mới hiển lộ.
Luận Đại thừa khởi tín nói: “Nghĩa của Thỉ giác là dựa vào Bản giác”. Cho nên Diệu Âm thưa với Phật Tú Vương Trí, ý là Thỉ giác hiệp với Bản giác, từ nơi thể mà khởi tác dụng. Do vậy xin qua cõi Ta bà gặp Đức Thích Ca, nhờ đại trí làm nhân tố căn bản của tâm, nên cùng gặp ngài Văn Thù Sư Lợi, sắp tập hợp các đức hạnh để nhập vào diệu viên quả hải. Cho nên thấy ngài Dược Vương, Võng thí, Tú vương, Thượng hạnh, Trang nghiêm, Dượng thượng.v.v.. các Bồ tát.
5. Từ câu: “Nhĩ thời Tịnh Hoa” đến câu: “Trí tuệ trang nghiêm” (Khi đó đức Tịnh Hoa … trang nghiêm trí tuệ của Như Lai).
Đoạn này nói ngài Diệu Âm xin qua cõi Ta bà gặp đức Thích Ca để biểu thị cho diệu hạnh bình đẳng.
Câu: “Chớ khinh nước kia sinh ý tưởng họ là thấp kém” Ý nói diệu hạnh của Bồ tát chắc chắn không còn nhiễm tịnh, quên năng sở, diệt ảnh tượng mới nhập được bình đẳng pháp giới. “Thân của chư Phật và Bồ tát đều kém nhỏ” chính là muốn nói do ứng hóa thân mà thấy pháp thân, vậy vốn không phải nhỏ. Nói: “Thân ông cao đến bốn muôn hai ngàn do tuần” là nhân tứ vô lượng tâm, do đại nguyện ứng hiện căn trần mà thành tựu. “Sáu trăm tám mươi muôn do tuần” là sáu căn tám thức chuyển thành diệu tịnh pháp thân, đều là do thần lực của Như Lai. Tác dụng của Bồ tát đều nương vào Phật trí vô tác vô vi mà ứng biến vô phương. Cho nên gọi là thần thông du hý công đức trí tuệ.
6. Từ câu: “Ư thị Diệu Âm Bồ tát” đến câu: “Dĩ vi kỳ đài” (Lúc đó ngài Diệu Âm Bồ tát … chân thúc ca bảo làm đài).
Đoạn này nói ngài Diệu Âm sắp đến Ta bà nên trước hiện điềm hoa sen làm biểu tượng.
Nhờ vô tác diệu lực nên không rời khỏi chỗ ngồi, do tam muội lực hóa làm 8. 4000 hoa sen báu, đều biểu thị vô tác diệu lực. Tuy nhiên dùng sức tam muội hóa hiện hoa sen, thì trong kinh Hoa Nghiêm nói: Bồ tát cửu địa đắc được trăm vạn A tăng kỳ tam muội, tam muội sau cùng là “Thọ nhất thiết trí thắng chức vị”. Tam muội này khi hiện ra, thì trước hết có đại bảo liên hoa bỗng nhiên xuất sinh. Hoa ấy to lớn chứa được tam thiên đại thiên thế giới, dùng các thứ báu xen vào là trang trí.
Hỏi rằng: Diệu Âm đến gặp Thích Ca, vốn chưa có ngôi vị, mà lấy điều này giải thích, há chẳng phải lỗi lầm sao?
Đáp rằng: Đây là dùng hiện tượng để nói, bởi vì hàng Bồ tát thâm chứng nơi thật tướng, nhập tri kiến Phật, nhân đã tròn, hạnh đã mãn, đang lúc nhân quả giao hội, nên tự nhiên có đủ lực bất khả tư nghì, hiện ra tác dụng lớn. Do căn cứ về lý đã tương đồng, nên hiện tượng cũng giống vậy. Hoa Nghiêm nói về tâm viên mãn mười địa, còn ở đây căn cứ vào nhập Phật tri kiến, diệu hạnh đã tròn, ý nghĩa thâm hợp. Do vì kinh này là diệu hạnh vô trụ, không nói tiệm thứ chỉ cần hiển lý, vốn phải như thế thì có gì mà nghi.
