THUYẾT VÔ CẤU XƯNG KINH SỚ

Hán dịch: Đời Đường, Sa-môn Khuy Cơ, chùa Đại Từ ân.

PHẨM 4: BỒ TÁT

Chương nói riêng về quyền khi xưa, gồm có hai:

  1. Giáo hóa Thanh văn, đã luận xong ở trên.
  2. Giáo hóa Bồ-tát, kế đây sẽ bàn đến.

Đức Phật biết hàng Thanh văn chẳng thể đối đáp, vì muốn hiển đức cao của ngài Vô Cấu nên cùng đến để phụ trợ. Nay nói về việc thăm bệnh của Bồ-tát, nên gọi là phẩm Bồ-tát. Toàn phẩm gồm hai phần:

  1. Nói về bốn vị có đức từ chối chẳng đến.
  2. Nói về các Bồ-tát khác đều từ chối chẳng kham nhận.

Nhưng trong phần bốn vị danh đức được quy về hai đôi, khiến cầu đạo bất thoái, tự ngưỡng vọng Bồ-đề, chẳng biết ma oán, há biết được phước thế gian. Vô Cấu tùy theo cơ nghi mà phân tích bác bỏ, nên mỗi mỗi đều không đối đáp được. Cho nên bốn vị Bồ-tát tuy khác nhau, nhưng được quy về hai đôi để phân biệt. Trong mỗi một văn đều có hai phần:

  1. Sai bảo.
  2. Từ chối.

Kinh: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn… vấn an bệnh ông ấy.

Tán: Đây là lời sai bảo. Phạm, Mai-đát-lợi-da, Hán dịch là Từ Thị; xưa gọi Di-đế-lệ, hoặc gọi Di-lặc đều là lầm lẫn. Bản duyên của vị Bồ-tát này như đã nói trong Di-lặc Thượng kinh Sớ, quyển thượng.

Kinh: Bồ-tát Từ Thị… không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Từ chối, gồm có ba: Đây là phần nói chung về đạo đã bị khuất phục. Kinh Phóng Quang ghi: “Bồ-tát Di-lặc nói với ngài Văn-thù rằng: Như trăm ngàn vạn ức các ông cũng không biết được việc nhấc chân hạ chân của Ta”, vậy há đạo của bậc tiểu sinh sở hệ lại bị khuất phục được sao? Nhưng bởi bậc cao đức tiên tri, mới suy danh là Thượng sĩ, cho nên mới nhờ vào đó để chối từ trước. Nay được sai bảo đến đối đáp, chẳng phải ngài Di-lặc thật bị khuất phục. Xưa nói bất thoái. Khiến họ mong cầu, ông ấy nói môn như vô tướng, nay lại nói nhân duyên. Vậy đạo đã bị khuất phục, cho nên từ chối chẳng kham nhận.

Kinh: Vì sao?… có pháp yếu.

Tán: Hiển thị lý đã cùng tận. Đầu tiên tự hỏi, sau là giải thích. Trong phần giải thích thì trước nêu việc của mình, sau thuật lời của Vô Cấu. Đây là lời tự hỏi và trình bày việc của mình. Đổ-sử-đa là cõi trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục, Hán dịch là Tri túc, hưởng thọ dục lạc, biết đủ. Do có căn tánh này, cho nên Bồ-tát trụ nơi đó để vị lai hạ sinh. Đức Phật thọ ký cho Bồ-tát Di-lặc mười hai năm sau sẽ trở về nơi đã sinh ra, ngồi kiết-già như nhập diệt định mà vào Niết-bàn, sinh lên cõi trời Tri túc, làm vị Bổ xứ nối dòng giống Phật, vì thế chư Thiên cõi ấy đều đến chiêm lễ. Từ Thị đã kế thừa giai vị Bất thoái cho nên tùy theo chỗ thích ứng, dùng hạnh bốn bất thoái pháp luân, thuyết cho chư Thiên kia nghe. Hoặc chỉ thuyết pháp vị pháp luân bất thoái thứ tư cho Bồ-tát Địa thứ tám trở lên.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… mà nói rằng.

Tán: Thuật lại lời của Vô Cấu, gồm hai phần:

  1. Nói về phép tắc đến han hỏi.
  2. Chính thức luận bàn.

Đây là phần đầu. Di-lặc cạo tóc đắp y, kế đó làm bổ xứ. Vô Cấu hình như thế tục cho nên kính lễ.

Kinh: Thưa Thế Tôn Từ Thị… Chánh đẳng Bồ-đề.

Tán: Chính thức trình bày, gồm hai:

  1. Nếu kinh văn trình bày lý.
  2. Chúng đương thời được lợi ích.Phần đầu lại chia làm ba:
  3. Nêu chung kinh văn.
  4. Nêu lý để cật vấn.
  5. Kết luận khuyên bảo và hiển bày chân thật, tức là đoạn “Vì thế, ngài Từ Thị chớ nên dùng pháp này dụ dẫn các vị Thiên tử…”.

Đây là đoạn văn đầu tiên. Thọ tức là trao cho. Ký tức là riêng biệt; thức tức nghiệm biết. Tự lãnh lời ký biệt cho nên gọi là thọ ký, thọ tức là nhận lãnh; Phật riêng biệt trao cho, cho nên gọi là thọ ký. Trong các luật và kinh Thượng Sinh, Phật đã trao cho lời ký biệt. Nhất sinh, tức là trừ thân này, chỉ tính một lần sinh vào cõi trời, cho nên gọi là nhất sinh. Trung hữu phương tiện thuộc về cõi trời, không tính trong cõi người. Có thuyết nói tại cõi trời và cõi người đương lai tính là một sinh, như nói bảy lần sinh, nói trời người hai lần sinh. Đức Phật nói vị lai Di-lặc sẽ sinh vào cõi trời Tri túc, hết một lần sinh ấy, tức sẽ thành Phật. Tại cõi trời Tri túc gọi là Bồ-tát Nhất Sinh sở hệ, chẳng phải ở tại cõi người mà gọi là nhất sinh. Lý này chính xác. Bồ-tát có ba: nhất sinh sở hệ ngồi đạo tràng và thân cuối cùng. Ở đây chỉ hỏi nhất sinh không hỏi hai thân sau.

Kinh: Đâu cần dùng sinh… hiện tại ư?

Tán: Nêu riêng về lý để cật vấn, gồm có ba ý:

  1. Căn cứ theo hữu vi vô vi khác nhau để vấn nạn.
  2. Căn cứ theo hữu vi vô vi là một để vấn nạn, tức là câu “nương vào như mà sinh…”.
  3. Căn cứ vào lý Bồ-đề Niết-bàn bình đẳng để vấn nạn, tức câu “Như Tôn giả Từ Thị sẽ chứng Bồ-đề, thì tất cả hữu tình lẽ ra cũng chứng…”, một, hai là vấn nạn về nhân, ba là vấn nạn về quả.

Trong phần một lại có hai, đầu tiên là hỏi về hữu vi, sau hỏi về vô vi. Trong ý thứ nhất lại chia hai:

  1. Nói chung.
  2. Nói riêng.

Đây là đoạn nêu chung. Sinh là tướng sinh hữu vi, căn cứ theo đây mà vấn nạn. Trước nói một đời sẽ được Bồ-đề, cho nên đầu tiên nêu lên sinh để cật vấn chỉ bày pháp hữu vi, niệm niệm chẳng dừng trụ, không có thật thể sinh, thì nương vào đâu mà thọ ký?

Kinh: Nếu quá khứ sinh… vị lai sinh thì chưa đến.

Tán: Nêu riêng. Đối với Đại thừa thì ba thời đều không có thật thể. Nương vào một pháp có, thì đã có thì gọi là quá khứ, sẽ có gọi là vị lai, hiện có gọi là hiện tại. Ba thời đều là giả lập bày. Pháp hiện tại có thể là thật nhưng thời thì giả lập, pháp quá khứ và vị lai cũng đều giả lập, vậy y theo pháp thật nào? Nay vấn nạn rằng quá khứ đã diệt, vị lai chưa sinh, nếu y theo Tiểu thừa thì dụng quá khứ đã diệt, dụng vị lai chưa sinh, chẳng phải không có thể sinh, nếu chẳng vấn nạn về dụng, thì chẳng thành vấn nạn; nay y theo Đại thừa lập thể này để vấn nạn thì không bị lỗi.

Kinh: Nếu hiện tại sinh, thì hiện tại sinh chẳng trụ.

Tán: Vấn nạn về hiện tại. Đầu tiên hỏi, sau là chứng minh. Đây là câu vấn nạn. Trong pháp hiện tại thì xưa không nay có, có vị thì gọi là sinh, sinh vị tạm dừng, giả gọi là trụ. Trụ thì có trước sau khác biệt, giả lập tên khác, khi sau không còn thì gọi là diệt. Các pháp hiện tại không có thật dừng trụ, cũng không có tương tục. Trải qua sự dừng trụ lâu cho nên nói là hiện tại, mà thật không có trụ, cũng chẳng phải không là giả trụ. Nếu thật có trụ để làm nhân thì vị lai có thể nương vào đó mà thọ ký. Nhưng hiện không thật trụ để có thể làm nhân thì nương vào đâu mà thọ ký?

Kinh: Như Thế Tôn nói… liền chết liền sinh.

Tán: Đây là vấn nạn về vô trụ. Sợ ý nghĩa không có căn cứ, cho nên dẫn kinh. Một thời gian ngắn nhất gọi là Sát-na, không chỉ một sátna niệm niệm đều như thế, cho nên kinh lặp lại rằng: Sát-na, sát-na đều có đủ sinh già chết. Già tức dị thục biến chuyển là tướng dị. Chỉ nói có ba chẳng nói trụ. Hai thời của pháp hiện tại thì diệt là trở về quá khứ, đầu và cuối tạm gọi là một lần sinh. Khi sinh cũng là già, mà không phải ở thời gian khác, nên chỉ nói hai thời đầu cuối, sinh diệt. Như kinh nói có ba tướng hữu vi của hữu vi đó là sinh dị và diệt, không nói trụ. Đại thừa giải thích rằng, từ tất cả hành mà ba thời hiển hiện, do vị lai vốn không mà có sinh, đã có sinh thì rơi vào quá khứ; do một pháp đời hiện tại mà hai tướng hiển hiện, đó là tướng trụ và dị. Chỉ một pháp hiện tại mà có trụ và trước sau biến dị; cũng chỉ có hiện tại mà gọi chung là trụ dị, vốn chỉ là một tướng. Trụ là chỗ mà hữu tình yêu thích đắm trước, vì muốn làm cho nhàm chán, lại đồng một thời, cho nên nói chung như thế. Nay kinh này nói không có thật trụ, cũng không có trải qua một thời gian ngắn tạm thật trụ, cho nên chỉ nói ba tướng sinh, lão, tử. Hoặc cho rằng niệm niệm trong thân hiện tại đều có ba chi sinh, lão và tử trong mười hai chi.

Kinh: Nếu dùng vô sinh… nhập chánh định.

Tán: Đây là vấn nạn về vô vi. Đầu tiên nêu thể sau chính thức vấn nạn. Đoạn này là nêu lên thể. Lý Không Nghĩa ghi: “Nhập tức là chứng; chánh tánh là chân tánh của pháp, tức thắng nghĩa tánh không”. Ứng Lý Nghĩa ghi: “Thể của vô sinh tức là chánh tánh của chân như được chứng ngộ, chân như là tánh chánh chân của pháp. Bản dịch xưa ghi là chánh vị, vị tức là thể vị tức chánh tánh.

Kinh: Nơi vô sinh này… được thọ ký ư?

Tán: Chính thức vấn nạn. Không Lý Nghĩa ghi: “Trong Thắng nghĩa không, đâu có ký để mà thọ, đâu có giác để mà chứng. Có giác để có chứng thì mới có ký để mà có thọ, đã không có giác để chứng thì làm sao lại có ký… ? Ứng Lý Nghĩa ghi: “Trước là vấn nạn về pháp môn nhân duyên, ở đây thì vấn nạn về pháp môn chân như, trong môn chân như đâu có giác để chứng, đâu có ký biệt để thọ nhận? Kim Cang Bát-nhã ghi: “Thật không có một pháp mà Đức Phật đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, cho đến Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta”.

Kinh: Nương vào như mà sinh… được thọ ký ư?

Tán: Lấy hữu vi vô vi làm một để vấn nạn. Trước riêng biệt vấn nạn có thể có lỗi trước. Nay cho hữu vi vô vi là một nên có thọ ký, liền lấy đó nạn vấn. Trong đó gồm có ba:

  1. Vấn nạn riêng về việc nương vào như.
  2. Hiển thị chung về việc nương vào như.
  3. Kết luận vấn nạn về việc nương vào như.

Trong đoạn đầu lại có ba:

  1. Vấn nạn chung.
  2. Vấn nạn riêng.
  3. Tổng kết cả hai.

Đây là văn đầu tiên. Không Lý Nghĩa ghi: “Nếu thế tục đế hữu và thắng nghĩa không là một mà được thọ ký, thì đó là nương vào không sinh hay là nương vào không diệt mà được thọ ký? Ứng Lý Nghĩa ghi: “Nếu pháp nhân duyên và chân như là một mà được thọ ký, thì đó là

nương vào sinh hay nương vào diệt mà được thọ ký?”

Kinh: Nếu nương vào như mà sinh… như thì không diệt.

Tán: Đây là nạn vấn riêng. Lý không nương vào không, không sinh không diệt lý ứng nương vào như, nương vào như cũng không sinh diệt, làm sao mà có thọ ký. Bản dịch xưa đoạn này khó hiểu.

Kinh: Không sinh không diệt… chẳng có thọ ký.

Tán: Tổng kết cả hai. Thọ nhận nhân thì được quả, nhân diệt thì quả sinh, sinh diệt đã không, thế nào mà thọ ký?

Kinh: Tất cả hữu tình… cũng như.

