DUY MA KINH LƯỢC SỚ

Thiên thai, Sa-môn Trạm Nhiên lược.

 

GIẢI THÍCH PHẨM: A SÚC PHẬT

A là Vô, Súc là Động. Ngài Tịnh Danh dùng thần lực Bất tư nghị mà tiếp cõi Diệu Hỷ. Nay bốn chúng cõi này nhìn thấy Đức Thế Tôn Vô Động và cõi nước ngài ở, nhân đó lấy tên là phẩm Vô Động “phẩm A-súc”. Chỉ bộ kinh nay văn gồm ba nơi hiện bày nghĩa Phật quốc:

1. Như phẩm Phật Quốc đáp lời Trưởng giả xong, nhân ngài Thân Tử nghi mà hiện ra tịnh quốc.

2. Vào thất luận đạo việc sắp xong, do ngài Thân Tử nghĩ đến việc ăn, mà hiện ra cõi Hương Tích.

3. Khi ra thất trở về chỗ Phật, trở về tông luận đạo nói hạnh Bồtát, liền hiển hiện chỗ ở của ngài Tịnh Danh là cõi nước Diệu Hỷ. Phải biết ba nơi đều nói pháp trừ hoặc lụy cho chúng sinh, khi duyên phược đã hết, nghiệp tịnh độ thành thì hiện tướng này để biểu thị. Văn trên luận hạnh Bồ-tát nói nhân Phật quốc, phẩm này bèn hiện cõi Diệu Hỷ bày quả Phật quốc. Môn nhân quả để nói khi ra thất đề xướng trở về tông mà dẫn chứng cho biết đã thành nghĩa nhân quả Phật quốc trên. Kinh này dùng nhân quả Phật quốc làm tông. Văn ấy chỉ rõ phần này có hai:

4. Nói thể dụng của pháp thân.

5. Nói chỗ ở của tịnh quốc.

Thể dụng của pháp thân: Chư Phật đã có pháp, ứng hai thân thì cũng có tánh tịnh, tùy duyên hai cõi. Ngài Tịnh Danh là Đại sĩ cực địa cũng đồng chư Phật có hai trí không phải cấu, không phải tịnh. Do nghĩa này cho nên không bỏ cõi Diệu Hỷ mà hay cấu tịnh song hành. Hai thân, hai cõi lợi ích chúng sinh khiến được giải thoát. Văn sau tự nói mặt trời, mặt trăng du hành ở thế gian dẹp tan bóng tối, Bồ-tát cũng hiện ở hai cõi để dẹp trừ các nghi hoặc. Quán thân thật tướng tức đồng pháp thân Phật Vô Ngại Tuệ không có bao nhiêu thứ. Ở phương trượng giả bệnh nằm để hưng giáo, tức là đồng Phật có ứng thân phương tiện tiếp dẫn. Ở cõi Diệu Hỷ trợ giúp Đức Vô Động “A-súc”, tức là đồng chư Phật có tịnh quốc. Ở cõi Ta-bà mà giúp Đức Thích-ca hoằng hóa, tức là đồng chư Phật mà thị hiện cơ cõi uế tùy duyên lợi ích chúng sinh. Tịnh uế song hành viên thông vô ngại, là đồng chư Phật có được quyền thật. Dụ như trăng ngày mười bốn khác ngày rằm để phân biệt sự khác nhau của Phật và Bồ-tát mà thôi.

Trong phần pháp thân có hai: Một là, Phật hỏi pháp thân. Hai là, Ngài Thân Tử hỏi ứng thân.

Phật hỏi có hai: Phật hỏi và Đại sĩ đáp.

Trong phần Đại sĩ đáp có bốn:

  1. Đáp chung.
  2. Đáp riêng.
  3. Kết.
  4. Biệt tà chánh.

Đáp chung nói: Quán thân thật tướng thì quán Phật cũng thế, tức là chỉ quán thật tướng mình cùng thật tướng Phật không khác, thật tướng Phật cùng mình không khác. Nên Đại phẩm nói: Các pháp như thật tướng, tức là thật tướng Phật không tới không lui. Đây có ba ý:

  1. Tìm ngọn lấy gốc.
  2. Ở ngôi vị.
  3. Quán tâm.

Tìm ngọn lấy gốc, nói Đại sĩ là Kim Túc Như Lai mà được pháp thân, cùng pháp thân Đức Thích-ca ngày nay không khác. Nên văn trên nói: Chư Phật có chủng tánh sắc thân đều bình đẳng. Thế nên được biết quán thật tánh mình cùng thật tánh Phật là một thứ không khác. Nên nói quán Phật cũng thế.