7. Từ câu: “Nhĩ thời Văn Thù”đến câu: “Thính Pháp Hoa Kinh” (Bấy giờ ngài Văn Thù… nghe kinh Pháp Hoa).
Đoạn này ngài Văn Thù Sư Lợi thấy hoa sen đến nên hỏi. Sắp trình bày ý nghĩa của Diệu Âm đến, nên Phật trả lời.
Kinh Hoa Nghiêm dùng trí để lập thể, trong phẩm nhập pháp giới, ngài Thiện tài lần đầu gặp Văn Thù Sư Lợi chỉ bày cho đi tham vấn các bậc thiện tri thức, sau cùng ngài Văn Thù Sư Lợi từ xa duỗi tay phải xoa đầu ngài Thiện Tài, biểu thị cho trí đã viên mãn không khác sơ tâm. Kinh này cũng lấy trí lập thể, nên ban đầu phóng hào quang, biểu thị cảnh thật tướng, từ nơi ngài Văn Thù Sư Lợi phát khởi. Nay phần nhập Phật tri kiến, ngài Diệu Âm đến làm chứng cũng từ nơi Văn Thù Sư Lợi mà phát huy. Ý chỉ của hai kinh tương đồng nên dùng các biểu tượng cũng giống nhau.
8. Từ câu: “Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “Linh ngã đắc kiến” (Ngài Văn Thù Sư Lợi … khiến chúng con đặng thấy).
Đoạn này ngài Văn Thù Sư Lợi vì cơ duyên mà khởi phát lời hỏi. Xem trong nguyên văn có thể biết.

9. Từ câu: “Nhĩ thời Thích Ca” đến câu: “Dục kiến nhữ thân” (Lúc ấy Đức Thích Ca… muốn thấy thân của ông).

Đoạn này Đức Đa Bảo triệu mời Diệu Âm.
Ngài Diệu Âm vốn muốn thân cận Đức Thích Ca và gặp Văn Thù Sư Lợi để nghe kinh Pháp hoa mà lại chờ Đức Đa Bảo triệu kiến. Chính là ý nghĩa đẳng giác nhập diệu tức phải nhờ pháp thân đến tiếp; không phải việc nơi đầu cửa ứng hóa thân. Sau khi Phật Đa Bảo triệu ngài Diệu Âm, còn trụ trong hư không. Từ đây đến cuối pháp hội không nói gì nữa, vì người hành trì kinh đã phối hợp pháp thân, đã đồng với bản thể, rõ ràng không có hai tướng. Do rời bỏ nghiệp thức, pháp thân không bị bỉ thử, tương thông với nhau, cho nên nêu lên khi ngộ thì thấy nhưng khi chứng nhập rồi thì không thấy nữa.
10. Từ câu: “Vu thời Diệu Âm” đến câu: “Bất cổ tự minh” (Bấy giờ ngài Diệu Âm… chẳng trỗi tự kêu).
Đoạn này nói về nghi thức ngài Diệu Âm đến cùng với 8.4000 Bồ tát. Ý muốn trình bày trước do diệu hạnh trì kinh mà nhập Phật tri kiến. Tập hợp 8.4000 phiền não mà trở thành diệu dụng thần thông. Đã trải qua diệu hạnh tức thì phá vô minh, cho nên đi qua chỗ nào thì chỗ ấy có sáu cách chấn động. Nếu có hành động gì thì điều ấy đều chân nhân, nên khắp nơi mưa hoa sen. Pháp âm tự nhiên, thiên nhạc tự trỗi. Điều này đều nương nơi công hạnh mà hiển lộ, nên điềm lành ứng hiện như thế.
11. Từ câu: “Thị Bồ tát mục” đêán câu: “Phụng thượng anh lạc” (Mắt của vị Bồ tát đó … dâng chuỗi ngọc lên).
Đoạn này nói về nghi thức mà ngài Diệu Âm đã đến.
