SỐ 223
KINH MA-HA BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT
Hán dịch: Pháp sư Cưu-ma-la-thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 27

Phẩm 88: TÁT-ĐÀ-BA-LUÂN

Phật bảo Tôn giả Tu-bồ-đề:

–Đại Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật phải như Bồ-tát Tátđà-baluân. Đại Bồ-tát ấy hiện nay ở chỗ Phật Đại lôi âm mà thực hành đạo Bồ-tát.

Tôn giả Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Đại Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cầu Bátnhã ba-la-mật như thế nào?

–Này Tu-bồ-đề! Đại Bồ-tát Tát-đà-ba-luân trước kia, lúc cầu Bát-nhã ba-la-mật chẳng tiếc thân mạng, chẳng màng danh lợi.

Khi vị ấy ở trong rừng vắng, nghe trên hư không có tiếng bảo:

–Này thiện nam! Người từ đây đi qua phương Đông chớ nghĩ đến mỏi mệt, chớ nghĩ đến ngủ nghỉ, chớ nghĩ đến uống ăn, chớ nghĩ đến ngày đêm, chớ nghĩ đến lạnh nóng, chớ nghĩ đến trong ngoài. Khi đi người chớ nhìn hai bên, khi đi người chớ phá hoại tướng thân, chớ phá hoại tướng sắc, tướng thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì nếu phá hoại các tướng ấy thì đối với Phật pháp có trở ngại. Nếu đối với Phật pháp có trở ngại thì sinh tử qua lại năm đường, cũng chẳng được Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân đáp:

–Tôi sẽ y theo lời dạy. Vì sao? Tôi muốn vì tất cả chúng sinh mà làm ánh sáng rực rỡ, tôi muốn tập hợp pháp của tất cả các Đức Phật, tôi muốn được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Trên hư không lại có tiếng nói:

–Lành thay, lành thay! Người nên có tâm kính tin pháp không,

vô tướng, vô tác. Đem tâm lìa tướng mà cầu Bát-nhã ba-lamật: lìa tướng ngã, cho đến lìa tướng người biết, người thấy. Người phải xa lìa ác tri thức, phải gần gũi cúng dường Thiện tri thức.

Ai là Thiện tri thức? Là người có khả năng giảng nói pháp không, vô tướng, vô tác, không sinh, không diệt và Nhất thiết chủng trí, làm cho người nghe, tâm họ thâm nhập vui mừng tin ưa, đó là Thiện tri thức. Nếu người đi như vậy không lâu sẽ được nghe Bátnhã ba-la-mật, hoặc được nghe từ trong kinh này, hoặc được nghe từ Bồ-tát nói.

Chỗ mà người theo đó được nghe Bát-nhã ba-la-mật, người phải xem nơi ấy như Phật. Người phải biết ân, phải nghĩ rằng đó tức là Thiện tri thức của mình. Do nghe pháp Bát-nhã ba-la-mật ấy, ta sẽ chóng được chẳng thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được gần các Phật, thường sinh trong nước có Phật, xa lìa các chướng nạn, được đầy đủ chỗ không chướng nạn.

Người phải suy lường công đức ấy, phải ở chỗ được nghe pháp xem như Phật. Người chớ sinh tâm vì lợi dưỡng thế gian mà theo bên Pháp sư, mà chỉ vì ưa thích chánh pháp, chỉ vì kính trọng chánh pháp nên theo Bồ-tát Pháp sư. Lúc bấy giờ người phải cảnh giác biết rõ những việc ma.

Nếu ác ma giả vì pháp mà đem năm dục đến dâng cho Bồ-tát Pháp sư thì Bồ-tát Pháp sư nhập vào pháp như thật, với năng lực công đức nên thọ nhận lấy, nhưng không hề nhiễm năm dục ấy.

Bồ-tát Pháp sư lại vì ba việc nên nhận lấy năm dục ấy: một là vì năng lực phương tiện, hai là vì muốn cho chúng sinh gieo trồng căn lành, ba là vì muốn đồng sự với chúng sinh.

Đối với việc ấy, người chớ sinh tâm chẳng kính tin mà phải sinh tâm kính tin, nghĩ rằng: “Tôi chưa được trí phương tiện. Đại sư vì độ chúng sinh nên dùng pháp phương tiện cho họ được phước đức, nên Đại sư mới nhận lấy năm dục ấy, Bồ-tát có trí tuệ vẫn không lệ thuộc, không bị chướng ngại, chẳng bị năm dục làm nhiễm ô.”

Người phải quán thật tướng các pháp, nghĩa là tất cả pháp chẳng nhơ, chẳng sạch. Vì sao? Tất cả pháp tự tánh rỗng không, không có chúng sinh, không có ngã, không có người. Tất cả pháp như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như hình bóng, như sóng nắng, như biến hóa. Người quán thật tướng các pháp ấy rồi phải theo Pháp sư, không lâu người sẽ thành tựu Bát-nhã ba-la-mật.

Lại nữa, người phải cảnh giác biết việc ma. Nếu Bồ-tát Pháp sư thấy người muốn học Bát-nhã ba-la-mật mà chẳng để ý đến thì người chớ sinh tâm thù ghét. Người chỉ nên vì pháp mà sinh tâm cung kính, chớ có ý chán lười, phải thường theo bên Pháp sư.

