THUYẾT VÔ CẤU XƯNG KINH SỚ

Hán dịch: Đời Đường, Sa-môn Khuy Cơ, chùa Đại Từ ân.

PHẨM 9: BẤT NHỊ PHÁP MÔN

Phẩm Bồ-đề Phần và phẩm này đều nói về chân thật nghĩa xứ là môn tự lợi. Phẩm trước nói về sự hạnh thế tục thuộc chân thật hữu vi, phẩm này nói về lý hạnh xuất thế thuộc Chân thật vô vi. Hành lợi tha ắt là vì tự lợi. Muốn chứng lý thì trước phải tu sự, hai có nghĩa là sai biệt, hai và chẳng hai đều là hai; một, ba, bốn gọi là chẳng phải hai. Bồ-tát Hoa Nghiêm… cho một là hai; Bồ-tát Pháp Tự Tại cho hai là hai; Bồ-tát Thậm Thâm Giác… cho ba là hai; Bồ-tát Quang Tràng cho năm là hai; Bồ-tát Hỷ Kiến… cho sáu là hai; căn cứ theo các chấp một… cho nên đều gọi là hai.Ở đây trừ phân biệt và các sai biệt sự thì gọi là Bất nhị. Nhờ vào danh từ hai mà biểu thị hai và chẳng hai, chẳng phải do nói thể của hai mà chỉ trình bày hai. Đầu tiên có mười sáu vị Bồ-tát cho hai là hai, sau có mười lăm vị Bồ-tát lấy chẳng hai làm hai. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lấy lời nói và tâm làm hai; Vô Cấu Xưng lấy hữu thuyết làm hai, đến đoạn sau sẽ biết. Không Lý Nghĩa ghi: “Tánh không không sai biệt, tục vọng có sai biệt, nay nói chân đồng tánh và tục vọng có sai biệt khác nhau, cho nên nói pháp chẳng hai. Không này tức là môn, duyên nơi đây thì hay sinh ra trí chân không, mà nói về chân tánh thì chẳng hai chẳng phải chẳng hai. Nay ngăn che pháp hai vọng, cho nên nói pháp chẳng hai. Vọng thì chẳng sinh trí không, chân thì mới sinh trí không. Ngăn trừ chẳng phải môn, cho nên chẳng phải môn gượng nói là môn. Phẩm này nói rộng về việc trên cho nên gọi là phẩm Pháp Môn bất nhị”. Ứng Lý Nghĩa ghi: “Tục sự và lý vọng sở chấp đều khác nhau, chân lý chẳng hư vọng, cho nên chẳng phải vọng có khác nhau. Nay nêu rõ lý chân như vô tướng chỉ là một, e rằng nghe một liền chấp nhất định có một, mà chẳng nói nơi một chỉ là nói để ngăn dứt vọng khác nhau, vì thế mà phải nói chẳng hai. Lý chẳng hai, có thể làm khuôn mẫu, cho nên gọi là pháp. Pháp này thông từ sinh tử đến trí giải vô lậu, nên đặt tên là môn. Theo thật lý thì chân như chẳng phải chẳng hai, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, chẳng phải môn chẳng phải chẳng môn. Ngăn trừ hai cho nên phải lập chẳng hai, ngăn dứt phi pháp cho nên lập pháp, dứt trừ chẳng phải môn cho nên lập môn, phẩm này bàn rộng về việc ấy nên gọi là phẩm Bất Nhị Pháp Môn.

Kinh: Bấy giờ, Vô Cấu Xưng… mỗi mỗi tùy ý thích mà nói ra.

Tán: Toàn phẩm gồm hai đoạn lớn:

  1. Nói pháp môn bất nhị.
  2. Vào pháp môn bất nhị. Tức là câu “Vô Cấu Xưng vào pháp môn bất nhị…”.

Trong đoạn lớn thứ nhất lại có hai:

1. Vô Cấu Xưng hỏi, các Bồ-tát nói pháp môn bất nhị.

2. Các Bồ-tát hỏi, ngài Diệu Cát Tường nói pháp môn bất nhị. Hoặc nói ba mươi mốt vị Bồ-tát dùng phân biệt chấp làm hai, lý vô phân biệt làm chẳng hai, trí hội được lý này gọi là vào pháp môn bất nhị. Ngài Văn-thù dùng ngôn thuyết làm hai, pháp tánh lìa ngôn thuyết làm chẳng hai, trí đạt được tánh này là vào chẳng hai. Vô Cấu Xưng thì cho giả trí và ngôn thuyết đều là hai, chân như các pháp mới là chẳng hai; chánh trí chứng chân gọi là vào chẳng hai. Cho nên mỗi mỗi khác nhau.

