SỐ 221
KINH PHÓNG QUANG BÁT-NHÃ
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Vô-la-xoa, người nước Vu Điền
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 19

Phẩm 82: KIẾN LẬP

Lúc bấy giờ, Tu-bồ-đề suy nghĩ: “Đại Bồ-tát tu tập đạo nào mà được như ý, giữ vững thệ nguyện?”

Bấy giờ, biết ý nghĩ của Tu-bồ-đề, Đức Phật bảo:

–Sáu pháp Ba-la-mật là đạo của Đại Bồ-tát; ba mươi bảy phẩm Trợ đạo. Mười tám pháp Không, tám Bối xả, chín Thứ đệ thiền, mười Lực Như Lai và mười tám pháp Bất cộng. Tu-bồ-đề, các pháp đó đều là đạo của Bồ-tát. Ý ông thế nào? Có pháp nào Bồ-tát không học không? Nếu Bồ-tát không học hết các pháp thì không thành tựu trí Nhất thiết.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Các pháp đều là không thì sao Bồ-tát phải học hết các pháp? Cũng không có sở hữu, làm sao có ý nghĩ: Đây là đạo tục, là hữu lậu hay vô lậu, đây là hữu vi hay vô vi, đây là pháp phàm phu, đây là pháp của Thanh văn, là pháp của Bích-chiphật? Thế nào là Phật pháp?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Đúng vậy, đúng vậy! Các pháp thật sự là không. Giả sử các pháp không là không, thì Bồ-tát không thể nào đắc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì các pháp là không nên Bồ-tát đắc được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Tại sao hỏi như vậy, mà giả sử các pháp là không, vì sao Bồ-

tát có ý nghĩ, đây là đạo pháp, là tục pháp? Tu-bồ-đề, ý ông thế nào? Nếu chúng sinh biết tất cả pháp đều là không, thì Bồ-tát không cần chứng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bởi chúng sinh không biết tất cả các pháp đều là không, cho nên Bồ-tát chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát lấy các pháp làm cơ sở, vì chúng sinh mà thuyết pháp.

Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bồ-tát đạo, nên quán xét các pháp không phải chỉ là đắc suông như vậy, đều phải do hành, quán sở hữu của các pháp, không có chỗ nắm bắt không vào sáu pháp Ba-la-mật, không vào ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, cũng không vào ba thừa pháp. Vì sao vậy? Vì sở hữu của các pháp đều tự nó là không, không cũng không vào trong không; không còn không thể được, huống chi vào không. Cho nên Bồ-tát đối với các pháp, cũng không có chỗ vào ở trong các học pháp để quán xét chúng sinh làm những việc không có đầu mối.

Bồ-tát lại suy nghĩ, chúng sinh tuy làm việc không có đầu mối, nhưng dễ vượt qua, nhưng với phương tiện quyền xảo, hành Bát-nhã ba-la-mật thì được độ thoát.

Bồ-tát nói với chúng sinh rằng: Người hành Bố thí, có thể được nhiều tài vật, cũng chớ đối với của cải cống cao, của cải không có kiên cố. Bồ-tát hướng dẫn chúng sinh thực hành Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm, Trí tuệ phải đều như vậy. Tuy có người hành pháp ba thừa, cũng từng có cống cao, vì đó không bền chắc. Bồ-tát giáo hóa giúp đỡ như thế rồi, tuy hành Bồ-tát đạo mà không có chỗ vào. Vì sao? Vì các pháp không có sở hữu, cho nên các pháp không có chỗ vào. Đạo Bồ-tát cũng không có chỗ trụ, hành sáu pháp Ba-lamật cũng không có chỗ trụ, hành bốn pháp thiền cũng không có chỗ trụ. Vì sao? Vì thiền tự nó vốn không, người hành thiền cũng không, thiền sự cũng không; bốn Đẳng, bốn Không định, tám Bối xả, chín cấp độ Thiền cũng không có chỗ trụ, đắc pháp Thanh văn cũng không trụ trong ấy. Vì sao không trụ? Vì hai pháp không trụ. Hai pháp là gì? Không có chỗ trụ và không có người trụ vào đạo, cũng không có vui mừng nói: “Ta sẽ đắc quả Tu-đà-hoàn, cũng không trụ ở trong đó; ta sẽ đắc quả A-la-hán, Bích-chi-phật, cũng không trụ ở trong đó; ta sẽ đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Vì sao? Từ lúc phát tâm đến nay, ta không hướng đến đạo khác, chỉ hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao? Vì Bồ-tát khi phát tâm rồi, cho đến trụ vị Thập trụ, cũng không ở ngoài đạo, chỉ hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tu-bồ-đề! Thân, khẩu, ý của Bồ-tát chỉ hướng đến đạo ấy, Bồtát an trú trong đạo ấy, không sinh các việc khác.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp không có sự sinh, thì sao nói rằng Bồ-tát sinh được đạo ý.