Ở ngôi vị, là nói ngôi vị của Đại sĩ ở vị Thập địa bổ xứ, ở gần kế Phật sẽ tiếp nối ngôi vị Phật nhưng tướng Thập địa cùng thật tướng của diệu giác chứng được nào có khác gì?

Quán tâm. Như văn trên nói: Giải thoát của chư Phật phải tìm ở tâm hạnh của chúng sinh, tìm tướng tâm tất cả chúng sinh tức tướng Bồ-đề. Chúng sinh như Phật như, nhất như không hai. Thật tướng, tức là Phật. Nên kinh nói tâm dạo pháp giới như hư không, người ấy có thể hiểu biết cảnh giới chư Phật. Quán tâm tánh mình đã là thật tướng tức cùng tâm tướng chư Phật nghĩa đồng thí như người tạ pháp… Nếu chánh quán tướng này đầy đủ như nhập Bất nhị pháp môn, quên mất hai biên chánh hiển bày Trung đạo. Trong đây lập lại ý đó. Sở dĩ Như Lai hỏi. Vì trước luận Vô ngại tuệ không có các thứ, công đức thân trí chư Phật đều bình đẳng. Phật muốn hiển bày pháp thân của Đại sĩ cùng chư Phật không khác. Thế nên hỏi rằng: Quán pháp thân thế nào? Nếu luận pháp thân thì pháp thân ắt có chỗ chỉ, chỗ chỉ tức là Phật quốc, nên có câu hỏi này. Có người khác giải rằng ứng thân Phật mới có tên bờ cõi ranh giới, cõi nước pháp thân thì ngầm lặng sao có cõi nước? Nay giải không phải thế. Pháp thân chư Phật còn không phải cấu không phải tịnh, mà hay tùy duyên song hành cấu tịnh. Nay pháp thân Phật không phải cảnh không phải trí, mà cũng song chiếu cảnh trí, ý gì lại không được luận chân cảnh giới cõi nước ư? Nên kinh Kim Quang Minh nói: Trí cảnh bất khả tư nghị, trí chiếu bất khả tư nghị, cảnh bất khả tư nghị này đâu không phải là nơi ở của linh trí pháp thân. Phổ Hiền Quán có nói: Tỳ-lôgiá-na là cực diệu pháp thân, mà nói có cõi nước tên Thường tịch quang biến khắp mọi nơi. Đây đâu không phải là cảnh chân quốc.

Đáp riêng: Quán trong ba đời mé trước không đến. Như thấy có pháp vị lai nhập vào hiện tại mà có thể được là sinh là đến, có thể được là có bờ cõi và không có bờ cõi. Xưa không thấy có vị lai để đến, huống là có đến nhập vào hiện tại. Thế nên mé trước không đến mé sau không đi. Nếu có pháp diệt đi vào quá khứ thì có thể được nói là diệt nói là đi. Có thể nói được rằng như đi không như đi. Nay không thấy có pháp đi vào quá khứ. Thế nên mé sau không đi. Nay thì không trụ, là nếu có pháp ở hiện tại, sao được nói là trụ, có thể nói là thường và vô thường. Nay không thấy pháp ở hiện tại, sao được nói là trụ. Cho nên ba đời tìm không thể được. Có người giải rằng từ Kim cang trở về trước là Không có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, từ kim cang trở về sau là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Nay giải không phải thế. kim cang trở về trước là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Vì sao? Vì pháp Phật tánh vốn có từ xưa, không phải bỗng nay mới có. Kim cang trở về sau là Không có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Vì sao? Vì kinh nói Bồ-tát Thập địa ở vô lượng kiếp, đã đảo tu việc phàm phu. Nếu pháp thân khởi ứng ở lục đạo đồng với phàm phu sinh diệt, tức cũng phải có hay không có Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Thế nên đồng với người khác mà thật không đồng. Lại có người giải: Ứng chỉ là hóa, hóa chỉ là ứng. Nay giải không phải thế. Ứng thì hay là hóa mà hóa thì không thể là ứng được. Như các phàm phu ngoại đạo, các Tiên, ngũ thông, Thiên thần quỷ mị đều có thể biến hóa nhưng họ không thể là ứng được. Việc hóa hiện thì cũng chỉ tạm thời quyền có không thể nguyên vẹn trước sau. Nay nói ứng là đồng với ứng, đồng một pháp trước sau như nhất nên gọi là ứng. Như Lai dùng tâm không phân biệt và trí tự tại mà tùy cơ có cảm ứng, mà chỗ dùng vô ngại không nhọc sức nghĩ ngợi giữ gìn như gương sáng có hình tượng nào đều hiện rõ không chút tương tợ hay sai khác. Như các Thiện tiên hóa hiện, phải gắng sức vận niệm mới hóa được. Như phải vận niệm hết sức vào cánh tay để vẽ hình người… Nhưng chưa ắt là hoàn toàn không động niệm. Về diệu và không diệu thì ước vào hai thí dụ này có thể biết.