Trong phần một lại chia làm hai, là hỏi và đáp. Đây là lời hỏi. Nhập (vào) tức là chứng là thấu hiểu. Chứng hiển chân lý gọi là vào chẳng hai, mỗi mỗi tùy theo biện tài, tùy theo ý thích mà luận nói.

Kinh: Bấy giờ, trong chúng hội… lần lượt giải nói.

Tán: Đây là phần đáp, có hai:

  1. Lược nêu.
  2. Nói rộng.

Đây là lược nêu.

Kinh: Bấy giờ, có Bồ-tát tên là Pháp Tự Tại… pháp môn bất nhị.

Tán: Nói rộng, gồm có ba mươi mốt vị Bồ-tát, đáp riêng câu hỏi đã nêu. Trong mỗi lời đáp toàn văn đều chia làm bốn phần:

  1. Nêu tên Bồ-tát.
  2. Trình bày pháp hai.
  3. Nói về pháp chẳng hai.
  4. Tổng kết.

Nhưng Không Lý Nghĩa đều cho tục vọng có hai, chân không thì không hai. Ứng Lý Nghĩa thì cho y tha sở chấp có hai, chân như Viên thành thật chẳng hai. Hai nghĩa này, văn giải thích về ngăn trừ chấp trước tuy đồng mà ý nghĩa lại khác, sợ dài dòng nên ở đây không đối chiếu phân biệt, mỗi mỗi điều sớ, người đọc văn có thể biết rõ.

Sinh diệt là hai, lý là chẳng hai, chứng đắc chánh trí vô sinh này gọi là nhẫn. Sơ địa trở lên, nhẫn này chứng chân như vào chẳng hai. Không Lý Nghĩa ghi: “Không thì vô, hữu thì có”. Ứng Lý Nghĩa ghi: “Lý thì không, sự thì có hai, vì sinh diệt là hai, cho nên chẳng lìa phân biệt”.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Thắng Mật… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Phân biệt ngã và ngã sở gọi là hai, lý không hai gọi là chẳng hai, chứng được lý không hai này gọi là vào chẳng hai. Dưới đây đều là dùng lý để ngăn dứt chấp hai, cho nên nói chẳng hai. Vì thế trong hai đều nói là phân biệt. Bản dịch xưa không ghi từ phân biệt, là ý còn giữ lý không.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Vô Thuấn… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Hữu thủ tức chấp trước, vô thủ tức không chấp trước. Phân biệt có chấp trước và không chấp trước là hai. Nếu có chấp trước tức có sở đắc, vì có sở đắc nên có tăng giảm, có tăng cho nên có khởi và tạo tác, có giảm cho nên có thôi dứt. Nếu liễu ngộ không chấp trước, tức không có sở đắc, không có sở đắc tức không có tăng giảm, không tăng giảm tức khởi không diệt. Vì thế trong các pháp không có chỗ chấp trước, không có tâm chấp trước. Đạt được lý này tức gọi là vào chẳng hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Thắng Phong… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Tịch diệt tích tức là chân lý, lý tức là dấu tích của trí. Trí dụ như chân, vì hay bước đi; lý là dấu vết, dấu bước đi.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Diệu Tịnh… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Tán động tức là tâm giong ruổi theo ngoại cảnh. Tư duy tức là nhiếp niệm và duyên bên trong. Đầu tiên thấu hiểu được không hai, thì đã có tác ý, sau trụ nơi chẳng hai thì không tác ý.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Diệu Nhãn… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Nhất tướng tức là lý cộng tướng không, vô ngã… vô tướng tức chân như liễu tri các pháp, không có cộng tướng, cũng không có tự tướng, tự tướng tức là tướng sai biệt. Biết rõ hai tướng hữu vi cộng và tự này đều không, cũng là thể không chân không tướng, biết được lý hữu vi và vô vi này, hai trí bình đẳng thì gọi là vào chẳng hai. Cộng tướng tự tướng đều là hữu vi, đối lại là vô vi, cho nên gọi là hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Diệu Tý… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Hai tâm nhân duyên của Bồ-tát và Thanh văn, tánh của tâm này như huyễn, đạt được lý hai như huyễn này gọi là vào chẳng hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Dục Dưỡng… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Thiện và chẳng thiện không có chỗ sinh khởi, hai pháp hữu tướng và vô tướng này đều bình đẳng, không có thiện để lấy, không có ái để xả bỏ, liễu tri như thế gọi là vào chẳng hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Sư Tử… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Có tội thì gọi là trói buộc, không tội gọi là giải thoát, dùng trí kim cang vô lậu để đạt được không có trói buộc giải thoát, thì gọi là vào chẳng hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Sư Tử Tuệ… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Hữu tưởng tức tưởng hữu lậu, vô tưởng tức là tưởng vô lậu. Hoặc hữu lậu sinh, gọi là hữu tưởng, vô lậu sinh gọi là vô tưởng, hoặc có tâm tưởng gọi là hữu tưởng, không có tâm tưởng gọi là vô tưởng.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Tịnh Thắng Giải… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Xa lìa tất cả các hành hữu vi, sinh khởi giác tuệ, tức là trí quán vô vi như không, cùng cực thanh tịnh. Hoặc xa lìa hạnh hữu vi, tức trí vô vi giác tuệ như không, cùng cực thanh tịnh đã không có chỗ chấp trước, cũng không có chỗ ngăn dứt gọi đó là vào chẳng hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Na-la-diên… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Có thể hủy hoại nên gọi là thế gian, đối lại là xuất thế gian. Thấu suốt thế gian là không thì đầu tiên chẳng có nhập sau chẳng có xuất. Vì chẳng nhập nên chẳng theo dòng sinh tử; bản xưa nói dật tức trôi theo dòng, vì chẳng xuất, cũng không tan rã tiêu diệt nên lìa thế gian, cảnh đã như thế, nên tâm cũng không chấp trước.

