QUYỂN V
 
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Thông Nghĩa
 
PHẨM AN LẠC HẠNH
THỨ MƯỜI BỐN
 
Đại ý phẩm này, do phẩm hiện Bảo tháp, Đức Như Lai đang cần người thọ trì Kinh. Đại chúng đều là mới học đã được thọ ký, dù tuân theo lời dạy của Phật, nhưng đều sợ cõi Ta bà nhiều tệ ác nên không dám dấn thân , mà nguyện qua cõi khác để tuyên dương Phật pháp. Ngài Dược Vương và ngài Nhạo Thuyết thuận theo ý Phật, thề lấy đức kham nhẫn mà phụng trì. Dù các ngài có thể hành trì, nhưng khả năng nhẫn chịu sự chê bai hủy báng, không phải hạng sơ tâm làm nổi; cũng không phải là kế duy trì lâu dài. Cho nên ngài Văn Thù đặc biệt vì đại chúng xin Phật dạy phương pháp trì kinh ở thời mạt pháp, nhờ đó mà biết phương pháp giữ gìn tâm giác ngộ. Đức Phật vì chúng mà nói về bốn hạnh an lạc.Ý muốn nói rằng các tai nạn ở nơi đời sống xấu ác là tự mình chiêu cảm lấy, nếu mình tự có phương thức ứng xử thì tự nhiên các nạn không đến.
Bốn hạnh được đầy đủ thì có đủ sức giữ gìn tâm giác ngộ, mới đạt được chỗ vi diệu của sự trì kinh. Do vậy nói về dụ “Kế châu” để trình bày công hạnh thứ nhất. Đó là lý do có phẩm này.
Chỉ có bốn hạnh này: Hành xứ, Thân cận xứ, Thâm tâm và Đại bi tâm. Phân ra chương tiết để giải thích, phần nghĩa có phần thích hợp, phần văn thì chưa rõ để hiểu. Các nhà chú giải xưa thì cho rằng bốn pháp là: Chánh thân, Chánh ngữ, Chánh ý, Đại bi tâm. Lời lẽ phân tiết rất rõ. Lời giải ở đây sẽ theo ý này. Bốn pháp này lấy tánh giới làm chủ, cũng như Kinh Lăng Nghiêm lấy nhiếp tâm làm giới, từ đó mà vào vậy.
1. Từ câu: “Nhĩ thời Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “Năng thuyết thị kinh” (Lúc bấy giờ ngài Văn Thù Sư Lợi … có thể nói kinh này).
Đoạn này nói ngài Văn Thù, do các ngài Dược Vương và các Bồ tát thuận theo ý Phật phát nguyện đời sau sẽ trì kinh, ngài đặc biệt vì hàng tân học Bồ tát xin Phật chỉ dạy phương pháp trì kinh. Ngài muốn tất cả những người này có được phương thức tránh được tai hoạ, không còn sợ các việc tệ ác nữa.
2. Từ câu: “Phật cáo Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “An trú tứ pháp” (Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi … An trụ trong bốn pháp).
Đoạn này Đức Thế Tôn nhân Văn Thù Sư Lợi thưa thỉnh Ngài liền nói về bốn hạnh an lạc. Dựa vào các pháp này mà truyền bá kinh, thì có thể tránh các tai hoạ. Bốn hạnh là gì? Tức là Chánh thân, Chánh ngữ, Chánh ý và Đại bi. Các vị Bồ tát đi vào đời làm lợi ích cho chúng sinh không ra ngoài hai hạnh là tự lợi và lợi tha mà thôi. Ba nghiệp chân chánh là tự lợi, hạnh đại bi là công đức lợi tha. Nếu ba nghiệp không chánh thì mối hoạ sinh ra, nếu không có lòng bi mẫn thì đó là nguyên do của tai họa. Đâu có phải là hợp với thế tục? Đây là Đức Như Lai thương mà dạy nguyên tắc giữ gìn gia nghiệp. Cả hai hạnh tự lợi, lợi tha đều lấy trí tuệ làm căn bản dẫn đạo. Nên ngài Văn Thù Sư Lợi mới đặc biệt thưa thỉnh.
3. Từ câu: “Nhất giả an trú Bồ tát hành xứ” đến câu: “Thị danh Bồ tát Ma ha tát hành xứ” (Một là an trụ nơi hành xứ … đó gọi là chỗ hành xứ của Bồ tát).
Đoạn này nói riêng pháp hành xứ trong bốn pháp.
Trước hết là hạnh “Chánh thân”. Ở trước phẩm Pháp Sư có dạy phương pháp trì kinh, nói rằng: Vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai chính là tâm từ bi, Aùo Như Lai chính là tâm nhẫn nhục, tòa Như Lai chính là các pháp đều không. như thế là nói đến tận cùng của sự tùy thuận thân cận. Nay bốn pháp này giải rộng nghĩa ấy.