Không quán sắc, là tâm như nhà huyễn thuật làm các hình sắc. Nếu biết nhà huyễn thuật lừa dối thì không có được cái sắc huyễn hóa đó. Nay sắc từ tâm nhà huyễn thuật huyễn hóa ra, còn không được tâm này thì chỗ nào mà thấy có sắc này. Nên không quán sắc.

Không quán sắc như, nếu thấy sắc cùng như khác nhau, ấy là dứt sắc nhập vào như. Nay không thấy sắc khác như, nên không quán sắc như.

Sắc tánh, hoặc nói như chỉ là tánh, tánh chỉ là như, hoặc có nghĩa này. Nay Thánh nhân không cho lập lại một pháp, hai lần nhắc lại là biểu thị điều đó. Nay đem tánh này làm Phật tánh không quán sắc là Không của tục đế, không quán sắc như là Không của chân đế. Không quán Phật tánh là Không của Trung đạo. Đem cái chấp có Phật tánh Trung đạo này mà khởi thuận đạo ái sinh, ấy là đảnh đọa. Nên văn trên nói ngã và Niết-bàn hai thứ đều không, chỉ có bệnh không, bệnh không cũng không. Nay không quán tánh là Không thuận đạo ái. Nên không quán tánh.

Không phải bốn đại khởi, là tuy quán thân ấy không ở bốn đại khởi hoặc như là phàm phu. Không ở bốn đại khởi giải như Nhị thừa, không hoặc không giải cho nên nói là Không khởi đồng với hư không. Đó gọi là thật tướng.

Lục nhập, là hay chứa nhóm sáu trần mà tạo ra sinh tử. Không đồng sáu nhập chứa nhóm của phàm phu. Cho nên nhãn nhĩ đã qua khác với cảnh giới sáu căn của phàm phu.

Không ở ba cõi, là đã ra khỏi chân tục. Ba cấu đã lìa, là Không có ba cấu quốc. Thuận ba thoát, là duyên với nhất thật tướng mà thuận ba giải thoát. Ba minh cùng vô minh bằng nhau, là nguồn gốc vô minh tức là thật tướng pháp tánh. Pháp tánh này không có gì bằng, tức là Không có trí nào có thể ngang hàng. Đây gọi là vô đẳng đẳng.