Sau khi được nghe lời chỉ bảo từ trên hư không, Bồ-tát Tát-đàba-luân đi về phương Đông không bao lâu chợt nghĩ rằng vì sao ta không hỏi tiếng trên hư không phải đi đến nơi nào, xa hay gần, sẽ phải theo ai để được nghe Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền đứng lại, buồn bã khóc than, nghĩ rằng: “Tôi ở lại đây chẳng nghĩ đến mỏi nhọc, cho đến chẳng nhớ đến đói khát, lạnh nóng, nếu chẳng được nhân duyên nghe học Bátnhã ba-la-mật thì tôi quyết chẳng rời khỏi nơi đây.”

Này Tu-bồ-đề! Như người chỉ có một đứa con trai, đứa con ấy chợt chết đi, người ấy buồn bã đau khổ, trong lòng chỉ buồn khổ chớ chẳng nghĩ gì khác.

Cũng như vậy, lúc ấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân không nghĩ gì khác ngoài việc mong muốn biết được bao giờ mình được nghe Bátnhã ba-la-mật, vì sao ta không hỏi âm thanh trên hư không:

–Tôi phải đến nơi nào, xa hay gần, sẽ theo ai để học Bátnhã ba-la-mật.

Lúc Bồ-tát Tát-đà-ba-luân buồn nghĩ như vậy, trên hư không có Đức Phật bảo rằng:

–Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các Đức Phật quá khứ lúc hành đạo Bồ-tát, cầu Bát-nhã ba-la-mật cũng như người này nay. Người giữ gìn tâm siêng năng tinh tấn, ưa thích chánh pháp ấy mà đi qua phương Đông cách đây năm trăm dotuần, có ngôi thành tên là Chúng hương. Thành ấy có bảy lớp, bảy chất báu trang nghiêm, nhà cửa tường thành đều trang sức bằng bảy chất báu, ánh sáng bảy báu, hàng cây bảy báu bao quanh bảy vòng. Ngôi thành ấy rộng mỗi bề mười hai do-tuần, giàu vui an ổn, dân chúng đông đúc, có năm trăm thị xã, đường sá tương đối đẹp tốt như tranh vẽ. Cầu cống rộng rãi sạch sẽ như đất bằng. Trên bảy lớp thành đều có lâu đài, cây báu bảy hàng, nhánh là bằng vàng ròng, bạc trắng, xa cừ, mã não, san hô, lưu ly, pha lê và chân châu màu hồng. Dây báu kết giăng, linh lưới bằng vàng trùm lên thành. Gió thổi linh khua vang tiếng hòa nhã làm vui lòng người nghe, năm thứ âm nhạc khéo hòa tấu rất vui vẻ, tiếng lưới vàng và linh báu cũng giống như vậy. Bốn phía thành có ao nước chảy trong sạch, lạnh ấm vừa ý thích. Trong ao có những chiếc thuyền bằng bảy báu. Đó là do nghiệp đời trước của chúng sinh nơi ấy tạo nên. Họ ngồi thuyền báu ấy qua lại vui chơi. Trong nước ao có các loại hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng và nhiều thứ hoa khác che khắp mặt ao. Bao nhiêu thứ hoa trong cõi đại thiên đều có trong ấy. Bốn phía thành lại có năm trăm khu vườn nhà bảy báu trang nghiêm rất đáng ưa thích. Trong mỗi khu vườn ấy đều có năm trăm ao nước. Mỗi ao rộng mỗi bề mười dặm cũng bằng bảy chất báu nhiều màu trang nghiêm. Trong ao nước ấy cũng có hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng xen đầy mặt nước. Hoa sen ấy lớn như bánh xe: màu xanh ánh sáng xanh, màu vàng ánh sáng vàng, màu đỏ ánh sáng đỏ, màu trắng ánh sáng trắng. Mặt nước ao lại có nhiều loại chim: chim le, chim nhạn, chim uyên ương kêu tiếng hòa nhau. Các vườn nhà ấy không thuộc riêng ai. Đó là do nghiệp lành đời trước của chúng sinh nơi ấy tạo nên, họ mãi tin ưa chánh pháp sâu xa và thực hành Bát-nhã ba-la-mật nên thọ hưởng quả báo ấy.

Này thiện nam! Trong thành Chúng hương có tòa đài cao, cung điện của Đại Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ở trên đài ấy. Cung ấy rộng một do-tuần, bằng bảy chất báu nhiều màu trang nghiêm rất đáng ưa thích. Tường rào bảy lớp cũng bằng bảy báu, tường thành bảy báu, lầu gác bảy báu, hào có bảy báu lớp cũng bằng bảy báu, chồng chất xây thành, bảy lớp hàng cây, nhánh lá bảy báu, bảy lớp vườn rừng bao quanh. Trong cung điện ấy có bốn khu vườn vui chơi: một khu vườn tên Thường hỷ, khu thứ hai tên Ly ưu, khu thứ ba tên Hoa sức, khu thứ tư tên Hương sức. Trong mỗi khu vườn có tám ao: ao thứ nhất tên Hiền, ao thứ hai tên Hiền thượng, ao thứ ba tên Hoan hỷ, ao thứ tư tên Hỷ thượng, ao thứ năm tên An ổn, ao thứ sáu tên Đa an ổn, ao thứ bảy tên Viễn ly, ao thứ tám tên Không thoái chuyển. Bốn bên ao, mỗi mặt là một thứ báu riêng: vàng ròng, bạc trắng, lưu ly và pha lê. Ngọc mai khôi làm đáy ao, trên trải cát vàng ròng. Cạnh mỗi ao đều có thềm bậc bằng các thứ báu. Khoảng giữa thềm bậc có hàng cây bằng vàng Diêm-phù-đàn. Trong tất cả ao đều có hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng che trên mặt nước. Bốn bên các ao đều có cây hoa đẹp, gió thổi hoa rơi vào trong nước ao. Nước ao có đủ tám công đức, thơm như Chiên-đàn, đầy đủ màu sắc và mùi vị, vừa nhẹ vừa mềm mại.