Phật bảo:

–Đúng vậy, đúng vậy! Các pháp không có sự sinh, các cõi không có người nào tạo tác, nên đối với các pháp không có sự sinh.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Có Phật hay không có có Phật, pháp tánh có thường trụ không?

Phật dạy:

–Đúng vậy! Có hay không có Phật, pháp tánh vẫn thường trụ. Bởi chúng sinh không biết pháp tánh vẫn thường trụ, cho nên Bồ-tát tạo nhân duyên để độ thoát họ.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vì sinh ra đạo lý, nên được đạo phải không?

Phật dạy:

–Không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Không sinh đạo ý được đạo phải không?

Phật bảo:

–Không phải vậy!

Tu-bồ-đề thưa:

–Cũng từ nơi không sinh không diệt mà được đạo phải không? Phật bảo:

–Cũng không phải!

Tu-bồ-đề thưa:

–Nếu không phải vậy thì do nhân duyên gì mà được đạo?

Phật nói:

–Đạo thì không phải từ độ, mà cũng không phải không từ độ.

Tu-bồ-đề! Đạo chính là độ, độ mới là đạo.

Tu-bồ-đề thưa:

–Nếu đạo là độ mới gọi là đạo thì Bồ-tát đã được đạo, đã được độ. Sao nói rằng Như Lai có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười Lực Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, bốn Đẳng, bốn Không định, mười tám pháp Bất cộng?

Phật bảo Tu-bồ-đề:

–Ý ông thế nào? Phật có đắc đạo chăng?

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không phải vậy. Phật là đạo, đạo là Phật.

Phật dạy:

–Tu-bồ-đề! Vì sao nói rằng, Bồ-tát thực hành đạt đạo Bồ-tát nên đầy đủ sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, mười Lực Như Lai, bốn Vô sở úy, bốn Vô ngại tuệ, bốn Thiền, bốn Đẳng, mười tám pháp Bất cộng. Trí tuệ đối với một tướng, từ Tam-muội Kim cang được đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì thế cho nên gọi là Như Lai đối với các pháp được tự tại.

Tu-bồ-đề bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm sao có thể thanh tịnh được cõi Phật?

Phật dạy:

–Bồ-tát từ lúc phát tâm cho đến nay thường thanh tịnh thân, khẩu, ý và giáo hóa người khác làm như vậy.

Tu-bồ-đề thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác của Bồ-tát?

Phật dạy:

–Thân, khẩu, ý phạm mười điều ác, ghen ghét, phạm giới, sân hận làm não loạn tâm ý, buông lung, ác trì. Tu-bồ-đề, đó là ý nghĩ ác của Bồ-tát. Giới không thanh tịnh, đó cũng là ác, xa lìa ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, lìa ba môn Giải thoát cũng là ác; gần đạo Tuđà-hoàn cho đến Bích-chi-phật đó cũng là ác, đó là việc làm ác của Bồ-tát.

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát có năm ấm, mười hai xứ đó cũng là ác; có tướng nam người nữ, có tướng của ba cõi, có tướng thiện ác, có tướng hữu vi vô vi, đó là thân, khẩu, ý ác của Bồ-tát. Cho nên, khi Bồ-tát bỏ các việc ác rồi, tự thực hành sáu pháp Ba-lamật, cũng khuyên người tinh tấn thực hành sáu pháp Ba-la-mật đem công đức cho chúng sinh cùng nhau làm cho cõi Phật thanh tịnh, đem bảy báu trong ba ngàn thế giới cúng dường Tam bảo, Bồtát phát nguyện: “Làm cho tất cả những gì trong cõi nước của con đều thành bảy báu.”

Lại nữa Tu-bồ-đề! Bồ-tát đem âm nhạc, giảng đường, tinh xá cúng dường Phật, Thế Tôn và phát thệ nguyện: “Làm cho cõi nước của con thường nghe nhạc trời.”

