KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm CHƯ THIÊN DƯỢC-XOA HỘ TRÌ

Phẩm Chư Thiên Dược-xoa hộ trì có chia ra làm ba phần:

1. Nói về lý do có phẩm này: Học hạnh lưu thông có năm mục, đây là mục thứ tư chính thức nói về sự trì học. Trì học lại có hai:

  1. Nêu ra ngày xưa.
  2. Khuyến khích ngày nay.

Nêu ra ngày xưa có hai: Đầu tiên là nêu ra người khác trì học ngày xưa, tiếp là nêu ra tự mình trì học ngày xưa. Phẩm này khuyến khích đại chúng ngày nay trì học. Lại giải thích: Thành tựu công hạnh truyền bá của người năng trì kinh và tám bộ chúng trong phẩm Hộ quốc trước đây cho nên sinh khởi phẩm này.

2. Giải thích tên gọi: Các trời, Dược-xoa là người khuyến khích. Hai chữ hộ trì là hạnh sở học. Hộ tức là hộ hành, trì tức là hành trì, tức là khuyến khích bốn chúng trì học, khuyến khích tám bộ kia hộ trì, cho nên dưới phẩm chỉ nói; “Thiên nữ Đại Cát tường và tất cả các vị trời nghe những gì Đức Phật đã nói đều rất vui mừng, đối với kinh vương này và người trì kinh nhất tâm ủng hộ”, nhưng không nói thọ trì. Lại giải thích: Tức là trụ trì kinh khiến cho không dứt gọi là hộ. Hộ tức là trì, như làm thành lũy giữ gìn chánh pháp, như vua cõi người giữ gìn đất nước, như nói Thiên vương Trì Quốc giữ gìn mười Địa hạnh… Vì vậy văn trường hàng ở đây chỉ dạy thực hành dâng cúng và muốn hiểu rõ hành xứ sâu xa của Phật, nên vì chúng sinh mà giảng nói truyền bá. Người nghe pháp đó nên dứt bỏ ý tưởng tán loạn, không nói khuyến khích người hộ trì kinh, đo đó hộ trì là nói hộ trì chánh pháp. Ở dưới nói rằng: “Thường đến hộ trì người này là do họ trì kinh cho nên được các vị trời che chở.” Vì thế ở dưới kinh nói: “Nếu nơi nào truyền bá kinh điển Kim Quang Minh này có ai xưng tụng đều được phước như trên.” Rõ ràng hộ trì kinh nên được lợi ích. Lại giải thích: Hộ trì bao gồm hai nghĩa đó. Hộ trì đối với kinh là hộ trì người trì kinh. Ở dưới nói rằng: “Đối với kinh vương này và người trì kinh đều ủng hộ.” Ở đây giải thích tận cùng lý lẽ.

3. Giải trừ vấn nạn.

Hỏi: Đã nói phẩm này chính thức khuyến khích chúng ngày nay khiến thực hành tu học, vì sao “nghe và nói” chỉ có các vị trời vui vẻ ủng hộ mà không nói bốn chúng và tu hành?

Đáp: Vì văn theo đó lược bỏ. Trước nêu rõ bảo rằng: “tức là các vị trời và các đại chúng”. Văn sau lại nói: “Cùng các vị trời… nghe những lời Đức Phật nói đều rất vui mừng.” Vui mừng tức là bao gồm nghĩa tu hành.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Thiên nữ Đại Cát tường: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào kính tin thanh tịnh, muốn đem vật dụng cúng dường vi diệu rộng lớn không thể suy nghĩ bàn luận lên các Đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại mà thực hiện dâng cúng và muốn hiểu rõ hành xứ sâu xa tột cùng của các Đức Phật ba đời.

Tán rằng: Toàn phẩm chia làm ba:

Đầu tiên là lược nêu khuyến khích, tiếp theo là bài tụng nói rộng, sau cuối đại chúng nguyện hộ trì. Trong phần đầu chia làm ba: Đầu tiên là báo với Thiên nữ; tiếp theo từ “Nếu có…” về sau nêu điều muốn thực hành, sau từ “người này…” trở xuống là khuyến khích mở mang giáo pháp này. Đây là hai phần đầu. Đầu tiên rộng cúng dường là tu tập phước hạnh, hiểu rõ hành xứ là tu tập trí hành. Tư lương Bồ-đề không gì hơn hai thứ này. Hành xứ sâu xa tức là hai thứ không và như. Vì thế văn sau nói: “Muốn đi sâu vào pháp giới, trước tiên nên nghe kinh này, chỗ tận cùng của pháp tánh sâu xa khéo an trụ.”

