QUYỂN VI
 
  Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa

PHẨM CHÚC LỤY
THỨ HAI MƯƠI HAI

 
Đại ý phẩm này là từ trước khai thị về mặt lý đã đầy đủ. Đối tượng thính chúng giác ngộ về tâm đã thông suốt, người tin hiểu đã thật sự hiểu. Như vậy nhân tố thành Phật đã đầy đủ, và bản hoài xuất thế của Phật đã viên mãn. Điều đó như ông Trưởng giả, tình cha con đã mất, nên giao phó gia nghiệp. Cho nên đúc kết lại sự tin hiểu mà thuyết phẩm Chúc Lụy. Vậy từ phẩm này không thể phân chia là phần lưu thông. Từ phẩm này về trước mười một phẩm là Ngộ Phật tri kiến, cùng với hai mươi mốt phẩm trước chung là Tín Giải, đều thuộc phần nhân duyên hiển lộ lý tính. Sáu phẩm sau là trình bày về hạnh, để nói rõø chứng nhập làm quả.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật” đến câu: “Phổ đắc văn tri” (Lúc bấy giờ Đức Thích Ca … đều đặng nghe biết).
Sắp sửa phó chúc, trước hết xoa đầu an ủi mà dạy bảo, đó là trình bày lòng thương yêu của Đức Như Lai, làm cho đại chúng không hoang mang sợ hãi và củng cố niềm tin. Vì vậy, ba lần xoa đầu, lặp lại ba lần rất chí thiết rằng pháp vô thượng Bồ đề rất khó được. Đức Phật đã trải qua nhiều kiếp tinh cần cực khổ, cho đến tam thiên đại thiên thế giới không có một khoảng trống nào bằng một hạt cải mà không phải là nơi Bồ tát vì cầu đạo Bồ đề mà bỏ thân mạng. Nhờ chịu sự cần khổ lâu dài mới có thể thành tựu, do vậy mà nói là khó được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nên giờ đây sắp sửa phó chúc lại nói ba lần “Khó được”. Như ông Trưởng giả là nhà đại phú, cần người con có trí tuệ hiểu được sự khai sáng sự nghiệp là rất khó khăn. Nay lấy pháp này phó chúc cho hàng Bồ tát, không phải chỉ muốn sự giữ gìn mà thôi, mà còn muốn họ truyền bá rộng rãi cho tất cả chúng sinh đều được nghe biết. Vì chỗ uỷ thác rất quan trọng nên ý dạy bảo rất tha thiết. Đó là một đại sự nhân duyên không phải việc nhỏ vậy.
2. Từ câu: “Sở dĩ giả hà” đến câu: “Chư Phật chi ân” (Vì sao ? … ân của các Đức Phật).
Đoạn này giải thích ý tứ của việc muốn truyền bá rộng rãi kinh này.
Mười phương Như Lai chỉ lấy chúng sinh làm tâm, có vật sở hữu gì đều muốn cho chúng sinh, do có tâm Đại bi nên không bao giờ tiếc nuối, cũng không sợ chúng sinh nhiều, chỉ cần có mong cầu thì đều cho cả. Đây là bản tâm của chư Phật. Có thể cho chúng sinh trí tuệ của Phật. Trí tuệ của Như Lai là trí tuệ tự nhiên. Nhưng gọi là trí tuệ Phật có ba loại là sao? Nói trí tuệ của Phật là nói cái mà chúng sinh mê, nay họ được khai thị nên giác ngộ và thể nhập. Trí tuệ Như Lai là loại trí tuệ mà chúng sinh và Phật cùng có, nhờ tu mà chứng đắc.
Trí tuệ tự nhiên là thiên nhiên tự tính vốn không có mê ngộ, không thuộc về tu chứng. Trí tuệ vốn là một nhờ khai thị mà ngộ nhập, do ngộ nhập mà có tu, do tu mà có chứng được tự tính thiên nhiên vốn có, cho nên nói có ba loại. Hôm nay Đức Phật đã khai thị cho, thì chắc chắn giác ngộ, tu hành mà chứng được trí tuệ bản hữu, vậy mới là cứu cánh. Tất cả đều được cho không có nuối tiếc. Ngài là đại thí chủ của chúng sinh. Đó là tâm Như Lai lấy chúng sinh làm tâm mình, Ngài dạy các Bồ tát nên học theo pháp ấy của Như Lai là cho tất cả đừng luyến tiếc gì. Ở đời vị lai nếu có người tin tưởng trí tuệ Phật, thì nên vì họ mà thuyết kinh này, làm cho họ đắc được trí tuệ Phật.
Ở đoạn trên có nói đến ba loại trí tuệ, nay dạy Bồ tát ngài chỉ nói về trí tuệ Như Lai, vì trước hết khai thị cho chúng sinh tri kiến của Phật để họ tự mình giác ngộ, tu tập và chứng đắc, nên vấn đề khai thị là cần thiết nhất, do đó nói riêng như vậy. Nếu như chúng sinh có người không tin trí tuệ Như Lai thì ở trong giáo pháp thâm sâu khác mà giáo hóa họ được niềm vui lợi ích, nghĩa là ở trong pháp tam thừa phương tiện dẫn dụ làm cho họ tin nhận.