Hành xứ, Cận xứ có hai hạnh là Lý và sự. Nhưng đều lấy nhẫn nhục làm đầu. Đó gọi là mặc y Như Lai vậy. Nên lời nói đầu của Hành xứ là: An trụ nơi nhẫn nhục, là nơi cứu cánh tịch diệt. Nhẫn có ba: Sinh nhẫn, Vô sinh nhẫn, Tịch diệt nhẫn. Sinh nhẫn là sức nhẫn sự chửi mắng, chưa hết chấp ngã. Ngã chưa mất thì làm sao quên được những trái nghịch kia! Vô sinh nhẫn là những tai hoạ đến, chỉ cần quán tâm vốn không sinh; dù người kia đem điều hại đến cho mình, mà tâm mình không sinh khởi thì không bị chúng làm loạn động. Tuy nhiên tâm được an mà chưa quên vật (đối tượng) nên mới cảnh giác là đừng có thân cận, để đề phòng cái tâm phân biệt (ác giác) và tập khí (ác tập). Đó là thể nhập Vô sinh nhẫn. Tịch diệt nhẫn là quán thân tâm trong ngoài vốn tịch diệt. Tịch diệt nên tâm cảnh đều mất, không có pháp đối đãi, hoàn toàn không thấy các tướng chửi mắng hạ nhục. Cho nên có thể nhu hòa hiền hậu không có bạo động, tâm không có gì sợ. Đây gọi là nhẫn nhục địa, mới gọi là vào nhà Như Lai.
Do đối tượng và chủ thể đều diệt, nên không có người chửi mắng cũng không có người nhận sự chửi mắng, tướng nhẫn cũng không. Gọi là đối với pháp vô sở hành. Nếu có sở hành tức là nhân ngã chưa mất không phải là chỗ tịch diệt. Sở dĩ nói không thấy có sở hành, do quán các pháp là như thật, nghĩa là thực tại là Tịch diệt, bản thể như như, nên không thấy chỗ hoạt động của nhẫn cũng không phân biệt cái nhục để nhẫn, đây là bình đẳng bất nhị. Chủ thể và đối tượng đều mất, tâm hành xứ diệt, đó gọi là “ Lấy pháp không làm tòa”. Lý và Hạnh đều vi diệu. Đó gọi là Hành xứ.
4. Từ câu: “Vân hà danh Bồ tát Ma ha tát thân cận xứ” đến câu: “Thị danh sơ thân cận xứ” (Thế nào là chỗ thân cận của Đại Bồ tát? … đó gọi là chỗ thân cận ban đầu).
Đoạn này nói về thân cận xứ ban đầu, lấy giới định làm căn bản.
Chuyên tâm giữ giới không gần gũi những người không đáng gần gũi. Sợ rằng tập nhiễm điều ác làm hại Chánh hạnh. “Không gần quốc vương” để đề phòng nhiễm tập khí phú quý và kiêu mạn làm chướng ngại cho Chánh niệm. “Không gần các ngoại đạo” đề phòng tập khí tà kiến. “Ni Kiền Tử” là người tại gia tà kiến. Nói “Không gần gũi văn chương chữ nghĩa thế tục”.v.v… Vì đó là vọng ngôn. “Ỷ ngữ” là tạp luận, làm chướng ngại Chánh tư duy. Nói “Lộ gia da đà” là ác luận thầy phá đệ tử, “Nghịch lộ gia da đà” là ác luận đệ tử phá thầy, không nên gần, làm chướng ngại Chánh tri kiến. Nói “Không gần gũi những người hung hiểm đánh đập lẫn nhau”, đề phòng tập khí điên đảo tán loạn. Nói “Na la diên” nghĩa là sức mạnh (lực). “Chiên đà la” đây gọi là nghiệm xí, nghĩa là dùng điều ác để làm tiêu chí của mình, làm chướng ngại hạnh Tịch tịnh.
“Nuôi heo, dê”.v.v.. là ác luật nghi, đề phòng tập khí sát, đạo. Những người như vậy mà đến thì vì họ mà thuyết pháp để giúp họ tiêu trừ ác niệm, đó gọi là tâm đại từ đại bi vậy. “Không gần người cầu quả Thanh văn”.v.v.. là đề phòng tập khí hẹp hòi của Tiểu thừa. Kinh Lăng Nghiêm nói: Nên bỏ ngoại đạo, Tiểu thừa, ác kiến mà nghị luận. Nên gần gũi bậc tri thức cao siêu. Nói rằng: “Chẳng thăm hỏi, cho đến không ở chung” là đề phòng tập khí nhiễm dần dần. Họ đến thì vì họ mà thuyết pháp, giáo hóa tập khí hẹp hòi ấy nhập vào đạo lớn, đó gọi là vào nhà Như Lai.