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt cùng sáu muôn tám ngàn thể nữ, đầy đủ năm dục, cùng chung vui hưởng. Người dân trong thành cùng vào các vườn Thường hỷ và ao Hiền…, đầy đủ năm dục, cùng chung vui hưởng.

Này thiện nam! Sau khi cùng các thể nữ dạo chơi vui thú xong, mỗi ngày ba thời Bồ-tát Đàm-vô-kiệt giảng nói Bátnhã ba-la-mật. Nam nữ lớn nhỏ trong thành Chúng hương chọn nơi đông người nhóm họp, lập pháp tòa lớn. Bốn chân pháp tọa ấy hoặc bằng vàng ròng, hoặc bằng bạc trắng, hoặc bằng lưu ly, hoặc bằng pha lê, trên trải nệm êm dày nhiều màu thòng những tua tụi, dùng lụa trắng đẹp trùm lên trên, rải những hoa đẹp hương thơm. Pháp tòa ấy cao năm dặm, giăng trướng gắn ngọc trắng. Bốn phía khoảng đất ấy trải hoa năm màu, đốt những hương thơm, nước thơm tưới trên đất. Đó là để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật.

Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi trên pháp tòa ấy giảng nói Bát-nhã ba-la-mật. Dân chúng trong thành ấy cúng dường cung kính Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để nghe Bát-nhã ba-la-mật.

Đại hội ấy có trăm ngàn muôn chúng, các vị trời cùng người thế gian hòa hợp một chỗ. Trong đó có người lắng nghe, có người lãnh thọ, có người giữ gìn, có người niệm tụng, có người ghi chép, có người chánh quán, có người thực hành đúng theo lời dạy.

Bấy giờ, do nhân duyên ấy nên chúng sinh đều chẳng đọa vào đường ác, chẳng thoái chuyển Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này thiện nam! Người qua đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt là Thiện tri thức trong nhiều đời trước của người, thường dạy cho người Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chỉ dạy cho người được lợi ích vui mừng.

Thuở trước, lúc Bồ-tát Đàm-vô-kiệt cầu Bát-nhã ba-lamật cũng như người ngày nay. Người đi chớ kể ngày đêm, chớ e ngại, không lâu người sẽ được nghe Bát-nhã ba-la-mật.

Khi nghe lời chỉ bảo trên hư không, Bồ-tát Tát-đà-baluân rất vui mừng nghĩ rằng bao giờ ta sẽ được thấy vị Thiện tri thức ấy để được nghe Bát-nhã ba-la-mật.

–Này Tu-bồ-đề! Ví như có người trúng phải tên độc, trong lòng người ấy không nghĩ gì khác, chỉ nghĩ rằng lúc nào gặp được thầy thuốc nhổ tên độc ra, chữa khỏi nạn khổ cho tôi. Cũng vậy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân không còn nghĩ gì khác, chỉ tâm nguyện lúc nào tôi được thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, cho tôi được nghe Bát-nhã ba-la-mật, dứt hết tâm chấp có.

Ở tại chỗ cũ ấy, khi Tát-đà-ba-luân nhớ nghĩ đến Bồtát Đàm-vô-kiệt, thì đối với tất cả pháp được thấy biết vô ngại, liền được vô lượng môn Tam-muội hiện tiền, đó là: Tammuội Chư pháp tánh quán, Tam-muội Chư pháp tánh quán không thật có, Tam-muội Phá các pháp vô minh, Tam-muội Chư pháp bất dị, Tammuội Chư pháp bất hoại tự tại, Tam-muội Chư pháp năng chiếu minh, Tam-muội Chư pháp ly ám, Tam-muội Chư pháp vô dị tương tục, Tam-muội Chư pháp không thể nắm bắt, Tam-muội Tán hoa, Tam-muội Chư pháp vô ngã, Tam-muội Như huyễn oai thế, Tammuội Đắc như cảnh tượng, Tam-muội Đắc nhất thiết chúng sinh ngữ ngôn, Tam-muội Nhất thiết chúng sinh hoan hỷ, Tam-muội Nhập phân biệt âm thanh, Tammuội Đắc chủng chủng ngữ ngôn tự cú trang nghiêm, Tammuội Vô úy, Tam-muội Tánh thường mặc nhiên, Tam-muội Đắc vô ngại giải thoát, Tam-muội Ly trần cấu, Tam-muội Danh tự ngữ cú trang nghiêm, Tam-muội Kiến các pháp, Tam-muội Chư pháp vô ngại đảnh, Tam-muội Như hư không, Tammuội Như kim cang, Tam-muội Bất úy trước sắc, Tam-muội Đắc thắng, Tam-muội Chuyển nhãn, Tam-muội Tất pháp tánh, Tammuội Năng giữ an ổn, Tam-muội Sư tử hống, Tam-muội Thắng nhất thiết chúng sinh, Tam-muội Hoa trang nghiêm, Tam-muội Đoạn nghi, Tam-muội Đoạn nhất thiết kiên cố, Tam-muội Xuất các pháp đắc thần thông lực vô úy, Tam-muội Năng đạt các pháp, Tam-muội Chư pháp tài ấn, Tam-muội Chư pháp vô phân biệt kiến, Tam-muội Ly các kiến, Tam-muội Ly nhất thiết ám, Tam-muội Ly nhất thiết tướng, Tam-muội Giải thoát nhất thiết tướng, Tam-muội Trừ nhất thiết giải đãi, Tam-muội Đắc thâm pháp minh, Tam-muội Chẳng thể đoạt, Tam-muội Phá ma, Tammuội Bất trước tam giới, Tammuội Khởi quang minh, Tam-muội Kiến chư Phật.