Văn kinh: Người này nên quyết định dốc lòng hễ kinh vương này có mặt ở chỗ nào, hoặc trong thành ấp, xóm làng hay núi rừng ao hồ.

Tiếp theo khuyến khích mở rộng kinh này, có ba: Đầu tiên là dạy phát khởi gia hạnh, tiếp từ “hễ kinh vương này…” về sau là nơi chốn mở mang kinh; sau từ “Rộng vì chúng sinh…” trở xuống là hạnh mở mang kinh. Nói quyết định dốc lòng là khởi quyết định suy nghĩ để làm cận gia hạnh. Giảng nói… ấy tức là phát động suy nghĩa chính thức khởi hạnh. Nói dốc lòng tức là chuyên niệm bao gồm cả gia hạnh và chánh hạnh. Suy nghĩ kỹ càng xa lìa yếu kém, lược bỏ không nói. Lại nữa, quyết định tức là nghĩa của sự mạnh mẽ không lui sụt. Vì thế Du-già quyển ba mươi tám chép: “Vì sao cầu nghe chánh pháp? Nghĩa là các vị Bồ-tát vì muốn khiến cho lắng nghe thời nói pháp tốt lành, giả sử đường đi vì lửa dữ hừng hực mặt đất nóng như sắt nung, không có cách nào có thể được nghe thời nói pháp tốt lành này, lập tức phát tâm mạnh mẽ quý trọng vui mừng mà vào. Huống gì muốn nghe nhiều lời nói, ý nghĩa hay khéo…?” Ở đây về sau cũng nói: “Giả sử lửa dữ cháy, khắp trăm du-thiện-na, vì nghe kinh Vương này, băng qua không ngại khổ.”

Văn kinh: Rộng vì chúng sinh giảng nói truyền bá, người nghe pháp đó cần phải dứt bỏ ý tưởng tán loạn, nhiếp tai, dụng tâm trở xuống là hạnh mở mang, có hai.

1. Người học đã lâu có khả năng thực hành hạnh lợi tha bằng cách mở bày giảng nói. Người mới học tức là hạnh tự lợi cần phải lắng nghe.

Trong mười pháp hành lược nêu ra hai pháp này để phản ảnh tám pháp còn lại. Hoặc hai người năng thuyết, năng thính cùng khuyến khích cả hai. Lại nữa, hễ kinh Vương này có mặt ở chỗ nào, tức là nói có quyển kinh và nơi truyền bá kinh pháp đều nên cúng dường, tu hạnh cúng dường. Cần phải dứt bỏ ý tưởng tán loạn v.v… Theo Du-già ba mươi tám chép: “Trong việc nghe pháp, thứ ba là dứt bỏ tán loạn, hết sức lắng nghe nói pháp” cách thức đầy đủ như trước đã nói.

Văn kinh: Đức Thế Tôn liền vì Thiên nữ đó và các đại chúng nói Già-tha rằng : Nếu muốn thí các Phật, cúng dường không nghĩ bàn, lại hiểu các Như lai, cảnh giới sâu xa ấy. Nếu thấy giảng nói kinh, Kim Quang Minh trên hết, nên tự đến nơi đó, đến chỗ có kinh này. Kinh này khó nghĩ bàn, thường sinh các công đức, biển khổ rộng vô biên, giải thoát các hữu tình. Ta quán kinh Vương này, đầu giữa sau đều lành, sâu xa không lường được, thí dụ không thể sánh. Giả sử hằng hà sa, bụi đất đai nước biển, các núi đá hư không, không dụ được phần ít. Muốn vào sâu pháp giới, trước nên nghe kinh này, tận cùng của pháp tánh, khéo an trú sâu xa. Vào trong tận cùng này, thấy ta Đấng Mâuni, diệu âm thanh thích ý, giảng nói kinh điển này. Từ đó câu chi kiếp, số lượng khó nghĩ bàn, sinh ở trong trời người, thường được vui nhiệm mầu. Nếu người nghe kinh này, nên khởi tâm như vầy: Mình được bất tư nghị, công đức uẩn vô biên, giả sử lửa dữ cháy, khắp trăm du-thiệnna, vì nghe kinh vương này, băng qua không ngại khổ. Đã đến trú xứ kia, được nghe kinh vương này, diệt trừ các tội nghiệp và trừ các ác mộng, sao xấu các biến quái, mọi trùng độc tà mị, lúc được nghe kinh này, các ác đều dứt bỏ.

