ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ

Đời Nguyên,Viện Sùng Thánh Sa-môn Sư Chánh thuộc tông Thiên Thai soạn thuật.

 

PHẨM 9: TÀ CHÁNH

Tà là ma, chánh là Thánh. Tà ma có rất nhiều loại như tà ác, tà dục, tà thiên, tà tiệm. Tà ác là hàng xiển-đề phỉ báng chánh pháp, phạm bốn tội trọng, năm tội nghịch, mười điều ác, chiêu cảm quả báo trong bốn đường.

Kinh ghi: “Nói cho cất chứa các vật bất tịnh tức là phỉ báng chánh pháp; chấp chín thể loại kinh, cho rằng không có Phương đẳng tức là phỉ báng chánh pháp. Nếu muốn hành dâm thì nên cởi bỏ pháp phục, tức phạm bốn tội trọng, tất cả đều gọi là tà ác”. Tà dục tức chỉ chung cho nhân quả của hai mươi lăm hữu là nhân duyên phiền não, nghiệp, ấm và ma trời. Kinh ghi: “Nương vào ái dục của cha mẹ hòa hợp mà sinh ra, nuôi lớn thân này. Ái là phiền não, thân này là ấm. Dùng thân hữu lậu làm thân vô lậu, tức ma trời. Xưa tu khổ hạnh là nghiệp”, tức là nghĩa này.

Nói tà thiên tức là vô thường, khổ, không, Niết-bàn nghiêng về một bên của Thanh văn, Duyên giác. Kinh ghi: “Như Lai vô thường thay đổi, giảng nói pháp vô ngã”. Chính là nghĩa này.

Nói tà tiệm tức là phân biệt khác nhau, xả bỏ hai bên, chỉ cầu Trung đạo, đó cũng là Tam-muội ma, tâm Bồ-đề ma, v.v… Kinh ghi: “Như Lai đối với các tà luận của ngoại đạo không hiểu biết gì, đối với các phương thuốc thế gian cũng không biết. Vì không biết nên gọi là Như Lai. Đối với kẻ dùng đạo giết hại hoặc người dùng hương xoa thân đều chẳng sinh yêu ghét, chỉ hay đối xử bình đẳng. Vì thế gọi là Như Lai”, chính là nghĩa này.

Nói chánh tức là Thánh, Thánh chánh có nhiều bậc, đó là chấp chánh, thiện chánh, chân chánh, phương chánh. Bốn tà đã xuất phát từ văn kinh, thì trái với tà tức là chánh, nên chẳng cần phải nói thêm. Bốn tà, bốn chánh này tức là bốn Tất-đàn. Tà ác là nặng nhất, là gốc của các tà, tức thế giới Tất-đàn. Tà của tà dục, là vì người trong sạch, thanh cao mà đặt ra tên gọi này, nên đó tức là Vị nhân Tất-đàn. Tà thiên là chỉ cho phá sinh tử mà nhập vào Niết-bàn, tức Đối trị Tất-đàn. Tà tiệm, chỗ đến của tà tiệm là thường trụ, từ môn thứ lớp mà đặt tên tà này, tức là Đệ nhất nghĩa Tất-đàn.

Chánh cũng như thế, chấp chánh là ma, là chủ cõi Dục, chấp chánh cõi Dục tức Thế giới tất đàn. Thiện chánh là pháp thiện thế gian, vì thành tựu các pháp thiện nên gọi là Vị nhân Tất-đàn. Chân chánh là pháp xuất thế, dùng để đối phá thế gian mới gọi là Chánh, đó là thứ lớp của Đại thừa, luôn dẫn đến Thật tướng, Thật tướng là Đệ nhất nghĩa. Nói chung về tà chánh thì tướng trạng như thế. Nay kinh này nêu ra hai pháp hai hạng người, đó là kinh ma, luật ma, người trì kinh ma, người trì luật ma, đó là bốn ma. Ý này rất rộng bao gồm các tà nói ở trước. Chánh cũng có bốn là kinh Phật, luật Phật, người trì kinh Phật, người trì luật Phật đó là bốn chánh. Bốn chánh này gom hết bốn chánh nói ở trước. Từ các nghĩa này đặt tên nên là phẩm Tà Chánh.