Tán: Đây là hiểu chung về việc nương vào như. Hiểu chung tất cả đều nương vào như là muốn trình bày trong như không có thọ ký. Tất cả hữu tình và tất cả pháp đều nương vào như, trong đó tất cả hiền Thánh đều nương vào như, Di-lặc cũng nương vào như, muốn hiển thị phàm Thánh, nhân pháp, tổng biệt đều nương vào như. Không Lý Nghĩa ghi: “Đều nương vào như tức đều là tánh không.” Ứng Lý Nghĩa ghi: “Dụng nương vào tánh; thể nương vào tánh”.

Kinh: Thưa Tôn giả… mà được thọ ký.

Tán: Tổng kết về việc vấn nạn nương vào như, gồm hai:

  1. Trình bày chung về vấn nạn.
  2. Giải thích nguyên do.

Đây là văn thứ nhất. Tôn giả nương vào như đã được thọ ký thì hữu tình nương vào như lẽ ra cũng được thọ ký?

Kinh: Vì sao?… do các dị tánh hiển.

Tán: Giải thích nguyên do vấn nạn. Chân lý thành hỗn tạp gọi là chẳng phải hai mà hiển, chỉ nương vào môn bất nhị mà được hiển, cũng chẳng phải do các sai biệt mà hiển, vì thể sẽ thành các loại, hoặc chẳng phải do hai ngã hiển, cũng chẳng phải do các chấp trước sai biệt mà hiển, vậy đây được có thọ ký. Ký tức biệt. Nghiệm nhân mà rõ quả có rất nhiều loại, chân thì không có các loại cho nên không có thọ ký, không có người thọ ký.

Kinh: Như Tôn giả… có sở chứng?

Tán: Thứ ba, dùng lý Bồ-đề Niết-bàn đồng đẳng để vấn nạn, gồm có hai:

  1. Vấn nạn về Bồ-đề.
  2. Vấn nạn về Niết-bàn.

Bồ-đề có hai: Vấn nạn và giải thích.

Đây là phần vấn nạn.

Kinh: Vì sao… đều tùy giác.

Tán: Đây là giải thích nguyên do vấn nạn. Bồ-đề tức là giác, tất cả hữu tình đều có Phật tánh, nếu siêng năng tu tập thì đều có thể tùy giác các pháp. Di-lặc đương lai tùy giác, Di-lặc được thọ ký, hữu tình đương lai tùy giác, lẽ ra hữu tình cũng được thọ ký? Bản dịch xưa ghi: “Tất cả chúng sinh tức là tướng Bồ-đề”, vì đều tùy giác tức có tướng Bồ-đề ở đương lai. Đây là bình đẳng về sự, đương lai đều được chứng ngộ.

Kinh: Như Tôn giả… sẽ có Niết-bàn.

Tán: Vấn nạn về Niết-bàn, gồm có hai: Đầu tiên vấn nạn, sau là giải thích, đây là lời vấn nạn.

Kinh: Vì sao?… là Bát-niết-bàn.

Tán: Giải thích nguyên do vấn nạn. Không Lý Nghĩa ghi: “Chẳng phải tất cả hữu tình chẳng chứng không là chẳng Niết-bàn, và do không có quả khổ tức gọi là Niết-bàn. Vì Đức Phật quán chân như tánh không là Niết-bàn. Ứng Lý Nghĩa ghi: “Bát-niết-bàn, Hán dịch là viên tịch. Niết-bàn có bốn:

  1. Tự tánh thanh tịnh Niết-bàn, tức là lý chân như của tất cả pháp tướng.
  2. Hữu dư y Niết-bàn tức chân lý hiển hiện do nhân khổ đã diệt.
  3. Vô dư y Niết-bàn, tức là Niết-bàn, tức chân lý hiển hiện do quả khổ đã diệt.
  4. Vô trụ xứ Niết-bàn, tức chân lý do đại bi Bát-nhã biến hiện khi đã tận trừ sở tri chướng.

Nay dùng tánh tịnh để vấn nạn ba loại khác. Ý của câu vấn nạn là: Chẳng phải tất cả hữu tình chẳng sẽ nhập Niết-bàn, Đức Phật nói chân như là tánh tịnh Niết-bàn. Tánh tịnh Niết-bàn vốn có, thì ba nghĩa kia tự hiển, vì sao lại chẳng có? Bản dịch xưa ghi: “Phật biết chúng sinh rốt ráo tịch diệt”, hiện có tánh tịnh, tức biết đương lai có tướng Niết-bàn.

Lìa chân như này thì lại chẳng diệt nữa, vì nay đã diệt vậy.

Kinh: Vì Phật quán thấy… là Bát-niết-bàn.

Tán: Giải thích lần nữa về tướng đã nói ở trước. Không Lý Nghĩa ghi: “Vì Phật quán biết hữu tình xưa nay tánh tịch diệt lý không, là thể Niết-bàn, cho nên chúng sinh sẽ chứng không chân như này là Bát Niếtbàn, vì thế đối với Tôn giả hai lý đều bình đẳng”. Ứng Lý Nghĩa ghi: “Vì Phật quán thấy chân như bản tánh là thể của Niết-bàn, cho nên nói hữu tình sẽ chứng chân như, đạt được ba loại Niết-bàn kia. Tôn giả sẽ được, hữu tình cũng sẽ được. Đã vấn nạn sẽ được, cho nên biết dùng bản tánh tịnh Niết-bàn để nạn vấn ba loại kia.

Kinh: Vì thế, thưa ngài Từ Thị… Chớ dùng pháp này làm ngại các Thiên tử.

Tán: Thứ ba, kết luận khuyên bảo và hiển chân thật, gồm hai:

  1. Lược khuyên và hiển chân.
  2. Rộng khuyên và hiển chân.

Trong phần lược lại có hai:

  1. Lược khuyên.
  2. Lược hiển chân.

Đây là đoạn lược khuyên. Không Lý Nghĩa ghi: “Chớ dùng hữu tướng phân biệt mà dụ dẫn các Thiên tử, làm trệ ngại các Thiên tử, làm họ chẳng chứng chân”. Ứng Lý Nghĩa ghi: “Di-lặc trước nói pháp môn nhân duyên, nay Vô Cấu dùng pháp môn chân như, dùng lý sâu để nạn vấn lý cạn, cho nên chẳng thể đáp. Nhưng dùng pháp nhân duyên cạn cợt mà dạy kẻ sơ cơ thì gọi là dụ; chẳng thể tiến lên được gọi là tuệ; vì chậm chạp; nên dùng chân như và chân trí chỉ dạy cho họ khiến căn cơ được thuần thục mà mau chóng tiến vào Niết-bàn.

Kinh: Phàm Bồ-đề… cũng không thoái chuyển.

Tán: Lược hiển chân. Không Lý Nghĩa ghi: “Không là Bồ-đề, cho nên chẳng cầu chẳng thoái. “Ứng Lý Nghĩa ghi: “Kinh Giải Thâm Mật nói Bồ-đề, Bồ-đề đoạn đều gọi là Bồ-đề.” Luận Trí Độ ghi: “Trí và Trí xứ gọi là Bát-nhã. Bồ-đề là trí năng quán. Bồ-đề đoạn là chân như, cả hai đều là Bồ-đề.” Nay nói chân như gọi là Vô thượng Bồ-đề. Cho nên

chẳng mong cầu cũng chẳng thoái chuyển,

Kinh: Thưa Tôn giả Từ Thị… xả bỏ các kiến phân biệt Bồ-đề.

Tán: Rộng khuyên và hiển chân, gồm có hai:

  1. Nói rộng về sự khuyên bảo ở trước.
  2. Nói rộng về việc hiển chân ở trước.

Đây là phần đầu. Có thú hướng thì có cầu, có thoái thì có chuyển. Thấy có các việc này gọi là cái thấy phân biệt Bồ-đề, chẳng khế hợp chân lý nên xả bỏ.

Kinh: Vì sao?… chẳng phải do tâm có thể chứng.

Tán: Hiểu rộng về chân. Đầu tiên là nêu lên, kế là giải thích, sau là kết luận.

Đây là phần nêu lên. Chẳng thể dùng thân năm căn để chứng, chẳng thể dùng tâm phân biệt để chứng. Năm thức gọi là thân vì nương vào các sắc căn. Dù vô phân biệt trí tương ưng gọi là tâm phi tâm nhưng tâm này là vô phân biệt trí, chẳng phải tâm phân biệt, đó là tâm vô phân biệt. Nay ngăn che sự phân biệt, cho nên nói chẳng phải tâm có thể chứng ngộ.

Kinh: Tịch diệt là Bồ-đề… đều là tịch diệt.

Tán: Đây là giải thích Bồ-đề chẳng phải do thân và tâm chứng. Gồm ba mươi hai câu. Bản dịch xưa chỉ có hai mươi lăm câu. Trong ba mươi hai câu được phân làm bốn:

  1. Mười ba câu đầu là nói riêng về nghĩa đoạn và chánh trí lìa Bồđề biến kế sở chấp, bản dịch xưa chỉ nói mười một câu.
  2. Năm kế tiếp nói riêng về nghĩa đoạn và chánh trí là thể và dụng Bồ-đề.
  3. Chín câu kế nói riêng về nghĩa đoạn và chánh trí lìa hữu lậu y tha là Bồ-đề, bản dịch xưa có bảy câu.
  4. Gồm năm câu nói chung về nghĩa đoạn và chánh trí là Bồ-đề sâu xa vi diệu, bản dịch xưa chỉ ghi hai câu.

Trong đoạn một lại chia làm hai:

1. Tám câu đầu nói đoạn là Bồ-đề, bản xưa chỉ ghi sáu câu.

2. Năm câu sau nói trí là Bồ-đề. Không Lý Nghĩa ghi: “Văn, đoạn tuy đồng mà ý nghĩa lại hoàn toàn khác. Bồ-đề tức chân đế tánh không, lý không là đoạn Bồ-đề, tâm không là trí Bồ-đề,” Ứng Lý Nghĩa ghi: “Chân như là đoạn Bồ-đề, đoạn là tánh. Tuệ vô phân biệt là trí Bồ-đề, có đủ trí dụng.

Bồ-đề nghĩa là giác, giác tánh giác dụng, đều gọi là giác. Dẫn giáo như trước đã nêu. Trong tám câu nói đoạn Bồ-đề, được phân làm ba: Một câu đầu nói tổng quát về lìa tướng; sáu câu sau nói riêng về lìa tướng; một câu cuối tổng quát về lìa tướng. Đây là câu đầu. Tướng hữu tình và pháp tướng đều tịch diệt, tịch diệt là Bồ-đề. Do chánh trí này mà trong thầm hợp, chẳng thể dùng thân tâm để chứng ngộ. Bồ-đề được đề cập sau đây đều giải thích như trên, chẳng phải là nghĩa thân tâm chứng ngộ được.

Nhưng Bồ-đề nói sau đây đều có hai văn:

  1. Nêu lên.
  2. Giải thích: “cố tức” sở dĩ (vì thế), giải thích nguyên do nêu lên.

Kinh: Chẳng tăng là Bồ-đề… vì đều chẳng hành.

Tán: Khi hai loại ngã pháp năng duyên duyên nhau thì đều tăng trưởng, chân lý chẳng như thế, sở duyên chẳng tăng. Bản xưa ghi: “Quán xa lìa cái duyên”, chẳng thể dùng tâm biến kế để quán. Ngã và pháp là sở duyên hành tức danh ngôn phân biệt tạo tác, chân lý thì không như thế, cho nên gọi là Bồ-đề.

Kinh: Vĩnh viễn đoạn là Bồ-đề… đều xả bỏ.

Tán: Ngã và pháp là sở duyên của kiến thú; là chỗ chấp trước của thủ. Chân lý chẳng như thế, vĩnh viễn đoạn kiến và thủ, xa lìa kiến và thủ.

Kinh: Ly hệ là Bồ-đề.. vì vĩnh viễn tịch diệt.

Tán: Ngã pháp là pháp động loạn, là sở duyên của tất cả phân biệt; thể của nó chẳng tịch diệt; chân lý chẳng như thế cho nên lìa phân biệt. Động loạn trói buộc, tất cả phân biệt cũng vĩnh viễn tịch diệt. Bản xưa ghi: “Chướng là Bồ-đề”, tức là lìa hệ phược, nhưng ý khó hiểu. Nêu lên chỗ đối trị, hiển thị lìa là Bồ-đề, nhưng không có nghĩa tịch tĩnh.

Kinh: Rộng lớn là Bồ-đề… vì chẳng thể đo lường.

Tán: Một câu này, tổng kết lìa tướng. Hoằng tức là đại, tất cả phân biệt đại nguyện chẳng thể đo lường được; vì xa lìa cảnh sở hành của tâm phân biệt. Bản xưa không có câu này.

Kinh: Chẳng chứng là Bồ-đề… vì đều xa lìa.

Tán: Đoạn này gồm năm câu nói trí Bồ-đề, được phân làm ba: Một là câu đầu nói thể không có tác dụng năng chứng chấp trước; hai là câu kế nói trí nương vào như, hai câu sau nói trí chỉ một vị. Đây là câu đầu, tất cả phân biệt tranh luận vĩnh viễn dứt trừ, cho nên không có tướng năng chứng để chấp trước, tức là trí Bồ-đề.

Kinh: An trụ là Bồ-đề… vì tùy thuận chân như.

Tán: Hai câu này lấy trí nương như. Pháp tức công đức, giới tức tánh; công đức pháp tánh, cho nên gọi là pháp giới. Trí trụ ở pháp giới, tùy thuận chân như đến cùng tột. Bản xưa ghi: “Thuận là Bồ-đề, vì thuận nơi như.”

Kinh: Bất nhị là Bồ-đề… vì do thật tế kiến lập.

Tán: Không chỉ lý bất nhị mà trí cũng bất nhị lìa pháp sai biệt biến kế sở chấp. Thật tế tức chân lý, trí duyên chân lý mà sinh cho nên gọi là kiến lập. Bản xưa không có môn kiến lập này.