Kinh: Lại có Bồ-tát Điều Thuận Tuệ… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Biết sinh tử không, vốn không lưu chuyển cũng không có Niết-bàn. Hai cảnh vốn không thì phân biệt liền diệt.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Hiện Kiến… thì gọi là vô tận.

Tán: Đây có hai phen giải thích, phen thứ nhất liễu tri không có tận và vô tận, cần phải rốt ráo tận mới gọi là tận, tức phiền não… pháp rốt ráo tận gọi là hữu tận, đã rốt ráo tận, lại chẳng thể được gọi là thường tận, thì đó gọi là vô tận, có hữu tận thì không có vô tận, thể vô tận liền không, vô tận tức hữu tận nên hữu tận cũng không có thể, cho nên cả hai đều không.

Kinh: Vả lại hữu tận… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Đây là phen giải thích thứ hai. Đoạn trước là căn cứ theo tương tục để giải thích bất nhị, đây là căn cứ theo sát-na; hoặc trước căn cứ theo pháp nhiễm, đây là căn cứ theo pháp tịnh. Một sát-na tạm thời diệt thành không, nhất định là không có tận tức vô tận, trong một sát-na không có hữu tận thì vô tận cũng không, liễu tri cả hai vốn không, phân biệt chẳng khởi, gọi đó là chẳng hai. Xưa nói: “Nếu rốt ráo tận thì lại chẳng thể tận”, cho nên hữu tận tức là vô tận.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Phổ Mật… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Thể của ngã và vô ngã, tánh của nó đều không, chẳng thể luận là hai, phân biệt hai này gọi là hai, rõ biết hai cảnh đều không thì sự phân biệt kia đoạn diệt. Trí đạt được lý này gọi là vào pháp môn bất nhị.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Điện Thiên… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Rõ biết vô minh bản tánh vốn không, lý tức là minh, chấp hai pháp này là thật đều chẳng thể được, chẳng thể tính lường là có, siêu việt con đường tính lường, quán hai pháp này chẳng hai, gọi là vào chẳng hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Hỷ Kiến… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Mười sáu vị Bồ-tát kể trên lấy hai làm hai, còn mười lăm vị Bồ-tát từ đây trở xuống là lấy chẳng phải hai làm hai, hoặc có thể nói chung lấy hai làm hai, năm uẩn là một, không là một, văn sau sẽ biết rõ. Không Lý Nghĩa ghi: “Tánh thủ uẩn thế tục tức chân không, Thể của không và uẩn không khác nhau; thủ uẩn hiện tại tức có chân không, chẳng phải uẩn diệt rồi mới có tánh không. Do đó mà nói ngay nơi sắc là không, chẳng phải sắc diệt mới thành không; đây là phá hai chấp:

1. Chấp ngoài sắc của thế tục riêng có chân không, vì phá chấp này, cho nên nói tức sắc là không, sắc và không chẳng khác.

2. Chấp sắc của thế tục diệt rồi mới có chân không, vì phá chấp này nên nói chẳng phải sắc diệt rồi mới thành không, mà uẩn hiện tiền đã có không. Ứng Lý Nghĩa ghi: “Lược có hai cách giải thích: Một là sắc sở chấp tức là không, sắc không chẳng có hai thể, chẳng phải sắc sở chấp diệt rồi mới có không, khi sắc tướng hiện tiền tánh của nó đã không. Sắc đã là sắc sở chấp, không cũng là không vô; hai là sắc sở chấp và sắc y tha đều là chân như không, thể không và chân như chẳng riêng khác, cũng chẳng phải hai sắc diệt rồi mới có chân như không, khi hai sắc hiện tiền, chân như đã có. Đã không có hai pháp khác nhau nên gọi là vào pháp môn bất nhị.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Quang Tràng… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Bốn giới tức đất, nước, lửa, gió. Không thì Không Lý Nghĩa ghi: “Không tức là tánh chân không” Ứng Lý Nghĩa ghi: “Sở chấp tức không vô, chân như là tánh không”. Căn cứ theo hai cách giải thích thủ uẩn và không ở trước thì mé trước, khoảng giữa và mé sau, quá khứ vị lai và hiện tại, tánh của nó đều không đảo lộn tức là chân lý.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Diệu Tuệ… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Nhãn và sắc, phân biệt là hai cho đến ý và pháp, phân biệt là hai vì căn cảnh đối đãi. Rõ biết tánh của sáu pháp hai này đều không; kiến và nhãn tánh không, đối với cảnh chẳng khởi ba độc, cho đến ý và pháp cũng như thế; kiến đã an trụ vắng lặng nên gọi là vào chẳng hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Vô Tận Tuệ… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Bố thí là một, hồi hướng nhất thiết trí tánh là một, cho nên gọi là hai. Nhất thiết trí tánh tức lý chân như, là thể của trí. Biết bố thí… là tánh chân như, cho nên gọi là chẳng hai.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Thậm Thâm Giác… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Không quán ngã… là Không, Vô tướng, Vô nguyện, duyên vô vi hữu vi là hữu; rõ biết ngã không đều không có tướng, trong vô tướng này cũng không có nguyện, trong vô nguyện này thì tâm ý thức đều không thể khởi, sở thủ không, năng thủ cũng không, lại chẳng ngoài vô nguyện mà sinh tâm, vì không tức là vô nguyện. Kinh Lăng-già ghi: “Tàng thức gọi là tâm, tánh suy lường là ý, rõ biết các tướng cảnh, là thức”. Như thế đối với một môn không, giải thoát gồm thâu ba pháp. Thông đạt được lý này gọi là vào chẳng hai. Luận Thành Duy Thức ghi: “Không, Vô tướng, Vô nguyện, đối với biến kế sở chấp, y tha và viên thành hoặc đều là duyên chung, hoặc là thứ tự duyên riêng biệt”. Đây là căn cứ theo duyên chung nên gọi là chẳng hai, cho đến Vô nguyện cũng là Không, Vô tướng, đều căn cứ theo đây mà biết.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Tịch Tĩnh Căn… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Phật là trước, Pháp, Tăng là sau, Tam bảo, có thể riêng biệt, phân biệt là hai; rõ biết Phật tức Pháp, Tăng, Tam bảo đồng thể đều là tướng vô vi bình đẳng như hư không không đâu chẳng có. Các pháp cũng như thế, đều là tánh chân như, gọi đó là chẳng hai. Nghĩa của đồng thể Tam bảo như trước đã giải thích.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Vô Ngại Nhãn… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Tát-ca-da là thân hư giả; diệt tức là chân lý. Thân hư giả và như, phân biệt là hai, biết thân hư giả tức là diệt, chẳng khởi kiến chấp thân hư giả, cho nên đối với thân hư giả và diệt không có phân biệt chung và phân biệt riêng, chứng ngộ hai chân như, tánh của nó rốt ráo diệt, không nghi ngờ, không kinh sợ. Nếu chấp có thân kiến thì có hoài nghi, lại có kinh sợ.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Thiện Điều Thuận… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Hai sắc thân ngữ và phi sắc là ý, phân biệt là hai. Không Lý Nghĩa ghi: “Rõ biết ba pháp này vốn không đều không có tướng tạo tác, không có tướng tạo tác nên hai tướng đó chẳng hai, thân không tức ngữ không, ngữ không tức ý không, ý không tức tất cả pháp không. Nếu có thể tùy thuận vào tất cả pháp không, không có tướng tạo tác thì gọi đó là vào chẳng hai”. Ứng Lý Nghĩa ghi: “Rõ biết ba luật nghi vốn là tánh chân như, đều không tạo tác, thân chân như tức ngữ chân như, ngữ chân như tức ý chân như, ý chân như tức nhất thiết pháp chân như, có thể tùy nhập vào chân như không tạo tác, gọi đó là vào chẳng hai.”