Tu-bồ-đề! Bồ-tát đem các mùi thơm ở trong ba ngàn cõi nước cúng dường Tam bảo và phát nguyện: “Làm cho cõi nước con thường có hương thơm của chư Thiên.”

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát đem thức ăn có năm trăm vị để cúng dường Như Lai và chúng đệ tử, lại phát nguyện: “Khi con thành Phật, các đệ tử tự nhiên được thức ăn trăm vị.”

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát dùng hương bôi vào thân, cúng dường Phật cùng các đệ tử, phát thệ nguyện: “Khi con thành Phật làm cho cõi nước, thân thể những người ở trong nước được trơn mịn có mùi thơm thanh khiết như chư Thiên.”

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát với thiện nguyện đem năm sự ưa thích ở đời cúng dường Đức Phật và chúng đệ tử, lại phát thệ nguyện: “Khi con thành Phật, làm cho cõi nước của con và tất cả chúng sinh tùy ý mong cầu năm thứ lạc đều được đầy đủ.”

Lại nữa, Tu-bồ-đề! Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật và phát thệ nguyện. Tự thực hành bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Không tịnh, giáo hóa chúng sinh làm cho thực hành bốn Thiền, bốn Đẳng, bốn Không tịnh. Tự mình thực hành ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, khuyên các chúng sinh làm cho họ thực hành theo và phát thệ nguyện: “Khi con thành Phật chúng sinh trong cõi nước của con đều không xa lìa bốn Thiền, bốn Không định và ba mươi bảy phẩm Trợ đạo.”

Tu-bồ-đề! Đó là Bồ-tát làm thanh tịnh cõi Phật, Bồ-tát hành đạo viên mãn các nguyện. Nếu không hoàn thành các nguyện thì tiếp tục hành đạo, tự mình thực hành đầy đủ các thiện pháp cũng hoàn thành thệ nguyện cho chúng sinh. Người khuyên dạy thực hành như thế thì thân được tướng trăm phước đức, những người nhận sự dạy bảo cũng như vậy. Cho nên, Bồ-tát làm thanh tịnh cõi Phật. Thế nào là thanh tịnh? Không có ba đường ác, không có tà kiến, không có dâm, nộ, si; không có tên của hai địa, không có vô thường, không có vô ngã, khổ, không; không có gia nghiệp, cũng không có chấp ngã, không có chỗ vệ sinh, không có chịu quả báo, chỉ nghe tiếng Không, Vô tướng, Vô nguyện. Nghe âm thanh trong ngoài, ví như gió thổi qua. Nơi phát ra âm thanh như tướng của các pháp. Có Phật hay không có Phật thì các pháp luôn luôn không. Không là không có tướng, không có tướng là cũng không có nguyện. Âm thanh phát ra dạy họ như vậy. Ngày đêm biết khi nằm, khi thức, khi ngồi, khi đi thường nghe âm thanh đó; hoặc khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong cõi nước kia đều như vậy. Được mười phương Phật pháp tán thán khen ngợi danh hiệu công đức của Phật ấy. Tất cả chúng sinh nghe danh hiệu Đức Phật ấy chắc chắn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bấy giờ, Đức Như Lai nói pháp rộng khắp, người nghe không còn hồ nghi, đó là pháp hay phi pháp. Vì sao? Vì pháp của chư Phật không có phi pháp, đều là chánh pháp. Các người không có công đức trồng căn lành đối với Phật và các đệ tử, nên chưa được hiểu biết chân chánh liền thấy có ta và người. Thấy có ta và người rồi, liền rơi vào sáu mươi hai kiến chấp; vào các kiến chấp rồi, liền chấp ở một bên; chấp ở một bên rồi thì chấp trước có thường, chấp trước có thường rồi, liền chấp vào có đoạn. Trong sự nhận thức bất bình đẳng mà tưởng là hiểu biết đúng đắn, ở nơi giác ngộ bình đẳng lại tưởng rằng không có giác, pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp, nên hủy báng chánh pháp; hủy báng chánh pháp rồi, liền mất thân người đọa vào ác thú, địa ngục. Bồ-tát và chư Phật thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác mới độ thoát họ được, độ thoát rồi cần phải tu tập theo pháp ba thừa, không để đọa ác thú.

Tu-bồ-đề! Đó là Đại Bồ-tát làm thanh tịnh cõi Phật; thanh tịnh cõi Phật rồi, tất cả chúng sinh cũng không có pháp đó, cũng không có phi pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi vô vi, đều đạt đến Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.