Kinh: Bình đẳng là Bồ-đề… vì rốt ráo xa lìa.

Tán: Đây là đoạn thứ hai gồm năm câu nói riêng về nghĩa đoạn và chánh trí là thể và dụng của Bồ-đề, gồm hai phần: Hai câu đầu nói đoạn là thể Bồ-đề, ba câu sau nói trí là dụng của Bồ-đề, đây là đoạn văn đầu. Câu đầu nói tánh đoạn bình đẳng cũng khắp mười hai xứ, nhãn và sắc, nhĩ và thanh cho đến ý và pháp đều bình đẳng, cùng khắp như hư không. Câu sau nói đoạn là vô vi, vì lìa bốn tướng.

Kinh: Biến trí là Bồ-đề… vì chẳng hỗn tạp.

Tán: Đoạn này gồm ba câu nói trí là dụng của Bồ-đề, tâm hành biến tri là dụng năng chiếu; chánh trí là môn năng tri, ngoài các việc này ra thì không có dụng năng tri, thể của nó không xa lìa sáu xứ bên trong, mà nương vào sáu xứ sinh khởi. Các pháp năng liễu tri gọi là các môn, lại không có môn nào khác. Bản xưa gọi là “chẳng hội”, văn lầm lẫn khó biết. Nếu quả trí có thể hội, thì chẳng phải nhân sáu xứ có thể hội.

Kinh: Không tạp là Bồ-đề… vì vĩnh viễn xa lìa.

Tán: Trí thể vô lậu, phiền não chẳng thể xen tạp, phiền não hiện hành tương tục và chủng tử tập khí, đều xa lìa vĩnh viễn.

Kinh: Vô xứ là Bồ-đề… vì chẳng thể thấy.

Tán: Đoạn thứ ba gồm chín câu, nói riêng về nghĩa đoạn và chánh trí lìa hữu lậu y tha là Bồ-đề. Có hai: Tám câu đầu nói đoạn Bồ-đề lìa tướng hữu lậu, một câu sau nói về trí Bồ-đề lìa tướng hữu lậu. Câu đầu của đoạn này lý không có nơi chốn, câu thứ hai nói lý không có trụ xứ, y tha thì có nơi chốn, có hình thể, cũng có trụ xứ, có thể thấy. Bản xưa ghi là vô trụ.

Kinh: Chỉ có tên là Bồ-đề… vĩnh viễn xa lìa.

Tán: Tên của pháp hữu vi thì có tác dụng, từ tên mà giải thích, thì thể dụng liền tăng, có tên và thể; chân lý thì không phải như thế, chỉ do danh hiển bày, sắc không có tác dụng chẳng thể làm cho chân thể, dụng tăng trưởng, chỉ có giả danh, không có tướng để diễn bày. Bản dịch xưa ghi: là “giả danh”, ý nghĩa hơi sai khác, chẳng đồng với y tha có thủ có xả; giống như sóng; hữu vi thì có xao động, chân lý thì chẳng thủ xả, cho nên gọi là không có sóng. Bản xưa ghi: “Như hóa là Bồ-đề”, thì văn tuy khác mà ý lại đồng.

Kinh: Không loạn là Bồ-đề… vì bản tánh tịnh.

Tán: Chân lý thường thanh tịnh, cho nên không động loạn; bản tánh thanh tịnh cho nên thể tịch tĩnh.

Kinh: Sáng tỏ là Bồ-đề… vì lìa phan duyên.

Tán: Chân lý không tạp nhiễm, cho nên thể luôn sáng tỏ; tánh lìa phan duyên nên không chấp trước. Bản dịch xưa không có ghi sáng tỏ.

Kinh: Không khác là Bồ-đề… vì tánh bình đẳng

Tán: Một câu này nói về trí Bồ-đề lìa tướng hữu lậu, tánh trí bình đẳng, thường tùy thuận các pháp, tất cả đều thấu suốt, cho nên gọi là không khác; chỉ một vị rõ biết phân biệt nên gọi là không khác. Bản xưa ghi: “Các pháp đồng đẳng” tức là đồng liễu tri các pháp.

Kinh: Không dụ là Bồ-đề… vì rất khó biết.

Tán: Đoạn này gồm năm câu. Nói chung về nghĩa trí, đoạn đều là Bồ-đề sâu xa vi diệu, chẳng thể dụ và được dụ vì dứt bặt sự ví dụ. Thể của nó rất sâu xa vi diệu, nếu chẳng phải là chánh trí thì thật khó biết.

Kinh: Biến hành là Bồ-đề… vì chẳng thể nhiễm.

Tán: Đoạn này gồm ba câu. Bản xưa không có ba câu này. Đoạn thể dụng biến, chân lý có thể biết, trí dụng cũng đầy đủ, cho nên gọi là biến hành. Hành tức là tồn tại, tức là lý tồn tại khắp nơi. Hành tức là khởi, tức trí dụng khởi cùng khắp. Hoặc cho rằng trí cũng tồn tại khắp nơi, vì tánh của nó không ngăn ngại. Báo thân của Như Lai không đâu chẳng tồn tại. Đảnh là cao tột. Lý và trí cao tột; đều cùng cực, pháp hữu vi, vô vi đều là thượng thủ; cả hai, pháp thế gian chẳng thể làm nhiễm ô được.

Kinh: Bồ-đề như thế… chẳng phải là tâm có thể chứng ngộ.

Tán: Đây là phần thứ ba, tổng kết.

Kinh: Bạch Thế Tôn… Vô sinh pháp nhẫn.

Tán: Phần thứ hai: đại chúng đương thời được lợi ích. Trên nói về cõi trời Tri túc phần nhiều là các đại Bồ-tát nêu thuyết bất thoái chuyển, khiến cho được chứng ngộ, tức là hiển bày các Thiên tử đều xuất thế gian, khiến cho được Vô sinh pháp nhẫn đều là vô lậu, tương tục vô sinh, được vào giai vị Địa thứ tám.

Kinh: Lúc bấy giờ, con im lặng… không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Kết luận nguyên nhân từ chối, tự thân sút kém xin thoái lui.

Kinh: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn… đến vấn an bệnh ông ấy.

Tán: Đây là nói về đồng tử Quang Nghiêm. Về tên như đã giải thích ở trước. Đầu tiên là sai bảo sau là từ chối. Đây là lời sai bảo.

Kinh: Đồng tử Quang Nghiêm… con chẳng kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Từ đây trở xuống là phần từ chối, gồm ba: Đây là nói chung về đạo đã bị khuất phục. Kia mê nhân Bồ-đề, chẳng biết thể dụng, do Vô Cấu trình bày mới được liễu tri, không đủ sức để đối đáp, cho nên nói là đạo bị khuất phục.

Kinh: Vì sao?… từ đâu đến?

Tán: Đây là nói về lý đã cùng tận. Đầu tiên tự hỏi, sau là giải thích. Trong phần giải thích lại có năm:

  1. Gặp và hỏi.
  2. Đáp.
  3. Vấn cật.
  4. Thuật lại.
  5. Kết luận nêu lợi ích.

Đây là phần tự hỏi và gặp hỏi. Đã sắp ra khỏi thành, ông ấy lại vào, vừa gặp nhau liền thi lễ. Đồng tử thì theo phép tắc thường, nên hỏi từ đâu đến, liền dùng lý đối đáp; Di-lặc là hàng xuất gia nên Vô Cấu phải đảnh lễ; Quang Nghiêm hình tướng thế tục, cho nên lễ ngài Vô Cấu. Tăng tục tuy khác mà đạo đức đều đồng. Bồ-tát nối tiếp nhau được sai bảo đến thăm bệnh, tất cả đều từ chối. Nêu đức kể tên, chẳng trái nhau.

Kinh: Ông ấy đáp: Tôi từ diệu Bồ-đề đến.

Tán: Thứ hai nói về Vô Cấu đáp. Quang Nghiêm nêu lên nhân Bồ-đề mà chưa thể chứng ngộ. Nhân việc hỏi mà nêu lên nhân Bồ-đề, trả lời khiến đồng tử khai ngộ. Bồ-đề nghĩa là giác. Tuệ chung cho nhân quả. Bản dịch xưa ghi là đạo tràng tức ý muốn hiển nhân Bồ-đề, cho nên dùng đạo tràng làm nhân. Trước trả lời Từ Thị phần nhiều nói về quả vị, lấy chân như chánh trí làm Bồ-đề, nay nói về nhân vị lấy năng sinh quả đức làm Bồ-đề. Vạn hạnh đều lấy tuệ làm đầu, vạn hạnh đều là quyến thuộc của tuệ, tất cả đều là cảnh của tuệ, đều gọi là Bồ-đề, Bồ-đề có năm:

  1. Bồ-đề tánh tức chân như.
  2. Bồ-đề dụng tức chân trí.
  3. Bồ-đề nhân tức ba tuệ luân có thể đạt được Bồ-đề.
  4. Bồ-đề bạn lữ tức vạn hạnh phước trí.
  5. Bồ-đề cảnh tức pháp chân tục.

Văn sau tùy chỗ ứng hợp mà có năm loại này.

Kinh: Con hỏi cư sĩ… diệu Bồ-đề là nơi nào?

Tán: Thứ ba, Quang Nghiêm hỏi. Hỏi thẳng về Bồ-đề, tức cho rằng có nơi chốn, nên mới hỏi Bồ-đề là nơi nào?

Kinh: Ông ấy liền đáp rằng… vì chẳng hư giả.

Tán: Thứ tư, Vô Cấu đáp, có hai:

  1. Hiển bày riêng về ba mươi hai thể của Bồ-tát.
  2. Từ câu: “Này thiện nam! Như thế…”, tổng kết nêu lên tất cả đều là Bồ-đề.

Ba mươi hai loại phân làm sáu:

  1. Bốn loại đầu gọi là chân thật phát thú, tức là hạnh chân thật thú hướng đến Phật quả.
  2. Sáu loại sau gọi là Ba-la-mật-đa, tức là có thể làm cho hành giả đến bờ kia.
  3. Tám loại kế tiếp gọi là thành thục hữu tình, vì dùng tám thể này làm lợi ích chúng sinh.
  4. Hai loại kế tiếp gọi là nhất thiết thiện căn, tức tu thiện lìa ác, đầy đủ thiện căn.
  5. Sáu loại kế tiếp gọi là nhiếp thọ chánh pháp, bao gồm tất cả những duyên lãnh thọ chánh pháp của Phật.
  6. Sáu loại cuối cùng gọi là cúng dường Như Lai, tu tập pháp cúng dường là bậc nhất.

Đến văn thì tùy theo đó mỗi mỗi giải thích tướng đầy đủ. Ở theo thứ tự giải thích nguyên do. Thuần tức trinh hậu, trực tứ ngay thật, dễ cộng trụ là sở học đầu tiên.

Kinh: Phát khởi gia hạnh…có thể thành tựu.

Tán: Gắng sức tu tác gọi là gia hạnh, cho nên tất cả việc làm đều thành tựu.

Kinh: Tăng thượng ý lạc… pháp thù thắng.

Tán: Dũng mãnh tu tác không sợ lao nhọc gọi là tăng thượng, cho nên cuối cùng chứng được Phật quả Bồ-đề Niết-bàn. Bản dịch xưa ghi:

“Thâm tâm” tăng trưởng công đức, sẽ chứng được Phật quả.

Kinh: Tâm đại Bồ-đề… chẳng quên mất.

Tán: Giác ngộ tất cả pháp gọi là tâm đại Bồ-đề, luôn chiếu soi các pháp, không bao giờ quên sót. Bản xưa ghi là không sai lầm, thấu suốt chân lý, ý nghĩa cũng giống nhau.

Kinh: Thanh tịnh bố thí… đều viên mãn.

Tán: Bốn loại kể trên gọi là phát thú, sáu loại sau gọi là đến bờ kia. Hy tức hy vọng. Khi vô tướng vô lậu thực hành bố thí thì gọi là thanh tịnh thí, chẳng mong cầu các quả dị thục như năm uẩn thế gian, tài sản, danh vị… Vững chắc giữ gìn các tịnh giới, vì thế mà các điều mong cầu đều được đầy đủ. Giới là bình chứa công đức báu.

Kinh: Nhẫn nhục nhu hòa… không giãi đãi lui sụt.

Tán: Do nhẫn nhục mà chẳng sân hận, do chuyên cần nên không biếng trễ.

Kinh: Tịch chỉ tĩnh lự… tánh tướng các pháp.

Tán: Do nhập thiền định, tâm được vắng lặng, tận trừ sự thô lậu, được điều hòa nhu thuận, khởi nghiệp thần thông, có năng lực gánh vác to lớn. Do tuệ phân biệt cho nên hiện tiền chứng biết được sự lý, thể dụng của các pháp.

Kinh: Từ là diệu Bồ-đề… vì có thể nhẫn chịu.

Tán: Thứ ba, gồm tám loại gọi là thành thục hữu tình. Bốn loại đầu là bốn vô lượng tâm, bốn loại sau là hạnh riêng. Từ thì có thể bình đẳng ban vui cho người. Bi hay cứu khổ, khi thực hành cứu giúp thì hay nhẫn chịu tất cả lao khổ.

Kinh: Hỷ là diệu Bồ-đề… Vì vĩnh viễn đoạn tất cả tham ái và sân hận.

Tán: Do bên trong chứng nhân, nhận pháp uyển lạc, cho nên thấy người làm điều thiện liền vui vẻ trợ giúp, không tật đố, trong tâm thường hoan hỷ. Do đã viễn đoạn trừ tất cả phiền não, cho nên có thể làm cho người xa lìa tham ái, sân hận. Trên là nói bốn vô lượng, sau là luận đến hạnh riêng.

Kinh: Thần thông là diệu Bồ-đề… lìa phân biệt động loạn.