Tiếp theo là phần thứ hai, bài tụng nói rộng. Tất cả có bảy mươi chín bài tụng chia thành bốn phần: Đầu tiên hai mươi ba bài tụng nói về hai hạnh nói và nghe: Tiếp từ “Phạm vương Đế Thích chủ…” về sau bốn mươi mốt bài tụng nói về Thiên thần ủng hộ. Tiếp từ “ở trong Nam châu này…” về sau mười bốn bài tụng nói về uy lực của kinh; cuối cùng một bài tụng tổng kết về nói và nghe. Trong phần đầu chia làm: Đầu tiên mười hai bài tụng nói về hạnh nghe pháp, sau từ “Nên sửa sang tòa cao…” trở xuống mười một bài tụng nói về hạnh giảng nói. Phần đầu lại chia làm năm:

1. Một bài tụng nêu rõ cầu phước trí.

2. Một bài tụng khuyến khích đến pháp hội.

3. Tiếp đến ba bài tụng khen ngợi công đức của kinh, trong đó có ba: Một bài tụng khen ngợi về sinh thiện diệt ác, một bài tụng cơ ngợi công đức của kinh, trong đó có ba: Một bài tụng khen ngợi về sinh thiện diệt các, một bài tụng khen ngợi về mười công đức của pháp, ở đây lược nêu ra bốn đức: tức là đầu, giữa, sau đều thiện, nghĩa lý sâu xa cùng tột, theo đó ảnh hiện sáu đức còn lại, thứ năm là văn xảo, thứ sáu là vô tạp, thứ bảy là cụ túc, thứ tám là thanh tịnh, thứ chín là tiên bạch, thứ mười là phạm hạnh tướng, rộng như Du-già quyển tám mươi ba giải thích trong phần Nhiếp sự, một bài tụng là ví dụ để trình bày.

4. Năm bài tụng tiếp theo khuyến khích nên nghe pháp, trong đó có năm: Một bài tụng khuyến khích lắng nghe, về tận cùng của pháp tánh ấy, như kinh Pháp Hoa nổi lên một tòa tháp báu không cần xá-lợi vì đã có toàn thân, ở đây cũng giống như vậy, có thể giải thích rõ ràng cho nên liền thấy pháp thân, một bài tụng thấy Báo thân do đó nói cũng tương tự, một bài tụng đạt được quả báo tốt, một bài tụng khiến cho mừng vui, một bài tụng khiến cho quyết định lắng nghe.

5. Hai bài tụng tiếp theo là lợi ích nghe kinh.

Văn kinh: Nên sửa sang tòa cao, sạch đẹp như hoa sen, Pháp sư ngồi trên đó, giống như tòa rộng lớn. An tọa nơi đó rồi, nói kinh sâu xa này, viết chép và tụng trì, cùng giải thích nghĩa lý. Pháp sư rời chỗ này, đi đến các nơi khác, ở trên tòa cao này, thần thông chẳng một tướng. Hoặc thấy như Pháp sư, đang ngồi trên tòa cao, hoặc lúc thấy Thế Tôn, cho đến các Bồ-tát, hoặc hiện tướng Phổ Hiền, hoặc như Diệu Cát Tường, hoặc thấy Đấng Từ Thị, thân ở nơi tòa cao; hoặc thấy tướng kỳ lạ, cho đến tượng các trời, tạm nhìn thấy nghi dung, bỗng nhiên không hiển hiện. Thành tựu bao điềm lành, mọi việc đều như ý, công đức đều đầy đủ, Thế Tôn nói như vậy. Có danh xưng cao quý, thường dứt các phiền não, giặc nước khác đều trừ, chiến đấu thường thắng lợi. Ác mộng đều không còn và tiêu mọi độc hại, ba nghiệp tội đã làm, năng lực kinh trừ diệt. Nơi châu Thiệm-bộ này, danh xưng đều vang khắp, các oán kết vốn có, thảy đều được xa lìa. Nếu có oán địch đến, nghe tên liền rút lui, không cần động gươm đao, đôi bên được vui vẻ.