Phẩm trả lời câu hỏi của ngài Ca-diếp nêu ở phần kệ trước “làm sao biết ma trời làm hoặc loạn đại chúng? Như Lai và ma nói thế nào phân biệt được?”. Nhưng bốn y có đức rất lớn, có khả năng phân biệt tà chánh, tuy hai nghĩa giúp nhau thành tựu, nhưng bốn y thì trả lời về rộng lớn, tà chánh thì trả lời về phân biệt. Hai phần tuy có đủ hai ngụy vọng hình và thanh, mà phẩm trước phần nhiều nói về hình loạn, phẩm này phần nhiều nói về thanh loạn. Văn có năm đoạn:

1/ Nói lược về tà chánh.

2/ Nói rộng về tà chánh.

3/ Nói nghĩa.

4/ Thọ lãnh, hiểu rõ.

5/ Thuật lại để chứng thành.

Trong đoạn một lại có hỏi và đáp.

Hỏi thì nêu lại ý ở phẩm bốn Y, trả lời thì nêu tà Tam bảo. Trong đó, ma là tà Phật, pháp được nói ra là tà pháp, người thọ trì là tà tăng. Như trong Bách Luận có nói về Ca-tỳ-la tự cho mình là Phật, có sở thuyết (pháp) và đệ tử (tăng). Vì sự hoặc loạn này mà phải có bốn Y nêu trên.

Từ câu “Ca-diếp bạch Phật, v.v…” trở xuống là nói rộng về tà chánh, có hỏi và đáp.

Hỏi về Tam bảo tà chánh làm sao phân biệt, như văn có nói. Ở trên hỏi “làm sao biết ma trời, hoặc loạn các đại chúng” là hỏi về hình ảnh loạn. Hỏi “Như Lai nói và Ba-tuần nói, thế nào mà phân biệt được” là hỏi về âm thanh loạn. Nay hỏi về ma và những điều ma nói tức là hai câu hỏi trên. Nói làm theo hạnh ma tức là đồng đảng tùy theo ma mà tạo ra hình ảnh loạn và âm thanh loạn.

Trả lời rộng, có hai là trả lời về hình ảnh loạn và trả lời về âm thanh loạn.

Nói bảy trăm năm, là vì chánh pháp vốn là một ngàn năm, vì độ người nữ nên bị giảm năm trăm năm. Năm sáu trăm đến bảy trăm là thời kỳ tượng pháp. Kinh Ma-da có nói: “Vào khoảng sáu trăm năm sau Phật Niết-bàn thì ngài Mã Minh ra đời, đến bảy trăm năm thì ngài Long Thọ ra đời. Bấy giờ ma hưng thạnh liền có bốn y”. Ma có thần thông hữu lậu biến hóa thành bốn bộ, bốn quả và sắc thân Phật. Giống như thợ săn tuy đắp y ca-sa mà có tâm giết hại. Ma cũng như thế, bên ngoài hiện hình tướng bậc Thánh, mà trong tâm luôn có mưu đồ bất chánh. Vô lậu thì ở tại tâm, chẳng ở nơi sắc, vì sao nói tạo thân vô lậu, cũng là năm ấm vô lậu, cho nên ma học theo.

Từ câu “Khi ma Ba-tuần v.v…” trở xuống là phần thứ hai nói về thanh loạn. Văn có năm đoạn:

  1. Loạn thân Phật.
  2. Loạn kiết giới.
  3. Loạn đức của Phật.
  4. Loạn kinh luật.
  5. Loạn tội phước.

– Đầu tiên là nói về loạn thân Phật, lại có bốn:

  1. Loạn sinh.
  2. Loạn hạnh.
  3. Loạn khi vào miếu.
  4. Loạn nạp phi.

Đầu tiên như văn kinh, nếu nói thật có sinh là ma nói, nếu nói chẳng sinh mà sinh là Phật nói.