“Không gần gũi người nữ”.v.v… đề phòng tập khí dâm dục. “Không gần người bán nam bán nữ” vì người này chẳng phải là pháp khí, đề phòng tập khí nham nhở hẹp hòi. “Không đi một mình vào nhà người khác” là đề phòng hiềm nghi tà vạy, sợ mất chánh niệm. “Thuyết pháp cho người nữ không lộ răng cười cho đến vì pháp còn không thân cận” là vì đề phòng cơ hội dẫn đến phá vỡ tâm giới. “Không nuôi một đệ tử trẻ tuổi”, sợ chướng ngại hạnh an lạc. Suy xét nơi đáng gần hay không là căn bản của giới phẩm. Điều đó gọi là giữ thân không làm, giữ tâm không khởi, đó là ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, không ra khỏi các điều ấy. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhân giới sinh định nhân định phát tuệ” thường thích ngồi thiền thì định nương vào giới mà vững. Đó gọi là nơi gần gũi ban đầu, thuộc về hành động cụ thể.
5. Từ câu: “Phục thứ Bồ tát Ma ha tát” đến câu: “Đệ nhị thân cận xứ” (Lại nữa vị đại Bồ tát … chỗ thân cận thứ hai của Bồ tát).
Đoạn này nói về thân cận xứ thứ hai, lấy quán chiếu làm căn bản.
Ở trước đã nói là thuộc giới không gần gũi các ác luật nghi, đề phòng huân tập ô nhiễm, giữ tâm không khởi mà được vô sinh nhẫn. Còn đoạn này là quán tất cả pháp đều Không thuộc về Tịch diệt nhẫn, đó gọi là “Các pháp không làm tòa”, tức là quán tất cả pháp thực tại là không tịch, là chân thật tướng, không có một pháp nào để nắm bắt. Không thấy có tướng điên đảo, động chuyển, sinh diệt, động hay loạn. Tuyệt đối không động chuyển vì thể tánh là như như. Cho nên tâm cảnh như hư không, vốn không có chỗ có. Tâm cảnh đã tịch diệt thì tất cả đều tịch diệt, do vậy ngôn ngữ chấm dứt. Nếu được như vậy thì không có người hủy nhục ta, cũng không có người thọ lãnh. Vì vắng bặt đối đãi nên không có tướng sinh diệt, gọi là vô danh vô tướng, tất cả đều không. Ngôn ngữ, tư duy đều dứt gọi là vô lượng, vô biên, vô ngại, vô chướng.
Quán các pháp là tịch diệt nhưng không phải là đoạn diệt. Do nhân duyên tạm hòa hợp mà gọi là có, tất cả đều do vọng tưỏng điên đảo mà sinh. Vì vậy mà có ngôn từ nói năng. Đây là cảnh tâm an và tịch diệt. Đó gọi là trụ nhẫn nhục địa, nên trong Kinh Văn nói là: “Thường ưa quán sát pháp tướng như thế”, là chỗ thân cận thứ hai. Hạnh vi diệu để trì kinh trong đời ác không ngoài các điều này. Tuy gọi là chánh thân, thực ra ba nghiệp đều tịch tịnh, bao gồm muôn hạnh, vào đời độ sinh. Không gì hơn đây vậy.

6. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Năng an lạc thuyết” (Lúc đó Đức Thế Tôn … có thể an lạc nói).

Câu: “Nếu có vị bồ tát” đến câu: “Có thể an lạc nói” gồm 60 câu, là nói chung về hành xứ và thân cận xứ. Sáu câu đầu, là nên lên tổng quát. “Thường xa lìa quốc vương” trở xuống 6 câu, nói không gần gũi quốc vương, người hung hiểm, ác luật nghi, và ngoại đạo gồm bốn việc vậy. Câu: “Cũng chẳng ưa gần gũi” trở xuống 20 câu, là nói không thân cận người cầu tiểu thừa. Câu: “ Những gái goá, gái trinh” trở xuống 4 câu, là nói không gần gũi phụ nữ và lưỡng tính. Câu: “Cũng chớ nên gần gũi” trở xuống 12 câu, là nói không nên gần gũi ba việc sát, đạo, dâm. Câu: “Chớ nên riêng chỗ khuất” trở xuống 8 câu, là nói không vì người nữ mà thuyết pháp. Nói: “Khất thực nên đem theo một tỳ kheo” là muốn nói những vị Thượng toạ A xa ølê cần ngăn ngừa sự sơ suất, như ngài Anan không theo điều này mà gặp tai họa. “ Phải một lòng niệm Phật” là muốn nói làm cho tâm luôn thanh tịnh. Câu: “ Đây thời gọi tên là” trở xuống 4 câu, là tổng kết cả hai: Hành xứ và Thân cận xứ thuộc về hành động cụ thể.
7. Từ câu: “Hựu phục bất hành” đến câu: “Thuyết Pháp Hoa Kinh” (Lại cũng chẳng vịn theo… diễn nói kinh Pháp Hoa).

Câu: “Lại cũng chẳng vịn theo” trở xuống 32 câu, là nói chung lý và hạnh của hành xứ và thân cận xứ. Mười câu đầu, nói pháp không có sở hành, nghĩa là khi tâm đã tịch chỉ thì không khởi phân biệt. Nói: “Lại chẳng được các pháp” nghĩa là không có một pháp nào có thể nắm bắt được, nên chẳng biết chẳng thấy. Đây là nói lý và hạnh của “Hành xứ”.