“Mắt như hoa sen xanh rộng lớn” là trình bày thật tướng của ngài Diệu Âm. Thuyết minh thân phần đẹp đẽ 4.2000 do tuần. “Vào đài thất bảo” là đài trong hoa sen. “Bay lên hư không” tiêu biểu bay lên pháp tính không. “Dùng anh lạc dâng cúng Đức Thích Ca” tiêu biểu cho sử dụng diệu hạnh trang nghiêm pháp thân.
12. Từ câu: “Nhi bạch Phật ngôn” đến câu: “Kham nhẫn cửu trụ phủ” (Mà bạch Phật rằng… kham nhẫn ở lâu đặng chăng).
Đoạn này ngài Diệu Âm kính trọng bổn sư của mình. Dùng lời thăm hỏi Đức Thích Ca.
Việc thăm hỏi đều là những việc khó kham nhẫn ở cõi Ta bà. Đức Thích Ca hiện thân đồng lao cộng khổ với dân chúng, nên hỏi thăm như vậy. Hỏi thăm ngài Đa Bảo cũng lấy vấn đề ít não làm ngôn từ. Do đó đủ thấy cõi Ta bà là chốn không dễ vào vậy.
13. Từ câu: “Thế Tôn, ngã kim dục kiến” đến câu: “Cố lai chí thử” (Thế Tôn! con nay muốn thấy … nên qua đến cõi này).
Đoạn này ngài Diệu Âm gặp cả hai Đức Thế Tôn.
Chính là biểu thị cho Thỉ giác khế hợp với Bản giác. Nghe kinh Pháp Hoa và gặp ngài Văn Thù Sư Lợi là biểu tượng nhập Phật tri kiến, là biểu thị hai trí ngầm hợp, đức Phật Đa Bảo là pháp thân, Đức Thích Ca là Báo hóa thân, nay đều thấy đủ. Ý nghĩa là đã hiển lộ bản giác thì ba thân cùng một gốc, không hai, không phân chia.
14. Từ câu: “Nhĩ thời Hoa Đức Bồ tát” đến câu: “Hữu thị thần lực” (Lúc bấy giờ ngài Hoa Đức Bồ tát … có sức thần thông như thế).
Đoạn này hỏi bản nhân của ngài Diệu Âm.
Do ngài Hoa Đức hỏi, hoa là biểu thị cho căn bản của diệu hạnh. Ý là trình bày sức mạnh thần thông tam muội của ngài Diệu Âm. Đều nương nơi diệu hạnh mà thành tựu. Cho nên mượn cớ để thưa hỏi.
15. Từ câu: “Phật cáo Hoa Đức Bồ tát” đến câu: “Hữu thị thần lực” (Đức Phật bảo ngài Hoa Đức… có sức thần như thế).
Đoạn này lời đáp trình bày bản nhân của ngài Diệu Âm.
Ngài vốn có vị thầy là Phật Vân Lôi Âm, dùng mây dày sắp mưa để thấm nhuận kẻ sơ cơ mê muội. Trước hết phải có tiếng sấm trước, ứng cơ tự tại, nên gọi là Vân Lôi Âm Vương, là danh hiệu từ pháp thân đến ứng thân. Ngài Diệu Âm thờ thầy đó có lý do: Vì tất cả thế giới không rời pháp giới, nên cõi nước tên là Hiện nhất thiết thế gian. Đó là chỗ nương tựa của cõi chân thật. Do chúng sinh có điều mong cầu, tùy cảm ứng mà hiện nên gọi là Hỷ Kiến. “Một vạn hai ngàn năm” là biểu tượng căn và trần đối đãi với nhau. “Mười muôn” là số lớn của trăm ngàn. “Kỹ nhạc” là tiêu biểu cho công hạnh vi diệu đưa đến niềm vui. “Tám muôn bốn ngàn” là số trần lao phiền não và pháp môn giải thoát đối lập nhau. Bát gọi là “Ứng lượng khí” tiêu biểu cho pháp ứng cơ mà ứng lượng: Do vì Bồ tát này ngày xưa ở nơi đầu ngõ căn và trần, đã dùng trăm ngàn diệu hạnh vi tế để rộng rãi độ sinh; có thể vì chúng sinh biết căn cơ mà ứng hiện tùy thời giáo hóa. Do xưa đầy đủ nhân duyên diệu hạnh này, nên nay chiêu cảm kết quả được gọi là Diệu Âm. Do đó mà có sự kiện thần thông tam muội như thế. Đây là tự nhập tri kiến Phật mà chứng đắc, nên gọi là “Có sức thần như thế”.