Tán: Thần thông là diệu giác. Do đạt đến quả vị cho nên có đủ sáu thần thông. Giải thoát là Bồ-đề, thì bản dịch xưa ghi: “Hay bội xả” tức tám giải thoát. Thường trái thường xả bỏ tham dục… nay nói lìa phân biệt động loạn, tức là tám giải thoát kia xa lìa phân biệt động loạn chướng ngại định…

Kinh: Phương tiện là diệu Bồ-đề… nhiếp phục các hữu tình.

Tán: Phương tiện khéo léo phần lớn là để cứu khổ, cho nên thành thục hữu tình; dùng bốn nhiếp để thu phục chúng sinh thì lợi ích rất lớn.

Kinh: Đa văn là diệu Bồ-đề… như lý quán xét.

Tán: Đoạn thứ tư, có hai gọi Nhất thiết thiện căn, phần nhiều lấy đa văn làm nhân các thiện. Pháp đều viên mãn, cho nên kinh nói: Đa văn hay dẫn sinh sự vui thú, đa văn hay gom nhiếp các thiện, đa văn thì xa lìa vô nghĩa, đa văn thì được Niết-bàn. Luận Nhiếp Đại Thừa cũng nói: “Đa văn huân tập là chủng tử của tâm xuất thế gian”. Cho nên có phát ra diệu hạnh chân thật, điều phục, tiêu diệt các việc ác của ba nghiệp, như lý quán xét thì đâu có việc ác gì để làm? Pháp ác đã diệt pháp thiện liền sinh khởi, cho nên gọi là thiện căn. Hai nhân Bồ-đề này gọi là Bồ-đề.

Kinh: Ba mươi bảy Bồ-đề phần… chẳng hư dối.

Tán: Đoạn thứ năm gồm có sáu loại gọi chung là nhiếp thọ chánh pháp. Do thực hành các giác phần mà chứng được vô vi, cho nên có thể xả bỏ hữu lậu hữu vi; ba nghiệp chân thật, thực hành lợi tha chẳng luống dối. Trước nói trực tâm là tâm chẳng tà vạy, chẳng kiêu mạn, chẳng trá ngụy. Ở đây nói đế thật, tức thân tâm chẳng luống dối, lời nói chẳng trá ngụy, cho nên cả hai khác nhau.

Kinh: Mười hai nhân duyên… đều chẳng tận.

Tán: Quán mười hai duyên khởi của các chúng sinh đều chẳng cùng tận, vì cõi chúng sinh không bao giờ tận.

Kinh: Dứt các phiền não… chân pháp tánh.

Tán: Do chứng chân như nên phiền não diệt. Tức nghĩa là diệt. Bản dịch xưa ghi các phiền não là “Đạo tràng.” vì biết như thật. Giải thích thì đồng mà tới thì khác. Nghĩa thiếu rất khó hiểu. Không thấy có từ “Diệt” (tức) cho nên thật khó hiểu.

Kinh: Tất cả hữu tình… đều tánh không.

Tán: Chúng sinh và pháp đều lấy chân như vô ngã tánh không làm tự thể, đều là Bồ-đề, hai ngã sở chấp là bất nhị. Vô ngã có thể là có cho nên là Bồ-đề. Giữ lấy chân như này gọi là diệu Bồ-đề, vì đó là đoạn Bồ-đề; là chỗ của trí, như trong phần ngài Di-lặc đã dẫn chứng. Những loại nói ở trên đều là cảnh, là Bồ-đề, vì hay sinh giác ngộ.

Kinh: Hàng phục ma oán… xa lìa tất cả việc phát thú.

Tán: Đoạn thứ sáu gồm sáu loại gọi chung là Cúng dường Như Lai, là cúng dường pháp. Bốn ma chẳng làm cho khuynh động, tùy nguyện mà hóa sinh, chẳng lìa ba cõi, xả bỏ Nhị thừa, chỉ thú hướng đến quả Thánh, vì họ không có việc lợi lạc quần sinh.

Kinh: Tiếng rống của đại sư tử… không phiền trách nhàm chán.

Tán: Khéo nói pháp yếu như tiếng của rống sư tử, dùng diệu tuệ phân biệt không có sợ hãi. Ha tức la mắng, yểm tức nhàm chán. Vì lực vô úy cho nên tất cả đều hoan hỷ. Khéo giáo hóa hữu tình mà không có người nhàm chán và quở trách. Vì thế mà thành tựu Bồ-đề. Do đó bản dịch xưa ghi không có lỗi, vì lực… không có các lỗi, cho nên không có người nhàm chán.

Kinh: Ba minh soi chiếu… trí vô dư.

Tán: Do đoạn tất cả ngu trong ba đời, phiền não diệt tận, mới đạt được ba minh. Ba minh và vị phiền não diệt tận là trí vô dư, cho nên đó là Bồ-đề.

Kinh: Một sát-na tâm… đều chứng ngộ viên mãn.

Tán: Một niệm tâm có thể đạt được chân tục, đạt được cùng tận lý sự các pháp mà không có thiếu sót, do đã chứng ngộ viên mãn Nhất thiết trí và Nhất thiết chủng trí. Nhất thiết trí, tức trí vô phân biệt đạt chân như; chủng trí tức Hậu đắc trí thấu suốt việc tục. Một niệm thông đạt cả hai, liễu tri lý sự, chẳng phải như Nhị thừa có tương tục mới biết.

Cả hai trí được gọi chung là Nhất thiết trí trí.

Trong ba mươi hai loại này thì hai mươi hai loại nói về nhân Bồđề và bạn lử Bồ-đề, kế đó hai loại là nói về cảnh Bồ-đề, kế đến hai loại là nói về tánh Bồ-đề, sau cùng sáu loại là nói về dụng Bồ-đề. Trong phần nhân Bồ-đề lại phân làm ba: Mười loại đầu là nói về tự lợi, tám loại kế là nói về Lợi tha, bốn loại sau là nói về cả hai. Tùy theo giai vị riêng biệt mà có thể biết được.

Kinh: Này các thiện nam! Như thế… cúng dường Như Lai.

Tán: Thứ hai, kết luận nêu lên tất cả đều là Bồ-đề, gồm hai phần:

  1. Nêu lên ý trước.
  2. Kết luận.

Đây là văn thứ nhất. Chân thật phát thú tức là nêu lên bốn loại đầu trong ba mươi hai loại; Ba-la-mật-đa là nêu lên sáu loại kế, thành thục hữu tình là nêu lên tám loại kế, tất cả thiện căn là nêu hai loại tiếp theo, nhiếp thọ chánh pháp là nêu sáu loại kế, cúng dường Như Lai là nêu sáu loại cuối cùng. Việc làm đã viên mãn, gọi là cúng dường xong, như trước đã giải thích. Nguyên do này đã xong tất cả, đều đầy đủ hành chứng cho nên gọi là tương ưng. Tương ưng nghĩa là chẳng xa lìa nhau, tùy thuận nhau hòa hợp năng hành, năng chứng. Bản dịch xưa chỉ ghi hai. Nếu tùy theo Ba-la-mật và giáo hóa chúng sinh, thì không nêu bốn loại kia. Ý nói tu hành không ngoài hai môn là tự lợi Ba-la-mật-đa và lợi tha giáo hóa chúng sinh cho nên chẳng nêu bốn loại kia, bản mới thì ghi đầy đủ.

Kinh: Các việc làm… diệu pháp của chư Phật.

Tán: Đây là kết luận, gồm ba loại. Do đây mà nói sáu nghĩa tương ưng ở trước. Các việc làm tức là các hành động qua lại, đi đứng nhấc chân, hạ chân… Ba loại:

  1. Tất cả từ diệu Bồ-đề mà đến, tất cả đều chẳng xa lìa diệu tuệ rốt ráo.
  2. Tất cả đều từ các Phật pháp mà đến, vì tất cả Phật pháp đều hiện hành.
  3. Luôn luôn an trụ nơi diệu pháp của chư Phật, các nghiệp thân ngữ, ý thường ở nơi Phật pháp cho nên gọi là an trụ.

Bản xưa chỉ ghi hai điều, từ đạo tràng đến, trụ nơi Phật pháp, không có điều thứ hai là từ Phật pháp đến, ý nói đạo tràng tức Phật pháp.

Kinh: Bạch Thế Tôn!… tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tán: Kết luận, đạt lợi ích.

Kinh: Lúc bấy giờ con im lặng… không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Kết luận về nguyên do từ chối, tự thân sút kém, xin thoái lui.

Kinh: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn… đến vấn an bệnh ông ấy.

Tán: Đoạn này là nói việc Đức Phật sai bảo Trì Thế, gồm hai phần:

  1. Sai bảo.
  2. Từ chối.

Đây là lời sai bảo.

Kinh: Bồ-tát Trì Thế… Không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Đây là phần từ chối, gồm có ba. Đây là nêu chung về đạo đã bị khuất phục. Chẳng biết tướng của ma, bị ma não loạn. Vô Cấu chỉ tướng ma, cho nên từ chối chẳng kham nhận.

Kinh: Vì sao?… tại nơi trụ xứ.

Tán: Đây là đoạn nói riêng về lý đã cùng tận. Đầu tiên là tự hỏi, sau là giải thích. Trong phần giải thích gồm có hai.

  1. Nêu việc của mình.
  2. Thuật lại lời của Vô Cấu.

– Nêu việc của mình lại có năm:

  1. Nói về chỗ trụ của mình khi xưa.
  2. Ma đến đứng cung kính.
  3. Chẳng biết khuyên bảo họ.
  4. Bị ma làm não loạn.
  5. Nói về việc mình chẳng chịu nhận.

Đây là đoạn nói về lời hỏi và nêu trụ xứ khi xưa.

Kinh: Lúc bấy giờ, có ác ma oán… đứng trước mặt con.

Tán: Đoạn hai, ma đến cung kính đứng trước mặt. Ma và quyến thuộc một vạn hai mươi ngàn Thiên nữ, với trống nhạc đàn ca, đảnh lễ cúng dường, cung kính mà đứng.

Kinh: Trong tâm con lúc bấy giờ nghĩ rằng… chẳng nên buông lung.

Tán: Đoạn ba, chẳng biết khuyên bảo. Đầu tiên là khuyên tổng quát, kế đó là khuyên riêng. Đây là văn đầu tiên. Vua cõi trời Đao-lợi họ là Thích-ca, hiệu là Đế Thích, tên là Kiều-thi-ca. Kiều-thi-ca, Hán dịch là Kiểu Nhi, là tên của tiền thân, Đức Phật thường gọi tên này, cho nên nay gọi là “Lành thay! Kiều-thi-ca”. Bản duyên của vị trời này như Thắng Man Kinh Sớ đã giải thích. Phước đức tuy có, nhưng ngươi chẳng nên quá buông lung mà làm các việc ca múa hát xướng vui chơi này.

Kinh: Nên siêng năng quán xét… chứng pháp kiên thật.

Tán: Đây là khuyên riêng. Dục tức năm dục. Các loại vui chơi này đều là vô thường, đối với thân, mạng và tài bảo, nên trinh chuyên tu tập, xả bỏ pháp chẳng bền chắc mà chứng pháp thân tuệ mạng, giữ pháp bảo Thánh tài, ba pháp này là pháp bền chắc chân thật.

Kinh: Liền nói với con rằng… để giúp đỡ hầu hạ.

Tán: Đoạn thứ tư, ma quấy nhiễu thử thách. Gọi Trì Thế là Đại sĩ, Chánh sĩ hợp chung là đại Chánh sĩ. Cần hầu hạ giúp đỡ, cho nên dùng các người nữ làm vật cúng, để nhiễu loạn.

Kinh: Con liền đáp rằng… đây chẳng phải là điều ta cần.

Tán: Đoạn thứ năm, hiển thị việc mình chẳng nhận. Chỉ tức là mạc (thôi). Như lời Thế Tôn đã dạy, âm nhạc và nữ sắc chớ nên ban cho người, vì sẽ phá hoại tâm thanh tịnh của họ, huống gì là dùng vật phi pháp sinh tử cực xấu xa kia mà dâng cúng cho Sa-môn ta, chẳng phải là vật ta cần.

Kinh: Nói chưa dứt lời… đến não loạn ngài đó.

Tán: Đoạn này trở xuống là thuật lại lời của Vô Cấu, gồm mười tám câu:

  1. Chế phục tướng ma.
  2. Xin ma.
  3. Ma kinh sợ muốn bỏ đi.
  4. Hư không có tiếng khuyên bảo.
  5. Ma thí các người nữ.
  6. Vô Cấu chính thức tuyên thuyết.
  7. Thiên nữ hỏi pháp.
  8. Vô Cấu giải thích.
  9. Ma trở về cung.
  10. Thiên nữ không chịu theo về.
  11. Ma xin lại Vô Cấu.
  12. Vô Cấu ban cho.
  13. Thiên nữ hỏi.
  14. Vô Cấu đáp.
  15. Thiên nữ lại hỏi.
  16. Vô Cấu giải thích rộng.
  17. Thiên nữ đảnh lễ.
  18. Xả bỏ sự chế phục để ma trở về Thiên cung.

– Hoặc chia làm hai:

  1. Giải thích tướng ma.
  2. Chánh thức hàng phục ma.

Đây là văn thứ nhất. Bồ-tát Trì Thế khuyến hóa, lời nói chưa dứt, thì Vô Cấu liền giải thích là ma não loạn, cho nên chắc chắn bị phiền nhiễu.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… Thích tử nên thọ nhận.

Tán: Chánh thức hàng phục ma oán, gồm ba ý:

  1. Chánh thức hàng ma.
  2. Thuyết cho các Thiên nữ nghe, tức là câu “nói với các Thiên nữ rằng…”.
  3. Nói về việc khi muốn trở về cung điện, ác ma oán nói với các

Thiên nữ rằng: “Các ngươi có thể đến…” Hàng phục có bốn:

  1. Xin Thiên nữ.
  2. Ma sợ hãi chạy trốn.
  3. Trên hư không có tiếng nói.. Ma liền cho.

Đây là đoạn thứ nhất.