Câu: “Tất cả các món pháp” trở xuống 22 câu, là nói lý và hành của “Cận xứ”. Câu: “Đều không chẳng phải có”.v.v.. là nói quán tất cả pháp là không, là vô sở hữu, là tướng như thật.v.v… Vì tư duy và ngôn ngữ đều dứt, nên tâm an trụ bất động. Câu: “Quán sát tất cả pháp” trở xuống, là nói quán ý nghĩa là tất cả pháp như hư không. Vì vậy chúng thường trụ nhất tướng. Câu: “Nếu có vị Tỳ kheo” trở xuống 6 câu, là nói tổng kết cả hai hành xứ và cận xứ, được như trên thì có thể an lạc mà thuyết pháp. Nhờ tâm không khiếp nhược mà được an lạc. Câu: “Vị Bồ tát có lúc” trở xuống 12 câu, nói lý do không khiếp nhược, là Bồ tát khi vào thiền định tùy theo nghĩa mà quán pháp. Nói quán sát các pháp như lý thì đạt được sự đúng đắn, nên từ thiền định mà khởi dậy thuyết pháp, tâm rất an ổn không khiếp sợ. Câu: “Văn Thù Sư Lợi này” trở xuống năm câu, là nói tổng kết về chánh thân vậy.
8. Từ câu: “Hựu Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “Nhất thiết chủng trí” (Lại Văn Thù Sư Lợi… Bậc nhất thiết chủng trí).

Đoạn này là hạnh chánh ngữ.

“Nên an trụ hạnh an lạc”, tức là Hành xứ và cận xứ ở trên. Quán sát như lý, tâm đạt được không phân biệt, như vậy phù hợp với chân lý, sau đó nói pháp, thì không có lỗi ở ngôn ngữ. Không nói lỗi của kinh, vì đạt được thật tướng của các pháp, biết Phật tùy cơ duyên mà nói pháp. Do vậy không nói pháp kia có lỗi. Nói lỗi như nói đó là pháp thiền không, là trí tuệ tiểu thừa.v.v.. không khinh mạn các thầy khác vì không có tướng ngã nhân. Nên không nói lỗi người. Đối với các vị thanh văn không nêu danh chỉ lỗi, vì quán sát như lý nên không thấy người khác có lỗi. Không nêu danh ca ngợi sợ không thấy đúng mà sinh hận. Không sinh tâm oán giận hiềm khích vì không thấy có người hủy báng ta. Các người đến hỏi chỉ lấy pháp Đại thừa mà trả lời làm cho họ được nhất thiết chủng trí. Đây chính là lòng đại bi, như vậy có thể nói là khéo tu hạnh an lạc.
9. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên” đến câu: “Thuyết bất năng tận” (Khi ấy Thế Tôn muốn tuyên lại… nói chẳng thể hết đặng)
Đoạn này nói về Chánh hạnh.
Từ câu: “Vị Bồ tát thường ưa” trở xuống 36 câu, là nói chung hạnh chánh ngữ. Mười câu đầu “An ổn thuyết pháp”. Nói “Trong ngoài đều thanh tịnh”. An ổn nghĩa là trong thì tâm thanh tịnh, ngoài thì nơi chỗ sạch dầu thoa, tắm giặt, y phục sạch. Dầu thơm thoa thân là loại dầu tô hiệp, người Ấn độ lấy dầu ấy xoa thân, lấy mùi hương làm sạch. Ngồi yên nơi pháp tòa, thì trong ngoài đều không. Tùy theo điều hỏi mà nói là không nghịch ý người.
“Nếu có vị Tỳ kheo” trở xuống 26 câu, là nói về nghi thức thuyết pháp. Bốn chúng, quốc vương.v.v.. là nói chung những người cầu pháp. “ Dùng pháp nghĩa nhiệm mầu” là chỉ dạy thật tướng đại thừa. “Khuôn mặt từ hòa” là thuyết một cách hoan hỷ, tùy nghĩa lý mà trả lời, phù hợp với căn cơ mà nói, đều giúp họ phát tâm, đó là đại từ bi vậy. “Trừ lười biếng và trễ nãi”, tức là kẻ dũng mãnh tinh tiến, lấy Phật pháp làm niềm vui nên xa lìa mọi ưu phiền. “ Ngày đêm thường tuyên nói” là nói sự tinh tấn tột cùng làm sinh tâm hoan hỷ. Đó gọi là dạy cho họ được lợi ích và hoan hỷ.
“Y phục, ngoạ cụ” trở xuống 10 câu, là nói thuyết pháp thanh tịnh không mong cầu lợi lộc. “Nguyện thành Phật đạo” nên lấy pháp cúng dường. Đó là điều thường nói: “Trong các pháp cúng dường, cúng dường pháp là tối thượng” Nghĩa là lấy pháp làm niềm hạnh phúc tức là tự nhận được sự cúng dường an lạc, nên không mơ ước bên ngoài.