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Phước Điền… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Các nghiệp bất thiện có thể nhàm chán phá hủy nên gọi là tội hạnh; thiện nghiệp ở cõi Dục có thể ưa thích yêu mến cho nên gọi là phước hạnh; các thiện định tâm ở cõi Sắc và Vô sắc trụ ở một cảnh nên gọi là bất động hạnh. Hai cõi định và tán phân biệt là hai. Về tướng vô tác, tức là tướng vô tác của không, ly tức là tánh chân không, tướng vô tác của ứng lý, tánh của nó tức chân như. Cho nên trong “không” này không có ba pháp sai biệt.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Hoa Nghiêm.. vào pháp môn bất nhị.

Tán: Các vị Bồ-tát này đều lấy một làm hai. Tất cả pháp hai này tức là tất cả pháp phân biệt sai biệt đều từ ngã sinh khởi. Biết được lý ngã chân thật tức chẳng khởi hai. Vì chẳng khởi hai thì không có năng liễu, không có năng liễu thì không có sở liễu, gọi đó là vào chẳng hai, không có đầu cuối sai biệt,

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Thắng Tạng… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Pháp hai tức là tất cả phân biệt sai biệt. Có sở đắc tức bản kiến có tướng, nếu rõ biết bản có sở đắc thành không có sở đắc, thì không có khởi các kiến chấp lấy bỏ, đầu cuối sai biệt hai, đã không có lấy bỏ là hai, gọi đó là vào pháp môn bất nhị.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Nguyệt Thượng… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Thấu suốt được chân lý thì không có tối sáng, tối sáng đã không hai, như ở diệt định vô tâm, không còn tâm lậu minh, không còn tâm lậu ám, tất cả đều không phân biệt, cho nên nêu lên làm dụ.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Bảo Ấn Thủ… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Rõ biết sinh tử Niết-bàn vốn là tánh chân lý không hai, thì không có thích hay chán. Lý rốt ráo tức sinh tử chẳng có trói buộc, Niếtbàn chẳng phải giải thoát, thì đâu có gì thích và chán.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Châu Kế Vương… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Khéo trụ nơi chánh đạo, thì tà đạo liền diệt, chẳng còn hiện hành. Nếu thấy có tà đạo thì thấy có chánh đạo. Tà đạo đã chẳng thấy hiện hành, thì làm sao có chánh đạo được? Hai cảnh đã không hai năng giác chẳng có, không có giác hai, gọi là vào giáp môn bất nhị.