An trụ trong các Tam-muội ấy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân liền thấy vô lượng, vô số các Đức Phật mười phương, vì các Đại Bồ-tát mà nói Bát-nhã ba-la-mật.

Lúc ấy, các Đức Phật mười phương an ủi Bồ-tát Tát-đàba-luân rằng: Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Thuở trước lúc chúng ta hành đạo Bồ-tát cầu Bát-nhã ba-la-mật được các Tam-muội ấy cũng như chỗ được của người hiện nay. Được các Tam-muội ấy rồi chúng ta khéo nhập vào Bát-nhã ba-lamật, thành tựu năng lực phương tiện, trụ không thoái chuyển.

Chúng ta quán tánh các Tam-muội ấy chẳng thấy có pháp gì xuất Tam-muội, nhập Tam-muội, cũng chẳng thấy ai thực hành Phật đạo, cũng chẳng thấy ai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này thiện nam! Đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật, nghĩa là chẳng quan niệm có các pháp ấy.

Này thiện nam! Chúng ta an trụ trong pháp vô sở niệm mà được thân màu vàng ròng rất sáng chói này, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn được, giới vô thượng, Tam-muội Vô thượng, trí tuệ vô thượng của Phật, tất cả công đức thảy đều đầy đủ. Đã đầy đủ tất cả công đức mà Đức Phật còn chẳng thể dùng tướng nói hết được, huống chi là hàng Thanh văn, Bích-chi-phật và những người khác!

Này thiện nam! Vì lẽ ấy nên ở trong Phật pháp này phải càng cung kính yêu mến, sinh tín tâm thanh tịnh, đối với Thiện tri thức phải xem như Phật. Vì sao? Vì nhờ Thiện tri thức che chở mà Bồ-tát mau được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lúc ấy, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân bạch các Đức Phật mười phương:

–Ai là Thiện tri thức của con để gần gũi cúng dường.

Các Đức Phật mười phương bảo Bồ-tát Tát-đà-ba-luân:

–Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đã nhiều đời giáo hóa Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho người thành tựu. Bồ-tát Đàm-vôkiệt che chở người, dạy cho người năng lực phương tiện Bátnhã ba-la-mật, Bồ-tát ấy là Thiện tri thức của người.

Dù người có cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt hoặc một kiếp, hai kiếp, ba kiếp cho đến hơn trăm kiếp, đầu đội cung kính, đem tất cả vật sắc, thanh, hương, vị, xúc, ưa thích trong cõi đại thiên cúng dường hết cũng chưa đáp được ân Phật trong khoảnh khắc. Vì sao? Vì do nhân duyên của Bồ-tát Đàm-vôkiệt làm cho người được các Tam-muội như vậy, được năng lực phương tiện Bát-nhã ba-la-mật như vậy.

Các Đức Phật an ủi giáo hóa Bồ-tát Tát-đà-ba-luân như vậy, làm cho vị ấy vui mừng xong, bỗng nhiên biến mất. Ra khỏi Tammuội, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân chẳng còn thấy các Đức Phật nên nghĩ rằng: “Các Đức Phật ấy từ đâu đến, đi về đâu?”

Vì chẳng thấy các Đức Phật nên vị ấy buồn rầu chẳng vui: “Ai sẽ dứt hết sự nghi ngờ của tôi?”

Vị ấy lại nghĩ rằng: “Bồ-tát Đàm-vô-kiệt từ lâu đã thường thực hành Bát-nhã ba-la-mật, được năng lực phương tiện và các Đà-la-ni, được tự tại đối với pháp Bồ-tát, cúng dường nhiều các Đức Phật quá khứ, nhiều đời làm thầy ta, thường làm lợi ích cho ta. Ta sẽ hỏi Bồtát Đàm-vô-kiệt: Các

Đức Phật từ đâu đến, đi về đâu?”

Lúc ấy, đối với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, Bồ-tát Tát-đàba-luân sinh tâm cung kính, tôn trọng, ưa mến, nghĩ rằng: “Ta phải lấy gì cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt?”

Hiện nay, ta nghèo cùng, không có hoa hương, vàng bạc, châu báu. Không có các vật để cúng dường Bát-nhã ba-lamật và Pháp sư Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Ta không nên đi tay không đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Nếu ta đi tay không thì khó sinh tâm mừng rỡ. Vì Bátnhã ba-la-mật, ta phải bán thân để có tài vật cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.