“Sau khi ta diệt độ” trở xuống 12 câu, là nói về hạnh nhẫn của phẩm trước. Do tâm được an nhẫn nên miệng không nói lỗi, nhờ vậy mà có thể tránh được tai hại. Khi nói các tai nạn đều do tự tâm không nhẫn mà có. Do an trụ nơi nhẫn nên gọi là “Binh không chỗ dùng đao” nên không có chết chóc, tất cả đều không. Câu: “Người trí khéo tu tập” trở xuống 8 câu, là nói kết luận hạnh chánh ngữ. Nghĩa là Bồ tát khéo tu tập tâm thức có để đạt được an lạc, tự mình không có cái tai hoạ, thiện pháp ngày càng tăng, người được giáo hóa ngày càng đông. Vì vậy công đức vô cùng tận, nói không hết được.
10. Từ câu: “Hựu Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “Tôn trọng tán thán” (Lại Văn Thù Sư Lợi… cung kính tôn trọng).
Đoạn này nói về hạnh Chánh ý.
Ý căn có các phiền não ác mà tham, sân, si là đứng đầu. Tật đố thuộc sân, siểm khúc là đối với người trên, cuống hoặc (khinh khi) đối với người dưới, là tham cộng với si. Khinh mắng người học Phật là tìm chỗ hay chỗ dở sợ người hơn mình. Đó là nghiệp của ba độc.
Trong đời mạt pháp là lúc ba độc hưng thịnh, người trì kinh vì muốn giáo hóa người cường bạo, mà lấy tam độc, đối chọi với họ, chẳng khác nào lửa đã cháy lại thêm lửa, không thể tốt lành được. Cho nên cảnh giác người trì kinh phải tự thanh tịnh tâm mình để tương ưng với diệu pháp.
Từ câu: “Nếu hàng Tỳ kheo” trở xuống, là trong bốn chúng có những người cầu mong con đường tam thừa, thì mình đừng khoe khoang là học giả Đại thừa, làm rối lòng họ, làm họ nghi hối mà mất đi bản hạnh. Nên dùng tâm từ bi để điều phục và nhiếp hóa họ dần dần tiến bộ. Câu: “Nói với người đó rằng” trở xuống, là nói cái lỗi làm phiền não rối loạn lòng người; đã không thể điều phục họ mà nói nghịch họ chê bai đường lối tu học của họ rằng họ cách đạo rất xa không được Nhất thiết trí. Trách họ phóng dật … lời trách thì phải nhưng dụng tâm thì trái, làm xúc động tâm lý kẻ khác. Vì vậy họ sinh tâm phỉ báng là do tự mình gây ra vậy.
“Các pháp hí luận” nghĩa là phân biệt pháp Đại thừa, Tiểu thừa, pháp không, pháp hữu, pháp phiến diện, pháp toàn diện … cho đến khởi tâm tranh cãi. Những điều ấy đều khởi lên từ ba độc, là ý căn chưa thanh tịnh, nên không thể an trụ hạnh an lạc được.
“Phải ở nơi tất cả chúng sinh” trở xuống, là dạy phương pháp trì kinh: Nên lấy từ bi làm đầu. Đối với chúng sinh mê mờ điên đảo, nên lấy tâm thương yêu như thương con một, hãy nhớ tưởng đến lòng từ của Như Lai, như đấng cha lành thương đứa con một, thì không còn tâm chán nản mệt mỏi. Đối với Bồ tát, là người khéo học theo hạnh Phật, chuyên làm việc lợi sinh. Đối với các ngài ta nên nhớ tưởng như bậc thầy, để nối theo hạnh các ngài. Nên đối với Bồ tát trong mười phương thường phải cung kính lễ bái một cách chân thành. Câu: “Với tất cả chúng sinh” trở xuống, dạy lấy hạnh trì kinh mà điều phục. Bình đẳng nói pháp tức là không lấy tâm phân biệt cao quý hay hạ tiện, trí tuệ hay ngu si. Lấy tâm đại bi từ bỏ bốn sự hủy báng: Hữu là tăng ích báng. Vô là tổn giảm báng. Phi hữu, phi vô, là hí luận báng. Do vì phù hợp với pháp tính mà thuyết nên xa rời bốn lỗi này. Đó gọi là chẳng nói nhiều, chẳng nói ít. Đối với người ái mộ pháp một cách sâu sắc thì không nên vì vậy mà nói nhiều, như bà mẹ nuôi con dại, không cho ăn nhiều thục tô, sợ chúng ăn nhiều không tiêu hóa sẽ sinh độc. Ở đời mạt pháp mà trì kinh có thể an trú hạnh này thì không làm lòng người rối loạn. Đó gọi là khéo tu tâm mình.