16. Từ câu: “Hoa Đức” đến câu: “Na do tha Phật” (Hoa Đức! … Na do tha Phật).
Đoạn này nói rõ nhân xưa để chứng minh cho duyên nay. Nên nói rằng người dùng kỷ nhạc cúng dường và dâng lên bát báu, nay chính là Diệu Âm Bồ tát đây. Do ngài Diệu Âm đã cúng Phật nhiều trồng đức đã dày, nên cảm quả báo có sức thần như thế.
17. Từ câu: “Hoa Đức! Nhữ đản kiến” đến câu: “Thuyết thị kinh điển” (Hoa Đức! ông chỉ thấy … nói kinh điển này).
Đoạn này sắp sửa nói sự ứng hóa của ngài Diệu Âm để thấy thần lực quảng đại.
Thân ngài ở đây mà hóa hiện các loại thân hình, ở khắp mọi nơi, vì chúng sinh mà nói kinh điển này. Vì ngài Diệu Âm diệu pháp mà nhập Phật tri kiến, do phá hai loại chấp thủ mà trừ được hai chướng ngại, đã chứng bình đẳng chân như. Nay từ chân như tam muội khởi lên, nhập vào cửu địa cho đến bậc đẳng giác, ở vào địa vị pháp sư. Rồi dùng các tam muội thị hiện thân ở mười phương. Sắp sửa nói về sự hiện thân nên trước hết nêu lên sự kiện tổng quát.
18. Từ câu: “Hoặc hiện Phạm Vương thân” đến câu: “Nhị thuyết thị kinh” (Hoặc hiện thân Phạm Vương …mà nói kinh này).
Đoạn này nói hiện thân ở mười cõi, theo sự hiện thân ấy mà thuyết pháp.
Trước hết nêu Phạm Thiên cho đến tướng trạng của ba đường, sáu nẻo ở trong thiên đạo có thể nghe pháp. Nên nói “Mà thuyết kinh này”. Đến nơi ba đường không thể nghe pháp chỉ có thể cứu giúp nỗi khổ của họ mà thôi
19. Từ câu: “Hoa Đức! thị Diệu Âm Bồ tát” đến câu: “Diệc phục như thị” (Hoa Đức! Diệu Aâm Bồ tát này … cũng lại như thế).
Đoạn này lặp lại thần lực đã nói ở trên và trình bày rộng rãi tác dụng vi diệu.
Nói có thể hiện thân trong sáu nẻo, như các loại thần thông biến hóa này mà trí tuệ không giảm như dùng một ngọn đèn mồi cho trăm ngàn ngọn đèn khác, đèn vẫn như cũ. Đó gọi là “Đã vì người mình lại có thêm. Đã cho người mình lại càng nhiều thêm”. Nói: “Dùng ngần ấy trí tuệ sáng soi cõi Ta bà” nghĩa là dùng nhập Phật trí tuệ. Các loại tam muội có thể đi vào tâm tưởng của tất cả chúng sinh, nên gọi là “Tất cả chúng sinh đều đặng hiểu biết”. “Ở trong hằng hà sa cõi nước trong mười phương cũng lại như thế” đó là nói không riêng cõi Ta bà mà có thể phân thân vô lượng thế giới. Đoạn này là phát khởi, trở xuống cũng nói về hiện thân tứ thánh.
20. Từ câu: “Nhược ưng dĩ thanh văn” đến câu: “Kỳ sự như thị” (Nếu chúng sinh đáng dùng thân hình thanh văn … việc đó như thế).
Đoạn này nói hiện thân tứ thánh mà thuyết pháp, cứ như vậy tùy loại hiện thân mà thuyết pháp. Tuy là sức thần thông tam muội, thực ra do sức nhập Phật trí tuệ mà được như vậy.