Đây chính là ý phó chúc, cho nên nói: “Các ông nếu được như thế thì đã báo được ân của các Đức Phật”. Cuối phẩm phương tiện ở trước, các ngài Xá Lợi Phất.v.v… cảm ngộ ân của Phật đến mức đầu đội trần sa kiếp, thân làm giường ngồi khắp cả tam thiên thế giới, rốt cuộc không thể báo được ân của Phật. Ở đây đúc kết khuyên rằng chỉ có thể truyền bá rộng kinh này thì báo đáp được ân của chư Phật. Đó gọi là:
“ Giả sử đảnh đới kinh trần kiếp
Thân vi sàng tọa biến tam thiên
Nhược bất hoằng pháp độ chúng sinh
Tất cánh vô năng báo ân Phật”
Dịch nghĩa:
Giả như đầu đội qua trần kiếp
Thân làm sàng tọa khắp tam thiên
Nếu không thuyền pháp độ chúng sinh
Rốt cuộc không báo được ân Phật.
3. Từ câu: “Nhĩ thời Bồ tát” đến câu: “Nguyện bất hữu lự” (Lúc đó các vị Đại Bồ tát… kính xin Thế Tôn chớ có lo).
Đoạn này Đức Phật phó chúc và các Bồ tát nhận lãnh sứ mệnh.
Do Phật xoa đầu ba lần khi phó chúc nên ở đây ba lần thọ nhận, an ủi Thế Tôn xin Đức Thế Tôn chớ lo. Đây là lúc các người con lãnh lấy gia nghiệp, đủ để an ủi lòng lo của cha.
4. Từ câu: “Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật” đến câu: “Hoàn khả như cố” (Khi đó Đức Thích Ca … đặng hoàn như cũ).
Đoạn này việc phó chúc đã xong, chư Phật phân thân trở về chỗ ở của mình.
Ở trước có thí dụ người cùng tử, ông Trưởng giả lo nghĩ về đứa con này, lòng muốn giao phó gia nghiệp, vừa lúc cùng tử về đến. Mới đầu còn sợ hãi, nghi ngờ thời gian lâu mới tin, càng lâu càng gần, cha con tình vong, cho nên Trưởng giả hội họp thân tộc, quốc vương, đại thần (làm chứng) giao phó gia nghiệp. Nay Phật Đa Bảo xuất hiện, các phân thân Phật đều tập họp chính là ý hội họp quốc vương đại thần. Khi việc phó chúc đã xong các phân thân Phật đều trở về bổn độ, chỉ còn lưu lại tháp Đa bảo như cũ. Về trước đã ngộ được pháp thân nhưng chỉ thân cận tùy thuận mà thôi. Sau đó trình bày sự chứng nhập, là muốn nói khế hợp pháp thân mới thâm nhập thật chứng. Cho nên lưu lại tháp Đa bảo. Nói “ đóng tháp trở lại như cũ”, chính là hiển lộ chứng nhập pháp thân bí mật tạng, nên lưu lại để chứng minh.
5. Từ câu: “Thuyết thị ngữ thời” đến câu: “Giai đại hoan hỷ” (Phật nói lời đó rồi … đều rất hoan hỷ).
Đoạn này do chứng pháp có được người để phó chúc nên đều hoan hỷ.
Phân thân chư Phật và các Bồ tát đều hoan hỷ. Vui vì Đức Thích Ca có chỗ để giao phó. Ngài Xá Lợi Phất và các đệ tử mới được thọ ký vui mừng, mừng vì có các Bồ tác nhận sự phó chúc, chúng sinh đời sau có chỗ nương về.
Kinh Kim Cang nói: “Đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ tát, khéo phó chúc chư Bồ tát” Do vậy biết rằng Như Lai xuất thế mục đích hộ niệm chư Bồ tát, chuyên vì họ mà giao phó việc này. Bốn mươi năm đến nay tìm người giao phó không được, nay may có người mà giao phó. Vậy đã rốt ráo bản hoài xuất thế của Như Lai, việc lợi sinh đã xong. Đó gọi là “Giáo hóa Bồ tát pháp Phật sở hộ niệm” sự nghiệp đã tận tình thổ lộ. Nay phó chúc người thọ nhận chỉ ấn chứng tâm của họ mà thôi. Muốn chứng thật quả thì phải tu hành, nên gọi là trước ngộ sau mới tu. Vì vậy sáu phẩm sau từ phẩm Dược Vương … là trình bày y theo pháp tu hành mới có thể chứng nhập, gọi là nhập Phật tri kiến. Đâu có thể coi là thọ nhận mơ hồ ư! Cho nên tôi cho rằng phần này là Nhập Phật tri kiến, ý ở nơi hiển lộ hành trì. Nếu nói đó là phần lưu thông thì toàn kinh đều là lưu thông của một đời giáo hóa của Đức Phật. Người trí nên biết rõ./.