Nói về hạnh cũng nên nêu như thế, nhưng nay chẳng nêu, là vì chẳng phải hạnh là ma nói, là hạnh tức Phật nói. Vì sao? Vì ma tà ác muốn che đức của Phật, hiển bày lỗi của Phật, nên gọi là loạn hạnh Phật.

Vào miếu cưới vợ, như văn kinh có nói.

Từ câu “Nếu có kinh luận nói, v.v…” trở xuống là nói về loạn giới. Như văn kinh có nói.

Nói sáu mươi bốn năng: Nghĩa là Phật có ba mươi hai tướng tốt,

ngoại đạo muốn khoe hơn cả Phật nên nói là có sáu mươi bốn năng. Lại Phật có ba mươi hai tướng đều là do nghiệp nhân quá khứ cảm được, ngoại đạo lại tin theo để đối cầu, cho nên đặt ra sáu mươi bốn năng.

Từ câu “Nếu có thuyết nói v.v…” trở xuống là làm loạn đức của Phật.

Trong đây nói Phật chẳng biết tốt xấu, chẳng phân biệt oán thân, dao hại, hương thoa chẳng ưa chẳng ghét, như có người nói đâm mà mắt chẳng nháy, đây là dùng tâm ngu si làm loạn đức của Phật.

Từ câu “nếu có kinh nói v.v…” trở xuống là làm loạn kinh luật, gồm có hai đoạn:

Y cứ thường, vô thường để làm loạn kinh luật.

Y cứ chung kinh luật để làm loạn, như văn kinh có nói.

Từ “Có người nói, v.v…” trở xuống là làm loạn tội phước. Văn có ba phen:

  1. Lại nói về chánh.
  2. Nói về tà.
  3. Nói về chánh.

Tỳ-kheo tự biết chẳng phải bậc Thánh đáp vì chẳng phải bậc Thánh thì không phạm tội, là nói về Chánh.

Từ câu “lại có kinh luật nói v.v…” trở xuống là nói về tà.

Từ câu “Như có chỗ nói, v.v…” trở xuống là lại nói về chánh.

Nói “Nếu nói quá một pháp” tức khi nói giới đầu tiên là hỏi “có thanh tịnh không?”, ba lần như thế, nếu tất cả im lặng, tức là thành nói dối. Nói “Tất cả chúng sinh tuy có Phật tánh, nhưng phải trì giới”, nghĩa là Phật tánh là chánh nhân, trì giới là duyên nhân.

Từ câu “Ca-diếp bạch rằng v.v…” trở xuống là phần thứ ba nói về nghĩa. Văn có ba phen:

  1. Nói về Phật tánh.
  2. Nói về người phạm lỗi.
  3. Nói về tỉnh mộng.

Phen thứ nhất là trước hỏi sau đáp.

Trong phần đáp “Như Lai nói ngã hoặc nói vô ngã đó là Trung đạo”. Trung Luận chép rằng “Đối với thật tướng các pháp thì không có ngã, chẳng phải không có ngã. Ngã, vô ngã đều là giả danh. Nói ngã là giả, nói vô ngã là thật, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã là Trung đạo”.

Phần thứ hai, là trước hỏi sau đáp. Trong phần đáp ở trước nói về phạm, kế là nói chẳng phạm, sau lại nói về phạm. Như văn kinh có nói.

Phen hỏi đáp thứ ba, trước hỏi sau đáp. Trong mộng thấy hành dâm không có tội, nhưng khi tỉnh dậy phải ăn năn, nếu tỉnh dậy mà vui sướng thì phạm tội. Trong kinh Đại Phẩm ý cũng nói như thế.

Ma-ha Lăng-già, Hán dịch là Xích sắc (màu đỏ), trái với văn sau nói “đắp y màu đỏ”, vậy giải thích thế nào?

Giải rằng: Văn sau là Phật nói khi chưa chế giới. Lại giải thích rằng: Màu đỏ cũng có nhiều loại: quá đỏ như trái càn-đà thì cấm, đỏ nhạt ở đây chẳng cấm.

Từ câu “Ca-diếp bạch rằng v.v…” trở xuống là phần thứ tư thọ lãnh ngộ.

Thứ năm, là thuật lại để chứng thành.