21. Từ câu: “Nhĩ thời Hoa Đức” đến câu: “Vô lượng chúng sinh” (Lúc ấy ngài Hoa Đức Bồ tát … vô lượng chúng sinh như thế).
Đoạn này hỏi ngài Diệu Âm an trụ ở tam muội nào mà ứng hiện vi diệu như thế. Đức Phật đáp là: Hiện nhất thiết sắc thân tam muội.
Đây chính là “Giác pháp tự tính, tính ý sinh thân” Kinh Lăng Già nói Đức Thích Ca: Thế nào là giác pháp tự tính, tính ý sinh thân? Nghiã là đệ bát địa, từ đó quan sát hiểu rõ các pháp như huyễn, đều là vô sở hữu. Do vậy thân tam chuyển biến mà đắc Như huyễn tam muội và các môn tam muội, vô lượng tướng trí tuệ tự tại, như Diệu hoa trang nghiêm, nhanh chóng như tư tưởng ý nghĩ. Đều như huyễn mộng, như trăng dưới nước, như ảnh tượng trong gương, không phải năng tạo và sở tạo, mà như có năng tạo sở tạo. Tất cả sắc thân các loại chi phần đầy đủ trang nghiêm. Tùy ý vào tất cả cõi Phật, tất cả chúng hội, vì thông đạt tự tính các pháp. Đó gọi là “Giác pháp tự tính, tính ý sinh thân”.
Giải thích rằng: Ở nơi bát địa Bồ tát chứng được nhất tâm chân như, tiến lên cửu địa, phát huy tác dụng chân như, đắc như huyễn tam muội. Ở nơi nhất tâm mà chuyển biến có thể hiện vô lượng thần thông tự tại, một lúc cùng phát khởi như hoa nở xoè. Thí dụ như ý nghĩ đến đâu đất đá tường vách không ngăn chặn được. Cho nên gọi là “ Mau chóng như ý nghĩ”. Tiến tới địa vị thứ mười, tùy điều mình nhớ nghĩ mà giáo hóa các chúng sinh, nên gọi là “ Tùy ý vào tất cả cõi Phật và chúng hội” do Bồ tát ấy tu hành đắc tự giác thánh trí. Ở đây chính là nhập Phật tri kiến, đoạn được mê lầm chứng được chân lý, tự nhiên có được tác dụng bất khả tư nghì. Hiện thể tương đương, không do địa vị mà hạn cuộc được. Nếu chẳng dùng hạnh mà thành đức thì chỉ gọi là lưu thông mà thôi. Vậy thì Diệu Âm, quán Âm lại tầm thường, còn nhập Phật tri kiến cũng vô ích.
22. Từ câu: “Thuyết thị Diệu Âm Bồ tát phẩm thời” đến câu: “Cập đà la ni” (Lúc nói phẩm Diệu Âm Bồ tát … và Đà la ni).
Đoạn này nói đi theo pháp được lợi ích vi diệu, cho nên người nghe đều cùng đoạn hoặc chứng chân vậy.
23. Từ câu: “Nhĩ thời Diệu Âm Bồ tát” đến câu: “Pháp Hoa tam muội” (Khi ngài Diệu Âm … Pháp Hoa tam muội).
Đoạn này nói ngài Diệu Âm Bồ tát trở về bản quốc phục vụ thầy mình.
Nhiếp dụng quy thể nên gọi là về bản quốc. Vì chưa vào bậc Diệu giác còn ở nơi nhân vị. Xuất nhập tam muội nên còn có tướng qua lại. Sự vãng lai đều nhờ vô tác diệu lực, thành tựu diệu hạnh nên mưa hoa sen báu và các thứ kỹ nhạc. Vì đồng hạnh và đồng chứng, nên khiến cho các thân hữu 8.4000 người đều đắc Hiện nhất thiết sắc thân tam muội. Bốn vạn hai ngàn thiên tử nhân nghe pháp mà đắc vô sinh pháp nhẫn. Ngài Hoa Đức Bồ tát sau khi khởi phát lời hỏi lại đắc được Pháp Hoa tam muội, cũng dùng thật hạnh mà chứng nhập vậy./.