Kinh: Lại có Bồ-tát tên là Đế Thật… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Hư giả tức là các việc hữu vi, thật tức là lý vô vi. Lý đế thật có thể chứng ngộ còn chẳng thể thấy là thật, huống là pháp hư giả chứng ngộ mà có thể thấy ư? Tánh chân lý này nhục nhãn chẳng thể thấy, chỉ tuệ nhãn mới có thể thấy được. Khi tuệ nhãn vô phân biệt tri chứng ngộ, thì đối với tất cả đều không còn phân biệt, chẳng thấy chẳng phải không thấy, gọi đó là vào chẳng hai.

Kinh: Như thế các vị Bồ-tát trong hội… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Từ đây xuống là phần thứ hai, các vị Bồ-tát hỏi ngài Diệu Cát Tường nói về pháp môn bất nhị. Đầu tiên kết luận nghĩa trước phát sinh ý sau để làm câu hỏi, kế đến là tùy theo câu hỏi mà trả lời. Từ câu “mỗi mỗi lại trình bày riêng…”, trở lên là kết luận ý trước, từ câu “đồng thời đều hỏi rằng…” trở xuống là phát sinh ý sau để làm câu hỏi. Khách đến ở giai vị thấp thì giải thích đã xong, cho nên hỏi đến khách tôn quý để luận rõ về nghĩa Đại thừa.

Kinh: Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Cát Tường… còn gọi là hai.

Tán: Tùy theo câu hỏi mà có lời đáp. Đầu tiên bác bỏ ý nghĩa các Bồ-tát đã nói, sau đó chính thức trình bày. Đây là phần đầu. Các ông tuy ngăn dứt phân biệt hai mà gọi là chẳng hai, nhưng lại dùng có lời và phân biệt, nên còn gọi là hai. Ta nay trừ bỏ lời nói và bặt dứt phân biệt, mới gọi là chẳng hai. Cho nên biết hai tức là phân biệt sai biệt, chẳng phải là hai pháp, mà gọi là hai.

Kinh: Nếu các Bồ-tát đối với tất cả pháp… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Đây là phần chính thức trình bày. Không có ngôn thuyết, không có biểu hiện, không có chỉ bày, xa lìa ngôn thuyết hý luận, dứt bặt tâm phân biệt khởi, gọi đó là chẳng hai. Dùng lý chẳng thể nói, chẳng thể phân biệt để ngăn dứt ngôn thuyết phân biệt cho nên gọi là chẳng hai.

Kinh: Bấy giờ, ngài Diệu Cát Tường… vào pháp môn bất nhị.

Tán: Từ trên đến đây là nói về pháp môn bất nhị thuộc về phương tiện nhân vị, giáo hóa lợi ích chúng sinh. Từ đây trở xuống là nói về pháp môn bất nhị chứng nhập quả vị, nội chứng tự lợi. Đầu tiên là lời hỏi, sau là khen ngợi. Đây là lời hỏi.

Kinh: Lúc bấy giờ, Vô Cấu Xưng im lặng không nói năng gì.

Tán: Đây là nhập. Chánh lý u huyền, lời nói chẳng lường được. Dẫu cho dùng lời chẳng phải lời để trừ bỏ lời thì rốt cuộc cũng chẳng khế hợp với diệu lý. Cho nên mới im lặng không nói, dùng trí thầm hợp với chân, gọi đó là vào chẳng hai, thật là vô cùng sâu xa.

Kinh: Ngài Diệu Cát Tường nói… lời nói phân biệt.

Tán: Đây là lời khen ngợi. Ta nói chẳng hai là dùng lời để dứt lời, ông vào chẳng hai thì dùng trí hợp chân, chỗ thể hội tuy đồng, mà xa gần lại cách biệt. Nói khế hội chân, chân do nơi chứng thì nói là xa, chứng ngộ chân tức lìa lời nói, thì chứng là gần.

Kinh: Các Bồ-tát… Vô sinh pháp nhẫn.

Tán: Đây là đoạn thứ hai nói về lợi ích. Vừa vào Sơ địa gọi là ngộ nhập chẳng hai, lý chẳng hai tức là pháp chân như. Chứng hội vô sinh cũng là mới chứng đắc, hoặc Địa thứ tám tự tại vào chẳng hai, vì tương tục vô sinh cũng thuộc Địa thứ tám.