Từ nhiều đời ta đã mất vô số thân, trong sinh tử vô thỉ hoặc

chết, hoặc bán, hoặc vì dục vọng mà nhiều đời chịu vô lượng khổ não ở trong địa ngục, chưa bao giờ vì pháp thanh tịnh, vì Pháp sư mà mất thân.

Giữa đường, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân vào một ngôi thành, đến giữa chợ rao rằng:

–Ai cần người! Ai cần người! Ai muốn mua người?

Bấy giờ, ác ma nghĩ rằng, vì mến chánh pháp mà Tátđà-baluân này tự bán thân, vì Bát-nhã ba-la-mật mà cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Ông ấy sẽ thành chánh vấn Bát-nhã ba-la-mật và năng lực phương tiện: Đại Bồ-tát thực hành Bát-nhã ba-la-mật thế nào để chóng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác? Ông ấy sẽ được đầy đủ học rộng như nước biển cả, lúc đó chẳng thể ngăn trở phá hoại được. Ông ấy sẽ đầy đủ tất cả công đức lợi ích của các Đại Bồtát đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, qua khỏi cảnh giới của ta, và cũng dạy những người khác ra khỏi cảnh giới của ta để được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ta phải phá hoại công việc của ông ấy.

Bấy giờ, ác ma che tai các vị Bà-la-môn, Cư sĩ chẳng nghe tiếng rao bán thân của Bồ-tát Tát-đà-ba-luân, chỉ trừ một nữ trưởng giả, vì nhân duyên đời trước nên ác ma chẳng che được.

Tát-đà-ba-luân rao bán thân chẳng ai hỏi mua, nên buồn bã khóc lóc, đứng lại một nơi, rơi lệ nghĩ rằng: “Vì ta có tội lớn nên bán thân mà chẳng ai mua, vì Bát-nhã ba-la-mật mà tôi tự bán thân để cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.”

Bấy giờ, trời Đế Thích nghĩ rằng Bồ-tát Tát-đà-ba-luân ưa mến chánh pháp mà tự bán thân, vì Bát-nhã ba-la-mật nên muốn cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, ta sẽ thử ông ấy coi có phải thật vì thâm tâm mến pháp mà xả chân chăng?

Trời Đế Thích liền hóa thành người Bà-la-môn đi ngang qua chỗ Tát-đà-ba-luân, đứng hỏi rằng:

–Vì sao ngươi đứng đây khóc than buồn rầu, dáng vẻ tiều tụy như vậy?

–Thưa Bà-la-môn, tôi kính mến chánh pháp. Vì Bát-nhã ba-lamật nên tôi bán thân để cúng dường Bồ-tát Đàm-vôkiệt nhưng không ai mua. Tôi nghĩ mình phước mỏng không có của báu, muốn bán thân cũng chẳng ai mua. Tôi lấy gì cúng dường Bát-nhã ba-lamật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Vị Bà-la-môn nói:

–Tôi chẳng cần người, hiện giờ tôi muốn tế trời, cần có tim, máu và tủy người. Ông có thể bán những vật ấy cho tôi không?

Tát-đà-ba-luân nghĩ rằng: “Tôi được lợi lớn, được lợi bậc nhất, nay tôi vì đầy đủ Bát-nhã ba-la-mật, năng lực phương tiện nên được người mua tim, máu và tủy.”

Nghĩ xong, Tát-đà-ba-luân trong lòng rất vui mừng không còn buồn rầu, bảo Bà-la-môn:

–Tôi bằng lòng trao cho ông tất cả những vật ông muốn dùng.

Bà-la-môn hỏi:

–Ông lấy giá bao nhiêu?

Tát-đà-ba-luân đáp:

–Tùy ý ông cho bao nhiêu cũng được.

Nói đoạn, Tát-đà-ba-luân tay mặt cầm dao bén đâm vào cánh tay trái máu tuôn ra, rồi cắt thịt bắp vế bên mặt, muốn chặt xương để lấy tủy.

Khi ấy, có một nữ trưởng giả ở trên gác cao thấy Tátđà-baluân tự cắt thân, chẳng tiếc mạng sống, muốn biết duyên do, liền xuống gác, đến hỏi Tát-đà-ba-luân rằng:

–Người ơi, sao lại tự hủy thân khốn khổ như vậy. Dùng tim, máu, tủy này để làm gì?

Tát-đà-ba-luân đáp:

–Tôi muốn bán cho vị Bà-la-môn này, để có tiền vật cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.

Nữ trưởng giả hỏi:

–Ông muốn đem bán tim, máu và tủy để cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt sẽ được công đức gì?

Tát-đà-ba-luân đáp:

–Bồ-tát Đàm-vô-kiệt học đầy đủ về Bát-nhã ba-la-mật và năng lực phương tiện. Ngài sẽ giảng dạy tôi việc phải làm của Bồtát và hành đạo của Bồ-tát. Tôi học pháp ấy, đạo ấy, lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm nơi y chỉ cho chúng sinh sẽ được thân màu vàng ròng đủ ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp sáng chói vô lượng, đại Từ, đại Bi, đại Hỷ, đại Xả, bốn Vô úy, bốn Trí vô ngại, mười Lực của Phật, mười tám pháp Bất cộng, sáu thần thông chẳng thể nghĩ bàn, giới định tuệ thanh tịnh, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với các pháp được thấy biết không còn gì ngăn ngại, đem Pháp bảo vô thượng phân bố cho tất cả chúng sinh. Những công đức lợi ích như vậy, tôi sẽ được từ nơi Bồtát Đàm-vô-kiệt.