Ba minh, là Thiên nhãn minh hay chiếu thấu vị lai, Lậu tận minh thấu suốt hiện tại và Túc mạng minh biết cùng tận quá khứ, thấu suốt đầu mối của vô minh. Dù Thập trụ cũng không thấy được đầu mối, chỉ có Phật mới thấy được thỉ chung. Đã nói quán thân thật tướng, quán Phật cũng thế. Phật thấu suốt đầu mối vô minh, nay biết đầu mối ấy ngang bằng “đẳng) với vô minh. Lậu tận thì hay biết được lậu của năm trụ. Hoặc vô minh dứt hết nên nói là đẳng. Tướng “Một” là tướng của chân đế, tướng khác là tướng sai khác của tục đế. Nay thật tướng không phải Chân không phải tục, nên không phải một không phải khác. Không tự, là du hành đến nước khác gọi là tha tướng, đến gặp nhà cha gọi là tự tướng. Đây là ứng dụng chân tu và duyên tu, tự sinh tha sinh mà rộng phá, lìa hẳn các đẳng tự tha này mà nhập vào thật tướng. Không phải vô tướng, là Không phải Niết-bàn. Không phải thủ tướng, là Không phải sinh tử. Không phải sinh tử, không phải phàm phu, không phải Niếtbàn, không phải Nhị thừa. Không phải ở bờ bên này, không phải tục đế, không phải ở bờ bên kia, không phải chân đế. Không ở giữa dòng, không phải các phiền não. Bờ bên này lìa đây lìa kia, trái với bờ bên kia không phải kia không phải đây mà giáo hóa chúng sinh. Đây là nói chung về ứng dụng pháp thân. Không đây không kia, tức là Không sinh tử không Niết-bàn. Không dùng đây không dùng kia, là quán trí hai đế, cảnh trí cùng sáng. Không thể dùng trí mà biết là phá tan các pháp tức là chân đế. Không thể dùng thức mà biết, tức nhóm họp các pháp, nên gọi là thức, tức là sinh tử tục đế. Không tối không sáng, tức là giải hoặc. Giải hoặc tức là sinh tử và Niết-bàn, gọi là tức thế gian, tương tức với xuất thế, nên chân đế gọi là thật tướng. Không mạnh không yếu tức sinh tử là pháp dữ dằn nên gọi là mạnh. Trí tuệ là lý giúp dễ ngộ nên gọi là yếu. Không phải mạnh không phải yếu nên là thật tướng. Không ở nơi nào, tức pháp tánh không ở bờ cõi sinh tử, há lại có cõi giới nên nói không ở nơi nào. Không lìa, chỉ là ở cõi Thường tịch quang, cũng là ở tất cả chỗ, nên nói không lìa không phải hữu vi, không phải vô vi như vô tận môn vậy. Không bày không nói như ngài Duy-ma nín thinh. Không bố thí là Không phải bờ kia đàn độ, không keo kiệt, là Không đồng bờ này bí lẫn phàm phu. Cả lục độ cũng y như thế. Niết-bàn thẩm đế là thành thật. Sinh tử hư giả là dối trá, chẳng đến là thừa như thật đạo, đến là thành chánh giác. Không đi thừa ấy là từ ba cõi mà ra đến Tát-bà-nhã. Lìa bỏ tới lui này không ra khỏi không phải Nhị thừa, không nhập vào Không phải phàm phu. Dứt đường nói năng như ngài Tịnh Danh im lặng. Không phải phước điền như trách ngài Tu-bồ-đề, không phải chẳng phước điền như ủy dụ Tu-bồ-đề. Không phải đáng nhận cúng dường như trách Tu-bồ-đề, cũng không phải Không đáng nhận cúng dường Như Lai chánh giác gọi là ứng dụng. Đồng với chân tế bình đẳng, pháp tánh ngầm hợp, chân thật không thể suy lường, tức là pháp giải thoát bất tư nghị. Cho đến động cũng như thế. Đồng chúng sinh tất cả chúng sinh cũng thế. Không phân biệt, là nhập vào nhất thật tướng không thấy cao thấp, không lỗi, không có ba thứ lậu rơi vào ba cõi không mừng, không chán… đều ước vào ba cõi phiền não để nói, không có cái đã có và sẽ có… Nên ước vào kinh Niết-bàn giải thích kệ ba đời, mà giải thích ý này.

Kết và Phân biệt tà chánh như văn.

Xá-lợi-phất hỏi: Ngài Xá-lợi là người khởi giáo. Đã biết Đại sĩ có pháp thân thật tướng đồng với chư Phật. Kế hiển bày ứng thân tùy duyên hóa vật, có công năng đại dụng vô cùng, cho nên hỏi. Câu hỏi này cũng so ý của Tam tạng giáo. Nếu Phật Tam tạng giáo mất rồi thì không sinh, nếu Bồ-tát Tam tạng giáo còn có hoặc lụy thì còn có sinh. Nếu thế thì hỏi sao chết rồi còn sinh cõi này. Phần này có hai: Một là trách ngài Thân Tử. Hai là, Phật nói cõi nước đã ở.

Phần trách Thân Tử lại có hai: Thân Tử hỏi và Phật đáp.

Trong phần Phật đáp lại có năm:

  1. Chất vấn lại.
  2. Thí dụ làm sáng tỏ.
  3. Hỏi.
  4. Đáp.
  5. Dẫn lời Phật để giải thích.

Chất vấn lại: Trong giải thoát ông còn không chết rồi sinh lại, trong pháp thân ta sao được có chết rồi sinh, ông đã không như thế sao được lấy đó mà hỏi.

Thí dụ, như nhà huyễn thuật thì chỉ là chết huyễn và sinh huyễn. Đây há là thật. Nếu không là thật sao được nói có chết rồi sinh lại.

Dẫn lời Phật để giải thích. Trong đó nói: Bồ-tát tuy chết rồi nhưng gốc thiện không mất, không đồng với hàng Nhị thừa hôi thân tận trí gọi là hết gốc thiện. Bồ-tát không diệt trí thì công đức ra làm cũng không thể mất. Lấy gốc thiện này mà lợi ích chúng sinh. Không nuôi lớn ác, không đồng chứa nhóm như phàm phu, cũng không dứt mất gốc thiện, không đồng diệt hết như hàng Nhị thừa. Do gốc thiện không mất, nên hay ứng hiện vào các cõi cấu tịnh, nhưng đều không nuôi lớn thiện ác hai cõi nước cấu tịnh.