Tiếp theo là mười một bài tụng nói về hạnh giảng nói, lại chia làm năm:

  1. Nửa bài tụng là trang hoàng pháp tòa.
  2. Tiếp nửa bài tụng là nghi thức của Pháp sư.
  3. Tiếp một bài tụng là giảng nói kinh, tức là dạy người khác viết chép và đọc tụng, thọ trì.
  4. Tiếp bốn bài tụng là tướng lành nói pháp.
  5. Tiếp năm bài tụng là lợi ích giảng nói pháp, có mười:
  1. Được tốt lành.
  2. Việc làm thành tựu.
  3. Công đức đầy đủ.
  4. Tiếng tăm vang khắp.
  5. Dứt các phiền não.
  6. Trừ mọi oán địch.
  7. Không còn ác mộng.
  8. Tiêu sạch độc hại.
  9. Dứt các nghiệp tội.
  10. Không có oán thù.

Ba bài tụng đầu mỗi bài tụng đều có ba lợi ích, hai bài tụng sau có một lợi ích, như văn có thể biết.

Văn kinh: Phạm vương Đế Thích chủ, tứ Thiên vương hộ thế, và Kim Cang, Dược-xoa, đại tướng Chánh liễu tri, Long vương Vô nhiệt trì, cho đến Sa-yết-la, thần nhạc Khẩn-na-la, Tu-la, Kim sí vương, Thiên nữ Đại Biện tài cùng trời Đại Cát tường, các trời đứng đầu ấy, đều dẫn các chúng trời, thường cúng dường các Phật, Pháp bảo không nghĩ bàn, thường sinh tâm vui mừng, sinh cung kính đối kinh. Các chúng trời như vậy, tất cả cùng suy nghĩ, thấy mọi người tu phước, cùng nói lên như vầy: Nên xét hữu tình này, đều là đại phước đức, sức gốc lành tinh tấn, sẽ sinh đến cõi ta. Vì nghe kinh sâu xa, tâm cung kính dốc lòng, cúng dường pháp tận cùng, vì tôn trọng chánh pháp, thương xót các chúng sinh, mà làm lợi ích lớn, với kinh sâu xa này, chính là pháp bảo khí, người vào pháp môn này, có thể vào pháp tánh, với Kim Quang Minh này, nên dốc lòng nghe nhận. Người này từng cúng dường, vô lượng trăm ngàn Phật, do các gốc lành đó, được nghe kinh điển này. Như thế các Thiên vương, Thiện nữ Đại Biện tài và trời Đại Cát tường, cho đến Tứ Vương chúng, vô số chúng Dược-xoa, có thần thông mạnh mẽ, đều ở khắp bốn phương, thường cùng đến ủng hộ. Trời Đế Thích, nhật nguyệt, các thần gió lửa nước, Phệ-suất-nộ Đại Kiên, Diêm-la, Biện tài, tất cả các hộ thế, có uy thần mạnh mẽ ủng hộ người trì kinh, ngày đêm thường không rời, vua Dược-xoa sức mạnh, Na-la-diên tự tại, Chánh liễu tri đứng đầu, hai tám bộ Dược-xoa, trăm ngàn Dược-xoa khác, có sức mạnh thần thông, luôn ở nơi sợ hãi, thường đến hộ người này. Kim Cang Dược-xoa, cùng năm trăm quyến thuộc, các chúng Đại Bồ-tát, thường đến hộ người này. Bảo Vương Dược-xoa chủ, cho đến Mãn Hiền vương, khoáng dã Kim-tỳ-là, Tân-độ-la hoàng sắc, các vua Dược-xoa này, cùng năm trăm quyến thuộc, thấy nghe được kinh này, đều đến để che chở. Thái quân Càn-thát-bà, Vi vương thường chiến thắng, châu cảnh và thanh Cảnh, cùng vua Bột-lý-sa, Đại Tối Thắng, Đại Hắc, Tô-bạt-noa-kê-xá, Bán-chi-ca dương túc, cho đến Đại-bàgià, Tiểu cừ và hộ pháp, cho đến vua loài khỉ, lông chim mắt chó, tóc báu đều đến hộ. Đại Cừ Nặc-câu-la, chiên đàn dục trung thắng, Xá-la và Tuyết sơn, cho đến Bà-đa sơn, đều có đại thần thông, có năng lực hùng mạnh, thấy người trì kinh này, cùng che chở đều đến. A-na-bàđáp-đa, cho đến Sa-yết-la, Mục-chân Y-la-diệp, Nan-đà Tiểu-nan-đà, ở trong trăm ngàn rồng, có thần thông oai đức, Tỳ-ma-chất-đa-la, Mẫu chỉ Thiêm-bạt-la, Đại kiên và Hoan hỷ, và vua Tu-la khác, cùng vô số chúng trời, có đại lực mạnh mẽ, đều đến hộ người này. Ha-lợi-đề Mẫu thần, năm trăm chúng Dược-xoa, lúc người đó ngủ say, thường đến cùng ủng hộ Chiên-trà, Chiên-trà-lợi, Dược-xoa Chiên-trĩ nữ, Côn-đế Cẩu-tra-xỉ, hút tinh khí chúng sinh, các thần quỷ như thế, có sức mạnh thần thông, thường hộ người trì kinh, ngày đêm không rời xa. Trời Biện tài đứng đầu, vô lượng các Thiên nữ, trời Cát tường là đứng đầu, cùng các quyến thuộc khác, Thần nữ mặt đất này, thần quả hạt vườn rừng, thần cây thần sông suối, tận cùng các loại thần, các thần đất như thế, tâm vô cùng vui mừng, họ đều đến che chở, người đọc tụng kinh này. Thấy có người trì kinh, thêm thọ mạng sắc lực, uy quang và phước đức, tướng tốt để trang nghiêm. Các sao hiện tai biến, nguy khốn đến người này, mộng thấy ác chẳng lành, thảy đều khiến trừ diệt. Thần nữ mặt đất này, có uy thế vững chắc, do uy lực kinh này, thường đầy đủ pháp vị, nếu đất tốt giảm xuống, hơn trăm du-thiện-na, thần đất khiến tăng lên, tưới nhuần trên mặt đất. Đất này dày sáu mươi tám ức du thiện na, cho đến vùng kim cang, vị đất đều khiến tăng.