Nữ trưởng giả nghe Phật pháp sâu màu ấy lòng rất vui mừng kinh ngạc nổi ốc nói:

–Rất là hy hữu! Điều ông nói thật nhiệm mầu khó được nghe. Vì mỗi công đức pháp ấy đáng xả cả hằng sa thân mạng. Điều ông nói rất là nhiệm mầu! Nay ông cần gì, tôi sẽ cung cấp hết. Những thứ vàng bạc, châu báu, hoa hương, phướn lọng, y phục, nhạc khí, tôi sẽ cấp cho ông tất cả để ông cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồtát Đàm-vô-kiệt. Ông chớ nên hủy hoại thân thể. Tôi cũng sẽ giúp ông đến chỗ Bồtát Đàm-vô-kiệt cùng ông vun trồng căn lành để được pháp nhiệm mầu như lời ông nói đó.

Lúc ấy, trời Đế Thích hiện lại nguyên hình khen ngợi:

–Lành thay, lành thay! Ông chịu đựng sự đau khổ như vậy mà chẳng động tâm. Các Đức Phật quá khứ lúc hành đạo Bồ-tát cũng giống như vậy mà cầu Bát-nhã ba-la-mật và năng lực phương tiện nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tôi thật chẳng dùng tim, máu, tủy người, chỉ đến để thử ông thôi, ông cầu mong điều gì, tôi sẽ giúp cho!

Tát-đà-ba-luân nói:

–Tôi cầu mong Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trời Đế Thích nói:

–Điều ấy sức tôi không làm được. Đó là cảnh giới chư Phật. Nhưng tôi quyết phải báo đền, vậy ông nên cầu việc khác.

Tát-đà-ba-luân nói:

–Nếu như vậy, xin thân thể tôi bình phục như cũ.

Liền đó, thân thể Tát-đà-ba-luân bình phục không còn thương tích, y như trước không khác.

Trời Đế Thích bỗng nhiên biến mất.

Nữ trưởng giả bảo Tát-đà-ba-luân:

–Người đến nhà tôi, cần thứ gì tôi sẽ xin cha mẹ tôi cấp cho. Tôi cũng sẽ từ giã cha mẹ rồi mang theo kẻ hầu hạ cùng người đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt để cúng dường và cầu pháp.

Tát-đà-ba-luân liền đến đứng ngoài cửa nhà nữ trưởng giả. Nàng vào thưa cha mẹ xin đủ đồ dùng để cúng dường và xin phép cha mẹ cho nàng mang theo năm trăm thị nữ vốn là kẻ hầu hạ cùng đi với Tát-đà-ba-luân đến chỗ Bồ-tát Đàmvô-kiệt để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Bồ-tát ấy sẽ vì chúng con mà nói pháp. Con sẽ thực hành đúng theo và sẽ được pháp của chư Phật.

Cha mẹ nàng hỏi:

–Tát-đà-ba-luân là ai?

Nàng thưa:

–Người ấy hiện đứng ở ngoài cửa. Người ấy dùng thâm tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, muốn độ tất cả chúng sinh khỏi vô lượng khổ sinh tử. Vì cầu pháp mà người ấy tự bán thân mình để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật. Bátnhã ba-la-mật được gọi là đạo phải học của Bồ-tát. Vì cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồtát Đàm-vô-kiệt mà Tátđà-ba-luân ở giữa chợ rao lớn: Ai muốn cần người, ai muốn mua người? Bán thân không ai hỏi mua, người ấy đứng một chỗ buồn bã khóc than. Trời Đế Thích hóa thành người Bà-lamôn đến thử thách hỏi duyên cớ. Tát-đà-ba-luân nói: “Tôi muốn bán thân để cúng dường Bát-nhã ba-la-mật và Bồ-tát Đàm-vôkiệt, nhưng vì phước mỏng nên chẳng ai hỏi mua.” Bàla-môn nói: “Tôi chẳng cần người, tôi muốn tế trời, phải dùng tim, máu và tủy người. Ông có bán được không?” Tátđà-ba-luân nghe nói hết buồn bã, vui mừng chịu bán không cần giá cả. Lúc ấy Tát-đà-ba-luân tay mặt cầm dao bén đâm vào cánh tay trái lấy máu, rồi cắt thịt bắp vế bên phải, muốn chẻ xương lấy tủy. Con ở trên gác ngó thấy vội xuống hỏi duyên cớ. Khi biết rõ duyên do, con hứa cung cấp đủ đồ cúng dường và ngăn người ấy hủy hoại thân thể. Con cũng hứa sẽ xin phép cha mẹ cùng đi với người ấy đến cúng dường Bát-nhã bala-mật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt.