Được như vậy thì chói sáng đối với bạn đồng phạm hạnh, được mọi người nghe giảng làm cho lợi ích Phật pháp dần tỏa rộng, sáu loại công đức tự thành tựu, đây thật là Diệu hạnh của trì kinh. Có người như vậy ai mà không thích sự giáo hóa của họ! Làm sao có việc oán hận hãm hại! Đó gọi là chân an lạc hạnh.
11. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn” đến câu: “Vô lượng chúng sở kính” (Lúc bấy giờ Thế Tôn… Vô lượng chúng cung kính).
Đoạn kệ tụng này, từ câu: “Nếu muốn nói kinh này” trở xuống 4 câu, là tiết thứ nhất nói về hạnh chất trực, nghĩa là trực tâm chánh niệm pháp Chân như, thì ba độc nơi ý căn và các phiền não tự buông xả. Câu: “Chẳng nên khinh miệt người” trở xuống 4 câu, là tiết thứ hai nói về sự khinh thường, nghĩa là khinh họ thấp kém, như trong văn Kinh Trường Hàng có nói: “Chê họ cách đạo rất xa” như vậy là coi thường họ. Câu: “Phật từ đó nói pháp” trở xuống 12 câu, là tiết thứ ba nói sự kham nhẫn làm chủ, nên gọi là “Thường nhu hòa hay nhẫn” tưởng nhớ Phật như cha, kính trọng Bồ tát như thầy, do vậy phá được tâm tự kiêu, ngã mạn. Như vậy thuyết pháp không có chướng ngại gì. Câu: “Pháp thứ ba như thế” trở xuống hết bài kệ tụng là phần tổng kết kệ tụng.
12. Từ câu: “Hựu Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “Vô hữu quá thất” (Lại Văn Thù Sư Lợi … Không có lầm lỗi).
Đoạn này nói về hạnh đại từ bi.
Ba hạnh trước, tức là mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Còn một hạnh nữa là vào nhà Như Lai.
Phẩm Pháp Sư ở trước chỉ dạy pháp Bồ tát nói lược những hạnh cốt yếu, đến phẩm này giải thích rộng rãi nghĩa ở trước. Từ là đem đến niềm vui, Bi là có thể cứu cái khổ. Nếu người xuất gia cũng như tại gia tin nhận pháp này thì được tăng trưởng pháp lạc, phát sinh tâm Đại từ. Đối với hạng Nhất xiển đề không có lòng tin, thì nên thương họ u mê, điều phục dẫn dắt làm họ có chánh tín, vì cứu nổi khổ của họ mà sinh tâm đại bi.
Từ câu: “Phải nghĩ thế này” trở xuống, là nói phát sinh ý tưởng thương xót đối với hạng người không tin, thương họ mất điều lợi lớn. Sở dĩ nói mất là đối với diệu pháp mà Như Lai đã tùy cơ nghi nói, một mực không nghe, không biết, không ngộ. Hơn nữa còn cố chấp cái ngu của mình là đúng, nên không học hỏi, không nghe ngóng nên không tin và không hiểu. Người mà ngoan cố ngu muội như thế, ta cũng không bỏ họ. Khi sắp thành Phật, bất cứ chỗ nào, quyết dùng thần thông và trí tuệ dẫn dắt họ an trụ trong pháp này, làm cho chánh nhân của họ không mất, cuối cùng có cơ hội thành Phật. Đây là tâm đại từ bi cùng tột.
Trong đời mạt pháp, người trì kinh có đủ bốn hạnh mà thuyết pháp mới không có lỗi lầm và khế hợp tâm Phật gọi là làm việc làm của Như Lai.
13. Từ câu: “Thường vi Tỳ kheo, Tỳ kheo ni” đến câu: “Thọ trì đọc tụng” (Thường được hàng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni … thọ trì đọc tụng).
Đoạn này tổng kết sự thù thắng của bốn hạnh.
Nói người trì kinh có đủ bốn hạnh này sẽ được bốn chúng, quốc vương.v.v.. ca ngợi, kính trọng và cúng dường, huống gì có thêm đức tính nhẫn được sự hủy báng! Chư thiên ở trên hư không thường đi theo hộ vệ, làm sao có sự khuấy nhiễu tác loạn! Nếu ở chỗ vắng vẻ không người, có kẻ sinh tâm chất vấn thì chư thiên hộ vệ dùng thần lực làm cho người nghe được hoan hỷ. Ở trước đã nói “Ta sai chư thiên, long thần thường theo hộ vệ vì kinh này tất cả ba đời chư Phật dùng thần lực hộ trì”, vì vậy biết rằng chư thiên ngày đêm thường thủ hộ là do sự sai khiến của chư Phật. Do vì công hạnh người trì kinh phù hợp với hạnh của Phật nên được chư Phật hộ niệm như vậy. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này, trong vô lượng quốc độ, danh từ còn không đuợc nghe huống gì thấy thọ trì và đọc tụng! Vì pháp khó gặp, nên ngưòi trì kinh cần phải thận trọng. Đây là tuệ mạng của chư Phật, là con mắt của chư thiên, do vậy không thể không hộ niệm. Nếu không nghe, không tin thì chẳng phải là làm mất việc lớn sao!