Tiếp theo bốn mươi mốt bài tụng, được Thiên thần ủng hộ, lại chia làm hai: Ba mươi chín bài tụng đầu nói về nghe kinh được che chở, hai bài tụng sau nói về lý do che chở. Phần đầu được che chở có sáu:

1. Mười hai bài tụng hộ trì người nghe lại có ba. Bốn bài tụng đầu nói về Thiên thần cung kính vui vẻ, sáu bài tụng tiếp theo nói về che chở người nghe kinh. Có bốn: Một bài tụng suy nghĩ, quán xét người thực hành, một bài tụng được ngợi khen sinh lên cõi trời, ba bài tụng ngợi khen khuyến khích nghe kinh, một bài tụng ngợi khen gốc lành xưa kia; hai bài tụng sau nói về sự vệ hộ đó.

2. Năm bài tụng che chở người nói kinh. Phệ-suất-nộ là tên gọi khác của trời Na-la-diên, lại vì hình dáng to lớn nên gọi là Đại Kiên.

3. Hai bài tụng lại che chở người nghe. Kim-tỳ-la Hán dịch là Khổng, Tân-độ-la Hán dịch Khổng tước.

4. Mười hai bài tụng lại hộ trì người nói kinh. Thái quân Càn-thátbà vì mặc áo nhiều màu sặc sỡ quân lính. Vì vương là thần vương các loài cỏ, đeo ngọc châu ở cổ, cổ và gáy của thần màu xanh, Bột-lý-sa-bà Hán dịch là Ngưu, là thần vua loài trâu. Văn tụng gò bó cho nên lược bỏ chữ Bà-Tô, Hán dịch là Hảo. Bạt-noa Hán dịch là Kim, Kê-xá Hán dịch là Phát, là quỷ thần tóc vàng đẹp. Bán-chi-ca Hán dịch là Ngũ, tức năm vị thần, thần túc giống như loài dê. Đại Bà Già, Hán dịch oai đức, là thần kênh rạch. Nặc-câu-la dịch đúng là Thử lang, tên một vị thần. Xála, Hán dịch là ốc, tên núi, thần nương theo núi đó lấy núi làm tên. Bàđà-sơn, Hán dịch là Kham đảo, A-na-bà-đáp-đa, Hán dịch là Vô nhiệt não. Sà-yết-la, Hán dịch là Hàm hải. Mục chân, Hán dịch là Giải thoát. Y-la-diệp xưa dịch là Y-lan-thọ. Bà-trĩ, Hán dịch là Đoàn viên. Tỳ-machất-đa-la, Hán dịch là Y họa. Mẫu chỉ, Hán dịch là Hảo, Thiêm-bạt-la Hán dịch là Thực, cũng chẳng phải tên của trời, cũng dịch là thần Ẩm thực. Ha-lợi-đề quỷ mẫu như trước giải thích. Chiên-trà giọng nam gọi là Dược-xoa, Chiên-trà-lợi là giọng nữ gọi Côn-đế, Cẩu-tra-xỉ tức là loài răng dài bao bọc.