Trong phần Phật đáp Tịnh Quốc có ba: Một là Phật nói chỗ của tùy duyên tịnh quốc. Hai là Thân Tử khen ngợi. Ba là Đại sĩ nêu giải thích.

Trong phần giải thích có năm:

  1. Hỏi mặt trời và bóng tối có hợp nhau chăng.
  2. Đáp.
  3. Hỏi mặt trời từ đâu ra.
  4. Đáp.
  5. Nêu giải thích sự ra đều ở đây, là nói người đồng chư Phật có pháp ứng hai thân…

Phần đáp thứ hai, từ đại chúng đến khát ngưỡng muốn thấy nước Diệu Hỷ trở đi, tức là hiện tịnh quốc, là nơi Đại sĩ ở đấy. Có ba ý: Một là Thử nghiệm tịnh quốc của Đại sĩ. Hai là khiến thời chúng khởi hạnh tịnh quốc. Ba là, khuyên phát nguyện vãng sinh. Thế nên có một đoạn văn này, có bảy phần:

  1. Đại chúng khát nguỡng muốn thấy.
  2. Khiến hiện cõi nước.
  3. Vâng lời dời cõi nước.
  4. Phật khuyên thời chúng tu hành.
  5. Đại chúng phát tâm.
  6. Lợi ích xong trở về bổn quốc.
  7. Ngài Thân Tử khen ngợi.

Nay nói đại chúng khát ngưỡng muốn thấy. Nghe nói nước Diệu Hỷ trên là nơi ở của Đại sĩ, thế nên một lòng khát ngưỡng.

Phật khiến hiện cõi nước. Có hai:

  1. Nói Phật tịch chiếu biết có ý niệm.
  2. Phật khiến hiện cõi nước.

– Vâng lời hiện cõi nước. Có sáu:

  1. Một lòng muốn dời núi rừng thế giới Diệu Hỷ.
  2. Chánh hiện thần lực.
  3. Kẻ có thần thông biết mà kinh hãi quái lạ.
  4. Phật khen việc làm của ngài Tịnh Danh
  5. Người không có thần thông không biết.
  6. Cõi ấy vào cõi này không tổn giảm.

Phật khuyên thời chúng tu hạnh của Vô Động Như Lai. Phần này có ba:

  1. Khuyên quán cõi nghiêm tịnh.
  2. Thời chúng đáp là đã thấy.
  3. Chánh khuyên tu hạnh Vô động như trong phẩm Phật Quốc đáp lời Trưởng giả tử đã nói. Lại như ở phần vào thất an ủi điều phục hành ở phi đạo mà thông suốt Phật đạo như môn tận vô tận tức là hạnh Tịnh độ.

Thời chúng phát tâm tu hành, có hai:

  1. Phát tâm.
  2. Phát nguyện.

Có mười bốn na-do-tha người ngộ, đều là từ trước đến nay các thứ nói pháp các thứ thần biến sắp xong, liền hiện tịnh quốc này, đều mong Như Lai khuyến phát. Thế nên cùng lúc có mười bốn na-do-tha người được ngộ.

Phát nguyện, là tịnh hạnh tinh tế sâu sắc khó thể hiện, liền lập thệ sinh cõi nước ấy, ở đấy mà tu hành. Trong đó Phật thọ ký cho được sinh.

Phần ký có hai: Thọ ký xa và thọ ký gần.

Nếu lập thệ thì sau này nhất định được sinh, tức là ký gần. Nếu tu nhân tịnh hạnh thì ắt là chiêu quả tịnh độ như Phật quốc ấy, tức là ký xa. Như văn.

Ngài Thân Tử khen ngợi. Có sáu:

  1. Phật hỏi thấy không.
  2. Đáp đúng thế.
  3. Vì tất cả chúng sinh mà phát nguyện.
  4. Tự mong được nhờ cậy.
  5. Khen công đức nghe kinh.
  6. Nêu ra phước sâu.

Trong đó có sáu phen giải thích. Như văn. Nếu căn cứ theo lời ý này thì đây là đoạn lưu thông. Nay nói ngài Thân Tử là người Tiểu thừa không phải là người gánh vác Đại thừa nên không thuộc phần Lưu thông, chỉ là phần bắt đầu cho lưu thông thôi.