14. Từ câu: “Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “Tất đại kinh quái” (Văn Thù Sư Lợi … ắt rất kinh lạ).
Đoạn này nói về thí dụ hạt châu trong búi tóc của vua Chuyển luân thánh vương, để dụ cho kinh này không dễ ban cho người.
Phật là vua trong ba cõi, còn gọi là Đại Hùng vì có thể phá tan ba cõi – Như sức mạnh của Luân vương oai phục các nước. “Các vua nhỏ chẳng thuận mạng lịnh” là dụ cho các loài ma phiền não, năm ấm trong sinh tử, trái với tánh giác. Đức Như Lai xuất thế vì một việc lớn mà đặc biệt là nhiếp phục các loài ma, nên hiện thân thuyết pháp.
Thuở đầu từ vườn Lộc uyển thuyết pháp hữu để phá nổi khổ sự vướng mắc sinh tử của kẻ phàm phu. Kế đến là thuyết Bát Nhã, luận về pháp không để phá kiến chấp chán sinh tử. Kế đến thuyết Kinh Giải Thâm Mật để hòa hợp giữa không và hữu, phá đi thiên chấp của nhị thừa. Kế nữa nói kinh Lăng Già chỉ thẳng thức tạng tức là Như Lai tạng, liền thấy được Phật tánh, phá đi công hạnh phương tiện của Nhị thừa. Đó là thuyết kinh trong bốn mươi năm, đã dùng vô số vô lượng phương tiện để phá tình chấp của tam thừa, nên nói “Đem các đạo binh qua đánh dẹp” là nêu lên cái tội phải phạt là phá nước của họ, đó là Phật quở trách hàng nhị thừa, phá hoại thành Niết bàn. Nhưng hàng tam thừa nghe pháp đều có chỗ chứng đắc nên ví dụ như binh lính có công, luận theo công mà ban thưởng cho. Ruộng, đất, đến nô tỳ, nhân dân … là dụ cho những tác dụng lợi ích của quả tam thừa. Riêng viên minh châu trong búi tóc không cho, là dụ không nói ngay cho họ kinh Pháp Hoa này, lý do không nói ngay là vì sợ đại chúng sinh nghi, như viên châu trong búi tóc không cho vậy.
15. Từ câu: “Văn Thù Sư Lợi” đến câu: “Nhi phu diễn chi” (Văn Thù Sư Lợi … mà bày nói đó).
Đoạn này nói Pháp hợp với Dụ.
Nói: “Như Lai cũng như thế” là phù hợp với tiết đầu. Câu: “Những người có công” trở xuống, là phù hợp với tiết thứ hai. Câu: “Như vua Chuyển luân” trở xuống, là trùng điệp dụ, nghĩa là thuyết minh riêng viên minh châu trong búi tóc không đem cho. “Đức Như Lai cũng lại như thế” trở xuống, là trùng hợp tiết thứ hai, nói rõ thuyết tất cả các kinh, nhưng không thuyết kinh Pháp Hoa vì khó tin. “Trước chưa tùng nói mà nay nói đó” là vì pháp này khó tin, ít có giống như Luân Vương mở búi tóc lấy hạt châu để ban cho. Nếu không phải là kẻ có công lớn thì không được cư xử như vậy. Nên nói kinh này là lời nói đệ nhất của chư Phật. Sau cùng mới cho, như viên minh châu trong búi tóc đợi người có công lớn vậy.
“Kinh Pháp Hoa này là tạng bí mật của chư Phật Như Lai” là câu nói kết, nói rõ chư Phật ở trong cõi đêm dài sinh tử giữ gìn hơn bốn mươi năm để chờ đợi cơ duyên.
16. Từ câu: “Nhĩ thời Thế Tôn”đến câu: “Như nhật chi chiếu” (Lúc đó Đức Thế Tôn … Như mặt trời chói sáng).
Từ câu: “Thường tu hành nhẫn nhục” trở xuống 4 câu, là nói chung hạng nhẫn nhục làm căn bản. Câu: “Đời mạt thế về sau” trở xuống 12 câu, là nói về hạnh Từ Bi. “Làm cho trụ trong đó” nghĩa là an trụ trong pháp tịch diệt – Từ câu: “Thí như vua Chuyển Luân” trở xuống 16 câu, là nói thí dụ. Câu: “Đức Như Lai cũng thế” trở xuống 20 câu, là nói Pháp hợp với Dụ. Đức pháp Vương dùng sức mạnh nhẫn nhục mà nói pháp, cho nên diệu hạnh để giữ gìn kinh phải lấy nhẫn nhục làm đầu. Câu: “Kinh này là bậc tôn” trở xuống 6 câu, là nói lại sự cao thượng của kinh. Câu: “Sau khi ta diệt độ” trở xuống 6 câu, là nói đúc kết lại ý đáp lời hỏi. Câu: “Người đọc tụng kinh này” trở xuống 14 câu, là nói người trì kinh có thể xa rời chướng ngại và các tai hại. Câu: “Dạo đi không sợ sệt” trở xuống 4 câu, là nói người trì kinh được vô úy. “Quang minh” là nói tâm với pháp là một, nên được đại vô úy.