5. Ba bài tụng che chở người đọc tụng.

6. Năm bài tụng lại che chở người nói kinh.

Văn kinh: Do nghe kinh Vương này, chứa nhóm công đức lớn, thường khiến các chúng trời, đều được lợi ích đó; lại khiến các chúng trời, có uy lực ánh sáng, thường vui vẻ an lạc, xa lìa các tướng suy.

Hai bài tụng nói về lý do được che chở. Nêu người nghe kinh để so sánh người trì tụng, giảng nói.

Văn kinh: Ở trong Nam châu này, thần lúa mạ hoa trái, do uy lực kinh này, tâm thường được vui vẻ; hoa trái đều tươi tốt, khắp nơi có hoa đẹp, quả hạt đều sinh sôi, đầy khắp trên mặt đất. Tất cả các cây trái, cho đến các vườn rừng, thảy đều mọc hoa đẹp, mùi hương luôn ngào ngạt. Cỏ dại và cây cối, đều nở hoa tươi đẹp và sinh quả ngon ngọt, khắp nơi đều đầy đủ. Ở châu Thiệm-bộ này, vô lượng các Long nữ, tâm sinh rất vui mừng, đều cùng vào trong hồ, các loại Bát-đầu-ma, cho đến Phân-đà-lợi, hai hoa sen màu trắng, trong hồ đều chứa đầy. Do uy lực kinh này, hư không thoáng không che, mây mù đều xua tan, tối tăm đều sáng sủa, mặt trời lên sáng ngời, không bẩn và thanh tịnh, do năng lực kinh vương, soi sáng bốn cõi trời. Uy đức của kinh này, giúp đỡ cho thiện tử, đều dùng vàng Thiệm-bộ, để làm thành cung điện, nguy nga thiên tử chào đời, thấy châu này vui vẻ, dùng ánh sáng rực rỡ, đều chiếu rọi cùng khắp. Ở trong mặt đất đó, tất cả hồ hoa sen, mặt trời soi đúng lúc, đều cùng nhau nở rộ. Nơi châu Thiệm-bộ này, ruộng đồng các quả thuốc, đều khiến cho tốt đẹp, đầy khắp trên mặt đất. Do uy lực kinh này, nơi trời trăng chiếu soi, các sao không sai kỳ, gió mưa đều thuận mùa. Khắp châu Thiệm-bộ này, đất nước đều vui sướng, hễ nơi có kinh này, thù thắng hơn phương khác.

Mười bốn bài tụng khen ngợi uy lực của kinh, có tám: Bốn bài tụng đầu do uy lực của kinh nên hoa màu ngũ cốc dồi dào ngon ngọt, hai bài tụng tiếp theo là ao hồ có nhiều hoa, một bài tụng tiếp là hư không sạch sẽ thường sáng tỏ, ba bài tụng tiếp là mặt trời thêm ánh sáng, một bài tụng tiếp là hoa sen theo mặt trời nở rộ, một bài tụng tiếp là quả thuốc thường đầy đủ, một bài tụng tiếp là mưa gió đúng mùa, sao theo đúng kỳ hạn, một bài tụng tiếp là tổng kết về uy lực của kinh.

Văn kinh: Nếu nơi nào truyền bá, kinh Kim Quang Minh này, ai có thể giảng tụng, đều được phước như trên.

Một bài tụng tổng kết về các công đức đạt được từ sự giảng nói, lắng nghe .

Văn kinh: Bấy giờ, Thiên nữ Đại Cát tường và chúng trời nghe lời Phật nói, đều rất vui mừng, đối với kinh vương này và người thọ trì, nhất tâm ủng hộ khiến cho không còn lo buồn khổ não, thường được yên vui.

Toàn bộ đoạn thứ ba nói về đại chúng phát nguyện ủng hộ.