Khuyên chẳng nên thí cho Trì Thế mà nên cho ta, để nói lên viêc rõ biết oai nghi của Sa-môn Trì Thế. Hiển thị lý do Vô Cấu đảnh lễ nói ở trên.

Kinh: Lúc bấy giờ, ác ma oán… không lẽ Vô Cấu Xưng sắp não hại ta sao

Tán: Đoạn này là nói ma kinh sợ chạy trốn. Gồm có hai:

  1. Kinh sợ.
  2. Chạy trốn.

Đây là nói về việc kinh sợ. Cho rằng Vô Cấu Xưng sắp muốn não hại, cho nên kinh sợ.

Kinh: Muốn ẩn hình mà đi… cũng chẳng thể đi được.

Tán: Đoạn này là nói ma chạy trốn, ẩn hình chẳng hiện, nhưng do thần lực giữ lại, muốn đi cũng không được.

Kinh: Tức nghe trên hư không có tiếng nói… mới có thể trở về Thiên cung.

Tán: Trên hư không có tiếng nói. Hễ thí nữ thì dễ trở về, không thí thì khó đi.

Kinh: Lúc bấy giờ, ác ma oán… miễn cưỡng mà cho.

Tán: Ma liền thí cho. Phủ tức là cúi; ngưỡng tức là ngữa tức bất đắc dĩ, cho nên nói là phủ ngưỡng. Ma sợ não loạn nên bất đắc dĩ phải cho, thật tâm chẳng muốn cho, cho nên gọi là phủ ngưỡng.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… tâm Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Tán: Thuyết cho các Thiên tử nghe, văn gồm có ba:

  1. Lược thuyết.
  2. Giải thích rộng.
  3. Kết luận.

– Trong phần lược thuyết lại có hai:

  1. Khuyên phát tâm.
  2. Tùy thuận thuyết pháp.

Đây là văn đầu tiên.

Kinh: Tức tùy thuận chỗ thích ứng… Chánh đẳng Bồ-đề.

Tán: Tùy thuận thuyết pháp.

  1. Vì hàng sơ cơ thuyết pháp tùy thuận Bồ-đề.
  2. Vì hàng tu học đã lâu mà thuyết pháp thành thục Bồ-đề, tất cả đều khiến cho thú hướng đến chánh đẳng Bồ-đề.

Kinh: Lại nói: “Các chị đã phát tâm… chẳng nên thích năm dục lạc.”

Tán: Giải thích rộng, gồm có ba:

  1. Nêu tổng quát pháp lạc, khiến xả bỏ dục lạc.
  2. Thiên nữ hỏi.
  3. Trả lời rộng.

Đây là văn đầu tiên. Đại pháp uyển tức chân như thanh tịnh, nhân nơi đây mà sinh niềm vui, cho nên gọi là pháp uyển lạc. Đã được niềm vui xuất thế gián thì nên xa lìa năm dục lạc.

Kinh: Các Thiên nữ nói rằng… đại pháp uyển lạc.

Tán: Đây là Thiên nữ hỏi ngài Vô Cấu.

Kinh: Vô Cấu Xưng đáp… cần kính sự lạc.

Tán: Đây là phần trả lời rộng. Tổng cộng có ba mươi lăm câu pháp lạc. Bản dịch xưa chỉ có ba mươi hai câu, thiếu ba câu là:

  1. Đối với sở duyên thì vô y tục lạc.
  2. Đối với Bát-niết-bàn thì chánh phan duyên lạc.
  3. Đối với xảo phương tiện thì thiện nhiếp thọ lạc.

Còn những chỗ lầm lẫn khác thì đến văn sẽ nêu rõ. Nhưng vẫn nói từ hân lạc đặt ở mỗi câu mà chẳng nói từ hý lạc. Ba mươi lăm câu được phân làm sáu nhóm:

  1. Ba câu đầu nói về niềm vui gặp được ruộng tốt.
  2. Hai câu kế nói về niềm vui lìa khổ, viên mãn chứng ngộ, bản xưa chỉ có một câu.
  3. Ba câu kế nói về niềm vui thể hội được hư huyễn.
  4. Mười câu kế nói về niềm vui phát tâm tu hành.
  5. Mười câu kế nói về niềm vui lìa ác nhiếp thiện, bản xưa chỉ có chín câu.
  6. Bảy câu cuối nói về niềm vui tự lợi và lợi tha, bản xưa chỉ có sáu câu.

Ba câu của đoạn này nói niềm vui gặp được ruộng tốt, vì thắng trừ duyên ác, đối với ba thân Phật khởi tín tâm quyết định thanh tịnh, chẳng thể phá hoại, cho nên còn gọi là niềm vui chẳng hoại tâm tịnh. Đối với pháp thì thích nghe và giữ gìn tất cả. Đối với Tăng chúng thì luôn cung kính phụng sự, như kinh nói: “Chư Phật xuất hiện lại, diễn thuyết chánh pháp lạc, chúng tăng hòa hợp lạc, đồng tu tinh tấn lạc”. Đối với lương điền khởi niềm vui tu hành ở đây có hơi sai khác.

Kinh: Nơi ba cõi… vô y trụ lạc (niềm vui vô y trụ).

Tán: Phần thứ hai nói về niềm vui lìa khổ chủng ngộ viên mãn. Vượt khỏi khổ trầm luận. Đầu tiên nêu khổ, sau đó là chứng tịch diệt. Bản xưa ghi: “Niềm vui lìa năm dục”, nghĩa rất cạn hẹp. Nay nói lìa ba cõi cho nên nghĩa rất sâu rộng. Đối với cảnh sở duyên không có tâm sở y, không có chổ an trụ. Tâm chẳng duyên theo tức là chánh trí, chứng ngộ các pháp. Nếu tâm có chỗ nương gá dừng trụ thì chẳng phải là chân chánh chứng ngộ. Cho nên kinh Bát-nhã ghi: “Nên không nơi trụ mà sinh tâm kia”. Nếu tâm có chỗ trụ, tức chẳng phải trụ. Vì thế Đức Phật dạy Bồ-tát chẳng nên trụ tâm nơi sắc mà bố thí… bản xưa thiếu ý này.

Kinh: Đối với các uẩn… như niềm vui không tụ.

Tán: Thứ ba nói về niềm vui thể đạt hư huyễn, chẳng bị ba hoặc làm não loạn. Quán uẩn vô thường bức bách cho nên có khổ. Giống như oán tặc, cho nên nói là ma. Quán mười tám giới cắn chết loài hữu tình, cho nên gọi là rắn độc. Bản xưa thấy thì dụ liền nói là quán bốn đại, bốn đại thuộc về sáu giới. Quán mười hai xứ, giống như không tụ, không có gì. Bản xưa ghi là quán các nhập, văn ý rất cạn hẹp. Uẩn nghĩa là tích tập. Đầy đủ mười một loại tích tập. Năm uẩn là sắc thọ tưởng hành thức. Giới nghĩa là nhân, giữ gìn tự tánh nên gọi là trì tự tánh. Đó là nhãn giới sắc giới, nhãn thức giới cho đến ý giới, pháp giới, ý thức giới. Xứ nghĩa là xuất sinh, gồm sáu căn, sáu trần xuất sinh sáu thức, nhãn nhĩ ti thiệt thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp.

Kinh: Đối với tâm Bồ-đề… niềm vui siêng năng phụng sự

Tán: Thứ tư gồm mười câu nói về niềm vui phát tâm tu hành, chiến thắng phá dẹp sinh tử. Một câu đầu nói về phát tâm, tám câu kế nói về tu hành, một câu cuối nói về quả. Nói về tu hành gồm có ba:

  1. Cứu chúng sinh.
  2. Phụng sự sư trưởng.
  3. Tu sáu độ.

Đây là đoạn thứ nhất, có ba:

  1. Giữ gìn vững chắc tâm Bồ-đề đã phát.
  2. Làm lợi ích hữu tình.
  3. Siêng năng phụng sự sư trưởng.

Kinh: Đối với tuệ thí… niềm vui lìa hoặc được sáng tỏ.

Tán: Đây là nói về tu sáu độ. Biết bố thí thì xa lìa bần khổ; giữ vững tịnh giới, không biếng trễ mà mạnh mẽ nhanh chóng, luôn thủ hộ bền chắc; do nhẫn nhục nhu hòa mà xa lìa được sự thô bạo, khéo tu tinh tấn, tích tập các thiện căn; khi tu định thì biết tâm không loạn, khi tu Bát-nhã thì xa lìa các hoặc, tánh là, chiếu rõ. Đó là niềm vui.

Kinh: Đối với Bồ-đề, có niềm vui rộng lớn.

Tán: Đây là niềm vui biết được Bồ-đề. Biết trong Bồ-đề có niềm vui rộng lớn, mà phát sinh ham thích vui mừng, mong cầu hướng đến, mau chứng được niềm vui không có não loạn. Lược nêu lên bốn:

  1. Niềm vui xuất ly.
  2. Niềm vui xa lìa.
  3. Niềm vui biết pháp.
  4. Niềm vui tịch tĩnh.

Niềm vui Bồ-đề ở đây gồm nhiếp hai niềm vui sau, vì đó là nói quả Phật. Bản dịch xưa ghi: “Niềm vui tâm Bồ-đề rộng lớn”, tức vui biết Bồ-đề mà tâm vô cùng vui thích, không trái nhau.

Kinh: Đối với ma oán… niềm vui luôn biết khắp.

Tán: Thứ năm gồm mười câu nói về niềm vui lìa ác nhiếp thiện, hay tu tập chẳng mê. Hai câu đầu là lìa ác, tám câu sau là nhiếp thiện. Đây là lìa ác đối với các ma thì thường phá dẹp, chẳng để bị chúng phá hại, biết các phiền não đều có thể diệt trừ vĩnh viễn.

Kinh: Đối với các cõi Phật… niềm vui tu tập chân chánh.

Tán: Đoạn này gồm tám câu nói về nhiếp thiện; gồm có hai; ba câu đầu là nhân trang nghiêm; năm câu sau nói về quả trang nghiêm. Đây là văn đầu.

  1. Tu nhân cõi Phật thì chẳng sinh cõi uế, thể của nhân như phẩm Tựa đã giải thích.
  2. Tướng quý và vẻ đẹp phụ đều tròn đủ, không thô xấu thiếu khuyết.
  3. Khéo tu phước tuệ, xa lìa sinh tử.

Bản xưa câu thứ ba nói tu các công đức mà không có chữ lạc (niềm vui), tức thuộc về tu tướng quý và vẻ đẹp phụ, khác xa với bản dịch mới. Về ba mươi hai tướng thì kinh Bát-nhã ba trăm tám mươi mốt ghi: “Phật nói với Thiện Hiện rằng: Thế nào là ba mươi hai tướng Đại sĩ của Như Lai Chánh Đẳng Giác?

Này Thiện Hiện! Bàn chân Thế Tôn bằng, đầy đặn an trụ vững chắc giống như đáy hộp.

Mặt đất tuy có cao thấp, nhưng bàn chân Thế Tôn khi bước đi vẫn luôn luôn tiếp xúc đầy đủ, đó là tướng thứ nhất.

Bàn chân Thế Tôn, các đường vân tạo thành hình bánh xe ngàn nan hoa với đầy đủ vành trục, là tướng thứ hai.

Tay chân Thế Tôn đều mềm mại như Đâu-la-miên, thù thắng hơn tất cả mọi loài là tướng thứ ba.

Giữa các ngón tay ngón chân Thế Tôn giống như chân loài nhạn chúa đều có màng mỏng màu vàng ròng nối liền, các đường vân giao nhau giống như một bức họa kỳ tú, là tướng thứ tư.

Các ngón tay thon dài, trông rất dễ mến, là tướng thứ năm.

Gót chân đầy đặn cân xứng với lưng bàn chân, hơn các loài hữu tình là tướng thứ sáu.

Lưng bàn chân nhô cao, cũng đầy đặn, mịn màng rất đẹp tương xứng với gót chân, là tướng thứ bảy.

Hai đùi tròn, thon dần giống như đùi của lộc vương Ê-ni-da-tiên, là tướng thứ tám.

Hai tay tròn thẳng và dài chấm gối, giống như vòi của voi chúa, là tướng thứ chín.

Âm tướng của Thế Tôn ẩn kín như long mã, voi chúa, là tướng thứ mười.

Mỗi lổ chân lông đều có một sợi lông, tất cả đều mềm mại, màu xanh ánh đỏ (xanh tía) và xoáy tròn về bên phải, là tướng thứ mười một.

Lông tóc rất đẹp màu tía xanh, xoay tròn về bên phải, trang nghiêm trên lớp da màu vàng ròng, là tướng mười hai.

Da mỏng, mịn, trơn láng, nước và bụi dơ không thể dính được, là tướng mười ba.

Da màu vàng ròng, phát ánh sáng thanh tịnh, giống như đài vàng được các vật báu trang nghiêm, người thấy đều ưa thích, là tướng thứ mười bốn.

Hai bàn chân, hai bàn tay, đỉnh đầu và hai vai đều đầy đặn là tướng thứ mười lăm.

Vai và cổ đều tròn, đầy và đẹp lạ, là tướng thứ mười sáu.

Hai nách đầy đặn là tướng thứ mười bảy.

Dung nghi viên mãn và ngay thẳng là tướng thứ mười tám.

Thân tướng đoan nghiêm là tướng thứ mười chín.

Hình dáng cao, ngang cân xứng, tròn đầy không khuyết, như nặccù-đà, là tướng thứ hai mươi.

Ngực và nửa phần trên của thân rất nở nang oai vệ như sư tử chúa, là tướng thứ hai mươi mốt.

Hào quang ở đầu lúc bình thường phóng xa một tầm (tám mét) là tướng thứ hai mươi hai.

Bốn mươi cái răng của Thế Tôn rất đều, khít, trong sạch, chân răng sâu và trắng như ngọc, là tướng thứ hai mươi ba.

Bốn răng cửa rất trắng và sắc là tướng thứ hai mươi bốn.