Cha mẹ nàng nói:

–Thật là hy hữu khó được. Người ấy tinh tấn vì pháp và rất ưa thích pháp tướng. Những Phật pháp ấy chẳng thể suy nghĩ bàn, là tối thượng Đệ nhất trên tất cả thế gian, là nhân duyên an vui của tất cả chúng sinh. Vì pháp ấy mà người ấy trang nghiêm bằng thệ nguyện rộng lớn. Cha mẹ cho phép con đến gặp Bồ-tát Đàm-vôkiệt để gần gũi cúng dường. Vì con đã phát tâm rộng lớn muốn được Phật pháp. Con tinh tấn như vậy lẽ nào chẳng được vui vẻ cho phép.

Được cha mẹ cho phép, nữ trưởng giả rất vui mừng, liền trang nghiêm năm trăm cỗ xe bảy báu. Đích thân nàng cùng năm trăm thị nữ sắm sửa đồ cúng dường, đem các thứ hoa tươi và hoa vàng, hoa bạc, những thứ y phục châu báu, chuỗi ngọc, hương thơm đặc biệt, đồ ăn uống thơm ngon, rồi cùng Tát-đà-ba-luân và năm trăm thị nữ, mỗi người ngồi một xe, cung kính trang trọng đi lần về phương Đông, thấy thành Chúng hương trang nghiêm bằng bảy báu, bảy lớp vây quanh, hào bằng bảy báu, hàng cây bảy báu cũng đều bảy lớp. Thành ấy rộng mười hai do-tuần, giàu thạnh an tĩnh, rất là vui sướng. Trong thành người dân đông đảo, có năm trăm thị xã, đường sá tương đối đẹp đẽ như tranh vẽ. Cầu kỳ bằng phẳng, rộng rãi, sạch sẽ.

Khi vào trong thành, họ thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi trên pháp tòa giữa đài cao đang nói pháp cho vô lượng trăm ngàn muôn ức thính chúng cung kính vây quanh.

Lúc thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, tâm Tát-đà-ba-luân rất vui mừng như Tỳ-kheo nhập Thiền thứ ba, nhiếp tâm an tĩnh, tự nghĩ rằng: “Theo nghĩa thì chúng ta chẳng nên ngồi xe đến chỗ Bồ-tát Đàm-vôkiệt.” Suy nghĩ xong họ liền xuống xe đi bộ. Nữ trưởng giả cùng năm trăm thị nữ cũng xuống xe đi bộ.

Bấy giờ, Tát-đà-ba-luân cùng nữ trưởng giả và năm trăm thị nữ với châu báu trang nghiêm cung kính vây quanh, đồng đến chỗ Bồtát Đàm-vô-kiệt.

Chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt có đài bằng bảy chất báu và trang nghiêm với ngưu đầu chiên-đàn đỏ, màn lưới kết ngọc quý che trùm phía trên, bốn góc đều treo châu báu ma-ni để làm đèn sáng và có bốn lò hương báu thường đốt hương thơm để cúng dường Bát-nhã bala-mật.

Trong đài có giường lớn bảy báu, giường nhỏ bốn báu đặt trên giường lớn. Bát-nhã ba-la-mật được biên vào lá bằng vàng ròng và thờ trên trang nhỏ. Các thứ phướn lọng trang nghiêm giăng che phía trên.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cùng những người nữ thấy đài báu thờ Bát-nhã ba-la-mật ấy có các châu báu trang nghiêm. Lại thấy trời Đế Thích cùng vô lượng trăm ngàn muôn các vị trời dùng hoa trời Mạn-đà-la, Chiên-đàn nghiền bột các thứ báu rải trên đài. Trên hư không trỗi âm nhạc trời để cúng dường đài báu ấy.

Tát-đà-ba-luân hỏi trời Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Vì sao ngài dùng vô lượng trăm ngàn các vị trời đem hoa hương trời và âm nhạc trời cúng dường đài ấy như vậy?

Trời Đế Thích đáp:

–Ngài chẳng biết ư! Đây là Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật, là mẹ của các Đại Bồ-tát, sinh ra các Đức Phật và che chở Bồtát. Bồ-tát học Bát-nhã ba-la-mật ấy thì thành tựu tất cả công đức, được các Phật pháp và Nhất thiết chủng trí.

Tát-đà-ba-luân liền vui mừng hỏi trời Đế Thích:

–Này Kiều-thi-ca! Bát-nhã ba-la-mật ấy là mẹ các Đại Bồ-tát, hay sinh các Phật và che chở Bồ-tát. Bồ-tát học Bátnhã ba-la-mật ấy thành tựu tất cả công đức, được các Phật pháp và Nhất thiết chủng trí nay ở chỗ nào?

Trời Đế Thích đáp:

–Trong đài cao ấy có giường lớn bằng bảy báu, trên giường lớn đặt giường nhỏ bằng bốn chất báu, Bát-nhã bala-mật được viết trên lá bằng vàng ròng tôn trí trên giường nhỏ ấy. Bồ-tát Đàm-vô-kiệt dùng ấn bảy báu ấn lên. Chúng ta không thể mở được để cho người xem.

Lúc ấy Bồ-tát Tát-đà-ba-luân cùng nữ trưởng giả và năm trăm thị nữ đem đồ cúng dường như hoa hương, chuỗi ngọc, phướn lọng chia làm hai phần: một phần cúng dường Bátnhã ba-la-mật, một phần cúng dường Bồ-tát Đàm-vô-kiệt đang ngồi trên pháp tọa.