17. Từ câu: “Nhược ư mộng trung” đến câu: “Như sái tận đăng diệt” (Nếu ở trong chiêm bao … Như khói hết đèn tắt).

Đoạn kệ tụng này nói về lợi ích thù thắng của sự trì kinh.
“Nếu như ở trong giấc mộng thường thấy những điều vi diệu”, do vì người trì kinh tâm và lý hợp nhau, tập khí tiêu trừ, ô nhiễm diệt hết. Như nước trong thì bóng trăng hiện, được cảnh mầu nhiệm trước mặt. Đây là hiển thị lợi ích thù thắng.
Câu: “Thấy các Đức Như Lai” trở xuống 16 câu, là nói về các việc vi diệu ở trong mộng. Thấy Phật thuyết pháp cho đại chúng, thấy Long thần đến nghe mình nói pháp, thấy Phật phóng hào quang thuyết pháp. Câu: “Phật vì hàng tứ chúng” trở xuống 12 câu, là nói thấy Phật nói pháp. Tự thân mình ở nơi chúng hội nghe pháp, đắc được pháp tổng trì, chúng được bất thối chuyển, đầy đủ nhân hạnh, Phật biết tâm mình, và thọ ký cho.
Từ câu: “Thiện nam tử người này” trở xuống 8 câu, là nói việc thọ ký. Câu: “Lại thấy thân của mình” trở xuống 10 câu, là nói sau khi được thọ ký thấy tự thân mình ở trong núi tu hành, chứng thật tướng, đắc thiền định. Trong định lại thấy thân Phật kim sắc trang nghiêm, thấy rồi theo Phật nghe pháp, rồi thuyết pháp cho người khác. Câu: “Lại mộng làm quốc vương” trở xuống 16 câu, là nói trong mộng làm quốc vương, rồi bỏ ngôi vua đến đạo tràng cầu đạo bảy ngày đạt được trí Phật, thành đạo vô thượng. Cho đến thuyết pháp ngàn muôn ức kiếp, độ các chúng sinh, hóa duyên đã mãn, sẽ vào Niết bàn. Trong giấc mộng này từ đầu tới cuối thấy Phật, nghe pháp, ngộ đạo, mong Phật thọ ký. Sau khi thọ ký lại bỏ ngôi vua cầu đạo Bồ đề. Cho đến một đời thành Phật, rốt cuộc nhập Niết bàn.
Qua thời gian rất lâu ngàn vạn ức kiếp, mọi việc diễn ra như đã diễn ra trong hào quang đã nói ở trước. Chư Phật trước hay sau đều vì một đại sự nhân duyên mà thôi, vì chưa từng khai mở tri kiến Phật, nên Phật dùng tướng hào quang biểu thị sự thành Phật từ đầu tới cuối. Những sự biểu thị ấy không rời ý niệm hiện tiền, nhờ vậy làm cho người ta hiểu rõ. Nay nghe được Diệu pháp, đã khai mở xong tri kiến Phật, đó là lợi ích của trì kinh. Tự mình thấy được từ đầu đến cuối của sự thành Phật, tức là lâu dài đến ức kiếp chỉ ở nơi một niệm của người, không rời một sát na. Làm họ tự tin không còn hoài nghi. Tuy nhiên đây chỉ dựa vào giấc mộng mà nói. Đó gọi là “Sinh tử Niết bàn dường như giấc mộng đêm qua” Ý muốn người trì kinh thành tựu được bốn hạnh, nên quán sát các pháp như việc trong mộng, không có gì để nắm bắt được. đó là lợi ích thù thắng của sự chứng đắc thật tướng tam muội.
Lạ thay! Lạ thay! Trong mộng thấy Phật, nghe pháp ngộ đạo; lại trong mộng nhập định, trong định nói pháp lợi ích cho người; cho đến bỏ vương vị mà cầu đạo, thành Phật độ sinh mà nhập Niết bàn. Trải qua lâu vô lượng kiếp, đây dù là việc trong mộng, kẻ thường tình có thể đo lường được sao! Kinh Hoa Nghiêm nói: Xưa và nay là một, dài và ngắn cùng thời, đủ thấy như đây vậy. Dùng hơn ba ngàn lời nói việc vô tận, nếu không phải biện tài của Phật thì đâu có thể được như vậy.
18. Từ câu: “Nhược hậu ác thế trung” đến câu: “Thượng chư công đức” (Nếu trong đời ác sau … Các công đức như trên).
Đoạn tụng này đúc kết lại sự lợi ích thù thắng của bốn hạnh vậy.