Miệng Thế Tôn thường tiết ra mùi vị thượng diệu, thực quản thẳng, vì thế có thể dẫn vị đến khắp các chi tiết trong toàn thân. Những vị thượng diệu này không bị các binh gió, nóng, lạnh làm cho tạp loạn, nên mạch xa lìa được các tướng không tốt như phù, trầm, diên (kéo dài), súc (ngắn), tổn hoại và đứt quãng. Khi nuốt thì nước miếng lưu thông cho nên thân tâm thư thái và luôn được thượng vị là tướng thứ hai mươi lăm.

Lưỡi dài rộng có thể che kín cả mặt, phủ tới tai và trán, là tướng thứ hai mươi sáu.

Âm vận hòa nhã, các loài đều nghe được. Về âm thanh, nếu Thế Tôn phát ra lớn thì như tiếng trống trời chấn động khắp nơi, khi nói ôn hòa thì như tiếng chim Ca-lăng-tần-già, là tướng hai mươi bảy.

Hai mắt như mắt trâu chúa, là tướng thứ hai mươi tám.

Trong hai mắt thì màu xanh tía và màu trắng đẹp được một vòng màu hồng phân cách rất rõ ràng đẹp lạ (đen trắng phân minh), là tướng thứ hai mươi chín.

Mặt như trăng rằm, hai hàng lông mày sáng, đẹp và cong như cây cung của trời Đế Thích, là tướng thứ ba mươi.

Giữa hai chân mày có một sợi lông trắng, xoáy tròn theo chiều bên phải, mịn như Đâu-la-miên, trắng hơn ngọc, là tướng thứ ba mươi mốt.

Đảnh đầu có Ô-sắt-nị-sa nhô cao, tròn đầy, giống như lọng báu cõi trời, là tướng ba mươi hai.

Này Thiện Hiện! Đó là ba mươi hai tướng Đại sĩ.

Thiện Hiện! Thế nào là tám mươi vẻ đẹp phụ của Như Lai đẳng chánh giác? Này Hiện Thiện!

Móng tay Như Lai thon mỏng, sáng bóng sạch, tươi nhuận, sắc hồng như hoa, là vẻ đẹp thứ nhất.

Các ngón tay ngón chân đều thon dài, thẳng và mềm mại, các đốt xương không lộ ra, là vẻ đẹp thứ hai.

Hai tay hai chân không so le; khi khép giữa các ngón không có khe hở, là vẻ đẹp thứ ba.

Tay chân tròn đầy như ý, màu sắc tươi nhuận, như hoa sen là vẻ đẹp thứ tư.

Gân mạch chắc chắn, ẩn sâu dưới da, là vẻ đẹp thứ năm.

Hai mắt cá chân không lộ ra ngoài, là vẻ đẹp thứ sáu.

Đi thẳng về phía trước, an tường như voi chúa, là vẻ đẹp thứ bảy.

Khi đi, dung nghi tề chỉnh, hùng dũng như sư tử chúa, là vẻ đẹp thứ tám.

Bước đi đều đặn khoan thai như trâu chúa, là vẻ đẹp thứ chín.

Bước đi và dừng trụ thật nhẹ nhàng uyển chuyển như ngỗng chúa, là vẻ đẹp thứ mười.

Khi quay nhìn phía sau, thì toàn thân đều xoay theo, và đều xoay theo chiều phải, giống như long tượng vương, là vẻ đẹp thứ mười một.

Các đốt ngón tay ngón chân đều tròn đầy, đẹp đẽ, rất khéo sắp xếp là vẻ đẹp mười hai.

Các khớp xương giao kết nhau không có khe hở, như rồng cuộn là vẻ đẹp mười ba.

Đầu gối tròn đầy, đẹp khéo sắp xếp, chắc chắn, là vẻ đẹp mười bốn.

Chỗ ẩn kín có đường vân rất đẹp, đầy đủ oai thế và thanh tịnh là vẻ đẹp mười lăm.

Thân hình tươi nhuận, mềm mại, bóng sạch, bụi dơ không bám được, là vẻ đẹp mười sáu.

Dung nghi nghiêm chỉnh, thường không bao giờ sợ sệt, yếu đuối là vẻ đẹp mười bảy.

Thân thể tráng kiện, khéo kết cấu nhau đầy sinh lực, là vẻ đẹp mười tám.

Thân thể an định, vững chắc, chưa từng dao động, viên mãn, bất hoại, là vẻ đẹp mười chín.

Thân tướng tròn đầy, đoan nghiêm sáng sạch, không khuyết điểm, giống như tiên vương, là vẻ đẹp hai mươi.

– Thân có hào quang, khi đi đứng… thường tự chiếu sáng, là vẻ đẹp hai mươi mốt.

Bụng vuông vắn không mềm nhão, có đầy đủ các tướng trang nghiêm, là vẻ đẹp hai mươi hai.

Rún sâu, xoáy tròn về phía phải, và rất đẹp là vẻ đẹp hai mươi ba.

Cuốn rún dầy, không lồi không lõm, tròn trịa rất đẹp, là vẻ đẹp hai mươi bốn.

Da dẻ mịn, không có ghẻ lác, là vẻ đẹp hai mươi lăm.

Bàn tay đầy đặn, mềm mại, bàn chân bằng phẳng là vẻ đẹp thứ hai mươi sáu.

Chỉ tay sâu, rõ ràng, dài và thẳng, không gãy là vẻ đẹp hai mươi bảy.

Môi đỏ thắm, mềm và bóng như trái Tần-bà, trên dưới cân xứng, là vẻ đẹp thứ hai mươi tám.

Miệng không lớn không nhỏ, không rộng không hẹp rất đoan nghiêm, như ý, là vẻ đẹp hai mươi chín.

Lưỡi mỏng mềm mại, dài rộng, màu sắc hồng tươi nhuận là vẻ đẹp ba mươi.

Âm thanh phát ra chấn động vang xa, như tiếng rống của voi chúa là vẻ đẹp ba mươi mốt.

Âm vận rất hay, như tiếng vang nơi hang sâu, là vẻ đẹp ba mươi hai.

Mũi cao thẳng, lổ mũi kín, là vẻ đẹp ba mươi ba.

Răng đều và trắng bóng, là vẻ đẹp ba mươi bốn.

Răng cửa tròn, trắng bóng và sắc là vẻ đẹp ba mươi lăm.

Mắt đen, trắng rõ ràng là vẻ đẹp thứ ba mươi sáu.

Mắt dài rộng như cánh hoa sen xanh, là vẻ đẹp thứ ba mươi bảy.

Lông mi trên dưới bằng nhau, dày và dài, không lộ da, là vẻ đẹp thứ ba mươi tám.

Hai hàng lông mày dài, cong, không gãy và nhuyễn mịn là vẻ đẹp thứ ba mươi chín.

Hai mày rất kỳ tú đều đặn, sắc như lưu ly xanh biếc, là vẻ đẹp thứ bốn mươi.

Hai mày mọc cách xa mắt rất thanh tú, cong như trăng lưỡi liềm, là vẻ đẹp thứ bốn mươi mốt.

Hai tai dày, rộng, trái tai dài thòng xuống phía dưới là vẻ đẹp thứ bốn mươi hai.

Hai tai rất đẹp, cân đối, không có khuyết tật, là vẻ đẹp thứ bốn mươi ba.

Dung nghi của Thế Tôn, người thấy được, thì không bị tổn hoại, nhiễm ô, mà sinh lòng kính tin là vẻ đẹp thứ bốn mươi bốn.

Trán rộng, bằng phẳng, như ý, rất đẹp lạ, là vẻ đẹp bốn mươi lăm.

Thân hình trên dưới cân đối như sư tử chúa, oai nghiêm không ai sánh bằng là vẻ đẹp thứ bốn mươi sáu.

Tóc dài, dày, xanh tía, không bạc là vẻ đẹp bốn mươi bảy.

Tóc sạch, thơm, mịn và mềm mại, đều xoay về phía bên phải, là vẻ đẹp thứ bốn mươi tám.

Tóc không rối, luôn ngay thẳng là vẻ đẹp bốn mươi chín.

Tóc bền chắc, không đứt rụng là vẻ đẹp thứ năm mươi.

Tóc sạch sẽ trơn bóng, bụi không thể bám, là vẻ đẹp thứ năm mươi mốt.

Thân thể rắn chắc, viên mãn như thân Na-la-diên, là vẻ đẹp năm mươi hai.

Thân hình cao lớn, đoan chánh là vẻ đẹp thứ năm mươi ba.

Cửu khiếu tròn đẹp và thanh tịnh là vẻ đẹp năm mươi bốn.

Thân thể và sức lực không ai sánh bằng, là vẻ đẹp thứ năm mươi năm.

Thân tướng của Thế Tôn thù thắng, mọi người đều thích chiêm ngưỡng không bao giờ chán là vẻ đẹp thứ năm mươi sáu.

Mặt đẹp, trong sáng, thanh tịnh như trăng tròn là vẻ đẹp thứ năm mươi bảy.

Dung nghi thư thái, tướng mạo sáng rỡ, thường mỉm cười trước khi nói, chỉ thuận theo mà không trái nghịch, là vẻ đẹp thứ năm mươi tám.

Diện mạo tươi sáng, vui hòa, không có các lỗi như nhăn nhó kém vui, tái xanh hay đỏ tía, là vẻ đẹp thứ năm mươi chín.

Thân thể luôn sạch sẽ, không bao giờ có cáu ghét và mùi hôi là vẻ đẹp thứ sáu mươi.

Lổ chân lông thường phát ra mùi hương vi diệu, là vẻ đẹp thứ sáu mươi mốt.

Miệng thường tỏa hương thơm thanh khiết, là vẻ đẹp thứ sáu mươi hai.

Đầu tròn đẹp giống như Mạt-già-lê và Thiên cái, viên mãn, là vẻ đẹp thứ sáu mươi ba.

Lông trên thân màu xanh tía sáng đẹp như lông khổng tước vương là vẻ đẹp thứ sáu mươi bốn.

Pháp âm tùy theo chúng mà lớn nhỏ, không tăng không giảm, ứng hợp với lý, không sai biệt là vẻ đẹp thứ sáu mươi lăm.

Đảnh tướng không ai có thể thấy là vẻ đẹp sáu mươi sáu.

Ngón tay, ngón chân có màu đỏ hồng rõ ràng xinh đẹp là vẻ đẹp thứ sáu mươi bảy.

Khi đi thì bàn chân cách mặt đất bốn ngón tay, và có hiện các đường vân trên dấu chân, là vẻ đẹp sáu mươi tám.

Thế Tôn tự giữ gìn, không cần người khác bảo vệ, thân không lắc lư, cũng không nghiêng lệch, là vẻ đẹp thứ sáu mươi chín.

Oai đức bao trùm muôn vật, những kẻ ác tâm thấy thì sinh vui mừng, người sợ hãi thấy thì được an ổn, là vẻ đẹp thứ bảy mươi.

Âm thanh không cao không thấp, tùy thuận tâm ý chúng sinh mà vui vẻ luận nói. Là vẻ đẹp bảy mươi mốt.

Có thể tùy thuận ngôn ngữ, âm thanh và ý thích của các loài hữu tình mà thuyết pháp, là vẻ đẹp thứ bảy mươi hai.

Một âm thanh diễn thuyết chánh pháp, tùy các loại chúng sinh, tất cả đều tin hiểu là vẻ đẹp thứ bảy mươi ba.

Thuyết pháp đều theo thứ tự và có nhân duyên, là vẻ đẹp thứ bảy mươi bốn.

Thế Tôn bình đẳng quán xét các hữu tình, khen điều thiện, chê điều ác mà tâm không khởi yêu ghét, là vẻ đẹp thứ bảy mươi lăm.

Trước khi làm việc gì đều quán xét kỷ, theo đúng phép tắc, khiến cho việc làm được hoàn mỹ là vẻ đẹp thứ bảy mươi sáu.

Tướng tốt và vẻ đẹp phụ của Thế Tôn, các loài hữu tình chẳng thể thấy biết hết, là vẻ đẹp thứ bảy mươi bảy.

Xương đầu viên mãn, cứng chắc là vẻ đẹp thứ bảy mươi tám.

Thường trẻ không già, là vẻ đẹp thứ bảy mươi chín.

Tay, chân và ngực của Thế Tôn đều có đức tướng Cát tường xoay theo chiều bên phải, các đường vân như bức họa kỳ tú, sắc đỏ như son (tức chữ Vạn) là vẻ đẹp thứ tám mươi.

Này Thiện Hiện! Đó là tám mươi vẻ đẹp phụ. Này Thiện Hiện!

Như Lai đẳng chánh giác thành tựu các tướng như thế, cho nên ánh sáng toàn thân, tự tại chiếu soi khắp tam thiên đại thiên thế giới. Nếu khi có tác ý thì chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới. Nhưng vì thương xót loài hữu tình, cho nên thu nhiếp lại, chỉ phát ra chung quanh trong khoảng một tầm mà thôi. Nếu Như Lai phóng ánh sáng toàn thân thì ánh sáng mặt trời, mặt trăng… không thể hiển hiện được, các loài hữu tình sẽ không biết được ngày đêm, nửa tháng, một tháng, năm, mùa, các công việc không thể thành tựu được. Âm thanh của Phật tự tại phát ra vang khắp tam thiên đại thiên thế giới, nếu có tác ý thì vang khắp vô lượng vô biên thế giới. Nhưng vì lợi ích của hữu tình nên tùy thuận chúng hội không tăng không giảm. Này Thiện Hiện! Công đức lợi ích thù thắng như thế, ta đã thành tựu khi còn là Bồ-tát tu hành Bát-nhã Ba-la-mậtđa, cho nên hôm nay được tướng quý và vẻ đẹp phụ viên mãn trang nghiêm, khiến cho các loài hữu tình thấy được đều hoan hỷ, đạt được lợi ích an lạc. Này Thiện Hiện! Như thế, khi Bồ-tát Ma-ha-tát đạt được Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa thì hay dùng Tăng bảo và Pháp bảo, ban phát nhiếp phục loài hữu tình, đó là pháp rất kỳ đặc hy hữu”.