Sau khi cúng dường Bát-nhã ba-la-mật xong, Bồ-tát Tátđà-baluân cùng các người nữ đem phần cúng dường thứ hai đến chỗ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt. Thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ngồi trên pháp tọa, liền vì pháp dâng đồ cúng dường lên Bồtát Đàm-vô-kiệt. Các đồ cúng dường ấy hiện lên hư không, phía trên Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, hóa thành đài hoa, trướng báu, lọng báu, bốn phía lọng báu treo thòng những phướn báu. Tát-đà-ba-luân và các người nữ thấy Bồ-tát Đàm-vôkiệt biến hóa như vậy lòng rất vui mừng nghĩ rằng: “Thật chưa từng có. Công đức thần thông của Bồ-tát Đàm-vô-kiệt là như vậy. Lúc hành đạo Bồ-tát mà năng lực thần thông đã được như vậy huống chi là lúc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Nữ trưởng giả và năm trăm thị nữ với lòng tin thanh tịnh kính trọng Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đồng nguyện rằng:

–Như Bồ-tát Đàm-vô-kiệt được các pháp sâu xa của Bồtát, như Bồ-tát Đàm-vô-kiệt cúng dường Bát-nhã ba-la-mật, như Bồ-tát Đàm-vô-kiệt ở trong đại chúng hiển bày giảng nói nghĩa Bát-nhã bala-mật, như Bồ-tát Đàm-vô-kiệt được năng lực phương tiện Bát-nhã ba-la-mật, thành tựu thần thông, đối với công việc của Bồ-tát được tự tại, chúng tôi cũng sẽ được như vậy.

Bồ-tát Tát-đà-ba-luân và các người nữ cúng dường Bát-nhã bala-mật và Bồ-tát Đàm-vô-kiệt rồi, đồng đảnh lễ Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, sau đó cùng đứng qua một phía.

Đứng qua một phía xong, Bồ-tát Tát-đà-ba-luân bạch với Bồtát Đàm-vô-kiệt:

–Ngày trước, lúc tôi cầu Bát-nhã ba-la-mật, ở trong rừng vắng vẻ nghe tiếng nói trong không dạy rằng: “Này thiện nam, từ đây người đi về phương Đông sẽ được nghe Bát-nhã bala-mật.” Tôi theo lời đi về phương Đông. Chẳng bao lâu tôi nghĩ rằng sao tôi chẳng hỏi tiếng nói trong hư không: “Tôi phải đi đến xứ nào, xa gần, nghe pháp với ai?” Tôi buồn bã khóc lóc, ở lại đó bảy ngày đêm, vì quá buồn bã nên tôi không màng ăn uống, chỉ nghĩ rằng lúc nào mình được nghe Bát-nhã ba-lamật. Lúc tôi đang buồn bã nhất tâm niệm Bát-nhã ba-la-mật như vậy thì thấy Đức Phật hiện thân trên hư không bảo rằng: “Ngươi chớ buông bỏ tâm đại nguyện, đại tinh tấn. Dùng tâm đại nguyện, đại tinh tấn ấy, ngươi đi về phương Đông cách đây năm trăm do-tuần có ngôi thành tên Chúng hương, trong thành ấy có Đại Bồ-tát tên Đàm-vô-kiệt, ngươi sẽ được nghe Bát-nhã bala-mật với Bồ-tát Đàm-vô-kiệt, Bồ-tát ấy là

Thiện tri thức nhiều đời của ngươi, thường che chở nhà ngươi.”

Được Đức Phật chỉ bảo xong, tôi đi về phương Đông, trong lòng chẳng nghĩ gì khác, chỉ tâm niệm bao giờ mình được thấy Bồ-tát Đàm-vô-kiệt vì ta mà nói Bát-nhã ba-la-mật?

Lúc ấy, tôi dừng lại giữa đường, đối với tất cả pháp, tôi được sự thấy biết vô ngại, được các Tam-muội Quán các pháp tánh… hiện ra trước. Tôi trụ trong các Tam-muội ấy, thấy vô lượng, vô số chư Phật mười phương giảng nói Bát-nhã bala-mật. Chư Phật khen tôi: “Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Thuở trước, lúc cầu Bát-nhã ba-la-mật, ta được các Tam-muội cũng như ngươi hôm nay. Được các Tam-muội ấy rồi thì được các Phật pháp.” Chư Phật nói pháp và an ủi tôi xong, bỗng nhiên biến mất.

Khi xuất định, tôi nghĩ: “Chư Phật từ đâu đến và đi về đâu?” Vì không thấy chư Phật nên tôi rất buồn bã.

Tôi lại nghĩ rằng: “Bồ-tát Đàm-vô-kiệt trước đây đã cúng dường chư Phật, gieo trồng căn lành, từ lâu thực hành Bát-nhã ba-lamật và năng lực phương tiện, đối với đạo Bồtát đã được tự tại, là Thiện tri thức của tôi, che chở tôi.” Tôi sẽ hỏi Bồ-tát Đàm-vô-kiệt việc ấy: “Chư Phật từ đâu đến và đi về đâu?”

Nay tôi hỏi Đại sư: “Các Đức Phật ấy từ đâu đến và đi về đâu?” Đại sư vì tôi nói chỗ Các Phật đến và đi cho tôi được biết. Tôi biết rồi cũng thường chẳng rời việc gặp các Đức Phật.