Cho nên đầy đủ các tướng quý và vẻ đẹp gọi là an lạc. Các văn đều thiếu không ghi chữ Lạc. Về tu tập nhân hạnh này thì như Du-già đã nói.

Kinh: Đối với diệu Bồ-đề… mà vui quán xét.

Tán: Năm câu này là quả trang nghiêm:

  1. Trang nghiêm Bồ-đề để chứng chánh giác.
  2. Không kinh sợ pháp sâu xa hay thọ nhận, tuyên thuyết.
  3. Chánh quán môn giải thoát hay tu chứng.
  4. Đối với Niết-bàn thì duyên theo và mong cầu chứng nhập, bản xưa không có câu này
  5. Quán chúng sinh rốt cuộc chẳng phải là phi thời. Thời tức là ứng cơ, thì quán xét mà làm lợi lạc, phi thời tức chẳng ứng cơ, lập giáo làm lợi lạc. Cho nên Thế Tôn thuyết pháp không bị phạm bốn lỗi:
  1. Không phải phi xứ.
  2. Không phi thời.
  3. Không phi căn khí.
  4. Không phi pháp.

Kinh: Đối với đồng loại sinh… niềm vui thích bảo vệ.

Tán: Thứ sáu, gồm bảy câu nói về niềm vui lợi tha và tự lợi, vượt qua sự tổn hại mình và người. Bốn câu đầu nói về lợi tha, ba câu sau nói về tự lợi. Đoạn này là nói về lợi tha. Đồng loại sinh nghĩa là đồng tu tập phạm hạnh xuất thế, thấy công đức của người, thường thích gần gủi; thấy dị loại sinh, cũng không ghét bỏ; bạn lành thì thích gần, vì điều thiện tăng trưởng; bạn ác thì giúp đỡ khiến không sinh tội lỗi, nói Bồ-tát địa. Không thiếu giới hạnh, nghe nhiều tu chứng, thương xót không sợ, nhẫn thọ không mệt mỏi, ngôn từ luận biện đầy đủ, gọi đó là tướng bạn lành; mong cầu ban phát lợi lạc, đối với việc này có chánh tri, có sức thiện căn, chẳng bỏ việc lợi ích, lòng đại bi rộng lớn, gọi đó là bạn lành, việc làm chẳng hư dối, đầy đủ oai nghi, ngôn hạnh nghiêm túc, không kiêu mạn, không tật đố, cần kiệm tích chứa tùy thuận thí xả, khuyên can khiến ghi nhớ, dạy dỗ răn bảo, thường hay thuyết pháp, gọi đó là bạn lành, có thể theo đó nương cậy tin tưởng, không bệnh không tật, thương kính phụng sự, thăm hỏi lễ nghi, tu nghiệp hòa kính, bốn vật tùy thời không để thiếu sót, đầy đủ việc cung kính, hỏi nghe chẳng động, gọi là thân cận. Cho nên đối với nơi này có niềm vui ưa thích, gần gũi.

Kinh: Đối với phương tiện thiện xảo… diệu lạc tối thượng.

Tán: Đây là ba câu nói về tự lợi:

  1. Đối với mười hai loại phương tiện, khéo léo gom nhiếp tại thân. Bản xưa không có câu này.
  2. Tin tưởng vui thích chánh pháp, muốn cầu hiểu biết.
  3. Chẳng buông lung, thường tự sách tấn, tu tập Bồ-đề phần, vì đó là bậc nhất.

Kinh: Như thế! các chị… chớ ham thích dục lạc.

Tán: Trong phần nói cho các Thiên nữ nghe, phần thứ ba là kết luận thuyết. Pháp uyển lạc này, Bồ-tát thường trụ, thường ưa thích niềm vui này, chớ nên ham thích dục lạc, để khuyên bảo họ.

Kinh: Lúc bấy giờ, ác ma oán… trở về cung trời.

Tán: Thứ ba là nói ma muốn trở về cung trời. Theo văn gồm tám đoạn:

  1. Gọi Thiên nữ trở về cung.
  2. Thiên nữ từ chối không đi.
  3. Ma lại xin Vô Cấu.
  4. Vô Cấu lại ban cho.
  5. Thiên nữ hỏi đạo.
  6. Vô Cấu thuyết pháp.
  7. Thiên nữ lễ tạ.
  8. Xả chế buông tha cho ma.

Đây là văn thứ nhất.

Kinh: Các Thiên nữ đáp… cùng với người về cung.

Tán: Thứ hai, Thiên nữ từ chối chẳng về, có ba:

  1. Từ chối.
  2. Nêu lý do.
  3. Nêu sự vui thích.

Đây là phần từ chối chung.

Kinh: Vì sao?… cùng với ông trở về.

Tán: Đoạn này trình bày lý do không đi theo. Chúng ta đã thuộc về người khác, chẳng nên trái lại mà bỏ đi.

Kinh: Chúng tôi hôm nay… ngài có thể trở về một mình.

Tán: Hiển thị pháp lạc cho nên không thể về.

Kinh: Lúc bấy giờ, ác ma oán… Ma-ha-tát.

Tán: Thứ ba, ma xin ngài Vô Cấu. Tâm chẳng đắm trước, lìa xan tham là bậc Đại Bồ-tát.

Kinh: Vô Cấu Xưng nói… đầy đủ pháp nguyện.

Tán: Thứ tư, Vô Cấu Xưng ban cho. Đại Bồ-tát thuận theo mong cầu của chúng sinh. Nay thuận cho nên xả bỏ, xả là hành, cho nên liền phát nguyện đương lai các ngươi và loài hữu tình được khéo đầy đủ pháp nguyện. Sinh tử có tội thì nguyện chẳng đầy đủ, thắng nguyện vô tội thì đều khiến cho đầy đủ.

Kinh: Lúc bấy giờ, các Thiên nữ… làm thế nào để tu hành.

Tán: Thứ năm, Thiên nữ hỏi đạo.

Kinh: Vô Cấu Xưng nói… các chị nên học.

Tán: Thứ sáu, Vô Cấu xưng đáp, gồm có ba:

  1. Lược thuyết.
  2. Lại hỏi.
  3. Giải thích.

Đây là đoạn thứ nhất. Muốn khiến cho việc truyền pháp chẳng đoạn dứt cho nên nói Vô tận đăng, muốn khiến cho có sự ân cần sâu nặng cầu nghe pháp, cho nên trước lược nói.

Kinh: Thiên nữ lại hỏi… thế nào là Vô tận đăng?

Tán: Thứ hai, Thiên nữ hỏi.

Kinh: Đáp rằng: Các chị… cũng không tổn giảm.

Tán: Thứ ba là giải thích, gồm có hai:

  1. Giải thích.
  2. Khuyên tu.

– Trong phần giải thích lại có ba:

  1. Nêu dụ.
  2. Nêu tâm.
  3. Kết luận.

Đây là phần dụ. Minh tức là tối. Bản mới ghi “Chẳng tận”, bản cũ ghi “chẳng giảm”.

Kinh: Như thế, các chị… càng thêm tăng trưởng.

Tán: Đây là nói về tâm. Câu-chi là một trăm ức, na-dữu-đa là một ngàn ức; Bồ-tát ở nơi hóa độ mà kiến lập Bồ-đề. Đạo tâm của Bồ-tát, không bao giờ cùng tận, trải qua bao nhiêu lần chuyển sinh, cũng không thối giảm, mà càng tăng trưởng. Đây là khuyên phát tâm.

Kinh: Như thế, vì họ mà phương tiện… cũng không thoái giảm.

Tán: Đây là nói về pháp. Nếu tuyên thuyết chánh pháp thì giáo pháp tăng trưởng, về sau không bao giờ cùng tận, lúc đầu cũng không tổn giảm. Tận nghĩa là tất cả đều không còn. Giảm nghĩa là giảm thiểu.

Đây khuyên về pháp.

Kinh: Các chị nên biết… các chị nên học.

Tán: Khuyên tu hành. Đầu tiên kết luận khuyên bảo, sau là hiển thị oai đức.

Đây là phần đầu.

Kinh: Tuy trụ ở cung ma… tất cả hữu tình.

Tán: Hiển thị tu đức. Khuyên phát tâm tức biết ân đức nhiều kiếp của Phật, thật nên báo đáp là hạnh tự lợi đã đủ; cũng là lợi lạc tất cả chúng sinh tức là lợi tha.

Kinh: Các Thiên nữ này… Vô Cấu Xưng.

Tán: Thứ bảy, Thiên nữ lễ tạ. Nghe đạo sâu xa cho nên đảnh lễ tạ ơn.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… trở về bản cung.

Tán: Thứ tám, xả thần lực chế ngự, cho phép ma trở về cung. Lúc trước thì dùng thần lực chế ngự khiến ma chẳng thể trở về, nay thuyết pháp lợi ích đã xong thì xả bỏ.

Kinh: Bạch Thế Tôn!… không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Kết luận nguyên do từ chối, tự thân sút kém xin thoái lui.

 

(PHẦN 2)

Kinh: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn… đến vấn an bệnh của ông ấy.

Tán: Lần thứ tư, Đức Phật bảo ngài Tô-đạt-đa. Đầu tiên là sai bảo, sau là từ chối. Đây là lời sai bảo. Tô-đạt-đa, Hán dịch là Thiện Thí, vì hay khéo léo ban thí cho kẻ bần cùng cô độc, tâm không bỏn sẻn cho nên gọi là Thiện Thí. Bản xưa gọi là Thiện Đức, thì danh nghĩa hơi trái.

Kinh: Tô-đạt-đa… không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Đây là lời từ chối, gồm ba phần: Đầu tiên là nêu tổng quát về đạo lực đã bị khuất phục. Ông lập hội bố thí tài vật, là cầu phước báu thế gian; Ta dạy lập hội bố thí pháp, khiến cầu đạo xuất thế, cho nên đạo thì cùng lý thì khuất, vì thế mà từ chối.

Kinh: Vì sao?… hết kỳ hạn bảy ngày.

Tán: Hiển riêng về lý cùng, gồm hai: Tự hỏi và giải thích. Trong phần hiển có hai:

  1. Trình bày việc của mình.
  2. Thuật lời của Vô Cấu.

Đây là lời tự hỏi và nêu việc của mình. Từ tức là cầu nguyện, hội tức tập hội. Tài bảo và thức ăn đều dâng hết, để cầu được quả báo thù thắng, và mọi người đều tập trung vào một nơi, cho nên gọi là từ hội; chẳng phân biệt tăng tục, cho nên có Sa-môn và Bà-la-môn, chẳng chọn lựa chánh tà, cho nên có ngoại đạo. Chẳng phân biệt người bần cùng, cho nên có người hành khất, cô độc. Không có cha mẹ gọi là cô, không có con, em là độc. Tâm cầu phước thế gian, cho nên chỉ kỳ hạn bảy ngày là xong.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… đâu cần dùng hội tài thí cầu khẩn.

Tán: Hiển thị lời của Vô Cấu, gồm có bốn:

  1. Khuyên chung về việc bỏ tài mạng tu pháp thí.
  2. Hiển riêng về tướng của các hạnh pháp thí.
  3. Hai trăm Phạm chí phát đại tâm.
  4. Thiện Thí vui mừng ban thí chuỗi anh lạc…

Đây là văn thứ nhất. Cách tài thí mà ông làm hôm nay là không đúng, cần phải lập pháp hội mà bỏ tài thí.

Kinh: Con nói, thưa cư sĩ… hội pháp thí

Tán: Trình bày riêng về tướng của hội pháp thí, gồm có ba:

  1. Hỏi.
  2. Đáp.
  3. Kết luận lợi ích thù thắng. Đây là lời hỏi.

Kinh: Ông ấy trả lời… hội pháp thí.

Tán: Đây là lời đáp, gồm có ba:

  1. Đáp chung.
  2. Tự hỏi.
  3. Giải thích rộng.

Đây là phần đáp chung. Thời gian thì chẳng trước sau để hiển tâm bình đẳng; thực hành mỗi một hạnh thì cảm đạt quả lợi lớn, cúng dường tất cả thì hiển nhân nơi cảnh mà biến chuyển thì quả cũng to lớn.

Kinh: Việc ấy thế nào?

Tán: Lời tự hỏi.

Kinh: Nghĩa là dùng… dẫn phát tâm xả lớn.

Tán: Đây là phần giải thích rộng, gồm ba mươi hai câu. Phân làm năm: Bốn câu đầu nói về hạnh vô lượng. Sáu câu kế nói hạnh Ba-lamật. Ba câu kế nói hạnh đẳng trì; chín câu kế nói hạnh tạp tu; mười câu sau cùng nói về hạnh thứ tự. Đây tức đoạn đầu. Thuyết niềm vui Bồ-đề ban phát cho chúng sinh gọi là Từ, vì thuyết trí giác dẫn phát đại Từ. Giải thoát tướng khổ dẫn phát đại bi, tức nhổ trừ tội khổ cho chúng sinh khiến họ được giải thoát, do thuyết Niết-bàn mà dẫn sinh đại bi. Bản xưa ghi là “Vì cứu chúng sinh”, nên bạt khổ, kính ngưỡng khiến được giải thoát. Muốn khiến chúng sinh đều tùy hỷ, dẫn phát tâm đại Hỷ. Bản dịch xưa ghi: “Vì giữ gìn chánh pháp mà khởi tâm hỷ”, nên tại tâm xả mà khiến cho xa lìa. Chánh pháp tức pháp giáo, lý, hạnh; đối với chánh pháp nên khiến nhiếp thọ. Vả lại nên khiến cho ở nơi quả pháp chánh trí mà dẫn phát đại Xả, tức là khiến xả bỏ tham, sân, si mà nhiếp thọ chánh pháp. Bản xưa văn khác biệt, ý nghĩa cũng chẳng đồng.

Kinh: Dùng thiện tịch tĩnh… Ba-la-mật-đa.

Tán: Đây là hạnh sáu Ba-la-mật. Khiến các chúng sinh trừ xan tham… Khéo tu tịch tĩnh điều phục tâm hành, dẫn phát sự bố thí. Giáo hóa người phạm giới tức dẫn sinh tịnh giới.

Kinh: Dùng tất cả pháp… Ba-la-mật-đa.

Tán: Nếu có ngã thì chẳng thể kham nhẫn, vì thấy có khổ lớn, cho nên không có tướng ngã thì dẫn phát sự kham nhẫn. Nếu chấp trước thân tâm thì chẳng thể tinh tấn, mà sinh mệt mỏi; xa lìa tướng thân tâm, thì có thể tinh tấn, chẳng sợ lao nhọc.

Kinh: Dùng giác chi tối thắng… Ba-la-mật-đa.

Tán: Thất giác vô lậu ắt nương vào tịnh lự, cho nên giác chi dẫn phát thiền định. Bản xưa ghi là Bồ-đề tức là Bồ-đề phần. Nghe hai trí của Phật, nhất định sẽ chứng ngộ, cho nên dẫn phát Bát-nhã.

Kinh: Dùng việc hóa độ tất cả chúng sinh… dẫn phát vô nguyện.

Tán: Đây là hạnh, đẳng trì gồm ba câu. Thấy có chúng sinh, thì chẳng thể hóa độ, vì độ chúng thì cũng chẳng bền chắc. Quán ngã như không cho nên thường hóa độ. Vì thế dùng tướng hóa độ mà dẫn phát không, hữu vi hữu tướng thì tâm thần nhiễu loạn, vì đối trị việc này, cho nên dẫn phát tu vô tướng. Bản dịch xưa ghi: “Chẳng xả hữu vi”, thì trái ngược với bản này. Bồ-tát thường ở nơi hai cõi Dục và sắc tùy loại mà hóa sinh, gọi là cố tác ý thọ sinh hành tướng; dẫn phát vô nguyện, vốn chẳng nguyện cầu thọ sinh nơi ba cõi, gọi là cố tác y.

Kinh: Dùng sự khéo nhiếp thọ… dẫn phát vô mạn.

Tán: Đoạn này nói về hạnh tạp tu gồm chín câu. Lực có hai loại là tư trạch và tu tập. Dùng hành tướng nhiếp thọ chánh pháp mà dẫn phát hai lực tư trạch và tu tập. Mạng căn có hai:

  1. Mạng căn thế gian, tức chủng tử thức thứ tám.
  2. Mạng căn thắng nghĩa tức chủng tử tuệ.

Khéo tu tập các pháp nhiếp, tùy thuận các hành tướng sai biệt thích hợp mà dẫn phát hai mạng căn này. Bản xưa, lời văn hỏi có sai khác. Bồ-tát trì giới, đối với loài hữu tình tâm không cống cao, mà như nô bộc, như Chiên-đà-la, như người con hiếu thảo. Cho nên như kẻ nô bộc mà dẫn phát tâm vô mạn (ngã mạn).

Kinh: Dùng pháp chẳng chắc thật… dẫn phát chánh niệm.

Tán: Tài sản sinh tử hữu lậu gọi là pháp chẳng chắc thật, tài sản xuất thế vô lậu gọi là pháp chắc thật, dùng cái này đổi lấy cái kia, cho nên gọi là mậu dịch. Đem thân mạng tài hữu lậu không chắc thật đổi lấy thân mạng tài hữu lậu chắc thật. Sáu tùy niệm là Phật, Pháp, Tăng, Thí, Giới, Tu, tùy theo giác mà duyên với sáu pháp này cho nên gọi là tùy niệm. Do tùy niệm mà niệm vô lậu sinh khởi, gọi là dẫn chánh niệm.

Kinh: Dùng tu tập các pháp tịnh diệu… dẫn phát tịnh mạng.

Tán: Quán hành tướng tịnh diệu của các pháp vô lậu mà dẫn phát tâm ý lạc tín giải. Bản xưa ghi: Nơi sáu pháp hòa kính mà khởi tâm chất trực. Sáu hòa kính là thân, ngữ, ý, giới, thí và kiến; đồng mà cung kính nhau nên gọi là sáu hòa kính, vì thế khởi tâm chất trực. Nghĩa tuy như thế, nhưng văn còn thiếu. Tướng ba nghiệp chân chánh mà dẫn phát tịnh mạng, chẳng dùng tham sân… dẫn phát tà mạng.

Kinh: Dùng tịnh hoan hỷ… dẫn phát tâm điều phục.

Tán: Dùng thiện hoan hỷ, lại thích thân cận, cho nên có thể phụng sự các bậc Hiền Thánh; dùng hành tướng chẳng ganh ghét người chẳng bài xích bậc Thánh để điều phục tự tâm, chẳng sinh sân nhuế.

Kinh: Dùng thiện thanh tịnh… thiện xảo đa văn.

Tán: Đoạn này gồm mười câu nói về hạnh thứ tự. Vì khéo xuất gia, nên tâm sinh tin hiểu, thường tu trung đạo, dẫn phát đa văn. Chẳng đa văn thì chẳng biết trung đạo, tự có đa văn chẳng có thiện xảo. Có dụng diệu tuệ mà đa văn gọi là xảo đa văn. Đã xuất gia, thì kế đến được nghe pháp.

Kinh: Dùng pháp vô tranh… dẫn phát yên tọa.

Tán: A-luyện-nhã Xứ, Hán dịch là Nhàn tịch Sở. Bản xưa ghi là A-lan-nhã, tức là nơi vắng vẻ cách xa thôn xóm khoảng hai dặm trở lên. Do trụ nơi đây, nên chẳng cùng cạnh tranh với người nên tu được hạnh vô tránh. Vì thế muốn thông đạt được pháp tướng vô tránh, dẫn phát việc ngồi nơi vắng vẻ, thì phải cầu trí Phật, dẫn phát yên tọa. Yên tọa định tâm thì trí phát sinh.

Kinh: Dùng chánh dứt trừ… diệu phước tư lương

Tán: Du-già, Hán dịch là tương ưng, giáo và lý, tâm và cảnh, định và tuệ, nhẫn và quả, thuốc và bệnh, đều có thể thuận nhau cho nên gọi là Tương ưng. Sư tức là hành giả học hạnh tương ưng này. Các sư Dugià gọi là Du-già Sư. Địa là sở y của sư, cho nên gọi là Du-già Sư Địa. Tức tùy thuận cảnh hạnh quả tương ưng với các pháp của ba thừa. Vì dứt trừ phiền não mà dẫn phát các địa này. Bản dịch xưa gồm chung ba mươi hai tướng quý, tám mươi vẻ đẹp phụ và thành thục hữu tình, trang nghiêm cõi Phật, dẫn phát diệu phước. Diệu phước tư lương chiêu cảm ba quả.

Kinh: Dùng hành tướng biết tất cả tâm hành của hữu tình… diệu tuệ tư lương.

Tán: Trí tức Ba-la-mật thứ mười, có hai loại:

  1. Thọ pháp lạc.
  2. Thành thục hữu tình.

Vì biết tâm hành sai biệt của hữu tình mà thuyết pháp dẫn phát trí độ. Tuệ tức Ba-la-mật-đa thứ sáu, tức tuệ vô sai biệt, đối với tất cả pháp không lấy không bỏ. Nhất chánh môn tức là chân như, nên ngộ nhập vào đó mà dẫn phát diệu tuệ.

Kinh: Dùng hành tướng đoạn tất cả phiền não tập khí… pháp Bồđề phần.

Tán: Phiền não thô gọi là tập khí, các pháp bất thiện đều gọi là chướng ngại, vì ngại thắng pháp. Vì đoạn trừ được thì liền dẫn phát và chứng đắc tất cả pháp thiện. Nhất thiết trí trí tức hai trí của Phật. Tất cả pháp thiện tức công đức của thân Phật. Vì tùy giác, nhân nơi tướng tư lương này mà dẫn phát, chứng ngộ tu hành. Tất cả pháp Bồ-đề phần tu tập là nhân Bồ-đề, đều có thể dẫn nhiếp cho nên gọi là Nhất thiết (tất cả).

Kinh: Thiện nam! Các ông… hội pháp thí.

Tán: Phần thứ ba, kết luận được lợi ích thù thắng, gồm có hai:

  1. Kết luận.
  2. Lợi ích.

Đây là văn thứ nhất.

Kinh: Nếu các Bồ-tát… trời người cúng dường.

Tán: Đây là nói về lợi ích. Tâm hành rộng lớn gọi là Đại thí chủ. Do thực hành cầu xuất thế có lợi ích rất nhiều, nên được trời người cúng dường.

Kinh: Thế Tôn… tâm Chánh đẳng giác.

Tán: Đoạn thứ ba, nói về việc hai trăm Phạm chí phát tâm Đại thừa.

Kinh: Lúc bấy giờ con khen… ân cần dâng cúng.

Tán: Đoạn thứ tư, nói về Bồ-tát Thiện Thí hoan hỷ cúng dường chuỗi anh lạc…, gồm năm phần:

  1. Vui vẻ cúng dường.
  2. Chẳng nhận.
  3. Lại dâng cúng.
  4. Mới nhận.
  5. Lợi ích.

Đây là văn thứ nhất. Tâm không dối trá gọi là tịnh hoan hỷ. Hình tướng thế tục thấp kém, vị nhỏ cho nên kính lễ. Vật dùng để biểu thị tình cảm; lại cởi chuỗi anh lạc giá trị trăm ngàn là hiển thị tâm ân cần sâu nặng, cảm tạ ân đức, cho nên ân cần phụng hiến.

Kinh: Ông ấy không chịu nhận.

Tán: Thứ hai, nói về chẳng nhận. Tâm không đắm trước, tình cũng chẳng tham, cho nên đầu tiên không nhận.

Kinh: Con nói rằng: Thưa Đại sĩ!… tùy ý ban cho.

Tán: Lại dâng cúng. Thương xót cho tâm của tôi, nguyện xin nhận lãnh; tâm không tham trước, thì tùy ý ban cho ai cũng được.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng… Nan Thắng Như Lai.

Tán: Thứ tư, mới thọ nhận, gồm hai ý:

  1. Nhận của mình ban cho người khác tu hành.
  2. Việc xong thuyết về pháp thí.- Trong phần đầu lại có hai:
  3. Nhận của mình ban cho người.
  4. Hiện thần lực.

Đây là văn thứ nhất. Chẳng trái tâm người cho nên mới thọ nhận; hiển thị mình không tham trước, cho nên mới ban cấp cho người, kính và Bi đều cùng tột cho nên phân làm hai phần để thí.

Kinh: Dùng sức thần thông… Nan Thắng Như Lai.

Tán: Đây là nói về thần lực.

  1. Thấy ruộng tốt.
  2. Thấy vật biến đổi.

Đây là đoạn nói về thấy ruộng tốt. Thế giới hư huyễn, cho nên gọi là sóng nắng. Ruộng Phật là bậc nhất tức Nan Thắng Như Lai.

Kinh: Thấy vật thí… rất yêu thích.

Tán: Đây là thấy vật thí biến hiện. Cho người bần cùng thì vẫn như cũ, cúng dường cho Phật thì vật lại biến, cho nên nói là một phần. Hiển tùy thuận Phật tức được xuất thế; chẳng tùy Phật tức sinh tử vẫn như cũ. Trong hư không hóa hiện, gọi là cõi Phật, chứng nhân pháp đều không, thường trụ ở pháp giới; mỗi phương một đài, cho nên nói bốn đài tức bốn đế vô lượng, giáo hóa bốn loại sinh. Trang nghiêm đều đầy đủ cho nên gọi là đẳng phần, bình đẳng cứu độ không thiên lệch. Các báu vật trang nghiêm xen kẻ nhau cho nên gọi là gián sức. Do phước tuệ này đầy đủ mà thành tựu như thế. Làm mắt vui, tâm ưa thích cho nên gọi là khả ái lạc. Đó là chỗ quý trọng của chúng sinh.

Kinh: Hiện như thế… pháp thí kỳ nguyện.

Tán: Nói về việc thí đã xong thì thuyết pháp thí. Phàm pháp thí, thì tâm thấp kém, ắt do ruộng tốt cho nên tốt, ruộng xấu ắt do tâm tốt cho nên tốt, ruộng Phật và tâm thí cả hai đều tốt. Ruộng bi và tâm thí tốt, cho nên tốt. Vì thế thí cho người ăn xin cũng như tướng Như Lai, không phân biệt, tâm thù thắng bình đẳng, nguyện dùng tâm rộng lớn ban cho niềm vui và diệt trừ khổ não, ban phát khắp tất cả. Chẳng cầu quả báo sinh tử trong ba cõi, mà hồi hướng đến Bồ-đề, gọi đó là pháp thí mãn, trừ pháp ấy ra thì không thể viên mãn.

Kinh: Lúc bấy giờ người ăn xin… tâm Chánh đẳng giác.

Tán: Đoạn thứ năm nói về lợi ích. Bất thoái địa, tức là Tín thứ sáu trong mười tín, có lòng tin bất thoái, tín bất thoái này tức là thắng tín giải trong tăng thượng ý lạc. Đã được ý lạc này thì liền phát tâm Đại thừa.

Kinh: Đức Thế Tôn… đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Kết luận nguyên do từ chối, tự thân kém sút xin thoái lui.

Kinh: Như vậy, Đức Thế Tôn… đến vấn an bệnh ông ấy.

Tán: Đoạn thứ hai, cuối phẩm là phần sai bảo các vị Bồ-tát khác, đều từ chối chẳng kham nhận. Gồm hai phần:

  1. Sai bảo chung.
  2. Từ chối chung.

Đây là phần thứ nhất.

Kinh: Các vị Bồ-tát này… không kham nhận đến thăm bệnh ông ấy.

Tán: Đây là phần tất cả đều từ chối.